Ngọai ô



Ngày giáp Tết có dịp đi khỏi thành phố về vùng ngọai ô, nơi mà cách đây không lâu vẫn còn là một thị trấn náo nhiệt đêm ngày...
Khi ấy cả thị trấn nhỏ này là một ga xe lửa lớn của các tuyến đường sắt phía Bắc. Mỗi ngày hàng chục chuyến tàu qua đây. Tàu nhanh, tàu chợ, tàu hàng... ầm ào sình sịch kéo theo sau nó cột khói than đen sì lẫn trong bụi hơi nước mờ mịt phun ra từ chiếc còi lớn trên đầu tàu. Thị trấn xanh màu áo công nhân đường sắt bởi nơi đây còn có một nhà máy lớn đóng và sửa chữa xe lửa. Những dãy nhà trệt mái tôn, mái phibro xi măng trải dài theo những con phố nhỏ có hàng cây bàng, cây xà cừ mát rượi. Cư dân trong thị trấn phần lớn là công nhân, nhân viên đường sắt, một số là công chức, còn lại buôn bán nhỏ và bán hàng rong trên những chuyến tàu.
Bây giờ, khi cây cầu cổ xưa nối liền thành phố và thị trấn không còn là con đường huyết mạch nữa vì đã có cầu mới thay thế, đi qua thị trấn chỉ còn vài chuyến xe lửa, thị trấn cũng mất đi sự náo nhiệt ngày nào. Nơi có đường lộ lớn nối liền với quốc lộ 5 trở nên sầm uất với nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... Phần còn lại của thị trấn dường như bị bỏ quên, thị trấn như lặng lẽ hơn tuy những ngôi nhà, cửa hàng, chợ búa đã mang bộ mặt mới khang trang hơn trước. Thế nhưng trên những con phố nhỏ hàng cây bàng, cây xà cừ vẫn thế. Qua gía lạnh mùa đông cành khẳng khiu giao nhau dù chỉ còn lơ thơ vài chiếc lá… gợi nỗi nhớ mơ hồ đến những gì tốt đẹp đã qua...
Dọc đường đê những người phụ nữ ngồi bên những rổ đầy khế, quả lớn năm cánh căng mọng nước, màu xanh ngọc của hơi se lạnh mùa đông, màu chớm vàng của ngày heo may, màu vàng mật của nắng chiều như nhuộm cả vào trái chín...
Ngày đang qua, và ngày cũng sẽ trở thành quá khứ...
Bao giờ ta có cơ may: ăn khế… được trả lại thời gian ta ở bên nhau...?

18 nhận xét:

  1. Quán mình ngồi bữa chị ra HN có tên NGOẠI Ô đấy ah.:))

    Trả lờiXóa
  2. Chị ơi 'bao giờ' không khó vậy đâu. Chị ra, nếu chị lại thích, mình lại ngồi NGOẠI Ô (bên nhau).
    :)

    Trả lờiXóa
  3. Ái Mộ, Ngọc Lâm, những cái tên ấy có còn không? rồi tới nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy thì chắc là vẫn ở đó bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
  4. É, ngoại ô HN hay lắm. Nhiều cây, đôi chỗ hoang sơ và sạch sẽ hơn nội thành. Đặc biệt, dù nghèo sơ xác nhưng gương mặt con người nhìn dễ chịu hơn hẳn :-D

    Trả lờiXóa
  5. Mình nhớ hồi nhỏ có đọc một truyện ngắn của bác Thanh Tịnh (không nhớ chính xác lắm) nói về chuyện tình của môt cô gái không biết chữ với một anh công nhân hỏa xa ở một ga xép. Câu chuyện kết thúc thật buồn. Buồn như những ga xép vắng người ấy.

    Không hiểu sao, đọc truyện này của bạn, tôi nhớ tới truyện đã đọc và buồn suốt về những gì đã mất của một thời. Hic

    Trả lờiXóa
  6. Tại sao người ta lại gọi là NGOẠI Ô vậy chị? NGOẠI là bên ngoài...thế thì Ô là gì?

    Trả lờiXóa
  7. Lu: Ô là khu vực em ạ! Nội ô là khu vực Nội thành, còn Ngoại ô là khu vực ngoại thành. Anh cứ liều mạng giải thích thế tí nhé! Hì hì!

    Trả lờiXóa
  8. @ Nặc danh, Lana: Uh, nhớ NGỌAI Ô ấy lắm :)
    @ Đỗ: bạn còn nhớ xã/ làng Ngọc Thụy ko? Những tên ấy còn nhưng... thành phường rồi. Nhà máy ko còn như xưa...
    @ Titi: ngày xưa người làng trông hiền lành... giờ thành "người phố" rồi, chả đi đâu mà hương đồng gió nội cũng bay mất.
    @ A Thụy: trong tập truyện Quê Mẹ của bác Thanh Tịnh anh ạ. Nhân vật chính là cô Lý - mang tên người con gái ở lại Huế với vợ bác. Nhà em thân với bác Thanh Tịnh lắm!

    Trả lờiXóa
  9. Chị Hậu:
    Bài thì "ngoại ô", nhưng ảnh thì lại "nội ô" chị ạ...

    Trả lờiXóa
  10. @ Lu, A Thụy: mình nghĩ: từ "ngọai Ô" chỉ có với đô thị kiểu phương Tây, có cấu trúc đường phố như ô bàn cờ. Mở rộng ra thành phố như một ô vuông lớn. Thời trung cổ chỉ có Thành Nội (thành bao bọc Hòang thành hay Cấm thành) và Thành Ngọai (bao bọc quanh kinh thành).

    Trả lờiXóa
  11. @ CMV: hôm qua tìm mãi ko có cái ảnh ngọai ô nào, chọn cái này vì có... cây bàng trơ cành, em ạ ;)

    Trả lờiXóa
  12. @Chị Hậu: Thử xem ảnh này có phù hợp không nè: http://tintuconline.vietnamnet.vn/Library/images/5/2009/12/ngay21/duongray.jpg

    Trả lờiXóa
  13. Chị Hậu, anh Thụy : ồ thế ra Ô là ám chỉ về khu vực, vùng...thế chử Ô nó là tiếng bắt nguồn từ đâu? mình mượn của tiếng nào để biến thành tiếng Việt? thế thì từ NGỰA Ô và NGOẠI Ô nó khác nhau như thế nào? em nghe bài dân ca LÝ NGỰA Ô từ lâu đã thắc mắc từ Ô ở đây. Người bắc lại dùng từ Ô nói về cây dù nữa. Anh Thụy và Chị Hậu có biết thì giải thích cho em mí.

    Trả lờiXóa
  14. @ VMC: ummm, ko đúng ý chị lắm...
    @ Lu: 1)Ô trong ngọai/ nội ô chỉ khu vực
    2) Ngựa ô là ngựa màu đen (từ hán - viật)
    3) Ô dù: chị nghĩ cũng gần giống nghĩa thứ 1, nghĩa là chỉ một khỏang không gian có giới hạn (mà ô, dù che). Chị chưa rõ từ ô/ dù xuất phát từ đâu, nhưng cái ô là vật dụng có nguồn gốc từ TQ và sau này từ Tây phương du nhập vào VN. Gần với ô dù và xưa hơn còn có Lọng (dùng cho Vua, quan).

    Trả lờiXóa
  15. @LU:
    "Từ điển tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, năm 1997 định nghĩa "ngoại ô" như sau: Vùng ở rìa nội thành của thành phố.
    Còn "ô" trong từ "ngựa ô" là tính từ chỉ màu đen.

    Trả lờiXóa
  16. Chị Hậu , anh Cường : he he, thế mà em lại cho rằng con ngựa ô là con ngựa ngoài thành :))...bi giờ có thể hiểu được câu "cầu ô thước" trong Ngưu Lang Chức nữ có nghĩa là cây cầu làm toàn bằng mấy con ô thước màu đen.

    Trả lờiXóa
  17. @LU:
    Sao không nói cầu Ô Thước là cầu làm từ những cái thước kẻ màu đen?
    Thực ra thì theo truyền thuyết, cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.

    Trả lờiXóa
  18. @ anh Cường : ồ, thì ra cầu Ô Thước được ghép bởi 2 loại chim. Thế mà em cứ nghĩ chỉ có 1 con chim Ô Thước bắt cầu thôi.

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...