@ Linh tinh lang tang. (129) - VAI


Hồi còn nhỏ, một lần tình cờ xem trên một tờ họa báo Liên xô tấm hình một đôi thanh niên đi dạo trên đường phố. Anh mặc áo thun sọc ngang quần jeans chị mặc áo đầm chấm bi cổ áo lá sen mềm mại. Hai hai đều đẹp, tất nhiên, nhưng điều làm mình nhớ mãi đến giờ là cái kiểu anh khoác vai chị và chị nép đầu vào vai anh, tự nhiên như thể họ đã được sinh ra trong tư thế ấy. Xung quanh mọi người vẫn đi nhưng dường như hai người chỉ thấy có họ, dù rằng họ không nhìn nhau…
Mình lén ông già cắt tấm hình ra khỏi tờ họa báo và dán lên chiếc hộp giấy nhỏ là nơi đựng những tấm ảnh hiếm hoi mình được chụp khi còn ở Hà Nội.
Mình nhớ như in vẻ mặt hai anh chị cho đến bây giờ! Đôi khi tự hỏi vì sao tấm hình ấy lại gây ấn tượng với mình đến như vậy?
Một bờ vai! Phụ nữ ai cũng cần một bờ vai để dựa/tựa/ngả vào, kể cả lúc vui lúc buồn lúc cô đơn và ngay cả chốn đông người. Bờ vai không chỉ là “sở hữu” (ừ, một vài bạn hay thể hiện “quyền sở hữu” bằng cách này J  ), mà là sự chia sẻ, nâng đỡ, đơn giản chỉ là sự nhắc nhớ “có anh đây nè, em”. Đàn ông cũng cần một bờ vai mềm mại kề sát bên mình, để mình thấy mình là đàn ông,biết mình được một người cần mình đến thế… Khi vắng một bờ vai cả hai đều chống chếnh, quay bên nào cũng lệch, yêu là thế!
Lại nhớ, đọc ở đâu đó câu chuyện, mẹ hỏi con trai sắp lấy vợ: con biết cái gì quan trọng nhất của người chồng đối với vợ không? Và người mẹ trả lời: đó là đôi vai của con!

Một đêm mất ngủ nằm nghĩ linh tinh, đúng “chuẩn” già J


CHUYỆN TÀO LAO (1)




Hậu khảo cổ

Chó sủa
Nhà nuôi một bầy chó, ban đêm chúng sủa ầm ĩ nếu có động tĩnh. Thế nhưng ban ngày chẳng có ai chúng cũng luôn nhấm nhẳng gầm gừ lẫn nhau… Chủ nhà bực lắm, mắng: chúng mày sủa gì lắm thế? Bọn chó tranh nhau mách: tại vì ban đêm thằng Vện với con Vàng sủa không giống như ông chủ dạy.

Ve chó
Mấy con ve bấu trên người con chó cũng tự phân chia thứ bậc. Căn cứ để xếp loại không phải theo loài to nhỏ mà theo vị trí: Con bấu trên đầu thuộc đẳng cấp cao hơn con bấu vào đuôi.
Một ngày bọn ve họp nhau lại.Thấy con ở đầu béo múp, con ở đuôi trầm trồ: Công nhận chất xám của anh hơn hẳn bọn em, thảo nào anh tìm được nơi ngon ăn quá!

Két
Nhà kia nuôi một con Két suốt ngày nó kêu nheo nhéo “ông chủ đẹp giai, ông chủ đẹp giai”.
Chim sẻ thấy vậy sà xuống hỏi “anh nói dối luôn miệng như vậy không thấy xấu hổ à?”. Két khinh khỉnh đáp: mày ngu thế thảo nào phải tự kiếm thức ăn.

Chuyện Cải
Dạo này người ta nói nhiều về em vì họ ăn em nhiều nhất. Cải Xanh vênh mặt nói.
Cải Ngọt cãi: chú tự tin quá, họ nói về chị vì dễ ăn: xào, luộc, nấu canh, lẩu đều được, không đắng cay như chú.
Cải Bắp khinh khỉnh: “báo lá cải” có nguồn gốc nước ngòai từ tôi, cô cậu biết gì mà tranh nhau.
Dưa Cải bèn nói: các em biết một mà không biết mười. Ai trồng ai tưới? Trồng lọai nào bán gì ra chợ là do ông chủ, nhá!


Chó cắn
Sếp bị chó hàng xóm cắn trộm, lính ngày nào cũng qua nhà hàng xóm theo dõi con chó. Vài ngày sau thấy nó bình thường, lính mừng rỡ nói với sếp: con chó vẫn khỏe sếp ạ, chắc sếp sẽ không bị lên cơn dại!
Sếp sầm mặt: dại là dại thế nào?
Lính vội chữa: vâng, sếp khôn thế chó dại mà cắn cũng chả ăn thua!




Linh tinh lang tang (128) SÁCH CỦA LÊ HOÀNG


Vừa đọc xong bài “Cùng con học sử” của mình, lão bạn Lê Hoàng ghê gớm đanh đá gọi điện thoại hỏi mình rằng đã đọc cuốn này của lão chưa? Rằng tại bà chưa đọc nên mới phí công viết ra cái bài này, mà ai đọc cuốn truyện này của lão rồi thì chả thèm đọc bài báo ấy vì cần làm gì để học sinh học Sử tốt thì lão đã viết cả rồi… Nghe tui nói ko biết chưa đọc cuốn này, lão nói ngay “nhà bà ở đâu để tôi mang sách qua cho bà, 15 phút nữa, đúng bà là người không thông minh nên không đọc sách của tôi!”
Giữa trưa nắng như nung 15 phút sau lão đến thật, mang cho cuốn sách và lời dặn: tôi chỉ viết về teen và cho teen chứ không phải cho gái già như bà, nhưng bà cần phải đọc để mà “hồi teen” chứ đừng đọc của Osin cho nó hư hết cả người.
Haha, hai lão bạn ghê gớm hai kiểu khác nhau nhưng hay chòng chọe đố kỵ với nhau vì mấy gái trẻ xung quanh… Hai lão đều có chung một thú vui tao nhã là chê tui già lão xấu xí. Thôi mình là nguyên cớ cho hai lão ấy đoàn kết trong giây lát cũng được. Tiếc rằng, giống hệt như nhiều người Việt, hai lão chỉ đoàn kết khi nói xấu ai đó Biểu tượng cảm xúc smile
Nhưng thật, cuốn này của lão Lê Hoàng rất thú vị, nói về việc dạy/học sử nên tui PR giùm lão ở đây, tất nhiên là lão có cậy nhờ vì lão không có FB. Bọn trẻ đọc chắc sẽ thích, mà già cũng thích vì viết cho teen nhưng không chỉ để teen đọc, như nhiều cuốn khác của lão.
Tranh thủ nói xấu lão tí: tui chỉ xem phim của Lê Hoàng trước khi có Gái nhảy Biểu tượng cảm xúc grin

GỌI LÀ THƠ (11) NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ LÀM THƠ

(cho P.N.T.Đ và P.H.T)

Cực chẳng đã
Đa đoan
Vui buồn hờn giận
Không biết trút vào đâu
Đành làm thơ
Gửi tạm

Yêu thương và thất vọng
Không thể gửi gió mang đi
Lại buộc vào lòng nặng trĩu
Trải ra từng con chữ
Chia sẻ nỗi đau
Ai cũng như ai
Đàn bà cả tin nhẹ dạ...

Tình yêu của chúng ta có khác?
Nỗi đau của ai nhẹ hơn?
Tổn thương nào dễ “bỏ qua”?
Thất vọng về ai là phù phiếm?

Dù chúng ta yêu ai: chồng, con, bạn bè hay người tình 
Cũng là một tình yêu trong vắt 
Từ trái tim khờ dại “trên đầu” 
Không bao giờ ta nghĩ mình nhầm lẫn!

Những người đàn bà làm thơ
Đa đoan và mạnh mẽ
Cho đi không cần lấy lại
Lỡ lầm nào chấp những ai
Đã trao tất cả yêu thương
Tiếc gì vài câu thơ vụn

Nhân gian hẹp bụng
“Dù sao vẫn cứ đàn bà”
Nhận nhiều từ nơi đã sinh ra 
Vẫn luôn miệng bỉ bai hơn kém.

Những người đàn bà làm thơ
Lỗi lầm một phút mà xơ xác đời.

20/10/2015

LAN MAN TỪ THÀNH ĐÔ (TỨ XUYÊN, TQ)

1.    Một thoáng Thành Đô. 
Có công việc nên tôi đến Thành Đô vào tháng 10 chớm thu – mùa đẹp nhất của Tứ Xuyên, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng như Cửu Trại Câu, Lạc Sơn, Nga Mi… Ngay cả Thành Đô cũng nhiều di tích nổi tiếng và có Bảo tàng Tứ Xuyên rất thú vị. Thành Đô còn là trạm dừng quan trọng cho những người đi lên Tây Tạng hay từ đó về, trước khi đi nơi khác. Đi trên đường phố Thành Đô gặp nhiều khách du lịch, khách đoàn hầu hết là người Trung quốc, ít hơn là người Hàn, người Việt, còn khách Âu, Mỹ phần lớn đi du lịch ba lô. 
Thành Đô là thành phố của tỉnh Tứ Xuyên, hình thành và phát triển từ hơn hai ngàn năm trước nhưng thực sự hiện đại “trẻ hóa” khoảng hai mươi lăm năm nay. Đến năm 2013 Thành Đô có khoảng 14 triệu dân và là trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Tây Nam Trung quốc. Cũng giống như nhiều thành phố khác Thành Đô xây dựng hạ tầng khá bài bản: đường xá rộng rãi mỗi bên có ba, bốn làn xe, có làn đường riêng cho xe bus, vỉa hè rộng rãi nhưng trừ những đoạn có bến xe bus hay ga metro dành toàn bộ cho người đi bộ, còn lại nhiều đoạn vỉa hè cho xe máy điện, xe đạp được chạy lên, là nơi đậu xe hơi (dừng lâu thì phải mất phí), do vậy tránh đường kẹt đường vào giờ cao điểm và cũng nâng cao hiệu quả của việc đầu tư lát vỉa hè bằng đá rất bền và sạch đẹp. Đường xá ở Thành Đô có cả hầm chui và cầu vượt, tàu lửa cao tốc và rất nhiều xe hơi do Trung Quốc sản xuất gồm xe cá nhân và xe công cộng, ngoài ra trên đường còn có xe máy điện, xe đạp… đi theo làn dành riêng. Phát triển xe hơi cá nhân và phương tiện công cộng đã trở thành quy luật của nhiều thành phố lớn. Khác TP.HCM những giao lộ ở đây rộng thênh thang không hề có “bùng binh” (đảo giao thông) chiếm diện tích đường đi thêm kẹt xe mà điều tiết bằng vạch kẻ và nhiều tín hiệu đèn khác nhau cho xe chạy thẳng, rẽ phải, trái, người đi bộ… Đèn đường thường khá lâu, trung bình 45 giây đến 90 giây, hàng xe dài kiên nhẫn chờ đợi, luôn có cảnh sát giao thông kịp thời phân luồng xe chạy. Không kể metro thì riêng xe bus đã có hơn 300 tuyến “phủ sóng” khắp thành phố và ngoại ô, nối liền các khu đô thị mới, giá rẻ, cứ 5,10 phút có một chuyến, dù cách trạm 5m phải dừng thì cũng không mở cửa lên xuống mà đợi vào đúng bến, nhờ vậy người chờ đứng đứng chỗ và tránh cảnh người lên xuống lòng đường lộn xộn.
Khắp thành phố chỗ nào cũng rợp cây xanh kể cả những khu đô thị mới, con đường mới. Phố xá sạch sẽ dù rất đông người qua lại, thùng rác đặt khắp nơi, ở trạm dừng, cả trên xe bus, xe đò… Nhà vệ sinh công cộng cũng vậy, có nơi thu phí nơi không nhưng đều có người trực dọn dẹp. Giáo dục ý thức thị dân đi cùng với việc tạo điều kiện cho họ thực hiện nếp sống đô thị, đồng thời phạt nghiêm những ai vi phạm (chặt một cành cây, xả rác hay vi phạm giao thông…), giải pháp đó luôn có tác dụng tích cực trong sinh hoạt ở đô thị, mang lại sự nền nếp trong giao thông đến giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Ngoài đường phố có khá nhiều người đứng tuổi. Những công viên và di tích, danh thắng trong thành phố đều miễn phí cho người hưu trí, nơi nào cũng thấy người lớn tuổi ngồi từng nhóm trò chuyện, chơi cờ, tập thể dục hay múa theo nhạc loa vang vang… Xe bus cũng miễn phí cho người trên 60 tuổi. Gia đình ở thành phố thì ít người, con cái hầu như không sống cùng cha mẹ, các cháu đi học… nên ông bà rảnh rỗi đi chơi, lại không mất tiền, lại gặp bạn bè vui vẻ, thế nên người già chẳng cần quan tâm gì nhiều. Buổi tối tại các quảng trường, giao lộ lớn đều có màn hình phát thời sự của đài truyền hình, vậy nên không có internet cũng không sao… giới trẻ chỉ cần mạng của Trung Quốc là có thể nghe xem tìm kiếm nhiều thứ… Tất cả mang lại cho người dân thành phố cảm giác “đầy đủ” những nhu cầu vật chất thiết yếu, mà nhu cầu tinh thần thì đã có múa hát ngoài công viên, đi chùa chiền, đi tham quan, có nhạc C (China) pop, truyện ngôn tình… “Đất nước ta rộng lớn đi cả đời không hết”, ngày còn nhỏ tôi đọc câu này ở đâu đó trong một cuốn truyện của Trung quốc, có lẽ bây giờ người dân của họ vẫn nghĩ vậy, chỉ cần biết chuyện của mình sức đâu quan tâm đến chuyện nước khác! Những ngày ở đây có lẽ chỉ khách du lịch là “khổ sở” vì không vô được internet. May quá tôi có cậu học trò ở bên này lâu năm nên rành chuyện “trèo tường”, nhờ vậy còn vào mạng được.
Trung quốc nói chung và Thành Đô nói riêng rất biết khai thác văn hóa cho du lịch. Bất cứ gì họ cũng biến thành sản phẩm du lịch không chỉ là di sản văn hóa hay danh lam thắng cảnh. Trên đường đi từ Thành Đô đến Cửu Trại Câu, do dường chính bị tắc nên xe đò đi đường nhỏ qua làng quê của Thi tiên Lý Bạch (thời Đường).Từ trên đường cao nhìn xuống cánh đồng thấy nổi lên dòng chữ Hán rất lớn “Nơi sinh của Lý Bạch” trồng bằng cây cải hoa vàng trên nền cỏ xanh. Chỉ có vậy mà người ta ùn ùn đổ về chụp hình với dòng chữ này, rất nhiều đôi trẻ đến đây chụp hình đám cưới, cả làng thành khu du lịch. Tại Thành Đô có một khu phố nhỏ được bảo tồn (và trùng tu khá nhiều), nơi này trước đây là khu buôn bán chính của thành phố, đầu đường có bức tượng đồng mấy người lái buôn cùng con ngựa thồ hàng, tấm biển ghi rõ “điểm đầu phía Nam của con đường tơ lụa”, bức tượng  có nhiều chỗ bóng loáng do ai đi qua cũng xoa lên cầu mua may bán đắt. Một ngôi chùa cổ rộng mênh mông bên cạnh con đường làm phố đi bộ và ẩm thực vào chiều tối. Vỉa hè và lòng đường được lát đá đôi chỗ xen vào những viên chạm hoa văn rất đẹp, các nắp cống đúc nhiều loại hoa văn, có dòng chữ thông tin về thành phố hay đoạn phố. Đoạn vỉa hè dọc con đường dẫn đến khu nhà của thi hào Đỗ Phủ (thời Đường) còn có những viên gạch lát chạm khắc những bài thơ của ông (ở nước mình chắc không có ai dám đưa sáng kiến khắc thơ Nguyễn Du để trên đường đi, sẽ bị “ném đá” ngay vì tội coi thường thi hào và thơ nói chung!). 
Ở khu du lịch nào cũng đông nghìn nghịt những người, nhưng có lẽ chủ yếu là người Trung quốc nên không có nơi đổi tiền, ai không biết tiếng Trung thì thua vì ít người mua bán biết tiếng Anh. Thấy rõ một điều, du lịch Trung quốc phổ biến và đầu tiên là để phục vụ khách nội địa – điều mà Việt Nam chưa coi trọng. Không trách khách Việt Nam đổ sang du lịch Trung quốc, vừa nhiều nơi chốn tham quan, giá cả vừa phải, hàng hóa nhiều, lại được coi như “thượng đế”, chưa kể sở thích thói quen của phần đông người dân Việt cũng giống như người Trung, thường thích những nơi vui chơi giải trí và mua sắm, bây giờ có thêm sở thích chụp hình “tự sướng” nữa, đến đâu cũng thấy những chiếc gậy selfie giơ lên, chẳng ngắm nhìn cảnh đẹp mà ai cũng chỉ lo ngắm chính mình.
Thức ăn bình dân ở đây dễ ăn vì khẩu vị khá giống thức ăn Việt, trừ vài đặc sản Tứ Xuyên nhiều ớt khô, ớt bột – như món lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng. Bình dân là món trứng xào cà chua, canh củ cải trắng, dưa leo xào thịt heo, ít có món cá. Bánh bao “màn thầu” to hơn nắm tay, ăn một cái no từ sáng tới tối. Ngay cạnh ngôi chùa ở phố đi bộ có quán ăn chay lớn như một thiền viện, trang trí nhã nhặn, món ăn cũng không đắt lắm. Buổi chiều cuối cùng ở Thành Đô trời trở gió lạnh, chúng tôi ghé vào quán chay gọi vài món nóng. Thức ăn trông ngon mắt được bày trong đĩa sứ rất đẹp, nhưng vừa thử một miếng thì ho sặc sụa: trời ơi món chay gì mà cay hết biết! 
Đi trên đường phố Thành Đô thấy nhang nhác Hà Nội, có lẽ vì đa số dân chúng ở hai thành phố này nam phụ lão ấu ăn mặc giống nhau, nhất là vào ngày tiết trời trở lạnh? Một báo cáo về kinh tế cho biết hàng Trung Quốc nhập siêu, nhập lậu nhiều nhất vào Việt Nam ngoài thức ăn là quần áo, giày dép đồ dùng gia đình. Tại mấy trung tâm thương mại ở Thành Đô nhìn những cô cậu “thượng lưu” đang dùng “hàng hiệu” cũng có cái vẻ thỏa mãn như nhiều “đại gia” Việt. Chỉ có điều hàng TQ ở đây không quá rẻ vì chất lượng khá tốt, mẫu mã nhiều, “trăm hoa đua nở” nên dân chúng cũng chẳng cần gì hơn.
Cứ lẩn thẩn nghĩ ngợi, muốn “thoát Trung” kiểu gì thì cũng phải sản xuất đủ hàng tiêu dùng cho dân ta, hàng hóa nội địa cũng phải tốt chứ không chỉ hàng xuất khẩu. Thị trường hơn 90 triệu dân có phải là thị trường nhỏ không? Nếu dân mình còn chưa biết đến vẻ đẹp nước mình mà chỉ biết cảnh đẹp Trung quốc, hàng ngày còn phải dùng hàng Trung quốc từ cây tăm đến quần áo đến thức ăn thì “thoát” cách nào?!
2.    Đường đi Cửu Trại Câu
Đây là một thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là “thiên đường nơi hạ giới” - cách Thành Đô hơn 500km, phần lớn là đường đèo núi cheo leo. Từ bến xe trung tâm Thành Đô và từ Cửu Trại Câu từ 6g đến 9.30 sáng xe khách liên tục 5 phút một chuyến, đầy khách hay không cũng chạy đúng giờ. Xe sạch sẽ, tiện nghi, có wifi, chạy liên tục khoảng 12g thì đến nơi, dọc đường nghỉ hai lần 10 phút và một lần ăn trưa 20 phút. Tuy nhiên rất ít trạm dừng đàng hoàng rộng rãi như đường miền Tây Nam bộ ở Việt Nam. Chỉ ghé vào trạm xăng hay quán ăn cho khách đi vệ sinh miễn phí, nhưng khách thì đông mà nhà vệ sinh chỉ có 1,2 cái nam nữ chung nhau nên dân quanh đấy có “sáng kiến” tận dụng nhà vệ sinh trong nhà phục vụ khách, đó là một ngăn hẹp cạnh chuồng gia súc và kho trong gian nhà phụ, ngồi đó nghe heo bò kêu ngay bên cạnh, cầu tiêu không nước dội… Còn mấy nhà trọ hay khách sạn thì cho khách đi vệ sinh trong những phòng không có khách ở, sạch sẽ hơn chút, tất cả đều “thống nhất” thu phí 1 tệ/người. Dân du lịch phần lớn là người Trng quốc nên họ cũng khá tiết kiệm, nhiều người không muốn mất tiền nếu đã có nơi “miễn phí” nên cứ xếp hàng rồng rắn.
Quãng đường 12 giờ xe chạy bớt dài nhờ phong cảnh hai bên rất đẹp. Đường độc đạo men theo một bên là những ngọn núi một bên là con sông khi ẩn khi hiện khi nước chảy như thác khi lặng lẽ như hồ trên núi. Đường chỉ có hai làn xe chạy mà gần như xe nối nhau, xe khách xe hàng, thỉnh thoảng có xe máy điện, xe công nông… vậy mà không va quệt, cũng không thấy các bác tài bấm còi cáu gắt lấn đường, tốc độ xe luôn khoảng 50km/h chỉ khi gần về đến Thành Đô mới chạy tám, chín chục km. Hơn ngàn cây số đi về xe luôn chạy giữa những hàng cây được trồng ngay ngắn và rừng núi xanh rì đang ngả sang màu vàng mùa thu, không hề thấy những ngọn “núi trọc” như ở Tây Bắc hay Tây Nguyên nước ta. Sắc màu rừng núi luôn thay đổi, xa xa đỉnh núi tuyết trắng sáng rực, trời mùa thu xanh thắm, xanh rì rừng cây cuối hè, vàng lấp lánh lá cây chuyển mùa, nổi bật những cây lá đỏ chạy sớm về cuối thu. Dưới kia con sông nước xanh lục có khi trắng xóa sóng bọt thác ghềnh. Khoảng vài km lại có một cây cầu bắc qua, khi là cây cầu đá cũ kỹ chắc cũng gần trăm tuổi, nhiều hơn là cầu treo, đơn giản nhỏ bé nối liền làng nhỏ bên kia sông với đường quốc lộ bên này.
Đường núi hai ba tầng ngoằn nghèo liên tục có biển báo cua “tay áo”, người không quen dễ say xe. Trong xe luôn có tiếng khạc nhổ (nhưng là nhổ vào mấy cái túi xốp bác tài cẩn thận phát cho mọi người), thói quen khạc nhổ linh tinh không từ bỏ được nhưng có “điều chỉnh”. Tuy vậy luôn phải nhìn nghe khạc nhổ trên xe cũng như ngoài đường, trong quán… cũng bị “ức chế” lắm, đành coi như không thấy không nghe vậy, cũng như phải quen với tiếng nói chuyện như… cãi lộn của người ở đây. Sao âm nhạc truyền thống của họ thì êm dịu nhẹ nhàng mà tiếng nói thì ầm ào gay gắt thế không biết.
Quãng đường dài vậy nhưng không thấy công an đứng chốt hay trạm công an giao thông, thi thoảng có nơi gắn camera, chỉ có mấy trạm cân xe và trạm thu phí gần cửa ngõ các thành phố lớn. Việc chia làn đường, kẻ vạch, các biển báo đèn tín hiệu trên đường quốc lộ giống nhiều nước hiện đại khác. Có những đoạn đường đang sửa chữa, làm cầu mới thì sử dụng máy móc là chính, và làm đến đâu xong đến đấy không kéo dài đoạn đường sửa chữa, tránh kẹt xe và tai nạn, nói chung trên đường đi thấy các bác tài xe khách cũng rất tuân thủ luật lệ và biết nhường đường. 
Nhiều lần đi Trung quốc đến cả các thành phố lớn và qua nhiều vùng nông thôn, tôi nhận thấy  những vấn đề xã hội ở tầm vĩ mô, nhất là vấn đề “tam nông” thì cả họ và ta đều giống nhau, cũng chưa giải quyết được và có lẽ đây là mâu thuẫn lớn nhất trong xã hội. Vấn đề xã hội ở nhiều đô thị nước ta cũng như Trung quốc là quá trình nhập cư cùng với việc mở rộng đô thị hóa, cả hạ tầng cơ sở và tâm lý văn hóa người dân cùng lúc phải thay đổi nhanh chóng. Nhưng ở những thành phố Trung quốc từ nhiều năm nay thì việc quy hoạch xây dựng, đô thị hóa, điều hành xã hội có sự trật tự và nền nếp hơn. Tôi không nghĩ rằng ý thức người dân của họ tốt hơn, mà có lẽ cách quản lý đô thị của họ có khác chúng ta? 
***
       Những ngày tôi ở Thành Đô tôi luôn tự hỏi, bao giờ và bao nhiêu người VN quan tâm đến sự kiện “hội nghị Thành Đô 1990” mà nội dung của nó chưa được công bố? Một sự kiện nhằm “bình thường hóa” quan hệ giữa hai nước Việt – Trung nhưng đã 25 năm nay rất ít người biết đến. Cũng từ đó cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979, trận hải chiến Trường Sa 1988 mấy chục năm hầu như không được nhắc nhớ cho đến gần đây. 
 Và với tình hình dạy và học sử như hiện nay, có thể thấy trước, tương lai liệu còn ai quan tâm tìm hiểu những sự kiện lịch sử mà vì một lý do nào đó đã không hiện diện trong “chính sử”? 

Kết quả hình ảnh cho thành đô trung quốc

Đói nghèo mang gương mặt phụ nữ

(TBKTSG) - Ở đâu không có đói nghèo? Không ở đâu cả, chắc bạn đồng ý với tôi như vậy, dù là ở châu lục nào, khu vực nào trên thế giới.
Ở nhiều thành phố châu Á, châu Âu hay Mỹ, không khó để nhìn thấy những người ăn xin, người bán hàng rong cũng mắt trước mắt sau canh chừng, cũng bỏ chạy khi cảnh sát xuất hiện. Những làng mạc nơi châu lục ấy cũng không hiếm cảnh đói nghèo từ những ngôi nhà lụp xụp, những em bé thất học những người đàn bà sớm tàn tạ vì lao lực.
Nhưng cũng ở nơi ấy những người ăn xin, đàn hát kiếm tiền ở ga metro, bán hàng rong ở địa điểm du lịch, những người vất vả trên đồng ruộng hay đầu tắt mặt tối nơi đô thị thì phần lớn là thanh niên chân dài vai rộng, là đàn ông trụ cột gia đình. Còn ở nơi khác, như nước mình, bạn thử quan sát xem, phần đông người ăn xin, bán hàng rong vé số, làm nhiều công việc cực nhọc... lại là đàn bà, trẻ em, người già, người khuyết tật. Đàn bà, con trẻ, người già bệnh tật ăn xin hay bán hàng rong, vé số có lẽ khêu gợi được lòng trắc ẩn nhiều hơn chăng?
Nhiều công trình điều tra ở các nước chậm và đang phát triển đều cho một kết quả: Phụ nữ thường phải gánh chịu ảnh hưởng của nghèo đói nhiều hơn nam giới và chính họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo.
Nhóm người nghèo ở Việt Nam đa số là phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, miền núi; hay nông dân ở những vùng ít đất canh tác, hay gặp thiên tai. Ở nông thôn hàng triệu phụ nữ nghèo ít có điều kiện tiếp cận với các tiện nghi, phúc lợi xã hội, chủ yếu là lao động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công... Ở thành thị, phụ nữ nghèo là những người sống trong các ngôi nhà “ổ chuột”, trong những dãy nhà trọ nhỏ hẹp cho người nhập cư hay ở khu vực ngoại thành, chủ yếu là làm nghề bán hàng rong, thu mua đồng nát, nhặt rác, bán hàng nhỏ lẻ ở các chợ tạm, “chợ chạy”, hay đi làm thuê làm mướn...
Lao động nữ chiếm tỷ trọng cao hơn nam trong dòng người di cư nhưng lại chịu vị thế bất lợi. Quan sát chỗ ở và điều kiện sinh hoạt của các khu lao động tập trung ở thành phố ta thấy rõ nhiều vấn đề bức xúc đối với sức khỏe và phẩm giá của những phụ nữ nông dân vừa rời làng quê ra thành phố lao động kiếm sống. Phụ nữ nghèo ở nông thôn nhiều hơn ở thành thị do ở nông thôn ít việc làm để kiếm tiền hơn, chủ yếu là làm nông nghiệp nên một số đông phụ nữ đã phải bỏ ra thành phố thuê nhà trọ ở để đi làm thuê, bán hàng rong kiếm sống. Cuộc sống của họ rất vất vả, vì thế mà cho đến bây giờ phụ nữ nông thôn vẫn luôn bị gắn với hình ảnh nghèo đói, cực khổ.
Mặt khác, phần lớn phụ nữ và em gái sống ở nông thôn thường ít được học hành đến nơi đến chốn so với nam giới cho nên họ không biết là mình có thể làm được việc gì khác ngoài nông nghiệp. Trong chương trình giáo dục cũng như sách giáo khoa ở nhiều nước vẫn còn những quan niệm thành kiến với phụ nữ, không đề cập đến những gì mà phụ nữ có quyền được làm, được hưởng mà hay đặt ra cho phụ nữ nghĩa vụ phải phục vụ gia đình, chồng con. Thậm chí người ta còn cho rằng hy sinh là đức tính phải có của phụ nữ, cho nên không ít phụ nữ, cả ở thành thị, cũng quan niệm như vậy.
Từ nghèo đói người phụ nữ rất dễ bị rơi vào tình trạng cùng cực không chỉ về vật chất mà cả tinh thần khi phải bỏ qua lòng tự trọng, thậm chí cả nhân cách để bán thân, lệ thuộc vào kẻ “chăn dắt” để có “đất” mà ăn xin, chịu đựng sự coi thường khinh miệt của nhiều người. Chưa kể nhiều cô gái lấy chồng xa, số phận như hạt mưa sa vào vũng lầy không lối thoát.
Nhưng nhiều nơi còn không ít những người đàn ông mặc kệ số phận gia đình cho người phụ nữ lo toan. Họ coi việc phụ nữ phải làm tất cả để nuôi sống gia đình là đương nhiên, trong khi họ không hề có sự cố gắng để thoát khỏi đói nghèo. Khi còn có những người đàn ông mang tâm thế “anh Dậu” ốm yếu bất lực, chỉ biết chấp nhận và ỷ lại vào sự hy sinh của vợ con, thì cũng đừng trách trời gần đất xa, xã hội bất công để những người phụ nữ quanh mình trở thành “chị Dậu” với “tiền đồ tối đen như mực”!
Học vấn, tri thức sẽ giúp người phụ nữ thoát nghèo, nhưng nếu đàn ông còn tăm tối thì đói nghèo vẫn mang gương mặt phụ nữ!

CHUYỆN TÀO LAO trên TUỔI TRẺ CƯỜI

BẮT ĐẦU TỪ SỐ 533 ra ngày 15/10/2015 
HẬU KHẢO CỔ SẼ CÓ MỘT MỤC TRÊN TUỔI TRẺ CƯỜI
CHUYỆN TÀO LAO
GỒM NHỮNG TRUYỆN 100 CHỮ 
CÁC BẠN ỦNG HỘ NHÉ :)




“KHAI TỬ” MÔN LỊCH SỬ TỨC LÀ SINH RA NHỮNG THẾ HỆ KHÔNG CÓ QUÁ KHỨ!



Những năm gần đây thực trạng bi đát của việc dạy và học môn lịch sử đã được dư luận đem ra mổ xẻ nhiều lần. Nhiều hội thảo khoa học, nhiều ý kiến trên báo chí của những người tâm huyết với lịch sử dân tộc đã dóng lên tiếng chuông báo động về các yếu tố quan trọng tác động đến việc dạy và học môn lịch sử. Đó là chương trình, sách giáo khoa, nhận thức của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung về môn lịch sử đối với việc giáo dục thế hệ trẻ.
Đầu tiên cần nhìn nhận một cách khách quan một thực tế, đó là hiện nay học sinh có nhiều phương tiện cung cấp tri thức, sự hiểu biết nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Nếu vài chục năm trước những ngành đào tạo ở đại học có thể đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có hàng trăm ngành nghề khác nhau ở các trường đại học cả trong và ngoài nước. Do đó học sinh có nhiều lựa chọn hơn theo sở thích, khả năng hoặc điều kiện của gia đình. Cũng như nhiều môn học “truyền thống” khác, môn lịch sử cũng phải chia sẻ “đối tượng” yêu thích lịch sử cho nhiều môn học mới. Ngoài ra những phương tiện giải trí hiện đại và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, nhiều phim ảnh, tác phẩm văn học nghệ thuật về lịch sử, cổ sử rất hấp dẫn… cũng là một yếu tố làm cho học sinh giảm hứng thú với những giờ học khô khan về thời quá khứ.
Đối với gia đình và xã hội, quan niệm về dạy và học môn lịch sử cũng chưa đúng. Hiện nay hầu như học sinh thường được định hướng đến những ngành nghề nhanh chóng kiếm được nhiều tiền, mau thành đạt, nổi tiếng như các nhóm ngành nghề kinh tế, ngoại ngữ, vi tính, du lịch, ca nhạc, người mẫu thời trang… Việc hướng nghiệp vào các ngành này cũng do nhu cầu trước mắt của xã hội, nhưng hầu như ít người nhận thức được rằng, để làm tốt bất cứ ngành nghề nào, nhất là những ngành nghề “hiện đại” thì kiến thức xã hội nhân văn cực kỳ quan trọng, trong đó có môn lịch sử. Phần nhiều các gia đình hiện nay không muốn cho con em theo học ngành lịch sử ở đại học, cho nên ở phổ thông nếu các em học kém môn này  thì gia đình cũng không coi trọng như các môn khác.
Cần nhận thức rằng, trong thời đại nào thì những môn học XHNV đều nhằm dạy LÀM NGƯỜI và xây dựng NHÂN CÁCH, thông qua tri thức của từng cộng đồng, quốc gia, dân tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ. Đặt trong truyền thống văn hóa nói chung thì việc dạy và học sử không chỉ là về những sự kiện hay nhận vật mà đầu tiên là về SỰ THẬT. Đã là lịch sử thì không thể che dấu và dối trá. Chỉ có sự thật mới làm cho con người  hiểu biết về quy luật của cuộc sống nói chung và từng thời đại nói riêng. Môn lịch sử không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức mà quan trọng là mang lại cho các em phương pháp đúng đắn để nhận thức quy luật phát triển của quá khứ và hiện tại. Lịch sử thực sự là “bài học kinh nghiệm” cho thế hệ sau khi thế hệ trước không “vẽ đường hươu chạy” mà chỉ ra con đường mình đã đi qua có cạm bẫy gì, từng vấp ngã thế nào, bị lạc ở đâu… để thế hệ sau cảnh giác và không lặp lại sai lầm của người đi trước. Khi đó thế hệ sau sẽ nhận thức được quy luật phát triển và tìm ra con đường phát triển phù hợp với thời đại.
Tuy nhiên từ nhiều năm nay môn sử với chương trình nặng về lịch sử chiến tranh, nội dung toàn những con số sự kiện khô khan và lồng vào đó sự miêu tả đánh giá bằng ngôn từ nặng về cảm xúc chứ chưa khách quan, khoa học. Cách nhìn lịch sử một chiều, tài liệu không cập nhật trong khi có quá nhiều nguồn tài liệu được công bố bằng sách in trong và ngoài nước, trên mạng internet, cung cấp những thông tin khác nhau thậm chí trái ngược, phủ nhận nhau… càng làm cho việc giảng dạy môn sử trong trường phổ thông khó khăn, vì thầy cô phải dạy theo sách giáo khoa - được coi là pháp lệnh. Nếu học sinh ham hiểu biết tìm tòi có thể đặt ra những câu hỏi mà thầy cô không dễ trả lời.
Cũng do không nhận thức đúng về chức năng của môn sử nên từ nhiều năm nay nó bị coi là môn phụ - có năm thi tốt nghiệp năm không thi. Vì vậy tâm lý khi dạy và học môn này cũng không ổn định, chương trình giờ dạy có khi cũng bị cắt để tăng cường cho môn khác. Điều này còn do nguyên nhân là bệnh thành tích trong thi cử. Vòng luẩn quẩn này cứ tái diễn làm sao thầy cô dạy môn sử còn đủ nhiệt tình và lòng yêu nghề để giảng dạy? Chưa kể có những người người theo học ngành sư phạm Sử, hay làm giảng viên ngành sử ở đại học không phải từ sở thích, ham mê mà vì những lý do khác nên họ cũng không nghiên cứu tìm hiểu bồi dưỡng kiến thức mới, không thay đổi phương pháp giảng dạy cho thích hợp với nhu cầu mới của học sinh.
Trong Bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) của Bộ GD&ĐT có cách tích hợp và phân loại sẽ biến lịch sử thành môn tự chọn - mà trong giai đoạn hiện nay có thể biết trước sẽ có rất ít người chọn - khiến môn cơ bản này có khả năng biến mất trong chương trình học. Tất nhiên không thê tồn tại mãi cách dạy và học sử như hiện nay. Nhưng việc từng bước “khai tử” môn lịch sử trong trường phổ thông cũng đồng nghĩa với việc khai tử truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ việc sinh ra những thế hệ không có quá khứ!
Lịch sử không thể là những sự thật nửa vời hoặc những điều dối trá, nhưng gạt bỏ lịch sử ra khỏi sự hiểu biết của con người thì đó chính là sự dối trá lớn nhất.

TS. Nguyễn thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN.




Đi để thấy và để bớt lý thuyết về bảo tồn

http://thegioitiepthi.net/khoa-hoc-giao-duc/nguyen-thi-hau-di-de-thay-va-de-bot-ly-thuyet-ve-bao-ton/
Vừa trở về sau chuyến tìm hiểu cách gìn giữ di sản của nước Nga hôm nay, chị chiêm nghiệm ra điều gì?
CIMG7070
Dù thời gian rất ngắn, mọi điều tôi thấy cũng rất lớt phớt, nhưng phần nào tôi có thể tự lý giải về sức hút của nước Nga với nhiều người chỉ có thể bắt nguồn từ văn hóa, khiến cho người ta yêu, bất chấp mọi nghịch cảnh. Văn học Nga là một điển hình, những tác phẩm cổ điển và những tác phẩm hiện đại thể hiện con người Nga hồn hậu, lãng mạn, trẻ thơ – đó là những gì thuộc về “bản năng” của con người mà đời sống làm nó mất đi, người ta lại luôn muốn tìm kiếm lại. Các bộ phim, hội họa cũng thế.
Sau Pie đệ Nhất, nền văn hóa được phục sinh, nước Nga mới rửa mặt được với thế giới. Chuyện xây dựng thành phố, các nhà thờ, cung điện, nước Nga đều mời những kiến trúc sư giỏi nhất của thế giới. Mời người giỏi của thế giới vể để quy hoạch thành phố chính là ứng xử văn hóa, tạo ra dấu ấn văn hóa. Ấn tượng lớn nhất với tôi là các nhà thờ Nga, mỗi nhà thờ là một câu chuyện về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, hội họa… được hồi sinh chỉ gần 20 năm nay, cùng bao sử liệu liên quan đến nhà thờ, một yếu tố văn hóa tôn giáo đậm chất Nga. Nguồn lực đều là của xã hội. Nhà nước cho khôi phục lại nhà thờ trên đất đai trước đây vì đó là một thành tố văn hóa quan trọng. Việc phục hồi đạo chính thống ở Nga cho thấy tôn giáo vẫn là yếu tố cực kỳ lớn của văn hóa nhân loại. Nước nào có một cơ sở văn hóa lâu bền từ tôn giáo sẽ là nhân tố tích cực làm cho xã hội ổn định dần dần.
Nhà nước cho khôi phục lại nhà thờ trên đất đai trước đây vì đó là một thành tố văn hóa quan trọng.
Nhà nước cho khôi phục lại nhà thờ trên đất đai trước đây vì đó là một thành tố văn hóa quan trọng.
Còn Dubai, một đất nước chỉ sa mạc và cát, làm thế nào để phát triển kinh tế bằng du lịch?
Ấn tượng đầu tiên tất cả nhân viên hải quan đều mặc trang phục dân tộc, kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Đây không chỉ là vấn đề tôn giáo bắt buộc mà là văn hóa. Một TP cực kỳ hiện đại nhưng không phô trương, tất cả hài hòa với nhau và với thiên nhiên, tạo ra những cảnh quan thiên nhiên xanh giữa vùng sa mạc. Dubai giàu lên nhờ dầu mỏ, nhưng cái giàu đó không giàu xổi, họ phát triển rất căn cơ, làm đến đâu khai thác đến đó, đồng vốn được dùng rất hiệu quả. Họ chỉ khai thác dầu đến một mức nào đó, còn biết để lại cho thế hệ sau. Tiền từ dầu chuyển sang đầu tư bất động sản du lịch cao cấp, tạo ra thiên đường du lịch cho người giàu trong và ngoài nước, chứ không đầu tư tràn lan. Đó là đầu tư khôn ngoan cho thế hệ trẻ Dubai học từ nước ngoài trở về được làm công việc phù hợp, có môi trường văn hóa phù hợp, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
Có lẽ con đường phát triển kinh tế của Dubai xuất phát từ bản năng của người sống trên sa mạc, phải biết tạo mảng xanh. Có dầu mỏ không biết bao giờ mới cạn, họ vẫn sử dụng những nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, đó là bài học tiêu xài có tính toán. Cảm giác đi trên sông giữa sa mạc thật thú vị, vì hai bên bờ là mảng xanh, là công trình, là đời sống sinh hoạt rất điển hình của một đất nước Hồi giáo.
Đi ở Dubai không thể không nghĩ đến quê nhà: Kênh Thị Nghè muốn làm du lịch phải có cảnh quan hai bên bờ để nhìn ngắm, phải cải tạo môi trường vì nước vẫn đục ngầu như thế làm sao khai trương du lịch? Tất cả những gì sinh ra để “chào mừng” đều chết yểu. Cũng là đồi cát như thế tại sao Binh thuận, Ninh Thuận không tập trung đầu tư làm du lịch cho một “phân khúc khách hàng” giàu có tiềm năng mà đầu tư cho điện hạt nhân tốn kém và có nguy cơ cao như thế?
Chị nghĩ gì về chủ trương Bộ Giáo dục sẽ chuyển môn sử thành môn tự chọn, không còn môn cơ bản nữa?
Sự coi thường các môn khoa học xã hội nhân văn đã tạo nên lỗ hổng quá lớn cho lớp trẻ về văn hóa, bởi đó là những môn dạy làm người, dạy nhân cách. Để có kiến thức KHXHNV phải trả giá bằng bao thế hệ con người. Vậy mà tại sao lại định bỏ môn sử? Tôi chịu không hiểu nổi. Mười năm nay môn sử làm dư luận bức xúc, nếu bức tử môn lịch sử sẽ sinh ra những thế hệ không có quá khứ.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng chị vẫn đi, viết và dạy. Đó có phải là cách để sống với mình và với cộng đồng có ích nhất?
Việc phục hồi đạo chính thống ở Nga cho thấy tôn giáo vẫn là yếu tố cực kỳ lớn của văn hóa nhân loại.
Việc phục hồi đạo chính thống ở Nga cho thấy tôn giáo vẫn là yếu tố cực kỳ lớn của văn hóa nhân loại.
Công việc quản lý không làm mình có nhiều niềm vui, tôi vẫn mơ ước quay lại chuyên môn. Nhận đề tài nghiên cứu khảo cổ đô thị, nếu không đi để thấy những nơi khác bảo tồn như thế nào thì cái mình đưa ra chỉ là lý thuyết…
Đến một lúc nào đó cần biết chấp nhận sự lãng quên của người xung quanh, hiểu thế nên cũng thoải mái. Cũng cảm ơn các bạn nhà báo, cứ đặt bài thúc mình nên có điều kiện tập trung, hệ thống lại, nếu không lười thì chẳng bao giờ viết được. Đến tuổi này, chắc chắn là mình không giàu, nhưng vẫn vui vẻ, bằng lòng với cuộc sống. Thế là ổn. Bây giờ mới có thời gian để hướng dẫn luận văn sinh viên nhiều hơn, nhờ đó biết thêm, có thêm kiến thức nữa chứ không chỉ là cho đi kiến thức hay mất thời gian đâu.
Kim Yến thực hiện, Ảnh Nguyễn Thị Hậu

Vụn vặt đời thường (95)

@ Sáng nào cũng vậy mở FB ra là nhìn thấy bao nhiêu quảng cáo về quần áo giáy dép túi xách... những thứ mà bất kỳ phụ nữ nào cũng không thể bỏ qua.
Các bạn có thấy mình ác không, khi cứ để những thứ đẹp đẽ đáng yêu như thế hiện ở FB một người dìa hưu như tui, huhu :D

@ Nhà kinh tế: Vào TPP VN bước vào SÂN CHƠI mới (trước đây khi vào WTO cũng vào một sân chơi)
Nhà văn: văn chương như một CUỘC CHƠI
Còn lĩnh vực nào coi là "như chơi" nữa không nhỉ Biểu tượng cảm xúc smile
Trẻ em cần được CHƠI nhất thì lại không được vì phải đi học tối ngày suốt tuần tháng năm.

@ Giai cấp vô sản toàn thế giới, HÃY BUÔNG NHAU RA! :D

@ Nghe mưa trong tiếng nhạc piano, đọc chuyện Cục Mỡ ở nhà và ở trường bắt gặp nhiều đoạn nhiều câu mẹ Cục Mỡ rõ ràng là nói với các bác già cô trẻ của Cục Mỡ, như câu này chẳng hạn "Đàn bà chỉ cần người đàn ông mình đã chọn dám công khai mình là tình yêu của anh ta..."
Khổ thân thằng bé, mai mốt liệu mà kiếm vợ thế nào để đối phó với mẹ già tinh tướng Biểu tượng cảm xúc smile
Gần nửa đêm nhờ Cục Mỡ mà chị già vẫn còn NHÃ thế đấy 
Lê Minh Hà

@ TÔI THẤY QUÊ NHÀ NƠI THÀNH ĐÔ.
Cái gốc nông nghiệp vài ngàn năm, cái gốc nông dân đến hơn 80% dân số, trong mỗi chúng ta ai không có một nhà quê?
Vì vậy bộ phim mới cuốn người ta đến với nó nhiều như thế, vì một quê hương ẩn sâu trong tim giờ mới "moi" ra được, vì một làng quê đẹp như mơ - nhiều nơi mơ được đẹp như thế.
Nếu đọc truyện làm người ta rưng rưng thì xem phim sẽ làm vỡ òa cảm xúc.
Xem, để biết rằng, ký ức về quê hương luôn được di truyền. Xem để thấy rằng, cuộc sống xô bồ bấn loạn nơi đô thị không làm con người quên ký ức, thôi lãng đãng và luôn mong ước trở về tuổi thơ.

 


Người nông dân bị mất gốc ngay trên mảnh đất của mình

Kim Yến phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu
                 Thế giới tiếp thị, ngày 7/10/2015

Là nhà nghiên cứu văn hóa luôn gắn liền với những điểm nóng của thời cuộc, cái nhìn khách quan, tỉnh táo của chị về nông dân, nông nghiệp và nông thôn chạm đến tầng sâu hơn của kiến trúc thượng tầng, đưa ra những cảnh báo mang tính bản chất về những hụt hẫng của đời sống nhân văn. Vừa trở về từ chuyến đi nghiên cứu giữ gìn di sản của Nga, Dubai, chị hiểu rằng sức mạnh kinh tế lại xuất phát từ chính những khác biệt của văn hóa.

-        Suốt những ngày qua, câu chuyện về nông nghiệp đang nóng lên trên mọi diễn đàn, số tiền đầu tư vào nông nghiệp đang tăng với tốc độ chóng mặt, nhưng dường như ít ai để ý đến vấn đề căn cốt là đời sống tinh thần của người nông dân?
-        Cơn lốc đô thị hóa đang tác động dữ dội đến cấu trúc nông nghiệp. Chúng ta chỉ chăm chăm hiện đại hóa, đất đai bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, những đô thị nhỏ nhắn bình yên bỗng chốc trở thành trung tâm. Lối sống nông thôn bị phá vỡ, nhưng văn hóa chưa kịp xây dựng, bị chắp vá, tan vỡ như bức tranh nhiều mảng màu sáng tối của kinh tế. Từng có rất nhiều dịp đi về nông thôn đồng bằng Nam Bộ, tôi thấy đồng ruộng vẫn còn đó, nhưng hồn vía nông thôn không còn nữa, người nông dân cảm thấy bị mất gốc ngay trên mảnh đất của mình. Điệp khúc được mùa vẫn khổ, phân bón, thủy lợi, nhân lực rất khan hiếm, làm ruộng trong tâm trạng thấp thỏm, không biết mảnh đất này bao giờ chuyển đổi, mùa tới sẽ thế nào?
-        Sự thấp thỏm, không yên tâm ngay trên mảnh đất của mình thể hiện rõ nông dân, nông thôn, nông nghiệp rất bất an. Chưa kể ở những khu vực đền bù đất đai xảy ra bất ổn từ gia đình đến xã hội. Người dân không biết quản lý một số tiền lớn từ đền bù đất đai. Không ai đứng ra chăm lo từ số vốn đó người nông dân sẽ chuyển đổi cung cách làm ăn của mình như thế nào. Nhiều gia đình sau khi bán đất được một cục tiền thì…tan tác, rời quê hương không biết làm gì. Không hề có thêm một chút tri thức nào để tạo ra cuộc sống tốt hơn. Lên KCN làm công nhân mà không có tay nghề, chỉ bán sức lao động rẻ mạt ở dây chuyền công nghệ đơn giản, họ rất dễ bỏ việc vì sức lao động của người nông dân không thể tăng giá trị… Đó là vòng luẩn quẩn khiến cho các KCN – vùng đô thị mới - cũng bất ổn.

-        Tất cả sẽ tác động đến đô thị, người nhập cư sẽ nhiều hơn, gốc rễ nông nghiệp bị lung lay, nông dân không coi nông nghiệp là phương thức sống của mình nữa?
-        Người làm lịch sử như tôi rất thắc mắc, tại sao không bắt đầu công nghiệp hóa từ nông nghiệp? Thay vì tốn rất nhiều thời gian, máy móc sẽ giúp cho người có thêm nhiều tri thức từ đó văn hóa được nâng lên. Những máy móc để đỡ đần cho nông dân hiện nay hầu như được sáng chế từ những kỹ sư chân đất. Khu vực Nam Bộ là điển hình sáng chế của nông dân, họ vô cùng vất vả để mày mò chế tạo, sản xuất, rồi tìm kiếm, bản quyền ra sao cũng vô cùng khó khăn.
Tại sao không đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp? Với một nước xuất phát từ nông nghiệp, nguồn sống chính vẫn phải bằng nông nghiệp. Bao nhiều trường, Viện kỹ thuật phải làm cho người nông dân được hưởng lợi chứ.
Ở những nước công nghiệp tiên tiến vẫn còn những cánh đồng đó chứ, tất cả quy trình gieo trồng và bảo quản sau thu hoạch đều có kỹ thuật hỗ trợ.
Tôi hiểu bên cạnh đó còn vấn đề sở hữu ruộng đất nữa, nhưng kỹ thuật là cái bổ sung rất nhiều cho nông dân, vì nếu chỉ bán sức một cách đơn giản cho trời, cho dây chuyền sản xuất thì sẽ không thể thay đổi văn hóa, nhận thức. Đó là bài học mà rất nhiều nước đã thực hiện như Thái Lan. Tỷ trọng nông nghiệp TháiLlan rất lớn, nhưng đầu tư rất bài bản về kỹ thuật, không phụ thuộc vào trời đất như chúng ta.
Vậy con đường công nghiệp hóa với một đất nước nông nghiệp đã đi đúng hướng hay chưa? Chúng ta có thực sự quan tâm đến đời sống của 80% nông dân? Hay chỉ là thay đổi bề ngoài cảnh quan, còn gốc rễ không thay đổi tích cực? Chia sẻ với nhiều học viên, tôi nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người về thắc mắc ấy.

-        Chưa có đất nước nào mà tỷ lệ mắc bệnh ung thư nhiều như ở Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm nhiễm độc tràn lan và không thể kiểm soát, khó nhất phải chăng là thay đổi ý thức làm nông?
-        Cuộc cách mạng về kỹ thuật, máy móc chỉ là bên ngoài, nhưng nếu con người không có ý thức, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá thì thực phẩm bẩn, bị ô nhiễm, thuốc tăng trọng… vẫn qua thực phẩm đến bao tử người tiêu dùng. Không thể đổ thừa cho cơ chế chung chung, mà do ứng xử văn hóa con người với con người cực kỳ có vấn đề. Chưa bao giờ sự lạnh lùng, bất chấp hậu quả lại trở thành phổ biến, tràn lan như bây giờ. Ai cũng biết, cũng kêu, nhưng chỉ chấp nhận một cách rất… AQ. Tâm trạng không thể không ăn, đằng nào cũng chết! Vì sao lại đến mức như thế?
-        Nói cho cùng mặt bằng dân trí chung 40 năm qua chưa được cải thiện nhiều. Ý thức tự giác với cộng đồng, lương tâm, trách nhiệm, nghĩ đến người khác  dường như không được giáo dục. Nó lan rộng như một thói quen, dột từ nóc dột xuống. Người lớn mà không có trách nhiệm với cộng đồng thì người ở dưới làm sao không làm chuyện thiếu lương tâm, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Đây là hậu quả của một nền giáo dục không chỉ ở nhà trường mà toàn xã hội. Vốn xã hội bị hao hụt rất nhiều mà không ai có câu hỏi làm thế nào để bù đắp.
-        Phải chăng vì chúng ta quá chạy theo mục tiêu GDP, mọi thứ khác không quan tâm. Ứng xử với thiên nhiêm vô văn hóa thì làm sao có thể tồn tại trong môi trường thiên nhiên đầy biến động? Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, chỉ dừng ở văn bản, còn trong thực tiễn, kinh tế cứ phóng về phía trước, còn văn hóa ở đâu, diện mạo thế nào thì không được quan tâm. Văn hóa phải thích ứng thế nào với xã hội hiện nay cũng không dễ hình dung ra được.
-        Mình luôn cho rằng “nước ta có lợi thế người đi sau”, đi sau là phải học kinh nghiệm từ sai lầm của người đi trước chứ không chỉ học, sử dụng kết quả đã có. Nếu chỉ hành động theo kiểu “đi tắt đón đầu” thì chỉ học được cái ngọn mà không biết dưới gốc có lỗ hổng, làm sao phát triển bền vững được? Muốn kinh tế bền vững thì gốc rễ văn hóa phải dược xây dựng bài bản. Bài học kinh nghiệm của lịch sử là phải chỉ ra sai lầm người đi trước, không thể chỉ là ca ngợi thành tựu người đi trước. Càng nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, càng thấy tư duy “đi tắt đón đầu” chỉ cần thấy kết quả là rất nóng vội, duy ý chí, có gì đó phù hợp với tâm thức luôn tìm kiếm trông chờ thần tượng, anh hùng… Đó là tâm lý chưa trưởng thành của con người.

-        Vừa trở về sau chuyến tìm hiểu cách gìn giữ di sản của nước Nga hôm nay, chị chiêm nghiệm ra điều gì?
Dù thời gian rất ngắn, mọi điều tôi thấy cũng rất lớt phớt, nhưng phần nào tôi có thể tự lý giải về sức hút của nước Nga với nhiều người chỉ có thể bắt nguồn từ văn hóa, khiến cho người ta yêu, bất chấp mọi nghịch cảnh. Văn học Nga là một điển hình, những tác phẩm cổ điển và những tác phẩm hiện đại thể hiện con người Nga hồn hậu, lãng mạn, trẻ thơ – đó là những gì thuộc về “bản năng” của con người mà đời sống làm nó mất đi, người ta lại luôn muốn tìm kiếm lại. Các bộ phim, hội họa cũng thế. Nói về đời sống nông thôn Nga, theo tôi Sekhop là người chạm vào “đau nhất”. Nhiều nhân vật của ông là tầng lớp điền chủ có học, họ thương xót và trăn trở thực sự với đời sống người nông dân, tri thức trong họ thể hiện thành trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng nhỏ là trang trại của họ, và những tác phẩm của nhiều văn hào Nga khác đã vẽ nên một tầng lớp điền chủ có tri thức mà trong đó nhiều người đã bước ra xã hội.
       Nông thôn Việt Nam thiệt thòi lớn là mất hẳn tầng lớp điền chủ. Ngày xưa, các điền chủ Nam Bộ chính là tầng lớp gìn giữ nền tảng văn hóa Nam Bộ. Cách họ hiểu và tôn trọng tri thức, chuyện họ làm việc nghĩa là trách nhiệm của người có học. Rất tiếc không ai nghiên cứu về gia thế điền chủ Nam Bộ. Cho người nghèo một đống tiền mà không cho họ tri thức thì có khi lại làm khổ chính họ. Tư duy coi nông thôn chỉ là nơi khai thác là sai lầm hoàn toàn, phải nuôi dưỡng nó để có sức tồn tại, không để thành vùng trũng về văn hóa giáo dục như thực trạng ở đồng bằng Nam bộ hiện nay!
  Quay trở lại văn hóa Nga, một đất nước rất đẹp, đầy thăng trầm như thế. Sau Pie đệ Nhất, nền văn hóa được phục sinh, nước Nga mới rửa mặt được với thế giới. Chuyện xây dựng thành phố, các nhà thờ, cung điện, nước Nga đều mời những kiến trúc sư giỏi nhất của thế giới. Mời người giỏi của thế giới vể để quy hoạch thành phố chính là ứng xử văn hóa, tạo ra dấu ấn văn hóa. Ấn tượng lớn nhất với tôi là các nhà thờ Nga, mỗi nhà thờ là một câu chuyện về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, hội họa…được hồi sinh chỉ gần 20 năm nay, cùng bao sử liệu liên quan đến nhà thờ, một yếu tố văn hóa tôn giáo đậm chất Nga. Nguồn lực đều là của xã hội. Nhà nước cho khôi phục lại nhà thờ trên đất đai trước đây vì đó là một thành tố văn hóa quan trọng. Việc phục hồi đạo chính thống ở Nga cho thấy tôn giáo vẫn là yếu tố cực kỳ lớn của văn hóa nhân loại. Nước nào có một cơ sở văn hóa lâu bền từ tôn giáo sẽ là nhân tố tích cực làm cho xã hội ổn định dần dần.

     Còn Dubai, một đất nước chỉ sa mạc và cát, làm thế nào để phát triển kinh tế bằng du lịch?
  Ấn tượng đầu tiên tất cả nhân viên hải quan đều mặc trang phục dân tộc, kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Đây không chỉ là vấn đề tôn giáo bắt buộc mà là văn hóa. Một TP cực kỳ hiện đại nhưng không phô trương, tất cả hài hòa với nhau và với thiên nhiên, tạo ra những cảnh quan thiên nhiên xanh giữa vùng sa mạc. Dubailà giàu lên nhờ dầu mỏ, nhưng cái giàu đó không giàu xổi, họ phát triển rất căn cơ, làm đến đâu khai thác đến đó, đồng vốn được dùng rất hiệu quả. Họ chỉ khai  thác dầu đến một mức nào đó, còn biết để lại cho thế hệ sau. Tiền từ dầu chuyển sang đầu tư bất động sản du lịch cao cấp, tạo ra thiên đường du lịch cho người giàu trong và ngoài nước, chứ không đầu tư tràn lan. Đó là đầu tư khôn ngoan cho  thế hệ trẻ Dubai học từ nước ngoài trở về được làm công việc phù hợp, có môi trường văn hóa phù hợp, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
Có lẽ con đường phát triển kinh tế của Dubai xuất phát từ bản năng của người sống trên sa mạc, phải biết tạo mảng xanh. Có dầu mỏ không biết bao giờ mới cạn, họ vẫn sử dụng những nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, đó là bài học tiêu xài có tính toán. Cảm giác đi trên sông giữa sa mạc thật thú vị, vì hai bên bờ là mảng xanh, là công trình, là đời sống sinh hoạt rất điển hình của một đất nước Hồi giáo.
Đi ở Dubai không thể không nghĩ đến quê nhà: Kênh Thị Nghè muốn làm du lịch phải có cảnh quan hai bên bờ để nhìn ngắm, phải cải tạo môi trường vì nước vẫn đục ngầu như thế làm sao khai trương du lịch? Tất cả những gì sinh ra để “chào mừng” đều chết yểu. Cũng là đồi cát như thế tại sao Binh thuận, Ninh Thuận không tập trung đầu tư làm du lịch cho một “phân khúc khách hàng” giàu có tiềm năng mà đầu tư cho điện hạt nhân tốn kém và có nguy cơ cao như thế?

   Chị nghĩ gì về chủ trương Bộ Giáo dục sẽ chuyển môn sử thành môn tự chọn, không còn môn cơ bản nữa?
 Sự coi thường các môn khoa học xã hội nhân văn đã tạo nên lỗ hổng quá lớn cho lớp trẻ về văn hóa, bởi đó là những môn dạy làm người, dạy nhân cách. Để có kiến thức KHXHNV phải trả giá bằng bao thế hệ con người. Vậy mà tại sao lại định bỏ môn sử? Tôi chịu không hiểu nổi. Mười năm nay môn sử làm dư luận bức xúc, nếu bức tử môn lịch sử sẽ sinh ra những thế hệ không có quá khứ.

  Dù đã nghỉ hưu, nhưng chị vẫn đi, viết và dạy. Đó có phải là cách để  sống với mình và với cộng đồng có ích nhất?
 Công việc quản lý không làm mình có nhiều niềm vui, tôi vẫn mơ ước quay lại chuyên môn. Nhận đề tài nghiên cứu khảo cổ đô thị, nếu không đi để thấy những nơi khác bảo tồn như thế nào thì cái mình đưa ra chỉ là lý thuyết…

 Đến một lúc nào đó cần biết chấp nhận sự lãng quên của người xung quanh, hiểu thế nên cũng thoải mái. Cũng cảm ơn các bạn nhà báo, cứ đặt bài thúc mình nên có điều kiện tập trung, hệ thống lại, nếu không lười thì chẳng bao giờ viết được. Đến tuổi này, chắc chắn là mình không giàu, nhưng vẫn vui vẻ, bằng lòng với cuộc sống. Thế là ổn. Bây giờ mới có thời gian để hướng dẫn luận văn sinh viên nhiều hơn, nhờ đó biết thêm, có thêm kiến thức nữa chứ không chỉ là cho đi kiến thức hay mất thời gian đâu. 

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...