TỪ VĂN HÓA HÒA BÌNH - VÀI SUY NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỒNG NAI

 Trích BCKH tại Hội nghị quốc tế 90 năm xác lập và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình (1932 – 2022)

3.    III.- Tiếp cận từ môi trường sinh thái

3.1 Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái vô cùng quan trọng với cuộc sống của con người, nhất là trong thời nguyên thủy. Khi khẳng định “Lao động đã sáng tạo ra xã hội loài người” thì F.Engels cũng nói rõ “Kỳ thực thì lao động phải gắn liền với tự nhiên mới thực sự sản xuất ra của cải” [1]. Tất cả các cộng đồng người đều tác động lên môi trường sống của họ, trong phạm vi địa phương hẹp hay vùng rộng lớn. Trong đó, ảnh hưởng quan trọng nhất của con người đến môi trường tự nhiên là việc thuần hóa động thực vật, cách thức loài người quản lý, khai thác môi trường tự nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Có thể lấy thành tựu nghiên cứu về khảo cổ học Thời đại đồ đá Việt Nam minh chứng cho điều này.

Khi nghiên cứu tiền sử Việt Nam cũng như Đông Nam Á, khảo cổ học hết sức chú ý đến môi trường sinh thái  ở khu vực này phản ánh qua lối sống, cụ thể trong hoạt động săn bắt hái lượm của cư dân tiền sử. Căn cứ vào tàn tích thức ăn động thực vật, khảo cổ học nhận biết người cổ đã sử dụng nhiều loại thức ăn nhưng mỗi loại một ít, lại tùy theo mùa và thức ăn thực vật khá phong phú. Trong khi đó thức ăn động vật có được do hoạt động săn bắt không nhiều, phổ biến các loại động vật thủy sinh nhất là các loài nhuyễn thể nước ngọt, nước lợ… Khảo cổ học gọi đây là lối hái lượm theo phổ rộng. Từ đặc điểm này có thể nhận dạng hệ sinh thái ĐNA – Việt Nam là hệ sinh thái Phổ tạp với đặc trưng chỉ số đa dạng cao, số loài nhiều nhưng số cá thể ít, thực vật nổi trội hơn động vật về giống loài và số lượng, động vật thủy sinh chiếm ưu thế. Hệ sinh thái Phổ tạp phân bố ở khu vực nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, môi trường sông nước phổ biến…Trong môi trường sinh thái này, từ lối sống hái lượm theo phổ rộng và trội vượt hơn săn bắt, khi tiến lên nền kinh tế sản xuất thì cư dân ở đây sẽ phát triển một nền nông nghiệp đa canh, tức là thuần hóa nhiều loại thực vật một lúc và trồng trọt sẽ trội vượt hơn chăn nuôi [2]. Tiến trình từ thời đại đồ đá (các văn hóa khảo cổ như văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn, Hạ Long, Quỳnh Văn, Đa Bút, Hoa Lộc, Bàu Tró)…đến thời đại kim khí (văn hóa khảo cổ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai) là sự thể hiện sinh động của quá trình này, đồng thời cũng cho thấy sự phát triển văn hóa đa dạng của thời tiền sử.

Về cơ bản hai nền văn hóa Hòa Bình và Đồng Nai khác biệt về niên đại và không gian văn hóa – môi trường sinh thái. Tuy nhiên cho đến nay đã có những phát hiện, ghi nhận về công cụ đá kiểu Hòa Bình ở vùng đồi badan thuộc tỉnh Đồng Nai. Mặt khác những nghiên cứu về khảo cổ học Nam bộ đều cho biết “săn bắt hái lượm” là phương thức sinh sống chủ đạo trong một giai đoạn dài của thời tiền sử Đông Nam bộ. Đây cũng là phương thức chính của cư dân văn hóa Hòa Bình. Có thể coi đó là “hình ảnh” của văn hóa Hòa Bình, một sự “tái hiện” trong điều kiện tự nhiên tương tự nhưng ở không gian khác và thời gian muộn hơn. Điều này có thể giải thích từ quá trình hình thành và phát triển khác nhau của địa chất, địa hình và môi trường sinh thái của hai nền văn hóa khảo cổ này [3].

Nét cơ bản của môi trường tự nhiên mà con người sinh sống là địa điểm cư trú và các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn lựa địa điểm cư trú. Thông thường thì đó là khu vực có nguồn nước hoặc vị trí thuận lợi cho di chuyển, tìm kiếm thức ăn, hoặc thích hợp về nhiệt độ (bóng mát, luồng gió…). Sự tương đồng đầu tiên của “người Hòa Bình” và “người Đồng Nai” là sự lựa chọn nơi/địa điểm cư trú thích nghi với địa hình và khí hậu. Văn hóa Hòa Bình còn được định danh là “văn hóa thung lũng, văn hóa hang động” do đây là khu vực cư trú chủ yếu của người Hòa Bình, không chỉ trong tỉnh Hòa Bình mà đặc điểm này còn hiện diện ở nhiều khu vực khác. Còn trong văn hóa Đồng Nai giai đoạn thời đá mới muộn, di tích phân bố ngoài trời tập trung ở khu vực đất đỏ badan - “thế giới thực sự của các nón núi lửa” – di tích của hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động từ hàng triệu năm trước thời cánh tân Pleitocene. Trong thời toàn tân Holocene toàn vùng Nam bộ bị ngập do biển tiến trong khoảng thời Holocene sớm từ 10.000 năm cách ngày nay, đến Holocene giữa khoảng 6.000 năm biển tiến đến mức cực đại và lùi dần từ khoảng 4.000 năm[4]. Vì vậy nơi đây là địa bàn thuận tiện và phù hợp nhất cho lớp người cổ xưa sinh sống vì là khu vực khá cao ráo so với các khu vực khác.

Miền Đông Nam bộ nói chung và vùng đồi badan nói riêng khí hậu mang đặc điểm chung của ĐNA là nóng ẩm và mưa nhiều, nhưng chia làm hai mùa mưa/nắng rõ rệt, lượng mưa cao. Trải qua hàng ngàn năm nơi này đã hình thành các khu hệ rừng thưa thực vật rất thích hợp cho sự phát triển phong phú của các loài động vật trên cạn, dưới nước trong các dòng chảy sông suối, đầm lầy, rừng ngập nước. Người cổ Đồng Nai lấy hái lượm và săn bắt/bắn là phương thức sinh sống chính, họ có thể dùng tay hái lá, nhổ cây, bẻ trái, hoặc bắt cá tôm cua ốc, hoặc bắt các loại thú nhỏ bằng bẫy đơn giản làm bằng tre nứa, dây rừng… Những cách thức này không để lại dấu tích khảo cổ học nhưng có thể khảo sát qua đời sống của một số dân tộc bản địa tại miền Đông Nam bộ cũng như nhiều nơi khác [5].

Khai thác thực vật, động vật theo phổ rộng, có tính chu kỳ “mùa” nên người cổ Hòa Bình và người cổ Đồng Nai có kinh nghiệm về các loại thực vật, động vật sử dụng làm thức ăn, họ thường xuyên đánh bắt động vật thủy sinh dưới sông suối hơn là săn bắt động vật trong rừng nhiệt đới. “Sự xuất hiện của đồ gốm trong văn hoá tiền sử nói chung không nhất thiết phải gắn với kinh tế sản xuất với lối sống định cư, mà là do nhu cầu bức thiết của kinh tế hái lượm, đánh bắt những loại thuỷ sinh như ốc, cua, cá… Sự hiện diện của các tầng ốc dày trong các di chỉ Hoà Bình thể hiện một lối sống định hướng ven sông, ven suối, ven biển. Để làm chín thức ăn từ nguồn thuỷ sinh đó, họ không thể duy trì cách nướng từng con ốc, con cua, con cá. Sự ra đời của đồ gốm với chức năng là đồ nấu dường như là một hệ quả tất yếu của những cư dân Hoà Bình chuyên “ăn ốc[6]. Đồ gốm đã xuất hiện sớm trong văn hóa Hòa Bình với chức năng được lý giải như vậy. Có thể cho rằng những đồ gốm có mặt tại di chỉ Cầu Sắt cũng có chức năng tương tự, tuy tàn tích thức ăn không phong phú như trong các hang động văn hóa Hòa Bình, do mật độ dân cư và thời gian chưa đủ để tích tụ như vậy.

3.2  Trong một bối cảnh rộng hơn cần đặt văn hóa Đồng Nai, nhất là giai đoạn hậu kỳ đồ đá, với khu vực Nam Tây Nguyên. Về mặt địa hình, Đông Nam bộ có thể coi là vùng “chân núi, trước núi” của phần Nam dãy Trường Sơn, có quá trình lịch sử địa chất liên quan mật thiết với nhau. Ngoài ra sông Đồng Nai – Đạ Đờn luôn là yếu tố liên kết giữa miền núi, trung du phù sa cổ và đồng bằng cửa sông ở ven biển Đông Nam bộ từ thời tiền sử.

Những phát hiện gần đây về những hang động có di tích thời đồ đá, thậm chí di tích thời đá cũ đã hiện diện chắc chắn. Kết quả hợp tác khai quật Việt - Nga tại hệ thống di tích đá cũ An Khê (Gia Lai), Hội thảo quốc tế về Kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê đã đánh giá, khẳng định thêm một bước giá trị của di tồn văn hóa Đá cũ An Khê, với sự xuất hiện của người nguyên thủy sớm nhất hiện biết ở Việt Nam. Cuộc khai quật hệ thống hang động núi lửa Krong Nô, tỉnh Đắk Nông, các nhà khoa học đã thu được những kết quả rất quan trọng với nhiều di vật được phát hiện như đồ đá, đồ gốm, răng xương động vật. Đặc biệt là tìm thấy di cốt của người tiền sử có niên đại cách đây 7.000 năm. Phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng  bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên ở hang động núi lửa ở Tây Nguyên.

Di tích Thác Hai (H. Easup, Dak Lak) được phát hiện đầu năm 2020 bên cạnh công cụ lao động như rìu bôn đá, đồ gốm và các mộ táng, các nhà khảo cổ còn thu được hơn 1000 mũi khoan (gồm cả những phác vật đang trong quá trình hoàn thiện) bằng các loại đá opal, đá silic, phtanit… cùng hàng vạn những mảnh tước nhỏ (vảy tước). Di chỉ có khung niên đại cách ngày nay từ khoảng 3.500 năm đến 2.000 năm và tồn tại kéo dài khoảng 1.000 năm, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc Hậu kỳ Đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có mộ nồi, mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu đồ đá và đồ gốm. Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ Sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh, mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh…[1]

Trong chuyên khảo bàn về “Hoà Bình ở Đông Nam Á: Văn hoá, những văn hoá hay phức hợp kỹ thuật” được công bố năm 1994, GS. Hà Văn Tấn đã lưu ý về tính đa dạng, phức tạp của bản thân khái niệm văn hoá Hoà Bình. Từ không gian phân bố trải rộng khắp ĐNA trên nhiều địa hình, trong khung thời gian kéo dài hơn 10.000 năm, nhiều nhà khảo cổ học khác đã đề xuất và sử dụng khái niệm “Phức hệ kỹ thuật Hoà Bình” (Hoabinhian Technocomplex) hay văn hóa Hòa Bình như “một phức hợp kỹ thuật” [2]. Tất cả phát hiện mới ở Nam Tây Nguyên càng cho thấy cần phải tìm ra mối liên hệ giữa văn hóa Đồng Nai với các văn hóa, di tích mới phát hiện ở Nam Tây Nguyên. Đặt văn hóa Đồng Nai trong bối cảnh sinh thái Nam Trường Sơn –  Đông Nam bộ để nghiên cứu như hiện tượng “dư âm” của “làn sóng chấn động” từ giai đoạn văn hóa Hòa Bình phát triển cực thịnh ở phía Bắc vài ngàn năm trước. Điều đó cũng sẽ góp phần minh định những khái niệm mang tính công cụ, lý thuyết nói trên.

Trong tiến trình khoa học đương đại, ngành khảo cổ chuyển dần vị trí từ là phương tiện chứng minh lịch sử sang tham khảo lịch sử để hiểu di tích cổ. Bản thân lịch sử cũng tìm đến nhiều lối tiếp cận khác nhau để lý giải (making sense) quá khứ. Khảo cổ cũng tìm sang các nguồn bổ sung và khu vực ứng dụng mới như nhân học, văn hóa học, khu vực học, du lịch, thậm chí còn tham gia tích cực vào lĩnh vực phát triển cộng đồng và truyền thông, công nghiệp giải trí… Ngành khảo cổ hiện nay không chỉ đơn giản là bảo tồn và tái hiện, diễn giải di tích, mà còn tái dựng (reconstruction) một kết cấu lịch sử, xã hội và văn hóa cả theo chiều không gian lẫn thời gian trong một hệ tọa độ mà người nghiên cứu sử dụng để khảo sát và nghiên cứu [1].

Thực trạng phát hiện, nghiên cứu văn hóa Hòa Bình qua 90 năm, văn hóa Đồng Nai gần 50 năm đã mang lại những giá trị “vật thể” và “phi vật thể” của di sản khảo cổ thời đại đồ đá mới Việt Nam. Đó là những chất liệu tuyệt vời để có thể tái dựng lịch sử, văn hóa và xã hội thời tiền sử vào giai đoạn có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ phương thức săn bắt hái lượm “phụ thuộc” tự nhiên chuyển qua hoạt động trồng trọt làm phương thức chính. Những “bảo tàng tại chỗ” như một số di tích của văn hóa Hòa Bình đã phần nào thể hiện được những giá trị đó. Còn đối với văn hóa Đồng Nai, cần sự quan tâm nhiều hơn mới có thể bảo vệ và phát huy giá trị của những di sản khảo cổ đa dạng và phong phú tại đây.

Hiện nay, quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng cực đoan, sự tham gia tích cực vào việc “giải mã” quá trình lịch sử xa xưa của khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học cộng đồng là một phương thức quan trọng, góp phần mang lại những bài học hữu ích từ sự ứng xử phù hợp với thiên nhiên nhân loại từ thời tiền sử.  

 







Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn

[2] Hà Văn Tấn (1982), “Các hệ sinh thái nhiệt đới tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3. tr.3-8

[3] Lê Bá Thảo, 2004. Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục

[4] Bùi Chí Hoàng (chủ biên) 2017. Sách đã dẫn. Tr. 16

[5] Bảo tàng lịch sử VN, Bảo tàng LSVN.TPHCM, 1998. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh. NXB Trẻ. Tr,338-347

[6] Trình Năng Chung (2019), nguồn đã dẫn.

[1] Báo cáo sơ bộ cuộc khai quật và nghiên cứu bước đầu các di tích trên. Tài liệu lưu tại Bảo tàng tỉnh Đăk Nông, Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk

[2] Trình Năng Chung, 2019. Nguồn đã dần

[1] Nguyễn Thị Hậu, Lê Thanh Hải, 2010. Sách đã dẫn, tr. 271

XIN TẠ ƠN NGƯỜI…


Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng mình chỉ chú ý đến ngày Lễ này từ khi mình và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn độn, ảo mà cũng thật - giản - đơn!
Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi, ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở về nhà, cả nhà tập hợp ở ngôi nhà chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của mình, dịp lễ Tạ ơn giống như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…
Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, mình nghĩ, lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người. Biết ơn vũ trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên, biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức sống diệu kỳ cho mỗi rừng cây mỗi bông hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững vàng ở bên ta mỗi khi khốn khó. Biết ơn sự chia sẻ niềm chung vui với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…
Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?
Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Mình đọc ở đâu đó, rằng Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới đến. Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…
Chừng nào những Lễ hội được cộng đồng dân cư tiếp nối và duy trì như thế, Lễ hội đó thực sự là di sản văn hóa mà không cần đến một sự vinh danh nào đó từ bên ngoài.


SAU LỄ TẠ ƠN
Lễ Tạ ơn mọi người quây quần bên gia đình, náo nức mua sắm trong ngày Black Friday. Ai cũng email, gửi thiệp tới người thân với những lời chúc mừng ấm áp. Anh cũng vậy.
Đầu tuần đi làm anh mới nhớ đến cô, người luôn bên anh khi anh cần chia sẻ. Chút áy náy... nhưng rồi: thân thiết mà, cần gì phải khách sáo! Nghĩ vậy anh bình thản lái xe và bấm máy gọi cô mấy lần nhưng chỉ nghe:
"Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được..."
@ Black Friday
Tình yêu hạ giá/khuyến mãi nỗi buồn
Tặng nhau cuộc đời/khuyến mãi cô đơn

LÀM GÌ ĐỂ THU HÚT CHUYÊN GIA?

 (ghi lại ý kiến của mình trong cuộc tọa đàm Ngày 14/11/2022 tại Sở Khoa học Công nghệ)

 Trong buổi tọa đàm do Sở KHCN và Viện NCPT tổ chức, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển và Sở Khoa học công nghệ cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố thiếu cơ chế, hoặc cơ chế không đồng bộ nên khó khăn trong việc “thu hút chuyên gia”, việc sử dụng chuyên gia không hiệu quả như kỳ vọng.

Y kiến của mình cụ thể từ thực tiễn mình đã/đang trải qua trong công việc:
Cơ chế nào cũng cần và vận hành từ 3 điều kiện: 1/bộ máy; 2/nguồn lực và 3/tài chính. Vậy để “thu hút chuyên gia” – mà như một chuyên gia ở đây đã nói là “mời gọi chuyên gia” mới đúng! – 3 điều kiện trên ở TP thế nào?

1/Về bộ máy làm đầu mối, có vai trò “thu hút chuyên gia” tham gia các chương trình, dự án hay đóng góp những kế hoạch ngắn hạn cho TP: đó chính là Sở KHCH – cơ quan quản lý và Viện NCPT – cơ quan nghiên cứu chiến lược. Hai cơ quan này có tể khắc phục những hạn chế mà các chuyên gia góp ý:
1. 1 Về tình trạng “chuyên gia thiếu thông tin”: Sở KHCN có hẳn một Trung Tâm Thông Tin và Thống kê Khoa Học Công Nghệ (Cesti) tại 79 Trương Định. Chức năng và nhiệm vụ của cơ quan này
https://cesti.gov.vn/chuc-nang-va-nhiem-vu hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng “thiếu thông tin” nhất là về khoa học – kỹ thuật, số liệu thống kê của thành phố.

1.2 Ngoài ra, Viện Nghiên cứu phát triển cũng có một Thư viện với hàng chục ngàn đầu sách và tài liệu về KHXHNV, kinh tế, quy hoạch đô thị, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và nhiều tỉnh khác… Đặc biệt trong đó có hơn 5000 cuốn sách quý mà Viện được tiếp nhận từ ông Nguyễn Tiến Văn, Việt kiều Canada tặng. http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/co-cau-to-chuc

1.3 Tuy nhiên, hai cơ quan này đến nay chưa có một Tạp chí Khoa học đúng nghĩa và có uy tín. Cần coi Tạp chí khoa học là nơi các chuyên gia có thể đóng góp tri thức bằng những bài nghiên cứu, công trình khoa học… cho định hướng lâu dài hay kế hoạch ngắn hạn của thành phố, của từng chương trình nghiên cứu ở các linh vực. Viện NCPT từng có Tạp Chí NCPT từ năm 2013 và đã hoạt động tốt, có một mạng lưới cộng tác viên là nhà khoa học trong, ngoài thành phố, có cả chuyên gia nước ngoài… nhưng rồi chỉ được 2,3 năm và đến nay thì “mất tích”!

2/ Về nguồn nhân lực, tức là nguồn chuyên gia:

2.1 Cần chú ý trọng dụng những chuyên gia đã nghỉ hưu, không có chức vụ gì, hiện đang tập hợp sinh hoạt trong các hội chuyên ngành của Liên hiệp các hội KHKT TP. Nguồn chuyên gia này rất phong phú, tâm huyết, thực sự là những chuyên gia – vì thường giỏi chuyên môn ít khi có chức vụ, ít được báo giới truyền thông chú ý và ít nổi tiếng 😊

2.2 Như mọi người đã nói, chuyên gia thực sự cần nhất là môi trường làm việc tốt, phù hợp, trong đó có phương tiện vật chất và đồng nghiệp, mối quan hệ trong công việc. Tuy nhiên đừng cho rằng “thù lao là không quan trọng” vì cần phải có thù lao/trả lương tương xứng với công lao, thời gian và nhiều sự hy sinh khác của chuyên gia, Điều đó chính là sự tôn trọng chất xám, tri thức và sự nhiệt tình của chuyên gia.

2.3 Cần thu hút, mời gọi cả các chuyên gia trẻ. Bởi vì chuyên gia không chỉ là người lớn tuổi, có kinh nghiệm mà còn là người nắm bắt tiến bộ KHKT mới, những tri thức mới. Sự phát triển xã hội hiện nay đâu chỉ từ “kinh nghiệm” nữa?

3/ Về Tài chính:

3.1 Quan trọng nhất là cần công khai, minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng ngay từ bước đầu của dự án, chương trình… và cả từ hai phía: nhà quản lý thì “trả công xứng đáng” và chuyên gia đóng góp khoa học thật sự, mang tính thực tiễn… Nếu một trong hai phía không thực hiện đúng thì thẳng thắn “thanh lý hợp đồng” và đền bù, nếu cần.

 3.2 Hai cơ quan quản lý nhà nước, cũng là đầu mối của nhiều chương trình, dự án cũng là hai đầu mối đề xuất chính quyền thành phố và cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc về thủ tục, nhất là thủ tục tài chính. Chứ cũng “kêu” về cơ chế chính sách như các chuyên gia thì cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai?!

[Những ý kiến “thực tiễn” của một người chưa phải là chuyên gia như mình, có vẻ lạc lõng trong buổi tọa đàm của nhiều các chuyên gia lớn và tầm vĩ mô, nên không được báo chí quan tâm 😊]

 Tin về tọa đàm này dẫn ở dưới đây

https://tphcm.chinhphu.vn/tphcm-can-co-che-dot-pha-ve-tai-chinh-moi-truong-lam-viec-de-thu-hut-cac-chuyen-gia-101221114210949159.htm

https://tienphong.vn/tphcm-lam-gi-de-thu-hut-chuyen-gia-hien-ke-post1486377.tpo



Cần cơ chế cho bảo vật hồi hương

 Báo Tuổi Trẻ ngày 9,11,2022

https://tuoitre.vn/can-co-che-cho-bao-vat-hoi-huong-20221109075211922.htm?fbclid=IwAR2WO09mv4Jcv5tzulqQjc9GfgeM0AEP9UhBqDTbGcaLws_sLICasAsHW-Y

Gần đây dư luận xã hội nói chung và giới nghiên cứu văn hóa, bảo tồn di sản nói riêng rất quan tâm đến việc một số cổ vật triều Nguyễn được thông báo bán đấu giá tại Pháp. Trong số đó, chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tới nay may mắn được “tạm hoãn” đưa ra sàn đấu giá và VN có thể thương lượng mua trực tiếp.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận xã hội quan tâm đến cổ vật VN đấu giá ở nước ngoài. Ở nước ta, giới sưu tầm cổ vật (và sưu tầm tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tếng) vẫn thường xuyên theo dõi và tham gia các hoạt động này. Thời gian qua đã có những nhà sưu tầm “hồi hương” được một số cổ vật, tác phẩm hội họa của Việt Nam. Tuy nhiên, với các cổ vật như ấn vàng, bát vàng thuộc triều Nguyễn (hay trường hợp bức tranh của vua Hàm Nghi vài năm trước) thì việc “hồi hương” dù có ý nghĩa rất quan trọng vì giá trị nhiều mặt của chúng, nhưng thực tế rất khó khăn thậm chí bất khả thi.

Các cổ vật quý hiếm qua các phiên đấu giá thì giá cả rất khó lường, muốn chủ động tham gia đấu giá, kể cả việc “thương lượng mua” thì nhà nước cần có sẵn một khoản ngân quỹ dành riêng cho việc này. Thiết nghĩ đã đến lúc nhà nước cần lập Quỹ Di Sản văn hóa dành cho việc mua cổ vật từ nước ngoài và cả ở trong nước. Nguồn quỹ này từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, có thể có sự đóng góp của xã hội, với mục tiêu mua lại cổ vật, bảo vật và lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo tàng công lập.

Bên cạnh đó nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức xã hội ngoài công lập thành lập Quỹ Di sản từ nguồn đóng góp của tư nhân… Hiện nay tại nhiều tỉnh thành có “Hội sưu tầm cổ vật” của các nhà sưu tập tư nhân, họ đã có nhiều hoạt động phối hợp trưng bày hiện vật và biếu tặng hiện vật cho bảo tàng địa phương. Tuy nhiên, việc trao đổi, mua bán cổ vật chưa có một thị trường công khai, hợp pháp như các “sàn đấu giá” ở nước ngoài. Vì vậy rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin chính thức về những cổ vật, nhất là cổ vật quý hiếm đang được cá nhân lưu giữ trong nước. Điều này cũng làm hạn chế việc trao đổi, mua bán cổ vật giữa các nhà sưu tập với nhau và với bảo tàng nhà nước.

Xã hội hóa việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là kêu gọi, vận động xã hội đóng góp các nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích hay mua cổ vật, bảo vật “biếu tặng cho bảo tàng nhà nước”. Quan trọng hơn là cần ngay cơ chế chính sách cho tư nhân và tổ chức xã hội có thể tham gia các nguồn lực vào công cuộc này, bao gồm nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, tri thức, uy tín cá nhân... Nguồn “vốn xã hội” này cùng với bộ máy quản lý, chuyên gia của ngành văn hóa sẽ giúp cho việc quản lý di sản có hiệu quả hơn: từ xác định nguồn gốc, xuất xứ cổ vật, giám định chất lượng, định giá theo thị trường hay “giá sàn” để đưa ra đấu giá trong và ngoài nước, hay trường hợp tham gia đấu giá ở nước ngoài còn liên quan đến vấn đề pháp lýnâng cao tính minh bạch và khoa học. Đồng thời giảm thiểu việc mất mát cổ vật tại các di tích, ngăn ngừa hiện tượng “chảy máu cổ vật” ra nước ngoài.

Cổ vật, bảo vật được lưu giữ ở bảo tàng công cộng hay bảo tàng, sưu tập tư nhân đều có giá trị như nhau, việc phát huy giá trị của chúng đối với cộng đồng tùy thuộc vào hoạt động nghiên cứu, trưng bày giới thiệu như thế nào, bằng cách nào. Khi tính chất “hợp pháp” của cổ vật càng rõ ràng thì công chúng càng dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trở thành động lực để xã hội tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ di sản văn hóa.

 Hy vọng sắp tới đây, Luật Di sản văn hóa sẽ được cập nhật, bổ sung các điều khoản cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc lập Quỹ Di sản công lập và ngoài công lập, các điều khoản hướng dẫn thực hiện việc “hồi hương” cổ vật VN ở nước ngoài. Sự hoàn thiện của luật pháp, sự đồng bộ giữa các cơ quan liên quan đến quản lý di sản văn hóa sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để chính quyền, cộng đồng và xã hội cùng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với bảo tồn Di sản văn hóa quốc gia.

 

Nguyễn Thị Hậu

 


PHÁT TRIỂN “KINH TẾ XANH” - TRƯỜNG HỢP HUYỆN CẦN GIỜ (TP. HỒ CHÍ MINH)

 

PHÁT TRIỂN “KINH TẾ XANH”

TỪ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN VÀ DI SẢN VĂN HÓA:

 TRƯỜNG HỢP HUYỆN CẦN GIỜ (TP. HỒ CHÍ MINH)

1.    1. Kinh tế xanh

Khái niệm

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh: “Là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững (UNEP, 2010). Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách trong nước, chính sách quốc tế và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.

Với những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung sẽ bám sát vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững[1].

Có thể nhận biết kinh tế xanh là sự kết hợp giữa 3 thành tố: Kinh tế + Xã hội + Môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, bởi vì những hoạt động trong nền kinh tế này tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, nhưng luôn hướng đến phát triển cuộc sống của xã hội con người, đặc biệt là yếu tố văn hóa cộng đồng. Đồng thời những hoạt động trong nền kinh tế này thân thiện với môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Ba yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững của phát triển xã hội.

Kinh tế xanh là mô hình đánh giá trực tiếp vốn tự nhiên và việc sử dụng tự nhiên như một giá trị của kinh tế học, điều này không giống và đáng quý hơn so với những mô hình kinh tế trước đó. Trong một nền kinh tế xanh, các chi phí xã hội phải gánh chịu thông qua hệ sinh thái đều có nguồn gốc và phải được hoàn trả bởi các thực thể có khả năng gây hại hoặc thờ ơ với một giá trị tự nhiên.

Kinh tế xanh tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.[2]

Đặc điểm của Kinh tế xanh

Các định chế quốc tế khác nhau đã đưa ra các đặc điểm và bản chất khác nhau của nền kinh tế xanh. Một số đặc điểm chung là:

-       Nền kinh tế xanh tạo điều kiện phát triển bền vững

-       Kinh tế xanh là tài nguyên và năng lượng tiết kiệm

-       Nền kinh tế này tạo ra công ăn việc làm xanh.

-       Kinh tế xanh tôn trọng các ranh giới hành tinh, các giới hạn sinh thái hoặc sự khan hiếm.

-       Nền kinh tế này đo lường sự tiến bộ kinh tế ngoài GDP bằng cách sử dụng các chỉ số / thước đo thích hợp.

-       Nền kinh tế xanh mang lại sự bình đẳng, công bằng và chính đáng - giữa và trong các quốc gia và giữa các thế hệ.

-       Kinh tế xanh bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

-       Nền kinh tế này mang lại hiệu quả giảm nghèo, nâng cao đời sống, sinh kế, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

-       Nền kinh tế xanh giúp cải thiện khả năng quản trị và nhà nước pháp quyền. Bao gồm: Dân chủ; có sự tham gia của cộng đồng; chịu trách nhiệm; ổn định[3].


2. 2. Khái quát về huyện Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh

Vị trí địa lý.

Cần Giờ là một huyện ngoại thành, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60km về phía Đông Nam. Đây là cửa ngõ ra biển Đông của Thành phố Hồ Chí Minh và của cả miền Đông Nam Bộ. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, với ranh giới là sông Đồng Nai, đoạn đổ ra vịnh Gành Rái là sông Lòng Tàu; phía Tây Bắc là huyện Nhà Bè Thành phố Hồ Chí Minh ngăn cách bởi sông Nhà Bè; phía Tây và Tây Nam giáp hai tỉnh Long An và Tiền Giang mà ranh giới là sông Soài Rạp đổ ra vịnh Đồng Tranh. Phía Nam là biển Đông.

Với diện tích gần 700 km2 , Cần Giờ được coi là miền đồng bằng chưa hoàn chỉnh ở hạ lưu sông Đồng Nai. Đặc điểm nổi bật của địa hình Cần Giờ là khu vực này bị ngăn cách với đất liền bởi các con sông lớn. Phía Bắc là sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, phía Đông là sông Đồng Tranh và sông Thị Vải, phía Tây là sông Soài Rạp, còn phía Nam là biển Đông. Sông Lòng Tàu là nhánh tiêu nước chính, lòng sông sâu nên cũng là trục giao thông chính từ cửa biển Cần Giờ vào lưu vực Đồng Nai. Trên bề mặt toan vùng còn bị chia cắt bởi hệ thống hàng trăm sông rạch chằng chịt.

Môi trường sinh thái.

Trên vùng đầm lầy ven biển này đã tồn tại một hệ sinh thái vùng ngập mặn điển hình. Điều kiện có ý nghĩa quyết định cho kiểu rừng ngập mặn là đất bùn lỏng và chế độ ngập triều. Để thích nghi, các cây rừng ngập mặn dù thuộc nhiều họ khác nhau nhưng đều mang đặc tính chung là có bộ rễ hình nơm bám rất chắc vào đất bùn, có khả năng mang cây mầm ngay trên thân (như cây đước), lá cứng dày, mọng nước và cấu trúc chịu hạn sinh lý. Rừng cây ở vùng ngập mặn thường có một tầng, cây không cao to, phổ biến là kiểu rừng “mắm trước, đước sau”. Đó là một quá trình cây mắm phát triển và mọc thuần khi đất mới bồi chưa chắc. Vài năm sau, đất dần được nâng cao, một phần do bồi tích của sông, biển, một phần do thân cây, lá mục rụng. Đồng thời, đất bớt mặn thì loại cây đước, vẹt bắt đầu phát triền để giữ đất. Khi đất cứng hơn, cao dần và bớt chua, các loại cây thấp, cây bụi như ô rô gai, bần, chà là, nhất là dừa nước… xuất hiện.

Rừng ngập mặn giữ vai trò then chốt trong quá trình hình thành địa hình ở đây, vì có tác dụng giữ đất, chống xâm thực, tạo môi trường cho thủy hải sản nước mặn và nước lợ phát triển. Trong các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam, Cần Giờ là nơi có mức độ thủy hải sản tự nhiên vào loại cao nhất. Tiêu biểu là sự phong phú, đa dạng của hải sản vùng đồng bồi cửa sông: các loài cá, các loài giáp xác, nhuyễn thể. Ngoài ra còn có nhiều loại chim, thú mà phần lớn vẫn còn đến ngày nay…[4].

Khí hậu ở Cần Giờ tương đối khắc nghiệt hơn những khu vực khác ở miền Đông Nam Bộ. Mùa khô kéo dài hơn, lượng mưa trong mùa mưa ít hơn, tầng phù sa cổ chứa nước ngầm cũng bị nhiễm mặn làm cho Cần Giờ hầu như không có nước ngọt. Điều kiện sinh thái này không thuận lợi để phát triển nông nghiệp trồng trọt nhưng thích hợp với các phương thức khai thác tự nhiên

Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rừng lớn. Đây được coi là “lá phổi xanh” của thành phố. Rừng ngập mặn Cần Giờ được Unesco đã công nhận đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Chính vì vậy việc bảo vệ môi trường ở huyện Cần Giờ là rất quan trọng, không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh mà còn cho toàn miền Đông Nam bộ - khu công nghiệp lớn nhất nước.

Hệ thống di sản văn hóa Biển đặc sắc

Di sản lịch sử văn hóa ở đây có giá trị cao: đó là hệ thống di tích khảo cổ học có niên đại từ thời văn hóa Đồng Nai tiền sử (3000 năm - 2000 năm cách ngày nay), đến thời kỳ văn hóa Óc Eo thuộc nền văn minh Phù Nam (thế kỷ 1 – thế kỷ 7). Nổi tiếng nhất là di tích mộ chum Giồng Cá Vồ - di tích lịch sử văn hóa quốc gia, có niên đại 2500 năm cách ngày nay.

Môi trường tự nhiên và hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ đã cho thấy vào thời cổ khu vực cửa sông vịnh biển này không phải là một vùng phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác. Cư dân cổ ở đây có đời sống kinh tế khá đặc biệt là phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực ĐNA hải đảo và xa hơn, hướng vào ĐNA lục địa bằng đường sông, định cư trên những giồng (gò) đất không lớn với hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn, từ biển và phát triển các nghề thủ công độc đáo.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã cho rằng Cần Giờ hai ngàn năm trước đây là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ thuật từ bên ngoài,  đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hoá bản địa.

Giai đoạn muộn hơn ở Cần Giờ có nhiều dấu tích của những đoàn lưu dân theo sông nước vào khai phá vùng đất Gia Định – Đồng Nai. Đó là những di tích cư trú, mộ táng, đình, chùa, miếu… và tín ngưỡng dân gian như Lễ hội Nghinh Ông vào tháng tám âm lịch  – một di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.

Trong kháng chiến chống Mỹ, rừng sác Cần Giờ là Khu căn cứ Cách mạng, đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khu căn cứ này gắn liền với những chiến công của Đội Đặc công Rừng Sác anh hùng. Đây là địa điểm nổi bật và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách.

Như vậy, cùng với những di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, các địa điểm di tích đang được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của TP. Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ có 3 di tích văn hóa quốc gia nhưng thuộc 3 loại hình độc đáo, đồng thời tiêu biểu cho 3 giai đoạn lịch sử của nơi này, kéo dài liên tục từ khoảng 500 năm trước công nguyên đến thế kỷ 20. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Cần Giờ có giá trị cao không chỉ về nghiên cứu khoa học, giáo dục mà còn phục vụ phát triển dân sinh, đặc biệt là phát triển du lịch [5].

3. Cần Giờ phát triển từ “kinh tế xanh”

Đô thị biển Cần Giờ.

Những năm gần đây, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm thiết thực hơn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ phát triển, vì đây là khu vực mà đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong một chừng mực nhất định, đã có những tác động không thuận lợi của cơ chế thị trường đến việc bảo tồn các di sản văn hóa, mà nếu không có giải pháp kịp thời thì hậu quả thật khó lường. Bởi đó là tác động từ việc đất đai chuyển đổi mục đích sử dụng, khu vực ven bờ biển không còn có thể nuôi trồng thủy hải sản, nhiều người dân – trong đó có ngư dân – phải chuyển đổi phương thức kinh tế… Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng, đến không gian lịch sử - văn hoá của một vùng đất, cảnh quan truyền thống của hệ thống di sản văn hóa. Đây là một thực trạng ở nhiều địa phương đang trong quá trình “đô thị hóa” và huyện Cần Giờ cũng không là ngoại lệ.

Theo dự án Đô thị biển Cần Giờ thì một phần quan trọng của đô thị là diện tích lấn biến khá lớn – theo xu hướng “hiện đại hóa” trong thế kỷ 20 của nhiều “quốc gia biển”. Tuy nhiên biển Cần Giờ là vùng biển bồi và chế độ “bán nhật triều” mạnh, nơi có môi trường phù hợp cho các lọai thủy hải sản sinh trưởng, thuận tiện cho việc nuôi thủy sản ven bờ. Do đó “lấn biển” nhưng cần chú ý bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Mặt khác việc xây dựng đô thị tại vùng cửa sông vịnh biển trong điều kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng và phức tạp như hiện nay cũng cần tính đến hiện tượng biển dâng sẽ làm biến đổi cảnh quan và môi trường.

Do đó, đô thị biển Cần Giờ sẽ có những dự án phát triển bất động sản nằm trong khu vực có hệ sinh thái và di sản văn hóa cần bảo vệ. Vì vậy phải hướng đến mục tiêu phát triển đô thị hiện đại và bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên và hệ thống di sản văn hóa chứ không phải “hiện đại hóa” bằng mọi giá!

Gần đây, trong buổi khảo sát và làm việc với huyện Cần Giờ của ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4.2021, nhiều chuyên gia kinh tế, một số nhà khoa học đã có ý kiến nhấn mạnh việc phát triển kinh tế của Cần Giờ là cần mạnh dạn với cách tiếp cận mới (nhìn nhận lại vai trò của Khu dự trữ sinh quyển thế giới/rừng ngập mặn), tận dụng lợi thế mặt tiền biển và cửa sông để phát triển (xây đô thị lấn biển hiện đại),  nhằm góp phần vào phát triển kinh tế của TPHCM, của vùng và cả nước [6].

Điều đó không sai và cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là phải phát triển ở Cần Giờ nên như thế nào? Muốn phát triển đúng hướng và bền vững, bài học của thế giới là cần phải nhận biết đặc điểm của từng khu vực, từng địa phương, để có thể hạn chế yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực, nhất là từ nguồn tài nguyên bản địa. Vậy đặc trưng của Cần Giờ - trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh, Nam bộ và khu vực, là gì?

Cần Giờ có “3 ADN” là đặc trưng cơ bản để nhận biết và tạo “thương hiệu”

“ADN” thứ nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Cần Giờ phát triển cần phải có rừng ngập mặn. Đây là ADN chủ đạo, cần bảo tồn và phát triển. Việc UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn gián tiếp công nhận và vinh danh công lao của Việt Nam, của TP. Hồ Chí Minh, trong việc chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh đã khôi phục một diện tích rừng rộng lớn đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, mang lại một môi trường mới cho cảnh quan và đặc biệt là cho con người có thể sinh sống. Điều này không thể phủ nhận. Đây cũng chính là “ADN” giúp Cần Giờ và TPHCM khác biệt so với nhiều nơi khác.

“ADN” thứ hai, đó là vị trí “mặt tiền” biển và cửa sông của vùng Đông Nam bộ, là cửa ngõ của TPHCM để phát triển kinh tế biển cho đất nước. Vì thế, phát triển huyện Cần Giờ không chỉ là phát triển cho một địa phương mà còn là phát triển cho cả vùng. Ngoài ra cần lưu ý, Cần Giờ có vị trí chiến lược, mang ý nghĩa quân sự quan trọng của TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong lịch sử vào thời nhà Nguyễn, Cần Giờ là khu vực phòng thủ từ xa cho thành Gia Định, và hiện nay nơi này trong địa bàn của huyện vẫn có nhiều khu vực do bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh quản lý.

“ADN” thứ ba, đó là hệ thống di tích ở Cần Giờ có giá trị rất đặc biệt, mang tính độc đáo mà nhiều nước trong khu vực không có. Những di sản văn hóa cho thấy vai trò của cộng đồng cư dân Cần Giờ từ thời cổ cho đến nay, đặc biệt là những lớp người đến đây sinh sống và khai hoang trồng trọt, làm muối, đánh bắt cá… từ sau 1975. Nếu không quan tâm đúng mức đến ADN này trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa thì sẽ gây ra nhiều bất ổn về xã hội.

Dựa vào các “ADN” này thì Cần Giờ phát triển đúng hướng và không bị biến dạng, mất bản sắc. Tạo nên lợi thế này giúp phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái bên cạnh phát triển dịch vụ của đô thị biển hiện đại.

Đây là “lợi thế cạnh tranh” của Cần Giờ trong giai đoạn “kinh tế du lịch” phát triển mạnh mẽ. Làm sao cho môi trường tự nhiên và di sản có thể tiếp tục sống trong đời sống đương đại, khi được con người hiện nay tiếp nhận sẽ trở thành ký ức, quảng bá rộng rãi và “di truyền” cho thế hệ sau về các giá trị văn hóa quá khứ đang được thế hệ hiện nay gìn giữ. Bảo tồn di sản và khai thác, phát triển di sản như một nền kinh tế xanh, cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa, môi trường tự nhiên.

Xây dựng nền Kinh tế xanh để Cần Giờ phát triển bền vững

Từ cách tiếp cận của “KINH TẾ XANH”, có thể nhận thấy Cần Giờ giàu tiềm năng để phát triển một cách bền vững, từ sự kết hợp giữa phát triển kinh tế + bảo tồn di sản văn hóa + bảo vệ môi trường tự nhiên. Ở Cần Giờ ba yếu tố này không thể tách rời, nếu hủy hoại một yếu tố tức là làm cho hai yếu tố kia suy yếu và cũng sẽ biến mất. Hủy hoại một yếu tố cũng là làm tổn hại tới cộng đồng dân cư, từ việc thay đổi, mất sinh kế đế việc từ bỏ các thành tố văn hóa gắn liền với sinh kế ấy. Điều này có nghĩa là cùng một lúc phải bảo lưu cho được những giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ những di tích lịch sử, không gian, cảnh quan thiên nhiên vốn có, nhưng đồng thời phải đảm bảo phát triển một cách hài hoà có định hướng (bảo tồn thích nghi).

Việc xây dựng một đô thị tại vùng cửa sông vịnh biển, trong điều kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng và phức tạp như hiện nay chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường, tác động làm biến đổi điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến việc bảo tồn tự nhiên cũng là bảo tồn cảnh quan di tích. Không thể bảo vệ được hệ thống di tích khảo cổ - lịch sử cũng như làm biến dạng, biến mất các di sản văn hóa phi vật thể của Cần Giờ, cũng là làm mất đi những di sản văn hóa có giá trị đặc biệt của TP. HCM và của cả nước.

Các phương án bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa huyện Cần Giờ cần phải đặt trong qui hoạch tổng thể khu vực Cần Giờ nói chung và bảo tồn, phát triển Khu bảo tồn sinh quyển thế giới nói riêng. Di tích gắn liền với cảnh quan môi trường. Cần Giờ còn may mắn giữ lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn đã hình thành từ hàng chục ngàn năm trước. Trải qua thời gian chiến tranh lâu dài, tuy bị tàn phá nặng nề nhưng sự hồi sinh đáng kinh ngạc của rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, về kinh tế, mà còn có giá trị về lịch sử, vì đây chính là môi trường sinh sống của chủ nhân những di tích khảo cổ hơn hai ngàn năm trước đến ngày nay.

Khi bảo toàn được những “ADN” là các đặc trưng của môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn, cộng đồng dân cư cũng được bảo toàn trong hoàn cảnh mới: kinh tế phát triển, nguồn sống và sinh kế được bảo vệ đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa của họ. Phát triển bền vững huyện Cần Giờ phải lấy việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản làm “chìa khóa” quan trọng nhất. Không phải chỉ để nghiên cứu mà phải dành cho người dân tìm hiểu, nâng cao tri thức và được thụ hưởng di sản của ông cha để lại. Đồng thời giới thiệu và quảng bá với du khách quốc tế, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử Việt Nam [7].

Như trên đã chỉ ra, Kinh tế xanh mang lại sự bình đẳng, công bằng giữa các cộng đồng và giữa các thế hệ, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, đồng thời mang lại hiệu quả giảm nghèo, nâng cao đời sống, sinh kế, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Đấy chính là mục tiêu phát triển mà huyện Cần Giờ hướng đến. Muốn vậy, trước hết và xuyên suốt là chính sách định hướng và giải pháp phù hợp của chính quyền TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho Cần Giờ phát triển mọi hoạt động của nền KINH TẾ XANH một cách có hiệu quả tốt nhất.

TP. Hồ Chí Minh ngày 6.10.2022

 

TS. Nguyễn Thị Hậu


[1] https://daibieunhandan.vn/Giup-viec/Khai-niem-kinh-te-xanh-i260552/

[2] Vikipedia – Kinh tế xanh

[3] https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/kinh-te-xanh-la-gi-thuc-trang-kinh-te-xanh-tai-viet-nam-a5048.html

[4] Trần Bạch Đằng – Dương Minh Hồ (chủ biên), 1993: Sơ khảo huyện Cần Giờ. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[5] Nguyễn Thị Hậu, 2012. Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp TP.HCM

[7] https://nld.com.vn/van-nghe/he-thong-di-tich-khao-co-hoc-huyen-can-gio-tp-hcm-nhung-gia-tri-cuc-ky-quan-trong-20220912194017719.htm





DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...