ĐÌNH LÀNG NAM BỘ THỜI 4.0


Báo Lao động cuối tuần tết Kỷ hợi 2019
Nguyễn Thị Hậu

1. Ở Nam bộ lễ hội quan trọng nhất và phổ biến nhất của Đình làng là Lễ Kỳ Yên (cầu an) vào dịp đầu xuân. Cho đến nay các ngôi đình ở đô thị Nam bộ vẫn duy trì dịp lễ này, như một sự hồi tưởng của cộng đồng về những làng xóm thủa xa xưa đã nhường chỗ cho các đô thị phát triển.
Đình là một hình thái tín ngưỡng dân gian được hình thành rất sớm và đã trở thành “thiết chế văn hóa” quan trọng thâm nhập vào đời sống cộng đồng, trở thành biểu tượng của văn hóa làng xã VN. Đình làng thể hiện nhu cầu và những sinh hoạt cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức năng ở làng xã. Với tư cách là một hình thái tín ngưỡng dân gian, đình làng là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần của cư dân nông nghiệp.
Ở vùng đất Nam bộ, theo nhà văn Sơn Nam, đình làng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: xây dựng đình thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì “làng chỉ như lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể. Cho nên, người lưu dân lập làng ở đâu dựng đình ở đó. Đình có vai trò “trung tâm” của làng xã, nơi tổ chức các lễ hội và những hoạt động văn hóa – xã hội khác.
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Khánh lại có một nhận định thú vị và chính xác: Đình Nam bộ có lẽ đáng chú ý hơn các nơi khác vì đó còn là “biểu tượng” văn hóa của chủ thể quốc gia dân tộc. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân… Vẻ uy nghi trang trọng của đình, ngoài căn nguyên tín ngưỡng, còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi” được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá và bảo vệ đất đai làng xóm. Vì vậy, bảo tồn gìn giữ sự hiện diện của đình làng là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.
Từ ý nghĩa khởi đầu đó, ở vùng đất Nam bộ đình làng là nơi lưu truyền những truyền thống của quê hương bản quán, nơi thờ cúng và ghi nhớ công lao các bậc Tiên hiền Hậu hiền khai hoang lập ấp. Do đó đình làng là “không gian cộng cảm” của cộng đồng có những ký ức chung, những sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, văn hóa chung.

2. Từ sau năm 1975 đến nay ở Nam bộ, quá trình đô thị hóa nhanh cùng với việc quy hoạch phát triển các đô thị chưa thật sự chú ý đến thiết chế văn hóa truyền thống, đã làm cho đình không còn gắn bó với cộng đồng như xưa ngay cả ở nông thôn. Sau gần một thế kỷ chiến tranh tỉnh thành nào cũng có sự biến động dân cư nhưng ở các đô thị thì sự đột biến lớn hơn về về số lượng và “chất lượng” dân cư (nguồn gốc, lối sống nếp sống, cấu trúc dân cư, phân hóa xã hội...). Bên cạnh đó, sự xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mới, sự phát triển truyền thông đa phương tiện, sự khôi phục nhiều lễ hội truyền thống khác... cũng có tác động đến nhu cầu của cộng đồng về sinh hoạt ở đình làng. Giá trị và ý nghĩa của đình làng không còn phổ biến trong cộng đồng như trước... Điều đó có nghĩa đình – như một thiết chế văn hóa - đang mất những cơ sở xã hội để tồn tại. Ngay cả ở nông thôn các chức năng của đình gần như không còn hiện diện ngoài dịp Lễ Kỳ Yên hàng năm, nhưng nhiều nơi cũng đã bị mai một.
 Hiện nay một số tỉnh Nam bộ đã thực hiện các công trình sưu tầm, kiểm kê và đánh giá về giá trị di sản văn hóa, trong đó có kiến trúc và tín ngưỡng đình làng. Tuy có những đề xuất giải pháp “bảo tồn và phát huy giá trị” nhưng chưa thể tiên đoán “số phận” của những ngôi đình sẽ đi về đâu, khi mà thực trạng cơ sở vật chất của nhiều ngôi đình đã xuống cấp, sự hoang vắng và thưa thớt trong những sinh hoạt đình làng ở nhiều địa phương. Liệu đình làng còn có vị trí và vai trò thích hợp nào trong cơn lốc đô thị hóa, tại những vùng “nông thôn mới” cảnh quan đã thay đổi theo hướng hiện đại hóa?
Từ sự thay đổi hoàn cảnh kinh tế - xã hội và “chất lượng sống” của dân cư làng xã và đô thị, nên chăng sinh hoạt cộng đồng tại đình cần có thêm hình thức, nội dung mới, trên cơ sở những giá trị cơ bản của đình làng. Một số nơi đã sử dụng, tận dụng không gian, mặt bằng đình làng cho những sinh hoạt cộng đồng có tính “thời điểm”: Hội họp phổ biến những chính sách, chủ trương mới, thảo luận, đóng góp ý kiến của cộng đồng cho các chủ trương, chính sách của chính quyền, phát động các phong trào xã hội... Không gian ở đình tạo sự thân thiện, gần gũi giữa chính quyền với người dân.
Những sinh hoạt khác phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương như khuyến nông, khuyến nghề cho cộng đồng, tư vấn nghề nghiệp cho giới trẻ...Tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống (đờn ca tài tử, cải lương, hát bội...) với quy mô nhỏ ở đình làng để giới thiệu di sản văn hóa truyền thống cho cộng đồng. Cùng với việc duy trì Lễ Kỳ Yên hàng năm, sự tiếp nhận các giá trị văn hóa của đình, ý thức lưu truyền của cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
          Khi chính quyền quan tâm thực sự đến sinh hoạt đình làng (như thường xuyên tham gia sinh hoạt tín ngưỡng tại đình với tư cách cá nhân trong cộng đồng chứ không phải là “quan chức”) thì sẽ không quan liêu, hiểu biết đúng về tín ngưỡng cộng đồng, tránh làm “biến dạng” lễ hội truyền thống khi có yếu tố “lãnh đạo” tham dự. Qua đó hỗ trợ các Ban quản lý , Ban trị sự đình phương thức, kinh phí hoạt động và nhất là nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng. Hiện nay có nhiều đình đã bổ sung nhân sự Ban quản lý, Ban trị sự là những người mới về hưu để có thể năng động hơn trong điều hành và kế thừa các nghi lễ tại đình.
Các cơ quan văn hóa địa phương phổ biến giá trị, ý nghĩa đình làng bằng việc dịch các tài liệu văn bản Hán – Nôm liên quan đến lịch sử đình, về danh nhân, nhân thần nhiên thần thờ tự... và lưu tại đình để mọi người có điều kiện tìm hiểu. Ban trị sự, ban quản lý đình phối hợp với các trường học tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống về lịch sử và di sản văn hóa địa phương trong đó có đình làng... Kết nối với ngành du lịch để đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, về lịch sử... vào tuyến điểm du lịch của địa phương và kết nối với tuyển điểm du lịch quốc gia.  

3. Đình Nam bộ thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa Nam bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ đã có sự tiếp nhận nhiều yếu tố mới và biến đổi yếu tố cũ trong kỹ thuật sản xuất, lối sống, sinh hoạt, văn hóa cộng đồng... để phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội mới. Vì vậy, thiết chế đình làng ở Nam bộ cũng không nằm ngoài “quy luật” đó, đình làng Nam bộ không nên bị bó hẹp ở sinh hoạt tín ngưỡng truyền thốngcần thể hiện nhu cầu của đời sống mới bên cạnh lưu giữ lối sống nếp sống truyền thống.
Những hoạt động mới sẽ mang lại cho đình làng chức năng mới như loại hình “Nhà văn hóa”. Cả hai đều là thiết chế văn hóa của cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng địa phương và rộng hơn bằng những sinh hoạt hữu ích với sự thân thiện, gần gũi. Nhưng đình còn là một di sản văn hóa, việc “tích hợp” vào nó chức năng văn hóa mới sẽ góp phần giảm thiểu kinh phí, công sức, nhân lực, mặt bằng… cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của Nhà văn hóa, mà hiện nay ở nhiều nơi khá tốn kém không hiệu quả lãng phí. Quan trọng hơn là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị một di sản kiến trúc – văn hóa độc đáo của dân tộc trong thời đại toàn cầu.
Đình nơi đô thị lại càng cần thiết được bảo tồn, vì đó là lịch sử đô thị, là dấu tích cho người tứ xứ đến đây biết rằng, mình đang sống trên mảnh đất từng có những lớp người xưa đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để khai phá và bảo vệ.
Mùa xuân đang về. Tiếng trống lễ hội đình làng luôn nhắc nhớ chúng ta về điều đó.

Sài Gòn 22.12.2018
Không có mô tả ảnh.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

HẠNH PHÚC

(Một truyện cực ngắn của con gái Mai Quyên)

10 tuổi... cô yêu một chàng trai hơn mình 5 tuổi... Trong trí nhớ cô lúc ấy, anh là chàng trai có nụ cười rạng rỡ như hoa hướng dương, dáng cao dong dỏng, gầy và thư sinh. Trái tim cô bé 10 tuổi đã đập dồn mỗi khi đi ngang nhà chàng trai ấy, giả vờ nũng nịu đòi anh mua kẹo. Thực chất chỉ để nghe anh nở nụ cười yêu chiều và xoa xoa đầu cô: "Ăn kẹo nhiều sẽ sún răng đấy."

Khi cô 12 tuổi, chàng trai cô yêu đậu Đại học, đi học xa nhà. Cảm thấy mỗi giây phút đều trống vắng đến hụt hẫng, như cuộc đời mất hẳn ánh nắng. Cô chỉ muốn lớn thật nhanh, để cũng được lên đại học, cùng anh sánh bước trong sân trường rộng lớn với những tán cây cao to, tỏa bóng mát dịu dàng. Nhưng cô quên mất, khi cô lên Đại học, anh cũng đã tốt nghiệp rồi.

17 tuổi, cô thi đúng vào trường Đại học anh từng học. Nghĩ đến giảng đường này anh đã từng lên lớp, ghế đá này anh đã ngồi ôn tập, thư viện này anh đã vào mượn sách, nỗi nhớ của một cô bé 17 tuổi mãnh liệt mà rất đỗi bi thương. Cô quên mất, anh đã đi du học nước ngoài rồi.

21 tuổi, cô tốt nghiệp và vào làm trong một công ty liên doanh nước ngoài, chỉ bởi... anh là giám đốc ở đó. Tổng công ty ở Mỹ đã cất nhắc anh lên làm giám đốc chi nhánh, đồng thời còn cho anh một đãi ngộ khiến ai nấy đều phải ghen tỵ, đó là trở thành phò mã của Tổng giám đốc.

25 tuổi, cô là một Trưởng phòng marketing giỏi giang, xinh đẹp, bao nhiêu chàng trai ao ước có được cô. Chỉ là, trong trái tim cô có một góc nhỏ đã thuộc về anh mãi mãi. Còn phần còn lại trong trái tim mình, cô hong khô và phơi dưới ánh nắng, chỉ để nó tê dại và chai sần những nỗi đau.

30 tuổi, anh và gia đình sang Mỹ định cư, cô kết hôn cùng một người đàn ông khác. Đó là người đã yêu thầm cô từ những tháng năm còn học Đại học. Vì cô, anh đã bỏ mọi cơ hội được ra nước ngoài tu nghiệp và định cư, chỉ để được ở bên cô. Anh biết, trong trái tim tưởng như mạnh mẽ của cô trưởng phòng đẹp như hoa ấy là những vết sẹo mãi không khép miệng. Anh muốn tự tay chăm sóc cô, không mong vết thương lòng của cô biến mất, mà chỉ mong nó không còn rỉ máu nữa...

35 tuổi, người chồng của cô ra đi trong một tai nạn bất ngờ. Đến lúc ấy, cuộc sống của cô đã từ lâu không còn ánh nắng, mà bây giờ cũng mất luôn bóng râm che chở. Chàng trai cô yêu đã trở về nước sau khi chia tay vợ, và cũng bỏ luôn cả công ty để tự mình tạo dựng sự nghiệp. Còn nhớ anh đã đến tìm cô, nhưng mắt cô không còn ánh lên vẻ dịu dàng và yêu thương khi nhìn anh, thay vào đó là vẻ lãnh đạm và trống rỗng đến vô hồn.

37 tuổi, người đàn ông cô từng yêu đã cầu hôn cô. Những hồi ức năm nào đã phủ bụi mờ. Cô lặng lẽ nhìn anh, gật đầu đồng ý.

40 tuổi, tình cờ đọc lại những dòng nhật ký của người chồng cũ xấu số, trái tim cô không còn đau. Nó còn tệ hơn đau, vì nó đã tan vỡ.

45 tuổi, cuộc sống của cô bình yên và lặng lẽ. Chàng trai cô từng yêu, nay là chồng cô và là một người đàn ông thành đạt, yêu vợ, thương con. Mỗi năm đến ngày giỗ của chồng cũ, cô chỉ mang một bó hoa đến trước mộ anh và đứng lặng. Có lẽ, tình yêu dành cho anh không mãnh liệt như mối tình đầu, nhưng nó là nguồn nước chảy lấp mọi khe hở trong trái tim cô. Khi anh đi, nước đã cạn, trái tim cô đã nứt toác và tan vỡ.

50 tuổi, chợt nhớ khi xưa có lần chồng cũ đã nói với cô, anh sẽ luôn bảo vệ và phù hộ cho cô, dù trong bất cứ tình huống nào. Giờ đây cô đã có thể mỉm cười hạnh phúc.

Hạnh phúc của cô không tròn trịa, nó đã có và đã mất, rồi lại được bù đắp. Nhưng, cô nghĩ, nếu con người biết hài lòng với hiện tại, sẽ nhận ra hạnh phúc chỉ ở ngay bên mình.

[Dennis Q. viết chơi ^^]

Kết quả hình ảnh cho yêu đơn phương

Gian bếp của ngoại



Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

Mỗi lần về quê vào dịp Tết, sau khi lên nhà trên thắp nhang bàn thờ ông bà, tôi thường xuống ngay gian bếp, nơi ngoại tôi luôn ở đó với nụ cưới móm mém chờ tôi chạy vào ngồi kế bên ngoại, thơm sực mùi trầu.
Gian bếp của ngoại nằm ngang so với nhà trên, từ nhà trên đi xuống qua một hành lang dài mái tôn có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Nhà bếp mái ngói cũ nâu thâm lác đác những chiếc lá của cây mận hồng đào sau bếp. Ngoại nói cây mận này ngoại trồng hồi má tôi sinh tôi, nay cũng đã tuổi “U 50” rồi mà vẫn rất sai trái. Vào mùa gần Tết từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành, mỗi đêm gió chướng lại rụng lộp bộp, trẻ con khoái lượm những trái mận chín rụng, ăn giòn và ngọt như đường phèn.

Cũng như nhiều gian bếp trong những ngôi nhà miệt vườn Nam bộ, gian bếp của ngoại rộng rãi, sáng sủa, cửa ra vào hai cánh bằng gỗ luôn rộng mở. Cửa sổ sát mé con rạch Cái Tôm đón từng cơn gió mát rượi ngày hai lần nước lớn, lúc nước ròng thoảng mùi bùn non và tiếng cá quẫy… Ngay cửa bếp là sàn nước rửa chén bát và làm đồ ăn. Bước vô, một đầu gian bếp là khuôn bếp, cao khoảng 0,8m, dài 1,2m rộng 0,5m, đóng bằng cừ tràm lâu ngày đen bóng. Ba “ông lò” luôn sạch than tro, phía trên có cà ràng chặn khói, bên cạnh là ống thổi, kẹp gắp than, miếng lót nhắc nồi. Phía trên khuôn bếp cậu Út tôi làm một mái tôn có ống hút khói, tránh cho ngoại và mợ Út khỏi cực khi mùa mưa dầm củi ẩm ướt. Phía dưới khuôn bếp xếp củi đã chẻ nhỏ, từng bó lá dừa chặt đầu đuôi bằng nhau, gọn gàng. Trên vách là hai hàng đinh treo những chiếc nồi, xoong, chảo lớn nhỏ thường được mợ Út tôi chùi rửa sạch sẽ. Nhớ những lần ở quê có đám tiệc, tôi luôn phải “chỉ huy” con gái tôi và mấy đứa cháu mang nồi xoong chảo ra sông chùi rửa bằng trấu và tro bếp. Khi những chiếc nồi xoong bóng loáng treo trong bếp theo thứ tự lớn nhỏ chuẩn bị cho việc nấu nướng vào ngày mai, thì tụi nhỏ móng tay đứa nào cũng đen thui, dùng chanh rửa hoài không sạch hết.

Kế bên khuôn bếp là tủ đựng thức ăn, phía dưới để các loại chai lọ hộp đựng gia vị. Gian giữa của bếp đặt tủ chén bát, ống đũa muỗng treo bên cạnh tủ. Một bàn ăn tròn có thể gập lại một nửa lại cho gọn. Mấy chiếc ghế gỗ, một giá gỗ thấp để đặt nồi cơm. Bữa cơm hàng ngày nhà ngoại thường ăn dưới bếp, trừ khi có khách lạ hay có đám tiệc thì dọn cơm ở nhà trên. Khách quen thân tới nhà vào bữa thường được ngoại mời cơm luôn, nếu chưa ăn khách vui vẻ cùng ăn, còn nếu khách ăn rồi thì tới ngồi trên bộ ván uống nước trà, hay ngả lưng trên chiếc võng treo tòng teng bên cửa sổ. Gian còn lại kê bộ ván ngựa, nơi ngoại thường ngồi với ô trầu hay giỏ đồ may bên cạnh, vào buổi trưa là nơi ngả lưng của ông ngoại sau khi đã sương sương vài ly trong bữa cơm trưa… Má tôi kể, hồi xưa mỗi lần giận ông ngoại là ngoại… xuống bếp ngủ. Một đêm, hai đêm…ông ngoại phải xuống năn nỉ, và sau đó má tôi lại có thêm một đứa em, vì vậy nhà ngoại có cậu Út tới thứ 12 lận!

Có dịp đi nhiều vùng miền trong nước, tôi nhận thấy gian bếp của ngoại tôi, của những gia đình Nam bộ thật đặc biệt. Bước vào gian bếp có thể nhận biết sự vén khéo của những người phụ nữ trong gia đình vì tuy là nhà bếp nhưng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đồ đạc sắp xếp thật tiện lợi, nhất là khuôn bếp đứng, khi nấu nướng không mất công đứng lên ngồi xuống, đồ dùng đặt để đúng tầm tay, dãy nồi xoong luôn chùi rửa sạch bong, không sợ quệt lọ nồi dơ bẩn quần áo, dường như nhờ đó người phụ nữ khi làm bếp cũng thong thả ung dung hơn…

Bếp là nơi sinh hoạt của cả gia đình vào mọi thời điểm trong ngày. Ban ngày nhà trên thường khép cửa, mọi người đi vắng, khi trở về thì vào bếp trước, cửa bếp hầu như không bao giờ đóng. Lúc rảnh rỗi, ông ngoại, hay sau này là cậu Út tôi, cũng thường ở dưới bếp, ngồi trên chiếc võng đong đưa bàn công chuyện nhà với bà ngoại hay với mợ Út. Bếp là nơi ngoại và mợ Út có “toàn quyền quyết định” những việc bếp núc, đám tiệc, giỗ chạp, hiếu hỉ bà con lối xóm… Bếp là nơi cả nhà quây quần hai bữa cơm trưa tối, nơi mỗi chiều ông ngoại, cậu Út ngồi lai rai con khô nướng quyện mùi khói lá dừa ngọt ngào. Nếu có khách đột xuất thì món nhậu cũng được mợ Út tôi chế biến rất nhanh. Trong bếp nhà ngoại tôi còn thường có sẵn một vài món ăn như nồi cháo trắng, chảo cơm chiên vào buổi sáng, tô bánh lọt nước dừa lúc xế trưa, hay nồi khoai, bắp nấu vào buổi tối…

Bếp là nơi những người quen thân hay ghé vô ngồi chơi, đôi khi cũng bàn công chuyện (và nếu người quen ghé nhà mà được mời lên nhà trên uống nước nói chuyện thì hoặc là có việc quan trọng, hoặc coi chừng, tình cảm hai bên đã có điều gì sứt mẻ…). Nhà ngoại tôi nằm kế rạch Cái Tôm gần chợ Cao Lãnh nên đôi khi vào ban đêm, có khách lỡ đường ngủ nhờ, trên bộ ván mát rượi nơi nhà bếp khách vẫn cảm thấy quen thuộc và ấm cúng như ở nhà mình.

Gần Tết, các con tôi lại háo hức: mẹ, bữa nào về quê ngoại đi, mẹ! Ừ, về quê để đắm mình trong từng cơn gió chướng như thoảng hương sen từ Đồng Tháp Mười gửi tới, để nằm trong gian bếp của ngoại mà lắng nghe từng trái mận trở mình chín ngọt ngoài kia, để hít sâu vào lồng ngực mùi thơm khói lá dừa nướng bánh phồng bánh tráng… Ừ, về quê lần này mấy đứa phụ mẹ và ngoại gói bánh tét bánh ít nghen… Nhưng không phải chùi xoong nồi nữa, mẹ nhỉ, vì nhà ngoại bây giờ đã có bếp gas. Con gái Út của tôi vừa nói vừa thở phào, nhẹ nhõm…

Chợt giật mình, quê ngoại giờ đã là thành phố Cao Lãnh, làng xóm đô thị hóa khá nhanh, liệu vài năm nữa các con tôi có còn thích về quê…?

(Ngoại mất từ năm 1980. Gian bếp của ngoại bây giờ không còn nữa…)
 TC Phụ Nữ Mới xuân Kỷ Hợi 2019




Chuyện đàn bà



Người ta hỏi em nghĩ sao về chuyện  người đàn bà
Mắt trong mắt, tay trong tay với một người đàn ông có vợ
“Tình yêu thì không có lỗi”, vâng, người ta nói thế
Chỉ con người có lỗi với tình yêu

Em từng đọc lời ngọt ngào anh và cô ấy dành gửi cho nhau
Cũng biết những gì mà ở nơi không có em cả hai từng có
Em cũng từng ướt mi, từng cắn chặt răng để không thốt ra cay đắng
Bởi nói ra rồi… chút tình nghĩa mong manh
Sẽ theo lời mà tan biến rất nhanh

Em đã từng đau như người vợ ấy đang đau
Cũng từng khổ như người tình kia sẽ khổ
Giữa hai người đàn bà một người đàn ông – là – bố
đã yêu và đang yêu,  “tình yêu không có lỗi”, thật sao?!

Em biết nói dứt áo ra đi thì dễ thế nào
Nhưng sau vạt áo kia là những năm dài chung sống
Cay đắng ngọt ngào gần xa trống vắng
Đâu phải muốn là ta quên ngay được?

Ừ thì cuối cùng anh và em và cô ấy vẫn phải lựa chọn thôi
Tôi với ai, ai với tôi… với người lớn là điều không khó
Nhưng những đứa con là sợi dây gắn bó
Lẽ nào hôm nay ta phải cắt rời?

Trên quãng đường đời còn lại chơi vơi
Nặng trĩu bên em một vai lệch gánh
Mẹ con em không còn anh bên cạnh
Sự chịu đựng hay tha thứ nào cũng đều có giới hạn
Vượt qua rồi
Buông bỏ
Em đi.

Sài Gòn 25.2.2016
Kết quả hình ảnh cho phụ nữ đơn thân nuôi con

NHỚ HUẾ

Nửa đêm, bạn điện thoại: ra Huế chơi đi, mọi người đang nhắc đây nè! Trời ạ, mãi mới ngủ được, cú điện thoại của bạn đã làm tôi thức suốt đêm…
Ừ, Huế… cũng lâu rồi tôi chưa ghé Huế. Bạn đừng vội tự ái khi tôi nói: chưa ghé Huế mà không phải là đến/ trở về/ ra với Huế! Bạn còn lạ gì nghề của tôi, cái nghề đi suốt nhưng không ở đâu lâu được quá vài tuần, có khi chỉ vài ngày… Mỗi nơi đã đến nói cho cùng cũng chỉ là ghé qua, liệu tôi có đủ “tư cách” để gọi là “trở về” dù không ít những kỷ niệm, nhưng cũng không thể chỉ là “đến” một cách lạnh lùng như một người khách lạ. Huế với tôi cũng vậy.
Xuôi ngược dải đất miền Trung không biết bao nhiêu lần bằng xe hơi, xe lửa (chưa kể những lần… bay ngang vùng trời miền Trung), hầu như lần nào tôi cũng ghé Huế. Có lần vì công việc, nhưng cũng nhiều lần chỉ ghé vào chơi với bạn bè, ngồi với nhau một ly cà phê hay vài ly rượu, rồi lại tiếp tục ra Bắc hay vào Nam… Cũng có lần ở Huế đôi ba ngày nhưng chỉ loanh quanh Thành Nội, bảo tàng, vài ngôi chùa, xa hơn là Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng... từ khi còn chưa được quan tâm chăm sóc như bây giờ.
Tôi biết Huế lần đầu vào một đêm tháng Năm năm 1975. Đoàn xe đi từ Hà Nội vô Sài Gòn ngay sau những ngày mới giải phóng đến Huế sau… 4 ngày đi đường vất vả! Xẩm tối xe vào đến thành phố, mọi người ồ lên khi nhận ra cầu Tràng Tiền vắt ngang hai bờ sông Hương ngày ấy còn rất vắng lặng. Đêm ấy đoàn xe nghỉ lại ngay bên bờ sông, mọi người tản ra mắc võng rải rác quanh xe… Còn tôi, cô gái Hà Nội 17 tuổi không thấy lạ lẫm gì mà cứ loanh quanh dọc bờ sông, nhìn mấy con đò neo lại gần bờ, nghe giọng Huế nhẹ nhàng nửa lạ nửa quen, cố tìm trong đêm xem núi Ngự đang ngự nơi nào… Đêm qua mau, sáng sớm đoàn xe tiếp tục hành trình về Nam.
Lần đầu Huế để lại trong tôi một cảm giác buồn…
Không hiểu sao những lần sau cũng vậy… Dù tôi luôn có những kỷ niệm vui ở Huế. Ví như, tôi đố bạn tìm ra một quán “Bún bò Huế” tại Huế, bạn bảo dễ ợt! Nhưng rồi bạn phải mất một chầu cà phê hoành tráng vì quả thật chỉ có những quán “Bún bò” mà không có quán nào kèm thêm chữ “Huế” như ở Sài Gòn và nhiều nơi khác! Hay, sau khi tấm tắc khen các loại bánh của Huế quá ngon, tôi hỏi, bạn có biết tại sao các loại bánh Huế ngon không? Bạn lập tức thuyết trình như một chuyên gia ẩm thực lành nghề… Nhưng tôi lại tỉnh bơ giải thích: bánh Huế ngon vì… quá ít! Không lẽ ăn nhiều thì… mắc cỡ (vì trước mặt đã là một đống lá, một chồng chén, hũ nước mắm vơi đi thấy rõ), mà ăn ít thì cứ thòm thèm mãi… vậy là bánh Huế lúc nào cũng ngon! “Mi thiệt quá đáng!” - nhiều lần bạn mắng yêu tôi như thế… Bạn luôn chê tôi không biết ăn cay, nhưng đi ăn gì bạn cũng nhớ dặn “một tô không ớt nghen!”, rồi nhìn tôi vừa ăn vừa sụt sịt nước mắt nước mũi bạn xót xa, lại tự chê món Huế “cay hổng giống ai!”…
Bạn ngạc nhiên khi thấy tôi không bao giờ ra Huế dịp lễ hội... Nhưng bạn không trách vì biết tôi không thích đến những lễ hội kiểu “quốc doanh” như hồi đó. Vài năm nay bạn lại rủ rê, “ra chơi festival nghen?”, tôi “chảnh”: để xem đã! Bạn chẳng giận vì bạn biết rằng tôi luôn yêu Huế.
***
Sâu thẳm trong tôi Huế có gì đó “rất liên quan” mà không sao lý giải được.
Sau năm 1975 nhiều lần tôi nghe nhận xét của bà con nội ngoại ở miền Tây “nhỏ này không nói tiếng Việt mình mà nói tiếng nước Huế”. Sao lại tiếng nước Huế? Thắc mắc khiến tôi phải tìm hiểu nhiều hơn về thời Chúa Nguyễn, triều Nguyễn... giai đoạn lịch sử và những nhân vật mà thời tôi học phổ thông hầu như không được nghe nói đến, hoặc chỉ biết rằng đó là một “triều đại phản động, bán nước”. Nhưng, đi điền dã khắp Nam bộ nơi đâu cũng thấy di tích thờ cúng những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa thời Nguyễn. Tâm thức dân gian, như ở những người bà con của tôi chẳng hạn, thì chỉ “hồi cố” đến thời Chúa Nguyễn: “Hồi đó, ông bà mình theo Chúa Nguyễn lưu lạc vô đây...”. Chúa nào, không ai biết cụ thể chỉ biết là Chúa Nguyễn ở đâu tuốt ngoài xứ Huế. Vậy là, “nói tiếng nước Huế” là người ở xa lơ xa lắc, xa mà không lạ, như lịch sử mà ông bà thường kể lại cho con cháu để nhớ về nguồn gốc.
Nhiều năm sau, qua công việc tôi thân thiết với nhiều bạn bè ở Huế, nhờ vậy vùng đất Huế - Phú Xuân ngày càng trở nên thân thuộc hơn. Sự hiểu biết ít ỏi của tôi về Huế vẫn chủ yếu qua sách vở, nhưng dù có cả một “rừng sách” về Huế thì sự na ná giống nhau của nhiều cuốn sách đã không mấy hấp dẫn tôi...
Có lẽ sự hiểu biết và tình yêu với Huế của tôi đến từ những người bạn Huế. Những người bạn Huế thân thiết của tôi làm việc ở nhiều lĩnh vực: bảo tàng, di tích, mỹ thuật, nghiên cứu giảng dạy, sưu tầm cổ vật... Mỗi người là một cá tính nhưng đều “rất Huế”! Qua những "cuộc chơi" họ giúp tôi có thêm hiểu biết về lịch sử - văn hóa Huế cũng là về gốc gác bao đời của tôi. Đành rằng, dân Ngũ Quảng phần lớn chắc cũng từ vùng Thanh – Nghệ theo Vua Lê vô Nam, nhưng có công mở mang đưa lưu dân vô tới Nam bộ thì nhờ các đời chúa Nguyễn. Phải chăng “sự liên quan” của tôi với Huế là từ đó, xa lắc xa lơ hơn ba trăm năm vẫn có một giọt máu đào...
Mỗi khi gặp các bạn Huế của tôi ở Huế, ở Sài Gòn, Hà Nội hay bất cứ nơi đâu, tôi thường “tắt đài” để nghe họ nói, mà có nói cũng không lại với họ! À, trong nghề chúng tôi thường hay nói vui với nhau: Hội họp ở Huế thì buổi sáng các bác Hà Nội lên nói lý luận, buổi trưa mấy anh Hai Sài Gòn kéo nhau đi nhậu, buổi chiều chỉ còn các “mệ” Huế ngồi lại “hội thảo” với nhau. Có sao đâu, đồng nghiệp của tôi, người Huế hay Sài Gòn hay Hà Nội đã gắn bó như thế với nhau hơn nửa đời người.
Cứ như vậy nhé các bạn của tôi! Như lời ca của một nhạc sĩ người Huế mà tôi yêu thích “sống trong đời cần có một tấm lòng”, chúng ta có gì để đến với nhau, ngoài sự chân tình của những người không màng “công hầu khanh tướng”.
Tạp bút. Nguyễn Thị Hậu
Báo TT Huế xuân Kỷ Hợi 2019

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

CON LỢN ĐẤT – MÓN QUÀ TẾT DÂN DÃ


Lợn là một trong vài con vật được người thuần dưỡng thành “gia súc” từ thời nguyên thủy. Trong nhiều di tích khảo cổ học cách nay hơn 2000 năm đã tìm thấy xương lợn nuôi, tức là từ khi ấy lợn đã là một loài vật quen thuộc với con người.
Con lợn (tiếng miền Nam: con heo) còn được gọi là ỉn (vì nó kêu ủn ỉn?) là trư (vì được “nhân hóa” thành Trư Bát Giới trong tiểu thuyết nổi tiếng Tây Du Ký). Nó đứng cuối cùng làm “em út” trong 12 con giáp, lại là con vật được gán cho khá nhiều tính cách, từ tốt đến xấu.
Hãy tạm kể những “tính xấu” của lợn: nào là phàm ăn, bẩn thỉu ô uế, lười biếng chỉ ăn rồi ngủ, nào là ngu như lợn, xấu như lợn... Thế mà nó lại trở thành biểu trưng cho sự “sung sướng” vì không phải làm gì mà vẫn được ăn no, cho sự phồn thực và tính dục (không hiểu sao người ta gọi “phim con heo” mà không là “phim con lợn”?).
Nhưng, với hình dáng tròn trịa bụng to, dễ nuôi, cho gì cũng ăn, mau lớn, mắn đẻ, đẻ nhiều con... nên con lợn còn là biểu trưng cho sự tích lũy của cải nhanh chóng, dễ dàng. Nông thôn Việt Nam trước kia hầu như nhà nào cũng có chuồng lợn, nuôi lợn tận dụng được thức ăn dư thừa và nhiều thứ phẩm trong nông nghiệp. Nuôi lợn như phương thức để dành, tích lũy dần thành một món tiền lớn khi đàn lợn được “xuất chuồng”.
Nuôi lợn còn là cách “để dành” thực phẩm cho những ngày lễ hội và ngày Tết, bởi vì một con lợn có thể cung cấp nhiều thịt đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhiều người. Không có bữa ăn hội hè đình đám nào mà thiếu món ăn từ thịt lợn, chưa kể “thủ lợn” “đầu heo” còn là vật cúng quan trọng trong nhiều nghi lễ gia đình và xã hội.
Ở nhiều nước khi ngành công nghiệp chăn nuôi ra đời thì lợn cũng là con vật được nuôi theo kiểu chuồng trại và thức ăn công nghiệp sớm nhất. Từ đó cung cấp thịt lợn nhiều hơn, ổn định và chất lượng tốt hơn cho con người.
Tuy được con người nuôi rất sớm nhưng con lợn bị coi là “không có tình cảm gắn bó với người” như con chó - con vật đứng trước nó trong 12 con giáp. Tuy vậy trong văn hóa Việt Nam, tranh Tết dân gian Đông Hồ có hình ảnh đàn lợn có lợn mẹ béo tròn dáng tần tảo, nhiều lợn con mũm mĩm nhanh nhẹn vui tươi xúm quanh... Bức tranh thể hiện ước mong sung túc, no đủ, hạnh phúc, năm mới gặp nhiều may mắn, con đàn cháu đống, phúc lộc đầy nhà.
***
Trong những loại đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam thì con lợn đất (ống heo) là thứ mà nhiều trẻ em có được. Không biết lợn đất có từ khi nào nhưng vào dịp Tết thì người lớn thường mua tặng con trẻ để khuyến khích sự cần kiệm, dành dụm. Trẻ em háo hức đón nhận và cho lợn đất “ăn” ngay những đồng tiền mừng tuổi mới tinh.
Lợn đất làm bằng đất nung, to tròn và thường tô màu đỏ rực rỡ, đôi mắt đen tròn xoe lông mi dài cong, cái mũi đỏ hồng, cái mõm ngắn xinh xinh, bốn chân chỉ là bốn cái núm nhỏ, lại được vẽ thêm cái đuôi ngắn quăn lên. Đặc biệt trên sống lưng có một khe hẹp chỉ bỏ lọt đồng xu hay tờ tiền giấy gấp lại. Đấy là “hộp tiết kiệm” của trẻ em, từ tiền “lì xì” lấy hên đầu năm, tiền cha mẹ cho nhưng không tiêu xài hay tiền các em kiếm được nhờ lao động... Mỗi khi cho thêm tiền vào bụng lợn đất thì đứa trẻ nào cũng lắc lắc để nghe tiếng đồng xu va vào nhau, để xem lợn đã “nặng” chưa. Người lớn hay hỏi đùa: lợn ăn no chưa, chắc béo rồi nhỉ? Làm thịt được chưa?
Lợn đất thường được “nuôi” từ Tết này đến Tết mới, cũng có khi lâu hơn. Khi đầy thì mới “mổ” (đập) ra. Trẻ em háo hức ngồi đếm xem được bao nhiêu tiền, cha mẹ thường cho các em lấy tiền đó mua quần áo mới hay mua sách vở, đồ dùng mà các em cần. Có trường hợp nhà túng thiếu nên người lớn đành phải “mượn tạm” tiền trong lợn đất của con. Lại có nhà kia đập lợn nhưng tiền trong đó không có bao nhiêu vì đã bị ai đó... moi trộm. Những lúc đó rất thương chủ nhân của con lợn đất, đứa trẻ bần thần rơm rớm nước mắt, có đứa còn òa khóc. Lợn đất rất gắn bó với trẻ em chứ không vô tâm như lợn nuôi trong chuồng.
Gắn bó thân thương là vậy nhưng có nhiều em nhỏ đã tình nguyện đập lợn đất lấy tiền giúp bạn nghèo, giúp người gặp tai nạn. Hình ảnh những em bé nhỏ xíu ôm lợn đất đến nơi quyên góp, đập ra và cẩn thận nhặt từng đồng trao cho cô chú tiếp nhận ủng hộ người nghèo thật cảm động. Lợn đất đã trở thành biểu tượng của sự chia sẻ đùm bọc, của lòng nhân ái ở trẻ em.
***
Hầu như làng gốm truyền thống nào cũng làm lợn đất, như một sản phẩm phụ vì có thể tận dụng nguyên liệu dư thừa. Nặn lợn đất không khó vì hình dáng đơn giản, ít chi tiết. Ngày trước lợn đất làm bằng tay nên không hoàn toàn giống nhau, như bầy lợn nuôi trong chuồng nhà con béo con hơi gầy, con dài con ngắn... đều xinh xắn dễ thương. Nay làm bằng khuôn nên kích thước hình dáng giống nhau như bầy lợn nuôi ở trang trại công nghiệp. Màu sắc, hoa văn của lợn đất được người thợ vẽ tay để tạo ra sự khác nhau, không chỉ có màu đỏ “may mắn” mà còn nhiều màu tươi tắn khác, người lớn nhìn còn vui mắt huống chi trẻ con. Bây giờ có những con lợn đất rất to, không biết nuôi đến bao giờ mới đầy, ngày Tết thường được bày trong nhà như cầu mong sự no đủ.
Những năm gần đây, cùng với lợn đất thì nhiều con giáp khác cũng được làm thành ống tiết kiệm, như con chó, con hổ, con trâu… Có lúc người ta làm ống tiết kiệm bằng đồng (cho bền?) hình con gà mái có cái bụng tròn to tư thế nằm ấp. Gà hay lợn đều giống nhau ở đặc điểm sinh đẻ nhiều và dễ dàng, thể hiện ước muốn “sinh sôi nảy nở” của đồng tiền. Hình ảnh “con gà đẻ trứng vàng” còn dùng làm biểu tượng khuyến khích gửi tiền tiết kiệm “ích nước lợi nhà”.
Bây giờ trẻ em có nhiều loại đồ chơi hiện đại, ống tiết kiệm cũng nhiều hình dáng, chất liệu gỗ hay kim loại, đẹp đẽ, có cả chiếc khóa nhỏ xíu xinh xinh… Nhưng ở nhiều gia đình thành phố con lợn đất vẫn thân thuộc với trẻ em, bởi vì ngoài chức năng “bỏ ống” thì lợn đất còn là hình ảnh làng quê nơi có ruộng lúa dòng sông… Mỗi chú lợn đất còn là sản phẩm từ bàn tay người thợ gốm yêu nghề làm ra để lưu truyền nét độc đáo của một món quà Tết Việt Nam.
Nguyễn Thị Hậu
Trong hình ảnh có thể có: món ănKhông có mô tả ảnh.

KHÔNG GIAN THÀNH PHỐ


Không gian nào để thở
Nhà tôi ở trong một hẻm nhỏ. Phía ngoài là một con đường lớn nối trung tâm với ngoại ô lúc nào cũng ồn ào xe cộ, ngay cả nửa đêm thì vẫn có những chuyến xe chở rau trái tươi non từ các trang trại vùng ven đi vào các chợ trong thành phố. Vậy nhưng hẻm nhỏ luôn giữ được sự yên tĩnh hiếm có, là nhờ hẻm cụt, chỉ có người ở trong hẻm ngày đi làm hai lần ra vào mà thôi.
Khoảng chục năm trước trong hẻm chỉ có mấy villa ẩn khuất sau những tàng cây xanh rậm rạp. Có xoài có mít, có chuối có vú sữa… mỗi nhà vài cây nhưng lúc nào cũng mát rượi, bước chân vô hẻm như bước vào một không gian nào khác không phải là một thành phố ồn ào bụi bặm ngoài kia. Vài năm gần đây mới có thêm nhiều ngôi nhà xây kiểu nhà phố, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, xây nhà trong đất vườn nhà cha mẹ, nhiều nhà bán “đất nền” cho người nơi khác đến mua… dân cư trong hẻm đông dần. Hẻm đất được đổ bê tông rộng rãi hẳn, chiều chiều trẻ em đá bóng, cầu lông, thậm chí buổi tối mấy bà mấy chị còn đi vòng vòng tập thể dục nữa. Nhà nhiều hơn mái ngói mái bằng nhà lầu nhà trệt, đất “vườn” ít hơn nhưng màu xanh cây lá lại nhiều lên. Nhà nào cũng trồng vài cây bông giấy, dàn dây leo, mấy giỏ lan. Ai cũng giữ gìn không gian yên tĩnh sạch sẽ, nhờ vậy dù người đông hơn nhiều nhưng hẻm vẫn yên bình, người ra vào gật đầu chào nhau thân thiết...
Mỗi buổi sáng nhìn qua nhà bên thấy trên cây vú sữa có vài chú sóc đuôi xù chạy thoăn thoắt theo mớ dây điện chăng ngang qua cây dừa phía bên kia vườn. Hương ngọc lan tràn vào từ khung cửa sổ, mấy chú chim sẻ tròn quay nhảy lích chích dưới sân… Thiên nhiên sinh động hẳn lên với sự hiện diện của những sinh vật bé nhỏ và mùi hương trong lành. Không gian sống của con người nếu thiếu vắng thiên nhiên thì có còn đáng sống?
Thế nhưng chỉ cần bước ra khỏi hẻm thôi là đã thấy vắng hẳn bóng dáng thiên nhiên. Đường lớn mà luôn chật chội bởi xe cộ lúc nào cũng như nước tràn bờ, nhà cửa chen chúc bảng hiệu, hàng hóa bán buôn. Lề đường mới được mở rộng nhưng hàng cây cổ thụ đã bị chặt hết để… trồng lại những cây chỉ cao hơn đầu người còn chằng chống xung quanh. Giữa cái nắng cái gió cái bụi và có lẽ cả cái ồn ào, thấy thương những cây non phải trân mình chịu đựng.
Nhà cao tầng san sát biến đường thành “hẻm”, trước sau chỉ thấy tường kính bê tông, muốn nhìn xa hơn chỉ còn cách ngước lên mảnh trời xanh cao tít trên kia. Vậy nhưng cả tháng nay tầm nhìn lên trời cũng bị che nốt bởi hàng trăm dây trang trí chăng ngang đường, đèn nhấp nháy với những bông hoa mai bằng nhựa to như cái mâm, nặng nề đè bẹp cả dòng người xe phía dưới.
Thành phố đến dịp lễ lạc là như vậy. Đường Đồng Khởi hoa chăng kín không để ai nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà, Đường Lê Lợi hoa giăng chắn hết Nhà Hát Lớn, đường Nguyễn Huệ hoa treo khỏi thấy tòa nhà UBND. Năm ngoái năm kia là hoa đào rồi hoa sen đỏ rực nhưng chỉ ở khu vực trung tâm. Kiểu trang trí như vậy đã “lây lan” rất nhanh ra nhiều tỉnh thành khác!
Một lần từ sân bay Nội Bài về Hà Nội. Bác tài taxi đi đường Lý Thái Tổ đến đầu đường Ngô Quyền bỗng... quay xe, miệng lẩm bẩm
- Sao mình lại đi nhầm đường nhỉ?.
Tôi hỏi - sao anh không đi thẳng Ngô Quyền đến Tràng Tiền luôn?
Bác trả lời - Vâng, tôi cũng định đi đường Ngô Quyền mà lại nhầm.
- Nhầm đâu, đường Ngô Quyền đấy thôi!
- Sao trông khác thế, nhận không ra?!
Hóa ra vì những chùm đèn xanh xanh đỏ đỏ treo kín phía trên con đường, kín hai hàng cây. Không còn nhìn thấy Tòa nhà Bắc bộ phủ đẹp thế, những khách sạn sang trọng hai bên đường chìm hẳn dưới ánh đèn màu nhấp nháy! Đường Tràng Tiền, Tràng Thi cũng vậy. Tiếc nhất là Nhà hát Lớn hoàn toàn bị những hoa hòe chắn ngang tầm mắt, mà đó là "điểm nhấn" đẹp nhất của cả khu vực này.
Giá mà thay thế những dây hoa lòe loẹt giống hệt nhau khắp các con đường bằng việc chiếu sáng nghệ thuật từng công trình kiến trúc tiêu biểu thì Hà Nội thì sẽ đẹp và sang trọng biết bao nhiêu! Nhưng không, trang trí bao năm nay vẫn là kiểu "đẹp tập thể", nhất định không cho "cá nhân" nào đẹp một mình.
Hóa ra bây giờ ở đô thị, muốn “nhìn xa” hơn, thật hơn có khi lại phải chui vào trong hẻm. Vì hẻm là “của chúng mình” còn ngoài đường là “của chúng ta”. Của chung tức là… không của ai. Không gian công cộng dường như biến thành “của riêng” cho những “vẫy vùng” lỏe loẹt và lãng phí. Khi những cây xanh bị đốn chặt không thương tiếc, khi mỗi năm “đến hẹn lại… chăng” những đèn những hoa những băng rôn cờ quạt… thì chúng ta phải nhìn “cái đẹp” giả tạo và già nua trên đường phố. Nhưng hàng cây cổ thụ qua hàng trăm năm vẫn thế, luôn mang lại sự tươi trẻ mỗi khi chúng ta nhìn thấy nó, được đi dưới bóng râm và làn gió mát của nó. Sức sống của đô thị là thiên nhiên mà con người lưu tâm gìn giữ.
Không gian đô thị đã như cái hộp bốn bên kín mít, còn chút bên trên để thở thì những hoa hòe cờ quạt đã bịt nốt!
Hai cây tùng trong công viên
Công viên là một ô vuông đất như cái vườn nhỏ nằm giữa những dãy nhà cao năm tầng lầu, xung quanh là đường nội bộ dẫn ra đường chính lúc nào cũng có thể kẹt xe.
Là một khoảng lặng trong khu chung cư đông đúc, mỗi sáng mỗi chiều khi mọi người tấp nập đi lại thì nơi đây vẫn yên tĩnh. Thảm cỏ xanh vài chú chim sẻ lích chích, cây bàng tán rộng rợp bóng mát cả một khoảng vỉa hè, cây ngọc lan cao cao, sáng sớm hương hoa vấn vít, vài cây dừa, mấy cây điệp vàng... Mấy chú sóc nhanh nhẹn chạy từ cành nọ sang cành kia, có lúc còn mạnh dạn xuống đất đứng nhìn người. Không biết cây cối ai trồng từ lúc nào, đặc biệt có hai cây tùng vươn cao thẳng tắp, lá xanh ngắt cành nép vào thân, cây trông như mũi tên khổng lồ. Dân cư ở quanh gọi đây là “công viên hai cây tùng”.

Vỉa hè quanh công viên có vài chiếc ghế đá. Sáng chiều có thêm vài bộ bàn ghế nhỏ của quán cà phê, khách thích ngồi dưới tán lá xanh có những tia nắng vàng lọt xuống nhảy nhót... nắng đến đâu bàn ghế kéo dạt đến đấy... rồi giải tán khi mặt trời lên cao. Khách là các bác hưu trí trông còn trẻ trung, bác gái bác trai quần ngắn áo thun giày thể thao, tay cầm vợt tennis hay vợt cầu lông, đi xe máy đến thắng kít trước quán, gạt nhanh chân chống, kéo ghế ngồi ồn ào gọi nước. Rồi rôm rả chuyện con dâu con rể, chuyện cơ quan cũ, chuyện đi du lịch... Lại có nhóm các “cụ” chỉ bàn chuyện thời sự, có khi cao giọng cãi nhau về chính trị trong và ngoài nước.

Có hôm nhóm khác đến ngồi quanh gốc cây tùng. Nhóm này trẻ hơn nhưng “đạo mạo” ấm trà với đủ cả phích nước ấm chuyên chén tống chén quân, nói nhiều chuyện về sách vở, thỉnh thoảng thấy khoe nhau sách mới và bàn tán vui vẻ... Trong công viên còn có những bà nội bà ngoại, vài cô giúp việc ngày nào cũng đưa trẻ xuống chơi. Thỉnh thoảng xe đạp bán hàng rong đi qua phục vụ các bà nội trợ tận nhà. Chó ta chó kiểng ở nhà lầu được mang xuống đây đuổi nhau trông vui mắt... Hai cây tùng cứ đứng đấy, im lặng lắng nghe mọi chuyện, thỉnh thoảng cành lá khẽ đung đưa ra chiều hiểu biết hết...
Ngày nào cũng thế, công viên hai cây tùng trở thành nơi quen thuộc của nhiều người... Cho đến một buổi sáng khi mọi người đến đây thấy có gì đó trống trải là lạ... Nhìn quanh bỗng sững sờ, hai cây tùng cao vút đã biến mất chỉ còn lại gốc cây bị cưa sát mặt đất nhựa đang tràn ra như nước, những cây điệp cây dừa cây ngọc lan ngọn chặt ngang tỉa cành trụi lủi. Mới buổi sáng mà công viên đã nắng gay gắt.

“Sao như vừa qua một trận bom thế này?!” – một bác cựu chiến binh bất bình kêu lên. Mọi người như bừng tỉnh, nhìn nhau: ủa sao kỳ vậy, hôm qua còn nguyên mà...? Hỏi thăm và truy mãi mới ra việc sáng sớm nay người ta lợi dụng việc tỉa cành cây vì mùa mưa bão đã tùy tiện chặt cây mang đi, để lại bãi “chiến trường” là thảm cỏ khô nước muốn héo, cành cây vương vãi khắp nơi, bầy chim sẻ và những chú sóc trốn mất tiêu...
Sau đó mấy ngày tôi đi công tác về ghé lại nơi này. Ngồi ở ghế đá bữa trước còn ẩn dưới gốc tùng, nay thì hai gốc cây đã xám đen mà nhựa vẫn ứa ra tràn trề như dòng nước mắt trào ra từ đôi mắt bị thương... Quanh công viên thưa hẳn người, quán cà phê vắng khách... Bọn trẻ ngơ ngác, cả mấy con chó cũng ngơ ngác vì không nhận ra cảnh vật quen thuộc nữa.

Ở những nơi tôi vừa đi qua, tháng bảy mùa hè cũng nắng gay gắt. Tất cả công viên lớn nhỏ vẫn xanh mướt bãi cỏ và những hàng cây, trong thành phố ở đâu cũng có màu xanh từ hàng cây cổ thụ trên vỉa hè đến những bồn cỏ chậu cây nơi góc phố. Những khu vườn nho nhỏ ở nhà bạn bè đều có vài ba cây xanh và những cụm hoa, đến cả bệ cửa sổ bậc thềm nhà cũng được đặt những chậu hoa chậu cây nhỏ... Ra khỏi thành phố là những con đường chạy giữa hai bên rừng cây xanh ngút ngát. Bạn tôi mới dọn về một ngôi nhà có khu vườn khá lớn, người của Sở công viên đến nói, nếu bạn muốn trồng cây gì và bao nhiêu cây thì Sở sẽ đến trồng miễn phí, bạn chỉ cần tưới cây mỗi ngày, nếu thấy có gì bất thường thì báo họ sẽ đến chăm sóc ngay... Khắp nơi là màu xanh bao phủ như vậy mà chính quyền và người dân ở đó đã lo lắng và làm nhiều việc để hạn chế tác hại của “biến đổi khí hậu toàn cầu”. Cây xanh mang con người đến gần thiên nhiên hơn, phải chăng nhờ vậy con người thân thiện hiền hậu với nhau hơn?

Không nơi đâu có nhiều khẩu hiệu bảo vệ rừng và phong trào trồng cây như ở nước ta, vậy nhưng dù đã có lệnh đóng cửa rừng vẫn thường xuyên phát hiện lâm tặc vào triệt hạ, trồng rừng không hề bù đắp được số lượng cây đã bị khai thác. Cây xanh đô thị hàng chục hàng trăm tuổi bị đốn hạ để mở đường làm cầu, những cây non bị cắt tỉa sát thân không còn sức sống. Nhà cao tầng san sát những khối bê tông ngột ngạt... Mỗi năm hè về cả thành phố như bị nung trong lò lửa khổng lồ, chỉ mưa một trận trên núi thì lũ quét xuống ngay đồng bằng...  Thế mà lại vừa có thông tin “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất thế giới”, truyền thông còn hồ hởi phấn khởi “nước ta phải thành cường quốc về xuất khẩu gỗ”.

Tôi luôn tin cây cối cũng có linh hồn như con người khi nó có đời sống tự nhiên dài hơn và chứng kiến bao đổi thay của tự nhiên và của chính con người. Tận diệt thiên nhiên là đã gây “nghiệp” cho cho chính chúng ta và con cháu. Xã hội ngày càng nhiều tin tức bất an, có khi chỉ vì một cái cớ vụn vặt nào đấy, lẽ nào không liên quan đến sự tàn phá thiên nhiên?
Dòng nhựa ứa ra từ hai gốc tùng vẫn chưa hết...  Nước mắt con người sẽ còn tuôn chảy vì thiên tai, mà nói cho cùng là hậu quả của chính con người.

Ngồi ở sân bay
Trong những chuyến đi tôi thường đến sân bay sớm và ngồi chờ đến giờ bay. Tâm lý đi tàu xe thời bao cấp làm cho tôi có thói quen luôn sợ trễ giờ. Bây giờ người đi máy bay cũng đông như đi xe đò nên càng củng cố thêm thói quen đó, dù máy bay lại hay trễ giờ hệt như xe đò ngày xưa.

Những năm 80 của thế kỷ trước khách đi máy bay phần lớn là công chức và du khách nước ngoài, dân thường ít có dịp đi máy bay vì chỉ có một hãng VNA, vé đắt và thủ tục khó khăn. Ngày ấy mua vé máy bay đi công tác ngoài chứng minh thư còn phải có công văn, công lệnh của cơ quan, có khi còn phải thêm vài chữ viết tay “phê duyệt” ở dưới. Xếp hàng cả ngày đến lượt lại hết vé đúng ngày mình cần đi, về và phải đang ký “vé chờ” xem có ai không đi thì mình “lấp chỗ trống”, đương nhiên sẽ đắt hơn. Sau này mới biết có những “vé chờ” là vé dự phòng cho khách VIP hoặc “tiêu chuẩn” của “người trong ngành”, thế nên có người nhà làm ở hàng không “oai” hơn người làm ngành thương nghiệp. Nếu nhà ở xa có việc hiếu hỉ thì phải nhờ cậy qua mấy lượt người quen để mua vé máy bay trong khi vẫn phải chầu chực mua vé tàu Sài Gòn – Hà Nội vì không chắc có vé… Cũng là tình trạng chung của thời bao cấp, việc gì cũng phải “nhất thân nhì quen” vì thiếu thốn và tình trạng cửa quyền phổ biến.

Đi ra sân bay cũng vất vả không kém. Ở Sài Gòn sân bay gần thành phố nhưng ít taxi, xe bus không có, phải nhờ người nhà chở ra sân bay bằng xe máy cồng kềnh túi xách, ba lô. Từ Hà Nội đến sân bay Gia Lâm hay sau này là Nội Bài chưa có đường cao tốc, xe ca “Hải Âu” của hàng không đi con đường qua làng xóm và những ruộng lúa ruộng rau, ổ gà ổ trâu xóc nảy tung người, chưa lên máy bay đã có người say xe xanh mặt.

Ở sân bay nghe tiếng loa thông báo cũng lạ, thấy cánh cửa tự động đóng mở cũng sợ, nhìn sàn nhà lau bóng loáng cũng ngại… Ít người có thái độ tự tin và tự nhiên, phần lớn ai trông cũng bối rối, tồi tội. Nhà ga thời đó khá yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng rộ lên khi có chuyến bay đến hay khi có đoàn người đi xuât khẩu lao động kéo theo những người đưa tiễn. Người đi người tiễn đều rụt rè và nhếch nhác dù xung quanh là vali hòm xiểng mới toanh.

Chừng từ đầu những năm 2000 (“Sài Gòn cô tiên năm hai ngàn” – lời hát của thiếu nhi như một ước mơ của thời ấy) đi lại bằng máy bay dễ dàng hơn: nhiều chuyến bay tuy giá còn cao nhưng dân đi lại thuận tiện hơn.  Rồi hàng không giá rẻ cạnh tranh, rồi đại lý vé máy bay có khắp các tỉnh thành… Mua vé, thậm chí vé đi nước ngài cũng chỉ cần alo hay lên mạng tìm kiếm, ứng giá vé thì có người mang đến tận nhà mới lấy tiền, đổi trả dễ dàng miễn bù thêm tiền. Nhiều người đi công việc bằng máy bay như đi chợ, sáng Sài Gòn trưa Hà Nội tối đã lại Sài Gòn. Nhiều tỉnh nhỏ cũng xây sân bay, đi Côn Đảo, Phú Quốc không còn phải lo lắng vì thời tiết xấu biển động… Việc đi máy bay dễ dàng như đi xe lửa, xe đò.

Nhưng trong khi bến tàu xe trở nên sạch đẹp xe chạy đúng giờ hơn thì sân bay bắt đầu giống bến xe đò xe lửa hồi nào, dù ngày càng to hơn và máy bay là phương tiện thông dụng hơn cho mọi người. Lượng hành khách tăng vọt nhưng cơ sở vật chất phục vụ và nhà ga thay đổi chậm chạp, nơi đưa đón hay phòng chờ lên máy bay luôn quá tải, đông đúc và lộn xộn nhất là khi tình trạng delay phổ biến. Người đi máy bay thì tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh túi bọc, ngoài thói quen còn do ngại gửi hoặc không gửi vì quá cân cho phép, nhất là hành khách đi máy bay giá rẻ. Khi qua cửa an ninh vừa mất thời gian vừa hay nhầm lẫn…

Nếp sống văn minh nơi công cộng chưa phổ biến ở sân bay: ngồi gác chân lên ghế, nằm ngủ như chốn không người, gọi nhau ơi ới như ngoài chợ… Và phải xếp hàng thì vẫn chen chúc: chen lên rồi chen xuống dù thế nào cũng được lên máy bay và ai cũng đã có chỗ ngồi, đến nơi thì ai cũng phải ra khỏi máy bay…  Lên máy bay thì tùy tiện đổi chỗ để “ngồi cạnh người quen” – nhất là khách các đoàn du lịch – làm cho việc sắp xếp hành khách, hành lý chậm chạp và bất tiện. Điện thoại cứ sử dụng bất kể tiếp viên đã nhắc nhở mà có phải chuyện gì khẩn cấp đâu…

Nên chăng ở nơi công cộng, nhà ga và thậm chí trên máy bay, xe lửa xe đò nên dán lời nhắc nhở “Đề nghị quý khách nói vừa đủ nghe” bên cạnh một số lời nhắc đã có như “không xả rác bừa bãi” hay “đề nghị xếp hàng”… Các công ty du lịch và hướng dẫn viên cần phổ biến quy tắc ứng xử nơi công cộng đến du khách, thường xuyên nhắc nhở, giải thích và điều chỉnh những hành vi không phù hợp của du khách. Chúng ta cứ chê bai du khách Trung quốc nhưng thực sự nhiều du khách Việt cũng không khác.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các đô thị, trong đó có các phương tiện giao thông cần đi cùng việc giáo dục ý thức và phổ biến quy tắc, cách thức sử dụng vì phần lớn người dân chưa biết cách sử dụng cho phù hợp, không phải ai cũng biết thích nghi nếu không học hỏi và được nhắc nhở thường xuyên. Đồng thời, không chỉ người sử dụng mà cả người quản lý cũng phải thay đổi tư duy, phương thức điều hành. Nếu cứ giữ tư duy và trình độ “đi xe đạp” thì không thể sử dụng hay điều hành hệ thống phương tiện hiện đại như BRT, Metro hay máy bay… mang lại hiệu quả tốt.

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Hình ảnh có liên quan

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...