TIỄN BIỆT NHÀ THƠ - DỊCH GIẢ DƯƠNG TƯỜNG

 TỈNH KHÚC 24

24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa
Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau
Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về
Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt
Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm
Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá
Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ
Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng
anh giữ

(1967)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Nguồn: Dương Tường, Mea culpa và những bài khác, NXB Hải Phòng, 2005.
Hình: báo Thanh Niên

@ Đời người cũng chỉ là 24 tiếng của một ngày! Vĩnh Biệt Nhà Thơ- Dịch giả Dương Tường





thơ thơ

 BAY NGƯỢC

Vẫn chỉ là một chuyến bay đêm
một giờ bốn mươi lăm phút
thời gian như vô tận
tin nhắn nào đón
khi máy bay đáp xuống đường băng
mở điện thọai
Có dòng mess, có email nào chờ
ở nhà
khi laptop bật lên
Giữa không gian tràn ngập mess, email và tin nhắn
những lời bâng quơ
này em có nhớ…
Lặng lẽ như thế
ra đi rồi trở về
và ước ao
được một lần
bay ngược
Về phía mùa thu…
***
NHỮNG NGÀY NHƯ THẾ
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Xao xác gió heo may
Lá vàng
Cuộn lăn theo vỉa hè phố cũ.
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Hun hút gió Đông
Những cây bàng
Khẳng khiu
Trên nền mây xám
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Mưa rây mặt phố
Hơi sương
Giăng đầy lối cũ
Quán cà phê ngõ nhỏ chờ ai
Chỉ vì những ngày
Nơi này
Chiều se sắt tối
Căn phòng đơn côi
Tiếng chuông nhà thờ
Rơi như nỗi nhớ
Chỉ vì những ngày
Như thế
Mỗi mùa đông
Tôi vẫn quay trở lại
Dù nơi này
Người yêu tôi
Đã lạc mất trái tim

ĐỌC SƠN NAM

 Đọc Sơn Nam, ngoài những kiến thức học được từ ông, rất nhiều trang văn, có khi chỉ một câu ghi chép thôi cũng làm ta rưng rưng... Như câu này trong tạp bút Dạo chơi, mỗi lần đọc lại nghe nhói trong tim:

21.8.93.
Ba cho về thăm đình cũ. Con rất cảm động, thương bà con anh em.
Quê hương buồn quá.
Con chúc tất cả bình yên.
Minh Bùi (Houston) "
Hay đoạn trích từ "Liệt truyện" nói về cuộc chiến Nam - Bắc sông Gianh (hình dưới)
Cả đời ông viết thật, khó có thể tìm thấy một câu văn nào "diễn", điều mà ta dễ gặp trong tác phẩm của nhiều người bây giờ viết về nông thôn.





TRUYỆN 100 CHỮ CHO NGÀY VALENTINE

 MẬT KHẨU

(1)
Bây giờ cái gì cũng cần mật khẩu: thẻ tín dụng, máy tính, điện thoại, tài khoản ngân hàng, email, mạng xã hội... Dùng nhiều thì mật khẩu thuộc lòng. Ít dùng sẽ quên mật khẩu, có khi phải phải đổi mật khẩu để bảo mật.
Một ngày cô đột ngột ra đi. Nhìn căn nhà trống vắng anh chợt nhận ra từ lâu mình đã quên “mật khẩu” đăng nhập vào trái tim cô.
Đơn giản chỉ là “anh yêu em”.
(2)
Rất lâu rồi vợ chồng hình như chẳng còn nói lời ngọt ngào với nhau. Một ngày kia theo trò chơi của bạn bè, cô lấy điện thoại nhắn cho chồng “Em yêu anh!”. Nhớ lại "mật khẩu" ngày xưa của hai người cô bỗng bồi hồi...
Chồng trả lời ngay “Làm sao thế, điên à? Hay nhắn nhầm cho thằng nào?!”
Cô giật mình như khi đăng nhập sai tài khoản.

KHÓA TÌNH YÊU

(1)
Cầu cũ chi chít những chiếc khóa nhiều lọai nhiều màu. Chàng và nàng trịnh trọng bấm ổ khóa có khắc tên hai người vào thanh sắt, chìa khóa - theo phong tục - được vứt xuống sông. Họ thề thốt: không ai có thể chia lìa hai ta. Nhưng :
1. Chỉ vài tháng thì đường ai nấy đi. Cả hai đều không biết người kia còn dấu một chiếc chìa của “khóa tình yêu”.
2. Vừa qua khỏi cầu họ đã cãi nhau vì vứt nhầm chìa khóa xe hơi xuống sông. Thế là chia tay.
(2)
Nhiều năm sau cô trở lại Paris. Ở cầu tình yêu cô không sao tìm thấy ổ khóa của anh và cô ngày trước. Có lẽ nó đã bị lấy đi để nhường chỗ cho khóa của những cặp tình nhân khắp thế giới đến đây mỗi ngày.
Cô lại khóa vào cây cầu một chiếc khóa mới, chìa khóa không vứt xuống sông Seine mà cẩn thận lồng sợi giây và đeo vào cổ. Đây là khóa cô dành cho Paris, thành phố của mối tình đã qua…



ĐÌNH XƯA TRONG THÀNH PHỐ

 https://nongthonviet.com.vn/dinh-xua-trong-thanh-pho.ngn

Nguyễn Thị Hậu

1.

Mấy tháng cuối năm tôi có dịp đi đến nhiều ngôi đình làng hiện còn ở TP. Hồ Chí Minh. Một số đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và thường xuyên được tu bổ khá hoàn thiện. Nhưng phần lớn những ngôi đình còn lại vẫn lặng lẽ ẩn mình trong những con hẻm sâu, giữa những ngôi nhà bình dị hay làng xóm đang đô thị hóa nhanh chóng. Sự hiện diện của ngôi đình ở thành phố chính là dấu tích của những làng xóm ngày xưa…

Đình là một hình thái tín ngưỡng dân gian được hình thành rất sớm và đã trở thành “thiết chế văn hóa” quan trọng thâm nhập vào đời sống cộng đồng, trở thành biểu tượng của văn hóa làng xã VN. Đình làng thể hiện nhu cầu và sinh hoạt cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức năng ở làng xã. Với tư cách một hình thái tín ngưỡng dân gian, đình làng là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần của cư dân làng xã.

Ở vùng đất Nam bộ, theo nhà văn Sơn Nam, đình làng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: Có xây dựng đình thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì “làng” chỉ như lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể. Cho nên, người lưu dân lập làng ở đâu dựng đình ở đó. Đình có vai trò “trung tâm” của làng xã, nơi tổ chức các lễ hội và những hoạt động văn hóa – xã hội khác.

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Khánh lại có một nhận định thú vị và chính xác: Đình Nam bộ có lẽ đáng chú ý hơn các nơi khác vì đó còn là “biểu tượng” văn hóa của chủ thể quốc gia dân tộc. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân… Vẻ uy nghi trang trọng của đình, ngoài căn nguyên tín ngưỡng, còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi” được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá và bảo vệ đất đai làng xóm. Vì vậy, bảo tồn gìn giữ sự hiện diện của đình làng là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.

Từ ý nghĩa khởi đầu đó, ở vùng đất Nam bộ đình làng là nơi lưu truyền những truyền thống của quê hương bản quán, nơi thờ cúng và ghi nhớ công lao các bậc Tiên hiền Hậu hiền khai hoang lập ấp. Từ đó đình làng là “không gian cộng cảm” của cộng đồng có những ký ức chung, những sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, văn hóa chung.

2.

Ở Nam bộ lễ hội quan trọng nhất và phổ biến nhất của Đình làng là Lễ Kỳ Yên (cầu an), thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, nhưng cũng có đình làng tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch. Cho đến nay các ngôi đình ở TP.HCM vẫn duy trì dịp lễ này, như một sự hồi tưởng của cộng đồng về thời  mới dựng làng, mà nay những làng xóm thủa xa xưa đã nhường chỗ cho thành phố ngày càng phát triển.

Hiện nay, TP. HCM còn khoảng 300 ngôi đình làng. Tại đây cộng đồng dân cư vẫn thực hành chức năng tín ngưỡng và duy trì việc tổ chức lễ hội cúng đình hàng năm. TP. HCM có 185 di tích cấp Quốc gia trong đó có Đình làng chiếm tỷ lệ cao, gồm 53 di tích. Đình làng ở TP. HCM có quá trình hình thành và phát triển từ trên 100 đến hơn 300 năm, tiêu biểu là đình Thông Tây Hội ở Gò Vấp. Những ngôi đình không chỉ chứa đựng giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị di sản văn hóa phi vật thể về tập quán thờ cúng, tưởng nhớ người có công mà nhiều ngôi đình còn là di tích lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Đình ở TP.HCM thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa Nam bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ đã tiếp nhận nhiều yếu tố mới và biến đổi yếu tố cũ trong kỹ thuật sản xuất, lối sống, sinh hoạt, văn hóa cộng đồng... để phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội mới. Vì vậy, thiết chế đình làng ở Nam bộ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong tiến trình lịch sử  đình làng Nam bộ không bị bó hẹp ở sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, mà đã thể hiện những nhu cầu của đời sống mới bên cạnh lưu giữ lối sống nếp sống truyền thống. Tiếp xúc với những người trong bản quản lý, ban trị sự của nhiều đình làng, “các cụ” đều mong muốn đình làng được bảo tồn, trùng tu và trở thành di tích lịch sử văn hóa. Có như vậy đình mới có thể tồn tại lâu dài, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng địa phương trong giai đoạn xã hội có nhiều biến động.

Bảo tồn đình ở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa, có thể được coi là trường hợp tiêu biểu thể hiện “mâu thuẫn” giữa văn hóa truyền thống và sự phát triển xã hội ngày càng hiện đại. Thực trạng của những ngôi đình ở TP.HCM đã đặt ra vấn đề, phải chăng khi hội nhập thì truyền thống không còn phù hợp, hay là bảo tồn truyền thống sẽ cản trở sự hội nhập?

3.

Tình trạng chung của nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở TP. HCM hiện nay, nhất công trình cổ như nhà thờ, trụ sở làng, chợ, kể cả những ngôi nhà xưa... trải qua thời gian lâu dài đã bị hư hỏng nhiều. Theo đó, những sinh hoạt truyền thống cũng mất dần, không còn thu hút người dân, nhất là giới trẻ. Làm sao để những công trình cổ, ngôi làng cổ trở nên thân thuộc gần gũi hơn với “đô thị mới”, thậm chí là một khu công nghiệp hiện đại?

Có thể học tập kinh nghiệm của một số nước châu Âu từ việc quy hoạch, xây dựng những thành phố, khu đô thị mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy vai trò của di sản văn hóa ở địa phương, đặc biệt là bảo tồn những nhà thờ cổ mà về khía cạnh xã hội thì ý nghĩa, chức năng tương tự như đình (làng) ở nước ta.

Tại TP.HCM, những huyện ngoại thành, quận mới hay ở thành phố mới Thủ Đức, các ngôi đình làng hoàn toàn có thể được coi là “hạt nhân” để quy hoạch một khu phố mới, khu dân cư mới. Nếu như xưa kia, từ quá trình làng xóm mở rộng, dần dần ngôi đình trở thành trung tâm của làng về vị trí, vị thế bên cạnh ý nghĩa là trung tâm sinh hoạt tinh thần và hành chính, thì ngày nay cần coi việc bảo tồn đình, chùa hay làng cổ trở thành điểm tựa, đòn bẩy cho sự phát triển hiện đại. Có vậy mới tránh được nguy cơ di dời, phả hủy công trình kiến trúc cổ, đồng thời giá trị của di sản và giá trị của đô thị mới cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, không thể không nhận thấy trong quy hoạch các thiết chế văn hóa của đô thị mới, hầu như không có việc xây mới công trình văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy hiện nay chùa mới được xây dựng khá nhiều nhưng hầu như không có ngôi đình mới nào cả. Điều này cũng cho thấy đối với nhu cầu tinh thần của người dân thì vị thế của đình và của chùa ngày càng khác biệt, do đó sự đầu tư tiền của, công sức của nhà nước, của xã hội cũng khác nhau.

Cũng như nhiều di sản văn hóa, Đình làng ở TP.HCM càng cần được bảo tồn, vì đó là lịch sử đô thị, là sự ghi nhận công lao những “tiên hiền, hậu hiền”, là dấu tích cho người mới đến đây biết rằng, họ đang sống trên mảnh đất từng có biết bao người đã đổ mồ hôi nước mắt và cả máu để khai phá và bảo vệ.

Trong tạp bút Dạo chơi của nhà văn Sơn Nam có ghi lại câu lưu niệm ngắn ngủi của một bạn trẻ Việt kiều về thăm quê:

“Ba cho về thăm đình cũ. Con rất cảm động, thương bà con anh em.

Quê hương buồn quá. Con chúc tất cả bình yên”.

Chỉ vài câu vậy thôi mà chạm vào trái tim, lần nào đọc lại cũng rưng rưng. Đó cũng là cảm giác của tôi mỗi lần nhìn thấy, bước vào một ngôi đình cổ lặng lẽ giữa thành phố TP. HCM đang thay đổi từng ngày. 

TP. Hồ Chí Minh 12.2022

 


QUÊ HƯƠNG


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
1.Bạn từ xa về nhắn đi uống cà phê, hẹn ở một quán sân vườn ngoại ô. Hỏi: sao xa dữ vậy? bạn cười: ồ, quán này là quán vườn đúng nghĩa. Ừ nhỉ, từ xứ lạnh nhà cao thang máy chục tầng về, cần gì phải tới những quán máy lạnh cửa kính đèn mờ…
Lu bu, nửa buổi mới đến nơi. Quán lá, chòi bát giác dưới hàng dừa rợp bóng, thỉnh thoảng trái rụng lộp bộp xuống mương nước. Tiếng cá quẫy, tiếng gà gáy le te ban trưa… Quán vắng, bạn ngồi một mình với ấm trà nóng. Trông ung dung như chủ nhà sau một ngày làm việc.
Mỗi năm bạn đều cố gắng “về nhà” một lần, vào dịp gần tết dù chẳng bao giờ bạn ở lại đến tết. Thời gian nghỉ phép chỉ có vậy, công việc không như ở trong nước muốn nghỉ phép hồi nào là nghỉ. Bạn chọn mùa gió chướng để về, thuê một ngôi nhà nhỏ ven sông Sài Gòn để ở, mỗi ngày ngắm hai lần nước lớn nước ròng, đêm nghe gió chướng ngoài kia ào ạt để rồi thiếp đi trong hơi nước mang theo vị biển.
Năm nay cũng vậy. Khi tôi hỏi như năn nỉ: tết năm nay ở lại đi, bạn cười buồn, ở lại thì cũng một mình, thà bên đó đi làm cho qua ba ngày tết… Tôi vẫn biết nỗi cô đơn của bạn nhưng khi nghe bạn nói chợt thương bạn nhói lòng.
Rồi đến ngày bạn đi, để hẹn sang năm sẽ lại về. Gần ba mươi năm vẫn như người “một chốn đôi nơi”, cứ ngong ngóng qua hết những tờ lịch cuối để bay nửa vòng trái đất về ngôi nhà nhỏ ven sông, ngồi ngoài hiên nghe tiếng sóng đánh ì oạp vào bờ, ngó hàng rào bông giấy lốm đốm nắng trưa, nghe tiếng gà eo óc ngoài kia mà nhớ mẹ, nhớ chị… Và thỉnh thoảng, vào buổi sáng được uống ly cà phê pha bởi đôi tay người phụ nữ đã hơn nửa đời chờ đợi bạn.
Tất cả là Quê hương mà bạn đã mang theo bên mình đến hết cuộc đời người xa xứ…
2.Em là một họa sĩ trẻ, sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ. Tranh của em được giới mỹ thuật biết đến khi mới tuổi teen. Tốt nghiệp cao học loại ưu, trước mắt em là một tương lai thênh thang khi giáo sư của em đã có hẳn chương trình vài năm tới đưa tranh của em đi triển lãm khắp châu Âu rồi qua Mỹ, em sẽ bước vào thế giới của những người nổi tiếng trong giới hội họa và sưu tập… Em đã có đầy đủ điểu kiện để thành công ở xứ sở mà tài năng hội họa được tôn vinh như một báu vật chỉ có một số rất rất ít người được Thượng đế ban tặng.
Vậy nhưng em lại quyết định mang tranh của mình về nước “cho đồng bào con xem, Thầy ạ”. Vị giáo sư sững sờ: Ai hiểu và trân trọng tài năng của con? Ai sẽ sở hữu tranh của con với sự hiểu biết đúng giá trị của nó? Con làm vậy là đánh mất cơ hội ngàn năm để bước chân vào “giới thượng lưu nghệ thuật”. Em nhẹ nhõm trả lời: con tuy sống từ nhỏ ở nước ngoài, nhưng con vẫn là người Việt. Không có tâm hồn Việt con không thể sáng tác được những tác phẩm như thế này… Tại sao con không mang nó về tạ ơn đất nước của con?
Tranh của em có kỹ thuật điêu luyện do những người thầy giỏi truyền dạy, nhưng tất cả kỹ thuật ấy ẩn sau tâm hồn và cảm xúc quê hương tràn đầy trên tranh, một quê hương trong ký ức của ba mẹ em trao cho em, từ làn điệu chèo cổ, từ tấm áo tứ thân, từ mái đình cây đa, từ cô Thị Màu từ nàng Súy Vân, từ những cánh đồng lúa chín từ dòng sông quan họ… Những người đàn bà trong tranh của em dịu dàng như lúa mà cũng mãnh liệt như sóng. Họ, như hiện thân của em.
Và em nói, em không thể đi tiếp trên con đường nghệ thuật đằng đẵng nếu không có quê hương bên cạnh, sau mỗi chuyến đi về như thế.
3.Nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm ca ngợi những vĩ nhân trên khắp thế giới. Quá nửa đời sống nơi đất khách ông mới về thăm quê. Đứng trước mộ ông bà cha mẹ, nhà văn chợt hiểu đây chính là những con người tuyệt vời nhất, vì họ đã dạy cho ông biết nhận ra sự vĩ đại trong những con người bình dị quanh mình.
Nhà văn ra đi, mang theo món nợ văn chương mà ông biết kiếp này sẽ không thể trả. Vì thiếu quê hương.

Hình: Lăng Ông Bà Chiểu, 2/2023
Có thể là hình ảnh về 7 người và ngoài trời
Tất cả cảm xúc:
Hien Nguyen, Hoang Tuan và 262 người khác

MÙA LỄ HỘI



Không biết từ bao giờ khoảng thời gian sau Tết âm lịch – tháng giêng kéo dài qua hết tháng hai, tháng ba thậm chí qua tới tháng tư – được gọi là ‘mùa lễ hội”?
“Mùa lễ hội” tương đương thời gian của một vụ mùa nên cũng có sự co giãn về thời gian theo cơ cấu thời gian nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội diễn ra liên tục về thời gian từ lúc nông nhàn sau Tết âm lịch đến đầu mùa mưa bước vào thời vụ mới. Lễ hội diễn ra liên tục trong không gian: từ làng này qua làng khác, lễ hội liên làng, lễ hội của một vùng… chủ thể của lễ hội là cộng đồng của một làng, của một vùng. Nhiều lễ hội nổi tiếng không phải vì có đông người từ xa về tham dự hay vì có các quan về chủ trì, mà vì sự độc đáo của phần Hội, ở ý nghĩa nhân văn của phần Lễ. Chính vì vậy được cộng đồng chủ thể của lễ hội gìn giữ, không làm biến chất, biến dạng vì hiểu giá trị của lễ hội làng, vùng mình chính là sự khác biệt, độc đáo.
Từ khoảng mươi năm nay lễ hội bỗng dưng nở rộ dồn dập vào sau Tết, khi mà cơ cấu thời gian hiện nay của xã hội đã là thời gian công nghiệp và đô thị - giờ hành chính. Hơn 800 lễ hội cấp quốc gia và cấp tỉnh (chưa tính những lễ hội chưa được thống kê) diễn ra trong khoảng ba tháng, tức là một phần tư của một năm, lại là quý đầu năm, thời điểm cần phải bắt đầu, khởi động kế hoạch của một năm mới. Thử thống kê số lượng người đến các lễ hội này bao nhiêu phần trăm là công chức, viên chức nhà nước? Chắc chắn tỷ lệ không nhỏ, bởi vì, ngoài việc đi lễ hội để thỏa mãn tâm lý “cầu cạnh” các vị thánh thần ban cho tài lộc chức tước thì việc công chức viên chức nghỉ việc đi lễ hội có bị trừ mất đồng lương nào đâu (và thu nhập thêm, nếu có), thậm chí còn “trốn” được nhiều việc mà… không làm cũng chẳng ai chết (“dân có cần nhưng quan chưa vội” – ca dao mới).
Chưa nói đến những giá trị đích thực của lễ hội còn hay mất, chưa nói đến hình thức lễ hội còn là truyền thống hay không… chỉ cần nhìn hiện tượng các địa phương đua nhau “nâng cấp” lễ hội cả về quy mô và hình thức, có thể nhận biết mục đích chính của hiện tượng lễ hội tổ chức tràn lan đến mức không kiểm soát được, như thừa nhận của ngành Văn hóa: Thực chất ở rất nhiều lễ hội đó là sự thương mại hóa. Không thể phủ nhận, khi Lễ hội trở thành một sản phẩm văn hóa thì mục đích thương mại không thể không đặt ra, nhưng mục đích thương mại phải đặt sau, đặt dưới mục đích bảo tồn giá trị văn hóa của lễ hội, tức là bảo tồn di sản văn hóa cho đời sau, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến thế giới.
Việc các phương tiện thông tin và ngành du lịch đua nhau quảng bá rầm rộ về “mùa lễ hội” cũng góp phần kích thích tâm lý “lễ hội” của người dân và xu hướng thương mại hóa các lễ hội.
“Nam Mô A di đà Phật” là câu cửa miệng của nhiều người khi đến bất cứ chùa đền đình miếu nào. Sau “lời chào” là những cầu xin vô biên vô đối vung ra cùng những đồng tiền lẻ rải bừa như lá mùa thu.
Phật, thần, thánh ngự ở trên cao ngơ ngác hỏi nhau: sao chúng sinh cầu xin bao nhiêu thứ từ quan chức đến bổng lộc, từ tiền tài đến tình duyên… nhưng không thấy bất cứ ai xin làm được một điều tử tế?

TÀU LÁ CHUỐI và NHỮNG TẾT XA QUÊ


Nguyễn Thị Hậu
Gia đình tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc. Từ 1954 đến năm 1975 trở về quê hương đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi đã có 21 cái Tết xa ngôi nhà của ông bà nội ngoại. Vậy nhưng trong những năm ấy dù ở Hà Nội hay nơi sơ tán thì ngày Tết của gia đình tôi bao giờ cũng thấm đẫm hương vị Tết Nam bộ. Hương vị ấy có một đặc trưng rất riêng, ấy là mùi bánh tét gói bằng lá chuối.
Những năm sống trên đất Bắc ba tôi thường ăn Tết xa nhà, cùng đoàn Cải lương Nam bộ ông đi khắp nơi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Vì vậy ngày Tết thường chỉ có mấy mẹ con tôi cùng láng giềng trong khu tập thể, phần lớn các gia đình cũng đều vắng đàn ông. Nhưng nếu Tết nào ba tôi không đi xa thì nhà tôi như “câu lạc bộ Thống nhất”, nhiều chú bác tập kết ghé về đây ăn Tết vì chắc chắn sẽ có bánh tét, thịt kho tàu, dưa giá củ kiệu và nhiều món ăn Nam bộ khác.
Năm nào cũng vậy, từ khoảng rằm tháng chạp má tôi đã hỏi thăm nơi nào bán lá chuối, rồi mấy ngày sau đó dù mưa phùn lạnh thấu xương bà cũng đạp xe đi các chợ tìm mua chuẩn bị cho việc gói bánh tét. Nhưng người ta thường bán lá chuối đã rọc, vì vậy bà phải dặn trước mới mua được mấy bó lá chuối còn nguyên cả tàu lá. Má tôi rọc tàu lá cẩn thận để không bị rách, cọng chuối thì bà chẻ ra thành những sợi dây, buộc thành bó gọn gàng. Nếu trời hửng nắng, buổi trưa bà tranh thủ mang lá và dây chuối ra phơi cho hơi héo. Còn nếu vẫn mưa phùn gió bấc thì trước khi gói bánh bà tự tay hơ lá và dây trên bếp lửa gần tàn. Bà không để ai làm việc này vì nếu hơ không khéo, lá bị héo gói bánh không đẹp, dây bị giòn hoặc không đủ dai, khi “cột” bánh sẽ đứt. Hơ dây xong bà khéo léo buộc đầu hai sợi với nhau để đủ độ dài cột bánh nhiều vòng cho chặt.
Tôi hỏi: Sao má không cột bánh tét bằng lạt người ta bán sẵn ở chợ? – Vì lạt dễ làm rách lá chuối. Bánh chưng gói bằng lá dong thì mới buộc bằng lạt được. Lá chuối dễ rách nên sau khi hơ lửa, má tôi không rửa mà dùng mấy chiếc khăn mềm, nhúng nước vừa đủ ẩm, nhẹ nhàng lau mấy lần cho thật sạch. Sau đó xé thành những miếng lá to nhỏ khác nhau, xếp vào thành từng xấp. Gói bánh tét không có khuôn, một “đòn” bánh tét cần khoảng 5,6 miếng lá lớn và 4 miếng nhỏ để bọc hai đầu, chừng chục sợi dây cột chặt. Dây vụn lá vụn và những miếng lá xấu thì xếp vào đáy nồi luộc bánh.
Có năm má tôi còn gói cả bánh ít cũng bằng lá chuối. Gói bánh ít thì miếng lá chuối bên trong được cắt nhỏ vừa đủ quấn thành hình phễu, khi “bắt bánh” (đặt cục bột đã nặn nhân và xoa một ít mỡ cho khỏi dính) vào trong “phễu” lá gói lại theo hình tháp thì lá không rách, bột không bị chảy khi hấp bánh. Miếng lá ngoài còn tươi màu xanh mướt, gói bẻ góc làm thành chiếc bánh có hình tam giác cân gọn gàng, không cần cột dây mà khi hấp chín vẫn không bị bung ra.
Lá chuối còn được dùng khi nặn nhân bánh tét. Nồi đậu xanh nấu chín đánh nhuyễn để hơi se se, má tôi dùng muôi múc ra đổ trên miếng lá chuối, dàn thành hình gần chữ nhật mỏng đều chừng gần đốt tay. Mỡ lợn đã ướp chút muối, đường, nếu được phơi nắng thì miếng mỡ trong veo, cắt thành từng miếng dài gần gang tay, dày khoảng đốt ngón tay, đặt vào giữa dọc theo miếng đậu xanh. Cầm hai bên miếng lá chuối nhanh tay úp lại và nhẹ nhàng lăn cho nhân tròn đều, chỉ phút chốc nhân bánh tét đã thành hình trụ tròn, cục mỡ nằm chính giữa. Lúc này đậu xanh cũng đã nguội nên từ từ nhấc ra đặt lên cái đĩa lớn cũng lót lá chuối cho khỏi dính.
Đậu xanh chín thơm phức quyện với mùi lá chuối hấp dẫn vô cùng! Hấp dẫn hơn là sau khi nặn nhân bánh tét xong, má vét đậu xanh hơi xém ở đáy nồi, cho vào miếng lá chuối ấy và nắm lại cho tôi ăn, chao ôi là ngon!
Nhà tôi thường nấu bánh tét trong cái thùng tôn, bình thường dùng đựng đồ ít dùng đến, như một cái “kho” nhỏ ở góc nhà. Sáng ngày 29 Tết anh Hai tôi lấy ra cọ rửa sạch sẽ, sắp sẵn mấy cục gạch lớn thành cái bếp trước cửa nhà, chẻ đống củi đã mua từ vài tháng trước. Buổi chiều mấy má con vo gạo nấu đậu, tối bắt đầu gói bánh. Đến khuya là có thể nổi lửa nấu bánh. Bánh tét nhỏ hơn bánh chưng và xếp vào nồi cũng khác, khi bánh chín lấy ra không phải ép cối đá như bánh chưng mà lại treo lên cho bánh chắc lại. Vì vậy nhà tôi không nấu bánh chung với nhà ai được. Hơi nước sôi mang theo mùi bánh mùi lá chuối thơm ngọt ngào làm cho đêm đông ấm hơn và ngắn hơn. Sáng sớm 30 Tết đã có thể vớt ra những đòn bánh no tròn bốc hơi nghi ngút.
Những năm đi sơ tán về miền quê Sơn Tây mạn gần Phú Thọ, nhà nào cũng trồng chuối nên má tôi chỉ cần hỏi xin là được cả ôm những tàu chuối to và đẹp, thoải mái rọc lá xé lá mà không lo bị thiếu. Tôi còn nhớ mãi những lần má tôi gói bánh tét ở nơi sơ tán, bà con ở đó rất ngạc nhiên hỏi “vì sao bác ở miền Nam mà lại biết gói cái bánh tày quê cháu?”. Bà trả lời “tôi cũng chỉ biết ông bà dạy sao thì làm theo vậy”. Má tôi cũng ngạc nhiên không kém khi thấy những cái “bánh chưng tày” tròn dài như đòn bánh tét, chỉ khác là nhân bằng đậu xanh không đồ chín và không có cục mỡ, như vậy để được lâu hơn, bác chủ nhà nói vậy. Nhưng bánh tày để người trong nhà ăn, không để lên bàn thờ mà chỉ cúng bánh chưng vuông.
Sau này, tôi ra Hà Nội làm luận văn tốt nghiệp đại học đúng vào dịp Tết 1981, được Thầy Trần Quốc Vượng dẫn sang Cổ Loa ăn tết mùng Ba. Ở đây có lệ gói bánh chưng tày vào ngày mùng ba để tưởng nhớ vua Thục Phán An Dương Vương và cho con cháu về ăn tết mang theo. Tôi bỗng nhớ đến chiếc bánh tày bánh tét thời sơ tán... Đem chuyện hỏi thầy Vượng, thầy bảo: vùng cao và trung du người ta vẫn gói bánh tày đấy chứ, bánh tày nhưng không có nghĩa là chỉ loại bánh của người Tày, mà còn có nghĩa là hai đầu của cái bánh tròn bằng (“tày” chứ không nhọn). Sau này mới “học” người Kinh gói bánh chưng vuông, nhưng bánh tày không mất đi mà “lặn” vào trong lễ hội truyền thống và những ngày lễ trong gia đình như cưới hỏi giỗ chạp...
Phải chăng, theo bước đường lưu lạc vào phương Nam xa xôi, từ nhiều thế kỷ trước lưu dân đã mang theo những chiếc bánh tày làm lương thực ăn dần... Để rồi mỗi dịp Xuân về Tết đến tưởng nhớ quê hương bằng việc gói những chiếc bánh được gọi chệch đi là Tết/Tét? Sự giống nhau của bánh tày và bánh tét do cùng nguồn gốc hay do hiện tượng đồng quy văn hóa thì cũng mang lại nhiều điều thú vị. Nghiên cứu lịch sử cần tìm hiểu thêm những hiện tượng văn hóa như thế, vì nó sẽ cho biết nhiều “sự thật” mà sử học bỏ qua không ghi chép hoặc không chú ý.
Từ khi về Sài Gòn má tôi vẫn gói bánh tét bánh ít “để tết nhất con cháu biết mà làm”. Nhưng vài năm nay má tôi không được khỏe nên nhà tôi không gói bánh tét nữa, dù hai chị em tôi gói bánh thành thạo, các con gái biết cột bánh rất khéo, vì cứ bàn việc gói bánh tét là bà lại lo lắng đủ chuyện đến mất ngủ, như ở thời bao cấp ngày xưa...
Bây giờ ít nhà tự gói bánh vì có nhiều dịch vụ tiện lợi, ăn uống no đủ hơn nên bánh chưng bánh tét giò chả đâu còn là đặc biệt dù ngày Tết vẫn không thể thiếu. Mà Sài Gòn cũng chỉ còn vài nơi bán lá dong lá chuối hay lạt tre, còn dây bằng cọng chuối thì hầu như không còn nhìn thấy... Vậy mà mỗi khi Tết gần kề tôi vẫn hay đi chợ tìm nơi bán lá chuối, mua một xấp lá về để trong bếp cho thấy lại cái mùi Tết hồi những năm còn xa quê...



truyện 100 chữ về MÈO

  MÈO VÀ CHÓ

Mâm cơm đậy lồng bàn vậy mà mèo vẫn cạy và tha mất khúc cá. Nó bèn lấy lồng bàn úp… mèo. Con mèo lê la khắp nhà mà không sao chui ra được. Nó yên tâm giặt dũ không lo mèo ăn vụng.
Chó mon men đến mâm cơm, xốc mõm vào ăn hết. Nghe tiếng meo meo ầm ĩ nó nghĩ: cho chừa cái tội ăn vụng, kêu gì mà kêu!
Người ta thường chỉ thấy mất khúc cá mà không thấy mất cả mâm cơm, là thế.

MÈO VÀ CÁ CẢNH
Trong nhà đã có bể cá cảnh, lại còn nuôi một con mèo.
Suốt ngày nó quanh quẩn gần bể cá. Có lúc nó ngồi chầu hẫu bên cạnh, mắt long lanh nhìn những con cá vàng vô tư lượn lờ. Thỉnh thỏang nó thò tay khoắng trong bể làm nước bắn tung tóe, mấy con cá giật mình bơi cuống quýt.
Một lần nó đuổi bắt chuột làm bể cá đổ vỡ tan tành. Nhà thôi không nuôi cá cảnh.
Con mèo cứ tha thẩn chỗ bể cá đã vỡ. Vài hôm sau nó bỏ nhà đi mất.

MÈO VÀ CỌP
Làng kia ở gần rừng. Dạo này thường bị cọp vào khi bắt con trâu, khi tha con heo. Người tức giận nhưng chẳng dám làm gì ngòai việc khua thùng gõ mõ khi cọp… đi rồi. Làng bèn làm lễ cúng ông ba mươi. Mâm cúng có xôi có heo quay gà luộc vàng ươm thơm lựng. Mấy con mèo đánh hơi mỡ màng, quanh quẩn kêu meo meo. Thế là bị người xua đuổi, có con còn bị đánh rất đau.
Mèo ấm ức bảo nhau: người có giỏi sao không lo đánh cọp đi!

BẢN CHẤT
Một con mèo cả đời tận tâm tiêu diệt không biết bao nhiêu chuột. Về già bỗng *ngộ* ra và ân hận, bèn tu không sát sinh nữa.
Thế nhưng từ đó đêm nào nó cũng nằm mơ thấy cá.

[Đã in trong tập 101 truyện 100 chữ (2013) và Những Mảnh vỡ (2014) ]



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...