HÃY ĐỂ CON ĐỨNG THẲNG!



Nguyễn Thị Hậu

Vụ nâng điểm thi PTTH ở Sơn La, Hòa Bình đến bây giờ - tháng 3/2019 – mới thông báo kết quả điều tra, tức là đã qua thời hạn bổ sung trúng tuyển vào các trường đại học là tháng 12/2018. Sắp hết một năm học, gần 70 thí sinh được nâng điểm thi rất cao, có em được nâng đến 26,5 điểm - đã yên vị trên ghế của nhiều trường đại học, và tất nhiên, gần 70 em khác đã mất chỗ hợp pháp của mình ở những trường đại học ấy!

Cuộc điều tra đã kéo dài quá lâu dù được phát hiện sớm ngay trước thời điểm xét tuyển đại học. Lẽ ra những thí sinh bị nghi ngờ cần tạm dừng xét tuyển chờ kết quả điều tra, như vậy cuộc điều tra phải khẩn trương hơn để có kết quả sớm trong thời gian có thể bổ sung danh sách trúng tuyển, tránh trường hợp trượt oan đậu gian. Nhưng vì tất cả thí sinh “chạy điểm” đã được vào đại học nên... không đi đâu mà vội, mọi việc cứ tuần tự “đúng quy trình” như không có gì xảy ra!

Nay, kết quả điều tra thừa nhận có gian lận điểm, tức là sự vi phạm là cố ý, có tổ chức, không chỉ từ những cán bộ ngành giáo dục tham gia và thực hiện việc này mà chắc chắn có sự tiếp tay, thao túng của những phụ huynh có con em đã được nâng điểm. Ai có thể “chạy điểm” cao đến mức chắc chắn đậu đại học, thậm chí ở top đầu của các trường?

Vậy mà, trước đòi hỏi của dư luận về việc cần công khai danh tính phụ huynh và cả các thi sinh gian lận điểm thi, những người có trách nhiệm lại cho rằng không công bố tên phụ huynh và nhất là tên các thí sinh – vì tính nhân văn, vì sợ ảnh hưởng tâm lý các em, thậm chí còn có ý kiến đó là do phụ huynh chứ không phải lỗi của các em! Phụ huynh chắc chắn phải chịu trách nhiệm khi “chạy điểm” cho con dù bằng bất cứ cách nào: bằng tiền hay bằng ảnh hưởng của chức vụ, quyền hạn, thậm chí chỉ bằng “quan hệ tình cảm”. Nhưng các thí sinh được nâng điểm liệu có vô can?

Đủ tuổi vào đại học tức là các em đã trưởng thành. Sức học, kết quả bài thi của mình thế nào chắc chắn các em biết rõ hơn ai hết, gần một năm qua sự việc ở ngay địa phương, ngay hội đồng thi của mình thế nào, liên quan đến gia đình mình thế nào, không lẽ các em không biết?! Thế mà vẫn thản nhiên nhận một kết quả gian dối tức là thản nhiên hất một người bạn ra khỏi cổng trường đại học để mình bước vào đó bằng đôi chân của cha mẹ!

Đối xử “Nhân văn” với những thí sinh gian lận còn những em bị trượt đại học một cách oan ức thì sự nhân văn ở đâu? Nhân văn với phụ huynh gian lận vậy sự nhân văn nào với phụ huynh có con bị trượt đại học oan ức? Một năm con của các vị yên ổn trong trường đại học là một năm con của người khác bất yên vì lo học lại thi lại, thậm chí mất hẳn cơ hội vào đại học. Các em “chạy điểm” hay “mất điểm” đều là nạn nhân của sự gian lận của người lớn, nhưng đừng cho rằng các em được “chạy điểm” là vô can khi biết rõ mình đã cướp đi cơ hội của người xứng đáng hơn mình! Không công bằng làm sao có sự nhân văn? Nếu các em này thực sự hối hận thì đã không có mặt trong trường đại học.

Vấn đề là việc công bố danh sách này như thế nào chứ không phải là im lặng cho qua, bởi vì không sự thật nào có thể che giấu được. Dù không công bố thì ở những trường đại học có thí sinh “chạy điểm” rồi mọi người cũng sẽ biết (thậm chí đã biết) danh tính các em, lúc đó sẽ rất ê chề! Các vị phụ huynh có thể đến trường “đeo mặt mo” thay con được không?

Làm người lớn là biết tự chịu trách nhiệm, nhưng còn phải biết để cho con trưởng thành trên đôi chân của chính nó chứ không phải trên đầu gối của cha mẹ. Khi cha mẹ can tâm chạy chọt cơ hội vào đời cho con là tước đi quyền “đứng thẳng” của con và làm cho con trở thành khuyết tật về nhân cách!

Sài Gòn 26.3.2019

gian lan diem thi

BÀI VỀ ĐÀ LẠT 3. Quy hoạch Đà Lạt: "Đề bài" phải là của chính quyền chứ không phải của nhà đầu tư

Tạp chí Khám phá đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học về bản quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt.
@ Dưới góc nhìn bảo tồn - phát triển, bà đánh giá thế nào về đồ án quy hoạch Khu trung tâm Hoà Bình - Đà Lạt?
- Nói đến một đô thị, nhất là những đô thị hình thành vào thời kỳ cận - hiện đại thì di sản đô thị có một vị trí đặc biệt, bởi vì đó là những “dấu chỉ” để nhận diện đô thị, đồng thời cũng là những “cột mốc” phản ánh quá trình lịch sử của đô thị.
Khu vực trung tâm - nơi có vị trí đắc địa của đô thị - thường xây dựng các công trình quan trọng về chính trị, xã hội, công trình công cộng... luôn là “điểm nhấn” của đô thị, quen thuộc với nhiều thế hệ cư dân, tạo ấn tượng mạnh với du khách.
Trải qua thời gian khu vực trung tâm trở thành “di sản đô thị” vì đã tích lũy trong nó 3 giá trị to lớn. Thứ nhất là giá trị lịch sử (bằng chứng giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn phát triển mới của đô thị, có thể là “chứng tích” của nhiều sự kiện lịch sử), trở thành “ký ức đô thị”, mang tính chất “không gian thiêng”.
Thứ hai là giá trị văn hóa - xã hội vì là “không gian cộng đồng” đặc trưng và quen thuộc nhất của đô thị, có những công trình tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật...
Thứ ba là giá trị khoa học, là “không gian sáng tạo” vì các công trình kiến trúc hay quy hoạch cảnh quan mang dấu ấn của một thời đại.
Những giá trị này góp phần quan trọng tạo nên bản sắc đô thị. Chính vì vậy hầu hết các quốc gia đều coi trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị. Đồng thời với tích lũy giá trị lịch sử văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương nghiệp). Nguồn “vốn xã hội” bắt nguồn từ giá trị lịch sử - văn hóa vì không có những yếu tố đó thì khu vực này không thể trở thành “trung tâm” để ngày nay có giá trị kinh tế cao.
“Hiện đại hóa” đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại nhiều yếu tố di sản đô thị, thực chất là chỉ là kiếm lợi trước mắt mà không biết bảo toàn “nguồn vốn”. Phá hủy di sản là hủy hoại nguồn vốn, cũng như phá hoại đầu nguồn sông thì đồng bằng sẽ chết dần. Từ góc độ bảo tồn và phát triển, với một đô thị đặc sắc như Đà Lạt, bản quy hoạch trung tâm thành phố (khu Hòa Bình) như vậy theo tôi là không phù hợp vì phát triển còn phải là bền vững, lâu dài chứ không chỉ là xây dựng công trình hiện đại.
@ Như vậy, đó không chỉ là khu trung tâm của Đà Lạt mà còn là một khu vực có tính cộng đồng cao và cũng là trung tâm của một đô thị di sản. Được biết, bản quy hoạch do một Công ty cổ phần đầu tư địa ốc tài trợ. Bà có ý kiến gì về vấn đề này không?
- Trong quá trình phát triển đô thị việc các chủ đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, công trình công cộng... là bình thường, thậm chí tham gia những dự án lớn, hình thành các khu đô thị mới, kể cả tài trợ quy hoạch một khu vực... Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ chính quyền, nhà quản lý “ra đề bài” thế nào cho nhà đầu tư chứ không phải là ngược lại! Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế thì tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư “quy hoạch” xóa bỏ di sản.
Với nhiều nhà đầu tư “lợi nhuận kinh tế” là yếu tố hàng đầu, họ không quan tâm đến việc bảo toàn giá trị lịch sử - văn hóa mà chỉ tận dụng nó dưới góc độ giá trị đất đai. Khu vực di sản được các nhà đầu tư coi là “đất vàng, đất kim cương”. Tài trợ luôn đi đôi với quyền lợi, tài trợ vào đất vàng thì quyền lợi cũng phải tương xứng hoặc hơn!
Lợi ích của nhà đầu tư là “tiền tươi thóc thật ngay và luôn” còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị kinh tế cùng với giá trị tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền.
@ Thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng Rạp hát Hoà Bình có kiến trúc không còn hợp thời hoặc không còn công năng như ban đầu, cần thay thế. Ngoài ra, khu Hoà Bình (30 hecta) đang quá tải, nhếch nhác, lộn xộn cần phải “dọn dẹp”. Theo bà, nếu buộc phải thay thế để phát triển thì phải nhìn nhận và tiến hành như thế nào cho phù hợp?
- Không thể phủ nhận một điều, trung tâm của nhiều đô thị khá lộn xộn thậm chí nhếch nhác, nguyên nhân chủ yếu là do một thời gian dài công tác quản lý đô thị không tốt, từ quản lý cảnh quan kiến trúc đến quản lý dân cư và các hoạt động đô thị. Những đô thị lớn hay trung tâm du lịch không kịp thích nghi với sự biến đổi nhiều mặt, sức ép phát triển kinh tế lên các đô thị cũng là nguyên nhân của tình trạng này. Các tình trạng trên ở Đà Lạt là do vậy.
Cần giải quyết từ nguyên nhân gốc, tìm ra giải pháp phù hợp cho những khu vực “quá tải, lộn xộn”. Không phải cứ “dọn dẹp, giải tỏa” là sẽ đâu vào đấy (phong trào “dọn dẹp vỉa hè” ở TPHCM năm qua là một ví dụ) mà tùy từng khu vực tính chất khác nhau thì có giải pháp khác nhau. Với khu vực di sản lại càng cần thận trọng vì những giá trị đã nêu trên.
Với di sản đô thị chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá - như trường hợp khu Hòa Bình trung tâm Đà Lạt, việc định vị và tái định vị giá trị di sản rất quan trọng, cần khẩn trương thực hiện. Việc này phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, khi có những ý kiến xuất phát từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ phương tiện truyền thông và đặc biệt từ cộng đồng… những chủ thể định vị rõ ràng nhất, công bằng nhất và phù hợp nhất giá trị của di sản đô thị, thì chính quyền cần xem xét lại. Từ đó đưa ra những đồ án quy hoạch khác đảm bảo sự kế thừa và bảo tồn di sản đô thị.
Mỗi thế hệ luôn có vai trò là trung gian gìn giữ di sản cho đời sau, phủ nhận hoặc lạm dụng vai trò đó để hủy hoại di sản, đó là một tội ác.

BÀI VỀ ĐÀ LẠT 2. Giá trị văn hóa bền vững hay "tiền tươi thóc thật"?


Nguyễn Thị Hậu

 Di sản văn hóa đô thị, có thể hiểu một cách cụ thể, là tập hợp các địa điểm, vị trí, khu phố, các công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Khu vực trung tâm các đô thị  thường tập trung nhiều công sở, công trình công cộng mang dấu ấn hình thành và phát triển đô thị. Đó là những công trình nếu chưa đẹp về kiến trúc (theo cách nhìn ngày nay) thì cũng là tiêu biểu của kiến trúc một thời, đồng thời ẩn chứa trong nó biết bao ký ức và câu chuyện về lịch sử và con người đô thị

Câu chuyện khu Hòa Bình – trung tâm thành phố Đà Lạt, theo quy hoạch mới sẽ phá hủy gần hết các công trình xưa, chỉ còn chợ Đà Lạt, nhằm thay mới bộ mặt nhếch nhác, lộn xộn hiện nay. Nhiều nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn... đã lên tiếng không đồng tình với bản quy hoạch mới, vì không thể đánh đổi di sản tích tụ qua quá trình lịch sử lấy sự hiện đại “sang trọng” nhưng vô hồn vì không mang bản sắc Đà Lạt.

Tuy nhiên vẫn có những tiếng nói ủng hộ quy hoạch “hiện đại hóa” vì cho rằng khu Hòa Bình xấu xí, các công trình xuống cấp không có gì đẹp, cần xây mới để phục vụ du lịch, qua đó người dân Đà Lạt cũng có lợi về kinh tế. Thậm chí còn cho rằng, du khách thích check-in ở những công trình mới, hiện đại thì tại sao không “phát triển” để thu hút du khách...
Những ý kiến này cũng có lý vì xuất phát từ nhu cầu kinh tế hiện nay, vì nhu cầu “danh tiếng” càng nhiều càng tốt, vì mong muốn thành phố đẹp hơn theo kiểu hiện đại như nơi khác.

Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia đã cho thấy: Bảo tồn di sản đô thị thực chất là “kết quả dàn xếp các xu hướng mâu thuẫn” mà mâu thuẫn lớn nhất là di sản đô thị được coi là tài sản của cộng đồng dân cư nhưng thường bị coi là “gánh nặng” của chính quyền đô thị. Vì thế các thỏa thuận đạt được thường bấp bênh và nhạy cảm một khi có thay đổi dù là rất nhỏ về các giá trị. Khi chính quyền đô thị thực tâm hiểu và coi di sản chính là “nguồn vốn xã hội đặc thù” tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đô thị thì có thể hạn chế và giải quyết mâu thuẫn này. Kinh tế di sản – khái niệm mới nhưng đồng thời là phương thức giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển – đã được nhiều quốc gia thực hiện thành công, trong đó có những quốc gia có điều kiện lịch sử - xã hội không khác Việt Nam.

 “Tầm nhìn” hướng đến tương lai của một chính quyền đô thị nếu hạn hẹp về không gian trong khu trung tâm “đất vàng” thì việc xây dựng hạ tầng mới, công trình hiện đại sẽ phải phá bỏ những kiến trúc có giá trị lịch sử của đô thị. Nhưng nếu tầm nhìn rộng hơn thì việc mở ra những khu đô thị mới để giải quyết nhu cầu nhiều mặt ngày càng tăng của đô thị là giải pháp phù hợp, chứng tỏ cả tầm nhìn xa hơn về văn hóa. Bởi vì nếu bảo tồn khu vực này đồng thời xây dựng các khu đô thị mới chính là “phát triển bền vững”, bao gồm việc mang lại và làm tăng thêm giá trị đất đai và giá trị văn hóa của những khu vực khác, đồng thời bảo toàn di sản của cha ông cho những thế hệ sau còn được kế thừa.

Từ khoảng 20 năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực trung tâm các đô thị, thành phố. Đấy là sự “lấy đi” nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự phá hoại này bằng những thế hệ không quý trọng lịch sử, không tôn trọng tiền nhân, không hiểu biết về vẻ đẹp của sự đa dạng văn hóa bắt đầu từ đa dạng cảnh quan, kiến trúc từng đô thị, những thế hệ “robot” vì chỉ biết check-in cúng facebook với beton kính thép màu mè “hiện đại” như nơi khác mà không hề biết cảm thụ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

Phát triển bền vững là “Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng các nhu cầu của mình, mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”… Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, khái niệm “phát triển bền vững” này hoàn toàn phù hợp. Nó chỉ ra tính cấp thiết của thực trạng “nhu cầu hiện tại” của việc sử dụng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), vừa chỉ ra nguy cơ các thế hệ tương lai sẽ không thể đáp ứng nhu cầu về di sản văn hóa nếu thế hệ hiện nay không điều chỉnh ngay việc sử dụng di sản văn hóa cho các mục đích kinh tế trước mắt. Xóa bỏ di sản văn hóa là tạo ra sự đứt gãy về lịch sử và văn hóa.

Bản quy hoạch khu Hòa Bình - Đà Lạt lại một lần nữa cho thấy tâm lý “ăn xổi ở thì” trong quản lý và quy hoạch đô thị đang có xu hướng gia tăng. Vai trò quan trọng của chính quyền đô thị là phải có quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản và thực thi bằng cách đưa bảo tồn di sản vào chiến lược phát triển bền vững, qua đó và từ đó, bảo vệ và phát triển những thế hệ con người có tri thức và nhân văn, biết tôn trọng lịch sử và sự đa dạng văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi địa phương.


MẸ CHỒNG



Tôi gọi bố mẹ chồng bằng cậu, mợ theo tục lệ bên chồng ở Việt Trì, Phú Thọ.

Gia đình tôi sống xa quê chồng. Bchồng tôi các anh em đã có lần vô SG nhưng mẹ chồng tôi chưa vào với con cháu lần nào. Nhiều lần chúng tôi mời bà vào chơi nhưng bà chẳng muốn đi đâu “thành phố ồn ào nhức đầu lắm, mợ không thích”, bà luôn trả lời vậy, dù nhà của ông bà bây giờ cũng thuộc thành phố Việt Trì. Ba má tôi đã ra quê thăm ông bà, dù ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng ba má tôi và bố mẹ chồng tôi luôn quý trọng nhau và đối đãi rất chân tình, hai bên một lòng yêu thương con cháu. Ông ngoại và ông nội các con mất trước, sau này khi sức khỏe bà ngoại bà nội  yếu đi nhưng mỗi khi chúng tôi về nhà hai bà vẫn thăm hỏi sức khỏe của nhau và mong có dịp được gặp lại.

Mợ (mẹ chồng) tôi rất đẹp, người nhỏ nhắn, da trắng, mặt trái xoan, đôi mắt hiền từ, mái tóc rất dài được vấn trong tấm khăn nhung đen. Bà có hàm răng đen và nụ cười tươi, bà còn thuộc nhiều ca dao, tục ngữ… Trong những bữa ăn quây quần cả gia đình chúng tôi hay trò chuyện tếu táo, bà cười vui vẻ và hay góp câu chuyện, những câu thơ ứng khẩu rất vui. Mợ hay gọi tôi là “thím” như anh chị Cả vẫn gọi, mỗi khi tôi ra thăm mợ lại nhắc chị Cả đi chợ mua cua nấu bún riêu ăn với rau sống – món ăn mà tôi thích nhất mỗi khi về quê. Thỉnh thoảng trên đường công tác tôi cùng bạn bè ghé về nhà, mợ và các anh chị, các em vui vẻ tiếp đón trò chuyện, coi các bạn tôi như con cháu trong nhà.

Khi còn khỏe hàng ngày mợ dậy sớm, đi bộ ra chùa làng cách nhà hơn cây số, thắp hương thờ Phật, trò chuyện với các cụ trong làng, túc tắc ra chợ mua mớ rau, con cá rồi về nhà, cùng chị Cả chăm sóc ruộng lúa, vườn rau, con bò, con lợn, đàn gà. Hồi xưa nhà trồng mấy cây mít rất sai quả, chi chít từ gốc đến ngọn. Có lần mợ gánh ra chợ mấy quả mít rất to, nặng oằn vai... đến trưa lại thấy gánh về vì “rẻ quá, thôi mang về băm cho bò ăn còn hơn”. Mỗi năm tôi về thăm bà hay dúi cho tôi “ít quà cho hai cháu Quyên”, thế nhưng hai cháu mừng tuổi bà hay chúng tôi biếu bà chút ít “ăn giầu” thì bà quầy quậy không nhận, bảo “chú thím ở SG đắt đỏ giữ lấy mà tiêu pha, mợ đã có các bác các chú ngoài này”. Nói mãi bà mới cầm và “bà để dành cho đám cưới hai cháu”.

Tôi ở xa mỗi năm chỉ về “làm dâu” cậu mợ vài ngày, khi ông bà đau yếu toàn các anh chị, các em các cháu chăm sóc ngày đêm, may được cậu mợ và cả gia đình yêu thương thông cảm, tôi hiểu đấy là phúc của ông bà dành cho hai cháu nội ở xa. Mới tháng mười năm 2018 tôi và con gái Mai Quyên ra quê vào ngày giỗ ông, bà còn ngồi chơi với con cháu, mái tóc bạc trắng phải cắt ngắn sau mấy lần ốm nặng nhưng rất mượt mà, các cháu khen bà có “quả đầu model” bà lại cười vui vẻ. Bà còn thích uống cà phê 3 trong 1, uống thuốc rất đúng giờ, ăn ngủ điều độ, minh mẫn, chỉ là sức yếu đi theo tuổi ngày càng cao...

Hơn mười ngày nay bà đã yếu lắm, chúng tôi vẫn hy vọng bà qua được như những lần trước... Nhưng bà đã đi về cõi Phật, về với ông... Ngôi nhà ở Việt Trì giờ đã vắng bóng bà ngồi nơi thềm nhà chờ con cháu về...
Mợ ơi, tối nay con về quê và ngồi với Mợ lần cuối, đứa con dâu ở xa chỉ thỉnh thoảng về quê nhưng trong lòng con và các cháu, Mợ luôn gần gũi và đầy yêu thương... Cầu chúc Mợ luôn thanh thản nơi miền cực lạc. Con và các cháu sẽ luôn nhớ Mợ, Mợ ơi...

Ngày buồn 20.3.2019

Kết quả hình ảnh cho hoa tím


BÀI VỀ ĐÀ LẠT 1. QUY HOẠCH ĐÔ THỊ - TẠI SAO PHẢI THAY ĐỔI KHU VỰC TRUNG TÂM?


Nguyễn Thị Hậu

1. Trong mỗi đô thị khu vực trung tâm luôn thể hiện tính chất đặc trưng bao gồm cảnh quan, kiến trúc, lối sống cộng đồng... được hình thành từ điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội và lịch sử cộng đồng dân cư. Do đó, nhìn nhận chức năng quan trọng nhất của khu vực trung tâm từ góc độ nào cũng phải là chức năng thể hiện bản sắc văn hóa và lịch sử. Trung tâm Đà Lạt thường được gọi là khu Hòa Bình hình thành từ lâu đời, là khu vực thương mại dịch vụ quan trọng của thành phố du lịch nổi tiếng với nhiều “tài nguyên bản địa” độc đáo và phong phú.

Khu Hòa Bình nằm trong một thung lũng của những ngọn đồi nhỏ bao quanh. Tại đây có chợ Đà Lạt, rạp Hòa Bình, chợ đêm... và những con đường tỏa ra nhiều hướng. Chợ Đà Lạt được xây dựng xong vào năm 1960, là một trong những ngôi chợ đầu tiên có nhiều tầng. Nơi đây “trưng bày” những sản vật của thành phố và vùng phụ cận, gồm nhiều loại hoa, trái cây, rau tươi, cà phê, trà, các loại thực phẩm chế biến như trái cây khô, mứt, bánh kẹo, rượu... cùng lâm thổ sản của vùng cao nguyên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cộng đồng dân tộc ít người... Rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ đã chuyển đổi chức năng thành rạp chiếu phim và những kiot bán đồ lưu niệm, trang phục mùa lạnh phục vụ du khách. Chợ đêm Đà Lạt là một “thương hiệu” thu hút du khách, tạo nên ấn tượng khó quên về thành phố này.

Quanh chợ Đà Lạt là những tiệm ăn và quán cà phê từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Đà Lạt và du khách, đặc trưng của những quán này là khá yên tĩnh, riêng tư, dành cho du khách cảm nhận và trải nghiệm một nhịp “sống chậm” của thành phố du lịch nhưng không xô bồ, ồn ào. Theo cảnh quan tự nhiên, những đường phố ở đây nhỏ và dốc, có thể thả bộ,  đi xe đạp hay xe máy, nhìn ngắm dãy nhà phố kết hợp sinh sống và thương mại dịch vụ quy mô vừa và nhỏ... hình thành lối giao tiếp gần gũi, thân thiện trong sinh hoạt của cộng đồng địa phương và du khách.

Từ sau 1975 dân cư khu vực trung tâm cũng có sự biến động như nhiều đô thị khác nhưng chưa làm biến mất những đặc tính văn hóa xuất phát từ điều kiện sống nơi đây. Sự hòa hợp giữa cảnh quan kiến trúc và lối sống bình yên, thân thiện trong giao tiếp dịch vụ, thương mại, không khí tĩnh lặng, êm đềm của các quán cà phê, quán ăn có nguồn gốc lâu đời còn là một đặc trưng của khu Hòa Bình. Có thể coi khu Hòa Bình như một “bảo tàng” sống động về văn hóa và con người Đà Lạt.

2. Hiện nay Đà Lạt ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, vì vậy Đà Lạt đã mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng khá nhanh. Nhiều cảnh quan đô thị và cảnh đẹp thiên nhiên Đà Lạt đã bị chia sẻ “sở hữu” đầu tư và khai thác bừa bãi. Tầm nhìn quy hoạch và quản lý xây dựng đã có tác động tiêu cực đến di sản đô thị Đà Lạt, nhất là khu vực trung tâm. Do đó, bảo tồn cảnh quan tự nhiên và nhân văn, bảo tồn kiến trúc đặc thù và phát triển những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng... phải là ưu tiên hàng đầu trong các Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vì đây chính là “sản phẩm du lịch” mang thương hiệu Đà Lạt.

Theo đó, khu vực Hòa Bình phải được coi là “vùng di sản” cần một quy hoạch chỉnh trang theo hướng bảo tồn, trùng tu các công trình cũ (thậm chí phục dựng lại rạp Hòa Bình và sử dụng thức năng mới – như trung tâm nghệ thuật bản địa, chẳng hạn) để duy trì và quảng bá hình ảnh một “dấu chỉ” nhận diện của thành phố. Đồng thời tổ chức lại giao thông, hạn chế các loại xe để tăng cường không gian công cộng cho những phố đi bộ, phát triển thương nghiệp dịch vụ truyền thống tại Chợ Đà Lạt và khu vực bên ngoài, bảo vệ sự ổn định của cộng đồng dân cư lâu đời và lối sống, sinh hoạt kinh tế đặc trưng... Giá trị kinh tế của khu vực này không mất đi mà được tích lũy và tăng theo theo giá trị lịch sử - văn hóa.

Nhưng theo Bản đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” khu Hòa Bình sẽ trở thành “khu cao tầng thương mại phức hợp”, phá bỏ rạp Hòa Bình thay bằng cụm trung tâm thương mại, mở rộng các con đường và thêm nhiều tuyến đường mới vào khu trung tâm “cho các phương tiện giao thông tiếp cận”, di dời tòa biệt thự cổ  Dinh Tỉnh trưởng để xây cụm khách sạn mái tròn cao tầng... Bằng sự thay đổi cảnh quan “hiện đại” như vậy giá trị văn hóa – lịch sử của trung tâm Đà Lạt cũng không còn nữa!

 Khi bị các trung tâm thương mại cao tầng nhiều chức năng vây quanh thì chợ Đà Lạt – chợ truyền thống về sản phẩm, phương thức kinh doanh và quan hệ mua bán... có tồn tại lâu dài như một di sản văn hóa, một dấu ấn lịch sử được không? Nguy cơ thấy rõ là chợ Đà Lạt – một “mảnh đất vàng” sẽ dễ  dàng “biến mất” vì nó trở nên lạc lõng và “xấu xí” giữa những tòa nhà “hiện đại”. Cần nhận thức rõ, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc xây dựng những công trình hiện đại xung quanh công trình di sản là kiểu “chó sói gửi chân”, chấp nhận điều này đồng nghĩa với việc sẽ xóa bỏ công trình di sản!

Sự phá hủy khu vực trung tâm đô thị sẽ làm mất đi các di sản vật thể gắn với sự “nhận diện” Đà lạt quen thuộc hơn trăm năm qua, mất đi các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của “người Đà Lạt”, hạn chế không gian công cộng thân thiện của cộng đồng và có tác động tiêu cực đến sự phân hóa xã hội, xóa bỏ cảnh quan tiêu biểu của thành phố trong ký ức của người dân và du khách. Đó là những giá trị cốt lõi mà thiếu nó, đô thị không thể “sống” và phát triển bền vững.

3. Quá trình “đô thị hóa, hiện đại hóa” ở nhiều tỉnh thành đã phá hủy khu vực trung tâm - nơi lưu giữ dấu ấn đặc trưng lịch sử văn hóa của đô thị. Những bản quy hoạch “khu trung tâm hiện đại” với công trình cao tầng đồ sộ, bê tông và kính lạnh lùng lấn lướt những khu phố những ngôi nhà đã hòa hợp tồn tại hàng trăm năm. Thực trạng này vừa là sự “nhân bản vô tính” vì hoàn toàn không mang “hồn vía đô thị”, vừa là thái độ vô ơn với tiền nhân – những người đã tạo dựng lịch sử đô thị!

Xin đừng nhân danh quy hoạch đô thị hiện đại mà phá hủy khu vực trung tâm, xóa bỏ ký ức và tình cảm nhiều thế hệ cộng đồng, gián tiếp “bức tử” một đô thị vì không có bản sắc riêng, không còn lịch sử hiện hữu. Không có mối liên hệ quá khứ và hiện tại thì làm sao đô thị - và con người - có tương lai?

Sài Gòn 17.3.2019
 Khu Hòa Bình thành cao tầng, hồn Đà Lạt sẽ mất! - ảnh 1




LANG THANG NHỮNG HÈ ĐÃ QUA


Những ngôi nhà thờ nước Nga

Trong những tác phẩm văn học Nga làm tôi say mê từ khi còn nhỏ xíu hầu như ít có những trang miêu tả nhà thờ. Ấn tượng của tôi về nhà thờ Nga là cảnh chàng sinh viên Nekhliudop gặp cô hầu Cachiusa ngây thơ xinh xắn trong nhà thờ vào ngày Lễ Phục sinh. Nụ hôn “Chúa sống lại rồi” mở đầu cho chuyện tình của họ. Thời gian trôi qua, chàng NêKhliuđốp đã bỏ rơi Cachiusa tội nghiệp, đẩy cô vào kiếp sống long đong, vất vả và tù tội. Một lần, vô tình gặp lại người yêu cũ, trước tình cảnh của Cachiusa, chàng đã dằn vặt, đấu tranh tư tưởng và quyết định sẽ thay đổi cách sống. Chàng quan tâm giúp đỡ đến mọi người, hết lòng bù đắp cho Cachiusa. Và cuối cùng, tình yêu của họ đã được phục sinh. Nhà thờ là nơi mở ra hy vọng, cũng là nơi đền đáp những mất mát, tôi đã cảm nhận Phục Sinh của Lep Tonxtoi như thế.

Nhưng với tôi ấn tượng về nhà thờ Nga mạnh mẽ hơn là từ những bức tranh của những danh họa Nga, phần nhiều là nhà thờ ở thôn quê với tháp chuông và mái vòm tròn nổi bật trên nền trời xanh đắm đuối mùa thu hay trên nền tuyết trắng mênh mông của mùa đông nước Nga. Mái vòm nhà thờ như dấu ấn cuối cùng của quê hương khi người ta từ giã để ra đi, cũng như cái đích để người ta tìm về sau những hành trình gian nan mỏi mệt. Cũng giống làng quê Việt, đi xa về chỉ cần nhìn thấy mái đình, cây đa hay cổng làng rêu phong thì lòng người đã lắng lại, bình yên.
Mười ngày ở nước Nga tôi đã đi qua và thăm thú biết bao ngôi nhà thờ, từ những nhà thờ nổi tiếng về lịch sử và vĩ đại về kiến trúc và trang trí ở hai thành phố lớn Saint Peterburg và Moskva đến những ngôi nhà thờ nhỏ nhắn bình dị bằng gỗ ở làng quê, nơi đâu tôi cũng nhìn thấy người dân Nga đến thăm viếng và làm lễ với thái độ thành kính, từ già đến trẻ, nam và nữ. Những chiếc khăn san choàng lên mái tóc các cô gái, những người đàn bà Nga như dấu hiệu của sự “phục sinh” niềm tin vào Chúa – niềm tin tưởng như đã không còn tồn tại qua hơn 70 năm chế độ Xô viết chủ trương vô thần.

Từ góc độ nghề nghiệp đi đến đâu tôi cũng nhìn thấy những nhà thờ, tu viện đang trùng tu, sửa chữa và cả xây mới. Nhiều nhà thờ có niên đại khoảng thế kỷ 11,12 đã được xây dựng lại theo hình thức cũ, không quá to lớn nhưng tinh tế và duyên dáng với hai màu xanh trắng. Một số nhà thờ từng là những trung tâm của Chính thống giáo Nga ở các thành phố lớn cũng được phục dựng lại theo nguyên bản, trong đó công trình vĩ đại nhất có thể kể đến là Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ (tiếng Nga: Хра́м Христа́ Спаси́теля).
Đây là nhà thờ được coi là trung tâm của Giáo Hội Chính Thống Nga, quy mô cao nhất và lớn nhất trên thế giới, tọa lạc ở thủ đô Moskva bên bờ sông Moskva. Nhà thờ ban đầu được xây dựng vào năm 1883, bị phá hủy năm 1931 dưới thời Stalin và xây dựng lại một cách trung thực theo bản mẫu cũ trong giai đoạn 1994 - 2000. Những ngày ở đây nhiều lần đi qua nhà thờ này, nhưng chỉ khi được cô em thân thiết đưa đến tận nơi tôi mới cảm nhận hết sự giá trị của nó. Không chỉ vì nhà thờ được xây dựng lại theo đúng thiết kế ban đầu vào thế kỷ 19, không chỉ vì sự vĩ đại càng được tôn lên bởi màu trắng của hàng trăm khối đá cẩm thạch lấp lánh trong ánh đèn đêm hay sáng rực trong ánh mặt trời, mà vì, như tôi đọc từ những bản thuyết minh trong nhà thờ, nó được phục dựng chỉ trong sáu năm sau khi vào năm 1990 Giáo hội Chính thống Nga nhận được sự cho phép để xây dựng lại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ. Một quỹ xây dựng được thành lập trong năm 1992 , việc xây dựng nhà thờ bắt đầu vào năm 1994 và hoàn tất năm 2000. Chỉ có sáu năm và từ nguồn quỹ của xã hội! Và ở khắp nước Nga không chỉ có một ngôi nhà thờ, một tu viện được phục hồi bằng phương thức này.

Những ngôi nhà thờ cổ xưa hoặc nhà thờ trung tâm đều là những điểm du lịch thu hút rất đông khách tham quan, tìm hiểu. Nhiều nhà thờ trong quá trình trùng tu đã tìm thấy di tích khảo cổ và tiến hành bảo tồn ngay tại chỗ, trở thành một bộ phận di sản và làm tăng giá trị văn hóa – lịch sử của nhà thờ. Có thể nhận thấy nhà thờ ở nước Nga không chỉ là trung tâm tôn giáo, nó còn tiêu biểu cho kiến trúc và kỹ thuật xây dựng nhà thờ Chính thống giáo, là những bảo tàng nghệ thuật tranh tượng, là dấu ấn lịch sử lâu dài cùng những biến động có ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới hiện đại. Vậy nên chỉ sau vài năm bắt đầu thể chế mới, chính quyền Nga đã cho phục hồi Chính thống giáo và xây dựng lại nhiều nhà thờ bị phá hủy trước đó. Có thể đây là một hành xử chính trị khôn ngoan nhằm tạo dựng lại cho dân chúng một niềm tin, nhưng trên hết người ta đã hành xử đúng với một bộ phận quan trọng, độc đáo và vĩ đại của của nền văn hóa Nga.
Niềm tin được khởi đầu và duy trì từ những giá trị văn hóa bao giờ cũng bền chặt hơn từ những thần tượng chính trị nhất thời.

2. Sức sống của cát
Sa mạc gợi cho người ta hình ảnh của một thế giới không có sự sống. Chỉ còn sự im lặng ngàn đời của cát và những cơn cuồng phong của gió trước sự im lặng chết chóc ấy.
Trên chuyến bay từ Hồng Kông đến Dubai, khi màn hình chuyển từ màu xanh bất tận của mặt đất, của đại dương sang màu nâu vàng bợt bạt cũng bất tận như thế, tôi biết mình đang đi vào thế giới sa mạc, thế giới của ánh nắng chói chang, của cái nóng bỏng da rát thịt, của những bóng áo choàng trắng và đen dài phủ gót chân, thế giới của những khăn trùm đầu và những đôi mắt đẹp tuyệt trần, đôi mắt từ nghìn lẻ một đêm xa xưa sống lại.

Dubai là một thành phố đồng thời cũng là một trong bảy tiểu quốc của Các tiểu Vương quốc ARập thống nhất . Cùng với tiểu quốc – thủ đô Abu Dhabi, Dubai là một trong hai nước thịnh vượng và phát triển nhất. Khởi đầu một cách khiêm tốn và lặng lẽ từ nửa sau thế kỷ 20, thành phố đã trải qua một sự biến đổi đáng kinh ngạc để có những kỳ quan ngày hôm nay. Một đất nước nổi tiếng với nhiều kỷ lục như đảo nhân tạo lớn nhất, trung tâm thương mại lớn nhất, khách sạn 7 sao sang trọng nhất hay tòa nhà cao nhất thế giới. Có thể nói Dubai là thành phố của những điều kỳ diệu nhất mà con người có thể xây dựng nên từ cát.

Cuối tháng tám không còn là thời gian cao điểm của nắng nóng nhưng nhiệt độ ngoài trời thường vào khoảng 40 độ C, bước chân ra đường không thể không choàng  khăn hay đội mũ, vậy mà mặt vẫn rát lên vì hơi nóng phả vào.  Có khăn choàng che kín mặt thật là lợi hại,  nhưng nếu không mang kiếng mát thì bị chói mắt vì ánh nắng gay gắt của mặt trời và sự phản chiếu từ cát. Vậy mà những người phụ nữ ở đây ít khi mang kiếng mát, phải chăng vì luôn chống chọi với cái nắng như vậy mà họ có cặp mắt sâu và hàng mi dài rợp hút hồn người ta như thế. Thực ra  đàn ông ở đây cũng có đôi mắt rất đẹp. Nhưng có lẽ vì không bịt mặt nên người ta thường có ấn tượng hơn với bộ râu quai nón rất “đàn ông” của họ.

Dubai có đến vài trăm ngôi nhà cao tầng giữa mênh mông cát và một phần  sát bờ biển. Tuy nhiên ta không thấy thành phố nặng nề thô kệch hay chật chội là nhờ hầu hết những tòa nhà đều có màu xanh biển, xanh lá cây của những tấm kính  hoặc màu cát (vàng nâu nhạt  hay trắng  xám), điểm những đường viền trang trí  màu trắng (màu của thánh đường Hồi giáo) làm cho tất cả các công trình trở nên nhẹ nhõm và duyên dáng. Hơn nữa không có tòa nhà nào kiến trúc  giống nhau, từ những khách sạn hay công sở cao vài chục đến vài trăm tầng hình thức rất hiện đại; đến những khu chung cư cho dân nghèo hay villa của người giàu có chỉ  một trệt một lầu kiến trúc truyền thống  với tháp cao đón gió và những đường trang trí kiểu mái vòm…
Cả Dubai như một công trường xây dựng khổng lồ, nơi nào cũng có những công trình đang xây, đang hoàn thiện. Giữa những toà nhà là cát, khu đất sắp xây dựng cũng là cát, rồi cát đổ ra lấn biển làm đảo nhân tạo… Vậy mà thành phố chỉ có nắng nóng chứ không bụi bặm. Và đây đó vẫn có những mảng xanh dù nho nhỏ nhưng cũng làm dịu đôi mắt trong chốc lát.

Trên những con đường  trong thành phố thậm chí cả trên xa lộ từ Dubai đến Abu Dhabi người ta trồng cọ hoặc chà là như cây xanh đô thị.  Người ta trồng chúng trong khuôn viên nhà, khách sạn… như là cây kiểng sân vườn, dù hai loại cây sống được ở xứ cát này lá của chúng không xanh  mà gần như màu của cát. Những thảm cỏ nho nhỏ, những bụi cây thấp là màu xanh hiếm hoi còn lại của thành phố, tuy ít ỏi nhưng nó làm nên sự sống của cát. Thật ra sự sống của màu xanh nằm ở phía dưới, trên nền cát dưới lớp đất mỏng là những đường ống nước nhỏ như ngón tay, tưới nhỏ giọt làm cho đất luôn ẩm đủ cho cây cỏ sống giữa nắng sa mạc. Nhìn màu xanh ở đây mới thấy quý từng giọt nước.

Dubai có cả một con sông đào nhân tạo chảy giữa thành phố, nước xanh trong nhưng lờ lợ mặn. Hai bên nhà xây sát bờ sông. Cũng có tàu du lịch đưa khách đi từng đoạn ngắm hai bên bờ, rồi ghé vào khu chợ Gia Vị không chỉ có gia vị mà còn bánh kẹo, chà là, đồ lưu niệm… Kế đó là Chợ Vàng nổi tiếng với bốn dãy phố quanh một Trung tâm cao bảy tầng lầu rực rỡ chói lòa những đồ trang sức bằng vàng y và đá quý cho những người khách như tôi thỏa sức… ngắm nhìn.
Khách sạn độc đáo hình Cánh Buồm được xây trên một hòn đảo nhân tạo cách xa bờ biển, nhưng rồi cát lại lấn biển để mọc thêm nhiều công trình khác nên bây giờ trông khách sạn như ngay trên bãi biển. Nói đến công trình lấn biển thì phải kể đến quần đảo Cây Cọ nổi tiếng.  Đi trên con đường chính hay những đường nhánh không ai nghĩ đây là quần đảo nhân tạo càng không nghĩ diện tích nhỏ, bởi chen giữa những công trình to lớn “hoành tráng” là sự thoáng đãng của màu xanh cây cỏ trên nền xanh của biển. Tại đây nhiều công trình cũng đang tiếp tục xây dựng nhưng cả quần đảo được quy hoạch rất đẹp.

Nhiều người đã nhập cư đến đây lao động trên những công trường xây dựng hay trong các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại nhiều như sao trên trời. Các công ty lớn của thế giới đặt tại đây cũng thu hút nhiều nhân tài. Bên cạnh những bóng áo choàng đen trắng cũng còn rất nhiều trang phục phổ biến khác, chưa kể khách du lịch lúc nào cũng nườm nượp. Người ta đến đây không chỉ để vui chơi, hưởng thụ những dịch vụ cao cấp nhất, mà còn để tận mắt chứng kiến con người có thể làm sa mạc thay đổi thế nào.
Sức sống của cát ở đây là do con người mang lại, không chỉ từ sức lực mà quan trọng hơn là từ trí tuệ hoạch định tầm nhìn và từng bước thực hiện, tuy chỉ mới khoảng hai chục năm. Dường như giữa sa mạc mênh mông không đầu không cuối con người buộc phải “nhìn thấy” những ốc đảo từ rất xa, người ta phải biết tính toán đường đi và sức lực của mình để có thể đến nơi có nước ngọt và bóng mát trước khi bị lạc đường rồi chết khô trên sa mạc.
Cuộc sống giữa sa mạc của Dubai và Abu Dhabi cũng bắt đầu như thế.

3. Thị trấn nhỏ bên vịnh biển
Một ngày hè tháng bảy tôi đến một thị trấn nhỏ vốn là một làng chài ở Baie de Somme (vịnh sông Somme) trên bờ biển vùng Picardie nước Pháp. Bên kia vịnh là cũng là một thị trấn nhỏ nhưng ngày cuối tuần tấp nập hơn vì có họp chợ… Mỗi khi thủy triều rút xuống có thể từ hai thị trấn đi bộ qua vịnh đến bờ bên kia, trên lớp cát ẩm màu nâu đen và giữa những cánh chim hải âu táo tác kiếm ăn trên vùng nước lợ.

Thị trấn nhỏ bé có ba con đường chính gần song song với nhau, một ven bờ biển và hai chạy xuyên qua, từ đó có những đường xương cá nhỏ hơn cắt ngang. Nhà cửa cũng nhỏ nhắn xinh xắn, hầu hết một trệt một lầu, còn giữ được nhiều nét xưa cũ. Nơi ngã ba ngã tư có vài ngôi nhà cao hơn thường là tiệm bán buôn. Khu vực mới mở rộng có nhiều khu nhà mới, phần lớn người từ Paris về mua làm nhà nghỉ. Trong thị trấn có vài tòa lâu đài, dinh thự cổ, trong đó có tòa lâu đài từng là nơi nữ anh hùng Jeanne D'arc bị bắt giamvào năm 1430 trong cuộc chiến chống quân Anh , trước khi bị đưa về Rouen xử tử trên dàn thiêu. Tượng nàng được đựng ngay con đường chính bên bờ biển, bồn hoa dưới chân nàng những nhánh oải hương dịu dàng màu tím luôn tươi tắn trong ánh nắng ngày hè đến tận gần 10g tối.
Trên con đường ven biển nhìn ra một cảng nhỏ, tàu đánh cá tải trọng nhỏ, tàu du lịch đậu san sát… trên bờ là nhà hàng, khách sạn cũng nhỏ nhắn xinh xinh, mấy cửa hàng hải sản mang thương hiệu của những tàu cá lâu đời trong làng. Ngày cuối tuần khách đông đủ để ngồi kín những nhà hàng, thưởng thức đồ ăn tươi ngon trong cái gió se se ẩm ướt của cơn bão rớt nơi xa…

Trong thị trấn có một ngôi nhà thờ - chưa có nhà thờ thì chưa thành một cái làng, ai đó đã nói như vậy nhỉ?  Nhà thờ xây bằng đá còn nguyên lớp tường xù xì của gác chuông, chắc hẳn đây là phần kiến trúc cổ nhất từ thời hình thành làng cổ, còn gian chính trông mới hơn, có lẽ  được xây, sửa lại vào thời gian sau. Bước vào nhà thờ tôi ngạc nhiên vì so với bên ngoài có phần giản đơn, bên trong khá rộng rãi, cao ráo, có thể nhận ngay ra nhà thờ của một làng chài bởi hàng chục tấm hình những con tàu đánh cá của “người làng” với đầy đủ thông tin được treo dọc theo những cây cột và hai bên tường. Một bên “bàn thờ” thánh còn có cả mô hình bằng gỗ chiếc tàu nhỏ đầy đủ cột buồm mái chèo..
Nhà thờ có những bức tranh kính tuyệt đẹp. Ánh mặt trời cuối chiều hè xuyên qua lớp kính màu làm cho vẻ dịu dàng thánh thiện tràn ngập nơi đây… Phía cuối là bức tượng thánh  Jeanne D'arc trong dáng vẻ thiếu nữ nông dân chất phác, tóc cắt ngắn dáng người khỏe mạnh, trang phục giản dị, không khác lắm bức tượng bên bờ biển.

Thị trấn nhỏ còn là nơi Jules Verne – nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng người Pháp - sống những ngày ông viết cuốn tiểu thuyết phiêu lưu “80 ngày vòng quanh thế giới” được xuất bản lần đầu vào năm 1873. Từ làng chài nhỏ bé này nhà văn đã “nhìn thấy” những nơi chốn và phương tiện giao thông hiện đại mà các nhân vật của ông “đi qua” trong hành trình tưởng tượng của mình.
Các cửa sông ở Baie de Somme có biên độ thủy triều khá lớn, khi triều lên nếu không có hồ chứa với đê bao thì có thể sẽ ngập cả khu vực ven biển của thị trấn. Khi triều xuống, hồ chứa nước biến thành vùng “biển cạn”  cho nhiều loài chim về cư trú và là khu bảo tồn lý tưởng. Ngày mùa hè khá dài, khoảng 8,9 giờ tối bạn có thể dạo chơi trên đê bao, ngắm nhìn từng đàn hải âu bay về đậu trắng lòng hồ, những dải cỏ lau bắt nắng vàng óng ánh, bầu trời tiếp giáp mặt nước chuyển dần các sắc màu từ xanh biếc của nước đến xám đen của những dải cát… Chỉ khoảng hơn một tiếng sau hoàng hôn buông trên vịnh, những tia mặt trời cuối cùng còn làm nền trời óng ánh màu mây ngũ sắc…

Thị trấn cổ xưa nhỏ bé nay cũng đã thay đổi nhiều, nhưng những dấu tích lịch sử đều được cẩn trọng gìn giữ dù chỉ có chút liên quan đến cuộc đời của một nữ anh hùng, một nhà văn nổi tiếng, cũng như nhà thờ, những con phố nhỏ giữ lại dấu tích làng chài ngày xưa… Đường phố và những ngôi nhà mới xây hòa hợp cảnh quan cũ làm cho thị trấn càng đẹp hơn, vẻ đẹp bình lặng êm đềm thích hợp cho những người muốn về đây nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng ở các thành phố đông đúc.
Nơi đây vẫn bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan tự nhiên và di tích lịch sử - văn hóa nên vào những ngày cuối tuần – nhất là mùa hè - ở đây khá đông du khách. Tuy nhiên không vì vậy mà cuộc sống thị trấn nhỏ trên bờ vịnh sông Somme bị “thương mại hóa”. Sự niềm nở nhiệt tình và chất phác của người dân như thỏi “nam châm” giữ chân du khách và có dịp thì họ luôn quay trở lại.

Thị trấn này làm tôi nhớ đến Cần Giờ, nơi vịnh Gành Rái đổ ra biển và bên kia là thành phố Vũng Tàu. Cũng vùng cửa sông mặt nước đổi màu theo thủy triều lên xuống, cũng bờ biển ẩm ướt lớp cát nâu đen mịn màng hút lấy bàn chân, cũng những dãy phố xưa hai bên bờ vịnh, và cả khu bảo tồn rừng ngập mặn… Những kinh nghiệm, bài học về bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững đâu phải chỉ có ở những Di sản thế giới mà chúng ta có thể học được ở bất cứ nơi nào, như ở Baie de Somme, vì đó là những điều giản đơn nhưng được thực hiện từ sự hiểu biết, yêu quý và trân trọng thiên nhiên – lịch sử nơi mình đang sống.

 Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

 Trong hình ảnh có thể có: 1 người



Một chuyện đùa - Có nỗi buồn không đẹp - Tháng Tư


Có nỗi buồn không đẹp

Có lần tôi viết về nỗi buồn
bạn nhắn viết về nỗi buồn đẹp thế!
Có phải nỗi buồn nào cũng đẹp?

Không, hình như vẻ đẹp nào
cũng mang lại cảm giác buồn man mác
“gửi gió cho mây ngàn bay”…

Có lần nhắn em nhỏ, chị buồn…
Em: chị nói ra đi, cho nhẹ.
Thôi quen rồi, cứ để đấy.
Buồn vì gì vậy, bạn bè, công việc, tình yêu?
Tình yêu.
Ôi sướng thế! Buồn vì tình là nỗi buồn đẹp đẽ.
Ừ, ít thôi thì đẹp…
Vậy là chị đang buồn rất nhiều? Ôm chị!

Có nỗi buồn không đẹp
đóng băng bờ môi lạnh giá…

Tháng Tư

Có một ngày như là cuối thu
Xao xác lá vỉa hè phố cũ
Hương cà phê nồng nàn 
Thoang thoảng nhẹ ấm chè mạn ngày xưa
Mùi ổi chín phố ngoại ô đầy gió

Tuổi mùa thu bất ngờ gặp lại
Những nụ hoa run rẩy trắng
Tinh khôi
Bồi hồi
Tháng Tư

Ừ thôi
Chia xa
Đâu phải là chấm hết
chỉ mới bắt đầu, tất cả…

Một chuyện đùa


Không biết may hay là không may
Ta đã không gặp nhau
Từ những ngày xa lạ ấy...

Không biết may hay là không may
Ta va vào nhau trong một ngày buồn
Ngoài kia gió mềm như lụa
Căn phòng rỗng
Ý nghĩ xô vào thinh không
Lý trí quay đi cảm xúc tràn về
Trắng đêm
Quay cuồng nhớ...

Không biết may hay là không may
Một ngày ta đi qua nhau
chưa yêu nên đâu phải chia tay...

 ...
Và rồi tự hỏi thế nào
ta biết từ ngày buồn ấy
mình đã gửi mình theo nhau!

Hình ảnh có liên quan

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...