Con gái Mai Quyên giao lưu với độc giả ở Sài Gòn :)


QUẢNG CÁO GIÙM CHO GÁI: Mời các bạn ở Sài Gòn đến tham dự nhé, trân trọng cám ơn!

Mời các bạn độc giả thân mến đến tham dự buổi giao lưu với dịch giả Dennis Quyen vào 9h sáng thứ 7 ngày 2/11/2013 tại Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bạn có thể đặt câu hỏi giao lưu với Den trước chương trình, 5 câu hỏi Den chọn trả lời đầu tiên, Den sẽ gửi tặng các bạn quyển sách mới toanh "Bình Yên Khi Ta Gặp Nhau" ở tại buổi giao lưu ^.^ (chữ ký, dấu tay dấu môi gì gì đó tùy hỷ nhé =))))) ) Nếu các bạn ở xa không đến được, Den sẽ gửi qua bưu điện, nên yên tâm là công bằng nha :">

Câu hỏi tham gia giao lưu, các bạn hãy gửi về địa chỉ email: quyen@nxbhcm.com.vn, tiêu đề là: CÂU HỎI THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU VỚI DENNIS Q. nhé . Nội dung email là: câu hỏi giao lưu bạn muốn chất vấn/tỏ tình/hăm dọa... rịch rả (tối đa 3 câu thôi nha, dành cơ hội khủng bố cho những người khác nữa :"> ); địa chỉ fb của bạn (nếu có). Chỉ đơn giản vậy thôi 


 THÔNG TIN MỚI :)
Cả nhà thân mến, sáng thứ 7 vào lúc 9h này đến dự buổi giao lưu, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM sẽ có các ưu đãi sau:

- Mua sách mới "Bình yên khi ta gặp nhau" với mức giá chiết khấu đặc biệt: 45% :"> được tặng kèm chữ ký rịch rả :"> Chỉ giới hạn bán trong buổi sáng giao lưu hôm đó thôi, là phần quà đặc biệt dành cho ai đi được nhen
- Tặng 5 quyển sách cho 5 bạn đặt câu hỏi giao lưu qua email được Den chọn.
- Tặng 5 quyển sách cho 5 bạn đặt câu hỏi giao lưu tại chỗ.
- 10 phần quà be bé xinh xinh Den sẽ tặng trong phần đố vui (chuẩn bị tinh thần Hỏi xoáy - đáp xoay nha)

Và giao lưu với 1 vị khách mời đặc biệt sẽ bật mí sau hehe

LINH TINH LANG TANG (59)- CHUỘT CHẾT



Câu chuyện bịa đặt về nồi hủ tíu nấu bằng chuột cống nói lên điều gì?

1. Có những loại báo mạng vô luân khi có phóng viên nhà báo viết bài bịa đặt, Có biên tập và tổng biên tập đăng những bài báo tin tức chưa được kiểm chứng, có khả năng gây hại cho bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người.

2. Và trong chúng ta đã có nhiều người tiếp tay cho loại báo chí vô luân đó, khi link về FB của mình, bàn tán, lên án... mà thực sự mình cũng chẳng biết nguồn tin GỐC từ đâu, như thế nào.

3. Báo mạng lá cải và nhiều mạng xã hội dựa vào nhau mà "sống" đấy. Sống và đạp chết bất cứ cái gì được tung ra, giống như dòng xe chạy ko dứt trên đường cán qua một xác chuột cống, rồi cứ mang những mảnh xác chết ấy theo suốt đường đi.


4. Nhưng rất nhiều tin tức tung ra không phải là chuột chết, mà ngược lại, chính những con chuột chết đang vứt những số phận con người ra giữa xa lộ thông tin.

Vụn vặt đời thường (14)

@ Bà bộ trưởng đâu rồi ạ, sao ko lên tiếng?!
Khi trẻ em chết vì tiêm vacxin bà cũng im lặng, thai phụ chết vì sự tắc trách của bác sĩ bà cũng im lặng, nay chị em chết vì bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ và còn bị ném xác phi tang, bà vẫn im lặng được ư??? 
Sự lên tiếng trước hết là do chức trách của bà, và sau nữa, bà còn là một PHỤ NỮ và là một người MẸ. Hay là không phải như vậy?!

@ Từ sáng tới giờ viết xong 3 phản biện luận văn thạc sĩ, biên tập xong 08 bài cho tạp chí số 5, và 1 cuộc họp trong phòng máy lạnh lạnh đến tê tái tim gan. 
Và bây giờ 12g đêm cũng mới nhớ ra rằng, từ sáng giờ 3 ly cà phê và chỉ có 1 miếng bánh ngọt nhỏ xíu 

@ Bạn hỏi: mình viết linh tinh lang tang vào lúc nào mà viết khỏe thế? Giả nhời: vào lúc họp :D
Vì vậy đang lo tới lúc về hưu không biết lấy thì giờ đâu để viết, huhu :)

@ Các bạn nhà báo trả lời giùm: vì sao lại dùng tên gọi "Sài Gòn" trong những trường hợp nơi này có tai nạn hoặc tệ nạn? :(

@ Có những việc khi thực hiện người ta tưởng rằng đang lùi 1 bước để tiến 2 bước. Nhưng sự thật là người ta đã "đằng sau quay" rồi mới tiến :D

Trưa này mềnh có cái hẹn với các gái xinh mà không ngoan lắm. Một đứa hỏi: bà B. ăn được lòng (lợn) ko? Mềnh giả nhời: được chứ, tim người nó còn xơi tái kia kìa :)

Khi mình bực bội vì phải nhìn thấy quá nhiều những "tình cờ bất ngờ" thì mình hay lẩm bẩm bài này. Thế là từ bực chuyển sang bi, rồi từ bi chuyển sang hài. Có khi từ hài chuyển sang... có một chút điên không nhẹ  [khuyến cáo: ai mất ngủ không nên tập đếm dư lày]
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=12812

Sách cũ (truyện 100 chữ)



Đi mua sách cũ hay gặp những cuốn sách có lời đề tặng của tác giả. Câu chữ thân thiết, trân trọng cho biết người được tặng là người yêu, bạn bè, anh em, đồng nghiệp, tác giả tặng độc gỉa... Có cuốn đã cũ nhưng cũng có cuốn còn mới nguyên.
Chợt nhớ câu "đàn bà như một cuốn sách...", và trong số họ không hiếm người có số phận như những cuốn sách tặng nằm ở hiệu sách cũ...




ÔSIN KHÔNG LƯƠNG (truyện 100 chữ p.2)



Bà mất đã lâu, ông đau ốm luôn. Các con về quê tìm một phụ nữ nhỡ thì cưới về “làm bạn cho bố cháu vui”. Họ hàng khen ông có phúc, con cái hiếu đễ. 
Lên thành phố, ai hỏi thì các con nói trả lời: đây là ôsin thuê về để chăm ông. Ông phiền lòng: chúng mày có trả bà ấy đồng nào không mà ăn nói thế?
“Ôsin” gạt nước mắt, thôi thì vì “chồng”…

(truyện 100 chữ)

Xích lô Sài Gòn


Xích lô không chỉ là một phương tiện giao thông đặc trưng của đô thị Sài Gòn mà còn là một nét đẹp của văn hoá giao thông ở đây, bởi những lý do sau.

Xích lô Sài Gòn đẹp: năm 1975 từ Hà Nội về nhìn thấy những chiếc xích lô đậu sát vỉa hè những con đường Sài Gòn, tôi đã ngạc nhiên vô cùng: So với phần lớn những chiếc xích lô cũ kỹ thấp lè tè, sàn và ghế chỉ bằng gỗ, miếng nệm nếu có cũng dúm dó cũ mèm ở Hà Nội thì xích lô Sài Gòn thiết kế cao, gọn, nệm mui luôn có sẵn, có khi làm bằng vải hoa vui mắt, nhẹ nhõm, phù hợp với thời tiết nắng gió của Sài Gòn. Xe được lau chùi bóng loáng, tra dầu mỡ thường xuyên nên đạp nhẹ mà chạy nhanh, không có tiếng kêu cót két nặng nhọc làm người ta ngần ngại khi ngồi trên xe mà họ có thể thoải mái ngắm nhìn phố phường.

Xích lô Sài Gòn là một loại dịch vụ đô thị: Do cấu tạo xe, ghế của người đạp xe khá cao nên người đạp có tư thế đàng hoàng hơn, không phải cúi thấp gò lưng nặng nhọc đạp xe, khách và chủ xe có thể nói chuyện thoải mái với nhau suốt cả cuốc xích lô. Phần lớn những người đạp xích lô Sài Gòn ăn nói nhã nhặn, mời chào khách nhưng không chèo kéo hay doạ nạt, khách đi thì cám ơn mà khách không đi cũng… cám ơn luôn. Vui vẻ, sòng phẳng, xích lô Sài Gòn cho thấy sự bình đẳng trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ - một đặc trưng của văn hoá đô thị.

Xích lô Sài Gòn cho biết về người Sài Gòn: dù người đạp xích lô là người nhập cư hay người Sài Gòn thì ứng xử và lối sống của họ cũng khá giống nhau: có thể thấy những bác xích lô khi rảnh rỗi chưa có khách thì mở tờ báo ra đọc, hoặc có người ngồi trên xe lịch sự kéo mũ che mặt ngủ một chút. Họ tự trọng và không mặc cảm vì “thân phận” đạp xích lô. Phần lớn khách đi xe cũng không có thái độ coi thường người đạp xích lô mà tôn trọng, vui vẻ, khi xuống xe cám ơn đàng hoàng. Nhiều người chuyên đạp xe ban đêm vì ban ngày họ mần công chuyện khác, vì vậy người đạp xe ban ngày nếu đến chiều đã kiếm đủ tiền cho vợ đi chợ ngày mai thì thường nghỉ, nhường cho đồng nghiệp làm đêm, có khi cho mượng cả xe vì có người không đủ tiền mua xe riêng.

Do yêu cầu về giao thông, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố nên từ nhiều năm nay, xích lô Sài Gòn hầu như không còn tồn tại, những nét văn hoá đẹp như trên cũng dần biến mất. Lưu giữ những chiếc xích lô phục vụ du khách cũng là phục hồi một nét đẹp của đô thị Sài Gòn.


Trách nhiệm



An Dương Vương nhận Trọng Thuỷ làm con rể, không ngờ Thuỷ đánh cắp nỏ thần. Mất vũ khí lợi hại nên thành Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương mang theo con gái chạy ra biển. Bị thần Kim Quy kết tội, Mỵ Châu chết do chính tay cha mình.
Mất nước là do phò mã phản bội, vua cha kém tài, sao ông rùa thần lại trút hết tội lỗi cho một nàng công chúa? Đàn ông thời xưa (đã) vô trách nhiệm thế a?!

(truyện 100 chữ)

Sự công bằng (truyện 100 chữ)


Vua Hùng thách cưới toàn sản vật núi rừng “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Trong cuộc chiến giành nàng Mỵ Nương, Sơn tinh không thắng mà Thuỷ Tinh cũng không thua, vì cơ hội trổ tài của hai người không công bằng. Sự thiên vị của Vua Hùng đã để lại hậu quả là một mối thù dai dẳng.

Thế mà “dư luận” thì luôn bênh vực Sơn tinh và lên án Thuỷ tinh. Xem ra việc “phò thịnh, hạ suy” cũng đã có từ xưa rồi nhỉ?!



Tự do

 Nghe ở quán nhậu: Cô giáo hỏi: Vì sao Nữ thần Tự do lại cầm cây đuốc mà không cầm thứ khác? Học sinh 1:.../ HS 2..../ đến HS 3: vì bà ấy là nữ thần tự do nên muốn cầm gì mà chả được!
Mềnh chợt "ngộ" ra: Nhiều người cũng hiểu Tự do là như thế: muốn làm gì nói gì mà chả được!




Vụn vặt đời thường (13) Một ngày của tôi :)

Sáng sớm* (viết note sến)

Ngày mưa

Cuối mùa mưa mà Sài Gòn vẫn còn những cơn mưa bão như giữa mùa hè.

Ngày mưa, nếu công việc rảnh rỗi một chút, tôi thường ra ngồi ở bộ bàn ghế kê ngòai hiên. Ngồi và làm một việc gì đó, nghe tiếng mưa rào rào trên mái ngói, nhìn những hạt mưa đan xéo nối nhau rơi xuống mà tưởng như ai đó làm đứt sợi dây chuyền kết bằng những hạt pha lê trong suốt. Ngồi đó nghe hơi mát lạnh thấm vào da thịt, thấy mình trong veo…

Ngày mưa. Nếu không bắt buộc phải đến cơ quan (hay là có thể trốn được công việc), tôi mang laptop đến một nơi nào đó, một ly cà phê ít sữa thật đậm thật nóng, và lang thang trên mạng. Ngó nghiêng nhà người quen người lạ, buôn dưa với bạn lạ bạn quen, có lúc cười một mình (chắc lúc đó nhìn hổng giống ai) có lúc lại bần thần… Thế giới phẳng có quá nhiều điều dù không mấy quan tâm nhưng vẫn làm mình suy nghĩ.

Ngày mưa. Những chuyến đi hiện về. Này là họp hành này là cà phê vỉa hè, này là lang thang phố cổ bảo tàng di tích… Có lần được gặp người bạn chỉ quen qua mạng nhưng như thân thiết tự khi nào. Di chuyển liên miên, tưởng mọi cái đã trượt ra ngòai ký ức vậy mà vẫn còn neo lại đó. Đủ sức nặng để làm chùng cả ngày mưa.

Ngày mưa. Nếu đang phải làm việc dù gấp đến mấy cũng bứt mình ra, một phút thôi, để đắm mình vào cảm giác thật lạ kỳ khi mưa, dù “nắng mưa là chuyện của trời” từ bao giờ, đâu có gì là lạ khi cuộc đời đã mấy chục năm qua…

Ngày mưa… Chợt nhận ra quanh mình thật trống trải dù có khi ngồi cùng những người bạn. Dường như lúc mưa trái tim mình cũng trú mưa dưới một mái hiên nào đó, quanh nó là những trái tim xa lạ. Cùng bâng quơ chuyện trời mưa nắng, rồi những trái tim kia cũng lần lượt nhập vào dòng xe chảy ngòai mưa. Chỉ còn một mình nó. Muốn lao ra dầm mình trong màn mưa nhưng rồi lại thôi. Có ai ngăn cản đâu, chỉ là tự nó thấy không còn muốn phiêu lưu nữa.

Bỗng dưng muốn nhái một lời ca của Trịnh : Ngòai phố trời mưa… đôi tay anh là bếp lửa nồng…
Sài Gòn bây giờ không dễ bắt đầu cho một ngày bình yên.
Ngày mưa yên bình chỉ là ký ức…


Trưa: kết quả của một việc 


Chiều: chiết ní vụn :)
Đọc lại lịch sử nước mình, hầu hết các cuộc cải cách đều không thành công. Vì khả năng thuyết phục của phe cải cách hạn chế hay vì phe cầm quyển không biết lắng nghe?!
Biết nói đã khó, biết thuyết phục khó hơn nhiều.
Biết nghe đã khó, biết "lắng nghe" còn khó hơn nhiều.


Tối: nhảm :) 
 @ Nghe ở quán nhậu: Cô giáo hỏi: Vì sao Nữ thần Tự do lại cầm cây đuốc mà không cầm thứ khác? Học sinh 1:.../ HS 2..../ đến HS 3: vì bà ấy là nữ thần tự do nên muốn cầm gì mà chả được!
Mềnh chợt "ngộ" ra: Nhiều người cũng hiểu Tự do là như thế: muốn làm/nói gì mà chả được, hehe :D


Linh tinh lang tang (57) – Chuyện cũ nhắc lại (hay là "Ôn cố nhi tri tân")


Gần 20 năm trước, hồi học Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện KHXH vùng Nam bộ (1994), khi làm tiểu luận về lịch sử cận đại VN, mình đã chọn và viết về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Đại ý như sau:

* Trong số những nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại, tôi đặc biệt yêu quý Phan Thanh Giản, dù trước đây tôi được học về ông như một "kẻ bán nước". Càng học Sử và tìm hiểu về văn hóa Nam bộ, tôi phải tự hỏi: vì sao Phan Thanh Giản lại được dân Nam bộ thờ cúng lâu dài và kính trọng đến thế? Không thể nói dân Nam bộ thờ “kẻ bán nước” vì họ là những người đã “đi trước về sau” trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Vậy thì câu trả lời phải đến từ góc nhìn khác chứ không chỉ dựa vào “chính sử”.

Qua tìm hiểu, và ít nhất như tôi được biết, đó là do Phan Thanh Giản là vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ (là một nhân tài); ông là vị quan thanh liêm đến cuối đời (là một hiền tài); và ông là người dám chịu trách nhiệm về hành động của mình: ông tự tử sau khi ký 2 hòa ước với Pháp. Đó là sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm cá nhân vì đã làm tổn hại cho đất nước, hành động đó thể hiện một Nhân cách.

Dân Thờ ông như tôn vinh một con người có tài, liêm khiết và có nhân cách. Dân thờ ông, còn là sự bày tỏ thái độ đối với vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn, khi ông mất rồi còn bị nhà vua còn kết tội, mà lẽ ra, với cương vị là người đứng đầu quốc gia, Vua phải là người chịu trách nhiệm trước hết và trên hết với sự an nguy của đất nước.

Đánh giá một nhân vật lịch sử nếu chỉ nhìn vào sự kiện lịch sử hay “con người chính trị” của họ thì sẽ không lý giải được, hoặc sẽ nhìn nhận sai lầm, cực đoan về những sự kiện và hiện tượng xã hội của/ quanh nhân vật ấy. Khi đó, bài học lịch sử để lại cho đời sau tiếp tục là những “bài học’ đầy thiên kiến, sai lạc.

Thái độ và sự đánh giá đối với người đã khuất – nhất là những nhân vật lịch sử - là sự đánh giá nhân cách người đó, là thái độ phản ứng hay đồng tình đối với người còn sống có liên quan mật thiết (hẹp là gia đình, rộng hơn là chính quyền), nhưng cũng là sự thể hiện nhân cách của những người bày tỏ thái độ, đánh giá, đặc biệt là những nhà sử học.*

Nhân chuyện Tướng Giáp vừa khuất núi, trong cuộc trò chuyện với hai người bạn thân về lịch sử, mình có nói “dân đã thờ ai thì không bao giờ lầm” (câu này có thể nhiều người đã nói và mình nghe được ở đâu đó). Và mình kể lại chuyện trên, nhắc/ nói lại câu này như như một bài học mình rút ra từ lịch sử, và cũng để răn mình: đừng tự cho mình quyền phán xét ai đó, nhất là phán xét tình cảm của nhân dân, dù nhân dân có khi chỉ là một cộng đồng nhỏ! Bởi vì chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi… chỉ có những giá trị nhân dân/ cộng đồng thực sự coi trọng là sẽ tồn tại mãi: nhân cách, lòng khoan dung và sự công bằng.


Nhắc lại chuyện cũ hoàn toàn không phải để so sánh hai nhân vật lịch sử này, vì họ khác nhau nhiều điều, quan trọng là khác nhau ở thời họ sống. Nhưng nhìn cách DÂN đối với họ sau khi họ mất lại thấy số phận của họ có điều gì đó tương đồng.

Mình chỉ dám “lấn sân” sang Lịch sử cận – hiện đại một lần như vậy thôi, từ đó trở về sau chỉ lo làm Khảo cổ

vụn vặt đời thường (12)

@ Trời mưa, ngoài nhiều phiền toái mà nó gây ra, còn thêm một điều tai hại: nó làm nhiều người trở nên *sến hoá*

@ Trong cơ quan, khi bạn phát biểu điều gì đó vì việc chung, nếu bạn vì chính điều đó bạn sẽ thuyết phục được nhiều người. Nhưng nếu bạn làm điều đó chỉ để thoả mãn nỗi ấm ức bất mãn cá nhân hay bênh vực phe, nhóm mình thì mọi người sẽ nhận ra ngay. Nhân danh công lý nhưng mọi lý lẽ chỉ nhằm cho “tư lý”, hình như không chỉ có trong phạm vi hẹp là một cơ quan.

@ Ở một số người luôn tự coi mình là đấu tranh cho lý tưởng tốt đẹp nhưng sự hẹp hòi, đố kỵ, lòng căm hận cá nhân luôn lớn hơn ý thức về sự công bằng và lòng chính trực.

@ Với một số người, câu nói xưa "nghĩa tử là nghĩa tận" hay câu nói nay "hãy ngả mũ khi kẻ thù của ta qua đời" có lẽ chỉ là chuyện viễn tưởng!
Nhớ câu nói của GS Hoàng Ngọc Hiến "cái nước mình nó thế"

@ Quá khư là cái không thể thay thế. Không tôn trọng quá khứ của người khác thì đừng trông mong họ tôn trọng quá khứ của mình.


@ Nhân dân thờ ai thì không bao giờ lầm.

@  Được dân "Thờ" khác với tệ nạn sùng bái. Hai nhân vật lịch sử được dân thờ (như nghĩa mình nói) là Trần Hưng Đạo và Phan Thanh Giản. Tất nhiên, để được dân Thờ phải qua thời gian, còn tất cả những gì ồn ào quanh sự ra đi của một người, hãy để thời gian trả lời!

@ Quanh sự ra đi của Tướng Giáp vào thời điểm - và bối cảnh xã hội hiện này, sự ồn ào ko chỉ vì cá nhân Tướng Giáp mà còn là sự bày tỏ thái độ đối với chính quyền. Có lẽ chỉ có những người lính già lặng lẽ khóc vị Tướng của họ mới có thể coi là tình cảm thật sự. Dân quý trọng, thờ ai đó ko chỉ vì tài năng mà còn vì đức độ, và đặc biệt là còn vì số phận của người đó.

LINH TINH LANG TANG (56) – Nhân mạng



Một ngày bạn bỗng nhận ra địa chỉ email của một người bạn không còn tồn tại
Một ngày bạn bỗng nhận ra nick chat của một người bạn biến mất khỏi danh sách bạn bè
Một ngày bạn bỗng nhận ra tên một người bạn không bao giờ xuất hiện trên tường FB của mình. Tìm FB bạn thì, ồ, mình đã bị bạn chặn từ bao giờ
Bạn bỗng phải tự hỏi, chuyện gì đã xảy ra?

Chắc bạn sẽ cố nhớ lại xem lần cuối hai người liên lạc với nhau là khi nào, như thế nào, và sau đó là gì…
Chắc bạn sẽ phải lục lọi từng cm trí nhớ như lần theo sợi chỉ mỏng manh để tìm ra đầu sợ chỉ là lần gần nhất mà hai người còn gặp nhau trên mạng
Thường thì ký ức cho bạn biết, chẳng có chuyện gì bất thường trong lần gặp nhau cuối cùng ấy, vẫn bình thường, thậm chí còn vui vẻ là khác
Bạn vẫn cứ tự hỏi, vì sao “tự nhiên” lại như thế? Bạn cố tìm ra lý do để giải thích nhưng rốt cục cũng không tin vào lý do mà mình nghĩ ra.
Bạn sẽ tặc lưỡi, ừ thì thôi vậy. Chắc bạn mình có chuyện gì đó “khó ở”. Chắc vài bữa nữa sẽ liên lạc lại, chắc… Mà nói cho cùng chỉ là một người bạn trên mạng thôi mà…

Thi thoảng, có trường hợp, ký ức loé lên một sự việc, một câu nói, một nguyên cớ nào đấy có thể giải thích cho sự “biến mất” của bạn mình. Bạn giật mình, ồ, chuyện không có gì, lẽ nào…
Có khi linh cảm cho bạn biết rõ nguyên nhân dù sự linh cảm ấy rất mong manh thì bạn vẫn đoan chắc rằng, nó là như thế
Có thể bạn sẽ băn khoăn, có khi ân hận, có khi bứt rứt… Nhưng làm thế nào liên lạc được để giải thích hay hỏi rõ mọi chuyện? Mà có cần không nhỉ?
Có khi rồi cũng tặc lưỡi cho qua… có thế mà cũng… ừ nếu vậy thì không đáng.. thôi, chả tiếc!
Thế là bạn quên dần chuyện đó, rồi quên hẳn, như chưa từng tồn tại những vui vẻ ấm áp giữa hai người, thậm chí, như chưa từng biết có một người như thế…

Không hiểu sao tôi bỗng nghĩ đến chuyện như thế khi nhớ về một người bạn vừa rời xa thế giới này. Cứ nghĩ đến việc sẽ không còn bao giờ có thể gặp nhau để mà trò chuyện, để mà giận dỗi, để mà làm lành để mà tha thứ… Bỗng thấy cuộc sống thật là phù du vì có đấy cũng là mất đấy… Sao khi còn có thể gặp nhau chúng ta không làm khác đi điều chúng ta đã làm, để rồi có lúc phải nghĩ đi nghĩ lại…?

Trong thế giới của NET càng dễ tìm đến nhau bao nhiêu càng dễ xa nhau bấy nhiêu. Đến nhanh thế nào thì rời bỏ cũng nhanh như thế. Mạng mà!

Con người trong những mối quan hệ trên mạng như thế gọi là nhân mạng.

(10.2013, chỉ vì nghĩ ra cái từ "nhân mạng" mà viết cái note này ;D )

MỘT NGƯỜI TRẺ ĐI SUỐT NGÀN NĂM



Tôi biết Trần Quang Đức qua Facebook từ vài năm trước, qua những bài viết khoa học ngắn gọn mà nhiều thông tin về lịch sử, về chữ Hán, Nôm… lĩnh vực khá gần với chuyên môn của tôi là khảo cổ học. Rồi vào một ngày tháng ba ấm áp, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, cuộc trò chuyện xoay quanh công trình Ngàn năm áo mũ lúc ấy còn chưa được xuất bản.
Trần Quang Đức mang đến cho tôi nhiều bất ngờ thú vị.

Quen nhìn gương mặt khá già dặn của anh trên facebook, tôi ngạc nhiên khi biết Trần Quang Đức còn rất trẻ. Anh sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2004 khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học quốc gia Hà Nội, anh đạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Nhận học bổng của Trung quốc, anh theo học tại Đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp năm 2009. Năm 2010 Đức về nước làm việc, bắt tay nghiên cứu và viết công trình Ngàn năm áo mũ, cùng đó anh còn dịch sách văn học mà tác phẩm gần đây được nhiều bạn đọc yêu thích là Trường An loạn (nguyên tác của Hàn Hàn – một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc cũng ở lứa tuổi 8x như Trần Quang Đức). Đến nay Ngàn năm áo mũ đã xuất bản và in đến 3500 bản, một con số đáng mơ ước của loại sách nghiên cứu khoa học. Như vậy là tốt nghiệp đại học chỉ mới 3 năm nhưng Trần Quang Đức đã có một số “vốn”tác phẩm khá đầy đặn, điều mà nhiều người nghiên cứu có thâm niên trong các Viện, Trường cũng chưa có được.

Lịch sử và những vấn đề văn hoá Việt Nam là niềm say mê của Trần Quang Đức mà anh mới chỉ “giải toả” phần nào trong công trình Ngàn năm áo mũ. Dường như ngàn năm quá khứ luôn sống trong anh từ nguồn sử liệu phong phú, đa dạng mà anh đã tích luỹ qua những năm đại học, thu nhặt trên những chặng đường điền dã từ Bắc vào Nam. Đọc sách của anh đã thú vị bởi văn phong mang hơi hướng cổ văn nhưng rất dễ hiểu, gãy gọn, thậm chí còn mượt mà nữa. Nhưng còn thú vị hơn khi nói chuyện cùng anh. Phong cách sôi nổi và hóm hỉnh, nụ cười tươi của anh đã làm cho những tài liệu ghi chép khô khan trở nên sinh động, anh phác dựng lại một sự kiện hay nhân vật lịch sử thì tất cả bỗng trở nên gần gũi như những con người những sự việc ta vẫn gặp hàng ngày. Nghe Trần Quang Đức kể về vua Trần Nhân Tông đối đáp với hoàng đế nhà Nguyên qua thư từ, cách hành xử rắn mềm của ông với sứ thần Nguyên và đám hàng binh bại trận Ô Mã Nhi… mới thấy cái gọi là “bản sắc truyền thống”được thể hiện ngay trong mỗi sự kiện lịch sử và từ những nhân vật lịch sử. Do đó, lịch sử là một phần quan trọng của văn hoá dân tộc, ngược lại, văn hoá với tất cả góc nhìn đa chiều cho phép ta nhìn về lịch sử một cách toàn diện hơn.

Có thể nhận thấy Trần Quang Đức có được một nền học vấn chuyên môn vững chắc, nhờ vậy anh dễ dàng link những tư liệu từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác để tìm ra mối liên hệ sâu xa giữa chúng, từ đó nhận biết bản chất của hiện tượng lịch sử thể hiện qua yếu tố trang phục, nhất là trang phục cung đình. Ngàn năm áo mũ của anh còn là ngàn năm bảo vệ độc lập quốc gia, đồng thời cũng là ngàn năm tự chủ về văn hoá bằng phương thức Đại đồng mà Tiểu dị về văn hoá trong “thế giới” Á Đông Hoa hoá mạnh mẽ. Hướng tiếp cận lịch sử từ lĩnh vực mới mẻ qua sự mô tả và diễn dịch của Trần Quang Đức trong Ngàn năm áo mũ không chỉ nói về lịch sử trang phục (chủ yếu là trang phục cung đình), mà còn khơi gợi nhiều hơn các vấn đề lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Trong buổi giao lưu với độc giả Ngàn năm áo mũ ở Cà phê thứ Bảy tại TP Hồ Chí Minh, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã tỏ ý mong muốn Trần Quang Đức sẽ tiếp tục con đường học vấn cao hơn, bởi vì những khả năng mà anh thể hiện, và vì anh còn rất trẻ! Với sức trẻ và sự say mê lịch sử văn hoá, Trần Quang Đức mang lại niềm hy vọng về thế hệ mới những người viết sử và những bộ sử được ghi chép một cách hiện đại, khoa học, trung thực nhưng đồng thời luôn hấp dẫn, giúp người đọc yêu thích hơn lịch sử nước nhà.

Có lần Đức nói với tôi: dịch sách văn học để “lấy ngắn nuôi dài” khi mà mức lương người mới vào làm việc nhà nước như Đức quá thấp; độc thân sống không đủ nữa là còn vợ, con. Nghiên cứu một công trình như Ngàn năm áo mũ mất 3 năm mà thù lao tính ra mỗi tháng cũng chưa bằng lương cơ bản. Nhưng vẫn cần làm và phải làm, bên cạnh những bài tạp chí, tham luận khoa học mang tính hàn lâm dành cho người nghiên cứu, nếu công trình được xuất bản thì cần viết sao cho nhiều người thích đọc. Làm sao phải bán được sách, không bán được sách thì ai sẽ xuất bản sách này? Sách khoa học mà không ai đọc thì mình nghiên cứu cho ai, để làm gì?

Ẩn sau nụ cười tươi và tính tình hồn hậu của Trần Quang Đức là một hướng đi đã được xác định rõ ràng: đưa khoa học đến với cộng đồng, bởi vì hiệu quả của nghiên cứu khoa học không chỉ ở kết quả đánh giá của giới nghiên cứu mà còn là của công chúng. Khi nhà khoa học góp phần nâng cao sự hiểu biết của xã hội cũng là lúc họ “hoàn lại” những gì họ đã nhận được từ xã hội.

Nguyễn Thị Hậu

(Người Đô thị số 2 ra ngày 25/9/2013)

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...