SÀI GÒN MÙA NẮNG ĐẸP

Mình và NAG Minh Hòa nhiều lần hẹn nhau đi chụp hình cảnh quan “cây xanh – di sản đô thị” mà chưa thực hiện. Bữa đó mình có việc “ra Sài Gòn” (khu vực quận 1) nên hai chị em tranh thủ chụp hình với cây xanh và nắng Sài Gòn.

Nhạc sĩ Phạm Duy có dịch một bài hát Pháp ra lời Việt có tựa “Những mùa nắng đẹp” – tất nhiên không phải nói về Sài Gòn. Nhưng đi trên những con đường Sài Gòn mùa này chợt nhận ra mùa nắng Sài Gòn rất đẹp! Khi đường vắng người ta có thể ngắm đường ngắm cây nhìn trời nhìn nắng trong một không gian rộng hơn và sâu hơn. Thành phố quen thuộc lung linh hơn trong nắng sớm...

Bạn nghĩ gì, nếu một ngày kia hàng cây này bỗng bị đốn chặt bị “di dời” như đã từng xảy ra trên đường Tôn Đức Thắng? Hy vọng điều đó không bao giờ lặp lại!

Cám ơn NAG Minh Hòa đã cho chị những tấm hình này, để thương hơn những hàng cây trăm tuổi, để mãi nhớ về một mùa nắng đẹp rất đặc biệt của Sài Gòn.

-------

P/S 1. khẩu trang tháo vội tháo vàng, chụp xong một cái đàng hoàng đeo vô :)

P/S 2. lúc ở đường Huyền Trân công chúa thì có mấy chị đi bộ thể dục ngang qua nói chuyện vang cả phố, một chị ngoái lại nhìn và buông giọng véo von “khiếp, già rồi mà...” mà sao thì không nghe được vì chị đi đã hơi xa :D

 






 

"TỰ BẠCH" CỦA MỘT NHÀ BÁO NGHIỆP DƯ

 Nguyễn Thị Hậu

1. Từ khoảng hơn 20 năm trước thỉnh thoảng tôi có bài tạp bút, tản văn được đăng báo, nhưng đó chưa phải là “báo chí”. Có lẽ bắt đầu vào năm 2012 khi tôi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí của Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh (một Tổng biên tập không có thẻ nhà báo cho đến khi về hưu), do công việc nên tôi được một số tờ báo đặt viết về việc bảo tồn, di sản văn hóa và một số vấn đề xã hội đô thị. Từ đó tôi có nhiều bài báo về việc di sản đô thị Sài Gòn đang bị hư hỏng, phá hủy và biến mất do quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa quá “nóng” ở TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian làm nhà báo nghiệp dư tuy ngắn ngủi nhưng tôi may mắn có nhiều bạn bè trong giới báo chí, trong đó có những nhà báo nổi tiếng, có tâm có tài. Những lần trò chuyện với họ đã giúp cho tôi nhìn ra cách tiếp cận một vấn đề xã hội từ góc nhìn báo chí để có thể viết bài cho phù hợp, nhưng lồng ghép trong đó kiến thức từ việc nghiên cứu khảo cổ, văn hóa.

Nhìn lại, từ công việc “tay trái” này tôi nhận ra vài điều hữu ích cho bản thân.

Điều thích nhất: viết báo là có nơi để bày tỏ chính kiến về vấn đề mình quan tâm, đồng thời chuyển tải những kiến thức chuyên môn đến với công chúng rộng rãi. Ngoài ra có nhuận bút để cà phê với bạn bè thì càng vui.

Điều sợ nhất: khi báo đặt bài “phản ứng nhanh” lại quy định số chữ, phải viết đúng hạn và trình bày ngắn gọn, đúng trọng tâm nội dung. Ngoài ra còn ngại làm phiền các anh chị biên tập, đều là bạn bè, nếu như bài phải sửa nhiều!

 Điều vui nhất: là được đăng thường xuyên, nếu có bài không đăng được thì không phải vì chất lượng của bài, mà vì lý do nào đó. Ngoài ra được các anh chị biên tập tôn trọng hỏi ý kiến nếu cần chỉnh sửa.

Điều buồn nhất: là khi những vấn đề mình viết hoài nói hoài mà rồi báo vẫn đặt viết tiếp, như đề tài bảo tồn di sản văn hóa. Ngoài ra là khi đặt bài nhưng lại không đăng, cũng không được giải thích, phản hồi (cũng may, hiếm khi như vậy).

Tôi thường đọc những tờ báo mà qua các bài báo của họ, tôi thấy được tiếng nói của người dân và tiếng nói ấy được – trước hết là báo chí – tôn trọng. Tôi ít đọc và không thích những tờ báo, nhà báo, phóng viên viết những bài báo mà qua đó người ta chỉ thấy “quyền lực thứ tư” được coi là quyền lực của người làm báo! Là người đọc tôi nghĩ báo in không mất đi mặc dù báo mạng phát triển. Vấn đề là báo in cần thay đổi, thay đổi bản thân tờ báo và cả điều kiện để báo chí hoạt động.

 

Kể ra dù làm báo nghiệp dư, làm Tổng biên tập không thẻ nhà báo nhưng tôi thường xuyên được mời dự họp giao ban báo chí của thành phố, lại còn được giải báo chí hẳn hoi. Với giải báo chí TP. Hồ Chí Minh thì tôi có duyên với báo Người Lao Động. Năm 2016 là giải A cho loạt bài “Sài Gòn tình nghĩa”, còn năm nay là giải Nhì cho tác phẩm "Xây bản sắc văn hóa đô thị TP.HCM" và giải Ba cho tác phẩm "Bay lên từ ngày đại thắng". Các tác phẩm này đều do một nhóm tác giả viết, và điều rất vui là tôi “mở hàng” cho loạt bài nào cũng đều được đánh giá tốt.

Ngoài ra tôi còn được Giải Ba báo chí nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (2010) trong loạt bài “Viết về người Hà Nội” của báo Thể Thao &Văn Hóa, sau đó là Giải “Bông Sen Bạc” cho phim “Trăng 14 Hội An” của TFS mà tôi viết lời bình cho phim (năm 2011).  Một người viết báo nghiệp dư như tôi được giải báo chí như vậy là quá vinh dự rồi!

Tuy nhiên, nhiều năm quan tâm đến Giải báo chí quốc gia, giải báo chí thành phố, trước đây vì công việc sau vì thói quen và có nhiều bạn bè làm báo… tôi luôn thấy thấy tiếc cho lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) vì hình như chưa bao giờ có bài nào được giải thưởng? Có lẽ vấn đề bảo tồn di sản văn hóa chưa phải là “nóng bỏng”, “thời sự, chính trị” hay cần thiết như “cơm áo gạo tiền”… Phải chăng vì thế mà các báo đài chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng nên ít tổ chức tuyến bài có “sức nặng” để gửi dự thi, dù khá nhiều bài có tác động lớn đến xã hội, nhiều nhà báo phóng viên luôn đồng hành cùng ý kiến các nhà chuyên môn và tiếng nói của cộng đồng.

“Đành lòng vậy cầm lòng vậy”, khi không được quan tâm đúng mức thì di sản văn hóa vật thể bị phá hủy, văn hóa phi vật thể bị biến dạng sẽ còn là “chuyện thường ngày” ở mọi nơi.

 

2. Vài năm gần đây cứ đến ngày Báo chí Việt Nam là thế nào cũng có những bài viết nói về vai trò trách nhiệm của nhà báo và báo chí, thế nào cũng có những khó khăn hiện nay mà báo chí phải đối mặt, thế nào cũng có một thực trạng “báo chí đang phải cạnh tranh với mạng xã hội”, “Báo chí đối đầu với mạng xã hội”... Năm nay chuyện này còn “nóng” sớm hơn với hiện tượng một nữ đại gia “lập kỷ lục” số lượng người xem “khủng” trên kênh youtube của mình chỉ sau vài buổi livestream.

Khi viết bài này tôi gõ từ khóa "báo chí và mạng xã hội" chỉ trong 0,46 giây ra đến hơn 104 triệu kết quả, mà phần lớn nói về sự cạnh tranh, đối đầu, thách thức, đánh bại... Nhưng có phải là mạng xã hội là đối thủ, và báo chí đang cạnh tranh với nó?

Báo chí ra đời và phát triển sớm hơn MXH rất lâu. Trong quá trình hình thành và phát triển, tính chuyên nghiệp trong tổ chức bộ máy và chất lượng sản phẩm báo chí ngày càng cao, rất nhiều người làm nghề báo tài năng và được đào tạo bài bản. Kỹ thuật và vật chất phục vụ việc “làm báo” tiến bộ trên nền tảng kỹ thuật. Chủ trương, tôn chỉ mục đích của một tờ báo được xác định rõ ràng, đối tượng độc giả cũng vậy, do đó nội dung của tờ báo đó mang nét độc đáo, sự canh tranh nếu có chính là ở việc bảo đảm cho tờ báo giữ được tính riêng biệt trong thị trường báo chí ngày càng đa dạng, phong phú.

Còn mạng xã hội mới ra đời khoảng hơn hai mươi năm trên nền tảng công nghệ internet. Bản chất MXH là các quan hệ và thông tin xã hội được thể hiện ở một “môi trường ảo”, tính chất “dư luận”, phiếm chỉ, tùy tiện... ở MXH phổ biến như (và ngày càng hơn) ngoài đời thực. Tính tương tác ngay và luôn kích thích nhu cầu thể hiện tính cá nhân cao hơn. Tuy nhiên trách nhiệm chỉ là của cá nhân, không đại diện cho một tập thể hay tầng lớp nào như tòa soạn báo chí đại diện và phản ánh cho một bộ phận độc giả.

Truyền thông nói chung có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay đài phát thanh hay MXH… Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, khách quan và đa chiều. Điều này báo chí có ưu thế vì tính chuyên nghiệp và sự “chính danh” - theo nghĩa đây là chức năng mà xã hội phân công cho nghề nghiệp ấy.

Xã hội càng phát triển, thông tin ngày càng nhiều và cần sự chia sẻ mạnh hơn. MXH đã tận dụng, sử dụng đặc điểm này để phát triển và lan tỏa. Do tính chất cá nhân “dư luận, truyền miệng” làm cho thông tin ở MXH “linh tinh lang tang” nhưng không hoàn toàn vô ích, trong mọi sự kiện xã hội người tham gia có thể tự do bày tỏ quan điểm, nhận xét, suy nghĩ, đánh giá... tính đa chiều là một lợi thế của MXH.

Hiện nay cả báo chí và MXH đều dựa trên nền tảng công nghệ internet và truyền thông đa phương tiện, cùng hướng đến mục đích quan trọng nhất là thông tin nhanh và thu hút sự tương tác của cộng đồng, bên cạnh những mục đích khác. Thực trạng của sự “cạnh tranh” – theo tôi – là khi báo chí biến thành MXH với tin tức “hầm bà lằng” từ nội dung đến hình thức (trình bày, ngôn ngữ, nhận xét, đánh giá...), nhưng thiếu sự đa chiều thể hiện tính khách quan, công bằngKhi báo chí không làm tròn vai trò của mình thì MXH sẽ thay thế vai trò đó. Trong một xã hội không minh bạch và bình đẳng về thông tin thì điều đó có lợi cho người đọc/xem.

Đây chỉ là vài suy nghĩ của tôi - một nhà báo nghiệp dư có thói quen xem báo (in, online, hình) vài chục năm và một người dùng MXH “chuyên nghiệp” gần hai mươi năm. Phân biệt báo chí và mạng xã hội là hai trường thông tin của hai phương thức truyền thông đã giúp tôi chọn lọc thông tin, có trách nhiệm hơn khi tham gia tiếp nhận và lan tỏa thông tin. 

Sài Gòn, nhân ngày 21.6.2021

https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/tu-bach-cua-mot-nha-bao-nghiep-du-c8a9246.html

 


CÁNH HOA DẦU CHONG CHÓNG CỦA NGÀY XƯA

Sài Gòn có nhiều con đường với một loài cây đặc trưng đã đi vào lời ca tiếng hát, như “Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, hay “con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về”, và “cánh hoa dầu xoay tít bay bay, nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày...”. Những thập niên cuối thế kỷ trước ai mà không biết những bài hát nổi tiếng này, bởi vì lời ca đã nhắc nhớ một nét đẹp rất riêng và rất lãng mạn của Sài Gòn...

Văn phòng tôi làm việc nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút. Đầu mùa mưa vòm lá xanh ngăn ngắt, thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi. Ngày nắng gắt mà gió vẫn lộng… mùa nắng Sài Gòn đấy: có cái nắng, có cái gió nhưng không có cái ngột ngạt hầm hập như chảo rang của ngày hè Hà Nội. Cả buổi sáng lu bu công việc trong phòng, đến trưa tôi mới bước chân ra hành lang. Sững sờ, một thềm hoa dầu nâu vàng hai cánh xoay xoay trong gió trước khi đậu im trên mặt đất, giữa thảm cỏ xanh, trên mặt hồ bên những cánh bèo nhỏ nhoi xinh xắn. Một làn gió đến, hàng trăm cánh hoa lại nhẹ nhàng điệu luân vũ giữa không trung…
Cây dầu là cây thân gỗ lớn, thân tròn, thẳng. Tán lá hình nón khá dầy, ưa sáng mạnh nên cây vươn cao đến 40 – 50m. Cụm hoa dài 12cm, hoa gần như không cuống. Ống đài 5 cánh nhưng có hai cánh to hơn các cánh khác nên thường thấy hoa chỉ có hai cánh. Trồng cây dầu hai bên đường vừa có không gian xanh và đẹp cho con đường vừa có giá trị kinh tế sau này. Cây dầu lại không cần nhiều công chăm sóc, cây ưa đất ẩm sâu và thoát nước nên những vỉa hè trồng cây dầu thương không lát kin gạch hay phủ hết bê tông mà để một thảm cỏ quanh gốc cây, lấy nước mưa nuôi cây.
Trên những con đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, công viên đường Lê Duẩn, Pasteur, Trương Định (đoạn qua công viên Tao Đàn), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn gần vòng xoay Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ), Bùi Thị Xuân, đường Trần Hưng Đạo, An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự... vào mùa này, đi dưới cái nắng gay gắt hay cơn mưa giông ta đều được che chở bởi hàng cây dầu cao vút, thân lớn mang đậm màu thời gian, thân quen với người Sài Gòn và thân thiện với những ai từng đến Sài Gòn. Những hàng cây được trồng từ khoảng trăm năm trước và đã trở thành một phần di sản của thành phố. Cùng với hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (mà nay đã không còn nữa!), đường Ngô Gia Tự có những hàng cây dầu thẳng tắp, tán lá giao nhau như chiếc dù lớn màu xanh có thể được coi là con đường tiêu biểu cho loại hình “di sản cây xanh đô thị”.
Cảnh quan con đường Ngô Gia Tự giống như một bức tranh phong cảnh cổ điển, thấp thoáng dưới hàng cây phía cuối đường là ngôi nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc - người dân thường gọi là "nhà thờ Ngã Sáu", xây từ năm 1922 mang phong cách kiến trúc Gothic, nằm giữa một công viên nhỏ nhìn ra giao lộ của nhiều con đường. Hình ảnh này gợi nhớ một Sài Gòn chưa xưa lắm đâu, khi mà thiên nhiên và công trình của con người còn hòa quyện vào nhau, cùng làm đẹp cho thành phố, và cùng trở thành ký ức nỗi nhớ của người Sài Gòn.
Đầu mùa mưa ở Sài Gòn là mùa hoa dầu. Thường vào buổi chiều giờ tan tầm người xe vội vã tất bật, nhưng chỉ cần một làn gió nhẹ lướt qua, tiếng lao xao của những cánh hoa dầu bung mình nhẹ nhàng bay trong gió... là dường như dòng người và xe đều đi chậm lại để tận hưởng khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động. Sống ở Sài Gòn bạn đã lần nào sống chậm để có thể nhận biết những khoảng lặng trong lòng mình và trong lòng thành phố? Nếu chưa thì dù chỉ một lần nhìn những cánh dầu bay bay, bạn sẽ được buông mình vào một cảm giác nhẹ nhàng thư thái, và chắc rằng bạn sẽ yêu Sài Gòn hơn, thật đấy!
Sài Gòn lại bước vào một mùa hoa bay bay. Không như những năm trước, năm nay trên đường phố vẫn những cánh hoa xoay xoay trong gió, vẫn những thảm hoa vàng nâu trên vỉa hè, gió cuốn vào hai bên vệ đường... nhưng thành phố đang trong những ngày dịch Covid bùng phát, vì vậy đường phố vắng vẻ hơn, giãn cách xã hội làm cho thành phố mất đi một phần sức sống sôi động vốn là đặc trưng của Sài Gòn. Trên những con đường “cây xanh di sản” thảm hoa dầu nâu vàng óng ánh đã vắng bóng nhiều tà áo dài dừng chân chụp hình, những cánh hoa bay liệng như cô đơn khi không có đôi mắt thiếu nữ mơ mộng nhìn theo... Nhưng hàng cây vẫn vươn cao trong nắng gió, hoa dầu vẫn vô tư trong điệu múa giữa không trung, để cho ai đó trên đường vẫn phải ngẩn ngơ và nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, sự trong lành mà những hàng cây xanh đang hiến tặng cho con người. Cây xanh luôn lặng thầm bên ta mỗi ngày mà do vất vả mưu sinh, vội vã “sống gấp” ta đã quên mất người bạn thủy chung từng chứng kiến mọi vui buồn của con người, mọi biến cố của thành phố.
Giờ đây Sài Gòn có thêm nhiều loài cây thân thuộc gần gũi khác, như cây bông giấy nhiều sắc tím hồng trắng đỏ bên hàng rào, hoàng anh vàng rực rỡ bên cổng nhà, những cây kèn hồng mang lại vẻ dịu dàng cho cả con đường, bò cạp vàng đung đưa từng chùm vàng tươi hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè... TP. Hồ Chí Minh không còn nhiều các loài cây cao tán rộng trên đường phố. Vài năm gần đây hàng cây xà cừ ở một số đường phố đã bị chặt đi để mở rộng đường hay làm các công trình hạ tầng. Nhiều cây khác bị mé nhánh tỉa cành trơ trụi, cây xanh thân gỗ lâu năm của thành phố giờ có lẽ chỉ còn nhiều cây dầu tạo bóng mát, đồng thời tạo nên tính chất và đặc trưng riêng cho thành phố. Mong sao những hàng dầu này được giữ gìn chăm sóc tốt hơn, để mãi là một loại cây “biểu tượng” cho cảnh quan đô thị, để những con đường “di sản cây xanh” mãi còn với người thành phố. Bởi vì nếu thiếu đi những tán lá xanh cao vút, thiếu đi những tia lá me như mưa rơi hay cánh hoa dầu bay bay... thì đô thị trở nên khô cứng xấu xí trong bê tông kính thép, cảm xúc con người sẽ ngày một khô cằn, nhạt nhẽo.
Mỗi ngày từ tầng cao văn phòng nhìn ra con đường có hai hàng cây quen thuộc, thấy ngoài kia những cánh hoa dầu vẫn cuống quýt bay theo những bông giấy tím đỏ chạy chơi trên vỉa hè. Nhớ một người bạn nơi xa vừa mail về “Sài Gòn ơi, thèm quá được một lần đi trên phố, đưa tay nhặt cánh hoa dầu trên mái tóc ai...”.
Mùa này nơi đó đâu có hoa dầu hai cánh, chong chóng của ngày xưa…
TC Du Lịch tháng 6/2021





KHI SÀI GÒN BỊ "TRỌNG THƯƠNG"

 Vừa qua hai tuần giãn cách căng thẳng vì bùng phát mấy ổ dịch lớn ở Gò Vấp, Hóc Môn, TP. HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần nữa vì hầu như tất cả các quận huyện đều đã phát hiện người nhiễm covid-19, thậm chí có nơi đã xuất hiện những nhóm người và chuỗi lây nhiễm lớn. Từ hai năm qua, trong cuộc chiến chống covid-19 của cả nước, chưa bao giờ Sài Gòn đứng trước nguy cơ “vỡ trận” như lần này.

            Những ngày này Sài Gòn rất vắng, nhưng không phải sự vắng lặng yên tĩnh của ngày lễ tết khi hàng chục ngàn người trở về quê nghỉ ngơi, mà là biểu hiện của một thành phố bị mất đi sức sống sôi động vốn có. Tình trạng “trọng thương” này có lẽ Sài Gòn chỉ bị vài lần trong lịch sử, gần nhất là thời kỳ “cải tạo” và đưa hàng loạt người thành phố đi “kinh tế mới” ngay sau năm hòa bình đầu tiên. Còn bây giờ, các công sở giảm số người làm trực tiếp chuyển qua làm việc online, nhiều công ty cho nhân viên làm việc ở nhà, những nhà máy lớn còn cho công nhận ở tập trung trong nhà máy, giảm đi lại để hạn chế nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm, phần lớn người dân tự giác ở nhà khi không có việc thật cần thiết phải ra đường... Tình trạng giãn cách đồng thời làm tăng sự khó khăn cho cuộc sống vì Sài Gòn là đất làm ăn, nhiều người sống ở Sài Gòn một ngày có việc là một ngày có ăn, một ngày ngưng làm là một ngày thiếu đói, dù chỉ là việc đơn giản nhưng không thể thiếu ở một đô thị lớn như mua bán ve chai, phụ hồ, bán hàng rong, các loại dịch vụ cá nhân...

Ở đâu cũng nhận thấy tình trạng này. Đầu hẻm nhà tôi là một siêu thị nhỏ, bên ngoài thường có mấy chị đi xe đạp chở theo hành tỏi, trái cây hay vài thứ đồ lặt vặt để bán cho mấy bà mấy cô đi siêu thị tiện mua luôn. Mọi bữa thấy các chị treo trên xe một hộp cơm hay hộp bún, mì xào để ăn trưa, nhưng cả tuần nay chỉ thấy một ổ bánh mì không hay hai ba củ khoai lang tím... Người đi siêu thị cũng vắng hơn, có mấy ai ghé mua hàng rong nữa... Bước chân ra đường thấy những quán cà phê, tiệm ăn trên các con đường cũng tạm nghỉ mà chưa biết lúc nào được bán lại. Ông bà già, trẻ em, người tàn tật bán vé số trơ trọi dưới nắng, chẳng còn ai ngồi quán xá mà vẫy tay mua giùm. Đằng sau những hàng quán đóng cửa, đằng sau những con đường vắng vẻ là bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người lao đao vì chưa dính bệnh đã phải chịu thiếu đói, mặc dù người Sài Gòn vẫn tự trào “đường hết kẹt xe thì ta lại kẹt tiền!”

Năm ngoái cũng trong tình hình dịch bệnh nhưng thành phố đã có nhiều cây “ATM gạo” cứu đói khẩn cấp cho những xóm nghèo, cho người cơ nhỡ. Người dân góp tiền góp gạo nấu những bữa cơm giúp bệnh viện, giúp khu vực nhiều người “đứt bữa” vì thiếu việc làm... Năm nay phong trào này không rầm rộ như năm ngoái, tuy vẫn có một số cá nhân và nhóm tình nguyện nấu cơm chia sẻ từng bữa cho bà con nghèo. Qua gần hai năm chống chỏi với tình trạng làm ăn vô cùng khó khăn, “sức người có hạn” huống chi một thành phố lớn với bao nhiêu lo toan và nghĩa vụ thì càng dễ bị tổn thương.

Thấu hiểu những khó khăn của Sài Gòn, nhiều người đã chia sẻ bằng cách này cách khác. Ca sĩ Hà Anh Tuấn với tâm sự “sống đúng như Sài Gòn đã dưỡng dạy” – đã góp gạo, trứng gà và dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM với mong muốn lan tỏa thông điệp “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh sống khó khăn. Bao nhiêu người bạn nơi xa, qua facebook đã gửi những lời động viên, tình yêu đến Sài Gòn và luôn cầu chúc Sài Gòn sớm bình an. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau” tình nghĩa đồng bào luôn là như vậy.

Nhưng, với trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước thì cần lắm một chính sách khẩn cấp và thiết thực ứng phó cho thành phố. Có thể coi đây là một trường hợp “thiên tai” để có thể trợ giúp ngay hàng chục ngàn người thiếu đói, cũng như cung cấp cho người làm việc tại các bệnh viện và nơi cách ly có được những bữa ăn đủ chất, bổ dưỡng, đồ dùng trang thiết bị cần thiết, ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho tuyến đầu chống dịch! Cần lắm, tiền hỗ trợ được phát ngay tận tay người dân, gạo hỗ trợ cần được đưa về từng gia đình, từng khu vực... Đừng để chỉ có “lá không lành đùm lá rách nát”, đừng để sau cơn “cảm cúm” nặng thành phố biến thành một cơ thể tàn tạ vì không đủ khả năng phục hồi!

Tôi vẫn luôn tin Sài Gòn của tôi, của chúng ta sẽ vượt qua cơn đại dịch, nhưng chúng ta sẽ vững vàng hơn khi được sự đồng hành của tình nghĩa đồng bào cả nước và trách nhiệm thiết thực của chính phủ.

 Sài Gòn 15.6.2021

Nguyễn Thị Hậu

 


Sài Gòn ơi chúng ta cùng vượt qua những ngày khó khăn này nhé!

 @ Tôi ko hiểu tại sao trong lúc chống dịch phải “mót” từng đồng của dân mà lại rộng tay chi thưởng ngay cho đội tuyển bóng đá? Đã có đồng nào chi thưởng cho các bác sỹ bệnh viện đang căng mình chống dịch chưa? Làm vậy mà coi được sao chính phủ???

@ Sài Gòn không hay than thở, cũng không hay kể lể. Chỉ buồn là lúc SG nộp ngân sách nhiều nhất nước thì nói "do có nhiều người các tỉnh ở SG đóng góp nữa", nhưng khi SG trọng thương thì các tỉnh quên mất có người dân của tỉnh mình ở đó.
Sài Gòn sẽ thương nhau mà dìu nhau qua đại dịch và trở lại. Sài Gòn sẽ tự cứu nhau vì cái nghĩa của chốn sinh mình ra hay cái ơn của nơi cưu mang người tứ xứ về đây lập nghiệp. Ai, dù ở đâu, hễ còn giữ nghĩa đồng bào đều quý. Chớ tâm thế lúc ngon lành cũng Sài Gòn chi trả, khi nguy nan quen chờ Sài Gòn lo lắng, rồi đến lúc Sài Gòn xác xơ thì im lặng. Kỳ cục lắm!
Chơi dzậy ai chơi?




Tỉ lệ % ngân sách địa phương giữ lại năm 2019 của 63 tỉnh/thành

Biểu đồ này được lập dựa trên số liệu tại Phụ lục 06 được ban hành kèm theo Nghị quyết 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 do Quốc hội ban hành.


MÙA VẢI (tạp bút)

Vài năm nay khoảng thời gian này lại rộ lên tin tức về thu hoạch, xuất khẩu vải thiều trồng ở Bắc Giang. Trên truyền hình, báo chí nhiều hình ảnh những trang trại vải chín đỏ rực, chùm quả sai trĩu cành, những chuyến xe tải chở hàng chục sọt vải tươi di khắp mọi miền, xe đông lạnh chở hàng tấn vải tươi lên biên giới...

Có năm tôi đã về Bắc Giang vào mùa này. Đúng là trên trời dưới vải. Chợ lớn chợ nhỏ tràn ngập vải, xe đạp chở 1 sọt thì xe máy cũng 2, 3 sọt lớn, rồi xe tải nhỏ xe tải lớn... từ trong các nhà vườn, trang trại nối đuôi nhau chạy ra quốc lộ. Như tôi cảm nhận thì vải Bắc Giang trái lớn hơn vải Thanh Hà (Hải Dương – quê hương của giống vải thiều nổi tiếng), màu đỏ sẫm hơn. Cùi dày nước nhiều và vị ngọt không được thanh như vải Thanh Hà, thậm chí còn có vị “hậu” hơi chua.

Xin nhắc lại, đây chỉ là cảm nhận của tôi thôi nhé. Cảm nhận chắc chắn chủ quan, càng chủ quan hơn khi cảm giác “ngon” của trái vải Thanh Hà ngày xưa vẫn còn mãi trong ký ức.

 Vào đầu mùa hè, “khi con tu hú gọi bầy” thì Hà Nội cũng xuất hiện những chùm vải trên các gánh hàng rong hay hàng hoa quả ở đầu các chợ. Nhưng muốn ăn vải thiều thì phải chờ độ một tuần mươi ngày nữa. Chùm trái vải lúc này đã bắt đầu chuyển sang màu hồng đỏ, phía dưới trái vải vẫn còn sắc xanh vàng. Trái không lớn lắm nhưng đều nhau, gai nở đều, luôn được buộc với chùm lá còn xanh mướt. Người bán hay bóc vỏ 1, 2 trái để trên làm mẫu: Trái vải cùi dày bao lấy hạt xinh xinh màu nâu, mọng nước nhưng khi bóc không bị tứa nước ra. Chỉ cần nhìn thấy là... chảy nước miếng, muốn mua ngay để có thể cắn ngập răng vào lớp cùi trắng mềm ngọt kia.

Thật ra ngày ấy ít khi tôi được ăn vải. Mà không chỉ vải, những trái cây theo mùa như nhãn, na, hồng, mận hậu... tôi cũng ít được ăn. Nó là “đặc sản” vì chỉ trồng ở vài vùng, có tiếng là ngon cũng chỉ một, hai nơi. Đưa về Hà Nội không bao nhiêu vì đường xá chuyên chở khó khăn, rồi đồng lương công chức của ba má tôi tôi eo hẹp... nên hiếm khi được thưởng thức. Vì vậy, mỗi lần ăn là một lần nhớ, nhớ cảm giác vui mừng khi thấy má đi làm về trên giỏ xe có chùm trái cây, nhớ cảm giác hồi hộp chờ được má cho ăn, nhớ vị ngon quen mà lạ của vải thiều Thanh Hà của nhãn lồng Hưng Yên, nhớ cảm giác thòm thèm khi má cất chùm trái cây vào “gác – măng - giê” để dành ngày mai... Có lần quên gài tủ nên chuột vào ăn nham nhở cả chùm vải. Hôm sau má rưng rưng: biết vậy hôm qua để con ăn cho đã, hà tiện chi để chuột ăn hết... Lúc ấy tôi hết cả cảm giác thèm thuồng, chỉ thấy thương má quá...

Nhưng cái duyên của tôi với trái vải không chỉ là cảm giác nhớ và thèm, mà còn có cả cảm giác “ngán” nữa. Lạ chưa, không có mà ăn mà lại bày đặt “ngán” là sao? Để tôi kể tiếp cho nghe.

Có một dạo nhà tôi ở ngõ Mai Hương đường Bạch Mai, từ đấy qua Chợ Mơ đi xuống đường Trương Định có một nhà máy chế biến hoa quả. Mùa hè, khi trái cây chín rộ thì nhà máy tuyển thêm nhân công làm thời vụ. Học sinh khoảng 14, 15 tuổi hay đến làm thêm. Tôi và nhiều bạn trong khu tập thể cũng vậy. Chúng tôi cũng được phân theo ca kíp sáng, chiều và đêm, đi làm như công nhân thực sự, được ăn bồi dưỡng giữa ca và tất nhiên, cuối tháng lĩnh lương đàng hoàng. Lâu lắm rồi tôi chẳng nhớ là bao nhiêu, nhưng sau hai tháng hè thì với món tiền đó tôi có thể mua đủ sách vở cho năm học mới và đóng các khoản tiền linh tinh ở trường vào đầu năm học.

Mấy năm liền tôi đi làm vào mùa vải và dứa (khóm). Vào ca làm vải thì bóc vỏ tách hột. Bóc vải không được làm dập hay sây sát trái vải, sau đó dùng một dụng cụ chuyên lấy hột từ đầu trái vải, sao cho trái vải không bị rách và đầu trái không bị tưa ra, rồi nhẹ nhàng để vào thau nhôm. Khi thau gần đầy thì cô công nhân đến lấy mang qua nơi kiểm tra, trái nào không đạt thì bỏ ra... Cuối ca ai làm bị lỗi nhiều hoặc làm được ít sẽ bị nhắc nhở và tất nhiên, cuối tháng bị trừ lương. Sản phẩm cuối cùng là trái vải được đóng hộp với nước đường.

Những công nhân nghiệp dư ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn dài, tay cầm dao, rồi lại cầm cái ống lấy hột, xung quanh là mùi vải ngây ngất. Một hai ngày đầu còn lén ăn những trái xanh hay làm bị hỏng, nhưng ngày thứ ba thứ tư thì không còn thấy thèm nữa vì khắp nơi là mùi vải, ngày tiếp theo thì bắt đầu ngán... ngán đến không ăn được cơm hay mì bồi dưỡng giữa ca.

Còn làm dứa thì sao? Dứa có máy gọt vỏ nên chúng tôi ngồi cắt mắt cho sạch, cũng không được làm dập hay cắt quá sâu, sau đó dứa được mang qua máy đục cùi, máy cắt thành khoanh hoặc từng miếng... Sản phẩm cũng là dứa đóng hộp với nước đường. Làm dứa còn ngán hơn vì có ăn cũng chỉ vài miếng là rát lưỡi, nhưng cắt mắt dứa dù đeo bao tay bằng cao su thì cuối ca vẫn bị chảy máu ở kẽ móng tay vì bị chất chua (axit) trong trái dứa ngấm vào.

Chỉ có thế thôi mà năm nào vào mùa này tôi cũng nhớ về kỷ niệm nho nhỏ này. Bây giờ thì trái cây nào cũng được trồng ở nhiều nơi, vị ngon hay không thì tùy sở thích mỗi người. Tính chất “đặc sản” hiếm hoi cũng mất vì thông thương dễ dàng giữa các vùng miền. Tuy nhiên tôi thấy sản phẩm về vải và dứa hình như không khác trước, có thêm vải sấy khô nữa thôi. Mỗi năm vẫn thấy trái cây được mùa rớt giá, rồi dội chợ, thậm chí có lúc phải “giải cứu” nữa, vì thế tôi không biết nhà máy chế biến hoa quả - hay là chế biến nông sản nói chung – có được xây dựng nhiều hơn không, có được xây dựng ở những vùng chuyên canh vải, dứa hay những loại trái cây khác hay không?

Nhiều năm tham gia xây dựng Quy hoạch kinh tế - xã hội cho các tỉnh, tôi thấy tỉnh nào cũng định hướng Công nghiệp hóa là xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút đầu tư nhưng phần lớn nhà máy là làm gia công cho nước ngoài. Hầu như không có nhà máy chế biến nông sản hay sản xuất sản phẩm từ nông sản, dù địa phương có thế mạnh về loại đó. Trái cây nông sản vẫn bán buôn thậm chí xuất khẩu “thô sơ” như bao nhiêu năm trước,! Nếu cứ vậy làm sao tránh được rủi ro như lúc này, hay chỉ cần bên mua ép giá hay ra một điều kiện mới nào đấy (như đã từng xảy ra) là trái cây sẽ ứ đọng ở cửa khẩu... Công sức tiền bạc cả năm có khi chỉ vài ngày trái cây nằm trên xe là mất hết.

Là một đất nước nông nghiệp, Công nghiệp hóa đầu tiên phải là CNH nền nông nghiệp để làm thay đổi một “hằng số” của xã hội Việt Nam là Nông nghiệp – nông dân – nông thôn (như thầy tôi, GS Trần Quốc Vượng đã nói). Sự thay đổi tận gốc này chính là một con đường để phát triển bền vững.

 (1.5 âm lịch, sắp đến ngày Tết sâu bọ - ngày bé vẫn nghe gọi thế :)

https://phunumoi.net.vn/mua-vai-d232108.html



Thù lâu nhớ dai làm hại chính mình


Trong máy tính của tôi từ lâu rồi luôn lưu một file có tên là “linh tinh lang tang”. Đó là nơi tôi ghi lại nhận xét, cảm nghĩ về những sự kiện hay con người quanh mình. Phần lớn là chuyện ngoài xã hội ít liên quan trực tiếp đến bản thân và công việc nhưng lại làm cho tôi phải suy nghĩ về chính mình, về môi trường xã hội mà mình đang sống.

Trong tất cả những “vụn vặt đời thường” mà tôi ghi chép thì nhiều nhất là chuyện người tốt luôn phải đơn độc chống lại sự sai trái, tìm lại công bằng cho mình. Không phải là việc “đi tìm công lý” hay chống tham nhũng tiêu cực lớn lao của xã hội mà đó chỉ là chuyện nho nhỏ của bản thân họ, những câu chuyện mà chỉ cần có thiện ý chút thôi là có thể giải quyết thỏa đáng, êm đẹp.

Vài năm trước có sự việc ở một trường học, xe hơi của bà hiệu trưởng chạy trong sân trường đâm vào một học sinh và làm cháu bị gãy chân. Sự việc tưởng như “rõ mười mươi”, nhưng không, người cha cháu bé đã kể lại hành trình vô cùng khó khăn khi đi tìm sự thật câu chuyện tai nạn của con trai mình. Khó khăn thứ nhất là việc anh đi tìm để gặp cho được hai bà hiệu trưởng, hiệu phó đã âm mưu che dấu chuyện này. Khó nhì là thuyết phục các thầy cô giáo nói ra sự thật. Khó ba là làm sao cho những phụ huynh khác hiểu và ủng hộ mình vì phụ huynh rất ngại va chạm với nhà trường do “sợ ảnh hưởng đến con mình”. Và theo anh, khó nhất là làm sao để con mình tin là người lớn sẽ nhận lỗi khi họ phạm lỗi!   

Tôi rất cảm phục người cha này vì anh kiên trì đi tìm sự thật cho con trẻ để con tin rằng: không phải lỗi của con, dù tai nạn không ai muốn nhưng người gây ra thì cần biết nhận lỗi – nhất là người lớn, là thầy cô giáo! Mục đích việc anh làm là đi tìm sự thật chứ không phải đổ lỗi ai đúng ai sai, không phải tìm cách để trả thù hay bêu riếu. Do đó thái độ của anh luôn bình tĩnh, không xúc phạm người gây tai nạn cho con mình, khách quan tiếp nhận những thông tin “trái chiều” và luôn khiêm nhường trình bày lý lẽ đúng đắn của mình.

Cũng may, sự thật cũng được sáng tỏ nhưng đôi bên đều mệt mỏi và tổn thương. Tôi chắc nhiều thầy cô giáo và phụ huynh đồng cảm với người cha này, nhưng liệu mọi người có cảm thấy áy náy hối hận chút nào không, khi đã để mặc cho anh một mình đi tìm sự thật, thậm chí còn tham gia cản trở anh? Với người cha người mẹ như thế - tôi tin vợ anh cũng ủng hộ thì anh mới có thể làm được điều đó - cháu bé lớn lên hẳn sẽ là một người chính trực!

***

Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều câu chuyện như trên, nhưng hầu như ít khi nào kết thúc êm đẹp. Bởi vì luôn thiếu vắng một lời xin lỗi được nói ra đúng lúc với thái độ chân thành, thiếu vắng một sự độ lượng chia sẻ chuyện rủi ro, mà thường nghe thấy lời chối tội hay quy kết, đe dọa nặng nề, thậm chí nạn nhân bỗng trở thành người có tội. Thế là chuyện từ “bé xé ra to” chỉ vì sự thật bị giấu nhẹm, bị tráo đổi đúng sai.

Ở những việc lớn hơn, khi có bất đồng thì người trong cuộc thường không quan tâm đến việc đi tìm bản chất sự việc mà chỉ mải mê tranh luận, trấn áp nhau để chứng minh “tôi đúng anh sai”. Việc tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm cho người khác khá phổ biến, nhất là khi một bên có thế có lực và một bên chỉ là phận “con sâu cái kiến”. Có những người biết rõ sự thật nhưng im lặng, họ chỉ lên tiếng ủng hộ điều tốt một cách “có điều kiện” khi họ không bị bất lợi, thiệt thòi. Tệ hơn, để kiếm lợi có người còn tìm cách ngụy biện và bênh vực sự giả dối. Không ít người có thói “mackeno” khi đối xử với người yếu thế nhưng lại “a dua người quyền quý. Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức ... bất cứ việc gì người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương” – một thói xấu của người Việt mà Huỳnh Thúc Kháng đã lên tiếng cảnh tỉnh từ năm 1929! Thói tật này làm thui chột lòng trắc ẩn và dung dưỡng sự bất công, sâu xa hơn là nuôi dưỡng sự phản kháng tiềm ẩn của những “Chí Phèo hiện đại”.

***

Đối với bạn bè nước ngoài người Việt luôn hiếu khách và nhún nhường, thậm chí có trường hợp cần quyết liệt thì vẫn nhẫn nhịn tự nhủ “tránh voi không xấu mặt nào”. Nhưng dường như chúng ta rất cực đoan trong cách ứng xử giữa “người trong một nước”: có mâu thuẫn bất đồng lập tức vung gạch đá gậy gộc sống mái một trận, tuôn ra những lời “ác khẩu” như với kẻ thù địch, sau đó “ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”.

Không khó để nhận thấy nguyên nhân của những sự việc trên bắt nguồn từ sự thiếu vắng đức tính “khiêm nhường” trong những mối quan hệ xã hội ngày nay. Chuyện nhỏ từ sự háo thắng nên không muốn nhận lỗi, chuyện lớn từ sự kiêu ngạo của người quyền thế cho rằng không thể “thua cơ” người khác. Háo thắng, kiêu ngạo đến bất chấp phải trái đều do không có đức “khiêm” để biết người biết ta mà cư xử cho phải phép, cho đúng vị thế của người cần phải xin lỗi hay người được xin lỗi. Khiêm nhu chứ không phải kiểu giả vờ “khiêm tốn bằng bốn tự kiêu” như dân gian vẫn nói.

Thôi thì, để giáo dục chữ “khiêm” cho thế hệ sau còn là một đoạn đường dài. Còn bây giờ, nếu mỗi người bớt đi sự chấp vặt, suy diễn vô căn cứ, nhìn sự việc đơn giản và thực chất, thẳng thắn và trung thực với nhau hơn... sẽ bớt được bao phiền toái và có hại cho mỗi người, cho xã hội. Bởi vì năng lượng tiêu cực “thù lâu nhớ dai” đã, đang và sẽ làm triệt tiêu năng lượng tích cực giúp cho “người với người sống để yêu nhau”. 

Hậu Nguyễn

 

 


 

 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...