XẾP HẠNG DI SẢN VĂN HÓA: ĐỦ LUẬT, THIẾU NIỀM TIN!


Nguyễn Thị Hậu

Hiện nay, từ đô thị đến nông thôn đã xảy ra tình trạng nhiều công trình kiến trúc có giá trị di sản văn hóa - thuộc sở hữu tư nhận hoặc sở hữu của một tổ chức - bị xuống cấp hư hỏng nặng nề, do nhu cầu cuộc sống mà chủ sở hữu đã sửa chữa, cơi nới làm mất đi nhiều giá trị lịch sử - kiến trúc, hoặc phổ biến hơn là phá đi để xây công trình mới... Bên cạnh đó việc chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến các công trình có giá trị di sản của tư nhân (nhà cổ, biệt thự) và cộng đồng như “làng cổ Đường Lâm”, các công trình công giáo như nhà thờ, tu viện...  cũng làm cho vốn di sản của quốc gia đã bị mai một rất nhiều!
Còn nhớ vài năm trước đây ngôi biệt thự cổ ở đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh (TPHCM) bị phá dỡ, khi báo chí và các nhà nghiên cứu lên tiếng thì chính quyền “vào cuộc” nên chủ nhà phải tạm dừng việc tháo dỡ. Nhưng rồi sau đó không có giải pháp cụ thể để đưa công trình vào diện bảo tồn, trùng tu... Vì vậy chỉ vài tháng sau công trình đã bị tháo dỡ hoàn toàn, nhằm đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu xây công trình mới của chủ sở hữu mới.
Hay nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh) - đã tồn tại một thời gian dài như một phế tích tuyệt đẹp bởi kiến trúc và dấu ấn thời gian – đã bị phá đi để xây dựng nhà thờ mới. Gần đây sự việc nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) có tuổi đời hơn 130 năm được quyết định “hạ giải, đại trùng tu” một lần nữa lại đặt ra vấn đề: ứng xứ thế nào với các công trình có giá trị di sản văn hóa nhưng chưa được xếp hạng và thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc sở hữu tư nhân.
Luật Di sản văn hóa VN (2001) quy định tại điều 1: di sản văn hóa là “sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Có nghĩa là Di sản văn hóa không chỉ là những gì đã được công nhận hay xếp hạng di tích.
Như vậy, những công trình qua thời gian đã tích tụ trong nó giá trị nhiều mặt (lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật...) trở thành di sản là một sự thật khách quan. Nếu cộng đồng nhận thức, bảo vệ và duy trì những giá trị ấy  thì công trình trở thành “tài sản văn hóa” của cộng đồng và đóng góp vào kho tàng di sản quốc gia và nhân loại. Nhưng nếu do không nhận thức được, hoặc mặc dù hiểu biết mà cố tình phá hủy một công trình có giá trị nhưng “chưa được xếp hạng” thì thực chất việc đó là hủy hoại di sản văn hóa.
Để hạn chế tình trạng này cũng là nhằm mục đích bảo vệ kịp thời những di sản văn hóa chưa được xếp hạng, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và bổ sung năm 2009 đã quy định ở khoản 14 điều 4: “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”. Do đó những công trình đã được kiểm kê tức là bước đầu được công nhận giá trị và cần được ứng xử đúng với tính chất là di sản văn hóa, từ đó sẽ xếp hạng theo quy định của Luật DSVH.
Tuy nhiên trong thực tế khi giải quyết các vấn đề phát sinh (như chuyển đổi sở hữu, xin phép sửa chữa hay xây mới...) thì công trình có giá trị di sản mà chưa được “xếp hạng” lại liên quan và chịu sự điều chỉnh của luật lệ, quy định khác (Luật đất đai, Luật xây dựng...) và không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Chủ sở hữu những công trình này hầu như không muốn được “xếp hạng” vì tâm lý lo ngại: 1/nhà nước sẽ “quản lý” thậm chí “sở hữu” công trình, đất đai của mình, không thể chuyển đổi sở hữu; 2/thủ tục sửa chữa xây dựng khó khăn, phải
chịu sự “can thiệp” của chính quyền; 3/sử dụng công trình di sản phải theo Luật, không thể tùy tiện...
Đây chính chỗ phản ánh mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và cuộc sống của người dân, là chỗ ách tắc mà cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt khi giải quyết thực tiễn. Luật Di sản văn hóa (2001) quy định ở điều 9 khoản 2: Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Như vậy, quyền sở hữu hợp pháp về công trình di sản của chủ sở hữu được luật pháp thừa nhận và bảo vệ.
Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, quy định tại Điều 13 về Lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích: Hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích bao gồm: a) Đơn đề nghị xếp hạng của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích; và một số tài liệu khác. Việc này có ý nghĩa: 1/Chính quyền thừa nhận và tôn trọng quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với công trình; 2/ Bản thân tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích nhận thức được ý nghĩa và giá trị di sản của công trình; 3/Đồng thuận và hợp tác với cơ quan chức năng làm hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích; 4/Thể hiện trách nhiệm bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau di sản mà mình đang sở hữu, quản lý.
Tất cả những điều khoản trên của Luật Di sản văn hóa dựa trên nền tảng xã hội đã có nhận thức và ý thức trách nhiệm về di sản văn hóa. Đồng thời có sự liên kết và đồng bộ giữa các cơ quan thực thi các bộ luật liên quan đến di sản văn hóa. Tuy nhiên thực tế thì ngay các công trình thuộc sở hữu nhà nước hay do cơ quan nhà nước quản lý và sử dụng, khi làm hồ sơ xếp hạng di tích cũng còn khó khăn, vì vậy việc thuyết phục cá nhân hay tổ chức sở hữu, quản lý công trình có giá trị di sản đồng thuận để xếp hạng di tích không hề dễ dàng nếu chỉ căn cứ theo luật định.
Ngoài những trở ngại về tâm lý (do hoàn cảnh lịch sử để lại và thực tế đã xảy ra) và nhận thức (do chưa được tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cộng đồng), một vấn đề luôn được đặt ra là nếu đồng ý xếp hạng di tích, tức là đóng góp thêm cho nhà nước “di sản văn hóa” thì ngược lại, cá nhân hay tổ chức sở hữu di sản sẽ thụ hưởng gì về vật chất và tinh thần từ “tài sản của mình”, nhất là những bất động sản có trị giá kinh tế cao? Việc sử dụng di tích sau khi xếp hạng có đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân hay của cộng đồng không? Và nếu công trình hư hỏng, xuống cấp thì kinh phí đâu để sửa chữa, trùng tu và bảo tồn lâu dài?
Khi chưa được giải đáp rõ ràng những vấn đề này thì việc xếp hạng di tích, bảo tồn di sản sẽ còn xảy ra nhiều trường hợp như những ví dụ trên. Không chỉ kêu gọi tinh thần, ý thức “bảo tồn di sản” chung chung mà cần có chính sách, luật định cho việc bảo tồn di sản thực sự trở thành “ích nước lợi nhà”, như kinh nghiệm và bài học ở nhiều quốc gia đã có.

Báo NGƯỜI ĐÔ THỊ ngày 23/5/2019
Hình: tui chụp 2013 - Nhà thờ Lớn HN được chưa xếp hạng di sản văn hóa!








Suy nghĩ vụn về những ngôi nhà thờ đã/sắp bị phá



1.     Di sản văn hóa không phụ thuộc vào tấm bằng công nhận của bất cứ ai: nhà nước hay quốc tế. Bởi vì những giá trị của nó là khách quan, nếu không nhận thức được những giá trị ấy là do lỗi của con người chứ bản thân công trình ấy ko có lỗi khi “chưa được công nhận di sản”. Di sản là di sản, không phụ thuộc vào việc nó đang tồn tại trong một quốc gia có chính thể nào!

2.     Như nhiều người đã khẳng định, việc của nhà thờ là quyền là của Cha (và giáo dân). Vì vậy, phá hủy một nhà thờ có giá trị di sản văn hóa thì trách nhiệm đầu tiên là của người ra quyết định. Trách nhiệm trước dư luận xã hội và đặc biệt là trách nhiệm với thế hệ sau của cộng đồng giáo dân địa phương và cộng đồng công giáo VN.

3.     Nhưng, di sản văn hóa, về “sở hữu vật chất” dù thuộc về ai thì giá trị tinh thần của nó cũng thuộc về cộng đồng chung, là tài sản quốc gia. Do đó, khi di sản bị hủy hoại thì trách nhiệm lớn hơn thuộc về cơ quan có trách nhiệm về di sản văn hóa là Bộ VHTT. Việc chậm trễ quan tâm đến di sản công giáo nói chung và không có quan điểm rõ ràng trong việc bảo vệ nhà thờ Bùi Chu trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” đã thể hiện sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý về DSVH: “được tiếng” tôn trọng quyền của nhà thờ, đồng thời cũng đẩy hoàn toàn trách nhiệm về phía nhà thờ.

4.     Sự thất bại của những tiếng nói bảo vệ nhà thờ Bùi Chu sẽ làm một số người hả hê – những người chỉ luôn mong muốn người khác thất bại dù đó là việc làm tốt, có ích - chỉ vì không ưa chính quyền/hoặc ko ưa hành xử của chính quyền với công giáo VN trong lịch sử. Đấy cũng là lý do vì sao xã hội dân sự VN không thể lớn mạnh. Vâng, mỗi chiếc đũa yếu mềm thì làm sao có cả bó đũa mạnh, vì phép bẻ đũa vẫn là bẻ từng chiếc một!

5.     Công cuộc bảo vệ di sản sẽ còn rất gay go, vì ý thức về di sản chưa trở thành ý thức của mọi người. Phải bắt đầu từ giáo dục bằng nhiều hình thức: những bức ký họa, như những bức ảnh nhà thờ Bùi Chu đã mang lại cảm xúc đẹp cho người xem – đây là một cách làm có hiệu quả, cần được bắt đầu với trẻ em.

Cuối cùng, sau tất cả những điều trên chúng ta còn có những gì? Chúng ta sẽ để lại gì cho thế hệ sau? Một đất nước tan hoang về tinh thần vì không còn di sản văn hóa để làm điểm tựa – phải chăng đó là điều chúng ta mong muốn?!

Nhà thờ Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định) 11/5/2019

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Về NHÀ THỜ BUI CHU


TÀI SẢN CỦA GIÁO PHẬN NHƯNG GIÁ TRỊ DI SẢN
THUỘC CỘNG ĐỒNG CHUNG

Hiện nay có thể nhận thấy Luật Di sản văn hóa và các quy định về bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa chưa bao quát hết các loại hình di sản, nhất là với những di sản thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu của một tổ chức. Vì vậy việc xếp hạng di tích còn hạn chế những trường hợp này. Đặc biệt khi công trình hư hỏng xuống cấp phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc phá hủy để xây công trình mới (nhanh chóng, dễ dàng), hoặc cố gắng bảo tồn và trùng tu (mất thời gian, khó khăn và tốn kém hơn).

Tuy nhiên, một công trình chưa xếp hạng không có nghĩa là công trình, di tích đó không có giá trị di sản. Một đối tượng được coi là di sản khi có các thuộc tính:
-       Tính truyền thông, vì di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng; nó trở thành biểu tượng của một nơi chốn, là ký ức của cộng đồng chủ thể của di sản, được trao truyền qua các thế hệ, đồng thời là dấu hiệu để cộng đồng khác “nhận biết” một vùng văn hóa khác.
-       Tính khoa học vì đối tượng di sản được thừa nhận thường có giá trị lớn về mặt lịch sử hoặc nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, kỹ thuật xây dựng… Những giá trị này có tính không thể thay thế được vì đại diện cho một thời đại, một giai đoạn lịch sử; Tính khoa học là khách quan, không phụ thuộc vào sự nhìn nhậ, đánh giá của chủ thể “sở hữu” hay quản lý di sản.
-       Tính kinh tế: di sản mất đi có thể gây nên mất mát cho cộng đồng bởi chính trị giá kinh tế của công trình và nguồn lợi do di sản mang lại
-       Đồng thời di sản mang tính lịch sử sâu sắc do ba khía cạnh: đến từ quá khứ, sống cùng hiện tại, là cơ sở cho tương lai nhận thức về lịch sử.
-       Di sản còn mang tính nhân văn của sự phát triển bền vững, vì nó xác lập, bảo vệ và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Vì vậy, khi một công trình có giá trị nhiều mặt đứng trước nguy cơ bị hủy hoại thì việc các nhà chuyên môn, công chúng lên tiếng chính là để chính quyền phải xem xét và có phương thức ứng xử kịp thời. Đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng nâng cao ý thức và sự hiểu biết về giá trị di sản. Trường hợp Dinh Thượng thơ ở TPHCM là một ví dụ.

Nhà thờ là tài sản của giáo phận, phá đi hay xây mới cũng từ tiền của giáo dân, không phải tiền của nhà nước. Tuy nhiên, sở hữu công trình thuộc về tư nhân hay tổ chức nhưng giá trị di sản của công trình thì thuộc về cộng đồng chung. Bởi vì mỗi giáo phận không tồn tại ở nơi hoang vắng không thuộc về quốc gia nào mà luôn thuộc về một quốc gia, một nền văn hóa, và như vậy công trình nhà thờ về giá trị vật chất và tinh thần theo thời gian còn là sự phản ánh lịch sử của cộng đồng, của vùng đất quốc gia đó.
Trong thời hiện đại, giá trị kiến trúc và nghệ thuật trang trí của công trình nhà thờ còn thể hiện sự độc đáo riêng biệt của từng nền văn hóa, các cộng đồng riêng đóng góp vào dòng chảy chung của lịch sử công giáo thế giới. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của việc bảo tồn di sản kiến trúc công giáo ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. 

Việc bảo vệ sự tồn tại của Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm, hay cảnh quan cây xanh đường Tôn Đức Thắng nơi có những công trình công giáo lâu đời tại TPHCM cũng với ý nghĩa này.

Nếu cộng đồng hiểu giá trị và công nhận một công trình xứng đáng là di sản còn quan trọng hơn việc nó có được xếp hạng hay không. Bởi vì khi đó cộng đồng sẽ luôn quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn để công trình không hư hỏng xuống cấp, để công trình không có nguy cơ một ngày nào đó bị chính cộng đồng sinh ra mình tuyên án.
Sự nỗ lực của những người yêu di sản chỉ đơn giản là như vậy.

Khi cộng đồng đã có ý thức cùng chia sẻ và tìm cách bảo vệ di sản, tiếng nói chung của những người yêu quý di sản dù là người công giáo hay không sẽ giúp tìm ra phương thức đúng đắn để ứng xử phù hợp với di sản, đồng thời thúc đẩy công tác quản lý di sản phải thích ứng và kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.

Thực trạng rất đáng lo ngại của di sản văn hóa hiện nay  cho thấy, việc bổ sung, thay đổi hoặc xây dựng những điều luật mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống đang trở thành một nhu cầu cấp bách.

Sài Gòn 2.5.2019


 Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời


BAY NGƯỢC - TẠM ỨNG - BOLERO THÀNH PHỐ


BAY NGƯỢC

Vẫn chỉ là một chuyến bay đêm
một giờ bốn mươi lăm phút
thời gian như vô tận

Có tin nhắn nào đón
khi máy bay đáp xuống đường băng
mở điện thọai
Có dòng mess, có email nào chờ
ở nhà
khi laptop bật lên

Giữa không gian tràn ngập mess, email và tin nhắn
những lời bâng quơ
này em có nhớ…

Lặng lẽ như thế
ra đi rồi trở về
và ước ao
được một lần
bay ngược
Về phía mùa thu…


Tháng 10. 2008

 TẠM ỨNG

Cha mẹ tạm ứng cho ta hình hài   
Rồi về với đất

Cuộc đời tạm ứng cho ta số phận   
Vay trả kiếp sau

Buổi chiều tạm ứng cho ta
Nhớ  Bình minh

Cơn mưa tạm ứng cho ta
Buồn Giông bão

Ta tạm ứng cho nhau Tình yêu             
Rồi truy lĩnh từ người khác

Trò chơi bội bạc.


12.2009
 BOLERO THÀNH PHỐ

Buổi sáng trôi qua, bỏ lại sương mai trong trẻo tan dần
Buổi chiều trôi qua, bỏ lại tia nắng dịu dàng dần tắt
Buổi tối trôi qua, bỏ lại thành phố lặng dần tiếng động
Cơn mưa đi qua, bỏ lại đường ngõ thành sông thành suối
Ngọn gió đi qua, bỏ lại lá vàng lang thang
Cuộc trò chuyện đi qua, bỏ lại trong ta nỗi nhớ…
Một người đi qua, mang theo giọt sương mang theo lá vàng mang theo tia nắng
Bỏ lại nơi này không ngừng cuộn sóng một dòng sông…

2010



NGHĨ VỀ SỰ CHUYÊN NGHIỆP (note cũ)


Nguyễn Thị Hậu

Cách đây nhiều năm, tôi tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về an ninh quốc phòng, trong đó có một số bài giảng về “nền quốc phòng toàn dân”. Đại thể quan điểm “quốc phòng toàn dân” vẫn là những khái niệm truyền thống: chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, kháng chiến toàn diện, kháng chiến trường kỳ, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, ai có súng dùng súng có giáo mác gậy gộc thì dùng… Nói chung về lý thuyết thì sự chuẩn bị cho tình huống chiến tranh (nếu xảy ra) trong thế kỷ 21 vẫn không khác chiến tranh hồi thế kỷ 19, 20! Hỏi thăm những người tham gia khóa học này năm ngoái năm nay thì thấy nội dung vẫn y vậy!

Là người “ngoại đạo” về quân sự nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay bất cứ nghề nào cũng cần sự thành thạo, chuyên nghiệp, từ lao động giản đơn đến phức tạp, đặc biệt là nghề binh! Vì sự chuyên nghiệp của nghề binh liên quan trực tiếp đến tính mạng người lính, đến sự thắng thua của trận đánh, của cuộc chiến.

Huy động sức mạnh toàn dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quôc là một truyền thống quý báu, lịch sử nước ta đã cho thấy mỗi khi đất nước bị ngoại xâm là toàn dân vùng lên đánh giặc! Nghệ thuật quân sự “chiến tranh nhân dân” là một đặc trưng quan trọng của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên – cũng từ kiến thức của lớp học tôi được biết - trong bối cảnh thế giới của thế kỷ 21 thì cách thức tiến hành chiến tranh và trang thiết bị quân sự hiện đại, vũ khí điều khiển từ xa, vũ khí hủy diệt hàng loạt mang tính quyết định mà không phải các loại vũ khí “giáp lá cà”, vũ khí phòng ngự hay tấn công trực diện như trước kia. Vì vậy, có thể nào tiến hành chiến tranh ở thế kỷ 21 mà nhân dân vẫn chỉ có tinh thần và tầm vông vạt nhọn, giáo mác gậy gộc hay súng trường, khẩu AK hay là những chiếc tàu chiếc thuyền nhỏ bé thô sơ? Chiến đấu chống trả các loại vũ khí hiện đại và quân đội chuyên nghiệp của giặc ngoại xâm cũng phải bằng bằng vũ khí và quân đội chuyên nghiệp: vũ khí hiện đại, tư duy chiến tranh hiện đại và kỹ thuật kỹ năng hiện đại. Sự chuyên nghiệp được rèn luyện trở thành “bản năng” từ vị tướng đến người lính, đấy phải là điều tiên quyết!

Trong bối cảnh tự nhiên biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, trên thế giới thì tính chất và mức độ, tốc độ chiến tranh đã thay đổi ngày càng ác liệt và mang tính chất hủy diệt. Vì vậy để chuẩn bị cho những sự biến trong điều kiện mới thì việc đầu tiên là phải rèn luyện cho người dân những kỹ năng cần thiết, đồng thời cung cấp cho họ những phương tiện, kỹ thuật tốt nhất để ứng phó với thảm họa của thiên tai và chiến tranh. Khi những người dân sử dụng những kỹ năng này một cách thành thục, chuyên nghiệp… sẽ giảm thiểu hậu quả của thảm họa, của chiến tranh, bảo toàn tối đa nguồn nhân lực. “Người còn thì của còn” ông bà mình đã dạy như thế. Con người là vốn quý nhất, không thể để dân gánh chịu những hiểm nguy thấy trước! Không thể đối phó với phương thức giết người hiện đại bằng những cách thức thô sơ lạc hậu. Người dân tự bảo vệ mình một cách hữu hiệu cũng giúp cho quân đội thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Khi chiến tranh xảy ra, trong những hoàn cảnh cụ thể thì chắc chắn “toàn dân là lính” nhưng cũng không thể thay thế được vai trò của quân đội chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp thể hiện trong việc trang bị vũ khí hiện đại phù hợp với địa bàn chiến tranh là môi trường tự nhiên Việt Nam, việc luyện tập thường xuyên trong những điều kiện điển hình và trong tư duy người lính “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”. Cả ba yếu tố này là một thể thống nhất của sự chuyên nghiệp, nếu chỉ thiếu một thì vẫn còn biểu hiện của tư duy “du kích” và nghiệp dư.

Để quân đội phải “làm kinh tế” vừa làm giảm sự tập trung vào việc rèn luyện quân sự, vừa gây nên sự bất bình đẳng và phân hóa ngay trong những người lính: người tham gia làm kinh tế thì khá giả, tất nhiên không phải ai cũng được tham gia vào việc này! Người có nhiệm vụ rèn luyện tập trận thì nghèo khó. Dù mức lương quân đội được nâng cao hơn trước và hơn nhiều ngành khác thì phần lớn những người lính trực tiếp làm nhiệm vụ luyện tập trực chiến gia cảnh còn rất khó khăn!

Vài năm gần đây đã xảy ra những tai nạn trong luyện tập, cứu hộ cứu nạn của không quân, đã có những người lính hy sinh ngay trong thời bình. Nguyên nhân do đâu: do máy móc khí tài, phương tiện hay do chủ quan, do thời tiết hay còn uẩn khúc nào thì chưa được ai công bố! Khi chưa minh bạch nguyên nhân, lý do thì có nhiều phỏng đoán không phải là vô căn cứ. Khi không biết rõ nguyên nhân thì tai nạn còn có thể xảy ra, mỗi tai nạn là một bài học và kinh nghiệm đổi bằng xương máu! Tính mạng những người lính tiếp tục bị thử thách! Chẳng lẽ cứ để họ chết rồi thì phong "anh hùng" hay bù đắp cho gia đình người thân chút quyền lợi vật chất là xong?! Nhưng dù nguyên nhân nào thì tính mạng một người lính cũng không thể rẻ rúng, không có những con người thầm lặng luyện tập trong thời bình thì sẽ thế nào nếu chiến tranh xảy ra?

 Quân đội nhân dân là “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ” chứ không phải quân và dân làm thay công việc của nhau. Dân quân biển hoặc ngư dân và những người làm việc trên biển nếu được trang bị vũ khí là để tự vệ trong trường hợp cần thiết. Khẳng định chủ quyền biển là việc hàng ngày chứ không chỉ trong những khi có nguy cơ chiến sự, điều đó hàng trăm năm nay ngư dân chúng ta đã thực hiện bền bỉ. Khi hữu sự, các lực lượng quân đội (hải quân, tàu ngầm, không quân…) phải là lực lượng chính bảo vệ ngư dân, bảo vệ từng tấc biển đảo, bảo vệ chủ quyền ở biển Đông.
Chỉ với sự chuyên nghiệp ngay từ thời bình quân đội mới kịp thời đối phó với thời chiến, chiến đấu bảo vệ nhân dân và Tổ quốc. Bởi vì thế giới đang là thế kỷ 21!

Sài Gòn, 6.2016


Post lại nhân việc nhiều tướng lĩnh quân đội bị đề nghị kỷ luật liên quan ít nhiều đến thực trạng quân đội làm kinh tế.
https://thanhnien.vn/thoi-su/do-doc-nguyen-van-hien-va-hang-loat-tuong-ta-quan-doi-bi-xem-xet-ky-luat-1078354.html

Hình ảnh có liên quan

QUÁ KHỨ HIỆN HỮU MỖI NGÀY TA ĐANG SỐNG




 Câu chuyện về thành phố từ bảo tàng

Bảo tàng –  thiết chế văn hóa phổ biến và quen thuộc trên khắp thế giới có nhiều loại hình, nhiều quy mô và chủ đề, phong cách khác nhau. Trong thời đại mà du lịch là ngành kinh tế - văn hóa đang và sẽ rất phát triển thì bảo tàng tại các thành phố là những điểm đến quan trọng, không thể thiếu trong đời sống văn hóa đô thị.
Tham gia chương trình nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa đô thị tôi có dịp đến một số thành phố “di sản thế giới” ở châu Âu. Tại đây cảnh quan đô thị và những công trình kiến trúc thời trung cổ còn được bảo tồn rất tốt, trở thành “sản phẩm văn hóa” chủ yếu, cùng với dịch vụ du lịch tạo nên ngành kinh tế chính của những thành phố này. Đồng thời hệ thống bảo tàng theo nhiều chủ đề cũng tạo nên sự khác biệt, trong đó Bảo tàng lịch sử của các thành phố luôn giữ vai trò chính yếu.
Bruges là thành phố lớn của Vương quốc Bỉ. Khu vực trung tâm thành phố từ lâu đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thành phố có rất nhiều bảo tàng nằm trên những đường phố cổ. Tại quảng trường trung tâm là Bảo tàng lịch sử (Historium Brugge – theo tiếng Hà Lan). Tòa nhà bảo tàng là công trình cổ còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc và cả những cấu kiện bằng gỗ bên trong. Nhờ việc bảo tồn và đầu tư trưng bày hiện đại nên bảo tàng rất hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách.
Từ thế kỷ thứ 9 thành phố Bruges là một phần của hệ thống phòng thủ chống lại sự xâm lược của người Bắc Âu. Vì vị trí gần biển Bắc, Bruges dần dần trở thành một thương cảng quan trọng và giao lưu với nhiều nơi khác ở châu Âu. Với tiềm năng tài chính hùng mạnh Bruges phát triển mạnh nhất từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 và chính trong thời kỳ này đã xuất hiện những công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp nhất. Trong vòng vài trăm năm thời Trung cổ và Phục hưng, Bruges là một trong những trung tâm kinh tế và nghệ thuật lớn nhất châu Âu.
Tại bảo tàng, lịch sử thành phố đã được lồng vào câu chuyện tình yêu của một phụ nữ quyền quý với chàng họa sĩ nghèo. Hình ảnh  người phụ nữ rất đẹp với chiếc áo choàng đỏ trở thành một biểu tượng của thành phố. Có thể nói sự hấp dẫn của bảo tàng là ở đây bởi nó tạo ra sự khác biệt của lịch sử Bruges với những thành phố thời trung cổ hiện diện khắp Châu Âu và nhiều nơi khác.
Du khách tham quan từng tốp nhỏ tối đa 15 người và đi theo sự hướng dẫn qua hệ thống audio (có thể lựa chọn nhiều ngôn ngữ khác nhau) để lần lượt xem hết các phần trưng bày trong khoảng 60 phút. Dựa vào cấu trúc ngôi nhà bảo tàng, mỗi phần trưng bày là một gian khép kín tạo nên sự chú ý cao của du khách, đồng thời mỗi người được  “tương tác” thông qua phương tiện visual studio: phim ảnh, âm nhạc, tiếng động và cả mùi vị… Bằng các giác quan du khách “trải nghiệm” lịch sử cũng như những sinh hoạt hàng ngày của Bruges ở thế kỷ 15 – thời kỳ thịnh trị của Bruges, tham gia chứng kiến câu chuyện của các nhân vật.. . Đây là sự chọn lựa khôn khéo và chính xác của bảo tàng về “thời điểm, sự kiện” điển hình để xây dựng kịch bản trưng bày câu chuyện về thành phố.
Vị trí của bảo tàng lịch sử Bruges cũng là một sự hấp dẫn đối với du khách, bởi vì cuối phần trưng bày tuyến tham quan sẽ dẫn  du khách ra sân thượng của bảo tàng. Từ đây toàn bộ quảng trường trung tâm và các khu phố cổ liền kề hiện ra dưới tầm mắt. Lịch sử “trong bảo tàng” và hiện thực đan xen vào nhau tạo nên những ấn tượng rất sâu sắc.
Cũng như nhiều bảo tàng khác, tại đây có nơi bán đồ lưu niệm mà phần lớn là sách vở, tranh ảnh về bảo tàng. Những sản phẩm lưu niệm khác cũng mang dấu ấn riêng của thành phố Bruges mà không nơi nào có nên du khách ai cũng muốn mua một món đồ lưu niệm. Phòng cà phê và ăn nhẹ cũng trang trí những bức họa nổi tiếng, tạo không khí thư giãn mà vẫn có thể hấp dẫn bởi sự mới lạ. Nguồn thu từ những dịch vụ này rất đáng kể bên cạnh tiền vé vào xem bảo tàng.
Mỗi thành phố đều để lại những dấu ấn lịch sử của mình bằng những di tích lịch sử văn hóa, trong lòng đất và trên mặt đất. Tuy nhiên cộng đồng cư dân và du khách không phải lúc nào cũng có điều kiện và đủ thời gian để có thể tham quan tìm hiểu tất cả những di tích đó, chưa kể nhiều dấu ấn cổ xưa đã biến mất theo thời gian và do những biến cố xã hội. Vì vậy bảo tàng lịch sử thành phố là “giải pháp tối ưu” để mọi người có thể tìm hiểu về lịch sử và văn hóa và những nét độc đáo của thành phố một cách đầy đủ nhất trong thời gian ngắn nhất.
Tiếc rằng khi tìm kiếm trên Google thì những website và tour du lịch giới thiệu về Bruges bằng tiếng Việt không giới thiệu Historical Museum mà thường chỉ có các bảo tàng Sôcôla,  bảo tàng Khoai tây và bảo tàng Kim cương (trong số hàng chục bảo tàng ở đây). Có lẽ vì những bảo tàng này có thể kết hợp shopping – một thói quen và nhu cầu phổ biến của nhiều du khách Việt. Trong khi đó việc tham quan  bảo tàng lịch sử để hiểu biết về nơi mình đến thì hầu như các tour đều bỏ qua. Tôi đã đến khá nhiều bảo tàng lịch sử của những thành phố du lịch nổi tiếng nhưng hầu như rất ít gặp du khách Việt, nếu có chỉ là vài sinh viên du học hoặc người nghiên cứu.  Có lẽ nào người Việt đi du lịch chỉ mang về quà cáp hàng hóa mà không quan tâm đến những câu chuyện về lịch sử - văn hóa của các di sản thế giới để bổi bổ cho sự hiểu biết và tri thức, ngoài những tấm hình selfie chụp vội tại di tích (và do mải chụp hình nên hầu như cũng chẳng nghe được những gì hướng dẫn viên đang thuyết minh).
Ở Việt Nam nếu chỉ đầu tư bảo tồn các khu phố cổ, di tích cổ nhưng không có hệ thống bảo tàng hỗ trợ thì không tạo được đặc trưng riêng biệt. Những bảo tàng khảo cổ hay lịch sử, ẩm thực hay trang phục… của từng thành phố sẽ tạo nên sự khác biệt, đa dạng và sức hấp dẫn lâu dài. Với thời gian bảo tàng trở thành di sản văn hóa do nhiều thế hệ xây dựng và phát triển.
2.    Một nửa sự thật
 “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Cứ mỗi chuyến đi lại càng thấm thía sự đúc kết của ông bà mình.
Do thói quen nghề nghiệp (trước đây)  nên đi đâu tôi cũng chú ý đến bảo tàng. Nhiều lần  tham quan các bảo tàng  lịch sử,  văn hóa, mỹ thuật… về thời quá khứ xa xưa nhưng “nghệ thuật trưng bày” các chủ đề thì khác nhau, tạo nên sự hấp dẫn riêng của mỗi bảo tàng. Tất nhiên lịch sử văn hóa mỗi nước đều có đặc trưng riêng, nhưng ngay cả những sự kiện, hiện tượng mang tính toàn cầu thì  vẫn được trưng bày khác nhau tạo nên những góc nhìn đa chiều, phong phú, qua đó  lịch sử được phản ánh toàn diện hơn.

Sự khác biệt rõ nhất về “góc nhìn” chính là các bảo tàng về thời hiện đại. Ví dụ: loại hình bảo tàng quân đội (hay bảo tàng về chiến tranh, bảo tàng lịch sử hoặc nghệ thuật quân sự, bảo tàng sự kiện chiến tranh…),  tại một số bảo tàng thường trưng bày toàn vũ khí nhất là vũ khí  hiện đại: xe tăng máy bay súng ống tối tân đủ loại đủ kiểu;  các sự kiện chiến thắng quân sự và những lời ngợi ca quân mình, công khai những tổn thất của quân địch… Nhưng nhiều bảo tàng khác lại trưng bày về tác động  của chiến tranh đến đời sống xã hội và những con người cụ thể, dường như không lên án tố cáo điều gì, sự thắng thua lại càng không quan trọng mà hậu quả của chiến tranh mới là quan trọng: đó là sự thiệt hại về con người, về vật chất, những chấn thương tâm lý xã hội lâu dài, những biến động xã hội… Điều đó tác động rất mạnh đến người xem vì đó chính là câu chuyện của bản thân, của gia đình mình. Khi chiến tranh trở thành nỗi ghê sợ của mỗi người thì việc chống chiến tranh đồng nghĩa với việc gìn giữ sự ổn định, bảo vệ hòa bình cho chính mình, gia đình mình và rộng hơn là tổ quốc mình.

Ở thủ đô Budapest của Hungaria có một bảo tàng về “Thời vừa qua” mang tên “Nhà khủng bố”, tọa lạc ngay trên đại lộ chính của thành phố. Suốt 6 tầng lầu với những căn phòng hẹp, u ám, âm thanh, hình ảnh, tài liệu hiện vật trưng bày bằng thủ pháp mang tính nghệ thuật cao với sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật đa truyền thông hiện đại, “ngôn ngữ” trưng bày hiện vật chuẩn xác… khiến người xem không thể nghi ngờ về những gì đang được công khai sau nhiều năm trong vòng bí mật. Có thể tự hỏi, vì sao những sự kiện như thế lại có thể xảy ra, có thể giật mình vì hóa ra lâu nay ta chỉ biết một phần rất nhỏ của sự thật, thậm chí có thể bị sốc vì hóa ra ta cũng từng sống trong một thời “khủng bố”…
Nhưng sau khi xem còn lại điều gì? Với riêng tôi gờn gợn một băn khoăn, kiểu trưng bày “sự thật” như thế này chỉ mang lại và khoét sâu hơn sự hận thù một thời đã qua, hận thù những con người cụ thể của một chính thể đã mất. Bảo tàng trưng bày sự thật lịch sử sao cho con người hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân những sai lầm của quá khứ để tránh không lặp lại những sai lầm ấy. Nếu trưng bày “sự thật” chỉ mang lại sự hận thù quá khứ thì nguy cơ sẽ đưa đến sự thù hận trong tương lai.

3.    Những thành phố vì con người

Mùa hè vài năm gần đây tôi thường tham dự những cuộc hội thảo thú vị, được tổ chức ở một số thành phố lớn như Toulouse “thành phố hồng”, Berlin, qua Prague “thành phố tình yêu” Budapest “Hòn ngọc bên sông Danube”, rồi đến Warsaw – thành phố hồi sinh từ đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ hai. Và trong những chuyến đi ấy điểm dừng lâu nhất của tôi bao giờ cũng là Paris – thành phố tôi yêu từ thời thơ ấu và ở đó tôi có những người bạn thân quý.
Mỗi nơi tôi chỉ lưu lại có vài ngày để tham quan một cách vội vã nhưng những “thành phố di sản văn hóa” đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên, bởi sự hòa hợp kỳ lạ giữa cuộc sống hiện đại và sức sống “cổ tích” từ di tích và bảo tàng hiện diện mỗi ngày.

Những thành phố này là thủ đô hoặc đô thị lớn từ thời trung cổ, vì vậy hệ thống thành cổ, cung điện lâu đài, công trình công cộng được xây dựng trong thời gian dài vài thế kỷ đã được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khu vực thành cổ (hay những lâu đài lớn của một dòng họ quý tộc) thường xây dựng trên đồi hay sườn núi để bao quát toàn bộ khu vực và phòng vệ quân sự. Cấu trúc gồm tường thành cao, dày, xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần thể cung điện, lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm… xung quanh là khu phố buôn bán và những dịch vụ cho sinh hoạt. Bên ngoài thành có một dòng sông, là đường giao thông và “tuyến phòng ngự” khi có sự cố, nhưng nhờ vậy mà phong cảnh bốn mùa đều nên thơ.

Trải qua hàng trăm năm nên trong nhiều tòa thành cổ có di tích đã hoặc đang được khảo cổ học khai quật. Thành cổ Buda ở Budapest khu vực khai quật liền kề với những công trình còn nguyên vẹn, du khách có thể nhìn thấy nền móng của các kiến trúc đã sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới lòng đất… Công trường đang khai quật thì có mái che bên trên bảo vệ hiện trạng, di tích khai quật xong hầu hết được bảo tồn tất cả các lớp kiến trúc làm bằng chứng cho từng giai đoạn xây dựng vào những niên đại khác nhau. Bảo tồn được như vậy vì vật liệu xây dựng hầu hết bằng gạch, đá, trải qua vài trăm năm trong điều kiện khí hậu không ẩm ướt nên vẫn còn chắc chắn. Hiện vật tìm thấy trưng bày trong bảo tàng nhỏ ngay tại tòa thành hay lâu đài. Khu di tích nào cũng có một mô hình đúc bằng đồng đặt gần lối ra vào, thể hiện toàn bộ khu lâu đài, thành cổ, giúp khách tham quan nhận biết tổng thể qua các công trình kiến trúc còn nguyên và phế tích do khảo cổ học khai quật.

Hầu như không có công trình nào xây lại mới hoàn toàn trên nền móng cũ, mặc dù có thể làm được điều đó vì tài liệu, hình ảnh và tư liệu khoa học còn lưu lại đầy đủ. Riêng thành cổ Warsaw là một trường hợp đặc biệt: chiến tranh thế giới lần thứ hai đã biến cả thành phố thành đống đổ nát hoang tàn trong đó có tòa thành cổ xây dựng từ thế kỷ 12 và tồn tại đến thế kỷ 20. Sau năm 1945 Ba Lan đã phục dựng lại thành phố Warsaw – khu phố cổ và tòa thành cổ - như tình trạng trước chiến tranh. Các công trình đều xây bằng gạch – vật liệu đặc trưng của kiến trúc cổ của ba Lan, gạch mới được nghiên cứu phục chế gần như không khác biệt với gạch cũ, có lẽ nhờ thời tiết không nóng ẩm nên ít bị rêu mốc và các loài thực vật gây hại.

Trong các thành phố, tại khu phố cổ hay ở trung tâm, trên đường phố hẹp hay quảng trường rộng lớn, cả những “rãnh thoát nước” hình lòng máng xưa cũ vẫn giữ nguyên vật liệu lát đường là những viên đá nhỏ, đan xen thành hoa văn hình vỏ sò, hình xoáy ốc… vừa đẹp vừa dễ rút nước khi mưa và mùa tuyết tan, giảm trơn trượt khi băng giá. Nếu làm lại những con đường quảng trường này bằng vật liệu mới thì ngoài chuyện rất tốn kém, nó còn làm giảm giá trị của cảnh quan cổ xưa – chính là giá trị cần gìn giữ và được du khách tìm đến chiêm ngưỡng.

Mùa hè là mùa du lịch cao điểm ở châu Âu, những thành phố tôi đến lúc nào cũng đông đúc nhưng không lộn xộn hay gây cảm giác bất an. Cũng là quần thể di tích thành cổ, phố cổ nhưng mỗi nơi có những hình thức tham quan khác nhau nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu, điều kiện của du khách: Tham quan tòan bộ lâu đài, cung điện hay chỉ một phần, tham quan hầm mộ trong lâu đài hay nơi có liên quan đến một nhân vật nổi tiếng, hay tổ chức sinh hoạt đặc biệt như Nhà thờ “con gà” quảng trường trung tâm thủ đô Prague chẳng hạn, cứ mỗi giờ là du khách tập trung rất đông, ngước nhìn lên tháp đồng hồ để ngắm chú Gà bằng vàng và những vị Thánh xuất hiện lần lượt sau ô cửa nhỏ, rồi tiếng kèn báo hiệu thời khắc vang lên…

Thú vị nhất là Dinh Tổng thống trong các tòa thành cổ cũng là điểm tham quan của du khách. Tôi được chứng kiến lễ đón khách của Tổng thống Hungary, có Đội danh dự duyệt binh. Du khách vẫn đứng trong sân của Dinh Tổng thống, chỉ có vài cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự. Dinh Tổng thống Cộng hòa Sec cũng vậy, ngày vài lần du khách tụ tập vào thời điểm đổi phiên gác để chiêm ngưỡng đội danh dự bước đi trong trang phục rất đẹp mắt. Hay Tòa thị chính Paris trở thành “bảo tàng” đón du khách vào một số ngày trong mùa hè... Có rất nhiều di tích được tham quan miễn phí, nhất là nhà thờ cổ, nơi ở của các nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa, nhà hát, kể cả những tòa nhà là công sở còn đang hoạt động.

Không chỉ di tích thời trung cổ được trân trọng gìn giữ mà cả những tượng đài và di tích chiến tranh thế giới thứ hai, một số bảo tàng về “thời kỳ quốc xã” hay “thời kỳ cộng sản” được xây dựng. Tại Berlin có khu tưởng niệm người Do Thái, trên nhiều đường phố có những tấm biển đồng nho nhỏ đóng ở vỉa hè trước những ngôi nhà đã có người bị bắt và chết trong trại tập trung thời Hitler... Tại Warsaw có Bảo tàng về người Do Thái, Bảo tàng sự kiện Katyn... Budapest có bảo tàng “Nhà khủng bố”... Con người được “can dự” vào lịch sử bằng sự thật chứ không phải là những huyền thoại, vì thế nhận thức và hiểu biết quá khứ không chỉ là những ý nghĩa to lớn mà còn là những câu chuyện đời thường, đau thương và mất mát của từng số phận. Tất cả, dù ghi dấu ấn chiến thắng hay gợi nhớ tội ác của một chính thể đều thuộc về Lịch sử.

Quan sát “cuộc sống” của hệ thống di sản văn hóa tại các thành phố này, có thể nhận thấy giữa bảo tồn và bảo tàng không hề tách rời: bảo tồn di tích cổ là làm cho chúng trở thành những “bảo tàng mở”, những “bảo tàng mở’ mang lại sức sống cho di tích được bảo tồn. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng nhất, tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú hấp dẫn nhất. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ giới hạn trong phạm vi di tích, mà đã trở thành một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị và được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị.

Cũng cần nói thêm, việc trùng tu di tích thường xuyên được tiến hành nhất là vào mùa hè thời tiết thuận lợi. Nơi nào cũng có di tích đang được trùng tu một cách khoa học, cẩn trọng nhưng vẫn có thể phục vụ du khách. Có những di tích trùng tu kéo dài nhiều năm do quy mô lớn và thực hiện nhiều công đoạn rất tỉ mỉ.
Tôi đã nhận được nhiều kinh nghiệm từ việc bảo tồn và “phát huy giá trị” di sản văn hóa của những thành phố này. Họ cũng đã qua “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, cũng từng chịu sức ép của “đô thị hóa, hiện đại hóa” sau chiến tranh và trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng họ gìn giữ trân trọng di sản văn hóa trước hết là cho đất nước mình, và sau đó “hữu xạ tự nhiên hương”, di sản trở thành của thế giới. Họ đã thành công từ một điều giản dị: di sản văn hóa phải có một đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người.

Bạn bè hỏi tôi có cảm nhận thế nào khi ngắm nhìn những công trình di sản văn hóa hiện hữu trong thành phố đang phát triển? Và tôi, không tránh khỏi tâm trạng ngậm ngùi khi luôn phải đặt ra một câu hỏi day dứt: vì sao người ta gìn giữ và làm giàu được từ di sản văn hóa, còn chúng ta thì để tình trạng phá hoại di sản diễn ra triền miên và ngày một trầm trọng? Vì sao?

 Tùy bút. Nguyễn Thị Hậu







LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...