Bảo tàng – thiết chế văn hóa phổ biến và quen thuộc trên
khắp thế giới có nhiều loại hình, nhiều quy mô và chủ đề, phong cách khác nhau.
Trong thời đại mà du lịch là ngành kinh tế - văn hóa đang và sẽ rất phát triển
thì bảo tàng tại các thành phố là những điểm đến quan trọng, không thể thiếu
trong đời sống văn hóa đô thị.
Tham gia chương trình nghiên cứu về
bảo tồn di sản văn hóa đô thị tôi có dịp đến một số thành phố “di sản thế giới”
ở châu Âu. Tại đây cảnh quan đô thị và những công trình kiến trúc thời trung cổ
còn được bảo tồn rất tốt, trở thành “sản phẩm văn hóa” chủ yếu, cùng với dịch vụ
du lịch tạo nên ngành kinh tế chính của những thành phố này. Đồng thời hệ thống
bảo tàng theo nhiều chủ đề cũng tạo nên sự khác biệt, trong đó Bảo tàng lịch sử
của các thành phố luôn giữ vai trò chính yếu.
Bruges là thành phố lớn của Vương
quốc Bỉ. Khu vực trung tâm thành phố từ lâu đã được Unesco công nhận là Di sản
văn hóa thế giới. Thành phố có rất nhiều bảo tàng nằm trên những đường phố cổ.
Tại quảng trường trung tâm là Bảo tàng lịch sử (Historium Brugge – theo tiếng
Hà Lan). Tòa nhà bảo tàng là công trình cổ còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc và
cả những cấu kiện bằng gỗ bên trong. Nhờ việc bảo tồn và đầu tư trưng bày hiện
đại nên bảo tàng rất hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách.
Từ thế kỷ thứ 9 thành phố Bruges là
một phần của hệ thống phòng thủ chống lại sự xâm lược của người Bắc Âu. Vì vị
trí gần biển Bắc, Bruges dần dần trở thành một thương cảng quan trọng và giao
lưu với nhiều nơi khác ở châu Âu. Với tiềm năng tài chính hùng mạnh Bruges phát
triển mạnh nhất từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 và chính trong thời kỳ này đã xuất
hiện những công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp nhất. Trong vòng vài trăm năm thời
Trung cổ và Phục hưng, Bruges là một trong những trung tâm kinh tế và nghệ thuật
lớn nhất châu Âu.
Tại bảo tàng, lịch sử thành phố đã
được lồng vào câu chuyện tình yêu của một phụ nữ quyền quý với chàng họa sĩ
nghèo. Hình ảnh người phụ nữ rất đẹp với
chiếc áo choàng đỏ trở thành một biểu tượng của thành phố. Có thể nói sự hấp dẫn
của bảo tàng là ở đây bởi nó tạo ra sự khác biệt của lịch sử Bruges với những
thành phố thời trung cổ hiện diện khắp Châu Âu và nhiều nơi khác.
Du khách tham quan từng tốp nhỏ tối
đa 15 người và đi theo sự hướng dẫn qua hệ thống audio (có thể lựa chọn nhiều
ngôn ngữ khác nhau) để lần lượt xem hết các phần trưng bày trong khoảng 60
phút. Dựa vào cấu trúc ngôi nhà bảo tàng, mỗi phần trưng bày là một gian khép
kín tạo nên sự chú ý cao của du khách, đồng thời mỗi người được “tương tác” thông qua phương tiện visual
studio: phim ảnh, âm nhạc, tiếng động và cả mùi vị… Bằng các giác quan du khách
“trải nghiệm” lịch sử cũng như những sinh hoạt hàng ngày của Bruges ở thế kỷ 15
– thời kỳ thịnh trị của Bruges, tham gia chứng kiến câu chuyện của các nhân vật..
. Đây là sự chọn lựa khôn khéo và chính xác của bảo tàng về “thời điểm, sự kiện”
điển hình để xây dựng kịch bản trưng bày câu chuyện về thành phố.
Vị trí của bảo tàng lịch sử Bruges
cũng là một sự hấp dẫn đối với du khách, bởi vì cuối phần trưng bày tuyến tham
quan sẽ dẫn du khách ra sân thượng của bảo
tàng. Từ đây toàn bộ quảng trường trung tâm và các khu phố cổ liền kề hiện ra
dưới tầm mắt. Lịch sử “trong bảo tàng” và hiện thực đan xen vào nhau tạo nên những
ấn tượng rất sâu sắc.
Cũng như nhiều bảo tàng khác, tại
đây có nơi bán đồ lưu niệm mà phần lớn là sách vở, tranh ảnh về bảo tàng. Những
sản phẩm lưu niệm khác cũng mang dấu ấn riêng của thành phố Bruges mà không nơi
nào có nên du khách ai cũng muốn mua một món đồ lưu niệm. Phòng cà phê và ăn nhẹ
cũng trang trí những bức họa nổi tiếng, tạo không khí thư giãn mà vẫn có thể hấp
dẫn bởi sự mới lạ. Nguồn thu từ những dịch vụ này rất đáng kể bên cạnh tiền vé
vào xem bảo tàng.
Mỗi thành phố đều để lại những dấu ấn
lịch sử của mình bằng những di tích lịch sử văn hóa, trong lòng đất và trên mặt
đất. Tuy nhiên cộng đồng cư dân và du khách không phải lúc nào cũng có điều kiện
và đủ thời gian để có thể tham quan tìm hiểu tất cả những di tích đó, chưa kể
nhiều dấu ấn cổ xưa đã biến mất theo thời gian và do những biến cố xã hội. Vì vậy
bảo tàng lịch sử thành phố là “giải pháp tối ưu” để mọi người có thể tìm hiểu về
lịch sử và văn hóa và những nét độc đáo của thành phố một cách đầy đủ nhất
trong thời gian ngắn nhất.
Tiếc rằng khi tìm kiếm trên Google
thì những website và tour du lịch giới thiệu về Bruges bằng tiếng Việt không giới
thiệu Historical Museum mà thường chỉ có các bảo tàng Sôcôla, bảo tàng Khoai tây và bảo tàng Kim cương
(trong số hàng chục bảo tàng ở đây). Có lẽ vì những bảo tàng này có thể kết hợp
shopping – một thói quen và nhu cầu phổ biến của nhiều du khách Việt. Trong khi
đó việc tham quan bảo tàng lịch sử để hiểu
biết về nơi mình đến thì hầu như các tour đều bỏ qua. Tôi đã đến khá nhiều bảo
tàng lịch sử của những thành phố du lịch nổi tiếng nhưng hầu như rất ít gặp du
khách Việt, nếu có chỉ là vài sinh viên du học hoặc người nghiên cứu. Có lẽ nào người Việt đi du lịch chỉ mang về
quà cáp hàng hóa mà không quan tâm đến những câu chuyện về lịch sử - văn hóa của
các di sản thế giới để bổi bổ cho sự hiểu biết và tri thức, ngoài những tấm
hình selfie chụp vội tại di tích (và do mải chụp hình nên hầu như cũng chẳng
nghe được những gì hướng dẫn viên đang thuyết minh).
Ở Việt Nam nếu chỉ đầu tư bảo tồn
các khu phố cổ, di tích cổ nhưng không có hệ thống bảo tàng hỗ trợ thì không tạo
được đặc trưng riêng biệt. Những bảo tàng khảo cổ hay lịch sử, ẩm thực hay
trang phục… của từng thành phố sẽ tạo nên sự khác biệt, đa dạng và sức hấp dẫn
lâu dài. Với thời gian bảo tàng trở thành di sản văn hóa do nhiều thế hệ xây dựng
và phát triển.
2.
Một nửa
sự thật
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Cứ mỗi chuyến đi lại càng thấm thía sự đúc kết của ông bà mình.
Do thói quen nghề nghiệp (trước
đây) nên đi đâu tôi cũng chú ý đến bảo tàng. Nhiều lần tham
quan các bảo tàng lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… về thời
quá khứ xa xưa nhưng “nghệ thuật trưng bày” các chủ đề thì khác nhau,
tạo nên sự hấp dẫn riêng của mỗi bảo tàng. Tất nhiên lịch sử văn
hóa mỗi nước đều có đặc trưng riêng, nhưng ngay cả những sự kiện,
hiện tượng mang tính toàn cầu thì vẫn được trưng bày khác nhau
tạo nên những góc nhìn đa chiều, phong phú, qua đó lịch sử được
phản ánh toàn diện hơn.
Sự khác biệt rõ nhất về “góc
nhìn” chính là các bảo tàng về thời hiện đại. Ví dụ: loại hình
bảo tàng quân đội (hay bảo tàng về chiến tranh, bảo tàng lịch sử
hoặc nghệ thuật quân sự, bảo tàng sự kiện chiến tranh…), tại
một số bảo tàng thường trưng bày toàn vũ khí nhất là vũ khí
hiện đại: xe tăng máy bay súng ống tối tân đủ loại đủ kiểu;
các sự kiện chiến thắng quân sự và những lời ngợi ca quân mình,
công khai những tổn thất của quân địch… Nhưng nhiều bảo tàng khác lại
trưng bày về tác động của chiến tranh đến đời sống xã hội và
những con người cụ thể, dường như không lên án tố cáo điều gì, sự thắng
thua lại càng không quan trọng mà hậu quả của chiến tranh mới là quan
trọng: đó là sự thiệt hại về con người, về vật chất, những chấn
thương tâm lý xã hội lâu dài, những biến động xã hội… Điều đó tác động
rất mạnh đến người xem vì đó chính là câu chuyện của bản thân, của
gia đình mình. Khi chiến tranh trở thành nỗi ghê sợ của mỗi người
thì việc chống chiến tranh đồng nghĩa với việc gìn giữ sự ổn định,
bảo vệ hòa bình cho chính mình, gia đình mình và rộng hơn là tổ
quốc mình.
Ở thủ đô
Budapest của Hungaria có
một bảo tàng về “Thời vừa qua” mang
tên “Nhà khủng bố”, tọa lạc ngay trên đại lộ chính của thành phố. Suốt 6 tầng lầu với những căn
phòng hẹp, u ám, âm thanh, hình ảnh, tài liệu hiện vật trưng bày bằng
thủ pháp mang tính nghệ thuật cao với sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ
thuật đa truyền thông hiện đại, “ngôn ngữ” trưng bày hiện vật chuẩn xác…
khiến người xem không thể nghi ngờ về những gì đang được công khai sau
nhiều năm trong vòng bí mật. Có thể tự hỏi, vì sao những sự kiện như
thế lại có thể xảy ra, có thể giật mình vì hóa ra lâu nay ta chỉ
biết một phần rất nhỏ của sự thật, thậm chí có thể bị sốc vì
hóa ra ta cũng từng sống trong một thời “khủng bố”…
Nhưng sau khi xem còn lại điều gì?
Với riêng tôi gờn gợn một băn khoăn, kiểu trưng bày “sự thật” như thế
này chỉ mang lại và khoét sâu hơn sự hận thù một thời đã qua, hận
thù những con người cụ thể của một chính thể đã mất. Bảo tàng
trưng bày sự thật lịch sử sao cho con người hiểu hoàn cảnh và nguyên
nhân những sai lầm của quá khứ để tránh không lặp lại những sai lầm
ấy. Nếu trưng bày “sự thật” chỉ mang lại sự hận thù quá khứ thì
nguy cơ sẽ đưa đến sự thù hận trong tương lai.
3. Những thành phố
vì con người
Mùa hè vài năm gần đây tôi thường tham dự những cuộc hội thảo thú vị, được tổ chức ở một số
thành phố lớn như Toulouse “thành phố hồng”, Berlin, qua Prague “thành phố tình yêu” và Budapest “Hòn ngọc bên sông Danube”, rồi đến Warsaw – thành phố hồi sinh
từ đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ hai. Và trong những chuyến đi ấy điểm dừng lâu nhất của tôi bao giờ cũng là
Paris – thành phố tôi yêu từ thời thơ ấu và ở đó tôi có những người bạn thân
quý.
Mỗi nơi tôi chỉ lưu lại có vài ngày để tham quan một
cách vội vã nhưng những “thành phố di sản
văn hóa” đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên, bởi sự hòa hợp kỳ lạ
giữa cuộc sống hiện đại và sức sống “cổ tích” từ di tích và bảo tàng hiện diện mỗi ngày.
Những thành phố này là thủ đô hoặc đô thị lớn từ thời trung cổ, vì vậy hệ thống thành cổ, cung điện lâu đài,
công trình công cộng được xây dựng trong thời gian dài vài thế kỷ đã được bảo
tồn khá nguyên vẹn. Khu vực thành cổ (hay những lâu đài lớn của một
dòng họ quý tộc) thường xây dựng trên đồi hay sườn núi để bao quát toàn bộ khu vực và phòng vệ quân sự. Cấu trúc
gồm tường thành cao, dày, xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần
thể cung điện, lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm… xung quanh là khu phố
buôn bán và những dịch vụ cho sinh hoạt. Bên ngoài thành có một dòng
sông, là đường giao thông và “tuyến phòng ngự” khi có sự cố, nhưng
nhờ vậy mà phong cảnh bốn mùa đều nên thơ.
Trải qua hàng trăm
năm nên trong nhiều tòa thành cổ có
di tích đã hoặc đang được khảo cổ học khai quật. Thành cổ Buda ở Budapest khu vực khai quật liền kề
với những công trình còn nguyên vẹn, du khách có thể nhìn thấy nền
móng của các kiến trúc đã sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới
lòng đất… Công trường đang khai quật thì có mái che bên trên bảo vệ
hiện trạng, di tích khai quật xong hầu hết được bảo tồn tất cả các
lớp kiến trúc làm bằng chứng cho từng giai đoạn xây dựng vào những niên
đại khác nhau. Bảo tồn được như vậy vì vật liệu xây dựng hầu hết bằng gạch, đá, trải
qua vài trăm năm trong điều kiện khí hậu không ẩm ướt nên vẫn còn
chắc chắn. Hiện vật tìm thấy trưng bày trong bảo tàng nhỏ ngay tại
tòa thành hay lâu đài. Khu di tích nào cũng có một mô hình đúc bằng
đồng đặt gần lối ra vào, thể hiện toàn bộ khu lâu đài, thành cổ,
giúp khách tham quan nhận biết tổng thể qua các công trình kiến trúc
còn nguyên và phế tích do khảo cổ học khai quật.
Hầu như không có công trình nào xây lại
mới hoàn toàn trên nền móng cũ, mặc dù có thể làm được điều đó
vì tài liệu, hình ảnh và tư liệu khoa học còn lưu lại đầy đủ. Riêng thành cổ
Warsaw là một trường hợp đặc biệt: chiến tranh thế giới lần thứ hai đã biến cả thành phố thành
đống đổ nát hoang tàn trong đó có tòa thành cổ xây dựng từ thế kỷ 12 và tồn
tại đến thế kỷ 20. Sau năm 1945 Ba Lan đã phục dựng lại thành phố Warsaw – khu phố cổ và tòa thành cổ - như tình trạng trước
chiến tranh. Các công trình đều xây bằng gạch – vật liệu đặc trưng của kiến trúc cổ của ba Lan, gạch mới được nghiên cứu phục chế gần như không khác
biệt với gạch cũ, có lẽ nhờ thời tiết không nóng ẩm nên ít bị rêu
mốc và các loài thực vật gây hại.
Trong các thành
phố, tại khu phố cổ hay ở trung tâm, trên đường phố hẹp hay quảng trường rộng lớn, cả những “rãnh thoát nước” hình lòng máng xưa cũ vẫn giữ nguyên vật liệu
lát đường là những viên đá nhỏ, đan xen
thành hoa văn hình vỏ sò, hình xoáy ốc… vừa đẹp vừa dễ rút nước
khi mưa và mùa tuyết tan, giảm trơn trượt khi băng giá. Nếu làm lại những con đường quảng trường này bằng vật
liệu mới thì ngoài chuyện rất tốn kém, nó còn làm giảm giá trị của cảnh quan cổ
xưa – chính là giá trị cần gìn giữ và được du khách tìm đến chiêm ngưỡng.
Mùa hè là mùa du
lịch cao điểm ở châu Âu, những thành phố tôi đến lúc nào cũng đông đúc nhưng không lộn xộn hay gây cảm giác bất an. Cũng là quần thể di tích thành cổ, phố cổ nhưng mỗi nơi có những hình thức tham quan khác nhau nhằm
đáp ứng nhiều nhu cầu, điều kiện của du khách: Tham quan tòan bộ lâu đài, cung điện hay
chỉ một phần, tham quan hầm mộ trong lâu đài hay nơi có liên quan đến một nhân
vật nổi tiếng, hay tổ chức sinh
hoạt đặc biệt như ở Nhà thờ “con gà” quảng trường trung tâm thủ đô Prague chẳng hạn,
cứ mỗi giờ là du khách tập trung rất đông, ngước nhìn lên tháp đồng
hồ để ngắm chú Gà bằng vàng và những vị Thánh xuất hiện lần lượt
sau ô cửa nhỏ, rồi tiếng kèn báo hiệu thời khắc vang lên…
Thú vị nhất là Dinh Tổng thống trong các
tòa thành cổ cũng là điểm tham quan của du khách. Tôi được chứng
kiến lễ đón khách của Tổng thống Hungary, có Đội danh dự duyệt binh.
Du khách vẫn đứng trong sân của Dinh Tổng thống, chỉ có vài cảnh sát
làm nhiệm vụ giữ trật tự. Dinh Tổng thống Cộng hòa Sec cũng vậy,
ngày vài lần du khách tụ tập vào thời điểm đổi phiên gác để chiêm
ngưỡng đội danh dự bước đi trong trang phục rất đẹp mắt. Hay Tòa thị chính Paris trở thành “bảo tàng” đón du
khách vào một số ngày trong mùa hè... Có
rất nhiều di tích được tham quan miễn phí, nhất là nhà thờ cổ, nơi ở của các
nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa, nhà hát, kể cả những tòa nhà là
công sở còn đang hoạt động.
Không chỉ di tích thời trung cổ được trân trọng gìn
giữ mà cả những tượng đài và di tích chiến tranh thế giới thứ hai, một số bảo
tàng về “thời kỳ quốc xã” hay “thời kỳ cộng sản” được xây dựng. Tại Berlin có
khu tưởng niệm người Do Thái, trên nhiều đường phố có những tấm biển đồng nho
nhỏ đóng ở vỉa hè trước những ngôi nhà đã có người bị bắt và chết trong trại tập
trung thời Hitler... Tại Warsaw có Bảo tàng về người Do Thái, Bảo tàng sự kiện
Katyn... Budapest có bảo tàng “Nhà khủng bố”... Con người được “can dự” vào lịch
sử bằng sự thật chứ không phải là những huyền thoại, vì thế nhận thức và hiểu
biết quá khứ không chỉ là những ý nghĩa to lớn mà còn là những câu chuyện đời
thường, đau thương và mất mát của từng số phận. Tất cả, dù ghi dấu ấn chiến thắng
hay gợi nhớ tội ác của một chính thể đều thuộc về Lịch sử.
Quan sát “cuộc sống” của hệ thống di sản văn hóa tại các thành phố này, có thể nhận thấy giữa bảo tồn và bảo tàng không hề tách rời: bảo tồn di
tích cổ là làm cho chúng trở thành những “bảo tàng mở”, những “bảo
tàng mở’ mang lại sức sống cho di tích được bảo tồn. Điều đó tạo điều kiện
cho công chúng có thể tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng nhất,
tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú hấp
dẫn nhất. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ giới hạn trong phạm vi di tích,
mà đã trở thành một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị và được ưu
tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị.
Cũng cần nói thêm, việc trùng tu di tích thường
xuyên được tiến hành nhất là vào mùa hè thời tiết thuận lợi. Nơi nào cũng có di
tích đang được trùng tu một cách khoa học, cẩn trọng nhưng vẫn có thể phục vụ
du khách. Có những di tích trùng tu kéo dài nhiều năm do quy mô lớn và thực hiện
nhiều công đoạn rất tỉ mỉ.
Tôi đã nhận
được nhiều kinh nghiệm từ việc bảo tồn và “phát huy giá trị” di sản
văn hóa của những thành phố này. Họ cũng đã qua “một thời đạn bom,
một thời hòa bình”, cũng từng chịu sức ép của “đô thị hóa, hiện
đại hóa” sau chiến tranh và trong quá trình phát triển kinh tế, nhưng
họ gìn giữ trân trọng di sản văn hóa trước hết là cho đất nước
mình, và sau đó “hữu xạ tự nhiên hương”, di sản trở thành của thế
giới. Họ đã thành công từ một điều giản dị: di sản văn hóa phải có
một đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người.
Bạn bè hỏi tôi có cảm nhận thế nào khi ngắm nhìn những
công trình di sản văn hóa hiện hữu trong thành phố đang phát triển? Và tôi,
không tránh khỏi tâm trạng ngậm ngùi khi luôn phải đặt ra một câu hỏi day dứt:
vì sao người ta gìn giữ và làm giàu được từ di sản văn hóa, còn chúng ta thì để
tình trạng phá hoại di sản diễn ra triền miên và ngày một trầm trọng? Vì sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét