Về NHÀ THỜ BUI CHU


TÀI SẢN CỦA GIÁO PHẬN NHƯNG GIÁ TRỊ DI SẢN
THUỘC CỘNG ĐỒNG CHUNG

Hiện nay có thể nhận thấy Luật Di sản văn hóa và các quy định về bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa chưa bao quát hết các loại hình di sản, nhất là với những di sản thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu của một tổ chức. Vì vậy việc xếp hạng di tích còn hạn chế những trường hợp này. Đặc biệt khi công trình hư hỏng xuống cấp phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc phá hủy để xây công trình mới (nhanh chóng, dễ dàng), hoặc cố gắng bảo tồn và trùng tu (mất thời gian, khó khăn và tốn kém hơn).

Tuy nhiên, một công trình chưa xếp hạng không có nghĩa là công trình, di tích đó không có giá trị di sản. Một đối tượng được coi là di sản khi có các thuộc tính:
-       Tính truyền thông, vì di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng; nó trở thành biểu tượng của một nơi chốn, là ký ức của cộng đồng chủ thể của di sản, được trao truyền qua các thế hệ, đồng thời là dấu hiệu để cộng đồng khác “nhận biết” một vùng văn hóa khác.
-       Tính khoa học vì đối tượng di sản được thừa nhận thường có giá trị lớn về mặt lịch sử hoặc nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, kỹ thuật xây dựng… Những giá trị này có tính không thể thay thế được vì đại diện cho một thời đại, một giai đoạn lịch sử; Tính khoa học là khách quan, không phụ thuộc vào sự nhìn nhậ, đánh giá của chủ thể “sở hữu” hay quản lý di sản.
-       Tính kinh tế: di sản mất đi có thể gây nên mất mát cho cộng đồng bởi chính trị giá kinh tế của công trình và nguồn lợi do di sản mang lại
-       Đồng thời di sản mang tính lịch sử sâu sắc do ba khía cạnh: đến từ quá khứ, sống cùng hiện tại, là cơ sở cho tương lai nhận thức về lịch sử.
-       Di sản còn mang tính nhân văn của sự phát triển bền vững, vì nó xác lập, bảo vệ và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Vì vậy, khi một công trình có giá trị nhiều mặt đứng trước nguy cơ bị hủy hoại thì việc các nhà chuyên môn, công chúng lên tiếng chính là để chính quyền phải xem xét và có phương thức ứng xử kịp thời. Đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng nâng cao ý thức và sự hiểu biết về giá trị di sản. Trường hợp Dinh Thượng thơ ở TPHCM là một ví dụ.

Nhà thờ là tài sản của giáo phận, phá đi hay xây mới cũng từ tiền của giáo dân, không phải tiền của nhà nước. Tuy nhiên, sở hữu công trình thuộc về tư nhân hay tổ chức nhưng giá trị di sản của công trình thì thuộc về cộng đồng chung. Bởi vì mỗi giáo phận không tồn tại ở nơi hoang vắng không thuộc về quốc gia nào mà luôn thuộc về một quốc gia, một nền văn hóa, và như vậy công trình nhà thờ về giá trị vật chất và tinh thần theo thời gian còn là sự phản ánh lịch sử của cộng đồng, của vùng đất quốc gia đó.
Trong thời hiện đại, giá trị kiến trúc và nghệ thuật trang trí của công trình nhà thờ còn thể hiện sự độc đáo riêng biệt của từng nền văn hóa, các cộng đồng riêng đóng góp vào dòng chảy chung của lịch sử công giáo thế giới. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của việc bảo tồn di sản kiến trúc công giáo ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. 

Việc bảo vệ sự tồn tại của Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm, hay cảnh quan cây xanh đường Tôn Đức Thắng nơi có những công trình công giáo lâu đời tại TPHCM cũng với ý nghĩa này.

Nếu cộng đồng hiểu giá trị và công nhận một công trình xứng đáng là di sản còn quan trọng hơn việc nó có được xếp hạng hay không. Bởi vì khi đó cộng đồng sẽ luôn quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn để công trình không hư hỏng xuống cấp, để công trình không có nguy cơ một ngày nào đó bị chính cộng đồng sinh ra mình tuyên án.
Sự nỗ lực của những người yêu di sản chỉ đơn giản là như vậy.

Khi cộng đồng đã có ý thức cùng chia sẻ và tìm cách bảo vệ di sản, tiếng nói chung của những người yêu quý di sản dù là người công giáo hay không sẽ giúp tìm ra phương thức đúng đắn để ứng xử phù hợp với di sản, đồng thời thúc đẩy công tác quản lý di sản phải thích ứng và kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.

Thực trạng rất đáng lo ngại của di sản văn hóa hiện nay  cho thấy, việc bổ sung, thay đổi hoặc xây dựng những điều luật mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống đang trở thành một nhu cầu cấp bách.

Sài Gòn 2.5.2019


 Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...