Đoản khúc Hà Nội (2010)



(tản văn – Nguyễn Thị Hậu)

1. Bao lần trở về

Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng ngày đang sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm...
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn chầm chầm theo sau gánh hàng hoa, chỉ vì màu vàng đến nao lòng của cúc mùa thu phía sau tấm lưng ong cần mẫn của những người chị người cô đang âm thầm làm đẹp cho thành phố...
Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang nơi phố nhỏ thoang thoảng hương ngâu. Một ngọn đèn in hình những bông hoa loa kèn nghiêng đầu duyên dáng sau ô cửa nhỏ khuất tấm rèm lay nhẹ ...
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn lang thang làng nhỏ ven đê, chợt một hồ sen hiện ra, búp sen nụ sen ấp e, trinh bạch...
Bao lần trở về là bao lần mình mong muốn... cũng là bao lần mình lại một mình như thế...
Bạn có biết không...

2. Ngày chớm thu...

Bạn bảo: ra Hà Nội có gì vui kể cho bạn nghe với. Bạn còn hỏi:  lần này ở đâu, Hà Nội cũ hay mới?
Hà Nội với tôi bao giờ cũng là Hà Nội của ngày xưa cũ, một Hà Nội dịu dàng sáng chớm gió heo may,
một Hà Nội nhẹ nhàng chiều những con đường lá rụng,
một Hà Nội của tuổi 17 ngày chia xa...
một Hà Nội của tuổi thơ không bao giờ trở lại…
Có lẽ vì vậy mỗi lần trở về Hà Nội tôi thường chỉ loanh quanh những nơi quen thuộc. Đôi khi cũng có cảm giác quá quen thuộc, cần biết thêm cái gì đó mới mẻ hơn. Nhưng quán tính của ký ức vẫn đủ sức mạnh níu kéo bước chân... Vả lại, một Hà Nội mới cũng chẳng có gì khác nơi tôi đang sống. Vậy thì tại sao lại cần phải biết thêm điều không lạ đó?
Còn Hà Nội mở rộng ư? Với tôi, mãi mãi vẫn là Xứ Đoài với những kỷ niệm thời ấu thơ cô đơn... Mà thật ra, Hà Nội mở rộng còn cả một phần của Hòa Bình miền tây bắc nữa... Nơi ấy cũng có nhiều điều đáng nói...
Thế đấy, bạn có muốn về Hà Nội với tôi không...?


3. Sớm đầu đông
Phố cổ... đường Thanh niên, sớm đầu đông se lạnh.
Bao giờ cũng vậy, mùa đông tôi về Hà Nội bỗng ấm hơn. Dường như chốn cũ luôn ưu ái đứa con phương Nam quen với nắng gió mà đã quên cảm giác lạnh buốt ngày đông một thời thơ ấu. Bạn bè thường đùa vui: Bạn mang cả nắng ấm Sài Gòn ra theo đấy à?
Không, chỉ là một thoáng ngập ngừng của mùa đông thôi bạn ạ. Chút ngập ngừng ấy mang lại bầu trời nhạt nắng, mang lại hơi gió lạnh xào xạc lá trên đường, mang lại cảm giác ấm áp khi gặp lại  người xưa...
Nhưng, thoáng ngập ngừng mùa đông vẫn không đủ để mang bạn đến gần tôi...

4. Chiều ven sông

Vẫn là chiều như hàng ngàn buổi chiều đã qua. Nhưng vẫn khác. Da diết nhớ một chiều nắng hanh hao, cùng bạn đi dọc theo những con thuyền chở đầy gốm ở bến Tứ Liên…
Những vườn đào phai đã cỗi, lơ thơ vài bông hoa nhạt nhòa trong cái nắng bất chợt gắt trong một chiều đông. Bạn bảo giờ mới là thời điểm vặt lá cho đào, khỏang gần tháng nữa những vườn đào này sẽ khác, lá non, nụ mẩy, màu xuân sẽ tràn ứ trong từng cánh hoa…
Những vườn quất xanh ngăn ngắt, trái dày trên cành, xanh vàng chen lẫn nụ hoa trắng thấp thóang… Cô bé tưới cây tinh nghịch lia vòi nước gần nơi bạn đứng. Một nụ cười hiếm hoi trên gương mặt lạnh lung của bạn. Nhưng bạn biết không, bạn có đôi mắt rất ấm áp, khi bạn nhìn mình…
Chỉ là một khỏanh khắc ngắn ngủi trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống bề bộn công việc, bề bộn suy tính, lo lắng… Quá khứ không quan trọng dù có thể đã và sẽ mang đến cho ta những phiền phức hay may mắn. Mình chỉ biết rằng, hiện tại, bây giờ, lúc này, quấn quýt giữa mình và bạn là hương thơm vườn rau mùi tàu cành đã già khô, làm mình thèm quá một nồi nước nóng dậy hương lá vào chiều tối 30 tết… Bạn bảo, khó gì…nhưng ở Sài Gòn khó tìm lắm bạn ạ, cái hương thơm mộc mạc mà đằm thắm ấy.
Chỉ là một khỏanh khắc thật ngắn ngủi trong cuộc sống của chúng ta, nhưng còn mãi trong mình là bãi ven sông ruộng ngô đang ngậm sữa. Lấp ló những bắp ngô nhỏ trên thân gầy, thương thương lạ lùng… Đêm đông, mẻ than lập lòe ven đường mang lại cái chạm tay nóng bỏng hương ngô non…
Chiều tím sẫm, hơi lạnh tràn về. Mình chia tay, bình thường như mọi lần chia tay…
Quãng đường đê hôm ấy sao ngắn quá…


5. Về lại phố xưa…

Tôi trở về Hà Nội.  Một chuyến đi vì công việc như mọi lần, và cũng như mọi lần, không chỉ là vì công việc. Những ngày nóng bức đã qua, ngày tôi đi HN dịu mát như một ngày thu...
 Trưa hanh hao, uống  bia hơi Hà Nội thật thích. Bạn về Sài Gòn  rồi còn nhớ cái mát lạnh của cốc bia như có cả hơi gió từ hồ Ngọc Khánh? Chiều sụp tối, gió  len lỏi trên đường phố vẫn nườm nượp người và xe…
Ư  thôi, vài ngày sẽ qua, lại về với Sài Gòn nắng gió, về với cà phê bông giấy mỗi chiều tư lự ngắm xe qua và người đi mất. Và sẽ nhớ, một tối nào đó, bạn bên tôi, tưởng như có thể đi mãi như thế, không có nơi đến không có điểm dừng không có cả đèn đỏ ngăn bước chân ngập ngừng trong chốc lát… Lần này tiễn tôi đi Hà Nội ngập tràn màu tím: hòang hôn ngày đầu hè tím nhạt bãi ven sông, những con đường rợp bằng lăng tím biếc, tiếng ve ran tím sẫm trên những vòm cao… Cảm giác một mình khi ra đi cũng là một sắc tím, trong veo, như nước. Sắc tím ấy pha vào đâu thì làm độ tím nơi ấy nhạt nhòa đi, nhưng với thời gian sẽ bền màu hơn.
Ngày tôi chia xa Hà Nội không nhiều sắc tím như bây giờ…

6. Violet Hà Nội cho ngày cuối  năm ở Sài Gòn.

  Sài Gòn không có cái lạnh se sắt để giữ cho màu tím Violet không héo nhàu.
Ở Sài Gòn không có màn mưa bụi để giữ cho Violet vẻ tươi tắn dịu dàng
Ở Sài Gòn khó có thể tìm thấy vài cành Layơn trắng muốt để cùng Violet trong chiếc bình pha lê trong vắt
Nhưng ở Sài Gòn luôn có nỗi nhớ mùa đông Hà Nội
Nhớ những sớm mùa đông mù sương, giá lạnh làm ta lười biếng, chỉ muốn nằm trong chăn ấm, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường… Ánh sáng ấm áp soi lên trang sách của một cuốn truyện ngẫu nhiên có được trong tầm tay. Những dòng chữ lướt qua không để lại nhiều ý nghĩa. Với tay bật TV mà âm thanh để số O, những hình ảnh lướt qua không đọng lại gì trong trí nhớ. Ánh mắt chợt dừng lại ở những cành Violet bên tấm rèm màu mây… Nhơ nhớ một ai đó, tiêng tiếc một điều gì đó…
Cuộn mình trong chăn ấm, tưởng có thể chìm tiếp vào giấc ngủ. Nhưng bỗng hiện lên rõ ràng, một gương mặt thân thương, một một giọng nói trìu mến, một ánh mắt ấm áp, trái tim chợt thắt lại, dịu dàng…
Cám ơn bạn thân yêu! Quá hiểu mình nên bạn đã không mất công gửi vào những cành Violet. Trên đường đi làm qua chợ Hoa Quảng Bá, sắc hoa yêu thích của mình làm bạn không đừng được, chụp vội vài tấm ảnh rồi gửi cho mình mà không biết rằng, mình đang thèm đến chết đi được, cái màu tím mỏng manh của ngày đông Hà Nội…
Mà này, bạn có biết mình còn ước thêm một điều gì nữa không…?




CHUYỆN XƯA CHUYỆN NAY


HÁN TỬ ƯU THẾ (sự)

Tích xưa kể rằng.
Thời nhà Minh có chàng bạch diện thư sinh họ Ưu. Một lần ra chợ, gặp người kể chuyện dạo, đang kể chuyện xưa đời Đường có vị tướng nọ cố thủ trong thành, bên ngòai giặc vây hãm. Lâu ngày lương hết, tướng quân sức kiệt, tình thế vô cùng nguy khốn… Kể đến đó người ấy bèn thôi không kể nữa, “muốn biết thế nào ngày mai sẽ rõ”. Hôm sau họ Ưu ra chợ tìm nhưng không gặp người ấy, về nhà bỗng nhiên sinh ra lo lắng, suốt ngày nghĩ ngợi không biết vị tướng giữ thành nọ có được giải cứu hay không? Cứ thế sinh ra mất ngủ kém ăn.
Người nhà hỏi nguyên do, biết được khuyên Ưu đi du lịch cho khuây khỏa. Họ Ưu lên đường. Mới ra khỏi thành thấy phía trước có chiếc xe ngựa chở đầy những cây tre mới chặt đầu nhọn hoắt. Họ Ưu nghĩ bụng: nguy hiểm quá, không khéo mấy cây tre này đâm vào người ta. Bèn quay về không đi nữa. Về nhà ngày lại ngày lo lắng sợ có ai bị tre đâm vào nên bỏ ăn bỏ ngủ rồi sinh bệnh. Người nhà bèn mời thấy thuốc đến xem mạch bốc thuốc, nhưng do tâm nên bệnh Ưu ngày càng nặng.
Đến ngày Ưu thập tử nhất sinh, người nhà mời thầy xem số cho Ưu. Thầy phán rằng, nếu Ưu chết lúc này kiếp sau sẽ đầu thai thành mỹ nhân, và sẽ trở thành vợ của người man di mọi rợ do nhà vua đã ban chiếu chỉ. Nghe vậy Ưu quay mặt vào vách, thều thào: làm cách nào để nhà vua bỏ lệnh gả mỹ nhân cho mọi rợ???

VIỆT NHÂN LO (hậu) SỰ

Chuyện nay "tám" rằng.
Nước VỆ thời đại internet có chàng văn sĩ họ Âu tên Lo. Một ngày đi xe đò về quê, dọc đường nghe lóang thóang câu hát “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…”, về nhà sinh ra lo âu. Lo rằng, cành khế khô giòn dễ gãy, trẻ con trèo lên ngã vỡ đầu gẫy tay chân như chơi. Lại lo, không phải lúc nào cây khế cũng có quả, vậy mà trẻ con ngày nào cũng trèo mà chả ai bảo ban chúng? Lo tiếp, cứ mỗi ngày phải trèo thì làm sao đi đâu xa được, lớn lên không lên thành phố thi cử hay làm việc được cũng nên. Lo lắng đến nỗi bỏ cả 3 cữ cà phê mỗi ngày.
Bạn bè biết chuyện bèn rủ đi nhậu cho khuây khỏa. Lo ra đường gặp phải đọan  đang bị đào bới lô cốt chiếm gần hết đường. Trong đám kẹt xe Lo thấy phía trước một chiếc xe chở đầy những bình gaz. Thế là lại sinh lo lắng, nổ bình gaz giữa đường thì khối người chết. Bèn cố lách vào một cái hẻm và quay về. Đến nhà suy nghĩ mãi sinh bệnh, hôm sau và nhiều hôm sau nữa bỏ luôn không bia bọt chi cả, chỉ suốt ngày nằm thiêm thiếp.
Lần này bạn bè phải mời bác sĩ đến khám cho Lo nhưng uống thuốc gì cũng không bớt. Rồi bệnh nặng hơn, nặng đến nỗi suốt ngày Lo chỉ ngủ.
Đến khi Lo mê man, bạn bè đành mời thầy chùa đến chuẩn bị cầu siêu cho Lo. Thầy là người thông suốt quá khứ tương lai nên khi nhìn Lo, thầy phán rằng: nếu Lo chết lúc này kiếp sau sẽ quy hoạch thành hoa hậu, được cơ cấu làm phu nhơn một quan chức của cái bộ quản lý mạng miếc bờ lốc bờ liếc gì đấy... Nghe vậy, Lo chợt tỉnh, thều thào: làm cách nào bỏ cái bộ quản lý ấy???


Chuyện/truyện từ 2010 mà đến giờ post lại như mới, nhể :)))

Nhân đọc SÔNG của NG Ngọc Tư, post lại note cũ


VỀ CÀ MAU, NHỚ…

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau có thấy xinh tươi đước rừng bát ngát… Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”. Mỗi lần nghe bài hát này là một lần ao ước được về Cà Mau, vậy mà rồi vài chục năm sau tôi mới đặt chân đến nơi đây. Nhiều lần về miền tây công tác, đây là lần đầu tiên tôi đi chơi, không vướng bận việc gì, thích đâu ghé đó nhưng vẫn trực chỉ Đất mũi. Đây rồi, thành phố Cà Mau, vòng xoay tượng đài đại lộ nhà cao tầng san sát, mới hơn, rộng hơn, hiện đại hơn, và cũng… giống hệt các thành phố thị xã ở bất kỳ tỉnh nào.
Nam bộ có một từ rất hay: miệt. Miệt vườn, miệt ruộng…nghe xa ngái mà như trải dài trước mắt. Với những người chưa từng đến Cà Mau thì miệt u minh qua những “Hương rừng Cà Mau”, “Đất rừng phương nam”, “Về đất mũi”… đã mang lại hình ảnh độc đáo mà gần gũi với vùng biển trầm lắng nặng màu phù sa, bạt ngàn rừng cây mắm trước đước sau tràm xanh dừa nước, những dòng sông con kinh nước phèn trong xanh, bãi bồi ngập linh láng thoáng bóng cò lặn lội kiếm ăn… Bởi vậy cảnh trời nước Cà Mau vừa quen vừa lạ, đi đến đâu cũng nhận ra những địa danh đã in dấu trong tôi từ ngày thơ bé. Mỗi bước đi tôi như tìm lại được hình bóng của ba má tôi những ngày kháng chiến chín năm. Mỗi nơi tôi qua cho tôi sự chiêm nghiệm nỗi nhớ quê hương của ba má tôi, của những người con Nam bộ sống qua 20 năm dài trên đất Bắc ...
Về Cà Mau không thể không nhớ nhà văn Đoàn Giỏi và “Đất rừng phương Nam”. Trong tôi bỗng hiện lên ngôi biệt thự số 4 Cổ Tân có mảnh vườn lúc nào cũng đầy lá rụng, xưa cũ, bình yên… Bên ngoài hàng rào sắt thưa thoáng là quán bia hơi Cổ Tân nổi tiếng. Quán bia chỉ có cái quầy gỗ mái tôn bốn mặt trống, mấy cô mậu dịch viên đứng bên trong luôn tay xé phiếu, rót bia bán kèm đậu phọng rang hoặc luộc. Mấy thùng bia hết dựng phía ngoài, sát đường là dãy “tăng xê” có nắp tròn đậy lệch trên miệng hầm. Bên kia là một công viên nhỏ, cây nhỏ, ghế đá nhỏ… vắng lặng, thi thoảng mới có người ngồi chơi, khác hẳn vỉa hè bên này lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Ngôi nhà số 4 rất quen thuộc - nơi mà tôi, có lẽ, là độc giả đầu tiên của Đất rừng phương Nam, mắt tròn miệng tròn nuốt từng lời nghe chú Đoàn Giỏi đọc từng trang bản thảo, có lần còn chứng kiến những giọt nước mắt hiếm hoi của 2 người đàn ông Nam bộ nhớ quê hương...
Về Cà Mau  không thể không gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – như ai đó đã nói, Tư như “đặc sản” miền tây, đặc sản Cà Mau. Tư thường xuyên tiếp đón bạn bè từ khắp nơi, chân tình trò chuyện, hồn hậu đối đáp những câu giỡn ẩn ý “mặn nhạt” trong cuộc nhậu vui vui… Như bao người phụ nữ khác Tư cũng bận rộn chăm sóc con cái, lo toan cho cái gia đình nhỏ bé của em, làm việc như một công chức, và Tư viết, trải lòng mình cùng nhân tình thế thái… Nhớ những trang viết của Tư ngày trước chứa chất nỗi buồn chứa chất niềm hy vọng như “Ngọn đèn không tắt”, đẹp bình dị như đất trời biển rừng Cà Mau. Trang viết của Tư giờ đây đầy trăn trở, nhiều tiếng thở dài có khi tắt nghẹn, vẫn đẹp, cái đẹp của người phụ nữ thiệt thà miệt ruộng đang dần quen với cuộc sống thị thành… Ngồi với Tư lòng bình yên như ngồi với cô em gái lâu ngày không gặp. Bạn bè ai cũng mong được đọc tác phẩm mới của Tư, lại cũng muốn cùng Tư trò chuyện, rủ Tư cùng đi chơi. Về nhà rồi, tự trách mình, quỹ thời gian của ai cũng có hạn, với phụ nữ thời gian còn eo hẹp hơn nhiều, vậy mà…hình như mình đang “làm khó” cho Tư…?
 4/2011

VIẾT CHO MÙA THU




Mùa thu thiếu nữ
Một chiều tháng tám nhiều năm về trước có một cô bé đi chiếc xe mini thong thả dọc con đường lúc đó còn có tên 30 - 4, ghé vào công viên trưóc dinh Thống Nhất  cô ngồi bệt trên bãi cỏ, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng lan xa trong gió, nhìn vạt nắng nhạt cuối đường mà nhớ quá chừng mùa thu nơi cô vừa ra đi…
Nơi ấy có lá sấu rụng vàng vỉa hè, bà cụ hàng nước chè mỗi sáng sớm gom lá quanh gốc cây, từng nhát chổi gượng nhẹ như sợ làm đau những chiếc lá. Khói bếp than vấn vít, hương chè Thái ngòn ngọt  chan chát ủ trong ấm tích quyện trong hơi sương mong manh… Thoáng dịu mát mùa thu đã hiện diện. Lòng người chùng lại, ngẩn ngơ…
Nơi ấy có đầm sen cuối hè hương hoa lẫn vào hương lá. Sen tàn lá già vẫn vướng vít bên nhau. Có lần cô đã ở bên đầm sen ấy cả ngày chỉ để  xem người ta câu cá, hái sen, cắt lá… mà hình như không chỉ có thế…
Nơi ấy có con đường vàng ánh đèn trong mưa hoa sữa, vành bánh xe lăn chầm chậm trong đêm, có người đưa cô về, để khi vô tình nghiêng đầu chạm nhẹ vào lưng người ấy, lần đầu tiên cô nhận ra mùa thu thiếu nữ…
Nhận ra để rồi chia tay.
Từ buổi chiều Sài Gòn bên nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ tháng tám về cô lại tìm đến khoảng không gian tĩnh lặng nào đó giữa thành phố đông đúc này, một mình, để lắng nghe dường như mùa thu thiếu nữ trở về…
Từ buổi chiều Sài Gòn bên Nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ mỗi thu cô lại kiếm cớ trở về nơi có những vỉa hè vàng lá sấu, nơi có đầm sen có con đường ngày nào…  Đầm sen đã mất xe đạp cũng chẳng còn…
 Mùa thu thiếu nữ đã quá xa xôi… 

Sài Gòn có mùa thu không?
 Có lần bạn hỏi mình như thế. Lúc ấy mình phân vân chưa biết trả lời thế nào cho bạn hiểu… Dù Sài Gòn chỉ có  hai mùa mưa nắng thì với mình, Sài Gòn vẫn đủ bốn sắc Xuân Hạ Thu Đông. Như thời gian này chẳng hạn. Mỗi sớm đi làm ngang qua công viên đã thấy lá vàng ngày lại nhiều hơn, chiều tối về hơi sương đã lảng bảng mờ những ngọn đèn vàng. Và hơi lạnh se se, cảm giác cô đơn ngọt ngào không thể chia sẻ cùng ai…
Sài Gòn có mùa thu không? Tháng Chín về làm người ta xao xuyến khi đi trên những con đường nhạt nắng. Không khí vẫn oi nồng để lòng bỗng nhẹ lâng nghe những ngọn gió từ biển vào nhẹ nhàng lướt trên ngọn lá xanh mướt ngòai kia… Cây như cao hơn, trời như xanh hơn, và tiếng chuông nhà thờ như vang xa hơn…
Sài Gòn có mùa thu không…? Quán cà phê khuất nẻo, nhạc tiền chiến miên man không cần lời. Cơn mưa chiều giữ chân người ngồi quán. Ly cà phê nhạt đá dường như còn nguyên, khói thuốc mong manh. Giá mà lúc ấy giữ lại được một chút mơ hồ…
Sài Gòn có mùa thu không…? Tháng chín Sài Gòn da diết nỗi nhớ những gì đã qua những người đã xa… Thời gian làm quên mau mà thời gian cũng làm nhớ sâu. Nỗi nhớ như sợi dây thật mảnh mà thật sắc cứa vào ký ức vỡ òa kỷ niệm. Vết cứa không nhìn thấy mà sao không thể liền.
Nơi bạn ở cũng bắt đầu mùa là vàng. Rừng thưa ngút ngát trên xa lộ đi hòai chỉ một màu lá vàng, những sắc vàng nâu vàng đỏ vàng xanh phủ kín mặt đất. Trời xanh thăm thẳm… Ngắm cái màu xanh trong vắt ấy không hiểu sao người ta như thấy mùa tuyết trắng đang đến gần.
Mùa thu nơi bạn ở ngắn ngủi lắm…

Quý bà Mùa thu
 Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…
Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…
 Vậy mà ở Hà Nội cũng vậy.
Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Vậy mà chiều đến không khí lại oi nồng, rồi mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa giông ầm ầm, đường phố ngập nước. Chưa lần nào mình ra HN vào những ngày chớm thu mà thời tiết lại thất thường như thế, cứ như một quý bà “xinh đẹp và thành đạt” nhưng đã bắt đầu vào cái tuổi “tiền mãn ” gì ấy
J
 Nhưng mặc kệ cái khó chịu, khó chiều của quý bà Mùa thu, cốm vẫn thơm dịu dàng, càng dịu dàng hơn trong chiếc lá sen với lạt rơm vàng buộc hờ, trong chiếc thúng nhỏ trên đôi quang nhẹ nhàng sau chiếc lưng thon. Mặc kệ cái thất thường của quý bà Mùa Thu, hồng chín vẫn đỏ rực lên như thế, hồng ngâm vẫn xanh mướt như màu ngọc bích, vẫn giòn vẫn ngọt như thế. Và cúc vàng vẫn như nuối tiếc mùa hạ, thu hết cả nắng hè rực lên từng đóa, trong cái se se của mùa thu màu vàng bỗng da diết hơn… Và mỗi sáng trời như xanh hơn, không của riêng ai màu xanh đắm đuối ấy…
 Quý bà Mùa Thu Hà Nội luôn làm xao xuyến lòng người, nhiều hòai niệm, nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng… dành cho quý bà, dù có người chưa từng gặp. Mặc nhiên là thế, Hà Nội mùa thu…
 Ô, nhưng sao tự nhiên cứ nghĩ đến bức tranh của danh họa Nga Kramxkôi “Chân dung người đàn bà xa lạ”, người đàn bà đẹp dịu dàng mà ánh mắt kiêu kỳ, lướt qua những gương mặt nhìn mình đầy ngưỡng mộ nhưng không hề đón nhận một ai.
 Mùa thu Hà Nội… bạn có còn ở đó…?


 (2010/2011)

LINH TINH LANG TANG (19)



I’ m sorry…
Đấy là câu nói mang nhiều sắc thái nhất từng được nghe, trong những khỏanh khắc khác nhau, nhưng không hẳn là từ những người khác nhau.
I’m sorry được thốt ra một cách hối hận, lịch sự, chân thành, đùa vui, như một câu hỏi, một cách gây chú ý… và cũng như một thái độ tránh né. Vì không thể trả lời thẳng, vì tế nhị, vì chưa tiện nói, vì không biết nói gì, và vì không còn gì để nói…
Nói “I’m sorry” hình như dễ hơn là “anh xin lỗi”? (hay là tôi/em xin lỗi)
Nhưng khi câu trả lời bằng tiếng Việt là “… em hiểu…” thì  trong trường hợp này “hiểu” có nghĩa là chấp nhận, không phải nhận một lời xin lỗi mà là nhận ra rằng mình đã nắm giữ một thứ không phải của mình. Do đó, chẳng nên trách người. Khi “hiểu” được mình, hiểu được người thì mới có thể vị tha, bao dung, khi đã hiểu thì sau đó khó có thể cư xử như chuyện thắng thua hơn kém.
Vì thật ra có mối quan hệ nào mà khi đổ vỡ chỉ một bên thất bại?!
Mình luôn nghĩ thế.

PARIS, MÙA THU TÍM… (note cũ vì nhớ...)


Paris có gì lạ không em?...*

Mùa thu năm ngoái, lần đầu tiên tôi đến Paris nhân chuyến công tác tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet.
Mặc dù nghề nghiệp của tôi luôn phải “xê dịch” khá nhiều nhưng tôi vẫn không sao quen được với không khí ngột ngạt “toàn mùi máy lạnh” trên máy bay, ngay cả trên xe hơi hay xe lửa cũng vậy. Vậy nên sau chuyến bay dài đến 12 giờ trên chiếc Boing của Vietnam Airline, khi  bước xuống sân bay C. De Gauld tôi cứ lơ mơ như người “không trọng lượng” vì suốt chuyến bay tôi chẳng ăn uống được chút gì … Đang lo lắng không biết làm sao tìm được lối ra trong “mê hồn trận” ỡ cái sân bay khổng lồ này thì may quá, anh bạn đồng nghiệp làm việc ở bảo tàng Guimet đã đón tôi ngay khi tôi ra khỏi  máy bay và đưa tôi ra ngoài bằng cửa an ninh, không phải qua khu vực làm thủ tục. Lý do: vì tôi đi “áp tải” những cổ vật đưa sang Pháp trưng bày nên cần phải nhanh chóng đến khu vực hàng hóa để nhận những kiện hàng đặc biệt này.
Thủ tục nhận lô hàng quan trọng như vậy không ngờ rất đơn giản và nhanh chóng, nhanh chóng và đơn giản hơn khi chúng tôi làm thủ tục gửi hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất (có lẽ vì đây là nhận chứ không phải xuất cổ vật chăng?). Cùng với anh bạn đồng nghiệp người Pháp và một số công nhân của một hãng chuyên đóng gói và vận chuyển hàng hóa, chỉ trong khoảng  30 phút chúng tôi đã hoàn tất mọi giấy tờ, đưa 30 thùng hàng rất nặng lên 4 chiếc xe tải “chuyên dụng” rồi về thẳng Paris. Ngồi ở cabin tôi cứ ngủ gà ngủ gật vì mệt quá… cũng may đường khá dài nên khi về đến bảo tàng Guimet tôi đã đủ tỉnh táo để có thể bắt tay ngay vào công việc.
Sau mấy ngày làm việc tại bảo tàng Guimet, các bạn đồng nghiệp có nhã ý dành thời gian ngắn ngủi còn lại của chuyến đi để tôi tự mình khám phá Paris – một Paris tôi từng biết qua những cuốn tiểu thuyết của các văn hào Pháp mà tôi đã say mê đọc từ khi còn thơ ấu…
Paris hiện ra không khác lắm so với trí tưởng tượng của tôi.
Đó là buổi  sớm mai trên những con đường vắng lặng rợp bóng cây xanh, khách bộ hành thong thả trên vỉa hè rộng rãi, vẳng đâu đó tiếng động từ các cửa hiệu bánh mì, cửa hàng thực phẩm nhỏ đang mở cửa đón người khách đầu tiên…Những tiệm cà phê bày bàn ghế ra một phần vỉa hè, và dưới mái hiên bằng vải người Paris lại bắt đầu một ngày mới của mình bên ly cà phê bốc khói và những trang báo mở rộng… Ngay phía trên những cửa hàng và tiệm cà phê vẫn là những ô cửa sổ vuông vắn của toà nhà được xây dựng từ thế kỷ XIX, hầu như không có sự thay đổi về cấu trúc và trang trí nhưng vẫn thể hiện rõ sự chăm chút và lưu tâm gìn giữ. Vợ chồng anh bạn trẻ đồng nghiệp của tôi sống trong một toà nhà như vậy. Qua một khung cửa sắt hẹp, theo các bậc cầu thang gỗ cũ mòn nhưng sạch sẽ, tôi leo lên căn hộ của họ ở tận lầu 5. Căn hộ có 3 phòng không rộng lắm nhưng nội thất rất tiện nghi và hiện đại. Anh bảo, không gian trong nhà là của mình, có thể trang thiết bị lại cho phù hợp nhu cầu và sở thích nhưng không  được thay đổi sửa chữa cấu trúc như cơi nới, phá vách ngăn… vì sẽ làm giảm tuổi thọ của cả toà nhà. Cũng có thể nhận thấy, tuy đã “có tuổi” trên dưới trăm năm nhưng những tòa nhà như vậy ở Paris chất lượng còn khá tốt. Nếu có hư hỏng thì sẽ được cơ quan quản lý cho sửa chữa ngay. Từ ban công có mấy chậu hoa và mặt ngoài nhìn xuống phố thì thuộc về không gian chung – không gian của thành phố nên không được phép tùy tiện thay đổi để bảo tồn vẻ đẹp và sự thống nhất trong kiến trúc của những khu phố cổ. Tuy ở khu vực trung tâm gần nhiều công sở nhưng tiền thuê nhà ở những khu nhà như vậy khá đắt, vì thế người ta vẫn thuê nhà ở nơi khác, âu cũng là một cách làm cho “sức ép dân số” lên những toà nhà và khu phố cổ được giảm đi đáng kể.
Khách sạn tôi ở nằm trong một con ngõ nhỏ, lòng đường vẫn còn nguyên những viên đá chẻ khập khiễng. Mỗi chiều muộn trở về, tôi như nghe thấy tiếng bánh xe ngựa lăn trên đường, rồi chiếc xe song mã hiện ra trong sương thu với  một người phụ nữ kiều diễm trong bộ váy phồng và chiếc áo choàng cổ cao…Nhưng đấy chỉ là giấc mơ thoáng qua, khoảng từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, cái ngõ nhỏ này đã đầy xe hơi đậu kín hết chiều dài của ngõ (người Paris thật tài tình vô cùng khi có thể đậu xe sát cạnh nhau đến từng …cm như vậy!). Ngôi nhà nhỏ nên các phòng cũng rất nhỏ, đồ đạc trong phòng làm tôi nhớ đến một câu truyện cổ Grim (“ ai đã ngồi lên ghế của tôi, ai nằm lên  giường của tôi? - các chú lùn kêu lên…” ). Chỉ có chiếc TV treo trên tường là khá lớn! Nhìn góc nhà tắm, chợt thấy “thương” cho cô bạn Tây ở phòng bên, với thân hình của cô, chắc cô phải bước giật lùi vào nhà tắm thì mới có thể bước ra được! Thật ra cũng có sao đâu, khách sạn cho du lịch mà, khách đi suốt ngày, tối về vệ sinh qua loa rồi lăn ra ngủ, TV thì vẫn mở suốt đêm, để rồi sáng hôm sau lại khách lại miệt mài  đi tiếp…
Mấy ngày ở Paris, một mình với ba lô, bản đồ, một tập vé có thể đi tất cả các tuyến metro và xe bus (mua liền 10 vé rẻ được 20%!), chân giày Adidas, quần jean áo khoác ngoài (trời thu nóng lạnh thất thường), với vốn tiếng Pháp đủ để …xem bản đồ và chào hỏi xã giao, cứ thế tôi đi đến những địa danh đã in sâu trong tâm tưởng. Đến tháp Ep phen vào buổi chiều nắng vàng rực rỡ, nhìn thấy dòng người xếp hàng dưới chân tháp, tôi thấy tiếc – không phải tiếc mấy chục EUR mà tiếc vì thời gian của mình eo hẹp quá, không thể chờ đợi để “rồng rắn lên mây”. Đành tự nhủ, thôi thì để dành lần sau (mà lòng vẫn biết chắc sẽ chẳng có lần sau!). Lên chuyến tàu du lịch dọc sông Xen, qua mỗi địa điểm đều có lời giới thiệu tỉ mỉ phát qua hệ thống loa trên tàu. Toà Thị chính Thành phố nằm bên dòng sông Xen đang mở cửa đón du khách. Hàng năm vào cuối hè, Toà Thị chính trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong 10 ngày, khách du lịch và người dân Paris có thể vào tham quan tòa lâu đài cổ, rất lớn và đẹp này, cũng là nơi làm việc của những người đứng đầu thành phố. Tàu đi qua Cầu Vàng, bảo tàng Orsay, Nhà thờ Đức bà…Nhìn từ sông Xen, toà nhà thờ nổi tiếng này không quá đồ sộ, lạnh lùng và ám ảnh như khi nhìn chính diện…Ngày khác tôi đi xe bus đến khu La tinh, đồi Mông mac, rồi quay về khu vực có nhiều quán hàng của người Việt. Chiều tối đứng từ Khải Hoàn Môn nhìn ra Đại lộ Săng Elide, dòng xe hơi nối nhau không dứt …Ừ nhỉ, đại lộ này có từ thế kỷ XIX, còn nguyên những viên đá chẻ lát  đường và bọc vỉa hè, vậy mà đến nay vẫn đủ rộng cho 8 làn xe hơi, vỉa hè vẫn đủ thoáng cho hàng chục ngàn du khách tản bộ ngắm những cửa hàng, khách sạn sang trọng hai bên đường. Chợt nhớ đến khu vực Nhà thờ Đức bà và Bưu điện Sài Gòn – rộng hơn là những công sở ở khu vực Trung tâm thành phố – do người Pháp xây dựng từ những năm 1880 - 1890, khi mà dân số Sài gòn chỉ mới vài trăm ngàn người, đến nay đã hơn 7 triệu nhưng các công trình ở đây vẫn thực hiện tốt các chức năng của mình. “Quy hoạch đô thị”  phải là như thế?
Phần lớn thời gian của tôi là dành để tham quan một số bảo tàng lớn ở Paris. Có trong tay tấm thẻ của “Hiệp hội các bảo tàng Quốc gia Pháp”, tôi “lang thang” ở Bảo tàng Louvre một ngày nhưng cũng chỉ  xem được phần về các nền văn minh phương Đông, còn những phần khác thì đúng là “cưỡi tên lửa …xem hoa”! Nhất là khu trưng bày các tác phẩm thời văn hóa Phục Hưng, khách du lịch đông quá, không sao đến gần những bức tranh, bức tượng nổi tiếng được, tôi phải đứng từ xa zoom máy chụp hình. Mỏi chân quá bèn ngồi nghỉ trên những bậc đá cẩm thạch trắng tinh với chiếc ba lô bên cạnh, lúc đứng lên chưa kịp cầm thì một người bảo vệ hiện ngay ra nhắc nhở –  Paris vẫn cảnh giác với nạn khủng bố mà!
Khác với bảo tàng Louvre vốn là một cung điện, bảo tàng Orsay – trưng bày mỹ thuật hiện đại – được “cải tạo” và xây dựng lại từ một ga xe lửa. Cấu trúc bên ngoài hoàn toàn không thay đổi nhưng bên trong là những phòng trưng bày với phong cách và nhiều trang thiết bị hiện đại. Một vài bảo tàng lớn của nhà nước cũng vậy, thường sử dụng những toà nhà cổ, ở vào vị trí thuận lợi  trên các tuyến đường, nhưng phần nội thất được làm mới hoàn toàn để đáp ứng các chức năng hoạt động của bảo tàng hiện đại. Có thể nhận thấy Paris đang luôn cố gắng giữ cho được những gì làm cho Paris đã trở nên quen thuộc với thế giới và làm cho nhiều người yêu quý Paris. Đồng thời cũng làm cho nó ngày càng mới mẻ và hấp dẫn hơn.
Ngày cuối cùng tôi đi xuống Vec xay, cách Paris khoảng 40 km. Xe lửa cứ 20 phút có một chuyến, mua vé khứ hồi (tất nhiên, rẻ hơn mua 1 lượt!) và chỉ khoảng 30 phút sau thì đến nơi. Từ ga xe lửa đến khu lâu đài Vec xây đi bộ chừng 15 phút, qua 1 khu chợ trời, vài con phố nhỏ và một công viên rợp mát bóng cây, trông thật bình yên với thảm cỏ xanh và những hàng ghế gỗ dọc hai bên đường. Cũng như ở Louvre, một ngày cũng chẳng kịp xem hết những căn phòng chứa đầy bí ẩn trong lâu đài Vec xây, nhưng tôi đã được đi dạo trong khu vườn nổi tiếng… Những bồn hoa rực rỡ, hồ nước trong xanh có khối tượng những nàng tiên làm đài phun nước, thảm cỏ xanh ngút ngát giữa hàng tượng cẩm thạch trắng tinh, nép mình vào lối đi nhỏ bên hàng rào cây xén bằng phẳng… tưởng như chỉ một chút thôi, sau khúc quanh kia sẽ hiện ra những chàng ngự lâm quân can đảm…
Vài ngày ở Paris vụt qua rất nhanh.Tiễn tôi ra phi trường là bầu trời xanh trong vắt của một sáng cuối thu, hàng cây cổ thụ dọc theo các đại lộ những tán lá đã ngả vàng rực rỡ… Nhưng niú giữ trái tim tôi ở lại Paris là làn sương tím những buổi chiều nhạt nhòa, sắc tím nao nao của thảm Violet bên cạnh Viện bảo tàng Tự nhiên, và màu phớt tím dịu dàng của chiếc khăn choàng người bạn Paris gửi tặng…Chợt ước mong một ngày, nếu ai đó lần đầu đến với Hà Nội của tôi thì cũng sẽ có được cảm xúc như khi tôi đến Paris: lạ lẫm nhưng vô cùng quen thuộc, mới mẻ mà vẫn luôn cổ kính…
Suốt chuyến bay về, vẳng bên tai tôi một giai điệu như một lời trách cứ...  Ngày rời Paris, em đã bỏ quên con tim…*

·     Lời bài hát của Đức Huy.   
·     (Báo Người Hà Nội đăng số 49 ngày 8/12/06)                                       

 SAO HỒI ĐÓ MÌNH VIẾT DÀI QUÁ THẾ, HIC :)

Vài ngày ở TQ







Đi Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh 2012 với con gái Mai Quyên, tranh thủ lang thang đây đó... :)

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...