NHỚ PARIS

 MỘT KIẾP NÀO ĐÓ Ở PARIS

Buổi sáng, khi mở mắt là thấy trời đã sáng rõ, không phải vì dậy trễ mà vì mùa hè phương Bắc gần như không có màu đêm. Ban đêm không khí như ở Sài Gòn, thỉnh thoảng có ngọn gió lang thang lướt qua làm dịu cả cái nóng bức của cả một ngày dài chói chang ánh nắng. Mở cửa sổ thì hơi lạnh nên đắp tấm chăn mỏng, nằm “nướng” và tha hồ nghĩ ngợi linh tinh, một cảm giác lười biếng dễ chịu của ngày thơ bé...
Paris có gì lạ không em? Ai cũng nhắn hỏi như vậy khi biết tôi đang ở Paris. Khi tôi trả lời một người bạn rằng, em thấy Paris vẫn thế chỉ có em dường như có khác khi trở lại. Anh nói: Paris lạ vì nó luôn làm người ta khám phá ra chính mình, mỗi lần một khác, mỗi lần một mới hơn!
Có lẽ vì vậy mà tôi luôn mong muốn trở lại Paris.
Paris là một thành phố có nét đẹp cổ kính tạo nên sự lãng mạn chưa bao giờ phai nhạt... Ở Paris hình như người ta luôn sống bình thản trong khung cảnh ấy. Nhiều người đến đây cũng bị “lây” sự bình thản và bỗng sống chùng lại. Tôi thích bước đi chậm rãi trên đường phố Paris, dưới những tán lá mùa hè xanh mướt, thi thoảng lọt qua kẽ lá một mảnh trời xanh biếc không một gợn mây. Những quán cà phê trên vỉa hè như ngưng đọng qua hàng trăm năm, ngồi đó và tưởng một kiếp nào đó mình từng sống nơi đây.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc một Paris với những quán sách cũ ven sông, những con đường dịu dàng ánh đèn vàng ấm áp, những cây cầu qua sông Seine đẹp như mơ, và một Paris “đẹp nhất lúc trời mưa” khi bên cạnh là một ánh mắt ấm áp và giọng nói trìu mến.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc những đại lộ lát từng viên đá chẻ vang lên tiếng xe ngựa lọc cọc, từng ngõ nhỏ mờ sương tím thấp thoáng bóng chiếc váy dài kiều diễm, công viên mùa hè rực rỡ nắng như lụa trên những chiếc dù ren trắng mong manh... Tôi từng quen thuộc những người “đàn ông Paris” hào hoa và hóm hỉnh, những vị vua chúa cao sang, những chàng ngự lâm quân can đảm và đa tình...
Kiếp nào đó ở Paris... có sự thất vọng ê chề của Madame Bovary, của những người đàn bà quên mình lao vào mối tình đẹp và buồn nhưng ngắn ngủi như ánh mặt trời hiếm hoi ngày đông lạnh giá... Có sự bao dung của lời tỏ tình đẹp nhất tôi từng biết “Ông Marius, hình như em có đem lòng yêu ông”...
Kiếp nào đó Paris là của “Những người khốn khổ”. Và đàn ông Paris ngày ấy, cũng như ở đâu ở thời nào cũng vậy, với họ “chiến đấu” bao giờ cũng là trên hết và trước hết. Màu cờ đỏ cứ làm cho tôi rờn rợn mỗi khi xem lại những bộ phim, những bức tranh... về thời cách mạng Pháp, khi đám đông quần chúng ào ào xông lên rồi ngã xuống trước những loạt đạn. Một nhà văn sau này đã viết một câu, đại ý: Quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, nhưng lịch sử là đoàn tàu chạy trên đường ray có sẵn, và quần chúng thì ngồi trên tàu vỗ tay ca hát reo hò còn đoàn tàu đã có đầu máy kéo đi.
... Dẫu vậy, sau tất cả, rốt cuộc Paris làm cho tôi nhận ra rằng, cuộc chiến nào cũng vô nghĩa trước tình yêu!
Paris có gì lạ không ư? Đừng “hỏi khó” nhau như thế, nếu là người yêu hãy cùng nhau đến nơi đây dù chỉ một lần.
Từ biệt Paris, không biết có còn dịp nào trở lại thành phố này nữa không... Nhưng cảm giác một mình lơ lửng với mùa hè của tuổi đôi mươi mà Paris mang lại cho tôi sẽ mãi tươi nguyên... như ở một kiếp nào đó có một người vừa đi khỏi cuộc đời tôi...

___

ANH VÀ EM, VÀ PARIS

Paris có gì lạ không em?
Mỗi lần em quay trở lại
Dường như Paris không khác
Chỉ có em thay đổi mỗi lần
Không phải em khám phá Paris
Mà Paris khám phá em, lạ lẫm
Dưới tán lá xanh mùa hạ
Em trở về tuổi đôi mươi
Thèm được cầm tay anh
Thèm nụ hôn của anh
Trong quán cà phê
Trên vỉa hè phố cũ
Không phải em khám phá Paris
Mà Paris làm em chợt hiểu
Em vẫn nhớ anh da diết
Người đàn ông cô đơn của em
Paris có gì lạ không em?
Anh đừng hỏi em nữa nhé
Nếu trong ta còn ước mơ ngày cũ
Hãy cùng nhau trở lại Paris dù chỉ một lần...








PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM Ở TP. HỒ CHÍ MINH

 Nguyễn Thị Hậu

1.

Kinh tế ban đêm hiện nay là một khái niệm quen thuộc với nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới. Chưa chưa có sự thống nhất về nội hàm “kinh tế ban đêm” nhưng hầu hết các thành phố vận hành nền kinh tế này đều coi “Kinh tế ban đêm là tổng hòa của các hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội diễn ra trong khoảng thời gian từ 6g tối đến 6g sáng hôm sau”, trong đó thời gian hoạt đông tùy thuộc vào từng nơi. Kinh tế ban đêm được nhìn nhận có những tiềm năng to lớn về mặt kinh tế, tiếp nối những hoạt động kinh tế ban ngày.

Tuy nhiên, kinh tế ban đêm không chỉ có những hoạt động kinh tế đơn thuần mà lồng vào đó, cùng với đó là những hoạt động văn hóa – xã hội. Bởi vì ban đêm là thời gian có những hoạt động văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi của cộng đồng dân cư các thành phố, đồng thời hoạt động và nhu cầu của du khách cũng khác ban ngày. Liên quan đến kinh tế ban đêm có hai chủ thể quan trọng: người tham gia kinh doanh, lao động và người thụ hưởng những hoạt động kinh tế ban đêm. Chưa kể đến bộ máy quản lý trực tiếp và gián tiếp. Vì vậy kinh tế ban đêm phản ánh những đặc điểm văn hoá – xã hội của một thành phố, chính những đặc điểm ấy hấp dẫn và thu hút du khách một cách đặc biệt.

Ở TP. Hồ Chí Minh, trên thực tế kinh tế ban đêm đã hiện diện tuy chưa có tính hệ thống và chưa được tổ chức như một tổng thể. Trước hết là những hoạt động kinh doanh ăn uống mua sắm như các trung tâm thương mại, khu vực Bùi Viện, đường Nguyễn Huệ, chợ đêm Bến Thành quận 1. Khu vực quanh Hồ con rùa ở quận 3, quận 5 với các phố ẩm thực nổi tiếng… gồm những hoạt động chủ yếu sau: dịch vụ ăn uống, quán rượu, bia, quầy bar, chiếu phim, hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động “kinh tế vỉa hè” khác …  Bên cạnh đó là hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các nhà hát, trung tâm văn hóa… nhưng không thường xuyên và chưa tạo được thương hiệu cho những hoạt động nghệ thuật này.

Kinh tế ban đêm thực hiện trong những không gian công cộng và dịch vụ. Bên cạnh đó là “không gian cư trú” của một bộ phận dân cư: nhà phố, mặt tiền, vỉa hè thậm chí các căn hộ trên chung cư cao tầng cũng có thể tham gia vào kinh tế ban đêm. Không gian hoạt động của kinh tế ban đêm mở rộng và đan cài nhiều khu vực, đời sống đô thị sôi động, đa dạng hơn từ các không gian này. Có thể lấy quận I làm trường hợp điển hình để thấy rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế - văn hóa – xã hội đô thị thông qua kinh tế ban đêm.

2.

Từ quá trình lịch sử chức năng chủ yếu của quận I là trung tâm chính trị - hành chính. Nhưng từ góc độ xã hội thì quận I còn là trung tâm dịch vụ đô thị (thương mại, khách sạn, nhà hàng) và là “vùng di sản” của đô thị Sài Gòn – TPHCM. Dựa trên các yếu tố này, các nhà nghiên cứu đã nhận biết 6 phân khu chức năng kinh tế - văn hóa có thể hoạt động cả ngày và đêm, trong đó có những khu vực ưu tiên hoạt động ban ngày và khu vực khác ưu tiên hoạt động ben đêm.

Phân khu 1 – Văn hóa và di sản: Mô hình tập trung văn hóa – nghệ thuật – giải trí tầm vóc quốc tế, nhắm tới xây dựng hình ảnh quốc tế cho KTBD Quận 1. Trọng điểm: Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, đường Lê Lợi, Chợ Bến Thành.

Phân khu 2 – Trung tâm thương mại: Mô hình thương mại tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp, ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng cáo sản phẩm cao cấp. Trọng điểm: TTTM  Takashimaya, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, TTTM Saigon Square, Chợ Bến Thành.

Phân khu 3 – Đời sống đô thị: Mô hình mảng xanh đô thị, tổ chức sự kiện và ăn uống, giải trí cho mọi đối tượng khách hàng. Trọng điểm: Công viên 23/9, đường Lê Lai, đường Nguyễn Trãi.

Phân khu 4 - Cuộc sống đêm: Mô hình phố đi bộ và đêm không ngủ, tập trung vào các hoạt động giải trí, ăn uống và các sản phẩm có cồn cho tới 4h sáng. Trọng điểm: khu phố tây Bùi Viện, đường Trần Hưng Đạo.

Phân khu 5 – Không gian thư giãn: Mô hình phố đi bộ cao cấp, trẻ trung, hiện đại và không gian thư giãn. Trọng điểm: đường Nguyễn Siêu; khu phố Thái Văn Lung, đường Lê Thánh Tôn.

Phân khu 6 – Con đường ánh sáng ven mặt nước: Mô hình bến thủy đa dụng, kết hợp công viên dành cho tổ chức sự kiện theo chủ đề và dịch vụ phục vụ bến thủy. Trọng điểm: khu vực bến thủy, hành lang ven sông và khu vực công viên.[1]

Như vậy, bên cạnh những hoạt động kinh tế sôi động, quận I có tiềm năng lớn cho kinh tế ban đêm từ các yếu tố văn hóa – xã hội. Đó là:

Các không gian công cộng.

Các không gian công cộng được coi là một “chất liệu thiết yếu của những thành phố thành công” và là nơi kiến tạo ý thức cộng đồng, văn hóa đô thị và nguồn lực xã hội, theo UN Habitat (2015). Quận 1 có sự tập trung với mật độ cao các không gian công cộng bao gồm phố đi bộ, các không gian xung quanh các địa danh, di tích lịch sử, công viên, các khu vực ven mặt nước và khu ẩm thực.

Trong thời gian qua, trên địa bàn Quận 1 đã diễn ra hàng loạt các sự kiện văn hóa – nghệ thuật – thể thao có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn lượt người dân trong và ngoài Quận tham dự. Các sự kiện âm nhạc lớn, có sự tham gia của các nghệ sỹ quốc tế chủ yếu được tổ chức tại khu vực đại lộ có sức chưa lớn như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Lê Duẩn. Trong khi đó, khu vực Công viên Bến Bạch Đằng thường xuyên là địa điểm được lựa chọn cho các triển lãm và không gian trưng bày ngoài trời.

Hoạt động, dịch vụ gắn liền với trải nghiệm lịch sừ - văn hóa, dịch vụ.

Quận 1 là khu vực tập trung các bảo tàng, di tích lịch sử, các công trình và địa danh mang tính biểu tượng của thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn Quận có khoảng hơn 10 triển lãm, phòng tranh tư nhân. Tuy nhiên, tại thời điểm đề án được thực hiện, gần như không có bảo tàng, di tích lịch sử và địa danh nào mở cửa sau 6 giờ tối. Chỉ có duy nhất khu vực chợ Bến Thành đang tổ chức kéo dài thời gian hoạt động tới 10h tối, nhưng hoạt động không sôi động.

 Các không gian, địa điểm văn hóa mở cửa vào buổi chủ yếu là nhà hát và các trung tâm biểu diễn nghệ thuật, phòng trà, và rạp chiếu phim (11 cơ sở), nhưng thiếu các chương trình biểu diễn mang tính điểm nhấn được tổ chức định kỳ. Các không gian và giá trị lịch sử - văn hóa là những sản phẩm đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác bài bản cho KTBĐ.

3.

Để từ tiềm năng trở thành nguồn lực thực tế, các yếu tố văn hóa – xã hội cần được biến thành các hoạt động cụ thể và hiệu quả. Tuy nhiên không thể bỏ qua những đặc điểm văn hóa – xã hội của cộng đồng. Hay nói cách khác, các hoạt động kinh tế ban đêm cũng phải “nhập gia tùy tục” thì mới phát triển và bền vững.

Chủ thể tham gia vào kinh tế ban đêm gồm có các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, nhà quản lý, du khách trong và ngoài nước… Trước khi tính đến chuyện “thu được bao nhiêu thuế, quảng bá văn hóa với du khách…” thì việc đầu tiên phải tính đến là người dân, doanh nghiệp được lợi như thế nào từ việc tham gia vào các hoạt động kinh tế đêm? Bao nhiêu người/hộ gia đình/cơ sở kinh doanh… có thể chuyển từ kinh doanh ban ngày sang ban đêm, nếu việc kinh doanh ban ngày của họ ít hiệu quả hoặc không có điều kiện? Các thiết chế văn hóa cộng cộng như bảo tàng, trường học… hoạt động vào ban đêm có hiệu quả hay không ?

Tiếp cận từ cơ sở này sẽ tránh được việc đưa ra những phương thức “từ trên xuống”, tức là từ phía nhà quản lý, với mục tiêu chủ quan như thu thuế hoặc “sắp xếp lại” hệ thống kinh tế ban đêm cho thuận tiện với bộ máy quản lý… Từ cơ sở này nhà quản lý sẽ đề ra biện pháp phù hợp thực tiễn và điều chỉnh những hoạt động không phù hợp, có hại cho kinh tế ban đêm nói riêng và cộng đồng nói chung.

Mặt khác, cần chú ý những “khách thể” tham gia “gián tiếp”, đó là cộng đồng dân cư sinh sống tại những địa bàn diễn ra các hoạt động kinh tế ban đêm, đặc biệt những khu vực dịch vụ, ẩm thực, quán bar nhà hàng… Những người dân sống tại đây (và một số du khách) cần được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc hoặc đã có nhiều hoạt động khác. Văn hóa, lối sống của đa số người Việt Nam, dù ở thành phố lớn là từ sau 21g – 22g là thời gian “đi ngủ”, nếu sau thời gian ấy có những tiếng ồn và ánh sáng không phù hợp… chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến khách thể của những hoạt động này. Do đó, kinh tế ban đêm ở TPHCM không nên kéo dài quá 12g đêm, nếu đó là khu vực xen lẫn với nơi cư trú của của nhiều hộ dân. Từ đó hướng đến việc “quy hoạch phân khu chức năng” chuyên hoạt động kinh tế ban đêm.

Bên cạnh đó còn vấn đề an ninh và vệ sinh môi trường. Từ không gian sinh sống trở thành không gian buôn bán dịch vụ, có những sinh hoạt cộng đồng… sẽ làm nảy sinh các vấn đề về rác, nước thải, vệ sinh công cộng. Không gian công cộng đông đúc còn là “cơ hội” cho những kẻ bất lương ăn cắp, móc túi, quấy rối tình dục… cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân tại chỗ.

Sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, bao gồm người tham gia kinh tế ban đêm và người chịu tác động từ nó – là cơ sở quan trọng để nhà quản lý đề ra phương thức tổ chức và thực hiện một cách phù hợp, hiệu quả. Kinh tế ban đêm - hãy nhìn nhận nó như là một phương thức hoạt động của đô thị lớn và là một trong những sinh kế của cộng đồng địa phương. Như vậy chính quyền mới có cách thức tiếp cận đúng, mang lại hiệu quả cao trong quản lý và điều hành.

Phát triển KTBĐ không chỉ là thúc đẩy các hoạt động kinh tế mà cần phát triển song hành với việc quảng bá các giá trị văn hóa, cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động mang tính sáng tạo tại địa phương. Mục đích là để tăng cường sinh kế đúng hướng cho cộng đồng, thu hút người dân và du khách dành nhiều thời gian trải nghiệm đời sống đô thị và tham gia vào các hoạt động kinh tế ban đêm. Đặc biệt là hướng đến mục tiêu giúp nâng cao cảm nhận của họ về đặc trưng văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và sự an toàn của đô thị.

 

TP. Hồ Chí Minh, 20.5.2023

Bài viết có tham khảo một số tài liệu cùng chủ đề của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.



 

 



[1] Theo một công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

CẠN LỜI!


1. Chuyến bay giải cứu do các công ty tư nhân thực hiện (thuê máy bay, tổ lái và các dịch vụ khác). Các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ cấp phép trên đề xuất (xin phép) của công ty tư nhân. Lẽ ra nhà nước phải chủ động làm việc này thông qua việc tổ chức và thuê thêm các công ty tư nhân cùng góp sức. Chứ không phải để tư nhân làm và cơ quan nhà nước "chặt chém" từ việc cấp phép. ĐÓ LÀ VÔ TRÁCH NHIỆM!
2. Như vậy đây là các chuyến bay DỊCH VỤ GIÁ CAO (đúng thôi, nhu cầu cao thì giá cao), nhưng giá CAO QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG TRONG HOÀN CẢNH NGẶT NGHÈO là do phải hối lộ cho những kẻ tham nhũng ăn hối lộ. Cán bộ nhà nước đã không chủ động và tích cực cứu đồng bào mà còn ngăn cản, gây khó khăn, trục lợi trong việc cứu đồng bào. Đó là VÔ LƯƠNG TÂM!
3. Mức độ ăn tiền khủng khiếp. Trong thời gian rất ngắn số tiền họ ăn hối lộ quá lớn! Ăn của tất cả các đối tượng muốn bay về nước, từ người khá giả đến người nghèo và cả những người nghèo mạt! Đó là BẤT NHÂN!
4. Kết quả phiên tòa thế nào chưa rõ (dù đã có đề nghị của VKS về mức án cho các bị cáo). Nhưng số tiền ăn hối lộ dù có được thu hồi cũng không thể làm nhẹ bớt TỘI ÁC của "tập đoàn tội phạm" này! Cần có bản án nghiêm khắc nhất để không BẤT NGHĨA với đồng bào, BẤT TÍN với xã hội!
5. Vụ "giải cứu" cũng như vụ Việt Á xảy ra trong hoàn cảnh cả nước và phần lớn người dân lâm vào tình trạng ngặt nghèo. Vì vậy mình không thể hiểu vì sao có những NGƯỜI hành xử dã man như vậy! Và qua đó có thể nhận thấy không chỉ những ai tham gia gây tội ác trực tiếp mới phải chịu trách nhiệm hay bị lên án! Như cư dân mạng nói: còn thiếu nhiều bị cáo lắm!

@ NGỌN LỬA HOANG DÃ của tác giả LONG ỨNG ĐÀI (ĐÀI LOAN)


Nhiều bạn đọc đã biết đến cuốn sách “Người Trung quốc xấu xí” của Bá Dương – cũng một tác giả từ Đài Loan - phê phán những thói hư tật xấu có tính “truyền thống” trong sinh hoạt, những “cố tật” của người TQ trong đời sống, ứng xử... ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Cuốn sách “Ngọn lửa hoang dã” ra đời sau Người TQ xấu xí, nó tập trung phê phán thái độ của người TQ trước các hiện tượng tiêu cực của xã hội Đài Loan thập niên 1980, nhấn mạnh vai trò của những người trí thức và thị dân nơi đô thị.
Tôi đã đi Đài Loan, đọc cuốn sách này và thấy rằng lúc đó Đài Loan cũng giống như VN bây giờ. Nhưng chỉ ba mươi năm thôi mà Đài Loan đã thay đổi vượt bậc! Những tiếng nói như cuốn sách này chắc chắn góp phần không nhỏ vào cuộc đổi thay ấy!
Một sự thú vị: Từ 1985 tác giả - trong “tự bạch” – đã nói về thân phận của mình khi mọi người phát hiện ra tác giả “không phải là con người mà là một phụ nữ”. Nhưng đến 2016 – hơn 30 năm sau – Đài Loan có nữ Tổng thống đầu tiên là bà Thái Anh Văn, và bà cũng vừa tái đắc cử năm 2020.
—-
Lời giới thiệu ở bìa 4 cuốn sách NGỌN LỬA HOANG DÃ.
Tháng 11.1984, với cảm hứng từ lời nói của một Ủy viên Lập pháp viện Trung Hoa dân quốc, Long Ứng Đài đã viết bài bình luận “Người Trung quốc! Anh không biết tức giận ư?”Trên tờ Trung quốc thời báo, tạo ra một hiện tượng dư luận. Tiếp đó Trung quốc thời báo với một chuyên mục mang tên Dã Hóa tập chuyên đăng những bài bình luận mang tính phê phán của Long Ứng Đài về các vấn đề môi trường, trị an, giáo dục... tạo nên một cuộc lật đổ về nhận thức đối với giới truyền thông Đài Loan thời điểm đó. Tuyển tập Ngọn Lửa Hoang Dã được ra đời từ tập hợp những bài viết trong giai đoạn 1984 – 1985.
Cuốn sách này đã nghiêm khắc phê phán những vấn đề của xã hội Đài Loan trong thập niên 1980. Vào thời điểm đó Đài Loan đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trật tự trị an đô thị không được thực thi tốt, nhưng người Đài Loan vẫn tiếp tục bỏ mặc những vấn đề bất hợp lý của xã hội, dùng một tâm thái “nhẫn nại” để sinh tồn. Long Ứng Đài đả cố gắng khích lệ độc giả “tức giận” với những thực tế đó, đưa ra những câu hỏi cũng như sự phẫn nộ của họ đối với trách nhiệm của chính quyền.
Khi được xuất bản thành sách vào năm 1985, nó đã trở thành một hiện tượng xã hội với ảnh hưởng sâu rộng khắp các tầng lớp xã hội, nhất là đối với tầng lớp sinh viên. Học sinh. Cuốn sách không chỉ có ảnh hưởng ở Đài Loan, nó còn có ảnh hưởng sâu rộng đấn xã hội TQ đại lục. Cuốn sách cho họ có thêm một lựa chọn là trở thành trí thức xã hội trong không gian công cộng , trở thành con người với nền tảng về lương tri cá nhân cùng trách nhiệm xã hội , có thể dùng sức mạnh ngôn ngữ để sửa đổi những thói tật của xã hội.
—-
Ps. Đọc cuốn sách này cũng như đọc Người TQ xấu xí, nếu thay tất cả các từ TQ/Đài Loan bằng VN thì rất thích hợp! Khi đọc chắc ai cũng nghĩ sách nói về VN hiện nay. Nhưng ba mươi năm nữa VN có như Đài Loan bây giờ không thì... tôi không dám chắc
Tuy nhiên cuốn này càng làm tôi thấm thía hơn câu nói của tác giả Bách Dương (Người TQ xấu xí):
"Chúng ta không thể trút gánh nặng cứu vớt dân tộc xuống đôi vai của các nhà chức trách, mà mỗi người dân đều phải chia sẻ. Quốc dân loại ba tuyệt nhiên không thể sản sinh ra chính phủ loại một, nhưng chính phủ loại ba lại có sẵn những quốc dân loại một".
* Sách do NXB Hội nhà văn và DOMINOBOOK xuất bản. DOMINOBOOK từng hai lần đạt giải thưởng SÁCH HAY.
Các bạn trẻ rất nên đọc cuốn sách này để biết và tránh những gì làm cho mình thành "không giống ai!”. Và cũng đừng chỉ đổ thừa “do bị chính quyền ngu dân”!



ALEXANDRIA – THÀNH PHỐ HIỆN ĐẠI TỪ DI SẢN

 Nguyễn Thị Hậu

Chúng tôi đến Alexandria sau một chặng đường dài đi từ ốc đảo Siwa. Gần một ngày trên xe hơi qua sa mạc dài như vô tận, mãi đến chiều tối mới nhìn thấy biển thấp thoáng sau những khu đô thị mới xây dựng hai bên đường cao tốc. Đó là dấu hiệu đã đến gần Alexandria – thành phố cổ đại nổi tiếng đã đi vào huyền thoại.

Là thành phố lớn nhất bên bờ biển Địa Trung Hải và là thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập sau thủ đô Cairo, Alexandria được thành lập vào năm 331 trước công nguyên bởi Alexander Đại đế. Đó là một thành phố - hải cảng kéo dài khoảng 40km dọc theo bờ biển Địa Trung Hải phía bắc Ai Cập. Bắt đầu hình thành từ một khu vực định cư của người Ai Cập (nay đã trở thành một khu phố cổ của thành phố), Alexandria từng là thủ đô của Ai Cập dưới triều đại của các pharaon Ptolemaic kế vị Alexander và giữ được vị thế đó trong gần mười thế kỷ. Từ đó thành phố phát triển nhanh chóng và trở thành một trung tâm văn minh lớn. Đến giữa thế kỷ 7 sau công nguyên, khi Ai Cập bị người Hồi giáo chính phục thì vị thế thủ đô của Alexandria cũng không còn nữa. Tuy nhiên, vị thế một hải cảng - thương mại lớn luôn được duy trì, bên cạnh đó là vị thế quan trọng về văn hóa giúp cho Alexandria luôn là một trung tâm du lịch nổi tiếng.

***

Câu nói “Alexandria là một thành phố mà từ hiện đại về quá khứ chỉ cách nhau một bước chân” quả không sai! Khắp thành phố là một sự hòa hợp kỳ lạ giữa những công trình hiện đại đẹp đẽ với những phế tích hoành tráng mang vẻ đẹp của quá khứ. Dọc theo một trong những con đường chính của thành phố chạy ven bờ biển, một bên là các tòa nhà cao tầng kiến trúc tân kỳ một bên là biển êm đềm xanh ngát với vài mỏm núi, hòn đảo trên đó là pháo đài cổ hay các phế tích kiến trúc. Rất nhiều công trình đã bị chôn vùi trong lòng đất và lòng biển bởi chiến tranh liên miên, bởi những trận động đất lớn. Vì vậy công tác khai quật khảo cổ học ở đây có “tiềm năng” vô tận nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Từ tư liệu lịch sử và khảo sát thăm dò có thể nhận biết vị trí, quy mô của các công trình nổi tiếng thời cổ, nhưng hiện trạng thì đều nằm dưới các công trình xây dựng vào đời sau, hoặc chìm trong lòng biển. Điều đó hạn chế không gian để khai quật khảo cổ học đô thị và cần có một nguồn kinh phí cực lớn trong một thời gian dài. Cung điện hoàng gia của Cleopatra VII bị động đất và sóng thần tràn ngập, dẫn đến sụt lún dần vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, một phần thành phố thời Hy Lạp, bao gồm cả ngọn hải đăng nổi tiếng và khu cung điện, đã được khám phá dưới lòng biển vào năm 1992, hiện đang được các nhà khảo cổ học dưới nước người Pháp điều tra khảo sát… là những trường hợp đáng tiếc như vậy. Có thể nói mỗi bước chân đi trên đường phố hiện nay cũng là đang đi trên thành phố Alexandria cổ đại!

Nổi tiếng nhất trong những công trình đã “biến mất” chính là ngọn Hải đăng Alexandria, được xây dựng vào thế kỷ 3 trước công nguyên. Hải đăng này có chiều cao khoảng 100 mét và là một trong Bảy kỳ quan của Thế giới Cổ đại, trong nhiều thế kỷ được coi là một trong những công trình nhân tạo cao nhất thế giới. Ngọn hải đăng đã bị hư hại nghiêm trọng bởi ba trận động đất trong khoảng giữa thế kỷ 10 và thế kỷ 14 sau Công nguyên, trở thành một phế tích khổng lồ hoang phế. Đến cuối thế kỷ 15 những vật liệu còn sót lại của hải đăng Alexandria được sử dụng xây dựng Thành Qaitbay ngay trên vị trí của ngọn hải đăng này.

Tuy vậy những gì còn lại trên mặt đất cũng đủ phục dựng diện mạo của một thành phố di sản vĩ đại. Có thể kể đến một vài di tích nổi tiếng mà chúng tôi kịp tham quan trong thời gian vô cùng ngắn ngủi.

Đầu tiên là hầm mộ Kom El Shoqafa. Đây là một khu mộ cổ của thành phố Alexandria được đào sâu vào lòng đất như một mê cung nhiều tầng, ở giữa hầm mộ là một cầu thang xoắn ốc lớn bao quanh một “giếng trời” đường kính khoảng 3-4m. Từ đó có những nhánh rẽ vào các tầng hầm, mỗi tầng có hàng trăm căn phòng được trang trí bằng những hình vẽ, điêu khắc, tượng và các vật trang trí theo phong cách La Mã. Khắp hầm mộ là những hộc khoét sâu vào lòng đất để đặt quan tài, nơi làm lễ và các phòng lớn kiểu La Mã để những người thân của người quá cố tiến hành các bữa ăn tưởng niệm. Kiểu chôn “xác ướp” trong hầm mộ là một táng tục của người Ai Cập cổ đại, đến thời kỳ La Mã chiếm đóng vẫn được duy trì cho tầng lớp thượng lưu. Hầm mộ này dần bị vùi lấp do nhiều trận động đất và bị quên lãng. Nó được phát hiện tình cờ vào năm 1900 và hiện nay hầm mộ được trùng tu một phần ở các tầng trên, là nơi tham quan của bất kỳ ai đến Alexandria. Tuy nhiên phần lớn các quan tài có xác ướp bị hư hỏng, một số xác ướp được đưa về bảo tàng để bảo quản. Trong khuôn viên của khu hầm mộ, bên trên mặt đất trưng bày những hiện vật điêu khắc đá tìm thấy từ các cuộc khai quật tại đây.

Ngay kế hầm mộ Kom El Shoqafa là di tích “Trụ cột Pompey”, biểu tượng ghi nhận chiến thắng của người La Mã. Theo sử sách, ban đầu công trình là một hàng cột trong một ngôi đền thờ, nếu tính cả bệ đỡ thì cao đến 30m, chế tác từ đá granit, đường kính phần gốc 2,7m và thu nhỏ dần lên phần ngọn là 2,4m. Riêng cây cột cao 27m được làm chỉ từ một khối đá nguyên vẹn. Công trình sừng sững bên cạnh một con đường trung tâm ngày đêm đông đúc, trong phạm vi thành cổ Alexandria, từ xa du khách đã có thể nhìn thấy đỉnh cột cao vút sáng lấp lánh trong ánh nắng Địa Trung Hải.

Cũng trong khu vực này có một Nhà hát cổ của người La Mã nay cũng chỉ còn phế tích, bao gồm khán đài hình vòng cung với mười mấy hàng ghế từ cao xuống thấp xếp đều nhau bằng những tảng đá nhẵn bóng. Bên ngoài là hàng trụ cột cao vút bằng đá granit màu hồng, những căn phòng phía dưới khán đài dùng làm nơi hội họp và có cả nhà tắm công cộng. Xung quanh Nhà hát có lẽ còn nhiều công trình phụ khác nhưng đã bị sụp đổ hoàn toàn. Khắp nơi thảm hoa vàng tươi tắn mọc len lỏi như đối lập với những tảng đá nghìn năm tuổi, làm cho du khách từ nơi xa đến đây cảm thấy gần gũi hơn với chứng tích của nền văn minh Địa Trung Hải.

Rời trung tâm thành phố chúng tôi đi đến Thành Qaitbay là một pháo đài phòng thủ nằm ngay trên bờ biển. Nó được xây dựng vào thế kỷ 15 ngay trên tàn tích của Hải đăng Alexandria. Thành cổ nằm trên đảo Pharos ở phía Đông, có diện tích đến 17.550 mét vuông và được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Thành Qaitbay cũng là một pháo đài đồ sộ cấu trúc hình vuông, là thành trì phòng thủ quan trọng nhất không chỉ ở Ai Cập mà còn dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Từ trên ngọn tháp chính cao nhất có thể bao quát toàn bộ bờ biển của thành phố và ngoài khơi xa, còn tại các tầng của pháo đài đều nhìn ra biển từ những khung cửa lớn hình vòm hoặc những ô cửa nhỏ hẹp xuyên qua bức tường thành bằng đá rất dày. Tầng hầm của pháo đài rất rộng bao gồm những bức tường hình vòm nối tiếp nhau chịu lực cho toàn bộ tòa thành. Một công trình thời trung cổ vĩ đại xứng đáng là được coi là kế tục ngọn hải đăng Alexandria nổi tiếng.

***

Ngoài những di sản thời cổ đại mà một số di tích trên đây là tiêu biểu, Alexandria còn có hàng trăm công trình thời cận và hiện đại cũng là những Di sản văn hóa  của Ai Cập và thế giới. Có thể kể đến Thư viện Alexandria – một kỳ quan văn hóa hiện đại được xây dựng ngay vị trí Đại Thư viện Alexandria - công trình văn hóa lớn nhất thời cổ đại. Thành phố Alexandria được coi là kinh đô của tri thức và học thuật, một phần quan trọng là vì có Đại Thư viện và nhiều học giả lớn nhất thời đó đến làm việc ở đây. Nhưng trong một thời gian dài xã hội bất ổn làm cho hoạt động học thuật của Đại Thư viện suy giảm, rồi một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiêu rụi Đại Thư viện với hàng trăm ngàn bản sách quý giá bằng cuộn giấy và nhiều chất liệu khác.

Ý tưởng phục hồi Đại Thư viện được hình thành từ thập niên 1970, đến thập niên 1980 Ai Cập có được sự hỗ trợ của Unesco và quốc tế đã tổ chức thi thiết kế và xây dựng thành công Thư viện Alexandria mới, được khánh thành vào năm 2002. Đây là một công trình quy mô khổng lồ có thể sánh ngang Đại Thư viện thời cổ, kiến trúc hiện đại nổi bật trên bờ biển nhưng hòa hợp với cảnh quan khu vực. Mặt tiền chính của Thư viện là một “bức tường” bằng đá trắng xám, trên đó chạm khắc những ký hiệu, hình vẽ, chữ tượng hình Ai Cập cổ đại. Khu vực sân lớn của Thư viện có một phần di tích Đại Thư viện cổ được khai quật và che kính bảo tồn tại chỗ. Chính giữa sân là bức tượng bán thân Alexander Đại đế bằng đá cẩm thạch trắng, lúc nào cũng đông người vây quanh ngắm nhìn và chụp hình.

            Tại Thư viện mới này có khoảng tám triệu cuốn sách, trong đó có nửa triệu sách Pháp Ngữ được nước Pháp tặng. Phòng đọc chính rộng 20.000 mét vuông, tại đó còn có khu vực trưng bày các thiết bị in ấn từ thời xưa. Khu phức hợp gồm một trung tâm hội nghị; thư viện chuyên ngành cho bản đồ, đa phương tiện, dành cho người khiếm thị, cho thanh niên và trẻ em. Ngoài ra còn có bốn bảo tàng, bốn phòng trưng bày nghệ thuật cho các triển lãm tạm thời; 15 phòng triển lãm thường trực; một cung thiên văn; và một phòng thí nghiệm phục hồi bản thảo…  Thư viện hiện đại trở thành một nơi thu hút rất nhiều du khách và người đến học tập, làm việc. Hiện nay Thư viện Alexandria được coi là một Di sản văn hóa mới của thế giới.

***

Thành phố Alexandria sở hữu một hệ thống di sản văn hóa vô cùng đa dạng qua hàng ngàn di tích và phế tích khảo cổ học, phản ánh quá trình lịch sử của Ai Cập nói riêng và văn minh Địa Trung Hải nói chung. Đây còn là nơi gặp gỡ của các tôn giáo lớn, nơi để lại dấu ấn của nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng thời cổ đại.

Nếu tính cả những công trình thời cận đại thì Alexandria còn hàng chục di tích nổi tiếng khác như: Cầu Stanley, Cung điện Montaza, Corniche, Nhà thờ El-Mursi Abul Abbas, Viện Bảo tàng quốc gia và các Bảo tàng khác, các nhà thờ Hồi giáo, Cơ đốc giáo, nhiều trường đại học, trung học… Mỗi công trình mang nét kiến trúc của thời đại mình, nhưng tập hợp tất cả mang lại cho thành phố vẻ đẹp từ truyền thống đến hiện đại không tách rời mà hòa hợp và cùng nâng cao giá trị của nhau. Có lẽ trên thế giới hiếm có thành phố nào mà sự hiện đại của nó lại bắt đầu từ sự hồi sinh nguồn di sản văn hóa, từ hệ thống di tích lịch sử cho đến những thương hiệu và danh tiếng có từ hàng ngàn năm trước, như thành phố Alexandria.

https://nguoidothi.net.vn/alexandria-thanh-pho-hien-dai-tren-nen-di-san-40113.html

 






 

ANH HAI (repost nhân sinh nhật anh)


Nhà có ba anh em, anh là anh Hai, đến chị Ba, và em là Út. Anh em mình cách nhau tròn một giáp. Ngày thơ ấu của em, ba thường xuyên đi công tác vắng, với em anh vừa là anh Hai, vừa là hình bóng của ba…
Má kể, má sinh anh vào những ngày kháng chiến ở Đồng Tháp mười. Mùa mưa nước ngập đồng mênh mang, không có một manh vải làm tã cho anh, ba phải kiếm bao bố đựng gạo về cho má giặt sạch, rồi các cô chú cho vài bộ quần áo cũ, anh được ủ mình trong những mảnh tã lót như thế mà vẫn lớn lên mạnh khỏe, “tròn cui”. Mùa nắng chang chang cháy khô cỏ lát, đất vàng phèn mặn, anh đã biết tự chạy ra hầm khi có máy bay, biết tát nước hầm cho má khi má sinh chị Ba… Không lạ là sau này anh rất thích bài hát “Lên ngàn” của Hoàng Việt, vì nó gợi nhớ nơi mà tuổi thơ của anh đã trải qua.
Ba má tập kết ra Bắc, bà nội bà ngoại năn nỉ má để anh lại hủ hỉ với nội ngoại vì chỉ đi hai năm rồi về thôi mà. Nhưng má thì luôn “mẹ đâu con đấy”, vì vậy mà anh em mình không bị xa cách nhau, nhà mình may mắn không lâm vào một bi kịch không ai muốn có, vì cha mẹ bên này con lại phía bên kia, như nhiều gia đình khác ở miền Nam sau năm 1975.
Những năm anh học trường học sinh miền Nam, thỉnh thoảng hè về thăm nhà, anh hay cõng em ra phố chơi. Thả em xuống đất anh cùng chúng bạn trèo sấu, dính ve. Một lần em lò mò đi xuống đường bị xe đạp xô ngã, mồm miệng sưng vù, anh lo quýnh quáng, ko phải vì sợ ba má rầy la mà vì thương em bị đau… Lớn hơn một chút, mỗi lần thấy bóng anh từ đầu ngõ, em chạy ra “anh Hai, em ko đi đất đâu, em đi dép rồi nè” và chìa bàn chân đen thui ra khoe! Anh nạt: đi vào rửa chân ngay, em phụng phịu: người ta rửa chân hôm qua rồi mà…
Ngày em đi sơ tán, anh đạp xe lên thăm em trong những ngày gió mùa đông bắc mưa dầm lạnh buốt, mua cho em từng trái cà chua hồng từng cái bánh khoai sọ, dỗ dành em đừng khóc mà nước mắt anh chảy dài khi quay về…
Anh Hai đi bộ đội từ năm 1968 khi anh đang làm việc tại Đoạn đầu máy xe lửa Hà Nội. Ngày anh nhập ngũ Hà Nội mưa to lắm, ga Hàng Cỏ ngập nước mênh mông. Em thì khóc òa khi con tàu đưa anh đi từ từ chuyển bánh, má vẫn cười nhìn theo anh nhưng tối về má lặng lẽ khóc… Nước mắt má cứ âm thầm như thế cho đến khi anh bình yên trở về…
Anh vào chiến trường trở thành lính binh trạm sửa xe ở miền Tây Quảng Bình. Tuyển đường anh thường xuyên đi lại là Quảng Bình - Quảng Trị, có khi vào đến Tây Nguyên, rồi tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào. Trong thời gian này ba cũng dẫn đoàn văn công đi chiến trường. Một lần trên đường hành quân anh và ba tình cờ gặp nhau. Trong đêm tối mịt mùng, đoàn xe đi ào ào... hai chiếc xe đi ngược chiều nhau vậy mà linh cảm thế nào hai cha con nhận ra nhau, chỉ kịp gọi; Ba ơi – con Bửu... rồi đi tiếp. Sau chuyến đó sư trưởng Hoàng Đan biết chuyện đã bố trí cho ba đến binh trạm thăm anh một ngày.
Sau chiến dịch anh bị sốt rét nặng, được ra Hà Nội nghỉ phép và dưỡng bệnh. Ngày phép được hai tuần thì đi về đã mất một tuần. Ở nhà một tuần anh đi xếp hàng mua gạo cùi dầu thay em gái, hàng ngay chở má đi làm rồi anh lấy xe đạp đi thăm bạn bè, thầy cô giáo… À anh còn đi họp phụ huynh cho em, sau bạn em cứ khen mãi: sao bố Hậu trẻ thế 🙂
Hết 1 tuần anh quay về đơn vị, em gái níu ba lô, anh quay lại nói: lần sau anh về sẽ mang phong lan rừng cho Út nhé . Không, em không cần phong lan, em chỉ muốn anh Hai ở nhà. Anh Hai quay đi rưng rưng.
Năm ngoái mình có dịp quay lại Quảng Trị, đến những nơi mình được nghe ba và anh Hai kể lại nhiều lần: đường 9 Nam Lào, sân bay Tà Cơn, Làng Vây… những nơi ba và anh Hai từng đến, từng qua... Ba và anh Hai đã đi xa mấy chục năm rồi, vậy mà với mình chỉ mới như hôm qua...
Hình: Ba anh em ở HN, 1973



TRONG MIỀN CHỮ GIỮ NIỀM THƯƠNG

 (Điểm sách THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA)

Tôi đọc “Thương những miền qua” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) của TS. khảo cổ Nguyễn Thị Hậu vào những ngày Sài Gòn mưa dầu dãi. Mưa đem đến một không gian đủ phiêu bồng để tôi thả trôi cảm xúc theo từng miền thương của Nguyễn Thị Hậu. Văn đàn và giới khảo cổ đều quen cái biệt danh “Hậu khảo cổ” của chị. Ít ai gặp chị mà gọi rõ họ tên. Giữa những lần ngược xuôi cho các chuyến công tác khảo cổ, nữ tiến sĩ lại tẩn mẩn ghi chép rất nhiều cảm xúc của mình ở mọi vùng miền chị đi qua. Và lần này là “Thương những miền qua”, tập tạp bút còn nóng hổi mới ra mắt từ đầu tháng sáu.
Tập tạp bút đầy đặn với 250 trang và 36 bài viết là những xúc cảm của chị khi đôi chân phiêu bạt qua những vùng miền đong đầy những luyến thương. Nguyễn Thị Hậu quê gốc miền Tây. Nhà nội ở làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang. Nhà ngoại ở bến đò Mỹ Hiệp qua làng Hòa An, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Bên này là nội, bên kia là ngoại, cách một nhánh sông Tiền. Nên dẫu sinh ra ở Hà Nội, cái chất phù sa thấm dạ và châu thổ quyện cuộn vào lòng, vẫn miên mải trong tâm khảm của Nguyễn Thị Hậu. Chín nhánh sông cứ vậy mà mang nhiều da diết trên trang viết của chị. Có lẽ vậy mà dù đi qua biết bao vùng lạ, biết bao miền xa, và giờ sống ở đô thị nắng ấm phương Nam nhưng câu chữ của chị vẫn mang sự hồn hậu của người miền Tây.
Có thể thấy điều này ngay cách chị đặt bài viết “Quê tôi ở miền Tây” đầu tiên trong tập sách. Đó chính một tình yêu cội nguồn mà bất cứ ai cũng thao thiết trong lòng mình. Mượn câu chữ như sự giải bày, Nguyễn Thị Hậu kể lại cuộc đời mình từ gốc tích nội, ngoại và cha mẹ với những tháng ngày tập kết ra Bắc. Nếp nhà với những phong cách sống rặt miền Tây vẫn được cha mẹ lưu giữ qua từng món ăn, từng ngày lễ Tết, cả cách dạy dỗ con cái. Dằng dặc 21 năm trời vọng cố hương, thương xứ mình nuôi nấng trong lòng chị những âm ba dạt dào ký ức. Bây giờ bước đời mỏi gót điêu linh miên viễn bao nơi, thì ngày về lại xứ quê vẫn cứ trĩu trịt tấc lòng: “Mỗi lần về quê lại thấy thương quê mình hơn, lại được đón nhận những chân thành và tình nghĩa, được tiếp thêm sự lạc quan và năng động của người miền Tây. Quê hương đâu chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi ta biết rằng trái tim mình đã thuộc về nơi đó…”.
Bằng giọng văn rủ rỉ rù rì, bằng những câu chữ mộc mạc, hầu hết các tạp bút trong tập sách đều nhẹ nhàng chuyển tải một câu chuyện rất đỗi chân phương và đậm đà tấm tình. Tấm tình của một người đã đi qua dâu bể gieo neo cuộc đời, ngoái lại nhìn quãng đường xưa xa thì nghe cũ càng dậy lên một niềm thương tưởng. Tỷ như chị gói ghém nhớ nhung ấy vào những thứ rất bình dị mà bật lên một vùng trời ký ức. Nhớ những táu lá chuối và cái Tết xa quê của hồi còn ở thủ đô với tục gói bánh tét. Nhớ mùa vịt chạy đồng của lưu dân khai phá châu thổ Cửu Long mỗi bận nước nổi. Nhớ những chuyến phà dọc ngang các con sông của đồng bưng chín nhánh. Nhớ để thấy thao thiết khi miền Tây giờ không còn những chuyến phà, ít lắm mùa vịt chạy đồng và càng ít hơn nữa những người gói bánh tét. Cầu nối những bờ vui, vịt nuôi giờ theo phương thức công nghiệp, hay bánh tét giờ chợ, siêu thị gói sẵn bán đầy.
Tất cả sự hiện đại hóa ấy khiến những nét đẹp bình dị của châu thổ mai một, sợ ngày nào đó, đám cháu con lại ngơ ngác hỏi nhau thế nào là phà, chẳng biết mùa vịt chạy đồng, hay càng không thể hiểu được hồn Tết đôi khi gói gọn trong đòn bánh tét. Sự thay đổi nào của thế thời cũng ít nhiều khiến mất đi vài nét đẹp văn hóa đời sống. Dẫu biết là tất yếu, nhưng ký ức đôi khi vẫn rưng rức về điều quá vãng.
Với 36 tạp bút, Nguyễn Thị Hậu không chỉ kể chuyện hồn quê bản xứ mà như một tập du ký sống động với nhiều bài viết về các vùng miền, mảnh đất chị từng đi, từng đến, từng qua và từng lưu lại một khoảng thời nào đó. Độc giả hiểu thêm từng niềm thương đắng đót qua loạt tác phẩm như Cây cầu tình yêu ở Sài Gòn, “Bia con cọp” – một biểu tượng của Sài Gòn xưa, Dòng sông mang tên thành phố, Hà Nội trong tôi, Di sản Hà Nội trong ngày hôm nay, Một dòng xanh tuyệt vời của Huế, Ấn Độ vùng đất quyến rũ và đầy sức sống, Notre-Dame de Paris nơi dừng chân của ký ức, Lâu đài Amboise và danh họa Leonardo da Vinci…
Ở những miền thương đó, chị luôn trắc ẩn cho những điều cơ hồ đã phôi pha, nhưng qua ngòi bút của chị lại vọng về một cách luyến nhớ, tất cả cứ như từng cơn sóng cảm xúc cuộn lên và dâng tràn vỗ về lòng dạ người đọc những suy niệm. Có những thứ thời gian chẳng thể nào xóa nhòa, bởi nó đã in hằn thành một vùng trời ký ức trong tâm trí của chúng ta. Nhưng, cho dù là bất cứ nơi đâu, vẫn thấy nữ tiến sĩ luôn đau đáu lòng mình trước biến thiên thời cuộc, trước thay đổi nhân tình thế thái, và chị luôn lan tỏa một thông điệp trong miền chữ về sự nảy mầm của lòng nhân ái, bởi nó được vun trồng từ chính trái tim nhân hậu của con người.

Lịch sử từ và ngoài bảo tàng: Trận chiến “Battle of little bighorn”

 


1. Bộ phim “Battle of little bighorn” chiếu trên kênh National Geographic kể về việc tìm hiểu một sự kiện lịch sử nước Mỹ, từ những gì có trong bảo tàng và cả những gì đang lưu giữ ngoài bảo tàng: ký ức, lễ hội phục dựng sự kiện, về cá nhân những người lãnh đạo sự kiện ấy và hậu duệ của họ, những nguyên nhân sâu xa, những sự việc tưởng không liên quan trực tiếp đến sự kiện.

Trận chiến Little Bighorn là một cuộc giao tranh vũ trang giữa các lực lượng phối hợp của người Lakota Sioux và các bộ lạc Arapaho và Trung đoàn Kỵ binh số 7 của Quân đội Hoa Kỳ. Trận chiến dẫn đến sự thất bại của lực lượng Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 25–26 tháng 6 năm 1876, dọc theo Sông Little Bighorntrong Khu dành riêng cho người da đỏ Crow ở đông nam Lãnh thổ Montana. Cuộc chiến là một chiến thắng áp đảo cho Lakota, Bắc Cheyenne và Arapaho, do một số Thủ lĩnh như Crazy Horse và Chief Gall lãnh đạo. Kỵ binh số 7 của Hoa Kỳ, một lực lượng gồm 700 người, do George Armstrong Custer chỉ huy đã thất bại nặng nề và Custer bị giết.

Trong những thập kỷ sau đó, Custer và quân đội của ông luôn được coi là những nhân vật anh hùng trong lịch sử Hoa Kỳ. Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Little Bighorn vinh danh những người đã chiến đấu ở cả hai phía. Tuy nhiên cho đến ngày nay trận chiến này và đặc biệt là hành động của Custer, vẫn được các nhà sử học nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thất bại của quân đội Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của vị chỉ huy “chưa từng thua trận” George Armstrong Custer. Những gì được ghi chép, được trở thành “truyền thuyết”, kể cả những gì hiện diện trong bảo tàng, ở nơi tưởng niệm… liệu có phải là sự thật? hay sự thật là bao nhiêu phần trăm từ những gì hiện nay người ta biết về trận chiến này?

2. Đầu tiên “nhà sử học” - cũng là “người dẫn chuyện” - đi theo những ghi chép lịch sử như đã nêu vắn tắt ở trên. Không thỏa mãn vì không tìm ra nguyên nhân giải thích một cách hợp lý thất bại to lớn và “kỳ lạ” của quân đội Hoa kỳ, nhà sử học tìm hiểu/tiếp cận từ những hướng khác. Đầu tiên ông đến di tích “chiến trường” xưa. Nơi này được bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan, trở thành một địa điểm kỷ niệm với tượng đài và lễ hội liên quan, thu hút rất đông khách tham quan hàng năm. Vào ngày kỷ niệm trận chiến diễn ra nhà sử học đã tham gia vào Lễ hội phục dựng lại trận chiến ngay tại đây. Đây là lễ hội được cộng đồng cư dân địa phương sáng tạo và duy trì từ rất lâu, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ vị chỉ huy tài danh George Armstrong Custer.

Tại lễ hội, người ta sử dụng quân trang quân dụng được phục chế đúng như hiện vật trong bảo tàng, phục dựng một phần trình chuẩn bị cho trận chiến để làm tăng “cảm thức xác thực” của người tham gia và tham dự sự kiện. Từ phía đội quân người Crow, cũng theo lễ hội được phục dựng, họ tổ chức một truyền thống nghi lễ lâu đời được gọi là Vũ điệu Mặt trời là sự kiện tôn giáo quan trọng nhất trong năm nhằm tiếp nhận những gì Thần linh báo trước.

Tiếp đến, nhà sử học tìm hiểu về bản thân George Armstrong Custer từ những gì lưu trữ trong bảo tàng. Ông nhận thấy đó là một có tính cách mạnh mẽ, vị chỉ huy quân đội tài giỏi, quyết đoán, nhưng cũng kiêu ngạo và coi thường ý kiến của người khác. Rồi nhà sử học tìm hiểu về Thủ lĩnh của người Crow qua hậu duệ của ông, tìm hiểu về những gì diễn ra trong khu làng ấy khi trận chiến diễn ra và sau đó nữa.

Từ tất cả những hướng tiếp cận đó, nhà sử học tìm ra nguyên nhân thật sự của cuộc tấn công, lý giải nguyên nhân thất bại thảm hại của quân đội Custer, lý giải tâm lý tôn sùng ông từ đó đến mãi về sau, tìm hiểu cả việc cộng đồng người Crow sau đó tan rã nhanh chóng thế nào… Sự thật được “phục dựng” từ nhiều góc độ, chân dung các nhân vật lịch sử góp phần làm sáng tỏ các hành động, hành vi của họ đã tác động và dẫn đến kết quả cuộc chiến.

Mỏ vàng lớn và vùng đất giàu tài nguyên của cộng đồng người bản địa là cái đích mà quân đội Hoa kỳ lúc đó nhắm đến. Sự kháng cự của cộng đồng bản địa làm tăng quyết tâm tiêu diệt toàn bộ “làng Crow” của Custer làm ông bỏ qua những tin tức bất lợi từ trinh sát hay khuyến cáo chờ quân tiếp viện của một số sĩ quan dưới quyền. Về phía cộng đồng bản địa, do luôn cảnh giác và được rèn luyện thường xuyên nên họ không bị bất ngờ trước cuộc tấn công, đồng thời họ cũng có quyết tâm giữ lại đất đai ngàn đời của mình. Tuy nhiên họ đã giết hết đối thủ và cướp đi rất nhiều chiến lợi phẩm, điều đó làm “trái lời thần linh” nên dẫn đến hậu quả là không lâu sau đó, hầu hết người bản địa đã bị đưa vào những “khu bảo tồn người da đỏ” và mất hết đất đai.

Tìm ra nguyên nhân hay lý giải một sự kiện lịch sử chưa đủ, mà còn cần nhận biết “di sản” nó để lại. Như nhà sử học kết thúc bộ phim của mình: đó là “sự va chạm của hai nền văn hóa” và kết quả là “một bên thua trận và bên còn lại mất hết”.

3. Tham khảo thêm từ Vikipedia: Địa điểm diễn ra trận chiến lần đầu tiên được bảo tồn như một nghĩa trang quốc gia của Hoa Kỳ vào năm 1879 để bảo vệ các ngôi mộ của những người lính Kỵ binh số 7. Năm 1946, nó được chỉ định lại là Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Custer, phản ánh sự tôn sùng Custer. Từ đầu những năm 1970, Công viên Quốc gia này lo ngại về cái tên Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Custer không phản ánh đầy đủ lịch sử lớn hơn của trận chiến giữa hai nền văn hóa. Các phiên điều trần về việc đổi tên được tổ chức tại Billings vào ngày 10 tháng 6 năm 1991 và trong những tháng tiếp theo, Quốc hội đã đổi tên địa điểm này thành Đài tưởng niệm Quốc gia Chiến trường Little Bighorn .

Gần 100 năm sau, ý tưởng về ý nghĩa của trận chiến đã trở nên bao quát hơn. Chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận rằng sự hy sinh của người Mỹ bản địa cũng xứng đáng được công nhận tại địa điểm này. Dự luật năm 1991 đổi tên đài tưởng niệm quốc gia cũng cho phép xây dựng Đài tưởng niệm người da đỏ gần Đồi Last Stand để vinh danh các chiến binh Lakota và Cheyenne. Vào Ngày Tưởng niệm năm 1999, sau khi tham khảo ý kiến ​​của các đại diện bộ lạc, Hoa Kỳ đã bổ sung hai điểm đánh dấu bằng đá granit đỏ trên chiến trường để ghi nhận nơi các chiến binh người Mỹ bản địa ngã xuống.

4. Sự hành xử của chính quyền/nhà nước/cộng đồng người mới đến một vùng, khu vực, lãnh thổ, nơi đã có những cộng đồng bản địa cư trú lâu đời, có truyền thống lịch sử và văn hóa khác biệt…  luôn để lại những bài học đắt giá! Lịch sử là những sự kiện đã diễn ra nhưng bài học của nó không bao giờ là “quá khứ”. Không thể “làm lại lịch sử” nhưng có thể nhận thức và ứng xử với quá khứ một cách khách quan, bằng cách tìm hiểu, lý giải, trưng bày, phục dựng, kỷ niệm sự kiện, lưu giữ ký ức…  không định kiến dân tộc đa số/thiểu số, không mặc cảm bên thắng cuộc/ bên thua cuộc, công bằng và nhân văn thì sẽ hòa giải, hòa hợp và thật sự đoàn kết!

2.7.2023

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...