Vụn vặt đời thường (20)

@ Mềnh chả quan tâm đến 97 hay 98 phần chăm, vì đã biết trước, thậm chí còn đoán được cả chăm phần chăm! Mềnh đội mưa, xông vào đám kẹt xe giờ tan tầm, về nhà nấu canh sườn non với sấu, susu xào thịt, trứng hấp nấm rơm, cơm nóng, mời cả nhà.
Nói chung mềnh tầm thường thế thôi, mặc dù trước đó ngồi cà phê với 2 giai trẻ và bị cả 2 giai mắng vì cái tội còn biết *đau* khi biết cái tỷ lệ chết tiệt ở trên 

Xin chia sẻ với 2 ĐBQH đã không bấm nút hôm qua, vì 2 bác đang bị cả 2 bên soi mói: bên đa số bấm nút đã đành, mà bên "ngoài lề" cũng mỉa mai chỉ trích chửi bới... Mình cũng biết là khi người ta không còn niềm tin thì dù một mảy may tốt đẹp người ta cũng nghi ngờ! Nhưng cái tốt sẽ chẳng bao giờ trở thành số đông vì những thái độ như thế đấy, làm tốt làm quái gì, đằng nào cũng bị chửi thì thà lẩn vào số đông xấu xí còn hơn!
Cái tâm lý "xấu đều hơn tốt lỏi" thật kinh khủng, không chỉ ở phía xấu mà còn cả ở phía tự nhận mình là "tốt"!

Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, "trở thành chính mình". Nhưng xã hội quân chủ - nông dân - nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều "khuyết tật trong cấu trúc" - nói theo các nhà khoa học hôm nay: 

Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm "con hơn cha là nhà có
phúc" mà vẫn không thích "ngựa non háu đá", "trứng khôn hơn vịt".

Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu
dưới, "miếng giữa làng hơn sàng xó bếp".

Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích "nghênh ngang một cõi",
gặp dịp là sẵn sàng "rạch đôi sơn hà".

Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng "chờđược vạ má đã sưng", nên chỉ cứng đầu thì dại, "khôn ngoan" nhất là "luồn cúi" và trí thức "lớn" thì cũng tự an ủi "gặp thời thế thế thời phải thế". Vì ngoài thì "bế môn toả cảng", trong thì "chuyên quyền độc đoán",
cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược.

Thế giới giờđây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. "Nỗi ám ảnh của Quá khứ" vẫn còn đè nặng.

(trang cuối, sách của Thầy)



Vụn vặt đời thường (19) - Ở Hội thảo

@ "Nhà nước, ví dụ, đầu tư 20 tỷ cho 20 nhà văn từ Bắc chí Nam, đảm bảo sẽ có 20 tác phẩm tuyệt vời" - Hic, mềnh lại sợ 20 tỷ ấy (thậm chí ít hơn) cũng đủ làm nên một trận chiến ác liệt từ Nam chí Bắc :)

Thời Internet mà cứ kêu ca không có tự do sáng tác văn học! Cứ viết đi, cho tác phẩm bơi trên Mạng, biết bơi và bơi giỏi sẽ đến được bờ là sự đánh giá cao của bạn đọc. Từ sách mạng đến sách in mấy hồi? Chỉ sợ không biết bơi, bơi kém nên cứ đứng đó mà kêu sóng to sông rộng, mà kêu không ai cho thuyền để qua sông mà thôi :)

Đồng ý, có thể "đầu tư" cho sáng tác. Nhưng nếu không có tác phẩm HAY thì có phải trả lại tiền ko, vì đó là tiền thuế của dân đấy! Hay là, như một "sáng kiến" hồi trước của ông bộ trưởng bộ GD&ĐT "ghi vào thẻ sinh viên nếu còn nợ tiền ngân hàng (mà SV vay để đóng học phí)" - GHI VÀO THẺ NHÀ VĂN NẾU NHẬN TIỀN ĐẦU TƯ MÀ KHÔNG CÓ TÁC PHẨM XỨNG ĐÁNG?!

@ Nhà văn nào cũng được giới thiệu là “đang sung sức”, không biết làm sao biết được là sung sức hay không nhỉ, hay cần phải đánh nhau? Mà nhà văn đánh nhau chắc không phải bằng sức mà phải bằng bút. Vậy thì phải nói là “nhà văn sung bút” mới đúng :D

 Những lợi ích của FB là đi họp ko dám ngủ gật, moị họat động đều được “bạch hóa”. Đề nghị phổ biến lợi ích này cho các ĐBQH 


@ Tại nơi họp mà có mạng thì thời gian trôi nhanh như khi lướt FB vậy 

 Diễn giả hùng hồn: “Có nhà văn mới tuổi thanh xuân đã có tác phẩm đỉnh cao, còn nhạc sĩ thì các đ/c biết đấy, có nhạc sĩ tuổi thơ đã đạt tới đỉnh”
Nghe đến đây nhớ lại các anh xe ôm ở chân núi Cấm (An Giang) nhiệt tình chào mời: lên tới đỉnh chỉ 20 ngàn thôi cô Hai! – Thiệt không? – Dạ thiệt, ngày nào tui cũng đưa vài chục người lên đỉnh mà! 
Hèn gì mà trông anh xe ôm ốm thế 

"Lực lượng người viết thời chống Pháp đã đi gần hết, lực lượng thời chống Mỹ bắt đầu thưa thớt..." 
- Sao chẳng thấy nói đến lực lượng nhà văn thời chống Tàu nhỉ? 
- Còn bây giờ là lực lượng nhà văn thời chống nhau!
 

LINH TINH LANG TANG (65) Với con gái



Ăn cơm xong con gái nói: về thăm ngoại đi mẹ, chủ nhật mẹ đi công tác nên mình chưa về. Ừ, nhưng đứa nào chở mẹ nhé, mẹ bị cảm, đau người quá. – Để con chở mẹ đi, cô Út hăng hái nói, lúc về chị chở mẹ, cho công bằng 

Nói chung từ khi biết đi xe máy ít khi tui ngồi phía sau, toàn tự đi hoặc chở người khác: đưa đón con đi học, đi chơi, chở bạn, chở chị, chở má… Cảm giác tự chạy xe thấy yên tâm hơn, vì đường xá xe cộ đông đúc, mà tui thì có tới gần 40 năm chạy xe chưa bị tai nạn bao giờ, trừ vài lần đụng xe lặt vặt. Ngồi phía sau xe ai cũng… sợ, mà thật ra thì cũng chẳng có ai đủ tin tưởng để tui có thể luôn ngồi sau xe 

Ngồi sau xe con gái có một cảm giác thật lạ lùng. Nhớ mới ngày nào chở hai con đứa trước đứa sau, khi ngủ gục ngật ngưỡng, khi mưa lớn áo mưa nhỏ che không hết 3 mẹ con. Ròng rã cả chục năm như thế, trên chiếc xe máy ba mẹ con nói đủ thứ chuyện trong những giờ đưa đón con đi học chính học phụ, học đàn học bóng chuyền… Rồi đi về ngoại đi chơi, lúc nào cũng ba mẹ con trên 1 chiếc xe Honda.

Một lần, hình như gái lớn học lớp 12 gái nhỏ lớp 10, ba mẹ con 3 cái quần jeans 3 cái áo thun, vừa chạy xe ngoài đường vừa trò chuyện vui vẻ. Bỗng có tiếng nói bên cạnh: Sao chở 3 thế em ơi, không sợ công an à? Tui nhìn sang: 2 câu thanh niên chạy xe bên cạnh nhìn tui và giật mình lỏn lẻn cười! Haha, biết ngay mà, nhìn phía sau là nhầm má với em rồi 

Lần khác, vừa từ nhà bà ngoại ra tới ngã ba thì bị chú công an thổi còi. Tui dừng xe giả bộ ngơ ngác: việc gì thế hả chú? - Chị cho xem giấy tờ xe? – Chị đưa hai “cháu” đi mua sách vở nên không mang giấy tờ, thông cảm cho chị. – Chị nhìn lại đi ạ, hai cháu của chị… cao hơn cả chị rồi đấy! Chú công an trẻ tủm tỉm cười nói, còn hai cô con gái thì quay mặt ngó lơ…
Sau lần ấy hai con dứt khoát không để mẹ chở 3 nữa, đi đâu thì tự đi xe và… chở nhau. Mẹ buồn mất mấy ngày 

Rồi cũng quen… Bây giờ thì đến lúc con chở mẹ rồi đấy. Thế nhưng hai nàng vẫn nói: thích ngồi sau mẹ, ôm eo mẹ mềm mềm ấm ấm… Chắc là an ủi cho “mèo rà” khỏi buồn đây mà 

Vụn vặt đời thường (18) - về quê


@ Về quê chơi hoài ko sao, về quê tham gia các hội đồng khoa học xét duyệt nghiệm thu đề tài cũng không sao. Bữa nay về quê "giảng bài", sợ từ mấy bữa trước. Sợ bị la "dân Cao Lãnh sao nói tiếng gì hổng phải tiếng Việt mình?". Và quả nhiên, HIC 

@ Ngay cạnh hội trường lớp học có cái đám cưới chơi toàn nhạc Bolero từ đầu tới tàn đám.  Quả thật, Bolero là loại nhạc quen thuộc của người miền Tây, Và điều này chẳng sao cả, nếu ko muốn nói là rất hay. Vì trải qua bao nhiêu năm miền Tây vẫn giữ được chất "sến" rất đáng yêu, hệt như đã giữ được chất "bi" trong bản vọng cổ vậy (trong những năm kháng chiến chống Pháp đã có lúc vọng cổ bị cấm vì cho rằng nó ảo não, bi luỵ)

@ Dọc đường miền Tây có nhiều quán Karaoke. Mình cứ thắc mắc: có quán Karaoke nào có tên là Bàn Tay Vàng không nhỉ 

@ Hồi còn ở KTX trên Thủ Đức, có lần mấy đứa ăn trộm được quả mít. Trên đường vác quả mít về định khao cả lớp bỗng bị một con bò đuổi theo. Cả đám chạy trối chết. Vào đến lớp rồi mà con bò vẫn xông vào tận bảng đen. Thầy giáo giận quá, nói: các anh chị ko muốn học thì nói, tại sao lùa bò vào phá giờ dạy của tôi. Xong Thầy bỏ lớp ra về.
Oan quá mà không biết giải thích với Thầy thế nào, vì mãi về sau mới biết là bò thích ăn... sơ mít, ngửi thấy mùi mít chín bèn đi theo. Cả bọn lại tưởng nó đuổi nên càng chạy càng bị đuổi thật 
Đấy, 3 nàng có "tiền sử" văn khoa gặp nhau ở Cao Lãnh kể lại chuyện như thế... 30 năm rồi mà vẫn như mấy con ngố ngày xưa :)


@ Tin cuối ngày, đáng lẽ chán chả buồn nói nhưng vẫn phải nói: Các Hoa hậu quý bà (cũ và mới) nhầm tên nước là Vietnem có lẽ là vì luôn tâm niệm câu thành ngữ "ông ăn chả bà ăn NEM".



Vụn vặt đời thường (17)

SÁNG.
@ "Sáng nay cà phê một mình, Sài Gòn chợt mưa chợt mưa..." 

Bạn à, dãy phố chợ Tân Định bắt đầu bày bán đồ trang trí Noel rồi đấy, một năm lại sắp hết...

TRƯA

@Thiệt thòi rất lớn cho nghiên cứu khoa học.

Bất cứ tư liệu, sách vở cổ quý hiếm nào đều được coi là di sản văn hóa. Không đâu hiểu giá trị và phát huy giá trị những di sản văn hóa đó bằng cộng đồng dân cư tại đất nước đã sáng tạo và lưu giữ lâu đời. Việc “chảy máu” tư liệu sách cổ quý hiếm ra nước ngoài cho thấy hai vấn đề: 1. Nguồn tài liệu sách cổ này chưa được chúng ta quan tâm sưu tầm, bảo quản và gìn giữ đúng mức, xứng với giá trị của chúng. 2. Khi nguồn tài liệu này đã ra đi thì giới nghiên cứu trong nước rất khó có điều kiện để tiếp cận, khai thác. Thiệt thòi rất lớn cho nghiên cứu khoa học.

Nhiều quốc gia khác có truyền thống lưu giữ những tài liệu sách vở quý. Các thư viện, trung tâm lưu trữ được ưu tiên sưu tầm những tài liệu và sách cổ. Thư viện nhà nước và các trung tâm lưu trữ thường xuyên được chuyển giao những tài liệu, hiện vật có giá trị để lưu giữ, nhất là nguồn tài liệu, tư liệu của các cơ quan công quyền. Việc lưu giữ như vậy thể hiện trách nhiệm đối với tương lai vì đây là những tài liệu gốc phục vụ nghiên cứu lịch sử nói riêng và nhiều việc khác, bởi cả xã hội đều hiểu: “Tri thức càng chia cho nhiều người thì giá trị của nó càng được nhân lên nhiều lần”.

Hiện có tình trạng những tài liệu gốc đã rời khỏi nhà sưu tập hay đi khỏi nước ta thì hầu như không còn cơ hội quay về! Đặc biệt, tài liệu gốc của một sự kiện, một nhân vật lịch sử của thời cận, hiện đại thường không có nhiều bản, hoặc được gia đình lưu giữ, hoặc do cơ quan công quyền lưu trữ. Khi còn trong nước đã hiếm người được tiếp cận, nghiên cứu nên nhiều vấn đề lịch sử chậm được giải mã, thậm chí có khi không bao giờ được đề cập do không có tài liệu gốc để nghiên cứu, minh chứng tính chất, nguyên nhân, hậu quả... Do đó, lịch sử được viết lại sẽ khó đảm bảo tính trung thực khách quan. Ngoài ra, nếu tài liệu gốc, nhất là tài liệu lịch sử, sau một thời gian nhất định không được công bố chính thức (như ở nhiều nước đã có luật quy định điều này, tối đa là 50 năm) thì rất có thể sẽ có những tài liệu giả được lập ra vì một mục đích nào đó.

(ý kiến nhỏ của HKC trên báo Tuổi Trẻ hôm nay 21/11/2013)


CHIỀU

@ VIẾT CHO MÙA ĐÔNG

Một mùa đông và một mùa xuân đã qua, ta cũng đã xa nhau ngần ấy ngày thương nhớ. Nhưng với em sự bận tâm về Anh vẫn làm em bỡ ngỡ… dường như em chưa thật quen rằng mình đã có nhau…

Có nhau trong ý nghĩ trong những lúc cô đơn, trong những khi ta quá mỏi mòn vì cuộc sống. Có nhau từ khi em và anh còn là mảnh xương sườn lạc rơi đâu đó… và vẫn sẽ có nhau dù chẳng bao giờ ta được ở bên nhau…

Ngày lại ngày nào em có buồn trách chi đâu, khi anh đi bên em với trái tim e dè vết thương ngày cũ… Được không anh, hãy quên đi những gì nhức nhối, để em được ngồi lại bên bờ vai anh, trìu mến, diụ dàng…

Mùa Hạ nồng nàn, mùa Hạ đắm say… rồi cũng sẽ qua mau. Và cúc vàng theo nỗi nhớ về bên em day dứt. Dường như chưa bao giờ em được biết về mùa Thu và Hoa Sữa, nên Hà Nội và Anh mãi là của riêng em, đắm đuối trời xanh…

(Post lại vì một lời nhắn: Hà Nội đón Đông rồi, và luôn chờ đón bạn)


TỐI
@ gồi với mấy anh/ông/ em bạn rất thú vị: uống vào các lão cũng nói nhiều phết - ko nói nhiều thì phí rượu à  Rồi đột nhiên ngừng lại, nhìn mình: nhậu mà có một bà cứ tỉnh như không, chán chết! - Lần sau đừng kêu tui nha? - Sao ko kêu, ko có bà ai ngồi nghe tui nói? Ở nhà tui phải nghe ko à  
Haha, tui khoái ngồi nghe, vì những lúc ấy bạn thường nói thật, và bất ngờ thấy những điều rất dễ thương của bạn. Thi thoảng đá 1 câu, chọc bạn một câu, thế là lại được nghe. Nói chung cũng toàn chuyện trên trời dưới đất, nhưng mà tui biết, không phải lúc nào cũng có thể thoải mái tào lao như vậy, nhỉ 

Vụn vặt đời thường (16)

@ Một cuộc trò chuyện về sách để biết thêm nhiều người yêu sách điên dại, những kho báu vẫn còn ở đâu đó, những kho báu đã tan tác... Và (gần như) thưởng lệ, lại có một em "phát biểu": ơ thế chị còn hơn cả tuổi mẹ vợ em à :)

@Gà trống đuổi theo gà mái. Gà mái nghĩ thầm: mình chạy thế này ko bíết có nhanh ko nhỉ? Gà trống cũng nghĩ: đuổi kịp thì tốt, bằng ko thì như tập thể dục vậy.
Này, có khi nào chúng ta cũng nghĩ như anh chị gà này không nhỉ :D

@- Cậu biết xem tử vi à, xem cho tớ đi?
- Cậu xem làm quái gì, qua gần hết đời rồi còn hy vọng gì nữa.
- Qua là qua thế nào? tớ sẽ quay lại chứ, nếu tử vi nói thế!

@  Bạn dọn nhà, lụi hụi 2 mẹ con mấy ngày trời. Hỏi còn gì chưa chuyển được không? Bạn bảo, còn một thứ mà chả ai chuyển được. - Đồ đạc gì thế, cồng kềnh lắm à? - Không, chỉ có 1m60 và 50kg thôi.
Thương bạn thắt lòng, bao năm rồi... 

Chú em "sai bảo" mềnh xong nịnh một câu "chị yên tâm, chị nhỏ tuổi hơn mẹ vợ em nhiều". - Ừ nhưng chị là đồng hương với mẹ vợ em! - Oái, thế vẫn ko thoát được chị ả? - Chứ gì, đứa nào nói: biết chị là con gái Cao Lãnh thì chắc em ko dám quen vợ em 

Này, chú nào là rể Cao Lãnh thì vào nhận hàng nhá :D

@ Một tín đồ chở một thầy tu đi trên đường thiên lý. Đến ngã ba, một con đường đi đến niết bàn, con đường kia đi về địa ngục. Tín đồ hỏi: Thưa Thầy chúng ta đi theo đường nào? Thày tu suy nghĩ rồi trả lời: con để ta xuống đây, còn con đi đâu thì... tùy!
@ Có một cách để sức khỏe tốt hơn, ngoài ăn chay hay nhịn ăn một vài ngày, là nhịn nói - "tuyệt ngôn" vài ngày


@Thầy đi khám sức khỏe. Bác sĩ bảo bị mỡ trong máu. Thầy nói: bác sĩ ghi là dầu chứ đừng ghi mỡ vì nhà chùa chỉ ăn chay. Đệ tử nói luôn: con đã nói với thầy rồi, bác sĩ bây giờ giỏi lắm, thầy ăn gì là khám biết liền 




Vài phim vừa xem (20) - The Lucky One



Trong trận chiến hiểm nghèo, anh lính tình cờ nhặt được tấm hình một cô gái thật dễ thương, sau tấm hình chỉ có vắn tắt tên một thị trấn nhỏ. Anh thoát hiểm vài lần trong gang tấc, và đồng đội nói rằng tấm hình đó đã mang đến may mắn cho anh.

Giải ngũ, theo địa chỉ mơ hồ sau tấm hình anh đi tìm cô gái, chỉ để nói với cô một lời cám ơn.
Thế rồi anh tìm được cô và vì một sự tình cờ mà anh được thuê làm việc trong nhà của cô. Cô sống với bà ngoại, có một con trai nhỏ và li dị chồng. Trong cái thị trấn nhỏ nơi cô sinh sống, mọi người đều biết nhau, biết cô, biết anh chồng cũ là một cảnh sát oai vệ, biết cả anh lính mới đến làm thuê. Cô gái có một người em trai cũng là lính và đã hy sinh.

Tất nhiên, chuyện gì đến thì phải đến. Thế nhưng họ phải vượt qua những gì để có nhau trong đời? “Ai cũng có định mệnh, nhưng không phải ai cũng tuân theo. Tôi may mắn đã tuân theo nó” – Anh lính đã nghĩ như thế. Định mệnh ở đây có thể là tấm hình đã đưa anh đến với cô, nhưng Định mệnh còn là vượt qua mọi thử thách để giành lấy những gì  xứng đáng với mình.

Những con đường dài hun hút vắng lặng, cánh rừng xanh chuyển màu lá vàng khi thu sang, ngôi nhà hàng rào sơn trắng bình yên… Cảnh trong phim tuyệt đẹp, chắc hẳn nhiều người đã từng đi qua, đã từng nhìn thấy, đã từng có cảm giác trái tim thắt lại dịu dàng khi đắm mình trong thiên nhiên đẹp như mơ, đã từng rưng rưng khi nhìn thấy những lứa đôi tay trong tay âu yếm và tin cậy.


 Chỉ có một điều, không biết bạn đã từng may mắn trải qua chưa, đấy là cảm giác hạnh phúc khi có được điều xứng đáng với mình…

Chiều (truyện 100 chữ p.2)



Người đàn ông ngồi trên ghế đá, đọc báo và nói chuyện.
Em à! nước Mỹ loạn quá. Mấy hôm nay có vụ bọn nhóc xả súng giết người. Chẳng biết chúng uất ức gì?
À, đảng dân chủ vừa được ghế thống đốc bang VA, chắc Hillary sẽ ứng cử tổng thống năm 2016, em tha hồ vui.
Trời trở gió rồi, lá rụng đầy. Anh tính dọn vườn nhưng biết em thích nghe tiếng lá lạo xạo nên thôi.
Anh già rồi... sẽ như lá rụng vào mùa đông... Em chờ anh nhé.
Chiều nghĩa trang vắng lặng..

Thông Minh (truyện 100 chữ p.2)



- Mày đừng có mà thông minh quá, đàn bà con gái thông minh chỉ có ế dài thôi đấy.
- Anh nói thế… Sao em nghe người ta nói: đàn ông thông minh chỉ yêu đàn bà thông minh?
- Ai bảo mày thế? Đàn ông chỉ yêu đàn bà thông minh… kém mình thôi.
- Hóa ra đàn bà vẫn hơn đàn ông à?
- Hơn gì?
- Đàn bà thông mình chỉ yêu người thông mình hơn mình!

(truyện 100 chữ)


Vụn vặt đời thường (15)


@ Hàng loạt bài nói về sự lừa đảo của một số "nhà ngoại cảm" ==> MẢNH ĐẤT ÍT NGƯỜI NHIỀU MA

@ Bạn gái than: thằng con giai chiều vợ như chiều vong, thậm chí phải đón ý con vợ mà chiều, sợ nó buồn, dù làm cho bố mẹ phiền lòng. ==> đấy, người trong nhà còn "sợ" nhau đến thế, huống gì cấp dưới sợ cấp trên nên cứ phải đón ý mà làm cho vừa lòng! Có khi PHẢI LÀM QUÁ HƠN MỨC CẦN THIẾT!


@ Gợi ý sát sạt cho một lão bạn mời mềnh ăn trưa, thế mà lão đành đoạn giả nhời là lão vừa làm bát sốt vang rồi. Nhục quá cơ, gái già thì ko có phần (mình đang ở SG còn lão ấy ở HN cả nhà ạ).

@ Ngoài kia có tiếng loa vang vang ai đó đang ca vọng cổ với tiếng đệm của cây guitare phím lõm. Tội nghiệp cho bài vọng cổ giữa đường phố đông người xe chạy ào ào...
(ba mình là dân cải lương nên mình luôn yêu những câu vọng cổ của miền Tây quê mình)


@ Vợ 10 năm tìm ra chứng cứ minh oan cho chồng, vậy mà ra tù lại có nhời cám ơn những đẩu những đâu! Người ta cao bởi vì ta quỳ xuống!  Ko lạ khi mà những người như thế này cứ bị oan khiên! 

 @ Sai Gon dung la "nhi Thien Duong". Quan 3 Mua sap Troi ngap het ca duong nhung quan 2 Ko co mot giot Mua nao.  Sau cơn mưa giời lại hết mưa Mặc dù bị cơn sến hành hạ nhưng iem đã đủ tỉnh táo để đi dạy buổi tối, nhất định ko lây sến cho học trò 

@ Mình chuẩn bị chuyển nghề mở xưởng đóng xuồng "năm quăng" ở TPHCM, một vốn bốn năm lời, có ai muốn chung hem.

“Ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ (lưu tư liệu)

“Ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ (trẻ em). Đề xuất giải pháp tư vấn cho thanh thiếu niên trong việc sử dụng mạng xã hội” 
TS Nguyễn Thị Hậu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

 1. Thời đại thông tin ngày nay đã tạo những điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại – nhất là sự phát triển ngày càng đa dạng của internet, trong đó có các mạng xã hội. Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, mạng xã hội đã cho phép người dùngtiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. Nó giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội . Do chức năng đa dạng và sự gia tăng ngày càng nhanh số lượng thành viên, mạng xã hội đã có tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới của tư duy, lối sống, văn hóa… ở một bộ phận khá lớn những người sử dụng. Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng và hiện đại của mạng xã hội, xu hướng mới của xã hội công nghệ thông tin đã đặt ra những câu hỏi khá lý thú nhưng cũng rất phức tạp về việc quản lý các mạng xã hội ảo như thế nào ? Làm sao để phát huy được mặt tích của loại tổ chức “ảo” phục vụ cho xã hội “thực”, nhất là đối với giới trẻ? 

 2. Đầu tiên có thể nhận thấy những ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống giới trẻ hiện nay, thông qua việc tìm hiểu nhu cầu, mục đích và các hình thức sử dụng mạng xã hội của họ. Mặt tích cực của mạng xã hội, những tiện ích mà nó mang lại cho cộng đồng như sử dụng mạng xã hội trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Những thành viên trong các mạng xã hội liên kết hợp tác với nhau thành các nhóm người có cùng sở thích, cùng sự quan tâm, cùng ý nguyện có thể gặp gỡ, trao đổi trên mạng rồi tiến tới sinh họat offline, nhiều nhóm cộng đồng có tính chất tích cực từ “mạng ảo” đã xuất hiện trong “đời thực” như tổ chức các hoạt động từ thiện nhân những ngày Lễ Tết, giúp đỡ trẻ đường phố, tổ chức những sinh hoạt văn hóa lành mạnh; nhóm các bà mẹ trẻ trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái; nhiều nhóm chia sẻ sở thích du lịch kết hợp việc làm từ thiện ở vùng cao biên giới hẻo lánh; những nhóm quan tâm đến các vấn đề lịch sử văn hoá Việt Nam, lập diễn đàn trao đổi tranh luận, những nhóm tìm về các giá trị văn hoá cổ xưa như đồ cổ sách cũ, chưa kể nhiều nhà văn nhà thơ đã sử dụng mạng xã hội để trực tiếp đưa tác phẩm đến với bạn đọc, qua sự tương tác với bạn đọc để hoàn chỉnh tác phẩm của mình… Nhiều cuộc trao đổi tranh luận quanh các vấn đề chính trị - xã hội cũng đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về nhiều mặt. Nhiều phong trào mang ý nghĩa lớn lao như tuyên truyền về Biển – Đảo Việt Nam cũng thông qua nhiều mạng xã hội để đến với giới trẻ. Đây chính là những tác động tốt mà mạng xã hội mang lại. Mạng xã hội, tuy rất rộng lớn,đa dạng và phức tạp nhưng cũng chính là cái màng lọc mà mỗi thành viên của nó có thể sử dụng để tìm ra những gì phù hợp với sở thích, khả năng, suy nghĩ và hành động của mình. Nó làm cho mỗi người rèn luyện khả năng chọn lựa thông tin, từ đó góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển ý thức xã hội của công dân, bởi vì nó tạo điều kiện cho các thành viên bày tỏ thái độ và hành động vì cộng đồng, qua đókhuyến khíchtinh thần trách nhiệm cá nhân với thái độ và hành động của chính mình.

 Bên cạnh những mặt tích cực thìviệc sử dụng mạng xã hội cũng gây không ít “phiền toái” cho người dùng đặc biệt là những người trẻ, phổ biến nhất là đã làm nảy sinh biểu hiện “nghiện” mạng xã hội ở một số thành viên như tiêu tốn thời gian “lướt mạng” truy cập và tìm kiếm những thông tin vô bổ, thậm chí có hại; chơi game online bất kể giờ giấc và nhiều người sa vào những game bạo lực, khiêu dâm... Mạng xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ khi những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đưa lên mạng để chia sẻ với người thân, bạn bè… nhưng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu, hoặc là người sử dụng mạng xã hội chưa có ý thức, vô trách nhiệm trong việc đưa thông tin xấu lên mạng gây ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của một bộ phận cư dân mạng và dư luận xã hội. Những cá nhân dễ “nổi tiếng” nhờ mạng xã hội nhưng cũng dễ bị mạng xã hội “ném đá”, vùi dập nhân cách, có khi dẫn đến những tai hoạ khôn lường. Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới mạng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm đồng thời là một sức mạnh có thể“hủy diệt”một cá nhân chỉ trong chốc lát. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội.

 3. Chính vì vậy, để có thể quản lý, giáo dục, hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội cho giới trẻ, hướng đến những hành vi và lối sống tốt đẹp, có ích cho bản thân và cho cộng đồng thìđầu tiên, nền tảng đạo đức, lối sống của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống, trình độ nhận thức về văn hóa xã hội của người lớn… là những nhân tố quan trọng giúp giới trẻsử dụng mạng xã hội một cách tích cực. Một kinh nghiệm mà nhiều bậc cha mẹ, thầy cô đã sử dụng trong việc tư vấn cho con em mình khi tham gia mạng xã hội, đó là bản thân người lớn cũng cần có sự hiểu biết về mạng xã hội, cần biết sử dụng mạng xã hội với những tiện ích của nó cho công việc, cho giải trí lành mạnh,không nên phê phán bừa bãi hay chỉ lên án những tiêu cực của mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ... Khi người lớn đã không biết sử dụng một tiện ích phổ biến của cuộc sống hiện đại lại còn nói bừa nói ẩu thì không thể thuyết phục, tư vấn cho trẻ. Bởi vì để có thể tận dụng và phát huy những lợi ích tích cực mà mạng xã hội đem lại, tự hạn chế và loại bỏ những tiêu cực do số ít thành viên mạng xã hộigây rathì người sử dụng cũng cần có trải nghiệm thực tế và“tích luỹ kinh nghiệm”. Các bậc cha mẹ cũng nên tham gia các mạng xã hội để có thể quan sát sinh hoạt của con em trong môi trường đó, tạo điều kiện cho con em chia sẻ tâm sự những điều khó có thể trực tiếp nói chuyện với nhau, có thể cùng bàn luận các vấn đề xã hội, tạo điều kiện cho con em trao đổi bộc lộ nhận thức...Khi người lớn tư vấn cho giới trẻ bằng chính kinh nghiệm của mình thì có tác dụng tốt nhất và hiệu quả nhất. 

 4. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet,với những tiện ích của mạng xã hội và tốc độ người tham gia vào mạng xã hội của cư dân mạng, có thể thấy rằng, xu hướng phát triển của mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển và thu hút ngày càng lớn, rộng hơn những cư dân tham gia. Trong thời gian vừa qua Bộ TTTT đã ban hành nhiều văn bản về quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội nói riêng và quản lý hoạt động Internet nói chung. Trong những văn bản này đã đề cập đến vai trò của từng đối tượng: Nhà Nước; tổ chức/ doanh nghiệp (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến) và cá nhân (chủ trang blog). Nhìn chung các văn bản này nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc quản lý của các cơ quan chức năng nên đã đặt Internet và mạng xã hội ở thế “đối lập” với nhiều tác hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ…mà chưa thực sự nhìn thấy lợi ích và khuyến khích, hướng dẫn những người sử dụng Internet và mạng xã hội phát triển theo hướng lành mạnh. Do đó khi triển khai vào thực tiễn gặp không ít khó khăn, thậm chí không phù hợp. Bên cạnh nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý hành chính nặng về “chống”mà các các cơ quan quản lý đã đề ra, chúng tôi cho rằng việc “xây” một thế giới mạng lành mạnh, tốt đẹp khó khăn hơn, bởi vì trong thế giới ảo, việc quản lý về mặt kỹ thuật không hề dễ dàng do tiến bộ kỹ thuật luôn đi nhanh hơn văn bản quy phạm của nhà nước. Vì vậy, để thực sự có hiệu quả đối với xã hội, những văn bản quản lý cần chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân sử dụng internet và mạng xã hội như một công cụ hữu ích cho công việc và sinh hoạt, cho sự phát triển của xã hội công dân – nền tảng của một xã hội thực sự dân chủ… Chính trong môi trường Internet và mạng xã hội, việc giáo dục từ phía gia đình và xã hội sẽ có tác dụng tích cực hơn cho giới trẻ. Hơn nữa trình độ nhận thức của phần đông những người sử dụng Internet và mạng xã hội ở nước ta không hề thấp kém, họ là những người biết cách ứng xử nghiêm túc, thích hợp trên mạng. Những cá nhân ứng xử thiếu văn hóa, không phù hợp luôn nhận được sự phê phán, thậm chí bị tẩy chay, từ cộng đồng mạng xã hội. 

Cũng như nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật khác, mạng xã hội được sáng tạo và phát triển là nhằm phục vụ lợi ích của xã hội, tuy nhiên sử dụng nó như thế nào thì sẽ chịu tác động tích cực hay tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào mỗi con người. Không thể phủ phận những mặt tích cực mà mạng xã hội đã mang lại, vì nó giúp thế giới “phẳng hơn, nhỏ hơn, gần hơn”. Qua đó con người nhận biết, tiếp thu, nâng cao được tầm hiểu biết, tri thức, kiến thức. Có lẽ đây là một đặc trưng quan trọng của xã hội hiện đại– xã hội thông tin mà mạng xã hội chỉ là một trong những công cụ. Trong xã hội thông tin này, nếu giới trẻ hôm nay nắm vững được công cụ hữu ích này sẽ trở thành chủ nhân của một đất nước vững bước hội nhập vào thế giới toàn cầu ngày mai.

 ( Tháng 9/2013)

Linh tinh lang tang (61) – ĐẦU TUẦN



Đầu tuần, chờ một tin nhắn vào sáng sớm như đã hứa, vẫn chưa thấy. Và chắc sẽ không có, từ hôm qua đã nghĩ thế.
Đầu tuần, nhận được bó hoa hồng Đà Lạt từ một bạn đọc mình chưa được gặp, với lời nhắn “viết nữa chị nhé, cứ hóm hỉnh và dịu dàng như thế. Love you!”. Thấy mình có ích, ít nhất cho một người...
Đầu tuần, nhìn ô chat trong FB vẫn lại hiển hiện sự “tình cờ bất ngờ” như hàng tháng qua, lạ lùng quá, không thể lý giải nổi. À, không có gì, chỉ là sự théc méc của một đứa luôn bị bạn mắng là “tinh tướng”

Đầu tuần, nói chuyện với gái thân, icon buồn và những giọt nước mắt… Gái à, đừng để lộ sự yếu mềm như thế với ai nhé. Trái tim đàn bà dễ bị tổn thương lắm, người ta vốn không nương nhẹ nó đâu, kể cả người đàn ông em yêu và yêu em, nếu nó không như người ta mong muốn. Trái tim đàn bà, vừa đa cảm lại vừa phải tỉnh táo, vì đàn bà chỉ có thể dựa vào chính mình, tin vào linh cảm của chính mình, khi hữu sự.

Đầu tuần, trong inbox có vài cái hẹn của báo Tết “sắc sảo theo kiểu HKC chị nhé”. Ôi mình vốn hiền cơ mà, viết cũng hiền đấy chứ… “mụ phải viết nhẹ nhàng hóm hỉnh như truyện 100 chữ đấy nhá, không được hàn lâm quá”. Ôi giời, mình có thuộc giới hàn lâm hàn nồi gì đâu cơ chứ. Túm lại, lại phải “đa nhân cách” à :)

Đầu tuần, lịch làm việc ko đến nỗi kín mít, tự cho mình thong thả chút sáng đầu tuần. Tự nhiên nghe list nhạc Giáng sinh mà thấy nôn nao… Cuối năm rồi, cuối đời rồi.
Đầu tuần, bộn bề bao suy nghĩ. Ai bảo cứ đa đoan…

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...