HƯƠNG MIỀN TÂY


Nguyễn Thị Hậu
Từ Sài Gòn đi về quê ngoại Cao Lãnh bây giờ có thêm một con đường đi qua huyện Mộc Hóa (Long An) và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Đây là con đường đi qua một phần Đồng Tháp Mười, có từ lâu nhưng là đường nhỏ ngoằn nghèo và không liền lạc, gần đây được nối liền, nắn thẳng và nhiều đoạn được đắp mới.
Cũng như những con đường ở miền tây Nam bộ, trên đường có hàng chục cây cầu lớn, rất đẹp, tĩnh không cao, hầu hết bắc qua những dòng “kinh xáng” thẳng tắp, nước phèn trong xanh hai bên bờ còn chưa mọc kín dừa nước cỏ lác - những dòng kinh thoát nước và xả phèn vào mùa nước nổi của miền hạ lưu Mê Kông. Với độ tĩnh không cao như thế những con kinh xáng là đường giao thông nối liền vùng sâu của Đồng Tháp Mười ra đến đường lộ mới. Ghe xuồng chở lúa, chở phân bón, hàng hóa xuôi ngược trên kinh, và rồi không lâu nữa, ngay dưới chân cầu trên con đường tạm đi vòng khi xây dựng cầu sẽ là nơi đổ hàng lên xuống xe vận tải, về thành phố hay trở vô vùng bưng biền, đúng theo “quy luật” hình thành chợ búa (bến) của hàng trăm ngàn cái chợ như thế khắp miền Tây.
Từ trên những cây cầu có thể phóng tầm mắt nhìn xa hơn. Có cánh đồng lúa non xanh ngát, có đầm sen lớn nhỏ hoa trắng hoa hồng xen giữa bưng lầy đầy cỏ lác, có rừng tràm rừng đước mới trồng, cây thẳng hàng ngay ngắn, và lấp lánh cánh cò trắng bay về đậu rợp trên ngọn tràm ngọn đước. Chỉ vài năm nữa thôi, hy vọng sẽ có thêm những “sân chim” mới ở nơi đất lành này.
Con đường đi qua vùng lúa đang mùa gieo sạ. Hình như là “cánh đồng mẫu lớn” vì trên đó cắm nhiều tấm bảng cho biết 4 loại phân bón được sử dụng ở đây. Cánh đồng bát ngát xanh, chỉ cần hạ cửa kính xe hơi là có thể hít đầy lồng ngực hương lúa non thơm lạ lùng, hương thơm không thể so sánh với bất cứ mùi hương nào, làm ta nghẹn ngào thương đất, thương lúa, thương người… Có nơi đang gieo sạ bằng những chiếc máy đơn sơ nhưng đỡ đần được cho bao công lao động. Màu đất bùn đen cũng thơm thơm mùi phù sa mới của mùa nước nổi vừa qua. Có nơi nước chưa rút hết, dưới ánh mặt trời cuối chiều hiện rõ màu nước lợ giao nhau của lớp phèn đọng hàng ngàn năm với phù sa theo mùa nước nổi tràn về.
Tôi rất dị ứng với ai đó bây giờ cứ luôn miệng, rằng “mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long” hay than thở “quê em mùa nước lũ”… Đừng biến ngôn ngữ văn chương báo chí thành “hiện thực” để rồi ứng xử với mùa nước nổi miền Tây Nam bộ như ứng xử với mùa lũ sông Hồng. Bởi vì, cho dù chế độ nước của sông Mê Kông có sự thất thường hơn trước do biến đổi khí hậu, do bị tàn phá nơi đầu nguồn bằng hàng chục nhà máy thủy điện lớn nhỏ… thì mùa nước về vẫn theo quy luật thời gian, là mùa làm ăn sinh sống của người dân đồng bằng Nam bộ, là mùa “đổi mới” những cánh đồng nhờ con nước rửa phèn và phủ lên lớp phù sa mới.
Nhiều lần về miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, đi trên kinh rạch dọc ngang, đi vô vùng Tháp Mười trên những chiếc xuồng “năm quăng” (xài một năm/ một mùa nước thì quăng, vụt bỏ vì đóng bằng gỗ tạp, rẻ tiền), tôi chỉ ước ao, thay vì cứ cứu trợ gạo mắm nước tương mì gói, chính quyền và doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm hãy làm những chiếc xuồng chắc chắn cho người dân sử dụng kiếm sống lâu dài nhiều mùa nước, thay vì xây dựng “khu dân cư chạy lũ” tốn kém mà không nhiều hiệu quả, hãy làm những ngôi nhà sàn mà cọc bằng bê tông mái tôn cho bền vững để dân không phải tất bật chạy lên những khu đất trống hơ trống hoác giữa đồng, rồi không làm được gì để sống lại kéo nhau về giữa đồng, bám trụ trong những ngôi nhà lá nhỏ nhoi trên biển nước.
Con đường chạy qua vài khu dân cư như những thị trấn nhỏ, có cả một nhà máy “bột giấy” xây dựng vài năm nay nhưng im lìm như chưa từng hoạt động. Sao không xây dựng ở đây những nhà máy xay xát lúa gạo nhỉ? Là vùng lúa mới, đường xá kinh rạch thuận tiện giao thông chuyên chở, nếu rút ngắn thời gian vận chuyển thì giảm thiểu mức độ hư hao của lúa, đỡ thiệt thòi cho người trồng lúa, bởi vì vẫn còn đó một nghịch lý: được mùa ép giá rớt giá, thất mùa lên giá nhưng không đủ lúa ăn lấy gì để bán? Mùa nào nông dân cũng là người thua thiệt!
Đường dài gần trăm cây số hai làn xe chạy nhưng cũng vắng, chỉ có xe tải, vài chiếc xe du lịch nhỏ, hầu như không có xe khách vì hai bên đường chỉ là những cánh đồng ngút mắt mà ít có khu dân cư tràn ra mặt tiền như nhiều con đường mới mở khác. Thi thoảng có vài “quán võng” bán cà phê hay là quán nhậu, luôn có chỗ dành chỗ treo một hàng võng đung đưa, người đến quán có thể nằm nghi lưng nghe câu vọng cổ hay những bản nhạc bolero thân thuộc của người miền Tây. Về miền Tây mà chưa thưởng thức hai điều này thì coi như chưa đến miền Tây, phải không?
Phía đông cơn mưa sầm sầm kéo tới. Trong cơn mưa cuối mùa mãnh liệt lạ thay gió vẫn đẫm hương lúa non, hương đất, hương sen, hương lá rừng tràm… Những mùi hương trong lành đầy sức sống như những con người miền Tây giản dị.
Trong tập CÁCH NHAU CHỈ MỘT GIẤC MƠ, nxb TRẺ 2014

vụn vặt đời thường (143)

@ Không khó để nhận ra tâm lý "ghét người giàu" hay ko thích ai hơn mình, nhất là về vật chất, trong nhiều ý kiến ủng hộ phong trào dập phá hiện nay ở quận 1 - quận được coi là giàu có sang trọng nhất Sài Gòn :(
Khi lớp trẻ Hongkong tiến hành phong trào dân chủ tôi nhận thấy họ trưởng thành như vậy là nhờ có thế hệ phụ huynh và thầy cô giáo – những người đã xây dựng và thực hành tinh thần dân chủ ở Hongkong hàng chục năm trước. Không có thế hệ phụ huynh thực sự dân chủ làm nền tảng thì thế hệ trẻ không thể đứng vững và bước đi trên con đường dân chủ.

Nhìn vào những người ủng hộ bạo lực và hành xử coi thường dân chúng của phong trào đập phá vỉa hè… chẳng còn hy vọng mình được nhìn thấy một thế hệ con cháu như sinh viên Hongkong hiện nay.

Từ Cải cách ruộng đát đến Nhân văn giai phẩm đến cải tạo công thương ở HN và SG đều từ chính quyền PHÁTvà nhờ vào quần chúng ĐỘNG. Không lẽ sau này lại có bộ sử ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN SAI?!

@ Cứ nhìn thấy hình ảnh "nhất dương chỉ" lại nghĩ: chắc tại viagra tác dụng lộn chỗ ? 
Tội phạm khi ra tòa còn không bị quan tòa chỉ tay xỉa xói vào mặt, còn được tòa cho nói tử tế.
Tôi không muốn share những tấm hình, những clip ông Đoàn Ngọc Hải mặt mũi hằm hằm chỉ tay vào mặt người dân, tranh cãi tay đôi với người dân, bởi tôi thấy thật mắc cỡ cho cách ứng xử với dân của một công chức nhà nước!
Không có gì lạ sau này người dân cũng tự xử lý mọi việc bằng cách bạo lực như chính quyền đã làm gương!
Đấy chính là một "quy luật" của xã hội VN - đáng tiếc là chúng ta không học được gì từ lịch sử!

Kết quả hình ảnh cho đoàn ngọc hải - phó chủ tịch ubnd quận 1

VỀ MIỆT HẬU GIANG


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Lâu lắm tôi mới có dịp về miệt Hậu Giang.
Nam bộ có một từ rất hay: miệt. Miệt vườn, miệt ruộng, miệt U Minh, miệt Cà Mau… nghe xa ngái mà như trải dài trước mắt. Từ Sài Gòn đi về miền Tây qua gần 250km thì miệt Hậu Giang cũng đang hiện ra ngút ngát trước mắt tôi: cánh đồng, dòng kinh, con đường, xóm làng xanh mướt…

Cung đường mới từ Cần Thơ về thành phố Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang qua nhiều địa danh rất lạ theo số đếm như Một Ngàn, Bảy Ngàn, Bảy Ngàn Rưỡi, Mười Ngàn… Trong một cuốn sách nhà văn Sơn Nam cho biết: những địa danh này gắn liền với kênh xáng Xà No – con kinh quan trọng nhứt vùng Hậu Giang do người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ XX - nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Từ kinh lớn này có những con kênh sườn, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau), vì vậy mới có những địa danh như trên. Do vậy chỉ khoảng 40 km thôi mà có tới 27 cây cầu kiên cố chưa kể những cống hộp trên con đường này. Hệ thống kinh “xôm lươn” mang nước từ sông Hậu vô tưới mát những đồng lúa bạt ngàn, rồi từ đây ghe xuồng lại chở lúa ra kinh Xà No nơi có những chiếc xà lan lớn đang chờ ăn lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Cho tới giờ tuy đã có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh nhưng kinh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miệt Hậu Giang.

Xe chạy giữa những đồng lúa chín vàng, có nơi gặt xong chỉ còn thân rơm khô dần dưới nắng tháng sáu. Đây đó những thửa ruộng vừa gieo sạ xong, mầm mạ đã nhú lên đều khắp. Có đoạn đường mờ khói đốt đồng, mùi khói phảng phất thơm mùi lúa chín… Mùa lúa Hậu Giang nhưng chỉ thấy thấp thoáng vài cái lán của thợ gặt dựng ở bờ ruộng, treo mấy bộ quần áo phất phơ trong gió chiều… Nông dân bây giờ lên thành phố làm công ty, làm khu chế xuất  hết rồi. Ruộng nhà ai không chạy máy gặt được thì rất khó thuê người: trước đây tiền công gặt chỉ một hai trăm ngàn cho một công ruộng nhưng bây giờ năm trăm ngàn cũng khó kiếm người. Gặt xong phải thuê tuốt lúa phơi khô đóng bao, rồi công vác lúa từ đồng ra ghe hay ra xe tải… cộng lại cũng gần cả triệu. Vậy mà “lái” còn chê không mua vì lúa không khô không đều… Người nông dân cầm chắc là lỗ cho dù trúng mùa.

Cứ một đỗi thì nhìn thấy chiếc máy gặt đập thong thả vòng quay trên “cánh đồng mẫu lớn”. Máy gặt và xuốt (tuốt) lúa vô bao đều đặn, ít hư hao nên gần tới mùa thì “lái” đã vô tận ruộng, trả giá đặt cọc rồi khi lúa chín cho ghe cho xe về tận nơi nhận lúa. Có tiền cọc thì đi mướn máy về làm. Một chiếc máy thay cho hàng chục người, ai mà không ham, nhưng đâu phải ai cũng được sở hữu “cánh đồng mẫu lớn” để có thể dùng máy?

Những chiếc máy trên cánh đồng lúa vàng vắng bóng người, và vắng những đàn sáo mỗi sáng mỗi chiều bay về đồng lúa Hậu Giang quấn quýt bên người, vắng cả những đàn vịt chạy đầy đồng ăn lúa trên cánh đồng vừa gặt xong mà chỉ còn mấy bầy vịt vài chục con ăn quẩn ven bờ… Đêm qua vừa có cơn mưa lớn nhưng mới sáng sớm trời đã nóng nực báo hiệu một ngày nắng gắt.
***
Vị Thanh là một địa danh không xa lạ với tôi, bởi nhiều lần tôi đã được nghe ba má tôi kể về những ngày kháng chiến chống Pháp ở đây. Nhiều lần đi ngang qua thị trấn Vị Thanh êm đềm nhưng chưa có dịp ghé lại cho đến lần này.
Từ hơn mười năm trước khi thành lập tỉnh Hậu Giang  thì Vị Thanh được nâng cấp là thành phố của tỉnh. Từ khu phố cũ nằm dọc đôi bờ kinh Xà No giờ đây Vị Thanh mở rộng đến 118 km2, nhiều đường phố mới, những kiến trúc hiện đại, khu hành chính lớn được xây dựng ở hai bên đại lộ lớn nhất thành phố. Trụ sở một cơ quan lớn còn có cả sân bay trực thăng để khi cần “khảo sát vùng lúa Hậu Giang”. Về phía Đông – Đông Bắc (giáp Vị Thủy của Hậu Giang và Giồng Riềng của Kiên Giang) khu vực các trường cao đẳng, bệnh viện của thành phố đang được xây dựng… Vị Thanh ngày nay mang dáng dấp của một thành phố hiện đại với mười mấy con đường chính, đại lộ có dải phân cách và vỉa hè rộng trồng cây xanh đã lên cao, hệ thống đèn giao thông, biển báo hoàn chỉnh.

Tuy là thành phố nhưng Vị Thanh vẫn giữ được vẻ hiền hòa và có phần lặng lẽ của thị xã Vị Thanh ngày trước. Vào những ngày cuối tuần phần đông cán bộ công chức của tỉnh, của thành phố đều về Cần Thơ hoặc xuống Kiên Giang, thậm chí Cà Mau, vì nhà cửa vợ con của họ vẫn còn ở đó. Đây là tình trạng chung của nhiều tỉnh trước nhập sau lại chia tách: một phần cán bộ của tỉnh Hậu Giang cũ mà trung tâm là Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang mới. Tỉnh mới, cơ sở vật chất chưa có gì, điều kiện làm việc của vợ chồng rồi chuyện học hành của con cái chưa thuận lợi, vậy là họ cứ một chốn đôi nơi suốt hơn mười năm qua.

Ngày trong tuần thành phố còn đông người đi lại, các quán ăn quán nhậu tấp nập vui vẻ, nhưng từ chiều thứ sáu thì Vị Thanh trở lại dáng vẻ một “thành phố buồn” mà dân số nhiều năm nay chưa vượt con số trăm ngàn. Những con đường vắng bóng người, ghe xuồng, xà lan đi trên kinh Xà No có khi còn nhiều hơn  xe máy xe hơi chạy trên đại lộ hai bên bờ.  Thành phố có một hồ sen rộng, mùa này sen nở trắng hồ, có thể thoải mái ngồi quán cà phê hay thong thả từng bước ven hồ để cảm nhận hơi thở đẫm hương sen tinh khiết… Cái hồ này mà nằm ở Sài Gòn thì quán cà phê quán nhậu sẽ vây quanh không có chỗ ngồi ngắm sen, còn ở Hà Nội thì sẽ “trắng” những tấm lưng trần sau manh yếm mỏng mải mê tạo dáng chụp hình, ai ngó đến sen?

Mấy ngày ở đây tôi được ăn những món ăn đồng quê thức ăn tươi rói: lươn nấu canh chua bông súng, tép bạc xào bông hẹ, cá kèo kho rau răm, cá bống kho tiêu… rồi baba nấu chuối mẻ, và đặc biệt là cá thác lác ướp tẩm gia vị, để nguyên con với lớp da dày chiên giòn mà miếng cá dai như chả cá đã được nạo quết. Bạn muốn mua đặc sản này của Vị Thanh mang về Sài Gòn, thậm chí về Hà Nội cũng không khó, vì nó sẽ được nhà hàng đóng hộp ướp đá lạnh, cho vào thùng xốp dán băng keo kín mít có thể giữ lạnh trong 30 giờ để cá và chả vẫn tươi ngon.

Cách Vị Thanh không xa là thị xã Ngã Bảy của huyện Phụng Hiệp. Lúc mới nâng cấp thành thị xã nó được người ta đặt cho cái tên mới là Tân Hiệp nhưng không lâu sau thì phải trở lại tên Ngã Bảy vì… người dân không chịu. Chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng từ lâu, không chỉ là một nơi giao thương hàng hóa độc đáo mà còn vì phong vị văn hóa miền sông nước Hậu Giang. Cũng nghe đâu người ta đã “dẹp” chợ vào một địa điểm khác cách đó 2-3 km với lý do “trật tự an toàn giao thông đường thủy”, nhưng rồi chợ mới không ai mua bán nên cũng chẳng ai đến tham quan du lịch… Rồi chợ nổi Ngã Bảy lại được phục hồi.

Thật tình tôi cứ tiếc. Giá mà thành phố của tỉnh Hậu Giang là thị xã Ngã Bảy thì hay biết mấy, một thành phố kế bên đầu mối của những con sông dòng kinh quan trọng nhất nhì Nam bộ, một thành phố có loại chợ đã trở thành biểu tượng của văn hóa Nam Bộ, chẳng phải là độc đáo nhất hay sao?
 “Từ trên những rạng đông con chim sáo nó bay ra đồng… tình phù sa tuy đục mà trong”… Về miệt Hậu Giang chưa xa đã thấy thương nhớ lạ lùng…

Hậu Giang 7/6/2015

Gọi là thơ

ĐI QUA

Ngày ngày
Đi qua bao người
Thi thoảng
Một mùi hương vương vấn
Một ánh mắt ngỡ ngàng
Thi thoảng
Ngó lạ tưởng quen
Giật mình
Quên quên nhớ nhớ
Năm tháng trôi qua
Bạc đầu nhìn lại
Có người âm thầm bên cạnh
Như là hình bóng thoáng qua…


Sài gòn 19.2.2017

Tháng Ba

Sài Gòn nắng gắt mưa rào
Hà Nội vào cơn lạnh nàng Bân
Tờ lịch sang trang
Hoa gạo cháy đỏ chiều thung lũng
Một người lơ đãng
Lạc đến cô đơn

Tháng ba
Bưởi ra hoa
Hương ẩm mùi phố cổ
Có người vội vã quay lưng
Giã từ ký ức

5.3.2017

ĐỂ BẢO TÀNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG


Nguyễn Thị Hậu, 

Hệ thống bảo tàng của thành phố Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa quan trọng, phục vụ việc quảng bá, học tập, nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam và là những điểm đến hấp dẫn du khách. Từ khoảng mười năm nay các bảo tàng đã có sự thay đổi đáng kể về hình thức trưng bày, cảnh quan bảo tàng và các dịch vụ cũng khang trang lịch sự hơn, phục vụ khách tham quan tốt hơn.
Tuy nhiên, là cơ quan văn hóa hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, một mặt cơ chế chính sách chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, mặt khác do chưa được nhìn nhận vai trò, chức năng theo quan điểm mới trên thế giới, hệ thống bảo tàng ở thành phố chưa phát huy hết thế mạnh và giá trị của mình.

Thế mạnh của các bảo tàng ở thành phố.
Trước năm 1975 tại Sài Gòn chỉ có hai bảo tàng do người Pháp xây dựng: Bảo tàng Blangchard de la Brosse  ra đời năm 1929 (nay là Bảo tàng lịch sử TPHCM) và Bảo tàng địa chất từ Hà Nội di chuyển vào sau 1954. Sau năm 1975 do nhu cầu tuyên truyền và giáo dục truyền thống lịch sử, thành phố đã xây dựng thêm các bảo tàng mới, nay đã có một hệ thống bảo tàng đa dạng loại hình và phong phú về chủ đề trưng bày. Bên cạnh những bảo tàng thuộc thành phố quản lý (Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng phụ nữ, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng) còn có một số bảo tàng thuộc các ngành khác như Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng quân khu 7, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh… Ngoài ra di tích quốc gia đặc biệt Dinh Thống Nhất cũng cần được coi là một bảo tàng sự kiện lịch sử.
Các bảo tàng đều có vị trí đắc địa, mặt tiền những đường lớn ở trung tâm, thuận tiện về giao thông và không gian rộng rãi. Một số tòa nhà bảo tàng là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao như Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng thành phố, Bảo tàng mỹ thuật, hoặc được sử dụng làm biểu tượng của thành phố như Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM (Bến Nhà Rồng). Vị trí và cảnh quan bảo tàng là một trong những điều kiện thuận lợi để tổ chức dịch vụ phục vụ khách tham quan, bên cạnh hoạt động trưng bày và nghiên cứu khoa học.
Di sản văn hóa lưu giữ trong các bảo tàng thành phố có giá trị rất lớn và độc đáo, vừa phản ánh lịch sử - văn hóa cả nước vừa thể hiện đặc trưng của thành phố và miền Nam, đặc biệt là các nền văn hóa cổ và thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước. Đây là nền tảng để thiết lập và phát triển hệ thống bảo tàng thành phố mang những đặc trưng riêng biệt. Nhiều bảo tàng đã có “thương hiệu” như Bảo tàng lịch sử, bảo tàng chứng tích chiến tranh… Các bảo tàng có lực lượng công chức nhân viên được đào tạo chuyên môn và yêu nghề. Nhân viên trẻ có trình độ ngoại ngữ, thạc sĩ, tiến sĩ  hiện đang tăng lên.

Đưa bảo tàng tham gia vào đời sống
          Với những thế mạnh rất cơ bản và quan trọng như vậy hệ thống bảo tàng thành phố cần làm gì để trở thành nhu cầu “không thể thiếu” đối với đời sống cộng đồng?
Điều kiện quan trọng hàng đầu là đầu tư kinh phí và nghiên cứu khoa học để đổi mới hệ thống trưng bày và phương thức hoạt động (nội dung, hình thức, cập nhật tri thức mới…). Trang bị phương tiện trưng bày hiện đại tạo ra sự tương tác, chuyển vai trò khách tham quan từ bị động tiếp nhận sang chủ động tìm kiếm thông tin. Nếu cách thức trưng bày truyền thống chú trọng vào giá trị và ý nghĩa khoa học của hiện vật thì trưng bày hiện đại “kể lại những câu chuyện xã hội” xung quanh một hiện vật hay từ một sự kiện. Hiện nay nguồn thông tin, tư liệu ngày càng đa dạng và có thể kiểm chứng, vì vậy bảo tàng cần thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học mới.
Bảo tàng hướng tới cộng đồng nhiều hơn qua sự phối hợp tốt với các ngành hữu quan như du lịch, giáo dục (phổ thông và đại học) bên cạnh việc đa dạng hóa trưng bày và các hoạt động bổ sung như hội thảo, tọa đàm khoa học… Sử dụng các phương tiện truyền thông, website, mạng xã hội để tiếp cận công chúng và giới trẻ, tổ chức sinh hoạt thực hành và hướng nghiệp cho học sinh.
Khuôn viên các bảo tàng dành một phần để tổ chức dịch vụ cho khách tham quan: quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng văn hóa phẩm lưu niệm, sách chuyên khảo, sưu tập của bảo tàng… Cảnh quan tạo cảm giác thân thiện, gần gũi cởi mở chứ không phải một “bảo tàng viện” kín cổng cao tường. Đây còn là một nguồn thu kinh phí cho bảo tàng, được sử dụng trở lại cho những hoạt động này mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Một nguồn thu quan trọng là giá vé bảo tàng cần được điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chung, giá vé hiện nay quá lạc hậu, không tương xứng giá trị văn hóa của bảo tàng. Có thể sử dụng kinh nghiệm của nhiều nước: một giá vé chung cho khách nước ngoài và khách trong nước nhưng có vé giá thấp hơn cho học sinh, sinh viên cả trong và ngoài nước, thực tế cho thấy học sinh, sinh viên đến bảo tàng ngày càng nhiều do nhu cầu học tập và nâng cao tri thức.

Để bảo tàng hoạt động có hiệu quả tốt thì sự quan tâm, hiểu biết của cơ quan quản lý và lãnh đạo phụ trách trực tiếp sẽ mang lại những đề xuất chính sách và giải pháp phù hợp.
Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển bền vững của bảo tàng bắt đầu từ cuộc sống và vì đời sống.

Sài Gòn ngày 5.3.2017

Vụn vặt đời thường (141)


@ Tôi kinh tởm người phạm tội ấu dâm. Tôi ủng hộ mọi nỗ lực chống lại tội ác và pháp luật trừng trị tội phạm này.
Tôi thực hiện mọi cách để bảo vệ con cháu mình tránh khỏi tội ác này bởi vì tôi biết xã hội không chỉ có một/vài nghi can bị phát hiện.
Nhưng tôi không share hình ảnh của nghi can. Đây quan điểm cá nhân tôi đối với những hiện tượng xã hội là không tùy tiện share hình ảnh của người khác, của sự việc nào đó (bạn nào không đồng tình thì không cần tranh luận).
NHÂN ĐÂY
@ Các vị phụ huynh, nhất là những người cha, làm ơn đừng bày tỏ tình cảm bằng câu “con gái là người tình kiếp trước của cha”, nghe kỳ cục lắm ạ!
@ Các vị lãnh đạo, làm ơn đừng so sánh bất cứ gì ở VN với/ như "một cô gái đẹp còn ngủ quên". Các vị không thấy từ Tây Nguyên đến những thắng cảnh thiên nhiên khác đang bị tan nát hay sao?!
Gứm, thức còn chả làm gì được nữa là ngủ, lại còn ngủ quên!

***

 @ Mình vui vì luôn được các bạn trẻ trò chuyện một cách thoải mái và mình có thể chia sẻ với các bạn nhiều điều về lịch sử, sử học, văn hóa...
Khi người lớn yêu thích và công bằng với lịch sử thì người trẻ cũng sẽ như vậy, kinh nghiệm 36 năm đi dạy của mình là như thế :)
Một nhận xét của em Phạm Vĩnh Lộc:

"Hôm Nhã Nam tổ chức talkshow về sách, đây cũng là lần đầu mình gặp tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Khi trao đổi thì mình ấn tượng về cách nhìn lịch sử đầy khách quan của cô. Thật sự cô nói chuyện rất hay, kiến thức lại rộng, và quen nhiều tên tuổi lớn mình ái mộ như Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Duy Chính... 
Nếu ở Sài Gòn chắc mình đã đi theo và nhận cô làm sư phụ. May mắn cho những bạn nào từng được cô Hậu giảng dạy. Ai học cô chắc chẳng bao giờ chán lịch sử, cái nhìn về quá khứ cũng công bằng hơn."

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồiư thế 

:)


Chợ ở đô thị


Nguyễn Thị Hậu

Chợ là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa trong một khu vực địa lý. Ở đô thị ngày nay chợ “truyền thống” là một trong số ít ỏi dấu tích còn lại của những làng xóm xưa, điểm lại các chợ ở Sài Gòn ta nhận ra phần lớn tên chợ lưu lại địa danh quen thuộc một thời nổi tiếng: Đa Kao, Cầu Kho, Tân Định, Xóm Chiếu, Bàu Sen, Bà Chiểu, Thị Nghè, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hòa Hưng…
            Nam bộ sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ xưa là nơi bến sông ghe xuồng neo đậu trao đổi hàng hóa nông sản. Dần dần trên bờ hình thành thị tứ, có nhà cửa, tiệm chạp pô, tiệm ăn, kho hàng của người Hoa, rồi hàng thịt cá rau trái bày bán giữa đường hay trên các sạp dựng ở lòng đường, dần hình thành một cái chợ… Chợ Bến Thành xưa – nay là Chợ Cũ cũng được hình thành như vậy. Người Pháp mang đến kiến trúc “nhà lồng” cho chợ Bến Thành mới, từ đó “nhà lồng chợ” thường là trung tâm của một thị tứ ở Nam bộ. Người ta đánh giá địa phương đó có trù phú, phát đạt hay không là nhìn vào quy mộ của nhà lồng chợ. Trong cuốn hồi ký của Paul Doumer toàn quyền Đông Dương hồi đầu thế kỷ 20 có nhận xét rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy.
Ở Sài Gòn nhiều chợ có đặc điểm riêng về dân cư và sản phẩm.  Đi mỗi chợ có thể nhận biết nhiều điều về nơi ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô. Đi chợ hàng ngày là nhu cầu không phải chỉ mua bán mà còn là gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ xã hội. Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… biết giá cả chất lượng hàng hóa và còn có thể biết được tình cảm của những người mua bán. Hiện nay chợ truyền thống thường là nhà lồng cao ráo, thông thoáng, sạp hàng bố trí, sắp xếp khoa học, vệ sinh môi trường tương đối tốt, bên cạnh đó là việc giữ gìn “thương hiệu” ngành hàng của những tiểu thương buôn bán lâu năm.
Những chợ hẻm, chợ vỉa hè… mọc lên ở những khu dân cư mới chỉ có siêu thị mà không có chợ. Đó là nhu cầu hàng ngày của phần đông dân cư, bởi vì đâu thể nhốt mọi sinh hoạt thường nhật của người dân vào các trung tâm thương mại hào nhoáng và lạnh lùng.  Khi nhà quy hoạch không lưu ý nhu cầu này thì tất yếu sẽ có chợ tự phát, dẫn đến lấn chiếm lòng lề đường, cản trợ giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường… Nhưng trong những xóm lao động hay khu công chức lâu đời vẫn còn nhiều chợ hẻm chỉ nhộn nhịp bán mua vào buổi sáng, đến trưa thì chợ đã tan. Hẻm trở lại yên tĩnh thậm chí còn có tiếng gà gáy te te lúc đứng bóng… Bạn tôi làm việc ở Thái Lan, nhà trong một hẻm nhỏ có cái chợ giống hệt như vậy: cũng những xe bán trái cây, rau củ, xe bán thức ăn chín, sạp quần áo treo đồ lên hàng rào, rồi xe nước ngọt siro đá bào, gánh chè, xe hủ tiếu nước lèo thơm phức… Bạn nói, chọn thuê nhà ở đây là vì cái chợ này, ra vô nhìn thấy nó như mình đang ở Sài Gòn.
Hiện nay siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Nhà đầu tư thường chọn ngay vị trí chợ truyền thống hoặc địa điểm công cộng – tức là chiếm đoạt giá trị về ký ức nơi chốn của cộng đồng - để xây dựng những tòa nhà cao tầng, hình thức kiến trúc và nội thất trang trí sắp xếp như nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang địa danh truyền thống. Trong đó việc mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Siêu thị, trung tâm thương mại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị hiện đại: coi trọng sự riêng tư, cá nhân, chủ yếu là sự “tương tác” giữa người mua hàng với sản phẩm, quan hệ người mua người bán không còn,  “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… Tính chất văn hóa địa phương (đặc sản, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại mà là ứng xử “văn minh thương nghiệp” phổ biến mọi nơi.
Thành phố dù hiện đại đến đâu cũng cần những ngôi chợ truyền thống, không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn là một địa điểm du lịch, bởi vì nó phản ánh văn hóa địa phương qua sản phẩm, ẩm thực, ứng xử giao tiếp của con người… Lưu giữ chợ truyền thống vì hoạt động thương nghiệp của tiểu thương và khách hàng cũng là những giá trị văn hóa. Siêu thị và trung tâm thương mại không thể thay thế hoàn toàn chợ, kể cả chợ bán lẻ và nhất là những chợ đầu mối, bán sỉ và có truyền thống lâu đời.
Bảo tồn chợ truyền thống cần bắt đầu từ việc bảo toàn giá trị ký ức từ địa điểm nơi chốn, bảo toàn giá trị văn hóa qua sản phẩm và ứng xử trong mua bán. Và trước hết, nó phải được bắt đầu từ các nhà quản lý và quy hoạch đô thị.

Sài Gòn 24.2.2017

 Kết quả hình ảnh cho "CHỢ Ở ĐÔ THỊ"








VẪN CÂU CHUYỆN VỈA HÈ

Nguyễn Thị Hậu

“Chiến dịch” giải tỏa vỉa hè đã lan rộng nhiều nơi, vẫn với phương thức chính là thu giữ và phá hủy những gì lấn chiếm vỉa hè. Làn sóng ủng hộ cách làm này vẫn mạnh mẽ, như muốn nhấn chìm những tiếng nói bình tĩnh phân tích lợi hại của việc khai thác vỉa hè.
Chuyện vỉa hè ở bất cứ đâu không bao giờ chỉ là chuyện của người đi bộ! Nhiều thành phố trên thế giới đã cho thấy những lợi ích to lớn cho xã hội, cho cộng đồng từ việc quản lý và sử dụng vỉa hè. Chẳng cần nhìn ở đâu và phấn đấu bằng ai cho xa, cứ nhìn sang Bangkok thôi cũng sẽ có được những bài học, kinh nghiệm hoàn toàn có thể ứng dụng được ở TPHCM hay Hà Nội.
Bangkok là một thành phố mà phương tiện giao thông công cộng phát triển đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân. Do đó lượng người đi bộ cũng chiếm tỷ lệ lớn và dĩ nhiên, vỉa hè dành cho người đi bộ là chính. Nhưng “chính” không có nghĩa là tất cả, vỉa hè ở đây còn phục vụ việc mua bán, ăn uống, tham quan du lịch… Bangkok có một nền “kinh tế vỉa hè” phong phú, đa dạng, sinh động đồng thời trật tự, ngăn nắp, tuân thủ pháp luật. Nếu sự “phong phú, đa dạng, sinh động” là đặc tính vốn có của hoạt động kinh tế - văn hóa này thì sự “trật tự, ngăn nắp, tuân theo pháp luật” có được là nhờ vai trò của bộ máy quản lý đô thị.
Đô thị là một không gian giới hạn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành phần dân cư đan xen, nương nhờ vào nhau và có khi mâu thuẫn với nhau trong việc sử dụng không gian công cộng. Chức năng, vai trò và phương thức thực hiện của nhà quản lý là nhằm điều tiết các quyền lợi và nghĩa vụ đó, sao cho có sự công bằng tương đối cho các bên liên quan. Vỉa hè chính là phép thử đồng thời thể hiện cái tầm của nhà quản lý cũng như cái tâm của chính quyền đối với dân cư, nhất là tầng lớp kiếm sống nhờ vỉa hè.
Ai cũng biết quản lý và quản lý đô thị là một khoa học, vì vậy điều quan trọng và đầu tiên là cần nhận biết tính quy luật của sự việc, hiện tượng cùng với nguyên nhân của nó, từ đó mới có thể tìm ra giải pháp tối ưu. Nếu chỉ tư duy theo kiểu “thực trạng và giải pháp” sẽ dẫn đến những việc “ra quân, phong trào, chiến dịch” thể hiện tư duy thời chiến lại trở thành công cụ quản lý xã hội trong thời bình.
***
TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội dù đang quyết liệt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng vẫn không cho thấy hướng giải quyết lâu dài và triệt để. Thứ nhất, thói quen và nhu cầu mua bán ở vỉa hè không chỉ ở người bán mà còn ở cả người mua, đã hình thành từ rất lâu trong bối cảnh xã hội bao cấp. Thứ hai, giải tỏa vỉa hè thì hàng trăm ngàn người buôn bán trên vỉa hè sẽ đi đâu, chuyển nghề gì để sinh sống? Thứ ba, hàng chục ngàn ngôi nhà sử dụng mặt tiền làm quán xá sẽ giải quyết xe cộ của khách hàng thế nào? Thứ tư, với hàng triệu xe máy lưu thông nhưng không có bãi giữ xe để có thể đi bộ thì lượng xe ấy ở đâu nếu không ở trên mặt đường, và khi tắc đường thì vỉa hè lại chính là lối thoát, dù chỉ là tạm thời.
Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề này thì vỉa hè vẫn còn bị sử dụng bừa bãi. Vậy tại sao không đặt vấn đề sử dụng vỉa hè một cách hợp lý và từng bước sắp xếp lại theo luật pháp? Khi đó sẽ căn bản giải quyết được những vấn đề trên và có thêm một nguồn thu đủ để duy tu sửa chữa và quản lý hoạt động trên vỉa hè.
Nhiều người cho rằng, trong tình trạng hiện nay cần có biện pháp mạnh để chấm dứt nạn lấn chiếm vỉa hè. Nhưng “lấn chiếm vỉa hè” không thể trở thành vấn nạn nếu không có sự dung túng và lợi dụng của chính quyền cơ sở hay cá nhân một số người quản lý. Nếu chính quyền cơ sở, nhà quản lý không coi đó là một nguồn thu của ngân sách hay nguồn quỹ của địa phương, thực sự trong sạch không tư túi, không bao che cho người quen thân lấn chiếm vỉa hè… thì chỉ cần một mệnh lệnh hành chính đúng luật pháp cũng sẽ được người dân tuân thủ.
Chính quyền luôn có một sức mạnh khi thực thi quản lý xã hội, đó là sự chính danh. Danh chính thì ngôn thuận, nhà nước có trách nhiệm thuyết phục và đối thoại với người dân trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Bạo lực dù dưới bất cứ hình thức nào chỉ có thể xảy ra khi sự đối thoại bất lực. Thái độ và hành xử theo kiểu luôn coi người dân là “đối tượng vi phạm luật pháp cần phải trừng trị” là sự thể hiện “quyền lực” của một bộ máy bất lực trong quản lý xã hội.


Sài Gòn 11.3.2017

KINH TẾ VỈA HÈ NHÌN TỪ LỊCH SỬ - VĂN HÓA

(Bài cũ từ 7.11.2012 trên Tuần Việt Nam http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam... )
LTS: Vấn đề nhập cư đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng luôn đóng vai trò quan trọng và thường gây ra các tranh luận, ý kiếntrái chiều.
Với riêng thành phố Hồ Chí Minh, người nhập cư đã tạo nên một phần diện mạo cho mảnh đất 10 triệu dân này.Một cái nhìn tổng thểvề lịch sử nhập cư,cũng như những đặc thù,tác động mang tính xã hội của nó đối với Tp. HCM sẽ có thể hữu ích để thiết lập nền tảng cho các chính sách nhập cư.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, xung quanh vấn đề trên.
Sài Gòn với nền kinh tế vỉa hè
Được nhiều người coi là "miền đất hứa", TP. Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp mà một phần không nhỏ đến từ những người lao động phi chính thức.
Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mở rộng đô thị, ruộng đất làm nông nghiệp bị thu hẹp, áp lực việc làm ngày càng lớn đối với lao động nông thôn, người di cư ra thành phố càng đông đúc. Số người này nếu không có vốn, không được học nghề do không đủ trình độ học vấn, không kiếm được việc làm dù là giản đơn trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) thì không còn sự chọn lựa nào khác là trở thành lao động phi chính thức ở nhiều khu vực kinh tế.
Nền kinh tế chủ yếu của Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là nông nghiệp. Với đặc trưng cơ bản của cơ cấu thời gian mang tính thời vụ, vì vậy thời gian "nông nhàn" cũng là thời gian người nông dân tận dụng để kiếm thêm thu nhập từ họat động kinh tế phi nông nghiệp, lên thành phố kiếm việc làm thêm là khá phổ biến.
Cùng với việc ruộng đất bị thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng cho các KCN - KCX hay những công trình khác, hiện nay có thể nói, nông dân là lực lượng "tiềm năng" của lao động phi chính thức tại các đô thị.
Chỗ trũng
Ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lao động phi chính thức là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng do những nhu cầu nội tại của đời sống đô thị.
Trong thời kỳ đô thị trung cổ các ngành kinh tế hầu không có sự phân biệt giữa "chính thức" và "phi chính thức", nhưng từ khi hình thành các đô thị thời cận đại vào cuối thế kỷ XIX ở Sài Gòn - Bến Nghé đã đồng thời làm hình thành và tách biệt hai khu vực kinh tế này. Sự thành lập những nhà máy, công sở, cơ sở dịch vụ công như bệnh viện, trường học... ở Sài Gòn thời Pháp thuộc tuy số lượng không nhiều nhưng cũng đủ để hình thành một tầng lớp xã hội "làm công ăn lương", làm việc theo những luật lệ "hành chính" về giờ giấc và nhiều yếu tố khác. Có thể coi đây là sự hình thành tầng lớp "thị dân" - cư dân sống ở đô thị và làm những nghề nghiệp của đô thị, có lối sống thị dân khác với những người lao động khác ở thành phố.
Khu vực "kinh tế chính thức" tập trung ở trung tâm hành chính - quận 1, quận 3 hiện nay. Còn lại các khu vực khác của Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi phát triển thương nghiệp dịch vụ, xóm lao động, vùng Gia Định chủ ýếu là nông nghiệp... Khu vực kinh tế "phi chính thức" bao quanh khu vực "kinh tế chính thức" là hạt nhân của đô thị, là "vùng lõi" của quy hoạch kiến trúc thành phố. Đặc điểm này xuyên suốt sự phát triển của đô thị Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến nửa cuối thế kỷ XX.
Sài Gòn còn trải qua một thời gian dài thời kỳ chiến tranh. Khác với Hà Nội (trong chiến tranh những người làm trong thành phần kinh tế chính thức - làm nhà nước - đều tản cư, sơ tán về nông thôn, hòa bình mới trở về thành phố, trong khí đó người làm kinh tế phi chính thức hầu như không bị bắt buộc đi khỏi thành phố), Sài Gòn lại là nơi người dân nhiều vùng nông thôn từ miền Trung, từ đồng bằng sông Cửu Long đổ vào thành phố.
Hầu như không có nghề nghiệp, không có hoặc ít vốn, họ tham gia vào lực lượng lao động phi chính thức bằng những công việc như buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong, dịch vụ, lao động thủ công, chuyên chở bằng xe thô sơ... Địa bàn làm việc của họ, có thể nói khái quát, là "ngòai trời" gồm lòng lề đường, các công trường, chợ búa...
Sau năm 1975 một bộ phận người dân trở về quê quán, một bộ phận khác đi vùng kinh tế mới, khu vực việc làm phi chính thức thu hẹp. Cấu trúc kinh tế của thành phố chỉ còn "một thành phần" nên nhiều lọai hình kinh tế và việc làm ngòai quốc doanh trở thành "phi chính thức".
Khi kinh tế nước ta lâm vào thời kỳ khó khăn "trước đổi mới" và nhất là từ cuối những năm 1990 đến nay quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thì thành phố lại như một "chỗ trũng" có thể dung nạp những dòng người "chảy" vào kiếm sống, phần nhiều tham gia vào hình thức "kinh tế vỉa hè".
Khu vực kinh tế phi chính thức càng mở rộng, phong phú đa dạng về lọai hình, cách thức họat động và ngày càng có đóng góp đáng kể phục vụ cho cuộc sống đô thị và cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự nhìn nhận của nhiều "người thành phố" đối với dân nhập cư, người bán hàng rong, trẻ đường phố vẫn có phần xem thường, thương hại, thậm chí họ còn bị coi là nguyên nhân chính làm cho thành phố chưa có nếp sống "văn minh đô thị".
Từ nông thôn mới lên hoặc sống ở thành phố chưa lâu, tầng lớp này được gọi chung là "dân nhập cư". Lâu dần sẽ trở thành / tham gia vào tầng lớp "dân nghèo thành thị" mà hiện nay dùng khái niệm mới là "nghèo đô thị". Địa bàn cư trú của những lao động này thường ở các huyện ngọai thành, quận vùng ven hay trong những khu hẻm sâu "nhà lá" ở các quận nội thành. Không có nghề nghiệp "được đào tạo" và không có điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề nghiệp nên phần lớn lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đều phải chấp nhận điều kiện làm việc kém, thu nhập thấp, không được hưởng quyền, nghĩa vụ lao động, quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ công ích...
Ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lao động phi chính thức là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành
Đặc biệt số lượng phụ nữ tham gia vào khu vực kinh tế này khá lớn, từ "buôn gánh bán bưng" đến công nhân tại KCN - KCX, từ giúp việc nhà đến làm việc trong quán xá, từ thợ hồ đến thậm chí làm xe ôm... Lao động nữ mang một trách nhiệm như "thiên chức", đó là luôn hy sinh, chịu thiệt thòi vì gia đình.
Cũng như cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã có khá nhiều hoạt động, tổ chức tương trợ đối với người lao động tự do, trẻ em đường phố, dân nhập cư. Thế nhưng, quy mô và hoạt động của những tổ chức này vẫn chưa thật sự tạo được sự tiếp cận sâu sát, kịp thời đến đối tượng này và quan trọng hơn là chưa lôi kéo họ cùng tham gia các hoạt động tương trợ.
Phần lớn người lao động phi chính thức chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội mà vẫn thụ động, tự bảo vệ mình một cách kém hiệu quả. Với những đóng góp của lao động phi chính thức đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện cho họ thụ hưởng các dịch vụ công ích là điều rất cấp thiết.
Kinh tế vỉa hè
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ đô thị Sài Gòn - Bến Nghé lớn dần lên, nối kết với các trung tâm khác là Chợ Lớn và Gia Định. Tốc độ đô thị hóa của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong giai đọan lịch sử nào cũng rất nhanh, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng hiện nay quy họach của nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố, việc xây dựng tự phát do người dân chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ quy họach của nhà nước, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư xen lẫn thương mại, khu sản xuất... là rất rõ.
Có thể dùng cụm từ "làng trong phố" để hình dung về tính chất văn hóa nhiều khu đô thị mới. Đây chính là địa bàn thuận tiện cho lao động phi chính thức phát triển: từ việc buôn bán trong những chợ "chồm hổm" "chợ đuổi"... đến một "nền kinh tế vỉa hè": buôn bán cố định/ di động, sản xuất, dịch vụ... Do cơ chế quản lý chưa phù hợp, "kinh tế vỉa hè" cũng "góp phần" làm cho thành phố còn nhiều nơi nhếch nhác, không mang dáng dấp của một đô thị văn minh hiện đại.
Việc sử dụng vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán, thậm chí sản xuất, làm các dịch vụ như giữ xe... còn xuất phát từ chính nhận thức của người dân. Nhiều người dân thành phố có quan niệm vỉa hè, lòng lề đường thuộc sở hữu của chủ nhà có mặt tiền đường. Và để có một chỗ buôn bán nhỏ lẻ ở vỉa hè trước mặt nhà không phải của mình đều phải được sự cho phép của chủ nhà và phải đóng một khoản tiền "thuê chỗ" hàng tháng.
Những năm gần đây, thành phố có chủ trương phát triển nhiều trung tâm để phân tán mức độ tập trung; ở nhiều quận do chưa hình thành các khu mua bán lớn nên lại bị phân tán theo các trục đường và lề đường. Quy hoạch khu hành chánh, trường học, chợ, cửa hàng... không theo khu vực "ô phố" đặc trưng của đô thị mà vẫn phân tán theo mặt tiền một số con đường chính nên làm việc gì người dân cũng phải "xuống đường". Và thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức phổ biến nhất ở TP Hồ Chí Minh là buôn bán trên vỉa hè từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua - bán nhanh, tiện lợi với các loại hàng hóa giá rẻ. Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại.
Cùng với đó "Văn hóa mặt Tiền" trở thành "đặc trưng" mới của đô thị Việt Nam, từ thành phố lớn đến thị trấn hẻo lánh (Có lẽ không có nước nào mà dân cư lại có thói quen, nhu cầu và "đua nhau" ra sống cạnh mặt đường lớn, nhỏ như ở nước ta! Trong khi đó ở các nước thì mặt tiền vỉa hè là không gian công cộng, cần tuân thủ những quy định chung của thành phố, không được tùy tiện sử dụng theo ý muốn cá nhân).
Thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy: Thứ nhất, quy họach và quản lý kiến trúc mặt tiền các con đường trở nên khó khăn, thậm chí làm cho hình thức kiến trúc xấu, không đồng bộ dù tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng hay cải tạo đường xá (đường Nam Kỳ khởi nghĩa từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình);
Thứ hai, những đường cao tốc mới xây dựng lại không thể lưu thông với tốc độ cao vì rất nguy hiểm khi dân cư trú ngay hai bên đường, không có khoảng lùi an toàn và cảnh quan cần thiết, làm giảm hiệu quả xây dựng và đầu tư;
Thứ ba, buôn bán vỉa hè, lòng đường, mặt tiền đường phố và phương tiện giao thông cá nhân có mối quan hệ mật thiết của "cung và cầu", xe cá nhân phát triển thì người sử dụng còn nhu cầu mua bán ngay ở vỉa hè lòng đường. Tình trạng tắc đường kẹt xe lại có thêm một nguyên nhân. Các nhà quản lý và điều phối giao thông thấy được điều này nhưng khó mà giải quyết.
Không để người dân tự giải quyết
Ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nếu phương tiện giao thông công cộng phát triển, tiện lợi, phù hợp nhu cầu, tạo điều kiện cho người dân có thói quen sử dụng xe công cộng thay vì xe cá nhân, nhu cầu "mua bán nhanh tiện lợi" sẽ chuyển đến các đầu mối giao thông như bến tàu xe, trạm xe bus, ga xe điện ngấm, bãi giữ xe hơi... Có nghĩa là những trung tâm mua bán, dịch vụ... sẽ được thiết lập ở đó.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có được những yếu tố giao thông mang tính chất "giao thông đô thị", bằng cách nào hạn chế mặt tiêu cực của "kinh tế vỉa hè" tác động đến nếp sống văn minh đô thị? Nên chăng cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy họach đô thị, để duy trì và phát triển kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo, cần thiết giữ gìn và có thể khai thác nó như một di sản văn hóa phi vật thể. "Văn minh đô thị" sẽ có bộ mặt mới.
Mặt khác cũng cần thấy rằng, những loại hình dịch vụ và buôn bán nhỏ hiện nay còn phù hợp với tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả... của phần lớn người dân thành phố.
Hơn nữa, nó còn được xem giải pháp mưu sinh hữu hiệu của rất nhiều hộ dân nghèo, hộ thu nhập thấp, vì vậy cần tổ chức và tăng cường mạng lưới cửa hàng nhỏ lẻ trong các khu vực tập trung dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số dân cư. Cũng vậy, việc hạn chế và lọai bỏ các lọai xe thô sơ 3, 4 bánh - phương tiện mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình, cũng cần có tính tóan thấu đáo khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để không đẩy người dân vào chỗ khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, đô thị khác trong cả nước đang xây dựng nếp sống văn minh hiện đại. Không thể không bắt đầu từ yếu tố kinh tế: các ngành nghề của dân cư, lọai hình kinh tế cần được phát triển cân đối, đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhưng cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.
Trong việc này vai trò quản lý và điều phối của nhà nước là chủ đạo, không thể trông chờ người dân tự giải quyết mà chỉ có thể kêu gọi ý thức chấp hành luật pháp và ý thức cộng đồng. Do đó, người nhập cư và vấn đề việc làm - kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận xem xét ở một góc độ lịch sử - văn hóa sâu rộng hơn, bên cạnh góc độ kinh tế, góp phần tìm ra giải pháp cải thiện đời sống của cư dân và phát triển những lợi ích của khu vực kinh tế phi chính thức.
Nguyễn Thị Hậu
Post lại nhân “chiến dịch vỉa hè” đang rầm rộ ở TPHCM, HN... Quản lý xã hội nhưng không quan tâm đến nguyên nhân của những thực trạng xã hội thì mọi biện pháp chỉ giái quyết được hiện tượng mà không thể xây dựng được một xã hội văn minh như mong muốn.

Khi di sản văn hóa đô thị bị xâm hại

Di sản văn hóa đô thị là những chủ thể không thể thiếu trong hầu hết những đô thị trên thế giới. Những nét văn hóa tồn đọng lại từ lịch sử qua sự giao tiếp của các nền văn hóa thế giới hay từ tinh hoa của nghệ thuật trên các công trình kiến trúc của người dân bản địa là di sản văn hóa quý giá cho mỗi dân tộc mà không bất cứ mục tiêu kinh tế nào có thể đánh đổi.
Việt Nam không ngoại lệ và di sản văn hóa đô thị của Việt Nam mang dấu ấn các kiến trúc thời Pháp thuộc để lại khá đa dạng tại các thành phố lớn nhỏ trên toàn quốc. Hai nơi chiếm tỷ lệ lớn và quan trọng nhất của các kiến trúc trở thành di sản văn hóa là Hà Nội và Sài Gòn lại đang phải đối diện với việc phá bỏ để phát triển kinh tế, điều mà các nhà làm chính sách không lượng trước được hậu quả về khiếm khuyết kiến thức cũng như văn hóa bị triệt tiêu, tàn phá.

Di sản đô thị Sài Gòn

Trước hiện tượng triệt phá di sản để phát triển đô thị chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu, đang giảng dạy Khoa Văn hóa học, Đô thị học và Khảo cổ học trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn thành phố HCM về vấn đề này, trước tiên TS Hậu cho biết:
TS Nguyễn Thị Hậu: Di sản đô thị Sài Gòn theo tôi đấy chính là những di tích di vật còn lại được hình thành trong quá trình lịch sử và đặc biệt trong điều kiện tự nhiên xã hội rất đặc thù của vùng đất phía nam. Cho đến nay nếu nói về di sản đô thị Sài Gòn thì nó còn bao gồm các loại như các di tích vào thời Nguyễn có dấu tích của thành lũy, những đình chùa đền miếu, những ngôi nhà cổ. Một số di tích của các làng nghề từng nổi tiếng ở Sài Gòn như Xòm Lò gốm chẳng hạn. Kể cả những địa danh dân gian, địa danh của một số đơn vị hành chính mà nhà Nguyễn đã thiết lập, đặt tên. Về lễ hội thì có những lễ hội đình miếu, đó là giai đoạn thời Nguyễn.
Việc bảo tồn giá trị văn hóa di sản đô thị nó không phải chỉ bảo tồn bản thân công trình đó mà tôi nghĩ rằng giá trị văn hóa còn quan trọng hơn bởi nó có ý nghĩa gắn kết các thế hệ và cộng đồng cư dân có nguồn gốc khác nhau đã và đang sinh sống trong vùng đất này.
-TS Nguyễn Thị Hậu
Còn đô thị thời Pháp thuộc thì được quy hoạch và xây dựng bao gồm các công trình như công sở, biệt thự, dinh thự, công trình văn hóa, thương mại hay kiến trúc tôn giáo đặc biệt là hệ thống nhà máy và bến cảng nền công nghiệp phát triển sớm tại Sài Gòn. Ngoài ra còn có một di sản nữa cũng rất quan trọng đó là cảnh quan đô thị như đường phố, những thiết kế về giao thông như bùng binh hay hệ thống cây xanh, công viên. .
Hệ thống này được xây dựng và tồn tại trong môi trường cảnh quan của phía Nam nên đối với Sài Gòn nó có một di sản tự nhiên rất quan trọng đó là cảnh quan sông nước thường được hình dung với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, đây cũng là đặc trưng quan trọng tạo nên đặc trưng cho đô thị Sài Gòn.
Mặc Lâm: Thế thì những giá trị cơ bản nhất của di sản đô thị Sài Gòn mà bà vửa nêu lên nó là gì?
TS Nguyễn Thị Hậu: Ngày nay theo đánh giá một đô thị người ta không chỉ đánh giá với góc độ nó có vai trò kinh tế hay chính trị mà cái quan trọng của một đô thị người ta thường chú ý đến những cơ bản nhất của nó. Nếu nói về giá trị đầu tiên của một vùng đất hay đô thị thì phải nói đến lịch sử cho nên khi nhìn vào hệ thống di sản đô thị Sài Gòn, chủ yếu dưới những di sản vật thể thì chúng ta có thể thấy được quá trình phát triển lịch sử của thành phố này tuy rằng nó chỉ mới hơn 300 năm xây dựng và phát triển vùng đất mà ta gọi là đô thị. Trước đó tất nhiên nó cũng có di tích của những thời kỳ sớm hơn.
Tuy chỉ mới 300 năm qua những di sản vật thể còn lại cho chúng ta thấy Sài Gòn không những là nơi luôn luôn có vai trò trung tâm ở phía Nam mà còn có vai trò trung tâm ở khu vực Đông Nam Á nữa. Đó là những vai trò trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa và trong một thời gian dài nó là trung tâm chính trị. Đấy là giá trị thứ nhất là những giá trị lịch sử.
Giá trị thứ hai là giá trị văn hóa thì phải nói là đô thị Sài Gòn thể hiện một sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn bởi vì thành phố này được xây dựng từ nhiều nguồn gốc dân cư. Từ những tộc người khác nhau nên tiếp thu được rất nhiều nền văn hóa khác nhau.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử thành phố Sài Gòn đều có những kiểu kiến trúc đặc trưng của giai đoạn đó nhưng nó rất hòa hợp với cảnh quan chung của cả đô thị đặc biệt rất nhiều dấu ấn công trình xây dựng dưới thời Pháp mang tính chất truyền thống của văn hóa Việt Nam chẳng hạn. Một đặc điểm nữa là thành phố Sài Gòn có rất nhiều công trình do tư nhân xây dựng là dinh thự, công trình công cộng hay là chợ, nhà thương, nó còn cho biết thêm về một tầng lớp dân cư và đặc điểm cư dân của vùng đất này là hoạt động đóng góp cho xã hội đã có từ rất sớm.
Việc bảo tồn giá trị văn hóa di sản đô thị không phải chỉ bảo tồn bản thân công trình đó mà tôi nghĩ rằng giá trị văn hóa còn quan trọng hơn bởi nó có ý nghĩa gắn kết các thế hệ và cộng đồng cư dân có nguồn gốc khác nhau đã và đang sinh sống trong vùng đất này.
024_2562997-622.jpg
Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, ảnh minh họa. AFP PHOTO
Một giá trị thứ ba mà gần đây người ta thường hay nhắc đến và cho rằng đây là giá trị trong thời đại đang phát triển rất nhanh ở thế kỷ 2 đó là giá trị biểu tượng của một vùng đất mà đối với đô thị nó cũng có những giá trị đó. Phần lớn những công trình kiến trúc tiêu biểu có niên đại 150 năm trở lại tại Sài Gòn thì nó đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn, thí dụ như một số công sở tại trung tâm hay chợ Bến Thành.... Tính biểu tượng của di sản đô thị không phải chỉ là từ giá trị kiến trúc nghệ thuật mà cái quan trọng nhất là ký ức được lưu truyền qua các thế hệ cư dân Sài Gòn và cư dân miền Nam, cũng như rất nhiều du khách đã đến đây tham quan khoảng hơn 100 năm nay.
Tính biểu tượng này nó rất quan trọng nó giữ cho thành phố được số vốn lịch sử và văn hóa để cho những người nhập cư có thể hiểu biết hơn về nơi mình đến sinh sống và đồng thời đối với một đô thị thì nó là một cái vốn xã hội để tăng giá trị kinh tế trong việc khai thác di sản văn hóa cũng như các di sản văn hóa đô thị. Nói về di sản văn hóa đô thị thì người ta thường nói tới ba giá trị quan trọng như vừa trình bày.

Bảo tồn hời hợt

Mặc Lâm: Đới với việc bảo tồn những công trình kiến trúc, lịch sử trong vài năm vừa qua cho thấy là chính phủ rất hời hợt thậm chí trong một số trường hợp các di sản văn hóa đô thị đã bị đập bỏ để thay vào đó những công trình họ gọi là phát triển kinh tế đô thị. Cụ thể nhất người dân đang lo ngại là chính quyền thành phố sẽ đập bỏ bùng binh chợ Bến Thành TS có những ý kiến gì trước việc làm này thưa bà?
TS Nguyễn Thị Hậu: Có thể nói trong khoảng mươi năm trở lại đây dưới góc độ nghề nghiệp thì tôi có cảm giác càng ngày càng có nhiều tiêu cực đối với việc bảo tồn các di sản kiến trúc đúng như anh nhận xét. Về mặt khách quan thì chúng ta phải nhận thấy rằng thành phố có nhu cầu hiện đại hóa và tăng cường cơ sở hạ tầng để phục vụ cho một thành phố hiện nay đã hơn 10 triệu dân và ngoài ra còn có rất nhiều người vãng lai nữa.
Với một mục tiêu dân sinh như vậy nhưng để phục vụ cho mục tiêu đó rất nhiều di sản và cảnh quan đô thị đã bị thay đổi, thậm chí bị phá hủy, rất đáng buồn là khu trung tâm thành phố. Dưới góc độ là người làm công tác bảo tồn thì tôi rất đau xót. Thật sự nếu nói đến khu vực trung tâm, khu vực lõi của đô thị thì khu vực từ đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và như anh vừa nhắc là Bùng binh chợ Bến Thành thì có thể nói ngay bản thân tôi ở Sài Gòn thì khoảng một hai năm nếu ai đi qua đấy và chú ý một chút thì thấy có sự thay đổi, còn nếu như người đã đi xa khi quay trở lại thì kể như là ngày nay đã thay đổi quá lớn, không còn sự khác biệt nào cho người ta nhận biết đây là Sài Gòn của những năm trước khi người ta sinh sống ở đây nữa.
Những công trình tên tuổi trên dưới cả trăm năm phải nói là rất quen thuộc với du khách thí dụ như Thương xa Tax, Bùng binh Nguyễn Huệ hay những dãy nhà xưa trên đường Đồng Khởi, khu Eden hay vườn hoa Chi Lăng. . .hiện nay đã không còn nữa và sắp tới đây là Bùng binh chợ Bến Thành.
Đây là một trong những cách xử lý mà theo tôi chính quyền đã không cẩn trọng trong việc xử lý các di sản đô thị có lẽ do sức ép nhiều mặt tôi sẽ nói sau cái lý do này, nhưng rõ ràng việc xử lý không khéo léo cân đối trong những công trình hiện đại đối với việc bảo tồn các di sản đô thị đã để lại một lổ hỗng rất lớn về lịch sử thành phố mà có lẽ không bao giờ bù đắp lại nỗi.
Mặc Lâm: Ngoài lý do phát triển kinh tế, theo TS còn những yếu tố nào tác động đến thực trạng này?
Có thể nói trong khoảng mươi năm trở lại đây dưới góc độ nghề nghiệp thì tôi có cảm giác càng ngày càng có nhiều tiêu cực đối với việc bảo tồn các di sản kiến trúc đúng như anh nhận xét.
-TS Nguyễn Thị Hậu
TS Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi ngắn gọn là như thế này. Theo quan sát của tôi khoảng 5 năm gần đây điều đầu tiên phải thừa nhận đó là chính quyền và rất nhiều nhà chuyên môn chưa đánh giá đúng giá trị di sản văn hóa đô thị Sài Gòn. Chưa đánh giá đúng thứ nhất là việc nghiên cứu giá trị di sản đô thị chúng ta làm rất chậm và trong giới nghiên cứu cũng có quan niệm là đối với những thành phố nào có tuổi đời lâu năm, có một quá trình lịch sử trải qua nhiều triều đại chẳng hạn, thì mới có thể gọi là có di sản, còn thành phố Sài Gòn thì chỉ bắt đầu từ thời Nguyễn sau này là thời Pháp thuộc và Mỹ... có lẽ người ta cho rằng đấy là những công trình có tính hiện đại, nó không có giá trị gì chăng? cho nên việc nghiên cứu đối với các công trình ở đây thật chậm, không có đủ thời gian tạo ra được công trình để mà tuyên truyền cho mọi người nhận biết được điều này. Bản thân chính quyền hay là nhà quản lý họ cũng không biết hoặc biết nhưng rất ít về di sản đô thị nên họ không quan tâm, đấy là nguyên nhân thứ nhất.
Nguyên nhân thứ hai ngay từ quy hoạch đô thị thì chỉ đến những quy hoạch gần đây mới có đưa vấn đề về bảo tồn di sản vào trong quy hoạch đô thị nhưng thật ra nó chỉ ở tầm vĩ mô thôi chứ bắt dầu quy hoạch cụ thể ở từng khu vực hay từng quận huyện nào đấy thì hầu như việc bảo tồn di sản đều bị lướt qua do sức ép của người này người khác cho nên thực sự là chuyện đưa vấn đề bảo tồn vào quy hoạch đô thị là không thực hiện được.
Cái thứ ba nữa quá trình xây dựng thành phố quá chậm trong việc đặt ra ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình xây dựng của mình. Nó bị những làn sóng về bất động sản và các yếu tố khác kéo đi. Hai nữa khi người có ý thức được thì những di sản tốt đẹp nhất của chúng ta ở trung tâm không còn nguyên vẹn và gần đây tôi nhận ra một nguyên nhân nữa mà sâu xa nó nằm ở quan điểm, ở một định hướng nào đấy đó là Sài Gòn với bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh, nó luôn được nhấn mạnh về vai trò kinh tế, đầu tầu kinh tế hay là vai trò kinh tế quan trọng nhất trong cả nước. . . Thế thì nếu như luôn luôn chỉ nhìn dưới góc độ đấy là thành phố phải phát triển về kinh tế thì tất yếu các vấn đề về văn hóa trong đó có di sản đô thị phải hy sinh cho nhiệm vụ kinh tế.
Có lẽ ngay từ quan điểm nhìn nhận vai trò của Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh thì tôi nghĩ rằng cũng nên nhìn nhận lại.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết TS từng có những nghiên cứu về văn hóa đô thị tại nhiều nước, liệu với cơ sở hạ tầng cũng như kỹ thuật hiện nay thì chính quyền có áp dụng được kinh nghiệm gì của các nước trong việc bảo tồn tôn tạo những di sản văn hóa để áp dụng vào thành phố Saigon trong lúc này?
TS Nguyễn Thị Hậu: Trong quá trình nghiên cứu của tôi về việc bảo tồn di sản đô thị thì cũng có đi tham quan học hỏi một vài nước đặc biệt là Pháp là nơi đã sản sinh ra đô thị Sài Gòn cũng như một số đô thị tại Việt Nam. Điều đầu tiên tôi thấy rằng quá trình xây dựng hiện đại hóa của họ thí dụ như làm Metro hay những con đường giao thông thậm chí xây dựng những khu đô thị mới thì điều đầu tiên tôi nhận thấy là họ cũng từ xuất phát điểm như chúng ta, thậm chí lạc hậu hơn, thế nhưng vì sao họ có thể bảo tồn di sản được thì trước tiên do họ có chính sách coi trọng văn hóa di sản và đặt vấn đề ưu tiên bảo tồn, ưu tiên bảo vệ di sản trong quá trình hiện đại hóa.
Gần như những khu trung tâm của thành phố họ không biến đổi hay biến động ở trên mặt đất. Họ vẫn làm đường và ga tàu điện ngầm nhưng bên trên mặt đất thì họ vẫn phục dựng nguyên vẹn cảnh quan không biến chúng thành một quảng trường mênh mông, cũng không chặt cây để xây dựng những công trình ngầm. Tôi nghĩ thành phố Hồ Chí Minh nếu quan tâm tới vần đề này thì sẽ có biện pháp để giữ nguyên hay có phương án phục dựng phục hồi các di sản trên mặt đất chứ không đến nỗi như theo tôi nhận xét, gần như giải tỏa trắng trên mặt đất để mà làm những công trình ngầm đó là cái thứ nhất mà tôi nghĩ thành phố có thể học tập được kinh nghiệm của nước ngoài
Thứ hai nữa trong khi quy hoạch các công trình cổ thì luôn luôn hạt nhân ở trung tâm đề mà xây dựng cảnh quan của một khu vực thì công trình cổ phải được ưu tiên bảo tồn và lấy nó làm hạt nhân để mà phát triển. Trong đề nghị thứ nhất là giúp cho nó có khu vực cảnh quan lịch sử, cái thứ hai những công trình này tồn tại thì nó sẽ nuôi dưỡng lịch sử càng ngày càng dày dặn hơn. Điều quan trọng thứ ba có thể nói việc tìm hiểu về giá trị và hiểu biết những kiến thức về di sản phải được đưa vào nội dung giảng dạy trong nhà trường, tuyên truyền cho nhân dân, tuyên truyền cho du khách và đặc biệt đưa đến gần công chúng bằng cách tất cả các di sản luôn luôn được mở cửa cho công chúng vào xem
Ngay cả những công sở người ta làm việc quanh năm nhưng người ta vẫn sắp xếp mở cửa cho công chúng xem để họ thấy rằng đấy thực sự là di sản mà người ta được thừa hưởng thật sự chứ không phải của mình vì vậy có giữ hay không cũng chẳng có lợi gì trong ấy cả!
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...