ĐỂ BẢO TÀNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG


Nguyễn Thị Hậu, 

Hệ thống bảo tàng của thành phố Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa quan trọng, phục vụ việc quảng bá, học tập, nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam và là những điểm đến hấp dẫn du khách. Từ khoảng mười năm nay các bảo tàng đã có sự thay đổi đáng kể về hình thức trưng bày, cảnh quan bảo tàng và các dịch vụ cũng khang trang lịch sự hơn, phục vụ khách tham quan tốt hơn.
Tuy nhiên, là cơ quan văn hóa hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, một mặt cơ chế chính sách chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, mặt khác do chưa được nhìn nhận vai trò, chức năng theo quan điểm mới trên thế giới, hệ thống bảo tàng ở thành phố chưa phát huy hết thế mạnh và giá trị của mình.

Thế mạnh của các bảo tàng ở thành phố.
Trước năm 1975 tại Sài Gòn chỉ có hai bảo tàng do người Pháp xây dựng: Bảo tàng Blangchard de la Brosse  ra đời năm 1929 (nay là Bảo tàng lịch sử TPHCM) và Bảo tàng địa chất từ Hà Nội di chuyển vào sau 1954. Sau năm 1975 do nhu cầu tuyên truyền và giáo dục truyền thống lịch sử, thành phố đã xây dựng thêm các bảo tàng mới, nay đã có một hệ thống bảo tàng đa dạng loại hình và phong phú về chủ đề trưng bày. Bên cạnh những bảo tàng thuộc thành phố quản lý (Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng phụ nữ, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng) còn có một số bảo tàng thuộc các ngành khác như Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng quân khu 7, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh… Ngoài ra di tích quốc gia đặc biệt Dinh Thống Nhất cũng cần được coi là một bảo tàng sự kiện lịch sử.
Các bảo tàng đều có vị trí đắc địa, mặt tiền những đường lớn ở trung tâm, thuận tiện về giao thông và không gian rộng rãi. Một số tòa nhà bảo tàng là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao như Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng thành phố, Bảo tàng mỹ thuật, hoặc được sử dụng làm biểu tượng của thành phố như Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM (Bến Nhà Rồng). Vị trí và cảnh quan bảo tàng là một trong những điều kiện thuận lợi để tổ chức dịch vụ phục vụ khách tham quan, bên cạnh hoạt động trưng bày và nghiên cứu khoa học.
Di sản văn hóa lưu giữ trong các bảo tàng thành phố có giá trị rất lớn và độc đáo, vừa phản ánh lịch sử - văn hóa cả nước vừa thể hiện đặc trưng của thành phố và miền Nam, đặc biệt là các nền văn hóa cổ và thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước. Đây là nền tảng để thiết lập và phát triển hệ thống bảo tàng thành phố mang những đặc trưng riêng biệt. Nhiều bảo tàng đã có “thương hiệu” như Bảo tàng lịch sử, bảo tàng chứng tích chiến tranh… Các bảo tàng có lực lượng công chức nhân viên được đào tạo chuyên môn và yêu nghề. Nhân viên trẻ có trình độ ngoại ngữ, thạc sĩ, tiến sĩ  hiện đang tăng lên.

Đưa bảo tàng tham gia vào đời sống
          Với những thế mạnh rất cơ bản và quan trọng như vậy hệ thống bảo tàng thành phố cần làm gì để trở thành nhu cầu “không thể thiếu” đối với đời sống cộng đồng?
Điều kiện quan trọng hàng đầu là đầu tư kinh phí và nghiên cứu khoa học để đổi mới hệ thống trưng bày và phương thức hoạt động (nội dung, hình thức, cập nhật tri thức mới…). Trang bị phương tiện trưng bày hiện đại tạo ra sự tương tác, chuyển vai trò khách tham quan từ bị động tiếp nhận sang chủ động tìm kiếm thông tin. Nếu cách thức trưng bày truyền thống chú trọng vào giá trị và ý nghĩa khoa học của hiện vật thì trưng bày hiện đại “kể lại những câu chuyện xã hội” xung quanh một hiện vật hay từ một sự kiện. Hiện nay nguồn thông tin, tư liệu ngày càng đa dạng và có thể kiểm chứng, vì vậy bảo tàng cần thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học mới.
Bảo tàng hướng tới cộng đồng nhiều hơn qua sự phối hợp tốt với các ngành hữu quan như du lịch, giáo dục (phổ thông và đại học) bên cạnh việc đa dạng hóa trưng bày và các hoạt động bổ sung như hội thảo, tọa đàm khoa học… Sử dụng các phương tiện truyền thông, website, mạng xã hội để tiếp cận công chúng và giới trẻ, tổ chức sinh hoạt thực hành và hướng nghiệp cho học sinh.
Khuôn viên các bảo tàng dành một phần để tổ chức dịch vụ cho khách tham quan: quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng văn hóa phẩm lưu niệm, sách chuyên khảo, sưu tập của bảo tàng… Cảnh quan tạo cảm giác thân thiện, gần gũi cởi mở chứ không phải một “bảo tàng viện” kín cổng cao tường. Đây còn là một nguồn thu kinh phí cho bảo tàng, được sử dụng trở lại cho những hoạt động này mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Một nguồn thu quan trọng là giá vé bảo tàng cần được điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chung, giá vé hiện nay quá lạc hậu, không tương xứng giá trị văn hóa của bảo tàng. Có thể sử dụng kinh nghiệm của nhiều nước: một giá vé chung cho khách nước ngoài và khách trong nước nhưng có vé giá thấp hơn cho học sinh, sinh viên cả trong và ngoài nước, thực tế cho thấy học sinh, sinh viên đến bảo tàng ngày càng nhiều do nhu cầu học tập và nâng cao tri thức.

Để bảo tàng hoạt động có hiệu quả tốt thì sự quan tâm, hiểu biết của cơ quan quản lý và lãnh đạo phụ trách trực tiếp sẽ mang lại những đề xuất chính sách và giải pháp phù hợp.
Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển bền vững của bảo tàng bắt đầu từ cuộc sống và vì đời sống.

Sài Gòn ngày 5.3.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...