@ Linh tinh lang tang (159). ĐỐI THOẠI KIỂU GÌ VẬY?!


Đã từ lâu tôi không xem những chương trình "đối thoại" của VTV nói chung và của riêng Tạ Bích Loan, vì không thể chịu nổi một kiểu MC - như người Bắc thì "nói như ăn cướp" còn người Nam bộ là "luôn nhảy vào họng người khác!". Tất nhiên có một số rất ít MC có cách nói từ tốn và khiêm tốn, biết mình là ai, coi trọng và cùng chia sẻ với người đối thoại để mang lại cho công chúng thông tin hữu ích.
Tối qua, vì quý mến MC Phan Anh và cũng vì muốn biết thái độ của những người tham gia chương trình đối với mạng xã hội, cụ thể là FB, thế nào, tôi xem chương trình "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?" do Tạ Bích Loan làm MC và MC Phan Anh là nhân vật chính.
Quả nhiên không ngoài dự đoán, thậm chí còn vượt quá dự đoán của tôi, chương trình đó xứng đáng đỉnh cao của hủ tục ném đá cho chết một người chỉ vì họ không suy nghĩ và bày tỏ như mình!
VTV có thể làm một chương trình như vậy, cũng chỉ là nối dài thêm những chương trình dối trá họ đã từng làm!
Phan Anh - hãy vững vàng nhé, bên cạnh em còn có những fbkers tham gia FB với trách nhiệm xã hội và bằng tư cách CON NGƯỜI!
Chỉ tiếc cho TBL, cái sắc sảo của bạn chỉ chứng tỏ sự thủ cựu và không ít đố kỵ!
Nên xem cuốn sách này nhé, nếu xem rồi thì hãy xem lại thật kỹ!

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (112)

@ Bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Mỹ- Việt Nam, Mỹ bỏ cấm vận bán vũ khí cho VN, tốt quá! Nhưng đấy là việc người ta làm cho mỉnh!
Còn việc mình phải làm và không ai làm thay được là hãy xây dựng một thế hệ phụ huynh như phụ huynh của giới trẻ Hồng Kong hiện nay, những người có ý thức về dân chủ, đã tạo điều kiện và ủng hộ con em họ đấu tranh cho dân chủ.

@ “Ý thức về quá khứ nhưng tập trung vào tương lai”. Cả bài nói chuyện của TT Obama nhiều lần nhắc đến lịch sử - văn hóa VN từ trống đồng Đông Sơn, Hai Bà Trưng đến chiến tranh Mỹ - Việt, từ Kiều đến "selfie"... nhưng tất cả đều nhằm minh chứng cho những việc cần làm cho một hiện tại và tương lai của VN “mang giá trị phổ quát của nhân loại”.
Ông ấy nói chuyện cùng mọi người chứ không đọc giấy cho mọi người (nghe), tiếp xúc mọi người với nụ cười cởi mở và chân thật. Bàn tay mở rộng giơ cao chào mọi người. Một chính trị gia mang lại sự ấm áp và tin tưởng!

@ Hắt nhanh hắt hết giả xô mợ về! CÁI XÔ CÁI XÔ MÀU XANH RẤT CHUỐI của mợ Ngân :D

TRUYỆN 100 CHỮ:

 @ 
LẪN LỘN LUNG TUNG
Ở xứ nọ ngày xưa có ông lão Ngu Công nhà khuất sau núi nên không thấy mặt trời. Có người khuyên chuyển nhà ra phía trước nhưng lão lại huy động dòng họ quyết tâm dời cả núi đi. Từ đó con cháu kỵ húy tên lão, cứ “ngu” thì gọi là “khôn” còn “công” thì kêu là “tội”. Càng ngày càng lẫn lộn lung tung hết cả.
Về sau ai cũng tránh xa dòng họ ấy vì chẳng còn người nào tử tế.
...


@ Chuyện con nhồng

Nhồng ở trong chuồng nhìn ra thấy người thoải mái đi lại thì khó chịu lắm, tìm cách để người phải thả nó ra. Nó thấy mỗi lần bà chủ gào lên “anh đi luôn đi!” thì ông chủ lập tức phóng ra khỏi nhà.
Thế là vừa thấy ông chủ đi qua nó the thé kêu lên “anh đi luôn đi” liền bị ông chủ thò tay vào lồng đánh cho nảy đom đóm.
Không thể đạt được mục đích bằng cách bắt chước người khác một cách mù quáng.

Bài phát biểu của TT OBAMA (HN NGÀY 24/5/2016)



“Ý thức về quá khứ nhưng tập trung vào tương lai”. Cả bài nói chuyện của TT Obama nhiều lần nhắc đến lịch sử - văn hóa VN từ trống đồng Đông Sơn, Hai Bà Trưng đến chiến tranh Mỹ - Việt, từ Kiều đến “selfie”… nhưng tất cả đều nhằm minh chứng cho những việc cần làm cho một hiện tại và tương lai của VN “mang giá trị phổ quát của nhân loại”.
Ông ấy nói chuyện cùng mọi người chứ không đọc giấy cho mọi người (nghe), tiếp xúc mọi người với nụ cười cởi mở và chân thật. Bàn tay mở rộng giơ cao chào mọi người. Một chính trị gia mang lại sự ấp áp và tin tưởng! 
 

SẮC HOA MÀU NHỚ

Nguyễn Thị Hậu

Hình như một bài hát tựa đề như vậy có câu mở đầu “hoa phượng rơi đón mùa thu tới”? Ở Sài Gòn phượng đỏ thường trồng ở sân trường, nhất là mấy ngôi trường được xây từ thời Pháp có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, rải rác có những chiếc ghế đá… Những chùm phượng đỏ với tà áo trắng là bức tranh tuyệt đẹp trên sân trường. Mùa hoa phượng báo hiệu ngày chia tay tuổi học trò mộng mơ đang đến.


 Sài Gòn còn nhiều sắc màu khác, rực rỡ mà vẫn dịu dàng, tươi tắn mà luôn đằm thắm. Tháng tư, tháng năm là thời gian giao mùa nắng mưa cũng là lúc nhiều đường phố Sài Gòn nở bung những sắc vàng tươi thắm. Một trưa nào đó đứng trên tầng cao nhìn xuống con đường quen thuộc dưới kia,  bạn chợt nhận ra hàng điệp vàng đã nở rộ từ bao giờ mà mỗi ngày đi dưới bóng mát của nó bạn không hề để ý. Từ trên cao nhìn xuống những vòm hoa như những mâm vàng trên nền lá xanh ngăn ngắt. Bông điệp nở dày nhưng rất mong manh, chỉ cần một ngọn gió nhẹ lướt qua là cánh điệp lả tả rơi xuống như mưa… Nhiều năm trước hàng điệp vàng và thảm hoa trên vỉa hè hay trên đám cỏ xanh nổi bật trên đường Lê Duẩn, nhưng nay hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng kính xanh chói chang nên đi trên con đường này hình như chẳng ai còn nhận ra mùa điệp vàng đã về…


Cả tháng nay dọc theo kênh Nhiêu Lộc, đoạn  giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Lê Văn Sĩ, cả hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều cây hoa bò cạp vàng đang trổ bông rất đẹp. Trên nhiều đường phố khác màu vàng rực rỡ mà dịu dàng như lụa của bò cạp vàng làm cho cái nắng tháng năm không còn quá nóng bỏng. Do cây có hoa đẹp, tán rộng, mọc nhanh, không quá cao nên bò cạp vàng thường được sử dụng trồng tạo cảnh quan, cây đường phố, dọc lối đi trong các khu biệt thự, nhà ở, khuôn viên trường học, bệnh viện… Hoa bò cạp vàng nở buông từng chùm như chiếc đèn lồng thu hết ánh nắng rực rỡ. Trong công viên Gia Định năm nay có mấy cây nở hoa sớm, người qua đường bất giác chạy xe chậm lại ngắm nhìn những chùm hoa đung đưa theo gió… Mùa hoa bò cạp vàng lặng lẽ đến rồi đi, cứ tự nhiên nở rộ làm đẹp cho những con đường mà không cần nhiều lời ca ngợi, dù có nhiều tên khác nhưng cái tên thường gọi cũng chẳng cầu kỳ. Như những cô gái Sài Gòn tươi tắn và hồn hậu, hoa bò cạp vàng luôn làm lòng người xao xuyến.


Cũng sắc vàng còn có hoa huỳnh anh (còn gọi là hoàng anh) thường trồng phủ đầy hàng rào những ngôi biệt thự. Ở Sài Gòn huỳnh anh cho hoa nở quanh năm. Hoa đẹp nổi bật với những chùm hoa to màu vàng tươi mọc đầu cành, màu vàng trông thật mượt mà trên tàn lá màu xanh bóng,  một chùm hoa nở từng đôi nên trên cành luôn có hoa có nụ. Cây huỳnh anh dễ trồng , mọc nhanh, cành nhánh vươn cao nên thường được trồng làm cảnh, leo bờ rào, bờ tường, cành dễ uốn nên thường được trồng làm cổng ra vào. Nhiều lần, trên đường đi làm tôi rẽ vào một hẻm nhỏ, tránh con đường đông đúc ngòai kia. Hẻm vắng vẫn giữ được nhịp sống bình thản thật đáng yêu, chạy xe dưới những bông huỳnh anh rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao, mắt lơ đãng buông theo ngoằn nghèo hẻm nhỏ, lòng thấy bình yên…


Nói về sắc màu hoa Sài Gòn mà quên Bông Giấy thì thật là thiếu sót. Dàn bông giấy rực rỡ những màu hồng, vàng cam, trắng, tím ở khắp nơi… Cũng như huỳnh anh bông giấy thường được trồng che phủ hàng rào, có khi chỉ từ thân cây khô già cỗi nhô ra từ một góc sân mà cả đoạn vỉa hè rực lên khiến ai cũng phải ngắm nhìn dù đã quen thuộc. Gió lao xao làm những bông giấy mong manh đuổi nhau chạy trên đường phố. Dưới dàn bông giấy hay có quán cà phê cóc, một chiếc xe đẩy, vài bàn ghế nhựa… vậy là có một nơi hò hẹn bạn bè. Ngồi đó nhìn đường nhìn dòng xe ngược xuôi, nghe giọng nói đủ vùng miền xung quanh, bỗng thấy Sài Gòn thân thương quá đỗi…
Trên những con đường Sài Gòn ta đó, tháng năm mùa hoa rực rỡ… Một ý nghĩ thoáng qua, Sài Gòn sẽ buồn biết bao nếu một ngày nào đó thiếu đi những sắc hoa màu nhớ.


Sài Gòn 20.5.2016

CÒN AI NHỚ CHỢ NHÀ LỒNG?


Nguyễn Thị Hậu

Cụm từ “chợ nhà lồng” xuất phát từ Nam bộ, ở Bắc bộ hầu như không sử dụng tên gọi này cho những ngôi chợ xây. Chúng ta có thể thấy từ này mang ý nghĩa tượng hình cho biết hình thức chợ giống như cái lồng: có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, rộng rãi, đặc biệt là tuy có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thông thoáng. Không gian chợ nhà lồng giới hạn bởi mái cao, gian chợ rộng, có hàng cột bốn phía đỡ mái, nền cao tránh ngập nước cũng là để phân biệt với không gian ngoài chợ. Nhưng không gian trong và ngoài nhà lồng có thể kết nối với nhau và với xung quanh vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn, dễ dàng tiếp cận.
Các thị tứ, thị trấn Nam bộ thường có các chợ nhà lồng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Khác với Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng chợ nhà lồng chắc được người Pháp đưa vào Nam bộ khá sớm, vì có thể nhận thấy các chợ nhà lồng cổ hiện còn có kiến trúc, hình thức, quy mô, thậm chí vật liệu xây dựng cũng khá giống nhau, tức là có cùng một khoảng niên đại.
Những lần có dịp đi Pháp làm việc hay du lịch, tôi thường bắt gặp trong nhiều làng cổ ở Pháp ngôi chợ “nhà lồng” cũng ở trung tâm của làng hay khu vực dân cư tập trung đông. Làng nào cũng có hai công trình công cộng là nhà thờ và chợ, nhưng chợ thì không xây dựng trước nhà thờ hoặc gần các công trình tôn giáo. Qua tìm hiểu, tôi được biết trước đây chợ nhà lồng không chỉ có chức năng mua bán hàng hóa mà còn thêm chức năng thông tin. Ở đô thị các thông tin có thể được chính quyền thông báo tại trụ sở, trung tâm hành chính; còn trong cộng đồng dân cư nhỏ như làng thì thông tin được thông báo bằng văn bản dán hoặc đọc tại các chợ. Những thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của dân cư trong làng. Vì vậy, chức năng thông tin của chợ nhà lồng rất quan trọng.
Tại Pháp công tác bảo tồn những công trình cổ rất tốt, không chỉ gìn giữ lại phần vật chất, thực thể của công trình mà còn duy trì, nuôi sống được cái hồn của mỗi công trình cổ. Những ngôi chợ cổ ở Pháp hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngày lễ hội, cuối tuần và phục vụ trong những thời gian đông du khách như mùa hè. Xưa đây là nơi nhộn nhịp và sinh động nhất trong cuộc sống của người dân tại làng quê Pháp thì nay là nơi họ có thể trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực độc đáo – niềm tự hào của làng quê. Chợ hoạt động phục vụ nhu cầu của dân bản địa và khách du lịch. Loại hình chợ này rất thuận tiện cho mọi người có nhu cầu tham quan, mua sắm thoải mái.
Một điều bất ngờ và thú vị là trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp của Paul Doumer, toàn quyền Đông dương 1897 – 1902 đã nói đến vai trò của chợ nhà lồng trong các làng ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Trong đó Paul Doumer xác nhận rằng ở Nam kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến, ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên mảnh đất rìa làng; sau đó những người bán hàng ở chợ đã được ngồi bên dưới một công trình có mái che như ở Pháp nhưng bốn phía thông thống để gió vào, rất thích hợp với khí hậu ở Nam kỳ; rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ hiện đại là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên lợi ích quan trọng nhất của chợ là làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn để làm công quỹ.
Như vậy, chợ nhà lồng ra đời không chỉ là sự thay đổi về hình thức của “chợ quê” mà còn là sự thay đổi một cách thức buôn bán: trong số những người đến chợ mua bán theo kiểu tự cung tự cấp có những người trở thành “chuyên nghiệp” vì buôn bán thường xuyên và cố định trong nhà lồng, họ có nghĩa vụ đóng thuế - chính thức hóa nghề nghiệp. Và nguồn thu từ thuế chợ trở thành một nguồn kinh phí cho hoạt động công ích của làng xã.
Hiện nay rất đáng tiếc là nhiều nơi ở Nam bộ đã phá chợ nhà lồng mà xây nên những “trung tâm thương mại” hoành tráng mà vô hồn, chỉ còn lại một số  ít ngôi chợ nhà lồng cổ xưa. Bên cạnh việc bảo tồn “chợ nổi” trên sông nước như một nét độc đáo của văn hóa và du lịch miền Tây thì chợ nhà lồng cũng cần được bảo tồn và duy trì hoạt động vì đã lưu giữ nét “văn hóa thương nghiệp” độc đáo của các thị tứ Nam bộ. Với giá trị lịch sử như vậy chợ nhà lồng hoàn toàn xứng đáng được coi là di sản văn hóa của Nam bộ, cả ngôi nhà lồng và những sinh hoạt chợ truyền thống ở đó.

Sài Gòn 20.4.2016


NGHĨ KHÁC VỀ CHIẾC ĐŨA


Nguyễn thị Hậu

Hình như “tư duy bó đũa” chỉ có ở người Việt trong số những dân tộc dùng đũa để ăn?
Từ nhỏ đã được học một bài học qua hình tượng bó đũa: người cha gọi các con đến và đưa ra một bó đũa, nói các con bẻ thử xem. Không ai bẻ được. Người cha bèn bẻ từng chiếc, tất nhiên những chiếc đũa lần lượt gãy hết. Bài học: các con phải đoàn kết.

Nhưng, đũa chỉ thành “bó” khi có người bó buộc chúng lại. Còn chúng vốn là những chiếc rời rạc, khi cần người ta chỉ sử dụng hai chiếc thành “đôi đũa” để và cơm gắp thức ăn, thỉnh thoảng gặp đôi đũa vênh thì bực hơn lấy phải cô vợ dại (“vợ dại không hại bằng đũa vênh”, dân gian nói thế). Đũa cả (để xới cơm) hay đũa bếp (để nấu thức ăn) thì to hơn dài hơn đấy, nhưng cũng chẳng ai sử dụng cả bó. Túm lại, khi thành từng bó thì đũa chả làm được gì ngoài việc làm cái ẩn dụ nói trên; còn khi có tác dụng thật thì chúng chỉ là từng đôi, kết hợp chiếc này với chiếc khác đều được, miễn là (tương đối) bằng nhau. Mà cũng có thể dùng từng chiếc xiên xỏ cũng đưa được miếng ăn lên miệng.

Lại có câu chuyện liên quan đến đũa là Cây tre trăm đốt: bị lừa đi tìm cây tre có trăm đốt làm đũa cho đám cưới, anh nông dân phải nhờ Bụt ban cho câu thần chú khắc nhập khắc xuất mới lấy được con gái phú ông. Hẳn 100 đốt tre làm đũa cho cả làng dùng trong đám cưới, xong rồi cả nhà anh nông dân dùng hết đời cũng không hết. Chắc vậy nên sau đó không thấy có chuyện cổ nào có nói đến chiếc đũa nữa.

Ở phương Tây người ta không dùng đũa để ăn nhưng các bà Tiên (hay phù thủy) lại thường cầm đũa thần nhưng cũng chỉ một chiếc, không thấy tiên nào cầm cả đôi đũa thần. Chắc sợ lúc vung lên mỗi chiếc lại ra một phép thần khác nhau thì hỏng hết mọi việc.

Lớn lên lại có bài học về so bó đũa chọn cột cờ. Ý là khó chọn lựa lắm, thôi thì trong cái đám sàn sàn như nhau ấy chiếc nào nhỉnh hơn tí thì được chọn. Thoắt cái đổi đời từ đũa thành cột mà lại làm hẳn “cột cờ” cơ đấy! Thế mới biết cái sự “được chọn” ấy nó mong manh nhưng mang lại may mắn thế nào cho chiếc đũa chỉ dài hơn cả bó một tẹo. Bình thường chắc chiếc đũa ấy không được việc gì vì chả thành đôi với chiếc nào khác để mà sử dụng, bà nội trợ rửa chén bát gặp chiếc đũa như thế thì vứt bỏ ngay. Thế mà khi cần thì một chiếc đũa “không giống ai” cũng có thể trở thành “cột”.  Tất nhiên, khi chiếc đũa vào vai “cột cờ” thì mặc nhiên người ta cho rằng đám đông kia ai cũng như ai, tất cả “bằng đầu” như một bó đũa, và giá trị của “cột cờ” này thế nào là nằm ở ý đồ người chọn.

“Tư duy bó đũa” là một kiểu tư duy cào bằng, không coi trọng giá trị của từng cá nhân. Thử hình dung một xã hội mà mọi người như những chiếc đũa giống hệt nhau từ chất liệu đến màu sắc kích thước như được làm từ máy! Mà bây giờ còn phổ biến loại đũa dùng một lần xong thì vứt bỏ dù có nhẵn đẹp hay còn vướng cọng xơ tre, chẳng có giá trị gì lâu bền. Kể cả đũa ngà đũa bạc mà vua chúa thường dùng chỉ quý vì là đồ dùng của bậc vua chúa chứ không phải vì giá trị “làm đũa” của nó.
Vậy, đừng tự hào là danh giá nếu được chọn làm “cột cờ”, bởi vì bản chất vẫn là chiếc đũa, ngồi vào vị trí cao quá khả năng thì chỉ làm vị trí ấy tầm thường đi mà thôi.

 “Tư duy bó đũa” còn là sự đánh lừa chính mình. Làm gì có sức mạnh của cả bó đũa! Dù có đứng chung trong một ống đũa hay được buộc thành một bó thì đũa vẫn chỉ là những chiếc đơn lẻ dễ dàng bị tách khỏi cả bó. Một người thần kinh bình thường chẳng ai cầm cả bó đũa mà bẻ. Họ sẽ bẻ từng chiếc, lần lượt từng chiếc đến hết cả bó, vì tất cả những chiếc đũa không thể tự dính chặt vào nhau! Hoặc, điều này nguy hiểm hơn, họ quăng cả bó vào đống lửa, và do rời rạc nhỏ bé nên cả “bó đũa” sẽ bùng cháy nhanh chóng!

Đũa thì cứ là đũa, đừng cố gắng đua chen làm cột. Nhưng hãy thật cứng cỏi để không ai có thể dễ dàng bẻ gãy dù chỉ là một chiếc đũa. Mỗi chiếc đũa cứng cỏi sẽ tạo nên sức mạnh của cả “bó đũa” chứ không phải là ngược lại.

Sài Gòn 5.5.2016

 Báo TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN, 13/5/2016, mục PHIẾM ĐÀM








HẠN MẶN MIỀN TÂY VÀ NGUY CƠ BẤT ỔN


Nguyễn Thị Hậu

Cơn hạn hán kéo dài suốt nhiều tháng qua chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, cũng là khoảng thời gian nước mặn xâm nhập rất sâu vào đồng bằng sông Cửu Long. Miền Tây oằn mình chịu thiên tai. Hồi đầu tháng tư có được 1,2 cơn mưa cục bộ lượng mưa không đáng kể làm báo chí ào lên “miền Tây có mưa”. Nhưng rồi tiếp đó là đại dịch cá chết ven biển các tỉnh miền Trung…  Truyền thông lại tập trung vào vấn nạn về ô nhiễm môi trường và nguyên nhân cá chết. 

Cả tháng tư rồi qua tháng năm miền Tây vẫn đang chịu đựng thiên tai như những gọng kềm: từ trên trời nắng xuống, từ dưới đất phèn lên, từ thượng nguồn Mêkông nước không về và từ biển nước mặn lấn vào sâu! Đất khô nứt nẻ không thể trồng trọt, đầm tôm mặn quá giới hạn làm chết tôm và các loại thủy sản, rừng lúc nào cũng trong nguy cơ hỏa hoạn cao, kênh rạch cũng cạn kiệt, người không đủ nước sinh hoạt… Miền Tây đã nghèo lại càng nghèo, lại dấy lên làn sóng người bỏ quê đi tìm kế sinh nhai.

Từ  hàng chục năm nay miền Tây không chỉ là vựa lúa cung cấp lượng lúa gạo xuất khẩu lớn nhất nước ta, mà còn là một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực cho miền Đông Nam bộ - vùng có tốc độ công nghiệp hóa – đô thị hóa cao nhất nước. Sự dịch chuyển nguồn lao động từ vùng nông thôn, nông nghiệp sang địa bàn đô thị, công nghiệp là một hiện tượng bình thường trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. 

Nhưng  chỉ là bình thường khi nó phản ánh đúng quy luật: cùng với sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất thì vùng nông nghiệp phải được cơ giới hóa  phát triển kỹ thuật thủy lợi, giống cây trồng, kỹ thuật nông nghiệp và những ngành công nghiệp phụ trợ như chế biến nông sản… Khi nông nghiệp được “công nghiệp hóa” thì nông thôn và vùng công nghiệp - đô thị hóa không có sự chênh lệch quá xa về mức sống, về chất lượng sống, người dân có trình độ văn hóa được nâng cao mới là nguồn nhân lực “bền vững” để bổ sung cho các khu công nghiệp, lúc đó di cư lao động trở thành một tiêu chí phản ánh sự phát triển của kinh tế - xã hội cả ở nông thôn và đô thị.

Tuy nhiên sự dịch chuyển nhân lực ở miền Tây Nam bộ không nằm trong quy luật này mà chủ yếu do tác động của các nguyên nhân kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng  chuyên canh lúa và xuất khẩu lúa gạo, tôm lớn nhất nhưng từ mấy chục năm nay luôn là vùng trũng về giáo dục và văn hóa – xã hội. Mức sống bình quân thấp, trình độ học vấn cũng thấp, nhiều bất ổn trong môi trường văn hóa – xã hội … Sự đầu tư trở lại của nhà nước về cơ sở hạ tầng cầu đường, đầu tư giáo dục , y tế, văn hóa… cho toàn vùng chưa tương xứng với những gì nơi đây đã đóng góp cho cả nước. Vùng sâu vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của “mùa nước nổi” luôn nghèo đói quanh năm. Người dân miền Tây vốn năng động và rất chịu khó trong làm ăn, khi bỏ quê ra đi là họ đang phải “tự cứu mình” khi không còn cách nào khác.

Từ nhiều năm nay tồn tại thực trạng là nhiều nơi nông dân bị mất đất, hay còn đất nhưng không đủ nguồn lực kinh tế và kiến thức để làm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hoặc thay đổi phương thức canh tác mới… cũng là nguyên nhân làm cho nông dân miền Tây phải ly hương. Sự dịch chuyển lao động của nguồn nhân lực chất lượng thấp và tâm lý lối sống không “an cư”  đến đô thị và các khu công nghiệp sẽ tác động làm cho chất lượng sống những khu vực này không ổn định. Bất ổn từ nông thôn – nông nghiệp  là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự bất ổn ở đô thị và các khu công nghiệp. Thiên tai hạn mặn năm nay  ở đồng bằng sông Cửu Long là tiếng chuông  một lần nữa  cảnh báo về nguy cơ này!

Nhìn lại lịch sử khai thác đồng bằng sông Cửu Long từ khi lưu dân người Việt vào khẩn hoang lập ấp, đến thời kỳ triều Nguyễn đẩy mạnh di dân, thời Pháp thuộc lập đồn điền tích tụ ruộng đất… Chúng ta đều thấy một đặc điểm là toàn vùng chưa bao giờ chỉ độc canh cây lúa dù trồng lúa là kinh tế chính. Dân cư chọn phương thức sống thích ứng với những “tiểu vùng” sinh thái ở đây: miệt ruộng (tứ giác Long Xuyên), miệt bưng biền (Đồng Tháp Mười), miệt U Minh (rừng ngập mặn, Cà Mau) và miệt vườn (hạ lưu sông Tiền). Nam bộ có hai mùa mưa nắng, lượng nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt chủ yếu từ nước mưa và từ sông Cửu Long, trước đây khi diện tích trồng lúa có hạn thì lượng nước ngọt đủ cung cấp cho những cánh đồng trồng lúa, phần khác cho miệt vườn cây ăn trái. Nay dân số và diện tích trồng lúa đều tăng nhiều lần, mùa vụ cũng tăng trong điều kiện nguồn nước đang cạn kiệt, nước mặn xâm lấn, vì vậy phương thức trồng trọt “độc canh cây lúa” và chỉ nhằm mục đích tăng sản lượng để xuất khẩu cần phải xem xét lại.

Thích ứng với tự nhiên và chuyển đổi hướng canh tác như việc vùng bưng biền hay miệt rừng thì bảo vệ và tăng cường nguồn lực tự nhiên, kết hợp nuôi trồng thủy hải sản dựa vào nước lợ, nước mặn hay trồng loại cây thích hợp đất phèn… cùng với công nghiệp chế biến để tránh tình trạng phụ thuộc vào việc bán nguyên liệu, sản phẩm thô, đảm bảo quá trình sản xuất khép kín để xuất khẩu thành phẩm cuối cùng. Việc chuyển đổi này cùng sự hình thành hệ thống nhà máy chế biến nông sản chính là “công nghiệp hóa” phù hợp với đặc điểm của một vùng nông nghiệp truyền thống, trong điều kiện tự nhiên và xã hội đã có sự thay đổi lớn. Nếu chỉ coi đồng bằng sông Cửu Long là vùng để khai thác như hàng trăm năm nay mà không đầu tư trở lại một cách xứng đáng thì nguồn lực nào rồi cũng cạn kiệt, cả tài nguyên lẫn sức lao động và sức chịu đựng của con người.

Ngoài ra cũng cần lưu ý đến yếu tố biển của miền Tây Nam bộ. Kinh tế biển bao gồm đánh bắt thủy hải sản và thương nghiệp đường biển cũng là một trong những truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng này.

Sài Gòn 11.5.2016


VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (111)

Thủy tinh và pha lê
Chiếc bình pha lê và bình thủy tinh mới nhìn qua thấy giống nhau, nhưng thủy tinh rẻ tiền còn pha lê thì đắt. Giá trị của pha lê không phải vì nó lấp lánh mà ở sự kỳ công để làm được một sản phẩm hoàn mỹ.
Với con người nhân cách quý giá và cần được giữ gìn như chiếc bình pha lê. Nhưng với một số người nhân cách của họ chỉ như chiếc bình thủy tinh, cũng lấp lánh nhưng rẻ tiền.

Gà và bồ câu
Nhà kia nuôi mấy con bồ câu nhỏ xíu chung với đàn gà. Dần dần chúng lớn lên, cũng tập bay là là trên sân. Chủ nhà thấy vậy nên không làm chuồng trên cao cho bồ câu nữa.
Thế nhưng khi có động gây sợ hãi thì đám bồ câu lại đập cánh… chạy nhanh vào chuồng giống hệt như bầy gà, mỏ cũng há ra nhưng không kêu quang quác được.

“Sống đâu âu đấy”, bồ câu thành gà là bởi sống chung trong một cái chuồng ở dưới đất.

Nói thật 
Hai anh kia nói chuyện với nhau từ chuyện cá chết đển chuyện hạn hán ngập mặn... Một anh bức xúc luôn miệng chửi thể tất cả từ lãnh đạo đến các cơ quan đến cả thằng nào tắm biển xả rác. Chửi mãi chắc mệt nên ảnh im. Anh bạn hỏi: 
- Vậy chứ chuyện mày với con bồ thế nào! 
- Nó cứ đòi tao phải nói với con vợ tao. Nói thế dek nào được! 
- ừ, khó nói hơn chuyện nói ra nguyên nhân cá chết ấy nhỉ?!

(Truyện 100 chữ)

@ VTV vẫn ra rả ăn mày dĩ vãng của... Liên xô bằng (những) chương trình kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. 
Làm ơn có tự trọng chút đi!

@ Miền Nam đồng bằng hạn mặn, miền Trung biển ô nhiễm cá chết, miền Bắc tính ngăn đập biến sông Hồng thành từng cái hồ thủy điện.
Nguồn lực của từng vùng miền đang bị triệt hạ!
Đất nước tôi sẽ còn lại gì đây?!

Một tuần nay trưa nào cũng chạy ngoài đường trong cái nắng 37,38 độ, mềnh vốn đã đen nay thành khoai mỳ cháy luôn hic hic
P/S: chịu ko xiết, than một câu là mưa liền! Biết vậy chịu khó than từ hồi tháng trước :D

@ Lần nào ghé Viện cũ nơi mình từng công tác cũng được đồng nghiệp chào hỏi bằng câu "Từ ngày xuất viện trông chị trẻ khỏe ra nhiều nhỉ Biểu tượng cảm xúc smile "
Mừng, chứng tỏ là môi trường nghỉ hưu trong lành hơn môi trường làm việc, với mình là thế 

Không thể là số 1 nếu thiếu bảo tồn di sản văn hóa

http://sggp.org.vn/chinhtri/2016/5/419908/

TS Nguyễ̃n Thị Hậ̣u - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Mỗi thành phố được hình thành với những đặc điểm riêng, địa thế, môi trường, lịch sử và con người đã tạo nên tính cách của nó. Bởi thế không có thành phố nào giống thành phố nào. Sài Gòn - TPHCM cũng vậy
Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với lợi thế của vị trí địa lý thuận tiện cho thông thương và giao lưu kinh tế - văn hóa, là một đô thị trẻ, năng động, sáng tạo, TPHCM đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Nhưng Sài Gòn - TPHCM còn là một đô thị có “vốn” di sản văn hóa giàu có và phong phú. Khu vực trung tâm TPHCM tập trung nhiều công trình kiến trúc và không gian đô thị, được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là khu vực di sản đô thị ẩn chứa trong nó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố qua vài trăm năm. Từ khoảng hai mươi năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực này, cũng là làm mất đi nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa.

Phải là một thành phố sống tốt, thành phố đáng sống cả về vật chất và tinh thần, rồi mới hướng đến và vươn lên vị trí số 1. Trong bối cảnh của sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, “phát triển bền vững” không chỉ là mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên, mà chủ yếu là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và các vấn đề văn hóa - xã hội. Phát triển kinh tế mà không bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa vật chất và tinh thần thì đó là sự phát triển què quặt, không cân đối… Sự phát triển què quặt, không cân đối sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của quá trình phát triển kinh tế và xã hội, tức là không đạt được mục tiêu “phát triển bền vững”.

Như vậy, từ góc độ lịch sử văn hóa, dù có thể bây giờ đã trễ, nhưng phải ngừng ngay việc hủy hoại di sản văn hóa đô thị ở khu vực trung tâm TPHCM. Nếu chúng ta chỉ biết lấy mà không biết giữ gìn hay đền bù trở lại thì sẽ sớm phải trả giá cho sự phá hủy một phần lịch sử quan trọng của thành phố. Bảo tồn di sản văn hóa chính là bậc thang quan trọng để TPHCM đi lên vị trí số 1 với nền tảng vững chắc của lịch sử và văn hóa.

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (110)

@ Sài Gòn vẫn rất nắng và quá nóng nhưng vắng hơn ngày thường. Chạy xe trên phố còn nghe hơi gió mát xua bớt ngột ngạt lúc đứng bóng. Đường phố vùng Phú Nhuận, Gò Vấp thưa thớt... như những ngày tháng năm 1975. Khu trung tâm thì nhộn nhịp hơn chút, cũng như những ngày này cách đây 41 năm.
Dọc kênh Nhiêu Lộc khúc giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Lê Văn Sĩ đoạn qua xóm đạo ven kênh nhiều cây hoa bò cạp vàng đang trổ bông rất đẹp. Từ cầu Ng Văn Trỗi nhìn xuống chùa Vĩnh Nghiêm cũng có mấy cây nở bông vàng rực lên. Màu vàng làm cho cái nắng mềm dịu đi, như lụa ấy 
(chạy xe ko chụp hình được, bèn chôm trên mạng .


@ Mất niềm tin là mất tất cả, nhưng là "tất cả" của người đã lỡ tin. Còn người đã ko quan tâm đến việc có ai tin mình hay không thì niềm tin vào họ mất hay còn là điều họ không cần biết!
Với người dối trá và lật lọng thì niềm tin là khái niệm xa lạ!
(Cá vẫn chết và vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao cá chết!)
Mà này, khi đã ko có chút tình cảm nào thì liệu có quan tâm đến tin hay ko tin nhau?

@ Minh bạch thông tin có lẽ là cái khó nhất trong mọi việc, từ việc chung đến việc riêng, từ việc quốc gia đến chuyện vợ chồng bồ bịch
Không minh bạch nên dễ bị suy diễn hiểu sai, rồi làm theo sự hiểu biết mỗi người mỗi kiểu. Thế nên làm việc "lào" lại ra việc "ý". 
Lại phải công nhận tiếng Việt rất chính xác, vì ko phải "việc nào ra việc nào" mà lại "việc nào ra việc ấy" 
ĐẤT NƯỚC TÔI ĐẤT NƯỚC TÔI... CÓ THẾ THÔI!

@ “Trọc phú đẻ lễ hội”, vì không đủ trình sinh lễ nghĩa hay lễ nghi
@ Đoàn mà không Kết, Bênh ít Vực nhiều; Dựa rồi lại Dẫm, Tham ắt sẽ Nhũng (nhiễu), Giúp nhưng phải Đỡ, mà ai Đỡ chắc là người Đần... 
... tiếng Việt hay thế 

@ Vì sao cá chết
Ông lão đánh cá ra biển thấy cá chết trắng bờ bèn khóc hu hu. Mãi Bụt mới hiện ra, ông lão hỏi “tại sao cá chết?”
Bụt trả lời ngay, cá chết là tại tiếng sóng ồn quá! Không phải? Chắc tại biển chật chội chúng chen nhau chết bẹp! Cũng không phải? À đúng rồi, tại chúng không biết bơi, cả bầy ở biển mà không biết bơi thì chết đuối cả lũ!
Ông lão đánh cá vẫn khóc: vậy làm sao con sống?
Liên quan gì đến ta! nói xong Bụt liền thăng!
(truyện 100 chữ)

NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ


Nguyễn Thị Hậu

1. Ngày 30 tháng 4, chiến tranh chấm dứt đồng thời cũng là ngày dập tắt tia hy vọng mong manh của bao nhiêu gia đình miền Bắc về sự trở về của chồng, con em mình… Từ ngày này, chiến tranh chấm dứt nhưng bao nhiêu gia đình miền Nam lại phải chia ly vì người đi “học tập”, người vượt biên, người đi kinh tế mới… Từ ngày này, những gia đình có người thân trở về sau cuộc chiến có khi lại bắt đầu một “cuộc chiến” khác. Trong cùng một nhà có bên này bên kia, có vợ sau chồng khác…
Chính vì vậy ký ức những ngày này luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với thế hệ tham chiến bên này lẫn bên kia. Sự mất mát vì chiến tranh và sau cuộc chiến không từ một ai. Cuộc sống trôi qua và cho đến nay trong nhiều người vẫn chỉ tồn tại “một bên của quá khứ”, nỗi đau (hình như) ngày càng di căn. Bên này bên kia có gia đình nào không không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng kéo dài chắc chắn không chỉ một, hai thế hệ?
 Nhưng thử nhìn những gì tràn ngập trên mạng xã hội những ngày này mà xem, có nỗi đau chỉ cần một hai câu từ cũng đủ làm nhói lòng và buộc người ta phải nghĩ suy cặn kẽ. Nhưng cũng có câu chữ… chỉ thấy người viết “ăn theo” những nỗi đau những sự mất mát. Có một câu nói rất hay “ngoài đau bụng mọi cái đau khác chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng ai không cảm nhận được những nỗi đau ấy thì đó không phải là người tử tế”. Vâng, khi không thực sự cảm nhận nỗi đau của người trong cuộc thì xin đừng độc ác mà khoét sâu hơn vết thương ngày cũ.

2. “Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào… Những bà mẹ đau nỗi đau mất đi những đứa con, có phân biệt nỗi nhớ đứa con bên này bên kia? Những người đã yên nghỉ ở những nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng, trên cao xanh họ có còn phân biệt người thân ở bên thắng hay thua?  “Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”, từ những năm 20 của thế kỷ trước nhà văn Alexei Tonxtoi đã viết như một lời nguyện cầu trong cuộc nội chiến ở nước Nga sau cách mạng tháng Mười. Vậy mà sau mỗi cuộc chiến không biết đến bao giờ lòng người mới thôi gào thét hận thù để chỉ còn lại sự nhẫn nại dịu dàng hàn gắn vết thương?
Những ngày này 41 năm trước gia đình tôi được quay trở lại quê hương sau hơn 20 năm “ngày Bắc đêm Nam”. Năm nào cũng vậy, ngày này tôi chỉ ở nhà thắp nhang cho những người đã khuất. Trong gia đình tôi có nỗi đau của cả hai bên nhưng chẳng bao giờ nói đến hai chữ “thắng thua”, người về không màng chữ “được” người đi không vì chữ “mất”, bởi cùng thấu hiểu nỗi đau của ông bà tôi khi đã hòa bình mà vẫn tiếp tục phải xa lìa con cháu.

Hồi tháng hai tôi được xem trên mạng một clip: tại đất nước Isarel có một ngày mà tất cả mọi người lưu thông trên đường phố, khi nghe một hồi còi dài vang lên, khắp nơi đều dừng lại, xuống xe và kính cẩn làm một phút tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị thảm sát bởi Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai.
Bao giờ có một ngày tháng Tư mọi người Việt Nam cùng chung một phút tưởng niệm những người đã ngã xuống trong chiến tranh, đã chết sau cuộc chiến vì “vượt biên”, vì bom mìn còn gài lại, vì chất độc hóa học ngấm sâu vào cơ thể…? Từ giây phút tưởng niệm chung như thế có mở ra những ngày Tháng Tư  hòa giải hòa hợp của chúng ta?

3.Nhưng cũng từ ngày cuối tháng Tư năm ấy, thế hệ hậu chiến đã ra đời và trưởng thành. Nhiều người trong họ tự nhận mình là “bên bỏ cuộc” – không muốn nhắc lại quá khứ của những chính thể, mất mát tổn thất của gia đình, họ nhìn về tương lai nhiều hơn. Như những người “đồng hương”, mối liên hệ bà con giữa họ như một sợi dây mà thời gian càng dài càng trở nên mỏng manh trong cái thế giới ngày càng phẳng…
Nhiều người trong thế hệ hậu chiến hiểu được căn nguyên của sự thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha, đó là một biểu hiện của “mặc cảm thất bại” mà thế hệ chiến tranh đã bị mất mát và tổn thương nặng nề về tinh thần, cho đến nay không có gì có thể bù đắp lại những mất mát và tổn thương ấy…
 Trong Bảo tàng Ký ức chiến tranh ở Hàn quốc, ngay sảnh chính có một bức tranh lớn kín một bức tường. Bức tranh vẽ rừng cây hoa lá tràn ngập, ở giữa là giới tuyến Bàn Môn Điếm và hai lá cờ Hàn quốc và Triều Tiên nhỏ xíu. Dòng chữ lớn chạy suốt bức tranh “Bán đảo Triều Tiên có bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng đang bị chia cắt thành hai nước”. Đọc dòng chữ này tôi ứa nước mắt. Có quốc gia nào không có khát vọng thống nhất, chỉ khác nhau sự nhắc nhớ về chia ly, khác nhau sự lựa chọn con đường đi đến đoàn tụ mà thôi. 
Khi còn độc quyền quá khứ, độc quyền lịch sử thì tương lai đất nước này chưa phải là của chung mọi người dân Việt. Thống nhất giang sơn đã khó mà thống nhất lòng người còn khó hơn vạn lần. Bởi vì “cuộc chiến không đổ máu” âm thầm lặng lẽ hủy hoại cơ thể Việt Nam, nó bắt đầu không phải từ tiếng súng mà bắt đầu từ sự định kiến tối tăm giữa những con người.

Sài Gòn tháng tư, 2016


 


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...