Linh tinh lang tang (122). HỒI KÝ ĐỜN BÀ


Nhân đọc một bài nhận xét về một số hồi ký của phụ nữ, thấy người viết chê hồi ký của Khánh Ly (và nhân tiện chê luôn một số đàn ông viết – không – phải – hồi – ký nữa). Khen chê từ mỗi người sẽ khác nhau, cách nhìn của một nhà phê bình văn học có lẽ khác xa sự cảm nhận của một người bình thường.

Là một người đọc, mình thấy cả Lê Vân cả Khánh Ly đều có chuyện để mà hồi tưởng và ghi chép lại. Mỗi người phụ nữ này sống trong một bối cảnh xã hội khác nhau, có những ký ức những mối quan hệ khác nhau mà người sống cùng thời cùng bối cảnh sẽ thích thú, đồng cảm và mong muốn được nhớ lại, được biết thêm qua hồi ký của họ. Mình không sống cùng họ, sống như họ thì khi đọc họ  cũng hiểu thêm được nhiều điều. Hồi ký là quá khứ cá nhân nhưng phản ánh một phần quá khứ của chung.

Sao lại có thể phán xét rằng, người này người kia có hay không có chuyện để viết hổi ký? Nếu mỗi người đừng “độc quyền quá khứ” chỉ là “của tôi hay của chúng tôi” thì lịch sử sẽ xác thực, đa dạng và rõ ràng hơn, không phải là “lịch sử” nghèo nàn và khô cứng, thậm chí sai lầm mà chúng ta vẫn được học được biết.

Chưa nói đến nội dung thì giọng văn cách viết của hồi ký cần thể hiện dấu ấn cá nhân, vì vậy thích hay không thì cũng tùy từng người đọc. Mình nhớ, hồi xưa khi mình học phổ thông, phần lớn các thầy cô dạy văn ở miền Bắc đều so sánh văn chương Nguyễn Đình Chiểu “bình dân” và Nguyễn Du “bác học” như ngầm chê cái mộc mạc đời thường của cụ Đồ Chiểu. Nhưng mình thì luôn thấy văn cụ Đồ - như một từ mà chị Nguyễn Thị Minh Thái hay dùng là “chạm vào được trái tim”,  do đó tự nó thấm vào mình. Nhớ lâu hơn những lời văn lời thơ nên hiểu biết hơn tính cách và quý trọng người Nam bộ qua hành xử của các nhân vật trong tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Có lẽ vì mình là gốc miền Tây chăng?

Hồi ký, theo mình đó là phần quan trọng của cuộc đời một cá nhân, có thể thích hay không nhưng đánh giá giá trị cần cẩn trọng, càng cẩn trọng hơn khi nhận xét tác giả.
Mình thì luôn thích những tác giả hồi ký viết chân thành, tất nhiên, trung thực nữa, có thể vụng về mộc mạc câu chữ nhưng đừng “diễn” khi nói về sự thật, nhất là sự thật của bản thân.


Sài Gòn 18/6/2015

10 phút của "nhà báo" nghiệp dư

Mỗi người có khoảng 10 phút nói về nghề báo, kỷ niệm, suy nghĩ hay quan niệm… Trong 10 phút đó mình chỉ nói được gần hết những gì mình chuẩn bị dưới đây.

-        Nghề nghiệp: giảng viên đại học, từng làm bảo tàng, Viện nghiên cứu. Sắp có thẻ Nhà báo (vì là TBT Tạp chí khoa học của Viện nghiên cứu) thì đến lúc về hưu J
-        Bắt đầu viết từ khoảng 7,8 năm nay. Được nhiều báo đặt bài về mảng bảo tồn, di sản văn hóa và một số vấn đề xã hội đô thị.

-        Viết báo thích nhất: có nơi để mình bày tỏ chính kiến về vấn đề mình quan tâm, đồng thời giới thiệu những kiến thức chuyên môn đến với công chúng rộng rãi. Ngoài ra còn có nhuận bút để cà phê với bạn bè J
-        Viết báo sợ nhất: khi báo đặt bài “phản ứng nhanh” lại quy định số chữ, phải viết đúng hạn và trình bày ngắn gọn, sắc, đúng trọng tâm nội dung mà báo cần. Ngoài ra còn ngại làm phiền các anh chị biên tập, đều là bạn bè, nếu như bài phải sửa nhiều!

-        Viết báo vui nhất: là được đăng thường xuyên, nếu có bài không đăng được thì không phải vì chất lượng của bài, mà vì lý do nào đó J . Ngoài ra được các anh chị biên tập tôn trọng hỏi ý kiến nếu cần chỉnh sửa.
-        Viết báo buồn nhất: những vấn đề mình viết hoài nói hoài mà rồi báo vẫn đặt viết tiếp, như mảng bảo tồn di sản văn hóa L. Ngoài ra còn không vui khi bài không đăng mà không được giải thích, phản hồi, dù đó là bài đặt viết (mặc dù hiếm khi như vậy).

-        Hiện nay hay đọc những tờ báo mà qua những bài báo của họ, người dân thấy mình có quyền lực thực sự và mình được tôn trọng. Không đọc và không thích những tờ báo, nhà báo, phóng viên viết những bài báo mà qua đó người ta chỉ thấy “quyền lực của người làm báo!”, như một số phóng viên nhà báo trẻ ngộ nhận về ý nghĩa của câu nói “báo chí là quyền lực thứ tư”.


-        Là người đọc: tôi nghĩ báo in không mất đi mặc dù báo mạng phát triển. Vấn đề là báo in cần thay đổi, thay đổi bản thân tờ báo và cả điều kiện để báo chí hoạt động.

NGƯỜI BÁN ĐỒ CHƠI DẠO



Người bán đồ chơi dắt chiếc xe đi trên đường phố

Kéo theo phía sau mấy con thú bằng nhựa nhiều màu

Chó mèo gà vịt thỏ chim

Lon ton trên bánh xe lăn cùng vòng quay xe đạp


Người bán đồ chơi thong thả dắt xe dọc theo đường phố

Thỉnh thoảng bóp kèn te te làm cho lũ thú nhựa giật mình

Chúng ngập ngừng cuống quýt lăn đi

Va vào nhau ngã kềnh rồi tự lấy thăng bằng lăn tiếp

Nếu dừng lại sẽ bị nhốt vô chiếc giỏ xe to tướng

Trong đó lũ đồ chơi chen chúc nằm ngồi

Mong muốn được thoát ra ngoài

Để tự do lăn lê trên hè phố


Ngã ba ngã tư vòng xoay cầu vượt

Đèn đỏ đèn xanh xe máy xe hơi

Người bán đồ chơi cứ mải miết dắt xe đi

Cái giỏ lưới buộc đằng sau, chùm bóng bay đằng trước

Nắng gắt trên đầu dưới chân nhựa đường bỏng rát

Những con thú đồ chơi ngơ ngác nhìn trời


Đằng xa thoáng ngọn gió nồm

Sài Gòn tháng sáu đợi cơn mưa chiều…


19/6/2015





Linh tinh lang tang (121) Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?



Đấy là câu nói tình cờ tôi nghe được trong một quán cà phê, từ góc bàn bên cạnh, nơi có hai anh chị tuổi trung niên đang ngồi.

Người đàn ông dáng người cao lớn, vẻ mặt nhìn qua rất khó đoán cảm xúc. Người phụ nữ dáng mảnh dẻ, nếu không có đôi mắt mỏi mệt như bị mất ngủ thì trông chị trẻ hơn người bạn. Đôi mắt to như biết nói. Vẻ day dứt trong đôi mắt còn biểu cảm hơn câu nói trên của chị.
Sau đó cả hai cùng im lặng. Người đàn ông cầm ly trà uống cạn và nhìn quanh như e ngại điều gì. Còn người phụ nữ, chị lơ đãng nhìn ly cà phê còn nguyên.

Tôi chọn một chiếc bàn ở góc khác, không muốn mình vô tình tò mò chuyện của hai người. Nhưng câu hỏi tình cờ nghe được “chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?” cứ quanh quẩn trong trí nhớ của tôi rất lâu.
Đã bao giờ ta nghĩ vậy khi chia tay một người bạn, một người yêu – chia tay về khoảng cách địa lý hoặc để chấm dứt một quan hệ. Ừ, ta sẽ nói gì nhỉ khi gặp lại người ấy?

Nếu chỉ chia xa về địa lý thì đâu khó gì chuyện hàng ngày có thể trò chuyện với nhau, chỉ là muốn hay không mà thôi. Điện thoại, FB, skype, viber… bao nhiêu cách để người ta không chỉ nghe mà còn nhìn thấy nhau. Khoảng cách không gian gần như bị xóa nhòa, chỉ có múi giờ lệch nhau nhắc người ta nhớ rằng đang ở xa nhau.

Nếu chia tay nhau “đường ai nấy đi” thì có lẽ ngay lúc đó chưa ai nghĩ tới ngày gặp lại dù có thể vẫn còn yêu. Sự tổn thương làm người ta sợ những vô tình làm vết thương bật máu… Và nếu tình cờ gặp lại có lẽ cũng không còn gì để nói, không muốn nói thêm gì nữa.
Nếu chia tay nhau chỉ vì phải chia xa… Ừ, vậy thì ai cũng mong ngày gặp lại, nhưng có lẽ không ai phải nghĩ đến chuyện “nói gì khi gặp lại nhau”, vì lúc đó sẽ có bao nhiêu chuyện muốn nói.

 “Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?”. Đó không phải là một câu hỏi để được nghe câu trả lời, mà là một phỏng đoán, một trông chờ, một hy vọng… Hy vọng còn gặp lại, còn nhận thấy đó vẫn là người thân yêu, còn có gì để nói với nhau. Cuộc chia tay này chứa đầy dấu hiệu của sự bất an đối với người bật ra câu hỏi đó.

Nói gì khi gặp lại nhau tùy thuộc vào việc chúng ta sẽ sống thế nào, làm gì khi xa nhau, bởi hơn ai hết ta biết rõ điều gì gìn giữ tình yêu và điều gì phá hủy nó, làm tổn thương người ta yêu.
Tôi thầm nghĩ, giá mà người đàn ông, sau những phút im lặng, sẽ nói với người phụ nữ “anh sẽ cố gắng không làm điều gì để khi gặp lại em, chúng ta vẫn có thể trò chuyện với nhau”.

Nhưng trong sâu thẳm, tôi không mong họ gặp lại nhau!


Sài Gòn 15/6/2015

truyện 100 chữ

LỊCH SỬ

Xưa mẹ Âu đẻ trăm trứng, truyền rằng 50 con theo mẹ lên núi có giai trưởng làm vua, anh em làm Lạc hầu Lạc tướng. Còn 50 con theo cha ra biển chắc chỉ làm dân nên không thấy nhắc?
1. “nước, biển” không quan trọng bằng “đất, núi”.
2. Sử miệng cũng chỉ nói về dòng dõi của vua, còn dân thì… miễn, huống hồ sử viết!
3. Con cháu đã đi ra biển rồi thì… biến.  “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, là thế!

ĐÊM MƯA Ở TOKYO

Đêm mưa lạnh. 
Tàu dừng lại. Một người đàn ông bước lên, nhìn quanh, bất giác ông bước tới ngồi xuống bên cạnh người phụ nữ đang chăm chú vào chiếc Ipad. Không ngẩng lên nhưng chị nhận biết ánh mắt ông lướt qua... cảm giác quen thuộc lạ lùng. 
Ông nhắm mắt. Gương mặt nhìn nghiêng với đôi môi dịu dàng kia thoang thoảng hương thơm ấm áp. 
Đến ga, chị nhẹ nhàng đứng dậy bước xuống. Khi tàu chuyển bánh ông còn kịp ngoái lại. Họ nhìn nhau và biết đang lạc mất nhau.

DAO

Lưỡi dao luôn nghĩ mình sắc bén mới được việc còn cán dao bằng gỗ nhẵn nhụi chả làm được gì, vì vậy nó hay chòng choẹ với cán dao. Một ngày kia lưỡi bị gãy rời khỏi cán. Người bèn vứt cả cả hai vào thùng rác.
Tưởng là hết chuyện.
Nhưng không. Bà ve chai lượm được đem bán. Chúng lại gặp nhau trong lò sắt vụn, cán dao làm củi nấu chảy lưỡi dao. Lần này thì hết hẳn J


LOA
Cái loa, dù "nói" những lời thông thái vẫn chỉ là cái loa. Phát mãi, quên mất mình là loa. Nghe mãi, nhiều người tưởng loa là người. Thế là tiếp tục nói lại những gì loa đã phát.
Cứ thế, đến một lúc không thể phân biệt được loa và người, cả hai đều chỉ biết nghe và phát. Chẳng còn có sự “đối thoại” nào cả.
Ai có thể đối thoại với (những) cái loa?

Linh tinh lang tang (120) – Chỉ đọc thì nhầm chết!



Có những người hay viết về những điều nhân văn, tràn đầy tình người tràn đầy sự công tâm. Đó là những chuyện trong xã hội mà ai cũng bức xúc nhưng không phải ai cũng có thể viết ra bằng giọng văn bằng ngôn ngữ khiến người đọc đồng cảm như thế. Bởi vậy được nhiều người chia sẻ, nhiều người coi tác giả là tiêu biểu cho “sự phản kháng” trong xã hội “cộng sản độc tài”.

Vậy nhưng người ta vẫn thấy người đó “kín đáo” nhận xét về anh em bạn bè, như “vô tình hé lộ” toàn những thông tin động trời (nhưng thật sự cũng rất tào lao), kiểu như “thằng đó làm được vài chuyện nhưng ăn chặn tiền của anh em nên…”, “bà X. coi vậy mà là an ninh đấy!”, “ông Y. không là an ninh sao an toàn tới giờ, hả?!”… Một người nghe thấy bỏ qua, hai người nghe thì phân vân, ba người biết thì bắt đầu nghi ngờ, nghi ngờ đối tượng bị nói sau lưng, và nghi ngờ luôn động cơ của người tung tin như vậy.

Nhưng “trong một diễn biến khác” thì cũng những bà X ông Y ấy lại bị đồn  theo chiều ngược lại: là việt tân, là “dân chủ”… nếu không sao lại thân thiết với ABCD ở hải ngoại…

Một xã hội mà niềm tin đã trở nên hiếm hoi cùng cực, chỉ còn “chút này” giữa anh em bạn bè, sao bạn lại vấy bẩn và đạp đổ?

Hồi trước mình luôn tin, viết thế nào thì cũng bộc lộ cái tâm của người viết. Bởi vậy những trang viết đầy tình người luôn làm mình quý trọng người viết, dù có quen biết họ hay không.

Bây giờ, mình vẫn tin như vậy, nhưng ngộ thêm rằng, với một vài người – tưởng – là – bạn – bè nếu chỉ đọc những gì họ viết thì nhầm chết! 

KKK, hóa ra lời nói của ông Thiệu “đừng tin những gì họ nói mà hãy nhìn những gì họ làm” không chỉ dành cho đối tượng ổng nói đến, mà còn dành cho vài người vẫn tự coi là “đồng đội” của ổng J 

MỆT CẦM CANH, mình thật :D

VỀ MIỆT HẬU GIANG


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Lâu lắm tôi mới có dịp về miệt Hậu Giang.
Nam bộ có một từ rất hay: miệt. Miệt vườn, miệt ruộng, miệt U Minh, miệt Cà Mau… nghe xa ngái mà như trải dài trước mắt. Từ Sài Gòn đi về miền Tây qua gần 250km thì miệt Hậu Giang cũng đang hiện ra ngút ngát trước mắt tôi: cánh đồng, dòng kinh, con đường, xóm làng xanh mướt…

Cung đường mới từ Cần Thơ về thành phố Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang qua nhiều địa danh rất lạ theo số đếm như Một Ngàn, Bảy Ngàn, Bảy Ngàn Rưỡi, Mười Ngàn… Trong một cuốn sách nhà văn Sơn Nam cho biết: những địa danh này gắn liền với kênh xáng Xà No – con kinh quan trọng nhứt vùng Hậu Giang do người Pháp cho đào từ đầu thế kỷ XX - nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Từ kinh lớn này có những con kênh sườn, cứ cách 500m thì đào một kênh nhỏ, 1.000m đào một kênh lớn và đào theo lối “xôm lươn” (nằm lệch nhau), vì vậy mới có những địa danh như trên. Do vậy chỉ khoảng 40 km thôi mà có tới 27 cây cầu kiên cố chưa kể những cống hộp trên con đường này. Hệ thống kinh “xôm lươn” mang nước từ sông Hậu vô tưới mát những đồng lúa bạt ngàn, rồi từ đây ghe xuồng lại chở lúa ra kinh Xà No nơi có những chiếc xà lan lớn đang chờ ăn lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Cho tới giờ tuy đã có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh nhưng kinh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miệt Hậu Giang.

Xe chạy giữa những đồng lúa chín vàng, có nơi gặt xong chỉ còn thân rơm khô dần dưới nắng tháng sáu. Đây đó những thửa ruộng vừa gieo sạ xong, mầm mạ đã nhú lên đều khắp. Có đoạn đường mờ khói đốt đồng, mùi khói phảng phất thơm mùi lúa chín… Mùa lúa Hậu Giang nhưng chỉ thấy thấp thoáng vài cái lán của thợ gặt dựng ở bờ ruộng, treo mấy bộ quần áo phất phơ trong gió chiều… Nông dân bây giờ lên thành phố làm công ty, làm khu chế xuất  hết rồi. Ruộng nhà ai không chạy máy gặt được thì rất khó thuê người: trước đây tiền công gặt chỉ một hai trăm ngàn cho một công ruộng nhưng bây giờ năm trăm ngàn cũng khó kiếm người. Gặt xong phải thuê tuốt lúa phơi khô đóng bao, rồi công vác lúa từ đồng ra ghe hay ra xe tải… cộng lại cũng gần cả triệu. Vậy mà “lái” còn chê không mua vì lúa không khô không đều… Người nông dân cầm chắc là lỗ cho dù trúng mùa.

Cứ một đỗi thì nhìn thấy chiếc máy gặt đập thong thả vòng quay trên “cánh đồng mẫu lớn”. Máy gặt và xuốt (tuốt) lúa vô bao đều đặn, ít hư hao nên gần tới mùa thì “lái” đã vô tận ruộng, trả giá đặt cọc rồi khi lúa chín cho ghe cho xe về tận nơi nhận lúa. Có tiền cọc thì đi mướn máy về làm. Một chiếc máy thay cho hàng chục người, ai mà không ham, nhưng đâu phải ai cũng được sở hữu “cánh đồng mẫu lớn” để có thể dùng máy?

Những chiếc máy trên cánh đồng lúa vàng vắng bóng người, và vắng những đàn sáo mỗi sáng mỗi chiều bay về đồng lúa Hậu Giang quấn quýt bên người, vắng cả những đàn vịt chạy đầy đồng ăn lúa trên cánh đồng vừa gặt xong mà chỉ còn mấy bầy vịt vài chục con ăn quẩn ven bờ… Đêm qua vừa có cơn mưa lớn nhưng mới sáng sớm trời đã nóng nực báo hiệu một ngày nắng gắt.
***

Vị Thanh là một địa danh không xa lạ với tôi, bởi nhiều lần tôi đã được nghe ba má tôi kể về những ngày kháng chiến chống Pháp ở đây. Nhiều lần đi ngang qua thị trấn Vị Thanh êm đềm nhưng chưa có dịp ghé lại cho đến lần này.

Từ hơn mười năm trước khi thành lập tỉnh Hậu Giang  thì Vị Thanh được nâng cấp là thành phố của tỉnh. Từ khu phố cũ nằm dọc đôi bờ kinh Xà No giờ đây Vị Thanh mở rộng đến 118 km2, nhiều đường phố mới, những kiến trúc hiện đại, khu hành chính lớn được xây dựng ở hai bên đại lộ lớn nhất thành phố. Trụ sở một cơ quan lớn còn có cả sân bay trực thăng để khi cần “khảo sát vùng lúa Hậu Giang”. Về phía Đông – Đông Bắc (giáp Vị Thủy của Hậu Giang và Giồng Riềng của Kiên Giang) khu vực các trường cao đẳng, bệnh viện của thành phố đang được xây dựng… Vị Thanh ngày nay mang dáng dấp của một thành phố hiện đại với mười mấy con đường chính, đại lộ có dải phân cách và vỉa hè rộng trồng cây xanh đã lên cao, hệ thống đèn giao thông, biển báo hoàn chỉnh.

Tuy là thành phố nhưng Vị Thanh vẫn giữ được vẻ hiền hòa và có phần lặng lẽ của thị xã Vị Thanh ngày trước. Vào những ngày cuối tuần phần đông cán bộ công chức của tỉnh, của thành phố đều về Cần Thơ hoặc xuống Kiên Giang, thậm chí Cà Mau, vì nhà cửa vợ con của họ vẫn còn ở đó. Đây là tình trạng chung của nhiều tỉnh trước nhập sau lại chia tách: một phần cán bộ của tỉnh Hậu Giang cũ mà trung tâm là Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang mới. Tỉnh mới, cơ sở vật chất chưa có gì, điều kiện làm việc của vợ chồng rồi chuyện học hành của con cái chưa thuận lợi, vậy là họ cứ một chốn đôi nơi suốt hơn mười năm qua.

Ngày trong tuần thành phố còn đông người đi lại, các quán ăn quán nhậu tấp nập vui vẻ, nhưng từ chiều thứ sáu thì Vị Thanh trở lại dáng vẻ một “thành phố buồn” mà dân số nhiều năm nay chưa vượt con số trăm ngàn. Những con đường vắng bóng người, ghe xuồng, xà lan đi trên kinh Xà No có khi còn nhiều hơn  xe máy xe hơi chạy trên đại lộ hai bên bờ.  Thành phố có một hồ sen rộng, mùa này sen nở trắng hồ, có thể thoải mái ngồi quán cà phê hay thong thả từng bước ven hồ để cảm nhận hơi thở đẫm hương sen tinh khiết… Cái hồ này mà nằm ở Sài Gòn thì quán cà phê quán nhậu sẽ vây quanh không có chỗ ngồi ngắm sen, còn ở Hà Nội thì sẽ “trắng” những tấm lưng trần sau manh yếm mỏng mải mê tạo dáng chụp hình, ai ngó đến sen?

Mấy ngày ở đây tôi được ăn những món ăn đồng quê thức ăn tươi rói: lươn nấu canh chua bông súng, tép bạc xào bông hẹ, cá kèo kho rau răm, cá bống kho tiêu… rồi baba nấu chuối mẻ, và đặc biệt là cá thác lác ướp tẩm gia vị, để nguyên con với lớp da dày chiên giòn mà miếng cá dai như chả cá đã được nạo quết. Bạn muốn mua đặc sản này của Vị Thanh mang về Sài Gòn, thậm chí về Hà Nội cũng không khó, vì nó sẽ được nhà hàng đóng hộp ướp đá lạnh, cho vào thùng xốp dán băng keo kín mít có thể giữ lạnh trong 30 giờ để cá và chả vẫn tươi ngon.

Cách Vị Thanh không xa là thị xã Ngã Bảy của huyện Phụng Hiệp. Lúc mới nâng cấp thành thị xã nó được người ta đặt cho cái tên mới là Tân Hiệp nhưng không lâu sau thì phải trở lại tên Ngã Bảy vì… người dân không chịu. Chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng từ lâu, không chỉ là một nơi giao thương hàng hóa độc đáo mà còn vì phong vị văn hóa miền sông nước Hậu Giang. Cũng nghe đâu người ta đã “dẹp” chợ vào một địa điểm khác cách đó 2-3 km với lý do “trật tự an toàn giao thông đường thủy”, nhưng rồi chợ mới không ai mua bán nên cũng chẳng ai đến tham quan du lịch… Rồi chợ nổi Ngã Bảy lại được phục hồi.

Thật tình tôi cứ tiếc. Giá mà thành phố của tỉnh Hậu Giang là thị xã Ngã Bảy thì hay biết mấy, một thành phố kế bên đầu mối của những con sông dòng kinh quan trọng nhất nhì Nam bộ, một thành phố có loại chợ đã trở thành biểu tượng của văn hóa Nam Bộ, chẳng phải là độc đáo nhất hay sao?

 “Từ trên những rạng đông con chim sáo nó bay ra đồng… tình phù sa tuy đục mà trong”… Về miệt Hậu Giang chưa xa đã thấy thương nhớ lạ lùng…

Hậu Giang 7/6/2015


 Báo THỜI NAY, ngày 11/6/2015
Viet-studies.info  11/6/2015

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (82)

 tẩy chay kim cương J
Nhân phong trào của nhiều chị em tẩy chay hàng hóa có nhãn hiệu do Hà Hồ quảng cáo, mình nghĩ chuyện tình của Hà Hồ có hai người nhưng chỉ thấy Hà Hồ bị lên án và tẩy chay, không lẽ người kia vô can? hay vì người kia là đàn ông? hay vì ông ta là đại gia?! 
Hay vì, như từ xưa vẫn nghĩ: chuyện gì cũng do lỗi đàn bà: người thì phá hoại gia đình người khác, người thì do không biết giữ chồng? Còn đàn ông, đại gia bồ bịch là bình thường? 
Vâng, nếu là bình thường thì ko Hà Hồ sẽ là một cô khác, hết Hà Hồ sẽ đến một cô khác.
Bởi vậy mình thì mình tẩy chay kim cương do đại gia kia buôn bánLão ấy không buôn bán được kim cương, không còn là đại gia thì cũng hết chuyện 
J
Nhưng, nhiều bạn nói với mình:
 Kim cương thì khó ai từ chối - nhất là đàn bà - chứ đừng nói đến tẩy chay J Thế nên tẩy chay đàn bà có kim cương thì dễ hơn!
Ồ, thì ra vậy!


@ Mình vẫn luôn nghĩ rằng, đừng nói chuyện "thoát Trung" như một lối thoát hay chỉ để thể hiện chủ nghĩa dân tộc. Vấn đề của tất cả các thời đại lịch sử VN làThoát Trung nào và thoát cái gì, ko nhận biết rành mạch thì trước sau cũng thành/là bản photo bị hỏng của họ :)

@ Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không do nhà nước/ thành phố làm mà do Giáo hội chủ trương và thực hiện, hy vọng sẽ cẩn thận. Nhưng quả thật, nếu không có quá trình chuẩn bị kỹ hàng năm trước đó thì việc trùng tu là rất đáng lo ngại!

@ Tưởng về hưu rồi thì thoát, thế mà mấy bữa nay lại bị mấy em cháu quảng cáo đeo bám giới thiệu nào đất nào nhà nào căn hộ nào vay tiền ưu đãi nào thẻ visa vip rồi các thể loại khác... biết các em làm công kiếm tiền, chẳng lẽ lại mắng thì cũng tội...
Nhưng thật, mình rất muốn mắng nhà cung cấp điện thoại vì họ đã làm phiền và không tôn trọng khách hàng khi cho nơi cần quảng cáo những số đt của khách hàng. Ai mượn họ làm chuyện tào lao như vậy?! 
Giời thì đang nóng nực thế này, dễ điên lắm á!


@ Trung quốc nhiều lần xâm lược nước ta. Từ thời nhà Trần mà vua đã công khai họp Hội nghị Diên Hồng bàn kế chống giặc, còn giờ đây quốc hội thì luôn họp kín về việc TQ xâm chiếm Biển Đông. 
Có thật là chúng ta đang học Bài học lịch sử của ông cha?!



Gốm cổ Nam Bộ: Hồn đất và người Nam Bộ

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=8730


Vũ Hải An ghi

Tượng Tiêu Diện (hóa thân
của Phật Bà Quan Âm),
gốm Cây Mai, men nhiều màu,
thế kỷ 19. Ảnh Lê Thiết Cương

Từ ngày 8 đến 16/5, triển lãm “Gốm Nam Bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân” đã ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, trưng bày khoảng 200 hiện vật thuộc bốn dòng gốm tiêu biểu: Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa, Thành Lễ. TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu1 và họa sĩ Lê Thiết Cương đã có cuộc trò chuyện xung quanh lai lịch, sự thăng trầm và bản sắc của từng dòng gốm.

Tôn vinh vẻ đẹp gốm cổ Nam Bộ 

TS. Nguyễn Thị Hậu: Thuật ngữ “Gốm Nam Bộ” là do các nhà sưu tầm đặt ra, để chỉ một khu vực gốm có địa lý liền nhau: Sài Gòn, Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa. Tên gọi này còn hợp lý ở chỗ cả gốm Lái Thiêu, Biên Hòa đều có nguồn gốc từ gốm Sài Gòn (do quá trình đô thị hóa, các lò gốm ở Sài Gòn phải chuyển ra các vùng lân cận như Bình Dương, Biên Hòa). Còn thông thường, gốm Nam Bộ phổ biến với tên gọi của từng dòng gốm tiêu biểu, như gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa, gốm Thành Lễ. 

Trong bốn dòng gốm này, Cây Mai là dòng gốm nổi tiếng của Sài Gòn - Chợ Lớn từ giữa thế kỷ 18 cho tới tận thế kỷ 19, 20. Tên gọi Cây Mai bắt nguồn từ địa danh khu lò gốm Cây Mai (thuộc quận 11). Đây là dòng gốm mỹ thuật do các nghệ nhân người Hoa của Chợ Lớn chế tạo, với những lò quen thuộc như Đồng Hòa, Bửu Nguyên, Mai Sơn… Thế mạnh của dòng gốm này là sản xuất các đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chú ý từng chi tiết.

Khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, gốm Cây Mai dần dần không còn đất để phát triển ở Sài Gòn nên chuyển sang các vùng lân cận khác như Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa. 

Khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ 20, dòng gốm Lái Thiêu phát triển nở rộ với các lò nổi tiếng như Quảng Hòa Xương, Hưng Lợi, Thái Xương Hòa, Quảng Hiệp Hưng (gốm Quảng Đông), Duyệt An, Đào Xương, Vinh Phát, Hương Thành (gốm Triều Châu)… Dòng gốm này tập trung vào đồ gốm gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày của giới bình dân (như tô, chén, đĩa, hũ, hộp, ống nhổ, ơ, thố, ấm hay các sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, chóe, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…). 

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Trong khi đó, khoảng thời gian từ năm 1925 đến những năm 1950 lại đánh dấu thời hoàng kim của dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa - khởi đầu từ Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa do hai ông bà người Pháp là Balick phụ trách. Qua nhiều thử nghiệm, cùng với các cộng sự người Việt, ông bà Balick đã tìm ra các loại men như: men ta (men làm từ tro), men màu xanh đồng (vert de Bien Hoa), men đá đổ (từ đá ong Biên Hòa) để chế tác các sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc hoa văn đặc sắc (kế thừa kỹ thuật khắc lộng, đắp nổi), chinh phục thị trường không những ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài như: Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia. 

TS. Nguyễn Thị Hậu: Năm 1950 thì ông bà Balick về nước, HTX Mỹ nghệ tách ra khỏi Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, một số thợ của HTX hình thành xưởng nhỏ tại nhà. Đến năm 1958, ông Nguyễn Thành Lễ mở thêm xưởng gốm Thành Lễ bên cạnh xưởng sơn mài, mời nhóm thợ của HTX Mỹ nghệ Biên Hòa sang làm cố vấn, tập trung sản xuất các sản phẩm gốm chất lượng để xuất khẩu. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Có thể nói, thời kì phát triển rực rỡ nhất của gốm cổ Nam Bộ nói chung kéo dài khoảng 100 năm, từ giữa thế kỷ 19 cho đến khoảng gần giữa thế kỷ 20. Với dòng gốm Thành Lễ, tuy ra đời muộn, thời gian hoạt động chỉ vẻn vẹn khoảng 10 năm (từ 1958-1968) nhưng trên cơ sở kế thừa tinh hoa gốm mỹ nghệ Biên Hòa, dòng gốm này vẫn có đặc trưng riêng biệt không lẫn với những dòng gốm khác. Nhiều đề tài lịch sử và đề tài về truyền thống dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… được lấy làm chất liệu trong tạo hình và trang trí nên cũng được xếp vào những dòng tiêu biểu của gốm cổ Nam Bộ.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Đánh giá chung về triển lãm thì đây là cuộc triển lãm đầu tiên về gốm cổ Nam Bộ được tập hợp ở khu vực phía Bắc, cụ thể là ở Hà Nội, cũng là triển lãm đầu tiên chỉ có các nhà sưu tầm (khoảng hơn 30 nhà sưu tầm phía Nam và một số nhà sưu tầm ở Hải Phòng, Hà Nội) góp hiện vật mà không có bất kì hiện vật nào của bảo tàng. Một triển lãm cổ vật thành công nhất từ trước đến nay, cả về chuyên môn lẫn góc độ xã hội.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đúng là về chuyên môn không có dấu ấn nghiệp dư và, lâu lắm rồi, tôi mới thấy một triển lãm tư nhân làm được kĩ như thế. Cái kĩ đầu tiên phải kể đến là về mặt kĩ thuật, đó là có các bảng thuyết minh đi kèm hiện vật. Ngoài một bài chung về gốm cổ Nam Bộ là những bài riêng giới thiệu từng dòng gốm, chú thích các hiện vật tỉ mỉ, chi tiết. Cái kĩ thứ hai là cách sắp đặt, bài trí hiện vật đảm bảo được tính thẩm mĩ trong một không gian với ánh sáng, bục bệ lựa chọn phù hợp, tôn lên vẻ đẹp hiện vật trưng bày. 

TS. Nguyễn Thị Hậu: Phải khẳng định rằng cuộc chơi gìn giữ di sản qua cổ vật là cuộc chơi vô cùng sang trọng, và chỉ có những nhà sưu tầm tư nhân mới có thể có được những hiện vật phong phú, đặc trưng như vậy để giới thiệu ra công chúng. Xét ở góc độ xã hội, đây là cách thức hữu hiệu nhằm quảng bá, giới thiệu gốm cổ Nam Bộ tới người xem, một hướng mới trong việc cộng đồng cùng tham gia giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị di sản của chính ông cha mình.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đúng như vậy, một bộ sưu tập chỉ thực sự có giá trị khi nó đến được với nhiều người. Thành công nhất của triển lãm là, thông qua các hiện vật gốm trưng bày, hồn văn hóa Nam Bộ xưa đã đến được với đông đảo công chúng, đặc biệt là công chúng Hà Nội.

Cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Nói thêm về gốm cổ Nam Bộ, nó được hình thành bởi sự hợp lưu của ba “dòng sông” - ba nhóm chính: một là người bản địa, hai là người Minh Hương (người Hoa ở Nam Bộ), ba là người Pháp, nhưng chủ đạo vẫn là người bản địa. Người Minh Hương (chủ yếu gốc Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông) và người Pháp (ông bà Balick) khi đến vùng đất Nam Bộ đã mang theo kĩ thuật làm gốm (về lò, về than củi, về men) rất tiến bộ, chuyên nghiệp song sản phẩm của tất cả các dòng gốm nói trên vẫn thể hiện văn hóa người Việt ở Nam Bộ một cách rất đậm nét.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Trong ba nhóm sản phẩm cơ bản: Gốm dùng để xây dựng và trang trí trong xây dựng; gốm trang trí nội ngoại thất; gốm dùng trong sinh hoạt (chén, bát, nồi, ơ…) thì về màu sắc, trang trí hoa văn, cách thức tạo dáng không khác nhau nhiều. Ngay cả những sản phẩm nhìn rất đẹp nhưng đều thấy dấu vết đã qua sử dụng. Tức là, sản phẩm từ lúc làm ra cho đến khi người ta chứng minh được giá trị của nó xứng đáng để sưu tập đồ cổ thì luôn luôn được “tham gia vào cuộc sống” chứ không tách ra riêng biệt. Điều này thể hiện tính cách, cá tính của người Nam Bộ là làm bất cứ một vật gì cũng hướng đến tính ứng dụng thực tế, chứ không chỉ mang tính trưng bày, trang trí thuần túy. 
Tuy vậy thì ngoài việc thỏa mãn nhu cầu hữu dụng, họ cũng tìm cách thỏa mãn cả nhu cầu thứ hai, đó là về mặt thẩm mĩ của sản phẩm, nhiều màu sắc bắt mắt: “xanh xanh, đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng” như người Nam Bộ thường nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Dù có du nhập kĩ thuật của người Hoa, người Pháp nhưng với phong thổ, khí hậu Nam Bộ thì gốm cổ được làm ở đây không thể là thứ gốm giống hệt gốm của người Hoa, người Pháp. Thổ nhưỡng Nam Bộ không thể cung cấp nguồn nguyên liệu tinh khiết với các mỏ cao lanh dồi dào như ở Trung Quốc - khi nung chịu được nhiệt độ cao, sản phẩm làm ra thường nhẹ. Mà nguyên liệu ở ta chủ yếu là đất sét, đất pha cát nhiều (đất nhẹ lửa) nên chỉ thích hợp với lò nung nhiệt độ thấp, do đó các sản phẩm làm ra thường dày, nặng, chắc chắn.

Hơn nữa vì đất làm gốm nhẹ lửa, nên men gốm cũng phải nhẹ lửa, và những men màu xanh, đỏ, nâu, vàng… rất phù hợp với yêu cầu này. Trong bốn dòng gốm trưng bày ở triển lãm, không tìm được sản phẩm nào đơn sắc cả. Nó khác hẳn với gốm khu vực Bắc Bộ hay Trung Bộ, men gốm của hai khu vực này, tỉ lệ màu đơn sắc luôn chiếm ưu thế.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Cùng với men gốm, dáng và hình vẽ (họa tiết trên bề mặt sản phẩm) cũng là những yếu tố cơ bản để phân biệt, nhận diện các sản phẩm gốm. Tuy nhiên người Nam Bộ không chú trọng đến hình dáng sản phẩm bằng men và hình vẽ. Một số thủ pháp như vẽ chìm, chạm thủng (đục thủng), đắp nổi hoa văn bên ngoài sản phẩm được áp dụng... Từ màu sắc cho đến họa tiết, như họa sĩ Lê Thiết Cương từng nói, là “không có chỗ cho người ta nghỉ mắt”. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Vẻ đẹp của gốm cổ Nam Bộ là vẻ đẹp giản dị, bình dân, gần gũi với cuộc sống hằng ngày chứ không phải là vẻ đẹp xa vời, cách biệt. Sự hội tụ của ba yếu tố đất, nước, lửa với điều kiện, môi trường sống ở đây đã tạo ra chính vẻ đẹp đặc trưng này. Đất nào, nước nào thì người đó, mà con người nào thì sản phẩm đó. Người Nam Bộ làm ra gốm Nam Bộ, cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có của mình. 

  

ĐỪNG ĐỂ THÀNH PHỐ CÔ ĐƠN…


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Bạn hỏi, chị à, nếu nói về một Sài Gòn xưa cũ thì người ta sẽ nhớ những gì? Câu hỏi làm tôi giật mình, bốn mươi năm sống ở Sài Gòn tôi nhớ gì về Sài Gòn “hôm qua” trong sự thay đổi nhanh chóng của ngày hôm nay?

Nhiều người hoài cổ thường sưu tầm bưu ảnh xưa về nơi chốn họ đã từng sống, từng đến, có những kỷ niệm khó quên, thậm chí cả những nơi họ yêu thích mặc dù chỉ được biết qua trang sách hay một bộ phim. Qua bưu ảnh người ta gặp lại những gì đã xa, những gì đã mất, cả nơi chốn và con người. Bưu ảnh là một trong những phương tiện góp phần lưu giữ ký ức đô thị bao gồm cảnh quan như những con đường, công sở, chợ, công viên, những cây cầu, trường học, bùng binh (vòng xoay giao lộ), tượng đài, nhà thờ, chùa miếu…  Những sinh hoạt đời sống như lễ hội, giao tiếp, bán mua nơi chợ búa, hàng rong, cửa tiệm, các dịch vụ, phương tiện giao thông…

Vậy ta hãy bắt đầu hoài niệm về thành phố qua những tấm bưu ảnh về Sài Gòn xưa bạn nhé.
Năm 1862 trong bản quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên, đô thị mới trong ranh giới rạch từ Tàu Hũ – rạch thị Nghè – sông Sài Gòn – lên phía Bắc đến chùa Cây Mai – đồn Chí Hòa.  “Trái tim” của Sài Gòn là khu vực Nhà thờ Đức Bà và kế bên nó là bưu điện trung tâm, phía trước quảng trưởng nhỏ là đầu con đường chính (nay là đường Đồng Khởi). Từ “tâm” này mở rộng bán kính trên dưới một cây số ta có Tòa thị chính, chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng và cột cờ Thủ Ngữ, bến đò Thủ Thiêm, dinh Thống Nhất và vườn Tao Đàn, Thảo cầm viên, cả khu nghĩa địa “tây” Mạc Đĩnh Chi nay đã thành một công viên lớn, có thể kể đến các nhà thờ và chợ khu vực Tân Định, khu vực Chợ Quán… Đầy đủ những “thiết chế” chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của một đô thị hiện đại hồi cuối thế kỷ 19, những cảnh quan làm nên bản sắc của đô thị Sài Gòn.

 Các công trình này được xây dựng vào giai đoạn đô thị Sài Gòn mới hình thành chỉ với khoảng hơn nửa triệu dân. Cũng may, cho đến cuối thế kỷ 20 trải qua một thời kỳ chiến tranh và dân số Sài Gòn tăng hơn mười lần, khu vực này gần như không bị biến đổi về cảnh quan. Nó trở thành những “điểm đến” và “điểm nhớ” của những người Sài Gòn còn ở lại hay đã đi xa.

Ở Chợ Lớn, nếu lấy Chợ Bình Tây làm tâm điểm mở rộng ta sẽ có khu phố cổ Triệu Quang Phục chạy dài tới bến Hàm Tử, cùng với Thất phủ Quan Võ Miếu, Chùa Bà (Miếu Thiên hậu) và nhiều ngôi miếu cổ ngày nay còn khá nguyên vẹn dáng dấp cổ xưa của một “trung tâm” Chợ Lớn dù khu vực thương mại đã dời chuyển qua nơi khác. Vùng Chợ Lớn còn nổi tiếng với các chành, vựa bán sỉ hàng hóa đi các nơi kể cả xuất khẩu. nơi đây còn là vùng “gốm Sài Gòn” lưu lại di tích vài lò gốm cổ với kênh rạch Lò Gốm. Rồi Chùa Cây Mai, Lũy Bán Bích, Đại đồn Chí Hòa… những dấu xưa tích cũ nay chỉ còn lưu trong sử sách.

Đi trên đường thành phố hôm nay, đôi khi bắt gặp những nét đẹp xưa tàn phai cô đơn giữa những tòa cao ốc kính xanh đèn màu, ngậm ngùi như khi nhìn thấy những tấm bưu ảnh xưa lọt thỏm trong sạp báo toàn hình các “chân dài” sặc sỡ. Dù vật đổi sao dời, người tóc bạc hay người đầu xanh, ai từng sống ở Sài Gòn đều mong muốn những “cổ tích” xưa được lưu tâm gìn giữ, bởi đó là những nét riêng có làm nên “hồn đô thị Sài Gòn”, là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn người Sài Gòn,  bồi đắp tình yêu Sài Gòn. Bởi vì nếu không có một Sài Gòn “ba trăm năm”, một Sài Gòn “hơn trăm năm” thì có lẽ thành phố hôm nay sẽ trở nên  lạc lõng và cô đơn trong ký ức nhiều người.

Sài Gòn 19/12/2014




*KHẮC NHẬP KHẮC XUẤT


Câu “thần chú” này xuất phát từ truyện/ chuyện cổ Cây tre trăm đốt. Đại khái phú ông kia hứa gả con gái cho một anh nông dân hiền lành chăm chỉ làm anh ta ra sức cày cấy làm giàu cho bố vợ tương lai. Nhưng phú ông lại lật lọng đem con gái gả cho người khác. Vào ngày cưới còn bảo anh nông dân đi vào rừng tìm được cây tre có đủ trăm đốt về làm đũa dùng trong đám cưới thì sẽ gả con gái cho. Thế mà anh chàng cũng tin như thế, vào rừng tìm mãi không thấy cây tre nào đủ trăm đốt, ngồi khóc huhu. Bụt hiện lên hỏi cớ sự làm sao, rồi bảo anh ta chặt mấy cây tre và hóa phép cho các đốt tre liền nhau thành cây tre đủ trăm đốt. Nhưng cây tre dài quá không vác về được, chàng ta lại khóc, Bụt bèn dạy câu thần chú “khắc nhập khắc xuất”. Anh nông dân về đến nhà phú ông thì đám cưới đã tàn lại còn bị mọi người xúm lại chê cười. Chàng bèn đọc câu “khắc nhập” thế là cả vợ chồng phú ông lẫn khách khứa dính chặt vào cây tre. Cả bọn van xin mãi, cuối cùng phải cho anh ta cưới con gái phú ông thì anh ta mới đọc tiếp “khắc xuất” giải thoát cho mọi người. Sau đó có còn nhập xuất gì nữa hay không thì truyện/ chuyện không nói đến.

Tích chuyện này thật ra không hề cổ xưa chút nào, bởi cái kiểu (tư duy và ứng xử) nhập / xuất / xuất / nhập đến giờ vẫn rất phổ biến.
Bắt đầu từ những lý do có vẻ hợp lý như “nhiều người nên phải có một cây tre trăm đốt thì mới đủ làm đũa ăn” đã làm cho anh nông dân phải đi vào rừng tìm. Tre là loại cây rất quen thuộc, phổ biến ở làng quê, ai mà không biết “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nưá. Tre Đồng Nai nứa Việt Bắc, Tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi... đâu đâu cũng có tre nứa làm bạn... Tre nứa trúc mai vầu mấy chục loại khác nhau nhưng đều chung một mầm non măng mọc thẳng” vậy sao anh nông dân dễ bị lừa thế nhỉ? Cây tre trăm đốt đã là hoang đường, thế mà vẫn đi tìm, không biết anh chàng này ngây thơ quá hóa khờ chăng? Hay vì anh còn mải mơ đến cô con gái phú ông nên cố đấm để được ăn xôi?

Và cũng như chuyện (cổ) khác, khi thất bại anh ta lại khóc (hệt như cô Tấm – mà sao các nhân vật chính trong truyện cổ của ta cứ hay khóc lóc vậy không biết?!) để cho Bụt thương tình mà hiện lên giúp cho. Cứ tưởng sau khi Bụt hô “biến” sẽ mọc ra được cây tre trăm đốt có đủ gốc ngọn, hóa ra Bụt cũng chỉ có tài lắp ghép, vá víu nhiều cái nhỏ thành ra một cái lớn cho hoành tráng, một kiểu khôn vặt, cải tiến chứ Bụt cũng không thông minh đến độ có thể sáng tạo ra cái mới.

Anh nông dân có cây tre (được ghép từ) trăm đốt rồi cũng chẳng biết sử dụng thế nào. Nhập xuất gì cũng trông chờ vào Bụt. Thậm chí nhập rồi không xuất được cũng lại ngồi khóc huhu. Thế nhưng may mắn nhờ cái bí quyết “nhập xuất” ấy mà anh ta đạt được mục đích, và cái kết có hậu đã mang lại cho mọi người khi đọc/ xem truyện/ chuyện này sự thỏa mãn (dễ dãi) dù cách “trả thù” kể ra cũng hơi nhỏ mọn và... buồn cười.

Nhưng ít người nhận ra rằng, trong truyện này nhập xuất gì thì cuối cùng thì vẫn phải “xuất” thậm chí phải “khắc xuất”. Chắc chắn sau khi mọi người được “giải phóng” khỏi cây tre thì các đốt tre cũng phải rời ra... Tiền đề vô lý nên kết quả cuối cùng vẫn phải trở về sự hợp lý của cuộc sống.Ví dụ như sau năm 1975 có một thời gian dài các tỉnh nước ta cứ bị “nhập” vào nhau loạn cả lên, rồi đến lúc cũng phải “xuất” ra, trở về như cũ. Cách đây năm năm, ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội tôi cũng nghĩ chẳng mấy rồi sẽ “xuất”, chỉ là lâu hay mau mà thôi. Nhiều lần ra Hà Nội đi đến vùng Hà Tây cũ... tôi càng tin chắc thế.

Chỉ có một điều tôi không biết, là đến bao giờ thì sẽ không còn những phú ông chuyên dùng những cái lẽ rất vô lý để lừa gạt người hiền lành, bao giờ những người ngây thơ, có phần ỷ lạitrông chờ vào sự giúp đỡ từ tình thương, dễ bị lừa gạt vì tưởng mình có lợi... sẽ tỉnh táo hơn và biết mạnh mẽ chống lại sự vô lý chứ không chỉ biết đối phó với nó bằng cái khôn lanh vặt vãnh...?


Và đến bao giờ chúng ta mới biết đừng thỏa mãn (một cách) dễ dãi với những kết quả nhỏ mọn, nửa vời?!

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...