SÀI GÒN, NGÀY THỨ 23 (đêm thứ 5 giới nghiêm)

 

@ Hôm qua và hôm nay fb bạn bè có rất nhiều hình ảnh bà con nhập cư ở TPHCM lũ lượt về quê tránh dịch. Thật lòng không muốn sử dụng những từ ngữ có thể gợi lại vết thương của nhiều người, nhưng tình cảnh hàng trăm ngàn bà con ngày đêm đi về quê bằng mọi phương tiện một cách vội vã và đầy bất trắc như một cuộc “di tản” khổng lồ. Cuộc di tản phản ánh sự bị động, ngoài tầm kiểm soát và sự bất lực của chính quyền TPHCM cũng như chính quyền các tỉnh.

Nhìn sự đón tiếp của tỉnh Gia Lai cho đồng bào về quê và trên đường đi qua tỉnh nhà, nhìn bà con mấy tỉnh dọc đường tự đứng ra hỗ trợ, giúp đỡ người về quê... tôi chạnh lòng vì người dân các tỉnh khác vẫn đang vất vả trên đường và chưa biết khi về đến quê hương sẽ như thế nào. Có tỉnh đã ngừng đón tiếp, có tỉnh im lặng như không hề có người tỉnh mình đang trong dòng người lam lũ ngoài kia. Tôi tự hỏi vì sao không có sự chỉ đạo, thậm chí một mệnh lệnh dứt khoát, thống nhất từ “tư lệnh” của cuộc chống dịch là Thủ tướng chính phủ - cho các địa phương về việc tổ chức đưa rước và đón tiếp đồng bào trở về như thế nào. Nếu nơi nào khó khăn thì chính phủ khẩn cấp hỗ trợ ngay để cứu dân và an dân. Đâu thể để tình trạng từng nơi quyết định tùy tiện. 

Những đoàn người từ TPHCM ra đi cũng tự phát như khi họ từ quê hương đổ vào TPHCM và các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ tìm việc, làm thuê. Kiếm được việc nuôi sống bản thân, họ còn gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình, lẽ nào đó không phải là sự đóng góp cho tỉnh nhà? Trong số hàng ngàn người đang phơi mưa nắng trên đường ngoài kia không thiếu những trường hợp mà chỉ sơ sảy mảy may là có thể chết người.

 Ở mức độ nào đó, sự tự phát này cũng như những người vượt biên trái phép qua các nước châu Âu tìm kiếm việc làm, và chỉ khi có sự cố chết người như vụ xe đông lạnh với mấy chục thi thể người Việt tìm thấy ở Anh, mới thấy chính quyền lên tiếng. Quê nhà mà sống được thì đâu có việc bao nhiêu người phải đua nhau ra đi? Tôi hiểu dịch bệnh làm cho nơi nào cũng khó khăn, tỉnh nào cũng lo lắng phải “ngăn chặn” dịch, nhưng để người dân tự đi tự về lẽ nào chính quyền tỉnh vô can?

@ Tình trạng TPHCM cũng chưa thấy gì khả quan hơn dù đã một tháng theo CT 15 rồi CT 16 và 16+. Tôi luôn tự hỏi, từ khi dịch bùng nổ ở Bắc Giang, Bắc Ninh là hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn – không biết chính phủ đã có phương án, kế hoạch gì để chủ động ngăn chặn dịch nếu tình hình ở Bắc Giang lặp lại ở một thành phố, khu CN lớn hơn nhiều lần như TPHCM và miền Đông Nam bộ?

Tôi luôn tự hỏi, trong những ngày nước sôi lửa bỏng ở TPHCM, quyền lực và trách nhiệm của chính phủ ở đâu, mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải “kêu gọi tất cả các tỉnh, thành phố, trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TPHCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất”? Vì sao phải “kêu gọi” và các tỉnh phải “nhường”, trong khi nguồn vac xin (hiện nay đều do viện trợ) nằm trong sự quản lý của chính phủ, hoàn toàn có thể phân phối một cách hợp lý nhất, ưu tiên cho nơi nguy hiểm nhất?

Nhiều người đã lên tiếng góp ý về vài phương thức khả thi hiện nay, đó là, TPHCM trợ cấp khẩn cấp cho bà con nhập cư còn ở lại TP, thông qua các Hội đồng hương và qua việc quản lý địa bàn cư trú ở các quận huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm thiện nguyện giúp đỡ bà con và động viên họ ở lại. Miễn giảm tiền điện, nước từ tháng 7 đến khi hết phải “giãn cách xã hội” người dân có thể đi làm trở lại.

Ngay từ đầu dịch, chính phủ và chính quyền các tỉnh (chứ không chỉ người dân các tỉnh) đã không kịp thời hỗ trợ, cứu trợ để TPHCM có thể “phong tỏa” ngăn chặn dịch lây lan và cứu chữa bệnh dịch. Vì vậy bây giờ, khi bà con chịu hết xiết phải “bung ra” tìm đường về quê, thì chính phủ và chính quyền các tỉnh càng cần phải chung tay với TPHCM lo cho người dân, cũng là bảo vệ, bảo toàn sức lao động cho giai đoạn sau dịch bệnh. Nên nhớ, những dòng người “di tản” ấy đã đóng góp nhất định cho TPHCM để có 82% nguồn thu của thành phố nộp ngân sách nhà nước!

Nếu không bảo vệ được nhân dân sống sót qua đại dịch thì “mục tiêu kép” mà chính phủ đề ra chỉ là câu khẩu hiệu, vì không thể thực hiện nó bằng mọi giá trong đó có cả tính mạng con người!

Và đừng để sau này lịch sử những ngày này sẽ được ghi lại bằng sự kiện: một cuộc di tản lớn chưa từng thấy ở TPHCM sau cuộc di tản khỏi Sài Gòn 46 năm về trước!









SÀI GÒN, NGÀY THỨ 22 (đêm thứ 4 giới nghiêm)


Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi đêm thâu...
Đấy là bài ca cứ vang lên trong tôi trong mấy ngày nay sau khi xem những hình ảnh của NAG Minh Hòa về Sài Gòn ngày phong thành đêm giới nghiêm. Bộ hình của NAG có tựa đề “Sài Gòn ngủ sớm” và “Ai giấu người Sài Gòn của mình đi đâu mất?” Qua bộ hình Sài Gòn là một thành phố đẹp vô cùng nhưng vắng lặng vô cùng, không còn sức sống, một tòa lâu đài bị mụ phù thủy covid-19 hóa phép mê man trong dịch bệnh.
Chưa bao giờ tôi hình dung Sài Gòn của tôi có thể trở thành một thành phố không một bóng người, một thành phố ngừng chuyển động. Ở Sài Gòn dù vào giữa đêm khuya thì người ta vẫn có thể “lắng nghe thành phố thở”, nhưng lúc này đây thành phố đang bị những cơn khó thở hành hạ... Sài Gòn còn thở được bao lâu nếu hàng hóa, nông sản – “nguồn oxy” cho thành phố bị ngừng lại ở “biên giới” địa phương khác, thậm chí ở ranh giới một quận khác, khi hàng triệu con người đã góp phần tạo nên “lá phổi” mạnh mẽ của thành phố đã bị thiếu hụt dưỡng khí hàng chục ngày, dù vẫn chia sẻ cho nhau nhưng nhiều người tiếp tục rời bỏ nơi này về quê.
Những ngày này khi bao nhiêu người đang trực tiếp lao mình vào chống dịch, tôi biết mình không nên viết ra những lời “sến súa”, như nhiều người mỉa mai. Nhưng nếu bạn là tôi, chứng kiến thành phố thân thương của mình bỗng hóa một thành phố không người, trơ ra những tòa cao ốc, những đại lộ những cầu vượt, như một thân thể ốm nặng chỉ còn bộ xương... bạn sẽ hiểu vì sao tôi viết những dòng này.
“Người Sài Gòn của tôi đi đâu hết rồi?”.
Họ là đoàn người chạy xe máy hàng trăm cây số về miền Tây, lên Tây Nguyên, là những đoàn người được đón bằng xe lửa về Huế, Quảng Trị, đón bằng máy bay về Quảng Ngãi, bằng xe hơi về Quảng Nam... Là những gia đình đi xe đạp xe máy về quê xa, có trường hợp tận miền núi phía Bắc, giống như gia đình bốn người đạp xe hơn ngàn cây số từ Đồng Nai về Quảng Bình, thậm chí có cả hai mẹ con neo đơn đi bộ về quê...
Người Sài Gòn hiện nay là rất nhiều người tứ xứ đến làm ăn dành dụm gửi về quê, hoặc lần hồi đưa cả gia đình vô đây. Vì vậy khi nguồn sống ở Sài Gòn bị cạn kiệt, bị cắt đứt, phải lo tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ, có nơi không thể nấu ăn trong nhà trọ, có những người chỉ có thể ăn cơm bụi, cơm từ thiện... thì trở về quê nhà là phương án họ buộc phải lựa chọn.
Sài Gòn đang trong những ngày bị tổn thương nặng nề. Người dân “có hộ khẩu” thành phố còn có thể đi siêu thị theo phiếu, mua hàng online, nhưng lương cũng bị cắt giảm, hàng quán phải đóng cửa không còn thu nhập, hàng hóa tăng giá mà tiền điện nước đâu có bớt đồng nào, chưa kể giá xăng đã lên mạnh ngay trong đại dịch. Họ phải ở trong nhà, để tự bảo vệ mình và góp phần bảo vệ cộng đồng. Nhưng ít ra họ còn có mái nhà, còn cái bếp gaz, bếp điện hay thậm chí bếp củi bếp than để nấu ăn, còn có thể kêu gọi bạn bè giúp đỡ để nấu bữa cơm mua rau trái tiếp tế, hỗ trợ cho nơi ngặt nghèo, nơi cách ly, bệnh viện... Thành phố cũng có nhiều người nghèo, làm ngày nào có ăn ngày ấy, phải cách ly trong nhà sống nhờ thùng mì tôm, hết thì chỉ còn cách nhờ vào phần cơm hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái. Nếu tình trạng này kéo dài thì “người thành phố” cũng không khác gì “người tứ xứ”.
Hôm nay, ban ngày những nơi đông đúc nhất Sài Gòn giờ cũng vắng tanh. Ban đêm Sài Gòn chỉ có những ngọn đèn cô đơn trên đường phố. Nhưng dù “thành phố không người” thì những trái tim Sài Gòn vẫn bên nhau, tấm lòng bạn bè mọi nơi vẫn hướng về Sài Gòn.
Chưa biết khi nào, nhưng tôi luôn mong một ngày khi bình yên trở lại, đi trên những con đường tấp nập người xe hay phố đêm quán hàng đông đúc, và nhớ lại ngày này...
Thấy mình vừa trở lại quê hương,
đã gặp người một trời yêu thương,
cho lòng thêm chút ấm,
thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau,
nhắc chuyện người, chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu...
30.7.2021


https://doanhnhantrevietnam.vn/ai-giau-nguoi-sai-gon-cua-minh-di-dau-mat-roi-d8853.html


Sài Gòn, NGÀY THỨ 21 (đêm thứ 3 giới nghiêm)

 @ Trong các biện pháp chống dịch, ở vào thời điểm, hoàn cảnh nhất định thì “giãn cách xã hội” hay “phong tỏa” là điều cần thiết, thậm chí là phương án duy nhất để đạt hiệu quả ngăn ngừa và chấm dứt sự lây lan. Nhưng, sự cách ly hay phong tỏa thành phố trong sự chủ động rất khác tình trạng cả xã hội lâm vào thế bị động, lúng túng, mất phương hướng, và hoàn toàn không biết sẽ là gì tiếp theo! Và để thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa thì người dân chỉ nhớ có hai từ “THIẾT YẾU” và “PHẠT”.

Thiết yếu đâu chỉ là thức ăn, bữa ăn hàng ngày, mà còn bao nhiêu hàng hóa khác thiết yếu với những đối tượng khác nhau, cũng như thuốc của người này với người kia đâu có giống nhau dù có thể là cùng một bệnh.
Việc thật sự cần thiết cũng vậy, lúc này chưa cần thiết nhưng lúc khác lại là cần thiết. Nói xin lỗi chứ giống như thời bao cấp ở khu tập thể, buổi sáng đi vệ sinh phải xếp hàng dài nhưng đâu có nhịn được?
Mức phạt theo CT 16 theo khung là từ 1 – 3 tr nhưng hầu như đều thực hiện mức 2 – 3 triệu, dù nhiều trường hợp có thể nhắc nhở hoặc phạt mức nhẹ nhất để cảnh cáo. Mà lúc này mấy ai rảnh mà ra đường để bị phạt lại còn bị xài xể, la mắng?
Nhìn thấy gì qua chỉ hai trong nhiều cách thực thực hiện CT 16+? Đó là sự đơn giản, quan liêu trong nhìn nhận thực tế để có sự chỉ đạo và biện pháp phù hợp, nên chỉ có cấm cản mà không có giải thích, thuyết phục. Cho nên lực lượng thực thi mới hiểu sai (có thể thế!) và có trường hợp thấy rõ sự lạm quyền, hống hách, trục lợi từ nhiệm vụ, họ không thấy được trách nhiệm “bảo vệ an ninh” là chính chứ không phải phạt, tịch thu là chính. Đó là vị thế “bề trên” trong hành xử, lối mòn trong suy nghĩ, cho rằng dân chỉ cần có ĂN, nếu vi phạm lệnh cấm thì PHẠT TIỀN.
@ Nếu theo “tháp nhu cầu” của Maslow thì chính quyền chuẩn bị cho tình huống này chỉ dừng lại ở bậc thấp nhất là nhu cầu SINH HỌC nhưng cũng chưa đầy đủ, trong khi phải chuẩn bị tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tiếp theo là AN TOÀN. Người dân thành phố đã không cảm thấy an toàn vì nguy cơ thiếu thực phẩm, lương thực, thiếu chăm sóc y tế, thiếu sự hỗ trợ những nhu cầu khác.
Tình trạng “giãn cách”, “phong tỏa” càng dài, càng khó lường thì các nhu cầu tiếp theo của con người như nhu cầu XÃ HỘI, ĐƯỢC TÔN TRỌNG, KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN càng bộc lộ và phải được đáp ứng. Cần thấy trước điều này để nhận biết những biểu hiện của nó, kịp thời xử lý đúng hướng, như các nước châu Âu đã làm, tránh những hiện tượng tiêu cực từ sự dồn nén tâm lý xã hội.
Những thời điểm xã hội trong hoàn cảnh nan giải thế này mới thấy, vai trò các nhà KHXH nước ta, nhất là tâm lý học, xã hội học, nhân học xã hội... thật sự chưa được coi trọng. Tri thức kiến thức phong phú và thực tế của họ hoàn toàn chưa được sử dụng, vận dụng trong việc đề ra chiến lược giải quyết vấn đề ngắn hạn cũng như dài hạn. Đáng buồn là nhiều người còn có cái nhìn định kiến với ngành XHVN, rằng đây là ngành “toàn lý thuyết”, “nghiên cứu chuyện đâu đâu”... vì không làm ra “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” như vài ngành nghề khác!
“Phát triển bền vững” đâu chỉ là “đường dài” của cả nước mà nó bắt đầu ngay từ những sự kiện, tình trạng cụ thể, như đại dịch covid-19 này, ở từng nơi cụ thể như TPHCM hay HN hay bất cứ địa phương nào. TPHCM mạnh về kinh tế là từ sự đóng góp của từng con người cụ thể. Vì vậy nếu phải đặt ra “mục tiêu kép” thì lúc này TPHCM cần phải ƯU TIÊN CON NGƯỜI trước khi tính đến những con số thu chi lạnh lùng, những thành tích đẹp đẽ.
“Còn người còn của” ông bà mình đã đúc kết như vậy!






SÀI GÒN, NGÀY THỨ 20 (đêm thứ 2 giới nghiêm)

 Một ngày qua và một đêm mệt mỏi!

Tiếng còi xe cứu thương vang lên suốt ngày dêm. Trên FB bạn bè có những tin tức về người nhà, người thân trở bệnh nặng (cả covid và không phải covid) nhưng không sao gọi được xe cấp cứu, y tế phường quận cũng không thể có mặt ngay... Xót xa quá!
Lực lượng y tế từ cơ sở đến các bệnh viện, các nơi mới thiết lập để cấp cứu và chữa trị bệnh đều đã quá tải, vì thiếu nhân lực, vì đa số nhân lực chưa được chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho tình trạng khẩn cấp kéo dài này. Vì lực lượng này cũng đã kiệt sức!
Không phải ngẫu nhiên mà cổ nhân cảnh báo “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Những chuyện gây ra hậu quả lớn, nghiêm trọng đều có thể khởi nguồn từ chính những điều nhỏ nhặt, mà lúc đó ai cũng coi là chuyện không quan trọng, ai cũng xuê xoa bỏ qua. Điều nhỏ nhặt có khi chỉ là một câu nói, một thông tin không đúng sự thật, một thái độ không trung thực... Vậy thôi, khi có chuyện nhìn lại mới nghĩ, giá mà, nếu mà...
@ Một trong những đặc điểm quan trọng của đô thị hiện đại là không thể thiếu hay yếu kém về Giao Thông Và Truyền Thông. Là nơi mật dộ dân số cao, sự “tiếp xúc, va chạm” về cả giao thông và truyền thông là nguy cơ thường xuyên. Khi hai lĩnh vực này tắc nghẽn hay rối loạn thì đô thị sẽ rối loạn ngay. Giao thông trong nội thành và liên vùng không thông suốt thì thành phố “ngừng thở”, truyền thông không kịp thời minh bạch rõ ràng thì người dân hoang mang, sợ hãi và sẽ dẫn đến sự “bất tuân”.
Đây chính là “tổ kiến hổng” không được quan tâm đúng mức ngay từ đầu mùa cao điểm của dịch ở TPHCM từ tháng 5.2021. Nếu các chuyên gia về lĩnh vực xã hội nhân văn được tham gia trực tiếp vào việc tư vấn, hỗ trợ về giải pháp, chính sách cho chính quyền thì có lẽ sẽ có một số biện pháp phù hợp thực tiễn và tâm lý, lối sống của các tầng lớp cư dân hơn.
@ Trộm vía, hẻm của tôi vẫn là “khu vực xanh” nên bà còn càng tuân thủ 5K và giữ gìn cẩn thận. Hôm nay ngày đầu khu vực này thực hiện việc mua hàng bằng phiếu theo ngày (tuần được 2 phiếu/2 lần). Thế nhưng sáng sớm ra siêu thị thì ôi thôi, còn đông hơn ngày chưa phát phiếu! Đông quá, xếp hàng từ sân siêu thị, ra ngoài đường, vòng vào trong hẻm... Có thấy lực lượng trật tự của quận và công an đến kiểm tra và điều hành nhưng không thể giảm bớt người tập trung. Vì một người đến mua hàng có thêm một người đến phụ chở hàng về vì ai cũng mua nhiều, có người đầy ắp 2, 3 xe đẩy!
Xếp hàng hơn 1 tiếng thì vào được bên trong. Rau xanh rất ít, không có hàng bổ sung nên xảy ra tranh nhau cãi vã... Quầy Vissan trong siêu thị đóng, không có miếng thịt heo thịt bò tươi nào cả nên đồ đông lạnh, đồ nguội nhanh chóng hết! Cửa hàng Vissan cách nhà chừng 100m cũng bán theo phiếu nhưng là phiếu của quận Gò Vấp, quận PN qua mua cũng không được.
Quận quy định mỗi ngày có bao nhiêu phường được mua hàng, nhưng kế hoạch phân chia phiếu chưa tính toán cụ thể mỗi phường còn có bao tổ dân phố và mỗi tổ bao nhiêu hộ gia đình? Thậm chí còn phải tính đến số hộ nhiều hay ít người nữa. Số liệu về hộ gia đình, nhân khẩu phường có rồi, hồi bầu cử đã kiểm tra lại, chắc chắn dữ liệu đó còn lưu, bây giờ sử dụng cho việc này vừa nhanh chóng vừa hợp lý. Bà con đã phản ánh ngay cho tổ trưởng dân phố tình trạng này, hy vọng quận, phường sẽ có sự điều phối hợp lý hơn.





SÀI GÒN, NGÀY THỨ 19


Trong cơn đại dịch này những ngành, những người mà tôi biết ơn đầu tiên chính là ngành Y. Hai năm nay ngành Y phải trực tiếp đối đầu cùng dịch bệnh. Bác sĩ, nhân viên, học viên ngành Y phải hy sinh đầu tiên và nhiều nhất, dù họ cũng có gia đình và những lo toan như tất cả chúng ta. Sự kính phục và biết ơn của tôi với ngành Y nói chung còn bắt nguồn từ một hình mẫu về một người THẦY THUỐC trong tôi. Đó là BS Nguyễn Văn Hưởng, người bác ruột của tôi.
Ông là bác sĩ Tây y học ở Pháp về, chuyên về vi trùng học nhưng cuộc đời ông còn gắn liền với việc nghiên cứu Đông Y để làm ra nhiều loại thuốc và các phương pháp chữa bệnh cho nhân dân. Trong gia đình tôi ai cũng từng một/vài lần ốm nặng và may thay, đều được bác tôi chữa trị khỏi bệnh chủ yếu từ những bài thuốc Đông y, thuốc Nam của ông.
Ông là người đúc kết kinh nghiệm dân gian về thuốc Nam, học từ kho tàng kiến thức Đông Y, và từ kinh nghiệm bệnh “tai biến” rất nặng của bản thân ông, để có được Phương pháp dưỡng sinh phục vụ sức khỏe và chữa bệnh cho bao nhiêu người. Cả cuộc đời ông gắn liền với y tế cơ sở, gắn liền với nghiên cứu, thực nghiệm, thí nghiệm việc làm ra các loại thuốc TA, hữu hiệu và rẻ tiền, tiện dụng cho mọi người dân. Những bài thuốc, phương pháp dưỡng sinh, đạo đức ngành y là những điều tâm huyết một đời làm nghề y của ông.
Một số việc làm gần đây của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM... đã gây nên phản ứng từ cộng đồng được phản ánh qua cả truyền thông “chính thống” chứ không chỉ qua MXH. Những việc này làm cho BỘ, Sở càng khó khăn hơn trong chỉ đạo chống dịch vì phải chia sẻ thời gian, công sức đối phó với dư luận, thậm chí có việc phải “sửa sai”. Đặc biệt nó làm sụt giảm uy tín của lãnh đạo ngành, ảnh hưởng đến niềm tin, sự yên tâm của người dân đối với ngành Y, dù người dân luôn biết ơn, quý mến các bác sĩ, nhân viên đang rất khó nhọc làm việc trong điều kiện cực kỳ khó khăn hiện nay.
Từ niềm kính trọng của riêng tôi với MỘT NGƯỜI THẦY THUỐC, tôi tin rằng những sai /lầm như vậy của ngành “chủ lực” trong cuộc chiến chống covid-19 sẽ không có “cơ hội” xuất hiện nữa, mong rằng những nhà quản lý ngành cũng là những THẦY THUỐC mẫu mực, gần dân, vì dân. Được vậy, ngành Y sẽ có thêm một “thần dược” để chống lại đại dịch, đấy là sự tin tưởng và quý trọng, là sự giúp đỡ và hợp tác, cộng tác tích cực của nhân dân.
Hy vọng thế!
P/S. Có bạn nhắn mình: vụ Xuyên tâm liên là sai! nên mình nói thêm, kể về bác Hưởng thì nói việc bác nghiên cứu thuốc nam, đông y thôi, chứ ko phải bênh vực Bộ Y tế về cái phụ lục danh mục thuốc đính kèm CV nhé 🙂
Mình không biết gì về y dược nhưng thể thức văn bản là sai: Phụ lục CV mà không có dấu giáp lai, không có chữ ký tắt, ký nháy trên mỗi trang, thì coi như không hợp lệ. Định "bẫy" nhau chắc 🙂

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. (bài sưu tầm)

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên là bộ trưởng bộ y tế, đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam. Những bài thuốc, phương pháp dưỡng sinh, đạo đức ngành y là những điều tâm huyết một đời làm nghề y của ông.

 Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (năm 1906-1998), là Giáo sư, bác sĩ trong lĩnh vực vi trùng học và Đông y. Năm ông 64 tuổi, lúc đương chức Bộ trưởng Bộ Y tế, ông bị tai biến mạch máu não, bị á khẩu, liệt nửa người. Phối hợp với thuốc, ông đã tự luyện tập để phục hồi và xây dựng phương pháp dưỡng sinh. Bs. Hưởng là tác giả của các công trình: Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc, Phương pháp dưỡng sinh (từ năm 1954).

Dưới đây là những điều quý giá có được trong bao nhiêu năm trong nghề y của ông:

@ Sống cần có đạo đức

Trong các buổi học tập chuyên môn, Bs. Hưởng luôn nhắc nhở sống cần có đạo đức, làm việc gì cũng cần coi trọng đạo đức, đạo đức luôn là kim chỉ nam trong suy nghĩ và hành vi của người làm thuốc.

Giữ gìn đạo đức tốt trong mối quan hệ với mọi người: đồng nghiệp, người bệnh, cấp trên và cấp dưới.

Đạo đức là quy tắc sinh hoạt chung trong xã hội và là hành vi của con người, quy định nghĩa vụ của người này đối với người khác và đối với xã hội.

Người sống vi phạm đạo đức sẽ ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.

Sống có đạo đức mới đem lại cho con người trạng thái tinh thần bình an, yên vui, lạc quan và chắc chắn có được sức khỏe tốt, có điều kiện cống hiến cho xã hội.

@ Cần lưu ý “lời nói dưỡng sinh”

Lời nói có thể là một vị thuốc bổ gây sự phấn chấn cho người khác; một liều thuốc an thần giúp giảm lo âu, căng thẳng; một ly nước cam tươi làm mát dịu cả người; một bàn tay dịu hiền vuốt ve thân ái; ánh đèn pha giúp soi sáng mọi nẻo đường và đẩy lùi bóng tối.

Ngược lại, lời nói cũng có thể là cây kim châm làm đau nhói con tim; cái búa – lưỡi dao đâm vào não người nghe; một đám khói đen ngòm che khuất tầm nhìn nên khó tìm ra lối đi… Chính vì thế, người tập luyện dưỡng sinh cần có “lời nói dưỡng sinh”.

@ Càng ít lệ thuộc thuốc trị bệnh càng tốt

Cùng quan điểm này với Bs. Hưởng, Bác sĩ H. Mahler (Tổ chức Y tế Thế giới) từng ra lời kêu gọi: Hãy dùng càng ít thuốc càng hay!

Bs. Hưởng thường khuyên người bệnh: “Nhà máy sản xuất thuốc tốt nhất chính là cơ thể của mình. Hạn chế lệ thuộc thuốc từ ngoài vào bằng cách: quyết tâm tập luyện kiên trì, liên tục, vận dụng vào mỗi người cần chính xác, biện chứng và có sáng tạo để tăng cường sức đề kháng và khả năng thích nghi với những biến đổi khắc nghiệt của môi trường sống xung quanh. Để chữa bệnh, người bệnh cần đóng vai trò tích cực chứ không thụ động chỉ phụ thuộc vào thầy và thuốc.”

@ Thuốc Nam: Tiềm năng to lớn cho sức khỏe

Bs. Hưởng dày công sưu tầm, học hỏi để chọn lọc rất nhiều bài thuốc Nam quý có giá trị thực tiễn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Từ đó, tập sách Toa thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam, xuất bản năm 2010 với các bài thuốc trị bệnh hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, tiết niệu, thần kinh, vận động, thuốc bổ dưỡng, nhi khoa, phụ khoa, nam khoa, ngũ quan, bệnh ngoài da… Cuốn sách dày dặn với 663 trang.

@ Thái độ tư duy tích cực: hạn chế ý nghĩ bi quan, tiêu cực sẽ giúp chiến thắng được bệnh tật.

Ăn uống đủ chất: không quá thiếu, không dư thừa, ăn phù hợp với tuổi tác và tình trạng bệnh, sử dụng hợp lý chất kích thích (trà, cà-phê), nói “không” với thuốc lá.

@ Tập luyện dưỡng sinh: Nền tảng duy trì sức khỏe và điều trị các bệnh mạn tính không lây

Từ tháng 3-1977, Khoa Dưỡng sinh thuộc Viện Y Dược học Dân tộc TP. HCM được thành lập nhằm triển khai phương pháp điều trị bằng tập luyện. Qua kinh nghiệm bản thân sau 2 lần bị tai biến mạch máu não nặng, ông đã tìm tòi đúc kết thành một phương pháp điều trị không dùng thuốc được giảng dạy trong các trường y khoa, nhiều đồng nghiệp đã áp dụng trị bệnh đạt hiệu quả cao. Phương pháp này chủ trương: Trị bệnh phải trị cả phần “tâm” lẫn “thể” (tinh thần và thân thể):

Tập thư giãn: giúp giải tỏa stress, làm mạnh quá trình ức chế chủ động của hệ thần kinh, bù lại năng lượng cho tế bào sau những giờ làm việc kéo dài, kiểm soát cảm xúc. Bs. Hưởng thường nhắc, để sống khỏe, cần “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh”.

Tập thở sâu với 4 thời: thúc đẩy tuần hoàn máu cho các cơ quan nội tạng, giảm gánh nặng của quả tim, hoàn chỉnh trao đổi khí tại phổi, lập lại cân bằng giữa hai quá trình hưng phấn và ức chế.

Tự xoa bóp và day ấn huyệt: tăng nuôi dưỡng hệ thống da – cơ – xương – khớp, thoáng lỗ chân lông, êm dịu thần kinh, tăng cường chức năng hệ miễn dịch;

Các động tác tập toàn thân ở các tư thế nằm, ngồi, đứng: nhằm giúp tăng nuôi dưỡng, tăng trương lực cơ – dây chằng, giữ được sự dẻo dai và duy trì biên độ hoạt động của các khớp – cột sống giúp chống xơ cứng… phòng và trị các bệnh thoái hóa, thừa cân, loãng xương, gù vẹo hay biến dạng khớp – cột sống.



SÀI GÒN, NGÀY THỨ 18.

 @ Từ 18g hôm nay SG sẽ giới nghiêm! Cuối cùng thì lệnh này đã phải công bố dù ai cũng đoán trước nhưng không ai muốn điều này xảy ra.

Mà giới nghiêm vậy thì hàng hóa thực phẩm ra vô chợ đầu mối, đi các chợ, đến siêu thị cách nào được? vận chuyển ban ngày hết à? Ban ngày cấp cứu còn không kịp, kiểu này ban đêm có chuyện gì chắc vô phương! Suốt đêm qua tiếng còi xe cấp cứu nhiều quá...

Hôm qua nghe nói có mười mấy anh shipper dương tính, mà thấy quận nào cũng thông báo, không biết đâu là địa bàn mấy ảnh hay giao hàng? Kiểu này hết dám mua hàng qua ship :(
Tổ dân phố nhà tôi phát phiếu mua hàng ở siêu thị: mỗi nhà 2 phiếu (2 lần)/tuần, có ghi ngày rõ ràng, bắt đầu từ hôm nay.

@ Những đoàn người nhập cư vẫn tiếp tục rời SG bằng mọi cách, tỉnh nào quan tâm và có điều kiện thì cho máy bay, xe lửa, xe hơi đưa đón, còn nơi nào chưa kịp tổ chức hay điều kiện khó khăn thì bà con đi xe máy, xe đạp (và từ Đồng Nai còn có những người đi bộ) trở về quê ở Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc. Trong lịch sử thành phố, chỉ có hiện tượng nhập cư ồ ạt vào đây trong một vài thời điểm “bước ngoặt”, còn thì chưa bao giờ có hiện tượng số lượng lớn người rời bỏ Sài Gòn một cách dồn dập như vậy (trừ thời kỳ “kinh tế mới” nhưng đó là bị bắt buộc thậm chí cưỡng bức). Lễ tết người ta cũng ồ ạt về quê, nhưng không phải trong sự hoảng loạn, nghèo túng và bất an như bây giờ.

@ Sài Gòn đang trong những ngày “sống còn”, thời điểm lịch sử này được quyết định bởi việc Sài Gòn có vượt qua được đợt đại dịch này không. “Vượt qua” chứ tôi không ảo tưởng về sự “chiến thắng đại dịch” như những khẩu hiệu ồn ào trên truyền thông, trong các buổi lễ phát động việc này việc kia.

Chỉ cần qua được dịch cho Sài Gòn trở lại bình thường, chứ nếu “thắng” để rồi phải nghe kể công thì cũng chết mệt! Mà chưa thắng còn đang “thua” đã nghe kể công rồi đấy, đã thấy đòi đặc quyền đặc lợi rồi đấy! Với não trạng như vậy thì “thắng” rồi sẽ là công thần, là phân chia chiến lợi phẩm, và còn là những gì nữa, sau đại dịch này?!

 @ Hẻm nhà tôi chỉ có hơn mươi gia đình ở đây từ lâu, vài năm sau này có thêm một số hộ đến thuê nhà và mua đất xây nhà mới. Bây giờ trong hẻm có bao nhiêu gia đình tôi cũng không biết hết! Hai mươi năm tôi sống ở đây mỗi lần họp tổ dân phố đều không quá mươi hộ cũ. Còn lại các hộ mới đến, hay hộ thuê nhà nhiều năm... thì hầu như không bao giờ đi họp, dù về nguyên tắc là tạm trú lâu dài cũng phải sinh hoạt tổ dân phố. Cho nên thật sự tôi chẳng biết hết “hàng xóm láng giềng” ngoài vài nhà quen biết từ trước.

Mấy nay hạn chế đi lại, hẻm vắng tanh, thỉnh thoảng có tiếng xe máy của shipper giao hàng, sáng sớm có chỉ vài người đi siêu thị... Tự dưng thấy có người đến hẻm đi bộ tới lui, sáng có mà chiều tối cũng có. Đội mũ, bịt khẩu trang nên không biết ai. Bình thường cũng có nhiều ông chở vợ đi siêu thị, vô hẻm đứng chờ vì hẻm vắng, có cây xanh mát mẻ, rồi tranh thủ tập thể dục đủ kiểu, từ thái cực quyền đến dịch cân kinh, rồi tập thở tập võ, đủ cả.

Hôm nay tôi được add vào nhóm zalo “những người cùng hẻm”. Câu đầu tiên mọi người trao đổi là “có biết người đấy người đấy hay đi bộ trong hẻm mình là ai không?”, và biết đó không phải là “cư dân” của hẻm mình. Vậy là một bác lớn tuổi được mọi người nhờ ngày mai sẽ nói với mấy người lạ ấy không nên vô hẻm đi bộ nữa, vì lỡ mà lây lan bệnh thì căng lắm, hẻm này nhiều người già, người có bệnh nền, nhiều con nít dưới 10 tuổi nữa.

Cũng nhờ nhóm zalo này mà biết thêm một số “láng giềng”, hy vọng nhóm này duy trì lâu dài, đặng qua dịch đi họp tổ dân phố đông vui hơn chút :D



NHỚ NHỊP VÕNG XƯA

 Nguyễn Thị Hậu

Ba tôi rất thích nằm võng. Đó là thói quen của ông từ nhỏ ông đã được các anh chị đu đưa trên chiếc võng mắc ngoài hiên ngôi nhà sàn cao ráo mát mẻ của ông bà nội. Rồi đến lượt ba tôi lại ru các em trên chiếc võng ấy. Chiếc võng đan bằng dây gai nhưng mềm mại ôm khít lấy thân người, lúc rảnh rỗi ông nội tôi thường nằm đưa võng đọc Lục Vân Tiên, chiều chiều bà nội mang rổ may ra võng ngồi vá quần áo cho con cháu. Hầu hết thời gian trong ngày trên chiếc võng lúc nào cũng có một đứa trẻ nằm ngủ, ai đi qua tiện tay đẩy nhẹ cho võng lắc lư, đứa trẻ ngủ thêm say...

Chín năm đi kháng chiến ba tôi cũng thường nằm võng ngủ ghe... riết thành thói quen, ông có thể chỉ ngủ trên võng mà không cần nằm giường. Sau này những lần đi bộ vượt Trường Sơn, với chiếc võng dù ông có thể ngủ ở bất cứ nơi nào, ai cũng ngạc nhiên vì thấy ba tôi không bao giờ than đau lưng hay mỏi cổ, dù ông đã lớn tuổi và sức khỏe không tốt lắm.

Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với chiếc võng. Căn phòng trong khu tập thể chật chội nhưng lúc nào nhà tôi cũng có một chiếc võng. Thường thì võng được cuộn lại một đầu cho gọn, khi cần sẽ mắc đầu kia ngang qua căn phòng. Chiếc võng dây gai dài rộng trở thành “thế giới trò chơi của tôi. Mỗi khi ba má tôi đi làm thì lũ bạn ở khu tập thể lại đến, ba bốn đứa cùng ngồi lên võng lắc lư “chèo thuyền” hay chia nhau đứa nằm đứa lắc võng cao bổng lên. Có khi chơi trò “đánh lưới” cuốn chặt  một đứa trong võng giả vờ bắt được con cá lớn. Một lần tôi tập làm xiếc đứng trên võng và dang hai tay ra, chưa kịp thăng bằng thì ngã lộn cổ xuống đất, sưng u đầu mà không dám kêu đau. Lần khác mấy đứa cùng ngồi đu nhanh quá, chiếc võng lắc mạnh làm một đầu đinh mắc võng bị gãy. Võng đứt, cả bọn đứa té nhào. Tôi bị má la một trận và ba tôi cất luôn chiếc võng, chỉ khi nào ông nằm thì mới mắc võng.

Chuyển nhà vài lần nhưng ở đâu ba tôi cũng tìm ra chỗ để mắc võng. Lần nào đóng đinh mắc võng xong chắc chắn, ba tôi cũng ngồi lên thử nhún nhún với vẻ hài lòng. Mùa hè ba tôi không cần nằm quạt máy – nhà có mỗi chiếc quạt “tai voi” của Liên Xô dành cho má con tôi, lại mất điện thường xuyên – ông chỉ nằm võng, khẽ đu đưa, nóng nực quá thì phe phẩy chiếc quạt giấy. Ông nói, cứ nằm im thì hết nóng, càng cựa quậy đổ mồ hôi càng nóng! Khi ba tôi đi chiến trường, má tôi cuộn võng cất đi, đến lúc ba tôi về thì chiếc võng đã bị chuột cắn đứt nhiều đoạn... Ba tôi tiếc chiếc võng nhưng không thể “vá” được, đành bỏ. Cũng may ông mang về một chiếc võng dù rất lớn, hai đầu luồn hai sợi dây dù nhỏ mà rất chắc. Ba tôi dạy một lần là tôi biết cách cột và tháo võng ra nhanh chóng và dễ dàng. Mùa hè nằm võng dù thì nóng và bí hơn võng gai, nhưng mùa đông cuộn trong võng dù thì rất ấm.

Chiếc võng dù ấy theo ba tôi về Sài Gòn. Nhà mới rộng rãi, phòng ngủ tiện nghi nhưng ông vẫn tìm cách mắc võng ở một góc phòng khách, nơi chiếc cửa sổ rộng mở bên ngoài có cây ổi lá xanh rợp mát. Tôi vẫn luôn nhìn thấy ông trong bộ bà ba trắng, tóc bạc trắng, mang kiếng trắng nằm trên võng đọc sách, trên chiếc ghế nhỏ để bên cạnh có ly trà đậm, bao thuốc lá chiếc gạt tàn. Sau này khi bị bệnh nặng ông cũng vẫn nằm võng, có khách đến thăm thì ngồi dậy tiếp khách, anh em bạn bè ngồi quanh dưới sàn nhà luôn được lau sạch sẽ, trò chuyện vui vẻ. Mỗi lần như vậy dường như ba tôi khỏe hơn một chút.

Trên chiếc võng ấy ba tôi còn hay ngồi ru cháu ngoại ngủ, ông vừa đọc sách vừa đưa võng, thỉnh thoảng lại “dương mục kỉnh” nhìn quanh xem có con muỗi nào không. Mỗi khi nghe ông ru nho nhỏ “ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi...” là tôi lại nao nao nhớ hồi nhỏ mình cũng được ba ru như vậy. Nhưng hồi đó ông hay ru tôi bằng một câu rất buồn “Ầu ơ... trồng trầu trồng lộn dây tiêu. Con theo hát bội... con theo hát bội mẹ liều con hư...”. Có lẽ những tâm sự của ông chất chứa trong câu ca ấy ám ảnh tôi rất lâu... sau này dù “mê hát” lắm nhưng tôi cũng không dám theo nghề của ba.

***

Bây giờ ở đâu cũngbán nhiều loại võng xếp, chỉ cần điện thoại là được giao hàng tận nơi, lắp ráp nhanh chóng, để trong nhà tiện lợi, gọn gàng. Vậy nhưng ở thành phố chiếc võng đang mất dần, vì trong nhà có nhiều tiện nghi sinh hoạt khác, vì thời gian đâu mà thong thả nằm đưa võng nghỉ ngơi... Người già thì có ghế đệm “mat-xa” có thể ngả lưng duỗi chân, con trẻ thì có giường nôi nhiều màu sắc. Nhiều bố mẹ trẻ sắm cho con chiếc nôi đắt tiền có thể lắc lư nhè nhẹ nhưng thường được gài chặt, “khoa học đã nói là không nên cho trẻ nằm nôi nằm võng lắc lư, hại thần kinh”. Nhịp võng mất đi lời ru bỗng trở nên lạc lõng, trẻ nhỏ khóc òa khi nghe tiếng ầu ơ... Chiếc võng đâu còn là thế giới êm đềm của tuổi thơ như ngày xưa nữa.

Bây giờ hay gặp chiếc võng ở những quán “cà phê võng” miền Tây. Trước phổ biến loại võng đan bằng sợi nilon bây giờ hầu hết là võng bằng vải dù vải bạt... Khách ghé lại có khi đi xe hơi nhưng nhiều hơn là người đi xe máy, nằm võng, nhìn bóng nắng đưa chùm bông giấy lao xao, nghe con cá quẫy dưới mương sau nhà, uống trái dừa tươi hay ly cà phê, hút điếu thuốc, thả hồn theo những bài bolero quán nào cũng có... rồi lại lên đường. Bỏ lại những bực bội của đoạn đường dài vừa bị kẹt xe, bỏ lại những ồn ào sống vội nơi phố thị... sau những phút giây được nằm trong lòng võng êm như ngày thơ bé.

Sài Gòn 3.5.2021


SÀI GÒN, NGÀY THỨ 15


@ Lại một ngày siêu thị xếp hàng đông như kiến, người nào cũng đẩy một xe hàng đầy ắp, rồi tay xách nách mang. Tiếp tục dự trữ thức ăn cho những ngày cách ly “theo CT 16 một cách chặt chẽ hơn”. Sáng sớm đi ra siêu thị đã thấy nhà hàng xóm cả vợ cả chồng ra xếp hàng sớm hơn, mua xong gọi con trai phi xe máy ra chất hàng lên xe chở về nhà 4 chuyến mới hết những gì họ mua!
Gần 2 tiếng mới mua được 2 bó rau muống (nhỏ bằng ½ mọi lần), một mớ dền cơm không còn tươi. Miếng thịt giò rút và chục gói mì, mấy thứ linh tinh... Từ tối qua đã thấy nhiều người mua đến 4,5 thùng mì. Khu vực đồ nguội, đồ hộp lèo tèo vài món, mọi khi mấy dãy đồ đông lạnh lúc nào cũng đầy ắp, nay vợi hẳn, tôm mực không còn gói nào.
Nay 14 âm lịch, siêu thị vẫn có hoa tươi của Dalat farm, giá không đắt hơn trước. Trái cây thì cả mười ngày nay vắng hẳn chuối sứ, thanh long hay xoài, bưởi. Dưa hấu có trái nào hết trái ấy. Chỉ có táo, lê, nho nhưng cũng không phải hàng mới. Nhớ hôm trước mùng một đầu tháng, ông xã đi bệnh viện khám định kỳ, mua về một túi táo, kêu là “táo mèo”. Mèo cáo gì không biết nhưng thắp hương đến nay là nửa tháng rồi mà vẫn tươi nguyên!
Con gái nói “à nó là táo Miêu”. - Thì miêu hay mèo cũng thế. – Nhưng Miêu là ở TQ còn mèo là ở VN, hehe. Hoàng a mã biết bị công chúa nói lỡm, đành cười trừ! Con gái nghiêm giọng: ông già không mua linh tinh ngoài đường nha, toàn đồ bơm thuốc đấy! ăn vào có chuyện gì bây giờ là không có bệnh viện mà vào cấp cứu đâu!
@ Sáng nay SG lại hơn 3000 người nhiễm covid, chưa biết bao giờ mới lên đến đỉnh dịch. Việc xét nghiệm đại trà đã dừng vì không có hiệu quả, chuẩn bị chích vắc xin trên diện rộng. Tuy nhiên thứ tự ưu tiên vẫn không thay đổi, trong khi những người bán hàng, vận chuyển và shipper cần được chích trước để đảm bảo lưu thông hàng hóa, hạn chế tình trạng thiếu đói.
Nhà hàng xóm xây nhà mới, ngôi nhà nhỏ thôi nhưng đã phải ngừng thi công. Tuần trước còn có một số công nhân đến làm nhưng tuần này thì phải cho nghỉ hẳn vì không thể lo ăn ở tại chỗ cho họ. Bác chủ nhà nói: sốt ruột vì phải kéo dài thi công trong mùa mưa 1 phần, lo cho mấy ông công nhân 4,5 phần. Hoàn cảnh của họ khó khăn lắm. Công ty của họ ngừng việc làm họ còn bấu víu làm ở đây. Nay cho họ nghỉ làm không biết gia đình họ sẽ ra sao?
@ Phật giáo và Công giáo đã có các nữ tu tham gia vào lực lượng cứu chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở TPHCM. Thật sự rất biết ơn và cảm động! Từ trái tim ấm áp, tấm lòng vị tha và kỹ năng cần thiết, những nữ tu có thể xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh, mang lại bầu không khí dịu dàng hơn trong những nơi đang căng thẳng đối phó với dịch bệnh.
Nhân đây mình thấy là nên cho em nữ sinh trường Y HD về quê để tang cha, NẾU EM ĐÃ ĐƯỢC CHÍCH NGỪA VÀ XÉT NGHIỆM AN TOÀN – mình nhấn mạnh! Các trường hợp nhân viên y tế có cha, mẹ, người thân mất khi đang làm nhiệm vụ cũng vậy. Tất nhiên, muốn vậy thì tất cả những ai trực tiếp làm nhiệm vụ phải được ưu tiên thực hiện chích ngừa trước và xét nghiệm thường xuyên. Đừng để vì một nhiệm vụ lâu dài và vẫn có thể có người thay thế, cũng đừng vì “biểu tượng” mang tính “quyết tâm chính trị” mà họ không thể về chia tay vĩnh viễn với người thân. Sau này đó sẽ là nỗi day dứt rất lâu, khó có thể xóa nhòa.

@ Nói đến bệnh viện lại nhớ cái Cv rất “vô tâm” của Sở Y tế TP. Cách chấn chỉnh ngay tình hình thiếu thốn vật tư y tế của ngành là khẩn trương đề xuất, thậm chí “kêu gào” Bộ Y tế, chính phủ, chính quyền TP cung cấp hoặc tạo điều kiện nhanh nhất để có thể mua ngay vật
tư, phục vụ việc chữa bệnh, giảm bớt sự vất vả cực nhọc của nhân viên ngành y và những người hỗ trợ. Đó chính là giữ uy tín cho ngành và thực sự vì người bệnh.
Đừng trách các bác sĩ, người trong ngành kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, tham góp ý kiến chống dịch, họ làm việc trực tiếp, thấy bệnh nhân vật vã trước mắt mà không làm gì được, làm sao họ có thể im lặng... Lãnh đạo – nhất là lãnh đạo một ngành chuyên môn – thì việc cần NGHE – HIỂU các vấn đề chuyên môn là quan trọng nhất, chứ không phải là chỉ hô hào “quyết tâm chính trị”.
@ Hôm trước vừa hoan nghênh HN xử lý việc được chích ngừa “nhờ ông ngoại”, thì sau đó lại có thêm những trường hợp khác, từ anh cựu quan chức đến cô ca sĩ, cô người mẫu... Rồi bệnh viện kỷ luật chuyển công tác nhân viên chích ngừa nhưng người nào đưa danh sách có thêm 2 người vào số thuốc “dư 2 mũi” thì không thấy bị làm sao. “Lỗi của thằng đánh máy” giờ thành bệnh truyền nhiễm lây cho những nhân viện cấp thấp, trờ thành bung xung để đổ/nhận lỗi thay người khác. “Nhưng không trúng thằng cha bán phở mà trúng người em gái bưng tô” – như lời hát trên bàn nhậu!
Chỉ lạ một điều, hay ho gì cái chuyện nhờ vả chạy chọt để được chích trước, chích thuốc “xịn” mà còn khoe ra như mới sắm được hàng hiệu. Toàn những người trông sáng sủa mà không thấy rằng, thật tội nghiệp cho món hàng hiệu nào đeo lên người quý vị, vì người và đồ vật không ăn nhập gì với nhau!
@ Đôi lúc nghĩ, cứ viết về những chuyện không hay thì thật cũng chẳng... hay ho gì! Nhưng mình cũng như mọi người, hiểu rằng trong khó khăn sai sót là khó tránh, nhưng luôn mong được viết về những gì tốt hơn ngày hôm qua, nhất là về những người quanh mình chứ không chỉ về chuyện của chính quyền. Nhưng tham gia vào vài nhóm thiện nguyện, đóng góp bằng cách của mình, mình thấy sức dân đã đuối rồi! Không ai là chuyên nghiêp trong việc từ thiện – chỉ có nhà nước có khả năng “an sinh” chuyên nghiệp nhất là trong trường hợp khẩn cấp! Chỉ cần nhà nước kích hoạt chức năng này đúng lúc, đúng nơi và kịp thời một cách có trách nhiệm, các tổ chức thiện nguyện của xã hội cùng chung tay, như vậy mới có thể đi đường dài và có hiệu quả.
P/S. Vừa nghe VTV thông báo thanh tra việc khiếu nại “trong/ngoài ranh đất quy hoạch ở Thủ Thiêm”. Kết quả là... à mà thôi, không nói cũng đã biết!
Thôi ngắm cây xanh "nhà trồng được" cho mát mắt hạ hỏa vậy nhé







SÀI GÒN, NGÀY THỨ 13.

     Siêu thị gần nhà tôi đã “hạ nhiệt”, người mua không còn quá đông, chịu khó xếp hàng từ sáng sớm thì mua được bánh mì, một người/2 ổ. Thịt cá rau vẫn chưa đa dạng chưa nhiều như trước, hành lá vẫn “mất tích”... nhưng người mua hàng trông thong thả, không lo lắng vội vã hàng nào cũng lấy như mấy ngày trước. Được vậy là nhờ mấy chợ ở khu vực Phú Nhuận đã mở lại, giá cả có thể nói là bình thường, đã chia sẻ bớt lượng người mua bán hàng ngày.

Như ai đó nói, chính phủ cũng đã có kinh nghiệm trong việc chống dịch đâu, nên có việc này việc khách chưa hợp lý cũng là... bình thường. Nhưng ngay lập tức đóng cửa hàng loạt chợ gây nên sự thiếu thốn hàng hóa đã đành, quan trọng hơn là tâm lý bất an trong cộng đồng cao hơn, sự tin tưởng vào những chỉ thị, mệnh lệnh từ chính quyền cũng sẽ giảm đi. Thôi thì đây cũng là một bài học có được từ “thời dịch bệnh”: kịp thời nhận ra và sửa sai nhanh, dân chúng bình tâm dần, xã hội sẽ ổn định hơn, giảm bớt sức ép tâm lý cho lãnh đạo, giảm bớt khó khăn thực sự cho người dân.

Dư âm mấy vụ chích vắc xin ké ở Hn vẫn lan truyền trên mạng (FB và báo chí). Tránh làm sao được, cái gì khan hiếm mà chẳng tạo ra sự nhờ vả lợi dụng, kể cả lợi dụng quyền lực địa vị để có được cái tốt nhất nhanh nhất trước tất cả mọi người. Thời bao cấp đã qua lâu rồi nhưng tâm lý bao cấp vẫn còn đây đó: “đúng thôi, nhờ vả chút có gì đâu mà cũng gato?”, “ông A ông B, nơi này nơi kia được được ưu tiên chích VX của Mỹ trước cũng hợp lý thôi”, vân vân mây mây. Thừa nhận có hiện tượng này không có nghĩa là coi nó là đương nhiên, bởi vì xã hội hiện nay không còn ở cái thời chỉ biết “bó cỏ ngay trước mắt”, chỉ biết chấp nhân mọi sự bất thường như vài chục năm trước.

Hoan nghênh chính quyền HN đã có văn bản chỉ đạo làm rõ, giải trình những sự việc trên.

***

Tình hình này nhiều HTKH đã hoãn đến tháng 8, tháng 9, chắc phải tiếp tục hoãn nữa. Có phương án tổ chức HTKH online nhưng thú thật, tôi thấy sẽ không có hiệu quả lắm. Thời gian qua tôi làm việc online với nhiều nhóm công việc, có nhóm tổ chức tốt, chu đáo từ nội dung đến kỹ thuật hỗ trợ người chưa rành lên mạng; có nhóm còn trục trặc, nhưng nhiều nhóm online cho xong việc... Vì vậy chỉ mong dịch qua mau để công việc trở lại bình thường. Cũng may đã trả xong nợ bài vở cho mấy nơi. Nhưng vốn tham, lại nhận thêm vài việc nữa, thật là “thân là tội đời” :D

Chưa có thời gian nào tôi xem TV nhiều như mấy tuần nay, chủ yếu trên BBC Earth, Discovery hay National Geographic, Discovery Asia... mấy kênh này hay có phim về khảo cổ học, về lịch sử, về những điều mới lạ trên thế giới. Những chương trình như Lots cities winh Albert Lin, Những chuyến tàu xuyên Á (lịch sử đường sắt ở Châu Á), Lịch sử Ba Tư hay Khám phá văn minh Ấn độ... kể cả chuyện các loại thức ăn công nghiệp được sản xuất ra sao trong In the factoty, hay các sân bay lớn trên thế giới kiểm tra an ninh, phục vụ hành khách tốt như thế nào... dù không phải lúc nào tôi cũng xem được đầy đủ từ đầu đến cuối, nhưng đều mang lại hiểu biết nhiều hơn về quá khứ kỳ thú và bao lĩnh vực trong cuộc sống!

            Mỗi bộ phim, mỗi câu chuyện cũng mang lại nhiều ký ức, và hơn cả là nỗi nhớ những chuyến đi, những nơi đã đến. Lại chỉ biết mong ước, bao giờ cho đến... những chuyến bay :)

Hình: Bánh mỳ trở thành món hiếm ;)



SÀI GÒN, NGÀY THỨ 12.

 @ Câu nói "Mày ở rừng về hả" làm nhớ câu "về U Minh mà ở" hồi nào ở quận 1 TPHCM!

Ở đâu ra cái thói coi khinh người dân, hống hách dọa nạt, tùy tiện tịch thu tài sản của dân như vậy? Khi những quy định liên quan đến đời sống thực tiễn của người dân, nhưng không cụ thể, không rõ ràng về nội dung thì khi đó sẽ có những người thực thi lạm dụng quyền/hành.

Không chỉ xin lỗi mà ông PCT phường này cần bị cắt chức vì đã gây nên sự phẫn nộ trong cộng đồng, trong thời điểm cần chính quyền sự ủng hộ của người dân để chống dịch.

Cán bộ phường, xã là cấp cơ sở gần dân nhất, mà có những hành vi, ngôn ngữ phản cảm như vậy, thì chính quyền làm sao có được sự tin tưởng và đồng thuận của người dân. Mất dân là từ những "cán bộ' như vậy chứ không phải từ "thế lực thù địch", từ sự xuyên tạc nào cả!

 @ Trong một diễn biến khác, sáng nay QH vẫn khai mạc kỳ họp có vấn đề quan trọng là BẦU LẠI một số chức danh ĐÃ BẦU CUỐI KỲ HỌP TRƯỚC, và bầu các vị trí khác trong chính phủ.  Vâng, chống dịch như chống giặc, nhưng có lẽ nhiều vị "tư lệnh" ngành, địa phương có thể "chỉ đạo từ xa" được chăng?

À, không biết sau phiên khai mạc QH sẽ có (dù là hình thức) một cuộc vận động các ĐBQH đóng góp cho người nghèo trong dịch bệnh không nhỉ? VTV thì vẫn kêu gọi đóng góp quỹ Vacxin đấy!

(sực nhớ trend qua nay là "ngoại ơi"!)

@ Đưa ra đề án sáp nhập kiểu "Khắc nhập khắc xuất" các đơn vị hành chính lúc này làm gì, ngoài mục đích làm cho bộ máy quản lý những nơi có khả năng phải "nhập" thêm lo lắng, nên phải abcd gì đó (góp phần "buôn chổi đót", chẳng hạn), lơ là bỏ qua những việc khác đáng phải ngay, không lo chống dịch mà lo "chống" ghế cho vững hơn?

@ Dịch bệnh thì vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đời sống nhân dân nơi phong tỏa vẫn thêm khó khăn, người từ các khu CN Đông Nam bộ đã phải bỏ về quê bằng mọi cách, kể cả phải đi xe đạp qua hàng ngàn cây số mà trong túi rỗng không!

Sài Gòn lại đang mưa tầm tã! Thương những người làm việc thiện ngày càng vất vả, họ cũng đã đuối sức như các y bác sĩ và nhân viên y tế nơi bệnh viện, nơi cách ly... Nhưng còn bao nhiêu người thiếu đói, bao nhiêu bệnh nhân, nên họ không thể ngừng nghỉ một ngày.

Sau này, vài năm nữa, nghĩ lại thời gian này, cái gì sẽ làm cho ta nhớ nhất?

Hình: con bò nghĩ rằng nó đang giữ cho cột điện đứng thằng!



SÀI GÒN, NGÀY THỨ 11.

 Thứ hai đầu tuần, nhưng cũng chẳng để ý nếu không có cuộc hẹn làm việc online. Nhìn lịch mới sực nhớ thế là đã qua hơn nửa tháng 7 rồi, cũng là bước vào tuần thứ 3 giãn cách/cách ly.

Lần này cả Nam bộ Đông Tây gì thực hiện CT 16 hết. Miền Đông – vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các khu công nghiệp – khu chế xuất lớn và quan trọng ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, với chuỗi các khu công nghiệp quy mô vừa kéo dài xuống Long An, Tiền Giang, lên Tây Ninh... Thành phố du lịch Vũng Tàu bao quanh bởi các khu công nghiệp của Nhơn Trạch, Long Thành, Bà Rịa... Hàng triệu công nhân và gia đình của họ, hàng triệu dân lao động, buôn bán nhỏ, dịch vụ, nhân viên công ty tư nhân... trong vùng kinh tế và vùng đô thị lớn nhất nước này sẽ tiếp tục sinh sống thế nào đây?
Nói gì thì nói, khó khăn thì ai cũng bị tác động, nhưng dù sao công chức nhà nước hay cả người nghỉ hưu như tôi cũng còn có đồng lương cơ bản, dù khá nhiều cơ quan kinh doanh phải cắt giảm tất cả các khoản thu nhập thêm ngoài lương. Chưa kể tầng lớp khá giả hơn – có người quen của tôi nhắn nhe một cách buồn chán “cả năm nay không được đi nước ngoài shopping. Thực phẩm Mỹ, Úc nhập về làm sao ngon bằng đồ tươi ở bển?”. Lại có bạn nhắn hỏi “SG có thật sự căng thẳng như nhiều người nói không?”.
Sáng con gái ra siêu thị Coopmark xếp hàng từ sớm, người xếp hàng cũng không đông lắm, trật tự, khẩu trang, không ai nói chuyện với ai. Siêu thị quan tâm hơn đến khách hàng bằng cách dựng mái che tạm nhưng khá chắc chắn, có ghế ngồi, căng dây xếp vòng mấy hàng như ở sân bay... Vì vậy trưa lúc nắng lên cũng bớt ngột ngạt, căng thẳng, bà con thấy nhẹ nhõm hơn, dù ai mua hàng ra cũng có người hỏi có món này không còn món kia không... Rau xanh ít hơn, có vài loại thôi, rau thơm và hành thì vẫn vắng mặt. Giá cả cũng nhích lên chút, nhưng phải chấp nhận thôi, tình hình sẽ còn khó khăn hơn.
Trưa em gái gửi qua một giỏ thức ăn: một nắm các loại lá đủ cho nồi xông, mấy trái khổ qua, chanh, tắc, đậu ve, hẹ, ớt chuông, xà lách rau thơm, có cả hành và ngò rí. Lại thêm một con vịt đã làm sạch sẽ... Ôi giời, nhà vui như thời bao cấp tìm thấy sổ gạo bị mất 😃. Nhắn cám ơn em gái, em nói: chẳng bao giờ nghĩ SG lại thế này. Mình nói, tình trạng “trọng thương” này có lẽ Sài Gòn chỉ bị vài lần trong lịch sử, gần nhất là thời kỳ “cải tạo” và đưa hàng loạt người thành phố đi “kinh tế mới” ngay sau năm hòa bình đầu tiên, rồi “ngăn sông cấm chợ” các tỉnh không được vận chuyển bất cứ gì lên SG.
Chiều tối tôi lên lầu trên của siêu thị mua mấy thừ đồ dùng cho má tôi, rồi chạy qua nhà bà. Đến đầu đường ngay công viên Gia Định có một xe tuần tra của công an đậu ở đó, hai anh công an ngoặc tôi lại hỏi đi đâu. Tôi nói như vậy, lại thấy bịch đồ dùng, giấy vệ sinh treo kỉnh kỉnh trên xe máy, hai anh vui vẻ nói: chị đi nhanh về nhà nhé (chắc ý là tôi đừng đi đâu nữa?). Tôi cười: vâng, nhưng đi từ từ thôi ạ, đường vắng mấy anh ship hàng chạy ẩu lắm 😃
Nghe VTV phỏng vấn bà Phó cục trưởng cục đường bộ, về việc lái xe phản ánh sự khó khăn khi vận chuyển hàng hóa vì mỗi nơi đòi một kiểu kỳ hạn giấy xét nghiệm khác nhau. Rồi MC giọng rất nghiêm khắc đề nghị các bộ Giao thông, Công thương và các tỉnh cần “ngồi lại thống nhất với nhau các nguyên tắc để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ”.
Lại nghe thấy việc Bộ Công thường đề nghị vận chuyển rau củ từ miền Bắc vào SG bằng máy bay! Xin nhắc lại: chỉ cần đảm bảo thông thương miền tây – Sài Gòn thì không có chuyện SG thiếu rau!
Có khi nào việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ (phải) gặp nhiều khó khăn lại chính là “cơ hội” để VNA nhảy vào việc vận chuyển sẽ rất tốn kém mà chưa chắc có hiệu quả?!
“Đục nước béo cò”. Mà ai làm đục nước???

Hình: Ở Nha Trang người dân đi mua bánh mì nhưng bị chốt kiểm tra chặn lại không cho đi. Ly do:




SÀI GÒN, NGÀY THỨ MƯỜI

 

Chủ nhật, ngày thứ 10.

Chuẩn bị cho ít nhất 15 ngày tiếp, và có thể hơn!

Miền tây bị phong tỏa nhưng hàng hóa phải thông suốt! Nếu không lưu thông được hàng hóa thì cả SG và miền tây sẽ “chết chùm”! Vấn đề không phải chỉ là những tuyên bố "đủ hàng" của Bộ Công thương, mà là hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng có đủ năng lực và đủ lương tâm hay không!

Trong khi những doanh nghiệp ngành khác đang rộng tay hỗ trợ từng bữa cơm, từng chai nước cho người nghèo, hỗ trợ vật phẩm y tế và những thực phẩm cần thiết cho ngành y tế thì một số doanh nghiệp có siêu thị thực phẩm đã tăng giá, ghìm hàng, tạo sự khan hiếm, gây thêm tâm lý bất ổn cho người dân.

Trong khi anh Minh Râu (nhiều râu thật! :D ) vừa bán rẻ vừa tặng đồng bào từng bó rau vào lúc khan hiếm thì cũng có những siêu thị tăng giá vô tội vạ, lại còn được đoàn kiểm tra này báo chí kia “thanh minh thanh nga” giùm! Thiệt kinh dị kiểu giết người không dao!

Trong khi từng nhóm thiện nguyện, từng người dân có ý thức chia sẻ với người nghèo những thiếu thốn khó khăn thì có những người lợi dụng hoàn cảnh này để trục lợi! Tuy chỉ mới xảy ra vài lần nhưng việc xử phạt không biên lai - với ngay cả những người đi hỗ trợ cơm gạo cho người thiếu đói - là việc bất nhân! Cần phải xử lý các trường hợp lạm dụng quyền lực này để bà con thấy sự nghiêm minh của chính quyền trong “thời chiến”!

Trong thời gian này đề nghị các ngành khác hỗ trợ chính phủ và đồng bào theo cách của mình, ví như: ngành điện, nước không tính tiền theo “lũy tiến” (một cách tính chỉ nhằm trục lợi cho ngành mình!), các ngành khác đừng đưa ra những ý tưởng “làm nghèo đất nước” như “sáp nhập các tỉnh” (khắc nhập khắc xuất quay vòng mãi thôi!). Bài học của ngành giáo dục về chuyện vẫn tổ chức thi TN còn đó!

Đề nghị quốc hội nên họp online, hoặc hoãn họp một thời gian! Các quyết định của QH cũng không vì thế mà mất đi (mà có thật sự cần họp mới QĐ được về “nhân sự” ko?!). Tổ chức họp, phải lo vệ sinh, an toàn cho những ngày họp, cách ly đưa đón người từ vùng dịch về họp... không chỉ làm tăng thêm khối lượng công việc mà còn tăng thêm nhiều chi phí! Chưa kể rất nhiều ĐBQH đang có trọng trách ở những địa phương bùng nổ dịch, bỏ "nhiệm sở" lúc này còn là sự vô trách nhiệm! Nếu thực sự là những người phục vụ nhân dân, mong các ĐBQH suy xét!

Đây là trường hợp khẩn cấp, cần “Tổng động viên” mọi ngành mọi lĩnh vực tham gia chống dịch, chứ ko phải chỉ có chính phủ chung chung, ngành Y tế, công thương hay chính quyền các tỉnh lao mình vào việc, còn những ngành khác thì như vô can, và vô cảm!


LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...