SÀI GÒN, NGÀY THỨ SÁU

@ Tiết kiệm thức ăn tươi thì làm cơm nắm ăn với muối vừng, chà bông, thêm tô canh nữa, ngon :)

Các nơi nấu cơm hỗ trợ người nghèo nếu có thể thì làm cả cơm nắm, sáng cơm phần thì chiều cơm nắm ăn với thức ăn khô (cá, thịt, mắm kho khô), đi phát một lần được 2 bữa, lại gọn gàng tiện lợi ạ.

Những ngày cách ly trong nhà tôi có một điều hay, đó là lục tủ chứa thức ăn khô, dự trữ và... thanh toán dần cho hết. Các loại mì, cháo ăn liền, bún phở khô, mì miến, bánh tráng, mỗi thứ một ít nhưng dồn lại cũng nhiều phết! Tôi trữ trong nhà nhỡ khi mưa gió hay có khách đột xuất, thậm chí đói, thèm ăn bất chợt... Nhưng giờ mang ra chế biến các món, bởi vì đã có thứ sắp hết date sẽ phải bỏ đi, như đã từng! Thức ăn tươi cũng vậy, nhiều khi còn miếng canh hay vài miếng trái cây, không ai ăn cũng bỏ. Giờ thì nấu ít lại, và ăn hết. Đến hành lá cũng “cho ít thôi” vì không mua được hành :)

Hy vọng duy trì được thói quen tiết kiệm này, sau những ngày cách ly :)

 @ “Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, vừa qua sở đã đề xuất với UBND TP.HCM hỗ trợ 34.000 xe ôm truyền thống hai bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách bị mất việc làm, gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Trả lời về việc xe ôm công nghệ không được đề xuất hỗ trợ, ông Tấn cho biết xe ôm truyền thống được coi là lao động tự do, không bị lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, xe ôm công nghệ làm việc cho một doanh nghiệp cụ thể nên không thuộc nhóm hỗ trợ này”. (tin từ VOV online)

Một số chủ trương chính sách gần đây của TP, của các sở ngành... khi triển khai đều ít nhiều gặp tình trạng lạc hậu, không phù hợp với thực tế, gây nên phản ứng trong người dân. Tất nhiên, người ký ban hành phải chịu trách nhiệm, nhưng người có lỗi đầu tiên là bộ phận tham mưu đã quá quan liêu và máy móc, thường xuyên không cập nhật kiến thức từ thực tiễn, bởi vậy mới dự thảo ra những văn bản sặc mùi máy lạnh từ những cái đầu đông lạnh!

@ Sau “lễ phát động Quỹ vắc xin Covid-19” theo thông tin trên báo chí thì đến nay số tiền MTTQVN nhận được từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ không phải là ít. Vẫn biết chống đại dịch thì “tiền càng nhiều càng ít”, nhưng trong những ngày này nhiều tỉnh thành đang “đuối sức” vì dịch bệnh, nhân dân nhiều nơi đang rất khó khăn nhưng vẫn ráng đùm bọc nhau, giúp nhau từng chút thực phẩm, từng bao gạo.

Bộ TTTT vẫn qua tin nhắn điện thoại và VTV vẫn thường xuyên kêu gọi người dân đóng góp “Quỹ vắc xin Covid-19”. À, sau “lời kêu gọi” và đưa ra cách thức đóng góp thì cần có LỜI CÁM ƠN NHÂN DÂN, vì như ông Thủ tướng nói, “Quỹ vắc xin COVID-19 là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim” - mặc dù “đóng góp cho quỹ là thiết thực bảo vệ cho chính mình” – như câu kết của lời kêu gọi!!!  

Kể ra, để thể hiện sự cảm thông của chính phủ, thể hiện sự “khoan thư” của chính phủ khi “sức dân” đang hao hụt, cũng nên bớt bớt số lần kêu gọi “đóng góp, ủng hộ”, tăng cường những giải pháp thực tế giúp dân qua cơn khó khăn. Để yên lòng dân, để dân tin tưởng thì quan trọng là minh bạch việc sử dụng số tiền đó như thế nào, chứ không phải chỉ cần công bố đã được ủng hộ bao nhiêu tiền.

 @ Và xin được nói thêm, coi chừng nạn "kiêu binh" từ những chốt, chặn, kiểm soát... Làm nhiệm vụ trong lúc cả thành phố đang ngặt nghèo mà lạm dụng "quyền, hành", sử dụng công vụ quá cứng nhắc, hách dịch thì chỉ làm tình hình thêm phức tạp, làm lòng dân thêm bức bối!

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...