SÀI GÒN, NGÀY THỨ 15


@ Lại một ngày siêu thị xếp hàng đông như kiến, người nào cũng đẩy một xe hàng đầy ắp, rồi tay xách nách mang. Tiếp tục dự trữ thức ăn cho những ngày cách ly “theo CT 16 một cách chặt chẽ hơn”. Sáng sớm đi ra siêu thị đã thấy nhà hàng xóm cả vợ cả chồng ra xếp hàng sớm hơn, mua xong gọi con trai phi xe máy ra chất hàng lên xe chở về nhà 4 chuyến mới hết những gì họ mua!
Gần 2 tiếng mới mua được 2 bó rau muống (nhỏ bằng ½ mọi lần), một mớ dền cơm không còn tươi. Miếng thịt giò rút và chục gói mì, mấy thứ linh tinh... Từ tối qua đã thấy nhiều người mua đến 4,5 thùng mì. Khu vực đồ nguội, đồ hộp lèo tèo vài món, mọi khi mấy dãy đồ đông lạnh lúc nào cũng đầy ắp, nay vợi hẳn, tôm mực không còn gói nào.
Nay 14 âm lịch, siêu thị vẫn có hoa tươi của Dalat farm, giá không đắt hơn trước. Trái cây thì cả mười ngày nay vắng hẳn chuối sứ, thanh long hay xoài, bưởi. Dưa hấu có trái nào hết trái ấy. Chỉ có táo, lê, nho nhưng cũng không phải hàng mới. Nhớ hôm trước mùng một đầu tháng, ông xã đi bệnh viện khám định kỳ, mua về một túi táo, kêu là “táo mèo”. Mèo cáo gì không biết nhưng thắp hương đến nay là nửa tháng rồi mà vẫn tươi nguyên!
Con gái nói “à nó là táo Miêu”. - Thì miêu hay mèo cũng thế. – Nhưng Miêu là ở TQ còn mèo là ở VN, hehe. Hoàng a mã biết bị công chúa nói lỡm, đành cười trừ! Con gái nghiêm giọng: ông già không mua linh tinh ngoài đường nha, toàn đồ bơm thuốc đấy! ăn vào có chuyện gì bây giờ là không có bệnh viện mà vào cấp cứu đâu!
@ Sáng nay SG lại hơn 3000 người nhiễm covid, chưa biết bao giờ mới lên đến đỉnh dịch. Việc xét nghiệm đại trà đã dừng vì không có hiệu quả, chuẩn bị chích vắc xin trên diện rộng. Tuy nhiên thứ tự ưu tiên vẫn không thay đổi, trong khi những người bán hàng, vận chuyển và shipper cần được chích trước để đảm bảo lưu thông hàng hóa, hạn chế tình trạng thiếu đói.
Nhà hàng xóm xây nhà mới, ngôi nhà nhỏ thôi nhưng đã phải ngừng thi công. Tuần trước còn có một số công nhân đến làm nhưng tuần này thì phải cho nghỉ hẳn vì không thể lo ăn ở tại chỗ cho họ. Bác chủ nhà nói: sốt ruột vì phải kéo dài thi công trong mùa mưa 1 phần, lo cho mấy ông công nhân 4,5 phần. Hoàn cảnh của họ khó khăn lắm. Công ty của họ ngừng việc làm họ còn bấu víu làm ở đây. Nay cho họ nghỉ làm không biết gia đình họ sẽ ra sao?
@ Phật giáo và Công giáo đã có các nữ tu tham gia vào lực lượng cứu chữa cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở TPHCM. Thật sự rất biết ơn và cảm động! Từ trái tim ấm áp, tấm lòng vị tha và kỹ năng cần thiết, những nữ tu có thể xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh, mang lại bầu không khí dịu dàng hơn trong những nơi đang căng thẳng đối phó với dịch bệnh.
Nhân đây mình thấy là nên cho em nữ sinh trường Y HD về quê để tang cha, NẾU EM ĐÃ ĐƯỢC CHÍCH NGỪA VÀ XÉT NGHIỆM AN TOÀN – mình nhấn mạnh! Các trường hợp nhân viên y tế có cha, mẹ, người thân mất khi đang làm nhiệm vụ cũng vậy. Tất nhiên, muốn vậy thì tất cả những ai trực tiếp làm nhiệm vụ phải được ưu tiên thực hiện chích ngừa trước và xét nghiệm thường xuyên. Đừng để vì một nhiệm vụ lâu dài và vẫn có thể có người thay thế, cũng đừng vì “biểu tượng” mang tính “quyết tâm chính trị” mà họ không thể về chia tay vĩnh viễn với người thân. Sau này đó sẽ là nỗi day dứt rất lâu, khó có thể xóa nhòa.

@ Nói đến bệnh viện lại nhớ cái Cv rất “vô tâm” của Sở Y tế TP. Cách chấn chỉnh ngay tình hình thiếu thốn vật tư y tế của ngành là khẩn trương đề xuất, thậm chí “kêu gào” Bộ Y tế, chính phủ, chính quyền TP cung cấp hoặc tạo điều kiện nhanh nhất để có thể mua ngay vật
tư, phục vụ việc chữa bệnh, giảm bớt sự vất vả cực nhọc của nhân viên ngành y và những người hỗ trợ. Đó chính là giữ uy tín cho ngành và thực sự vì người bệnh.
Đừng trách các bác sĩ, người trong ngành kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, tham góp ý kiến chống dịch, họ làm việc trực tiếp, thấy bệnh nhân vật vã trước mắt mà không làm gì được, làm sao họ có thể im lặng... Lãnh đạo – nhất là lãnh đạo một ngành chuyên môn – thì việc cần NGHE – HIỂU các vấn đề chuyên môn là quan trọng nhất, chứ không phải là chỉ hô hào “quyết tâm chính trị”.
@ Hôm trước vừa hoan nghênh HN xử lý việc được chích ngừa “nhờ ông ngoại”, thì sau đó lại có thêm những trường hợp khác, từ anh cựu quan chức đến cô ca sĩ, cô người mẫu... Rồi bệnh viện kỷ luật chuyển công tác nhân viên chích ngừa nhưng người nào đưa danh sách có thêm 2 người vào số thuốc “dư 2 mũi” thì không thấy bị làm sao. “Lỗi của thằng đánh máy” giờ thành bệnh truyền nhiễm lây cho những nhân viện cấp thấp, trờ thành bung xung để đổ/nhận lỗi thay người khác. “Nhưng không trúng thằng cha bán phở mà trúng người em gái bưng tô” – như lời hát trên bàn nhậu!
Chỉ lạ một điều, hay ho gì cái chuyện nhờ vả chạy chọt để được chích trước, chích thuốc “xịn” mà còn khoe ra như mới sắm được hàng hiệu. Toàn những người trông sáng sủa mà không thấy rằng, thật tội nghiệp cho món hàng hiệu nào đeo lên người quý vị, vì người và đồ vật không ăn nhập gì với nhau!
@ Đôi lúc nghĩ, cứ viết về những chuyện không hay thì thật cũng chẳng... hay ho gì! Nhưng mình cũng như mọi người, hiểu rằng trong khó khăn sai sót là khó tránh, nhưng luôn mong được viết về những gì tốt hơn ngày hôm qua, nhất là về những người quanh mình chứ không chỉ về chuyện của chính quyền. Nhưng tham gia vào vài nhóm thiện nguyện, đóng góp bằng cách của mình, mình thấy sức dân đã đuối rồi! Không ai là chuyên nghiêp trong việc từ thiện – chỉ có nhà nước có khả năng “an sinh” chuyên nghiệp nhất là trong trường hợp khẩn cấp! Chỉ cần nhà nước kích hoạt chức năng này đúng lúc, đúng nơi và kịp thời một cách có trách nhiệm, các tổ chức thiện nguyện của xã hội cùng chung tay, như vậy mới có thể đi đường dài và có hiệu quả.
P/S. Vừa nghe VTV thông báo thanh tra việc khiếu nại “trong/ngoài ranh đất quy hoạch ở Thủ Thiêm”. Kết quả là... à mà thôi, không nói cũng đã biết!
Thôi ngắm cây xanh "nhà trồng được" cho mát mắt hạ hỏa vậy nhé







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...