CỎ CÂY NƯƠNG TỰA


Rồi cũng có một thầy Hiệu trưởng nhận trách nhiệm về tai nạn do cây phượng đổ.
Trước đó: cháu bé bị xe hiệu phó đâm gẫy chân, cháu bé bị bỏ quên chết trên xe, cháu bé bị đứng giữa trưa nắng ngoài cổng trường... Ko có hiệu trưởng nào nhận trách nhiệm, dù rõ ràng là lỗi do những con người, ko phải do vật vô tri như một gốc cây!
Cháu bé đã thiệt mạng và những cháu bị thương là không có gì bù đắp được, nhưng dẫu sao Lời xin lỗi và nhận trách nhiệm của NGƯỜI LỚN đã mang lại niềm an ủi cho gia đình các cháu, và mang lại tấm gương về SỰ TỬ TẾ CHO những cháu bé khác.
Những cây xanh ở thành phố bị bó chặt bởi bồn cây hay vỉa hè bê tông nên không còn đủ sức sống lâu bền. Cây xanh thảm cỏ luôn bên nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau. Loại bỏ thảm cỏ là gián tiếp làm cây suy yếu, giảm tuổi thọ của cây xanh. Nhưng bãi cỏ mà không có cây xanh che mát thì cũng xơ xác và cằn cỗi.
Cũng như đám trẻ là tương lai của người lớn, còn người lớn phải sống tử tế vì đám trẻ!
26.5.2020 #vunvatdoithuong
Cây Bóng Mát Ít Rụng Lá Thường Được Trồng Nhất - Sài Gòn Hoa

TỪ BIỆT MỘT NGƯỜI ANH ĐỒNG NGHIỆP


TS Vũ Quốc Hiền là một trong những người đã tiến hành khảo sát, khai quật, nghiên cứu KCH Nam bộ từ những năm 1978, 1979 cho đến cách đây chỉ vài năm.
Anh và đồng nghiệp bảo tàng LSQG cùng với BTLS.TPHCM ròng rã gần 10 năm khảo sát khai quật nhiều di tích ở Cần Giờ -TPHCM. Những ngày khai quật ở đây cực nhọc vô cùng mà cũng hứng thú vô cùng. Từ đợt khai quật ở Cần Giờ tình bạn giữa những người tham gia khai quật trở nên thân thiết và bền chặt... Họ đã cùng trải qua bao khó khăn vất vả cũng như những vui buồn của công việc. Nhưng họ đều chia sẻ với nhau tất cả, kể cả tư liệu mới phát hiện, mới nghiên cứu. Vì, như họ vẫn nói vui – mà thiệt – với nhau: Chết có đem theo được đâu mà bo bo giữ riêng tư liệu?
Chính vì vậy khi chúng tôi công bố công trình “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh” (1998) có người đã nói “Công trình chỉ toàn tư liệu, chưa có phát kiến gì mới!”. Chúng tôi chỉ cười và nói: Vâng, giá trị của công trình là toàn tư liệu khai quật KCH. Nhưng là Tư liệu “xịn” vì được khai quật chỉnh lý cẩn trọng khoa học. Tư liệu ấy bất cứ ai sử dụng để nghiên cứu đều có thể yên tâm vì mức độ khách quan và chính xác của nó.

Công trình chung của chúng tôi “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh” được cả hai giáo sư, hai người thầy kính quý có Lời giới thiệu và Lời bạt
GS. Hà Văn Tấn trong Lời giới thiệu: “Trong số các nhà khảo cổ học, 6 tác giả tập sách này là những người đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu tiền sử và sơ sử vùng đất Sài Gòn... Hiện tại tất cả họ đều là PTS khảo cổ học. Họ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra và khai quật ở đây. Tôi đã có lần tham dự một cuộc khai quật của họ ở di chỉ Giồng Cá Vồ (Cần Giờ). Gần như đủ mặt cả 6 người. Hàng ngày họ phải đi thuyền đến nơi khai quật. Ở đó họ vừa đào vừa phải chống trả với đám muỗi đông nghịt. Tối về, trong căn phòng ngổn ngang các di vật đào được, họ làm việc tận khuya, và say sưa thảo luận về cuộc sống của người cổ ở vùng đất này”.
GS. Trần Quốc Vượng trong Lời bạt: “Các tác giả cuốn sách này đều là những “ông nghè” “bà nghè” khảo cổ - sinh học - sinh thái của thập kỷ 90 và trước đó đều là sinh viên của ĐHTHHN... Họ là những nhân tài làm gạch nối thế kỷ XX-XXI, người gốc Nam gốc Bắc hay giao hòa Nam Bắc, đa dạng về lối sống và phong cách tư duy và ngôn từ, song họ đều là những người Việt Nam yêu nước, đầy nhân văn tính, đau đáu một nỗi niềm tìm về cội nguồn...”

Nhớ những ngày như vậy trong gần 5 năm khai quật ở Cần Giờ, nước ngọt không có, ăn uống tằn tiện từng chút. Ông anh đồng nghiệp nói vui “May quá nhờ không có nước mà em Hậu không giục mình đi tắm” J Chẳng là mình hay giục mấy ông anh đi tắm thay quần áo, các “lão” ấy lười kinh khủng vì “đằng nào mai quần áo cũng bẩn, thay làm gì”. Khổ quá, cả tuần rồi ạ, bẩn khiếp! “Ơ cái con bé này, vợ thì không phải mà mày cũng ko yêu các anh, sao cứ bắt các anh sạch sẽ là thế nào” :D
Thật ra là các anh tiết kiệm nước nhường cho mấy đứa đàn bà con gái, ngày nào cũng bùn đất nước phèn dính đầy quần áo người ngợm. Nước ngọt thì hết, ghe đổi nước vài ngày rồi chưa thấy vô. Sấm đằng nguồn mà ở biển thì chưa mưa. Kinh rạch nước phèn xanh trong mà thò tay chân xuống thì ra nắng chút thôi là cháy sém.

Mùa này cũng là mùa hay trúng gió cảm cúm. Trẻ con người lớn ra vào máy lạnh, nóng nực dội nước ào ào… thế là sổ mũi sốt ho… Có lần mình bị cảm, khan tiếng rồi tắt tiếng luôn. Lại được nghe nhời có cánh “con bé này khi ốm cũng hay nhỉ, tắt đài! Sao vợ mình ở nhà chẳng bao giờ ốm như vậy?!”. Tức điên mà chỉ có thể khào khào như vịt, cãi không lại mấy ông anh cậu em khảo cổ lắm mồm “ngoa ngoắt”  :)

Từ thập niên 1990 đến sau này, không có cuộc khai quật nào của BTLSQG ở Nam bộ - hầu như đều có mặt anh Hiền - mà tôi không đến thăm hiện trường khai quật, để học hỏi, để biết thêm những phát hiện mới, để gặp gỡ các đồng nghiệp. Mới năm kia 2018, gặp nhau trong Hội nghị thông báo Khảo cổ học, anh Đặng Văn Thắng (nay là PGS) đã bàn với tôi và anh Vũ Quốc Hiền là sẽ cùng nhau chỉnh sửa, bổ sung để tái bản công trình trên. Hai mươi năm qua đã có nhiều phát hiện mới, nghiên cứu về di tích cũ hiện vật cũ nhưng tư duy tiếp cận lý giải đã mới hơn nhờ tư liệu mới và phương pháp hiện đại... nếu tái bản chắc chắn công trình sẽ có giá trị khoa học cao hơn nhiều!

Riêng tôi, luận án PTS về KCH Cần Giờ (1997) cũng như nhiều nghiên cứu khác của tôi đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của anh Vũ Quốc Hiền, anh Đặng Văn Thắng và các anh chị đồng tác giả công trình này. Tôi rất may mắn có được các đồng nghiệp như vậy.
Nhận được tin anh mắc bệnh nan y, tôi đã hy vọng điều lành vì anh Hiền là người có sức khỏe và cuộc sống lành mạnh... Nhưng anh không qua được...
Từ biệt anh Vũ Quốc Hiền, người đồng nghiệp, người anh quý mến!

 SG 17.5.2020
Hình: khai quật tại Giồng Cá Vồ - Cần Giờ, 1994; Anh Hiền đứng phía sau Hậu.
Anh Thắng, anh Mý, chú Lê Trung, Hậu, thầy Hà Văn Tấn, chú Lợi- hàng sau: anh Hiền, chị Kim Dung.

Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang đứng, cây và ngoài trời


Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Trong hình ảnh có thể có: văn bản


NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI ĐÔ THỊ SÀI GÒN



PGS.TS Nguyễn Minh Hòa là một trong những chuyên gia đầu ngành về Đô Thị học của Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả từ góc độ nghiên cứu lý thuyết và công tác thực tiễn.

Ông là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực mới mẻ này từ sự tiếp cận, tiếp thu tri thức ở những quốc gia có sự phát triển đô thị hài hòa giữa “bảo tồn và phát triển”, nơi mà những đô thị dù được xây dựng hiện đại thế nào vẫn luôn hướng đến sự nhân văn và thân thiện cho cộng đồng dân cư. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cũng là người mở ra ngành đào tạo mới – ngành Đô Thị học - tại trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, tại đây sinh viên được trang bị lý thuyết và thực tiễn tiên tiến của thế giới đồng thời với việc tiếp cận thực tế còn quá nhiều bất cập của các đô thị Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực thực thi những vấn đề dặt ra trong quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa ở VN.

Những điều đó được nhiều người biết đến và qua công việc đã khâm phục, quý mến ông. Riêng tôi, bậc đàn em của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cả về tuổi đời và nghề nghiệp, cả về những trải nghiệm thực tiễn trong hành trình bảo vệ di sản văn hóa đô thị, xin được chia sẻ vài cảm nhận về tập sách mà quý vị đang cầm trên tay – như sự đồng cảm của một người cùng thế hệ và phần nào có cùng tâm thức với tác giả.

Tôi và anh Nguyễn Minh Hòa cùng là lứa sinh viên đầu tiên sau 1975 của trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (sau là Đại học Tổng hợp và nay là ĐHKHXH&NV. TPHCM). Anh Hòa là bộ đội được giải ngũ và theo học Khoa Chính trị học, còn tôi là học sinh vừa hết lớp 12 thi vào học khoa Lịch sử. Tuy khác khoa nhưng hai anh em biết nhau nhờ các hoạt động ngoại khóa văn – thể - mỹ. Vài năm sau khi ra trường lứa sinh viên đầu như chúng tôi hầu như ít liên lạc với nhau vì đều phải lo cơm áo trong thời kỳ bao cấp cuối cùng đầy khắc nghiệt. Bẵng đi rất nhiều năm, tôi và anh Nguyễn Minh Hòa “gặp lại” qua những bài báo về việc bảo vệ di sản đô thị, về xây đựng đời sống văn hóa hiện đại và lối sống văn minh... Tuy xuất phát từ hai chuyên ngành khác nhau nhưng cùng hướng đến một mục tiêu chung là bảo tồn di sản hướng đến phát triển bền vững, vì vậy chúng tôi chia sẻ được với nhau nhiều vấn đề về văn hóa đô thị, nhất là về thực tiễn phát triển ở TP. Hồ Chí Minh.

Sự đồng cảm và chia sẻ còn đến từ “hoàn cảnh lịch sử”: chúng tôi đều từ miền Bắc về sinh sống ở Sài Gòn từ 1975: gia đình tôi là miền Nam tập kết trở về còn anh Hòa là bộ đội giải ngũ. Sống tại một thành phố lớn nhất nước, từ nhiều bỡ ngỡ và xa lạ ban đầu dần dần chúng tôi trở thành “người Sài Gòn” một cách tự nhiên không chỉ vì đã sống cả đời ở đây, mà vì chúng tôi thực sự hòa hợp và coi thành phố là một phần quan trọng của cuộc đời mình.

Trong nhiều bài viết của tập sách này độc giả có thể cảm nhận tình yêu Sài Gòn của tác giả rất da diết mà cũng rất tỉnh táo. Đó là vì sự “phân thân” của người viết: vừa là người Sài Gòn vừa là người “từ nơi khác đến”, vừa là người dân bình thường vừa là nhà nghiên cứu, vừa là người mang trong mình “văn hóa” của một vùng miền khác lại vừa sống và hòa nhập với văn hóa một nơi chốn mới, vừa là người thụ hưởng di sản văn hóa vừa là người có tiếng nói góp vào chính sách bảo tồn hay không những di sản ấy... Tất cả điều đó mang đến sự khách quan của “người trong cuộc” chứ không phải sự khách quan lạnh lùng của những nghiên cứu hàn lâm xa vời, cũng không phải là sự đánh giá chủ quan đầy “cảm tính” của một người có những gắn bó riêng tư sâu đậm với thành phố này.

Tôi nghĩ rằng, những tiếng nói bảo vệ di sản văn hóa Sài Gòn có được sự đồng cảm từ cộng đồng, sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học và thậm chí, nhận được sự chú ý tiếp nhận của các cấp chính quyền - thì không thể thiếu sự khách quan như vậy! Nghiên cứu văn hóa của một nơi chốn, dù là đô thị hay thôn quê, đều cần có cái nhìn công tâm của người nhà khoa học trong vị thế một cá nhân của cộng đồng. Điều đó sẽ đưa đến những đề xuất mang tính định hướng hoặc giải pháp phù hợp với thực tiễn chứ không phải là những giải pháp “luôn đúng mà không trúng”!

Những gì PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đã làm, và sẽ còn tiếp tục , chính là những nỗ lực như thế! Là người có thể được gọi là đồng nghiệp với anh, tôi chia sẻ là quý trọng anh vì điều đó.
Tập sách này – như anh nói với tôi - là những gì “máu thịt” của anh với Sài Gòn. Tôi hiểu và trân trọng điều đó. Và cũng xin được chia sẻ với bạn đọc tình cảm này!

Sài Gòn, tháng Tư 2019
Nguyễn Thị Hậu
Không có mô tả ảnh.

MƯỜI BẢY!


Mười bảy cánh tay giơ lên
Mười bảy cơn bão dập tắt niềm hy vọng
Mười hai năm mẹ mòn mỏi kêu oan
Mười hai năm tin con mình vô tội.
Mười bảy cánh tay giơ lên
Mười bảy phát đạn
Mười bảy mũi kim tiêm thuốc độc
Bắn vào trái tim người mẹ
Mười hai năm đi tìm công lý
Cho con trai và cho hai cô gái chết oan
Từ đêm nay
Mỗi khi mười bảy cái đầu thanh thản ngủ say
Sẽ có mười bảy cánh tay
Từ địa ngục
Hiện về.
SG 8.5.2020
Mẹ HDH. Tranh: họa sĩ Le Sa Longvụn
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, vẽ

HAI TẬP THƠ TRÀN ĐẦY CẢM XÚC


Tôi vừa được nhà thơ Nguyễn Duy tặng hai tập thơ mới: “Vợ ơi” gồm những bài thơ anh Duy viết cho vợ, và “Con đường trong giọt sương” là tập thơ - ảnh của con trai anh – Nguyễn Duy Sơn.
Sơn mất tháng 4.2018, khoảng gần một năm sau (3.2019) thì chị Hào – vợ anh Duy cũng mất sau một thời gian bệnh nặng. Hai tập thơ này anh Nguyễn Duy thực hiện rất cẩn thận với tất cả tình yêu dành cho vợ và con trai – tình yêu mà khi hai người còn sống có lẽ anh ít khi nói ra bằng lời.
Khi đọc tập thơ VỢ ƠI có lẽ không ít phụ nữ phải thầm “ghen tỵ” với chị Hào. Bởi vì hiếm ai có thể thổ lộ tình yêu, lòng biết ơn, lời xin lỗi với vợ một cách giản dị, chân tình mà âu yếm và da diết như vậy. Với nhiều phụ nữ, sự thấu hiểu và sẻ chia luôn được coi là biểu hiện của tình yêu, nhờ vậy cực khổ mấy họ cũng chịu được. Chị Hào đã luôn nhận được tình cảm đó của anh Nguyễn Duy trong suốt cuộc đời vất vả của mình.
CON ĐƯỜNG TRONG GIỌT SƯƠNG là một tập thơ rất LẠ và ĐẸP cả về trình bày, về hình ảnh của chính tác giả và cả thơ. Hầu hết là những bài lục bát có bốn câu thôi nhưng là suy tư về cuộc đời, tình yêu thấp thoáng mà sâu đậm, ký ức quê nhà... Nỗi cô đơn của Sơn đầy ắp nhưng dường như Sơn cứ muốn giấu bằng cách làm nhòa nó đi. Nếu hai câu trên hé lộ chút gì như sâu thẳm riêng tư thì hai câu sau bình thản khép lại ngay, đôi khi thấp thoáng sự giễu nhại chính mình...
Nhưng bài thơ mở đầu tập thơ Sơn viết cho mẹ thì thật cảm động vì tình cảm của một cậu con trai thầm lặng, chu đáo, tinh tế khi chăm sóc mẹ... Sơn yêu mẹ nhiều lắm, phải chăng vì vậy mà Sơn đã nhẹ nhàng đi trước trên con đường trong vắt như giọt sương để đón mẹ, để mẹ không cô đơn ở nơi “thiên đường mù sương”... như chính câu thơ cuối cùng trong tập thơ của Sơn “hóa ra sự sống để mà cho đi”.
“Có con đường/trong giọt sương/có thiên đường/trong mù sương”. Sương mù là từ vô vàn những giọt sương kết thành, thiên đường phải chăng bắt đầu từ mỗi khoảnh khắc “cho đi” trong cuộc đời?
Xin cám ơn anh Nguyễn Duy!
SG 2.5.2020

Không có mô tả ảnh.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Trong hình ảnh có thể có: văn bản



Không có mô tả ảnh.

ƯỚC MƠ METRO THÀNH PHỐ




Tạp bút. Nguyễn Thị Hậu
Tôi có thói quen đi xa hay giữ lại những chiếc vé làm kỷ niệm: vé tàu xe, vé xem bảo tàng di tích lịch sử... Nhiều nhất có lẽ là vé metro/bus, vì đó là phương tiện đi lại chủ yếu ở nước ngoài. Mỗi lần nhìn lại những chiếc vé xinh xinh này tôi đều nghĩ đến một ngày nào đó Sài Gòn của tôi cũng sẽ có những chuyến metro “nhanh hơn điện - tiện như ga”, vì nhiều nhà ga giống như chợ nhỏ hay trung tâm thương mại, trong khi chờ chuyển tàu hoặc trước khi lên mặt đất có thể mua sắm đầy đủ những thứ cần dùng.
Không chỉ riêng tôi mà nhiều người Sài Gòn cũng ước ao như vậy.
Từ khoảng năm 2014 khu trung tâm thành phố có sự biến đổi lớn do nơi này bắt đầu xây dựng hai nhà ga đầu mối tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Từ đó đến nay tuyến metro này nhanh chóng hình thành dù có một thời gian dài phải tạm ngừng thi công vì thiếu vốn. Tôi thường có giờ dạy tại khu Đại học quốc gia ở Thủ Đức. Hàng tuần theo xe của trường đưa đón giảng viên đi về theo xa lộ Hà Nội (những chuyến xe như vậy đã có từ cuối những năm 1970 thời tôi còn là sinh viên), ngắm nhìn tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên mỗi ngày dài thêm, hoàn thiện hơn, nhiều giảng viên hỏi nhau, bao giờ sẽ được đi làm bằng metro?
Dự là trong năm 2020 tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ đưa vào hoạt động... Không chỉ vậy, thành phố sẽ có 8 tuyến metro và một số tuyến tramway hoặc monorail. Sơ đồ 8 tuyến metro của Thành phô Hồ Chí Minh cho biết một mạng lưới kết nối với tất cả các quận huyện và tỏa ra đến địa bàn giáp các tỉnh lân cận, trong tương lai chắc chắn sẽ nối liền với hệ thống giao thông công cộng không chỉ của Đồng Nai, Bình Dương – những trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – mà còn với nhiều tỉnh khác, như đã từng nối liền các quốc lộ. Một ngày không xa cư dân ở Tây Ninh, Long An, Bình Dương, thậm chí tận Bình Phước... cũng có thể mỗi ngày đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh mà chỉ mất không đến 1 giờ metro, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu, cuối tuần chỉ ở nhà cũng như được đi resort nghỉ ngơi vì không phải hối hả chen chúc trong một đại – đô – thị. Viễn cảnh ấy nhiều nước quanh ta đã thành hiện thực như Thái Lan, Singapore.
***
Một đô thị lớn và là trung tâm của khu vực như thành phố Hồ Chí Minh, sau 45 năm hòa bình người dân mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại thì quả là rất muộn! Nhưng “muộn còn hơn không”. Khi những tuyến metro hoạt động, người dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian do tốc độ nhanh và mật độ dày đặc các chuyến metro nhất là vào giờ cao điểm, giảm tai nạn an toàn hơn, giảm bớt nguyên liệu và khí thải làm ô nhiễm môi trường, nhiều cơ quan công ty còn bớt được cả những chuyến xe đưa rước công nhân viên mỗi ngày... như trường tôi từ hàng chục năm qua.
Đô thị hiện nay có hai đặc trưng quan trọng, ấy là truyền thông và giao thông. Hai yếu tố này càng hiện đại thì xã hội càng phát triển nhanh. Internet tạo điều kiện cho con người giao tiếp “ảo” nhanh hơn thì phương tiện giao thông hiện đại cũng giúp con người giao tiếp thật nhiều hơn. Thị dân dường như luôn thiếu thời gian cho mọi hoạt động, mọi nhu cầu, vì vậy không đâu tập trung nhiều phương tiện và đầu mối giao thông như ở đô thị, đô thị càng lớn phương tiện giao thông càng nhiều, kéo theo hệ thống đường xá cầu cống phát triển và hoàn thiện. Nhu cầu giao thông trong đô thị và giữa các đô thị với nhau là yếu tố chủ đạo cho những phát minh mới về phương tiện và kỹ thuật giao thông, trong đó có phương tiện công cộng. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một đặc điểm của thị dân, tạo nên và củng cố thói quen ứng xử nơi công cộng như tự giác sử dụng vé, đúng giờ, xếp hàng, tuân thủ quy định về an toàn giao thông, khuyến khích hoạt động cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, lướt web… hạn chế thói quen gây ảnh hưởng đến người xung quanh như nói to, xả rác, chen chúc… Từ đó các cá nhân tạo được thói quen hành xử đúng mực ở không gian công cộng như nhà ga, vỉa hè, công viên... Văn hoá giao thông ở đô thị hiện đại không chỉ là chấp hành đúng luật lệ mà còn là văn hóa giao tiếp và ứng xử văn minh, lịch sự.
Dọc tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đã mọc lên khu đô thị mới, hai bên xa lộ Hà Nội san sát khu biệt thự, chung cư cao cấp, tầng trệt đầy đủ tiện nghi sinh hoạt vật chất và tinh thần: trung tâm thương mại, rạp phim, nơi luyện tập thể thao, thẩm mỹ viện, nhà trẻ trường học quốc tế... Chỉ hơn cây số lại có một nhà ga, rất thuận tiện để đón những chuyến metro sắp sửa chạy qua. Cư dân những khu đô thị mới là “khách hàng tiềm năng” của tuyến metro vì hầu hết là các gia đình trẻ, thu nhập khá, công ăn việc làm trong nội thành, lại có phong cách sống khá hiện đại nên với họ, việc đi lại bằng giao thông công cộng hiện đại không xa lạ. Ngoài ra có nhiều gia đình công chức đã nghỉ hưu, mua căn hộ xa trung tâm để hưởng không khí trong lành, thỉnh thoảng có việc vào thành phố thì metro là sự lựa chọn tối ưu... Khu vực này còn có những biệt thự sang trọng của giới thượng lưu đi lại bằng xe hơi, nhưng biết đâu khi metro hoạt động họ sẽ dùng phương tiện này vì nhanh hơn, không bị kẹt xe, nhà ga toa xe đẹp đâu kém gì châu Âu.
Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận, sau này ít nhất sẽ có hai tuyến metro đi ngang trước cửa. Nếu lúc đó tôi còn đi làm ở Thủ Đức thì chỉ cần một lần đổi tuyến, rất tiện lợi. Những khu phố cũ nằm xa đường lộ, tít sâu trong các con hẻm ngoằn nghèo rồi cũng sẽ thay đổi vì có tuyến metro chạy qua. Sự phân biệt “mặt tiền” “đường hẻm” sẽ ngày càng rút ngắn, bởi sự “bình đẳng” về giao thông sẽ tạo ra những ứng xử văn hóa mới... Biết đâu nhờ vậy người ta quay lại lối sinh hoạt xưa là tìm nhà trong những con hẻm nhỏ yên tĩnh chứ không nhao hết ra mặt tiền, bởi vì lúc đó người ta đi metro hay tramway, còn ai đi xe máy mà có thể tiện đâu ngừng đấy mà bán với mua?
***
Tôi đang đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp do một người bạn dịch và đăng lên facebook. Bối cảnh của câu chuyện xoay quanh những chuyến metro mà nhân vật chính đi lại mỗi ngày: từ nơi cô ở đến nơi làm chính thức, nơi làm thêm, nhà người yêu, quán cà phê, tiệm ăn... Trong một lần di chuyển như thế, tại một ga metro cô nhìn thấy một người đàn bà rất giống mẹ của cô – người đã bỏ đi từ khi cô còn nhỏ và nghe nói đã chết ở một nơi xa. Từ đó cô lại có thêm những chuyến metro đi theo người đàn bà nọ, đến nơi bà ta ở, nơi bà ngồi ăn tối, mua hàng... Và rồi cô gái cứ mãi phân vân không biết đó có thực là mẹ mình hay không? không biết có nên đến gặp và nói với bà ta rằng, mẹ ơi con đây?
Những chuyến metro đơn giản chỉ là phương tiện giao thông đô thị nhưng có thể gắn với số phận từng con người, qua đó nhìn thấy cả một xã hội... Trong các tác phẩm văn học, phim ảnh nước ngoài luôn có hình ảnh những chuyến metro dọc ngang thành phố từ sáng sớm đến đêm khuya, từ vùng ngoại ô hẻo lánh đến trung tâm náo nhiệt... Metro như một dấu chỉ của đô thị hiện đại – dù nó được ra đời đầu tiên vào năm 1863 ở Anh và sau đó năm 1896 ở Budapest – thủ đô đế quốc Áo – Hung khi ấy, tính ra đến nay cũng đã gần hai thế kỷ. Và tất nhiên không thể không nhắc đến những ga metro ở Moskva nổi tiếng là “những cung điện trong lòng đất” bởi trang trí nghệ thuật hội họa và điêu khắc.
Thỉnh thoảng tôi vẫn xem lại sơ đồ về tám tuyến metro của thành phố như dõi theo ước mơ đang trở thành hiện thực. Bất chợt nhận ra, các tuyến metro của thành phố có nhiều đoạn trên mặt đất chứ không chỉ chui dưới đất như nơi khác. Điều này làm cho con người gần gũi thiên nhiên hơn, không bị giam hãm trong “lòng đất” sau một ngày dài làm việc trong những tòa nhà máy lạnh khổng lồ. Tuy nhiên những con đường trên cao nặng nề beton và hàng chục chuyến tàu chạy qua lại làm cho cảnh quan đô thị thiếu sự thân thiên với môi trường. Hy vọng các tuyến metro trên cao khác sẽ được xây dựng đẹp như tuyến Bến Thành – Suối Tiên, thêm nhiều mảng xanh, giữ sạch sẽ toàn tuyến trên cao và dưới quốc lộ... để con người được hưởng thụ trọn vẹn ánh mặt trời, không khí và thiên nhiên trong lành.
Báo Người lao động 30.4.2020
Trong hình ảnh có thể có: nhà chọc trời và ngoài trời

linh tinh lang tang tháng năm



@ Chống dịch cúm Wuhan tạm coi là thành công, mình đã mừng là tháng Tư này anh em lo chống cúm tàu mà không “chống nhau” như mọi năm. Thế mà Trung quốc vừa khơi lại công hàm của ông PVĐ, thế là anh em ta lại lao vào nhau như trước :(
TQ đang bành trướng ra biển đảo VN đấy!


@ Với cái kiểu thù lâu nhớ dai thì thực tâm xin lỗi cũng sẽ bị đay nghiến suốt đời. Chả trách người ta không muốn xin lỗi, đằng nào thì cũng phải nghe. :D
(tâm sự của một ông chồng lỡ có chút lỗi lầm)


@ Hồi những năm 75 – 80 thú thật mình rất “sợ” những người mà chính người SG gọi là “cách mạng 30/4”. Mình cũng từng bị họ phê bình, kiểm điểm vì “mặc áo thun quần loe là không giữ vững phẩm chất học sinh miền Bắc XHCN” và vài lý do linh tinh khác…
Về sau nhiều người trong số họ khá thành đạt.
Tuy nhiên từ bấy đến giờ thấy ai có biểu hiện như “CM 30/4” dù ở bên nào thì mình cũng tránh xa cho lành, kể cả trên FB. Ngại lắm!

Mọi điều lại lắng xuống
Niềm vui chiến thắng
Nỗi đau thất bại
Sự thờ ơ của người bỏ cuộc
Rồi tiếp tục khứ hồi
Vào tháng tư sau
Và tất cả
Đều đau!

Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, cây, thực vật, ngoài trời và thiên nhiên

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...