TRUYỆN 100 CHỮ (phần 2)



102. Ghét cẩn thận!

Ngày xưa loài người chưa biết yêu biết ghét. Đến khi biết yêu thì cũng biết ghét nhau thậm tệ, đến mức cầu Chúa cho người bị ghét chết đi. Thế là đàn ông chết ngày càng nhiều. Đàn bà hoảng quá không dám ghét đàn ông nữa mà… ghét lẫn nhau. Từ đó đàn bà chết dần chết mòn.
Chúa thấy hậu quả bèn ban cho loài người một đức tính: ghét cẩn thận. Ghét không làm ai chết mà chỉ làm tăng sức chịu đựng của cả người ghét và người bị ghét.

103. LỄ TẠ ƠN

 Lễ Tạ ơn mọi người quây quần bên gia đình, náo nức mua sắm trong ngày Black Friday. Ai cũng email, gửi thiệp tới người thân với những lời chúc mừng ấm áp. Anh cũng vậy.
Đầu tuần chuẩn bị đi làm anh sực nhớ đến cô, người luôn bên anh khi anh cần chia sẻ. Chút áy náy... nhưng rồi: thân thiết mà, cần gì phải khách sáo! Nghĩ vậy anh bình thản lái xe và bấm máy gọi cô.
"Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...".



104. Con Tê giác cuối cùng

Trong khu rừng kia tê giác sống đơn độc. Từ lâu nó đã tự hỏi: sao ta chỉ có một mình? Một ngày nó quyết định đi tìm bố mẹ, đồng loại.
Tê giác đi mãi. Rừng cây ngày càng thưa thớt, hiếm hoi thú lớn thú nhỏ. Qua bao khó khăn nó vẫn không tìm thấy một con tê giác nào khác.
Rồi nó bị bọn săn trộm thú bắn chết. Cuối cùng tê giác được gặp cha mẹ và đồng loại, ở thiên đường.

MÙA GIÁNG SINH ĐẦU TIÊN




Mùa Giáng sinh đầu tiên của nó là Noel 1975.
Trước đó, ở Hà Nội chẳng bao giờ nó được phép đi chơi Noel cả, dù từ nhà qua Nhà thờ Hàm Long chỉ vài bước chân, hay có lên Nhà thờ Lớn cũng chỉ một đoạn đường tàu điện. Nó nhớ hồi đó cán bộ nhà nước còn được nghỉ hai ngày Phật đản và Giáng sinh. Má nó không cho đi chơi vì còn nhỏ, khi lớn rồi thì vì đường đông, vì lạnh, vì… nhà có theo đạo đâu mà đi nhà thờ… Tóm lại là đêm Noel nó chỉ ngồi trong nhà, cùng lắm chạy ra ngõ ngó nghiêng những chiếc đèn ngôi sao nhiều màu treo trước cửa mấy nhà theo đạo. Nửa đêm chợt tỉnh giấc nghe tiếng chuông rộn rã và văng vẳng tiếng Thánh ca từ nhà thờ Hàm Long vọng lại… rồi ngủ thiếp đi trong cuộn tròn chăn ấm.
Năm 75 về Sài Gòn, nó học lớp 12 tại trường Marie Curie. Lớp ban C khá đông, phần lớn là dân *trường tây*, chỉ có mấy đứa *bắc kỳ mới* như nó (*bắc kỳ cũ* là 54). Nó chơi với nhiều bạn trong lớp, hầu như không có sự phân biệt nào cả ngoài giọng nói (Phải nói luôn, nó bị *kỳ thị* khá nhiều vì cái giọng *bắc kỳ* của mình, sự kỳ thị ngay từ vài người thân trong gia đình, sau này là từ một số cấp trên. Sự kỳ thị này càng làm cho nó lỳ hơn quyết giữ giọng Hà Nội… xem sao J ). Noel đầu tiên các bạn mời nó đến nhà dự Party, lần đầu tiên nó biết *chơi kiểu Mỹ* là mọi người chung tiền tổ chức tiệc Giáng sinh, riêng nó được mời vì là bạn mới và bạn chung của cả nhóm (sau này mới biết thêm một lý do, lát nữa nói tới).
Nhà bạn là một villa nhỏ nằm khuất trong con hẻm đường Trương Tấn Bửu (bây giờ là đường Trần Huy Liệu). Khi nó đến ngôi nhà đã rực rỡ đèn màu, cây thông treo những gói quà nhỏ và những ngôi sao lấp lánh, một bàn tiệc nhỏ ở góc phòng khách, bánh ngọt, trái cây, rượu nhẹ…  Cha mẹ bạn đã đi dự tiệc ở nơi khác, dành ngôi nhà cho bạn tiếp khách, có chị bếp phục vụ. Bữa tiệc giản dị nhưng vui vẻ, nhiều người đưa bạn gái, bạn trai đến chung vui, rồi các bạn khiêu vũ rất đẹp. Nó không biết nhảy, không biết uống rượu nên chỉ ngồi ở một góc, nghe nhạc và ngắm mọi người… thật sự nó thấy mình có phần lạc lõng ở đó.
Bạn đến bên nó, hỏi nhỏ: H. thấy vui không? Hơi giật mình nó lúng túng trả lời: vui chứ, các bạn khiêu vũ đẹp quá… Bạn cười mắt lấp lánh sau cặp kính trắng *H. nhảy với mình nhen, dễ mà*… Nó ngượng: Không, mình không biết nhảy đâu… Bạn ngồi xuống bên cạnh nó, chẳng nói gì, cũng im lặng… Mọi người đã chuyển sang những điệu nhảy sôi nổi vui nhộn, tiếng cười nói ồn ào hơn, thêm nhièu người đến. Bạn chạy ra chạy vào tiếp khách nhưng không quên thỉnh thoảng nhìn về phía nó, mỉm cười.
Nhìn lại đã gần 10 giờ, nó vẫy bạn lại và nói: mình phải về đây… nhà mình không cho đi chơi khuya đâu…  Uh để mình đưa H. về… Thôi ko sao, mình về được mà, bạn ở nhà tiếp khách đi. Mình gửi lời chào các bạn nhé.
Ra đến cửa, bạn ngần ngừ như có điều gì muốn nói… Nó cũng thấy hơi áy náy phải sớm rời cuộc vui mà bạn bè đã nhiệt tình mời. Định xin lỗi bạn thì bạn nói: H. về nhé… và… đừng quên mình… Rồi bạn vội vã quay vào nhà.
Sau Noel là nghỉ học kỳ, rồi nghỉ tết Tây… Đầu học kỳ 2 (1/ 1976), đi học lại nó mới biết bạn đã đi xa. Tiệc Noel là buổi chia tay của bạn với riêng nó, vì nhiều bạn đã cùng nhau ra đi chuyến ấy...
Bao nhiêu năm rồi, đi qua con hẻm nhỏ ấy nó vẫn luôn nhớ đến bạn, cậu trai có nụ cười thật hiền, ánh mắt lấp lánh sau cặp kính trắng, giọng Sài Gòn ấm áp... 
Bạn còn nhớ Noel năm đó không, Huy ơi...

12/2012

NHÀ THỜ

Lần đầu tiên không “bay đêm” mà lại lấy vé khứ hồi về Sài Gòn vào buổi trưa. Tối hôm trước một mình lang thang phố cổ tận hưởng hương mùa thu muộn màng se se trong gió…

Sáng ra ngồi càphê vỉa hè cạnh Nhà thờ Lớn. Nhìn hắt lên bức tường xám cũ kỹ nhưng vẫn đầy vẻ uy nghi. Quanh những bậc thềm rộng rãi phía trước nhà thờ là hàng rào sắt bao quanh. Không biết cái hàng rào có từ lúc nào, nhưng ngày trước những bậc thềm này vẫn là nơi các đôi nam nữ, những nhóm bạn bè ngồi tụ họp chuyện trò vui vẻ, trẻ em chạy nhảy đùa giỡn… Lúc ấy Chúa rất gần vì mọi người như đang ở trong ngôi nhà của Chúa, dù chưa bước chân vào bên trong nhà thờ. Giờ nhìn qua hàng rào, ngôi nhà thờ bỗng xa cách quá, dù tượng Đức Mẹ vẫn đứng đó bao dung với mọi người.

Cũng giống nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Lớn Hà Nội nhìn xa hay gần cũng đều mang lại cảm giác nặng nề, uy nghiêm và… lạnh lùng. Có lẽ vì xây dựng ở Hà Nội – một trung tâm chính trị văn hoá của thuộc địa nên người Pháp chọn kiến trúc ấy như sự khẳng định quyền lực của chính quyền cai trị chăng?

Đi xa không hiểu sao cứ có cái cảm giác ám ảnh khi nhớ về nhà thờ Lớn trong những sáng mùa đông Hà Nội mù sương…

***
Chiều đã ngồi càphê bệt vỉa hè Hàn Thuyên – Sài Gòn. Một mình với cuốn sách mới mua, vừa đọc lướt qua vừa để lọt vào tai tiếng chuông nhà thờ ngân dài trong nắng vàng rực rỡ. Trên cao lá và gió xôn xao. Vỉa hè tấp nập người và xe.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường chính toà Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica). Mặt ngoài của nhà thờ xây bằng loại gạch đặt làm tại Pháp để trần, không tô trát, đến nay vẫn hồng tươi không bám bụi rêu. Đây là ngôi nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất Sài Gòn, với hai tháp chuông cao 60m. Hơn trăm năm nay, gác chuông nhà thờ Đức Bà luôn in bóng thanh thoát trên nền trời Sài Gòn xanh bốn mùa, mang lại cảm giác nhẹ nhõm và bình yên…
Chỉ tiếc là giờ đây, đứng phía nào nhìn lên cũng thấy nhà thờ Đức Bà bị đè bẹp bởi những toà nhà cao tầng ốp kính xanh lè. Gác chuông chỉ còn như cái đinh, nhỏ nhoi đến tội nghiệp!

***
Khi hoàng hôn nhẹ nhàng loang trên những ngọn cây sẫm dần, chuông điểm từng tiếng thong dong kéo trí nhớ về buổi chiều vùng quê Phát Diệm. Nhà thờ đá Phát Diệm là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, và càng độc đáo ở chỗ mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét đình chùa truyền thống của Việt Nam.

Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…(*)

Những ngày ở đấy, mỗi khi chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ lan xa lẫn trong khói bếp tím mong manh thơm mùi rơm mới, đàn trâu lộp cộp khua móng trên đường làng, tiếng gọi nhau í ới… Làng quê thanh bình, và buồn… Bỗng nhớ nhà da diết…

Không biết những người dân từ đây ra đi năm nào có nhớ nhà như mình lúc ấy không…

NGUYỄN THỊ HẬU

(Sài Gòn Tiếp Thị 29-3-2010)

Trẻ sơ tán



(Post lại nhân ngày 18/12/1972 - 18/12/2012)

Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh bùng nổ ở miền Bắc. Nhận biết đầu tiên về chiến tranh là khi má mang về nhà 5 cái ba-lô may bằng vạt bạt màu ghi.
-     Má ơi cái này là cái gì?
-     Ba lô con ạ.
-     Để làm gì má?
-     Để mang quần áo đi sơ tán.
-     Đi sơ tán là đi đâu má, có đu quay, có kẹo bông không, má?
-     …
Má lặng thing, mắt đỏ hoe. Tôi đã không biết rằng cái ba lô là dấu hiệu sự chia ly rất lâu của gia đình.
Một đêm Hà Nội tháng 10 cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về. Má đưa tôi lên nhà trẻ ở đầu Hàng Bông Thợ Nhuộm (bây giờ nhà trẻ này vẫn còn). Ở đó đã có mấy chục bà mẹ ông bố đưa con đi sơ tán. Bọn trẻ ngủ gà ngủ gật, bố mẹ thì thầm trò chuyện lo lắng vì để các con đi theo nhà trẻ, còn mình phải ở lại Hà Nội làm việc… Bỗng một tiếng còi huýt lên, bọn trẻ giật mình ngơ ngác, bố mẹ giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn ghét kinh khủng tiếng còi huýt, bởi vì nó đã cắt lìa tuổi thơ của tôi với ba má, nó ném tôi – con bé mới hơn 5 tuổi   vào những năm dài sơ tán một mình không có gia đình bên cạnh.  
Má đưa tôi lên xe, chọn   một chỗ ngồi cạnh cửa sổ vì biết tôi hay bị ói khi đi xe.Nhìn má đi xuống xe tôi bỗng hốt hoảng mếu máo: má ơi ngồi đây, má đi đâu rồi? Một tiếng nói gắt gỏng: con bé kia lớn rồi không được khóc, các bạn khóc theo bây giờ! Sợ quá, tôi nín bặt. Má tôi nắm chặt tay tôi, nước mắt lã chã… Nhưng rồi trong bọn trẻ cũng có đứa khóc òa… Đứa nào cũng biết từ đây mình phải xa cha mẹ… Xe chạy rồi tôi vẫn thấy má đứng đó với đôi môi mím chặt và những giọt nước mắt   tuôn rơi…  
Đình Chu Quyến (Sơn Tây). Mấy năm trời ở đó xa ba má. Tôi và vài đứa nữa là lớp lớn nhất của trại trẻ. Mỗi tối các cô bảo mẫu đều đi về nhà với gia đình của họ, cả bọn trẻ nằm trên sạp trong ánh đèn dầu leo lét. Mấy đứa lớn nhất thành “bảo mẫu bất đắc dĩ”, dỗ đứa nào khóc, thay quần áo cho đứa nào đái dầm, đắp chăn cho đứa nào lạnh co ro… Bây giờ gặp lại, nhiều người đã thành ông bà nội ngoại, vẫn nhắc bà này ngày xưa thay quần cho tui nè.
Thời gian trôi qua. Những ngày sơ tán bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải là thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng cái cảm giác “bị bỏ rơi”, cô đơn, tủi thân khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày sơ tán ấy dường như không phai mờ… Rất lâu sau này trong cuộc sống, mỗi khi có gì khó khăn bế tắc,   nhiều người chúng tôi vẫn không thể chia sẻ với người thân, luôn co mình lại trước bạn bè… Sự tổn thương (không ai muốn) ngày thơ ấu đã để lại dấu ấn này, gây ra sự bất hạnh cho không ít người…  
Mấy chục năm qua, tất cả chỉ còn là ký ức. Sau này trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ tôi để các con tôi phải một mình như tôi lúc ấy! Và bây giờ tôi cũng không muốn những đứa trẻ khác rơi vào hoàn cảnh phải xa cha mẹ ông bà như những đứa trẻ năm ấy!
  Không hiểu sao trong những ngày này, tôi cứ nhớ lại những ngày đi sơ tán từ hơn 40 năm trước… Chiến tranh ư? Gây ra hay chấm dứt chiến tranh đều không khó! Nhưng ai đã từng trải qua mới biết, rất lâu về sau khi đã im tiếng súng thì chiến tranh vẫn chưa chấm dứt

(Đã in trong tập Buổi trưa trong quán cà phê 3/2012)

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...