- Nếu con người cá nhân có thể cải biến văn hóa xã hội, và rồi xã hội văn hóa giáo dục, uốn nắn con người thành ra có văn hóa thì làm thế nào để ngăn chặn sự tha hóa ấy trong từng cá nhân để mối tương liên con người – xã hội kia trở nên tốt đẹp?

Mỗi cá nhân có “ý thức văn hóa” và thể hiện ý thức thành hành xử (có) văn hóa, đó là tự ngăn chặn sự tha hóa và “cải biến” chính mình. Mặt khác xã hội cũng phải tạo điều kiện (như luật pháp, các quy định chế tài…) để ngăn chặn cái xấu, lên án những hành vi vô văn hóa, để ý thức văn hóa phát triển và hành xử (có) văn hóa trở nên phổ biến trong xã hội. Nếu cần thiết phải đòi hỏi xã hội tạo ra những điều kiện đó! Ý thức của mỗi người trở thành ý thức chung tòan xã hội chắc chắn có tác động trở lại làm xã hội thay đổi.

- Chúng ta có cần một cuộc nghiêm khắc và thật thà xét lại văn hóa dân tộc để bảo tồn, thải loại những thứ đã hỏng hóc và cản trở, xây mới những gì phù hợp và giá trị, để có văn hóa VN thật, độc đáo và giá trị - nền tảng để nước Việt hùng cường lên, người Việt được nể trọng hơn? Và nếu cần thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Nhiều người trong chúng ta bây giờ không còn tự hào “mình nghèo mà giỏi”, ngược lại luôn tự hỏi “sao mình giỏi mà nghèo?”. Cũng như không chỉ ca ngợi những truyền thống tốt đẹp mà còn biết trăn trở “vì sao truyền thống của mình tốt đẹp mà bây giờ lại tha hóa như vậy?!” Tôi cũng cho rằng, có lẽ cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn về những đặc điểm tạo thành “tính cách văn hóa” của con người và truyền thống của dân tộc Việt (dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng 54 dân tộc của quốc gia Việt Nam). Cần biết mình rõ hơn, thật hơn, vì không biết mình đầu tiên là làm khổ chính mình, sau đó sẽ cản trở làm cho mình “không biết người”, dẫn đến luôn thua kém người. Nên chăng, bắt đầu từ việc vạch ra những gì làm cho chúng ta chưa thật sự tốt đẹp?

Cầm Phan thực hiện

(trích đăng cùng ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và PGS.TS Trần Hữu Quang, chuyện đề VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN, TTCT Số ra ngày 1/1/2012