BẮT ĐẦU TỪ “BLUE DANUBE”

Ngày còn nhỏ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm đi Tây về. “Món quà” mà ông hào phóng mang về cho cả khu tập thể là… những bản nhạc phát ra từ cái máy quay đĩa bọc gỗ nâu vec-ni bóng loáng. Hôm thì dân ca Nga, hôm thì hành khúc, hôm thì nhạc giao hưởng… Có một bản nhạc mà tối tối cứ cơm nước xong là ông lại nghe, có khi vừa rửa bát hay giặt quần áo cho vợ vừa khe khẽ hát theo…

Con bé là tôi ở nhà bên này chỉ cách bức tường mỏng, vẫn nghe rõ giai điệu mượt mà của bản nhạc lẫn trong tiếng bát đũa khua, tiếng nước chảy, cả tiếng gắt gỏng của bà hàng xóm quát chồng. Nhiều đêm nó thiếp đi cùng giai điệu ấy và mơ một ngày được tận mắt nhìn thấy dòng sông xanh dịu dàng xuôi chảy như một tấm lụa vắt ngang thành phố đẹp như trong cổ tích…như có lần nó thấy trên tờ bìa đĩa nhạc có bản valse nổi tiếng “Blue Danube”.

Mùa hè năm 1969, chị gái tôi lên tàu hỏa liên vận ở ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi học nước ngoài, và phải mất hơn nửa tháng, đi qua gần hết lục địa Á – Âu để đến đất nước Hungary xa lạ. Trong khi bọn trẻ Hà Nội có lẽ chỉ biết đến Liên Xô như là cả thế giới thì lần đầu tiên tôi được biết rằng, ở châu Âu còn có nước Hungary với thủ đô Budapest, có sông Danube – dòng sông của bản nhạc thời thơ ấu từng nghe…

Vài tháng sau, cả nhà nhận được thư của chị gửi về. Trong thư chị háo hức kể về những ngày đầu tiên đến Hungary, rằng chị được học trường Đại học Kỹ thuật Budapest, rằng tiếng Hung khó ơi là khó phát âm chả giống… tiếng Nga, rằng ở đấy đã vào mùa thu, có lá vàng và trái cây thì ngon vô cùng… Cuối thư có một dòng tái bút: “À, lúc tụi con mới tới thì có các anh chị người Việt học khóa trước ra ga đón. Trên đường về ký túc xá đi qua sông Danube. Ôi trời nó xám xám bẩn bẩn chứ không như bài Danube xanh đâu ba má ạ! Đến nỗi con phải hỏi đi hỏi lại có đúng đây là sông Danube không?Buồn cười quá”. Mãi sau này chị mới biết lúc ấy đoạn sông Danube qua Budapest bị ô nhiễm nặng do chất thải của nhiều nhà máy đổ vào.

Mùa thu năm nay, biết tôi sẽ đi công tác châu Âu, chị tôi bảo: “Cố gắng qua Hung một chuyến đi, nhất định em sẽ rất thích”. Tôi đùa, “sang để xem Danube xanh hay xám, phải không?”. Chị bần thần: “nếu qua được em nhớ đến trường của chị nhé, trường ở ngay bờ sông, đẹp lắm…”. Thật ra không đợi chị nói, tôi đã liên lạc với một người bạn ở Budapest và bạn đã chuẩn bị chu đáo cho một chuyến du lịch nho nhỏ dù tôi chỉ có gần hai ngày ở đó. Tất nhiên, không thể thiếu điểm đến là Trường Đại học Kỹ thuật – cũng là nơi bạn từng theo học.

Sau một chặng đường dài tới 12 tiếng đi tàu từ Krakow qua Budapest (tàu chậm những 4 tiếng, chả biết vì sao), bạn đón tôi tại ga Keleti (Ga phía Ðông ở trung tâm thủ đô), hình như đúng là cái ga mà chị tôi đã đến từ hơn bốn mươi năm trước. Chuyến tàu trên tuyến đường tàu điện chạy ngầm mang tên Thiên kỷ (Millennium) cổ nhất châu Âu (năm 1896) đưa tôi đến quảng trường Bát giác (Októgon). Từ đó, chúng tôi bắt đầu đi thăm những địa điểm nổi tiếng của thành phố mà hầu hết đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.

Theo sử sách ghi lại, Budapest được hợp nhất vào cuối năm 1873, từ đó trở thành thủ đô lớn thứ nhì của Ðế chế Áo – Hung (bị giải thể vào năm 1918), và luôn được ca ngợi là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Cũng như nhiều đô thị khác ở châu Âu thường được xây dựng hai bên bờ một con sông, sự hợp nhất giữa Buda và Pest mang lại cho thành phố này một quần thể kiến trúc hai bên bờ Danube.

Một bên là ngọn đồi cao thoai thoải sừng sững Thành cổ với nhà thờ và khu phố lâu đài Buda, một bên là những tòa nhà lộng lẫy kiến trúc đa dạng mà hài hòa với những đường phố xinh xắn yên bình: đại lộ Andrássy, Quảng trường Anh hùng, tòa nhà Quốc hội, các khách sạn, những công viên vườn hoa tượng đài, rồi Vương cung Thánh đường Thánh István, Nhà hát Lớn, Thành Vajdahunyad, nơi tập trung các trường phái của một ngàn năm kiến trúc Hungary… Tất nhiên, không thể thiếu vẻ đẹp của những cây cầu bắc ngang sông Danube nối liền hai nửa Buda và Pest: cầu Xích (thường được bà con Việt Nam gọi bằng cái tên dân giã cầu Sư tử, gắn với truyền thuyết về người kiến trúc sư tài hoa xây dựng cây cầu); cầu Elisabeth (Erzsébet), cầu Tự do… Quả thật, thành phố xứng đáng được mệnh danh là “hòn ngọc bên sông Danube”.

Buổi trưa, chúng tôi vào xem hiệu sách lớn nhất Budapest mới khai trương ở tầng trên cùng của tòa nhà Divatcsarnok cũ nằm trên đại lộ Andrássy. Hồi xưa du học sinh sang Hung được phát phiếu mua nhu yếu phẩm và quần áo, phiếu chỉ mua được tại đây, như một “bách hóa tổng hợp” thời bao cấp ở Việt Nam), bây giờ sửa sang thành một cửa hàng sang trọng mang tên mới “Ðại bách hóa Paris”, trên đó có một tiệm cà phê trang trí nội thất mang nét vương giả cổ xưa. Sau đó, bạn đưa tôi đến “xóm nghệ sĩ”, nơi có Nhà hát Nhạc vũ kịch Budapest và những quán cà phê nổi tiếng của giới nghệ sĩ. Tại đây, chúng tôi có dịp dùng một bữa trưa đơn giản mà ngon lành ngày ngoài hè phố. Tôi ngạc nhiên, hình như mùi vị thức ăn Hungary không giống ẩm thực châu Âu mà giống của Á châu hơn thì phải?

Như nhiều thành phố châu Âu xây dựng từ thời Trung cổ, ở Budapest hệ thống thành cổ, cung điện lâu đài, công trình công cộng niên đại kéo dài vài thế kỷ vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khu vực Thành cổ nằm trên đồi cao, cấu trúc gồm tường thành cao, dày, xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần thể lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm, gần đó có một mô hình tòa thành đúc bằng đồng giúp khách tham quan hình dung cấu trúc toàn bộ tòa thành… Bên ngoài thành có sông Danube làm “chướng ngại vật” tự nhiên khi có sự cố, bình thường là con đường giao thông thuận lợi đi nhiều nơi khác ở Châu Âu.

Trong thành cổ Buda còn có một số di tích khảo cổ học như nền móng công trình đã bị sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới lòng đất… Có hố khai quật xong đã lấp cát và trồng cỏ lên trên tạo thành vườn hoa nho nhỏ, có hố được giữ lại nguyên trạng, bên ngoài có hàng rào thấp để khách có thể quan sát các tầng văn hóa của di tích. Hiện vật tìm thấy trưng bày trong bảo tàng trong thành. Từ trên thành cổ nhìn xuống, ngay chân thành là sông Danube uốn lượn mềm mại, mặt nước lặng lẽ phản chiếu bầu trời xanh thẳm của ngày cuối thu. Trải rộng ngút tầm mắt là thành phố rực lên trong ánh nắng vàng… Tất cả tạo nên ấn tượng mạnh mẽ không chỉ cho tôi mà có lẽ cho tất cả những ai đã từng đến đây.

Trên chuyến tàu rời Budapest, bản valse “Blue Danube” của Johann Strauss quen thuộc lại vang lên. Bất giác tôi nhớ lại cũng một ngày mùa thu năm ngoái, tôi đến thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây -Trung Quốc). Một lần đến làm việc tại tòa nhà nằm cạnh khu nhà tù mới xây dựng ở ngoại ô thành phố. Giữa trưa nắng chói chang, từ phía những ô cửa sổ sơn màu trắng có song sắt dày sau hàng rào cao ngút mắt, một tiếng kèn ôboa vọng ra giai điệu của bản “Blue Danube” nổi tiếng. Tiếng kèn không còn sự rộn rã của điệu valse mà rời rạc buồn thảm làm sao, cứ ngập ngừng những nốt nhạc đầu tiên và đến nhữg nốt cao thì như nghẹn lại… Người thổi kèn kiên nhẫn thổi lại bản nhạc… Thời gian với anh ta chắc còn dài lắm…

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3106

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...