linh tinh

 Hôm đó đang ngồi ở HN thì một ông anh ở SG gọi đt, giọng hốt hoảng "này, cô có làm thơ à?!" - chưa hiểu gì mình cũng ú ớ "dạ, cũng có viết linh tinh...". Ông kia cười ha ha "sáng nay đọc cái này nhận ko ra cô luôn, đàn bà gớm nhỉ!" 😃






CÓ MỘT SÀI GÒN CỞI MỞ, BAO DUNG

Một đô thị năng động về kinh tế, dễ dàng dung nạp người tứ xứ đã trở thành một tính cách văn hóa rất đặc trưng của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 40 năm sau ngày đất nước thống nhất được Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Thời Nay.
@ Thưa bà, từ góc độ của một nhà nghiên cứu, bà đánh giá như thế nào về sự thay đổi của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh sau 40 năm đất nước thống nhất?
- Nhìn một cách cảm quan, thành phố có những sự thay đổi đáng kể. TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có tốc độ hiện đại hóa nhanh nhất, từ cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện sinh hoạt, và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực đến đời sống dân cư.
Theo quy luật, sự phân hóa của đô thị bao giờ cũng giãn về hai cực, một tầng lớp rất giàu và một tầng lớp rơi vào bậc thang cuối. Qua những điều tra về xã hội học của các nhà quản lý cũng như các viện nghiên cứu thì rõ ràng sự giãn cách về thu nhập giữa tầng lớp cao nhất và thấp nhất ngày một gần lại. Nguyên nhân là TP có sự chăm lo cho các vấn đề an sinh xã hội như là nhà ở, trường học, bệnh viện…cho tầng lớp trung bình trở xuống. Những khu nhà lá hay xóm ổ chuột giữa trung tâm quận 1, quận 3 xưa kia, xóm nước đen trên kênh rạch, vùng ngoại thành bây giờ đã được cải thiện.
Việc cải tạo hai hệ thống kênh lớn là Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tân Hóa – Lò Gốm, cải tạo sông Bến Nghé - song song với đại lộ Võ Văn Kiệt - là một thành tựu rất lớn. Điều đó thay đổi môi trường sống cho hàng triệu cư dân sống ven kênh rạch, làm cho TP Hồ Chí Minh trở lại một đặc điểm văn hóa cực kỳ quan trọng là văn hóa sông nước. Tất nhiên, sông nước bây giờ mang yếu tố hiện đại theo kiểu một thành phố có sông như các đô thị rất đẹp trên thế giới. Môi trường văn hóa sông nước này là nơi để người ta giải trí và hưởng thụ chứ không còn là văn hóa sông nước theo tính chất giao thông.
Trong 40 năm qua, bên cạnh chính sách của nhà nước thì không thể phủ nhận vai trò cực kỳ năng động của người Sài Gòn. Họ rất ít tuyên ngôn, rất chịu khó mày mò, cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Sài Gòn cũng tìm thấy con đường thoát.
@ Nói đến người Sài Gòn rất năng động trong làm ăn kinh tế, nhưng cũng không thể không nói đến tính dung nạp, bao dung của thành phố này đối với những người đến từ mọi vùng miền?
- Đặc điểm làm nên sự khác biệt của Sài Gòn so với những đô thị lớn là tính dung nạp. Không chỉ Sài Gòn mà các đô thị ở vùng Nam Bộ đều có đặc tính đó, mở lòng và đón nhận người nhập cư. Điều này xuất phát từ đặc điểm lịch sử của vùng đất này. Những cư dân đầu tiên đến đây là lưu dân Ngũ Quãng mà nguồn gốc phần lớn từ Thanh Nghệ Tĩnh theo vua Lê, chúa Nguyễn đi về phương Nam. Nhiều người với nhiều gốc gác khác nhau vào đây tìm đường sống. Họ không có cách nào khác là phải đùm bọc lẫn nhau, phải ứng xử tử tế với người cũ. Nếu họ tạo ra chiến tranh để tranh giành đất đai thì không bao giờ tồn tại lâu dài và bình yên đến nay.
Với tư cách là một đô thị kinh tế, TP Hồ Chí Minh cởi mở, dễ chấp nhận vì đó là điều kiện sống còn để phát triển. Nó khác với những trung tâm chính trị khác, lúc nào cũng phải bảo thủ một chút. Người Sài Gòn ít khi kỳ thị những cái khác mình. Tất cả những cái mới vào đây đều được đón nhận và tự do phát triển một cách công bằng. Ở Sài Gòn, ta có thể ăn những món ăn của nhiều vùng miền, từ cao cấp đến bình dân. Ngôn ngữ cũng rất đa dạng và không nhất thiết là phải nói giọng Sài Gòn. Một nguyên nhân nữa là vùng đất này được tiếp xúc với những giá trị dân chủ từ sớm. Mặt khác, cơ tầng văn hóa chưa sâu để có thể “đồng hóa” những người đến sau và Sài Gòn cũng không đặt ra nhiệm vụ phải “đồng hóa” những văn hóa khác.
Người Sài Gòn mua vé số nhiều khi để giúp những người khó khăn hơn chứ không hẳn là mua cái lợi cho mình. Những quán cơm 2000, trà đá miễn phí dọc vỉa hè cũng là những nghĩa cử như thế. Cô bán vé số, anh xe ôm dừng lại uống nước cũng rất chừng mực, biết để dành cho người đến sau chứ không đổ bừa bãi, tràn lan. Những người bình thường, chứ chưa cần giàu, cũng có thể giúp đỡ người khác bằng việc làm nho nhỏ, giản dị. Nếu mất đi những đặc điểm này thì rất đáng tiếc, bởi vì có thể coi đó là một di sản văn hóa về tính cách con người, một tính cách văn hóa rất Nam Bộ.
@ Tuy nhiên, bên cạnh một đô thị năng động, hiện đại và cởi mở, theo bà, TP Hồ Chí Minh còn giữ được những đặc điểm nhận dạng văn hóa nào sau 40 năm phát triển?
- Cá tính văn hóa sẽ còn di truyền. Tuy nhiên, nếu xã hội không loại bỏ được những yếu tố tiêu cực thì nó sẽ biến mất vì không có môi trường để tồn tại. Hiện nay, chúng ta không có một không gian văn hóa của một “Sài Gòn xưa” nào. Chỉ có các công trình văn hóa nằm rải rác chỗ nọ, chỗ kia. Đường Đồng Khởi là con đường đầu tiên của đô thị Sài Gòn với cảnh quan cây xanh, vỉa hè, biệt thự, khách sạn... Giờ đây, nó đã không còn giữ được cảnh quan ấy nữa vì hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay đã thực sự hiểu biết trong việc bảo vệ di sản của mình. Chính quyền thành phố cũng đã có sự ghi nhận những phản ánh của cộng đồng thông qua điều chỉnh việc bảo tồn Bưu điện Thành phố, Thương xá Tax, việc chặt cây ở đường Tôn Đức Thắng. Cây cầu ở con đường này vẫn sẽ được xây, nhưng trên cơ sở tính toán sao cho bảo tồn được hàng cây trăm năm của thành phố.
@ Nếu nghĩ về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh trong khoảng 10-20 năm nữa, bà có mong ước gì?
- Tôi nghĩ, một thành phố dù hiện đại đến đâu cũng không nên đánh mất ký ức của nó. Do đó, tôi mong chúng ta giữ được những gì đang có, đừng để nó biến dạng. Chúng ta cũng sẽ phải giải bài toàn về mặt bảo tồn, không chỉ bảo tồn các di sản văn hóa mà còn bảo tồn lối sống dân cư đô thị. Bản sắc văn hóa là điều rất khó giữ nếu chúng ta không giữ được sự ổn định cộng đồng dân cư ở vùng lõi thành phố. TP Hồ Chí Minh nên cố gắng giữ lại những tính cách văn hóa trước đó, song song với việc nâng cao ý thức của thị dân để họ chủ động trong việc điều chỉnh lối sống, cư xử cho phù hợp với thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”…

Hà Hương thực hiện. (Bài trên Thời Nay 4.2015, repost)
Hình ảnh: bờ sông SG và hàng rào chung cư đất tiền và biệt thự cao cấp án ngữ. Cảnh quan bờ sông có còn là của người Sài Gòn?
Không có mô tả ảnh.
Tất cả cảm x

Một số hình ảnh chuyến đi Ai Cập từ 11 - 21/3/2023. Sẽ viết bài sau :)

 Một chuyến bay

Một lần tôi bay
qua nửa bầu trời
Dưới kia trái đất
khi ngày khi đêm
Nơi tôi đến một nơi xa lạ
Những tòa thành đồ sộ
Những ngọn tháp vút cao
nửa trái đất, nửa bầu trời
chỉ là một mái vòm cong
Hoang mạc mênh mông
Thành cổ ngàn năm sừng sững giữa thinh không
Đền đài phế tích thách thức thời gian
Không đầu không cuối
Đời người chớp mắt
Như một chuyến bay...


Mười ngày rong ruổi dọc sông Nile trên đất Ai Cập: một số hình ảnh


PHỤ NỮ NGHĨ VỀ PHỤ NỮ :)


PHỤ NỮ ĐẸP BÌNH DỊ NHƯ ĐỒ GỐM
@Thưa TS. Nguyễn Thị Hậu, không biết nên xưng hô với chị như thế nào? Nhà khảo cổ học hay nhà văn?
- Chỉ là "Nguyễn Thị Hậu” thôi, vì đối với tôi cả hai "nhà” đều lớn quá (Cười).
@Và cũng xin bắt đầu câu chuyện bằng sự "lưỡng phân” này. Giữa khảo cổ và văn học, theo chị có điểm gì chung?
- Có lẽ có: Cùng tìm hiểu, giải mã về con người quá khứ hoặc hiện tại từ những "bằng chứng” có khi rất nhỏ nhoi. Và tìm hiểu về con người chính là tìm hiểu về xã hội, bối cảnh sống của con người.
@Còn điểm riêng, thưa chị?
- Khi "giải mã” về con người thì khảo cổ nghiêng về "lý” còn văn học nặng về "tình”.
@Với chị, văn chương là…?
- Tôi thích từ văn học hơn. Văn chương nghe hoành tráng quá! Từ nhỏ văn học đã là sở thích, là niềm vui của tôi. Còn bây giờ, nếu viết được chút gì đấy cũng để cho vui vì đã chia sẻ được với bạn bè.
@Ngoài những cuốn sách khảo cổ học chi tiết và… dài, với văn chương chị lại viết rất ngắn kể cả khi viết tản văn, truyện ngắn. Tại sao?
- Sách về khảo cổ cần tuân thủ những yêu cầu – dù tối thiểu của một công trình khảo cổ học để đảm bảo nội dung khoa học, mặc dù những cuốn đó của tôi cũng khá đơn giản và… mỏng thôi. Còn khi viết những cái khác thì… thấy đủ thì thôi, vì đó là những chuyện nho nhỏ, người đọc hiểu mà, đâu cần phải dài dòng?
@Với những truyện ngắn chỉ vỏn vẹn 100 chữ, liệu chị đang làm khó mình, hay là để đỡ tốn thời gian của độc giả thời bận rộn?
- Viết truyện 100 chữ đầu tiên là "thử” xem vốn từ ngữ của mình có thể sử dụng chính xác đến đâu? Vả lại, trong cuộc sống, một "cái dằm” cũng đủ làm người ta bận tâm rồi. Thế thì cứ viết giản dị như chính nó thôi. Càng chính xác càng giản dị, đó là suy nghĩ của tôi.
@Là phụ nữ, khi viết và cả trong cuộc sống nữa, chị thường đứng về "phe nước mắt” chứ?
- Tôi đứng về phía nào không làm cho ai rơi nước mắt.
@Nhưng khi đọc cuốn "101 truyện 100 chữ” (NXB Hội Nhà văn & Phương Đông Books ấn hành) tôi luôn bị ám ảnh về những nhân vật nữ - thường là không có tên, những "nàng”, "cô”, "mẹ”, "vợ anh”… Truyện nào cũng rưng rưng và hình như nhiều nước mắt ngậm ngùi?
- Tôi đọc ở đâu đó rằng, chỉ có phụ nữ mới biết yêu thương – theo nghĩa là luôn có khả năng chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà phụ nữ hay "tám” với nhau về mình và cả những thứ ngoài mình.
@Những xung đột và mâu thuẫn văn hóa trong cuộc sống gia đình hiện nay có cảm giác, được chị "bắt sóng” rất nhanh để đưa vào các truyện rất ngắn của mình. Hình như chị đang muốn khắc họa một hình ảnh những người phụ nữ nhạy cảm và… thiệt thòi?
- Phụ nữ thường nhạy cảm, phụ nữ có nội tâm phong phú càng nhạy cảm. Mà cuộc sống hiện nay thì quá nhanh, hiếm có khoảnh khắc "lặng” để nhìn lại… Còn thiệt thòi à, tôi không nghĩ thế, được mất vô chừng lắm…
@Nhưng phụ nữ, cũng có khi được quý như "Cổ vật” – 1 trong 101 truyện rất ngắn của chị?
- Vâng. Không phải cổ vật nào cũng có vẻ đẹp rực rỡ như đồ trang sức vàng bạc hay đồ sứ hoa văn nhiều màu, mà phần đông phụ nữ như những đồ gốm, đồ đất nung có vẻ đẹp rất bình dị. Hình như ít người nhìn thấy vẻ đẹp như thế ở người phụ nữ của mình, quanh mình…
@Là đồ gốm nên rất dễ… nứt phải không chị? Tôi đọc những chuyện tình trong truyện của chị đôi khi thật ngọt ngào, nhưng đôi khi tan vỡ rất nhanh, có thể chỉ trong mấy chục chữ: "Trời mưa. Cô mơ màng: Bây giờ ngồi quán với một cốc cà phê sữa nóng và nghe nhạc thì tuyệt. Anh lắc đầu: Trời mát thế này nhậu thịt chó mắm tôm là nhất… Thế là tan vỡ một mối tình”. Chị có thường áp dụng cái nghề khảo cổ vào để khảo sát các cuộc hôn nhân không?
- Có lẽ không cố ý nhưng thói quen "tinh tướng” trong nghề nghiệp đôi khi giúp mình tinh ý hơn trong cuộc sống (hay là ngược lại nhỉ?).
@Người ta nói văn là người. Liệu có đúng với chị, và đúng bao nhiêu % trong tập sách này, thưa chị?
- 50% là "chuyện” - chất liệu từ cuộc sống xung quanh và của chính mình, 50% còn lại là cảm nhận, góc nhìn của tôi, là cách "xử lý” những chất liệu ấy thành một món ăn nhẹ để mọi người có thể nhấm nháp cả lúc đói và lúc không đói.
Xin trân trọng cảm ơn chị!

Bài từ 2012 Một trong những bài PV mình ưng ý nhất vì PV cho mình cơ hội để mình bày tỏ được nhiều điều về phụ nữ.

Cổ vật
Gã có sở thích sưu tầm đồ cổ. Làm ăn vất vả nhưng gã vẫn chắt bóp để mua từng món đồ nho nhỏ. Nhiều lúc vợ con đã phải nhịn miệng để gã mua bằng được “hàng độc”. Dần dần gã trở thành đại gia trong giới cổ vật.
Vợ mắc bệnh nan y. Để có đủ tiền thuốc thang cho vợ, gã quyết định bán món đồ cổ quý nhất. Mọi người tiếc: bán rồi làm sao mua lại được?! Gã cười khà khà: vợ là cổ vật duy nhất không bao giờ tôi muốn bị mất!

(Truyện 100 chữ)
Hình: Hà Nội 10/2022





THƯ CHO MỘT BẠN TRẺ (GS. Trần Hữu Dũng)

Bạn quý mến,

Rất tiếc là tôi chưa được quen thân với bạn, nhưng tôi đã thấy bạn từ bục giảng của tôi, nghe bạn tâm tình qua những bức thư đầy bức xúc về đất nước, về tương lai, và về nhân loại nữa. Qua đó tôi cảm nhận một nghịch lý: bạn vừa có niềm tin ở một tương lại xán lạn hơn, nhưng niềm tin ấy lại bị xao xuyến do cái hiện tại này. Bởi vậy, nhân dịp xuân về, Tết đến, trước hết tôi cầu mong bạn giữ vững niềm tin ấy, và có ít dòng tâm sự.
@ Trước tiên, một lời tạ lỗi...
Tôi không có “kinh nghiệm” hay lời dặn dò gì để truyền lại cho bạn, bởi vì tôi nghĩ mỗi thế hệ phải tìm một tương lai cho mình. Hơn nữa, dù nghĩ rằng chúng tôi (thế hệ trước các bạn) đã có nhiều cống hiến nhất định cho đất nước (chúng ta không bao giờ quên hàng triệu người thế hệ tôi, và trước nữa, đã hi sinh để mang lại độc lập, thanh bình và thống nhất cho tổ quốc), chúng tôi cũng đã có rất nhiều lỗi lầm, yếu kém... Các bạn đang tiếp nhận một xã hội và một đất nước còn nhiều mảng tối, thậm chí có người sẽ nói là, về vài mặt, chúng có chiều đi xuống. Cụ thể, không ai có thể thành thực mà nói rằng nước ta có một nền giáo dục đáng hãnh diện. Và sông núi, ruộng đồng! Có ai dám nói rằng tất cả đều đẹp đẽ như xưa? Để lại cho các bạn một nền giáo dục như thế, núi sông như thế, có lẽ là “tội” lớn nhất của những người mà trách nhiệm là chuẩn bị cho tương lai các bạn, là bảo quản giang sơn cho các bạn. Những người ấy là chúng tôi.
Tôi phải nhìn nhận rằng trong những năm gần đây, khi cơn lốc “thị trường” bao phủ lên đất nước ta thì (cùng với sự phồn vinh vật chất mà nó đem lại) một bộ phận không nhỏ chúng tôi, nhất là giới được xem là “trí thức”, đã tha hóa. Chúng tôi đã góp phần không nhỏ vào sự “chụp giật” của cuộc sống ngày nay, một số không ít chúng tôi đã co cụm lại, chỉ lo cho gia đình, con cháu mình mà không nghĩ đến các bạn, thái độ đạo đức giả của một số chúng tôi hẳn đã làm nhiều bạn chán ngán, buồn phiền. Một số chúng tôi đã có quyền, có lợi, nhưng chưa làm đầy đủ bổn phận với các bạn. Bởi vậy, trước hết, tôi có lời xin lỗi bạn, thế hệ trẻ. Tôi không dám thay mặt ai để xin lỗi, chỉ xin lỗi cho cá nhân tôi, song tôi nghĩ nhiều người ở thế hệ tôi cũng cùng một tâm trạng.
Nhưng dù hiện tại có thế nào thì tương lai cũng sẽ đến, và tương lai đó sẽ trong tay các bạn. Chẳng những tôi không biết hình tượng vật chất, cơ cấu xã hội hay thể chế kinh tế của tương lai ấy sẽ thế nào, tôi còn ngờ rằng bạn sẽ phải đương đầu với những vấn đề triết lý cực kỳ cơ bản mà tôi chưa thể hình dung. (Ví dụ như với sự tíến bộ của y sinh học, nhất là công nghệ nháy (cloning), đông lạnh thân xác... , tất sẽ có những câu hỏi: “con người là gì?”, “sự sống là gì?”) Mỗi thế hệ phải đi vào một tương lai hoàn toàn mới mà không thế hệ nào trước đó hình dung được. Dù vậy, có vài vấn đề mà tôi nghĩ sẽ là cái trục mà tương lai sẽ xoay quanh. Tôi xin chia sẻ với các bạn.
@ Toàn cầu hóa và dân tộc tính
Chúng ta đang vào một kỷ nguyên trong đó thế giới thay đổi với một nhịp độ và tầm mức chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, vùn vụt và sâu rộng. Đó là tiến trình vũ bão của cái gọi là “toàn cầu hóa” (gọi cho gọn, dù tôi không thích cho lắm cụm từ thời thượng này). Tin tức từ khắp nơi trên thế giới đến với mọi người từng phút, từng giờ. Các bạn đi du học, du lịch, gặp gỡ bạn bè, thân nhân, từ các nước về thăm nhà. Toàn cầu hóa đem lại cho bạn vô vàn cơ hội, và bạn nên sẵn sàng (trong tư duy cũng như trong kỹ năng) để tận dụng những cơ hội ấy (một việc cụ thể là trau dồi ngoại ngữ), nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề mà tôi mong các bạn cùng suy nghĩ.
Thứ nhất là sự giữ gìn dân tộc tính. Tôi không khẳng định là bạn phải bảo tồn dân tộc tính (cũng xin lưu ý các bạn rằng không phải mọi người đều nhất trí “dân tộc tính” là gì) nhưng tôi muốn chúng ta (bạn lẫn tôi) cùng suy nghĩ có nên “giữ gìn bản sắc dân tộc”, theo nghĩa nào đó, và nếu nên thì nên giữ phần nào, đến mức độ nào. Chọn lựa ấy đòi hỏi những cân nhắc khách quan (không để những sô-vanh phi lý chi phối) song cũng khó thể không chủ quan, bởi vì nó sẽ phản ảnh tình cảm (nào đó) đối với quê hương đất nước, nguồn cội của mình. Vươn ra với thế giới không có nghĩa là chúng ta sẽ xóa nhòa những đặc thù của văn hóa, của ngôn ngữ chúng ta, nhưng với những cơ hội tràn vào từ ngoài là xu thế đồng hóa (tưởng tượng xem: đời sống sẽ dễ dàng biết bao nếu mọi người trên thế giới đều sử dụng... tiếng Anh!). Trong lúc đó, “dân tộc tính” (tạm gọi như vậy) là cái đặc thù. Làm sao để khai thác mọi cơ hội của toàn cầu hóa trong lúc giữ đến một chừng mực nào đó tính đặc thù, cái cá biệt của chúng ta, là một bài toán cho các bạn
Thứ hai, toàn cầu hóa không có nghĩa là bạn không còn là một công dân của một nước. Nói cách khác, dù bạn có trở thành một “công dân quốc tế” thì bạn cũng vẫn là thành viên của một “địa phương” nào đó. Dù bạn có sang Âu, sang Mỹ sống thì bạn cũng phải đối diện với những vấn đề của cộng đồng, địa phương ấy ... Đó không nhất thiết là một ràng buộc đạo đức nhưng là một yêu cầu xã hội thiết thân (và thiết yếu!). Chọn lựa sự dung hòa, kết hợp những trách nhiệm ấy, chính là đóng góp cụ thể vào sự xích gần nhau giữa người và người, xuyên qua lằn ranh quốc gia và chủng tộc. Nói như nhà xã hội học Ted Ward, bạn sẽ là thành viên của một nền “văn hóa thứ ba”.
Nếu bạn đã có dịp du học, hoặc đang du học, thì bạn thật là may mắn, và một quyết định mà bạn phải đối đầu là có nên về nước hay không. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe ý kiến tôi: điều đó không thật sự là quan trọng! Tôi tin rằng bạn đủ sáng suốt để quyết định cho chính bạn, bởi nó tùy vào hoàn cảnh, ngành nghề, của mỗi người, và nhất là – trong kỷ nguyên đi đi về về dễ dàng như nay – nó không còn là một quyết định cho suốt đời bạn, không thể thay đổi sau này. Nhưng tôi nghĩ rằng nhu cầu “làm cái gì đó” cho đồng bào mình, nhất là khi đại đa số những người ruột thịt ấy vẫn còn cực kỳ nghèo khổ, là một ước muốn cơ bản nhất của con người. Cũng không nên xem hồi hương là “cống hiến” một chiều của bạn cho đất nước, bởi vì sống giữa lòng dân tộc bạn còn nhận được những tình cảm yêu thương, những ý nghĩa của sự sống, mà bạn không tìm được nơi nào khác.
Nhìn rộng ra, tôi nghĩ rằng khi mà sự tương phản giữa dân tộc và quốc tế mờ nhạt đi (vì sự di chuyển dễ dàng) thì những vấn đề tài nguyên, môi trường – nói cách khác là sự phát triển bền vững – sẽ trở thành sâu sắc, bức xúc hơn. Toàn cầu hóa, nhìn theo góc cạnh này, không có nghĩa là không còn biên giới quốc gia, cụ thể là không còn những tranh chấp giữa các quốc gia, dân tộc. Chỉ là, trong kỷ nguyên mới này những xung khắc cũ sẽ tái hiện qua những phương diện khác: tranh chấp về tài nguyên (nhất là năng lượng) và môi trường. Chúng ta phải tỉnh táo, không thể ngây thơ. Chúng ta chia sẻ những quan tâm của quốc tế, hợp tác để tìm những giải pháp chung cho nhân loại, nhưng cũng không quên những quyền lợi thực tế mà mỗi quốc gia đều phải bảo vệ cho mình, toàn cầu hóa hay không.
@ “Hai văn hóa” và những giá trị nhân văn
Trên đây tôi đã nói về sự giằng co giữa cái đặc thù của dân tộc và cái chung của thế giới, một sự giằng co mà tiến trình toàn cầu hóa làm nổi bật, thậm chí căng hơn. Nhưng còn một bộ mặt nữa trong đời sống của chúng ta – và sẽ rõ hơn trong tương lai các bạn – đó là sự quan trọng của công nghệ trong sinh hoạt hàng ngày. Bộ mặt này sẽ gây ra một sự giằng co nữa, giữa một nền văn hóa dựa vào công nghệ, vào kinh tế thị trường, và một nền văn hóa nhân văn, đi sâu hơn vào con người, mà tượng hình là văn chương và nghệ thuật.
Gần nửa thế kỷ trước, tác giả C.P. Snow (người Anh) đã báo động về cái mà ông gọi là sự xung khắc của “hai văn hóa”: văn hóa nhân văn và văn hóa công nghệ. Dù cảnh báo này của C.P. Snow đã bị nhiều người cho là một báo động lầm, chí ít cũng là phóng đại (hai tư duy nhân văn và tư duy công nghệ tuy hơi khác nhau nhưng không tương phản như Snow nghĩ), nó là tiền thân của một bức xúc thời thượng: “liệu thị trường có xói mòn đạo đức?”. Cũng vậy, sự tranh chấp giữa hai “văn hóa” (theo cách nói của C.P. Snow): khoa học và nhân văn sẽ làm nổi bật sự xung khắc giữa văn hóa thương mại và văn hóa “ưu tú” (tạm gọi như thế). Nhiệm vụ của bạn sẽ không đơn thuần là bảo tồn những “giá trị cổ truyền”, nhưng là khuếch trương văn hoá nhân văn – một phần đó sẽ là văn hóa dân tộc, nhưng một phần nào nó sẽ đòi hỏi sự sáng tạo của các bạn, cố nhiên là với cái tố chất của dân tộc mình.
Sự hội nhập vào thế giới mang theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn, và có vẻ ngày càng trầm trọng. Cuộc sống hối hả, vội vàng, để lại cho chúng ta ngày càng ít thời giờ để suy nghĩ, nhìn lại nội tâm. Đó là thế giới của CNN, của Google, của Wikipedia... Chúng ta có thể tưởng là mình “biết” nhiều, nhưng đó là một thứ kiến thức manh mún, rộng mà không sâu. Thông tin tràn ngập song hầu hết là vô ích. Bạn nên nhín chút thời gian để lắng đọng, ngồi lại một nơi cô tịch để trầm tư.
Với sự tiến bộ của công nghệ thì vai trò của văn chương, nghệ thuật có phần bị lu mờ. Đây là một xu hướng toàn cầu mà nhiều trí thức khắp nơi đã báo động, than phiền. Tôi vẫn biết rằng không phải tất cả các bạn đều “kiếm cơm” trong lãnh vực văn hóa. Các bạn sẽ là nhà kinh doanh, là kỹ sư, là nhà nông... nhưng tôi mong các bạn lưu tâm, và khuyến khích – ít nhất là trong cương vị một người “tiêu dùng” văn hóa – sinh hoạt ấy, bởi vì một xã hội không thể là “phát triển” nếu nó thiếu vắng những sinh hoạt văn hóa sống động, những người thẩm định văn hóa có trình độ, và những người đó là bạn, chính là bạn, dù công việc kiếm cơm hàng ngày của bạn nằm trong lãnh vực nào.
@ Thay lời kết
Trên đây tôi đã thử đưa một cái nhìn khách quan về những vấn đề mà bạn sẽ đương đầu, và tôi đã hứa sẽ không dám “dạy” bạn điều gì. Thế hệ đi trước bao giờ cũng có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi xin để những người khác, sống nhiều hơn và hiểu biết hơn tôi, truyền lại các bạn những kinh nghiệm ấy, và tất nhiên, sẽ có nhiều điều mà chính các bạn, cũng như những thế hệ trước, phải tự trải nghiệm. Tôi chỉ xin chia sẻ với bạn một số linh cảm của tôi về tương lai và gửi gắm vài hoài vọng.
Ở nước ta sự chênh lệch giàu nghèo, những bất công trong xã hội, còn quá nhiều (và có vẻ ngày càng sâu đậm hơn!). Nếu bạn được may mắn là người khá giả ở thành thị thì thỉnh thoảng cũng nên nhìn đến những người mà đời sống vật chất khó khăn hơn mình (tôi không nói là “bất hạnh”, vì chắc chắn là họ không cần thương hại, và cũng chưa chắc là bạn hơn họ về trí thức, về những đức tính khác của con người). Phải nghĩ rằng chỉ vì một tình cờ nào đó của lịch sử mà bạn được như ngày nay. Tôi luôn nghĩ rằng một xã hội tươi đẹp – một xã hội đáng sống – là một xã hội mà mọi người đều có cơ hội tiến thân, một xã hội mà mọi người “tử tế” với nhau... Đối với những bạn đang có đời sống chật vật thì tôi chỉ xin bạn nhẫn nại và cố gắng, và hãy tin rằng không gì là không có thể...
Nhưng, bạn còn trẻ, trước mặt bạn còn là những ngày nồng ấm của yêu đương, hãy dìu nhau đi trong những buổi chiều hồng, hãy dành nhiều thời giờ cho những đứa con còn đang lớn, với người vợ trẻ, ông chồng chưa ... già. Tuổi trẻ không chỉ là chặng đường chuẩn bị cho tương lai. Tuổi trẻ còn là một khoảng hiện thực của chính cuộc đời bạn, với những sướng vui mà bạn sẽ chẳng bao giờ tìm lại được. Bạn hãy tận hưởng tuổi trẻ ấy. Và ngay những lúc bạn ... thất tình (hay ve vuốt thú đau thương?), bạn nên nhớ một điều: rồi tất cả cũng qua đi. Điều cần nhất là phải luôn luôn giữ gìn sức khỏe, và tránh những gì mà hậu quả sẽ làm bạn hối tiếc sau này.
Tôi mong rằng trong số các bạn đọc thư này hôm nay, rồi đây sẽ có người viết một bức thư như thế này cho một bạn trẻ khác, và nước Việt Nam – không, cả thế giới này – lúc ấy sẽ đẹp đẽ hơn, và bạn sẽ mãn nguyện về những đóng góp của bạn cho cuộc đời này, trong bất cứ lãnh vực nào mà bạn chọn lựa.
Cái nguy hiểm là chúng ta sẽ nãn chí, chua cay, cho là mình không thể làm gì được nữa... Dù hiện tại có vẻ ảm đạm như thế nào (và thực sự thì nó không ảm đạm như bạn tưởng!), khó khăn ra sao, chúng ta phải giữ niềm tin, và tích cực cùng nhau thực hiện niềm tin ấy, vì đó là bổn phận của chúng ta đối với chính mình...
Xin chúc bạn và gia đình một năm Kỷ Sửu đầy thành công và may mắn.
---
(Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Xuân Kỷ Sửu, 2009)
HÌNH: GS. Trần Hữu Dũng trong một chuyến tham quan, Hội thảo Hè 2014 tại Toulouse (Pháp)





Phiếm luận về danh xưng với học vị, học hàm (GS. Trần Hữu Dũng)




Một đoạn nghỉ chân trong chuyến đi tham quan tại Toulouse (Pháp, 2014): GS Trần Hữu Dũng và bạn bè.
---


Khi mới từ nước ngoài trở về Việt Nam, không ít người có cảm giác lạ lẫm khi đọc báo thấy những trí thức khoa bảng luôn được kèm theo danh hiệu Giáo Sư (GS), Phó Giáo Sư (PGS), Tiến Sĩ (TS), và nhất là khi những danh hiệu này đi kèm nhau: GS TS, PGS TS.[1] Thậm chí, nhiều bạn đã có tiến sĩ, là giáo sư ở nước ngoài, cảm thấy ngượng ngùng, bối rối khi “được” gọi như vậy trên các phương tiện truyển thông đại chúng, không liên hệ gì đến học thuật, ở Việt Nam. Hơi ngượng, khá bối rối, nhưng rồi lại không dám yêu cầu báo chí không gọi là tiến sĩ vì như thế lại e bị hiểu lầm là lập dị, là “kênh kiệu ngược” (reverse snobbery)
Thực ra, so với vô số đại sự của quốc gia thì chuyện danh xưng này quả là “nhỏ như con thỏ”, nhưng nhân dịp Tết nhứt, xin có đôi dòng phiếm luận để giải khuây cho bạn đọc.
Bằng tiến sĩ chứng tỏ điều gì và để làm gì?[2]
Ai đã lấy PhD ở Mỹ đều biết rằng bằng cấp này chỉ là một cái vé vào cửa để được phỏng vấn khi đi xin việc ở các đại học, các viện nghiên cứu ở nước ngoài. Thế thôi. Theo nhà kinh tế nổi tiếng Michael Spence (Nobel 2001) thì bằng cấp (do một đại học có uy tín cấp) cốt yếu là một tờ giấy chứng nhận cho những người không có cách nào khác để chứng tỏ khả năng (trong đó có sự kiên trì) của mình. Spence giải thích: Một người có thực tài, ai nhìn cũng thấy ngay, thì không cần bằng cấp khi đi xin việc! Nói theo thuật ngữ kinh tế: Bằng cấp là một “tín hiệu cho thị trường”.
Tiến sĩ là một bằng cấp tối hậu (terminal degree) của hệ thống giáo dục hiện đại, nhưng nó chỉ là một (trong nhiều) chỉ dấu của trí thức. Và ngay khi là chỉ dấu như thế, nó cũng không là chỉ đấu tột bực. Ở các nước có một nền học thuật lâu đời, bằng tiến sĩ chỉ là một tấm vé để bước chân vào ngưỡng cửa của cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học. Nó không phải là “vinh quang” tối hậu của một sự nghiệp học thuật. Uy tín của một nhà nghiên cứu, của một giáo sư tùy thuộc hoàn toàn vào những thành tựu của người ấy sau khi đã có tiến sĩ (Einstein, chẳng hạn, không cần ai gọi mình là GS TS!). Thậm chí, một nhà khoa học xuất chúng, dù không có bằng tiến sĩ vẫn được xã hội nễ trọng hơn những người có tiến sĩ, nếu người ấy có một sự nghiệp học thuật tầm vóc.
Đi đâu cũng tự xưng, hay đòi người khác gọi mình là Giáo Sư Tiến Sĩ (dù là giáo sư tiến sĩ thật, không phải dỏm), không chỉ là làm dáng, phô trương, nhưng còn cho mình một cảm giác (thường) sai lầm về những thành tụu thật sự của bản thân, rằng mình hiện đã đạt đến tột đỉnh của học thuật, và khó tránh khỏi sự tự mãn đầy kiêu căng. Không gì “phản trí thức” hơn phong thái ấy.
Tự xưng và gọi nhau là GS TS thì có hại gì?
Nhiều người sẽ bảo, dù các cơ quan truyền thông có tâng bốc các giáo sư tiến sĩ, không bao giờ quên kèm theo học vị học hàm khi viết tên họ, thì có hại gì ai? Sao không xem đó như phản ảnh sự kính trọng “kẻ sĩ” của văn hóa Việt Nam? Vâng, nhìn từ một góc cạnh nhỏ hẹp thì quả việc này là không đáng kể so với những vấn đề trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, nó có thể liên hệ đến những hiện tượng khác làm suy giảm chất lượng đòi sống của chúng ta. Chẳng hạn như:
Bằng cách tung hô danh xưng GS, PGS, TS... các cơ quan truyền thông vô tình đơn điệu hóa thang trí thức học thuật, và từ đó, đến giá trị xã hội. Bởi, như đã nói, những học hàm, học vị này là chức vụ trong lãnh vực giáo dục, là một chỉ dấu của khả năng nghiên cứu. Chúng không nhất thiết có hàm ý nào về giá trị toàn diện của con người (mà phần chính, hiển nhiên, là đạo đức). Gắn kết học vị học hàm, mà không một đặc điểm nào khác, với danh tính một người là mặc nhiên đưa nó lên vị trí hàng đầu. Nói thẳng ra, theo ý người viết bài này, chính “thói quen” này của giới truyền thông đã giúp duy trì nạn “sính bằng cấp” trong xã hội Việt Nam.
Nạn sính bằng cấp, từ đó, sẽ có hậu quả dễ hiểu đến chất lượng tiến sĩ: Khi mà sự ham muốn bằng cấp không thể được thỏa mãn vì khả năng học tập và nghiên cứu của “đương sự” là “có hạn” thì tất nhiên sẽ sinh ra những tiến sĩ dỏm, những luận văn không đáng được gọi là luận văn. Báo chí đừng gọi họ là tiến sĩ nữa thì chất lượng tiến sĩ sẽ khá lên, vì lúc ấy chỉ những người thật sự có năng lực, có trí tuệ, đam mê nghiên cứu, giảng dạy... mới bỏ công dùi mài kinh sách trong một chương trình tiến sĩ, loại bỏ những “phần tử” “sinh ra không phải để theo đuổi học thuật” (mà trong một xã hội bình thường là hoàn toàn bình thường, không có gì để mặc cảm), chạy chọt lấy "tiến sĩ' chỉ vì hám danh. Gạn lọc những phần tử “không thích hợp” này thì chất lượng tiền sĩ đương nhiên sẽ khá lên!
“Giải pháp”
Báo chí vô tình cũng là tòng phạm trong hiện tượng này. Vì thói quen, hay để “tâng bốc” đương sự, báo chí ít khi quên gọi một giáo sư tiến sĩ là GS/PGS TS. Bởi vậy, tôi nghĩ, các giáo sư tiến sĩ khi được phòng vấn, hãy nói thẳng với phóng viên là không cần để là GS TS trước tên ông/bà.
Song, phải nhìn nhận, đây là một tập quán khó thay đổi. Nếu một cá nhân muốn như thế và yêu cầu người phỏng vấn mình làm như thế thì cũng chưa chắc nhà báo sẽ nghe theo, vì nhà báo cũng muốn được hãnh diện là họ phỏng vấn một vị “giáo sư, tiến sĩ” chứ không phải “thường dân”!
Vậy, có vài đề nghị:
(1) Nếu người ấy có hiện giữ một chức vụ khác (Bộ trưởng, Chủ tịch...) thì chỉ nên dùng những chức vụ hiện tại, không cần phải thêm là GS TS gì cả.
(2) GS, hoặc TS là đủ, không cần gọi cả hai (GS TS). Ở các quốc gia có những danh hiệu này lâu đời, hầu hết giáo sư đều có tiến sĩ, gọi GS TS là thừa. Nên để ý rằng tiến sĩ có thể không là giáo sư (chẳng hạn như những nhà khoa học làm việc trong các viện nghiên cứu)
(3) Chỉ tự xưng là giáo sư hay tiến sĩ trong những hoàn cảnh mà danh hiệu ấy chuyển tải một thông tin có ich cho người đọc/nghe, và nếu người đối thoại không biết thông tin ấy.[3] Theo tôi, chỉ nên gọi giáo sư (hoặc tiến sĩ, không cần cả hai) trong khuôn viên đại học, viện nghiên cứu, hoặc trong các hội nghị, hội thảo khoa hoc.
Tôn vinh những người có đạo đức, thực tâm, thực tài là một điều xã hội nên làm. Nhưng để tôn vinh những người xứng đáng, và với sự trân quý thật lòng, xã hội không nên dừng lại ở danh hiệu tiến sĩ mà phải chịu khó tìm biết xem người ấy có những công trình nghiên cứu, những đóng góp khoa học nào, dạy ở trường nào, bao nhiêu năm... và thể hiện sự nễ trọng (nếu thấy họ xứng đáng) bằng cách nghiêm túc lắng nghe ý kiến của họ, đọc những gì họ viết. Dù rằng việc kiểm chứng ấy sẽ không dễ đối với đa số không quen thuộc với môi trường học thuật (nhưng lắm khi Google vài phút là biết ngay!), song đó cũng là một cách nâng cao kiến thức của mọi người. Một trí thức đích thực sẽ vô cùng cảm kích khi đối thoại với một người quan tâm đến nghiên cứu của mình, được nghe những câu hỏi phản ảnh một sự hiểu biết về công việc và những thành tựu của trí thức ấy. Đó là cách tốt nhất để tôn vinh “tiến sĩ”!
Trần Hữu Dũng
15/12/2016
----
[1] Nhiều quốc gia khác, như Nga, Đức, cũng có phong tục này, nhưng tôi không biết nhiều về bối cảnh xã hội và truyền thống lịch sử của họ nên chỉ xin nói về trường hợp Việt Nam. Đèn nhà ai nấy sáng!
[2] Xin nói rõ, đây là nói về bằng tiến sĩ “thật”. Dường như vấn nạn tiến sĩ dỏm, tiến sĩ kém chất lượng, cũng rất trầm trọng ở Việt Nam, nhưng đó là một vấn đề khác.
[3] Ví dụ, nếu trên máy bay có một hành khách ngả bệnh, và nếu bạn là bác sĩ, thì bạn có quyền (đúng ra là bổn phận!) hô lớn: Tôi là bác sĩ! Nhưng bạn không cần phô trương học hàm học vị của bạn với người bán cà phê chẳng hạn!

THỜI VẮNG NHỮNG NHÀ VĂN HÓA LỚN? Bài của GS. Trần Hữu Dũng

 

Trong một lần gặp gỡ một hóm sinh viên trẻ ở Hà Nội vài năm trước, tôi hỏi các em: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, các em ngưỡng mộ ai nhất? Và tôi ngạc nhiên khi chẳng em nào trả lời tôi được!
Nhớ lại hồi còn trẻ, tôi có thể kể năm bảy người mà tôi ngưỡng mộ, những Đào Duy Anh, những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Đức Thảo, những Hoàng Xuân Hãn, những Nguyễn Hiến Lê… Còn ngày nay? Có thể chăng chúng ta đang sống trong thời vắng những nhà văn hóa lớn?
1. Thế nào là một nhà văn hóa lớn? Tất nhiên, xã hội nào cũng có những trí thức, những người tham gia (có thể rất tích cực) vào hoạt động văn hóa trong lĩnh vực này hoặc lĩnh vực nọ… Song, những nhà văn hóa lớn có một vai trò vượt trội những trí thức khác, và không phải bất cứ xã hội nào, lúc nào cũng có những nhà văn hóa như thế.
Đó là những người mà sự uyên thâm và nhất là tính kiên trì nghiên cứu (nhiều khi lặng lẽ), năng suất làm việc phi thường (hàng mấy chục quyển sách, hàng trăm bài báo, chẳng hạn) hầu như là huyền thoại trong dân gian. Chính tư tưởng của họ “định nghĩa” tính thời đại của một nền văn hóa. Nhà “văn hóa lớn”, nói cách khác, là người có những suy nghĩ vừa sâu vừa rộng, đưa ra những khám phá, lập luận, có tính tổng hợp, liên ngành (ví dụ như lịch sử và văn học, triết học), không bị giới hạn trong một ngành chuyên môn nào.
Nhà văn hóa lớn là người có những ý tưởng độc đáo, hoặc có biệt tài tổng kết nhiều luồng tư tưởng khác nhau, từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Người ấy luôn luôn bám chặt vào những tiêu chuẩn học thuật cao nhất. Qua công việc nghiên cứu của họ, họ khơi dậy sự quan tâm, nâng cao trình độ thảo luận về những vấn đề lịch sử, xã hội, văn minh… nói chung là văn hóa.
Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hóa của xã hội ấy.
Một nhà văn hóa lớn còn phải là một nhà văn hóa dấn thân, nghĩa là, dù tư tưởng của họ có trừu tượng đến mấy, sự chọn lựa chủ đề của họ, hoặc cách tiếp cận chủ đề ấy, luôn luôn có một khía cạnh nhân bản, hoặc là xuất phát từ những sự trăn trở đối với những vấn đề căn bản của xã hội, của con người (hoặc, nếu hoàn cảnh bắt buộc, những vấn đề liên hệ đến chiến tranh và hòa bình).
Nếu đã được đào luyện như là nhà khoa học, một nhà văn hóa lớn có trách nhiệm suy nghĩ về tính nhân văn, tính xã hội của ngành khoa học ấy.
Văn hóa, tự thân, là một hiện tượng công cộng. Nhà văn hóa lớn có khả năng khuếch trương tính công cộng của khoa học mà không hy sinh chuẩn mực học thuật. Một nhà văn hóa lớn cống hiến cho xã hội một hệ tư tưởng, nhất là trong lĩnh vực xã hội và nhân văn, có khả năng khuấy động những trao đổi, đóng góp của những người khác trong lĩnh vực đó, và qua đó, làm giàu cho sinh hoạt tư tưởng của xã hội.
Nhà văn hóa lớn ngày nay cần phải theo dõi khít khao các luồng tư tưởng về văn hóa, chính trị, kinh tế… thế giới, bởi thế khả năng ngoại ngữ là cần thiết. Tuy nhiên, một nhà văn hóa lớn Việt Nam phải là người nhìn những luồng tư tưởng đó qua lăng kính dân tộc và văn minh của người Việt Nam.
Nói khác đi, một nhà văn hóa lớn phải đặt vấn đề văn minh của dân tộc (dù chỉ để phủ nhận nó, nếu muốn!) làm một trọng điểm của ý thức. Kiến thức là thiết yếu, nhưng một nhà văn hóa lớn phải đem kiến thức ấy phục vụ mục đích nhân văn. Nhà văn hóa lớn ngày nay phải thấm nhiễm tư duy “toàn cầu hóa” nhưng cũng phải có một thái độ rạch ròi về hậu quả của hiện tượng này đến những vấn đề quốc gia và dân tộc.
Những nhà văn hóa lớn là những ngôi sao đặc biệt sáng ngời trong bầu trời có thể đã rất nhiều sao. Những nhà văn hóa lớn không nhất thiết là những thiên tài bẩm sinh (thậm chí, họ càng đáng nể phục, càng nhiều ảnh hưởng, nếu công trình văn hóa của họ là do sự kiên trì nghiên cứu, tự học…). Một nhà khoa học xuất chúng có thể đáng ngưỡng mộ nhưng chưa chắc đã là một nhà văn hóa lớn theo nghĩa ở đây.
2. Nếu định nghĩa những nhà văn hóa lớn theo cách đó thì rõ ràng là chúng ta, hiện nay, rất thiếu những nhà văn hóa lớn. Tại sao như thế?
Nhiều người sẽ đổ lỗi cho xã hội. Xã hội không bồi dưỡng những nhà văn hóa nói chung thì làm sao có những nhà văn hóa lớn?
Sự thiếu tôn vinh này quả là đáng tiếc nhưng chưa đủ để giải thích sự thiếu vắng những nhà văn hóa lớn, vì sự thực là, như lịch sử cho thấy, đại đa số những người này không làm việc vì tiền, hay để được xã hội tôn vinh, khen ngợi. Họ cật lực suy nghĩ, viết lách, giảng dạy… vì một sự thôi thúc nội tâm, không phải vì những phần thưởng từ bên ngoài. Thậm chí, nhiều người hãnh diện vì đời sống “khổ hạnh” của mình.
Giả thuyết thứ hai, liên hệ đến giả thuyết thứ nhất, nhưng có vẻ thuyết phục hơn. Dường như ngày càng nhiều phát giác những vụ đạo văn, những vụ lừa bịp, nói chung là những hành động thiếu đạo đức của một số người đã có thời được xem là những “đại thụ văn hóa”. Có thể giải thích rằng những hành động thiếu đạo đức ấy là sự sa ngã do cám dỗ của một xã hội quá trọng vật chất. Những người đáng lẽ là “anh hùng” té ra lại có những cặp chân bằng đất sét.
Bởi vậy, sự thiếu vắng những nhà văn hóa lớn, tôi nghĩ, chỉ phần ít là lỗi của xã hội, mà phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức (là vườn ươm những nhà văn hóa lớn). Oái oăm là, như vẫn thường nói, “thời thế tạo anh hùng”, thì “thời thế” ngày nay không đến nỗi quá bức xúc để anh hùng “đứng lên”.
Cái “lỗi” của xã hội hiện tại không phải vì nó tích cực trù dập những hạt giống văn hóa lớn, nhưng ở sự làng nhàng, sự tầm thường tẻ nhạt của nó. Các vấn đề căn bản của xã hội, của con người, đòi hỏi những công trình văn hóa dài hạn, song những “khuyến khích” cho các công trình văn hóa trong xã hội ngày nay, nếu có, lại có tính ngắn hạn. Có một sự so le giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng văn hóa.
Nhiều người sẽ cho rằng sự thiếu vắng những trí thức lớn còn có một nguyên do khác, rằng một người trí thức “công cộng” phải được phép tự do phát biểu. Nhưng theo tôi, yếu tố thật cần là những cuộc tranh luận, nghĩa là cần những nhà văn hóa lớn khác, và những cuộc tranh luận đó phải bình đẳng, tôn trọng những tiêu chuẩn học thuật phổ quát. Trong tranh luận văn hóa, không ai được quyền dựa vào một thế lực nào ngoài văn hóa.
Có thể rằng, là một nhà văn hóa lớn ngày nay cần có những kiến thức, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và kiến thức về sinh hoạt văn hóa toàn cầu, hơn bao giờ hết. Nhưng không hẳn là như vậy: có cả vạn người, hàng ngày lướt web khắp thế giới, nhưng chưa bao giờ thực sự là nhà văn hóa. Những thông tin họ biết là hời hợt, nông cạn.
Bởi vậy, cái nghịch lý của nhà văn hóa lớn ngày nay là phải vừa biết nhiều, nhưng không cần biết hết, mà phải biết sâu. Phải biết tổng hợp những điều mình nghe thấy với những suy nghĩ của riêng mình. Đây cũng có thể là một lý do của sự thưa vắng những nhà văn hóa lớn, tuy số “trí thức khoa bảng” thì ngày càng nhiều: Với sự chuyên biệt hóa ngành học, ngày càng hiếm đi những người thông thạo nhiều ngành khác nhau, có đủ sức tổng hợp thành một hệ thống tư tưởng độc sáng.
3. Xác nhận sự thiếu vắng những nhà văn hóa lớn là một việc, kết luận rằng đó là một sự kiện đáng quan ngại lại là một việc khác! Bởi, có người sẽ hỏi: tại sao chúng ta cần những nhà văn hóa lớn? Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư mọi ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước (và chúng ta không bao giờ thiếu những nhà thơ, nhà văn!).
Như vậy không đủ sao? Tôi nghĩ là không đủ. Đúng là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần cơm ăn áo mặc, cần một đời sống văn hóa không đến nỗi nghèo nàn… Nhưng chúng ta cũng cần những tinh hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hóa của xã hội ấy.
Nhưng tầm vóc của một nhà văn hóa không phải ngày một ngày hai mà có được. Hãy hy vọng rằng ngay giờ phút này đây đang có những nhà văn hóa trẻ miệt mài xây dựng sự nghiệp văn hóa của mình. Cho những người trẻ này, vào những ngày xuân hôm nay, chúng ta nâng ly chúc mừng và chúc các bạn kiên trì, may mắn, cho bạn, mà cũng cho chúng ta.
___

Đăng lại để tưởng nhớ Anh!





DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...