Linh tinh lang tang (190)) TAXI HÀ NỘI (chuyện trên đường)


Nhiều lần đi taxi và sau này là grap ở HN, tôi hay gặp các bác tài vui tính, hay chuyện.
Mới đây, buổi sáng đầu tuần có hẹn đến công sở kia làm việc. Đường kẹt xe kinh khủng còn hơn Sài Gòn, ngồi trong xe tôi nhấp nhổm và theo thói quen đi xe máy, tôi lầu bầu khi thấy ai đó đi ẩu. Rồi lại sốt ruột nhìn đồng hồ...
Anh tài liếc nhìn qua gương chiều hậu, hỏi: chị có việc gấp ạ? – Vâng, kẹt xe thế này chắc trễ giờ làm việc.
- Chị ở Tp HCM ra à?
- vâng, sao anh hỏi vậy?
- là vì chỉ có các bác ở SG ra mới lo muộn giờ làm việc. Ngoài này chả ai sợ muộn đâu ạ. Rồi anh tuôn một tràng: 9g đến công sở, trà lá cà phê xong hơn 11g kéo nhau ra quán rồi có người đi “chăn rau sạch” đâu đó.
- Vâng... tôi không mặn chuyện nên trả lời để ngắt. Vừa lúc đó có một xe máy tạt ngang đầu xe hơi, anh tài thắng gấp và buộc miệng chửi đm. Rồi quay lại vừa xin lỗi vừa nói: ngoài này “tham gia giao thông” kém ý thức hơn trong SG chị ạ. Em vào trong kia đi ít khi phải chửi bậy, vì người ta đi đứng đúng luật hơn. Kẹt xe chẳng qua vì đường chật người đông thôi.
Như để đỡ sốt ruột, anh bật FM giao thông. Ngoài tin về nơi này tắc đường nơi nọ ùn tắc, FM còn đưa tin chính trị xã hội. Chống tham nhũng, lò đang nóng, củi tươi củi khô cành già cành trẻ... Anh tài lại vui chuyện:
- Cán bộ như chị có tin là chống tham nhũng không chứ dân chúng em chả tin.
- Thế nào thì dân tin hả anh? Tôi thấy cũng quyết liệt ra phết đấy chứ? Anh tài hăng hái nói luôn một tràng:
- Để dân tin á, cứ phải là rõ ràng: bắt, xử tham nhũng thì tịch thu ngay tiền của tài sản của bọn tham nhũng, trả ngay cho dân, bằng cách như: xăng đang tăng giá hả, bù ngay vào giá xăng. Nơi nào bệnh viện quá tải, trường học đổ nát: lấy tiền ấy xây ngay, công bố ngay hết bao nhiêu... Cứ thế dân chúng em mới tin là chống tham nhũng. Chứ cứ thế này chả biết chống kiểu gì vì dân có được lợi gì đâu? Các bác còn đi làm, đương chức đương quyền mà chả nói đỡ cho dân một tiếng?
- Tôi giờ cũng là dân như anh thôi, cán bộ gì đâu. Nghỉ hưu rồi đi làm thêm cho vui, thêm ít tiền còm đỡ phiền con cháu...
- Ôi giời chị đã nghỉ hưu á? Thế chắc cũng phải ngang tuổi mẹ vợ... cháu, mà sao... cô trẻ thế ạ?
May quá, xe đã đến nơi. Kết thúc các chuyến đi luôn “có hậu” khi mình (lại) được khen trẻ 
HN, tháng 6.2018
Hình: Một góc HN xưa như tôi từng biết.
Không có văn bản thay thế tự động nào.

THẦY PHAN HUY LÊ CỦA CHÚNG TÔI

Chia tay giáo sư Phan Huy Lê - người thầy của nền sử Việt - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Thị Hậu
Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM
Cho đến nay, chúng tôi, sinh viên khoa Lịch sử của trường Đại học tổng hợp TPHCM những khóa đầu tiên sau 1975 vẫn gọi Thầy Phan Huy Lê một cách kính trọng và giản dị như thế dù Thầy có rất nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý. Bởi lẽ đối với nhiều thế hệ học trò, Thầy Phan Huy Lê luôn là một người Thầy điềm đạm, chu đáo và cẩn trọng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhân hậu và tình cảm với mọi người.
Những giờ học đầu tiên của chúng tôi về Lịch sử là những trang sử thời cổ - trung đại Việt Nam do Thầy Lê phụ trách. Mười thế kỷ chống ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung quốc, những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Minh – Thanh, qua bài giảng của Thầy đã trở nên sống động và gần gũi với chúng tôi, không phải chỉ từ những chiến thắng hào hùng mà còn từ những “góc khuất” của lịch sử. Những góc khuất ấy, như Thầy nói, không hề làm giảm giá trị của vinh quang mà khi sáng tỏ sẽ làm cho Lịch sử trở nên cao quý hơn!
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được ghi dấu ấn bằng việc phát hiện hàng lọat di tích khảo cổ - lịch sử về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Người “đứng mũi chịu sào” đưa ra những kiến nghị về việc cần thiết bảo tồn khu di tích này với tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội là Thầy Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLSVN. Với riêng tôi, Thầy Lê dù quê hương ở vùng sông Lam núi Hồng nhưng là một “người Hà Nội” vì đây là nơi ông đã sống, làm việc trọn đời, và còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Được làm việc với Thầy trong BCH Hội Khoa học lịch sử VN trong nhiều khóa từ năm 2005 đến nay, tôi luôn nhận được sự chỉ bảo tận tâm của Thầy trong công tác Hội, khi tham gia nghiên cứu lịch sử vùng đất phía Nam, trong cách thức “phản biện” các vấn đề xã hội... Thầy gửi cho tôi những cuốn sách mới của Thầy, mỗi lần gặp Thầy lại động viên “Mình mới đọc bài của Hậu viết về bảo tồn di sản Sài Gòn. Cố gắng nhé!”. Vài năm sau này, quanh việc nghiên cứu Triều Nguyễn và một số nhân vật lịch sử, Thầy đã chia sẻ với chúng tôi về trách nhiệm của người nghiên cứu là phải vượt qua bằng được những khó khăn để có thể khôi phục “sự thật lịch sử”.
Dẫu biết Thầy đã phải nằm viện từ những ngày trước, nhưng thật đột ngột là tin Thầy đã ra đi... Với chúng tôi, sự ra đi của những người Thầy như Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Đinh Xuân Lâm và Thầy Phan Huy Lê đã để lại những khoảng trống không dễ gì bù đắp, dù các Thầy không bao giờ muốn học trò coi mình là “thần tượng”.
Sài Gòn 23.6.2018
https://tuoitre.vn/chia-tay-giao-su-phan-huy-le-nguoi-thay-cua-nen-su-viet-2018062411391966.htm

XÁCH VALI LÊN VÀ ĐI ĐÂU ĐÓ...

Lâu lắm tôi mới lại về một “nhà quê” dù nơi này là một huyện ngoại thành chỉ cách Sài Gòn khoảng 70 km.
Homestay đơn giản, là ngôi nhà một lầu của một cặp vợ chồng lớn tuổi, chồng người Đức vợ quê ở ngay đây. Hai anh chị về đây làm cái homestay này đã hơn 10 năm, chỉ có hai phòng đôi, khách lúc nào cũng có thường là khách Tây vì nơi này gần vài di tích thời chiến tranh. Sự đơn giản và sạch sẽ của phòng ngủ, phòng khách chung và cái bếp nhỏ cũng là một kiểu “Tây” chứ khách Việt thì thích, và phải có, những tiện nghi sang trọng hơn.
Khi anh lái xe đưa tôi đến nơi, anh nghi ngại nhìn ngôi nhà rồi hỏi: phải đây không chị? Khi tôi xác nhận và chào anh, kéo vali đến mở cửa hàng rào, anh vẫn còn ngồi trong xe nhìn ra như e ngại điều gì cho tôi. Chủ nhà ra đón – ông tây già quần cụt áo thun, hỏi tên tôi rồi đưa tôi vào nhà, tôi quay lại vẫy tay chào, anh mới yên tâm lái xe đi.
Một bầy mèo không biết bao nhiêu con và ba con chó sủa nhặng lên chào đón. Ngôi nhà rộng rãi. Mái nhà ngói khung cửa gỗ màu trắng, kế bên là nhà bếp và phòng ăn chung lợp lá dừa dày dặn. Xung quanh xanh ngát vườn cây. Mặt tiền là một “tỉnh lộ” nhưng hầu như không có xe hơi chạy qua, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy. Chỉ một đoạn nữa là đến bờ sông Sài Gòn... Từ trưa đến chiều mùi gió sông qua những vườn cây tràn về, trong lành, dịu mát... Sự yên tĩnh mang lại một nỗi buồn dịu dàng như khi ta phải chia tay một người thân yêu...
Chị chủ nhà xởi lởi, nhiệt tình. “Ít khi tụi tui nhận khách Việt, lần này sao gặp được chị, hay quá...”. Cứ sau một ngày tôi làm việc, chiều chị chở tôi đi vòng vòng trên chiếc xe máy không biết loại gì và thời nào, nhưng ngon lành, đạp là nổ và không chết máy giữa đường, như chị vui vẻ nói khi thấy tôi hơi ngần ngại. Cách nhà chỉ khoảng vài trăm met là một “thị tứ” nhỏ xíu quanh một ngã tư, chợ nhỏ, siêu thị cũng nhỏ, nhưng có tới hai cây xăng và vài quán cà phê rộng rãi, màn hình TV lớn, loa lớn, ‘tối chủ nhật có chương trình hát với nhau” và “tất cả các trận von cup” – như quán dán thông báo. Kể mà ở đến chủ nhật thế nào cũng ra đây hát, lâu rồi không karaoke từ Hoàng hôn màu lá tới Tôi ru em ngủ đến Phượng buồn rồi Chim trắng mồ côi...
Dọc con đường là vài tiệm tạp hóa, quán ăn: cháo gỏi gà vịt, bánh xèo, phở bò... Tô phở bò ngon quá, bò vàng nhà nuôi, hai ba ngày mổ một con, vừa nấu phở vừa bán thịt tươi, có cả bò tơ nữa... Bữa về sẽ ghé mua mang về nhà. Bò vùng này ngon nổi tiếng (như có chị kia nói trong đám nhậu: bò trên em rất ngon! làm nhiều anh ngẩn ngơ)
Trưa trưa đứng nắng tiếng vọng cổ từ nhà ai vẳng tới, đúng là một làng quê Nam bộ. Chiều tối thì bolero chiếm lĩnh không gian một vùng nông thôn đã bắt đầu đô thị hóa, sau một ngày với đủ thứ bề bộn người ta cũng cần “thả lỏng” cả tinh thần và thể chất. Nhưng sáng sớm, rất sớm, lại vang tiếng “loa phường” về những chuyện luôn luôn phải nghe mà thường xuyên không muốn hiểu. May mà homestay ở chỗ này ngược gió nên không nghe rõ tiếng loa. Còn tôi, cả ngày làm việc thường gắn headphone nghe... tình ca Pháp.
Buổi sáng hay chiều mát thả bộ trên đường lang thang ra tới “thị tứ”, đi trên lề đường lát gạch mà thảm hoa vàng trong vườn nhà ai vẫn chờm ra che kín, chim sâu lách chách, lá dừa lá xoài xào xạc, lại thêm mấy con chó cứ lẽo đẽo đi theo (người tuổi tuất), thoang thoảng ngai ngái mùi chuồng gia súc quen thuộc như thời xa xưa... Chỉ vài ngày ở “nhà quê” nhưng đã mang lại cho “người thành phố” một sự an yên còn hơn là “thiền”, để một lần nữa có thể bình tâm “nhìn theo đường hun hút còn xa, xin cám ơn những điều đã qua...”
Một lần tôi đã viết “Cuộc sống thì không có bảo hành. Nhưng khi nó đóng một cánh cửa thì sẽ mở ra một cánh cửa khác”. Đúng vậy, mỗi ngày sẽ là một ngày mới, miễn là mình biết từ chối “sống mòn”...
Sài Gòn 22.6.2018

Vụn vặt đời thường (160) Về một câu nói của ông N.T.Nhân



Hai bữa nay thấy bà con bình luận về câu nói của ông Nguyễn thiện Nhân “Tôi nói giọng Bắc nhưng là người Nam”, nhiều bình luận giễu cợt hoặc cho rằng/diễn giải thành câu nói mang ý chia rẽ Nam Bắc. Tôi thì không nghĩ vậy!

Tôi cũng là một người có hoàn cảnh gia đình như ông Nhân, cũng từng được giới thiệu, hoặc tự giới thiệu là “nói tiếng Bắc nhưng là người Nam” trong nhiều trường hợp: khi làm việc nhất là ở miền Tây, bạn bè còn lạ chưa quen nhau, khi quen nhau rồi (thì được  bạn kèm thêm một câu thân mật: bà này “coi dzậy” mà chơi được lắm!)... Sự giới thiệu ấy có căn nguyên “lịch sử” của nó từ sau 1975 khi nhiều gia đình Nam bộ tập kết trở về quê, vì vậy tôi luôn coi đó là sự giải thích cho một câu hỏi nào đó từ người nói chuyện, cũng như khi người phía Bắc hỏi vui nhau: đồng hương... quê đâu đấy?

Sau này sự phân biệt/phân chia Nam Bắc ngày càng bộc lộ trong nhiều chuyện, nhất là trong văn hóa – văn nghệ (vì văn hóa là sự khác biệt, đa dạng, nhưng không phải là hơn kém hay tốt xấu!), đặc biệt từ khi có “nguyên tắc” (đồn rằng của bác cả đưa ra), rằng thì là mà “TBT phải là người Bắc, có lý luận” thì hố sâu phân biệt Bắc – Nam ngày càng sâu hơn, rộng hơn... Như tôi đã một lần viết trong “Kỳ thị vùng miền – nhìn từ trải nghiệm cá nhân” (dẫn trong comment), thực trạng này còn từ, và thực sự từ kỳ thị chính trị, kỳ thị nguồn gốc “bên thắng bên thua”, thói gia trưởng vs thói cục bộ địa phương trong chính trị, trong văn hóa và cả trong lối sống của một bộ phận người dân nhập cư vào TPHCM... kéo dài trong nhiều năm qua.

Cho nên, tôi cho rằng ông Ng Thiện Nhân - ở một cấp độ cao hơn tôi rất nhiều, lại là ở môi trường chính trị, chắc chắn những trải nghiệm của ông về chuyện này còn gay go hơn tôi cũng gấp nhiều lần!, Vì vậy, có thể một phút “lỡ lời” nhưng thật lòng nói ra câu “Tôi nói giọng Bắc nhưng là người Nam” là để thể hiện sự đồng cảm của ông với tâm tư sâu xa của nhiều người dân ở Thủ Thiêm.
Chỉ đáng tiếc là bạn nhà báo, có thể cũng do đồng cảm, nhưng chưa nhạy cảm để nhận thấy rằng, dẫn lại câu nói đó dù chỉ trên FB cá nhân cũng sẽ là một nguyên cớ để sự phân biệt Bắc Nam một lần nữa lại bùng lên.



gọi là thơ: CÓ MỘT NGÀY

CÓ MỘT NGÀY
Có một ngày
Thành phố của tôi
Hàng rào thép gai kéo ngang đường phố
Trước nhà thờ và bên tượng chúa
Có một ngày
Con đường tôi qua
“Sắc phục” lô nhô đầy góc phố
Trấn áp cả những hàng me
Có một ngày
Quán cà phê tôi ngồi
Xung quanh
Những ánh mắt nghi ngờ
Những bước chân kiểm soát
Chưa thấy tụ tập đám đông
Đã nghe tiếng còi vang lên gay gắt
Những người qua phố hôm nay
Tự hỏi
Ta đang sống ở đâu
Hay là ở “hậu thiên đường”?
SG 17.6.2018

@ Đường sách hình như ko yên tĩnh!
Sáng chủ nhật 17.6.2018 hẹn với mấy giai trẻ gọi mình bằng má bằng cô... ở đường sách để cà phê và bàn vài công chuyện.
Ngồi ở quán cà phê mà phải trái trước sau là những gương mặt vô cùng căng thẳng, thỉnh thoảng lại thì thầm gì đó qua headphone... Đường sách từng tốp các anh trông rất nghiêm trọng, đa số áo thun đen chân dép nhựa cũng mang headphone, cùng vài anh trong trang phục chức năng, đi đi lại lại, ngó ngó nghiêng nghiêng...
Hai đầu đường lực lượng chức năng đứng đầy, thỉnh thoảng tiếng còi xé tai, tiếng ồn ào từ đâu đó...
Bạn ngồi cà phê bưu điện góc Nguyễn Du chỉ nhắn tin cho mình mà ko đi ra khỏi quán được.
Đường sách vắng hơn những cuối tuần khác, không có sự kiện nào tổ chức ở đây hôm nay.
Chuông Nhà thờ lúc 9g... Tiếng chuông lan xa trên cao nghe có gì thật trái ngược với dưới này những dãy hàng rào kẽm gai dựng sẵn khắp nơi...
Mấy cô trò trò chuyện về lịch sử, văn hóa, về sách. Nói chung chém gió và tán láo, và cười như một lũ dở hơi...

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (159)

@ Đường sách hình như ko yên tĩnh! Chủ nhật 17/6/2018
Sáng nay hẹn với mấy giai trẻ gọi mình bằng má bằng cô... ở đường sách để cà phê và bàn vài công chuyện.
Ngồi ở quán cà phê mà phải trái trước sau là những gương mặt vô cùng căng thẳng, thỉnh thoảng lại thì thầm gì đó qua headphone... Đường sách từng tốp các anh trông rất nghiêm trọng, đa số áo thun đen chân dép nhựa cũng mang headphone, cùng vài anh trong trang phục chức năng, đi đi lại lại, ngó ngó nghiêng nghiêng...
Hai đầu đường lực lượng chức năng đứng đầy, thỉnh thoảng tiếng còi xé tai, tiếng ồn ào từ đâu đó...

Bạn ngồi cà phê bưu điện góc Nguyễn Du chỉ nhắn tin cho mình mà ko đi ra khỏi quán được.
Đường sách vắng hơn những cuối tuần khác, không có sự kiện nào tổ chức ở đây hôm nay.
Chuông Nhà thờ lúc 9g... Tiếng chuông lan xa trên cao nghe có gì thật trái ngược với dưới này những dãy hàng rào kẽm gai dựng sẵn khắp nơi...
Mấy cô trò trò chuyện về lịch sử, văn hóa, về sách. Nói chung chém gió và tán láo, và cười như một lũ dở hơi...

@ Khi đã mất niềm tin thì cách đầu tiên và duy nhất là đối thoại, đối thoại sòng phẳng và trung thực về chuyện đã qua rồi mới đến chuyện hiện tại, vì quá khứ là căn nguyên của hiện tại. Không được/ không thể đối thoại sẽ dẫn đến bế tắc, từ đó nảy sinh nhiều chuyện mà bạo động là biểu hiện rõ nhất phổ biến nhất.
Chính quyền không chịu đối thoại với dân vừa thể hiện sự không chính danh (trong những việc làm dân bức xúc), vừa thể hiện không tôn trọng dân, coi dân là “đối thủ”. Lẩn tránh đối thoại càng dồn sự việc vào bế tắc. Cùng tắc biến! 
“Từ tia lửa sẽ thành ngọn lửa” –một lãnh tụ của cách mạng vô sản thế giới đã nói như vậy đấy! "Chở thuyền cũng là Dân, lật thuyền cũng là Dân", từ thế kỷ 15 Nguyễn Trãi đã nói như vậy đấy!
(stt từ hồi vụ Đồng Tâm)

@ Chính quyền Bình Thuận cần tổ chức ĐỐI THOẠI NGAY với nhân dân. Đấy là cách để những phản ứng của người dân được bộc lộ đúng chỗ và phù hợp!
Xin các bạn FB cẩn trọng trong việc đưa tin. Đất nước cần phải thay đổi nhưng KHÔNG phải bằng bạo lực và máu của đồng bào ta!
@ Quốc hội: Đồng bào hãy bình tĩnh.
Đồng bào: Bớ quốc hội lai tỉnh lai tỉnh!


@ Trái bóng tròn bị đá bao nhiêu vẫn tròn căng. Nhưng chỉ cần một mũi kim châm là xì xẹp lép!

@ Một đàn thằng ngọng đứng xem mấy
Chúng bảo nhau rằng "éo ám ây"! 

Không có văn bản thay thế tự động nào.
Hò dô ta... lào, kéo đám mây về Đông Lào !

@ Luật ANM có thể bịt miệng người dân nhưng không thể cấm nhân dân nhận thức đúng sai!

@ QUỐC HỘI CÒN NỢ NHÂN DÂN LUẬT BIỂU TÌNH!

@ VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI LÀ BAO NHIÊU NĂM MÀ LÀ NÓI KHÔNG VỚI ĐẶC KHU.

Linh tinh lang tang (183)

CHO MỘT NGÀY BUỒN…
Có lần, con gái viết stt “Thật sự thất vọng về một vài người… sao họ có thể hành xử với người khác như thế?”. Mình đã còm thế này: Cảm giác Thất vọng cũng là một điều tốt con ạ. Có thất vọng nghĩa là ta còn biết hy vọng và tin tưởng ở những điều tốt đẹp, những người tử tế, còn không thể chấp nhận những điều xấu, làm tổn hại, tổn thương con người. Có nghĩa là, “Lúc em ra chào đời Mẹ cho một trái tim để yêu” chứ không phải một cục thịt trong ngực chỉ để “cầm chơi”.
Mình đã trải qua nhiều lần thất vọng, vậy mà mỗi lần như thế vẫn đau, vẫn buồn, vẫn không thể chai sạn, vẫn tự hỏi Tại sao? Và vẫn không thể xử sự như thế…
Mỗi hành xử đâu chỉ gây ra cảm giác tích cực hay tiêu cực, mà còn thể hiện trách nhiệm! Trách nhiệm với xã hội và cao hơn là trách nhiệm với chính mình: một – con – người chứ không phải là loại động vật chỉ chăm lo cho bộ lông và cái dạ dày.

Con người trải qua hàng triệu năm để tiến hóa, biết nói và được nói. Thời công nghệ 4.0 có thể nào vẫn tư duy bịt miệng nhân dân?!

P/S. Luật An ninh mạng đã được QH thông quá với hơn 86% đồng ý. Có thể bịt miệng người nhân nhưng không thể cấm nhân dân hiểu biết và nhận thức đúng sai. 

THÁNG TƯ - TÌM QUÊN - NÉT CHỮ


TÌM QUÊN

Làm gì để có thể quên anh?
Trăm lần em tự hỏi
Vẫn không có câu trả lời khả dĩ
Thôi thì, làm gì để đỡ nhớ anh?
Ngàn lần em tự hỏi
Cũng không tìm ra đáp án

Nhớ quên là chuyện thường tình
Sao em không thể
Để anh đi vào quá khứ
Triệu năm sau bụi thời gian lấp đầy ký ức
Em sẽ khai quật lại
Một thời khờ dại
Cả “tuổi thanh xuân” để dành nhớ một người

Mười năm mười năm mười năm
Nẻo xưa khuất, khúc huyền cầm đã ngưng...


THÁNG TƯ
Có một ngày như là cuối thu
Xao xác lá vỉa hè phố cũ
Hương cà phê nồng nàn 
Thoang thoảng nhẹ ấm chè mạn ngày xưa
Mùi ổi chín phố ngoại ô đầy gió

Tuổi mùa thu bất ngờ gặp lại
Những nụ hoa run rẩy trắng
Tinh khôi
Bồi hồi
Tháng Tư

Ừ thôi
Chia xa
Đâu phải là chấm hết
chỉ mới bắt đầu, tất cả…


NÉT CHỮ

Anh và em chưa từng biết nét chữ của nhau
Từ khi quen ta chỉ trò chuyện bằng internet
Email nhắn nhe chat chit
Facebook sẻ chia bức xúc phản đối tán thành…
Những con chữ đều đặn, sạch sẽ, chỉn chu
Dù của anh hay em hay bất kỳ ai khác
Giống hệt nhau. Vì tất cả đều từ máy tính

Đôi lúc em tự hỏi
Có khi nào ta mong muốn biết
Nét chữ người yêu thế nào?

Rồi một lần
 Anh nhận được mấy – chữ - của – em
Những con chữ đàn bà ba phần mềm mại
Cứng cỏi bảy phần - đời - đơn - chiếc
Anh đã làm điều chưa từng khi nhìn trên máy tính
Gọi thầm tên em.

Báo Tiền Phong chủ nhật 9/6/2018

Kết quả hình ảnh cho hoa tím đẹp



@ Linh tinh lang tang (182). Kiếp sau


Chuẩn bị đi vài ngày nữa. Quen đến mức chỉ cần 10 ph là sắp xếp xong tất cả.
Hồi xưa, khi còn vất vả vì con nhỏ, ở nhà tập thể nửa đêm mới có nước nên vác thau đồ đi giặt. Ngồi ở bể nước mà chỉ sợ chuột cống chạy đâm vào chân! Vác thau đồ vừa to vừa nặng khi quần áo ướt, mình nghĩ, kiếp trước của mình chắc là con rùa vác cái thau trên lưng! Rồi lại nghĩ kiếp sau có khi chỉ đầu thai thành cái chậu. Ước gì đầu thai thành chậu nhôm Liên xô trông cho nó hoành tráng 
Rồi những lúc làm “đầu bếp” đám cưới ở bảo tàng, lại nghĩ khéo kiếp trước mình cầm tinh cái... thớt. Bị băm bổ thế mà vẫn bền! Ai chê cái thớt chứ trong bếp mà ko có nó thì gay go đấy! Thế là lại ước, kiếp sau nếu có làm thớt thì vào nhà hàng nào chuyên nghiệp tí, thớt nào thức ăn ấy không lẫn lộn lung tung, vừa trông cũ xấu tang thương lại vừa mất vệ sinh 
Sau đi chở hàng bỏ mối thì nghĩ, có khi kiếp trước là xe bò, mà chả biết mình là bò hay xe? Thôi thì nếu kiếp sau cố đầu thai thành xe tải hay xe ben – lại sợ, nhỡ đầu thai thành xe lu thì... 
Còn trước mỗi chuyến đi như bây giờ luôn nghĩ... có khi nào kiếp sau mình đầu thai thành cái bánh xe, quay đều quay đều quay đều... Nhưng là bánh xe của máy bay, trông nhỏ bé thế mà không có nó thử xem, có cánh cũng chẳng bay lên được nếu không chạy lấy đà. Hay hạ cánh mà không có bánh xe đỡ thì... xong phim 
Thôi mình lượn đây. Dự là trong vài ngày tới SG mát mẻ hơn còn HN thì sẽ nóng hơn mức bình thường 

LUẬT VỀ ĐẶC KHU VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI NHÂN DÂN, VỚI LỊCH SỬ



Kỳ họp quốc hội tháng 6/2018, ngoài những vấn đề nóng mà nhân dân mong muốn được nghe quốc hội lên tiếng như việc “thu giá BOT”, việc đạo văn, phong hàm giáo sư, phó giáo sư trong ngành giáo dục... và nhiều “việc thường kỳ” của các lĩnh vực khác, nhân dân cả nước rất quan tâm đến một vấn đề có tầm quan trọng nhất và ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của đất nước, đó là việc quốc hội bàn luận về Dự thảo để quyết định thông qua LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC.
Được biết, chủ trương thành lập các đơn vị hành chính này đã bắt đầu từ vài năm trước, những ai quan tâm sẽ nhận ra tín hiệu từ việc nhiều đại gia đổ xô đến những khu vực này mua bán đất đai, giá đất tăng nhanh nhất là trong một, hai năm gần đây. Cũng như nhiều khu kinh tế khác đã hình thành, việc đầu tư tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc dù sôi động đến đâu vẫn được coi là bình thường, như một sự chuyển mình, phát triển mà ít nhiều mang lại sự thay đổi ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, sự quan tâm của nhân dân đến Dự luật về ba “đặc khu” và gây nên rất nhiều lo ngại chính là từ những điều khoản ảnh hưởng lớn đến chủ quyền quốc gia cả về chính trị, quân sự và kinh tế.
 Nhiều chuyên gia về kinh tế đã chỉ ra sự lạc hậu và những bất lợi của mô hình ‘đặc khu” đối với những nước đang phát triển như nước ta, bởi vì mô hình này đã ra đời từ vài chục năm trước trong hoàn cảnh của thế giới khi ấy. Những quốc gia áp dụng mô hình này đều đã có nhiều bài học kinh nghiệm mà không phải đều là bài học thành công, bởi vì mỗi quốc gia có một hoàn cảnh lịch sử riêng, điều kiện kinh tế xã hội riêng. Mấy chục năm sau, thế giới đã phát triển và thay đổi rất nhanh, bản thân cấu trúc và hoạt động của mô hình này cũng phải khác trước. Vì vậy những bài học thất bại của các “đặc khu” chính là sự cảnh báo quan trọng và cần thiết mà chúng ta phải quan tâm chứ không chỉ nhìn thấy một vài thành công, thậm chí chỉ ở một quốc gia mà coi đây là con đường duy nhất để phát triển.
Từ góc độ khác, cả ba đặc khu đều nằm ở vị trí đặc biệt nhạy cảm cả về quân sự và an ninh quốc gia: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những “tiền tiêu” trấn giữ bờ biển và biển Việt Nam, từ Vịnh Bắc bộ đến vùng biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cho tới biển Tây Nam ở Vịnh Thái Lan. Điều nguy hiểm là ngay từ tháng 3/2014 tại đã Hạ Long diễn ra Hội thảo về Đặc khu Kinh tế do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Đại học Thâm Quyến tổ chức (1). Tham gia hội thảo chỉ có lãnh đạo bốn tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lâm Đồng, đó là ba địa phương nằm ở ven biển có ba đơn vị hành chính trên và Lâm Đồng – tỉnh cao nguyên miền Trung có khu công nghiệp khai thác Boxit – một đại dự án cũng từng nhận được rất nhiều ý kiến lo ngại, cảnh báo và phản đối của nhiều chuyên gia, trí thức và các tầng lớp nhân dân về sự nguy hại và hoàn toàn bất lợi cho ta.
Rồi mới đây, tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 vào tháng 2 năm 2018, được tổ chức bởi Hội Khoa học và Chuyên gia VN Toàn cầu, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong tài liệu hội thảo đã thẳng thừng nhắc đến vị trí chiến lược của Quảng Ninh và đặc khu Vân Đồn là "tiếp điểm quan trọng của dự án One Belt, One Road của Trung Quốc" ("an important node on the project One Belt, one Road of China")(2). Cả Bắc Vân Phong đều thuộc vùng “chiến lược” này còn Phú Quốc nằm ngay sát bên.
Theo dự luật: “thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 99 năm! Một thế kỷ - thời hạn dài một cách không tưởng trong thời đại ngày nay, khi mà một mỗi giây phút trôi qua thế giới đã có những biến đổi to lớn, mỗi một thế hệ kịp phát minh, nhận biết, tiếp thu được khối lượng tri thức khổng lồ bằng biết bao nhiêu thế kỷ trước... Vậy mà với vị trí chiến lược và ba vùng đất giàu tiềm năng như thế lại cho nước ngoài thuê đến 99 năm – khoảng thời gian bằng vài ba thế hệ người Việt Nam. Lẽ nào người Việt Nam chúng ta mãi mãi không đủ điều kiện, trình độ, tài năng để phát triển đất nước mình mà phải dựa dẫm vào nước ngoài như một sự lệ thuộc kiểu mới?
Từ hàng chục năm qua trong nước đã có nhiều khu vực và mô hình kinh tế mà chủ đầu tư là trong hay ngoài nước, đã có nhiều ưu đãi, dành được nhiều điều kiện thuận lợi từ trung ương đến địa phương... Tuy nhiên phải nói rằng việc quản lý nhà nước đối với những khu vực đó không mang lại sự tin tưởng của người dân đối với hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường...  cũng như kết quả khác từ hoạt động của các chủ đầu tư này. Boxit Tây Nguyên hay Formosa Hà Tĩnh, những nhà máy nhiệt điện, công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội... là vài trường hợp điển hình như vậy.
Mặt khác, từ những dự án, công trình trên còn phát hiện ra nhiều sai phạm của các cấp, các ngành quản lý, phổ biến hiện tượng “đặc khu là đặc quyền, đặc lợi”. Do đó sự lo ngại, cảnh báo, phản biện của giới chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân đều có cơ sở và qua thời gian ngắn cho thấy phần lớn các ý kiến là đúng đắn.
Vì vậy, Dự luật về đặc khu với nhiều điều khoản ưu đãi, thời gian quá dài và nhằm vào những vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự, với tính chất “khép kín” và “độc lập” của các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc... hoàn toàn có cơ sở để nhân dân lo ngại, lên tiếng đề nghị xem xét lại Dự luật này, không phải chỉ về thời hạn của đặc khu mà còn cả về tính hợp lý, sự cần thiết của việc thành lập đặc khu, nhất là sự lo ngại rằng không thể lường trước những bất trắc và hệ lụy đối với hiện tại và tương lai của đất nước!
Chủ trương về thành lập các đặc khu từ vài năm trước đây có thể là đúng và cần thiết, nhưng, như đã nói ở trên, với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới toàn cầu và sự thay đổi của chính nước ta, việc quốc hội trong kỳ họp này xem xét lại Dự luật này là hoàn toàn cần thiết, chứng tỏ trách nhiệm của quốc hội đối với nhân dân và tương lai của đất nước.
Xin được gửi vài lời đến các đại biểu quốc hội: Thưa quý vị, tôi tin rằng trước khi bấm nút đồng ý hay không đồng ý thông qua Dự luật về các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, quý vị ĐBQH đều nhớ rằng mình là người Việt Nam trước khi là quan chức, doanh nhân hay bất cứ một cương vị nào. Tôi cũng tin rằng con cháu quý vị, không phải ai cũng mang tâm thế và hành xử kiểu COCC dốt nát, tham lam và hèn hạ, mà cũng như phần lớn người Việt Nam, họ là những người trẻ có lòng tự trọng, có tri thức và có trách nhiệm với đất nước, với tiền nhân. Nếu quý vị hành động sai lầm thì không có gì đau xót hơn là sẽ bị chính con cháu mình lên án!
Tôi rất mong quý vị ĐBQH chứng tỏ quốc hội là của nhân dân! Đừng để bị lịch sử lên án, và nhất là đừng để thế hệ tương lai phải sửa sai cho chúng ta. Hãy để tương lai làm việc của tương lai, nếu không đất nước ta mãi mãi lạc hậu trong nhục nhã vì không thể ngẩng mặt nhìn ai.

Sài Gòn ngày 8.6.2018
TS. Nguyễn Thị Hậu
Phó Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử VN

Chú thích:
(1) http://baoquangninh.com.vn/theo-dong-su-kien/201403/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-ve-phat-trien-dac-khu-kinh-te-kinh-nghiem-va-co-hoi-2223071/
(2) http://www.vsf.a-vse.org/…/…/02/W4.2.DoanDinhHong_Slides.pdf
http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201801/dien-dan-ben-vung-viet-nam-2018-cac-chuyen-gia-trao-doi-ve-mo-hinh-dac-khu-van-don-2371496/




NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÃNG DU QUA HAI THẾ KỶ



Người đàn ông ấy là Phan Vũ. 
Người ta gọi ông là nhà thơ, đạo diễn, tác giả, họa sĩ… những nghề và nghiệp ông trải qua và thành danh trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ (và hôm nay vẫn tiếp tục) của ông. Nhưng tôi muốn gọi ông là Người lãng du với những ý nghĩa đẹp nhất của từ này. Người đàn ông lãng du với một trái tim sôi nổi và trong trẻo, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không đánh mất sự sôi nổi và trong trẻo ấy…

Phan Vũ thuộc thế hệ những nghệ sĩ trong hoàn cảnh thuộc địa đã tiếp nhận nền văn hóa Pháp qua văn chương, nghệ thuật và cả tinh thần tự do – bình đẳng – bác ái của cách mạng Pháp. Đó cũng là thế hệ “cầu nối” giữa văn hóa phương Tây và văn hóa dân tộc, giữa truyền thống với “đổi mới” sau những biến động lịch sử bi tráng của thế kỷ 20 mà các ông cũng là những người góp phần làm nên.

Có lẽ phải đến một độ tuổi nào đấy, người ta mới thấm được những gì mà thế hệ nghệ sĩ như Phan Vũ và nhiều người khác đã trải qua và để lại bằng những tác phẩm của họ, là văn, thơ, họa, nhạc... hay chỉ là những mẩu chuyện kể lại một cách bình thản nhưng chứa chất nhiều nỗi truân chuyên, và phải rất lâu sau mới được xuất hiện với công chúng...  Với tôi, thơ Phan Vũ là một trường hợp như thế.

Công chúng phần lớn biết đến thơ Phan Vũ từ ca khúc Em ơi Hà Nội phố. Nhạc sĩ Phú Quang đã bắt được sự tinh túy của bản trường ca để phổ nhạc, và mang lại sự thăng hoa cho những câu thơ da diết và giản dị. Thật ra, những người bạn của ông thì đã biết một Phan Vũ nhà thơ từ thập niên 1950, mà bài thơ đầu tiên như báo trước số phận Thơ của ông: Bài Bình vỡ  (tôi luôn gọi bài này là Chiếc bình màu xanh – màu của hy vọng dù bị vỡ vẫn luôn chờ một bông hoa đỏ thắm, một bông hồng của tình yêu)). Bài thơ suýt đăng trên Giai phẩm số 6, nhưng sau Giai phẩm số 5 thì bị đình bản. Và thế là bài thơ chỉ lưu trong trí nhớ vài người bạn thân của ông qua mấy chục năm.

Trong tập thơ mới xuất bản của ông (*) ngoài trường ca Em ơi, Hà Nội phố còn có hơn 30 bài thơ tình của ông. Vâng, không thể nói khác, thơ Phan Vũ viết về gì, viết cho ai cũng là Thơ Tình, đẫm tình như tính cách của ông, sôi nổi, trong trẻo và rất trẻ! Những “người tình” của Phan Vũ qua những câu thơ không dễ nhận diện như qua tranh của ông sau này, nhưng có thể nhận thấy ông dành cho họ sự xúc động không kìm nén và tràn đầy tình yêu như thể họ chỉ mới đi qua ông đây thôi…

Nhiều bài thơ ông viết cho nghệ sĩ Phi Nga – người vợ xinh đẹp và hiền dịu của ông - da diết và trìu mến lắm, không chỉ như cho một người vợ, người tình mà còn như cho một tri kỷ… Những mối tình như thế hình như thế hệ sau rất hiếm có, phải chăng vì ít phải trải qua những thử thách của hoàn cảnh, thiếu lòng kiên nhẫn và cả sự chịu đựng để cùng nhau đi đến cuối đường đời…

Và hơn hết cả là Em ơi Hà Nội phố - tình yêu hơn mọi tình yêu, nỗi đau hơn mọi nỗi đau, niềm day dứt hơn mọi day dứt của Phan Vũ. Có lẽ không cần nói nhiều về 23 khổ thơ của trường ca mà mỗi câu thơ chạm vào tim làm ứa ra những giọt hồng nóng hổi thương yêu lối xưa phố cũ… Những mảnh Hà Nội của Phan Vũ như kim cương nhiều màu sắc, long lanh mà sắc bén, cứa vào ký ức người từng sống ở Hà Nội, như tôi, vỡ òa…
Ta còn em, ta còn em, ta còn em… Hà Nội…
Không nhiều người có thể chung thủy được với một ký ức như thế, như Phan Vũ, người đàn ông lãng du qua hai thế kỷ.
***

Mối quan hệ thân thiết của ba tôi, gia đình tôi với chú Phan Vũ và người vợ tuyệt vời của chú - cô Phi Nga, bắt đầu từ những ngày kháng chiến chống Pháp ở Long – Châu – Hà, cũng là bắt đầu từ sân khấu. Ba tôi là Trưởng đoàn truyền bá vệ sinh của Sở Y tế Nam bộ, chú Phan Vũ ở Chi hội văn nghệ Nam bộ. Hai cơ quan thường phối hợp biểu diễn văn công phục vụ bà con.

 Trong hồi ký của ba tôi có chuyện chú Phan Vũ dựng vở kịch Bạch Mao Nữ với cô Phi Nga đóng vai chính, ba tôi đóng vai Dương Bạch Lao, cha của Bạch Mao Nữ, chú Can Trường đóng vai địa chủ Hoàng Thế Nhân. Diễn viên nhập vai đến nỗi, cô Phi Nga bị phỏng vì lửa cũng không hay, nhân vật của ba tôi bị chết đói, nằm sát cánh gà thì được một bà má đến ngồi quạt xua muỗi vì “tội nghiệp ông già chết rồi còn bị muỗi cắn”, còn chú Can Trường thể hiện địa chủ “ác” đến nỗi suýt chết vì một viên đạn từ dưới khán giả bắn lên.

Sau này tập kết ra Bắc, khi chú Phan Vũ và cả khi ba tôi gặp những chuyện không may tai bay vạ gió thì hai người luôn bên nhau, chia sẻ, nâng đỡ nhau... Và, như tôi hỏi vui và chú Phan Vũ gật đầu xác nhận, còn “che giấu” cho nhau những mối tình xinh xinh, lãng mạn, trong đó có những niềm đau không dễ quên...   

Ba tôi mất hơn 30 năm rồi nhưng chú Phan Vũ vẫn luôn nhớ và nhắc đến ông, và tôi, được thừa hưởng tình cảm của chú Phan Vũ đối với ba mình nên giữa hai chú cháu vừa là tình cha con vừa là tình cảm của những người bạn vong niên, vì có lẽ tôi có những đồng cảm với chú, như từng hiểu ba mình.
Chính vì vậy tôi viết những dòng này như một lời cám ơn tình cảm ông dành cho tôi, là sự biết ơn vì ông đã giữ lại qua thơ, và cả tranh nữa - một Hà Nội rất đẹp của tuổi thơ tôi…


Sài Gòn, 1.6.2018
Nguyễn Thị Hậu

*Phan Vũ, Ta Còn Em, thơ. Nhã Nam và NXB Hội nhà văn xuất bản 4.2018

 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...