NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY

Nguyễn Thị Hậu

Tôi biết nhạc Trịnh từ năm 17 tuổi.
Đó là vào tháng 5 năm 1975, tôi từ Hà Nội theo gia đình về quê, về Sài Gòn. Gia đình tôi ở tạm trong một căn phòng tại trụ sở Ban tiếp quản khối văn nghệ tại 5B Trần Quý Cáp (bây giờ là Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần). Chỉ là một phòng trong ngôi biệt thự nhưng so với căn nhà tập thể 16m2 của gia đình tôi ở Hà Nội thì quá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt là một kệ sách lớn suốt chiều dài bức tường, ngăn kệ dưới là một dàn AKAI và hai chồng băng nhạc bên cạnh. Trong máy một cuộn băng đang nghe dở… Sơn Ca 7.
“Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…, thấy đời là những quán không…” Câu hát đầu tiên của Trịnh tôi nghe, và thuộc, và cho đến bây giờ luôn trở về với tôi. Vì sao không phải là Diễm xưa, hay Cát bụi, hay Nắng Thủy tinh, hay... Có nhiều bài hát mà rất nhiều người sẽ nhắc đến khi nói về nhạc Trịnh, nhưng với tôi, Nghe những tàn phai chính là "mối tình đầu" của tôi với nhạc Trịnh Công Sơn.

Những ca từ ám ảnh tôi từ lần nghe đầu tiên, mỗi lần nghe lại, và mỗi lần hát lại... Lạ lùng, khi tôi buồn, những ca từ ấy, giai điệu ấy mang lại sự an ủi, sự bình yên, và lau khô những giọt nước mắt cho tôi... Khi vui, cũng những ca từ ấy, giai điệu ấy lại mang đến cho tôi chút gì như sự tiếc nuối, nỗi buồn ngọt ngào, nỗi nhớ mơ hồ một điều gì tốt đẹp đã qua, hay là chưa đến... Khi tâm trạng nặng nề đã qua, bình thản nhìn lại, những chuyến xe lướt qua những đám đông những quán không… tất cả đã ở lại bên đường phía sau.
Ở tuổi 17 tôi cảm nhạc Trịnh khác hẳn dòng nhạc tôi từng quen thuộc trước đó, “nhạc xanh” – như hồi đó người ta vẫn gọi những bài hát lãng mạn của Nga, của Pháp, của Ý hồi thập niên 60, 70, để phân biệt với ca khúc cách mạng (sau này gọi là nhạc đỏ), nhạc vàng – những bản bolero phổ biến ở Sài Gòn. Nghe Trịnh  là tự tách mình khỏi đám đông, cô đơn để cảm nhận lòng mình, sự cô đơn không thể thiếu nếu muốn tự mình suy ngẫm. Nếu không có sự cô đơn này con người dễ bị cuốn theo đám đông cảm xúc luôn bồng bột thất thường, cái đám đông có thể làm nhiều việc kinh khủng nhưng không làm được một việc giản dị: làm cho con người hiểu nhau hơn, và yêu nhau hơn…
Và cũng phải đến một tuổi nào đó người ta mới thật sự thấm những ca từ của Trịnh, không qua giai điệu bài hát mà từ “nhạc điệu” của chính câu chữ đó. Bạn hãy đọc bằng mắt lời bài hát của Trịnh mà xem, tự nó vang lên thanh âm riêng mà không cần cố phải hiểu những tầng nghĩa ẩn sau ca từ.
Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây…
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay…
Chỉ cần những lời dịu dàng này vang lên trong tâm tưởng cũng đủ làm trái tim âm thầm ứa những giọt nước mắt. Chia ly, chỉ vì phải thế, nhẹ nhàng như thế. Quay lưng là mất nhau mãi mãi… Bởi vì đã trót mang nặng kiếp người… từ ngày mẹ cho.
Đã có nhiều người hát nhạc Trịnh, nhưng cũng như nhiều người, tôi chỉ thích nghe Khánh Ly, vì chị mang Trịnh đến với tôi đầu tiên, vì chị luôn bên tôi trong những tháng năm khốn khó nhất phải làm tất cả mọi việc có thể làm để sống. Thời ấy, cuối những năm 80 làm gì có heaphone, chỉ có cái catsette nhỏ, mỗi khi thức dậy từ nửa đêm để làm thêm lấy tiền nuôi con ngoài đồng lương giáo viên nhỏ nhoi, một mình với Trịnh và Khánh Ly… tiếng hát Khánh Ly đã nâng đỡ tôi vượt qua những giây phút tưởng như có thể  gục ngã. Bốn mùa mải miết trôi theo những dòng sông in bóng con trăng in dấu cát bụi lưu dấu hình hài…  Tôi không biết có ai từng như tôi, đã qua được tất cả để đến một lúc có thể tự tin “mắt tình đưa” với cuộc đời.
Nghe Trịnh, với tôi nhiều nhất chỉ là hai người, thêm một nữa thì nhạc Trịnh chỉ còn giai điệu mà ca từ mất hẳn vẻ duyên dáng lấp lánh… vừa xa vừa gần của nó. Bởi vậy tôi chưa bao giờ đi nghe nhạc Trịnh ở bất cứ đâu đông người. Nếu có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh mà thấy hay thì tôi mua băng, đĩa về nghe, “chung thủy” và không chia sẻ Trịnh với ai…
Có lẽ cũng phải kể chút về những lần tôi được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ba tôi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên như một lẽ tự nhiên, ông có nhiều bạn bè trong lĩnh vực này. Ngoài những người bạn trong sân khấu cải lương của ông, ông có vài người bạn thân ở lĩnh vực khác, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng – đồng hương An Giang, và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một trong hai bạn thân là người Huế (người kia là nhà thơ Thanh Tịnh). Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn là “bạn nhậu” của ông trong những cuộc gặp thâu đêm, ở nhà tôi, nhà chú Sáng hay ở bất cứ nơi nào mà ba người cùng có mặt. Anh Sơn và chú Sáng thường nể ba tôi vì sức uống và sức ngồi “dai” của ông. Tôi thường được “ngồi ké” những cuộc rượu này, vì là con gái út lại kiêm nhiệm vụ lo đồ nhậu cho ba và các chú các anh.
 Những cuộc rượu tâm tình, trò chuyện, những băn khoăn những buồn phiền khi chứng kiến nhiều chuyện không hay trong những năm đó… Tôi không thấy có sự phân biệt “bên” nào giữa những người nghệ sĩ như ba tôi và những người bạn của ông. Sự mẫn cảm và nhân hậu của những nghệ sĩ thực sự đã đưa các ông đến với nhau, chung thủy và tử tế với nhau đến những giây phút cuối cùng. Ngày ba tôi mất chú Sáng và anh Sơn có mặt trọn 3 ngày tang lễ. Ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ngày nhà văn Nguyễn Quang Sáng mất, tôi đều ở xa không đến thắp nhang cho chú, cho anh được. Nhưng tôi luôn thầm nghĩ “bây giờ ba và anh, chú đã gặp nhau ở thế giới bên kia rồi, chắc hẳn nơi ấy sẽ bình yên hơn nơi đây…”.
Tôi chưa từng kể những chuyện này, bởi lẽ mình chỉ là một trong hàng triệu người yêu thích nhạc Trịnh, bởi hiểu, nếu mình đã từng được biết và gặp Trịnh thì cũng là một sự tình cờ may mắn của cuộc đời này mang lại cho tôi, cũng như hàng trăm người từng được quen biết và yêu quý ông.
Vài tháng sau, khoảng tháng 8/1975, gia đình tôi chuyển về vùng Phú Nhuận ở tại ngôi nhà của ông bà tôi cho đến bây giờ. Toàn bộ đồ đạc gồm cả tủ sách, dàn AKAI và chồng băng nhạc vẫn để lại căn phòng đó, đơn giản vì "mình ở tạm, không phải là của mình sao lại dọn đi" - ba tôi nói vậy. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc tủ sách và chồng băng nhạc!
Mười năm, hai mươi năm... bốn mươi năm. Tôi luôn mong gặp được chủ nhân căn phòng ở 5B Trần Quý Cáp khi ấy, chỉ để cám ơn người vì đã vô tình cho tôi gặp Trịnh ngay trong những ngày đầu tiên tôi ở Sài Gòn, bởi vì nhạc Trịnh không chỉ mang lại cho tôi một Sài Gòn quyến rũ của “những mùa nắng lạ” mà vì tôi còn tìm thấy chính mình mỗi lần nghe Trịnh, suốt 40 năm qua…
Sài Gòn 1.4.2015
 Kết quả hình ảnh cho Trịnh công sơn khánh ly

GIẢI TỎA CÁC CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO LÂU ĐỜI LÀ KHÔNG THỎA ĐÁNG

Bài trên báo Người Đô Thị số 2/2017
Nguyễn Thị Hậu

Từ đô thị đến thôn quê, ở đâu các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu hay hội quán, nhà thờ, tu viện… đều là trung tâm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Đó còn là nơi tổ chức những hoạt động công ích như từ thiện, nuôi dưỡng người bệnh tật, người già và trẻ mồ côi… Đặc biệt trong khu vực của nhà thờ hay tu viện đều có trường học, vừa dạy theo chương trình giáo dục chung vừa giảng dạy giáo lý cho con em giáo dân. Do đó, cộng đồng dân cư ở đâu cũng gắn bó với các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Hình ảnh kiến trúc tôn giáo trở thành biểu tượng của quê hương bản quán như mái đình, tháp chuông cũng như dòng sông, bến nước… Nhiều công trình tôn giáo trở thành niềm tự hào của cộng đồng do tuổi đời lâu năm và những giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Sài Gòn là một đô thị đa dạng về văn hóa, trong đó những kiến trúc kiểu phương Tây gồm công sở, biệt thự, công trình công cộng và nhất là công trình Công giáo như nhà thờ, tu viện, trường học… đã trở thành những điểm nhấn trong cảnh quan đô thị từ khu trung tâm đến vùng ven và ngoại ô. Dù nhiều cơ sở tôn giáo được thiết kế và chỉ đạo do kiến trúc sư người phương Tây, nhưng được xây dựng từ chính công sức và tiền của của cộng đồng người Việt Nam sinh sống trong từng giáo xứ, thậm chí có công trình xây dựng và được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Riêng về công giáo, trải qua nhiều thăng trầm, đổi tên, tách ra rồi lại sáp nhập, hiện nay Tổng giáo phận Sài Gòn có 23 giáo họ đã được trên 100 năm thành lập: Chợ Quán – 1723, Chí Hòa – 1771, Thánh Gẫm (Gò Công – 1848), Xóm Chiếu – 1856, Chợ Đũi (Huyện Sĩ) và Thủ Thiêm – 1859, Tân Định – 1861, Cầu Kho và Bà Điểm – 1863, Phanxico (Cha Tam) – 1865, Chợ Cầu – 1869, Vĩnh Hội – 1875, Thủ Đức – 1879, Tân Quy và Tắc Rỗi – 1880, Bình Chánh – 1884, Thị Nghè và Gò Vấp – 1888, Long Đại – 1990 và Hạnh Thông Tây – 1910[1].  Cùng với sự hình thành các giáo xứ là những công trình kiến trúc nhà thờ, tu viện… qua hơn một thế kỷ đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản đô thị Sài Gòn – TPHCM.

Theo một số tài liệu lịch sử thì “từ những vùng lân cận các nữ tu chạy loạn tụ họp lại, thành lập cộng đồng nữ tu dòng Mến Thánh Giá tại Thủ Thiêm vào năm 1840”. Thủ Thiêm là một vùng quê  ven sông Sài Gòn. Theo người dân địa phương, ban đầu nơi này được gọi là Thổ Thêm do vùng đất bồi mỗi ngày một cao thêm nhờ sông Sài Gòn. Dần dần người ta đổi thành Thủ Thiêm, đồng âm đầu với những vùng lân cận như Thủ Dầu Một, Thủ Đức còn từ Thêm thì đọc trại ra là Thiêm. Giáo họ Thủ Thiêm ra đời vào giữa thế kỷ 19, lúc này nơi đây vẫn là một vùng hoang vu với rừng cây ngập mặn, “sấu gầm cọp um”, dân cư thưa thớt.

Sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, giáo dân ở các nơi trong vùng Gia Định, Biên Hòa… lại kéo đến Thủ Thiêm sinh sống. Làng quê hình thành, dần dần có đình, chùa, có nhà thờ… Cho đến nửa cuối thế kỷ 20 tuy chỉ cách trung tâm thành phố một “con đò Thủ Thiêm” nhưng giữa hai bên là một khoảng cách quá xa về đời sống vật chất.

Hơn mười năm nay bán đảo Thủ Thiêm được biết đến như một đô thị hiện đại tương lai của TP.HCM. Nhờ vị trí độc đáo ở đối diện và chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận Một một đoạn ngắn của sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm hành chính – tài chính mới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố 10 triệu dân cùng lượng lớn người vãng lai. Vì vậy các dự án giao thông, hạ tầng, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm văn hóa như bảo tàng, nhà hát, sân vận động và vô số dự án chung cư, khu dân cư cao cấp… đã hình thành. Đi trước các dự án này là quá trình đền bù giải tỏa những xóm làng lâu đời, ruộng vườn, trong đó có các công trình tôn giáo tín ngưỡng.

Chưa biết tổng thể dân cư mới của đô thị Thủ Thiêm có nguồn gốc từ đâu, nhưng ở bất cứ cộng đồng nào, kể cả đô thị mới thì người dân cũng cần có nơi thờ tự để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị mới việc giải tỏa các công trình tôn giáo tín ngưỡng lâu đời là không thỏa đáng, vì ngoài chức năng phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng, những công trình đó luôn chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa. Cư dân Thủ Thiêm do bị giải tỏa mà phải đến sinh sống ở nơi khác thì chính những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ… ở nơi chốn cũ là biểu tượng nối liền quá khứ và hiện tại của họ. Thành phố mới không trở nên xa lạ đối với những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn và cả một phần cuộc đời của họ cho sự ra đời của thành phố mới. Đổi lại, việc gìn giữ một số công trình văn hóa lâu đời ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng được ký ức lịch sử của vùng đất này. Đồng thời, những dấu tích cổ xưa của khu đô thị mới cũng mang lại cho cộng đồng dân cư mới cảm giác thân thiện, tạo ra sự gắn bó và thái độ quý trọng một vùng đất có lịch sử, biết ơn những người từ đây đã ra đi để xây dựng đô thị mới. Những dấu tích lịch sử- văn hóa chính là sợi dây nối liền các cộng đồng dân cư qua nhiều thời kỳ trên một vùng đất.

“Nhà thờ không phải là một công trình nghệ thuật vị nghệ thuật, được xây dựng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng, mà trước tiên là ngôi nhà của cộng đồng ở một địa phương có một lịch sử nhất định, và sự gắn bó giữa cộng đồng giáo xứ với ngôi nhà của chính mình, là cái hồn của loại kiến trúc được gọi là nhà thờ, ngôi nhà đã từng chứng kiến, ghi nhận – và còn hơn cả chứng kiến và ghi nhận, – những buồn, vui, hy vọng, trông chờ kèm theo mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, của cộng đồng và của từng tín hữu khi chào đời, lớn lên, trưởng thành và cả sau khi đã nhắm mắt xuôi tay… Nhà thờ là phần không nhỏ của ký ức nơi mỗi tín hữu Công giáo.”[2]

Chính vì vậy, chính quyền, các nhà đầu tư, nhà quy hoạch cần có sự hiểu biết và tôn trọng vấn đề này trong mọi quy hoạch kinh tế - xã hội. Các công trình như nhà thờ, dòng tu, chùa chiền cần đưa vào khu vực chỉnh trang cho phù hợp với quy hoạch chung, không nhất thiết phải giải tỏa, đặc biệt là những công trình có lịch sử lâu đời đã được ghi chép lại. Một con đường, một hàng cây, một ngôi nhà cổ… có thể không sánh bằng một trung tâm thương mại hoành tráng nhưng trung tâm thương mại không tồn tại chỗ này có thể xuất hiện chỗ khác còn ký ức thì không phải nơi đâu cũng lưu giữ được.

Để phù hợp hơn với cảnh quan đô thị mới, việc bảo tồn, trùng tu nhà thờ, đình chùa cổ xưa đã bị hư hỏng hay xuống cấp là nhu cầu chính đáng cấp thiết. Là những công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa tinh thần gắn với một vùng đất, nếu chính quyền có chính sách và phương pháp phù hợp thì cộng đồng nói chung và cộng đồng tôn giáo nói riêng sẽ chung tay góp công góp của, để mang lại cho thành phố mới vẻ đẹp từ chiều sâu lịch sử - văn hóa và nâng cao hơn giá trị kinh tế từ đó và nhờ đó.

Sài Gòn 18.2.2017



[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2010), Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam, Nxb Phương Đông, tr. 182
[2] Trần Thái Hiệp (1991), Kiến trúc thánh đường ngày nay, Công giáo và dân tộc, số 829, tr. 15

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Không có văn bản thay thế tự động nào.
    

Vụn vặt đời thường (140)

@ Sự việc bà hiệu trưởng dối trá vô đạo đức đã tạm kết thúc, hiệu trưởng và hiệu phó đồng mưu phải rời ghế “lãnh đạo” nhà trường. Xem trên TV: anh phụ huynh cháu bé bị xe chở bà hiệu trưởng đâm ngã gẫy chân kể lại hành trình đi tìm sự thật câu chuyện tai nạn của con trai mình.
Theo anh, khó nhất là gặp chính hai bà “lãnh đạo” đã âm mưu che dấu chuyện này. Khó nhì là thuyết phục các thầy cô nói ra sự thật. Khó ba: làm sao cho những phụ huynh khác hiểu và ủng hộ mình (anh nói đi nói lại: phụ huynh rất ngại va chạm với nhà trường vì “sợ ảnh hưởng đến con mình”). Và khó tư: làm sao để con mình tin là người lớn sẽ nhận lỗi khi họ phạm lỗi!

-        Mình từng làm việc với một lãnh đạo có tính “nhớ lâu thù dai”, bà có định kiến với ai, việc gì thì thôi rồi, đừng mong mà thay đổi, nhất là người đó việc đó “có hại” cho bà. Vì vậy, mình thông cảm với tâm trạng một số giáo viên trong trường: họ sẽ bị cô lập ngay lập tức, sẽ lên bờ xuống ruộng nếu chỉ cần có thái độ bênh vực hay ủng hộ phụ huynh kia. Sự cô lập giữa những đồng nghiệp và “bạn bè” kinh khủng lắm, nó không làm mình chết nhưng làm mình mất hẳn “sự sống”!

-        Mình cảm phục người phụ huynh này: anh gặp phải bao khó khăn nhưng kiên trì đi tìm sự thật cho con trẻ, để con tin rằng: không phải lỗi của con, và dù tai nạn không ai muốn nhưng người gây ra, lại là người lớn, thì cần biết nhận lỗi! Là tìm SỰ THẬT, chứ không phải tìm cách để TRẢ THÙ.
Với người cha người mẹ như thế, mình tin mẹ cháu cũng ủng hộ thì bố cháu mới có thể làm được điều đó, cháu bé lớn lên hẳn sẽ là một người chính trực!

Kết quả hình ảnh cho "tình yêu của cha mẹ cho con cái"

@ Lắp barie trên vỉa hè: thực tế không ngăn được xe máy leo lên chạy khi kẹt đường, mà còn cản trở và có nguy cơ gây tai nạn cho người đi bộ: người khiếm thị, người đi xe lăn, người già, trẻ em…

@ Sinh viên dùng giáo trình photo chủ yếu vì “rẻ”, tức là lý do kinh tế. Vậy vì sao không xử phạt cũng bằng kinh tế: nộp phạt gấp 2,3 lần giá cuốn giáo trình được in? Biện pháp đuổi học (dù bất cứ lý do gì, ở cấp học nào) cũng là biện pháp vô giáo dục nhất!
P/S. Tư duy “cấm”, “đuổi” của một số cơ quan nhà nước thể hiện não trạng quyền lực nhưng bất lực!


CON ĐƯỜNG CÓ CÁI BA-RI-E


Nguyễn Thị Hậu
Trung tâm quận Một TPHCM có những con đường vỉa hè rộng rãi, hàng cây xanh cao luôn tỏa bóng mát cho dịu cái nắng quanh năm ở thành phố. Trừ một số con đường buôn bán sầm uất vỉa hè luôn tấp nập người qua lại thì vỉa hè những con đường khác tương đối thoáng đãng, ít khách bộ hành, người buôn gánh bán bưng có thể thong thả đi lại hay nghỉ ngơi dưới bóng cây mát rượi.
Trước đây vỉa hè cao hơn lòng đường và được bó vỉa bằng những tảng đá xanh vuông vắn qua hàng trăm năm. Nhưng rồi người ta đào lên vứt bỏ, đổ bêtông và lát gạch con sâu, rồi thay bằng đá hoa cương. Vì nhu cầu của người dân ở mặt tiền nhất là đường nào có nhiều quán xá bán buôn, người ta làm một số chỗ dốc cho xe máy lên xuống. Thế là nhiều đoạn vỉa hè ở những con đường thường xuyên kẹt xe trở thành lối thoát cho xe máy.
Quá trình “hiện đại hóa” khu trung tâm thành phố bằng việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, các tòa tháp; công sở, chung cư càng mọc lên thì đường phố ngày càng bị nén chặt bởi phương tiện giao thông. Xe máy, xe hơi, xe bus… lúc nào cũng san sát nhau trên tất cả các làn đường, cho nên chỉ cần dừng đèn đỏ trong phút chốc thì xe máy lập tức tranh thủ leo lên vỉa hè để chạy lên trước, để rẽ phải, thậm chí để chạy ngược chiều. Dù biết đó là vi phạm luật nhưng ai cũng phải làm để có thể thoát khỏi đám kẹt xe mà kịp đưa đón vợ con, đến công sở, hay đơn giản chỉ là tránh cơn mưa đang ào ào kéo tới và sẽ làm ngập đường trong chốc lát.
Gần đây nhiều đoạn vỉa hè ở quận 1 mọc lên những thanh chắn ngang bằng inox, cao khoảng 30cm có phản quang nhằm ngăn cản xe máy chạy trên vỉa hè, như đoạn đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cắt Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn Lý Tự Trọng trước Thư Viện tổng hợp và Bảo tàng TP. Đây là hai con đường một chiều, đường Lý Tự Trọng giờ cao điểm có mật độ xe cộ rất cao, xe máy thường leo lề để thoát ra đường Pasteur. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì lắp thanh chắn ở vỉa hè phía có trường học ngăn xe máy leo lề chạy ngược chiều, mà phần lớn là phụ huynh đưa đón con đi học, bởi vì nếu đi đúng đường thì phải qua giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Đình Tiên Hoàng là một nơi lúc nào giao thông cũng trong tình trạng “ùn ứ”. Vậy là không leo lề được thì người ta đi ngược chiều dưới lòng đường!
Những “chướng ngại vật” được dựng nên đã làm giảm đáng kể số lượng xe máy chạy trên vỉa hè, bớt được lực lượng công an, thanh niên công ích phải đứng ngăn chặn xe máy, tức là khá thuận lợi cho “nhà quản lý”, đúng dự tính của sáng kiến này. Nhưng về phía người dân thì sao?
Thứ nhất, trong khi mật độ dưới lòng đường quá cao thì nhiều vỉa hè thông thoáng vì ít người đi bộ (như hai đoạn vỉa hè trên). Thực tế này làm nảy sinh nhu cầu sử dụng vỉa hè cho mục đích di chuyển nhanh hơn của những người tham gia giao thông bằng xe máy – phương tiện linh hoạt nhất. Vỉa hè chính là “chỗ trũng” trong dòng xe cộ như nước lũ trên đường thành phố nhất là vào những giờ cao điểm. Như vậy, cặp đôi “xe máy + vỉa hè” là một “hằng số” trong tình trạng giao thông thường xuyên quá tải như hiện nay.
Thứ hai, việc dựng chướng ngại vật làm người dân phải đi đúng đường vì không thể “lách luật” chứ không phải từ ý thức tự giác, đó là tâm lý đối phó chứ không phải sự chấp hành luật pháp. Mặt khác, cần nhận thấy những đoạn đường trên thường xảy ra việc xe máy leo lề vào giờ cao điểm, còn khi đường thông thoáng thì hầu như không có hiện tượng này, tức là chỉ xảy ra cục bộ.
Thứ ba, những thanh chắn ngang là nguy cơ gây ra tai nạn cho chính người đi bộ - đối tượng mà nó hướng đến trong “cuộc chiến” giành vỉa hè – nhất là với người khiếm thị, người tàn tật, người sử dụng xe lăn, người già và trẻ em, trong đó có nhiều người nghèo mưu sinh bằng bán vé số hoặc gánh hàng rong, đi lại nơi này vào ban đêm hoặc khi thiếu ánh sáng thì cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt đối với du khách thì hình ảnh những thanh chắn này mang lại cảm giác một thành phố không thân thiện, luôn phải cảnh giác khi đi trên đường thì còn đâu tâm trạng để ngắm nhìn hay thư giãn.
Thực trạng xe máy đi trên vỉa hè chắc chắn phải chấm dứt nhưng không thể nóng vội. Xử lý việc này bằng cách dựng thanh chắn cho thấy cơ quan quản lý nhà nước có cố gắng lập lại trật tự bằng cách dễ nhất là “ngăn cấm”, nhưng lại đẩy những bất tiện về phía người dân. Chỉ đơn giản là một “thanh chắn” nhưng đó chính là cái ba-ri-e ngăn cách giữa người dân và nhà quản lý, thậm chí nó tạo ra tâm lý đối lập giữa chính quyền và cộng đồng bởi vì nó là biểu tượng của sự cấm đoán.
TP. Hồ Chí Minh vốn được xem là một thành phố thân thiện, khoan hòa. Khi chưa thể giải quyết tận gốc rễ vấn nạn giao thông thì cũng không nên dựng những thanh chắn trên vỉa hè, đừng để câu hát thơ mộng “con đường có lá me bay” sẽ thành “con đường có cái ba-ri-e” đầy vẻ đe dọa lạnh lùng.
Sài Gòn 16.2.2017

ĐAU BỤNG UỐNG NHÂN SÂM…

Nguyễn Thị Hậu

Chuyện xưa kể rằng, có thày lang kia được mời chữa bệnh đau bụng cho một người, thày giở sách thuốc ra tra thấy ghi “đau bụng uống nhân sâm” bèn làm theo. Kết quả người bệnh chết. Người nhà túm thầy đưa lên quan huyện, thầy bảo tôi chỉ làm theo sách dạy. Quan bắt mở sách ra xem, thì ra câu ấy còn hai chữ viết ở trang sau, là “đau bụng uống nhân sâm… tắc tử”.

Ngỡ chỉ là chuyện cười của cái thời mà tuyệt đại bộ phận dân chúng mù chữ nên chỉ quen nghe chứ không biết đọc, số rất ít người biết chữ thì chỉ học thuộc lòng và khi cần thì nói lại cho người khác nghe. Mà sự truyền đạt này tùy thuộc vào việc hiểu chữ đến đâu… Thế nên mới xảy ra chuyện dở cười dở khóc, chẳng biết kết tội thày lang đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng” thế nào ngoài việc chê trách cái sự học “không đến nơi đến chốn”.

Nhưng mới mấy ngày đầu năm nay thôi đã thấy nhiều hiện tượng kiểu “thày lang nhân sâm” xuất hiện. Từ tấm bandroll quảng cáo có chữ “văn hóa vật thể phi quốc gia” (tuy người có trách nhiệm nói rằng đó là ảnh photoshop nhưng tôi thì tin là thật, bởi đã nhiều lần những văn bản sai đều bị đổ cho “cậu đánh máy”!) đến tấm ảnh “tịch điền” cắt cúp phần trên “cho đẹp” nên mấy cờ phướn có dòng chữ Hán chỉ còn một nửa đều là những chữ “bất” mang nghĩa tiêu cực. Không khéo vì chuyện này mà tòa soạn trở nên “bất ổn” chứ chả đùa! Trong thời đại thông tin chỉ cần sơ xảy vì thiếu hiểu biết chút thôi thì những bandroll hay bức ảnh như thế dễ trở thành việc “tắc tử” do truyền thông hay mạng xã hội.

Rộng hơn, cứ mỗi tháng giêng “hội hè miên man” thì tình trạng lễ hội bị biến tướng hoặc phục dựng vô căn cứ càng trở nên phổ biến. Năm nay Lễ Khai ấn đền Trần đã “nhân bản” thêm ở nhiều địa phương khác, đến mức một chuyên gia khảo cổ học sau nhiều lần lên tiếng trong các hội thảo khoa học thì lần này đã phải thẳng thừng trên báo chí  “Việc khai ấn ở đền Trần Tức Mặc là một xuyên tạc lịch sử!”, không chỉ để khẳng định một sự thật mà còn cảnh báo cho những lễ hội khác, dưới danh nghĩa “bảo tồn, phát huy di sản văn hóa” nhưng thực chất là phiên bản, thậm chí là dị bản đang sinh sôi nảy nở nhằm vào mục tiêu lợi nhuận là chính trong mùa lễ hội.

Nếu chỉ nhìn hiện tượng phần lớn lễ hội vô cùng bát nháo, lộn xộn thậm chí mất kiểm soát từ việc chen chúc cướp giật “lộc” của Phật, Thánh… đến việc công khai “hiến tế” động vật bằng  cách thức cổ xưa nhất…  Nhiều người dễ dàng buông lời chê bài thậm chí thóa mạ cả “đám đông” lễ hội lẫn ban tổ chức và người tham dự. Nhưng nếu nhìn vào thực chất, tất cả hiện tượng đó đều có chung một cái gốc: đó là sự hiểu biết không đến nơi đến chốn vốn di sản văn hóa cha ông để lại, từ đó việc thực hành gìn giữ vốn quý đã làm sai lạc ý nghĩa ban đầu của nó. Khi kiến thức có bằng cách học “đi tắt”, lấy bằng cấp là để “đón đầu” quy hoạch bổ nhiệm,  sự hiểu biết chỉ đủ để kiếm lợi thì nhiều lễ hội là biểu trưng văn hóa tốt đẹp đã trở nên thực dụng và xấu xí trong quan niệm văn hóa của thời đại toàn cầu.

 Có câu nói của một nhà cách mạng nổi tiếng thường được giảng dạy trong chương trình “quản lý nhà nước” khi nói về nguyên nhân của những hậu quả xấu dù việc làm có mục đích tốt: “Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại”. Nếu như ngày xưa dân chúng mù chữ thì “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là cần thiết và tốt đẹp thì ngày nay, phần lớn nhân dân đã phổ cập kiến thức phổ thông và hiểu biết nhiều hơn, vì vậy muốn “vi sư” thì cần biết “vạn chữ”, muốn “vi quan” cũng phải hiểu “ngàn chữ”, nếu không thế thì xã hội sẽ còn tiếp diễn chuyện dài nhiều tập “đau bụng uống nhân sâm…”.

Viết đến đây chợt nhớ cũng khoảng này năm ngoái, ở tỉnh nọ xảy ra một tai nạn cũng thuộc loại dở khóc dở cười. Anh kia bắt được trong nhà một con chuột, “thấy ghét” và cũng muốn tiêu diệt con vật có hại, bèn tẩm xăng đốt. Kết quả: nó chạy vào xe hơi, xe nổ, nhà anh cháy rụi!
Cái ác thường song hành cùng cái dốt, đã thế lại sốc nổi “nhiệt tình thái quá” thì hậu quả hại đến chính mình như vậy là điều không thể tránh khỏi!

Sài Gòn 2.2017



Linh tinh lang tang (144 ). Bài hát của một thời



Có một bài hát nhiều năm trước đã là người bạn luôn ở bên tôi trong những khoảnh khắc không thể chia sẻ cùng ai…

Đó là khoảng thời gian rất khó khăn của tôi vì công việc luôn bị những áp lực quá nặng nề, không phải từ những việc phải làm mà từ mối quan hệ trong công sở. Làm công chức nhà nước đã rất nhiều năm nhưng quả thật chỉ đến lúc đó tôi mới nhận thấy sự đố kỵ, hèn nhát và cơ hội là… vô hạn, ở người càng “có học” thì những điều đó càng trở nên kinh khủng vì không thể biết trước nó sẽ hiện ra như thế nào và vào lúc nào, chưa kể một số người như “bà chủ” luôn tự cho mình quyền phán xét, dạy dỗ, thậm chí mạt sát người khác mà chẳng cần lý do nào cả!

Đó cũng là khoảng thời gian một người bạn thân thiết lẳng lặng biến mất sau một lý do nào đó… Nhiều lúc lo lắng tự hỏi, không biết bạn có chuyện gì nhưng tôi không tìm bạn, vì hiểu, bạn đã không muốn liên lạc có nghĩa là không nên tìm kiếm.

Rồi thời gian cũng trôi qua. Tôi chai sạn hơn, không còn quá đau đớn dằn vặt vì sao con người lại có thể ác nghiệt với nhau như thế… Nhưng câu hỏi đó thì lúc nào cũng còn đó, như một vết thương sâu hoắm mà sự từng trải chỉ như lớp bông băng bên ngoài còn bên trong vẫn nhức nhối không thể kéo da non.

Rồi thời gian lại trôi qua, tôi đã bớt thảng thốt khi có gì đó gợi nhớ đến bạn, không còn luôn day dứt tự hỏi, mình sai hay đúng khi cũng im lặng rời khỏi con đường đi chung… “Và nếu thuộc về nhau ta sẽ trở lại”, tôi luôn tin như thế, nếu không có một ngày gặp lại thì sẽ còn những ký ức chung…
Rồi thời gian cứ mải miết trôi qua, như lớp da non dần phủ lên vết thương, mặc dù đã thành sẹo nhưng mỗi khi vô ý chạm vào vẫn thốn tận trái tim. Chẳng khác được, tôi phải luôn cẩn thận để không đụng vào nó…


“Cuộc đời này dù ngắn nỗi nhớ quá dài…”. Bạn và tôi, chúng ta đã từng trải vậy mà khi nghe “cô gái đến từ hôm qua” lòng vẫn rưng rưng, như là nó được viết ra dành cho ngày Valentine của những người tuổi không còn trẻ nữa…

Hình ảnh có liên quan

Vụn vặt đời thường (139)

Giới thiệu sách Đường thi quốc âm cổ bản của Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông. Sài Gòn 8/2/2017
@ Vài lời chia sẻ cùng hai tác giả: 
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” không chỉ trong chiến tranh mà còn trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc. Cần hiểu ngọn nguồn của văn hóa để biết những điều tích cực cũng như hạn chế của văn hóa truyền thống; cần hiểu điểm mạnh yếu về văn hóa của người khác thì mới có thể “gạn đúc khơi trong”. Công trình này đã góp phần cho sự hiểu biết này.
Sách in đẹp, trang trọng, tác giả, biên tập và NXB cẩn trọng và khiêm cung trình bày quá trình hình thành bản thảo, sửa chữa chi tiết, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia… Cuốn sách có ích và hấp dẫn không chỉ đối với người biết và yêu thích Hán – Nôm mà còn cho cả những người khác, nhất là với những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về văn học cổ VN.
Chân thành chúc mừng hai tác giả, cũng là những người bạn Xứ Đoài thân quý của tôi!


Không có văn bản thay thế tự động nào.
Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi và văn bản
Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng


@ LẠI NGÀY THƠ VIỆT NAM!
 "Để tâm hồn treo ngược ở cành cây", Còn chân dung thì treo xuôi trên đó. 
P/S. H.1: Ngày thơ 2017 tại Văn Miếu, HN; H.2: tìm được từ google với từ khóa là câu thơ trên :D


Trong hình ảnh có thể có: 2 người, ngoài trờiTrong hình ảnh có thể có: văn bản



:)



QUÁN CÀ PHÊ KÝ ỨC


Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Bạn nhắn, em còn ở Đà Lạt thì ghé cà phê Tùng uống giùm anh một ly cà phê đen không đường. Hơn 40 năm trước mỗi khi lên Đà Lạt anh vẫn ghé đó hàng đêm… Như lời bạn kể, có mặt từ những năm 60 của thế kỷ trước, cà phê Tùng là nơi gặp gỡ của văn nghệ sĩ ở Đà Lạt hay từ nơi khác đến…
Tranh thủ lúc rảnh rỗi trước khi ra sân bay, tôi ra đầu đường vẫy một chiếc xe ôm, nói, cho tôi ra cà phê Tùng. Bác xe ôm nhanh miệng: ở khu Hòa Bình phải không cô, quán này hồi xưa chỉ có nhạc Trịnh.
Khu Hòa Bình chính là trung tâm thành phố, nơi có chợ Đà Lạt, có chợ đêm ăn uống, có những tiệm ăn và quán cà phê từ lâu đã quen thuộc với người Đà Lạt. Cà phê Tùng là một trong những địa chỉ như vậy.
***
Quán cà phê Tùng vẫn ở nơi cũ như trong ký ức của bạn. Nằm trên con đường một chiều nho nhỏ, vỉa hè hẹp chỉ để được vài xe máy, mặt tiền không có gi đặc biệt ngoài cái bảng hiệu Cà phê Tùng trông rất đỗi khiêm nhường, ai không chú ý thì đi ngang qua vài lần cũng không nhận ra. Quán là gian nhà phố một lầu, tầng trên là nơi sinh hoạt gia đình, toàn bộ tầng trệt dùng làm quán. Hai dãy ghế kiểu xưa kê sát tường, hai dãy bàn thấp và một số ghế dựa nhỏ kê phía ngoài. Mặt tiền là khung cửa kính lớn lấy ánh sáng, được tận dụng gắn một kệ nhỏ để vừa ly cà phê hay ấm trà, có thể kéo chiếc ghế nhỏ ngồi đây nhìn ra đường hay xéo bên kia là khu chợ. Đây là chỗ ngồi đẹp được nhiều người ưa thích dù hơi bất tiện vì sát cửa ra vào.
Không gian hẹp nên đồ đạc cũng nhỏ gọn, giản dị, hòa với tiếng nhạc và cả khói thuốc lá tạo cho quán sự ấm cúng và thân thuộc dù lần đầu đến đây. Nhiều năm trước, khách ngồi trong cà phê Tùng nghe nhạc Trịnh lãng đãng, trò chuyện khe khẽ lịch thiệp, phần nhiều là giọng Huế hay giọng Quảng… Thời chiến tranh dân miền Trung hay đổ vào phía Nam, vô Sài Gòn, nhưng ở Đà Lạt có nhiều người Huế, phải chăng vì hợp với không khí và thời tiết nơi đây hơn cái nóng quanh năm của Sài Gòn? Mà người xứ Huế sống ở Đà Lạt không thành văn nhân mới lạ!
Bây giờ chỉ khi vắng khách mới có nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An với những giọng ca nổi tiếng Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Sĩ Phú… Còn ban ngày quán để nhạc Âu Mỹ thập niên 60, 70, hợp với cả người già và người trẻ. Thỉnh thoảng có nhạc hòa tấu. Giờ cao điểm khoảng từ 8 – 11g sáng trong quán không lúc nào còn chỗ trống. Khách chấp nhận ngồi cạnh nhau, chung một chiếc bàn hẹp trên để đủ thứ: cà phê, trà, sữa chua, nhìn vô không biết ai dùng thứ gì…
Bây giờ trong quán người trẻ nhiều hơn, họ đi từng nhóm, khá ồn ào. Hầu như không ai ngồi một mình ở quán, cũng ít người kêu cà phê đen hay cà phê sữa nóng. Khách đi từng đôi hay nhóm, uống cà phê đá, bạc xỉu, sữa chua… miệng nói chuyện mà tay và mắt không rời màn hình điện thoại, ipad… Nhiều ánh mắt lạ lẫm nhìn khi thấy tôi ngồi viết vào cuốn sổ tay những dòng tùy bút này. Viết bằng bút không còn là thói quen của nhiều người, hay là đã có 1, 2 thế hệ mất thói quen này từ khi máy tính ra đời? Để thử gửi cho bạn mấy trang viết xem anh có còn nhận ra chữ của tôi không?
Nếu trước 1975 Đà Lạt là khu nghỉ mát phục vụ cho miền Nam thì sau đó, Đà Lạt là thành phố du lịch quen thuộc của người dân cả nước. Khách du lịch trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông, không biết sự yên tĩnh hiếm hoi của những quán nhỏ ở khu Hòa Bình còn giữ được đến bao giờ? Trên đà “phát triển” phục vụ du lịch, Đà Lạt đã mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng khá nhanh. Nhà cao tầng hiện đại, quán ăn quán cà phê cửa hàng sang trọng mọc lên như nấm ở khu trung tâm và những con đường quanh đó. Xe cộ nhiều hơn, Đà Lạt cũng vội vã thức khuya và dậy sớm hơn. Tuy nhiên, nhiều vốn quý của Đà Lạt như hệ thống biệt thự đẹp như cổ tích, một số thắng cảnh nổi tiếng… đã bị hư hỏng, biến dạng.
Quanh Hồ Xuân Hương có quá nhiều công trình dịch vụ mới kiểu dáng phong cách khác nhau, không khỏi làm người ta liên tưởng đến cái ao ở làng mà mỗi nhà quanh đó có thể tùy tiện bắc cái cầu ao tắm rửa, ngăn mặt ao nuôi bèo hay thả đám rau muống hay cho giàn bầu bí. Cảnh quan đô thị nói chung hay cảnh đẹp Đà Lạt nói riêng đâu phải cái ao mà có thể chia sẻ “sở hữu” cho những ai đầu tư du lịch để khai thác vô tội vạ? Bên cạnh đó Đà Lạt còn có những khu du lịch mới mất đi tính chất thân thiện với môi trường vì để xây dựng người ta đã phá hủy rừng và cảnh quan tự nhiên.
***
Cũng may, nhờ bạn nhắc mà tôi còn có phút giây nhớ lại một Đà Lạt xưa êm đềm trong quán nhỏ. Cà phê Tùng vẫn được nhiều người nhắc nhớ. Khách sành cà phê nếu từng biết cà phê Tùng đều khẳng định, chất lượng cà phê ở đây không đổi, vẫn ngon như hàng chục năm qua. Trên mạng và trong một số sách về du lịch có một số bài viết giới thiệu cà phê Tùng với bạn bè quốc tế. Bây giờ khách đến với cà phê Tùng không chỉ như đến một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, mà còn là đến với một nơi lưu giữ một phần lịch sử và những câu chuyện về Đà Lạt. Vì vậy khách đông hơn cũng là điều đáng mừng…
Nhưng sao trong tôi vẫn có chút gì luyến tiếc, dường như không khí của cà phê Tùng xưa kia, “cái hồn” của một không gian văn hóa rất Đà Lạt đã mất đi, chỉ còn trong hoài niệm và ký ức… Bỗng nhớ quán cà phê ở đâu đó mà có lần tôi tình cờ lạc bước ghé vào, cũng là một quán nhỏ xưa cũ kỹ chỉ phục vụ ít người thôi, khách không trò chuyện mà im lặng đọc sách hay nghĩ ngợi, cũng không sử dụng điện thoại và internet trong quán. Vào đây để thưởng thức cà phê ngon, được yên tĩnh đọc và suy nghĩ, thậm chí chỉ để đầu óc trống rỗng trong giây phút…
Một quán nhỏ như vậy ở Đà Lạt để sống lại một không gian Đà Lạt xưa, yên bình và thanh thản, lãng mạn và cô đơn… ước mơ đó có là một điều không tưởng?
Đà Lạt 8/12/2016

Di sản và tương lai các thành phố

http://www.thesaigontimes.vn/156046/Di-san-va-tuong-lai-cac-thanh-pho.html

Nguyễn Thị Hậu

Cũng như quy luật của nhiều nước đang phát triển, tiến trình đô thị hóa không là một đường thẳng với xu hướng tích cực mà như con đường bị đào xới và dựng nhiều “lô cốt” làm phát sinh không ít những vấn đề nan giải, đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải có tầm nhìn và chính sách để có thể “phát triển bền vững”. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng thành phố văn minh hiện đại nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn những di sản văn hóa của đô thị?

Thực trạng “hiện đại hóa” ở Việt Nam bằng cách xóa bỏ những dấu tích xưa cũ là “hồn vía” của các đô thị diễn ra dồn dập trong những năm gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động: di sản văn hóa vật thể không được bảo tồn thì di sản văn hóa phi vật thể cũng không thể duy trì. Dấu tích xưa cũ không còn thì ký ức, tình cảm con người đối với đô thị không thể lưu truyền mãi mãi.

Ở nước ta, có thể nói cho đến nay chính quyền và người dân cũng chưa đánh giá đúng mức giá trị nhiều mặt của di sản văn hóa đô thị. Các thành phố với những công trình kiến trúc và cảnh quan đặc sắc có niên đại trên dưới 100 năm thường được coi là đối tượng nghiên cứu của ngành kiến trúc hoặc quy hoạch đô thị, trong khi đó lịch sử - khảo cổ học truyền thống thường quan tâm đến các di tích hàng ngàn năm dưới lòng đất. Hàng loạt các loại hình di tích công nghiệp như nhà máy, bến cảng, hạ tầng cầu đường... là những dấu mốc đầu tiên của quá trình ‘hiện đại hóa” hồi đầu thế kỷ 20 lại không được quan tâm bảo tồn mà chính là đối tượng luôn bị giải tỏa, phá bỏ để xây dựng công trình mới. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có một số khu vực xây dựng công trình lớn lại là nơi có phát hiện quan trọng về khảo cổ học, chứa đựng di tích của lớp cư dân có mặt ở đây từ hàng trăm năm trước... Thực tế nhu cầu phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa luôn đan xen, tồn tại song hành, đòi hỏi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố phải đặt ra chiến lược bảo tồn những di sản văn hóa mang giá trị đặc trưng như công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên cùng với di tích trong lòng đất...

Khi khu vực trung tâm thành phố diễn ra quá trình “hiện đại hóa” bằng cách phá hủy nhiều công trình và cảnh quan được xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, dư luận xã hội đã đồng lòng lên tiếng, từ các chuyên gia đến cộng đồng dân cư, từ người bản địa đến người nhập cư... Những phản ứng, phản biện, góp ý hướng đến vai trò và giải pháp của nhà quản lý và các cơ quan chức năng, kể cả nhà đầu tư. Song qua cách giải quyết từng vụ việc có thể nhận thấy chính quyền thành phố không đề ra được phương thức chung phù hợp để giải quyết hài hòa giữa phát triển công trình mới hay bảo tồn các di sản kiến trúc, giữa xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại hay giữ gìn giá trị văn hóa đô thị tồn tại thông qua “ký ức thị dân”.

Bước sang thế kỷ 21 mâu thuẫn này càng gay gắt: giữa “phát triển” hay “bảo tồn” di sản, giữa lợi ích “tiền trao cháo múc” ngay và luôn của nhà đầu tư và lợi ích “giá trị tinh thần” lâu bền của cộng đồng, giữa vai trò thật sự “làm chủ” đô thị của chính quyền hay cộng đồng? Để giải quyết mâu thuẫn này phải trở về xuất phát điểm: di sản đô thị của ai? Của chính quyền, của nhà đầu tư hay của cộng đồng? di sản văn hóa là của riêng thành phố hay của cả nước? Trả lời câu hỏi này là thể hiện nhận thức và quan điểm về bảo tồn di sản một cách rõ ràng, đồng thời thể hiện cái tâm và cái tầm của nhà quản lý. Bài học của thế giới là “di sản đô thị” là của cộng đồng, nó là nguồn vốn xã hội quan trọng và cần được sử dụng, “đầu tư” để phát triển đô thị theo chiều kích lịch sử. Từ đó hình thành, xây dựng những thế hệ con người/cộng đồng dân cư mang tâm thức và lối sống của đô thị. Có con người đô thị mới bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đô thị và ngược lại.

Hiện nay quá trình đô thị hóa tại nhiều địa phương thường phá bỏ công trình cũ để xây mới hoàn toàn. Điều đó thể hiện sự kém hiểu biết giá trị di sản văn hóa dẫn đến hành động “xóa bỏ lịch sử”, sự thiếu hụt trong nhận thức về ý nghĩa quan trọng của di sản văn hóa là nuôi dưỡng mối quan hệ giữa hiện tại với quá khứ, phản ánh sự gắn bó giữa đời sống vật chất ngày càng hiện đại với cuộc sống tinh thần càng phong phú và sâu sắc...

Việc nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa đô thị phải là sự kết hợp, liên ngành của khảo cổ học, sử học, kiến trúc, quy hoạch, khoa học quản lý đô thị... Những đề xuất khoa học, giải pháp về kiến trúc - quy hoạch và quản lý phù hợp sẽ hạn chế việc phá hủy di sản và mang lại hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tiến trình phát triển đô thị. Hệ quả dễ nhận thấy là nhiều công trình mới tuy “hiện đại” nhưng “vô hồn” vì không chứa đựng bản sắc và cá tính của thành phố. Và như vậy không có gì đảm bảo rằng quá trình hiện đại hóa hiện nay sẽ tạo ra những di sản cho đời sau.

Một thành phố được xây dựng hiện đại từ sự hiểu biết và trân trọng quá khứ thì sự hiện hữu mỗi ngày của di sản văn hóa sẽ luôn đảm bảo cho tương lai bền vững của nó.


Sài Gòn 11.2016

NĂM MỚI THĂM CHỢ CŨ

Từ một, hai năm trước, cũng vào dịp cuối năm đã xôn xao cái tin Chợ Cũ Sài Gòn sẽ bị giải tỏa. Trước tết Đinh Dậu cũng vậy, nhưng lần này thì tin tức có vẻ chắc chắn rằng sau tết sẽ không còn Chợ Cũ nữa… Không chỉ những tiểu thương buôn bán ở đây, những người quen đi chợ này mà nhiều người Sài Gòn đã bần thần và luyến tiếc một địa chỉ, một địa danh lưu lại giai đoạn khởi lập đô thị Sài Gòn, cũng là một cái chợ có “thương hiệu” lâu đời về thức ăn tươi ngon và thực phẩm công nghệ “xịn” như rượu, đồ hộp, bánh ngọt, sau này là băng đĩa nhạc phim ngoại nhập...
Chợ Cũ là nơi đầu tiên tôi biết ở Sài Gòn. Khi chiếc xe khách đưa chúng tôi vào đến thành phố đã quá nửa đêm, không liên lạc được với gia đình nên tôi đã ở lại một công sở ngay đầu đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm. Sáng sớm hôm sau tôi thức giấc vì tiếng rao “bánh mì đây, bánh mì nóng giòn đây…”. Từ trên lầu cao nhìn xuống thấy những người bán bánh mì đi xe đạp chở đằng sau một cần xé lớn phủ kín, chạy thong thả dọc theo đường phố. Thỉnh thoảng dừng lại mở tấm phủ lấy bánh ra bán. Lạ nhất khi nhìn thấy những chiếc bánh mì dài nhỏ như chiếc gậy, sau này biết đó là bánh mì baguette. Tò mò xuống đường mua bánh, chiếc bánh còn nóng hổi, vỏ dày vàng ruộm, ruột đặc, thơm phức mùi bột và thoảng mùi bơ…
Bên kia đường những cửa tiệm mở cửa từ lúc nào, tiệm Như Lan sáng đèn đã nhiều người lui tới. Trên đường Hàm Nghi có những em nhỏ trong bộ đồng phục quần/váy xanh áo trắng và nữ sinh trong bộ áo dài trắng… Trên một con đường nhỏ hàng quán bắt đầu nhộn nhịp, là một cái chợ như những cái chợ khác tôi từng biết nhưng vẫn khác, nhiều màu sắc, nhiều loại thức ăn cây trái hơn, và lần đầu được nghe giọng Sài Gòn nhiều như thế, dung dị như thế.
Sau này nói chuyện với bạn bè, đọc mấy cuốn hồi ký thấy nhiều người lần đầu vô Sài Gòn bị choáng ngợp bởi nhà cao đường rộng, xe máy xe hơi, đồ tiêu dùng và quần áo sang trọng… tôi lại nhớ cảm giác đầu tiên của buổi sáng hôm đó khi ngắm nhìn khu Chợ Cũ. Với tôi, Sài Gòn là một thành phố của những con người bình dị. Cảm giác này hơn 40 năm đến hôm nay vẫn không thay đổi.
***
Chợ Cũ, nguyên thủy là chợ Bến Thành ven kinh Chợ Vải (kinh Lớn), nơi đây là một trong vài bến ghe tàu của Thành Gia Định “tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ nối liền nhau”. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ một thời gian, ngôi chợ này được xây dựng dãy nhà lồng, người Pháp gọi là Marché de Saigon. Thời gian sau kinh Chợ Vải lấp đi thành đại lộ, đến đầu thế kỷ 20 chợ Bến Thành Mới được xây dựng ở gần nhà ga xe lửa thì khu chợ này thành Chợ Cũ. Nhà lồng không còn nên hàng hóa bán ở nhà mặt tiền hay dựng sạp ngay lòng đường.
Hơn một thế kỷ Chợ Cũ vẫn tồn tại và bình thản thực hiện chức năng buôn bán của nó, đồng thời tạo dựng thương hiệu, uy tín trong lòng “người Sài Gòn” từ chất lượng hàng hóa đến những quán ăn ngon nổi tiếng mà giá cả rất phải chăng. Thương hiệu ấy có được từ việc nhiều cửa hàng tiệm ăn buôn bán gia truyền, lấy chữ tín làm đầu, coi khách hàng như người thân… Bởi vậy nhiều người đi chợ này từ đời mẹ đến đời con cháu. Có một thời kinh tế khó khăn nơi đây không thoát khỏi dịch hàng giả hàng nhái, nhưng rồi Chợ Cũ nhanh chóng trở lại vị thế “độc tôn” hàng chất lượng cao từ những “thùng đồ” nửa vòng trái đất gửi về, rồi hàng từ tàu biển, xuất khẩu lao động, hàng nhập bằng nhiều con đường.
Sáng đầu năm mới dạo quanh khu chợ, phía sau dãy kiot dựng tạm vài năm nay vẫn là ngôi nhà buôn bán lâu năm và vài cái hẻm nhịp sống bình yên khác hẳn sự nhộn nhịp ngoài kia. Chợ Cũ cũng như Sài Gòn, đằng sau sự hào nhoáng ồn ào dễ làm choáng ngợp là sự thâm trầm lắng đọng mà chỉ những ai thật hiểu và yêu thành phố này mới có thể nhận ra.
Có những thứ đã Cũ nhưng có giá trị hơn rất nhiều thứ mới.
Sài Gòn 1.2.2017

LỄ HỘI VÀ TÍNH NHÂN VĂN


Nguyễn Thị Hậu

Mùa lễ hội năm nay mới bắt đầu đã làm cho xã hội phải đồng loạt lên tiếng vì những hành vi phản cảm đang diễn ra ngày càng phổ biến và mức độ ngày càng trầm trọng.
Quốc gia nào dân tộc nào cũng có những lễ hội truyền thống. Đó là di sản văn hóa chứa đựng giá trị tinh túy và luôn được gạn lọc những gì không còn phù hợp với thời đại mới. 

Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở những nơi trang nghiêm như: trong hoặc trước cửa đình, chùa... Tham gia và điều hành phần lễ là các bậc cao niên có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng kính trọng và tuân thủ sự điều hành trong lễ hội. Ý nghĩa của lễ là để giao tiếp với thần linh thông qua các nghi thức tín ngưỡng thể hiện nguyện vọng hay ký ức của một cộng đồng. Lễ hiến tế là một phần quan trọng của lễ hội, sau lễ hiến tế là một bữa ăn chung cả làng, như là sự sẻ chia những gì thần linh ban tặng.

Phần hội diễn ra ở một “không gian mở” rộng lớn hơn, cho toàn thể cộng đồng và người ngoài cộng đồng có thể tham gia, “vui như hội” vì đây là không – thời gian nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của con người thông qua các trò chơi dân gian thể hiện sự khéo léo, khỏe mạnh, cũng có những trò mang tính chất “phá luật” như “linh tinh tình phộc” (tắt đèn thì trai gái “tự do”)…  Nhìn chung lễ hội xưa mang đậm dấu ấn của nông nghiệp trồng lúa với cộng đồng cư dân “làng” hẹp về không gian và nhỏ về quy mô. Thông tin về các lễ hội xưa cũng hạn hẹp do truyền thông kiểu “truyền miệng”, chỉ có một vài lễ hội nổi tiếng khắp vùng như Hội Gióng hội Lim… 

Lễ hội có những mặt tích cực như bảo lưu các giá trị truyền thống của làng, nhắc nhở ý thức về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, anh hùng dân tộc… các trò trong hội thể hiện ý thức về đồng loại, cố kết con người vào cộng đồng, thể hiện ý thức về mỹ tục và thể hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của từng cá nhân, của cộng đồng.

 Tâm thức trong lễ hội xưa thể hiện tinh thần “dân chủ làng xã”, qua dịp lễ hội mọi người gần gũi nhau hơn. Lễ hội thường vào thời gian “nông nhàn” con người được nghỉ ngơi. Đây là dịp con người nhìn lại và giải toả những phiền muộn, lo âu, bày tỏ với thần linh những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Những trò “cướp lộc” trong lễ hội phản ánh rõ một nhận thức là rất ít người có được sự “may mắn” từ thần linh ban cho, còn lại những ai không có được may mắn ấy thì càng cố gắng làm ăn.
Vì vậy những hành vi trong lễ hội thời xưa là mang tính biểu trưng của văn hóa.

Ngày nay lễ hội có phạm vi không gian rộng hơn nhiều, càng rộng hơn về phạm vi ảnh hưởng vì phương tiện truyền thông hiện đại “ngay và luôn”. Gọi là “hội làng” nhưng phần lớn là người từ nơi khác đến tham gia, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa và những hành vi mang tính tượng trưng của lễ hội xưa. Ngoài ra còn cần phải nói đến tâm lý thực dụng, thậm chí có phần tham lam của nhiều người dự lễ hội. Biết rằng “lộc” không đáng gì nhưng “kém miếng giữa làng” thì khó chịu, “sự may mắn” bị đánh đồng với “cái lợi” cho cá nhân nên quyết cướp giựt cho bằng được, không được thì xô xát, chửi mắng đánh nhau. Do đó lễ hội có trò “cướp, giết” sẽ không thể kiểm soát được do tâm lý đám đông dễ làm lây lan hành vi vô văn hóa.

Do quy mô lễ hội lớn hơn nên mục đích ý nghĩa của lễ hội không còn thuần túy tinh thần như trước. Dễ nhận thấy nhất là sự thương mại hóa lễ hội khá phổ biến. Để phục vụ mục đích thương mại nhiều lễ hội biến dạng về hình thức và cả nội dung, do đó tính nhân văn của lễ hội ngày càng biến mất.

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm... Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng, vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt đến hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó”.

Duy trì các lễ hội truyền thống và những hoạt động trong lễ hội cũng phải đặt trong bối cảnh một xã hội đang “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến” bên cạnh việc gìn giữ “bản sắc văn hóa dân tộc”. Nếu cứ duy trì những lễ hội đầy rẫy hành vi bạo lực tham lam thì chính chúng ta đang “giết chết” di sản văn hóa. Di sản văn hóa sẽ không còn giá trị nếu nó không vun đắp tính nhân văn của cộng đồng và lòng nhân ái, trắc ẩn của mỗi con người.

Sài Gòn ngày 5.3.2015
Năm nay 2017 vẫn tình trạng này!!!

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...