Nguyễn
Thị Hậu
Cũng như quy luật của nhiều nước đang phát triển, tiến
trình đô thị hóa không là một đường thẳng với xu hướng tích cực mà như con đường
bị đào xới và dựng nhiều “lô cốt” làm phát sinh không ít những vấn đề nan giải,
đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải có tầm nhìn và chính sách để có thể “phát
triển bền vững”. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng thành phố
văn minh hiện đại nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn những di sản văn hóa của
đô thị?
Thực trạng “hiện đại hóa” ở Việt Nam bằng
cách xóa bỏ những dấu tích xưa cũ là “hồn vía” của các đô thị diễn ra dồn dập
trong những năm gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động: di sản văn hóa vật
thể không được bảo tồn thì di sản văn hóa phi vật thể cũng không thể duy trì. Dấu
tích xưa cũ không còn thì ký ức, tình cảm con người đối với đô thị không thể
lưu truyền mãi mãi.
Ở nước ta, có thể nói cho đến nay chính quyền và người
dân cũng chưa đánh giá đúng mức giá trị nhiều mặt của di sản văn hóa đô thị.
Các thành phố với những công trình kiến trúc và cảnh quan đặc sắc có niên đại trên
dưới 100 năm thường được coi là đối tượng nghiên cứu của ngành kiến trúc hoặc
quy hoạch đô thị, trong khi đó lịch sử - khảo cổ học truyền thống thường quan
tâm đến các di tích hàng ngàn năm dưới lòng đất. Hàng loạt các loại hình di
tích công nghiệp như nhà máy, bến cảng, hạ tầng cầu đường... là những dấu mốc đầu
tiên của quá trình ‘hiện đại hóa” hồi đầu thế kỷ 20 lại không được quan tâm bảo
tồn mà chính là đối tượng luôn bị giải tỏa, phá bỏ để xây dựng công trình mới. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có một số khu vực xây dựng công trình lớn lại là nơi
có phát hiện quan trọng về khảo cổ học, chứa
đựng di tích của lớp cư dân có mặt ở
đây từ hàng trăm năm trước... Thực tế nhu cầu phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa luôn
đan xen, tồn tại song hành, đòi hỏi Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội của thành phố phải đặt ra chiến lược bảo tồn những di sản
văn hóa mang giá trị đặc trưng như công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên
cùng với di tích trong lòng đất...
Khi khu
vực trung tâm thành phố diễn
ra quá trình “hiện đại hóa” bằng cách phá hủy nhiều công trình và cảnh quan được
xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, dư luận xã hội đã đồng lòng
lên tiếng, từ các chuyên gia đến cộng đồng dân cư, từ người bản địa đến người nhập cư... Những phản ứng,
phản biện, góp ý hướng đến vai trò và giải pháp của nhà quản lý và các cơ quan
chức năng, kể cả nhà đầu tư. Song qua cách giải quyết từng vụ việc có thể nhận
thấy chính quyền thành phố không đề ra được phương thức chung phù hợp để giải
quyết hài hòa giữa phát triển công trình mới hay bảo tồn các di sản kiến trúc,
giữa xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại hay giữ gìn giá trị văn hóa đô thị tồn tại
thông qua “ký ức thị dân”.
Bước sang thế kỷ 21 mâu
thuẫn này càng gay gắt: giữa “phát triển” hay “bảo tồn” di sản, giữa lợi ích
“tiền trao cháo múc” ngay và luôn của nhà đầu tư và lợi ích “giá trị tinh thần”
lâu bền của cộng đồng, giữa vai trò thật sự “làm chủ” đô thị của chính quyền
hay cộng đồng? Để giải quyết mâu thuẫn này phải trở về xuất phát điểm: di sản đô
thị của ai? Của chính quyền, của nhà đầu tư hay của cộng đồng? di sản văn hóa
là của riêng thành phố hay của cả nước? Trả lời câu hỏi này là thể hiện nhận thức
và quan điểm về bảo tồn di sản một cách rõ ràng, đồng thời thể hiện cái tâm và
cái tầm của nhà quản lý. Bài học của thế giới là “di sản đô thị” là của cộng đồng,
nó là nguồn vốn xã hội quan trọng và cần được sử dụng, “đầu tư” để phát triển
đô thị theo chiều kích lịch sử. Từ đó hình thành, xây dựng những thế hệ con người/cộng
đồng dân cư mang tâm thức và lối sống của đô thị. Có con người đô thị mới bảo tồn
và phát triển di sản văn hóa đô thị và ngược lại.
Hiện nay quá trình đô thị hóa tại nhiều địa phương thường
phá bỏ công trình cũ để xây mới hoàn toàn. Điều đó thể hiện sự kém hiểu biết
giá trị di sản văn hóa dẫn đến hành động “xóa bỏ lịch sử”, sự thiếu hụt trong
nhận thức về ý nghĩa quan trọng của di sản văn hóa là nuôi dưỡng mối quan hệ
giữa hiện tại với quá khứ, phản ánh sự gắn bó giữa đời sống vật chất ngày
càng hiện đại với cuộc sống tinh thần càng phong phú và sâu sắc...
Việc nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa đô thị phải
là sự kết hợp, liên ngành của khảo cổ học, sử học, kiến trúc, quy hoạch, khoa học
quản lý đô thị... Những đề xuất khoa học, giải pháp về kiến trúc - quy hoạch và
quản lý phù hợp sẽ hạn chế việc phá hủy di sản và mang lại hiệu quả trong việc
bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tiến trình phát triển đô thị. Hệ
quả dễ nhận thấy là nhiều công trình mới tuy “hiện đại” nhưng “vô hồn” vì không
chứa đựng bản sắc và cá tính của thành phố. Và như vậy không có gì đảm bảo rằng
quá trình hiện đại hóa hiện nay sẽ tạo ra những di sản cho đời sau.
Một thành phố được xây dựng hiện đại từ sự hiểu biết
và trân trọng quá khứ thì sự hiện hữu mỗi ngày của di sản văn hóa sẽ luôn đảm bảo
cho tương lai bền vững của nó.
Sài
Gòn 11.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét