XOAY NHƯ ĐÈN CÙ, VÌ SAO?

 “Khi cả nước khen người Sài Gòn thương nhau, quá chừng tổ chức thiện nguyện chung tay với nhà nước cùng chăm lo cho người nghèo. Nay nghe phán: các tổ chức thiện nguyện tự phát ở nhà đi, lo giãn cách đi, không cấp giấy đi đường. Ủa, vậy làm sao mà “lấy sức dân lo cho dân" đây? Chuyện này dễ mà, tổ chức nào làm gì cũng có khu phố, tổ dân phố và phướng biết hết. Vậy thì phương, quận xác minh dễ ợt mà. Ủa, vậy tổ chức cơ sở không đáng tin sao? Và quản lý họ dễ mà, thậm chí, nói địa phương khoanh hoạt động của họ lại để dễ kiểm tra cũng được. Nhưng đừng “cắt” sức dân, buộc họ dừng lo cho nhau mà”. (từ FB chị Vũ Kim Hạnh)

Từ chuyện này tôi nói thêm:

1. Vì sao Giấy phép đi đường thay đổi liên tục, “giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp” (theo báo Tuổi trẻ) mà không phải là Sở Giao thông hay Sở Công thương – hai cơ quan quan trọng trong việc tham mưu cho UBNDTP về lưu thông và cung cấp hàng hóa trong/ngoài thành phố. Tình trạng này làm cho nơi cần người cần thì không kịp nhận mẫu giấy mới, không có giấy thì không thể đi đâu, trở ngai cho nhiều việc nhiều người. Mà có cần phải in mới, in đẹp để tốn kém thêm như vậy ko?

2. Việc đi chợ giùm:

Xin khẳng định ngay tôi vô cùng quý trọng bộ đội cũng như các anh chị công tác tại phường đã không quản ngại nguy hiểm, kể cả sự phức tạp nữa, để lo bữa ăn cho người dân. Nhưng đây là lực lượng mua bán và vận chuyển hàng hóa không chuyên nghiệp, có năng lực làm công việc khác phù hợp và hiệu quả hơn, sử dụng vào việc này rất phí phạm, có nguy cơ lây bệnh cao, làm giảm sức “chiến đấu” khi cần thiết. Cũng phải nói rằng, chuyện đi chợ nếu không có những chỉ thị “đùng một cái” thì dân đâu có bất chấp nguy hiểm để xếp hàng mua thực phẩm. Cho nên chỉ cần hàng hóa được lưu thông và tương đối đầy đủ, thì việc chợ búa đâu có gì phức tạp, sao biện pháp cứ phải “xoay như đèn cù”?

Vì sao không tổ chức bán hàng lưu động đến từng khu phố, từng hẻm bằng những xe bán tải hoặc xe bus nhỏ, các hộ gia đình mua theo phiếu hẹn ngày/giờ, đồng thời thực hiện giãn cách và các biện pháp 5K khác? Thậm chí, như ở nhiều nước khác, đóng cửa siêu thị, cửa hàng, chợ lớn, nhưng có thể cho mở các cửa hàng nhỏ bán bách hóa, thức ăn mang về, cũng thực hiện đúng 5K... Hiện nay dồn toàn bộ việc cung cấp thực phẩm (chủ yếu, sau đó là lương thực và 1 số mặt hàng thiết yếu khác) lên vai quân đội và cán bộ phường, tạo nên “tình trạng quá tải các đơn hàng ở siêu thị” đồng thời nhiều nơi dân phải chờ 2, 3 ngày hoặc hơn mới nhận được hàng mua giùm.

3. Những ngày trước lực lượng sipper chuyên nghiệp đã giải quyết việc lưu thông khá tốt,  ngay cả khi chỉ cho giao hàng trong nội quận. Vậy vì sao không tiếp tục phương án này – có thể giảm bớt số lượng – mà lại chấm dứt ngay. Để rồi phải thành lập Đội hình tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận và phân phối hàng hóa đến người dân khó khăn (gọi tắt là đội shipper tình nguyện). Theo đó, đội shipper tình nguyện với số lượng 700 thành viên gồm: sinh viên, thanh niên tình nguyện, tài xế các hãng xe công nghệ... (tin từ báo Thanh Niên). Tức là thay thế đội ngũ có sẵn bằng một đội ngũ khác, chắc chắn tổ chức và vận hành không linh hoạt và hiệu quả như trước.

4. "Nhiều phường ở TP.HCM phản ánh có tình trạng người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ. Khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không". Thông tin trên được ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ trong Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 26/8 (tin từ Zing). Xin hỏi lại: việc này có thật hay không? Nếu có đề nghị nêu tên người “bom hàng” và đề nghị địa phương xử lý, vì đây là “hành vi cản trở người thi hành công vụ”. Nếu không có việc này thì ai phản ánh sai có bị phạt như việc “phao tin giả” hay không, vì đã gây dư luận không tốt về người dân TPHCM?

5. Việc Sở Nội vụ đề xuất việc cán bộ công chức đi lại trong những ngày này phải mặc “đồng phục nhận diện” là một việc làm hoàn toàn không cần thiết, tốn kém, gây phiền phức cho các cơ quan đơn vị. Bởi vì đã có giấy đi đường (hoặc giấy phép, giấy công tác, thẻ công chức, thậm chí cả tin nhắn trong điện thoại nếu có việc đột xuất...). Lại thêm một kiểu “thừa giấy vẽ voi”!

Đây là những giải pháp “đúng mà không trúng” vì sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu, sửa đâu sai đó, đâu đó sửa sai... Không biết nơi nào và TẠI SAO lại tham mưu cho chính quyền những “giải pháp” như trên góp phần làm cho tình hình thành phố đã rối càng thêm rối?

 

https://tuoitre.vn/di-cho-giup-mot-phuong-o-tp-hcm-bi-bom-hang-30-don-trong-mot-ngay-20210827203624099.htm

Tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu: Sài Gòn với tôi là người thương

 BÁO PHỤ NỮ TPHCM PHỎNG VẤN, NGÀY 22.8.2021

Sinh năm 1958, Tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu là đại diện cho thế hệ “di dân” đầu tiên vào Sài Gòn sau sự kiện lịch sử 1975.  Gần 50 năm, hơn nửa đời người, chị buồn vui với mảnh đất này, cái mảnh đất mà chị đã viết trong tập tùy bút “Sài Gòn bao giờ cũng thế” của mình, là nơi mà “không chỉ là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về, Sài Gòn còn là một phần của cuộc đời ngắn ngủi…

Sài Gòn trong văn chương của Nguyễn Thị Hậu, không phải là thành phố xa hoa toàn nước hoa và son phấn, không phải những tòa nhà chọc trời hay những tranh cãi về GDP, mà là một Sài Gòn bình dị với những mảnh đời, những thân phận, những yêu thương qua con mắt quan sát và chiêm nghiệm của một nữ trí thức dành cả đời cho văn hóa và lịch sử của vùng đất này, với một trái tim lương thiện và giàu lòng trắc ẩn.  

 “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cả thành phố trong tình trạng đau thương như vậy!

-       Chào TS Nguyễn Thị Hậu, hơn hai tháng lock down vì dịch bệnh, những ngày này của chị thế nào?

Chào bạn! Từ năm ngoái đến nay nhịp sống của thành phố và của mỗi người đều bị chậm và hụt đi vài nhịp. Tôi cũng vậy, không thể khác! Công việc của một người về hưu không nhiều nhưng cũng có việc phải đúng hẹn. Hai tháng qua gần như chúng tôi hoàn toàn không được ra ngoài, nên dù có nhiều thời gian nhưng hiệu quả làm việc không cao, vì tôi không thể đi thực tế hay tìm tài liệu, sách vở được... Bù lại tôi có thời gian xem phim, đọc sách nhiều hơn, sống chậm hơn. Cũng là một dịp nạp thêm kiến thức và cảm xúc.

-       Giữa những ngày Sài Gòn đang oằn mình để chiến đấu với covid-19, chứng kiến những cuộc chiến giành giật sự sống và miếng cơm manh áo của hàng triệu người dân nơi đây, nó khác với những “miền bình yên” trong văn trong sách của chị?

Thật tình mỗi ngày của tôi đều có sự đối lập về cảm xúc. Mỗi sáng thức dậy với gia đình nhỏ của mình – mà bình thường không mấy khi luôn có đủ mọi người – là cảm giác tạm yên tâm, dù có chút lo toan về thực phẩm, về thuốc men hay chuyện này khác... Nhưng chỉ cần giở trang báo hay lên mạng xem tin tức là lập tức tràn đầy cảm giác lo âu, buồn bực, thậm chí bức xúc. Chưa bao giờ sự bất an và lo lắng lại thường trực trong tôi nhiều và liên tục như vậy! Chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh kiệt quệ, đói khổ, những gia đình khánh kiệt vì dịch bệnh, số người chết tăng cao… mà mỗi ngày qua đi dường như không thấy tình hình ngày mai có gì khả quan hơn. Điều đó thật đáng sợ vì gần 50 năm sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi chứng kiến cả thành phố trong tình trạng đau thương như vậy.

Nói vậy không có nghĩa là thành phố chưa từng lâm nguy! Tôi nhớ là khoảng 90 năm trước, cuộc “đại suy thoái” 1929-1933 đã tác động nặng nề đến đời sống kinh tế ở Sài Gòn. Hay gần hơn là thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ” những năm 1976 – 1985 trước đổi mới. Lúc đó thành phố cũng bị tình trạng dân cư thất nghiệp, hàng chục ngàn người phải bỏ về quê, phải đi “kinh tế mới”... Kinh tế tiêu điều, đời sống vô cùng khó khăn...

Tuy nhiên, với sự năng động không cam chịu những cản trở từ khách quan hay chủ quan... người Sài Gòn đã từng bước vượt qua từ việc đồng lòng “nhường cơm sẻ áo”, luôn suy nghĩ tìm ra và thực hiện những cách thức mới, chưa đúng thì sửa sai ngay, không chỉ ngồi than thở mà luôn “tự cứu mình”.

Cũng giống như bây giờ, tôi nghĩ ý chí người Sài Gòn rất kiên cường và khó bị đánh gục. Thời gian qua khó khăn đau thương như vậy nhưng Người Sài Gòn vẫn đùm bọc và yêu thương nhau như bao nhiêu năm nay. Những người ở tuyến đầu chống dịch luôn quên mình vì đồng bào với tinh thần “Lục vân Tiên” thời hiện đại! Tôi tin, rồi trạng thái “bình thường mới” sẽ nhanh chóng được thiết lập. Rồi sau cơn mưa, trời sẽ hửng lên thôi, với tất cả những yêu thương và sẻ chia.

-       Không sinh ra ở Sài Gòn, nhưng dường như chị luôn đau đáu nặng lòng với thành phố này, như trong một cuốn sách chị đã xuất bản năm 2017 là “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, thấy chị thương từng dòng kênh từng con đường, những điều nhỏ bé dịu dàng. Điều gì mang đến cho chị những ân tình đó với đất và người nơi đây?

Bạn dùng một từ mà tôi rất chịu, đó là “thương”. Người Nam bộ nói “thương” là nặng tình nặng nghĩa lắm. Tôi sống ở đây từ năm 17 tuổi, trải qua cả tuổi thanh niên, trung niên, đến nay đã vào tuổi về già, chứng kiến bao thay đổi của thành phố này. Tôi thương Sài Gòn vì con người ở đây bình dị lắm, cần làm thì làm ngay, từ trái tim, từ lẽ phải, không đao to búa lớn, không tính toán so đo, nếu bị thiệt thòi thì cũng bỏ qua. Sài Gòn thường giấu trong mình những khoảng lặng êm đềm, những nốt lặng đau thương... chỉ bộc lộ những sôi động những niềm vui. Tính cách này cũng từ hoàn cảnh lịch sử mà có. Như một con người từng trải, “phong cách hào hoa phong lưu nhưng tâm hồn chân tình và đa cảm, dù cuộc đời lúc sang trọng khi nghèo khó, lên xuống bầm dập nhưng không làm mất đi lòng nghĩa hiệp và nhân ái”, vậy nên Sài Gòn xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được nhiều yêu thương.

-       Nhưng hình như càng “thương” thì càng “luyến tiếc”? Đọc văn của chị thấy như có gì vẫn day dứt lắm…

Đúng là càng thương Sài Gòn thì càng tiếc những gì đã mất! Công việc khảo cổ và nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng tác động quan trọng đến tình cảm của tôi dành cho Sài Gòn. Đây không phải là “vùng đất mới” theo nghĩa trước đây chưa từng có người sinh sống khai phá, và vùng đất này cũng không nghèo về văn hóa như người ta vẫn đánh giá. Có quá nhiều thứ đáng quý cần duy trì và bảo tồn ở mảnh đất này, nhưng nó đang bị mai một, và tôi thực sự “luyến tiếc”.

Nhưng không chỉ tiếc công trình, cảnh quan di sản bị hỏng, bị phá hủy, mà tiếc vì những bài học “đến trễ”, nếu chúng ta biết học hỏi những bài học ở những địa phương có điều kiện, hoàn cảnh như chúng ta, nếu không quá coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà coi thường giá trị di sản bền lâu, nếu có sự hiểu biết văn hóa đô thị Sài Gòn với những đặc trưng độc đáo, thì chúng ta có thể đã có một Sài Gòn giàu đẹp hơn rất nhiều về mọi mặt.

-       Người ta hay nói đến Sài Gòn như một đô thị xa hoa diễm lệ, nhưng Sài Gòn trong văn chương của chị có vẻ hơi khác. Đó là những hoài niệm bình dị, mà ở đó được chị kể lại với sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, là những thông tin và kiến thức nghiêm cẩn về văn hóa, lịch sử kết hợp vừa vặn với những cảm xúc rất nữ tính. Đó là Sài Gòn của riêng chị?

Có lẽ do “bịnh nghề nghiệp” là “đào bới quá khứ để hiểu hiện tại, nên tôi thường nhìn Sài Gòn từ cuộc sống đời thường và thấy mối liên hệ căn nguyên từ lịch sử. Mỗi “người Sài Gòn” hiện nay đều là phản chiếu hình ảnh lưu dân trăm năm trước gánh gồng bồng bế nhau vào Nam khai hoang lập ấp. Vùng đất Nam bộ không đơn giản là được “thiên nhiên ưu đãi” đâu, mà biết bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt, trí tuệ và tính mạng con người mất đi mới có được một đồng bằng sông Cửu Long trù phú, một đô thị Sài Gòn “diễm lệ” để nhiều người nhìn thấy.

Bên cạnh “Sài Gòn hoa lệ” còn có một Sài Gòn khác, Sài Gòn của xóm nhà lá kênh đen, hàng ngàn con hẻm của người bình dân, người tứ xứ. Một nghĩa nào đó tôi cũng là người “nhập cư” sau 1975 nên tôi nhìn Sài Gòn bằng sự “phân thân” có phần khách quan. Tính tôi lại ưa ngồi “dưới đất” nên thường thấy điều bình dị quanh mình, những điều nhỏ bé làm cho cuộc sống vui hơn một chút, tốt hơn một chút. Vì vậy, khi tôi kể lại thì được nhiều người đồng cảm và thích thú.

-       “Người Sài Gòn”, hình như đang có quá nhiều tranh cãi xung quanh cụm từ này, ý kiến của chị thế nào ạ?

Cụm từ “người Sài Gòn” trở lại phổ biến rộng rãi khoảng mười năm nay, bắt đầu từ một số quán cà phê, nhà hàng, quán ăn... mang tên Sài Gòn. Rồi nhiều người viết về Sài Gòn, từ những kỷ niệm, ký ức đến chuyện đời sống hàng ngày... Mà lạ lắm, khi nói đến Sài Gòn là người ta luôn nói về con người Sài Gòn, Sài Gòn tình nghĩa, bao dung. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được những bài viết nhỏ nhỏ trên báo chí và cả trên mạng xã hội, tôi thấy phần lớn là người “nhập cư” kể chuyện tốt đẹp về Sài Gòn đấy chứ?

Văn hóa vùng miền vốn đa dạng, tốt đẹp hay xấu xí mỗi nơi đều có, ít nhiều khác nhau. Đừng nghĩ đặc điểm này hơn kém đặc điểm khác, đừng cho rằng chỉ có một chuẩn mực chung cho mọi vùng miền thì sẽ không có gì bất đồng đến mức gay gắt như hiện tượng trên mạng xã hội gần đây.

Tôi cho rằng “bao dung, tình nghĩa” ở đâu cũng là một phẩm chất tốt đẹp cần được nhắc nhớ, lưu truyền. Nhưng ở Sài Gòn thì lối ứng xử này thể hiện hàng ngày, ở mọi nơi, mọi tầng lớp, là biểu hiện cụ thể của khí chất “Lục Vân Tiên” Nam bộ. Cho nên nếu có nhắc đến phẩm chất này ở người Sài Gòn nhiều hơn chút cũng là sự công bằng dành cho một nơi được coi là vùng “đất mới”, có lịch sử hình thành đặc biệt hơn nơi khác.  

-       Những người (tạm gọi là) một lớp người Sài Gòn “đã cũ” (như chị và những người thuộc tầng lớp của chị), và lớp trẻ kế cận, như những học trò mà chị đang giảng dạy, dưới góc nhìn của một người làm khoa học, văn hóa, chị có thấy những sự khác biệt đáng kể?

Khác biệt đầu tiên là thế hệ con tôi, học trò của tôi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thậm chí không biết đến “thời bao cấp”. Cuộc sống bình yên và ít trải nghiệm khiến họ tư duy đơn giản và “nhanh” hơn, đôi khi “nhanh” đến mức không kịp nghĩ xem việc mình làm có ảnh hưởng đến ai hay không. Mặt tích cực là vai trò cá nhân sớm khẳng định, nhưng mặt hạn chế là đứt gãy “truyền thống”, nhất là văn hóa gia đình. Điều này làm cho các thế hệ ngày càng có sự cách biệt vì “không chịu hiểu nhau”.

Khác biệt nữa là thế hệ trẻ năng động hơn nhiều, giỏi hơn vì hiểu biết nhiều lĩnh vực của xã hội hiện đại. Cái nhìn về thực trạng xã hội lạc quan hơn, nhìn về quá khứ chiến tranh cũng đơn giản và thẳng thắn hơn. Việc tham gia hoạt động xã hội của các bạn có sự liên kết và lan tỏa nhanh, rất tích cực, mang lại hiệu quả cao.

-       Sài Gòn không phải là quê hương, nhưng có bao giờ chị nghĩ, mình sẽ chết và nằm lại nơi mảnh đất này, như một bến tàu cuối cùng của cuộc đời?

Quê tôi ở miền Tây, mà miền Tây với Sài Gòn thì như một. Vì vậy tôi nghĩ rằng mình đã sống ở đây thì khi chỉ còn lại nắm tro cũng nằm lại đây. Hy vọng thế!

Có “mở miệng” thì mới thoát khỏi “sự im lặng vàng mã”

-       Hơn 60 tuổi, thấy chị vẫn luôn nhiều năng lượng, luôn tươi mới và nhiệt huyết, tuổi tác hình như chưa bao giờ làm khó chị?

Đâu có, cũng mỏi mệt rồi chứ! Nhưng tính tôi lạc quan, nói đúng hơn là ít than thở, không hay kể lể, nên được nhiều bạn trẻ chơi chung, rồi được tiếp thêm năng lượng từ họ. Vả lại, nên vui vì còn sức khỏe để làm được điều gì đó có ích cho mình và gia đình, cho xã hội nữa thì càng tốt.

-       Người ta thấy một Nguyễn Thị Hậu khảo cổ cứng cỏi và kiên định, nhưng cũng thấy một Nguyễn Thị Hậu khác với văn chương, với nhạc tình, nhạc “vàng” đầy nồng hậu và thiết tha. Đâu mới là “bản ngã” của chị? Hay cả hai đều là “những mặt khác nhau của một vấn đề”?

Tôi nghĩ không ít người có biểu hiện như tôi, nhất là từ khi có facebook. Với công việc hay nhiều hiện tượng xã hội thì quan điểm của tôi luôn rõ ràng, có khi quyết liệt, dù tôi không quen đao to búa lớn. Nhưng trong sinh hoạt đời thường thì... phụ nữ mà, thế nào chẳng có lúc sống cảm tính. Mà bây giờ có nhiều thứ làm ta dễ bộc lộ cảm xúc lắm, thông tin nhiều thế, “tiếp xúc, va chạm” trên mạng nhanh thế, phim ảnh sách nhạc phong phú thế... tất cả đều có thể làm mình trở nên “sến súa”, nhưng quan trọng hơn, cũng làm cho đời sống tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú. Đừng từ chối những gì mang lại cho mình sự giàu có hơn.

-       Chị từng xuất bản cuốn “Thế giới mạng và tôi” với những quan sát vô cùng cẩn trọng và sâu sắc, ngày ngày cũng đọc được nhiều bài viết vô cùng chất lượng của chị trên Facebook, vì sao chị chọn Mạng xã hội là nơi thể hiện tiếng nói của mình?

Tôi sử dụng mạng xã hội chắc cũng gần 20 năm, nhờ đó học hỏi thêm được nhiều điều hữu ích, biết thêm nhiều người, và chịu đựng cũng nhiều kể cả sự “phán xét” của cộng đồng mạng. Lúc đầu mạng xã hội là nơi chủ yếu để tôi giao tiếp với sinh viên, trao đổi bài giảng và các bài viết của tôi về một số vấn đề lịch sử, văn hóa mà các em quan tâm. Dần dần, qua trao đổi lại nảy sinh ý tưởng mới, lại viết... Sau này là nơi tôi đăng lại những bài báo của mình, như lưu trữ tư liệu.

Sự tiến bộ của internet, sự ra đời của mạng xã hội đã mang lại cho con người khả năng tự do và tự chủ thể hiện bản thân, qua đó có thể nhận biết những cá nhân khác, nhận biết xã hội. Có “mở miệng” thì mới thoát khỏi “sự im lặng vàng mã” để tìm thấy vàng thật, vì mỗi khi tiếp nhận những gì trái ngược hay khác lạ, ta phải “nghĩ đi nghĩ lại”, phải trao đổi, tranh luận... từ đó trưởng thành hơn, có khi trưởng thành ngay từ sai lầm của chính mình.

-“Thế giới mạng ảo” có khó hơn thế giới thật không chị?

Khó hơn chứ! Sử dụng mạng xã hội cũng là một cách làm cho mình có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội. Tôi coi mạng xã hội là một kênh thông tin nhanh, nhiều, trực tiếp nhưng mình cần biết chọn lọc. Từ đó rèn kỹ năng nhận xét phán đoán cá nhân và xã hội. Tôi cũng có nhiều va vấp trong giao tiếp trên mạng, vì thế giới ảo nhưng lại rất thật, rộng lớn, đa dạng khó lường hơn. Ta có thể “cắt đứt” một “trường giao tiếp” nào đó khi không đủ tin tưởng, không có sự tôn trọng nhau, có thể từ chối một mối liên hệ nào đó khi không còn sự đồng cảm chia sẻ. Đồng thời trong thế giới mạng cần biết chấp nhận sự khác biệt, kể cả về quan điểm, bởi thế giới mạng chính là thế giới thực ngoài đời mà con người biết đến nhau và giao tiếp nhờ một phương thức “phi truyền thống”.

-       Người ta bảo rằng, thành công của người phụ nữ không bao giờ là dễ dàng cả, mà đó phải là sự cố gắng rất nhiều để cân bằng giữa gia đình, công việc và thế giới nội tâm. Vậy chị làm như thế nào để cân bằng tất cả những điều đó? 

Không phải lúc nào cũng cân bằng được đâu! Cuộc đời công chức có chút chức vụ quản lý, rồi cuộc sống gia đình thời bao cấp, thời “mở cửa”... nhiều mệt mỏi và xáo trộn! Nhưng như tôi từng trả lời đâu đó rằng, thành công của một người phụ nữ (hiện đại) là làm sao không để cho gia đình và công việc trở thành đối trọng. Nói “văn vẻ” thì thế, còn đơn giản thì ở không gian nào mình có vị trí ấy. Hiểu chỗ đứng của mình thì ở đâu mình cũng thoải mái. Sự cân bằng là thế chăng?

Thế giới nội tâm của phụ nữ không nhất thiết phải được chia sẻ với ai, có thể tùy tâm trạng hoàn cảnh mà bộc lộ theo cách khác nhau. Với tôi, viết là một cách tôi thấy tự do thoải mái nhất.

-       Tôi từng đọc được một câu chị viết thế này: “Nếu phải sống cuộc đời trái với tính cách của mình thì nhất định có lúc tôi sẽ bứt tung ra mà làm lại từ đầu!”, vậy cuộc sống hiện tại đã thực sự là hài lòng với chị chưa?

Ở tuổi tôi, nói hoàn toàn hài lòng thì không hẳn. Nhưng ít nhất tôi được sống đúng với mình, dù va vấp nhiều, dù có điều không như mong muốn. Bởi vì, “Trong lòng bàn tay có ba con đường nhưng con đường nào ngoài cuộc sống cũng là do mình chọn... Tính cách tạo nên số phận. Số phận mình nằm trong lòng bàn tay mình đấy thôi…”, như tôi từng tự nhủ trong một bài tạp bút.

 

Cảm ơn chị đã nhận lời phỏng vấn và chúc chị luôn mạnh khỏe, bình an./.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu (hay còn gọi là Hậu Khảo cổ) sinh năm 1958 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới (An Giang). Năm 1954 gia đình tập kết ra miền Bắc, năm 1975 chị về Sài Gòn sinh sống, làm việc và gắn bó đến tận bây giờ.

Chị có bằng Tiến sĩ Khảo cổ học, từng làm việc tại bảo tàng Lịch sử TPHCM, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Hiện nay là Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ngoài chuyên ngành Khảo cổ, Ts Nguyễn Thị Hậu còn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ.

Một số chuyển khảo và tùy bút văn hóa đã xuất bản của Nguyễn Thị Hậu: Đi và tìm trong đất, Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, Buổi trưa trong quán cà phê, Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ (TP.HCM), Thế giới mạng và tôi, Sài Gòn bao giờ cũng thế, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Nghĩ ngợi đường xa, Mỗi ngày ta sống, Đô thị Sài Gòn – TPHCM Khảo cổ học và bảo tồn di sản...

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHỐNG DỊCH VÀ CHỐNG ĐÓI

 Đến lúc này thì cần phải nói thẳng: chống dịch phải được coi là chống bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm và là chống đói. Cả hai đang hợp sức tấn công TP.HCM: dịch bệnh lây lan nhanh chóng và nguy hiểm đến mức cái chết đến không kịp nhận biết. Cái đói của bao nhiêu người vì hàng tháng trời chỉ có mì gói, thậm chí ăn mì sống, vì những hộp cơm từ thiện cũng dần bớt, sức người có hạn, lá lành cũng đã te tua, lá rách thì nát lắm rồi.

Nếu “chống giặc” là con người (hay thậm chí một loài động vật nào đó) thì có thể “đối mặt”, đặt kẻ thù “bên kia chiến tuyến”, vạch ra biên giới ngăn cách “ta – địch” rõ ràng. Nhưng với dịch bệnh thì không thể. Hai tháng “phong tỏa” vừa qua đã cho thấy điều đó rõ ràng! Dịch bệnh và cái đói không phải là kẻ thù hiện hữu để có thể ngăn chặn bằng hàng rào kẽm gai, các chốt chặn hay các tấm bê tông, vì chúng “đan cài” vào cộng đồng, ẩn trong mỗi con người. Nhưng người “đói thì đầu gối phải bò”, dù phần lớn người dân đã tuân thủ rất nghiêm việc ở yên trong nhà. Có thể ngăn chặn dịch bằng nhân lực vật lực như bệnh viện, trang thiết bị y tế, bác sĩ và nhân viên y tế, ngăn chặn đói bằng lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác... Chống đói cũng chính là chống dịch!

***

TP. HCM tiếp tục “ai ở đâu ở yên đấy” như gần hai tháng qua đã thực hiện. Những khó khăn của hai tháng qua cũng sẽ tiếp tục và sẽ gay gắt hơn nữa! Đối mặt với tình trạng “ở đâu yên đấy” là những người nghèo độ thị thất nghiệp, nhiều người nhập cư hiện nay muốn về quê vì vạn bất đắc dĩ, dù họ cũng hiểu rằng đi như vậy sẽ làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng hơn, dù họ không chắc về quê sẽ khá hơn, dù tuyệt vọng thì họ vẫn phải làm một điều gì đó để mà hy vọng!

Những người nghèo, người nhập cư hiện là thành phần khó khăn nhất, cần được đảm bảo điều kiện tối thiểu là có chỗ ở, có đồ ăn, nếu mắc bệnh thì được điều trị. Chính quyền thành phố, chính quyền các tỉnh và chính phủ trung ương đều phải có trách nhiệm đảm bảo với họ điều đó. Vì đây cũng là lực lượng quan trọng đóng góp sức lực cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp khu chế xuất, các công ty lớn nhỏ, những hoạt động dịch vụ cho các tầng lớp ở đô thị... Họ góp phần vào những con số tăng trưởng của kinh tế thành phố, vào xuất nhập khẩu của đất nước. Đồng thời đóng góp cho quê hương bằng đồng tiền lao động cực khổ gửi về gia đình.

Thể hiện trách nhiệm với họ chính là bảo toàn tầng “nền” vững vàng, xã hội mới ổn định. “Lấy dân làm gốc” mà gốc bị sâu mọt đục ruỗng thì cây không thể đứng vững, không thể phục hồi sau giông bão. Mặt khác, các tổ chức cộng đồng tiếp tục thực hiện hoạt động nhân đạo, tương tế, cứu tế tùy vào điều kiện của mình nhưng không thể coi đây là phương thức chủ yếu!

***

Tình hình phong tỏa căng thẳng hơn ở TP. HCM những tuần tới đây có thể coi là “thiết quân luật” nếu lực lượng quân đội được huy động nhiều hơn tham gia chống dịch và cứu trợ xã hội. Để có thể thực hiện được yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” trong tình trạng kiệt quệ hiện nay, không phải bằng những mệnh lệnh văn bản từ cấp này qua cấp khác, mà người dân thành phố cần được chính phủ mở ngay các Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp..., mở kho dự trữ lúa gạo, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế cũng như thiết bị phục vụ tình trạng khẩn cấp... Tất cả phải được cung cấp ngay cho TP.HCM. Đây là lúc người lao động cần nguồn “tiền tươi thóc thật” từ chính phủ một cách “ngay và luôn” chứ không thể chờ đợi “theo quy trình” bình thường! Không thực thi một cách khẩn cấp lúc này chính là hành vi “nối giáo” cho giặc bệnh, giặc đói giết hại đồng bào!

 Chính quyền thành phố nên huy động những cơ sở công cộng như trường học, công sở, nhà chùa nhà thờ... hiện nay chưa sử dụng, có mặt bằng rộng và thoáng, có thể làm nơi tiếp nhận và trú ngụ tập trung tạm thời cho những người không còn nơi tạm trú, vừa để họ ổn định vài tháng, tránh lây lan nếu họ dương tính, vừa để thuận tiện hơn cho việc cung cấp bữa ăn, xét nghiệm và tiêm vắc xin diện rộng cho những người khó khăn nhất. Các xe bus  có thể sử dụng để vận chuyển các bữa cơm đến những nơi tạm trú tập trung, làm “cửa hàng di động” (như ở Hà Nội) để đưa hàng thiết yếu đến từng khu phố, từng con đường, tránh tập trung ở siêu thị hay chợ. Hiện nay hầu hết người dân thành phố có gì ăn nấy chứ không có điều kiện lựa chọn theo yêu cầu, nhưng đnhiều người thiếu đói do chính quyền chưa phương án phù hợp, không thực thi triệt để việc cứu đói.

Nhiều chuyên gia đã nói đến các mục tiêu tập trung quan trọng nhất hiện nay là: Phủ nhanh vac xin trong cộng đồng; Điều trị tích cực, quyết liệt giảm số tử vong vì dịch bệnh; Đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm; Cứu trợ người nghèo, người nhập cư Bảo vệ hệ thống y tế không bị suy sụp. Cả 5 mục tiêu này cần được thực thi khẩn trương quyết liệt như nhau, vì nhiều người dân đang sợ đói hơn sợ dịch, vì giặc đói đã tấn công vào cư dân của thành phố cũng nguy hiểm như dịch bệnh covid-19.

 

Nguyễn Thị Hậu

 Hình: Siêu thị ngay kế nhà tui:







NGÀY ĐỘC LẬP, NHỚ CHA!

 Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch

Nguyễn Thị Hậu

 

Mỗi năm gần đến ngày Quốc khánh 2/9 – là ngày Độc Lập theo cách gọi quen thuộc trong gia đình tôi từ thời ông bà nội – tôi lại nhớ đến những gì ba tôi thường kể lại, về những ngày đi theo “tiếng gọi sơn hà” từ tháng tám năm 1945.

1. Ba tôi - Đạo diễn sân khấu, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch - kể rằng, nhà ông nội tôi khá nghèo, phải mướn ruộng của địa chủ để làm. Dù thiếu trước hụt sau nhưng ông bà nội cũng ráng chắt bóp dành dụm cho con đi học. Vì quá lao lực nên ông nội bị đau phổi. Sau một ngày lặn lội ngoài đồng, ông nội tôi về nhà nằm dài, hai tay ôm ngực, ho khúc khắc cả đêm. Ba tôi từ lúc năm, sáu tuổi đã biết trông em nhỏ để bà nội làm việc nhà, xay lúa giã gạo... Lớn hơn một chút, được đi học ở trường làng một buổi, ngoài giờ học còn phụ má làm vườn, rồi học bài tới khuya.

Từ nhỏ ba tôi đã rất mê coi hát. Mỗi lần có gánh hát tới diễn tại đình làng là ông lại nôn nao không học hành gì được. Không tiền mua vé, có lần ông lén chui vô coi ké, bị bắt được, bị đánh… Mặc, ông vẫn mê coi hát vì tiếng đờn câu ca quyến rũ. Sau những đêm coi lén cải lương, hát bội ở đình, ông thường trằn trọc không ngủ được. Ông tiếp tục hình dung cuộc đời các nhân vật trong vở hát vừa chấm dứt...  để rồi ngủ thiếp trong sự thất vọng không bao giờ biết những con người “bí ẩn oai hùng” đó sẽ như thế nào.

Nhờ được ông nội cho đi học sớm, bác Ba tôi lại học giỏi nên từ trường làng trên Cù Lao Giêng (An Giang) bác đã thi đậu vào trường “nhà nước” Collège de Mỹ Tho (Tiền Giang), được học bổng nên đỡ phần nào cho gia đình. Rồi bác Ba tôi thi đậu vào trường Y, học ở Hà Nội và qua Pháp, sau khi tốt nghiệp thì về làm bác sĩ ở Sài Gòn. Bác Ba thay ông bà nội nuôi các em tiếp tục ăn học. Cho đến khi ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm, trở thành một thầy giáo trẻ.

Đầu tiên ba tôi tôi về dạy học ở Cái Răng, một thị trấn nhỏ - nay là một quận của thành phố Cần Thơ. Sau đó được đổi về dạy ở quê nhà, trường huyện Chợ Mới – An Giang. Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng – đồng hương và cũng là bạn thân của ba tôi – nhớ lại thời gian đó như sau.

“Khoảng năm 1942, thầy Nguyễn Ngọc Bạch về dạy ở trường tiểu học huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay là An Giang. Thầy dạy lớp nhì một năm, tôi học lớp nhì hai năm. Tôi không học trực tiếp với thầy nhưng gần gũi với thầy hơn các học trò của trường. Là thầy nhưng thầy có “máu đờn ca xướng hát”. “Thầy mà cũng biết đờn tụi bây ơi!”, thầy giáo mà biết đờn đối với đám học trò chúng tôi là một điều lạ – Sau buổi học chiều, học trò lớp nào cũng được, hễ thích hát thì thầy dạy. Thầy dạy hát với tiếng đàn “banjo” nghe dòn tan. Trường chúng tôi nằm ngoài phố chợ, lặng lẽ bên hàng cây “dái ngựa”. Tiếng hát của bọn trò nhỏ chúng tôi cứ vang xa, vang xa. Chính thầy là người mang niềm vui qua tiếng hát cho một phố huyện buồn. Rồi thầy tuyển chọn một số trong chúng tôi, thầy lập gánh hát, ngày hè, thầy dẫn chúng tôi đi khắp nơi, chúng tôi đi đến đâu dân làng vui đến đó…

Ba tôi cũng viết trong hồi ký.

“Trước năm 1945, khi còn là một thầy giáo dạy ở trường quận, tôi đã mê diễn kịch, tôi hăng hái tập cho học trò hát những bài như: Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang, Kinh cầu nguyện, Xếp bút nghiên… Hè năm 1943, tôi tổ chức một đêm diễn: có hài kịch ngắn, có đồng ca, có đơn ca và bản thân tôi cũng tham gia diễn kịch. Buổi diễn khá thành công. Tôi viết thư về báo cho tía tôi. Tía ghi chú vào chỗ giấy còn trống trong thơ: “Tía coi thơ này mà rùng mình, rợn óc cho tương lai của con. Nếu tạo vật dắt đường cho con đi về con đường hát xướng thì đời con sẽ vất vả, nhưng mạng vận biết sao?”.

Ba tôi thường nói, ông mê nghề hát một phần nhưng mê được đi đây đi đó, đến những vùng đất lạ tới hai, ba phần. Nghề hát sẽ cho ông thỏa mãn cả hai đam mê đó. Nhưng ông nội tôi theo đạo Phật, thường dạy con cái về nhân nghĩa nhưng cần an phận thủ thường. Mà cuộc đời “xướng ca vô loài” như quan niệm thời ấy thì quá nhiều bất trắc, “xảy nhà ra thất nghiệp”...

2.

Cách mạng tháng Tám, rồi ngày 23.9.1945 kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, ba tôi được Ủy ban tỉnh An Giang giao cho việc thành lập Đoàn kịch Cứu quốc. Khi nghe ba tôi xin phép, ông nội tôi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Tía xem đời Cụ Hồ chẳng khác nào như đức Thích Ca. Cụ là người như vậy, mà cụ cho hát, chắc là hát có ý nghĩa. Trào Tây, hát là xướng ca vô loại. Bây giờ, hát cho Chính phủ Cụ Hồ là hát cứu nước. Tía đồng ý cho con đi hát”.

Ngày đó, khi đồng ý cho bác Ba và ba tôi theo Việt Minh, ông nội đã khấn trước bàn thờ Phật “Hôm nay con đưa hai con đi theo Cụ Hồ đánh Tây giành độc lập, không để cho thằng Tây ngồi lên đầu lên cổ dân mình. Con cháu có gì sai quấy mong Cụ dạy bảo. Cầu trời Phật ông bà phù hộ cho con cháu bình an!” Giản dị vậy thôi! Năm 1947 ông nội tôi bị Tây bắn chết vì không chịu gọi hai người con đi kháng chiến trở về.

Đối với ông nội tôi, Cụ Hồ là người đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Bác tôi, ba tôi và nhiều trí thức Nam bộ thời đó dù được học bổng của chính quyền Pháp để thành bác sĩ, thầy giáo, kỹ sư, luật sư, công chức… nhưng nhờ có học nên họ hiểu rằng không ai có quyền áp bức bóc lột ai, họ tiếp nhận văn minh phương Tây để hiểu về Tự do, Bình đẳng, Bác ái giữa các quốc gia, họ đấu tranh chống lại chính quyền thuộc địa vì nền độc lập của đất nước mình.  Sự giác ngộ đầu tiên của ba tôi và nhiều người cùng thế hệ ông là niềm tin vào tấm gương Cụ Hồ vì dân vì nước, dù chưa hiểu biết nhiều về “lý tưởng cộng sản” nhưng là những người yêu nước, mục tiêu Độc lập Dân tộc là ước nguyện và niềm tin của những trí thức Nam bộ. Vì vậy họ đã tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kể từ ngày đó, ba tôi và đoàn hát của ông đã vượt qua chín năm dài khó khăn và ác liệt, đi bộ chèo ghe băng đồng lội nước lưu diễn khắp miền Tây Nam Bộ. Cũng trong những ngày này ba tôi đã sáng tác nhiều ca khúc như Hồn thiêng chiến sĩ, Tuyên truyền lưu động, Làn sóng dân chủ, Tháp Mười anh dũng... Nhưng trong đó ca khúc “Cương quyết ra đi”sáng tác ngày đầu khánh chiến  là một bài hát được nhiều người yêu thích và thuộc lòng. “Cờ Việt Nam bao năm nhuộm máu hùng anh... Ta ra đi mùa thu xa xưa ấy, vung gươm thiêng ta cắt đứt đường tơ vương”. Sau này khi biết ba tôi là tác giả bài hát, có người nói vui “tại Cương quyết ra đi của anh mà tui đi theo kháng chiến đó!”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng nhớ lại: “Kháng chiến. Học trò trở về trường nhưng thầy không dạy nữa, thầy đã vào bưng biền rồi, thầy đã “Cương quyết ra đi” như lời bài hát đầu tiên của thầy vang trên khắp nẻo đường kháng chiến. Thầy lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn”, “Tuyên truyền xung phong” từ sông Tiền dài xuống sông nước vùng đất U Minh, từ đó thầy gắn cuộc đời mình với sân khấu, từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở về Nam cho đến hết cả cuộc đời”.

Tại bưng biền miền Tây, theo chỉ đạo của bác Ba tôi lúc đó là Giám đốc Sở Y tế Nam bộ - bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sau này là Bộ trưởng bộ Y tế nước VNDCCH - ba tôi lập đoàn “Truyền bá vệ sinh”, ông sáng tác những vở kịch, bài ca vui nhộn, sinh động mà rất khoa học để tuyên truyền cho đồng bào giữ vệ sinh nhà ở, nhà tắm, cầu tiêu, giữ sạch môi trường sinh sống như kinh rạch, vườn tược, góp phần bảo vệ sức khỏe và tránh các dịch bệnh... Không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì được giao, các đoàn hát của ông đi đến đâu cũng được đồng bào, chiến sĩ yêu mến, trông đợi... Nhờ đó, ông cũng “tuyển” được nhiều “diễn viên”. Sau này một số cô chú tập kết ra miền Bắc và trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.

Năm 1954, theo sự phân công của tổ chức, ba tôi cùng nhiều đồng nghiệp đi tập kết. Hồi ký của ông viết: “Lần đầu tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?

Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đông đảo đồng bào nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ.

Kế tiếp là những năm dài ông thường xuyên vắng nhà vì những chuyến lưu diễn khắp nơi của Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn kịch nói Nam bộ mà ba tôi làm trưởng đoàn: rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương, đường 559 Trường SơnCho đến tháng 4.1975 ông được trở về Sài Gòn, về An Giang quê hương yêu dấu sau hơn hai mươi năm “ngày Bắc đêm Nam”.

 

***

Trên đây là những gì tôi được nghe ba tôi kể lại và vài đoạn trong hồi ký của ông. Từ một thầy giáo “ham đờn ca hát xướng”, ông đi kháng chiến đánh Tây giành độc lập bằng cách góp công sức làm nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Ông luôn nói với tôi: Cuộc đời ba có may mắn lớn là vừa được tham gia kháng chiến vừa được thỏa niềm đam mê đi hát của mình! Ông đã làm người nghệ sĩ – chiến sĩ cho đến cuối đời.

 Câu chuyện đi theo cách mạng của ba tôi và của nhiều chú bác cùng thời rất tự nhiên và giản dị như lẽ sống đời thường, nhưng đã cho chúng tôi hiểu sâu sắc một điều: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là mục tiêu của nhà nước ra đời vào ngày 2/9/1945, cũng là lý tưởng thiêng liêng của những người tham gia cách mạng thuộc thế hệ “mùa thu rồi ngày hăm ba”. Họ dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm và hết mình lao động xây dựng tổ quốc, không màng danh lợi, là vì hơn ai hết, họ hiểu giá trị của nền Độc lập chỉ trọn vẹn khi nhân dân được Tự do và Hạnh phúc! Chừng nào nhân dân chưa được hưởng Tự do Hạnh phúc như những giá trị phổ quát của nhân loại thì đất nước còn chưa có được một nền Độc lập mà những thế hệ trước đã hy sinh xương máu, tính mạng và tài sản của cải để giành lấy.

Sài Gòn, 7.7.2021

https://laodong.vn/xa-hoi/ngay-doc-lap-nho-cha-940812.ldo?fbclid=IwAR3OVeMMpAuzE93fpMqyiFt-BOn5qfYhPCVsxbQWmc0W8QCkIOdwxjtDPFg

 



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...