SÀI GÒN, NGÀY THỨ 24 (đêm thứ 6 giới nghiêm).


Chào tháng Tám!
Tính ra là hơn 3 tháng từ khi dịch bùng phát tại TPHCM và gần 2 tháng cách ly từ vừa đến nghiêm (CT 10 của tp --> CT 15 --> 16 --> 16+), dù vẫn duy trì làm việc, sinh hoạt gia đình và giao lưu với bạn bè, nhưng tâm trạng ngày càng không tốt. Tin tức xã hội tác động quan trọng đến tâm trạng, không hẳn vì những tin buồn, mà vì mỗi ngày đều không thể biết ngày mai sẽ thế nào, có gì khả quan hơn không? Là một cá nhân trong xã hội làm sao không quan tâm đến những số phận khốn khổ quanh mình, không có lòng trắc ẩn với những người kém may mắn hơn mình?
Những gì viết ra chia sẻ với bạn bè FB chỉ là một phần suy nghĩ, cố gắng khách quan, không sa vào cái nhìn quá tiêu cực, cũng không cực đoan chê trách. Chỗ đứng của mình là từ phía những người cùng cực, trên cơ sở thông tin từ truyền thông chính thống để đặt ra một số vấn đề, câu hỏi... mà bất cứ ai biết suy nghĩ đều nhận thấy.
Có lần trả lời phỏng vấn về tập truyện 100 chữ của mình, nhà báo hỏi: “truyện/chuyện của chị thường ngậm ngùi khi nói về người phụ nữ hay những mảnh đời thiệt thòi. Chị luôn “đứng về phe nước mắt”? Mình đã trả lời: “Tôi luôn đứng về phe không làm ai phải rơi nước mắt”. Trước một sự việc khiến ai đó bị thiệt thòi, bị ức hiếp, mình luôn tự hỏi vì sao không làm khác đi, không ngừng ở một ngưỡng nhất định để tránh gây tổn thương, tổn hại cho nhau? Nhất là trong quan hệ xã hội giữa một bên là chính quyền đầy đủ “quyền lực quyền hành” và một bên là người dân “thấp cổ bé họng” không hiểu quyền lợi của mình, không biết cách tự bảo vệ, bênh vực chính mình.
[Trong đời sống với nhiều mối thân tình mình cũng thường “dừng lại” như vậy. Đã có những người không nhìn thấy, không biết dừng trước cái ngưỡng mà mình đã đặt ra. Họ cố tình đạp qua để phá vỡ chút cảm tình còn lại, thậm chí còn bộc lộ, hành xử điều xấu xa với mình. Quay lưng lại và bỏ đi, không để bất cứ điều gì của họ làm phiền mình, họ đã ở phía sau thì không bao giờ có cửa đến trước mắt mình. Vậy thôi.]
Trên FB có nhiều nhà báo, các anh chị có tâm đã viết những bài cùng nội dung về xã hội còn thẳng thắn, sắc sảo, gai góc hơn nhiều lần mấy cái #vunvatdoithuong của mình. Vì vậy, khi có vài tin nhắn cho mình (từ người quen biết và cả không quen, không phải “bạn fb”) đại ý “già mà không khôn”, “bà chỉ giỏi nói”, “nói làm gì toàn điều tiêu cực”... mình block luôn! Loại đó chỉ dám “mắng” mình, chứ dám nói những nhà báo hay người nổi tiếng khác à? Có mà nhận gạch đá cho sập nhà luôn 🙂
À trước khi block mình cũng qua fb họ xem: cũng là dân có chữ nghĩa cả đấy, nhưng viết lách uốn éo, cũng ấm ức mà chẳng dám nói chỉ toàn bóng gió xa xôi, rồi thở dài cam chịu, rồi vuốt ve nhau bằng những điều dối trá. Có lẽ họ khó chịu vì cùng nhận thức như nhau mà mình lại không ngoan hiền như họ chăng? Mỗi người một tính cách, không cùng suy nghĩ thì nên tôn trọng nhau. Ủa mà không thích sao cứ qua fb mình coi, rồi copy hay share về, rồi cùng người khác chê bai, suy diễn đủ kiểu... rồi tức tối hùa nhau chửi bới chi cho tổn thọ vậy?!
Cách đây hơn 10 năm mình đã viết:
“Lời nói và sự im lặng như là hai cực đối lập, nhưng có vẻ như xưa nay sự im lặng luôn được đánh giá cao hơn lời nói.
Nhưng khi nào “lời nói” chính là sự dũng cảm, dám chấp nhận, dám hành động thực sự, còn “im lặng” chính là sự lười biếng, trì trệ, trốn tránh, thậm chí là hèn nhát, thì khi ấy lời nói đáng quý gấp ngàn lần sự im lặng.
Bây giờ sự im lặng nhiều hơn lời nói, im lặng là vàng, nhưng là vàng mã!”
Mình vẫn luôn nghĩ và hành xử như thế!
@ Tấm hình mình thích, vì vui nhưng vẫn có một phần sự thật.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...