VIẾT CHO MÙA THU



Tản văn  – Nguyễn Thị Hậu

Mùa thu thiếu nữ
Một chiều tháng tám nhiều năm về trước có một cô bé đi chiếc xe mini thong thả dọc con đường lúc đó còn có tên 30 - 4, ghé vào công viên trưóc dinh Thống Nhất  cô ngồi bệt trên bãi cỏ, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng lan xa trong gió, nhìn vạt nắng nhạt cuối đường mà nhớ quá chừng mùa thu nơi cô vừa ra đi…
Nơi ấy có lá sấu rụng vàng vỉa hè, bà cụ hàng nước chè mỗi sáng sớm gom lá quanh gốc cây, từng nhát chổi gượng nhẹ như sợ làm đau những chiếc lá. Khói bếp than vấn vít, hương chè Thái ngòn ngọt  chan chát ủ trong ấm tích quyện trong hơi sương mong manh… Thoáng dịu mát mùa thu đã hiện diện. Lòng người chùng lại, ngẩn ngơ…
Nơi ấy có đầm sen cuối hè hương hoa lẫn vào hương lá. Sen tàn lá già vẫn vướng vít bên nhau. Có lần cô đã ở bên đầm sen ấy cả ngày chỉ để  xem người ta câu cá, hái sen, cắt lá… mà hình như không chỉ có thế…
Nơi ấy có con đường vàng ánh đèn trong mưa hoa sữa, vành bánh xe lăn chầm chậm trong đêm, có người đưa cô về, để khi vô tình nghiêng đầu chạm nhẹ vào lưng người ấy, lần đầu tiên cô nhận ra mùa thu thiếu nữ…
Nhận ra để rồi chia tay.
Từ buổi chiều Sài Gòn bên nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ tháng tám về cô lại tìm đến khoảng không gian tĩnh lặng nào đó giữa thành phố đông đúc này, một mình, để lắng nghe dường như mùa thu thiếu nữ trở về…
Từ buổi chiều Sài Gòn bên Nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ mỗi thu cô lại kiếm cớ trở về nơi có những vỉa hè vàng lá sấu, nơi có đầm sen có con đường ngày nào…  Đầm sen đã mất xe đạp cũng chẳng còn…
 Mùa thu thiếu nữ đã quá xa xôi… 

Sài Gòn có mùa thu không?

Có lần bạn hỏi mình như thế. Lúc ấy mình phân vân chưa biết trả lời thế nào cho bạn hiểu… Dù Sài Gòn chỉ có  hai mùa mưa nắng thì với mình, Sài Gòn vẫn đủ bốn sắc Xuân Hạ Thu Đông. Như thời gian này chẳng hạn. Mỗi sớm đi làm ngang qua công viên đã thấy lá vàng ngày lại nhiều hơn, chiều tối về hơi sương đã lảng bảng mờ những ngọn đèn vàng. Và hơi lạnh se se, cảm giác cô đơn ngọt ngào không thể chia sẻ cùng ai…
Sài Gòn có mùa thu không? Tháng Chín về làm người ta xao xuyến khi đi trên những con đường nhạt nắng. Không khí vẫn oi nồng để lòng bỗng nhẹ lâng nghe những ngọn gió từ biển vào nhẹ nhàng lướt trên ngọn lá xanh mướt ngòai kia… Cây như cao hơn, trời như xanh hơn, và tiếng chuông nhà thờ như vang xa hơn…
Sài Gòn có mùa thu không…? Quán cà phê khuất nẻo, nhạc tiền chiến miên man không cần lời. Cơn mưa chiều giữ chân người ngồi quán. Ly cà phê nhạt đá dường như còn nguyên, khói thuốc mong manh. Giá mà lúc ấy giữ lại được một chút mơ hồ…
Sài Gòn có mùa thu không…? Tháng chín Sài Gòn da diết nỗi nhớ những gì đã qua những người đã xa… Thời gian làm quên mau mà thời gian cũng làm nhớ sâu. Nỗi nhớ như sợi dây thật mảnh mà thật sắc cứa vào ký ức vỡ òa kỷ niệm. Vết cứa không nhìn thấy mà sao không thể liền.
Nơi bạn ở cũng bắt đầu mùa là vàng. Rừng thưa ngút ngát trên xa lộ đi hòai chỉ một màu lá vàng, những sắc vàng nâu vàng đỏ vàng xanh phủ kín mặt đất. Trời xanh thăm thẳm… Ngắm cái màu xanh trong vắt ấy không hiểu sao người ta như thấy mùa tuyết trắng đang đến gần. Mùa thu nơi bạn ở ngắn lắm…


Quý bà Mùa thu

Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…

Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…

Vậy mà ở Hà Nội cũng vậy.

Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Vậy mà chiều đến không khí lại oi nồng, rồi mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa giông ầm ầm, đường phố ngập nước. Chưa lần nào mình ra HN vào những ngày chớm thu mà thời tiết lại thất thường như thế, cứ như một quý bà “xinh đẹp và thành đạt” nhưng đã bắt đầu vào cái tuổi “tiền
mãn ” gì ấy J

Nhưng mặc kệ cái khó chịu, khó chiều của quý bà Mùa thu, cốm vẫn thơm dịu dàng, càng dịu dàng hơn trong chiếc lá sen với lạt rơm vàng buộc hờ, trong chiếc thúng nhỏ trên đôi quang nhẹ nhàng sau chiếc lưng thon. Mặc kệ cái thất thường của quý bà Mùa Thu, hồng chín vẫn đỏ rực lên như thế, hồng ngâm vẫn xanh mướt như màu ngọc bích, vẫn giòn vẫn ngọt như thế. Và cúc vàng vẫn như nuối tiếc mùa hạ, thu hết cả nắng hè rực lên từng đóa, trong cái se se của mùa thu màu vàng bỗng da diết hơn… Và mỗi sáng trời như xanh hơn, không của riêng ai màu xanh đắm đuối ấy…

Quý bà Mùa Thu Hà Nội luôn làm xao xuyến lòng người, nhiều hòai niệm, nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng… dành cho quý bà, dù có người chưa từng gặp. Mặc nhiên là thế, Hà Nội mùa thu…

Ô, nhưng sao tự nhiên cứ nghĩ đến bức tranh của danh họa Nga Kramxkôi “Chân dung người đàn bà xa lạ”, người đàn bà đẹp dịu dàng mà ánh mắt kiêu kỳ, lướt qua những gương mặt nhìn mình đầy ngưỡng mộ nhưng không hề đón nhận một ai.

Mùa thu Hà Nội… bạn có còn ở đó…?




Vụn vặt đời thường (90)

@ Nửa đêm thấy một stt của cô em rất thân “… con biết không có người đàn ông nào yêu thương và chấp nhận con như bố…”. Em viết cho người bố mới mất. Đau nhói trong tim khi đọc những câu chữ này.
 Ba mươi năm nay, từ khi ba mất mình cũng luôn nghĩ vậy! Có thể không cần phụ thuộc vào một người đàn ông nào nhưng người cha luôn là chỗ dựa cho con gái, mặc dù con gái thường trò chuyện với mẹ, ít khi than thở kể lể với cha. Nhưng nếu có gì không hay xảy ra với hạnh phúc riêng thì cha là người đầu tiên con gái nghĩ đến, muốn được về bên cha, chẳng để làm gì, có khi chỉ để cha rót cho ly nước mát lạnh hay chỉ để cha hỏi đói không cha đi mua cái gì cho mà ăn, hệt như khi mình còn thơ bé.
May mắn là mình và em đều có những người cha tuyệt vời! Và mình biết, em đã cô đơn trong cuộc sống riêng thì từ nay, em sẽ càng thấy cô đơn hơn. Nhưng em không cô độc vì dù bố ở thế giới bên kia thì sẽ vẫn luôn bên em.

“Con gái nhờ lộc cha” – bố sẽ luôn phù hộ cho em và các cháu, em ạ!

Gọi là thơ (10) NÉT CHỮ



NÉT CHỮ

Anh và em chưa từng biết nét chữ của nhau
Từ khi quen ta chỉ trò chuyện bằng internet
Email nhắn nhe chat chit
Facebook sẻ chia bức xúc phản đối tán thành…
Những con chữ đều đặn, sạch sẽ, chỉn chu
Dù của anh hay em hay bất kỳ ai khác
Giống hệt nhau. Vì tất cả đều từ máy tính

Đôi lúc em tự hỏi
Có khi nào ta mong muốn biết
Nét chữ người yêu thế nào?

Rồi một lần
 Anh nhận được mấy – chữ - của – em
Những con chữ đàn bà ba phần mềm mại
Cứng cỏi bảy phần - đời - đơn - chiếc
Anh đã làm điều chưa từng khi nhìn trên máy tính
Gọi thầm tên em.

Sài Gòn 24.8.2015

TÌNH NGHĨA SÀI GÒN



Nguyễn thị Hậu

Bạn tôi từ Mỹ về Sài Gòn thăm gia đình, mới trở qua bển vài bữa bạn đã than nhớ Sài Gòn quá. Nhưng nỗi nhớ của bạn kèm với nỗi lo cho gia đình người thân bạn bè  đang sống ở Sài Gòn với những thân quen êm ái cũ cùng những bất an hiện hữu mỗi ngày: cướp giật, giết người, lừa đảo… Tôi ra công tác Hà Nội, bạn bè cũng hỏi: Sao dạo này Sài Gòn ghê vậy? Cứ đi ra đường là được dặn phải cho túi vào cốp xe, không nghe điện thoại, chạy xe coi chừng có ai chạy theo thì hãy rẽ ngay vào hàng quán mà ngồi tránh… Hình như Sài Gòn ngày càng vô cảm, chuyện nhà ai nấy biết?

Những chuyện bạn bè lo lắng là có thật ở Sài Gòn.

Là một đô thị lớn nhất nước, Sài Gòn cũng là nơi chứa đựng trong nó sự đa dạng và phức tạp nhất nước, bởi nguồn gốc thị dân và sự biến động dân cư diễn ra hàng ngày, bởi ngành nghề và những cách kiếm sống của người dân nơi đây…
Ở nông thôn đơn vị tụ cư chính là làng nông nghiệp, con người trước hêt sống trong gia đình sau đó mở rộng ra dòng họ, rồi xóm giềng; tiếp theo là làng xã; sau cùng mới ra xã hội. Giao tiếp ở nông thôn trong dựa trên cơ sở biết rõ về nhân thân của nhau, phần lớn người ta có quan hệ huyết thống hoặc thân sơ dưới nhiều hình thức, do đó quan hệ xã hội ở nông thôn khá “kín”.  Ở đô thị không như vậy. Những khái niệm như họ hàng, láng giềng…không có nhiều ý nghĩa như ở nông thôn. Môi trường đô thị tuy chật hẹp về không gian nhưng đông đúc về mật độ và các mối quan hệ xã hội thì rất “mở” vì người ta hầu như không biết nhân thân của nhau. Điều này đã tạo nên sự khác biệt là người thị thành quan hệ với nhau trong vai trò,  bổn phận xã hội mà họ đang đảm nhận. Họ cư xử dựa trên luật lệ quy tắc hoặc những mối quan tâm chung. Từ đó những biểu hiện tình cảm, trách nhiệm giữa cư dân đô thị cũng có sự khác biệt.

Ở Sài Gòn những “người dưng” liên hệ với nhau bằng sự phân công xã hội mỗi người một ngành nghề. Trong công chuyện làm ăn thỏa thuận được thì tiến hành mà không thì chia tay vui vẻ hẹn lần khác. Đã nhận lời thì làm “chết bỏ” không cò kẻ một hai. Sự “sòng phẳng” và chữ Tín trong công việc chính là thể hiện trách nhiệm với nhau, có vậy thì quan hệ mới lâu dài.

Có khi trong một tổ dân phố hay cùng một chung cư người ta sống cạnh nhau hàng năm trời “lạnh lùng” không trò chuyện, thậm chí không biết nhiều về nhau. Nhưng khi hữu sự thì mọi người đều chung tay giải quyết. Đi trên đường phố thỉnh thoảng nghe những câu nhắc nhở “chân chống kìa anh ơi”, “tắt đèn xinhan chị ơi”, “cháu nhỏ rớt dép kìa”, “coi chừng dây thun quấn bánh xe”… Người nhắc phóng xe đi không đợi lời cám ơn, người được nhắc giật mình xem lại và vội nói với theo câu cám ơn. Thấy người với người đâu có dửng dưng.
Có lần tôi chạy xe giữa trưa nắng như nung. Dừng đèn đỏ ở ngã tư, một anh cởi trần mình xăm trổ chằng chịt đang đứng nép vào bóng râm của cái cây nhỏ xíu, nhìn qua kiếng chiếu hậu thấy phía sau có chị kia chở con nhỏ, thế là ảnh lách ra ngoài nắng nhường chỗ mát cho hai mẹ con xích vô. Trời Sài Gòn bỗng dịu mát hơn…
Trên facebook thỉnh thoảng có tấm hình về một bà già đơn chiếc bán bánh trái, một em bé đánh giày cơ nhỡ, một hoàn cảnh khó khăn… Lập tức được chia sẻ và nhiều người tìm đến giúp đỡ bằng cách mua giùm hay “của ít lòng nhiều” san sẻ. Và còn đó hàng ngàn bình nước miễn phí trong những ngày nắng nóng, hàng chục quán cơm từ thiện trên đường phố hay trong các bệnh viện… Ai đã qua được cơn ngặt nghèo rồi thì nhường xuất cơm tình nghĩa đó cho người khác “ngặt hơn mình”… Cứ như vậy những bữa cơm “Thạch Sanh” mỗi ngày được nhân lên, tất cả đều từ sự đóng góp và nhường nhịn của “bá tánh”.
Vào mùa thi đại học, ở Sài Gòn có hàng ngàn nhà trọ miễn phí, giá rẻ cho thí sinh và người nhà từ các tỉnh về trú ngụ, cũng có hàng trăm quán cơm, xe bánh mì, xe hủ tíu sẵn sàng không lấy tiền bữa ăn của phụ huynh hay thí sinh nghèo.
          Những “chuyện nhỏ Sài Gòn” (như tên một cuốn sách nổi tiếng) diễn ra hàng ngày, quen thuộc đến nỗi báo lá cải đầy rẫy ở thành phố này không coi đó là chuyện “giật gân” để câu khách như là chuyện cướp giật lừa đảo.
Đêm đã khuya mà trên facebook của bạn tôi lại vừa hiện lên một thông tin về nông dân miền Tây trồng chanh được mùa nhưng lại bị thương lái Trung Quốc ép giá mua quá rẻ dưới 2,000đ/1kg. Để hỗ trợ nông dân một nhóm bạn đã thu mua trực tiếp với giá 5,000đ/kg và giá bán lại cũng 5,000đ/kg, kêu gọi bạn bè ở Sài Gòn đến mấy địa chỉ mua ủng hộ. Chỉ trong vài phút đã có hàng chục người like và share thông tin này. Chắc chắn chỉ trong ngày mai mấy tấn chanh sẽ được bán hết.
Bên cạnh những chuyện bất an khiến người ta lo lắng Sài Gòn còn vô vàn chuyện tử tế để người ta tin rằng, nghĩa tình ở Sài Gòn không mất đi đâu, nó sẵn sàng hiện ra từ bất cứ ai và bất cứ lúc nào.


 SG 20/8/2015

GS Trần Quốc Vượng và việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng đất Nam bộ



1. Trong số hàng trăm bài viết và hàng chục công trình đã được công bố của giáo sư Trần Quốc Vượng thì số lượng bài có nội dung trực tiếp về các vấn đề lịch sử - văn hóa vùng đất Nam bộ thật là ít ỏi, chỉ có khoảng 10 bài. Nhưng cũng như nhiều bài viết khác của giáo sư, các vấn đề ông đặt ra, gợi mở, lưu ý… hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng bài viết hay con chữ, mà thậm chí, có bài rất ngắn nhưng đã chỉ đúng vấn đề nền tảng cho việc nghiên cứu một lĩnh vực nào đó. Như một vài bài viết của giáo sư Trần Quốc Vượng về lịch sử - văn hóa Nam bộ sau đây (theo thống kê chưa đầy đủ của tôi).
*Sách Việt Nam cái nhìn địa văn hóa. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn  hóa nghệ thuật, Hà Nội 1998.
Về nền tảng văn hóa dân gian vùng Đông Nam bộ (tr.455)
Đôi nét về nền cảnh địa – văn hóa của nghệ thuật sân khấu cải lương (tr.465)
Côn Đảo – một cái nhìn địa – văn hóa (tr.470)
Về với Cà Mau (tr.479)
*Sách Góp phần tìm hiểu lịch sử - văn hóa 300 năm Sài Gòn – TP.HCM. Nhà xuất bản Trẻ, 1998
- Du khảo một số di tích lịch sử văn hóa ở Sài Gòn và vùng phụ cận (tr.252), viết chung với Lê Trung.
*Sách Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội 2000.
- Văn hóa ẩm thực trên nền cảnh môi trường sinh thái nhân văn ba miền Bắc Trung Nam (tr.392)
*Sách Môi trường, Con người và Văn hóa. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin – Viện Văn hóa. Hà Nội 2005
- Nam bộ - các tiểu vùng sinh thái khào cổ - nhân văn và huyền tích khởi nguyên luận (tr.379)
- Khảo cổ học tiền – sơ sử TPHCM (tr.393)
*Sách Trong cõi. Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam. Hà Nội 2014.
- Đô thị cổ Việt Nam (tr.93)

2. Có thể nhận thấy từ những bài viết đầu tiên về lịch sử - văn hóa Nam bộ GS Trần Quốc Vượng đã tiếp cận và đặt cơ sở cho việc nghiên cứu khu vực này từ lĩnh vực Địa – Văn hóa.
Như một bài viết trước đây của tôi về Thầy Vượng: “Dạy về các nền văn hóa khảo cổ Việt Nam nhưng Thầy lại bắt đầu bằng câu hỏi: Các ông các bà có biết vì sao Đại học Văn khoa Sài Gòn có khoa Sư - Địa không?. Câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, vì  ngay từ giờ học Lịch sử đầu tiên trong trường Đại học, chúng tôi đã được biết rằng truyền thống nghiên cứu khoa học xã hội ở VN là Văn Sử bất phân.  Các công trình sử học quan trọng đồng thời là những tác phẩm văn học tiêu biểu cho từng thời kỳ, và ngược lại, nhiều tác phẩm văn học  cũng được sử dụng như những tư liệu lịch sử. Bằng câu hỏi này Thầy Vượng đã mở ra cho chúng tôi  kiến thức đầu tiên về Địa -Văn hóa, Địa - Chính trị , một khái niệm khoa học hiện đại mà bất cứ người học Sử, làm Sử nào cũng cần nắm vững. Có thể diễn giải đơn giản khái niệm này là: Lịch sử – đó là địa lý trong thời gian và Địa lý – đó là lịch sử trong không gian”.
Từ việc khai mở hướng tiếp cận và những kiến thức mới cho lứa sinh viên đầu tiên ở miền Nam sau ngày 30/4 giáo sư Trần Quốc Vượng đã tiếp tục triển khai lý thuyết không gian địa – văn hóa Nam bộ, cả trên bình diện tổng quan Đông và Tây Nam bộ và cả ở những tiểu vùng sinh thái đặc thù (như Cần Giờ - TPHCM).
Ông đã sơ đồ/mô hình hóa vùng Đông Nam bộ trong “mạng lưới” các nền văn hóa cổ thời kim khí ở Đông Dương và Đông Nam Á, bằng cả con đường lục địa và ven biển. Ông chỉ ra mối liên hệ mật thiết, hữu cơ của kinh tế - xã hội ĐNB – văn hóa Đồng Nai và các nền văn hóa khảo cổ khác (Tây Nguyên,  Đông Sơn, Sa Huỳnh, Samrong Sen, Nonnok Tha, Hạ Lào, Thượng Lào, Vân Nam, Lưỡng Quảng, Ryukyu, cũng như trong tiểu vùng lưu vực Đồng Nai từ Đồng Nai Thượng (Đạ Đờn sông lớn) xuống Đồng Nai hạ lưu cận biển… Trong cái nhìn rộng lớn như vậy, văn hóa khảo cổ Đồng Nai không bị “nhòa” đi mà ngược lại, hiện ra rõ nét hơn từ những đối sánh về di tích, di vật, trên cơ sở so sánh về môi trường sinh thái nhân văn.
Tôi nhận thấy GS Trần Quốc Vượng thường đề cập đến ba vấn đề cơ bản của lịch sử - văn hóa Nam bộ từ góc độ Địa – Văn hóa.

2.1 Trường hợp nhóm di tích mộ chum Cần Giờ TPHCM và sự “đa dạng văn hóa” ngay từ thời tiền – sơ sử.
Giáo Sư Trần Quốc Vượng nhận xét “Chúng tôi cho rằng một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất ở miền Nam sau ngày giải phóng mà Bảo tàng Lịch sử VN. TPHCM và bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội đã góp phần tích cực nhất – là việc điều tra, khai quật, nghiên cứu và phân lập được phức hệ văn hóa Giồng cá Vồ - Giồng Phệt – Giồng Am ở vùng Cần Giờ với tuổi kéo dài 2500 BP – 2000 BP cho đến vài thế kỷ sau công nguyên”.
Nếu chỉ nhìn nhóm di tích này hạn hẹp trong mối liên hệ trong “biên giới hành chính Việt Nam” thì có cái nhìn khác về nguồn gốc tính chất của nó. Nhưng nếu đặt nó trong bối cảnh rộng hơn về địa – văn hóa Đông Nam Á và xa hơn (biên giới văn hóa không bao giờ là/trùng với biên giới hành chính), thì khó có thể coi nó hoàn toàn “thuộc về” một văn hóa khảo cổ nào, bởi tính chất “phối/kết hợp” về di vật của nó rất rộng trong không gian nhưng đồng thời, về địa tầng văn hóa và nhất là (địa tầng) đồ gốm thì rất sâu về thời gian với những yếu tố chủ đạo của các di tích khảo cổ lưu vực Đồng Nai. Đây mới là “cơ tầng” quan trọng của “văn hóa Giồng Phệt/Cần Giờ” như cách định danh của chúng tôi về nhóm di tích này.
Cũng nhìn từ bối cảnh rộng/dài như vậy, văn hóa Giồng Phệt (hay nhóm di tích Cần Giờ) đã góp phần quan trọng minh chứng cho nguồn gốc nội tại, bản địa của văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam trên đất Nam bộ; đồng thời góp phần làm sáng tỏ “bước chuyển từ giai đoạn tiền sử sang giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai” ở khu vực Đông Nam Á từ văn hóa Đồng Nai/Giồng Phệt đến vương quốc Phù Nam, từ văn hóa Sa Huỳnh đến vương quốc Chămpa: “Chặng cuối, Giồng Am (niên đại C14 1500 BP) thì đã là Óc Eo sớm – giữa và cùng với các phát hiện ra những di chỉ văn hóa – văn minh Óc Eo khác ở Long An, ở TP. Hồ Chí Minh, ở Đồng Nai… nó góp phần minh chứng rằng không gian văn hóa Óc Eo không chỉ hạn hẹp ở Tây Nam bộ như các nhà khảo cổ Pháp trước 1945 – 1947 suy nghĩ mà không gian ấy bao trùm cả miền Nam hiện tại, từ Đông sang Tây”.

2.2 Trong bối cảnh Địa – Văn hóa đó, giáo sư Trần Quốc Vượng đã chỉ ra một  khiếm khuyến của việc nghiên cứu tiền – sơ sử Sài Gòn – TPHCM“không viết một chữ nào về các đảo gần TPHCM như Côn Đảo, Thổ Chu… nơi đều có mộ vò, gốm, đồ trang sức thủy tinh, mã não tương tự Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt”. Khuyết điểm này đến nay vẫn chưa được sửa chữa vì gần 30 năm rồi (từ 1998) nhưng tới nay, KCH tiền – sơ sử TPHCM gần như không có thêm một bước tiến mới nào, do nguồn nhân lực bị phân tán và do quan niệm của những người lãnh đạo ngành văn hóa, bảo tàng ở TPHCM về vai trò của khảo cổ học trong bảo tàng.
Từ mô hình  “lấy sông làm tuyến chính với các trung tâm thánh địa, thành, cảng thị và tiền cảng thị của một tiểu vùng/ tiểu vương quốc” mà GS Trần Quốc Vượng cùng cộng sự đã khảo sát ở miền Trung và xây dựng nên, áp dụng vào lưu vực Đồng Nai, GS cũng đã phác họa một “tiểu quốc” có thánh địa Cát Tiên, thành Biên Hòa (“trên nền cũ thành man”  như ghi chép trong Gia Định thành thông chí) và cảng thị sơ khai Cần Giờ. Trong mô hình này có thể coi Côn Đảo là “tiền cảng thị” của Cần Giờ, sau này là của thành Gia Định.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hòai Đức (khoảng 1819) đã ghi chép về Côn Đảo như sau:
Ở giữa biển Đông, từ cửa cảng Cần Giờ chạy thuyền ra biển theo hướng đông mặt
trời mọc 2 ngày mới đến. Đảo lớn 100 dặm, có ruộng núi trồng lúa, bắp, khoai, đậu,nhưng cũng không nhiều, nên thường phải mua gạo ở Gia Định mới đủ dùng. Thổ sản ở đây là ngựa và trâu, núi không có cọp beo. Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Tam ba đội, trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà, không cần kêu gọi chỗ khác đến giúp. Dân lính ở đấy thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá, tôm để sinh sống. Quả cau ở đây to, vỏ màu hồng, vị lại ngọt thơm, cứ đến đầu mùa xuân, lúc cau ở Gia Định chưa kết quả, thì cau ở đây đã dùng được, người ta chở vào bán với giá rất cao.
Như vậy có thể coi Côn Đảo là “tiền cảng” của cảng Bến Nghé – Gia Định. Mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế (và quân sự) giữa Côn Đảo và (thành/vùng) Gia Định đã mang lại sự phát triển ổn định cho hòn đảo này. Và chắc hẳn mối quan hệ này có nguồn gốc từ thời cửa biển Cần Giờ là cảng thị sơ khai của cả vùng Đồng Nai trù phú. Nghiên cứu về mối liên/quan hệ giữa Côn Đảo – Cần Giờ - Đồng Nai/Bến Nghé không chỉ để hiểu về Nam bộ thời tiền sử mà còn để ngày nay suy ngẫm về vị thế của Côn Đảo nói riêng, các đảo ven bờ nói chung trong mối quan hệ hướng nội và hướng ngoại. Cũng có nghĩa là vấn đề văn hóa biển (qua kinh tế, lối sống của cư dân, giao lưu văn hóa – kỹ thuật) của vùng đất Nam bộ cần được lưu ý.

2.3 Một vấn đề nữa mà GS Trần Quốc Vượng đã đặt ra từ những cuộc khai quật đầu tiên ở khu di tích Cát Tiên, cũng theo mô hình “một tiểu quốc” ở lưu vực Đồng Nai, đó là vấn đề về “vương quốc Mạ”. Thánh địa Cát Tiên thế kỷ X-XII ở Đồng Nai thượng ngã ba Đạ Đờng (sông lớn) trong một bồn địa giữa núi. Đạ Hoai – La Ngà là “ranh giới mơ hồ” của Mạ - Chăm. Nghiên cứu về “vương quốc Mạ” – theo GS Trần Quốc Vượng, là để sáng tỏ hơn luận điểm “không có một mô hình Trung Hoa tập quyển thống nhất, mà thật ra chỉ có sự tồn tại của một mandala Phù Nam, cũng như một mandala Champa, có thể gọi là những liên hiệp tiểu quốc, phức thể Phù Nam, Champa… nhưng có sự đồng nhất nào đó về mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng”. “Thống nhất trong đa dạng” là thừa nhận những khác biệt, từ những khác biệt đi đến sự hòa hợp với nhau. 
Nhưng cho đến nay nhiều vấn đề về văn hóa các tộc người ở miền Đông Nam bộ đã được nghiên cứu khá toàn diện nhưng về “Vương quốc Mạ” thì (hình như) vẫn chưa được tiếp tục nghiên cứu. Có lẽ dân tộc/ tộc người gắn với vấn đề nhà nước (dù là sơ khai) là một (trong những) vấn đề “nhạy cảm” nên chưa thể nghiên cứu, hoặc có nghiên cứu thì chưa thể công bố chăng? (Trừ trường hợp tộc người Việt và nhà nước sơ khai Văn Lang – Hùng Vương).

3. Phương pháp liên ngành nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nam bộ, đặt diễn trình lịch sử trong dòng chảy văn hóa; đồng thời nhìn ra những “đứt gãy văn hóa” là hệ quả của (một số sự kiện quan trọng) lịch sử. Biết/cần đặt câu hỏi “ngược”.
Trong cuộc “Du khảo một số di tích lịch sử - văn hóa ở sài Gòn và các vùng phụ cận” năm 1998, giáo sư Trần Quốc Vượng luôn “suy nghĩ về di sản văn hóa và thành phần tộc người ở Đồng Nai – Biên Hòa – Sài Gòn – Gia Định xưa. Như Thầy viết “trước, trong và sau tuần lễ du khảo, chúng tôi đọc và đọc lại những Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Minh Hương, Huỳnh Ngọc Trảng… các nhà văn – học giả, nhà nghiên cứu tài danh của nam kỳ lục tỉnh, của Ngũ Quảng đã tạo nên hương hoa bản sắc Sài Gòn”. Bài nghiên cứu – bút ký của giáo sư về cuộc du khảo này là một trong những bài thể hiện tư duy liên ngành mà những học trò của Thầy ở Nam bộ đã học được từ Thầy.
Cũng trong tư duy, phương pháp liên ngành, giáo sư Trần Quốc Vượng đã lưu ý “Khảo cổ học lịch sử/ đô thị” là một trong những ngành quan trọng của Khảo cổ học thế kỷ XXI, đặc biệt ở Nam bộ, bởi vì đây là vùng được đô thị hóa về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, về lối sống (theo kiểu phương Tây) sớm và phổ biến nhất so với những vùng miền khác ở Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học Quốc tế: Một thế kỷ Khảo cổ Học Việt Nam, giáo sư Trần Quốc Vượng đã cập về vấn đề khảo cổ học Đô thị trong “một viễn cảnh khảo cổ học Việt Nam ở thế kỷ 21” như sau: Khảo cổ học thế kỷ mới cần dũng cảm mở đột phá vào Hà Nội – Huế - Sài Gòn để xây dựng một nền khảo cổ học đô thị Việt Nam, dẫu cho bản chất của văn minh Việt Nam cổ truyền là văn minh nông nghiệp, nhưng thành thị Việt Nam cổ không thể chỉ là những cục bướu thịt thừa của nền kinh tế như nhận định của Marx từ thế kỷ 19 về phương thức sản xuất châu Á[1].
Từ năm 1998 sau khi đến “thăm thú” (chữ của Thầy) di tích lò gốm cổ Hưng Lợi đang trong quá trình khai quật, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Nếu nét đặc sắc của khảo cổ học lịch sử TP. Hồ Chí Minh 300 năm là việc phân lập và nghiên cứu “Gốm Sài Gòn” (trước, Tây và ta chỉ gọi là Gốm Cây Mai) với cả sản phẩm gốm và các lò gốm của nó ở xứ Lò gốm – rạch (lò) gốm bao trùm mấy quận nội thành thì nét đặc sắc của khảo cổ học tiền – sơ sử TP. Hồ Chí Minh là việc khảo cổ vùng Cần Giờ Giồng cá Vồ - Giồng Phệt – Giồng Am và nên bao gồm luôn Long Bửu, cái gạch nối Núi – Đồi – Rừng và Biển – Đảo – cát theo dòng Đồng Nai – Sài Gòn”.
Từ những kết quả nghiên cứu đầu tiên về Di tích lò gốm Hưng Lợi, Thầy nhận xét “Áp dụng cách tiếp cận liên ngành các phó tiến sĩ của Viện bảo tàng lịch sử thành phố đã đi điền dã ở Lái Thiêu – Bình Dương – Sông Bé… thăm các lò gốm của người Hẹ, người Quảng Đông… Cuối cùng tìm thấy ngay ở quận 9 nơi chợ nhỏ Hiệp Phú (Thủ Đức cũ) rẽ vào phường Long Trường (Long Thạnh Mỹ cũ) một lò lu hiện đại (1954 – 1966) có cấu trúc giống hệt “Lò gốm Hưng Lợi” quận 8. Đây là một thành công thể nghiệm cách tiếp cận liên ngành nhân học văn hóa, bao gồm cả khảo cổ học và dân tộc học”

Bài viết Nam bộ - các tiểu vùng sinh thái khào cổ - nhân văn và huyền tích khởi nguyên luận của GS Trần Quốc Vượng đã dẫn dắt người đọc đi từ Bắc, qua Trung vào Nam, từ “phân vùng địa lý tự nhiên” đến “địa lý nhân văn” - không gian văn hóa, từ các di chỉ khảo cổ thời đá cũ đá mới đến ngữ hệ, từ ngôn ngữ của các tộc người đến cổ sử, từ tín ngưỡng dân gian đến huyền tích khởi nguyên… Tất cả tưởng là tản mạn không có gì liên quan, nhưng từ sự liên tưởng, liên hệ giữa những vấn đề khác nhau thì rồi “mọi con đường đều đến La Mã”: “văn minh – văn hiến Đông Nam Á nhìn chung là kết quả tác động qua lại (interaction) giữa các yếu tố nội sinh (nguyên lý mẹ) và các yếu tố ngoại sinh (nguyên lý bố). Bắc (Âu Lạc, Việt cổ) – Trung (Champa cổ) – Nam (Phù Nam cổ) đều cùng chung một mô hình huyền tích khởi nguyên luận!
Những huyền tích từng được nhiều người biết đến, và cũng chỉ hiểu/coi là huyền tích, khi đặt trong mối liên hệ văn hóa – ngôn ngữ - khảo cổ - cổ sử… bỗng phản ánh một cái gì đó của quá khứ “thuộc về lịch sử”. Những “mảnh vỡ” lấp lánh của huyền tích, thần thoại, truyền thuyết tuy không phải là “sự thật lịch sử” nhưng nó phản ánh quá khứ đã được “khái quát hóa” qua nhiều đời, như một “dị bản” của lịch sử.. Một câu nói vui của dân Nam Bộ mà Thầy Vượng rất thích và hay nói “Coi zdậy, mà hổng phải zdậy, mà đúng là zdậy…”. Từ thời chúng tôi là sinh viên Thầy đã dạy cách suy nghĩ như thế, như một triết lý của Phật giáo Thiền tông Việt Nam: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi đúng là Núi, Sông thật là Sông. Thật ra đây là cách lật đi lật lại vấn đề, hay như Thầy vẫn nói: đi đi lại lại, hỏi đi hỏi lại, nghĩ đi nghĩ lại…

Hầu như các bài viết của Thầy về lịch sử - văn hóa Nam bộ ít nhiều đều từ phương pháp liên ngành đặt vấn đề/lĩnh vực trong “mạng /net” để có thể phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Nếu chỉ căn cứ vào “chính sử” hay “huyền sử’ ta khó có thể lý giải, hiểu được cặn kẽ những gì đã xảy ra, bởi vì nếu không từ góc nhìn văn hóa học (theo nghĩa rộng nhất) thì “lịch sử” còn lại rất ít do tầm nhìn hạn hẹp của người đời sau.
Từ đó, việc đặt lại vấn đề với những điều tưởng chừng đã “an bài” trong lịch sử - văn hóa luôn là “thao tác tư duy” cần thiết. Từ một góc nhìn khác, một chiều kích khác, một phương pháp khác… sẽ cho những nhận thức, hiểu biết mới. Không thể có nhận thức mới nếu thao tác tư duy cũ. “Giải thiêng” các huyền thoại, huyền tích, cổ tích là một cách nhận biết những điều người xưa/dân gian ngầm gửi qua bề mặt câu chữ. “Đọc dưới những con chữ”, kể cả chính sử và huyền thoại, cổ tích.

4. Có một PHONG CÁCH TRẦN QUỐC VƯỢNG!
Tôi không có cái may mắn như nhiều bạn đồng nghiệp là tôi chỉ được học Thầy Vượng trực tiếp trong một vài chuyên đề khi Thầy  vô Sài Gòn thỉnh giảng, cũng không được đi khảo sát hay khai quật do Thầy hướng dẫn. Tôi lại ở “vùng sâu vùng xa” nên chỉ có thể học “vọng” Thầy, bằng việc nghiềm ngẫm những bài viết của Thầy, “hóng hớt” trong những bữa nhậu với Thầy, và học lại từ bạn bè, những học trò được Thầy trực tiếp truyền dạy. Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy:
 Ngoài học thuật, nhiều học trò của Thầy còn học ở Thầy thái độ dấn thân với xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch sử - văn hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động những bất ổn xã hội… Thầy đã có tiếng nói cảnh báo với cái Tâm của một người Trí thức chân chính.
Từ nền kiến tức cơ bản Thầy truyền cho, một vài học trò của Thầy có số phận phải “dịch chuyển” nhiều công việc khác nhau nhưng đều làm được và làm tốt là nhờ tự học theo phương pháp tiếp cận và tư duy phản biện của Thầy.
“Quảng giao” “làm bạn” với mọi người nhưng vẫn là chính mình, “hòa hợp” chứ đừng “hòa tan”. Cho nên, cũng như Thầy, có lúc học trò thấy cô đơn lắm, sự cô đơn mà phải qua hơn nửa đời người học trò mới chiêm nghiệm được, Thầy ạ!
Thế hệ học trò khảo cổ đầu tiên ở Sài Gòn của Thầy Trần Quốc Vượng Thầy Hà Văn Tấn nay đã trưởng thành, “già rồi” nhưng vẫn luôn biết mình là những học trò nhỏ của các Thầy, nhất là về phương pháp tiếp cận vấn đề và tư duy phản biện. Bên cạnh đó, “Học Thầy (học tày) học bạn” là lời khuyên bảo của Thầy Vượng mà chúng tôi cố gắng làm theo.
Những gì Thầy Vượng để lại cho chúng tôi không chỉ là tri thức mà còn là cái tâm đối với nghề, cái tình đối với người.
Chúng tôi trưởng thành là nhờ điều đó!

Sài Gòn, 10 năm Thầy đi xa.
(8/2005 - 8/2015)





[1]Trần Quốc Vượng (2004): Viễn cảnh Khảo cổ học Việt Nam thế kỷ 21. Trong  kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế - Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam. Hà Nội 2001.

vụn vặt đời thường (89)



Có một TRƯỜNG PHÁI TRẦN QUỐC VƯỢNG!
 1/ Ngoài học thuật, nhiều học trò của Thầy còn học ở Thầy thái độ dấn thân với xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch sử - văn hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động những bất ổn xã hội… Thầy đều có tiếng nói cảnh báo từ cái Tâm của một người Trí thức chân chính.
2/  Từ nền kiến tức cơ bản Thầy truyền cho, một vài học trò của Thầy có số phận phải “dịch chuyển” nhiều công việc khác nhau nhưng đều làm được và làm tốt là nhờ tự học theo phương pháp tiếp cận và tư duy phản biện của Thầy.
3/ “Quảng giao” nhưng vẫn là chính mình, là “hòa hợp” chứ không “hòa tan”. Cho nên, cũng như Thầy, có lúc học trò thấy cô đơn lắm, sự cô đơn mà phải qua hơn nửa đời người học trò mới chiêm nghiệm được.

@ Trò chuyện với các bạn gốc Nghệ Tĩnh ở Hà Nội, mình bảo: này, có khi chữ HÀ NỘI có nghĩa là "người HÀ Tĩnh ở NỘI thành (thăng long) mà ra đấy nhỉ :)
 
@ Nghe chuyện Quảng Bình dự định xây 10 sân golf, trong đầu tự nhiên nghĩ, không chừng sau này tỉnh ca xứ QB sẽ là: "Quảng Bình GOLF GOLF TOÀN GOLF"!
Thật là "Toàn xây sân golf/ sơn hà... hết đất" :(


@ Đến độ tuổi bên kia của cuộc đời, cái gì không giữ được thì nên buông và bỏ, bởi vì, hoặc mình không đủ sức giữ, hoặc điều đó không xứng đáng với mình.
Cũng đến lúc này, nếu không có được một, hai người bạn tâm giao, tri kỷ thì tiền bạc chức vụ cũng chẳng mang lại thêm cho mình điều gì đáng giá.
Và, bạn có thể "diễn" trên FB nhưng cũng như một cái sân khấu thực, FB cũng có "hậu đài" mà ở đó người ta nhìn thấy bạn lúc chưa phấn son trang phục rực rỡ.



@ “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.  Ai cũng biết điều đó nhưng ít ai ý thức được rằng, mình đang hành xử, phát ngôn như như viên đạn đại bác mà kẻ khác sử dụng để bắn vào quá khứ.


@ “Nhục nhã thay”… dạo này nhiều “lều báo, phóng uế viên” hay lên cơn nhục quá nhỉ?! Hay vì “nhục” là “thịt” nên cứ viết bậy chửi càn soi mói không thiếu một chỗ bẩn thỉu nào, giẫm đạp lên bất cứ người nào dù họ khốn khổ đến đâu… chỉ để kiếm tiền mà ăn! 

CÂU CHUYỆN HÒA HỢP, HÒA GIẢI THỬ NHÌN TỪ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_NguyenThiHau.pdf



Nguyễn thị Hậu

Một cuộc chiến kết thúc đã 40 năm, nỗi đau tuy không còn khốc liệt nhưng vẫn âm ỉ, dai dẳng. Bên này bên kia có gia đình nào không mất mát không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng chiến tranh kéo dài không chỉ một, hai thế hệ?
Bao giờ những ngày Tháng Tư sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của người Việt Nam chúng ta?
“Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Lịch sử cũng vậy mà tâm thức con người cũng vậy. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào? Là người làm công việc tìm hiểu về lịch sử - văn hóa tôi luôn tự hỏi: vì sao quá trình hòa giải hòa hợp giữa những người Việt Nam lại khó khăn như vậy? Khó khăn đến mức có thể làm người ta tuyệt vọng nhất là mỗi năm vào những ngày tháng tư. Những lý lẽ mà hiện tại (nhiều người) mỗi bên đưa ra để cho rằng chưa thể, thậm chí là không thể, hòa hợp hòa giải…  có thể cho thấy, căn nguyên không chỉ là sự kiện thắng thua được mất, mà có lẽ nó tiểm ẩn sâu hơn trong lịch sử và văn hóa.
Thử tìm hiểu từ góc nhìn này từ một số sự kiện lịch sử và truyện cổ tương đối phổ biến và điển hình để may chăng, tìm ra câu trả lời hay một hy vọng cho vấn đề hòa hợp, hòa giải.
1.     Sự hình thành/thành lập các triều đại trong lịch sử Việt Nam
 Khảo sát lịch sử Đại Việt – Đại Nam vì đây là dòng chính yếu của lịch sử nước ta. Hầu hết các vương triều được thành lập từ những chiến thắng quân sự (chống ngoại xâm hoặc “dẹp loạn” nội chiến), ít hơn là vài cuộc chính biến “cướp ngôi”.
Thống kê các triều đại trong lịch sử dân tộc từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX :
TT
Triều đại
Người sáng lập
Tên nước
Kinh đô
Thời gian tồn tại
1
Ngô
Ngô Quyền
Chưa đặt
  Cổ Loa
939- 965
2
Đinh
Đinh Bộ Lĩnh
Đại Cồ Việt
  Hoa Lư
968 - 980
3
Tiền Lê
Lê Hoàn
Đại Cồ Việt
  Hoa Lư
980- 1009
4
Lý Công Uẩn
Đại Việt
Thăng Long
  1010- 1225
5
Trần
Trần Cảnh
Đại Việt
Thăng Long
  1226- 1400
6
Hổ
Hồ Quý Ly
Đại Ngu
Tây đô (Thanh Hoá
   1400- 1407
7
Lê Lợi
Đại Việt
Thăng Long
(Đông Đô)
   1428 - 1527
8
Mạc
Mạc Đăng Dung
Đại Việt
Thăng Long
   1527- 1592
9
Lê Trung Hưng
Lê Duy Ninh
Đại Việt
Thăng Long
    1533 -1788
10
Tây Sơn
Nguyễn Huệ
Đại Việt
Phú Xuân (Huế)
     1778- 1802
11
Nguyễn
Nguyễn Ánh
(Việt) Đại Nam
Phú Xuân (Huế)
     1802- 1945
Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 Đại Việt bước vào thời kỳ xây dựng nền độc lập. Mở đầu là nhà Ngô năm 939 xưng Ngô Vương. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn” 12 sứ quân (cát cứ vùng miền) thu giang sơn về một mối, đặt kinh đô ở Hoa Lư và quốc hiệu là Đại Cồ Việt, xây dựng chính quyền củng cố quốc gia. Lê Hoàn thừa kế nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê, chiến thắng quân xâm lược Tống. Năm 1009 nhà Lý lên ngôi và và 1010 dời đô về Thăng Long, năm 1054 đổi quốc hiệu là Đại Việt. Từ 1075 – 1077 nhà Lý chiến đấu chống quân xâm lược Tống.  Năm 1226 nhà Trần thay thế nhà Lý, vào các năm 1258, 1285 và 1288 ba lần quân dân nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên Mông và chiến thắng vẻ vang. Năm 1400 nhà Hồ thay thế nhà Trần. Năm 1406 nhà Minh xâm lược Đại Việt, năm 1407 Lê Lợi khởi nghĩa và tổ chức kháng chiến chống giặc Minh đến 1428 giành thắng lợi và lập ra nhà Lê. Năm 1527 nhà Mạc giành ngôi với nhà Lê tạo ra cục diện Nam – Bắc triều và sau đó là xung đột Lê – Mạc. Từ 1570 – 1786 cục diện Lê – Trịnh – Nguyễn và xung đột Đàng Trong – Đàng Ngoài. Năm 1771 khởi nghĩa Tây Sơn, “xóa bỏ” tình trạng Nam – Bắc phân tranh vào năm 1786. Trước đó, năm 1784 Nguyễn Huệ chiến thắng quân Xiêm ở vùng đất phía Nam, rồi năm 1789 đại thắng quân Thanh ở phía Bắc. Năm 1802 Nguyễn Ánh thành lập triều Nguyễn và thống nhất đất nước về tổ chức chính quyền. Năm 1858 Pháp xâm lược Việt Nam.
Diễn trình lịch sử từ thế kỷ 10 cho đến giữa thế kỷ 19 có vài đặc điểm sau:
-         Trong khoảng hơn 10 thế kỷ liên tiếp có chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc. Liên tục chống ngoại xâm là một nét đặc biệt của lịch sử Đại Việt thời tự chủ. “Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. (Không kể những lần chiến tranh, xung đột với Chămpa).
-         Các vương triều liên tục xây dựng quốc gia tự chủ. Sự thay thế các triều đại theo quy luật lịch sử: khi các vương triều bước vào giai đoạn khủng hoảng do những nguyên nhân nội tại, từ đó không đủ sức chống ngoại xâm hoặc chống lại thế lực khác lớn mạnh hơn, hoặc từ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, kháng chiến và lập ra vương triều mới. “Ngụy triều” là quan niệm phong kiến chỉ các triều đại không lập nên từ: 1/chiến thắng ngoại xâm; và 2/ được trao truyền, nhường ngôi.
-         Giai đoạn cuối của các triều đại thường xảy ra tranh chấp trong triều chính hoặc khởi loạn bên ngoài. “ĐƯỢC làm VUA THUA làm GIẶC”. “Nội chiến” giữa các thế lực phong kiến hay khởi nghĩa nông dân là biểu hiện của quy luật xã hội phong kiến Đại Việt đã được đúc kết “Con vua thì lại làm vua/ con sãi ở chùa thì quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua/con vua thất thế lại ra quét chùa”.
-         Đất nước mở rộng dần về phía Nam từ thế kỷ 13, 15 đến thế kỷ 18 lãnh thổ VN về cơ bản như ngày nay. Từ 1802 có một lãnh thổ tròn vẹn và chính quyền thống nhất từ Cà Mau đến Lạng Sơn. Trước đó, từ khi Trịnh – Nguyễn phân tranh, tâm thức Nam Hà / Bắc Hà về lãnh thổ, chính quyền, lối sống (văn hóa) tồn tại dai dẳng…
-          Xuất thân của các triều đại phần lớn là thủ lĩnh quân sự, thổ hào, nông dân… nếu một hai đời vua đầu đã cố gắng tận dụng, sử dụng (trí thức) và nâng cao tri thức để củng cố chính quyền, xây dựng quốc gia vừa qua chiến tranh… thì càng về sau càng “lười”, chỉ dựa vào tài sản vật chất và tinh thần ông cha để lại. Sự “thất học” của các vương triều làm “tầm nhìn” hạn hẹp, đất nước rối loạn (tinh thần) và không thể “sánh cùng” những quốc gia khác. Đó là nguyên nhân sâu xa và đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của vương triều.

2.     Một số sự kiện thời hậu chiến của các triều đại
Sau khi kết thúc chiến tranh chống ngoại xâm, việc đối ngoại là tha tù binh, cấp tàu thuyền lương ăn cho về nước, bố cáo chiến thắng và sau đó là “hòa hiếu” với kẻ thù cũ. Kẻ thù của Đại Việt thường là những quốc gia lớn mạnh hơn nhiều lần, xâm lược Đại Việt dù có thể chiếm đóng lâu hay mau cuối cùng cũng bị đánh đuổi. Việc “hòa hiếu” với kẻ thù cũng là để giữ quan hệ ngoại giao đảm bảo cho nền hòa bình vừa giành được. (Lưu ý: hòa hiếu khi đã chiến thắng vẻ vang - cũng có trường hợp (nhà Trần) tha cho giặc về nước nhưng lén đục thủng tàu thuyền cho chết đuối cả, nại cớ bão to gió lớn làm tàu thuyền bị đắm…).
Việc đối nội đầu tiên của các triều đại là “an dân”: có chính sách miễn thuế khóa cho nông dân, tha tội cho những người (dân thường) lỡ theo/ làm việc cho kẻ thù (giặc ngoại xâm) nhưng cũng trừng trị kẻ phản bội đất nước, thường là người trong hoàng tộc hay quan lại.
Thế nhưng sau những cuộc nội chiến giữa những thế lực phong kiến, khởi loạn cát cứ, âm mưu đảo chính… thì sự trả thù thường “triệt để” hơn: tru di tam tộc cửu tộc, nhổ cỏ tận gốc, đào mồ cuốc mả, anh em ruột thịt cũng không tha thứ… Lúc này quyền lợi chính trị đặt trên tất cả.
Sử gia thời trước thường chê trách những trường họp không triệt để trừ hậu họa, vì đó là mầm mống của cuộc phản loạn tiếp sau. Cũng như phán xét những người giết anh em giết vua giành ngôi bởi coi đó không phải là biểu hiện của “minh vương”. CHÍNH DANH là điều kiện đầu tiên của một triều đại. Những triều “soán ngôi” thường không được ghi thành “kỷ” trong sử.
-         Đinh Tiên Hoàng “dẹp loạn” – xóa bỏ tình trạng cát cứ địa phương nhưng không phải thủ lĩnh nào cũng tuân phục: Ngô Nhật Khánh có mẹ được làm Hoàng hậu, bản thân trở thành con rể của vua Đinh nhưng vẫn bỏ sang Champa “rạch mặt vợ đuổi về: cha mày tưởng tao vì mày mà quên thù ư?”. Chưa kể vua Đinh phải có những cách thức “đe dọa” như vạc dầu nuôi hổ để trấn áp những kẻ có mưu phản loạn.
-         Các con của Lê Hoàn “Lê Đại Hành” tranh giành giết nhau vì ngôi báu. Lê ngọa triều làm vua không chính danh cùng với những hành vi tai ngược nên hầu như ít người nhớ đến chiến công chống giặc của ông.
-         Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê. Năm 1073 đời Lý Nhân Tông “Giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay  mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.      
-         Nhà Trần “đảo chính” thay nhà Lý. Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông và tông thất nhà Lý. Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu". Huệ  Tông đứng dậy, phủi tay nói: "Điều ngươi nói, ta hiểu rồi". Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo HuệTông: "Thượng phụ sai thần đến mời"… Thượng hoàng nhà Lý nói: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử". Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế". Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.
-         NHÀ HỒ “đảo chính” nhà Trần năm 1400. Sau khi bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại mình là Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ, rồi truyền ngôi cho con trai mình “vì nhà Trần tuyệt tự nên Hồ Hán Thương là cháu ngoại (nhà Trần) nối ngôi’.
Một vài ví dụ trên là từ các triều đại phong kiến thời “Văn minh Đại Việt lần thứ nhất, còn gọi là nền văn minh Phật giáo”. Sang thời Văn minh Đại Việt lần thứ hai, còn gọi là văn minh Nho giáo:
-         Triều Lê  1428. Trần Cảo uống thuốc độc chết (hậu duệ nhà Trần mà Lê Lợi lập nên). Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người,  nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết. (nhưng nhiều thuyết khác cho rằng Trần Cảo bỏ trốn vua Lê cho người đuổi theo giết chết vứt xác vào bụi gai).
Thái Tổ lên ngôi chưa lâu, nhưng ra tay sát hại những công thần quan trọng như Trần Nguyên HãnPhạm Văn Xảo, những đại tướng quân có công trong việc thành lập nhà Lê. Đến vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử, triều đình kết tội Hành khiển Nguyễn Trãi và thị thiếp là Nguyễn Thị Lộ, vì khi Thái Tông băng Thị Lộ đã luôn hầu bên cạnh, bấy giờ cho rằng Thị Lộ giết hoàng đế. Án đưa ra là tru di tam tộc, giết đến 3 họ của Nguyễn Trãi.
-         NHÀ MẠC: Thời kỳ thịnh trị của Mạc Thái Tông cho thấy năng lực trị nước của nhà Mạc. Đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, không gây những xáo trộn như khi nhà Hồ thay nhà Trần. Những lực lượng chống đối nhà Mạc chính là những thế lực cũ thân nhà Lê. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Điều đó cho thấy nhà Mạc được lòng dân. Một đặc điểm nữa là cả 5 đời vua nhà Mạc không có nạn quyền thần trong thời gian cai trị, dù nhà Mạc khởi nghiệp từ một quyền thần trong triều Lê. Đó là điều mà các triều đại NgôĐinhTrầnHậu Lê và Nguyễn trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam đều gặp phải.
-         Trịnh-Nguyễn phân tranh là thời kỳ phân chia giữa chế độ "vua Lê chúa Trịnh" ở phía Bắc sông Gianh (sử gọi là Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn dẹp cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Nước Đại Việt bị chia cách hơn 100 năm.
Về mặt lý thuyết cả hai thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn đều mang khẩu hiệu "phù Lê diệt Mạc" để lấy lòng thiên hạ và thề trung thành với triều Hậu Lê. Nhưng trên thực tế thì khác, cả hai đều muốn tạo nên thế lực cho riêng mình và thèm muốn ngai vàng.
1672: Trong một trận chiến quyết liệt không phân thắng bại giữa Trịnh – Nguyễn tại cửa Nhật Lệ, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui thì tất cả tù binh được chúa Trịnh (Căn) cho quần áo, phóng thích tại chỗ, ai muốn đi đâu thì đi. Đó là những người bị bắt đi lính, là người địa phương không theo bên này thì theo phía kia, gần như ngoài ý muốn. Phía chúa Nguyễn thì Hoàng tử Hiệp (Nguyễn Phúc Thuần – con thứ tư của chúa Nguyễn Hiền Vương) cũng hiểu như vậy và hành xử nhân bản không kém: “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Thuần (Hoàng tử Hiệp) đều sai cấp cho tiền gạo quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận”.  Người chết bên này hay bên kia lũy Trấn Ninh đều là dân một nước Việt, Hoàng tử Hiệp hiểu sâu sắc như vậy, tất cả đều xứng đáng giải oan trong tình thế lịch sử đau xót đến thế.
Có lẽ đây là một lần hiếm hoi các vua chúa có hành xử với đối phương là “gà cùng một mẹ” một cách hợp đạo lý, có lẽ vì thấu hiểu những đau đớn mất mát của cuộc nội chiến kéo dài gần trăm năm.
“Cái lý” của người thắng cuộc khi hành xử kiểu trả thù, trấn áp là nhằm bảo vệ chính quyền, vương triều, quyền lợi mới giành được. Đó là quyền lợi của một dòng họ và để xây dựng nên một vương triều phong kiến.

3. Từ góc nhìn văn hóa xem lại  một số truyện cổ tích phổ biến trong nước với ý nghĩa răn dạy: trừng trị kẻ tham lam độc ác.
Tấm Cám (hành vi đầu tiên và duy nhất của Tấm không nhờ ông Bụt là giết Cám, làm mắm gửi cho dì ghẻ, dì ghẻ ăn thịt con khen ngon nhưng khi nhìn thấy sợ quá lăn ra chết), Ăn khế trả vàng (người anh tham lam đòi đổi nhà và cây khế, bắt chim thần chở ra đảo vàng lấy nhiều vàng bạc trên đường về rơi xuống biển chết), Thạch Sanh  (Thạch Sanh được lấy công chúa, Lý Thông chạy trốn bị sét đánh chết). Có thể kể thêm một truyền thuyết lịch sử về sự thất bại ở thành Cổ Loa và An Dương Vương: vua cha giết con gái vì coi đó là kẻ thù, phản bội.
Cái lý của dân gian: ác giả ác báo, tham lam độc ác phải bị trừng trị. Nhưng lưu ý, đây đều là những truyện về anh chị em trong gia đình (ruột/nuôi/cùng cha khác mẹ) như bầu bí cùng chung một giàn. Vì sao không thể tha thứ được? Không nghĩ và tin rằng, sự tha thứ có thể cảm hóa con người? Trừng phạt để khuyên răn “đừng làm điều xấu”? Nhưng thế giới này làm sao ko có người làm điều xấu? Vấn đề là ứng xử với cái xấu thế nào hay chỉ có một cách là “phải chết”! “Chết” không bao giờ là “hết chuyện” mà sẽ là mở đầu cho (những) câu chuyện mới.
Lồng trong những truyện cổ này, ngoài ý nghĩa răn dạy “Ở hiền gặp lành” ta vẫn thấy thấp thoáng cảm giác: người nghèo luôn hiền và tốt, người giàu luôn xấu và ác. Ghét cái ác đồng nghĩa với ghét người/sự giàu có. Mà sự phân hóa xã hội giàu nghèo thì còn tồn tại lâu dài, cho nên triết lý đổi ngôi thay chỗ “…dân nổi can qua/con vua thất thế…” sẽ còn là một “định hướng” trong việc lưu truyền những truyện cổ tích của một thời xã hội nông nghiệp/nông dân và nông thôn.
Có lẽ chỉ khi nào kinh tế chính thay đổi không còn là nông nghiệp lạc hậu (mà là nền nông nghiệp được công nghiệp hóa, nông dân sản xuất với tư duy của công nhân nông nghiệp, nông thôn về cảnh quan môi trường nhưng lối sống nếp sống thay đổi theo phong cách hiện đại công nghiệp) thì chừng ấymới chấm dứt sự tồn tại, ý nghĩa của những truyện cổ khuyến khích “diệt ác” bằng cái chết.

4. Hòa hợp hòa giải thực sự - là một con đường dài và khó khăn. Chính sách, hành xử của hai bên thắng/ thua chỉ là bề nổi/mặt sáng của con đường này. Mặt khuất của quá trình là tâm thức, căn cốt văn hóa tồn tại lâu dài trong con người, trong những thế hệ. Không hòa hợp hòa giải thực sự thì những gì trong quá khứ sẽ lặp lại ở tương lai.
Những câu truyện/ chuyện cổ và lịch sử đều có hai mặt, hai bài học. Một mặt sáng, ai cũng dễ nhìn thấy, thích nhìn thấy, bằng lòng (dễ dãi) với nó. Một mặt khuất mà chỉ khi ta bình tâm lắng lòng mới có thể nhận ra, nhưng đó chính là những điều sâu sắc mà tiền nhân muốn đời sau nhận thấy. Chừng nào còn hả hê thỏa mãn với sự trả thù, coi sự trả thù (bằng hành vi, lời nói) là cách duy nhất để “giải quyết mâu thuẫn” thì chừng đó cái ác còn tiếp tục. Tôi rất thích cách người Mỹ dạy trẻ em câu chuyện “Lọ Lem”: nhìn từ hai phía để tìm ra “cái lý” của những hành xử bị coi là ác. Từ đó mới hiểu vì sao phần lớn những truyện theo motif Lọ Lem ở nhiều nước thường dừng lại ở việc: Lọ lem kết hôn với Hoàng tử, hai người hạnh phúc và cai trị đất nước tốt đẹp. Còn mẹ con dì ghẻ thì “xấu hổ bỏ đi”. Người làm điều ác biết xấu hổ, tức là còn lòng tự trọng và như vậy, ta có thể tin rằng, cái ác sẽ không tiếp tục.
Thay đổi tâm thức: thực sự coi trọng con người “vì con người – vì dân”. Bắt đầu từ giáo dục: không chỉ dạy về điều tốt mà học lịch sử còn là để nhận ra sai lầm của quá khứ để đừng lặp lại sai lầm (thành tựu thì mỗi thời đều có sự độc đáo vì thể hiện sự phát triển của xã hội, nhưng sai lầm các thời thì thường giống nhau) học văn (hóa) còn là để nhận ra cái xấu cái ác trong mỗi con người, trong “truyền thống”, bởi vì sự nhân văn sẽ làm thay đổi con người chứ không phải là sự trả thù.  Sinh mạng con người là quý giá, phải biết biết quý trọng sinh mạng bản thân và đồng loại. Cái ác có thể là phương thức nhanh chóng để giành được cái mình muốn có nhưng không thể giữ được lâu dài, bởi vì gieo mầm độc ác thì sẽ gặt hái tai họa.
Độc quyền quá khứ, khen chê yêu ghét một chiều, cường điệu hóa lịch sử của một phía, chính điều này làm cho thời hậu chiến trở thành cuộc “nội chiến” tinh thần giữa hai bên “thua thắng”, đào sâu hố ngăn cắt giữa những con người bởi quá khứ, Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại... Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để  nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này.  
Tất nhiên, “khép lại quá khứ” nhưng lịch sử cần minh bạch, khoa học. Dù muốn hay không thì thắng/thua là kết cục của hầu hết những cuộc chiến. Xem xét toàn diện xã hội hai bên (không chỉ về quân sự, chính trị) sẽ nhìn nhận được nhiều kinh nghiệm rất hữu ích cho xã hội hiện nay.

Bao giờ sẽ đến một tháng Tư khác, tháng Tư của hàng triệu người vui và hàng triệu người khác không còn buồn nữa?
NGHĨ cho cùng sau mỗi cuộc chiến tranh
PHE nào thắng thì nhân dân cũng bại.
(Nhà thơ Nguyễn Duy)
Nhân dân là gia đình anh em bà con, là bạn bè, là mỗi người Việt Nam chúng ta.

Sài Gòn – Paris – Berlin, 7.2015


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...