1. Trong số hàng trăm bài viết và hàng chục công
trình đã được công bố của giáo sư Trần Quốc Vượng thì số lượng bài có nội dung
trực tiếp về các vấn đề lịch sử - văn hóa vùng đất Nam bộ thật là ít ỏi, chỉ có
khoảng 10 bài. Nhưng cũng như nhiều bài viết khác của giáo sư, các vấn đề ông đặt
ra, gợi mở, lưu ý… hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng bài viết hay con chữ,
mà thậm chí, có bài rất ngắn nhưng đã chỉ đúng vấn đề nền tảng cho việc nghiên
cứu một lĩnh vực nào đó. Như một vài bài viết của giáo sư Trần Quốc Vượng về lịch
sử - văn hóa Nam bộ sau đây (theo thống kê chưa đầy đủ của tôi).
*Sách Việt Nam cái nhìn địa văn hóa. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – Tạp chí
Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội 1998.
Về nền tảng văn hóa dân gian vùng
Đông Nam bộ (tr.455)
Đôi nét về nền cảnh địa – văn hóa của
nghệ thuật sân khấu cải lương (tr.465)
Côn Đảo – một cái nhìn địa – văn
hóa (tr.470)
Về với Cà Mau (tr.479)
*Sách Góp phần tìm hiểu lịch sử - văn hóa 300 năm
Sài Gòn – TP.HCM. Nhà xuất bản Trẻ,
1998
- Du khảo một số di tích lịch sử văn hóa
ở Sài Gòn và vùng phụ cận (tr.252), viết chung với Lê Trung.
*Sách Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn
hóa nghệ thuật, Hà Nội 2000.
- Văn hóa ẩm thực trên nền cảnh môi trường
sinh thái nhân văn ba miền Bắc Trung Nam (tr.392)
*Sách Môi trường, Con người và Văn hóa. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin – Viện Văn
hóa. Hà Nội 2005
- Nam bộ - các tiểu vùng sinh thái
khào cổ - nhân văn và huyền tích khởi nguyên luận (tr.379)
- Khảo cổ học tiền – sơ sử TPHCM
(tr.393)
*Sách Trong cõi. Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam. Hà Nội 2014.
- Đô thị cổ Việt Nam (tr.93)
2.
Có thể nhận thấy từ những bài viết đầu tiên về lịch sử - văn hóa Nam bộ GS Trần
Quốc Vượng đã tiếp cận và đặt cơ sở cho việc nghiên cứu khu vực này từ lĩnh vực
Địa – Văn hóa.
Như một bài viết trước đây của tôi
về Thầy Vượng: “Dạy về các nền văn hóa khảo cổ Việt Nam nhưng Thầy lại bắt đầu
bằng câu hỏi: Các ông các bà có biết vì sao Đại học Văn khoa Sài Gòn có khoa
Sư - Địa không?. Câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, vì ngay từ giờ học Lịch sử đầu tiên trong trường
Đại học, chúng tôi đã được biết rằng truyền thống nghiên cứu khoa học xã hội ở
VN là Văn Sử bất phân. Các công
trình sử học quan trọng đồng thời là những tác phẩm văn học tiêu biểu cho từng
thời kỳ, và ngược lại, nhiều tác phẩm văn học
cũng được sử dụng như những tư liệu lịch sử. Bằng câu hỏi này Thầy Vượng
đã mở ra cho chúng tôi kiến thức đầu
tiên về Địa -Văn hóa, Địa - Chính trị , một khái niệm khoa học hiện
đại mà bất cứ người học Sử, làm Sử nào cũng cần nắm vững. Có thể diễn giải đơn
giản khái niệm này là: Lịch sử – đó là địa lý trong thời gian và Địa lý – đó
là lịch sử trong không gian”.
Từ việc
khai mở hướng tiếp cận và những kiến thức mới cho lứa sinh viên đầu tiên ở miền
Nam sau ngày 30/4 giáo sư Trần Quốc Vượng đã tiếp tục triển khai lý thuyết
không gian địa – văn hóa Nam bộ, cả trên bình diện tổng quan Đông và Tây Nam bộ
và cả ở những tiểu vùng sinh thái đặc thù (như Cần Giờ - TPHCM).
Ông đã
sơ đồ/mô hình hóa vùng Đông Nam bộ trong “mạng lưới” các nền văn hóa cổ thời
kim khí ở Đông Dương và Đông Nam Á, bằng cả con đường lục địa và ven biển. Ông
chỉ ra mối liên hệ mật thiết, hữu cơ của kinh tế - xã hội ĐNB – văn hóa Đồng
Nai và các nền văn hóa khảo cổ khác (Tây Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Samrong Sen, Nonnok Tha,
Hạ Lào, Thượng Lào, Vân Nam, Lưỡng Quảng, Ryukyu, cũng như trong tiểu vùng lưu
vực Đồng Nai từ Đồng Nai Thượng (Đạ Đờn sông lớn) xuống Đồng Nai hạ lưu cận biển…
Trong cái nhìn rộng lớn như vậy, văn hóa khảo cổ Đồng Nai không bị “nhòa” đi mà
ngược lại, hiện ra rõ nét hơn từ những đối sánh về di tích, di vật, trên cơ sở
so sánh về môi trường sinh thái nhân văn.
Tôi
nhận thấy GS Trần Quốc Vượng thường đề cập đến ba vấn đề cơ bản của lịch sử -
văn hóa Nam bộ từ góc độ Địa – Văn hóa.
2.1 Trường hợp nhóm di tích mộ chum Cần Giờ TPHCM và sự
“đa dạng văn hóa” ngay từ thời tiền – sơ sử.
Giáo Sư
Trần Quốc Vượng nhận xét “Chúng tôi cho rằng một trong những phát hiện khảo cổ
quan trọng nhất ở miền Nam sau ngày giải phóng mà Bảo tàng Lịch sử VN. TPHCM và
bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội đã góp phần tích cực nhất – là việc điều tra,
khai quật, nghiên cứu và phân lập được phức hệ văn hóa Giồng cá Vồ - Giồng Phệt
– Giồng Am ở vùng Cần Giờ với tuổi kéo dài 2500 BP – 2000 BP cho đến vài thế kỷ
sau công nguyên”.
Nếu chỉ
nhìn nhóm di tích này hạn hẹp trong mối liên hệ trong “biên giới hành chính Việt
Nam” thì có cái nhìn khác về nguồn gốc tính chất của nó. Nhưng nếu đặt nó trong
bối cảnh rộng hơn về địa – văn hóa Đông Nam Á và xa hơn (biên giới văn hóa
không bao giờ là/trùng với biên giới hành chính), thì khó có thể coi nó hoàn
toàn “thuộc về” một văn hóa khảo cổ nào, bởi tính chất “phối/kết hợp” về di vật
của nó rất rộng trong không gian nhưng đồng thời, về địa tầng văn hóa và nhất
là (địa tầng) đồ gốm thì rất sâu về thời gian với những yếu tố chủ đạo của các
di tích khảo cổ lưu vực Đồng Nai. Đây mới là “cơ tầng” quan trọng của “văn hóa
Giồng Phệt/Cần Giờ” như cách định danh của chúng tôi về nhóm di tích này.
Cũng
nhìn từ bối cảnh rộng/dài như vậy, văn hóa Giồng Phệt (hay nhóm di tích Cần Giờ)
đã góp phần quan trọng minh chứng cho nguồn gốc nội tại, bản địa của văn hóa Óc
Eo, văn minh Phù Nam trên đất Nam bộ; đồng thời góp phần làm sáng tỏ “bước chuyển
từ giai đoạn tiền sử sang giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai” ở khu vực Đông
Nam Á từ văn hóa Đồng Nai/Giồng Phệt đến vương quốc Phù Nam, từ văn hóa Sa Huỳnh
đến vương quốc Chămpa: “Chặng cuối, Giồng Am (niên đại C14 1500 BP) thì đã là
Óc Eo sớm – giữa và cùng với các phát hiện ra những di chỉ văn hóa – văn minh
Óc Eo khác ở Long An, ở TP. Hồ Chí Minh, ở Đồng Nai… nó góp phần minh chứng rằng
không gian văn hóa Óc Eo không chỉ hạn hẹp ở Tây Nam bộ như các nhà khảo cổ
Pháp trước 1945 – 1947 suy nghĩ mà không gian ấy bao trùm cả miền Nam hiện tại,
từ Đông sang Tây”.
2.2 Trong bối cảnh Địa – Văn hóa đó, giáo sư Trần Quốc Vượng đã chỉ ra một khiếm khuyến của việc nghiên cứu tiền – sơ sử
Sài Gòn – TPHCM là “không viết một chữ nào về các đảo gần TPHCM như
Côn Đảo, Thổ Chu… nơi đều có mộ vò, gốm, đồ trang sức thủy tinh, mã não tương tự
Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt”. Khuyết điểm này đến nay vẫn chưa được sửa chữa vì
gần 30 năm rồi (từ 1998) nhưng tới nay, KCH tiền – sơ sử TPHCM gần như không có
thêm một bước tiến mới nào, do nguồn nhân lực bị phân tán và do quan niệm của
những người lãnh đạo ngành văn hóa, bảo tàng ở TPHCM về vai trò của khảo cổ học
trong bảo tàng.
Từ mô hình “lấy sông làm tuyến chính với các trung tâm
thánh địa, thành, cảng thị và tiền cảng thị của một tiểu vùng/ tiểu vương quốc”
mà GS Trần Quốc Vượng cùng cộng sự đã khảo sát ở miền Trung và xây dựng nên, áp
dụng vào lưu vực Đồng Nai, GS cũng đã phác họa một “tiểu quốc” có thánh địa Cát
Tiên, thành Biên Hòa (“trên nền cũ thành man” như ghi chép trong Gia Định thành thông chí)
và cảng thị sơ khai Cần Giờ. Trong mô hình này có thể coi Côn Đảo là “tiền cảng
thị” của Cần Giờ, sau này là của thành Gia Định.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hòai Đức (khoảng 1819) đã ghi chép về Côn Đảo như sau:
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hòai Đức (khoảng 1819) đã ghi chép về Côn Đảo như sau:
Ở giữa
biển Đông, từ cửa cảng Cần Giờ chạy thuyền ra biển theo hướng đông mặt
trời
mọc 2 ngày mới đến. Đảo lớn 100 dặm, có ruộng núi trồng lúa, bắp, khoai, đậu,nhưng
cũng không nhiều, nên thường phải mua gạo
ở Gia Định mới đủ dùng. Thổ sản ở đây là ngựa và trâu, núi không có cọp
beo. Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi
Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Tam ba đội, trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới
để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà, không cần kêu gọi chỗ khác đến
giúp. Dân lính ở đấy thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai
tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá, tôm để
sinh sống. Quả cau ở đây to, vỏ màu hồng, vị lại ngọt thơm, cứ đến đầu mùa
xuân, lúc cau ở Gia Định chưa kết quả, thì cau ở đây đã dùng được, người ta chở
vào bán với giá rất cao.
Như vậy có thể coi Côn Đảo là “tiền cảng” của cảng Bến Nghé – Gia Định. Mối
quan hệ chặt chẽ về kinh tế (và quân sự) giữa Côn Đảo và (thành/vùng) Gia Định
đã mang lại sự phát triển ổn định cho hòn đảo này. Và chắc hẳn mối quan hệ này
có nguồn gốc từ thời cửa biển Cần Giờ là cảng thị sơ khai của cả vùng Đồng Nai
trù phú. Nghiên cứu về mối liên/quan hệ giữa Côn Đảo – Cần Giờ - Đồng Nai/Bến
Nghé không chỉ để hiểu về Nam bộ thời tiền sử mà còn để ngày nay suy ngẫm về vị
thế của Côn Đảo nói riêng, các đảo ven bờ nói chung trong mối quan hệ hướng nội
và hướng ngoại. Cũng có nghĩa là vấn đề văn hóa biển (qua kinh tế, lối sống của
cư dân, giao lưu văn hóa – kỹ thuật) của vùng đất Nam bộ cần được lưu ý.
2.3 Một vấn đề nữa mà
GS Trần Quốc Vượng đã đặt ra từ những cuộc khai quật đầu tiên ở khu di tích Cát
Tiên, cũng theo mô hình “một tiểu quốc” ở lưu vực Đồng Nai, đó là vấn đề
về “vương quốc Mạ”. Thánh địa Cát Tiên thế kỷ X-XII ở Đồng Nai thượng
ngã ba Đạ Đờng (sông lớn) trong một bồn địa giữa núi. Đạ Hoai – La Ngà là “ranh
giới mơ hồ” của Mạ - Chăm. Nghiên cứu về “vương quốc Mạ” – theo GS Trần Quốc Vượng,
là để sáng tỏ hơn luận điểm “không có một
mô hình Trung Hoa tập quyển thống nhất, mà thật ra chỉ có sự tồn tại của một
mandala Phù Nam, cũng như một mandala Champa, có thể gọi là những liên hiệp tiểu
quốc, phức thể Phù Nam, Champa… nhưng có sự đồng nhất nào đó về mỹ thuật, nghệ
thuật, kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng”. “Thống nhất trong đa dạng” là thừa nhận
những khác biệt, từ những khác biệt đi đến sự hòa hợp với nhau.
Nhưng cho đến nay nhiều vấn đề về văn hóa các tộc người ở miền Đông Nam bộ
đã được nghiên cứu khá toàn diện nhưng về “Vương quốc Mạ” thì (hình như) vẫn
chưa được tiếp tục nghiên cứu. Có lẽ dân tộc/ tộc người gắn với vấn đề nhà nước
(dù là sơ khai) là một (trong những) vấn đề “nhạy cảm” nên chưa thể nghiên cứu,
hoặc có nghiên cứu thì chưa thể công bố chăng? (Trừ trường hợp tộc người Việt
và nhà nước sơ khai Văn Lang – Hùng Vương).
3. Phương pháp liên ngành nghiên cứu văn hóa – lịch
sử Nam bộ, đặt diễn trình lịch sử trong dòng chảy văn hóa; đồng thời nhìn ra những
“đứt gãy văn hóa” là hệ quả của (một số sự kiện quan trọng) lịch sử. Biết/cần đặt
câu hỏi “ngược”.
Trong cuộc “Du khảo một số di tích lịch sử - văn hóa ở sài Gòn và các vùng
phụ cận” năm 1998, giáo sư Trần Quốc Vượng luôn “suy nghĩ về di sản văn hóa và thành phần tộc người ở Đồng Nai – Biên
Hòa – Sài Gòn – Gia Định xưa. Như Thầy viết “trước, trong và sau tuần lễ du khảo,
chúng tôi đọc và đọc lại những Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Minh Hương, Huỳnh
Ngọc Trảng… các nhà văn – học giả, nhà nghiên cứu tài danh của nam kỳ lục tỉnh,
của Ngũ Quảng đã tạo nên hương hoa bản sắc Sài Gòn”. Bài nghiên cứu – bút
ký của giáo sư về cuộc du khảo này là một trong những bài thể hiện tư duy liên
ngành mà những học trò của Thầy ở Nam bộ đã học được từ Thầy.
Cũng trong tư
duy, phương pháp liên ngành, giáo sư Trần Quốc Vượng đã lưu ý “Khảo cổ học lịch
sử/ đô thị” là một trong những ngành quan trọng của Khảo cổ học thế kỷ XXI, đặc
biệt ở Nam bộ, bởi vì đây là vùng được đô thị hóa về quy hoạch, kiến trúc và
xây dựng, về lối sống (theo kiểu phương Tây) sớm và phổ biến nhất so với những
vùng miền khác ở Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học Quốc tế: Một thế kỷ Khảo cổ Học Việt
Nam, giáo sư Trần Quốc Vượng đã cập về vấn đề khảo cổ học Đô thị trong “một viễn
cảnh khảo cổ học Việt Nam ở thế kỷ 21” như sau: Khảo cổ học thế kỷ mới cần dũng cảm mở đột phá vào Hà Nội – Huế - Sài
Gòn để xây dựng một nền khảo cổ học đô thị Việt Nam, dẫu cho bản chất của văn
minh Việt Nam cổ truyền là văn minh nông nghiệp, nhưng thành thị Việt Nam cổ
không thể chỉ là những cục bướu thịt thừa của nền kinh tế như nhận định của
Marx từ thế kỷ 19 về phương thức sản xuất châu Á[1].
Từ năm 1998 sau
khi đến “thăm thú” (chữ của Thầy) di tích lò gốm cổ Hưng Lợi đang trong quá
trình khai quật, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Nếu nét đặc sắc của khảo cổ học lịch sử TP. Hồ Chí Minh 300 năm là việc
phân lập và nghiên cứu “Gốm Sài Gòn” (trước, Tây và ta chỉ gọi là Gốm Cây Mai)
với cả sản phẩm gốm và các lò gốm của nó ở xứ Lò gốm – rạch (lò) gốm bao trùm mấy
quận nội thành thì nét đặc sắc của khảo cổ học tiền – sơ sử TP. Hồ Chí Minh là
việc khảo cổ vùng Cần Giờ Giồng cá Vồ - Giồng Phệt – Giồng Am và nên bao gồm
luôn Long Bửu, cái gạch nối Núi – Đồi – Rừng và Biển – Đảo – cát theo dòng Đồng
Nai – Sài Gòn”.
Từ những
kết quả nghiên cứu đầu tiên về Di tích lò gốm Hưng Lợi, Thầy nhận xét “Áp dụng
cách tiếp cận liên ngành các phó tiến sĩ của Viện bảo tàng lịch sử thành phố đã
đi điền dã ở Lái Thiêu – Bình Dương – Sông Bé… thăm các lò gốm của người Hẹ,
người Quảng Đông… Cuối cùng tìm thấy ngay ở quận 9 nơi chợ nhỏ Hiệp Phú (Thủ Đức
cũ) rẽ vào phường Long Trường (Long Thạnh Mỹ cũ) một lò lu hiện đại (1954 – 1966)
có cấu trúc giống hệt “Lò gốm Hưng Lợi” quận 8. Đây là một thành công thể nghiệm
cách tiếp cận liên ngành nhân học văn hóa, bao gồm cả khảo cổ học và dân tộc học”
Bài viết Nam bộ - các tiểu vùng sinh thái khào cổ - nhân văn và huyền tích khởi
nguyên luận của GS Trần Quốc Vượng
đã dẫn dắt người đọc đi từ Bắc, qua Trung vào Nam, từ “phân vùng địa lý tự
nhiên” đến “địa lý nhân văn” - không gian văn hóa, từ các di chỉ khảo cổ thời
đá cũ đá mới đến ngữ hệ, từ ngôn ngữ của các tộc người đến cổ sử, từ tín ngưỡng
dân gian đến huyền tích khởi nguyên… Tất cả tưởng là tản mạn không có gì liên
quan, nhưng từ sự liên tưởng, liên hệ giữa những vấn đề khác nhau thì rồi “mọi
con đường đều đến La Mã”: “văn minh – văn hiến Đông Nam Á nhìn chung là kết quả
tác động qua lại (interaction) giữa các yếu tố nội sinh (nguyên lý mẹ) và các yếu
tố ngoại sinh (nguyên lý bố). Bắc (Âu Lạc, Việt cổ) – Trung (Champa cổ) – Nam
(Phù Nam cổ) đều cùng chung một mô hình huyền tích khởi nguyên luận!
Những huyền tích từng được nhiều
người biết đến, và cũng chỉ hiểu/coi là huyền tích, khi đặt trong mối liên hệ
văn hóa – ngôn ngữ - khảo cổ - cổ sử… bỗng phản ánh một cái gì đó của quá khứ
“thuộc về lịch sử”. Những “mảnh vỡ” lấp lánh của huyền tích, thần thoại, truyền
thuyết tuy không phải là “sự thật lịch sử” nhưng nó phản ánh quá khứ đã được
“khái quát hóa” qua nhiều đời, như một “dị bản” của lịch sử.. Một câu nói vui của
dân Nam Bộ mà Thầy Vượng rất thích và hay nói “Coi zdậy, mà hổng phải zdậy,
mà đúng là zdậy…”. Từ thời chúng tôi là sinh viên Thầy đã dạy cách suy nghĩ
như thế, như một triết lý của Phật giáo Thiền tông Việt Nam: Khi chưa học
Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi
không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại
nhìn ra giản dị: Núi đúng là Núi, Sông thật là Sông. Thật ra đây là cách lật đi lật lại vấn đề, hay như Thầy vẫn
nói: đi đi lại lại, hỏi đi hỏi lại, nghĩ
đi nghĩ lại…
Hầu như
các bài viết của Thầy về lịch sử - văn hóa Nam bộ ít nhiều đều từ phương pháp
liên ngành đặt vấn đề/lĩnh vực trong “mạng /net” để có thể phân tích,
đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Nếu chỉ căn cứ vào
“chính sử” hay “huyền sử’ ta khó có thể lý giải, hiểu được cặn kẽ những gì đã xảy
ra, bởi vì nếu không từ góc nhìn văn hóa học (theo nghĩa rộng nhất) thì “lịch sử”
còn lại rất ít do tầm nhìn hạn hẹp của người đời sau.
Từ đó,
việc đặt lại vấn đề với những điều tưởng chừng đã “an bài” trong lịch sử - văn
hóa luôn là “thao tác tư duy” cần thiết. Từ một góc nhìn khác, một chiều kích
khác, một phương pháp khác… sẽ cho những nhận thức, hiểu biết mới. Không thể có
nhận thức mới nếu thao tác tư duy cũ. “Giải thiêng” các huyền thoại, huyền
tích, cổ tích là một cách nhận biết những điều người xưa/dân gian ngầm gửi qua
bề mặt câu chữ. “Đọc dưới những con chữ”, kể cả chính sử và huyền thoại, cổ
tích.
4.
Có một PHONG CÁCH TRẦN QUỐC VƯỢNG!
Tôi không
có cái may mắn như nhiều bạn đồng nghiệp là tôi chỉ được học Thầy Vượng trực
tiếp trong một vài chuyên đề khi Thầy vô
Sài Gòn thỉnh giảng, cũng không được đi khảo sát hay khai quật do Thầy hướng
dẫn. Tôi lại ở “vùng sâu vùng xa” nên chỉ có thể học “vọng” Thầy, bằng việc
nghiềm ngẫm những bài viết của Thầy, “hóng hớt” trong những bữa nhậu với Thầy,
và học lại từ bạn bè, những học trò được Thầy trực tiếp truyền dạy. Từ trải
nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy:
Ngoài học thuật, nhiều học trò của Thầy còn
học ở Thầy thái độ dấn thân với xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch sử - văn
hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động những bất ổn xã hội… Thầy đã
có tiếng nói cảnh báo với cái Tâm của một người Trí thức chân chính.
Từ nền
kiến tức cơ bản Thầy truyền cho, một vài học trò của Thầy có số phận phải “dịch
chuyển” nhiều công việc khác nhau nhưng đều làm được và làm tốt là nhờ tự học
theo phương pháp tiếp cận và tư duy phản biện của Thầy.
“Quảng
giao” “làm bạn” với mọi người nhưng vẫn là chính mình, “hòa hợp” chứ đừng “hòa
tan”. Cho nên, cũng như Thầy, có lúc học trò thấy cô đơn lắm, sự cô đơn mà phải
qua hơn nửa đời người học trò mới chiêm nghiệm được, Thầy ạ!
Thế hệ học trò khảo cổ đầu tiên ở Sài Gòn của Thầy Trần
Quốc Vượng Thầy Hà Văn Tấn nay đã trưởng thành, “già rồi” nhưng vẫn luôn biết
mình là những học trò nhỏ của các Thầy, nhất là về phương pháp tiếp cận vấn đề và tư
duy phản biện. Bên cạnh đó, “Học Thầy (học tày) học bạn” là lời khuyên
bảo của Thầy Vượng mà chúng tôi cố gắng làm theo.
Những gì Thầy Vượng để lại cho chúng tôi không chỉ
là tri thức mà còn là cái tâm đối với nghề, cái tình đối với người.
Chúng tôi trưởng thành là nhờ điều đó!
Sài
Gòn, 10 năm Thầy đi xa.
(8/2005
- 8/2015)
[1]Trần Quốc Vượng (2004): Viễn cảnh Khảo cổ học Việt Nam thế
kỷ 21. Trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế - Một
thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam. Hà Nội 2001.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét