THỊ DÂN LÀ THỊ DÂN NÀO...



Đô thị… của ai?
Một câu hỏi có vẻ vô lý.
Từ nhỏ ta đã được dạy rằng “bông hoa này là của chung” cho đến điều vĩ đại hơn, “trái đất này là của chúng mình”. Vậy thì đô thị đương nhiên là của chung, của chúng mình, việc gì mà phải hỏi?
Nhưng, nếu không xác định rõ ràng cái “chung” ấy cụ thể là ai, và “chúng mình” là những người nào… thì chúng ta cũng chẳng biết cái đô thị thuộc “sở hữu” của chủ thế ấy, sẽ có diện mạo như thế nào.
Thôi thì “nói nhanh cho vuông”, đô thị là của thị dân, cũng như nông thôn là của nông dân vậy.
Không biết từ khi nào trong ngôn ngữ  hàng ngày và trên văn bản đã mất dần từ “thị dân”?  Qua tác phẩm của các tác giả nổi tiếng viết về đời sống đô thị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc được dạy ở trường phổ thông, diện mạo “thị dân” hiện lên gồm những người thành thị thuộc tầng lớp bóc lột, “tư sản”, “tiểu tư sản”  rởm đời, đua đòi lối sống Tây phương, ăn chơi, trí thức “lãng mạn” mơ màng đâu đâu, không thực tế… Nói chung không phải là người lao động, không có những đức tính tốt đẹp như  dân nghèo thành thị. Thậm chí thị dân còn là loại “lưu manh giả danh trí thức” như kiểu Xuân Tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng. Từ sau dòng văn học hiện thực phê phán này cho đến cuối thế kỷ XX  hầu như không thấy bóng dáng thị dân trong văn học mà thay vào đó chỉ còn bóng dáng những - người - ở - thành phố.
Trong thực tế, những - người - ở - thành phố (Hà Nội hay Sài Gòn) vài chục năm nay là sự thay thế lớp thị dân lâu đời phần lớn di chuyển đến nơi khác sau 1954 và 1975. Thị dân mới chưa gắn bó với nơi mình sống, vì vậy, hoặc họ bê nguyên văn hoá lối sống từ nơi khác về đô thị và tiếp tục duy trì văn hoá lối sống ấy, hoặc họ tiếp thu một cách tản mạn những mảnh vụn của văn hoá đô thị còn sót lại, để hình thành một lối sống thị dân tạm bợ, có thể mất đi, biến dạng bất cứ lúc nào, vì bất cứ điều nhỏ nhặt nào.
Cũng như bất cứ đâu, chủ nhân nào tạo ra diện mạo xã hội nơi ấy. Với lớp thị dân mới văn hoá đô thị có còn như một truyền thống, một bản sắc riêng? Hay truyền thống và bản sắc văn hoá chỉ tồn tại ở nông thôn và nông dân?
Bản sắc và truyền thống văn hoá đô thị thể hiện trong sự hoà hợp, thống nhất của cảnh quan đô thị và lối sống thị dân. Cảnh quan đô thị gồm cảnh quan tự nhiên, quy hoạch –kiến trúc, những di sản văn hoá vật thể… Lối sống thị dân quan trọng nhất là sự thể hiện mối quan hệ thực sự gắn bó với đô thị, những quan hệ với cộng đồng, ứng xử với môi trường của thị dân vừa phù hợp với điều kiện riêng của từng đô thị , vừa là nét văn hoá tinh tuý của các vùng miền, đồng thời cũng phản ánh sự giao lưu và hội tụ tinh hoa văn hóa. Tất cả được chọn lọc qua quá trình phát triển và làm nên hồn vía, cốt cách của đô thị đó.
Để gìn giữ truyền thống và bản sắc đô thị, việc bảo tồn di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) đã bắt đầu được quan tâm, thực hiện. Tuy nhiên, việc hình thành và xây dựng tầng lớp thị dân từ góc độ “văn hoá đô thị” thì chưa được chú ý và coi trọng. Nếu không có thị dân đúng nghĩa thì di sản văn hoá đô thị sẽ (trên thực tế là đã) nhanh chóng mai một và biến mất, bởi vì khi thị dân không hiểu biết và tự hào về truyền thống, bản sắc văn hoá nơi mình đang sống thì khó có thể “tuân thủ” một cách tự giác để gìn giữ, làm dày hơn cho văn hoá đô thị.
Mặt khác, chính quyền quản lý đô thị cần tạo điều kiện và phục vụ sao cho những – người - ở - thành – phố có thể “an cư lạc nghiệp”, nhờ đó họ sẽ gắn bó hơn vì “thành phố này là của chúng mình”. Nhà quản lý có tri thức,  hiểu và yêu đô thị thì sẽ ứng xử với thị dân và văn hoá bằng các chính sách, luật lệ phù hợp. Mặt khác, thị dân cũng cần có tri thức và bản lĩnh văn hoá để điều chỉnh và “vô hiệu hoá” sự điều hành trái quy luật và làm tổn hại đến truyền thống và bản sắc văn hoá đô thị.
Vì vậy, đô thị là của mỗi thị dân, trước khi nó là “của chung”.

Tuổi trẻ cuối tuần 28/3/2014
 Minh hoạ Lê Thiết Cương

Giới thiệu NHỮNG MẢNH VỠ (truyện 100 chữ)

@ Tiến sĩ khảo cổ học, từng công tác bảo tàng nhiều năm, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chừng ấy thứ để khó hiểu về việc viết văn của Nguyễn Thị Hậu.
Nhưng nếu đọc loạt truyện cực ngắn này, không cần nghĩ ngợi đến những chức tước, học hàm học vị, sẽ thấy một cái nhìn nhạy cảm rất đàn bà, một kết cấu truyện gọn sắc như những cú đâm của dao găm, và cả tiếng cười như sắp phá bung ra đằng sau sự lạnh lùng của con chữ.

Nhà văn Lê Anh Hoài

@ Mấy năm gần đây, ngoài những truyện ngắn xuất hiện dần dà trên các báo, Nguyễn Thị Hậu (với nickname Hậu Khảo Cổ) còn vô khối mẩu truyện ngắn - tối đa 100 chữ - tải trên blog cá nhân của chị. Những đoản văn ấy mang dư vị thích thú riêng, có mẩu mang ý tưởng đột ngột như một góc ảnh lạ, có truyện thâm thúy như một lát cắt cuộc sống, có mẩu giả như cười trên nỗi đau, có trường hợp ngụ ý nghĩa tình nhân bản trong một bối cảnh cuộc đời đang đổi thay chóng mặt... Dù vậy, điều thú vị là mỗi người tự tìm thấy mình (hoặc đâu đó quanh các mối quan hệ của mình) trong những mẩu ngăn ngắn kia, để rồi nhớ mãi trong hành trình bôn ba bất kể ngoài đời hay trên mạng ảo.

Nhà báo Lam Điền Um A Hum



Hình ảnh: @ Tiến sĩ khảo cổ học, từng công tác bảo tàng nhiều năm, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chừng ấy thứ để khó hiểu về việc viết văn của Nguyễn Thị Hậu.
Nhưng nếu đọc loạt truyện cực ngắn này, không cần nghĩ ngợi đến những chức tước, học hàm học vị, sẽ thấy một cái nhìn nhạy cảm rất đàn bà, một kết cấu truyện gọn sắc như những cú đâm của dao găm, và cả tiếng cười như sắp phá bung ra đằng sau sự lạnh lùng của con chữ.

Nhà văn  Lê Anh Hoài

@ Mấy năm gần đây, ngoài những truyện ngắn xuất hiện dần dà trên các báo, Nguyễn Thị Hậu (với nickname Hậu Khảo Cổ) còn vô khối mẩu truyện ngắn - tối đa 100 chữ - tải trên blog cá nhân của chị. Những đoản văn ấy mang dư vị thích thú riêng, có mẩu mang ý tưởng đột ngột như một góc ảnh lạ, có truyện thâm thúy như một lát cắt cuộc sống, có mẩu giả như cười trên nỗi đau, có trường hợp ngụ ý nghĩa tình nhân bản trong một bối cảnh cuộc đời đang đổi thay chóng mặt... Dù vậy, điều thú vị là mỗi người tự tìm thấy mình (hoặc đâu đó quanh các mối quan hệ của mình) trong những mẩu ngăn ngắn kia, để rồi nhớ mãi trong hành trình bôn ba bất kể ngoài đời hay trên mạng ảo. 

Nhà báo Lam Điền Um A Hum

Câu trả lời sau hơn 25 năm!

 LỜI BẠT "THẾ GIỚI MẠNG & TÔI"Nhà văn Nguyễn Đông Thức   

             Năm một nghìn chín trăm tám mươi… mấy, lúc đang là trưởng ban Văn nghệ của báo Tuổi Trẻ, có lần tôi đã tiếp một cô sinh viên đến đưa bản thảo truyện ngắn để “nhờ anh đọc và góp ý, nếu thấy được thì…”. Khi ấy tôi làm việc còn rất nghiêm túc, nên đã hẹn và khi đọc xong tôi đưa lại bản thảo, khuyên cô nên… tập trung vào việc học tập! J (tôi đã quên bẵng chuyện này, bởi từng thô bạo như vậy với khá nhiều người, theo đúng chủ trương không nên có nhà văn… trung bình). Cô gái cảm ơn và ra về, không bao giờ quay lại. Ơn Trời!
            Năm 2013, tôi xin kết bạn trên Facebook với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, người mà tôi rất chú ý qua blog Hậu Khảo cổ và đã đọc nhiều bài viết trên báo cũng như trong tập 101 truyện ngắn 100 chữ khá độc đáo của cô. Một hôm, Hậu post lên FB một tấm hình lúc còn sinh viên, đẹp như trong mơ! Gặp trong một cuộc nhậu, tôi than thở phải chi được gặp cô lúc ấy. Hậu cười, nói đã từng gặp, rồi nhắc lại câu chuyện năm xưa. Trời đất, lúc đó mắt tôi bị sao thế nhỉ?
            Có vẻ Hậu vừa nghe và vừa không nghe lời khuyên của tôi. “Tập trung vào việc học tập”, cô giờ là một nữ tiến sĩ hiếm hoi và nổi tiếng của ngành khảo cổ học Việt Nam. “Hãy dẹp mộng văn chương vì con đường đó rất cực nhọc và chắc là không phù hợp với em đâu”, thì giờ cô đã có trong tay vài cuốn sách văn chương và bắt đầu có tên trong trường văn trận bút…
            Sau hơn 20 năm, Hậu lại gửi bản thảo Thế giới mạng & tôi để nhờ tôi đọc.
            Những bài viết thật bình dị, nhẹ nhàng, không mang triết lý gì cao siêu, không phê phán, dạy dỗ… Chúng cứ như những lời tâm sự, thủ thỉ, kể lại về một chuyến đi, những địa danh, con người, sự việc… trong đời sống hàng ngày của tác giả, với những nhận xét và suy nghĩ vừa tinh tế lại vừa mộc mạc. Đã đọc 101 truyện ngắn 100 chữ khá sắc sảo của Nguyễn Thị Hậu, tôi bị hơi… hẫng với cuốn tạp bút này, chính vì sự giản dị của nó. Có cảm giác tác giả là một người thông minh tới mức biết cách không làm người ta phải sợ hãi về sự thông mình đó?
            Và tôi đã đọc chỉ trong một đêm…
            Vì cuốn sách quá hay? Hahaha, chưa. Vẫn còn vài bài viết hơi khô, vội, có vẻ cho kịp đơn đặt hàng của các báo. Vài cảm xúc chưa chín, vốn sống còn mỏng  đây đó. Nhưng tổng thể thì trên trung bình. Những bài viết thiên về tình cảm, như Tiếc nuối Thủ Thiêm, Bạn về quê ở, Những bữa cơm chiều, Quan họ của tôi, Tản mạn về đường thành phố, Quê hương và ký ức di truyền, và đặc biệt là chùm 10 bài trong chương cuối Vụn vặt đời thường… đọc rất thích.
            Điều quan trọng ở đây là gì?
            Nguyễn Thị Hậu đã bền bỉ thực hiện đam mê viết lách của mình, bất kể “lời ong tiếng ve” J - vậy mới chính là đam mê thực sự, không ai cản được! Và quan trọng là đã đưa được những gì mình viết đến nhiều người đọc. Một người  hạnh phúc!
            Tôi như mường tượng thấy khi bấm nút send tập bản thảo cho tôi, hẳn Hậu đã mỉm cười. Lúc quay lưng ra về hồi năm một nghìn chín trăm tám mươi mấy, có lẽ cô đã tự nhủ “Hãy đợi đấy!”. Và giờ là câu trả lời đích đáng cho cái gã “có mắt không tròng” là tôi! J

NGUYỄN ĐÔNG THỨC









LỜI TỰA "THẾ GIỚI MẠNG & TÔI"









Phạm Thanh Hà - Hà Phạm

TRONG LÒNG BÀN TAY CÓ BA CON ĐƯỜNG

Đấy là câu mở đầu cho một bài viết có tên “Số phận” trong tập tản văn mới của Nguyễn Thị Hậu, Thế giới mạng và tôi, lý giải cẩn thận như một nhà coi bói chỉ tay về các con đường trên bàn tay, và dẫn hết cả những lời đã nghe từ bé mà các ông bà thày bói coi tay nói với mình, xong rồi chị kết luận: “ Thế à… Ừ thì cứ tin như thế đi, như đã… không nghi ngờ những lời tiên đoán trước đây… Thật ra là cũng đã quên mất những lời của các ông thầy bà thầy bói. Cứ đúng tính cách mình mà sống, đã sống như thế, đang sống như thế, và nếu còn sống đến lúc nào thì vẫn sẽ như thế…”
Đọc xong không khỏi mỉm cười!

Mỉm cười, bởi đọc “Thế giới mạng và tôi” đúng là như thế. Hệt như mở một lòng bàn tay, thấy có đến ít nhất là ba con người với những phân định dễ nhận: một nhà văn hóa, một nhà báo, và một phụ nữ viết văn, giống như ba con đường khác nhau. Có những lúc Nguyễn Thị Hậu khách quan và tỉnh táo để bàn về những mất mát của đời sống tinh thần trong sự biến thiên của đô thị hiện đại, hoặc đưa ra những lời bàn rõ ràng rành mạch về sách vở như một nhà nghiên cứu văn hóa đúng nghĩa và có tầm, như là trong “Tản mạn về người Sài Gòn”; “Tiếc nuối Thủ Thiêm”; “Mùa lễ hội”... Có lúc thông mình và nhiều phát hiện, đầy ắp chi tiết như một nhà báo tự do quen lang thang và độc lập quan sát ở những “Sa Pa không còn lặng lẽ”, “Tản mạn về đường thành phố”, “Nước Mỹ xa và gần”; “Vụn vặt đời thường”...Nguyễn Thị Hậu đi nhiều, viết nhiều, và những bài du ký ở tập này không hiểu sao mang dáng dấp chính luận nhiều thế, có thể do đặt hàng từ những tờ báo mà chị cộng tác, và cũng có thể, những cuộc đi, rất nhiều, của chị thường là đơn độc và vội vã. Nhưng chúng hấp dẫn và đôi khi, lắng tận đáy lòng bởi đôi ba từ ngữ lạc vào từ trái tim người đàn bà viết văn

Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thưa sơn màu trắng.
Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn. ..(Nước Mỹ xã và gần)

Cái phần người đàn bà viết văn, với tôi, là cái đọc được nhiều nhất trong tập “Thế giới mạng và tôi” này. Nó làm cho ba con đường riêng rẽ trên một bàn tay hòa nhập với nhau, không phải chỉ là như Nguyễn Thị Hậu viết “Tính cách tạo nên số phận. Số phận mình nằm trong lòng bàn tay mình đấy thôi…”, mà nó khiến cái bàn tay ấy trở nên mềm mại, dịu dàng. Bởi dù có nói về một điều gì đó to tát, cái phần văn chương đầy nữ tính của Nguyễn Thị Hậu rốt cuộc cũng làm cho câu chuyện trở nên có chút gì đó như thoáng chút ngậm ngùi.

Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán, đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố (Về miền Tây, thương...).

Có một điều, với tập sách này, với một người đọc đã quen, dường như không chủ định, cái phần văn chương của Nguyễn Thị Hậu nhiều lên và hoàn toàn tự nhiên. Chị không có ý định viết văn như trong tập truyện ngắn mini 100 chữ, cũng không định triết lý, dù vẫn hóm hỉnh và thông minh thế, nhưng trong rất nhiều tản văn, có chút mằn mặn của nước mắt “Yêu như đã sống”; “Phục sinh, vâng hy vọng thế!”; “Tháng Bảy đã qua”. Chẳng có lời nào bàn đến mấy chữ cô đơn, nhưng cứ như ngay cả từ một sự đùa cợt, một luận bàn nghiêm túc, nỗi cô đơn nhè nhẹ cứ từ đâu đó lẩn khuất và bất chợt xuất hiện.

Có lẽ, bởi tên tập sách là thế “Thế giới mạng và tôi”. Thế giới mạng luôn là là nơi cô đơn với một phụ nữ. Cũng như biết trên bàn tay có ba con đường, nhưng con đường nào ngoài cuộc sống cũng là do mình chọn. Biết “Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội” nhưng Nguyễn Thị Hậu vẫn viết “ Tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì Mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, luôn đặt tôi trước thử thách khi đối diện tấm gương phóng đại ấy: tỉnh táo để biết nhìn ra chân giá trị của mình, của người”.

Như thế, còn có cả một người đàn bà độc lập và bướng bỉnh nữa, con đường thứ tư trên một bàn tay, trong tập sách này !

Vụn vặt đời thường (36)

 @ Chú em nói chuyện mua máy rửa chén, nào là phải biết cách xếp, nào là có loại chén bát ko phù hợp, nào là hao nước tốn điện nào là phải tráng trước... Ôi giời, làm gì mà phức tạp thế! Máy rửa bát thuộc loại đồ cổ của nhà chị hơn 40 năm vưỡn chạy tốt, biết tiết kiệm nước lại ko tốn điện, biết xếp vào tủ biết lau khi dùng, lâu lâu lại còn biết... hét nếu ai làm vỡ chén bát. À, thỉnh thoảng nó vừa vận hành lại vừa khe khẽ hát, nhá :)

@ Hiện tượng giới truyền thông và trường hợp nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín cũng chỉ phản ánh một tâm thức "truyền thống" mà thôi: luôn cần một thần tượng và phải gìn giữ hình ảnh của thần tượng mãi không thay đổi!
Nhưng tiếc rằng sự thái quá lại "giết chết" (danh dự) thần tượng khi ông đang lâm nạn, vẫn có thể còn cứu vãn được danh dự. 
Bạn mình từng nói: còn cần "thần tượng" tức là chưa trưởng thành. Mình cũng nghĩ thế!

@ Khó nhất để có được nhưng dễ nhất để mất đi là sự tin tưởng , nhất là với một người thân, bạn ạ

@ Quán xá: vô quán khi bước ra thì xá (3 xá) vì món ăn không ngon tính tiền quá đắt phục vụ quá tệ.


@ Việc tìm kiếm máy bay mất tích có những thông tin ko phải là TIN mà nghe cũng chẳng THÔNG. Ra biển mà lơ ngơ như người chỉ quen chèo thuyền thúng lòng vòng gần bờ. Đây là hậu quả của tư duy "vững TAY CHÈO ra biển lớn".

Hôm nay là ngày (độc lập tự lo) HẠNH PHÚC :)

@ Cái tâm lý trông chờ ỷ lại vào một ông Bụt nào đó di truyền thật là dai dẳng. Cũng vậy, hành xử "độc lập" duy nhất của Tấm khi ko có Bụt giúp đỡ lại là giết mẹ con Cám một cách dã man... có lẽ cũng được di truyền bền vững cho đến bây giờ. Không giết bằng hành động thì một số người giết nhau bằng lời nói của mình, còn một số khác lại giết nhau bằng lời nói của Bụt.
haizzzz.

MỘT CUỘC CHƠI... KHÔNG ĐƯỢC CẤP PHÉP :)






"Cuốn sách này là một cuộc chơi của những người đàn bà, Chúng tôi, có thể khác nhau nhiều thứ nhưng có chung một điểm: bản thân không tự coi đây như một "tác phẩm văn học" mà là những chia sẻ với bạn bè trên mạng, nay hiện diện ở một hình thức khác: sách in. Chỉ là chuyện vụn vặt đời thường thôi nhưng là những điều mà chúng tôi và nhiều người đàn bà khác quan tâm.
Với đàn bà, được chia sẻ đã là hạnh phúc".

BEO HỒNG - DONA ĐỖ NGỌC - HẬU KHẢO CỔ (LỜI TRÍCH Ờ BÌA 4)

Tuy nhiên cuốn sách này đã không được cấp giấy phép xuất bản, trừ khi... bỏ một tác giả. Hai tác giả còn lại, ko bàn luận và ở những địa điểm, thời điểm khác nhau, đều SAY NO! LÀM NGƯỜI AI LÀM THẾ!
Vì thế, những người đàn bà vẫn tiếp tục cuộc chơi vui vẻ của mình. CUỘC ĐỜI VẪN ĐẸP, NHỈ 

SÁCH MỚI CỦA MÌNH ĐÂY :)





TẬP HỢP NHỮNG TRUYỆN 100 CHỮ VỚI MINH HOẠ CỦA LÊ THIẾT CƯƠNG TUYỆT ĐẸP. CÁC BẠN MÌNH ỦNG HỘ NHÉ :) SÁCH SẼ CÓ MẶT TRONG HỘI SÁCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NGÀY 24/3 - 30/3/2014.

14/3/1988 : GẠC MA - CO LIN - LEN ĐAO!


Cuộc toạ đàm BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁC CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA THỜI HIỆN ĐẠI do Hội KHLSVN tổ chức tại HN dự định tổ chức vào ngày 17/2/2014 nhưng… phải lùi đến này chủ nhật 9/3/2014!

Tại cuộc toạ đàm này, sau rất nhiều ý kiến, phát biểu của các GS,TS, những người đương chức và cả người “nguyên là”… về những vấn đề liên quan đến “sử liệu” của các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1987, biên giới phía Bắc 1979, Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988, về việc đưa nội sung lịch sử này vào trưng bày tại bảo tàng, vào sách giáo khoa… (nội dung cuộc toạ đàm các bạn có thể xem ở FB Chú Tuễ-TS Nguyễn Xuân Diện), gần cuối giờ mình ráng “đòi” được nói. Vị GS.TSKH, một trong ba vị chủ trì Toạ đàm, đồng ý, vì “đại biểu từ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ra, lại là phụ nữ mà hôm nay mới là mùng 9/3, chúng ta dành cho TS Ng Thị Hậu một món quà là dành cho chị 5 phút trước khi Chủ toạ tổng kết Toạ đàm".

Đây là ý kiến của mình, viết lại mạch lạc hơn khi phát biểu, nhưng vẫn là những ý đã nói.
Muốn "bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử..." như nội dung cuộc toạ đàm nêu ra, tôi tán thành ý kiến của các SG, các nhà khoa học đã nói. Ngoài ra tôi đề nghị 4 vấn đề sau:

1. Về sử liệu: Cần công bố những tư liệu, tài liệu lịch sử có liên quan đến các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Tây Bắc và biển Đông. Hiện nay tình trạng tư liệu lịch sử không được công bố làm cho việc nghiên cứu rất khó khăn. Những tư liệu tài liệu chữ viết nào đã đến thời hạn “giải mã” thì cần “bạch hoá” và tập trung tại các cơ quan có chức năng nghiên cứu lịch sử, như Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự, Viện Hán Nôm. Đặc biệt Viện Hán Nôm phải là nơi lưu trữ các văn bản gốc thời Nguyễn liên quan đến quản lý, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Việc chuyển tài liệu cho các cơ quan khoa học là để hiện nay nghiên cứu, công bố, đồng thời cũng để đời sau tiếp tục nghiên cứu. Tránh tình trạng tài liệu bị thất lạc, biến mất hay “tam sao thất bản”, như vậy không thể nào viết lại lịch sử một cách khách quan và khoa học được. Những cơ quan khác, khi cần, có thể sử dụng bản sao.

2. Về việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa: chắc chắn phải đưa vào, nhưng đưa vào như thế nào, đến đâu… tôi nghĩ sẽ là một quá trình không ngắn. Trước mắt để giáo dục con em về sự toàn vẹn lãnh thổ, tôi đề nghị một việc mà Hội Sử VIỆT NAM, các hội địa phương đều có thể phối hợp cùng ngành giáo dục làm được. Đó là trang bị cho mội lớp học một tấm bản đồ VIỆT NAM có đầy đủ đường biên giới hiện nay, đầy đủ các đảo và quần đảo HS-TS. Mỗi trường phổ thông cần có một bộ bản đồ VIỆT NAM từ thời NGuyễn đến nay minh chứng tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ VIỆT NAM. Giáo dục trực quan, hàng ngày như thế sẽ làm cho học sinh ý thức ngay từ nhỏ việc bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

3. Cần thành lập một cơ quan nghiên cứu Biển Đông về tất cả các lĩnh vực địa chất địa lý, tài nguyên môi trường, kinh tế, văn hoá… nhằm tránh sự manh mún, tản mạn và khó liên kết giữa các ngành trong mục tiêu cùng nghiên cứu biển Đông. Nếu chưa thể thành lập cơ quan nghiên cứu cấp Trung Ương thì nên thành lập tại 1 tỉnh duyên hải, như Đà Nẵng, để nơi đây là cơ quan tập hợp và có tiếng nói khoa học chính thức. Hiện nay các cơ quan khoa học có rất ít thông tin trên mạng về lịch sử, tình hình biển Đông, trong khi đó TQ có hàng chục cơ quan nghiên cứu biển Nam hải, họ công bố dồn dập tài liệu, thật giả ta không thể biết. Trong khi đó ta chậm công bố và ít công bố tài liệu liên quan. Chưa kể việc ta đưa rất ít nhà khoa học đi dự HT quốc tế về vấn đề này.

4. Cần có chính sách rõ ràng và nhất quán về truyền thông các vấn đề liên quan đến lịch sử vùng biên giới và biển Đông. Đành rằng về ngoại giao thì nhà nước không thể hay chưa thể nói, nếu các báo, đài chính thống chưa được nói thì nên để các hội , đoàn lên tiếng. tế nhị về ngoại giao nhưng với nhân dân cũng cần tế nhị, vì dân là người giữ nước, một mình chính quyền không thể giữ nước. Mặt khác, nhân dân lên tiếng về việc này là thể hiện sức mạnh. Khi chúng ta có chính kiến rõ ràng thì điều này cũng tạo nên sự sức mạnh đoàn kết của cả người Việt trong và ngoài nước.

CHỈ VÌ NHỮNG NGÀY NHƯ THẾ


Chỉ vì những ngày
Nơi này
Xao xác gió heo may
Lá vàng
Cuộn lăn theo vỉa hè phố cũ.

Chỉ vì những ngày
Nơi này
Hun hút gió Đông
Cây bàng
In cành khẳng khiu
Trên nền mây xám

Chỉ vì những ngày
Nơi này
Mưa phùn rây mặt đường
Hơi sương
Giăng đầy lối cũ
Quán cà phê ngõ nhỏ chờ ai

Chỉ vì những ngày
Nơi này
Chiều sắt se tối
Căn phòng lạnh
Tiếng chuông nhà thờ
Thả rơi nỗi nhớ

Chỉ vì những ngày
Như thế
Mỗi mùa đông
Tôi vẫn quay trở lại
Dù ở nơi này
Người tôi yêu
Đã lạc mất trái tim



10.3.2014

MỘT NGÀY MỖI NĂM VẪN CÓ


Tại sao phải có một ngày
Người ta có nghĩa vụ tặng hoa
Cho những người đàn bà
Nhẹ nhàng duyên dáng nhạy cảm mong manh
(Hay là họ luôn nghĩ mình như vậy)
Tạo sao lại chỉ có một ngày
Người ta phải nói những lời có cánh
Bày tỏ biết ơn yêu quý tôn vinh
Với những người đàn bà
Nhanh nhẹn năng động mạnh mẽ
(Hay là họ luôn tỏ ra mình như thế)

Nhưng trong ngày này
Còn bao người đàn bà
Cả đời chẳng được tặng một bông hoa
Chưa từng nghe một lời dịu ngọt
Cả đời không nghĩ mình mong manh dễ vỡ
Chỉ biết lao khổ làm ăn
Cũng chẳng biết mình mạnh mẽ thế nào
Chỉ biết làm tất cả nếu cần phải làm như thế

Thì thôi
 “Có còn hơn không có còn hơn không”
Những người đàn bà AQ
Tự an ủi mình
Dẫu chỉ được một ngày
Còn chán vạn hơn nhiều người khác

“có còn hơn không”
Những người đàn ông,
Thở phào
Đàn bà nhẹ dạ cả tin
Tiếc gì một bó hoa một lời có cánh
Để cho họ
Dù mong manh hay mạnh mẽ
Tiếp tục làm đàn bà
Đừng “vùng dậy”
Cho đến ngày
Tám tháng Ba sau

(7.3.2014)

VÀI PHIM MỚI XEM (22). Blue is the warmest colour


Nhiều người đã nói về phim này như một phim về đồng tính – và đồng tính nữ. Nhưng điều đầu tiên mình nhìn thấy ở phim này là một bộ phim về tuổi thành niên, chính xác hơn là vừa qua tuổi vị thành niên.

Những cô cậu học sinh năm cuối của trung học, chút lãng mạn e dè trong tình cảm nam nữ, những chuyện “bà tám” của đám nữ sinh lơ đãng trong giờ học, trốn ra ngoài hút thuốc, những xúc động chưa kịp hiểu rõ giữa hai người con gái… rất nhiều cái lơ mơ bàng bạc là lạ ngơ ngác, cả đám cãi nhau, chửi bậy, sự tỏ vẻ kỳ thị người đồng tính, sự ghen tuông rất trẻ con… Nhưng qua tất cả có một cái rất thật, ấy là sự cô đơn của người –bắt – đầu – lớn, nhất là người ấy là một thiếu nữ xinh xắn và nhạy cảm.

Những cảm xúc tình yêu của cô nữ sinh Adele với cô hoạ sĩ Emma bình thường như mọi tình yêu giữa nam và nữ, họ cũng xưng hô anh – em. Cô thiếu nữ mới lớn Adele đã bày tỏ tình cảm của mình nồng nhiệt, say đắm, tuy vẫn e ấp, nhưng không dấu diếm. Chính điều đó đã làm Emma không thể cưỡng lại được. Và Emma – bên trong thân xác phụ nữ thực sự là một - chàng - trai khi yêu: mạnh mẽ nhưng dịu dàng, biết buông – bắt, biết làm cho cô gái “phát điên” vì mình. Nhất là ánh mắt khi nhìn Adele, đó là ánh mắt một chàng trai khá từng trải trong tình trường, say đắm mà vẫn có gì rất tỉnh táo.

Vậy nhưng mối tình kết thúc mang lại bao đau khổ cho Adele. Emma “ruồng rẫy” Adele không phải vì lỗi lầm nho nhỏ của cô, không phải vì ghen tuông, mà vì thực sự là Emma say đắm Adele nhưng trái tim cô đã dành cho một người phụ nữ khác. Như cô thú nhận sau một thời gian dài gặp lại Adele “với cô ấy… không như với em. Anh luôn ham muốn em, chưa bao giờ ngừng ham muốn em, nhưng anh yêu cô ấy”.

Điều làm cho phim Blue is the Warmest Colour hấp dẫn chính là mối tình (và cảnh nóng) của hai cô gái. Không thể không nói đến những cảnh nóng trong phim, nhưng đó là những cảnh đẹp, rất đẹp. Tình yêu – tình dục hoà quyện tuyệt vời. Đến mức làm cho ta nghĩ rằng không gì có thể chia tách họ. Nhưng cuối cùng thì đó vẫn là chuyện tình yêu muôn thủa,  bất chấp ai yêu ai, nữ yêu nữ hay nam yêu nam: tiếng sét - yêu say đắm – chia tay – đau khổ. Cuối phim cảnh hai người gặp lại đã hé cho thấy nguyên nhân tan vỡ nằm ngoài họ: hình như tình yêu thể xác và tình yêu tinh thần không phải lúc nào cũng song hành.

Đâu đó ta đã nghe (những) người đàn ông nói vậy, khi giải thích về một mối quan hệ nào đó. Chỉ có điều lý lẽ của họ ít khi thuyết phục được người nghe, vì chính họ cũng biết rằng họ không đủ tình yêu, dù là kiểu nào đi nữa, dành cho người khác.



Linh tinh lang tang (76). BUỔI HỌP GIAO BAN CUỐI CÙNG



Sáng nay 3/3, theo lệ thường, có cuộc họp giao ban đầu tháng toàn cơ quan. Với tôi, đây là cuộc họp giao ban cuối cùng của cuộc đời 33 năm làm công chức. Từ ngày 2/ 4/2014 - ko hiểu sao QĐ nghỉ hưu của tôi không phải là ngày 1/4  tôi chính thức “gia nhập” câu lạc bộ Hưu trí của phường, hay là CLB Cây cao bóng cả, Ông bà cháu, Người cao tuổi… 

Thử tính xem, 33 năm đi làm qua 3 cơ quan, có bao nhiêu cuộc họp giao ban chính, chưa kể những cuộc họp của cơ quan khác, của công việc khác…?

33 năm x 12 tháng = 936 tháng

936 tháng x 4 tuần = 1584 tuần

Lấy số chẵn thôi thì tôi đã trải qua khoảng 900 cuộc họp giao ban tháng của cơ quan; khoảng 1000 cuộc họp giao ban hàng tuần của lãnh đạo cơ quan vì có khoảng 10 năm không làm “sếp”.

Nói vậy để thấy họp giao ban quen thuộc với tôi đến thế nào!

Từ khoảng hai ba năm nay, “về hưu” với tôi luôn là việc trước mắt. Mọi suy nghĩ của tôi về việc này là:

- Hoàn thành tốt những gì đang làm và không để lại hậu quả xấu cho cơ quan.

- Bàn giao hết những gì thuộc chức trách, kể cả TBT Tạp chí – công việc mà tôi rất yêu thích, tránh không để mang tiếng “tham quyền” :)

- Chuẩn bị những công việc mình yêu thích, để khi nghỉ sẽ bắt tay vào công việc mới

- Chuẩn bị thái độ trước mọi ứng xử hay hoặc không hay của bạn bè đồng nghiệp, khi mình bước vào “giai đoạn cuối”

Vì vậy, “giai đoạn cuối” càng đến gần tôi càng thấy nhẹ nhõm, thoải mái, đến nỗi có bạn lính trẻ nói “chưa thấy ai sắp về hưu mà hớn hở như cô Hậu” :D

Cứ nghĩ cuộc họp cuối sẽ có nhiều cảm xúc. Nhưng không, tôi cảm thấy bình thường, thậm chí còn vui vui, vì mình đã nhẹ nhàng nói lời chia tay với cơ quan, đồng nghiệp, nói lời cám ơn và từ chối nhã ý của lãnh đạo cơ quan mời ký Hợp đồng làm cố vấn về chuyên môn trong thời gian còn lại của năm 2014.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trên FB tôi chia sẻ một cách cụ thể về công việc của mình ở cơ quan đang làm , bởi vì tôi quan niệm FB là không gian của cá nhân mình, không gian ngoài công việc. Ngoài ra cũng từ một kinh nghiệm riêng của tôi.

Đó là vào đầu năm 2011, khi tôi được đề cử ra ứng cử QH khóa XIII. Rất nhiều việc mệt mỏi xung quanh chuyện này mà phần lớn từ vài người trong cơ quan, trong đó có 1 người đã vào Yahoo 360 của con gái tôi, copy entry con gái chia sẻ với mẹ vể những khó khăn mà mẹ đang gặp phải, rồi in ra đem “mec” với sếp, rằng tại sao chị H lại than thở với con gái để con gái phải an ủi như thế… và …! Rất may Sếp là người hiểu biết nên… chỉ khuyên tôi ko nên viết blog kể lại chuyện này :)

Mà thực sự xưa nay chơi blog chưa bao giờ tôi than thở kể lể chuyện của cơ quan trước đây hay hiện tại, dù những “gian truân” của tôi thì có thể… viết thành tiểu thuyết, thật đấy! Nhưng thôi, chuyện đã qua là đã qua, nếu có nhớ lại thì cũng coi như “một chuyện đùa”, bởi vì nặng lòng làm gì với những gì những ai không xứng đáng ngay cả với một ý nghĩ thoáng qua, phải không :D

Phía trước vẫn còn thời gian để tôi “tung tẩy” cho những dự định, những chuyến đi, những công việc yêu thích của mình, dành cho những người tôi yêu quý. Hy vọng tôi có đủ sức khỏe, niềm vui (và cả tiền bạc nữa chứ, hihi), cho những kế hoạch nho nhỏ ấy.
Hãy tự chúc mình may mắn trên đoạn đường còn lại!
 

Linh tinh lang tang (77) NƯỚC MẮM VÀ NƯỚC CHẤM



Dân gian gọi NƯỚC MẮM đã cho thấy cách gọi xuất phát từ nguyên liệu chính làm ra loại gia vị này.
NƯỚC MẮM LÀ PHẢI ĐƯỢC LÀM TỪ CÁ, có mùi đặc trưng và vị mặn mòi. Tuỳ từng vùng có những loại cá khác nhau, vào mùa khác nhau thì “bí quyết” ướp chượp cũng khác nhau. Mỗi một nhãn hiệu nước mắm truyền thống có một bí quyết riêng, tạo nên hương vị riêng. Cũng nguyên liệu ấy qua tay những người thợ lành nghề sẽ cho ra các loại nước mắm ngon khác nhau.

Nước mắm sản xuất thủ công truyền thống đòi hỏi rất công phu nên hiện giờ giá thành khá cao, chưa có chính sách “bảo hộ” loại gia vị rất độc đáo này nên nhiều nhà sản xuất phải bỏ nghề. Hãng nước mắm ngon giờ đếm trên đầu ngón tay. Tìm mua chai nước mắm “xịn” khó hơn tìm chai rượu xịn!

Còn có loại nước (chấm) KHÔNG LÀM TỪ CÁ, là một hỗn hợp pha chế từ hương liệu và nguyên liệu nào đấy theo công thức giống nhau ở tất cả những nơi sản xuất. Vị đặc trưng là NGÒN NGỌT chứ không mặn mòi. Thậm chí còn có loại nước mắm chay (?). Sản xuất công nghiệp nên “sạch” (?), bán đầy các siêu thị, giá bình dân.

Mặc dù cùng là một loại nước,
Mặc dù cùng dùng để chấm thức ăn,
Mặc dù cùng dùng để nêm thức ăn,
Nhưng chắc chắn loại làm từ cá và không làm từ cá rất khác nhau, vì khi chấm khi nêm… với người biết nấu, sành ăn thì không thể cho hương vị như nhau..

Do đó, không thể coi loại không làm từ cá là “NƯỚC MẮM” như ghi trên chai, bao bì. Nếu gọi như vậy là một sự lập lờ. Sòng phẳng với người tiêu dùng thì gọi loại này là NƯỚC GIẢ MẮM, hay muốn chính xác thì ghi là NƯỚC CHẤM (gọi theo chức năng, công dụng). Khi nhà sản xuất cố tình ghi như vậy thì những người bán hàng cần giải thích rõ cho người mua. Ai thích ăn loại nào thì tuỳ.

Chỉ có điều khi nước giả mắm tràn lan thì người ta sẽ quen dần với vị ngòn ngọt lờ lợ mà quên mất vị mặn mòi đậm đà. Thậm chí có người còn chưa bước chân ra khỏi “làng” đã chê “nước mắm hôi”!
Ôi, nước mắm mà không làm từ cá, không “hôi” không mặn (nhưng ngọt về “hậu”) thì có còn là NƯỚC MẮM?

(Lan man nghĩ thế, trong buổi trò chuyện về cuốn sách “Người ăn rong” của tác giả Ngữ Yên - nhà báo Trần Công Khanh, nguyên Tổng Thư ký SGTT bộ số cũ, khi đọc tin báo SGTT ra bộ số mới!).

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...