THỊ DÂN LÀ THỊ DÂN NÀO...



Đô thị… của ai?
Một câu hỏi có vẻ vô lý.
Từ nhỏ ta đã được dạy rằng “bông hoa này là của chung” cho đến điều vĩ đại hơn, “trái đất này là của chúng mình”. Vậy thì đô thị đương nhiên là của chung, của chúng mình, việc gì mà phải hỏi?
Nhưng, nếu không xác định rõ ràng cái “chung” ấy cụ thể là ai, và “chúng mình” là những người nào… thì chúng ta cũng chẳng biết cái đô thị thuộc “sở hữu” của chủ thế ấy, sẽ có diện mạo như thế nào.
Thôi thì “nói nhanh cho vuông”, đô thị là của thị dân, cũng như nông thôn là của nông dân vậy.
Không biết từ khi nào trong ngôn ngữ  hàng ngày và trên văn bản đã mất dần từ “thị dân”?  Qua tác phẩm của các tác giả nổi tiếng viết về đời sống đô thị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX dưới thời Pháp thuộc được dạy ở trường phổ thông, diện mạo “thị dân” hiện lên gồm những người thành thị thuộc tầng lớp bóc lột, “tư sản”, “tiểu tư sản”  rởm đời, đua đòi lối sống Tây phương, ăn chơi, trí thức “lãng mạn” mơ màng đâu đâu, không thực tế… Nói chung không phải là người lao động, không có những đức tính tốt đẹp như  dân nghèo thành thị. Thậm chí thị dân còn là loại “lưu manh giả danh trí thức” như kiểu Xuân Tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng. Từ sau dòng văn học hiện thực phê phán này cho đến cuối thế kỷ XX  hầu như không thấy bóng dáng thị dân trong văn học mà thay vào đó chỉ còn bóng dáng những - người - ở - thành phố.
Trong thực tế, những - người - ở - thành phố (Hà Nội hay Sài Gòn) vài chục năm nay là sự thay thế lớp thị dân lâu đời phần lớn di chuyển đến nơi khác sau 1954 và 1975. Thị dân mới chưa gắn bó với nơi mình sống, vì vậy, hoặc họ bê nguyên văn hoá lối sống từ nơi khác về đô thị và tiếp tục duy trì văn hoá lối sống ấy, hoặc họ tiếp thu một cách tản mạn những mảnh vụn của văn hoá đô thị còn sót lại, để hình thành một lối sống thị dân tạm bợ, có thể mất đi, biến dạng bất cứ lúc nào, vì bất cứ điều nhỏ nhặt nào.
Cũng như bất cứ đâu, chủ nhân nào tạo ra diện mạo xã hội nơi ấy. Với lớp thị dân mới văn hoá đô thị có còn như một truyền thống, một bản sắc riêng? Hay truyền thống và bản sắc văn hoá chỉ tồn tại ở nông thôn và nông dân?
Bản sắc và truyền thống văn hoá đô thị thể hiện trong sự hoà hợp, thống nhất của cảnh quan đô thị và lối sống thị dân. Cảnh quan đô thị gồm cảnh quan tự nhiên, quy hoạch –kiến trúc, những di sản văn hoá vật thể… Lối sống thị dân quan trọng nhất là sự thể hiện mối quan hệ thực sự gắn bó với đô thị, những quan hệ với cộng đồng, ứng xử với môi trường của thị dân vừa phù hợp với điều kiện riêng của từng đô thị , vừa là nét văn hoá tinh tuý của các vùng miền, đồng thời cũng phản ánh sự giao lưu và hội tụ tinh hoa văn hóa. Tất cả được chọn lọc qua quá trình phát triển và làm nên hồn vía, cốt cách của đô thị đó.
Để gìn giữ truyền thống và bản sắc đô thị, việc bảo tồn di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) đã bắt đầu được quan tâm, thực hiện. Tuy nhiên, việc hình thành và xây dựng tầng lớp thị dân từ góc độ “văn hoá đô thị” thì chưa được chú ý và coi trọng. Nếu không có thị dân đúng nghĩa thì di sản văn hoá đô thị sẽ (trên thực tế là đã) nhanh chóng mai một và biến mất, bởi vì khi thị dân không hiểu biết và tự hào về truyền thống, bản sắc văn hoá nơi mình đang sống thì khó có thể “tuân thủ” một cách tự giác để gìn giữ, làm dày hơn cho văn hoá đô thị.
Mặt khác, chính quyền quản lý đô thị cần tạo điều kiện và phục vụ sao cho những – người - ở - thành – phố có thể “an cư lạc nghiệp”, nhờ đó họ sẽ gắn bó hơn vì “thành phố này là của chúng mình”. Nhà quản lý có tri thức,  hiểu và yêu đô thị thì sẽ ứng xử với thị dân và văn hoá bằng các chính sách, luật lệ phù hợp. Mặt khác, thị dân cũng cần có tri thức và bản lĩnh văn hoá để điều chỉnh và “vô hiệu hoá” sự điều hành trái quy luật và làm tổn hại đến truyền thống và bản sắc văn hoá đô thị.
Vì vậy, đô thị là của mỗi thị dân, trước khi nó là “của chung”.

Tuổi trẻ cuối tuần 28/3/2014
 Minh hoạ Lê Thiết Cương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...