Hương hồng mong manh...


Ngày còn học phổ thông, mỗi buổi sớm mai cô thường đi bộ đến trường. Con đường Trương Định dẫn ra ngọai ô khi ấy còn vắng vẻ lắm. Hai bên đường những mảnh ruộng, mảnh vườn còn xen giữa dãy nhà mái tôn, nhà cấp 4 có hàng cây bàng lơ thơ lá… Duy nhất một quãng đường có ngôi nhà 4 tầng là khu tập thể nằm đối diện nhà máy hoa quả là nhộn nhịp vào giờ tan ca.
Trời mùa đông, khỏang năm rưỡi sáu giờ sáng còn tối mờ mịt, đèn đường thưa thớt chao nghiêng trong gíó mùa đông bắc. Thỉnh thỏang ánh sáng hắt ra từ một ngôi nhà nào đấy mang lại cho người đi đường chút ấm áp để rồi lại co ro đi tiếp. Lũ con gái mười lăm mười sáu các cô mặc kệ giá lạnh, vừa đi vừa chuyện trò khe khẽ. Con đường như ngắn hơn khi lần lượt có thêm mấy người bạn cùng đi.
Khi đi qua một khỏanh vườn thật đẹp có hàng rào dâm bụt bao quanh, ngày nào cũng có một người chờ cô ở đó… Bạn ấy học trên cô một lớp, nhà trên phố, lại đi học bằng xe đạp, nhưng bao giờ cũng đi thật sớm đến mảnh vườn này, hái những bông hoa còn đẫm sương sớm, đứng đợi trong cái lạnh buốt chỉ để đưa vội cho cô bó hồng thơm ngát khi cô và đám bạn đi qua, rồi bạn lại đạp xe đến trường… Đây là nhà ông ngọai bạn ấy, vườn trồng tòan hoa hồng, lọai hồng mỏng manh mà ngày nay thi thỏang ta còn nhìn thấy trên những gánh hoa bán dạo ở phố cũ Hà Nội. Khu vườn đơn sơ, yên tĩnh, cô dường như tinh khiết hơn bởi mùi thơm hoa hồng mỗi khi đi qua không gian trong lành ấy.
Một lần cô có việc đến trường vào ngày nghỉ. Không hiểu sao bạn ấy vẫn biết, và như mọi khi, bạn chờ cô với những bông hồng, nhưng lần này tòan hoa hồng bạch. Không đạp xe đi trước, bạn dắt xe đi bên cô … cứ thế, giữa hai người là chiếc xe đạp và hương thơm quấn qúyt trên suốt con đường.
Bao nhiêu năm qua rồi mà buổi sáng mùa đông ấy vẫn theo cô, trong những lúc vui trong cả những lúc buồn…
Bây giờ bạn ở đâu…

VỚI SÀI GÒN



Từ nơi xa anh mail cho tôi, sau những dòng chữ ngắn gọn và rõ ràng thông báo về công việc như thường lệ, chợt dòng cuối một câu hỏi thảng thốt “Sài Gòn bây giờ thế nào hả em…?”.

Sài Gòn bây giờ thế nào ư?

Anh xa Sài Gòn đã rất lâu rồi, biết anh còn nhớ hay đã quên gì để có thể kể cho anh nghe nhỉ… Bỗng giật mình tự hỏi, ba mươi năm sống ở thành phố phương Nam đầy nắng gió này nhưng với tôi, Sài Gòn có những gì trong tâm tưởng?

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ một câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ lạ lẫm:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
cùng với tích chuyện xưa Thủ Hoằng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ… Trong tôi, Đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và Người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa.

Nằm trong lưu vực Đồng Nai bao gồm cả lưu vực sông Bé, sông Sài Gòn với cửa sông/ cảng thị Cần Giờ từ gần hai ngàn năm trước, Sài Gòn – Bến Nghé xưa vốn là một thị tứ sông nước với sông Đồng Nai – Sài Gòn phía Đông, sông Bến Cát phía Bắc, đôi dòng Vàm Cỏ phía Tây và cửa Soài Rạp – Đồng Tranh – Cần Giờ phía Đông Nam. Vị trí địa lý tự nhiên đã “quy định” cho Đất và Người Sài Gòn tính cách phóng khoáng, cởi mở, dễ dàng tiếp xúc và giao lưu, tiếp nhận những cái mới, những người mới… Nếu không/ chưa kể đến thời tiền sử của vùng đất này từ khoảng 3000 ngàn năm trước thì Sài Gòn thường được biết đến như vùng đất mới 300 năm, với cái mốc mùa xuân Mậu Dần 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào đất Gia Định lập nền hành chánh. Việc thiết lập chính quyền nhằm chính thức hóa đời sống của hàng chục ngàn lưu dân đã bằng đường biển, đường sông hay băng rừng vượt núi đến đây khai phá từ nhiều năm trước. Bản thân sự “khai sinh” Sài Gòn – Gia Định đã là quá trình những con người từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong cả nước, có cả những nhóm người Hoa từ lục địa Hoa Nam vượt biển xuống đây, hội nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng đất này. Trong dòng lưu dân khai phá Sài Gòn – Gia Định, phần đông là nông dân từ miền Bắc, miền Trung… Cuộc sống quá vất vả khó nhọc nên những người nông dân đã phải suốt đời “đầu tắt mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” dường như cho ta hiểu thêm một tầng nghĩa khác – bên cạnh ý nghĩa “đồng bào” – của huyền thoại nguồn gốc Mẹ Au Cơ và bọc Trăm trứng: phải chăng đó là bóng dáng quen thuộc của bầy gà hiền lành, cần mẫn kiếm ăn trong sân nhà vườn nhà, nhường nhịn chia sẻ cho nhau từng hạt lúa con sâu, tuy đôi lúc cũng “đá nhau” nhưng lại sẵn sàng xù lông bảo vệ lẫn nhau khi có lũ quạ lũ diều xuất hiện… Cũng những người nông dân ấy khi vào đến vùng đất thiên nhiên còn hoang sơ lạ lùng, đất rộng người thưa lại cùng cảnh ngộ, việc làm ăn không còn quá vất vả như trên cánh đồng ô trũng bị che chắn bởi đê điều ở châu thổ sông Hồng hay dải ruộng hẹp sát núi liền biển ở miền Trung, mà đồng ruộng làng xóm đã mở rộng theo dòng chảy của sông ngòi, kênh rạch, theo đó có thể đến những miền đất mới… Vì vậy, sự sẻ chia bao bọc được nhân lên mà tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp cũng được nhân lên cùng với sự năng động, quyết đoán hơn:“Làm đại đi, ừ, làm đại nghen!” là một cách ứng xử rất Sài Gòn/ Nam bộ của người Việt phương Nam.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cho đến bây giờ nếu làm một cuộc thống kê ở các thành phố lớn về Hội đồng hương của các Tỉnh (chưa kể đến huyện, xã) thì chắc chắn, Sài Gòn là nơi có số lượng nhiều nhất! Ở Sài Gòn ta có thể nghe thấy tiếng nói, thưởng thức món ăn của nhiều vùng miền khác nhau nhưng cách thức làm ăn của những người tứ xứ tại đây vẫn đậm nét Sài Gòn: nhanh nhạy “chịu chơi”(chứ không chơi chịu), tín nghĩa “một là một, hai là hai”. Sài Gòn biết chấp nhận những khác biệt, không kỳ thị không tự lấy mình “làm chuẩn” để mà so sánh hơn thua về bất cứ điều gì… Nhờ vậy mà sâu thẳm trong người Sài Gòn là truyền thống văn hóa cội nguồn được gạn lọc rồi lắng đọng theo thời gian, để trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu Sài Gòn cũng luôn tìm được cách để vượt qua, để người Sài Gòn vẫn luôn là người Việt Nam dù hàng trăm năm thực dân cũ mới. Luôn thích nghi với những điều mới lạ nhưng không đánh mất bản chất của mình, ấy là một phẩm chất mà người Sài Gòn hôm nay mang theo mình như một hành trang quan trọng trên con đường hội nhập.

Sài Gòn bây giờ thế nào? Anh à, Sài Gòn bây giờ vẫn thế. Thành phố những năm gần đây đã mở rộng, cảnh quan thay đổi từng ngày nhưng vị thế Địa – Văn hoá, Địa – Kinh tế của nó thì vẫn không thay đổi. Đôi khi tôi nghĩ vẩn vơ: giá như hình ảnh ngã ba sông tại Nhà Bè được lấy làm biểu tượng của thành phố thì hay biết mấy, vì đây chính là vị thế “trời cho người chọn” để làm nên bản sắc Sài Gòn, cũng là tiêu biểu cho bản sắc Nam bộ. Thành phố giờ đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ, những người đã làm nên sức sống trẻ trung năng động của thành phố đồng thời cũng được nơi đây nuôi dưỡng, cưu mang. Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã thầm hiểu, nơi mình được sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể sống hết mình trong suốt cuộc đời … Và nếu như ta đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ “công bằng” hơn: Mỗi khi nghĩ về Sài Gòn lòng ta ấm áp một tình cảm gắn bó vì đây là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn!

Rất mong một ngày nào đó anh về lại Sài Gòn, đi trên những con đường hoa điệp vàng hay dưới hàng cây cao vút thả từng cánh hoa xoay xoay trong gió chiều, ngắm nhìn con người Sài Gòn, lắng nghe nhịp sống Sài Gòn, chắc hẳn anh sẽ đồng cảm hơn với cảm nhận của tôi: Sài Gòn bây giờ vẫn thế, và Sài Gòn bao giờ cũng thế…

Và đâu đó cuối con đường…



Luôn luôn ám ảnh bởi những con đường, vắng, lặng...
... ngọn đèn đường chao nghiêng, đơn độc...
... mặt trời xuống thấp một màu đỏ cam, mãnh liệt...
... lá thu vàng nhẹ cuốn theo ngọn gió lang thang...
... vệt bánh xe trải dài giữa hai bờ tuyết trắng...
... không một bóng người không một cánh chim không một thóang mây...
... chỉ có những ý nghĩ như khách bộ hành mải miết từng bước đến cuối con đường...
Mà đâu là đầu, và đâu là cuối...?

Ngọai ô



Ngày giáp Tết có dịp đi khỏi thành phố về vùng ngọai ô, nơi mà cách đây không lâu vẫn còn là một thị trấn náo nhiệt đêm ngày...
Khi ấy cả thị trấn nhỏ này là một ga xe lửa lớn của các tuyến đường sắt phía Bắc. Mỗi ngày hàng chục chuyến tàu qua đây. Tàu nhanh, tàu chợ, tàu hàng... ầm ào sình sịch kéo theo sau nó cột khói than đen sì lẫn trong bụi hơi nước mờ mịt phun ra từ chiếc còi lớn trên đầu tàu. Thị trấn xanh màu áo công nhân đường sắt bởi nơi đây còn có một nhà máy lớn đóng và sửa chữa xe lửa. Những dãy nhà trệt mái tôn, mái phibro xi măng trải dài theo những con phố nhỏ có hàng cây bàng, cây xà cừ mát rượi. Cư dân trong thị trấn phần lớn là công nhân, nhân viên đường sắt, một số là công chức, còn lại buôn bán nhỏ và bán hàng rong trên những chuyến tàu.
Bây giờ, khi cây cầu cổ xưa nối liền thành phố và thị trấn không còn là con đường huyết mạch nữa vì đã có cầu mới thay thế, đi qua thị trấn chỉ còn vài chuyến xe lửa, thị trấn cũng mất đi sự náo nhiệt ngày nào. Nơi có đường lộ lớn nối liền với quốc lộ 5 trở nên sầm uất với nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... Phần còn lại của thị trấn dường như bị bỏ quên, thị trấn như lặng lẽ hơn tuy những ngôi nhà, cửa hàng, chợ búa đã mang bộ mặt mới khang trang hơn trước. Thế nhưng trên những con phố nhỏ hàng cây bàng, cây xà cừ vẫn thế. Qua gía lạnh mùa đông cành khẳng khiu giao nhau dù chỉ còn lơ thơ vài chiếc lá… gợi nỗi nhớ mơ hồ đến những gì tốt đẹp đã qua...
Dọc đường đê những người phụ nữ ngồi bên những rổ đầy khế, quả lớn năm cánh căng mọng nước, màu xanh ngọc của hơi se lạnh mùa đông, màu chớm vàng của ngày heo may, màu vàng mật của nắng chiều như nhuộm cả vào trái chín...
Ngày đang qua, và ngày cũng sẽ trở thành quá khứ...
Bao giờ ta có cơ may: ăn khế… được trả lại thời gian ta ở bên nhau...?

Bài ca trên đỉnh núi



Chiều qua đi làm về, kẹt xe liên miên, một đọan đường khỏang 4km mà bò đến 40ph mới về đến nhà. Kẹt do lô cốt, kẹt do giao lộ có đèn mà ko có công an, kẹt do xe bus dừng trả đón khách giữa đường, kẹt do giờ tan trường học trò ào ra, phụ huynh đứng kín hai bên vỉa hè tràn xuống lòng đường… Lại oi bức vì trời đang chuyển mưa ầm ì, vì khói xăng xe, vì bụi, vì ồn, vì bực bội do phải chen chúc trong cái dòng người xe như kiến vỡ tổ…
Khi đi ngang qua 1 chiếc xe hơi sang trọng, người trong xe hạ cửa kính 1 chút ngó nghiêng gì đấy, thóang nghe một bài hát xa xưa…
Ớ… bầu trời… có sao chiều sao sớm…
Đầu núi kia có ở hai người
Dù đi cùng trời dù đi khắp núi
Rừng chỉ có… chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người
Hai người… yêu nhau…*
Ôi, sao những lời ca tình yêu đẹp mênh mang như thế lại vang lên trong cái oi bức bực bội giữa thành phố chật chội này nhỉ… Ngóai lại nhìn, cánh cửa xe đã đóng kín, lớp kinh đen mờ không thể trông thấy chủ nhân đang ung dung trong chiếc xe máy lạnh. Uh, ngồi trong xe máy lạnh nghe bài hát kia mà mơ về một chốn núi cao rừng sâu, bầu trời đêm thăm thẳm lấp lánh những vì sao xa, và có hai người yêu nhau… Mặc kệ đào đường với lô cốt với kẹt xe, mặc kệ cơn giông đầu hè đang dậm dọa, mặc kệ bụi mặc kệ khói… chỉ có hai người yêu nhau…
Suốt đọan đường còn lại, ký ức về những ngày sinh viên như cuốn phim quay chậm… bài hát này ngày ấy đã từng là “thương hiệu” của mình…
Bỗng tò mò, không biết ai ngồi trong chiếc xe ấy nhỉ…?

* Bài hát trong phim Vợ chồng APhủ


Những mảnh vỡ (5)


13. Kiến

Nhà đầy kiến. Thức ăn để đâu cũng là bị kiến bu. Bực mình quá!
Không biết nghe ai bảo, nó treo gói đường lên, bên ngòai ghi một chữ: CỨT thật lớn. Một ngày, hai ngày, gói đường không có kiến. Tốt, kiến nhà mình không ăn bẩn. Nó khóai chí nghĩ. Thế là hễ có gì ăn được nó cũng treo lên như thế.

Từ ấy thức ăn không bị kiến vào. Nhưng rồi nó cũng không thể ăn những thứ ấy được nữa.

14. Mèo và cá cảnh

Trong nhà đã có bể cá cảnh, lại còn nuôi một con mèo.
Suốt ngày nó quanh quẩn gần bể cá. Có lúc nó ngồi chầu hẫu bên cạnh, mắt long lanh nhìn những con cá vàng vô tư lượn lờ. Thỉnh thỏang nó thò tay khoắng trong bể làm nước bắn tung tóe, mấy con cá giật mình bơi cuống quýt.
Một lần nó đuổi bắt chuột làm bể cá đổ vỡ tan tành. Nhà thôi không nuôi cá cảnh.
Con mèo cứ tha thẩn chỗ bể cá đã vỡ. Vài hôm sau nó bỏ nhà đi mất.

15. Lồng

Một chú chim sẻ bay trên xa lộ, chẳng may va vào người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Cú va chạm mạnh đến nỗi chim sẻ ngất đi. Người đi xe máy thương tình nhặt chú mang về nhà, cho vào lồng và để sẵn thức ăn nước uống.
Tỉnh dậy, chim sẻ nhìn quanh rồi kêu lên “thôi rồi, mình đâm chết thằng cha đi xe máy rồi. Kiểu này chắc tù chung thân!”
Đến bây giờ chim sẻ vẫn yên chí rằng mình đang ở trong cái nhà tù đầy đủ tiện nghi ấy

Quanh Hồ Gươm...


Cũng như mọi lần, ra Hà Nội mỗi sáng sớm tui thường men theo hồ Gươm đi dạo, vừa thán phục những người phụ nữ đang ra sức vặn vẹo, uốn éo, lắc lư theo nhịp điệu sôi nổi của các bản nhạc, vừa ngó nghiêng xuống mặt hồ phẳng lặng xem nhỡ may được chiêm ngưỡng cụ Rùa hiện lên… tập thể dục một hai ba hít thở hít thở…
Qua tượng Lý Thái Tổ với quảng trường rộng rãi sáng sủa, thường có hoa tươi viếng Cụ. Chợt thấy thương Vua Lê đứng lẻ loi bên kia hồ… “quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê…” ngay cả khi cái phong trào “kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” đang hồi rầm rộ.
Lâu lâu rồi tui có đọc (nhiều) bài báo của GS “rùa học” Hà Đình Đức, người Thanh Hóa, ông đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ lòai rùa cổ ở Thanh Hóa. Uh, thì rùa ở trong 1 cái hồ giữa lòng Hà Nội nghìn năm chắc chắn cũng phải có gốc gác từ đâu chứ, như người Hà Nội nào cũng có một nhà quê, ngay cả những gia đình đã 3, 4 đời là “người Hà Nội”. Nhưng sự chứng minh của GS “rùa học” là về sinh học, còn sự “chứng minh” của tui về nguồn gốc Thanh Hóa của cụ Rùa Hồ Gươm lại là từ lịch sử cơ. Đây nhé:

- Truyền thuyết kể rằng Lê Thái Tổ thủa hàn vi ở quê nhà, một lần chạy trốn sự truy lung của giặc đã được “trời” cho gươm báu để hộ thân và cứu nước. Nhưng ông chỉ được cho mượn gươm, còn vỏ gươm thì Lê Thận, một người đánh cá trên sông đánh lưới được. Chắc là cũng do Trời thả xuống cho. Ông Giời cẩn thận ra phết: cho 1 người mượn gươm lại cho một người khác mượn vỏ gươm, thế là ai cũng có “vật chứng” và “nhân chứng” cho cái sự mượn vật quý của Giời, chả thể nào mà lờ lơ lơ đi nhé.

Đất nước thanh bình, Lê Thái Tổ về Thăng Long mở đầu triều đại/ thời đại mới. Một ngày đẹp giời nhà vua dạo chơi trên hồ (lúc í chưa gọi là hồ Hòan Kiếm), Rùa thần nổi lên… tiếp sau thế nào cả nhà đã biết. Thế, ông rùa này không ở Thanh Hóa thì làm sao biết được việc Giời cho vua Lê mượn gươm báu mà đòi nào??? Mà kể cũng khiếp, từ Thanh Hóa ổng đi bằng cách nào ra Thăng Long để mà đòi lại vật qúy nhỉ? Có khi ngay từ khi cho mượn gươm báu Giời đã sai rùa thần đi (bơi) ra Thăng Long ngay để “đòi nợ”, như vậy thời gian Cụ Rùa đi mất 20 năm mới về tới Thăng Long – bằng thời gian cuộc kháng chiến chống Minh của Lê Thái Tổ? Mà rõ ràng Giời cho mượn “Gươm” sao về sau lại là “Hòan Kiếm”? Gươm và Kiếm khác nhau chứ nhỉ? Hay Gươm thần vẫn còn được lưu truyền đâu đó phòng khi quốc gia “cơ nhỡ”?

Nghĩ đến đây thì hết mấy vòng Hồ Gươm. Lạy Đức Thái Tổ, lạy Cụ Rùa con không dám phạm thượng, dưng mà nếu còn Gươm thần thì con nghĩ chắc bọn gian thần trong nước ko dám lộng hành tham nhũng, bọn giặc ngòai nước cũng ko dám ngang nhiên xâm phạm bờ cõi nước ta.

Dưng mà, nếu còn Gươm thần thì có còn ai là người được Giời ban cho Gươm báu và quyền “tiền trảm hậu tấu” để trừ gian dẹp họa?

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”…

một đọan miền Trung


NHỚ HUẾ

Nửa đêm, bạn điện thoại: ra Huế chơi đi, mọi người đang nhắc đây nè! Trời ạ, mãi mới ngủ được (dạo này mất ngủ triền miên), cú điện thoại của bạn sẽ làm mình thức suốt đêm cho mà coi…
Ừ, Huế… lâu quá rồi mình chưa ghé Huế. Bạn đừng vội tự ái khi mình bảo: chưa GHÉ Huế mà không phải là đến/ trở về/ ra với Huế! Bạn còn lạ gì nghề của mình, cái nghề đi suốt nhưng chả ở đâu lâu được quá vài tuần, có khi chỉ vài ngày… Mỗi nơi mình đã đến nói cho cùng cũng chỉ là ghé qua, liệu mình có đủ “tư cách” để có thể gọi là “trở về” dù không ít những kỷ niệm, nhưng cũng không thể chỉ là “đến” một cách lạnh lùng như một người khách lạ. Huế với mình cũng vậy. Xuôi ngược dải đất miền Trung không dưới mươi lần bằng xe hơi (chưa kể những lần đi bằng xe lửa, hay… bay ngang qua trời miền Trung), hầu như lần nào mình cũng ghé Huế. Có lần vì công việc, nhưng cũng nhiều lần chỉ ghé vào chơi với bạn bè, ngồi với nhau một ly cà phê hay vài li rượu, rồi mình lại tiếp tục ra Bắc hay vào Nam…
Mình biết Huế lần đầu vào một đêm tháng Năm năm 1975. Theo đoàn xe đi từ Hà Nội vào Sài Gòn ngay sau những ngày mới giải phóng, mình đến Huế sau … 4 ngày đi đường vô cùng vất vả! Sẩm tối xe vào đến thành phố, mọi người ồ lên khi nhận ra cây cầu Tràng Tiền vắt ngang hai bờ sông Hương ngày ấy còn rất vắng lặng. Đêm ấy đoàn xe nghỉ lại ngay bên bờ sông, mọi người tản ra mắc võng nghỉ rải rác quanh xe… còn mình, mình cứ loanh quanh dọc bờ sông, nhìn mấy con đò neo lại gần bờ, nghe giọng Huế nhẹ nhàng nửa lạ nửa quen, cố tìm trong đêm xem núi Ngự đang ngự nơi nào… Đêm qua mau, sáng sớm đoàn xe tiếp tục hành trình về Nam.
Lần đầu Huế để lại trong mình một cảm giác buồn…
Không hiểu sao những lần sau cũng vậy… Dù mình luôn có những kỷ niệm vui ở Huế. Ví như, mình đố bạn tìm ra một quán “Bún bò Huế” tại Huế, bạn bảo dễ ợt! Nhưng rồi bạn phải mất với mình một chầu cà phê hoành tráng (vì mình lôi theo cả đống bạn mình từ bảo tàng, từ trường đại học…), vì quả thật chỉ có những quán “Bún bò” mà không có quán nào kèm thêm chữ “Huế”! Hay, sau khi tấm tắc khen các loại bánh của Huế quá ngon, mình hỏi, bạn có biết tại sao các loại bánh Huế ngon không? Bạn lập tức thuyết trình như một chuyên gia ẩm thực lành nghề… Nhưng mình đã tỉnh bơ giải thích: bánh Huế ngon vì… quá ít! Chả lẽ ăn nhiều thì… xấu hổ quá (vì trước mặt đã là một đống lá, một chồng chén, hũ nước mắm vơi đi thấy rõ), mà ăn ít thì cứ thòm thèm mãi… vậy là bánh Huế lúc nào cũng ngon!!! “Đồ đểu” - nhiều lần mình đã khiến bạn mắng yêu mình như thế… Bạn vẫn luôn nhớ mình không ăn cay được, đi ăn gì bạn cũng dặn 1 tô không ớt. Thế mà nhìn mình vừa ăn vừa sụt sịt bạn cứ xót xa, lại tự “chê” món Huế của mình “cay hổng giống ai!”…
Bạn biết mình không thích đến những lễ hội kiểu “quốc doanh” mà, nhất là dịp festival ở Huế (đấy, mình lại làm cho bạn… bực mình rồi!). Nhưng bạn cũng biết mình luôn yêu Huế, vì ở đó mình có bạn, bạn ơi…

ĐÔI BỜ THẠCH HÃN

Đúng ngày rằm tháng Bảy năm ngóai tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về đây, hơn mười ngàn chàng trai tuổi đôi mươi, quê từ 64 tỉnh thành đang quây quần tại đây… Đi qua nơi yên nghỉ của những chàng trai Hà Nội, của các tỉnh phía Nam, của Hà Bắc, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… chỉ kịp thắp vội vài nén nhang, lòng cầu mong các anh thông cảm vì không thể đến với từng người… Lướt qua những dòng bia mộ, có anh nhập ngũ được vài năm, có anh nhập ngũ chỉ mới vài tháng, nhiều anh còn chưa tìm thấy tên tuổi… Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn giờ đã khang trang hơn xưa, nhưng vẫn nắng Quảng Trị, vẫn gió miền Trung, vẫn xào xạc lá rừng Trường Sơn, vẫn những tên tuổi năm tháng ấy, thời gian ở đây như ngập ngừng không muốn trôi qua để giữ mãi tuổi thanh xuân của những người đã yên bình nơi đây…
Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm đỏ lửa. Nắng hôm nay có dội lửa như những ngày năm ấy? Gió hôm nay có thiêu đốt như những ngày năm ấy? Sông Thạch Hãn, 81 ngày đêm đỏ máu… “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”… Sông ơi, sông hôm nay có quặn dòng như những ngày năm ấy…?
Trên đất nước này còn biết bao nghĩa trang chưa được chăm nom như thế?
Trên đất nước này còn biết bao con người chưa tìm được sự bình yên như thế?
Bên này, bên kia… như hai bờ của dòng sông quê mẹ, lỡ chia đôi nhưng một chuyến đò ngang cũng đủ nối liền. Sao hơn 30 năm rồi mà vết cắt vẫn còn đau…?

Gian bếp của ngọai



Mỗi lần về quê vào dịp Tết, sau khi lên nhà trên thắp nhang bàn thờ ông bà, tôi thường xuống ngay gian bếp, nơi ngoại tôi luôn ở đó với nụ cưới móm mém chờ tôi chạy vào ngồi kế bên ngoại, thơm sực mùi trầu.
Gian bếp của ngoại nằm ngang so với nhà trên, từ nhà trên đi xuống qua một hành lang dài mái tôn có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Nhà bếp mái ngói cũ nâu thâm lác đác những chiếc lá của cây mận hồng đào sau bếp. Ngoại nói cây mận này ngoại trồng hồi má tôi sinh tôi, nay cũng đã tuổi “U 50” rồi mà vẫn rất sai trái. Vào mùa gần Tết từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành, mỗi đêm gió chướng lại rụng lộp bộp, trẻ con khoái lượm những trái mận chín rụng, ăn giòn và ngọt như đường phèn.
Cũng như nhiều gian bếp trong những ngôi nhà miệt vườn Nam bộ, gian bếp của ngoại rộng rãi, sáng sủa, cửa ra vào hai cánh bằng gỗ luôn rộng mở. Cửa sổ sát mé con rạch Cái Tôm đón từng cơn gió mát rượi ngày hai lần nước lớn, lúc nước ròng thoảng mùi bùn non và tiếng cá quẫy… Ngay cửa bếp là sàn nước rửa chén bát và làm đồ ăn. Bước vô, một đầu gian bếp là khuôn bếp, cao khoảng 0,8m, dài 1,2m rộng 0,5m, đóng bằng cừ tràm lâu ngày đen bóng. Ba “ông lò” luôn sạch than tro, phía trên có cà ràng chặn khói, bên cạnh là ống thổi, kẹp gắp than, miếng lót nhắc nồi. Phía trên khuôn bếp cậu Út tôi làm một mái tôn có ống hút khói, tránh cho ngoại và mợ Út khỏi cực khi mùa mưa dầm củi ẩm ướt. Phía dưới khuôn bếp xếp củi đã chẻ nhỏ, từng bó lá dừa chặt đầu đuôi bằng nhau, gọn gàng. Trên vách là hai hàng đinh treo những chiếc nồi, xoong, chảo lớn nhỏ thường được mợ Út tôi chùi rửa sạch sẽ. Nhớ những lần ở quê có đám tiệc, tôi luôn phải “chỉ huy” con gái tôi và mấy đứa cháu mang nồi xoong chảo ra sông chùi rửa bằng trấu và tro bếp. Khi những chiếc nồi xoong bóng loáng treo trong bếp theo thứ tự lớn nhỏ chuẩn bị cho việc nấu nướng vào ngày mai, thì tụi nhỏ móng tay đứa nào cũng đen thui, dùng chanh rửa hoài không sạch hết.
Kế bên khuôn bếp là tủ đựng thức ăn, phía dưới để các loại chai lọ hộp đựng gia vị.
Gian giữa của bếp đặt tủ chén bát, ống đũa muỗng treo bên cạnh tủ. Một bàn ăn tròn có thể gập lại một nửa lại cho gọn. Mấy chiếc ghế gỗ, một giá gỗ thấp để đặt nồi cơm. Bữa cơm hàng ngày nhà ngoại thường ăn dưới bếp, trừ khi có khách lạ hay có đám tiệc thì dọn cơm ở nhà trên. Khách quen thân tới nhà vào bữa thường được ngoại mời cơm luôn, nếu chưa ăn khách vui vẻ cùng ăn, còn nếu khách ăn rồi thì tới ngồi trên bộ ván uống nước trà, hay ngả lưng trên chiếc võng treo tòng teng bên cửa sổ. Gian còn lại kê bộ ván ngựa, nơi ngoại thường ngồi với ô trầu hay giỏ đồ may bên cạnh, vào buổi trưa là nơi ngả lưng của ông ngoại sau khi đã sương sương vài ly trong bữa cơm trưa… Má tôi kể, hồi xưa mỗi lần giận ông ngoại là ngoại… xuống bếp ngủ. Một đêm, hai đêm…ông ngoại phải xuống năn nỉ, và sau đó má tôi lại có thêm một đứa em, vì vậy bây giờ nhà ngoại có cậu Út tới thứ 12 lận!
Có dịp đi nhiều vùng miền trong nước, tôi nhận thấy gian bếp của ngoại tôi, của những gia đình Nam bộ thật đặc biệt. Bước vào gian bếp có thể nhận biết sự vén khéo của những người phụ nữ trong gia đình vì tuy là nhà bếp nhưng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đồ đạc sắp xếp thật tiện lợi, nhất là khuôn bếp đứng, khi nấu nướng không mất công đứng lên ngồi xuống, đồ dùng đặt để đúng tầm tay, dãy nồi xoong luôn chùi rửa sạch bong, không sợ quệt lọ nồi dơ bẩn quần áo, dường như nhờ đó người phụ nữ khi làm bếp cũng thong thả ung dung hơn…
Bếp là nơi sinh hoạt của cả gia đình vào mọi thời điểm trong ngày. Ban ngày nhà trên thường khép cửa, mọi người đi vắng, khi trở về thì vào bếp trước, cửa bếp hầu như không bao giờ đóng. Lúc rảnh rỗi, ông ngoại, hay sau này là cậu Út tôi, cũng thường ở dưới bếp, ngồi trên chiếc võng đong đưa bàn công chuyện nhà với bà ngoại hay với mợ Út. Bếp là nơi ngoại và mợ Út có “toàn quyền quyết định” những việc bếp núc, đám tiệc, giỗ chạp, hiếu hỉ bà con lối xóm… Bếp là nơi cả nhà quây quần hai bữa cơm trưa tối, nơi mỗi chiều ông ngoại, cậu Út ngồi lai rai con khô nướng quyện mùi khói lá dừa ngọt ngào. Nếu có khách đột xuất thì món nhậu cũng được mợ Út tôi chế biến rất nhanh. Trong bếp nhà ngoại tôi còn thường có sẵn một vài món ăn như nồi cháo trắng, chảo cơm chiên vào buổi sáng, tô bánh lọt nước dừa lúc xế trưa, hay nồi khoai, bắp nấu vào buổi tối… Bếp là nơi những người quen thân hay ghé vô ngồi chơi, đôi khi cũng bàn công chuyện (và nếu người quen ghé nhà mà được mời lên nhà trên uống nước nói chuyện thì hoặc là có việc quan trọng, hoặc coi chừng, tình cảm hai bên đã có điều gì sứt mẻ…). Nhà ngoại tôi nằm kế rạch Cái Tôm gần chợ Cao Lãnh nên đôi khi vào ban đêm, có khách lỡ đường ngủ nhờ, trên bộ ván mát rượi nơi nhà bếp khách vẫn cảm thấy quen thuộc và ấm cúng như ở nhà mình.
Gần Tết, các con tôi lại háo hức: mẹ, bữa nào về quê ngoại đi, mẹ! Ừ, về quê để đắm mình trong từng cơn gió chướng như thoảng hương sen từ Đồng Tháp Mười gửi tới, để nằm trong gian bếp của ngoại mà lắng nghe từng trái mận trở mình chín ngọt ngoài kia, để hít sâu vào lồng ngực mùi thơm khói lá dừa nướng bánh phồng bánh tráng… Ừ, về quê lần này mấy đứa phụ mẹ và ngoại gói bánh tét bánh ít nghen… Nhưng không phải chùi xoong nồi nữa, mẹ nhỉ, vì nhà ngoại bây giờ đã có bếp gaz. Con gái Út của tôi vừa nói vừa thở phào, nhẹ nhõm…
Chợt giật mình, quê ngoại giờ đã là thành phố Cao Lãnh, làng xóm đô thị hóa khá nhanh, liệu vài năm nữa các con tôi có còn thích về quê…?

Nhớ biển


BIỂN

Biển vẫn thấy mình dài rộng thế
Xa cánh buồm một chút đã cô đơn…


Lần đầu tiên ra biển, khi một ngụm nước biển tràn vào miệng, cô bé 5 tuổi kêu lên nước canh ở đây mặn quá! Nhưng từ đó vị mặn mòi của biển đã trở thành ký ức trở về mỗi khi lòng cô không yên tĩnh.
Mười lăm tuổi ra biển, cô thiếu nữ mơ ước một cánh buồm đỏ thắm cô đơn hiện ra nơi đường chân trời và mặt biển xanh thẳm không còn ranh giới.
Hai mươi lăm tuổi ra biển, đêm không trăng trên bãi cát dài, lắng nghe lời khuyên của sóng, cô hiểu mình cần phải đi tiếp quãng đời còn lại, dù chỉ một mình…
… Nhiều năm trôi qua, không còn ở tuổi 15 mơ mộng, không còn ở tuổi 25 đầy kiêu hãnh, lần này chị ra với biển, với núi, với trăng 14 nguyên vẹn như ký ức. Sóng vẫn bình yên như thế, bình yên ngàn năm như thể một ngày. Cảm giác bình yên của sự tỉnh táo, cánh buồm đỏ mãi chỉ là ước mơ…
Từ biệt biển của ngày đã qua…

SAY BỜ


Bạn nhắn: hãy sống trọn vẹn một ngày đi! Ô, đấy là điều cần làm khó nhất của mỗi ngày đấy ạ!Như hôm qua chẳng hạn, họp hành, công việc, tụ tập, và một mình... mỗi lúc mỗi nơi vẫn thấy mình không thể hết mình, chưa thể là mình, trọn vẹn. Dường như một phần của mình bỗng nhiên lạc mất ở ở đâu đó, đang cố tìm về. Bỗng thấy mình xa xỉ. Xa xỉ với thời gian còn lại không nhiều của một ngày, một đời. Xa xỉ với tâm trạng với cảm xúc ám ảnh bởi ngày đã qua... Sự ám ảnh của kẻ say bờ...

Say bờ, là khi ta nhớ biển đến cồn cào, tưởng như chỉ một chút thôi ta sẽ chạm tay vào biển, dịu êm và đầy bất trắc.

Say bờ, là khi ta đi trên đường bằng mà như đang đi trên cát. Cát hút lấy bàn chân, cát giữ lấy dấu chân, cát không dấu được bất cứ gì, khi gió thổi tới, khi sóng tràn vào, và khi ta ra với cát...

Say bờ, là khi ta tưởng mình tỉnh táo ngòai khơi, trở về bờ mỗi bước ta rời thuyền xa sóng sao trái tim cứ thắt lại nghẹn ngào...

Bạn à, say bờ... có khi nào ta phải mượn cái say của rượu để quên...

được không...?

ANH HAI


Nhà có 3 anh em, anh là anh Hai, đến chị Ba, và em là Út. Anh em mình cách nhau tròn một giáp. Ngày thơ ấu của em, ba thường xuyên đi công tác vắng, với em, anh vừa là anh Hai, vừa là hình bóng của ba…
Má kể, má sinh anh vào những ngày kháng chiến ở Đồng Tháp mười. Mùa mưa nước ngập đồng mênh mang, không có một manh vải làm tã cho anh, ba phải kiếm bao bố đựng gạo về cho má giặt sạch, rồi các cô chú cho vài bộ quần áo cũ, anh được ủ mình trong những mảnh tã lót như thế mà vẫn lớn lên mạnh khỏe, “tròn cui”. Mùa nắng chang chang cháy khô cỏ lát, đất vàng phèn mặn, anh đã biết tự chạy ra hầm khi có máy bay, biết tát nước hầm cho má khi má sinh chị Ba… Không lạ là sau này anh rất thích bài hát “Lên ngàn” của Hoàng Việt, vì nó gợi nhớ nơi mà tuổi thơ của anh đã trải qua.
Ba má tập kết ra Bắc, bà nội bà ngoại năn nỉ má để anh lại hủ hỉ với nội ngoại vì chỉ đi hai năm rồi về thôi mà. Nhưng má thì luôn “mẹ đâu con đấy”, nhờ vậy mà hai mươi năm chia cắt bắc nam nhưng anh em mình không bị xa cách nhau, nhà mình may mắn không lâm vào bi kịch không ai muốn có, vì cha mẹ bên này con lại phía bên kia, như nhiều gia đình khác ở miền Nam sau năm 1975.
Những năm anh học trường học sinh miền Nam, hè về thăm nhà anh hay cõng em ra phố chơi. Thả em xuống đất anh cùng chúng bạn trèo sấu, dính ve. Một lần em lò mò đi xuống đường bị xe đạp xô ngã, mồm miệng sưng vêu, anh lo quýnh quáng, ko phải vì sợ ba má rầy la mà vì thương em bị đau… Lớn hơn một chút, mỗi lần thấy bóng anh từ đầu ngõ, em chạy ra “anh Hai, em không đi đất đâu, em đi dép rồi nè” và chìa bàn chân đen thui ra khoe! Anh nạt: đi vào rửa chân ngay, em phụng phịu: người ta rửa chân hôm qua rồi mà… Em đi sơ tán, anh đạp xe lên thăm em trong những ngày gió mùa đông bắc mưa dầm lạnh buốt, mua cho em từng trái cà chua hồng từng cái bánh khoai sọ, dỗ dành em đừng khóc mà nước mắt anh chảy dài khi quay về…
Tròn 18 tuổi anh đi bộ đội, làm lính lái xe ở Trường Sơn. Ngày anh nhập ngũ Hà Nội mưa to lắm, con đường Nam bộ trước ga Hàng Cỏ nước ngập mênh mông. Em khóc òa khi con tàu đưa anh đi, má vẫn cười nhìn theo anh nhưng đêm về má lặng lẽ khóc… nước mắt má cứ chảy âm thầm như thế cho đến khi anh lành lặn trở về… Gia đình đoàn tụ. Anh em mình đã sống như ba má mong muốn, dù làm gì vẫn thương yêu nhường nhịn nhau, không vì giàu nghèo không vì có dâu có rể mà anh em xích mích. Có gia đình riêng nhưng anh em mình lại gần gũi nhau hơn. Nhiều tâm sự của anh em là người luôn được anh chia sẻ…
Anh đã đi theo Ba hơn mười năm rồi, vì di chứng của những năm tháng ở Trường Sơn. Mỗi năm vào ngày ấy Má lại âm thầm rơi nước mắt…
Dù chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm…

Chiều phai...


Chiều.
Vẫn là chiều như hàng ngàn buổi chiều đã qua. Nhưng vẫn khác. Da diết nhớ một chiều nắng hanh hao, cùng bạn đi dọc theo những con thuyền chở đầy gốm ở bến Tứ Liên…
Những vườn đào phai đã cỗi, lơ thơ vài bông hoa nhạt nhòa trong cái nắng bất chợt gắt trong một chiều đông. Bạn bảo giờ mới là thời điểm vặt lá cho đào, khỏang gần tháng nữa những vườn đào này sẽ khác, lá non, nụ mẩy, màu xuân sẽ tràn ứ trong từng cánh hoa…
Những vườn quất xanh ngăn ngắt, trái dày trên cành, xanh vàng chen lẫn nụ hoa trắng thấp thóang… Cô bé tưới cây tinh nghịch lia vòi nước gần nơi bạn đứng. Một nụ cười hiếm hoi trên gương mặt lạnh lung của bạn. Nhưng bạn biết không, bạn có đôi mắt rất ấm áp, khi bạn nhìn mình…
Chỉ là một khỏanh khắc ngắn ngủi trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống bề bộn công việc, bề bộn suy tính, lo lắng… Quá khứ không quan trọng dù có thể đã/ sẽ mang đến cho ta những phiền phức hay may mắn. Mình chỉ biết rằng, hiện tại, bây giờ, lúc này, quấn quýt giữa mình và bạn là hương thơm vườn rau mùi tàu cành đã già khô, làm mình thèm quá một nồi nước nóng dậy hương lá vào chiều tối 30 tết… bạn bảo, khó gì…nhưng ở Sài Gòn khó tìm lắm bạn ạ, cái hương thơm mộc mạc mà đằm thắm ấy.
Chỉ là một khỏanh khắc thật ngắn ngủi trong cuộc sống của chúng ta, nhưng còn mãi trong mình là bãi ven sông ruộng ngô đang ngậm sữa. Lấp ló những bắp ngô nhỏ trên thân gầy, thương thương lạ lùng… Đêm đông, mẻ than lập lòe ven đường mang lại cái chạm tay nóng bỏng hương ngô non…
Chiều tím sẫm, hơi lạnh tràn về. Mình chia tay, bình thường như mọi lần chia tay…
Con đường đê hôm ấy sao ngắn quá…

Những mảnh vỡ (4)


10. Điện thọai

Điện thọai hư. Một ngày, hai ngày…vắng tiếng tít tít của tin nhắn, vắng bản nhạc rộn rã của cuộc gọi, vắng ánh đèn nhấp nháy của công việc được cài lời nhắc nhở… Cảm giác thiêu thiếu, trông chờ… khó chịu vô cùng.
Nhưng rồi như sau một kỳ thi, sự căng thẳng dần chùng xuống. Cô như được sống chậm hơn, sống cho mình nhiều hơn. Tâm trạng nhẹ nhõm của người đang từ bỏ thói quen phụ thuộc vào một điều gì đó.
Bao giờ cô sẽ từ bỏ thói quen trông đợi vào một ai đó…?

11. Sinh nhật

Chị lấy chồng, ở nhà chỉ còn em với mẹ.
Có lần sinh nhật em, biết mẹ nấu bữa cơm ngon, em kéo một lũ bạn đến ăn uống quậy phá. Xong kéo nhau đi chơi. Mình mẹ lui cui dọn dẹp.
Có lần sinh nhật chị, mẹ mua một bó hoa hồng thật đẹp và lụm cụm đi xe ôm sang nhà chị. Nhưng vợ chồng chị đã đi ăn nhà hàng.
Hai chị em bàn nhau làm bảo hiểm cho mẹ. Khai hồ sơ, chị em nhìn nhau. Chẳng ai nhớ ngày sinh của mẹ

12. Nhà thơ

Nhà thơ trẻ đầy triển vọng bỗng quyết định từ bỏ cõi trần.
Bạn bè không hiểu nổi tại sao anh có thể tìm đến cái chết dễ dàng như thế?

Ngày Thơ, sau những màn tôn vinh Thơ, tôn vinh các nhà thơ và thơ của nhau, sau chầu nhậu rượu đầy bia tràn mà người say thật và kẻ say giả tôn vinh lẫn nhau, bỗng nhớ đến người "tài hoa bạc mệnh" bèn “cầu cơ” thăm hỏi tỏ lòng thương tiếc.
Câu trả lời: dưới này cũng
như ở trển, chán quá, tao tự tử rồi!

SÂN BAY



Mọi sân bay đều giống nhau, và khác nhau.
Sân bay, người ta còn gọi nó là phi trường, cảng hàng không, nói đơn giản là một không gian thiệt rộng lớn, nơi đó có nhiều máy bay. Máy bay bay lên từ đó, máy bay đáp xuống đó từ một nơi khác đến, máy bay nghỉ ngơi bảo dưỡng ở đó. Từ mỗi chiếc máy bay lên xuống là hàng hà sa số những con người, cũng từ nhiều nơi đến và từ đó bay (đi) nhiều nơi. Có sân bay mỗi ngày hàng trăm lượt máy bay lên xuống, có sân bay chỉ vài lượt ghé qua. Có sân bay như là bộ mặt của quốc gia, nhưng cũng có sân bay như một ga xép, nhỏ bé và ẩn dật.
Sân bay nhìn chung là một kiến trúc khổng lồ, cột thép khung kính sáng loáng, đá lát bóng lộn, máy lạnh mát rượi, cửa hàng đồ hiệu sang trọng. Thang cuốn chạy không ngừng nghỉ, người lên xuống tất bật vội vàng mà vẫn có vẻ ung dung. Người đến sân bay, người đi máy bay dường như cũng sang trọng hơn, hay ít nhất cũng bớt đi cái nhếch nhác của một thời tàu xe khổ sở. Và cũng như ở những nơi công cộng khác, tư cách cá nhân của mỗi người cũng bộc lộ rõ ràng trong giao tiếp: đàng hoàng, thân thiện, lạnh lùng, tò mò hay rụt rè, sợ sệt, lịch sự hay bất lịch sự, văn minh hay kém văn minh… Do đó hành xử của mỗi người thường được người xung quanh đánh giá luôn cho cái quốc tịch của họ. Người ta chỉ hỏi ông ấy bà ấy là người nước nào chứ có ai hỏi tên là gì đâu… Vì vậy nếu ai đó có hành vi ko đẹp thì tên nước của họ cũng bị vạ lây!
Nhiều người VN khi ra nước ngòai, ở nơi công cộng như sân bay thì luôn nói to, nói nhiều, tranh nhau nói, nói mọi chuyện từ chuyện cơ quan đến chuyện riêng tư, và nhất là chuyện mua hàng hóa đắt rẻ…! Lại nữa, hay hỏi, cái gì cũng hỏi, dù khắp nơi có các bảng hướng dẫn rất chi tiết, nhưng không đọc, hoặc ko đọc được, hoặc đọc rồi nhưng ko hiểu, hoặc có hiểu nhưng… vẫn hỏi, dường như ko hỏi thì ko yên tâm vì ko tự tin vào điều mình đọc thấy. Đó là một thói quen chỉ biết “nghe”- thói quen của một thời… ít chữ.
Đứng trong nhà ga nhìn ra phi trường thấy những chiếc máy bay khổng lồ đang lăn bánh trên đường băng. Dũng mãnh tự tin bao nhiêu trên bầu trời thì dưới mặt đất trông chúng lại vụng về và rụt rè bấy nhiêu, khi phải lò dò đi sau chiếc xe dẫn đường nhỏ xíu, đèn xanh đỏ nhấy nháy oai vệ. Khi đồng cơ ngừng hẳn, cửa khoang hành khách mở ra, những người khách lần lượt rời máy bay, nhìn chung ai cũng có vẻ nhẹ nhõm vì đã đến nơi an toàn. Họ đi ko ngoái lại dù chỉ 1 lần để nhìn chiếc máy bay đã đưa mình vượt một chặng đường dài đến thế. Khoang hành lý bật mở, những kiện hàng được đưa lên xe kéo vào băng chuyền. Từ xa trông như đàn kiến nối đuôi nhau bâu vào vết thương toang hoác ở bụng một con cá khổng lồ.
Có nhiều sân bay bảng chỉ dẫn có ở khắp nơi, nơi cung cấp thông tin cũng vậy. Điều đó mang lại cho ta có cảm giác an toàn dù lần đầu đến đó, dù không có một người đón đưa. Ở nhiều sân bay khi đối diện với những thủ tục an ninh chặt chẽ, ta vẫn biết mình là một con người. Nhưng có sân bay thì không cho ta sự tự tin ấy.
Có nhiều sân bay ta dễ dàng tìm ra những quầy bán sách báo và văn hóa phẩm. Tại đó trưng bày cũng sang trọng không kém cửa hàng của nhãn hiệu nổi tiếng nào, sách báo dù nghiêng về loại sách văn hóa thì vẫn có nhiều tác phẩm nổi tiếng, khó đọc chứ không chỉ có loại sách giải trí đơn thuần. Nhìn vào những cửa hàng này ta biết nước nào, con người nơi đâu thật sự coi trọng văn hóa.

Đi lại trong nước, đi qua nhiều nước, qua nhiều sân bay, chờ đợi quá cảnh nơi này nơi khác, các sân bay hiếm khi để lại trong tôi một ấn tượng nào đặc biệt. Có lẽ do sự giống nhau của nó. Chỉ có sự khác nhau của mỗi chuyến đi: công việc, thời gian, có lần đơn độc một mình, có lần đi cùng đồng nghiệp.
Còn có một sự khác biệt… cảm giác của người được tiễn đưa không như người đưa tiễn. Vậy mà đôi khi không biết mình đang là người đưa tiễn hay là người được tiễn đưa…?

cà phê một mình


Chắc bạn đã có lần lâm vào tình trạng mệt mòi, chán nản hay căng thẳng, vì nhiều nguyên nhân nguyên cớ khác nhau, có khi chỉ là vì tự nhiên bạn thấy không chịu nổi chính mình... Những lúc như thế bạn sẽ làm gì?Có thể bạn sẽ trở về nhà, vào phòng đóng chặt cửa, lăn ra giường, nằm im, và sẽ ngủ một giấc dài đầy mộng mị... thức dậy đầu óc vẫn chưa thanh thản, nhưng không còn nặng nề nữa...

Có thể bạn sẽ trốn vào thế giới Blog ảo mà thật… Ở đó bạn sẽ được là chính bạn hay bạn sẽ được là một tính cách khác: kiêu ngạo/ hài hước/ lãng mạn/ sến/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ … một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ, nhà văn/ nhà phê bình/ bình luận (văn học/ người khác/ sự kiện nào đó)… Ở đó bạn có thể là thế hệ tuổi Teen 8x/ 9x (thường là như thế!!!), có thể bạn sẽ là một người duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/… Ở đó bạn có thể bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ … Ở đó bạn được thể hiện/ viết ra bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn, có phải/ có đúng là tiếng Việt “chính thống” hay ko, bạn không quan tâm, chỉ cần bạn được là chính bạn trong/ tại thời điểm đó… Nhảy từ “nhà” này sang nhà khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và của cải trong nhà… có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một người nào đó… Sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn nén chặt trong mình dường như được lõang ra, nhạt đi, và nhẹ đi…

Có thể bạn sẽ lấy xe máy phóng ra đường, đến một nơi nào đó, thường là quán cafe quen thuộc, ngồi đó nhìn ngắm người qua kẻ lại, những chuyện ồn ào trong quán lọt vào tai này rồi đi ra tai kia, giống như chiếc lá vàng ngoài kia rời cành rơi xuống đường rồi lại bị gió cuốn đi. Đến khi ra về không có gì để lại trong bộ nhớ của bạn ngoài những giai điệu thật buồn nhưng cũng thật ngọt ngào... có khi bạn thấy hài lòng vì mình đã đến đây và ngồi một minh như thế...

Có thể bạn sẽ kêu mấy người bạn đến ngồi đâu đó, người thân có người sơ cũng có, sẽ chuyện trò rôm rả về mọi đề tài, từ chuyện Sếp ở cơ quan đến chuyện "sếp" ở nhà ( là Bà vợ hay lại là Ông con?!). Ly cụng côm cốp, dô dô liên tục... Có khi nửa chừng cuộc nhậu bạn đã quên mất tâm trạng rối bời lúc nãy...

Có thể bạn sẽ lượn lờ shoping trong siêu thị hay ở chợ... những model mới nhất sẽ hấp dẫn bạn, bạn nhìn ngắm, ướm thử, rồi mặt mày rạng rỡ khi kiếm được cái gì đó vừa ý... Ra về bạn đã tưởng tượng đến ngày mai trông mình sẽ thế nào trong bộ đồ mới...Có thể bạn sẽ ghé tiệm làm tóc quen, giao phó cái đầu mình cho mấy cô thợ... và bạn nhìn thấy trong gương một người, giống bạn mà khác bạn, với mái tóc vừa cắt ngắn/ duỗi thẳng/ uốn quăn... Có vẻ hợp với mình hơn đấy nhỉ, bạn hài lòng nghĩ vậy...

Có thể...Có thể...và có thể...
Tôi cũng đã có khi thế này, có khi thế khác... Nói chung kết quả như trên. Nhưng có lnhiều úc tôi thấy mình bất lực̉, chẳng làm được gì. Căng thẳng vì không biết mình đang mong muốn hay chờ đợi điều gì. Hy vọng và thất vọng khiến tôi cứ tự dằn vặt…Những lúc ấy bạn có biết tôi muốn sẽ làm được một điều gì không...? Không có gì ghê gớm / khó khăn đâu…
Tôi chỉ muốn mình sẽ nở một nụ cười thật tươi...dù có thể nước mắt tràn mi...

PHẠT



Quãng đường từ nhà tui đến nơi làm việc chỉ khỏang 4km nhưng có đến 10 đọan lô cốt, cũng là 10 đọan kẹt xe kinh khủng, chưa kể 1 cái cổng xe lửa ngày nào cũng mắc kẹt ở đó vào lúc xe lửa qua. Mỗi lần đi về, vượt qua 4km ấy mất gần 1 tiếng đồng hồ.
Sáng có cuộc họp lúc 7g30 nên tui đi ra khỏi nhà từ 6g30, đi sớm hơn nên kẹt xe cũng ít hơn. Qua ngã tư NKKN – HVB, nhìn rõ ràng là còn đèn xanh nên tui cứ từ từ đi qua, vì ngay giữa ngã tư có chỗ còn ngổn ngang những cục đá lấp mặt đường, chạy nhanh không khéo té như chơi. Thế nhưng qua khỏi ngã tư khỏang 30m tui thấy 1 anh công an xăm xăm bước ra giữa đường, tay cầm gậy chỉ vào ai đó, tui vẫn thản nhiên đi tới. Nhưng hóa ra ảnh chỉ đúng mình. Tấp xe vào lề đường, 1 anh công an khác trẻ hơn bước tới, giọng rất hòa nhã, nói: chị vượt đèn đỏ. Tui nói: đâu có, chị thấy còn đèn xanh mà, mà nhiều người vẫn qua đấy chứ! Anh công an nói ngay: bọn em chỉ có 2 người nên chỉ có thể thổi phạt 2 người thôi (một cô bé – chắc là sinh viên cũng bị gọi vào).
- lỗi của chị bị giam xe 3 tuần và phạt 300 ngàn.
- Vậy à? Có thể thông cảm cho chị được ko, vì chị không cố ý mà.
- Không được chị ạ.
- Uh, vậy em giữ xe thì chị khỏi đi làm, cũng được.
- Chị làm ở đâu ạ?
- Ở Viện…
- Thế… vậy em chỉ giữ giấy tờ và phạt 150 ngàn thôi. Chị đến kho bạc đóng tiền.
Tui lẳng lặng mở bóp lấy giấy tờ. xem xong, anh công an lại hỏi:
- Chị có muốn đóng tiền ngay không, khỏi đi kho bạc?
- Em tính thế nào cũng được.
- Thông cảm với chị, em phạt chị lỗi nhẹ nhất, 100 ngàn.
- Cám ơn em.
Tui đưa tờ 100 ngàn và nhận lại 2 tờ biên lại có dán dấu chống giả hẳn hoi..
Cám ơn anh công an, tui lên xe đi. Tự bảo: không tranh cãi có khi lại được việc. Chứ đứng đó mà tranh luận, năn nỉ, bực mình rồi thì mất vui cả ngày, chả làm gì được.
Tối, lên lớp giảng bài, nhân nói đến thói quen giao thông tùy tiện, tui lấy ngay mình làm ví dụ kể cho sinh viên nghe. Sinh viên hỏi: cô ơi biên lai có ghi gì không? À, hình như… uh đúng rồi, không ghi gì cả. Cô ơi, phạt tại chỗ chỉ 10 ngàn hoặc 30 ngàn thôi ạ. Cả lớp cười ầm lên. Có đứa còn nói: lúc ấy cô cứ chạy luôn thì công an sẽ bắt người khác thôi.
Ôi giời, thế mà từ sáng đến giờ cứ nghĩ may quá mình gặp anh công an tử tế :D

chuyện không là chuyện (1)


BẠN GÁI
Bạn điện thọai, khi ngày gần hết.
Lâu lâu rồi chưa gặp bạn, người bạn gái thân thiết. Sau những hỏi thăm về con cái, công việc, về vài người quen, "tám" đủ thứ chuyện rồi mà nghe giọng bạn vẫn như muốn nói điều gì... Khẽ hỏi, có gì không vậy? Đằng kia bạn im lặng. Mình như nhìn thấy bạn mệt mỏi lắc đầu và đôi mắt to không giấu được nỗi buồn...
Mình vẫn biết gia đình bạn không mấy khi vui vẻ (bạn bảo, chỉ cần vui vẻ thôi, hạnh phúc xa vời lắm...), dù vật chất đủ đầy do cả hai vợ chồng cùng tạo dựng. Vậy nhưng những lời nói nặng nề, thái độ lạnh nhạt thờ ơ, những cử chỉ vô tâm vô ý của người ấy cũng chẳng hề thiếu trong cuộc sống của bạn, hàng ngày… Bạn đã bỏ qua những sự vô tâm, bạn đã tha thứ những lần xúc phạm... Vết thương trong trái tim nhạy cảm của bạn đang lên da non cứ tiếp tục bị tổn thương, không sao liền sẹo. Lấy nhau sau một thời gian dài yêu nhau, đã tưởng tìm được một nửa của mình, vậy mà đến giờ vẫn hai nửa chông chênh…
Hôm nay, chắc bạn chạnh lòng khi vẫn một mình, như mọi hôm.
Mình không biết phải chia sẻ với bạn thế nào, đành im lặng…
Chúng mình đã im lặng suốt đọan đường hun hút phía sau, nhưng còn cả một con đường dài, phía trước…?

QUAY QUA QUAY LẠI
Mỗi sáng đi chợ, quay qua quay lại số tiền mang theo bỗng hết vèo... Than với con gái, con gái nói: thì mẹ đứng im, đừng quay nữa... Vậy cả nhà treo nồi lên hết, khỏi nấu gì khỏi ăn gì, nhé?!
Một ngày làm việc, quay qua quay lại thấy thời gian đã hết mà công việc vẫn chưa xong... Than với lính, lính nói: thì cô cứ ngồi im, đừng quay nữa... Vậy các kế họach đề tài, dự án, hội thảo tọa đàm... khỏi làm, lính khỏi lãnh lương lãnh tiền, nhé?!
Một đời, quay qua quay lại đã thấy sang bên kia con dốc, sống hết mình với người mà vẫn không hiểu được con người... Than với bạn, bạn nói: thì đầu óc cứ "treo máy" lên, đừng nghĩ ngợi gì cả... Vậy mỗi đứa bọn mình sẽ sống một mình, đừng thèm liên hệ, đừng thèm quan hệ với ai với cái gì, được không?!
Chỉ riêng thời gian... quay qua quay lại, ngày tháng mất đi nhưng mình lại được thêm nhiều thứ... Tự nói với mình: đừng bao giờ cho rằng mình chỉ bị mất, mất được khôn lường, được đấy mà cũng là mất đấy... trả vay cũng không đợi đến kiếp sau...
Ráng sống sao để trả, và ráng đừng để phải vay...
Nợ tiền nợ bạc chưa hẳn là đã nợ, trả tình trả nghĩa biết bao nhiêu cho đủ...
Phải không?

SÔNG GỐM


















Chiều cuối năm rủ bạn: ra sông gốm chơi đi. Bạn ngạc nhiên, sông gốm? ở đâu? Ừ, cứ đi đi đã…
Theo con đê nay gọi là “con đường gốm sứ”, bạn và tôi rẽ xuống làng Tứ Liên. Dọc đường làng đã bê tông hóa không còn thấy những gian nhà lá êm đềm giữa những vườn rau mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, vài biệt thự kín cổng cao tường, thi thoảng một ngôi nhà cổ (giả cổ) hiện ra thấp thoáng sau mảnh vườn có vẻ hoang sơ… Chiều nắng hanh khô, có chiếc xe bò lọc cọc trên đoạn đường đất mấp mô dẫn ra bến sông… A, bạn thốt lên, sông gốm là đây…



Mùa này bãi sông Hồng nước cạn, hai bên bờ bãi ngô xanh mướt trổ bắp xen lẫn những mảnh ruộng ngô cây đã khô vàng. Khi tôi còn nhỏ nơi này hoang vắng lắm, nhưng khoảng hai chục năm nay bãi sông Hồng dọc theo các làng Phú Thượng, Tứ Liên, An Dương đã hình thành một bến tập kết hàng gốm, sứ từ các vùng gốm Đông Triều, Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh... tạo nên một làng gốm trên sông nhộn nhịp, nhất là vào dịp cuối năm. Những chiếc thuyền lớn chất đầy gốm sứ, đủ màu đủ kiểu san sát dọc bến sông. Đứng trên bờ nhìn xuống tưởng như cả dòng sông lấp lánh ánh men sứ sang trọng, đằm thắm màu men gốm ấm áp. Làng gốm ven sông như tách biệt khỏi nhịp sống vội vã xô bồ của thành phố, ở đây dòng sông gốm chảy lặng lẽ mang lại cho đời những vẻ đẹp sản sinh từ lòng đất mẹ. Đi dọc sông Hồng và nhiều con sông khác ta dễ dàng nhìn thấy những lò gốm, lò gạch ngói nhô lên trên bãi, dưới bến. Các làng gốm cổ bao giờ cũng nằm ven sông, con sông dù lớn hay nhỏ đều là nguồn sữa không chỉ nuôi sống những đồng lúa mà còn nuôi sống những làng gốm sứ, làng sành đất nung. Nguồn đất sét mỗi nơi tạo ra những loại gốm khác nhau từ chất liệu đến hình thức, từ sản phẩm cao cấp đến bình dân, từ đồ gốm sứ gia dụng đến đồ mỹ nghệ trang trí, cần thiết cho con người từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay… Dòng sông mang nguyên liệu, chất đốt về làng rồi lại chuyên chở sản phẩm đi các nơi. Đồ gốm cứng cáp qua lửa nung nhưng vẫn nhờ dòng sông nương nhẹ sự mỏng manh của mình, để có thể mang đến cho con người vẻ đẹp hoàn thiện do những người thợ gốm tài năng mà bình dị sáng tạo ra.



Vào những ngày gần Tết đoạn sông gốm này tấp nập từ sáng đến tối, hàng về la liệt xếp trên bãi đủ sắc màu: màu men xanh thẫm của những chiếc độc bình cao ngang đầu người, màu trắng màu hồng mịn màng của bình hoa, màu nâu của hàng chồng chậu cây lớn nhỏ, màu xanh ngọc của bát, đĩa, ấm, chén, màu xanh vàng đỏ tía của những con giống ngộ nghĩnh, ấm chén bình lọ hoa văn cúc dây, sen vịt, song ngư giả đồ gốm Chu Đậu nổi tiếng hồi thế kỷ XV-XVI... Trên bãi dưới thuyền thoăn thoắt bước chân của những thanh niên chuyển hàng, tiếng nói cười râm ran của mấy chị quang gánh lấy hàng đem về bán lẻ, người lau chuốt cho hàng sạch sẽ, người chằng buộc chậu cây, độc bình... cẩn thận lên xe thồ để chở vào phố. Trải dài bến sông là dãy hàng chưa bán được phủ những tấm bạt tránh nắng che mưa. Có thể tìm thấy bất kỳ một sản phẩm gốm, sứ từ các làng gốm nổi tiếng trong các khoang thuyền ngay trên bến sông này, kể cả gốm Biên Hòa, Lái Thiêu từ phía Nam... Đi dọc bến sông thỉnh thoảng bắt gặp những đống hàng đủ loại đủ màu, còn mới nguyên chỉ vì một chút sứt mẻ mà phải nằm lại đây… Vẫn biết đồ gốm sứ sẽ hư hỏng rồi cũng bị vứt bỏ, nhưng chợt thấy ngậm ngùi cho những sản phẩm chưa kịp bước vào cuộc sống đã vội trở thành phế phẩm do một giây bất cẩn của con người…



Đứng từ bãi sông nhìn lên, tầm mắt bị những ngôi nhà hình hộp lô nhô che chắn. Giá mà những ngôi nhà ấy đừng xấu như thế! Cái xấu từ việc xây dựng lộn xộn, kiểu dáng màu sắc phô trương đã phá vỡ không gian hài hòa vốn có ở làng quê này. Tự nhủ, thôi thì hãy đắm mình vào màu xanh bãi ngô, hương thơm của vườn rau thì là để già lấy hạt, luống cây mùi tàu cho nồi nước tắm gội chiều 30 Tết, thôi thì hãy nhắm mắt lại mà tận hưởng sự bình yên của những vườn quất, vườn đào phai còn sót lại trong cơn lốc đô thị hóa làng quê chưa biết bao giờ mới ngừng lặng.



Chiều loang trên sông, thoảng khói bếp tím trên những chiếc thuyền. Triền bãi vắng dần, hàng chồng gốm nằm im yên ngủ để ngày mai lại tiếp tục theo người vào phố. Chỉ còn tiếng lọc cọc chiếc xe bò vội vã chở ngô về làng… Ô này, mùi ngô nếp ngậm sữa đang trở mình trên bếp than hồng… Chợt bạn hỏi khẽ như một tiếng thở dài, mai này làng Tứ Liên có còn sông gốm…?

Viết cho người xa tháng Tư


Tháng tư về.

1. Trên những con đường Hà Nội gánh hàng rong thong thả màu vàng mơ chùa Hương, vòng xe đạp dịu dàng những bông hoa loa kèn… Tôi gọi tháng Tư Hà Nội là mùa dịu dàng, khi đông đã qua mà hạ còn ngập ngừng chưa đến.
Tháng Tư.
Mỗi sáng mỗi chiều sương vẫn giăng mờ đường phố. Quán bên đường thơm mùi café… Sao tháng Tư vẫn làm người ta ngại ngần khi muốn ngồi xích lại gần nhau...
Tháng Tư.
Đêm bên Hồ Gươm vừa quen vừa lạ. Lòng vẫn mềm đi khi nhắc về chuyện cũ dù lời nói như bông đùa. Bạn chắc đã quên mà sao mình còn nhớ mãi…?
Tháng Tư. Một lời nhắn vu vơ… hẹn rồi nhưng không gặp. Uh, cuộc đời đôi lúc cũng là mạng ảo mà thôi…
Tháng Tư đi… nhớ hẹn tháng Năm về…

2. Trên những con đường Sài Gòn hoa lẫn trong nắng vàng đầu hạ. Cánh điệp vàng bay theo từng cơn gió mát. Hoa bò cạp rực rỡ từng chùm đong đưa theo dòng xe hối hả. Tôi gọi tháng Tư Sài Gòn là mùa thương nhớ, khi người ra đi và người ở lại mãi mong một ngày được về lại bên nhau…
Tháng Tư.
Cái nắng cuối mùa oi bức làm người ta chỉ mong tìm một nơi bóng râm mát mẻ, ngồi đó, và trò chuyện về thời đã qua chưa xa, thời mà ta chia tay chỉ vì phải chia tay như thế…
Tháng Tư.
Nơi bạn ở hoa mùa xuân tràn đường tràn phố. Hơi ấm quay về sau một mùa đông giá lạnh. Xe chạy trên xa lộ mang theo lời ca nhắn nhủ “về đây nghe em, về đây nghe em…” *
Bao nhiêu năm đã trôi qua, cuộc sống dẫu dài nhưng cuộc đời mỗi người là hữu hạn. Tháng Tư ơi hãy để bạn quay lại Sài Gòn.
Tháng Tư đi… có hẹn tháng Năm về…?

Những mảnh vỡ (3)



7. Bong bóng

Anh ly dị vợ, còn chị một lần gãy đổ. Quanh anh luôn có những cô gái xinh đẹp, những người đàn bà sắc sảo. Cạnh chị đôi lúc có một người đàn ông dung dị nào đấy.
Khi quyết định đến với nhau, anh nói: mình cùng neo nhau lại trong cuộc đời chống chếnh này, em nhé!
Từ ấy, bên chị chỉ có mình anh.
Từ ấy, bên anh vẫn quanh quẩn những cô gái và những người đàn bà.
Đến một ngày, chị nhận ra cuộc đời mình đang neo vào một chùm bong bóng…


8. Đèn đỏ

Sợ trễ hẹn với bồ, gã phóng vượt đèn đỏ. Anh cảnh sát bước nhanh ra đường, tay cầm gậy chỉ thẳng vào gã. Toi rồi. Chợt trong đầu lóe lên một cách. Gã vẫn lao thẳng, miệng hớt hải: Anh vừa thấy thằng nào chở con vợ anh, chú cho anh đuổi theo! Anh cảnh sát chưa kịp phản ứng thì gã đã vọt qua. Thoát!
Lần sau, vẫn chiêu đó, nhưng không thoát. Đúng lúc bị lập biên bản thì gã nhìn thấy vợ mình ngồi sau xe một gã khác, trông họ cực kỳ tình tứ!

9. Chào cờ

Nó có một giọng hát sến kinh khủng. Giờ chào cờ cả lớp thường xuyên bị phạt vì không nhịn được cười khi nghe nó hát quốc ca lại thành ai cho tôi tình yêu…
Cô chủ nhiệm bực lắm. Cô bắt nó hát cho cô nghe. Mới được hai câu cô liền nói: Cho em miễn không phải chào cờ.
Giờ chào cờ sau lớp vẫn bị phạt vì lại có đứa cười. Hỏi sao thế, đứa ấy bảo rằng quen rồi, cứ nghe nhạc quốc ca là lại nhớ giọng hát ai cho tôi tình yêu của nó.

Ta có thể gặp nhau bằng những cách nào?


Dễ dàng nhất: E-mail
Kế đến: Chát, tin nhắn Y!M
Kế nữa: điện thoại, tin nhắn SMS
Bạn ở đầu kia trái đất, giờ lệch nhau nửa ngày, khi tôi thức dậy chuẩn bị một ngày mới thì bạn vừa qua một ngày mệt mỏi vì công việc. Gõ vội cho nhau vài chữ gửi e-mail, biết rằng bạn sẽ nhận được trước khi chìm vào giấc ngủ sâu không có nổi một giấc mơ. Biết rằng tôi sẽ nhận được trước khi bước ra khỏi nhà chìm trong dòng xe cộ như mưa lũ trên đường thành phố…
Ngày nào cũng thế, cảm giác đủ mà vẫn thiếu… nên thỉnh thoảng bạn và tôi còn gặp nhau trên Y!M, chát chít chỉ một lúc nhưng rồi chào nhau đến vài lần cũng chưa dứt được…
Blog của tôi đều đặn những entry, nhưng hiếm khi bạn có thời gian đọc và comment. Mailbox của tôi đầy tin nhắn nhưng chẳng mấy khi có tin nhắn từ bạn. Blog bạn thì bụi bám mạng nhện giăng đầy… thỉnh thoảng tôi ghé qua, icon nhăn nhở cười để nhắn bạn ơi bạn hỡi đi đâu về nhà…
Rồi hàng tuần bạn gọi về cho tôi. Khi dòng số dài hiện trên điện thoại, dù đang làm gì, đang ở đâu tôi cũng bỏ đấy, hồi hộp chờ giọng nói của bạn, như lần đầu được nghe… Có khi chỉ nói với nhau vài câu, vì bạn bận lắm, vì bạn biết tôi cũng đang bận lắm… nhưng vẫn gọi, chỉ vì muốn được thấy nhau, qua giọng nói ấm áp dành cho nhau…
Có cách nào có thể làm mình gần nhau hơn một chút, mình đều tận dụng.

Nếu một ngày không có NET ta không biết sẽ phải làm sao… Cảm giác cả hai đã chìm nghỉm đâu đó trong biển người hơn 6 tỷ trên trái đất này, mất tiêu, không tăm tích…
Những gì gửi cho nhau qua NET mà ta lưu lại trên máy tính đột nhiên trở nên vô hồn. Cũng phải thôi. Máy tính cho ta những con chữ kích cỡ, font chữ giống nhau, những Emoticons cười hay mếu, nhí nhảnh hay buồn rầu hay giận dữ giống nhau… Tiện lợi đến mức cảm xúc mà cũng còn có sẵn! Từ ngữ theo đó cũng ngắn gọn, vắn tắt, đầy đủ thông tin, nhưng khô khan, chẳng còn cảm xúc…

Chợt nhớ, ngày xưa khi bạn mới xa tôi, hàng tháng trời mới nhận được tin nhau từ những tờ thư mỏng manh. Dòng chữ của bạn, như bạn, hiện diện rất thật bên tôi… Mỗi lần năm hết Tết đến, khi bạn nhận được một tấm thiệp vẽ nhành mai vàng, cành đào thắm với phong pháo đỏ và tấm bánh chưng xanh thì dường như bạn còn cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay tôi…

Giữa thế giới tràn ngập thông tin bằng những phương tiện hiện đại, thư viết tay với nét chữ quen thuộc gửi qua bưu điện, dù là Chuyển phát nhanh, bây giờ có còn là thói quen của ai không nhỉ?

HÒAI NIỆM XỨ ĐÒAI


Hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng đã trở lại xứ Đoài Hà Tây khi cái nóng đầu hạ tạm lui nhường cho khí trời mát mẻ của đợt không khí lạnh muộn màng tràn về vào một ngày cuối tháng Năm.

Vài chục năm về trước, khi sơ tán về Hà Tây tôi mới 6 tuổi, theo trại trẻ lang thang từ Phú Xuyên sang Đường Lâm mỗi nơi vài tuần, rồi cuối cùng lên tận Quảng Oai đóng đô trong ngôi đình Chu Quyến…. Còn nhớ, ngày ấy cứ tối đến là các cô bảo mẫu đi về nhà với con mình, bỏ mặc lũ trẻ cho đứa lớn trông đứa bé. Mấy gian đình mênh mông chỉ le lói ánh đèn dầu. Các cột đình như to hơn, mái đình như sà xuống thấp hơn, sạp đình như rộng hơn, và bóng tối như dày đặc hơn… Tôi lại như già dặn hơn khi cứ nằm thao thức giữa lũ nhóc 5,6 tuổi như tôi. Lúc đó đâu đã biết sau này theo nghề khảo cổ, vậy mà cứ nhắm mắt là tôi nhìn thấy rõ ràng những đường nét chạm khắc mềm mại mà phóng khoáng, những đầu đao cong vút nhẹ nhàng mà cứng cáp của ngôi đình Mông Phụ, đình Chu Quyến…

Lớn hơn một chút, mỗi sớm mùa đông lạnh giá tôi cùng mấy đứa bạn ra bãi ngô ngoài đê, len lỏi vào những hàng ngô cao quá đầu còn ướt đẫm sương đêm, nhổ từng bụi rau muối nhỏ li ti… Cây rau muối thân mềm như rau sam, lá nhỏ lấm tấm trắng như những hạt muối li li, loại rau này nấu canh ngọt lừ, không cần nêm mì chính. Lớn thêm chút nữa, theo các anh chị tôi đi lên đồi cắt ráng về phơi khô để đun bếp. Ráng là loại cây dương xỉ mọc nhiều trên đồi đá ong, dùng liềm cắt như gặt lúa, đi từ sáng đến chiều trở về mỗi đứa gánh hai bó ráng thật lớn, phải dùng đòn xóc, tuy cồng kềnh nhưng không nặng lắm… Đêm ngồi trên bờ đê ngóng về Hà Nội vẫn thấy pháo sáng máy bay địch thả từng chùm sáng rực phía phà Trung Hà… Ngày hè nước lũ lên cuồn cuộn vẫn ra bến sông trông theo những chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá bập bềnh trên sóng.

Trong mắt con bé Hà Nội lạ nhất là thấy người ta ngồi chèo thuyền bằng hai chân, dùng tay vơ củi trôi trên sông hay thả lưới bắt cá mòi. Chiều về bến sông thơm mùi khói nướng cá mòi, cứ 2,3 con kẹp bằng một nẹp tre, trở qua trở lại trên củi than cho cá vừa vàng sém. Cá mòi nướng có thể ăn ngay, nhưng người ta hay mua về kho khô với riềng, ăn với cơm chan nước rau muống luộc vắt chanh thì không có gì ngon bằng!

Tôi ở Đường Lâm khỏang một năm. Trong ký ức, Đường Lâm làng cổ là con đường đất nhỏ len lỏi giữa những bờ tường đá ong nâu đỏ, là thấp thoáng dàn mướp hoa vàng trước sân ngôi nhà năm gian cột gỗ nâu bóng vệt mồ hôi, là mạch nước giếng ngọt ngào giữa trưa hè oi bức, là cánh đồng ngô gió heo may xào xạc ngày đông… Ngôi miếu nhỏ gần cổng làng là nơi tôi đứng lại mỗi khi tiễn ba má lên thăm rồi quay về Hà Nội. Có lần ba má về rồi, tôi cứ ngồi đó đến tận tối, xung quanh gió xào xạc lúa, cổng làng tối thẫm, bóng cây đa trùm kín một khoảng trời, con bé 6 tuổi không thấy sợ hãi, chỉ thấy cô đơn và tủi thân… Từ ngày ấy cảm giác này cứ đeo đẳng mãi, như là số phận của tôi…

Bao nhiêu năm rồi nay mới trở lại Đường Lâm. Vẫn bờ tường đá ong, vẫn nhà ngói năm gian, vẫn sân đình rơm phơi thơm ngái, vẫn giếng cổ vẫn miếu hoang giữa cánh đồng… nhưng hồn vía của cái làng ngày xưa thì dường như không còn nữa…

Ấy là con đường bê tông rộng rãi sạch sẽ đến lạ lùng, ấy là bờ tường đá ong lộ rõ mạch vữa không chút rêu xanh, ấy là những ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi nhưng gian bếp nhà ngang đã thấp thoáng gạch men bếp gaz mà nhạt mùi khói rơm khói rạ… Ngôi đình làng được trùng tu chỉn chu quá, đứng lạc lõng giữa những ngôi nhà ngói mới, nhà mái bằng đổ bê tông nên trông giống như một cụ già gương mặt phong trần nhưng vì đứng cùng bọn trẻ nên cũng phải áo bỏ trong quần thắt lưng nghiêm ngắn… Em đưa tôi về quê và nhiệt tình giới thiệu làng cổ, giới thiệu ngôi đình, rặng duối, giếng cổ, lăng thờ… Hẳn em không biết những ký ức của tôi với vùng quê của em vì ngày tôi ở đó hình như em còn chưa sinh ra đời…

Trở lại Đường Lâm lần này tôi những mong ký ức trong trẻo ngày thơ một lần sống lại, bởi sợ rằng ngày gần đây làng cổ quê em sẽ biến thành một nơi dở phố dở làng khi Đường Lâm trở thành đơn vị hành chính là “quận” hay “phường” gì đó… Làng cổ Đường Lâm hiện là Di sản văn hóa, là “bảo tàng sống”, là làng du lịch. Nhờ đó đời sống người dân đã sung túc hơn nhiều, những di tích lịch sử cha ông để lại cũng được gìn giữ tốt hơn.
Vậy mà sao tôi vẫn thấy gờn gợn một điều gì đó…?

Mà thôi, chắc tại tôi cả nghĩ… Bên bờ tường đất hiếm hoi còn lại trong làng cổ vẫn xanh dàn bầu dàn mướp đó thôi…

(4/2007, một năm trước khi Hà Tây bị trở thành một phần của Hà Nội)

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời

CHỊ, VÀ EM, VÀ...

Chị, là vì ra đời trước em những mấy năm.
Em, là vì chị đã quen gọi như thế.
Khi chị vào lớp 1 thì em mới chào đời. Suốt cả tháng em khóc “dạ đề” làm điếc tai hàng xóm láng giềng, mà nhà chị thì ở ngay bên cạnh, chỉ cách một bức vách mỏng bằng ván ép…
Khi chị trở thành cô sinh viên đại học dáng người thanh mảnh “yểu điệu” quần jeans áo thun thì em còn là cậu học sinh cấp 2 cao lêu đêu, nổi tiếng học giỏi nhưng cũng nghịch ngợm nhất trường. Bọn con gái vừa sợ vừa thích cái tính ngang ngang của em…
Khi chị ra trường, là một cô giáo có nụ cười rất duyên làm khối anh chàng “đẹp giai, học giỏi, nhà giàu” theo đuổi thì em trở thành chàng trai cao lớn với bờ vai vững chãi. Các cô gái không thể không xao xuyến khi nghe giọng hát trầm ấm của em.
Khi chị lấy chồng... Em đang học năm cuối Đại học. Sau kỳ thực tập trở về em mới biết chị không còn ở nhà bên nữa, đã ra riêng… Lần đầu tiên em thấy thiếu vắng điều gì đó không thể diễn tả bằng lời…
Rồi lần lượt chị có hai nàng công chúa xinh như chị… lúc nhỏ. Chị dường như vẫn trẻ như ngày nào, nhưng không hiểu sao em cứ cảm thấy chị như đang héo hắt, cái héo hắt chỉ hiện lên trong đôi mắt và thảng hoặc trong nét cười nửa miệng quen thuộc của chị…
Rồi em lấy vợ, một cô gái ngoan hiền, và em cũng có hai chú nhóc con nghịch ngợm như em ngày nào. Chàng trai sôi nổi đã thành một người đàn ông chững chạc, “người chồng ưu tú người bố nhân dân” như chị vẫn trêu em… Vậy nhưng, chị vẫn đọc thấy nỗi cô đơn ẩn hiện thấp thóang trên những trang viết của em…
Cuộc sống cứ trôi đi, như thế…
Một lần, chị thấy em đi bên một cô gái lạ. Chỉ nhìn cách cô gái nghiêng nhẹ đầu vào vai em chị chợt hiểu đó là “người ấy” của em…
Một lần, em gặp chị trong bộ dạng bơ phờ. Tối qua một công chúa của chị bị ốm phải vào bệnh viện, mà chị nay chỉ có một mình…
Rồi vợ em giận em vì chuyện “người ấy”... Em hỏi chị phải làm thế nào bây giờ nhưng biết rằng khó mà làm được như lời chị nói…
Rồi có một người đàn ông theo đuổi chị. Chị kể cho em nghe và lưỡng lự trước những lời em khuyên…
Em và người ấy… cứ kéo dài mối quan hệ như thế, cho đến một lúc em bỗng thấy người ấy và vợ em hay nói những câu giống nhau kỳ lạ…
Chị cũng nhận ra điều gì đó ở người đàn ông theo đuổi chị, không biết chính xác là gì nhưng sự nhạy cảm trong chị mách rằng, đó chính là cái mà chị đã mãi chịu đựng thời gian dài ngày trước…

Đến bây giờ em và người ấy hình như không còn được như xưa. Chẳng phải vì vợ em hờn ghen, cũng không phải tại ai, tại gì cả, mà vì quan hệ ấy cứ nhạt đi không sao cưỡng lại được, dù em và người ấy vẫn gặp nhau, giống như mọi “mối tình công sở” bây giờ…
Đến bây giờ chị vẫn hay ngồi cafê một mình. Thỉnh thỏang nhận tin nhắn của em: chị sao rồi, có gì vui ko, chị lại nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ mình có được một bờ vai dịu dàng để dựa vào khi cô đơn mệt mỏi…
Thỉnh thoảng gặp nhau trên mạng chát chít với chị, em bông đùa: giá mà chị là bạn gái của em, nhỉ… Thì chị vẫn là bạn… trai của em đấy thôi, chị cũng đùa như thế.

Đến bây giờ, chị, và em … vẫn thế…

Khỏang lặng Sài Gòn (2)

Hàng cây dầu trên đường sài Gòn

Sài Gòn ngày chợt lạnh
Buổi sáng trời mây mù, hơi lạnh tràn trên các con phố dài xao xác gió. Đi trên những con đường nắng sớm xiên xiên giữa hai hàng cây, vài cánh chim vụt bay từ vòm xanh cao, gác chuông Nhà Thờ như còn vương sương sớm... Dòng xe cộ trên đường giờ đi làm dường như cũng thong thả hơn, không vội vã cuống quýt chen lấn cáu kỉnh như những ngày nắng nóng. Áo lạnh được dịp khoe trên phố: áo gió các màu, không hiếm những chiếc áo khoác dày có mũ trùm đầu, áo len các kiểu: tay dài tay lửng, kín cổ hở cổ... những chiếc khăn quàng nhẹ nhàng như làn mây... Vòm cây như xanh hơn, cao hơn. Những quán cà phê như ấm cúng hơn, người với người cũng như thân quen hơn. Sài Gòn như lạ hơn, đẹp hơn, và dịu dàng hơn.
Chợt nhận thấy khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động. Sống ở Sài Gòn bạn hãy một lần sống chậm để tự mình tìm ra khoảng lặng trong lòng mình và trong lòng thành phố. Bạn sẽ yêu Sài Gòn hơn, thật đấy!
Một ngày nào ở một nơi nào, tôi đã ngồi bên bạn một buổi sáng như thế này. Và một góc nhỏ nào đó trong tôi, cái buổi sáng se lạnh ấy luôn ấm mãi...

Hoa của ngày xưa

Văn phòng nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút. Đầu mùa mưa vòm lá xanh ngăn ngắt, thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn lộng… mùa nắng Sài Gòn đấy: có cái nắng, có cái gió nhưng không có cái ngột ngạt hầm hập như chảo rang của ngày hè Hà Nội.
Cả buổi sáng lu bu công việc ngồi lỳ trong phòng, trưa mới bước chân ra hành lang. Sững sờ, một thềm hoa dầu nâu vàng hai cánh xoay xoay trong gió trước khi đậu im trên mặt đất, giữa thảm cỏ xanh, trên mặt hồ bên những cánh bèo nhỏ nhoi xinh xắn. Một làn gió đến, hàng trăm cánh hoa lại nhẹ nhàng điệu luân vũ giữa không trung… Có bữa, trưa ngồi café dưới dàn bông giấy lốm đốm nắng xuyên qua mái lá xanh mướt. Ngòai kia, xe và người dường như cũng chậm lại, tránh đường cho những cánh hoa dầu cuống quýt xà xuống đuổi theo những bông giấy tím đỏ chạy giỡn chơi trên vỉa hè.
Bạn mail về, bảo, thèm được một lần đi giữa phố đưa tay nhặt cánh hoa dầu trên mái tóc ai. Mùa này nơi đó đâu có hoa dầu hai cánh, chong chóng của ngày xưa…

Mưa thơm

Sáu giờ rưỡi chiều mới về, nhà mất điện. Cơn mưa sập xuống, trời đất tối mù mịt. Kiếm được cái đèn pin tìm đốt mấy cây nến, đặt ở tầng lửng và trên lầu. Ngòai kia mưa ầm ào như trút mà trong nhà vẫn nóng. Lạ, hễ mất điện thì bao giờ cũng có cảm giác như nóng hơn, ngột ngạt hơn, vào giữa ngày đông cũng vậy.

Lắc lư trên cái võng gần cửa sổ. Nghĩ, sao không mở cửa sổ cho mát nhỉ, mưa có tạt một chút cũng có sao đâu. Bèn mở tung cánh cửa… Gió lẫn hơi nước li ti hắt vào mang theo hơi ẩm mát của đất, của mưa tràn vào nhà. Thoang thỏang mùi hoa ngọc lan rồi bỗng chốc hương thơm đẫm trong căn phòng nhỏ. Nhìn ra, ồ, cây ngọc lan trồng dạo nào giờ đã cao ngang cửa sổ. Không thể nhìn thấy những nụ hoa trắng như ngọc trốn trong kẽ lá, thế mà hương thơm cứ quấn qúyt chẳng thèm biết đến những giọt mưa đang ào ào rơi xuống. Hương ngọc lan nồng nàn làm ta muốn hít một hơi căng lồng ngực, để rồi khi ngủ hơi thở vẫn đẫm hương thơm…

Mưa như không có ý định ngừng lặng. Những ngọn nến chập chờn, mùi nến thơm dịu dàng. Cây nến hình bông hồng gắn trên đế gỗ này là quà sinh nhật của con gái lớn, cây nến trong chiếc ly có hình mèo Kitty xinh xắn là do con gái út mua vì “trông dễ thương quá”, hộp nến có hình những chiếc lá nhỏ là bạn tặng mình vào một lần gặp lại ở nơi xa…
Một mình với hương thơm mỏng manh và chập chờn ánh nến, đôi lúc không rõ tiếng tí tách của mưa hay là của nến. Đã có lần nào trong đời bạn là ngọn nến của riêng ai…?

Mình đã bỏ lỡ nhiều cơn mưa thơm như thế…

Viết cho Hổ phách



Không hiểu sao trong giấc mơ xen giữa những lần thức giấc, ký ức mình lại hiện lên rất rõ cái quán café trên con đường một chiều luôn tấp nập, nơi mình và bạn gặp nhau lần đầu tiên.
Mình đến trước đợi bạn, vẫn ngồi ở cái bàn quen thuộc mình thường café một mình vào mỗi chiều như chiều nay. Không nghĩ gì, cũng không chút tò mò – sự tò mò rất đỗi thường tình của phụ nữ, mà chỉ thấy vui vui vì sắp quen thêm một người bạn mới, một người bạn có lẽ “chơi được”, qua những gì mình biết về nhau trên thế giới mạng ảo mà không ảo. Mình ngồi và đọc một cái gì đấy, âm thanh hỗn độn của dòng xe chạy không dứt ngòai kia lướt qua, hình như thóang một tiếng chim hót thật mảnh tựa như sợi nắng cuối chiều vương trên ngọn xanh cao…
Bạn đã không có mặt trong giấc mơ ấy… Giật mình tỉnh dậy, ngơ ngẩn tiếc. Giá như giấc ngủ sâu hơn chút nữa, mình sẽ nhìn thấy bạn. Lần đầu gặp nhau mà sao thân thuộc đến thế. Nhưng giấc mơ đã không cho mình niềm vui ấy. Uh, ngay cả trong mơ gặp bạn cũng khó quá chừng…
Cố nhớ xem gương mặt bạn thế nào, giọng nói bạn, nụ cười bạn ra sao… chợt thảng thốt, hình ảnh bạn đang nhòe dần. Không phải như một áng mây che phủ, không phải như một màn mưa khuất lấp, không phải như một cơn gió cuốn đi… mà rất rõ trong óc mình một vệt đỏ sẫm như bị bào mòn mà ai đó cố tình xóa đi những gì thuộc về bạn trong trí nhớ của mình.
Cuộc sống cứ trôi đi… Thì vẫn công việc vẫn những mối quan hệ thân sơ trong đời thật trên mạng ảo. Nhưng bạn biết không, bên dưới cái mặt phẳng đơn điệu của thời gian, ký ức về bạn vẫn ẩn sâu, bé nhỏ nhưng sắc nhọn như gai trên thân bụi tầm xuân mọc đầy khu vườn nhà ai đó mà có lần đi qua, mình và bạn đã ước ao được bước vào.
Chỉ cần một thóang gợi lại ngày cũ là lại thấy nhói đau...
Khi trái tim mình còn khe khẽ đập…

Những mảnh vỡ (2)


4. Khóa

Anh buông lời nặng nề. Sững sờ, cô đưa con về nhà ngoại. Anh chỉ gọi điện cho con.
Cô về nhà lấy vài thứ. Mở cửa, cô biết anh vừa đi. Trên bàn gạt tàn còn vương khói thuốc… Cô bỗng thấy mềm lòng với mùi thuốc lá quen thuộc. Dọn dẹp qua loa rồi cô đi.
Mấy ngày nữa, lấy cớ tìm sách cho con, cô lại về, thầm mong sẽ gặp anh dù trái tim vẫn còn đau đớn.
Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã thay.

5. Cửa

Ngôi nhà kia rất thân thuộc với nó. Mỗi khi nó đến, chỉ cần gõ nhẹ là cánh cửa đã luôn rộng mở.
Một lần nó hăm hở chạy đến ngôi nhà ấy, nóng lòng muốn nói một điều gì đó. Gõ nhẹ, cánh cửa vẫn im lìm. Bèn gõ mạnh hơn. Cửa bỗng bật ra đập mạnh tối tăm mặt mũi. Người trong nhà nhìn nó bình thản như không.
Cảm gíac đau đớn đã qua. Nhưng từ ấy đối với nó phía sau mọi cánh cửa luôn là sự nguy hiểm.

6. Tự động

Lần đầu ra sân bay, đứng trước cửa kính dày trong suốt, nó kinh ngạc nhìn thấy cánh cửa từ từ mở rộng, vừa bước qua thì cửa nhẹ nhàng khép lại. Nó thắc mắc không biết vì sao cửa mở và khép được như thế? Nó lại bước ra bước vào, cửa vẫn mở đóng nhịp nhàng. Có người điều khiển đấy mà, nó nghĩ, cho mỏi tay nè! Thế là nó đi qua chạy lại cái cửa ấy nhiều lần nữa.
Cửa vẫn bình thản đóng mở. Còn nó chân
mỏi rã rời.

Những mảnh vỡ (1)


1. Cà phê không đường

Tôi hay đến quán nhỏ gần một ngã tư, ngồi một mình, lặng lẽ với cảm giác bình yên, ly café không đường để lại một dư vị thật ngọt ngào…

Rồi em đến. Em phá vỡ không gian riêng tư của tôi bằng những vần thơ mềm mại đến nao lòng… Tưởng như em và tôi, chúng ta có thể bên nhau đi đến cùng trời cuối đất.
Để khi em ngập ngừng không dám cùng tôi uống ly café không đường của cuộc sống, quán cũ chiều nay café bỗng dưng đắng ngắt…

2. Gãy chân

Đi nhậu về, chồng bị tai nạn gãy chân, nằm một chỗ. Chân bó bột cứng đờ. Mọi việc đều có vợ ở bên giúp đỡ.

Khuya. Bỗng chồng ngã nhào xuống đất. vợ hốt hỏang đỡ chồng lên, hỏi: sao thế anh? Chồng trả lời: nằm mơ, thấy ngồi trên đường rầy, xe lửa hú còi đến gần rồi mà không sao chạy được! Lại hỏi: làm gì mà ngồi trên đường rầy? – Ngồi nhậu với bạn, tụi nó thấy xe lửa tới đứa nào đứa nấy bỏ chạy mất tiêu!

3. Bước hụt

Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ bằng lặng trôi qua. Vất vả qua đi, các con lớn dần… Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn.
Một lần lên lầu bước vào phòng ngủ, chị thấy anh đang ngồi đếm tiền, những cọc tiền 100 ngàn còn mới. Nhìn thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền…

Bước xuống cầu thang chị chợt nhận ra bậc cầu thang nhà mình cao quá.

Khỏang lặng Sài Gòn (1)


Mưa Sài Gòn

Mưa Sài Gòn ào đến thật nhanh, thật lớn, rửa trôi bụi đường làm tan khói xe. Nhưng rồi bỗng chốc những vòm lá ánh lên tinh khôi trong nắng nhạt khi tạnh mưa, cũng bất ngờ như khi mưa đến. Và mặt trời dịu dàng tạm biệt phố... Sau vài phút dòng người và xe lại tấp nập trên đường. Bạn còn nhớ không, một ngày nào đó bạn vào Sài Gòn. Tối đầu tiên Sài Gòn đón bạn bằng cơn mưa như muốn sập trời sập đất. Bạn bảo: lạ thật, mới hồi chiều nắng chói chang như thế, gió nhẹ như thế, Sài Gòn vẫn “thất thường” thế ư? Mình cười, Sài Gòn đang mùa mưa mà… Đường ào ạt nước, người và xe vẫn ào ạt chạy… Rồi cũng bất ngờ như khi bắt đầu, những hạt mưa nhẹ dần rồi tạnh hẳn. Không khí đầy hơi ẩm, mát lạnh, phố loang loáng nước, những vòm lá trên cao lấp lánh ánh đèn…
Bạn còn nhớ không, lần đầu tiên chúng mình gặp lại sau một thời gian dài xa nhau. Dường như giữa mình và bạn có chút gì như lạ lẫm. Ngồi bên nhau trong quán nhỏ, hơi ấm bàn tay bạn, hơi ấm bờ vai bạn, nhờ cơn mưa đã xóa nhòa cảm giác đó…
Những cơn mưa Sài Gòn dễ thương biết nhường nào.

Ngõ hòang anh

Nhiều lần, trên đường đi làm tôi rẽ vào 1 ngõ nhỏ, tránh con đường ầm ào như cơn lũ ngòai kia. Ngõ nhỏ ngoằn nghèo, tính ra xa hơn đi đường chính. Nhờ vậy nó vẫn giữ được nhịp thở bình thản thật đáng yêu. Con đường nhỏ được tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ. Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Ngõ yên tĩnh đến mức các số điện thọai quảng cáo dạy kèm học thêm khoan cắt bê tông… cũng buông tha không làm bẩn những bức tường, dường như không nỡ làm ngõ vắng giật mình.
Chiều về tôi thường đi xe chầm chậm trong ngõ ấy, dưới những bông hòang anh rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao. Có buổi trưa nắng thong thả một mình, mắt lơ đãng buông theo ngoằn nghèo ngõ nhỏ, lòng bỗng bình yên…
Ngõ nhỏ còn có giàn bông giấy cành đan nhau rậm rạp, mỗi khi có cơn gió nhẹ thỏang qua bông trắng bông đỏ lại nhẹ nhàng đuổi theo nhau. Nhưng, hình như có quá nhiều người đã viết về bông giấy, cả tôi cũng vậy...
Không hiểu sao ngõ hòang anh hay làm tôi nhớ đến những truyện ngắn của A. Sêkhốp, như Ngôi nhà có căn gác nhỏ, Một chuyện đùa, và nhất là Người đàn bà có con chó nhỏ.
Dù chẳng có mảy may gì giống như trong tưởng tượng của tôi về những câu truyện ấy.

Tháng ba cho anh

Tháng Ba, ở Sài Gòn không thấy rõ cái rạo rực sinh sôi của “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước ” như tháng ba Tây Nguyên. Nhưng thóang đâu đây sức sống bừng lên đỏ rực những chùm bông giấy trên phố, ần hiện đâu đó trên gương mặt người thiếu nữ rạng ngời, trên đôi vai vững chãi của chàng trai trẻ. Tháng Ba, mùa nắng đang chầm chậm nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm. Nắng còn như tiếc nuối, sau những ngày nhạt nhòa của một mùa đông lạ lùng, tháng Ba này nắng chợt bùng lên, gay gắt mà đắm đuối…
Một buổi chiều nào đó nắng vàng sánh như mật, ngồi trên tầng lầu cao nhất thành phố, anh và em ngắm nhìn Sài Gòn của em. Sài Gòn không có những con đường nồng nàn hoa sữa, không có những con phố dài xao xác heo may, không có những mặt hồ biếc xanh mờ sương sớm. Nhưng Sài Gòn có những con đường trưa nắng vàng hoa điệp, có hàng cây mỗi chiều thả những cánh hoa dầu xoay tít bay bay, có những đêm gió chướng ào ạt thổi qua thành phố. Sài Gòn của em có quán cà phê nơi chúng ta cùng bạn bè gặp gỡ. Dàn bông giấy vẫn nghiêng nghiêng che mát vỉa hè khấp khểnh từng viên gạch. Cánh tím mỏng manh vẫn nhẹ nhàng đậu xuống bên ta. Những gương mặt lạ quen mỗi ngày dường như không bao giờ cũ, những con người thoắt đến thoắt đi mà sao bỗng thấy thân thiết lạ lùng…
Mưa Sài Gòn vẫn thế, nắng Sài Gòn vẫn thế, gió Sài Gòn vẫn thế. Chỉ có anh và em là đã khác…

Chùa trong phố



Đường nhỏ, khuất nẻo, phố yên tĩnh lạ lùng.
Ngôi chùa cũ kỹ, mái ngói tường gạch rêu phong. Ngày hai lần tiếng mõ se sẽ vang lên theo mùi nhang thơm nhẹ nhàng lan ra trên phố. Tháng đôi lần ngày rằm, mùng một cửa tam quan rộng mở nhưng chùa vẫn vắng lặng… Ngày thấp thóang bóng áo nâu của sư bà trụ trì quét lá trên sân chùa. Người nơi xa không mấy ai biết đến nhưng vào mùa thi sân chùa nhộn nhịp hơn, các cô cậu học sinh thường đến đây ngồi học bài dưới tán cây mát rượi hay trên bậc thềm gạch. Thỉnh thỏang còn được sư bà cho ăn bánh trái. Người phố hay sang chùa, khi thì giúp sư bà quyên góp làm từ thiện, có khi chỉ để ngồi trên bậc thềm rợp mát thỏang hương hoa ngâu, lắng nghe tiếng mõ đều đều tiếng tụng kinh khe khẽ, đầu óc nhẹ bỗng như đang thóat ra khỏi vòng quay cuồng của cuộc sống. Trong phố có đám hiếu thường quàn ở chùa. Ban đêm đèn sáng hơn, hương nhang thơm nhẹ và tiếng tụng kinh suốt đêm mang lại sự ấm cúng cho người nằm xuống, và an ủi những người còn sống. Ngôi chùa đã là một phần cuộc sống của người trong phố như khi nơi này còn là một làng nhỏ ven đô.
Con đường nhỏ được quy họach mở rộng thành tuyến đường chính của khu vực. Nhà trên phố bỗng thay đổi nhanh đến chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng mái nhọn mái vuông, tường sơn màu sặc sỡ, cửa gỗ cửa nhôm khung kính sáng láp lánh… lần lượt xuất hiện. Những mảnh vườn nho nhỏ, hàng cây trứng cá bên lề đường cũng dần biến mất, vỉa hè khấp khểnh từng viên đá lát vuông vắn mòn dấu thời gian được thay bằng hàng gạch xanh đỏ. Riêng ngôi chùa vẫn vậy, cổng gỗ phai màu, mái ngói rêu phong, sân chùa vẫn rợp bóng cây, quanh cảnh trông càng lạc lõng trên phố mới. Khi giá đất giá nhà tăng lên vùn vụt có người đi qua còn nói với nhau, khu đất nhà chùa mà xây dựng cao ốc thương mại văn phòng thì thật là đắc địa! Người phố ít đến chùa hơn vì còn mải quan tâm đến “lên sàn” chứng khóan, với giá vàng giá đô la đang biến động từng ngày. Chùa vẫn đều đặn ngày hai lần tiếng mõ tụng kinh, tháng đôi lần cửa tam quan rộng mở dù người phố thờ ơ đi qua. Sư bà trông già hơn nhưng luôn tỏa ra vẻ an nhiên tĩnh tại.
Cho đến một hôm bỗng thấy trong chùa đông người lui tới. Sư bà đã về với Đức Phật. Ngày đám tang chỉ vài người trong phố đến viếng. Sư bà mất rồi không biết ai sẽ chăm nom ngôi chùa?
Sau đó ít lâu, chùa bỗng thường xuyên có người lui tới. Rồi nó bắt đầu được sửa sang. Nghe nói có đại gia nào đó bỏ tiền tu sửa nhà chùa. Chỉ sau vài tháng ngôi chùa như mới xuất hiện, rực rỡ màu sơn vàng mới từ trong ra ngòai, gạch men bóng lóang thay thế lớp gạch tàu đỏ au mòn nhẵn. Tượng Phật nhấp nháy vòng hào quang đèn điện. Những đôn chậu, lư, bình, chân đèn bằng gốm Cây Mai màu men đằm thắm được thay bằng bộ tam sự bằng đồng vàng chóe trông sang trọng mà lạnh lẽo. Ngày hai lần tiếng mõ tụng kinh dồn dập vang lên, khói nhang nghi ngút sực nức mùi thơm hăng hắc. Ngày rằm mùng một chùa tấp nập người từ xa đến cúng bái, xe hơi xe máy chật cả một đọan đường. Rồi các nhà quanh chùa mở dịch vụ như hàng nhang đèn, sạp sách bói tóan, tiệm bán vòng hoa… Những đám ma ồn ào, tiếng tụng kinh suốt đêm phát ra từ cái loa lớn, đầu phố cuối đường đều nghe thấy. Giấy vàng mã rải khắp mặt phố. Người ta còn đồn nhau sư bà rất linh, đến chùa này xem bói xin xăm cầu gì được nấy. Chùa trở nên nổi tiếng. Du khách kéo đến. Người phố xem nhà chùa hệt như những cửa hàng, công ty đang mọc lên như nấm.

Từ ngày sư bà mất, chị ít sang chùa. Ngôi chùa mới lại càng xa lạ… Mỗi năm một lần chị đến chùa mang theo vài bông hồng tiểu muội là lọai hoa mà sư bà rất thích. Giữa hàng trăm khuôn mặt buồn vui bình thản trên những bình gốm nhiều màu, chị tìm đến thắp nhang trước bình tro nhỏ màu nâu giản dị.
Bạch Thầy, bao giờ cho đến ngày xưa…

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...