một đọan miền Trung


NHỚ HUẾ

Nửa đêm, bạn điện thoại: ra Huế chơi đi, mọi người đang nhắc đây nè! Trời ạ, mãi mới ngủ được (dạo này mất ngủ triền miên), cú điện thoại của bạn sẽ làm mình thức suốt đêm cho mà coi…
Ừ, Huế… lâu quá rồi mình chưa ghé Huế. Bạn đừng vội tự ái khi mình bảo: chưa GHÉ Huế mà không phải là đến/ trở về/ ra với Huế! Bạn còn lạ gì nghề của mình, cái nghề đi suốt nhưng chả ở đâu lâu được quá vài tuần, có khi chỉ vài ngày… Mỗi nơi mình đã đến nói cho cùng cũng chỉ là ghé qua, liệu mình có đủ “tư cách” để có thể gọi là “trở về” dù không ít những kỷ niệm, nhưng cũng không thể chỉ là “đến” một cách lạnh lùng như một người khách lạ. Huế với mình cũng vậy. Xuôi ngược dải đất miền Trung không dưới mươi lần bằng xe hơi (chưa kể những lần đi bằng xe lửa, hay… bay ngang qua trời miền Trung), hầu như lần nào mình cũng ghé Huế. Có lần vì công việc, nhưng cũng nhiều lần chỉ ghé vào chơi với bạn bè, ngồi với nhau một ly cà phê hay vài li rượu, rồi mình lại tiếp tục ra Bắc hay vào Nam…
Mình biết Huế lần đầu vào một đêm tháng Năm năm 1975. Theo đoàn xe đi từ Hà Nội vào Sài Gòn ngay sau những ngày mới giải phóng, mình đến Huế sau … 4 ngày đi đường vô cùng vất vả! Sẩm tối xe vào đến thành phố, mọi người ồ lên khi nhận ra cây cầu Tràng Tiền vắt ngang hai bờ sông Hương ngày ấy còn rất vắng lặng. Đêm ấy đoàn xe nghỉ lại ngay bên bờ sông, mọi người tản ra mắc võng nghỉ rải rác quanh xe… còn mình, mình cứ loanh quanh dọc bờ sông, nhìn mấy con đò neo lại gần bờ, nghe giọng Huế nhẹ nhàng nửa lạ nửa quen, cố tìm trong đêm xem núi Ngự đang ngự nơi nào… Đêm qua mau, sáng sớm đoàn xe tiếp tục hành trình về Nam.
Lần đầu Huế để lại trong mình một cảm giác buồn…
Không hiểu sao những lần sau cũng vậy… Dù mình luôn có những kỷ niệm vui ở Huế. Ví như, mình đố bạn tìm ra một quán “Bún bò Huế” tại Huế, bạn bảo dễ ợt! Nhưng rồi bạn phải mất với mình một chầu cà phê hoành tráng (vì mình lôi theo cả đống bạn mình từ bảo tàng, từ trường đại học…), vì quả thật chỉ có những quán “Bún bò” mà không có quán nào kèm thêm chữ “Huế”! Hay, sau khi tấm tắc khen các loại bánh của Huế quá ngon, mình hỏi, bạn có biết tại sao các loại bánh Huế ngon không? Bạn lập tức thuyết trình như một chuyên gia ẩm thực lành nghề… Nhưng mình đã tỉnh bơ giải thích: bánh Huế ngon vì… quá ít! Chả lẽ ăn nhiều thì… xấu hổ quá (vì trước mặt đã là một đống lá, một chồng chén, hũ nước mắm vơi đi thấy rõ), mà ăn ít thì cứ thòm thèm mãi… vậy là bánh Huế lúc nào cũng ngon!!! “Đồ đểu” - nhiều lần mình đã khiến bạn mắng yêu mình như thế… Bạn vẫn luôn nhớ mình không ăn cay được, đi ăn gì bạn cũng dặn 1 tô không ớt. Thế mà nhìn mình vừa ăn vừa sụt sịt bạn cứ xót xa, lại tự “chê” món Huế của mình “cay hổng giống ai!”…
Bạn biết mình không thích đến những lễ hội kiểu “quốc doanh” mà, nhất là dịp festival ở Huế (đấy, mình lại làm cho bạn… bực mình rồi!). Nhưng bạn cũng biết mình luôn yêu Huế, vì ở đó mình có bạn, bạn ơi…

ĐÔI BỜ THẠCH HÃN

Đúng ngày rằm tháng Bảy năm ngóai tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về đây, hơn mười ngàn chàng trai tuổi đôi mươi, quê từ 64 tỉnh thành đang quây quần tại đây… Đi qua nơi yên nghỉ của những chàng trai Hà Nội, của các tỉnh phía Nam, của Hà Bắc, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… chỉ kịp thắp vội vài nén nhang, lòng cầu mong các anh thông cảm vì không thể đến với từng người… Lướt qua những dòng bia mộ, có anh nhập ngũ được vài năm, có anh nhập ngũ chỉ mới vài tháng, nhiều anh còn chưa tìm thấy tên tuổi… Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn giờ đã khang trang hơn xưa, nhưng vẫn nắng Quảng Trị, vẫn gió miền Trung, vẫn xào xạc lá rừng Trường Sơn, vẫn những tên tuổi năm tháng ấy, thời gian ở đây như ngập ngừng không muốn trôi qua để giữ mãi tuổi thanh xuân của những người đã yên bình nơi đây…
Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm đỏ lửa. Nắng hôm nay có dội lửa như những ngày năm ấy? Gió hôm nay có thiêu đốt như những ngày năm ấy? Sông Thạch Hãn, 81 ngày đêm đỏ máu… “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”… Sông ơi, sông hôm nay có quặn dòng như những ngày năm ấy…?
Trên đất nước này còn biết bao nghĩa trang chưa được chăm nom như thế?
Trên đất nước này còn biết bao con người chưa tìm được sự bình yên như thế?
Bên này, bên kia… như hai bờ của dòng sông quê mẹ, lỡ chia đôi nhưng một chuyến đò ngang cũng đủ nối liền. Sao hơn 30 năm rồi mà vết cắt vẫn còn đau…?

9 nhận xét:

  1. Ai cũng nói người Huế chán mà không hiểu sao em lại có khá nhiều bạn thân người Huế. Chơi thân với họ mới thấy hết cái chân tình của họ và họ hoàn toàn không "chán" như người ta vẫn nói.
    Nghe từ "GHÉ" Huế nhiều rồi mà đúng là không phát hiện ra cái ý nghĩa sâu xa của nó. E cứ nghĩ đó chỉ là cách nói của người Huế thôi. Cám ơn chị vì phát hiện thú vị này.

    Trả lờiXóa
  2. Chị.
    Hình như em 'gặp' chị ở những câu cuối. Hình như em hiểu chị đang nhắc tới nơi nào...
    Em cũng mới đọc bài báo về một nghĩa trang... Ngậm ngùi.

    Trả lờiXóa
  3. Mình chẳng có một kỷ niệm nào sâu sắc về Huế. Nhưng đúng là Huế gợi cho mình cảm giác buồn.

    Festival Huế là cái mà mình sợ nhất. Hic! Nhưng nên công bằng mà nói thế này: Chính cái festival Huế đã cho chúng ta cụm từ "hoành tráng" được dùng trong rất nhiều trường hợp như hiện nay.

    Ừ, mình đi qua Nghĩa trang Trường Sơn nhiều lần. Thương. Bùi ngùi. Xót xa nữa!

    Trả lờiXóa
  4. Em chưa được đi Huế bao giờ. Có lẽ lúc nào đó sẽ đi để xem lăng tẩm và nét cổ kính Huế, ăn đồ Huế...nghe sách vở nói Huế mộng mơ Huế cổ kính mà em chưa tưởng tượng ra được.

    Trả lờiXóa
  5. Lu:
    Em chưa đến Bến Ngự
    Em chưa ghé Sông Hương
    Đâu tiếng chuông Thiên Mụ
    Đâu canh gà Thọ Xương...

    Chưa đến Huế thì tiếc lắm! Hì!

    Trả lờiXóa
  6. Đặc điểm đồ ăn Huế nhiều gia vị, mỗi thứ một tý, nhưng ít và cay. Đến Huế được nghe câu: " Có nơi mô như ở quê ta, Mất một mùa ớt chết ba vạn người" biết người Huế ăn ớt thế nào.

    Trả lờiXóa
  7. @ Lana: uh, chị em mình cùng muốn nói đến điều đó.
    @ các bạn: Mình luôn nhớ một câu thơ của Bùi Giáng: "Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn Núi Ngự bên bờ sông Hương"... Câu thơ rất Huế và cũng rất ngậm ngùi...

    Trả lờiXóa
  8. Vẫn có những nghĩa trang chưa và không được chăm sóc đấy chị ơi. Như nghĩa trang Quân Đội tại Biên Hòa, Đồng Nai chẳng hạn. Nghĩa trang này đã không được trùng tu từ lâu và cũng đã có nhiều nấm mộ không cả được phép thăm viếng. Tại sao lại nỡ lòng như thế với cả những người đã yên nghỉ cơ chứ?

    Trả lờiXóa
  9. @ Dã quỳ: em à, câu hỏi cũng là câu trả lời. Hơn 30 năm vẫn còn nỗi đau ko là vì chiến tranh nữa, mà do con người vô tình hay cố tình khóet vào vết thương, phải ko em?

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...