Những chuyến bay không đáp xuống đường băng


Đã vài lần trong những chuyến đi của mình, ngồi trên máy bay tôi đã phải cầu khấn tất cả các Đấng thần thánh phật chúa… cho chuyến bay vượt qua thời khắc nguy hiểm vì bay vào vùng thời tiết xấu, hay có khi chỉ là sắp hạ cánh mà máy bay… không bung được càng.

Những lúc ấy, khi hiểm nguy kề cận, tôi đã nghĩ gì? Chính xác là không kịp nghĩ gì. Khi thời khắc nguy hiểm đã qua tôi mới chợt nhớ đến con, “nếu mình không trở về thì hai con sẽ thế nào…”. Vậy thôi.

Khi đã trở về nhà an toàn, lúc nào đó nhớ về giây phút từng hoảng sợ trên máy bay, tôi chợt nghĩ, nếu mình là người ở lại khi người thân yêu bỗng dưng biến mất trên bầu trời kia thì mình sẽ thế nào?
Cảm giác lạnh người và tim như ngừng đập…

Bầu trời xanh hay đầy mây xám nặng nề, bầu trời đầy nắng hay lấp lánh như vì sao đêm… bất trắc nào đang rình rập ngoài kia? Người ra đi hay người ở lại, người đưa hay đón, ai có thể hình dung chiếc máy bay kia không thể đáp xuống đường băng mà chỉ còn là những mảnh vụn nổi trôi trên biển mênh mông hay lạc giữa những cánh rừng già bạt ngàn?

Chiếc máy bay to lớn là thế, hàng trăm con người là thế, nhưng trong không gian tất cả chỉ như một hạt bụi nhò nhoi mà bất kỳ lúc nào cũng có thể tan biến vào không trung.

Khi đã đi qua cát, dẫu bước nhẹ thế nào cũng để lại một dấu chân, sâu và trống rỗng... Những con người đã bất ngờ bước sang thế giới bên kia từ trên bầu trời xanh cũng sẽ để lại trong lòng người thân những vết đau như thế…

Chỉ còn một ngày thôi nhưng đã có « những con người không được bước sang năm 2015 ». Từ những mất mát này để hiểu hơn giá trị của cuộc sống, của yêu thương và của mỗi lần xa nhau và gặp lại…

Vụn vặt đời thường (67)

@ Có ai như mềnh không, đi dạy về mới nhớ nhà chả còn gì ăn, ngoài nắm rau răm hôm qua mua để kho cá kèo còn lại. Chỉ vì mớ răm khoảng 1k mà “phải” mua con gà về làm gỏi và nấu miến J Bây giờ mới rụt rẻ bốt lên đây, chứ đúng giờ ăn thì thế nào cũng người người mắng là “độc ác” :D



@ Hà Nội "ngàn năm văn hiến" sẽ cho thử nghiệm xe bus dành riêng cho phụ nữ để tránh bị quấy rối tình dục. Thế nếu trong xe này có tình trạng "quấy rối, bạo hành" giữa phụ nữ với nhau như lườm nguýt nói kháy ghen tỵ vì ai đó xinh hơn, mặc đẹp hơn, có đồ xịn hơn... thì ko lẽ lại phải có nhiều loại xe bus nữa à 
Vấn đề là phụ nữ và xã hội phải biết phản ứng và chống lại quấy rối tình dục chứ không phải bất lực mà giải quyết bằng cách "phân biệt đối xử" như thế. Tôi sẽ rất xấu hổ nếu phải đi tuyến xe bus riêng vì nguyên nhân này!
Hãy có thêm những chiếc xe bus thuận tiện cho người tàn tật và người già. Một đất nước gần một thế kỷ chiến tranh nhưng những gì dành phục vụ cho người tàn tật còn quá ít ỏi.

Ngày chủ nhật cuối cùng của năm 2014.
@ Máy bay AirAsisa mất tích với 162 người. Các nước liên quan đang nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn ở đâu đó. Các nước khác cũng sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu hộ. Mọi hy vọng vẫn được thắp lên, tiếp thêm hy vọng của thân nhân những người không may có mặt trên chiếc máy bay đó. Cầu mong điều lành! Thế giới và riêng Malaysia năm qua đã có quá nhiều mất mát…
@ Trường Đại học Hà Nội thành lập Viện Khổng tử. Từ kinh nghiệm của những nước đã từ chối hoặc đã đóng cửa Viện Khổng tử thì tôi thấy chẳng có hy vọng gì tốt đẹp! Còn từ bài học lịch sử nước mình thì coi như Triệu Đà đã gửi (thêm một) Trọng Thủy vào thành Cổ Loa, bên cạnh nhiều Trọng Thủy ở lĩnh vực kinh tế.

VÀI PHIM MỚI XEM - The Interwiew


Một bộ phim hài kiểu Mỹ. Nói ngay và luôn: nhạt, không có chi tiết và câu thoại nào đủ để làm người ta cười thú vị và sau đó sẽ nhớ bởi sự hài hước thông minh và bất ngờ như vẫn thấy trong phim Mỹ, nhất là phim hài, ví dụ như phim “Kẻ độc tài” chẳng hạn.

Tuy nhiên, có lẽ cái đích mà các nhà làm phim hướng đến là: dù thế nào và cách nào đi nữa thì cũng cần/phải làm cho dân chúng nhìn thấy sự thật – dù – chỉ - là – trên – truyền – hình. Với mục đích đó thì bộ phim đã đạt được.

Có cảm giác sự hiểu biết của các nhà làm phim về Bắc Triều Tiên khá hời hợt, kiểu như “chỉ nghe nói…”. Một góc độ nào đó phim này có thể coi như một kiểu tuyên truyền “minh họa chính trị”.
Những kẻ độc tài thường sợ sự châm biếm, giễu nhại. Chỉ có người thông minh và tự tin sẽ biết và thích sự hài hước, thậm chí biết chế giễu chính mình – một đặc điểm của con người.
Vậy thôi J


P/S. Âm mưu chính trị, nếu có, quanh sự kiện chiếu/ ko chiếu bộ phim này, cũng có thể là một mục tiêu khác của chính trị J





GIÁNG SINH TÍM


Cô đến S. vào một ngày tháng mười hai. Những ngày cuối năm  không khí  Giáng sinh tràn ngập khắp nơi, màu đỏ của bộ trang phục  ông già Noel, của những bảng hiệu cửa hàng giảm giá, màu xanh của những cây thông khổng lồ chăng đầy đồ trang trí sặc sỡ, màu trắng tinh lấp lánh dây đèn cũng của cây thông Noel mang lại cho thành phố xứ nhiệt đới này một cảm giác như có tuyết trắng mùa đông châu Âu. Thời tiết cuối năm buổi trưa nắng vẫn gay gắt nhưng sang chiều trời dịu mát se se hơi gió biển. Trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng công ty, căn hộ nhỏ cô vẫn trú chân mỗi khi qua đây, nơi nào cũng lạnh ngăn ngắt vì máy lạnh, với cô khoảng 20 độ là cô đã phải nào khăn nào áo khoác. Đồng nghiệp hay đùa số cô chẳng giàu được vì không biết xài máy lạnh.

Lần này cô sẽ ở S. đến Giáng sinh. Vì vậy chiều đi làm về cô ghé vào trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, tìm mua một chiếc áo mới để diện trong đêm Giáng sinh đến party ở nhà bạn bè. Lượn lờ khắp mấy tầng lầu với hàng trăm gian hàng đồ hiệu cô vẫn chưa lựa được thứ gì. Phân vân vì cô đã mang theo mấy chiếc áo đầm dạ hội rất đẹp nhưng lại vẫn muốn có một chiếc áo mới mua ở S. vào dịp này. Mỗi chiếc áo “điệu” của cô đều được mua vào một dịp đặc biệt nên cô rất thích cảm giác chỉ cần nhìn thấy nó cô như được sống lại ở thời gian và nơi chốn ấy. Những con người những sự việc sẽ trở lại sống động, đôi khi làm cô nhói buồn nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng qua đi, khi cô ngắm mình vừa vặn xinh tươi trong chiếc áo lộng lẫy. Đúng là đàn bà phù phiếm, có cái áo đẹp là chẳng  cần gì nữa, cô luôn tự “mắng” mình như thế.

Mỏi chân, lại đói vì… lạnh, cô ghé vào Starbucks coffee, một ly capuchino nóng  với hình cây thông bằng socola nâu bồng bềnh trên mặt, miếng sandwich nhỏ, lơ đãng nghe Sinatra và “My Way”:
For what is a man what has he got
If not himself then he has not
To say the things he truly feels
And not the words of one who kneels
The record shows I took the blows
And did it my way
Yes it was my way
Mỗi khi nghe Sinatra là cô thấy mùa Giáng Sinh đang tới, một năm cũ sắp qua. Giữa đông đúc nhộn nhạo cô thấy lòng mình nao nao, “You Make Me Feel So Young”, cô tự giễu mình để tránh cảm giác cô đơn đang quay lại thật gần.

Đưa mắt qua dãy cửa hàng phía trước, bỗng đập vào mắt cô một sắc tím lạ lùng, màu tím cô chưa từng thấy mặc dù cô là tín đồ của cái màu “buồn hiu” này như mẹ cô vẫn nói khi cô lại mang về nhà một cái gì đấy với các sắc độ tím khác nhau. Mắt cô luôn bị cuốn vào màu tím bất cứ khi nào và ở đâu, bây giờ cũng vậy. Đứng lên mang dẹp cái khay vào quầy, cô bước về phía màu tím ma mỵ kia.

Đó là một chiếc áo đầm nhìn xa có vẻ giản dị nhưng nhìn gần mới thấy sự sang trọng của nó, sang trọng từ kiểu dáng thanh lịch đến sự phối hợp hoàn hảo giữa các bộ phận như không thể chỉnh sửa thêm một ly nào nữa. Chất lụa mượt mà mềm như chảy trên tay cô, nhìn gần nó không hẳn tím. Cái sắc ánh lên dưới ánh đèn là sự pha trộn màu tím với hồng nâu và cam nhạt. Loang loáng lấp lánh mà vẫn tím dịu dàng đằm thắm làm cho cô thấy tim mình như tan ra… Chần chừ gì nữa mà không mua?

Nhưng, sự đời thường hay “nhưn nhị” thế, chiếc áo này đã hết size của cô! Đúng ra nó là “hàng độc” nên mỗi size chỉ có một chiếc mặc dù giá không mềm chút nào. Cô mặc thử mấy chiếc còn lại đều bị rộng hay chật quá, ráng mua mà mang sửa lại rất có thể sẽ làm nó hỏng hẳn vì nó đã quá hoàn hảo. Nhìn quanh, không còn kiểu áo nào cùng chất liệu của màu tím quý phái và đằm thắm ấy, chần chừ mãi rồi cô luyến tiếc rời cửa hàng, hết luôn hứng thú của thói quen lượn lờ shoppinh ngày cuối tuần.

Rất ít khi cô không mua được món hàng cô ưa thích, vì đã thích thì cô thường mua ngay. Cô khá kén chọn quần áo, nhưng may mắn lần nào về nhà ngắm đi nghía lại cô đều hài lòng không hối hận.  Lần này là chiếc áo đầm “không đụng hàng” mà cô thích đến thế… nhưng không thuộc về cô. Nếu cô mua được, nó sẽ là món quà Giáng sinh cô tự tặng cho mình như nhiều năm nay, từ khi “người ấy” ra đi… Cô gái nào mua được chắc sẽ rất hài lòng khi thấy mình xinh đẹp trong chiếc áo ấy. Biết đâu người mua nó là một chàng trai, anh ta mua làm quà Giáng sinh cho bạn gái? Ồ, như vậy thì chúc may mắn cho hai bạn, đã có món quà tình yêu quý giá trong tay thì hãy giữ gìn nhé, vì bạn biết không, ít nhất có một người cũng mơ ước được nhận  món quà như thế trong mùa Giáng sinh cô đơn.

Tự nhủ, cái gì của mình thì sẽ là của mình, nếu không phải của mình thì không bao giờ có được, dù có làm mọi cách đi chăng nữa. Vậy nên không việc gì phải tiếc, mình sẽ tìm được chiếc áo vừa ý cho đêm Giáng sinh.
Nhớ lại chuyện xưa cô mìm cười, ừ, đã đến lúc nên đi tìm một nửa thực sự là của cuộc đời mình. Còn quá khứ thì hãy “để gió cuốn đi”…

13/12/2014









THẾ LÀ HAI VỢ CHỒNG CÃI NHAU. (Lượm trên mạng)


Vợ tôi hỏi: Trên TV có gì lạ không anh ?
Tôi trả lời: Có rất nhiều bụi bậm, chắc tại em quên lau.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________
Ngày mai sinh nhật bà xã tôi, tôi hỏi bả muốn gì? Bả nói bả muốn một cái gì láng coóng, đi từ 0 tới 200 trong vòng 3 giây.
Tôi mua cho bả cái cân nhỏ để trong phòng tắm.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_____________________________________
Kỷ niệm 20 năm cưới nhau, tôi hỏi bả muốn đi đâu.
Bả nói: Em muốn đi đến một chỗ mà từ lâu em đã không đặt chân đến
Tôi nói: Ủa, em muốn vào trong bếp hả?
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
______________________________________
Giáng Sinh năm vừa rồi, tôi có tặng cho bà già vợ tôi một mảnh đất thiệt to trong một nghĩa trang thành phố rất đẹp để mai này bả có ra đi thì có chỗ đẹp.
Giáng Sinh năm nay, vợ tôi muốn biết tôi sẽ mua quà gì cho má của bả.
Tôi nói: Mua quà làm gì, quà năm rồi bả chưa xài tới mà, mua quà mới chi cho tốn tiền.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_____________________________________
Tôi muốn mua một thùng Heineken giá $29.90, bà xã tôi không chịu vì mắc quá. Nhưng tôi thấy bả mua một lọ kem dưỡng da mặt cho đẹp giá $70.
Tôi nói: Em biết không sau khi hết thùng Heineken anh thấy em đẹp hơn hay sao?
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_________________________________
Vợ tôi: Ngày cưới em có phải là ngày vui nhất đời anh không?
Tôi nói: Không! Chỉ là ngày vui hạng nhì thôi.
Vợ tôi: Chứ ngày vui thứ nhất là ngày gì?
Tôi nói: Là cái ngày em cuốn gói “dzề” bên má em 3 tuần. Giời ơi ngày nào cũng xỉn.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_________________
Vợ tôi: Cuối tuần này là sinh nhật của anh. Em muốn anh có được một cuối tuần thật là vui vẻ hạnh phúc. Nói em nghe anh muốn gì nào?
Tôi nói: Sẽ không có gì làm anh vui và hạnh phúc hơn nếu em cuốn gói “dzề” bên má em 3 tuần như lần trước.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
______________________________________
Trước ngày “Tình Nhân” (Valentine) vợ tôi nói: Đêm hôm qua, em nằm mơ thấy anh tặng em cái nhẫn kim cương, thế nghĩa là gì hả anh?
Ngày lễ “Tình Nhân” tôi tặng nàng cuốn sách "Đoán điềm giải mộng".
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
P/S (của tui). Lần nào cũng vậy, bất cứ chuyện gì chúng tôi cũng cãi nhau. Một lần tôi nhẹ nhàng hỏi vợ: Anh làm gì nói gì em cũng không hài lòng, vậy em muốn anh thế nào? Vợ tôi liền đáp: Ai bảo anh là em không hài lòng? - Sao em cứ trả lời anh bằng một câu hỏi vậy? - Em hỏi anh khi nào? 
Thế là hai vợ chồng lại cãi nhau.


Chuyện chị Phụng – chuyện của chúng ta (vài phim mới xem)





Nguyễn Thị Hậu
Lâu nay tôi không mấy cảm tình với phim tài liệu, bởi sự khô khan và tính “phong trào” của nó. Trước đây tại các rạp phim tài liệu thường chiếu “kèm” trước phim chính, đây là lúc người đi trễ ra vào ồn ào nên không ai thực sự quan tâm đến những gì chiếu trên màn hình. Bây giờ người ta chiếu quảng cáo vào thời gian này, và cũng vậy, ít người để ý. Ngoài ra phim tài liệu hầu như chỉ chiếu trên TV, vào những dịp lễ lạc thì chiếu những phim cũ, chiến thắng thành công đột phá một thời…  Phim mới thì vẫn “X, Y, Z… một chặng đường”, ca ngợi rập khuôn một kiểu.
Ngày càng hiếm phim về thân phận con người hoặc đi thẳng vào những vấn đề lớn của xã hội mà có thể làm lay động, thức tỉnh người xem, như hai bộ phim trước kia của đạo diễn Trần Văn Thủy.

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” , bộ phim tài liệu đầu tay của Nguyễn Thị Thắm đã làm tôi thay đổi quan niệm về phim tài liệu, và làm tôi phải giật mình vì nhận ra, dù đã có hiểu biết nhất định về những người thuộc “giới tính thứ ba” nhưng vẫn còn đó trong vô thức sự định kiến về họ. Trong phim này, họ là  những - người - phụ - nữ.

Nếu từ những thước phim đầu người xem còn có gì đó phân vân gường gượng khi nghe các nhân vật trong phim gọi nhau là cô là chị là em bằng cái giọng đặc trưng của họ, thì càng về sau những cô những chị ấy đã “thuyết phục” được người xem tin rằng họ là phụ nữ, không phải ở hình hài bên ngoài hay bằng điệu bộ “khác thường” mà chính ở sự chân thật. Họ thật sự nghĩ và tin mình và những người bạn cùng trong “gánh hát rong” là phụ nữ. Họ nhạy cảm với thái độ kỳ thị, đa cảm trong các mối tình thường không “có hậu”, họ sống tình cảm với bạn bè và dũng cảm chấp nhận số phận và hoàn cảnh, không che dấu thân phận của mình.

Cách đây không lâu tôi dự một cuộc hội thảo về chủ đề người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính. Cuộc hội thảo đã có nhiều bạn trẻ thuộc “thiểu số” này đến dự, họ công khai và đàng hoàng khi nói về giới tính (và xu hướng tình dục) của mình. Họ chỉ có một câu hỏi, cũng là một đòi hỏi: Vì sao sự khác biệt của chúng tôi lại là một “tội lỗi”, vì sao chúng tôi không được nhìn nhận như chính chúng tôi? Trong cuộc hội thảo này còn có nhiều bậc cha mẹ có con em thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính (LGBT), họ đã chia sẻ câu chuyện đẫm nước mắt về những xung đột gay gắt kéo dài trong gia đình họ, thậm chí có cả cái chết… để cho đến hôm nay, họ đã thừa nhận và chấp nhận rằng, con em họ có quyền được sống, được yêu, được hạnh phúc như số phận đã định, dù giới tính không như số đông trong xã hội.

Bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã chạm được vào tận cùng sự thật của một phần cộng đồng LGBT trong một đoàn hát rong kiêm hội chợ lô tô, một loại đoàn hát khá phổ biến ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Bộ phim là câu chuyện giản dị về những người bình thường, hay “bất thường” trong mắt nhiều người. Cách cư xử, lời nói, suy nghĩ dù hài hước hay tỏ vẻ “anh chị”, thản nhiên hay đau đớn xót xa, những sinh hoạt đời thường của họ… dần dần, như cơn mưa rào trong phim, làm phai nhạt những định kiến, làm đầy lên sự cảm thông với những con người dám sống như chính mình. Đoạn cuối phim, đám cháy trong đêm, cơn mưa gạch đá, tiếng gào khóc, vách tường cháy đen nổi bật trong nhập nhoạng bình minh, bàn chân chị Phụng ngập ngừng trên thềm nhà ngổn ngang… Người xem nghẹn thở, cảm giác bất lực trước sự độc ác vì định kiến ngu dốt, vì tâm lý hành xử của đám đông bần cùng hiểu biết.

Cái nhìn vô định, tiếng hát khe khẽ bình thản, chịu đựng, như một thói quen của chị Phụng “còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ, thôi hết rồi thôi hết rồi…”  làm khán giả nghẹn ngào. Chị Phụng chị Hằng chết vì bệnh tật, đoàn hát tan rã…Những giọt nước mắt đã rơi vì đồng cảm, thương xót và thấu hiểu dành cho những người bất hạnh nhưng vẫn cố gắng đùm bọc nhau và kiếm sống một cách lương thiện.

Còn gì nữa đâu… vẫn còn đó trong tôi, và nhiều người xem, tôi tin thế, suy nghĩ nhân văn hơn về những con người không giống số đông. Chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng và đối xử tử tế với những gì khác biệt nếu như nó không làm phương hại đến xã hội, câu chuyện của chị Phụng kết thúc rất buồn nhưng với chúng ta, nó chưa kết thúc…


Sài Gòn 9/12/2014

Vụn vặt đời thường (66)

@ Cứ đọc BÁO - CHÍ - MẠNG nước nhà thì thấy cái xấu ngày càng ổn định còn cái tốt cứ chập chờn 
Đúng theo "truyền thống" xấu đều hơn tốt lỏi!


@ Đôi khi có những giờ phút  “thảnh thơi” vì không thể làm được việc gì cho ra hồn cả.
Đôi khi ở một nơi xa mà không lạ nhưng cảm giác thì rất lạ, vì chưa bao giờ ở đó mình lại quá rảnh như thế.
Đôi khi không muốn ngoái lại phía sau, chỉ vì không muốn nhìn thấy những gì quen thuộc bỗng trở thành lạ lùng.
Đôi khi hiểu ra, đừng cố gắng làm một điều gì đó khi trong lòng đã thấy bất an.
Ngồi lướt FB hờ hững bỗng muốn làm thơ J
Đừng yêu quá, đừng cần quá, đừng muốn quá.
Nhưng đói quá, đau quá, lạnh quá… thì không “đừng” được.
Nó là sự phản ứng tự nhiên của cơ thể
Cũng vậy, trống rỗng cũng là phản ứng tự nhiên, khi ta cho đi hết mà không có gì để nhận lại.
(lảm nhảm trong khi… chờ ăn. Đời bù trừ, bữa quá ngon và no, bữa thì ngược lại).

@ Khi tân Hoa hậu năm nay trả lời về sự khác biệt giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước khác là “đức tính hy sinh” thì tôi hiểu em đã được giáo dục như thế (và có thể, em không có sự lựa chọn cho câu trả lời khác?).  Cô Kiều, chị Dậu là những tấm gương mà chúng ta luôn dạy dỗ cho con cái, cả "tám chữ vàng" cũng là sự phong tặng, ca ngợi sự hy sinh, vất vả của phụ nữ. Tuy nhiên tôi cho là thế hệ trẻ hiện nay, cả nam và nữ, nhiều em không còn quan niệm như thế hệ trước. Vì thế, những câu hỏi ứng xử nói chung và câu hỏi trong cuộc thi Hoa hậu nói riêng cần là những câu làm cho các em – người trẻ - bộc lộ được suy nghĩ chân thật của thế hệ mình, chứ không phải chỉ lặp lại những gì thế hệ trước dạy dỗ.


Người ta vào Restroom để làm gì  Tất nhiên ai cũng biết để làm gì. Nhưng thật ra nó còn là nơi người ta gọi/trả lời những cuộc điện thoại - có - lẽ - không - tiện - cho người khác biết. Chứng kiến một vụ "bắt ghen... điện thoại" trong restroom, khi bà vợ thấy ông chồng lâu quá, cũng đi vào restroom NỮ. Ai dè bên này nghe thấy bên kia đang nói chuyện với ai đó. Chuyện bèn xảy ra :D

Bài học: nếu chồng/vợ/bồ đi restroom thì hãy nói "để điện thoại lại em/anh cầm cho". 

Slogan của những người chuyên sử dụng điện thoại trong restroom: HÃY GIỮ GÌN ĐIỆN THOẠI NHƯ GIỮ GÌN CON NGƯƠI TRONG MẮT MÌNH :)

 — cảm thấy chẳng đâu vào đâu.






ĐẬP BÚA VÀO TAY




Nguyễn Thị Hậu

Bạn đã có lần nào đau điếng người vì đập búa vào chính tay mình chưa?
Bạn ở trong bếp, ông xã ngoài phòng khách đóng cái gì đấy cộp cộp. Bỗng nghe tiếng con khóc, rồi thằng bé chạy vào ôm lấy bạn. Bạn âu yếm hỏi (hệt như ông bụt hỏi cô Tấm), làm sao con khóc? Thằng nhỏ trả lời, bố bị búa đập vào tay. Ồ, vậy à. Bố bị đau nhưng không khóc. Con trai thì phải dũng cảm như bố chứ? Huhu, thằng bé nức nở, tại lúc bố đập búa vào tay con buồn cười quá… À, thế thì chính là con trai bị “búa đập” chứ không phải là bố!

Hồi yêu nhau. Có lần gọt trái cây cho nàng, anh bị đứt tay chút xíu. Nàng mặt mày tái mét, ôm cả cánh tay anh hốt hoảng đòi đưa đi… bác sĩ! Lấy nhau rồi. Một lần thấy tấm hình cưới sắp bị rớt, anh mang búa đinh ra sửa. Loay hoay sợ đụng bể kiếng, búa đập vào tay. Máu tóe ra. Anh xuýt xoa nhờ nàng lấy giùm bông băng, nàng bực bội rời mắt khỏi màn hình TV đang sướt mướt phim Hàn quốc: Sao anh vụng thế! Chồng với chả con! Vết đứt tay ngày xưa giờ anh mới thấy thấm đau!

Nhà không có đàn ông, tất tật mọi việc bạn đều (phải) tự làm lấy. Từ việc lớn như kiếm tiền, xây nhà, sửa nhà… cho đến việc nhỏ như chăm con, cơm nước chợ búa, việc vặt như đóng đinh treo tấm lịch hay móc đoạn dây phơi, bạn đều thành thạo.Vậy mà đã có lần bạn gọi cho tôi, giọng nức nở, tôi hốt hoảng hỏi có chuyện gì… bạn nghẹn ngào không nói được. Một lúc sau nghe tiếng con bạn trả lời “mẹ con bị búa đập vào tay”, tôi lặng người. Ừ, lỡ bị búa đập vào tay thì chắc là rất đau, nhưng đau đến mức phải gọi và khóc với một ai đó thì nỗi đau không phải chỉ ở cái tay bị thương… 

Có cậu bé kia tính khí nóng nảy rất hay làm tổn thương người khác. Bố cậu bắt buộc: mỗi lần phạm lỗi con hãy tự đóng một cây đinh vào hàng rào ngoài kia để nhìn thấy mà răn mình. Nhiều lần sau đó dù đã biết lỗi nhưng cậu vẫn không bình tĩnh nên thường đập búa vào tay đau điếng. Chính vì bị đau như vậy nên một thời gian sau cậu từ bỏ được tính khí nóng nảy, nhưng hàng rào nhà cậu thì trở nên xấu xí vô cùng vì bị những chiếc đinh đóng vào nham nhở.
***
Từ chuyện bị đau khi đập búa vào tay lại lan man chuyện khác. Thường thì ta sẽ rất cẩn trọng khi làm những việc lớn nhưng khi làm việc nhỏ thì ít ai chú ý. Là vì ta nghĩ nó là chuyện vặt, dễ làm, nếu có làm sai cũng chẳng sao, làm lại mấy hồi. Đấy, như việc đóng đinh lên tường chẳng hạn.

Tường cũ gạch ẩm, lớp vữa đã mềm thì đóng đinh nào cũng dễ vào, nhưng có khi chỉ cần lay nhẹ là đinh rơi ra, treo cái gì lên không khéo lại rơi trúng đầu mình! Tường mới nhưng xây ẩu trát vụng thì cũng vậy, có khi phải đóng đi đóng lại, xê dịch vài lần chiếc đinh mới yên vị. Nếu là tường mới, vết đinh để lại làm xấu hẳn. Chưa kể đinh làm bằng thép dỏm, đinh rỉ, mới bị một búa đã cong queo, chuyện đóng đinh mà đập búa vào tay là thường.
Cuối cùng thì vẫn là người đóng đinh. Tay búa tay đinh cẩn thận thế mà còn đập vào tay mình! Mà cái đau khi bị búa đập vào tay mỗi người mỗi khác! Bởi vậy có ai dại mà cầm giùm đinh cho người khác đóng đâu!

Bây giờ đinh bằng thép không gỉ có thể đóng thẳng vào tường, thậm chí qua cả tường bê tông. Nhưng người ta hay dùng khoan điện, khoan vào tường, đóng một cái tắc-kê, rồi đóng cái đinh sáng loáng vào đó, thế là xong. Chắc chắn. Sau này không cần nữa thì nhổ đinh ra, không làm “nát tường”. 

Cũng cái đinh thép ấy đóng lên tường mục thì dễ, nhưng cũng như đinh gỉ, chẳng an toàn chút nào khi treo vật gì lên đó, là tại tường chứ không phải tại đinh. Tường mục tường cũ đinh mới đinh tốt đóng lên cũng phí. Cho nên tường chắc thì đinh đóng vào mới chắc.

Lẩn thẩn chuyện về đinh với tường. Thế nào mà lại nghĩ, mỗi người, bằng hành vi và lời nói, sẽ luôn đóng những chiếc đinh lên bức tường xã hội. Từ những “chiếc đinh” ấy bức tranh xã hội muôn hình vạn trạng được “treo” lên, đẹp hay xấu, nham nhở hay có mỹ thuật, chắc chắn hay lỏng lẻo lung lay… tùy thuộc vào vào cách ta cầm búa đóng đinh có khéo léo hay không, vào chất lượng cái đinh ta chọn. Có lẽ không ai chọn đinh gỉ để đóng lên tường nhà mình, phải không? Vậy cũng đừng biến hành vi lời nói của mình thành “chiếc đinh gỉ” mang vi trùng uốn ván phát tán khắp nơi.

Ấy vậy mà bây giờ người ta hay chê nhau “không là cái đinh gì” mà chẳng ai chú ý đến bức tường cái đinh ấy đóng vào.

1/12/2014
 Tuổi trẻ cuối tuần 12/12/2014. Minh họa LÊ THIẾT CƯƠNG

MỘT NGÀY ĐÀNG…



( Một ngày tháng mười hai năm nào đó)
           
Trưa hôm trước Đặng Thân gọi điện Chị ơi mai đi nhà anh Lưu (Phạm Lưu Vũ) thế nào đây? – Ư, chị đã dặn mọi người tụ tập ở chỗ Lê Anh Hoài, em qua đó đón  mọi người cùng đi nhé. –  Vậy đúng 9 giờ xuất phát, có lái xe rồi vì em đang bị cảm (giọng “nghẹn ngào” vì nghẹt mũi ở một người như Đ.T, nghe cũng cám cảnh lắm!).

Sáng sớm L.A.H đến đón, kèm theo cái mũ bảo hiểm to đùng, màu xanh lè (và một câu khẩu hiệu dán phía sau “Yêu Hoàng Sa Trường Sa, ghét U23”, hehe) nhưng mà cả mũ và chữ đều xấu quá, đành phải đội vì đang mấy ngày đầu thực hiện “Nghị quyết” của chính phủ về việc đội mũ bảo hiểm, công an đầy đường, lăm le rình phạt… Hai chị em đi ra chợ Hôm mua trái cây, rượu, hương hoa… về quê anh Lưu đám giỗ mà. Hơn 9 giờ mọi người mới tụ tập đông đủ. Có Lý Đợi từ Sài Gòn ra (chị về Sài Gòn chưa, em sắp ra? Chưa, cuồi tuần chị còn đi về nhà anh Lưu, em ra sớm cùng đi nhé?), có Tuấn Anh làm việc tại Viện Goeth (L.Đ ra Hà Nội tối qua ở nhà T.A). Đ.T trông hơi mệt mỏi, ho, sụt sịt… nhưng phấn chấn hẳn lên khi gặp các “chiến hữu” thân thiết (và một bà chị rứt chi là nhố nhăng!).

Lên xe xuất phát cũng gần 9g30. Chả biết Đ.T “bấm giờ” thế nào mà chuyến đi có vài trục trặc nhỏ… Đến gần Phủ Lý thì kẹt xe do phía trước sửa đường gì đó. Từ sáng chưa kịp ăn uống gì nên cả bọn ghé vào một quán nhỏ ven đường, gọi cà phê và mì gói. Hi, có lẽ quán cũng ít khi có khách nên chờ mãi ông chủ quán mới nấu xong ấm nước sôi, pha cà phê bột, đá thì lõng bõng vài cục từ tủ lạnh, mì gói “không người lái” không hành, không rau và dĩ nhiên không thịt! Có lẽ chỉ có mình và L.Đ là dân “bụi đời”, còn các cậu em đều là “công tử” Hà Thành nên bữa ăn sáng như thế này quả là đạm bạc!

 Mình thì mua ngay một gói kẹo dồi. Ôi, món khoái khẩu của mình từ thời thơ ấu: nó là những khúc kẹo kéo lớn, cắt xéo như miếng dồi, vừa giòn, vừa dẻo, vừa bùi, vừa ngọt, vừa thơm mùi lớp bột nếp phủ ngoài. Nhưng sao miếng kẹo dồi hôm nay không còn mùi vị của ngày xưa, nó cứng quèo và sặc mùi dầu chuối… Tự nhiên thấy mình vô duyên quá khi hớn hở bóc gói kẹo… cứ như thấy người lạ lại vồ vập tưởng như gặp người quen!

Một lúc lâu thì đường cũng thông. Lên xe đi tiếp, bàn nhau: nói “kẹt xe” (kiểu Sài Gòn) hay “tắc đường” (theo kiểu Hà Nội) thì đúng? Ừm, có lẽ “kẹt xe” mang ý chủ quan nhiều hơn: do những người tham gia giao thông gây ra, do không tuân thủ luật lệ, đường nhỏ, hay đến giao lộ thì phải nhường nhau một chút, chứ cứ mạnh ai nấy chen thì chẳng nhanh hơn bao nhiêu mà còn gây ra cảnh… đứng đó nhìn nhau và ngửi khói bụi! Còn “tắc đường” mang lý do khách quan nhiều hơn: là do đường hư hỏng hay tai nạn… Nếu lúc đó mọi người đều “biết điều” một chút thì lưu thông cũng chỉ chậm thôi, nhưng nếu cũng mạnh ai nấy chen thì “tắc đường” và “kẹt xe” cùng lúc sẽ xảy ra, và… đó là tình trạng diễn ra thường xuyên hiện nay tại Hà Nội và Sài Gòn. Người Việt Nam mình hình như rất thiếu kiên nhẫn (dù rất thừa thời gian) trong những lúc như thế!

Điện thoại cho anh Lưu anh ơi đến chỗ nào thì rẽ vào nhà mình ạ? Cứ đi đến chỗ đấy chỗ đấy thì rẽ phải. Thế đã có tiết canh lòng lợn chưa anh? Đang làm sắp xong rồi, chúng mày nhanh lên! Đ.T nhăn nhó, chán thế, hôm nay lại bị cảm, chả biết ăn tiết canh có sao không? L.Đ, eh, tiết canh lòng lợn “nhà làm” như bác Lưu quảng cáo mà không ăn thì hơi bị tiếc đấy! Nhưng sao đi mãi chả thấy cái chỗ rẽ mà bác Lưu bảo đâu cả. Lại Đ.T, đấy, đã bảo cái con mẹ lúc nãy trả lời “đểu” rồi, tao nhớ phải đi đến đây, đến đây mới rẽ cơ mà… L.A.H, tại mày nhớ không chính xác thì phải hỏi chứ! - Lần ấy mày cũng đi cùng với tao còn gì? - Nhưng mày lái xe chứ tao lên xe là  ngủ suốt…Lại gọi Anh Lưu ơi bọn em đang ở chỗ này,chỗ này… đi tiếp thế nào? - Giời ơi sao lại đi đường ấy, chúng mày ngu thế! Quay lại đi đến đấy, đến đấy, ngay chân cầu thì rẽ, để tao chỉ dẫn cho bác tài… - À  vâng em biết rồi. Lại quay lại đoạn đường vừa qua.

 L.Đ nhăn nhó, em đau bụng quá. - Hay tại bát mì lúc nãy? - Không phải đâu, chắc tại bị lạnh tối qua. Thấy một quán ăn cạnh một hiệu thuốc nhỏ, mình bảo ghé vào quán này một chút nhé, cho L.Đ “giải tỏa ấm ức”, và để mua cho Đ.T mấy viên thuốc cảm. Cả bọn kêu mấy chai bia Hà Nội ngồi uống, có vẻ rất thong dong. Đúng lúc nhà hàng đưa thực đơn ra (tưởng gặp khách sộp!) thì L.Đ hiện ra mặt mũi tươi tỉnh giục đi kẻo muộn, cả bọn cám ơn nhà hàng và vội vàng ra xe. Uống xong viên thuốc cảm (uống với bia), giọng Đ.T cũng đỡ ngụt ngạt, có vẻ yên tâm là có thể ăn được lòng luộc tiết canh!

Lần này thì mọi người để yên cho bác tài lái xe tìm đường, không chỉ đạo lung tung nữa. Ngay chân cầu “biên giới” của Hà NamNam Định xe rẽ vào con đường ven con sông nhỏ. A, đường đê. Lại bàn nhau, thời xưa đường thủy là chính, đò ngang đò dọc khắp các con sông lớn nhỏ. Còn đường bộ thì chỉ có tuyến đê chống lũ lụt, có lẽ đây là hệ thống đường bộ dài nhất ở đồng bằng Bắc bộ cho đến trước khi người Pháp vào “khai hóa văn minh”. Hệ thống đê ở lưu vực sông Hồng vĩ đại không kém “trường thành” nhưng ý nghĩa và giá trị nhân văn cao hơn. Nó là thành quả của một quá trình lao động tự giác và hợp tác của nhiều thế hệ, nhiều cộng đồng cư dân để cùng bảo vệ, bảo tồn nơi sinh sống. Vì vậy hàng năm đê thường được gia cố, có khi đắp thêm cho cao hơn, chắc hơn. À, hai vòng thành ngoại và giữa ở Cổ Loa thực chất là đê của Hoàng Giang (một nhánh của sông Hồng nay đã không còn) nên mới đắp vòng vèo men theo bờ sông như thế, chẳng có vuông tròn kiểu ‘thành lũy” gì cả. Khi có chiến tranh, đê là thành và sông là hào, phòng thủ hữu hiệu. Còn thời bình thì “thành” lại /cứ là đê, và được đắp thêm, và lớp đất sau chồng lên lớp trước… hàng trăm năm như vậy, đến tận ngày nay…

Dọc bờ đê có những điếm canh. Mùa lũ lụt canh mức nước lên xuống kịp thời gióng trống thúc đê. Ngày thường có khi là canh trộm cướp, giặc giã… không hiếm khi ban đêm lại là nơi hẹn hò bí mật của trai gái trong làng. Đôi chỗ điếm canh còn biến thành ngôi miếu cổ, thờ người chết đuối xác trôi vào chân đê gần đó, hay là nơi cúng rồi thờ Thủy thần mùa lũ lớn. Cạnh điếm canh, miếu thờ thường có gốc đa, gốc gạo cổ thụ. Trưa hè nắng nóng là nơi nghỉ chân cho khách bộ hành hay người làm đồng… Phía ngoài đê vào mùa đông thường là bãi trồng ngô. Chợt nhớ tê tái, hồi mới 6, 7 tuổi, những buổi sớm mùa đông lạnh buốt cùng bạn bè ra bãi hái rau muối, loại rau dại mọc lúp xúp trong ruộng ngô, hơi sương đêm lấm tấm trên cánh trông như những hạt muối nhỏ phủ dày. Rau muối nấu canh suông ngọt lắm, chả cần mì chính (bột ngọt) gì cả!

Vào đến nhà anh Lưu gần 12g (vì lại đi quá ngõ nhà anh một đoạn, tại mải nhìn đàn vịt bầu lạch bạch trắng bờ đê?). Ngôi nhà mới xây xong khang trang, sân vườn rộng rãi. Nhà trên nhà dưới đông người lui tới, ngoài sân đã bắt đầu dựng rạp. Mấy chị em thắp hương xong được giục ngồi ngay vào mâm… Thức ăn đầy mâm cỗ nhưng bác Lưu vẫn dõng dạc gọi bê ra bát canh rau cần nấu cá quả. Dễ đến mấy chục năm mới được ăn lại món canh dân dã này… Nhìn cả bọn ăn uống, tấm tắc, bác Lưu như nở từng khúc ruột!
À, đang thịt lợn bên kia, tiết canh lòng lợn xong chưa thì mang sang nhé! Hihi, công nhận là ngon, vì thịt vì cá vì rau cái gì cũng tươi… đi chợ ở Sài Gòn hay Hà Nội khó mà mua được thức ăn tươi ngon như thế!

Chiều, đã đến lúc phải về rồi… chả biết bao giờ mới có lại một dịp vui như thế. Thì chị cứ ra đây, thích thì sẽ lại đi, khó gì… Ôi, giá mà cái gì thích cũng sẽ được?!
 Lại một chuyến “bay đêm” về Sài Gòn… Ngồi bên cửa sổ máy bay, nhìn ra bầu trời tối đêm, nghĩ ngợi linh tinh… Giá mà bây giờ máy bay “bay lạc”, ngược về Hà Nội, nhỉ…?



 12/2008

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...