VÀI PHIM VỪA XEM : Xe đạp Bắc Kinh


Câu chuyện xoay quanh một chiếc xe đạp bị đánh cắp, một người mua nó ngoài chợ trời, rồi chủ nhân chiếc xe đã tìm thấy nó như một việc “mò kim đáy bể”. Cậu bé học sinh thành phố mua chiếc xe bằng tiền… của bố “để dành mua xe cho con”. Bố cậu đã nhiều lần hứa sẽ mua xe cho cậu nếu cậu đạt được điều này điều kia. Cậu đã thực hiện được tất cả nhưng lời hứa của bố vẫn chỉ là lời hứa! Khi phát hiện con đi xe của người khác, dù mua bằng tiền của mình, ông bố cương quyết bắt con trả xe cho người chủ chiếc xe – cậu bé nhà quê nhập cư lên thành phố.

Nhưng lúc này nảy sinh một vấn đề, như đối thoại của hai cậu bé trong phim:
-        Chiếc xe này của mày phải không?
-        Đúng, của tôi.
-        Nhưng tao đã mua nó hết 500 tệ, bây giờ máy muốn lấy lại thì phải trả tao tiền.
-        Tôi không có tiền, tôi đã có nó bằng công sức của tôi.
-        Tao không biết. Mày mất xe thì đi tìm thằng ăn cắp mà đòi, xe này tao mua là của tao.
-        Không, xe này của tôi vì tôi mua và đã khắc cái dấu vào đây.
… Tóm lại cả hai người cùng mất công mất tiền để có đúng một chiếc xe. Vậy phải làm sao? Giải pháp cuối cùng: mỗi người sử dụng chiếc xe một ngày.

Một ngày cậu học sinh trung học đi xe đến trường. Một ngày cậu bé nhập cư đạp xe đi làm. Họ hẹn ở một góc phố và cứ chiều thì gặp để đưa xe cho nhau. Cảnh này lặp lại nhiều lần… cứ thế cho đến một ngày, cậu bé nhập cư kia lấy xe đúng lúc cậu học sinh bị một nhóm người vây đánh. Hai cậu chạy trốn. Một tốp đi xe đạp đuổi theo cậu học sinh, tốp kia cũng đi xe đạp đuổi theo cậu bé nhà quê… cả hai chạy mãi chạy mãi, vòng vèo trong rất nhiều ngõ nhỏ trước những cái nhìn thờ ơ, vô hồn… Bỗng hai đứa gặp nhau.
-        Sao cậu không chạy đi cứ theo tớ làm gì? Cậu học sinh vừa chạy bán sống bán chết vừa hỏi.
-        Tớ không biết đường. Cậu bé kia cũng vừa cuống quýt đạp xe vừa trả lời.
Sau câu đối thoại hài hước này cả hai đứa bị dồn vào một ngõ cụt. Cả hai bị trận đòn nhừ tử, còn chiếc xe đạp bị đập tan nát…

Cảnh cuối phim, cậu bé nhập cư vác cái xe đạp gãy nát trên vai, cứ lảo đảo đi, đi mãi, qua bao nhiêu dòng người đi xe đạp, qua bao nhiêu con đường kẹt dài xe hơi… Cuộc sống của người trẻ, dù ở thành phố hay từ nông thôn nhập cư cũng không thể thoát ra khỏi sự trì trệ và ảm đạm. Sự vùng vẫy của chúng, cũng chỉ như những chiếc xe đạp luôn chạy vội vã trong thành phố Bắc Kinh mờ ảo vì khói bụi và ô nhiễm. Những dòng người gò lưng trên xe đạp trông hệt như những bầy cừu trên đồng cỏ khô héo vào một ngày mùa đông xám xịt.

Chiếc xe đạp trong phim đối với cậu bé nhập cư là việc làm để kiếm sống, là hy vọng đổi đời, như một của cải quý giá được đánh đổi bằng sức lao động. Còn với cậu bé thành phố thì như một thứ để thể hiện sĩ diện với mọi người và với bạn gái. Giống hệt như tâm lý nhiều người Việt khi (cố gắng) mua một chiếc xe máy đắt tiền hay chiếc xe hơi model!

 Đây là một phim có nội dung rất đơn giản, tình tiết cũng vậy, lặp đi lặp lại nhưng không thừa một chi tiết nào cả. Ngắn gọn, giản dị và xúc tích nhưng làm người ta ám ảnh rất lâu. Một bộ phim hay chỉ cần có vậy!

P/S 1. Ở các thành phố ở Trung quốc, chuyện xe đạp bị mất là rất bình thường, thậm chí, nếu khóa bánh xe vào đâu đó thì bánh xe còn nguyên đó nhưng những bộ phận khác thì mất. Mình đã nhiều lần chứng kiến điều này khi đưa con gái đến học ở Thiên Tân. Cho nên, hiếm khi thấy một chiếc xe đạp đẹp trên đường phố, đúng như cảnh trong phim. Và nếu lỡ mất thì ra chợ giời tìm mua chiếc khác, rất có khả năng mua lại đúng chiếc xe của mình J
P/S 2. Viết xong note này mới lò dò tìm trên mạng, hóa ra đây là bộ phim của đạo diễn Vương Tiểu Soái , bộ phim đã đạt giải Gấu bạc và giải Tài năng trẻ tại liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 51 (2001) :D
P/S 3. Phim về  cuộc sống hàng ngày chả cần tham vọng phải chứa đựng phản ánh triết lý gì sâu xa ghê gớm, hãy cứ làm được như bộ phim này, hay như “Lạc lối ở Bắc Kinh”. Học ở đâu xa!

Hình ảnh có liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...