TRÒ CHUYỆN VỚI ĐINH HƯƠNG (nhân ngày Gia Đình 28/6)

- Có một nghiên cứu cho rằng: Mẫu số chung của tất cả những người thành công trong mọi lĩnh vực là khả năng thiết lập mục tiêu và chinh phục mục tiêu, khi đã xác dịnh được mục tiêu cuộc sống của mình rồi thì người ta sẽ biết cách tập trung vận dụng kiến thức, tổ chức sắp xếp thời gian và nguồn lực để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống. Xin hỏi, chị có một mục tiêu nhất định nào cho cuộc sống của mình không?
Từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ rằng, hãy cố gắng học hành để có được một nghề nghiệp có ích cho bản thân và xã hội, nếu nghề ấy phù hợp với sở thích thì càng tốt, ta sẽ có sự say mê bên cạnh ý thức trách nhiệm. Vì vậy, bắt đầu đi làm tôi chỉ tâm niệm một điều: ngòai xã hội hay trong gia đình, hãy làm tốt công việc của mình với trách nhiệm và niềm vui. Có thể coi đó là mục tiêu được không, khi mà giờ đây nhìn lại cuộc đời mình tôi nhận thấy, để đạt được điều đó quả thật có rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Ví như, trong những giai đọan khó khăn chung của cả nước, làm sao có thể sống bằng đồng lương giảng viên đại học? Rồi khi có con nhỏ, làm thế nào để thực hiện công việc chuyên môn luôn phải đi xa? Thậm chí có lúc còn phải cân nhắc giữa sở thích, sự nghiệp và các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội… Nhưng nhờ có mục tiêu đơn giản đó mà nói chung tôi đã có sự lựa chọn phù hợp trong từng hòan cảnh để giờ đây nhìn lại, tôi thấy mình may mắn vì được làm (và làm được) những công việc lý thú dù có thể không phải là nghề nghiệp được đào tạo, và luôn có niềm vui từ gia đình, bạn bè, con cái.

 - Thường thì việc phấn đấu trở thành số 1 trong cơ quan hay trong công việc cũng  đồng nghĩa với việc sẽ hy sinh hạnh phúc gia đình để dồn toàn bộ tâm trí vào sự nghiệp, chị đã cân bằng hai việc này như thế nào?
 Tôi chưa bao giờ có sự phấn đấu như vậy, và thực sự cũng chưa bao giờ là “số 1” cả ở cơ quan hay trong gia đình J Tuy nhiên, tôi hiểu chị muốn nói đến “sự cân bằng” giữa vai trò của người phụ nữ ngòai xã hội, với người phụ nữ trong gia đình. Tôi thì nghĩ đơn giản lắm, ở mỗi nơi mình có một chức năng khác nhau: ở cơ quan có thể là lãnh đạo, quản lý công việc thì trước hết cứ theo nguyên tắc mà làm, bản thân ý thức và làm sao cho nhân viên thực hiện công việc một cách thỏai mái chứ không phải làm do “mệnh lệnh”. Còn ở nhà, việc của mình là lo con cái bếp núc thì cũng tự làm, nếu được phụ giúp chia sẻ thì càng tốt, mà không thì mình ráng chút cũng xong. Không tự gây áp lực cho mình để “vừa lòng, chiều lòng” ai, vì như vậy rất mệt mỏi.
Tôi nghĩ, khi ai cũng làm đúng trách nhiệm của mình thì mọi việc nói chung sẽ ổn.

- Khoảng thời gian nào chị dành để chăm sóc bản thân? Đi shopping, café, tán gẫu cùng bạn bè, tập thể dục, yoga… chị “tiêu” thời gian nhiều nhất cho “món” nào? Nó giúp chị được những điều gì?
Với nhịp sống thành phố rất vội vã, đồng thời cũng có khá nhiều công việc, có lẽ tôi cũng như nhiều người luôn phải sống “linh họat” như một đặc điểm của văn hóa Việt Nam J . Thời giờ làm việc ở cơ quan, đi dạy thêm ở một số trường đại học, cao đẳng đã chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày, trong tháng… Thường thì tối khuya sau 9g là lúc tôi dành cho mình: trò chuyện với con, lướt mạng, viết gì đấy, đọc sách… Thi thỏang sáng cuối tuần, thường hơn là những buổi trưa, tôi hay ngồi cà phê cùng bạn bè thân thiết, lâu lâu mới shopping, còn tập thể dục, yoga, thiền… thì chưa dù bạn bè cũng rủ rê… Những thú vui này giúp tôi giảm bớt áp lực từ công việc và những hệ lụy từ nó, “tán gẫu” với bạn bè cả ngòai đời và trên mạng - nhất là những người bạn cùng quan niệm sở thích đã giúp tôi có thêm nhiều hiểu biết, và như bạn bè nói, qua những gì tôi viết, tôi cũng ít nhiều chia sẻ được nhữngvui buồn của các bạn.

-  Chị đi nhiều như vậy, thời gian dành cho gia đình như thế nào?
Nói chung những ngày cuối tuần là thời gian tôi dành cho gia đình nhỏ của mình cũng như về thăm ông bà. Khi các con còn nhỏ (chưa hết tiểu học) thì hầu như tôi không đi công tác xa, thậm chí từ chối cơ hội nghiên cứu sinh ở nước ngòai, chọn việc học trong nước để ở nhà với con. Khỏang thời gian này tôi vừa chăm con nhỏ vừa tập cho các con tính tự lập và sự cảm thông, biết chia sẻ với bố mẹ những công việc trong gia đình. Vì vậy khi các con lớn hơn tôi có thể đi xa. Tuy nhiên, nếu đi vắng thì thôi, khi về nhà thì việc nhà mình lại làm, không ỉ lại vào chồng con. Như vậy khi đi công tác thì yên tâm và khi  về nhà thì vui vẻ. Nhờ vậy mình không bận biụ với những suy nghĩ quẩn quanh, rằng vì sao mình không được thế này không như thế khác… Chỉ điều đó cũng làm cuộc sống thanh thản hơn nhiều.

-  Có một thực tế là, nhờ biết cách sắp xếp thời gian dành cho gia đình, bản thân và công việc một cách hợp lý thì phụ nữ ngày nay khá rảnh rang và chủ động trong mọi việc, vậy ở góc độ cá nhân, chị có nghĩ rằng việc làm đó sẽ khiến phụ nữ trở nên thực dụng hơn hay đời sống của họ sẽ thú vị hơn?
Chủ động sắp xếp công việc và nội trợ nhưng cũng đừng quá đòi hỏi và cầu tòan, sẽ gây sức ép cho mình, cho người thân. Cũng đừng quá ôm đồm để bản thân luôn căng thẳng vì những việc mà nếu chưa làm, thậm chí không làm cũng không sao. Biết cân bằng mọi thứ, từ sở thích của mình và người thân, thời gian cho mọi việc, thời gian và không gian cho riêng mình… điều đó sẽ làm cho cuộc sống của phụ nữ thú vị hơn chứ.

- Đàn ông, khi thấy phụ nữ làm việc gì cũng “chuyên nghiệp” quá thì họ cũng sẽ sợ, chị nghĩ sao về điều này? 
Chả cứ đàn ông, ngay phụ nữ với nhau cũng vậy J Từ cái sự ‘sợ” này nảy sinh nhiều phiền tóai nơi công sở. Tôi vẫn nghĩ: công việc khó mấy, vất vả mấy cũng không làm mình mệt mỏi chán nản, mà chính sự phức tạp trong những quan hệ công việc lại mang đến cho mình điều đó. Mấy chục năm đi làm khi đối diện với thực trạng này tôi không thể làm khác ngòai việc “đành chịu vậy”. Nghĩ cho cùng, thế mới là cuộc sống J 

- Chị có hai cô con gái, và người ta nhìn vào đó thấy như một tình bạn, tình bạn của những người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau nhưng dường như không có nhiều khoảng cách, chị thường dạy và mong chờ ở các cô con gái của mình những điều gì?
Điều may mắn lớn nhất của tôi, như chị nhận biết, là có hai cô con gái là hai người bạn thân thiết. Quả thật giữa mẹ con tôi dường như không có khỏang cách về quan niệm và suy nghĩ và do vậy, hầu như không có những xung đột thường có giữa thế hệ cha mẹ và con cái, nhất là giữa mẹ và con gái. Có lẽ do sống trong giai đọan chuyển đổi của cả xã hội nên thế hệ chúng tôi cần phải thay đổi để có thể thích nghi với sự chuyển biến này. Sự thích nghi này nhanh và nhìều chừng nào thì khỏang cách thế hệ cha mẹ và con cái càng rút ngắn chừng ấy. Tôi nghĩ, không nên chỉ trông chờ các con hiểu và làm những gì cha mẹ mong muốn, mà cha mẹ cũng cần hiểu các con muốn gì, thời thế đòi hỏi gì ở thế hệ các con, thông cảm khi các con có những điểm khác mình… Sự thông hiểu là từ cả hai phía. Có lẽ vì vậy các con tôi rất thỏai mái chia sẻ với mẹ mọi điều, từ niềm vui đến những khó khăn trong cuộc sống. Làm cha mẹ thì không mong gì hơn con cái trưởng thành, sống tình cảm, chân thành, đồng thời có trách nhiệm đối với cha mẹ, sau này là với  gia đình riêng của chúng.

 Cảm ơn chị đã cùng chia sẻ J

Ayutthaya - “thành phố của những phế tích”

Một ngày tháng sáu, từ Bangkok tôi đi “bụi” đến Ayutthaya bằng xe lửa. Nhà ga Hualamphong tuy không phải là ga chính nhưng khang trang. Từ đây cứ một tiếng có một chuyến “tàu chợ” đi Chiang Mai - một điểm du lịch nổi tiếng của Thailand. Lên tàu này đi khỏang hai giờ thì đến Ayutthaya - kinh đô cổ từng tồn tại hơn 400 năm từ giữa thế kỷ 14 đến nửa cuối thế kỷ 18.

Nằm cách thủ đô Bangkok 76km về phía bắc, thành cổ Ayutthaya trải rộng trên diện tích tới 2.556km2. Đây thật sự là một trong những di sản văn hóa có sức hấp dẫn nhất ở Thailand bởi vẻ huy hoàng của 4 thế kỷ lịch sử còn lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc đền tháp và phế tích nguy nga lộng lẫy chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au. Trong khoảng thời gian một, hai ngày ngắn ngủi bằng xe tuk tuk đi từ di tích này đến di tích khác chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.
Quần thể di tích khá đa dạng: còn tương đối nguyên vẹn như tu viện Wat Phra Chao Phya-thai nằm ở phía đông nam của cổ thành. Từ trong thành phố có thể nhìn thấy ngôi tháp lớn của tu viện được xây dựng vào năm 1357 dành cho các vị sư đi học đạo từ Sri Lanka trở về. Năm 1592, một ngôi chùa lớn tại đây với ý tưởng kiến trúc khổng lồ này sẽ tương xứng với ngôi chùa lớn của Wat Pukhao Thong (ngôi chùa được xây dựng vào thời đại Sukhothai trước đó). Tổ hợp kiến trúc Wat Yai Chaimongkhon gồm tu viện, mộ tháp và chùa chiền, trong đó có ngôi mộ tháp lớn nhất và hai tượng Phật khổng lồ bên gốc cây hoa đại hàng trăm năm tuổi.
Trong khu di tích có rất nhiều nhóm đền tháp được xây dựng theo triết lý Ấn Độ cổ đại: mỗi nhóm đền tháp biểu trưng cho một tiểu vũ trụ có ngọn núi thiêng ở trung tâm là “trục xuyên vũ trụ”, những bức tường tượng trưng giới hạn vũ trụ và đại dương vô cùng vô tận… Ngôi tháp lớn nhất trong quần thể di tích cao tới 35m, bốn phía đều có bậc cầu thang dốc đứng dẫn lên đỉnh. Từ hành lang chạy quanh ngôi mộ tháp lớn nhất sẽ quan sát được một khỏang không gian rộng lớn chan hóa ánh nắng tới tận chân trời và tòan bộ thành cổ. Tám ngôi tháp nhỏ hơn nằm ở bốn góc hình vuông và bốn góc hình tứ giác được nối với nhau bằng các trường lang dài, dọc các trường lang là 120 bức tượng Phật với tư thế và dáng điệu trầm mặc. Hầu hết các pho tượng bằng đá sa thạch đều bị mất đầu do sự phá hủy trong thời kỳ chiến tranh với Mianmar vào giữa thế kỷ 18. Ngắm nhìn và ghé chân chụp hình bên những bức tượng này là khỏanh khắc rất ấn tượng, lưu lại cảm xúc khó phai mờ cho nhiều du khách.
Kinh đô Ayutthaya còn là “thành phố của những phế tích” bởi hàng trăm bức tường, ngọn tháp, ngôi đền sụp đổ chỉ còn một phần hay bị phá hủy hết chỉ còn nền móng… tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng. Một số kiến trúc có phần trùng tu bằng vật liệu mới nhưng không hề gây ra sự phản cảm vì được phục chế lại kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Một số đền tháp khác được phục dựng gần như tòan bộ, kể cả những bức tượng Phật khổng lồ. Nhưng tất cả đều hài hòa một cách kỳ lạ với nhau và với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Được biết công tác trùng tu ở đây tiến hành hàng chục năm qua, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã kiên nhẫn tìm lại từng chút một những gì thời gian đã lấy mất.
Ayutthaya là Công viên di sản văn hóa bởi khắp nơi màu xanh của cây cổ thụ và thảm cỏ mượt mà xen giữa những phế tích kiến trúc, không khí trong lành, yên tĩnh, từ đường phố đến khu di tích rất sạch sẽ. Ayutthaya còn được mệnh một ốc đảo của những chùa chiền bên dòng sông Chaophraya. Người Thailand đến đây không chỉ là đến một di sản văn hóa của quá khứ mà họ đến đây để thăm viếng rất nhiều ngôi chùa còn lại từ xa xưa. Phật giáo chính là sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, phải chăng nhờ vậy mà ngày nay Thailand đã bảo tồn rất tốt những di sản văn hóa của tổ tiên, trước hết vì người dân Thái, vì quốc gia mình và sau đó cống hiến cho thế giới.
Ayutthaya được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1991.
Hình ảnh: Ayutthaya - “thành phố của những phế tích”

Một ngày tháng sáu, từ Bangkok tôi đi “bụi” đến Ayutthaya bằng xe lửa. Nhà ga Hualamphong tuy không phải là ga chính nhưng khang trang. Từ đây cứ một tiếng có một chuyến “tàu chợ” đi Chiang Mai - một điểm du lịch nổi tiếng của Thailand. Lên tàu này đi khỏang hai giờ thì đến Ayutthaya - kinh đô cổ từng tồn tại hơn 400 năm từ giữa thế kỷ 14 đến nửa cuối thế kỷ 18.

Nằm cách thủ đô Bangkok 76km về phía bắc, thành cổ Ayutthaya trải rộng trên diện tích tới 2.556km2. Đây thật sự là một trong những di sản văn hóa có sức hấp dẫn nhất ở Thailand bởi vẻ huy hoàng của 4 thế kỷ lịch sử còn lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc đền tháp và phế tích nguy nga lộng lẫy chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au. Trong khoảng thời gian một, hai ngày ngắn ngủi bằng xe tuk tuk đi từ di tích này đến di tích khác chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.
 Quần thể di tích khá đa dạng: còn tương đối nguyên vẹn như tu viện Wat Phra Chao Phya-thai nằm ở phía đông nam của cổ thành. Từ trong thành phố có thể nhìn thấy ngôi tháp lớn của tu viện được xây dựng vào năm 1357 dành cho các vị sư đi học đạo từ Sri Lanka trở về. Năm 1592, một ngôi chùa lớn tại đây với ý tưởng kiến trúc khổng lồ này sẽ tương xứng với ngôi chùa lớn của Wat Pukhao Thong (ngôi chùa được xây dựng vào thời đại Sukhothai trước đó). Tổ hợp kiến trúc Wat Yai Chaimongkhon gồm tu viện, mộ tháp và chùa chiền, trong đó có ngôi mộ tháp lớn nhất và hai tượng Phật khổng lồ bên gốc cây hoa đại hàng trăm năm tuổi. 
Trong khu di tích có rất nhiều nhóm đền tháp được xây dựng theo triết lý Ấn Độ cổ đại: mỗi nhóm đền tháp biểu trưng cho một tiểu vũ trụ có ngọn núi thiêng ở trung tâm là “trục xuyên vũ trụ”, những bức tường tượng trưng giới hạn vũ trụ và đại dương vô cùng vô tận… Ngôi tháp lớn nhất trong quần thể di tích cao tới 35m, bốn phía đều có bậc cầu thang dốc đứng dẫn lên đỉnh. Từ hành lang chạy quanh ngôi mộ tháp lớn nhất sẽ quan sát được một khỏang không gian rộng lớn chan hóa ánh nắng tới tận chân trời và tòan bộ thành cổ. Tám ngôi tháp nhỏ hơn nằm ở bốn góc hình vuông và bốn góc hình tứ giác được nối với nhau bằng các trường lang dài, dọc các trường lang là 120 bức tượng Phật với tư thế và dáng điệu trầm mặc. Hầu hết các pho tượng bằng đá sa thạch đều bị mất đầu do sự phá hủy trong thời kỳ chiến tranh với Mianmar vào giữa thế kỷ 18. Ngắm nhìn và ghé chân chụp hình bên những bức tượng này là khỏanh khắc rất ấn tượng, lưu lại cảm xúc khó phai mờ cho nhiều du khách. 
Kinh đô Ayutthaya còn là “thành phố của những phế tích” bởi hàng trăm bức tường, ngọn tháp, ngôi đền sụp đổ chỉ còn một phần hay bị phá hủy hết chỉ còn nền móng… tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng. Một số kiến trúc có phần trùng tu bằng vật liệu mới nhưng không hề gây ra sự phản cảm vì được phục chế lại kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Một số đền tháp khác được phục dựng gần như tòan bộ, kể cả những bức tượng Phật khổng lồ. Nhưng tất cả đều hài hòa một cách kỳ lạ với nhau và với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Được biết công tác trùng tu ở đây tiến hành hàng chục năm qua, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã kiên nhẫn tìm lại từng chút một những gì thời gian đã lấy mất. 
Ayutthaya là Công viên di sản văn hóa bởi khắp nơi màu xanh của cây cổ thụ và thảm cỏ mượt mà xen giữa những phế tích kiến trúc, không khí trong lành, yên tĩnh, từ đường phố đến khu di tích rất sạch sẽ. Ayutthaya còn được mệnh một ốc đảo của những chùa chiền bên dòng sông Chaophraya. Người Thailand đến đây không chỉ là đến một di sản văn hóa của quá khứ mà họ đến đây để thăm viếng rất nhiều ngôi chùa còn lại từ xa xưa. Phật giáo chính là sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, phải chăng nhờ vậy mà ngày nay Thailand đã bảo tồn rất tốt những di sản văn hóa của tổ tiên, trước hết vì người dân Thái, vì quốc gia mình và sau đó cống hiến cho thế giới.
Ayutthaya được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1991.

BÁO PHỤ NỮ TP ngày 22/6/2012

Lược sử Thái Lan trong một ngày



SGTT.VN - Muang Boran – còn gọi là Ancient Siam – cách trung tâm Bangkok khoảng 33km về phía đông, là một trong những bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Có thể coi chuyến tham quan một ngày tại đây như một hành trình đi qua lịch sử toàn bộ Vương quốc Thái Lan. 

Một ngôi làng toàn nhà sàn: nhà ở, hàng ăn, chùa, nhà thờ được dựng lại trên một khúc sông. Ảnh:

Dù đi bằng xe hơi nhưng trong một ngày cũng khó có thể tham quan hết bảo tàng ngoài trời khổng lồ này.
Phục dựng lịch sử qua kiến trúc
Trong khuôn viên rộng gần 1km2 có hình dáng như đất nước Thái Lan thu nhỏ, hơn 100 di tích kiến trúc nổi tiếng tiêu biểu cho lịch sử – văn hoá đã được phục dựng lại tại vị trí chính xác về mặt địa lý, nhờ vậy du khách được khám phá những di sản văn hoá trên khắp đất nước Thái, từ những đền tháp thời kỳ Ayutthaya đến những ngôi làng cổ với nhà sàn bên sông. Rồi từ cung điện, chùa chiền, bảo tháp đến những khu phố cổ buôn bán sầm uất; rồi công viên và những bức tượng kể lại nhiều câu chuyện nổi tiếng đến những ngôi chùa, dinh thự của người Hoa… Hàng loạt các công trình kiến trúc, biểu tượng nghệ thuật, kết hợp với những nghề thủ công, cảnh quan và môi trường tự nhiên được bố trí hài hoà, Ancient Siam đã làm cho du khách cảm nhận được quá trình lâu dài, liên tục của lịch sử, văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật và phong tục, lối sống của người Thái từ thời cổ cho đến nay.
Người chủ trương xây dựng và đầu tư cho công trình này là một tỉ phú Thái Lan. Ông dành gần như toàn bộ tài sản của mình cho việc nghiên cứu và xây dựng công trình này với sự hỗ trợ của các chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, nghệ thuật của bảo tàng Lịch sử quốc gia để đảm bảo tính chính xác và khoa học.
Dấu ấn ba loại hình di tích
Loại một là những dấu tích khảo cổ học thuộc những thời kỳ khác nhau được phát hiện tại đây. Nếu di tích chỉ còn nền móng của đền tháp, kiến trúc thì khai quật nhằm làm rõ phạm vi, cấu trúc của di tích. Sau khi nghiên cứu đầy đủ, một “mô hình di tích” nhỏ hơn (tỷ lệ khoảng 1/3) được xây dựng căn cứ vào dấu tích còn lại. Du khách vừa ngắm nhìn kiến trúc mới vừa có thể nhận biết các dấu tích cổ được bảo tồn nguyên vẹn. Cách phục dựng này không làm ảnh hưởng đến di tích khảo cổ, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức đồng thời cũng để phân biệt rõ dấu tích cổ còn lại và “bản sao” được xây mới. Nếu di tích còn lại một phần thì được bảo tồn chu đáo nhưng không xây lại toàn bộ kiến trúc mà chỉ trùng tu từng bộ phận như hàng cột hay bức tường, một phần đền tháp. Cách làm khác nhau với hai loại di tích khảo cổ, vừa giúp du khách hiểu biết về các kiến trúc cổ vừa cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những phế tích lịch sử, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn để nghiên cứu khoa học và học tập.
Loại công trình thứ hai tại đây là những cung điện, chùa chiền… được phục dựng nguyên vẹn về hình dáng và trang trí tuy kích thước nhỏ hơn. Vật liệu xây dựng và chất liệu trang trí rất cầu kỳ, rực rỡ… Bên trong công trình đồng thời là những bảo tàng trưng bày cổ vật, hội hoạ, điêu khắc, đồ trang sức quý giá. Đặc biệt, bộ sưu tập những tượng Phật bằng nhiều chất liệu trong các ngôi chùa, sưu tập ngọc xá lỵ… thực sự là những “báu vật quốc gia”. Rất nhiều du khách Thái đến viếng chùa lễ Phật tại đây, bởi những ngôi chùa này thực sự là chốn tâm linh chứ không chỉ để tham quan.
Loại di tích thứ ba làm tôi đặc biệt thích thú: những “làng văn hoá dân tộc” độc đáo, đó là phố thị cổ và làng ven sông. Phần lớn đều là những ngôi nhà gỗ cổ được mua từ nhiều nơi mang về dựng lại ở đây, kiến trúc trang trí theo lối xưa, đồ đạc trong nhà đều là cổ vật, những ngôi nhà như những “bảo tàng gia đình” của người Thái, người Hoa mà ngày nay khó còn tìm thấy vì những đô thị cổ đã thay đổi rất nhiều. Hai bên con đường nhỏ lát gạch sạch sẽ xuyên qua “thị trấn” có những cửa hàng bán đồ lưu niệm, gốm sứ, tơ lụa, rạp múa rối bóng truyền thống… vừa gợi lại không khí phố thị cổ xưa, vừa phục vụ du khách.
Trên một khúc sông được dựng lại cả một ngôi làng toàn nhà sàn: nhà ở, hàng ăn, chùa, nhà thờ… những người phụ nữ chèo xuồng chở đồ ăn, trái cây, thi thoảng ghé vào bờ bán cho du khách. Mấy nhà hàng bán những món ăn Thái khá ngon với giá phải chăng, khách vừa được nghỉ ngơi thoải mái vừa tìm hiểu văn hoá ẩm thực Thái Lan. Người dân Bangkok và những thành phố lân cận thường xuyên đến đây để được sống trong cảnh quan và sinh hoạt truyền thống, nay chỉ còn duy trì ở miền quê.
Để phục vụ cho việc phục dựng và trùng tu quần thể di tích còn có cả xưởng phục chế, sửa chữa đồ gốm, đồ đất nung và đồ gỗ. Ngoài những người kinh doanh hàng lưu niệm, quán ăn, công viên văn hoá này còn có cả một “đội quân” là nhân viên bảo vệ, vệ sinh, trồng và chăm sóc cây cối, vườn hoa, công nhân trong các xưởng phục chế… ước tính cả ngàn người. Toàn bộ chi phí cho công trình gồm thiết kế, xây dựng mới, khai quật và trùng tu di tích, bảo tồn bảo quản, lương nhân viên… hiện nay đều từ tài sản của chủ nhân công trình.
Meang Boran thực sự là một công trình văn hoá hiện đại xứng tầm với những di sản văn hoá mà nó phục dựng.

bài và ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Giá vé: 300 baht cho người nước ngoài và 100 baht cho người Thái (100 baht bằng khoảng 70.000 đồng). Không mua vé xe buýt, khách có thể thuê xe golf tự lái tuỳ xe hai, bốn hay sáu chỗ có giá từ 150 baht đến 450 baht/giờ.

Hội nhà báo cần cám ơn ai nhỉ?

Mỗi buổi sáng tui vừa nấu cơm vừa nghe thời sự Chào buổi sáng (dấu hiệu của người “phụ nữ đảm đang” là thường xuyên NGHE TV: nghe Thời sự, nghe Ca nhạc, nghe trò chơi, nghe Phim truyện, phim bộ… mà hiếm khi được XEM TV). Sau mỗi ngày lễ của ban ngành nào đấy thường có thông báo cám ơn trên TV. Nghe là biết ngành nào cơ quan nào được nhiều người biết đến và quan tâm, nhất là được các cấp lãnh đạo đến thăm tặng hoa phát biểu… thì nhời cám ơn cũng là một cách PR vô cùng hữu hiệu.
Mỗi năm cứ qua ngày 21 tháng 6 mà nghe TV đọc “Lời cám ơn của Hội Nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam” thì mới thấy báo chí được xã hội ưu ái đến nhường nào. Không nhớ hết, nhưng đại thể là đầu tiên cám ơn các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước, hàng loạt lãnh đạo ban ngành trung ương và địa phương với đầy đủ  tên tuổi chức danh… đã gửi lời chúc mừng, tặng hoa nhân ngày báo chí VN. Xin cám ơn vì các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, các ban ngành đã giúp đỡ tạo điều kiện, phối hợp, hợp tác… để báo chí hòan thành nhiệm vụ…
Nghe mãi nghe mãi, chả thấy có lời cám ơn các tầng lớp nhân dân vì đã bỏ tiền mua báo! Phải chăng vì báo chí được nhà nước bao cấp hoàn toàn, chỉ cần dựa vào nhà nước là có thể sống được? Hình như chỉ có một vài tờ báo tạp chí như thế. Nhưng ngay cả những tờ báo bao cấp ấy thì các cụ về hưu, các cựu chiến binh, các xã vùng sâu vùng xa vẫn phải bỏ tiền ra mua, dù đồng lương hưu, tiền trợ cấp hay kinh phí của xã còn quá nhỏ nhoi, khiêm tốn. Cứ như suy nghĩ nông cạn của tui thì chức năng của lãnh đạo là phải … lãnh đạo rồi, không quan tâm chỉ đạo sâu sát thì đâu gọi là lãnh đạo? Mà trách nhiệm của các cơ quan ban ngành là phải tạo điều kiện hợp tác với báo chí, luật định thế rồi. Chỉ có các tầng lớp nhân dân là ko bị bắt buộc mua báo. Thế mà họ vẫn cần mẫn mua báo hàng ngày. Tất nhiên, trong xã hội thông tin ngày nay báo chí đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” của số đông người dân. Mà nào có phải chỉ mua báo ngày, còn cơ man nào là báo tuần báo tháng bán nguyệt san tạp chí phụ bản phụ san chuyên đề… bìa xanh đỏ tòan chân dài váy ngắn… cũng “moi” không ít tiền trong túi người dân. Hình như những cái Phụ này đã nuôi cho cái Chính sống đàng hòang ra phết. Thế nên, thử tưởng tượng một ngày người đọc quay lưng với báo chí? Ôi trời, chắc sẽ là ngày tận thế (của báo chí)!
Bạn mình làm báo, mỗi ngày trông ngóng số lượng báo phát hành, thắt ruột thắt gan khi thấy buổi sáng Sài Gòn “tháng 6 trời  mưa trời mưa ko dứt” để rồi ngày nào trời chưa mưa anh cũng lạy đừng mưa! Một ngày tin chậm tin cũ, một ngày nhiều tin gây tức, là bạn mình áy náy có khi day dứt mãi… cũng vì nghĩ đến những người dân đã bỏ tiền ra mua tờ báo, vì hiểu người dân không chỉ cần thông tin mà còn cần một niềm tin!
Mà hình như Hội Nhà báo cũng là cơ quan được nhà nước bao cấp hay sao í nhỉ? Có nghĩa là được có biên chế nhà nước, được cấp kinh phí hoạt động và có trụ sở để làm việc, quan chức Hội Nhà báo vẫn là quan chức nhà nước. Vậy là khác với Hội Sử học của tui là Hội 3 không: không kinh phí, không biên chế, không trụ sở, vì Hội của tui “chỉ” là Hội xã hội - nghề nghiệp mà không phải là Hội chính trị - xã hội- nghề nghiệp như hội Nhà Báo và một số Hội khác. Vì vậy bọn tui làm việc cho Hội chỉ có chức mà không phải là quan. Chắc vì thế mà Hội Nhà báo phải nhiệt tình chu đáo cám ơn tất cả các ban ngành lãnh đạo mà quên người nuôi sống mình là nhân dân.  À, nếu nhân dân không thèm mua báo thì nhà báo phóng viên thất nghiệp… Không có lính Hội nhà báo “làm quan” với ai ta???
Entry này sẽ chẳng có ai cám ơn tui mà tui còn phải xin lỗi đồng chí Hoàng A Mã và hai Cách Cách nhà tui vì mải viết nên trưa nay các đồng chí ấy phải ăn cơm với món thịt chiên bị cháy rồi!
Ai bảo đã mất tiền mua báo lại còn đòi được cám ơn!

(note từ 2010 đến năm nay vẫn thấy thế)

NHÀ BÁO VÀ NHÀ KHẢO CỔ - Tặng bạn bè là nhà báo :)

Không biết sao mà hoàn cảnh đẩy đưa, số phận run rủi thế nào để tui được quen /biết/ thân (tình) với nhiều nhà báo đến thế! Bình thường thì những mối quan hệ như thế cũng… bình thường thôi. Nhưng cứ gần đến Ngày báo chí hay trao giải Hội báo Xuân, giải báo chí hàng năm… tự dưng tui cũng phải nghĩ ngợi chút chút. Nghề của tui thì chả có ngày nào cả, vì vậy với những bạn bè mà nghề của họ có một NGÀY riêng, như nghề Báo, nghề Giáo, nghề Y… thì tui vô cùng ghen tỵ!

 Hừm, để tỏ rõ cái sự đố kỵ, và cũng vì “thấy người sang bắt quàng… một cái” tui bèn cố gắng suy nghĩ xem nghề khảo cổ của mình có gì giống nghề báo của các bạn ấy hay không? Có thể hình thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước: “Nghề báo, nhà báo nhìn từ khảo cổ học”. Đề cương khái quát như sau.
- Mục đích: Bước đầu tìm hiểu những nét tương đồng của nghề báo và nghề khảo cổ.
- Ý nghĩa: Góp phần làm rõ mối thân, tình giữa nhiều nhà báo/ phóng viên và những người chuyên đi đào bới. Đồng thời lý giải hiện tượng nhiều bài báo hiện nay giống báo cáo khai quật khảo cổ học, và ngược lại!
- Đối tượng nghiên cứu: một vài đặc điểm và tính cách nghề nghiệp
- Chủ thể nghiên cứu: những người bạn của tui đang làm nghề báo (quản lý, nhà báo, phóng viên.) Tỷ lệ giới nghiên cứu: Nam khoảng 90%, nữ khoảng 10%, chưa có điều kiện nghiên cứu người lưỡng tính hay giới tính chập chờn.
- Giới hạn đề tài: không gian: Chủ yếu tại địa bàn tác nghiệp và quán xá. Trừ trong tòa soạn.
Thời gian: từ khi tui quen biết chủ thể nghiên cứu đến trước nay. Cả người quen thật ngoài đời, cả người chỉ biết trong thế giới mạng như blog (dù chỉ biết nhau qua nick name).
  • Nội dung nghiên cứu: Sự tương đồng giữa Nghề báo và nghề Khảo cổ:
1.     Đây là 2 nghề nghiệp đều có thể dùng một câu hát của Trịnh làm slogan : “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Nhà báo và nhà khảo cổ thường xuyên là những kẻ lang thang cơ nhỡ nên quán xá trở thành “mái ấm tình thương” để họ tụ tập, chia sẻ những kinh nghiệm khi bị sếp/ vợ/ bồ… và một số đối tượng khác bạo hành về mặt tinh thần. Và khi ngồi ở đó, họ lại bạo hành lẫn nhau.
2.     Các nhà báo và nhà khảo cổ đều là những người “ham của lạ”, thích khám phá, phát hiện cái mới, lạ, dù có khi là “cũ người” nhưng vẫn là “mới ta”… Đối với họ cái mới lạ càng nhiều… càng ít, không bao giờ thỏa mãn sự tò mò và trí tưởng tượng phong phú của họ.
3.     Khi phát hiện điều mới lạ họ thường theo đuổi đến cùng sự việc, “khai quật” bằng hết những thông tin ở bất cứ chỗ nào họ phát hiện. Thông tin khi còn là của riêng họ- giống như di vật còn trong lòng đất – thì còn bảo đảm “bí mật”. Nhưng khi đã được công bố, như khi cổ vật đã được phát hiện trong di tích thì thông tin về di tích, về cổ vật không còn là của riêng họ. Ai cũng có quyền khai thác “tư liệu” ấy để phục vụ cho nhu cầu của mình. Vì vậy, họ phải tiếp tục công việc bằng phương pháp của riêng mình để cho ra những kết quả đúng mà không “đụng hàng” với ai cả. Có nghĩa là phải tìm ra cách tiếp cận mới để tìm ra một giá trị mới của thông tin. Điều quan trọng là họ phải luôn khách quan trong khi thu thập và đánh giá thông tin. Nếu không những gì họ đưa ra sẽ không phải/ không còn là sự thật.
4.     Hầu hết các nhà báo và nhà khảo cổ đều rất lãng mạn, phóng khoáng – có lẽ vì họ đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Họ đều rất tình cảm, tình nghĩa với bạn bè– có lẽ do nghề nghiệp quá nhiều cực nhọc mà một kết quả thường có sự đóng góp của nhiều đồng nghiệp. Họ đều rất hài hước, hay nói chuyện tiếu lâm mặn nhạt đủ kiểu (cái này có lẽ vì họ thường xuyên là thành viên của “tổ công tác xa vợ”?).
5.     Họ thường là những người nói chuyện có duyên, karaoke hay hát nhạc Trịnh, nhạc sến và nhiều bài hát cải biên . Họ luôn tiềm ẩn và cố tình bộc lộ sức quyến rũ của họ đối với các em gái trẻ trung (cả em xinh và cả em chưa biết làm cho mình xinh). Nhưng nếu đã có vợ thì họ cũng đều là thành viên (bắt buộc?) của SOVOCLUP
6.     Họ thường là những người nhậu từ khá đến giỏi, nhậu đa hệ (có thể uống cùng lúc hay lần lượt nhiều loại rượu bia…), nhậu hết mình, vì vậy họ cũng là những người quảng giao và có rất nhiều bạn bè… Nếu chả may họ “về vui thú điền viên” thì được bạn bè “vô cùng thương tiếc” [ai ko biết nhậu thì được “thành kính phân ưu”, còn ko biết nhậu mà ko chơi với ai thì chỉ được “kính viếng” mà thôi J]
7.     Riêng chủ thể nghiên cứu là Phụ nữ có thêm một đặc điểm: phần nhiều đường tình duyên gia đạo thường trắc trở, dù họ duyên dáng, thông minh, đầy nữ tính - hay chính vì thế? Đây là giả thuyết sẽ tiếp tục được nghiên cứu.
8.     Một số hạn chế của chủ thể nghiên cứu: ai mà chả có khuyết này nhược kia. Đề tài không đề cập đến hạn chế của nhà báo và nhà khảo cổ vì không thể lộ bí mật của đồng đội.

 Yên tâm đi, tui không khảo gì của các bạn đâu, cũng chả định khai quật gì nghề của các bạn cả. Chỉ là, tui thử nhìn nghề báo, nhà báo bằng con mắt khảo cổ của tui xem sao.
 Các bạn nhà báo thấy thế nào?

(Thôi, chẳng có chi làm quà, có chi hơn là post lại bài ni: Đã đăng trên tạp chí NGHỀ BÁO 6/2011)

LÀM BÁO THỜI THỔ TẢ (nhà báo Đoan Trang)


[18.06.2012 23:30 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Lũ nhà báo bây giờ sau này kể lại cho con cháu nghe chuyện làm báo của mình thời nay, sợ rằng không được đẹp như thế. Nó thảm hại hơn nhiều, lố bịch hơn nhiều, hèn nhát hơn nhiều…” – chia sẻ của nhà báo Đoan Trang.

Cưỡng chế ở Vân Giang, một trận “thử lửa” đối với báo chí Việt Nam - Minh họa: Internet

- Liệu bài có được đăng không?

- Không biết… nhưng hy vọng là ổn. Anh TBT đã bảo là “có gì sẽ trao đổi với phóng viên trực tiếp trong ngày hôm nay”. Tinh thần chỉ là sửa bớt những chỗ quá cụ thể, còn thì sẽ đăng và phải đăng.

- Ái chà chà. Thế cơ à?

- Vì ảnh bảo, có những lúc, nếu chúng ta không nói, sẽ là có tội. Sau này về già, còn mặt mũi nào nhìn con cháu mà chém gió: “Ngày xưa ông làm báo thế đấy!”.

- Quá chuẩn! Thế mới là TBT chứ! Sao anh “tổng” nhà tôi không được như thế?

- Há há, lêu lêu…

- Sướng nhỉ? Đang nghĩ là nếu bài được đăng, bà con bên Văn Giang sẽ mừng lắm đây. Nhớ mua lấy mấy chục tờ mang về biếu bà con.

- Ấy, đừng vội mừng sớm... Nói thế chứ vẫn lo lắm. Đã đăng đâu, mới là “sẽ đăng” thôi. Mà đưa một bài lên, bị thổi còi ngay chẳng hạn, là xong…

*

Ngày xưa ông làm báo thế đấy!”.

Mô típ “chúng ta nói gì với con cháu chúng ta” hẳn là đã được sử dụng nhiều trong văn học, sách báo, phim ảnh. Như nhà văn Phan Tứ (1930-1995) viết trong tiểu thuyết nổi tiếng “Mẫn và tôi” về tình yêu thời chiến tranh: “Bầy cháu nội ngoại sẽ nghe tôi kể: “Ông gặp bà giữa hồi núi sụp rầm rầm, nước dâng như chưa hề ghi trong sử sách…”. Chúng cười khì, tưởng tôi mượn chuyện thời vua Hùng. (…) Đành vậy, lớn lên chúng sẽ biết, sẽ nhớ. Tôi phải giúp chúng nhớ. Đừng để những bông hoa mai sau tự rứt mình ra khỏi cây vì không muốn dính dáng với bầy rễ cắm vào bùn”.

Đánh Chu Lai, chắc Mẫn lại kẹp cácbin đưa các anh đặc công lội trắng đêm trên cát và đời nào em tôi chịu vắng bóng trong đợt pháo hoa cuối cùng. Tôi chia lửa cho Mẫn là phải, riêng tây gì đâu. Phải không em, Mẫn, dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau; có phải lúc này em đang quấn quít bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt nên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon, và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng?”.

Nghe nhà văn viết những dòng thủ thỉ, thấy tình yêu của hai nhân vật chính – Mẫn và Thiêm – sao mà đẹp đến lý tưởng. Đúng là cuốn tiểu thuyết “một thời khuấy động hàng triệu con tim”, cũng chẳng khác gì “những nhạc phẩm lừng danh của Trịnh Công Sơn”, “đầy phẫn nộ, khát khao cho một niềm hy vọng chung của cả dân tộc”… (*)

Lũ nhà báo bây giờ sau này kể lại cho con cháu nghe chuyện làm báo của mình thời nay, sợ rằng không được đẹp như thế. Nó thảm hại hơn nhiều, lố bịch hơn nhiều, hèn nhát hơn nhiều…

*

Nó là câu chuyện của những nhà báo hễ xuất hiện ở điểm nóng nào là chỉ đi cùng “lực lượng chức năng”, áo nhiều túi, máy ảnh trước ngực, vẻ mặt nghiêm trọng. Cũng là câu chuyện của những phóng viên về Văn Giang lúc xế chiều để chứng kiến một cánh đồng tung tóe, cây cối đổ nát nghiêng ngửa. Dân quê thấy người lạ vào, chẳng ai buồn ngẩng lên, vẫn cắm cúi đào bới, nhặt nhạnh, xúc, đổ đất… Nhưng đến khi thấy “người lạ” lúi húi lấy máy ghi âm, sổ và bút ra, thì họ vây lấy thẫn thờ: “Sao đến giờ nhà báo mới về? Mất rồi. Mất hết rồi!”.

Rồi họ nhất định kéo nhà báo vào nhà, để họ pha trà, mời nước, và nghe họ kể lể chuyện “mất hết rồi”. Hàng xóm lục tục kéo đến, người nào cũng phải xán lại, nhìn, chạm tay vào áo khách một cái, khẩn khoản: “Nếu nhà báo giúp được chúng tôi đòi lại được đất, thì chúng tôi mang ơn nhà báo suốt đời”. Màn đêm buông xuống, trai tráng trong làng rầm rập đưa xe máy hộ tống nhà báo về. Người dân nông thôn bao giờ cũng là vậy, họ có thể khôn ngoan hay thực dụng, nhưng vẫn có cái hồn hậu chất phác – nên không để ý thấy nhà báo đang cúi gằm mặt, lủi thủi rời khỏi hiện trường.

Và từ ấy, ngày nào họ cũng ngong ngóng ra bưu điện huyện, chờ xem có báo nào đưa tin, viết bài “về xã mình” không. Những mảnh báo hiếm hoi nhắc đến vụ việc của làng họ được photocopy ra hàng chục bản, và truyền tay nhau nhiều quá, đã nát ra rồi…

 *

Họ không nhìn thấy cảnh nhà báo phóng xe máy rời làng, đầu cúi gằm. Họ cũng không biết đến chuyện, có những lần, nhà báo về làng khi trời vẫn còn chưa tối. Trên đường đi, dưới ánh hoàng hôn, cây lá trong vùng vẫn xanh biếc như thế, triền đê vẫn mườn mượt cỏ, gió vẫn lồng lộng, và nhà báo dở hơi bỗng nghĩ tới lời thề của danh tướng Trần Quốc Tuấn thời xưa: “Chuyến này không phá xong giặc Nguyên, quyết không về bến sông này nữa”. Thì chúng cháu cũng vậy, Hưng Đạo Đại Vương ơi! Chúng cháu cũng muốn đứng trên đê, nhìn xuống cánh đồng xanh mượt mà thề: “Chuyến này không đăng được bài, quyết không về chốn này nữa”. Nhưng nói vậy thôi, chúng cháu sao dám gở miệng như thế - vì chúng cháu hiểu, sẽ còn nhiều, rất nhiều những vụ cưỡng chế đất đai, những bạo lực, đổ máu, hận thù, bất mãn… mà nếu còn nghĩ tới chuyện làm báo thì còn phải chứng kiến, và viết. Không ở đây thì cũng ở nơi khác mà thôi.

Những người dân quê chất phác. Họ chẳng biết gì tới sự căng thẳng của ban biên tập, nỗi dằn vặt của phóng viên. Họ cũng chẳng biết đến Internet, cùng những cuộc cãi vã xô xát trên đó, bảo rằng họ tham lam, đã nhận tiền rồi nay thấy ít nên lại đòi tăng, rằng họ bất mãn nên bị bọn phản động lợi dụng, rằng cưỡng chế đất đai là việc không thể tránh khỏi trên con đường phát triển của Việt Nam (chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tóm lại là “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”).

Họ càng không biết tới Hiến pháp, tới bài toán phát triển kinh tế của đất nước – toàn những thứ vĩ mô đến thế. Họ chỉ biết vào cái buổi sáng hôm ấy, hàng chục xe cam nhông, xe tải chở lính, đã “bò như cua” vào thôn làng họ, và , họ bị xô đẩy, dồn ra ngoài cái mảnh đất cho đến rạng sáng vẫn còn là của họ trong tiếng loa oang oang nhắc nhở: “Không phận sự miễn vào”. Không chống lại được thì họ cự lại, phản ứng, họ chửi, khóc, ngồi bệt, rồi lăn cả ra đấy, uất ức như những đứa trẻ bị cướp đồ ăn.

Lúc ấy, ai còn dám lý luận với họ về những vấn đề cao siêu, ví dụ, về sự cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất?

Nhưng nếu đặt câu hỏi ngược lại, rằng giả sử cuộc cưỡng chế diễn ra căng thẳng và khốc liệt, rồi một nhân viên công vụ bị đánh trọng thương, máu me be bét, lực lượng cưỡng chế buộc phải rút lui trong thất bại, thì có ai vui mừng hả hê với chiến thắng của “phe nhân dân” không? Câu trả lời, với những người làm báo nghiêm túc, sẽ là không. Đơn giản bởi vì người ta ai cũng xương cũng thịt. Ai cũng là tinh cha huyết mẹ mà thành.

Báo chí không thể ủng hộ, cổ vũ bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Một điều mà các nhân viên an ninh “ít chữ” rất hay muốn làm rõ là “Anh/chị viết bài vì động cơ gì?”. Họ không hiểu rằng với nhà báo, sự thật là tối thượng, và nếu có thể gọi đấy là “động cơ”, thì nhà báo chỉ có thể có động cơ duy nhất là phản ánh sự thật. Đôi khi, một nhà báo viết hết, phản ánh hết – đúng 100% - những gì một bên đưa ra (ý kiến, bằng chứng…), mà vẫn là không chấp nhận được. Bởi vì như vậy là không đủ khách quan, công bằng: Mọi bên đều phải có cơ hội thể hiện quan điểm như nhau.

Nếu dân sai thì ngay cả có bị dí súng vào đầu bắt viết “vu vạ” cho công an, người làm báo cũng không viết. (Ở đây, phải giới hạn là không phải tất cả các nhà báo đều như nhau, ngoài ra, nhiều khi họ không viết xấu về chính quyền không phải vì tôn trọng sự thật khách quan, mà là vì không đủ bằng chứng, hoặc vì sợ bị trừng trị). Ngược lại, nếu chính quyền sai thì dù có cố đến đâu cũng khó lòng bênh nổi.

Ai đó đã nói về “chiến dịch” đưa tin của báo chí trong và sau các vụ Tiên Lãng, Văn Giang như sau: “Một cuộc vật lộn để được nói sự thật”. Thực tế còn hơn thế nữa: Một cuộc vật lộn để được biết sự thật, để được viết sự thật, và để được khách quan (tất nhiên cũng chỉ dám mong ở mức độ tương đối). Thế mà, cho đến giờ, cái đích ấy vẫn chưa đạt được.

*

37 năm sau ngày thống nhất đất nước. Hơn nửa thế kỷ sau cải cách ruộng đất. 67 năm sau ngày thành lập nước. Sáu thế kỷ sau thời kỳ tích lũy tư bản nguyên thủy ở phương Tây. Bước vào thời đại toàn cầu hóa, hội nhập, ở Việt Nam, vẫn còn diễn ra những cuộc cưỡng chế đất đai nhốn nháo, tiếng la hét chửi bới của dân lẫn trong khói hơi cay và tiếng oàng oàng chói tai của “quả nổ nghiệp vụ”.

Tệ hơn nữa là chuyện ấy lại diễn ra cùng với đây đó những mệnh lệnh (miệng) yêu cầu báo chí “hạn chế đưa tin”, và những cuộc tranh cãi ầm ĩ, đầy ngụy biện, trên mạng, về quan tham, dân gian và bọn báo chí lề phải, blogger lề trái ngu dốt, phản động.

“Ngày xưa ông làm báo thế đấy”.

Ghi chú:

(*) Lời giới thiệu album “Sơn Ca 7” của Khánh Ly.
Đoan Trang

Ancient Siam (Bangkok)
















Vài hình ảnh về công viên di sản văn hóa Thailand cổ- một trong những bảo tàng ngòai trời lớn nhất thế giới. Nơi đây phục dựng và trùng tu, bảo tồn hơn 100 di tích kiến trúc nổi tiếng tiêu biểu cho các thời kỳ lịch sử của Thailand. Khu công viên do một tỷ phú Thailand xây dựng trong một khuôn viên giống như một nước Thailand thu nhỏ. Cách trung tâm Bangkok khỏang hơn 30km.

DẠO CHỢ CUỐI TUẦN CHATUCHAK Ở BANGKOK


Dạo chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok
SGTT.VN - Đến Bangkok vào dịp cuối tuần, bạn và tôi đi chợ Chatuchak không chỉ để thoả mãn thú vui mua sắm của phụ nữ mà còn để được tận mắt chứng kiến một “thiên đường mua sắm” – như nhiều người Việt đi du lịch Thái Lan truyền nhau.
Chợ bán đủ các mặt hàng nhưng gọn gàng, sạch đẹp.
Chợ bắt đầu họat động thường xuyên vào đầu những năm 1960 và chỉ mở vào hai ngày cuối tuần nên mỗi ngày ước tính có đến hàng trăm ngàn lượt khách. Toạ lạc trên một khu đất rộng hơn 1km2, chợ được “quy hoạch” như ô bàn cờ tạo thành những khu vực bán những chủng loại hàng khác nhau. Cổng chợ mở ra tất cả những con đường xung quanh toả đi nhiều phía, thuận tiện cho du khách đến chợ từ bất cứ khu vực nào của thủ đô Bangkok và vùng lân cận nên hầu như không có tình trạng kẹt xe trước cổng chợ mặc dù xe taxi, xe du lịch thường xuyên thả và đón khách. Một ga metro lớn sát bên là đầu mối giao thông thuận tiện cho rất nhiều du khách tới chợ.
Chợ trời nhưng văn minh sạch đẹp
Có thể coi chợ Chatuchak là chợ của hàng may mặc bởi số lượng gian hàng bán quần áo may sẵn, vải vóc… chiếm gần một nửa trong số hơn 15.000 gian hàng trong chợ, chưa kể những sạp hàng trên vỉa hè những con đường xung quanh. Số lượng kế đến là những gian hàng giày dép, thủ công mỹ nghệ bằng gỗ, mây tre đan, đồ tơ lụa vải, gốm, da, nhựa đậm đà màu sắc Thái Lan. Rồi hàng tiêu dùng, ẩm thực, trái cây… Có cả một số gian hàng cổ vật mà tôi đứng tần ngần mãi trước quầy hàng nhỏ xíu bày những chiếc rìu đá, rìu đồng và những phế phẩm trong quá trình chế tác công cụ của người xưa cách nay hàng ngàn năm. Hàng hoá trưng bày gọn gàng, thứ tự, dễ nhìn dễ lấy. Đặc biệt từ những gian hàng trên con đường xung quanh chợ đến những lối đi giữa những gian hàng đều sạch sẽ, thùng rác để khắp nơi. Lệnh cấm hút thuốc trong chợ đã được thực hiện hàng chục năm nay, nếu hút, phạt 2.000 baht (khoảng 70 USD). Chợ đông vậy nhưng không quá ồn ào, không trả giá lớn tiếng hay cãi lộn, không loa cảnh báo trộm cắp hay rao hàng ầm ĩ. Ngay tại các cổng chợ có quầy đổi tiền, máy ATM, trạm cảnh sát du lịch và một bảng lớn trưng hình ảnh những kẻ móc túi để mọi người cảnh giác. Nói chung, đi “chợ trời” nhưng du khách không bị cảm giác bất an.
Khách mua hàng cũng tỷ lệ theo số lượng các loại hàng hoá: khu vực quần áo may sẵn, giày dép từ sáng đến chiều lúc nào cũng tấp nập người xem, người thử, hầu như ai cũng mua được những món hàng mình thích. Hàng thun, vải cotton, hàng tơ lụa, hàng da… luôn là ưu tiên hàng đầu. Mẫu mã rất đa dạng phong phú, giá cả hợp lý, dễ mua, thái độ người bán hàng vui vẻ, bán được hay không cũng nhẹ nhàng cám ơn. Người mua có thể trả giá chút ít, người bán nếu không bớt thì nhã nhặn giải thích là hàng đã hạ giá hết mức, cả hai bên cùng vui lòng. Nụ cười thường trực trên gương mặt những người bán hàng, giọng nói, giọng rao hàng trầm bổng nghe như hát. Tôi đến rất sớm khi chợ còn đang mở cửa dọn hàng, trong các gian hàng không thấy có nhang đèn cúng mở hàng, khi tôi thử xem hàng và trả giá nhưng không mua thì cũng không bị đốt “phong lông” hay bị người bán mắng mỏ, khó chịu.
Sao mình không có chợ như Chatuchak?
Tôi hiểu dòng chữ trên áo kia là một thông điệp khẳng định “chủ quyền” sản xuất bởi phần lớn hàng trong chợ do Thái Lan sản xuất có nhãn hiệu rõ ràng.
Ở một gian hàng bán áo thun, bất chợt tôi nhìn thấy một chiếc áo có in dòng chữ “Not made in China”. Thấy hơi lạ, tôi hỏi “Mẫu áo này không còn? – Áo này bán cho khách du lịch à?” – “Xin lỗi vì mẫu này mới hết, nhiều người Thái cũng mua”, người bán vui vẻ trả lời. Tôi hiểu dòng chữ trên áo kia là một thông điệp khẳng định “chủ quyền” sản xuất bởi phần lớn hàng trong chợ do Thái Lan sản xuất có nhãn hiệu rõ ràng. Đây còn là thông điệp thể hiện trách nhiệm với người mua hàng về chất lượng hàng hoá của Thái Lan.
Tại một số trung tâm thương mại những nhãn hàng nổi tiếng cũng có hai loại giá rõ ràng: hàng nhập khẩu giá cao và giảm giá ít; hàng hiệu nhưng do Thái Lan sản xuất giá rẻ hơn, giảm giá cũng nhiều hơn. Sự công khai này vừa dễ dàng cho người mua đồng thời cũng đảm bảo cho giá trị của các thương hiệu hàng ngoại trên đất Thái Lan. Một sự sòng phẳng làm hài lòng du khách.
Bangkok đang là mùa du lịch cao điểm nhưng du khách vắng hơn mọi năm, tình trạng này phản ánh sự ảnh hưởng khá rõ của khủng hoảng kinh tế. Tuy vậy khách du lịch đến chợ Chatuchak vẫn rất đông, bạn tôi nói vui: hình như vào cuối tuần du khách ở Thái Lan đều tập trung về đây. Đến chợ để biết về “văn hoá chợ” của người Thái, để mua hàng hoá vừa túi tiền và yên tâm không bị “lừa” không bị mua hớ. Và chợ Chatuchak đã hoàn thành chức năng của mình: giúp du khách tiêu tiền thoải mái, hợp lý, vui vẻ, và chắc chắn nhiều du khách sẽ còn trở lại.
Quanh quẩn cả buổi sáng trong chợ Chatuchak tôi cứ băn khoăn tự hỏi: vì sao chúng ta không có một ngôi chợ lớn như vậy để bán hàng Việt Nam chất lượng tốt và phong phú mẫu mã chủng loại, vừa cho “người Việt dùng hàng Việt” vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. Chúng ta có nhiều công ty gia công may mặc hàng xuất khẩu nhưng thị trường trong nước thì hầu như bỏ ngỏ cho hàng hoá nước ngoài. Nếu ta sản xuất nhiều hàng chất lượng cao để “xuất khẩu tại chỗ” thu hút khách nước ngoài đến mua sắm như Thái Lan thì đây là một nguồn thu lớn, đồng thời hệ thống nhà hàng khách sạn cũng sẽ tăng công suất. Cùng với các sản phẩm du lịch khác, chất lượng dịch vụ và chất lượng hàng hoá, nét đẹp của “văn hoá chợ Việt”… sẽ hấp dẫn và lưu giữ du khách nhiều lần hơn những khẩu hiệu tuyên truyền bóng bẩy mà thiếu chiều sâu văn hoá. Phát triển du lịch bền vững chính từ những điều giản đơn như thế.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN THỊ HẬU
  

BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG TRUYỀN THÔNG



Khi mới sinh ra đời ai cũng được cha mẹ đặt cho một cái tên. Tên nôm na hay tên chữ… đều mang một ý nghĩa nhất định đối với đấng sinh thành, đối với con người nhỏ bé vừa mới chào đời.
Lớn lên, tên của mỗi người không chỉ là dấu hiệu đầu tiên để phân biệt mình với người khác, mà tên gọi còn được kèm theo nhiều danh xưng, chức tước, cấp bậc, học vị… Mỗi khi mọi ngườ
i nhắc đến thì tên gọi sẽ là niềm kiêu hãnh hay nỗi ô nhục, nếu người mang tên “nổi tiếng” hay “tai tiếng”. Và do đó, cũng như con người, tên gọi của mỗi người cũng phải được bình đẳng với nhau, trong mọi trường hợp.
Khoảng một tuần nay nhiều báo in (và báo mạng) đưa tin đã “phát hiện” cô người mẫu này cô hoa hậu hoa khôi kia cô diễn viên nọ… trong đường dây bán dâm với giá nghìn “đô”. Lập tức tên tuổi, danh hiệu, biệt hiệu, quê quán, nơi ở, nơi “làm việc”, thậm chí cả hình ảnh của các cô đều “được” đưa lên mặt báo (mạng) với những lời tường thuật sự việc không mấy khách quan và mang đậm sự kỳ thị, bất bình đẳng về giới, bởi thông tin về (những) người đàn ông mua dâm rất khiêm tốn: hầu như không tên tuổi, không nghề nghiệp, không hình ảnh, và cả cách xử lý (hình phạt) cũng không! Cùng lắm chỉ là một danh từ chung “đại gia” và cái tên viết tắt (chắc đưa ra để câu khách?!).
Nhưng, khi “nói lại” những người đàn ông mua dâm ấy không phải là (những) đại gia trong ngành truyền thông, mà chỉ là “nông dân mới bán đất” hay “đại gia chân đất” thì lập tức, bắt đầu hé mở những cái tên viết tắt dài hơn vì có cả họ và chữ lót, kèm địa chỉ nơi ở khá cụ thế!
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật! Lẽ nào chỉ có gái bán dâm mới làm xã hội băng hoại về đạo đức? Lẽ nào chỉ có nông dân chân đất mua dâm mới là xấu xa? Cách thông tin trên báo chí như vậy không khách quan, thể hiện sự bất bình đẳng trong truyền thông, và sau đó là trong luật pháp, ngoài sự bất bình đẳng về giới rất rõ ràng.
Sự bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua, và từ những chuyện như thế!
Tiếc thay, phản ứng lại sự bất bình đẳng này hình như chỉ thấy trên các mạng xã hội, vốn không được xem là truyền thông “chính thống”!

SGTT ngày 8/6/2012, trích 1 phần đăng mục CHUYỆN CUỐI TUẦN "Trưng tên gái gọi, dấu tên gọi gái", hình minh họa: SGTT.

Sách mới của con gái Mai Quyên dịch


Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 14 con gái Mai Quyên (Dennis Q) dịch, cùng với 1 tập truyện ngắn, vậy là con gái đã có 15 đầu sách (có cuốn in thành 2, 3 tập) được xuất bản. Giỏi hơn mẹ nhiều :))

NGÀY NÀY NĂM TRƯỚC


Hà Nội (ảnh Mai Kỳ)
và Sài Gòn (ảnh Viễn Sự)



Viết trong ngày 5 tháng 6

Một ngày tuyệt vời, khi mà những người dân Sài Gòn, Hà Nội đã thể hiện lòng yêu nước một cách đẹp tuyệt vời!

Blog của tôi tràn ngập hình ảnh bạn bè, những gương mặt trẻ già dễ thương rạng ngời tình yêu Tổ quốc, những gương mặt trong sáng đầy vẻ cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Họ bày tỏ lòng yêu nước một cách hồn nhiên, không vụ lợi, không suy tính, không đao to búa lớn. Họ là những người bạn của tôi, là những người tôi không quen bíêt, nhưng tất cả đều là những con người chân chính, là đồng bào của tôi! Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân - Lời người xưa dặn đó!

 Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc. Tình yêu đó thiêng liêng bởi vì nó xuất phát từ trái tim trong sáng, tình yêu Tổ quốc không có chỗ cho những gì giả trá. Ngày hôm nay nhân dân đã làm nên một “Hội nghị Diên Hồng” ở Hà Nội , ở Sài Gòn và kết nối hàng triệu trái tim.

Hôm nay tôi đã được chứng kiến những giờ phút giao hòa của mỗi con người với Hồn thiêng sông núi!

TỪ BIỆT, CHỊ CỦA EM :(


 Vĩnh biệt NSƯT đạo diễn Bạch Lan
Thứ Bảy, 02/06/2012 12:03

(NLĐO) - NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã trút hơi thở cuối cùng vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim lúc 2 giờ ngày 2-6 tại nhà riêng, thọ 74 tuổi. Sự ra đi của bà để lại nhiều thương tiếc cho đồng nghiệp và khán giả.

Thương tiếc “cánh chim không mỏi”

Đêm 1-6, gia đình NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã đưa bà vào cấp cứu tại Bệnh Viện 115 vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bà đã không qua khỏi. Sự ra đi đột ngột của người cả đời gắn với sân khấu, nghệ thuật gây bất ngờ và thương tiếc khôn nguôi.       
                                     
Biết tin NSƯT đạo diễn Bạch Lan qua đời, NSƯT Mỹ Uyên xúc động: “Tôi học nhiều điều từ cô Bạch Lan, trong đó có tính nghiêm khắc khi làm việc. Những năm sau này dù đã về hưu, cô Bạch Lan luôn tâm niệm hai câu thơ: "Tới tuổi thì phải về hưu. Lòng yêu nghệ thuật không hưu bao giờ”. Vì thế, cô vẫn sống với sân khấu thông qua việc tích cực tham gia giảng dạy, dàn dựng”.
 
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và NSƯT đạo diễn Bạch Lan trong phòng thu (ảnh T.Hiệp)

Từ Pháp điện thoại về trong đêm khi hay tin NSƯT Bạch Lan qua đời, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân khóc nức nở, vì có thể nói chương trình cuối cùng NSƯT đạo diễn Bạch Lan dàn dựng là DVD nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân về với quê hương.

Ngoài ra, ba vai diễn giúp Hà Mỹ Xuân đoạt HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 – 1990 đều do NSƯT đạo diễn Bạch Lan dàn dựng. “Tôi không thể tin chị Lan qua đời. Ba vai diễn mà chị dàn dựng cho tôi trong Hoa đất, Thứ phi Phi Yến và Đôi mắt tình yêu, đã là ba kỷ niệm không thể nào quên. Cả đời chị sống cho sân khấu, hết lòng vì diễn viên trẻ. Chị còn là một nhà quản lý cương trực, một đạo diễn có nhiều sáng tạo khi đưa những thể nghiệm độc đáo vào sân khấu cải lương” – Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chia sẻ.
 
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và NSƯT đạo diễn Bạch Lan trong hậu trường
           
Với NSƯT Ca Lê Hồng, những kỉ niệm về nữ đạo diễn tài hoa này rất nhiều. Tuy nhiên, điều bà nhớ nhất chính khoảng thời gian mà NSƯT đạo diễn Bạch Lan quen với thiếu tá phi công Lê Văn Do (người sau này là ông xã của NSƯT đạo diễn Bạch Lan), giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1961. Đến năm 1964 cả hai tổ chức đám cưới.

“Thời đó, Lan theo đoàn văn công đi diễn khắp nơi, còn anh Do thì đóng quân ở sân bay Cát Bi – Hải Phòng. Thời chiến bận rộn lắm, có lần Lan xuống thăm ông xã vào ban đêm, còn anh Do thì phải huấn luyện bay đêm. Dù không gặp được nhau, nhưng trong suy nghĩ của Lan mái ấm gia đình của những người lính lúc nào cũng ấm áp, hạnh phúc. Bốn tháng tuổi đứa con đầu lòng của Lan đã phải dứt sữa để mẹ lên đường thực hiện nghĩa vụ. Tinh thần chiến đấu hiên ngang và ý chí bảo vệ đất nước đặt trên tình cảm lứa đôi, tình yêu gia đình đã hằn sâu trong những tác phẩm sân khấu của Bạch Lan”- NSƯT Ca Lê Hồng cho biết.

Người nghệ sĩ luôn xem mình là chiến sĩ
             
Sinh năm 1939 tại Sài Gòn, năm 16 tuổi, NSƯT đạo diễn Bạch Lan (tên thật là Nguyễn Thị Xuân Lan) theo người bác họ là nhà cách mạng Phùng Văn Cung – vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, tập kết ra Bắc. Sau khi ra Hà Nội, bà học phổ thông trung học tại Trường Học sinh miền Nam Nguyễn Khuyến, Nam Định. Đến năm 1958, bà được tuyển vào Đoàn Kịch nói Nam Bộ (tiền thân của Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang sau này) và từ đó gắn bó với sân khấu.
 
NSƯT đạo diễn Bạch Lan cùng NSƯT Diệu Hiền

Bà có người chú ruột là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch, chính ông đã truyền cho bà lòng say mê nghiệp diễn. Và như bao người làm nghệ thuật khác, bà trở thành diễn viên giỏi, thể hiện nhiều vai diễn xuất sắc trước khi chuyển sang đạo diễn. Bà cũng đã từng nhiều lần tham gia chiến dịch phục vụ bộ đội tại chiến trường.
                                                                                                                                                          
Suốt 40 năm làm nghệ thuật, NSƯT đạo diễn Bạch Lan luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ: “Người nghệ sĩ là chiến sĩ”. Trong chương trình Những cánh chim không mỏi HTV tổ chức tôn vinh bà năm 2004, nữ nghệ sĩ này tâm sự với khán giả: “Người lính thì phải chấp hành kỷ luật và xả thân vì lý tưởng. Trong quá trình lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật trẻ thành phố, tôi đã áp dụng kỷ luật quân đội để rèn luyện thế hệ diễn viên trẻ. Có thể cách làm của tôi quá khắc nghiệt nhưng đó là một tinh thần xông trận đúng nghĩa. Người nghệ sĩ tựa như bông hoa trên sân khấu nên bản thân phải tự khoe sắc, khoe hương đúng với tinh thần và ý nghĩa trong sáng”.
 
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và NSƯT đạo diễn Bạch Lan

Tính đến hôm nay, NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã dàn dựng 90 tác phẩm sân khấu, trong đó có rất nhiều kịch bản nổi tiếng được công chúng yêu mến: Đứng gác dưới ánh đèn neon, Cái ghế, Độc thoại Mê Đê, Bi kịch lạc quan, Trên mảnh đất đời người, Thanh gươm và bà mẹ...  Đặc biệt, trong phim Hòn Đất, bà để lại nhiều cảm tình cho khán giả qua nét diễn xuất mộc mạc, chân thực với vai bà Cà Sợi.

Vĩnh biệt NSƯT đạo diễn Bạch Lan – người nghệ sĩ luôn đặt mình trong tư thế người chiến sĩ cách mạng. Công chúng và các thế hệ nghệ sĩ vẫn luôn nhớ về bà.
Linh cữu NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã được đưa về quàn tại Nhà tang lễ TPHCM (25, Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ truy điệu bắt đầu lúc 14 giờ ngày 4-6, sau đó sẽ đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TPHCM.
                 

http://nld.com.vn/20120602110440665p1140c1192/vinh-biet-nsut-dao-dien-bach-lan.htm

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...