Lược sử Thái Lan trong một ngày



SGTT.VN - Muang Boran – còn gọi là Ancient Siam – cách trung tâm Bangkok khoảng 33km về phía đông, là một trong những bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Có thể coi chuyến tham quan một ngày tại đây như một hành trình đi qua lịch sử toàn bộ Vương quốc Thái Lan. 

Một ngôi làng toàn nhà sàn: nhà ở, hàng ăn, chùa, nhà thờ được dựng lại trên một khúc sông. Ảnh:

Dù đi bằng xe hơi nhưng trong một ngày cũng khó có thể tham quan hết bảo tàng ngoài trời khổng lồ này.
Phục dựng lịch sử qua kiến trúc
Trong khuôn viên rộng gần 1km2 có hình dáng như đất nước Thái Lan thu nhỏ, hơn 100 di tích kiến trúc nổi tiếng tiêu biểu cho lịch sử – văn hoá đã được phục dựng lại tại vị trí chính xác về mặt địa lý, nhờ vậy du khách được khám phá những di sản văn hoá trên khắp đất nước Thái, từ những đền tháp thời kỳ Ayutthaya đến những ngôi làng cổ với nhà sàn bên sông. Rồi từ cung điện, chùa chiền, bảo tháp đến những khu phố cổ buôn bán sầm uất; rồi công viên và những bức tượng kể lại nhiều câu chuyện nổi tiếng đến những ngôi chùa, dinh thự của người Hoa… Hàng loạt các công trình kiến trúc, biểu tượng nghệ thuật, kết hợp với những nghề thủ công, cảnh quan và môi trường tự nhiên được bố trí hài hoà, Ancient Siam đã làm cho du khách cảm nhận được quá trình lâu dài, liên tục của lịch sử, văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật và phong tục, lối sống của người Thái từ thời cổ cho đến nay.
Người chủ trương xây dựng và đầu tư cho công trình này là một tỉ phú Thái Lan. Ông dành gần như toàn bộ tài sản của mình cho việc nghiên cứu và xây dựng công trình này với sự hỗ trợ của các chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hoá, nghệ thuật của bảo tàng Lịch sử quốc gia để đảm bảo tính chính xác và khoa học.
Dấu ấn ba loại hình di tích
Loại một là những dấu tích khảo cổ học thuộc những thời kỳ khác nhau được phát hiện tại đây. Nếu di tích chỉ còn nền móng của đền tháp, kiến trúc thì khai quật nhằm làm rõ phạm vi, cấu trúc của di tích. Sau khi nghiên cứu đầy đủ, một “mô hình di tích” nhỏ hơn (tỷ lệ khoảng 1/3) được xây dựng căn cứ vào dấu tích còn lại. Du khách vừa ngắm nhìn kiến trúc mới vừa có thể nhận biết các dấu tích cổ được bảo tồn nguyên vẹn. Cách phục dựng này không làm ảnh hưởng đến di tích khảo cổ, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức đồng thời cũng để phân biệt rõ dấu tích cổ còn lại và “bản sao” được xây mới. Nếu di tích còn lại một phần thì được bảo tồn chu đáo nhưng không xây lại toàn bộ kiến trúc mà chỉ trùng tu từng bộ phận như hàng cột hay bức tường, một phần đền tháp. Cách làm khác nhau với hai loại di tích khảo cổ, vừa giúp du khách hiểu biết về các kiến trúc cổ vừa cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những phế tích lịch sử, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn để nghiên cứu khoa học và học tập.
Loại công trình thứ hai tại đây là những cung điện, chùa chiền… được phục dựng nguyên vẹn về hình dáng và trang trí tuy kích thước nhỏ hơn. Vật liệu xây dựng và chất liệu trang trí rất cầu kỳ, rực rỡ… Bên trong công trình đồng thời là những bảo tàng trưng bày cổ vật, hội hoạ, điêu khắc, đồ trang sức quý giá. Đặc biệt, bộ sưu tập những tượng Phật bằng nhiều chất liệu trong các ngôi chùa, sưu tập ngọc xá lỵ… thực sự là những “báu vật quốc gia”. Rất nhiều du khách Thái đến viếng chùa lễ Phật tại đây, bởi những ngôi chùa này thực sự là chốn tâm linh chứ không chỉ để tham quan.
Loại di tích thứ ba làm tôi đặc biệt thích thú: những “làng văn hoá dân tộc” độc đáo, đó là phố thị cổ và làng ven sông. Phần lớn đều là những ngôi nhà gỗ cổ được mua từ nhiều nơi mang về dựng lại ở đây, kiến trúc trang trí theo lối xưa, đồ đạc trong nhà đều là cổ vật, những ngôi nhà như những “bảo tàng gia đình” của người Thái, người Hoa mà ngày nay khó còn tìm thấy vì những đô thị cổ đã thay đổi rất nhiều. Hai bên con đường nhỏ lát gạch sạch sẽ xuyên qua “thị trấn” có những cửa hàng bán đồ lưu niệm, gốm sứ, tơ lụa, rạp múa rối bóng truyền thống… vừa gợi lại không khí phố thị cổ xưa, vừa phục vụ du khách.
Trên một khúc sông được dựng lại cả một ngôi làng toàn nhà sàn: nhà ở, hàng ăn, chùa, nhà thờ… những người phụ nữ chèo xuồng chở đồ ăn, trái cây, thi thoảng ghé vào bờ bán cho du khách. Mấy nhà hàng bán những món ăn Thái khá ngon với giá phải chăng, khách vừa được nghỉ ngơi thoải mái vừa tìm hiểu văn hoá ẩm thực Thái Lan. Người dân Bangkok và những thành phố lân cận thường xuyên đến đây để được sống trong cảnh quan và sinh hoạt truyền thống, nay chỉ còn duy trì ở miền quê.
Để phục vụ cho việc phục dựng và trùng tu quần thể di tích còn có cả xưởng phục chế, sửa chữa đồ gốm, đồ đất nung và đồ gỗ. Ngoài những người kinh doanh hàng lưu niệm, quán ăn, công viên văn hoá này còn có cả một “đội quân” là nhân viên bảo vệ, vệ sinh, trồng và chăm sóc cây cối, vườn hoa, công nhân trong các xưởng phục chế… ước tính cả ngàn người. Toàn bộ chi phí cho công trình gồm thiết kế, xây dựng mới, khai quật và trùng tu di tích, bảo tồn bảo quản, lương nhân viên… hiện nay đều từ tài sản của chủ nhân công trình.
Meang Boran thực sự là một công trình văn hoá hiện đại xứng tầm với những di sản văn hoá mà nó phục dựng.

bài và ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Giá vé: 300 baht cho người nước ngoài và 100 baht cho người Thái (100 baht bằng khoảng 70.000 đồng). Không mua vé xe buýt, khách có thể thuê xe golf tự lái tuỳ xe hai, bốn hay sáu chỗ có giá từ 150 baht đến 450 baht/giờ.

1 nhận xét:

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...