CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG (15)


Đi từ Nội Bài về Hà Nội bằng xe Hàng không.
Ra khỏi nhà ga thấy chiếc xe Hàng không đang đón khách. Đến gần thấy chưa có ai, tôi hỏi anh lái xe: xe đi ngay chưa anh? Xe về đâu? – Đi ngay đi ngay, về Deawood, Quang Trung. – Bao nhiêu tiền ạ? – 40 nghìn, chị lên xe đi, ngồi trước cho khỏi say xe (chắc thấy mặt mình mệt mỏi quá, hic).
Chờ một lúc lâu xe mới đủ người, 16 người cả bác tài, hành lý để chật hết cả chỗ lên xuống, dưới gầm ghế. Rút cục tôi cũng không ngồi ghế trên, vì có một cặp đã leo lên ngồi khi tôi đang xếp hành lý, bất chấp bác tài nói ghế đó đã có người.
Hành khách đều từ Sài Gòn ra nhưng tất cả đều nói tiếng Bắc, chắc đều là người Bắc (trừ tôi). Bắt đầu là màn chào hỏi nhau: bác ra Hà Nội về quê à hay đi có việc, bác ở trong Sài Gòn lâu chưa, chú vào chơi với các cháu à, cô vào công tác hay thăm người nhà hay đi chơi… trừ cái đôi ngồi ghế trên cùng có tuổi chênh lệch khá nhiều nhưng mức độ âu yếm nhau thì ngang nhau, rất teen Biểu tượng cảm xúc grin
Câu chuyện ngày càng rôm rả giữa hai người đàn ông và ba người phụ nữ ngồi băng ghế sau cùng. Ừ trong miền Nam cái gì cũng không ngon bằng ngoài mình nhỉ. Hoa quả cũng thế, rau thì nhiều loại nhưng không ngon, không thơm, gà vịt thịt cá cũng vậy! Chỉ được cái nhiều, đi chợ trăm nghìn ăn cả nhà không hết.
- Đúng dồi, em vào Sài Gòn ăn cái gì cũng không được. Chả món nào ra món nào, cái gì cũng có giá đỗ với rau thơm. Ăn kinh chết đi được.
- Vì con tôi nó chuyển vào làm việc trong ấy thì tôi vào chứ ở đấy chán lắm.
- Thế bác ở quận mấy?
- Tôi ở quận Gò Vấp. Xung quanh toàn người Bắc mình thôi. Mới vào Sài Gòn á, toàn tay trắng. Thế mà cứ mua bán đất đai bây giờ ai cũng giàu sụ. Chỉ có mình đi làm nhà nước nghỉ hưu là nghèo thôi.
- Thế chú ra Hà Nội ăn tết à?
- Không, em ra chơi thôi bác ạ. Các cháu lâu lâu mua vé cho em ra chơi, mua giá rẻ nhưng em chỉ mua việt lam enai thôi, không đi các hãng khác việt dét với dét ta gì, toàn bị đì nay thôi.
- Các cháu nhà chú chắc thu nhập tốt nhỉ?
- Vâng, tất cả các cháu nhà em đều có công ty riêng, mua nhà ở Phú Mỹ Hưng gần nhau hết, em chả phải xa đứa nào. Dưng mà họ hàng ngoài này hết nên thỉnh thoảng ra chơi.
- Ừ trong đấy với con nhưng anh em ngoài này cả nên tôi chỉ thích về Hà Nội ăn tết. Tết Sài Gòn chả ra tết gì cả. Nóng bức, lại chỉ toàn mai vàng choét, thức ăn thì mau thiu.
- Ấy trong Sài Gòn người ta sống tây lắm, chả ăn tết như ngoài mình. Ai lại cứ tết là cả nhà kéo nhau ra biển chơi thế chứ? Tầm một tuần nữa là Sài Gòn vắng tanh ấy mà, người Trung người Bắc về hết thì Sài Gòn cũng chả còn ai…
- Ấy chú tài cho tôi xuống chỗ Hàng Bông nhé.
- Không xuống đấy được ạ, thế bác xuống gần Cửa Nam nhé?
- Từ đấy bắt xe về Khâm Thiên dễ không nhỉ? Thôi chú cứ cho tôi về luôn Quang Trung vậy. Mải chuyện quá lại quên cả chỗ xuống.
- Vâng thế các bác đi xe em thấy vui không ạ? Đi taxi ngồi một mình chán chết.
Đôi ngồi ghế trên vẫn mải miết dựa đầu nhéo má vuốt tóc rờ tai nhau. Đến Quang Trung họ cũng không xuống, chắc thuê xe đưa đi tỉnh nào đấy. Loáng thoáng nghe thấy nói với bác tài như vậy.
Kéo chiếc va ly đi về khách sạn gần đó mà bỗng nhớ thương Sài Gòn quá chừng!

HN 27.1.2015

THU HOẠCH LÚA VỤ XUÂN :)









BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG XUÂN 2015









BÁO LAO ĐỘNG XUÂN 2015






BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM XUÂN 2015




BÁO BÓNG ĐÁ XUÂN 2015

Sách sắp ra lò :)




TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu là người rất quen thuộc với những ai yêu quý và quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn. Từ góc nhìn của nghề nghiệp và bằng một tình yêu Sài Gòn sâu đậm nhưng cũng rất lãng mạn, những tản văn, tạp bút của chị đã giúp chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố và con người Sài Gòn đằng sau cuộc mưu sinh vội vã hàng ngày. Cách nhau chỉ một giấc mơ  chính là mơ ước của mỗi người Sài Gòn làm sao giữ gìn hồn phố thị, là ký ức nhớ quê của những người miền Tây xa xứ, là tự vấn của thế hệ đi trước đã để lại gia tài văn hóa gì cho thế hệ sau.
Bạn có thể cùng mơ ước một điều gì đó với nhiều người khác, nhưng một giấc mơ, ngay cả về điều đó, thì nó chỉ là của riêng bạn mà thôi. Ký ức và những giấc mơ là tài sản quý giá của ta không ai có thể lấy đi được. Miễn là đừng đánh mất giấc mơ.

linh tinh lang tang (101 - 102)

Linh tinh lang tang (101). KHI NGƯỜI TA HÁT…

Khi người ta không thể bày tỏ nỗi lòng cùng ai, khi người ta không thể thể hiện con người mình như mình vốn là, thì bài hát và tiếng hát của ta có thể làm giúp điều đó. Mình vẫn luôn nghĩ vậy, bởi vì trong cuộc đời đã có lúc cần một câu hát, một giai điệu để tự đưa mình ra khỏi những đau đớn hay thất vọng hay cô đơn…
Hôm rồi ở Đà Lạt nghe Giang hát, rồi Giang nói, đại ý: nếu bạn không có một ai để có thể trò chuyện thì bạn hãy tâm sự với cây đàn. Có thể có người thấy Giang hát không hay, nhưng mình cảm được tự sự của Giang – người phụ nữ đa cảm thậm chí yếu mềm mà vẫn sống một cách mạnh mẽ và độc lập. Cái hay của giọng hát lạ này là đã thể hiện được điều đó.
Hôm nay, nghe bài hát này, một lần nữa thấy được sự kỳ diệu của âm nhạc, của giọng hát.  Giai điệu, qua cảm xúc của người hát, trở thành sợi dây nối liền những trái tim. Và những giọt nước mắt đồng cảm là phần thưởng cao nhất. Có lẽ người hát này không cần gì hơn điều đó.
Cám ơn người bạn ở xa đã gửi cho mình bài hát này!



Linh tinh lang tang (102). Điều ước và sự thật.
Từ lâu rồi mình không xem VTV, vì nhiều lý do. Nhưng chuyện ồn ào về "vợ chồng" khiếm thị lên sân khấu Sao Mai làm mình phải tìm xem chương trình này. Dù đã biết sự thật nhưng khi xem mình vẫn xúc động. 
VTV đã xin lỗi về việc đưa ra sự không thật như đã cho mọi người thấy. Người trách anh chồng người thương cô vợ khiếm thị. Báo chí được thể khai thác những người của 2 gia đình... Thôi thì mọi việc sẽ qua...
Sự giả dối thì chẳng bao giờ có thể biện minh cho một hành động tốt, mình nghĩ vậy. Và chỉ thấy thương người vợ chính thức của anh chồng kia. Có ai nghĩ chị ấy sẽ bị tổn thương lắm ko? Còn 2 đứa con nhỏ của chị nữa... Chắc chị cũng có những ước mơ đẹp cho 2 con của mình... 
Làm đàn bà, ở phía nào cũng khổ...



BÚA ĐẬP VÀO TAY (truyện 100 chữ)


1.Bạn ở trong bếp, ông xã ngoài phòng khách đóng cái gì đấy cộp cộp. Bỗng nghe tiếng con khóc, rồi thằng bé chạy vào ôm lấy bạn. Bạn âu yếm hỏi (hệt như ông bụt hỏi cô Tấm), làm sao con khóc? Thằng nhỏ trả lời, bố bị búa đập vào tay. Ồ, vậy à. Bố bị đau nhưng không khóc. Con trai thì phải dũng cảm như bố chứ? Huhu, thằng bé nức nở, tại lúc bố bị búa đập con buồn cười quá… Bạn chợt hiểu, chính là con trai “búa đập” chứ không phải bố!


2. Nhà không có đàn ông, tất tật mọi việc bạn đều (phải) tự làm lấy. Từ việc kiếm tiền, xây nhà đến chăm con, cơm nước… bạn đều thành thạo.Vậy  nhưng có lần bạn gọi cho tôi, giọng nức nở, tôi hốt hoảng hỏi có chuyện gì… bạn nghẹn ngào không nói được. Một lúc sau nghe tiếng con bạn “mẹ con bị búa đập vào tay”, tôi lặng người. Búa đập vào tay thì rất đau, nhưng đau đến mức phải gọi và khóc với một ai đó thì nỗi đau không chỉ là cái tay bị thương…


3..Cậu bé kia tính khí rất nóng nảy thường phạm lỗi lầm. Bố cậu bắt buộc: mỗi lần phạm lỗi con hãy tự đóng một cây đinh vào hàng rào ngoài kia để nhìn thấy mà răn mình. Nhiều lần sau đó dù đã biết lỗi nhưng cậu vẫn không bình tĩnh nên thường đập búa vào tay đau điếng. Chính vì bị đau như vậy nên một thời gian sau cậu từ bỏ được tính khí nóng nảy, nhưng hàng rào nhà cậu thì trở nên xấu xí vô cùng vì bị những chiếc đinh đóng vào nham nhở.


MỘT BÀI PHỎNG VẤN :)

Mộ bạn trẻ gửi câu hỏi phỏng vấn, từ chối mãi không được mình đã gửi câu trả lời. Đến nay không biết có sử dụng hay không :) Thôi bỏ lên đây cho vui vậy :)

-          Tự nhận rằng “Hà Nội là tuổi thơ của tôi, còn Sài Gòn là nơi tôi trưởng thành. Nam bộ là quê hương của tôi”. Cho cháu hỏi, sự “đặc biệt” này có ảnh hưởng như thế nào đến con người Nguyễn Thị Hậu hiện tại?
-          Sự đặc biệt này có ở nhiều người chứ không phải riêng có ở tôi, có thể nói là đặc điểm của một thế hệ. Thế hệ những người như tôi có được sự hòa hợp của văn hóa miền Bắc, miền Nam, văn hóa của gia đình và văn hóa của môi trường xã hội. Bạn bè thường nhận xét về tôi, nghe giọng nói của tôi và đọc những gì tôi viết thì nghĩ tôi hoàn toàn là “người Hà Nội”, nhưng nếu quen biết tôi lâu hơn và làm việc với tôi thì nhận thấy, tôi lại là “người Sài Gòn chánh hiệu” J

-          Cơ duyên nào khiến cô đến với khảo cổ học và quyết định gắn bó với nó?
-          Tôi học Đại học tổng hợp, khoa Sử, thích môn này do các thầy giảng, dạy rất hay. Ra trường thì theo nghề, vừa vì yêu thích vừa vì thời chúng tôi… ít có sự lựa chọn.

-          Có lẽ, bên cạnh một “Hậu khảo cổ” đã trở thành thương hiệu. Mọi người còn biết đến cô với rất nhiều hoạt động xã hội. Với cô, công việc nào hiện tại khiến cô hứng thú và dành nhiều thời gian hơn cả? Và liệu rằng, cô muốn mọi người biết đến Nguyễn Thị Hậu với vai trò gì trong xã hội?
-          Thật ra những “hoạt động xã hội” cũng là một phần công việc của tôi, nhưng được thực hiện dưới hình thức khác mà thôi. Nghiên cứu khoa học (lịch sử, khảo cổ) cũng cần được phổ biến để cộng đồng có thêm hiểu biết khoa học, sự bày tỏ thái độ, chính kiến cũng là cần đóng góp với xã hội ngày một tốt hơn. Tôi nghĩ đấy là trách nhiệm của bất kỳ người nào. Vì vậy công việc nào tới thì làm cũng không đo đếm thời gian. Tôi chỉ là “Nguyễn Thị Hậu” bình thường như mọi người phụ nữ khác.

-          Sau “101 truyện ngắn 100 chữ”, độc giả còn thấy một Nguyễn Thị Hậu với cái nhìn tinh tế về nhiều vấn đề của xã hội thông qua những câu chuyện hết sức gần gũi, bình thường thông qua “Thế giới mạng và Tôi”. Vậy, điều gì khiến cho cô có được một góc nhìn hết sức độc đáo, tinh tế  như vậy?
-          Tôi nghĩ, có lẽ do “giời sinh” ra phụ nữ là như vậy J Cộng với thói quen nghề nghiệp nên nhìn cái gì cũng thấy những “góc khuất” của nó. Cuộc sống vốn vậy, vấn đề là mình nhìn nó thế nào, tích cực hay tiêu cực mà thôi.

-          Đọc nhiều bài viết, tạp bút của cô, mọi người thường thấy phảng phất đâu đó một nỗi đau, trăn trở. Cô có thể định nghĩa rõ hơn về những “trăn trở” của mình?
-          Nói vậy có vẻ to tát quá J Tôi chỉ thể hiện những suy nghĩ của mình một cách chân thành. Mà ai là người biết nghĩ thì đều phải có những trăn trở với các vấn đề xã hội hiện nay, phải không?

-          Chừng ấy năm gắn bó với nhiều công việc, chắc cô đã gặp không ít áp lực. Cô đã bao giờ thất bại trước việc gì chưa và vượt qua nó như thế?
-          Có thất bại. Đấy là khi tôi không thể tiếp tục làm một công việc mà tôi yêu thích nhất, do những quan hệ trong công việc không còn phù hợp. Tuy nhiên, không làm được việc đó thì tôi cố gắng làm tốt công việc mới, đấy là cách vượt qua nỗi buồn và để thấy mình có ích, cho chính mình và cho xã hội.

-          56 tuổi nhưng người ta vẫn thấy một Nguyễn Thị  Hậu hết sức trẻ trung, cả vẻ bề ngoài lẫn tâm hồn. Bí quyết nào giúp cho cô làm được điều đó?
-          Điều này tôi phải cám ơn các con gái của tôi, cám ơn những người bạn trẻ của tôi, và cám ơn mạng xã hội J . Họ không để cho tôi “già nua cũ kỹ” vì luôn mang lại cho tôi những cái mới, mới trong suy nghĩ, nhận thức, tri thức… Để mình có thể hữu ích thì không thể không làm mới mình J

-          Dù rất bận rộn nhưng cô luôn dành thời gian để “tám” cùng bạn bè, chia sẻ với công chúng những tâm tư của mình thông qua blog, Facebook. Liệu đây là niềm vui của cô hay là một còn một lý do nào khác?
-          Internet cho ta một “trường giao tiếp” mới, tại sao mình lại từ chối nó, khi mà qua nó, nhờ nó mình có thêm, được bao điều mới mẻ, bao người bạn tốt? Nó cũng là nơi mình rèn luyện “bản lĩnh” va chạm với môi trường “ảo”. Kinh nghiệm từ nhiều “nhân vật” trên mạng càng làm cho tôi hiểu hơn một điều giản dị: sự nổi tiếng ở bất cứ đâu (ngoài đời, trên mạng) luôn là con dao hai lưỡi, và “người của công chúng” nếu có chút ảo tưởng thôi, sẽ nắm vào lưỡi dao thay vì cầm vào cán.

-          Có lần, cô đã từng nói: “Phụ nữ thường nhạy cảm, phụ nữ có nội tâm phong phú càng nhạy cảm. Mà cuộc sống hiện nay thì quá nhanh, hiếm có khoảnh khắc “lặng” để nhìn lại”, cô có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này. Có phải người phụ nữ hiện nay đang chịu quá nhiều thiệt thòi hay không?
-          Thiệt hay không cũng do từng người cảm nhận. Sự phong phú trong thế giới nội tâm của phụ nữ, theo tôi, là một tài sản vô giá. Sử dụng nó như thế nào thì… tùy J

-          Mong cô chia sẻ một chút về “tổ ấm” của mình. Bận rộn với công việc như vậy thì cô có bí quyết gì để chăm sóc gia đình vẹn toàn?
-          Gia đình tôi cũng bình thường như nhiều gia đình khác. Ai có việc của người nấy, không đòi “bình đẳng” trong chuyện nội trợ, kể cả việc lớn. Tự thấy việc gì cần làm thì làm… Có lẽ nhờ vậy nên “ổn định” chăng J

Cảm ơn và chúc cô sức khỏe, thành công.


 Tháng 12.2014

Linh tinh lang tang (100). XỨNG ĐÁNG VỚI YÊU THƯƠNG



Sài Gòn ngày cuối năm chớm lạnh…
Chị được em tặng những tập thơ của em. Phần lớn chị đã đọc trên web của em, nhiều bài chị thuộc từ tập thơ đầu tiên em xuất bản. Có những câu thơ đọc hoài vẫn rưng rưng, và có nỗi buồn thật đẹp còn đọng lại khi rời cuốn sách…
Những vần thơ như lời thủ thỉ với người yêu hay với một hình bóng đã xa, với một nửa còn lạc đâu đó trên thế gian này. Có lời thơ như bạn bè tâm sự với nhau, có bài thơ chỉ như một lời tự sự… Không oán trách không hờn giận không than thở, chỉ đầy yêu thương và có chút gì như chấp nhận sự an bài của số phận, số phận của những cuộc chia ly.
Những lúc buồn lúc vui lúc cô đơn lúc trống trải nhớ đến một câu thơ nào đó, nếu nó làm ta rơi nước mắt thì sau đó ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Ký ức là một người bạn đôi khi vô tình làm ta đau, thơ cũng vậy. Nhưng từ nỗi đau ngọt ngào như thế
Những người còn bên nhau sẽ yêu nhau hơn
Những người đã chia tay sẽ tha thứ cho nhau
Những người đã xa nhau sẽ mãi nhớ về nhau
Những người chưa yêu sẽ tìm đến nhau
Ta bao dung hơn với người từng làm ta đau
Và tự nhủ hãy xứng đáng với những yêu thương mà cuộc đời mang lại.
Thơ - có cần gì hơn nữa
Phải không?

Vụn vặt đời thường (68). Năm 2014: Nhớ gì ghi nấy


48 bài viết mới + 11 bài tết 2014 = 59 bài được đăng trên báo in và báo mạng. (Chưa tính một số bài tết 2015)
Có một số bài phỏng vấn trên báo chí và truyền hình về bảo tồn di sản và văn hóa Sài Gòn.
Kết thúc 01 đề tài NCKH của thành phố và thực hiện 01 đề tài của Bộ KHCN
Hết là Tổng Biên tập tạp chí NCPT và nhận việc Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay (Hội khoa học lịch sử VN)
Hoàn tất hướng dẫn 03 thạc sĩ và nhận hướng dẫn tiếp 03 thạc sĩ nữa
Xuất bản 3 cuốn sách tạp bút (1 cuốn chung với bạn) , 1 cuốn sách từ công trình NCKH 2013.
Nghỉ hưu từ tháng 4.2014 và đi loanh quanh được vài chuyến trong vài ngoài nước
Sức khỏe: vượt qua được một nỗi lo từ hai năm qua. Giờ thì OK rồi J
Sửa nhà “như mới”, an cư hơn và hy vọng nghiệp sẽ “lạc” hơn J
Đám cưới con gái. Được thêm một cậu con trai J

Trên blog vẫn duy trì Linh tinh lang tang và Vụn vặt ngày thường. Nói chung và vẫn nhảm và sến :D

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...