NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ

 https://nguoidothi.net.vn/nhung-ngay-thang-tu-3241.html


 Nguyễn Thị Hậu

 

1. Ngày 30 tháng 4, chiến tranh chấm dứt đồng thời cũng là ngày dập tắt tia hy vọng mong manh của bao nhiêu gia đình miền Bắc về sự trở về của chồng, con em mình… Từ ngày này, chiến tranh chấm dứt nhưng bao nhiêu gia đình miền Nam lại phải chia ly vì người đi “học tập”, người vượt biên, người đi kinh tế mới… Từ ngày này, những gia đình có người thân trở về sau cuộc chiến có khi lại bắt đầu một “cuộc chiến” khác. Trong cùng một nhà có bên này bên kia, có vợ sau chồng khác…

Chính vì vậy ký ức những ngày này luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với thế hệ tham chiến bên này lẫn bên kia. Sự mất mát vì chiến tranh và sau cuộc chiến không từ một ai. Cuộc sống trôi qua và cho đến nay trong nhiều người vẫn chỉ tồn tại “một bên của quá khứ”, nỗi đau (hình như) ngày càng di căn. Bên này bên kia có gia đình nào không không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng kéo dài chắc chắn không chỉ một, hai thế hệ?

 Nhưng thử nhìn những gì tràn ngập trên mạng xã hội những ngày này mà xem, có nỗi đau chỉ cần một hai câu từ cũng đủ làm nhói lòng và buộc người ta phải nghĩ suy cặn kẽ. Nhưng cũng có câu chữ… chỉ thấy người viết “ăn theo” những nỗi đau những sự mất mát. Có một câu nói rất hay “ngoài đau bụng mọi cái đau khác chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng ai không cảm nhận được những nỗi đau ấy thì đó không phải là người tử tế”. Vâng, khi không thực sự cảm nhận nỗi đau của người trong cuộc thì xin đừng độc ác mà khoét sâu hơn vết thương ngày cũ.


2. “Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào… Những bà mẹ đau nỗi đau mất đi những đứa con, có phân biệt nỗi nhớ đứa con bên này bên kia? Những người đã yên nghỉ ở những nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng, trên cao xanh họ có còn phân biệt bên thắng hay thua?  “Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”, từ những năm 20 của thế kỷ trước nhà văn Alexei Tonxtoi đã viết như một lời nguyện cầu trong cuộc nội chiến ở nước Nga sau cách mạng tháng Mười. Vậy mà sau mỗi cuộc chiến không biết đến bao giờ lòng người mới thôi gào thét hận thù để chỉ còn lại sự nhẫn nại dịu dàng hàn gắn vết thương?

Những ngày này 41 năm trước gia đình tôi được quay trở lại quê hương sau hơn 20 năm “ngày Bắc đêm Nam”. Năm nào cũng vậy, ngày này tôi chỉ ở nhà thắp nhang cho những người đã khuất. Trong gia đình tôi có nỗi đau của cả hai bên nhưng chẳng bao giờ nói đến hai chữ “thắng thua”, người về không màng chữ “được” người đi không vì chữ “mất”, bởi cùng thấu hiểu nỗi đau của ông bà tôi khi đã hòa bình mà vẫn tiếp tục phải xa lìa con cháu.

 

Hồi tháng hai tôi được xem trên mạng một clip: tại đất nước Isarel có một ngày mà tất cả mọi người lưu thông trên đường phố, khi nghe một hồi còi dài vang lên, khắp nơi đều dừng lại, xuống xe và kính cẩn làm một phút tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị thảm sát bởi Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai.
Bao giờ có một ngày tháng Tư mọi người Việt Nam cùng chung một phút tưởng niệm những người đã ngã xuống trong chiến tranh, đã chết sau cuộc chiến vì “vượt biên”, vì bom mìn còn gài lại, vì chất độc hóa học ngấm sâu vào cơ thể…? Từ giây phút tưởng niệm chung như thế có mở ra những ngày Tháng Tư  hòa giải hòa hợp của chúng ta?

 

3.Nhưng cũng từ ngày cuối tháng Tư năm ấy, thế hệ hậu chiến đã ra đời và trưởng thành. Nhiều người trong họ tự nhận mình là “bên bỏ cuộc” –tạm gác lại quá khứ của những chính thể, mất mát tổn thất của gia đình, họ nhìn về tương lai nhiều hơn. Như những người “đồng hương”, mối liên hệ bà con giữa thế hệ “bỏ cuộc” như một sợi dây mà thời gian càng dài càng trở nên mỏng manh trong cái thế giới ngày càng phẳng…
Nhiều người trong thế hệ hậu chiến hiểu được căn nguyên của sự thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha, đó là một biểu hiện của “mặc cảm thất bại” mà thế hệ chiến tranh đã bị mất mát và tổn thương nặng nề về tinh thần, cho đến nay không có gì có thể bù đắp lại những mất mát và tổn thương ấy…

 Trong Bảo tàng Ký ức chiến tranh ở Hàn quốc, ngay sảnh chính có một bức tranh lớn kín một bức tường. Bức tranh vẽ rừng cây hoa lá tràn ngập, ở giữa là giới tuyến Bàn Môn Điếm và hai lá cờ Hàn quốc và Triều Tiên nhỏ xíu. Dòng chữ lớn chạy suốt bức tranh “Bán đảo Triều Tiên có bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng đang bị chia cắt thành hai nước”. Đọc dòng chữ này tôi ứa nước mắt. Có quốc gia nào dân tộc nào không có khát vọng thống nhất, chỉ khác nhau sự nhắc nhớ về chia ly, khác nhau sự lựa chọn con đường đi đến đoàn tụ mà thôi. 

Khi còn độc quyền quá khứ, độc quyền lịch sử thì tương lai đất nước này chưa phải là của chung mọi người dân Việt. Thống nhất giang sơn đã khó mà thống nhất lòng người còn khó hơn vạn lần. Bởi vì “cuộc chiến không đổ máu” âm thầm lặng lẽ hủy hoại cơ thể Việt Nam bắt đầu không phải từ tiếng súng mà từ sự định kiến tối tăm giữa những con người.

 

Sài Gòn tháng tư, 2016

Hình: HN 1975 và SG 2023






 

 

 

CUỘC TRÒ CHUYỆN VỀ MỘT THỜI CHƯA QUA

 @ Được làm vua thua làm giặc: thay thế địa vị của nhau bằng cách “làm lọan”. Vì vậy VUA, GIẶC tuy đối lập về địa vị nhưng có khi tâm thức như nhau: làm giặc lại coi mình như vua, làm vua mà hành xử như giặc.

Đã thế còn muốn “nổi can qua” để con vua con sãi đổi chỗ của nhau. Cứ thế cứ thế…sẽ dẫn đến (những cuộc) CÁCH MẠNG KHỨ HỒI.
(Ghi chép tháng Tư)

CUỘC TRÒ CHUYỆN VỀ MỘT THỜI CHƯA QUA

Cô cháu học ở nước ngoài, cuộc trò chuyện này vào tháng 3 năm 2016 nhân một bài luận cháu viết về chiến tranh VN. Năm nay post lại đây cũng nhân một số sinh viên hỏi tôi những hỏi câu tương tự.
Những câu trả lời của tôi trong bài này về những vết thương thời hậu chiến không khác suy nghĩ trong nhiều bài khác tôi đã viết trên FB, trên báo chí… Các anh chị và các bạn đã không cùng cách nhìn nhận thì không nhất thiết phải đọc và comment ở bài này. Xin cám ơn!

1. Con muốn biết ý kiến của cô trước việc mà học sinh học thuộc lòng môn Sử mà không tìm hiểu rõ vấn đề? Có phải vì học thuộc lòng khiến cho học sinh ghét môn Sử hay vì môn Sử vốn dĩ khô khan nên khó tiếp cận với người học không ạ?

@ Cách dạy - học thuộc lòng có nguồn gốc từ kiểu học thi từ thời xưa nên nhiều môn học ngày nay cũng duy trì lối dạy và học này, nhất là những môn xã hội. Cách học thuộc lòng không có lỗi, vì từ kinh nghiệm cô nhận thấy, nhiều bài văn, bài sử mà hay, hay vì cách viết và cách dạy của thầy cô, thì việc học thuộc lòng hoàn toàn không mang ý nghĩa tiêu cực mà ngược lại còn tích cực, vì ngoài kiến thức nhớ được thì cảm xúc có từ bài học sẽ nuôi dưỡng rất lâu niềm yêu thích môn học. Vì vậy, có thể sách giáo khoa viết không hay nhưng nếu thầy cô biết cách truyền đạt giảng hay thì không cần bắt buộc có lẽ nhiều học sinh vẫn thuộc bài và nhớ lâu.

Tất nhiên nếu thầy cô không “giảng” mà chỉ đọc và bắt học sinh học thuộc lòng thì môn nào cũng chán, ngay cả các công thức toán mà thầy cô giảng không hiểu thì cũng học sinh cũng khó thuộc và không thể áp dụng để giải bài tập.

2. Cô thấy cách dạy Sử ở Việt Nam hiện giờ có điểm gì tốt và chưa tốt ạ? Nếu có điểm chưa tốt cô muốn thay đổi, cải thiện như thế nào để tốt lên ạ?

@ Điểm tích cực: luôn nhắc nhở và nuôi dưỡng lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Đây là truyền thống cũng là đặc điểm lớn nhất của lịch sử VN. Điểm hạn chế là ngoài truyền thống chống ngoại xâm thì lịch sử VN chưa thấy rõ các yếu tố văn hóa xã hội, chưa thấy một cách sâu sắc, thật sự những ưu, nhược điểm của con người VN – chủ thể của lịch sử, trong đó có những nhân vật lịch sử và có người dân bình thường.

Muốn khắc phục điều này thì cần đặt/coi lịch sử là một dòng chảy trong truyền thống văn hóa, nhìn lịch sử từ văn hóa sẽ khách quan và toàn diện hơn.

3. Con học ở Mỹ thì người ta dạy rằng cuộc chiến năm 1957 tới 1975 là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ (tư bản – cộng sản) bị ảnh hưởng bởi Chiến Tranh Lạnh. Mỹ tham gia để viện trợ giúp đỡ cho miền Nam. Trong khi ở Việt Nam thì cho rằng Mỹ là một nước đế quốc xâm lược miền Nam Việt Nam. Và thật sự trong cuộc chiến thì không phải lúc nào cũng có một bên đúng hoàn toàn và một bên sai hoàn toàn, sẽ có đúng và sai tùy vào mỗi người nhìn nhận. Vậy theo cô mình có nên dạy Sử một cách đa chiều cho học sinh tiếp cận với hai mặt, nhìn nhận cái đúng cái sai của các bên không hay chỉ cần nêu ra cái đã làm tốt của một bên?

@ Nhận định khác nhau do đứng ở những góc độ khác nhau. Nhận định từ phía Mỹ là từ bên ngoài / trên bình diện rộng hơn của thế giới nhìn vào tình hình VN lúc đó. Còn từ VN – cụ thể là từ miền Bắc VN, là nhìn trong nội bộ VN: thực tế Mỹ vào miền Nam, mục đích chiến tranh là để “đuổi Mỹ và thống nhất”. Với cách dạy sử là dạy truyền thống chống ngoại xâm thì chiến tranh với sự có mặt của Mỹ ở miền Nam thì coi đó là sự xâm lược. “Sự thật” được con người nhận thức thế nào, nhận thức ở thời điểm nào thì thành lịch sử như vậy. Do vậy, đến một lúc cũng cần cho học sinh biết những đánh giá khác nhau của các bên về cuộc chiến, tuy nhiên kiến thức lịch sử phải đi cùng kiến thức những môn xã hội khác cùng nội dung. Học sinh có kiến thức rộng, có nhiều cách tiếp cận sẽ tự biết mình đứng ở đâu để nhận thức lịch sử. Quan trọng trong nhận thức lịch sử là “nguyên nhân dẫn đến sự việc hiện tượng đó” chứ không chỉ là đánh giá “đúng/sai” “thành công / thất bại”.

4. Con có đọc bài viết của cô viết về hồi ức đi ra Bắc tập kết và con thấy rất hay và cảm động (Con cũng đọc bài viết của mẹ con – một người Bắc đi di cư vào Nam sinh sống). Đọc cả hai bài thì con thấy rằng cả hai bên đều có những đau khổ trăn trở của riêng mình, nhất là nỗi nhớ quê hương vùng miền mình sinh sống (rất xúc động). Nhưng những sự kiện như: năm 1954 đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 và người dân hai miền có 300 ngày để chọn nơi mình muốn ở; không được nhắc nhiều trong sách giáo khoa môn Sử. Sách giáo khoa môn Sử chỉ nhấn mạnh rằng quân đội miền Bắc đã đánh Mỹ như thế nào. Chỉ nhấn mạnh về các chiến công đạt được. Cô nghĩ sao về việc này? Con thấy người ta cứ nhắc đến việc hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù nhưng mà sách giáo khoa thì dạy như vậy thì liệu có đi ngược lại với gì mà ta đang muốn làm (là xóa bỏ thù hận) hay không?

@ Càng lùi xa những sự kiện lịch sử thì người ta càng có cơ hội nhìn lại sự kiện đó bằng “con tim” chứ không chỉ bằng “khối óc”, tức là nhìn lại nó bằng cách nhìn của con người cá nhân chứ không còn là cách nhìn của “cộng đồng”, của đám đông lúc sự kiện xảy ra. Chiến tranh nào thì cũng có bên thắng bên thua, việc nhấn mạnh chiến thắng là nằm trong mục đích dạy sử: truyền thống anh dũng chống ngoại xâm. Như ở trên đã nói, như vậy là chưa đầy đủ và chưa khách quan.

Trong SGK còn nhiều sự kiện sơ sài hoặc thiếu vắng, điều này có thể bổ sung bằng bài giảng của giáo viên, hoặc bây giờ có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Không sự kiện lịch sử nào có thể che dấu mãi, chiến tranh, ngoài thắng lợi thì còn rất nhiều đau thương. Đấy mới là tác hại và hậu quả lâu dài của chiến tranh.

Việc hòa hợp hòa giải ở nước ta, theo cô không chỉ vì “người ta” nhắc nhiều về chiến thắng, mà còn là vì sau chiến tranh đã không có thống nhất thực sự ở lòng người do những chính sách và thực tế sai lầm trong thời hậu chiến. Sự mất mát trong chiến tranh có thể qua được nhưng mất mát thời hậu chiến không dễ qua. Sai lầm dẫn đến không/ chưa thể hòa hợp hòa giải chủ yếu là ở chỗ đó.

5. Theo cô nghĩ ý nghĩa của việc học và tìm hiểu môn Sử là gì ạ?

@ Là học làm người: hiểu biết quy luật lịch sử chung và quy luật lịch sử riêng của nước nhà, để độc lập suy nghĩ, nhận thức, từ đó mới trở thành con người tự do. Hiểu biết lịch sử một cách đúng đắn thì không phụ thuộc vào thế hệ trước, thế hệ trước cũng không thể ràng buộc thế hệ sau, như vậy mới có thể tránh những sai lầm của thế hệ trước trong quá khứ và biết tìm/ đi con đường đúng để tới tương lai, biết tự chịu trách nhiệm với chính tương lai của mình.

6. Cô có nghĩ là điều gì xảy ra ở quá khứ thì nên cho qua và tập trung cho hiện tại, những gì chính quyền và nhà nước làm cho dân trong hiện tại và tương lại mới là quan trọng không? Nếu cô nghĩ hiện tại và tương lai là quan trọng thì ta có cần thiết biết các câu chuyện bị che giấu đi trong lịch sử không ạ?

@ Quá khứ luôn tồn tại trong mỗi người, mỗi quốc gia, dù muốn hay không. Cũng không ai có thể chỉ biết hiện tại và tương lai. Như một câu nói “Không ai, không một điều gì bị lãng quên”, nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào, kể cả quá khứ tốt hay không tốt. Chỉ nhìn thấy/nhớ đến cái tốt đẹp cũng như cái xấu xa thì đều có hại như nhau. “Cho qua hay không cho qua” tùy thuộc vào nhớ như thế nào.

Lịch sử, dù xấu hay tốt, và cũng chẳng có lịch sử nào lịch sử của ai toàn tốt hay toàn xấu, đều luôn cần được minh bạch, công khai, khách quan đánh giá/ nhận thức lại. Cách nhận thức đánh giá quá khứ thế nào, ta sẽ có ngày hôm nay và tương lai như vậy.

Sài Gòn 19/3/2016

Nguyễn Thị Hậu



RAO SÁCH MỚI :)

 SÁCH ĐÃ LÊN KỆ CỦA NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP VÀ NHIỀU NHÀ SÁCH LỚN NHỎ KHÁC NHƯ TIKI, SHOPEE, KHAI TÂM, KHAI MINH... MỜI CÁC BẠN ỦNG HỘ

Một số bạn nhắn muốn có chữ ký của tác giả thì inbox cho mình nhé ❤
Cám ơn cả nhà thiệt nhiều ❤

Link mua sách:



ĐỢI MƯA

Mùa mưa đã bắt đầu nhưng cơn mưa thì đếm được trên đầu ngón tay.

Sài Gòn năm nay nóng nực kỳ lạ. Vẫn là nắng nóng ấy nhưng thêm cái nực nội oi bức, không khác Hà Nội bao nhiêu (hình như sau 40 năm sự hòa hợp đầu tiên là thời tiết giữa hai miền  ). Thi thoảng vài cơn mưa ở phía Tây Bắc chỉ đủ cho không khí dịu đi một chút, khu vực gần biển lại là nơi ít mưa. Ở đó quận 7, Phú Mỹ Hưng mát hơn nhờ cây xanh nhờ máy lạnh khắp nơi. Nhưng cũng ở đó, Nhà Bè, Cần Giờ thì đang trân mình chịu nắng nóng khô hạn.
Nhớ những ngày như vậy trong gần 5 năm khai quật ở Cần Giờ, nước ngọt không có, ăn uống tằn tiện từng chút. Ông anh già đồng nghiệp nói vui “May quá nhờ không có nước mà em Hậu không giục mình đi tắm”  Chẳng là mình hay giục mấy ông anh đi tắm thay quần áo, các “lão” ấy lười kinh khủng vì “đằng nào mai quần áo cũng bẩn, thay làm gì”. Khổ quá, cả tuần rồi ạ, bẩn khiếp! “Ơ cái con bé này, vợ thì không phải mà mày cũng ko yêu các anh, sao cứ bắt các anh sạch sẽ là thế nào” 😃
Thật ra là các anh tiết kiệm nước nhường cho mấy đứa đàn bà con gái, ngày nào cũng bùn đất nước phèn dính đầy quần áo người ngợm. Nước ngọt thì hết, ghe đổi nước vài ngày rồi chưa thấy vô. Sấm đằng nguồn mà ở biển thì chưa mưa. Kinh rạch nước phèn xanh trong mà thò tay chân xuống thì ra nắng chút thôi là cháy sém.
Mùa này cũng là mùa hay trúng gió cảm cúm. Trẻ con người lớn ra vào máy lạnh, nóng nực dội nước ào ào… thế là sổ mũi sốt ho… Có lần mình bị cảm, khan tiếng rồi tắt tiếng luôn. Lại được nghe nhời có cánh “con bé này khi ốm cũng hay nhỉ, tắt đài! Sao vợ mình ở nhà chẳng bao giờ ốm như vậy?!”. Tức điên mà chỉ có thể khào khào như vịt, cãi không lại mấy ông anh cậu em khảo cổ lắm mồm “ngoa ngoắt” 😃
Nói gì thì nói, mùa mưa mà không mưa thì thật là ông trời chơi ác! Từ xưa Nam bộ hai mùa nắng mưa rõ rệt để có mùa nước nổi khi mùa mưa gần dứt. Mùa nước nổi có năm nhanh năm chậm, nước lên từ từ, các loài cá cũng theo về Tiền Giang, Hậu Giang và các kênh rạch… Mùa cá tiếp mùa lúa, mùa nào người Nam bộ cũng có cách mần ăn để sống để vui, can cớ gì cứ phải rền rĩ “quê em mùa nước lũ”!
Thôi thì, lạy Trời ông mưa giùm vài trận đều trời cho mát đất đai đầy sông nước. Cho người ta mần ăn, cho người ta khỏi bực bõ cáu giận chỉ vì nóng quá!
Nhưng mà, ông có mưa lớn thì chừa mấy ngày triều cường, kẻo đường thành phố chưa lũ mà có lụt, và “hòn ngọc Viễn Đông” bỗng chốc biến thành “hòn ngập phố sông”.
Hình khai quật: SG 1978. Tiệm chụp hình Nguyễn Kỳ, gần cầu Công Lý


Sáng vừa post stt "Đợi mưa" thì tối có ngay một cơn mưa lớn kèm sấm chớp. Sài Gòn vào mùa mưa rồi...

KÝ ỨC HỘI AN

Nguyễn Thị Hậu

Lần đầu tiên tôi đến Hội An cách đây gần bốn mươi năm. Khi ấy Hội An còn là một thị xã nhỏ, nằm nép mình trên con đường đến thành phố Đà Nẵng, lặng lẽ bên sông Hòai, hầu như chưa mấy người biết đến… Khi ấy phố cổ nhà xưa vẫn còn nguyên nét cũ kỹ và không có nhiều cửa hàng cửa hiệu như bây giờ.
Nhiều người khi đến với Hội An đều có chung một cảm nhận: văn hóa và con người Hội An có gì đó độc đáo, riêng biệt mà sao vẫn thấy gần gũi, quen thuộc. Phải chăng đó là lối sống bình dị mà thân thiện của cư dân nơi đây? Phải chăng là những ngôi chùa, dãy nhà xưa với vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông, tuy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu nhưng khi tập hợp thành một quần thể trong một không gian lặng lẽ như ở đây đã làm cho Hội An trở nên khác biệt? Từng là Đại Chiêm hải khẩu rồi Fai Fo/ Hội An, cư dân Hội An không chỉ là những thương gia sống trong phố cổ buôn bán trong các cửa hiệu, nhà hàng mà còn là những người nông dân ở các làng lân cận, mỗi ngày đưa rau xanh, bánh trái, hoa tươi… vào thành phố, là những người thợ thủ công mang đến những sản phẩm nhỏ bé được làm ra bằng tài nghệ của chính mình, góp phần trang điểm cho phố cổ sinh động hẳn lên.
Thời gian qua đi nhưng người phố Hội vẫn giữ được sự mộc mạc giản dị trong tính cách, vẫn lưu truyền những sản phẩm thủ công đơn sơ mà độc đáo từ bao đời. Đọan sông Thu Bồn qua Hội An vẫn còn đó lễ hội đua ghe như nhắc lại một thủa thương cảng sầm uất trên con đường tơ lụa nổi tiếng ở biển Đông. Truyền thống văn hóa của người Hội An hấp dẫn những ai chưa đến và đã níu giữ tình cảm của nhiều du khách dù chỉ một lần đến với Hội An.
Lần này tôi trở lại Hội An đúng vào một đêm trăng 14. Vào lúc hòang hôn, khác với mọi ngày phố cổ bỗng nhộn nhịp hơn. Đêm nay, đêm lễ hội của phố cổ, những gì tinh túy nhất của Hội An sẽ được “khoe” với du khách.
“Lễ hội đêm rằm” là sự sáng tạo của người dân phố cổ trong việc phục hồi không gian và tái hiện hoạt động của cư dân xưa. Khi những ngọn đèn lồng được thắp sáng, phố cổ hiện lên dáng dấp một cảng thị sầm uất với những cửa hàng tấp nập, người dạo chơi nhìn ngắm ngòai cư dân bản địa còn có nhiều người nước ngòai đến đây. Có thể đó là thương nhân ở lại vài tháng chờ mùa gió thuận để đòan thương thuyền tiếp tục ngược lên phương Bắc hay xuôi về phương Nam. Cũng có thể là người thủy thủ chỉ ghé vào cảng Hội An trong chốc lát trên hành trình dọc biển Viễn Đông. Trong đêm hội du khách bỗng thành những người khách ngọai quốc thủa xa xưa, họ không chỉ là người chứng kiến lễ hội mà thực sự, họ còn là một thành phần quan trọng tạo nên lễ hội.
Nếu đèn lồng như ánh mắt dịu dàng, đằm thắm của đêm phố cổ thì hoa đăng sông Hoài thật sự là một lễ hội của ánh sáng. Với người Hội An, thả hoa đăng thật sự là một thú chơi nghệ thuật, là món quà tặng du khách khi đến tham quan phố cổ vào những ngày lễ hội.
Ngày thường, những người thợ thủ công cắt, gấp, dán giấy thành nhiều đóa hoa đa sắc để sẽ thắp sáng chúng trong lễ hội. Hoa đăng được chuyển lên thuyền, đợi lúc nước ròng thả xuống dòng sông. Theo dòng nước, hoa đăng lúc kết thành từng chùm, từng vạt, lúc nối thành bè, khi tách rời, xé lẻ từng chiếc tạo thành dòng sông rực sáng dọc theo dãy phố. Vài thảm hoa đăng sau khi diễu hành trên sông thì dìu nhau vào gần bờ, hắt lên thứ ánh sáng dìu dịu đủ thấy rõ những gương mặt thích thú, hân hoan của du khách đang say sưa ngắm nhìn.
Ngồi trên những bậc thềm của phố cổ hay trong những quán xá bên kia sông Hoài, du khách đều hướng về dòng sông lung linh hoa đăng, mắt ngắm nhìn mà tai thưởng thức những làn điệu dân ca xứ Quảng văng vẳng đâu đây.
Trong đêm Hoa đăng cư dân nơi đây và du khách muôn phương cùng gửi gắm những ước nguyện vào những ngọn hoa đăng thả trôi trên sông nước, cầu mong một cuộc sống luôn no ấm, bình yên và hạnh phúc. Muôn ngàn ánh sáng lung linh trên mặt nước càng về khuya càng bàng bạc ánh trăng, tựa như những con người từ thế giới linh thiêng đang hiện về chứng thực lòng thành của người còn sống. Nếu đã đến Hội An mà chưa một lần thả hoa đăng thì bạn đã bỏ qua một dịp được chiêm nghiệm cảm giác sự giao hòa trời đất và con người trong phút chốc bỗng trở thành hiện hữu…
Trong ánh đèn lồng huyền ảo phố cổ bất ngờ hiện lên một vẻ lãng mạn lạ lùng. Xưa kia người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng. Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng đèn điện từ mùa thu năm 1998 đã mang lại hiệu quả không ngờ và giờ đây đã trở thành một tập quán đẹp của Hội An.
Vào mỗi đêm 14 âm lịch, thành phố yên bình này như được quay trở về hơn 300 năm trước. Những dãy phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đồng loạt tắt đèn. Các gia đình tự nguyện ngừng sử dụng các thiết bị như TV, đèn đường, đèn neon... để không gian phố cổ chỉ còn lung linh những ngọn đèn lồng nhiều hình dáng.
Ánh sáng ngọn điện nhỏ được khuyếch tán và dịu hẳn đi nhờ những chiếc đèn lồng bằng lụa nhiều màu sắc, nhiều hoa văn… gây men say lâng lâng cho mỗi người đi trên phố cổ mà như đang sống trong một thế giới huyền ảo.
Sự nhộn nhịp của đêm hội, sự huyền ảo của hoa đăng đèn lồng không làm nhạt đi nét cổ xưa của những ngôi nhà cổ hằng trăm năm tuổi. Lối kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ giống như tính cách của người Hội An xưa: cởi mở thân thiện mà không xô bồ, không ồn ào.
Ở Hội An, nhịp sống và thời gian đương đại như dừng lại khi chạm vào từng ngôi nhà cổ. Thời gian đã in dấu lên những mái ngói cổ kính, những mảng tường rêu phong. Và người Hội An hôm nay vẫn đang kể lại những câu chuyện lịch sử bằng những việc làm, nếp sống và sinh hoạt hằng ngày.

(trích lời bình phim tài liệu nghệ thuật TRĂNG 14 HỘI AN, hãng phim TFS, giải Bông sen bạc 2011)
Hình: NAG Minh Hòa, 1.2022




KÝ ỨC THÁNG TƯ

 Tháng Tư

Có một ngày như là cuối thu
Xao xác lá vỉa hè phố cũ
Hương cà phê nồng nàn
Thoang thoảng nhẹ ấm chè mạn ngày xưa
Mùi ổi chín phố ngoại ô đầy gió

Tuổi mùa thu bất ngờ gặp lại
Những nụ hoa run rẩy trắng
Tinh khôi
Bồi hồi
Tháng Tư

Ừ thôi
Chia xa
Đâu phải là chấm hết
Mà chỉ mới bắt đầu, tất cả…
___


NHỮNG THÁNG TƯ ĐÃ QUA

Tôi nhìn thấy Sài Gòn lần đầu tiên là vào một tối cuối tháng 5-1975. Khi đoàn xe đưa chúng tôi – những người Hà Nội - vào đến Biên Hòa, trên xe có tiếng nói như reo: “Xa lộ Biên Hòa kìa!”. Mọi người nhìn ra ngoài: một con đường rất lớn và thẳng tắp, lại được chia đôi bằng… bức tường thấp, trông thật lạ lùng. Trên xa lộ khi ấy không có đèn nhưng xe hơi lao vun vút, ánh sáng như sao sa. Qua cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) đường phố Sài Gòn hiện ra với xe máy, xe đạp mini, những cô gái tóc dài buông xõa thong thả trong tà áo dài hay chiếc đầm ngắn, các anh thanh niên “cao nhòng ốm nhom” quần loe áo sơ mi bó sát, những hàng quán đèn màu rực rỡ…
Đêm đó chúng tôi nghỉ lại trong một tòa nhà trên đường Hàm Nghi, sáng sớm thức giấc bởi tiếng lao xao của khu Chợ Cũ. Một quang cảnh không quá “phồn vinh” như những gì tôi được nghe nói về Sài Gòn, nhưng có gì đó mang lại cảm giác thật bình dị, dễ gần. Những tháng sau đó tôi tiếp tục đi học và có nhiều bạn bè ở trường, ở hẻm phố nơi tôi sống.
Tôi quen dần với Sài Gòn qua những người Sài Gòn chân thành và lịch thiệp: từ dì bán hàng trong chợ đến bác xích lô bên đường, từ ông công chức đến cô giáo… Tôi quen dần với cơn mưa Sài Gòn đến nhanh và đi cũng nhanh, để lại không khí tư
ơi mát cho thành phố những ngày nắng nóng. Với tôi, khí hậu thời tiết cũng như tính cách người Sài Gòn thật là dễ chịu. Dù vẫn hoài niệm về Hà Nội của thời thơ ấu với bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng Sài Gòn hai mùa mưa nắng rõ ràng đã trở thành nỗi nhớ mỗi khi tôi xa thành phố.
Sài Gòn khi ấy là nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… qua dàn Akai vang lên trong những quán cà phê, hay bản vọng cổ, điệu bolero trong hẻm nhỏ nơi xóm nhà lá… Sài Gòn là một đô thị rất lớn và đang còn nhiều bề bộn trong những ngày mới thay đổi nhưng bên trong vẫn giữ được khoảng lặng để chiêm nghiệm về thân phận con người từng mong manh trong cuộc chiến. Sài Gòn khi ấy là đô thị thương mại hàng hóa ngập tràn, những ngôi chợ lớn nhỏ khu vực nào cũng có, những thương xá rực rỡ luôn tấp nập ngày đêm. Nhưng mua bán nơi sang trọng hay bình dân đều thân thiện là “mua giùm bán giúp”...
Rồi những năm sau, nhiều bạn bè tôi ra đi, những người còn lại đều chịu đựng thời bao cấp khó khăn như nhau và chia sẻ cho nhau nhiều hơn…
Hơn bốn mươi năm qua, Sài Gòn có quá nhiều thay đổi nhưng ký ức đầu tiên về Sài Gòn luôn còn đó, không hề thay đổi. Vì với tôi Sài Gòn là quê hương.
Từ đó đến nay, bao nhiêu tháng Tư đã trôi qua…
Có một tháng Tư, tôi hẹn gặp bạn từ xa về. Chúng tôi tuy xuất thân từ “hai phía” nhưng thân thiết với nhau từ ngày đầu gặp nhau ở Sài Gòn, sau này bạn ra đi nhưng giữa chúng tôi vẫn còn đó sự chân thành và cảm thông khi nhìn về quá khứ, “để cho con trẻ mai này còn được ngồi bên nhau, cho chúng ta nhẹ nhõm hơn mỗi khi gặp lại”. Lần đầu gặp lại nhau ai ngờ là lần cuối, vì sau đó bạn ra đi mãi mãi. Nhưng tôi tin rằng sau này ở trên cao xanh chúng tôi vẫn là những người bạn thân, dù mỗi năm tháng tư và những ký ức đau buồn của nó vẫn đến.
Có một tháng Tư khác, người bạn vong niên của tôi, một cựu binh Sài Gòn, nói với tôi trong quán cà phê xung quanh vẫn hầm hập chuyện những ngày tháng Tư năm cũ: đã buông thì hãy bỏ, cho nhẹ lòng! Cuộc sống vẫn tiếp tục, hãy để cho quá khứ đi qua, dù ta không thể quên thì nó là thứ duy nhất mà ta không thể nào thay đổi được. Tốt hơn là hãy cùng làm những điều tốt đẹp cho tương lai.
Những người cựu binh bên này bên kia mà tôi biết, họ đã trải qua những năm tháng nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Dường như qua tuổi “tri thiên mệnh” họ đã chiêm nghiệm được một điều đơn giản: qua tháng Tư oi bức, những cơn mưa rào tháng Năm sẽ đến…
Những ngày cuối tháng Tư là những ngày nắng nóng cao điểm, nhưng đây đó Sài Gòn đã có cơn mưa đầu mùa. Khi ta thật lòng mong đợi những cơn mưa thì không khó để nhận ra cơn gió mát mang theo hơi ẩm cùng đám mây trĩu nước đã bay về, và tiếng sấm ầm ì báo hiệu mùa mưa đang về thành phố.
(repost). Hình khai quật: SG 4.1981, bắt đầu làm cô giáo 🙂




NGUYỄN THỊ HẬU – ĐI LÀ ĐỂ ĐẾN, ĐỂ VỀ VÀ ĐỀ THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA…

 Giới thiệu sách của Nguyễn Thị Hậu:

 THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA

NXB Tổng hợp TPHCM, 4.2023, sắp phát hành.

NGUYỄN THỊ HẬU – ĐI LÀ ĐỂ ĐẾN, ĐỂ VỀ VÀ ĐỀ THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA…

          Ấn tượng nhất về cái đọc, được gây ra từ sách của Nguyễn Thị Hậu là một giọng văn tự sự đậm chất Nam Bộ, trong cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình, gây nhớ, gây thương, và gây ngẫm ngợi… của người viết. Với tư thế và tâm thế của một phụ nữ làm nghề đặc biệt – khảo cổ học, kể về những miền đất đi qua – với muôn vàn thương nhớ.

          Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi đến và cũng là đi về miền đất quê hương, nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình. Để rồi, tất cả sự đi chứa chan cảm xúc ấy, đã lên hương, thành tình tự, ngụ trong một chữ thương, (theo cách nói Nam Bộ, chữ thương dùng để chỉ chữ yêu. Con trai Nam Bộ không nói anh yêu em mà nói anh thương em).

          Bởi vậy, chữ thương ngự ngay tên sách của Hậu: Thương những miền qua.

          Vì thế, sách có chữ thương này rất có thể động lòng người chịu đọc nó.

          Bởi lẽ, người đọc nào mà chẳng thương miền đất đã sống, thương miền đất sắp đến và thương về miền đất mình sẽ trở lại - nơi quê hương nguồn cội.

          Như khát khao “quay đầu về núi” ?...                                                          

          Chính vì thế, tôi trộm nghĩ, thương, là từ khoá đặc hữu Nam Bộ trong cuốn sách được viết bằng thể kí văn học, cũng mặc nhiên đặc hữu cho lựa chọn chính xác của Hậu, đó là thể tuỳ bút: Thương những miền qua.

          Chữ thương, với cái viết riêng của Hậu, vì thế, bỗng đã thành một từ khoá  biểu cảm, đặc hiệu nhất cho cảm xúc của chủ thể viết Nguyễn Thị Hậu.

          Trước hết là thương mình, được cha sinh mẹ đẻ, trong một hoàn cảnh đặc biệt: cha mẹ là người miền Tây Nam Bộ, cùng đi theo kháng chiến chống Pháp, cùng ra Bắc tập kết năm 1954, hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội hơn hai mươi năm và về lại Sài gòn giải phóng năm 1975.

Nguyễn Thị Hậu, sinh năm 1958 tại Hà Nội, hiển nhiên trở thành dấu cộng đẹp về  địa -văn - hoá, giữa hai miền Nam - Bắc,  giữa Hà Nội thủ đô và Sài Gòn sau giải phóng. Về nguồn gốc của mình, Hậu viết giản dị “Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”: “Quê ngoại tôi cách quê nội một nhánh Tiền Giang, nối liền nhau bằng bến đò Mỹ Hiệp”. Sinh ở Hà Nội, Hậu nói giọng Hà Nội, cho đến giờ, Hậu vẫn giữ giọng ấy. Gia đình ba má Hậu, như thế, đã xa quê ở đồng bằng sông Cửu Long 21 năm, đã từng ăn 21 cái tết Hà Nội, xa ngôi nhà của ông bà nội cũng chừng ấy năm. Song dù ở đâu trên đất Bắc trong 21 năm dằng dặc xa quê ấy, thì “ngày Tết của gia đình tôi bao giờ cũng thấm đẫm hương vị Tết Nam Bộ. Hương vị ấy có một đặc trưng rất riêng, ấy là mùi bánh tét gói bằng lá chuối”

      Ngày còn bé dại, sinh ra và sống cả thời niên thiếu ở Hà Nội, có thể Hậu không thể trông thấy, và đặt chân lên đất quê cha quê mẹ, nhưng ông Bảy Bạch – đạo diễn sân khấu Nguyễn Ngọc Bạch - cha Hậu, từng là trưởng đoàn Cải lương Nam Bộ, sau là trưởng Đoàn  kịch Nam Bộ, và má Hậu, ở Hà Nội, nhưng đã thiết lập chắc chắn trong gia đình một lối sống, trong một bầu không khí đặc sệt chất Nam Bộ, Nam Bộ đến từng chi tiết nhỏ của việc ăn uống ngủ nghỉ, học hành, sinh sống và nghĩ suy… của những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sồng trên đất Bắc, với tâm thế chia đôi “Ngày Bắc đêm Nam”, với tâm trạng, mà thi sĩ Tế Hanh từng thảng thốt nhớ thương: “Đêm nằm chiếu chẳng ấm lưng / Bữa ăn đôi đũa ngập ngừng so le”. Ông Bảy Bạch, cha Hậu, biết con gái mê nghệ thuật cải lương và kịch, nhăm nhe thi vào nghề sân khấu, nhưng ông không khuyến khích Hậu theo nghề cha. Rốt cuộc, Hậu tự quyết định học Khảo cổ học tại Trường Đại học Tổng hợp TP HCM, và sau này đạt học vị Tiến sĩ khảo cổ học, và tập trung hành nghề khảo cổ ở vùng văn hoá Nam Bộ.

          Cuốn sách mới nhất này của Hậu “Thương những miền qua” là một trong chuỗi sách tản văn, tạp bút mà Hậu từng xuất bản hàng chục đầu sách, kể từ cuốn tạp bút đầu tiên: “Đi và Tìm trong Đất”, năm 2008. Song song với chuỗi sách này là  chuỗi sách chuyên khảo về khảo cổ học, mà người đọc tôi thích nhất hai cuốn: Khảo cổ học bình dân Nam Bộ (viết chung, 2010). Và “Đô thị Sài Gòn – TP HCM - Khảo cổ học và bảo tồn di sản ( xuất bản năm 2017, tái bản 2019).

          Truyền thống gia đình Nam Bộ cấp cho Hậu một tình yêu quê hương hồn nhiên, thương về cội rễ, ngay từ thuở bé ở Hà Nội, dù Hậu chưa từng được thấy quê nội và quê ngoại. Nghề khảo cổ học cho Hậu những thấm thía nghĩ suy về giá trị của những cổ vật trong lòng đất ở ngay trong lòng đô thị Sài Gòn và vùng ven đô Sài Gòn, xa hơn là những vùng miền đất cổ ở đồng bằng sông Cửu Long. Và trên tất cả là những chuyến đi về đầy niềm thương nỗi nhớ của chủ thể viết Nguyễn Thị Hậu. Và mặc nhiên, đã dẫn đến cái viết chẳng thể đặng đừng của Hậu, và dẫn đến cái đọc, cũng có thể chẳng thể đặng đừng của người đọc Nam Bộ, và không chỉ Nam Bộ, đã sống và đã yêu mảnh đất đẹp phong nhiêu và độc đáo này, với Sài Gòn – viên ngọc Viễn Đông…

          Vậy theo tôi, người đọc có quyền giải mã cái đọc của mình đối với loại sách “tản văn, tuỳ bút “ này của Hậu, có lẽ chỉ trên một chữ thương (như từ khoá), mà chính Hậu đã từng định nghĩa, từng rưng rưng viết, đầy cảm xúc bộc trực: “Nếu ai đó chỉ nói với mình một câu giản dị: anh thương em thì mình sẽ bỏ tất cả mà theo”.

          Nói vậy mà có phải vậy không, hỡi cô em tôi, Hậu kc (Hậu khảo cổ)?

          Nhưng tôi tin cái chắc là Hậu đã nhiều chuyến đi đi về về miền Tây Nam Bộ tấp nập ghe thuyền trên sông nước, trong bát ngát cảm xúc của chữ thương, khiến ngay cả Hậu cũng nao lòng, “mới thấy thương quê mình gì đâu”. Và Hậu tự mình vỡ lẽ - như trong một tản văn của Hậu mà tôi đọc đã lâu: “chữ thương của miền Tây ngọt ngào, nặng tình nặng nghĩa biết bao, bởi vì thương không chỉ là thương yêu cha mẹ anh em, mà còn là thương nhớ người dưng, thương xót thân phận ghe xuồng trên sông, thương những gì gắn bó cả đới như thương chính mình. Không ngưng được nỗi lòng, Hậu thổn thức viết tiếp: Chữ thương bao dung nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được. Bởi vậy, người đọc nào cũng có thể động lòng mà cùng theo Hậu thương về miền Tây, cùng Hậu thương không để đâu cho hết, những con nước lớn, nước ròng, chiếc xuồng chiếc ghe xuôi ngược miên man trên sông rạch, thương xóm, thương làng trải dài ven sông yên bình, thương những vườn cây trĩu trịt hoa trái miệt vườn, những con đường rợp bóng cây xoài, cây dừa và những ngôi chợ miền Tây sầm uất bán mua cả trên đất bằng lẫn trên sông nước…Tất cả nặng trĩu trong tâm thế người viết Nguyễn Thị Hậu, đong đầy trong một chữ thương… khiến người đọc cũng vì chữ thương ấy mà cầm lòng không đậu!

          Vậy thì bạn đọc thân mến, còn chần chờ gì nữa mà không cầm lấy chữ thương ấy để đọc sách của Hậu, để được nặng lòng thương nhớ con người và vùng đất Nam Bộ, vốn đậm đà tinh thần Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha! như Hậu khảo cổ đã viết thật cảm động trong một tùy bút của sách này: “Người Sài Gòn và tinh thần Lục Vân Tiên”…

                                                  Sai gon Pearl tháng 3.2023, viết tặng Hậu khảo cổ

                                                               PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái


Hình bìa: NAG Minh Hòa, thiết kế: Huy Khôi.



(NGHE) TRONG QUÁN CÀ PHÊ

@ Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?
Đấy là câu nói tình cờ tôi nghe được trong một quán cà phê, từ góc bàn bên cạnh, nơi có hai anh chị tuổi trung niên đang ngồi.
Người đàn ông dáng người cao lớn, vẻ mặt nhìn qua rất khó đoán cảm xúc. Người phụ nữ dáng mảnh dẻ, nếu không có đôi mắt mỏi mệt như bị mất ngủ thì trông chị trẻ hơn người bạn. Đôi mắt to như biết nói. Vẻ day dứt trong đôi mắt còn biểu cảm hơn câu nói trên của chị.
Sau đó cả hai cùng im lặng. Người đàn ông cầm ly trà uống cạn và nhìn quanh như e ngại điều gì. Còn người phụ nữ, chị lơ đãng nhìn ly cà phê còn nguyên.
Tôi chọn một chiếc bàn ở góc khác, không muốn mình vô tình tò mò chuyện của hai người. Nhưng câu hỏi tình cờ nghe được “chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?” cứ quanh quẩn trong trí nhớ của tôi rất lâu.
Đã bao giờ ta nghĩ vậy khi chia tay một người bạn, một người yêu – chia tay về khoảng cách địa lý hoặc để chấm dứt một quan hệ. Ừ, ta sẽ nói gì nhỉ khi gặp lại người ấy?
Nếu chỉ chia xa về địa lý thì đâu khó gì chuyện hàng ngày có thể trò chuyện với nhau, chỉ là muốn hay không mà thôi. Điện thoại, FB, skype, viber… bao nhiêu cách để người ta không chỉ nghe mà còn nhìn thấy nhau. Khoảng cách không gian gần như bị xóa nhòa, chỉ có múi giờ lệch nhau nhắc người ta nhớ rằng đang ở xa nhau.
Nếu chia tay nhau “đường ai nấy đi” thì có lẽ ngay lúc đó chưa ai nghĩ tới ngày gặp lại dù có thể vẫn còn yêu. Sự tổn thương làm người ta sợ những vô tình làm vết thương bật máu… Và nếu tình cờ gặp lại có lẽ cũng không còn gì để nói, không muốn nói thêm gì nữa.
Nếu chia tay nhau chỉ vì phải chia xa… Ừ, vậy thì ai cũng mong ngày gặp lại, nhưng có lẽ không ai phải nghĩ đến chuyện “nói gì khi gặp lại nhau”, vì lúc đó sẽ có bao nhiêu chuyện muốn nói.
“Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?”. Đó không phải là một câu hỏi để được nghe câu trả lời, mà là một phỏng đoán, một trông chờ, một hy vọng… Hy vọng còn gặp lại, còn nhận thấy đó vẫn là người thân yêu, còn có gì để nói với nhau. Cuộc chia tay này chứa đầy dấu hiệu của sự bất an đối với người bật ra câu hỏi đó.
Nói gì khi gặp lại nhau tùy thuộc vào việc chúng ta sẽ sống thế nào, làm gì khi xa nhau, bởi hơn ai hết ta biết rõ điều gì gìn giữ tình yêu và điều gì phá hủy nó, làm tổn thương người ta yêu.
Tôi thầm nghĩ, giá mà người đàn ông, sau những phút im lặng, sẽ nói với người phụ nữ “anh sẽ cố gắng không làm điều gì để khi gặp lại em, chúng ta vẫn có thể trò chuyện với nhau”.
Nhưng trong sâu thẳm, tôi không mong họ gặp lại nhau!
----
@ "- Muốn đi với chân dài hả? Thì đi với con ở nhà ấy. Có hẳn 4 chân dài tới nách đấy!"
Ở bàn bên chị nói với anh giọng cứ nhẹ như gió mùa thu.
Quán cà phê vẫn dịu dàng nhạc trữ tình. Có một người cắm mặt vô Ipad mà cười không ra tiếng vì tưởng tượng đến 2 con chó ở nhà. Quả nhiên, "chân dài tới nách" mà lông nách cũng dài tới chân.
----
@ Trái tim đàn bà dễ bị tổn thương lắm, người ta vốn không nương nhẹ nó đâu, kể cả người đàn ông mà con yêu và yêu con, nếu trái tim ấy không như người ta mong muốn.
Trái tim đàn bà, vừa đa cảm lại vừa phải tỉnh táo, vì đàn bà chỉ có thể dựa vào chính mình, tin vào linh cảm của chính mình, khi hữu sự, con gái ạ!
--- @ Khỏang riêng
Giữa hai người rất - thân - yêu liệu có một tồn tại một khỏang riêng nào không?
Có chứ, thậm chí khỏang riêng ấy luôn hiện hữu một cách rất… riêng là khác.
Nó tạo ra sự cách biệt nhất định để mỗi người giữ được bản ngã, không bị tình yêu “đồng hóa” trở thành người khác – chứ không phải là - trở - thành - nhau.
Nếu không có khoảng riêng ấy đến một lúc nào đó mỗi người sẽ cảm thấy tình yêu như một bầu trời nặng đầy mây xám và gió lạnh, không còn là bầu trời xanh với mây trắng bình yên niềm vui dịu ngọt nhẹ nhàng.
Khỏang riêng ấy có thể gây ra cảm giác giữa hai người là một khỏang cách. Nhưng mỗi lần vượt qua được cảm giác ấy họ sẽ đến gần nhau hơn.
Khoảng riêng ấy có khi làm tình trạng “vụng chèo” xảy ra . Nhưng cũng khỏang riêng ấy mang lại sự bình tĩnh để “khéo chống” cho tình yêu vượt qua những điều thái quá.
Trong cuộc đời trong tình yêu ai mà chẳng có lúc “vụng chèo”, nhưng “khéo chống” để vượt qua khoảng cách thì hình như không phải ai cũng biết 😞
Hình ảnh chính chủ: Tuổi 17 ở HN và tuổi ngoài 60 ở SG :)






CHUYẾN ĐI ĐẾN VÙNG ĐẤT CỦA CÁC PHARAONG

     Ai mà chẳng mơ ước một lần được đến Ai Cập – vùng đất đầy huyền sử của các Pharaong và Kim tự tháp nổi tiếng? Với người làm công việc khảo cổ như tôi giấc mơ ấy lại càng “cháy bỏng”. Một dịp may mắn đã đến khi tôi được đi cùng một nhóm đồng nghiệp khảo cổ và văn hóa trong hành trình khảo sát hệ thống di sản cổ đại tại đất nước Ai Cập.

Mười ngày đi đến một số thành phố lớn nằm ở những vùng địa hình khác biệt, từ thủ đô Cairo nơi có Kim Tự Tháp Giza kỳ vĩ đi lên phía Bắc đến thành phố Siwa – một ốc đảo xanh tươi và màu mỡ giữa sa mạc, qua Alexandria thành phố cảng nổi tiếng thời cổ đại. Từ đó về lại Cairo rồi đi xuống vùng di sản ở phía nam xung quanh hai thành phố Aswan và Luxor. Nơi nào cũng có di sản thế giới, thành phố nào cũng có những công trường khai quật khảo cổ học, nhiều di tích đã xuất lộ sau quá trình khai quật, chờ được bảo tồn hoặc “giải tỏa” cho công trình mới mọc lên… Ra khỏi các thành phố thì hệ thống đường bộ đang sửa chữa, mở rộng và tuyến đường sắt cao tốc được xây mới, khắp nơi đều ngổn ngang và bụi mù mịt… Tưởng như Ai Cập đang là một công trường khổng lồ như thời kỳ cổ đại, khi các Pharaong xây dựng Kim Tự Tháp.

***

Ấn tượng về những di sản khảo cổ Ai Cập quá nhiều quá lớn, đến mức tôi nghĩ chỉ cần đến thêm một di tích nữa chắc chắn tôi sẽ “bội thực” cảm xúc từ những gì tiếp cận, tiếp nhận trên đất nước này. Tuy nhiên ấn tượng sâu sắc nhất chính là điểm đến đầu tiên cũng là mong đợi của nhiều người khi đến Ai Cập. Đó chính là các kim tự tháp – những công trình vĩ đại xây bằng đá vôi và đá hoa cương, hình chóp 4 mặt hình tam giác và đáy là một hình vuông. Những kim tự tháp Ai Cập đầu tiên được biết đến nằm ở Saqqara phía tây bắc Memphis. Trong số đó, Kim tự tháp Djoser là lâu đời nhất được xây dựng vào khoảng từ năm 2630 đến năm 2611 trước công nguyên ở Vương triều thứ ba. Kim tự tháp này cũng như khu phức hợp xung quanh do kiến trúc sư Imhotep thiết kế, được xem là những công trình bằng đá nguyên khối cổ nhất thế giới. Số lượng nhân công để xây các kim tự tháp được ước tính vào khoảng từ vài chục nghìn cho tới hơn một trăm nghìn người.

Ngày nay nổi tiếng nhất là quần thể Kim tự tháp Giza chỉ cách trung tâm thù đô Cairo 13 km, được bảo quản tốt nhất nhờ vào sự bền vững của các công trình. Đây cũng là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại và duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Từ trung tâm Cairo đã có thể nhìn thấy Kim tự tháp Giza sau làn khói bụi mờ mịt. Ngỡ rằng còn xa nhưng bất ngờ các kim tự tháp hiện ra sừng sững… Từng nhìn thấy nhiều lần trên phim ảnh, nhất là trong những bộ phim tài liệu về cuộc khai quật khảo cổ tại đây, nhưng khi nhìn tận mắt, đứng trước bức tường đá không lồ trong tôi tràn đầy cảm giác choáng ngợp không sao tả nổi!

Quần thể kim tự tháp nằm trên một khu vực rộng lớn ở bình nguyên Giza, gồm nhiều kim tự tháp trong đó có ba kim tự tháp lớn nhất là Kim tự tháp Khufu (còn được biết đến với tên gọi "Kim tự tháp Kheops"); Kim tự tháp Khafre (hay Kephren); Kim tự tháp Menkaure (hay Mykerinus), một số các công trình phụ được gọi là "kim tự tháp của Hoàng hậu" cùng với tượng Đại Nhân sư. Giai đoạn xây dựng tập trung nhất ở đây vào khoảng thế kỷ thứ 25 trước công nguyên – cách đây hơn 4500 năm. Tại đây, cùng với lăng mộ hoàng gia còn có một số công trình khác thời Tân Vương triều về sau, một số đền đài bày tỏ sự sùng kính tới những người được chôn cất tại đó.

"Kim tự tháp Kheops" ban đầu có chiều cao 146,6 mét, mỗi cạnh đáy dài khoảng 230m. Theo thời gian, hầu hết lớp đá vôi trắng mịn ốp bên ngoài mất đi nên chiều cao của kim tự tháp hiện nay còn 138,5 mét. Các mặt của kim tự tháp hiện còn là các lớp đá xếp chồng lên nhau giật cấp bậc thang nhỏ dần lên tới đỉnh. Chỉ kim tự tháp Khafre còn giữ được phần lớp đá ốp màu trắng trên đỉnh. Trong cái nắng mùa xuân nhưng đã bắt đầu gay gắt đỉnh của kim tự tháp Khafre sáng lên rực rỡ, từ rất xa đã có thể nhìn thấy rất rõ. Cấu trúc bên gồm kim tự tháp nhiều bộ phận liên kết với nhau bằng những lối đi phức tạp, lối thoát khí tạo sự thông thoáng... Chưa kể đến sự tính toán chính xác kiến trúc bên ngoài và thiết kế bên trong, chỉ một việc là làm thế nào để đưa những khối đá to lớn có kích thước khác nhau nhưng đều nặng hàng chục tấn lên cao hàng chục, hàng trăm mét và ghép vào đúng vị trí trong quá trình xây dựng kim tự tháp cũng đã là một bí ẩn và một kỳ công mà khoa học đến nay vẫn chưa có sự giải thích thật thỏa đáng.

Sau khi chiêm ngưỡng bên ngoài các kim tự tháp từ mọi hướng, từ nhiều góc cạnh, từ toàn cảnh đến cận cảnh từng tảng đá vẫn nằm sát nhau qua hàng ngàn, tôi đi vào hầm mộ của kim tự tháp Kheops – công trình vĩ đại được coi là tiêu biểu khi nói đến kim tự tháp Ai Cập. Phía dưới cửa vào chính được xây dựng ở khoảng giữa kim tự tháp có một lối nhỏ đi vào hầm mộ,  cao hơn nền chừng 7m, đây là nơi bị đào trộm mộ từ ngàn năm trước. Càng vào trong lối đi càng dốc ngược, tuy đã được lát ván có những thanh gỗ đóng ngang chống trơn trượt, có tay vịn, có đoạn dài trần khá thấp, phải cúi lom khom hoặc người cao lớn thì phải ngồi xuống lần từng bước. Độ dốc rất cao nên “bò” rất mệt, đúng như đã được cảnh báo: ai có bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh hô hấp thì không nên vào.

Gian phòng chính, nơi chỉ còn lại chiếc quách đá lớn của pharaong, trần rất cao, toàn bộ được lát bằng những phiến đá lớn mài nhẵn bóng, hình vẽ trên tường đã mờ theo thời gian. Gian phòng được chiếu sáng bằng đèn chuyên dụng đủ để cho du khách chụp hình bằng điện thoại mà không cần đèn flat. Do phải mua vé riêng (giá tương đương vé tham quan toàn khu di tích) nên số lượng khách vào hầm mộ ít hơn, đảm bảo an toàn cho du khách và hạn chế sự hư hại hầm mộ. Đứng trước quách đá rất lớn trong gian phòng kín giữa trong lòng một “quả núi” nhưng không có cảm giác bị tách rời khỏi vũ trụ ngoài kia… Chắc chắn đó là mục đích quan trọng nhất của việc xây dựng kim tự tháp để các vị pharaong, dù đã chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại trong vũ trụ, sẽ tái sinh trong một thân thể mới từ “xác ướp”.

Trước đây khu vực Giza là vùng ngoại ô của Cairo, nhưng giờ đây thành phố đã mở rộng, đặc biệt việc một Bảo tàng hiện đại mới được xây dựng ở ngay khu vực này - Grand Egyptian Museum – đã tạo nên một không gian thu ngắn lịch sử “Ai Cập từ quá khứ đến hiện đại” với sự hiện diện của hai công trình vô cùng kỳ vĩ, đại diện của thời cổ đại là Quần thể kim tự tháp Giza và đại diện cho thời hiện đại là Grand Egyptian Museum. Cả hai đều là công trình lịch sử - văn hóa không chỉ của Ai cập mà còn là của cả nhân loại.

***

Các kim tự tháp luôn được coi là biểu tượng của đất nước Ai Cập từ thời cổ đại đến nay. Việc xây dựng hệ thống kim tự tháp được người Ai Cập cổ đại lao động trong hàng ngàn năm, như sự đóng góp công sức để được các pharaong ban cho sự tái sinh như họ. Tín ngưỡng về sự sống, cái chết phổ biến trên thế giới nhưng riêng ở Ai Cập được cụ thể hóa bằng nhiều công trình vĩ đại chứa những xác ướp tồn tại lâu bền. Tuy nhiên tục ướp xác phổ biến trong mọi tầng lớp ở Ai Cập thời cổ, xác ướp người bình dân chôn trong quan tài được đặt vào những hộc khoét sâu vào lòng núi. Trên đường đi qua hàng ngàn cây số tôi đã nhìn thấy nhiều “nghĩa địa” như thế, từ xa những ô hộc đều đặn cạnh nhau trông như những “căn hộ chung cư”. Những hầm mộ khoét vào lòng núi như thế có ở các thành phố, như ở Alexandria có một hầm mộ khổng lồ, sâu nhiều tầng và có đến hàng ngàn ô, hộc nhưng đến nay hầu hết các xác ướp đã không còn nữa. Tục lệ này còn tồn tại rất lâu đến tận sau này.

Kim tự tháp là công trình xây dựng chỉ dành riêng cho một người với sự bí mật đường đi lối vào để không ai có thể xâm phạm nơi yên nghỉ và thi thể các pharaong. Có thể nhận thấy hình dáng và kích thước các kim tự tháp tương tự những trái núi rải rác trên khắp các bình nguyên và sa mạc ở Ai Cập, mới thấy tưởng đó là các kim tự tháp nhưng đến gần thì nhận ra những núi đá vôi bị phong hóa. Cảnh quan này đang bị thay đổi nhanh chóng vì nhiều ngọn núi đã bị phá lấy đá làm đường, xây dựng.

Cho đến năm 2008 có tất cả 138 kim tự tháp đã được khám phá ở Ai Cập, nhưng gần đây con số này đã trở nên lạc hậu. Theo các nhà khảo cổ học, các kim tự tháp là lăng mộ của các Pharaon và hoàng hậu trong hai thời kỳ Cổ vương quốc và Trung vương quốc. Nhưng đến thời kì Tân vương quốc (từ năm 1570 đến khoảng năm 1100 trước công nguyên) bắt đầu hình thành “Thung lũng cổng vào các vị vua” bên bờ Tây của sông Nile. Tại đây người Ai Cập đã xây dựng gần trăm lăng mộ cho các Pharaon và tầng lớp hoàng gia,  thượng lưu Ai Cập của thời kì này. Cũng là những hầm mộ kiên cố trang hoàng lộng lẫy dành riêng cho từng người, được đào sâu vào lòng dãy núi vòng tròn quanh một thung lũng. Việc xây dựng khu hầm mộ như vậy chắc chắn nhanh chóng và đỡ tốn kém hơn rất nhiều việc xây dựng từng công trình đơn lẻ mà vẫn đảm bảo mục đích và ý nghĩa như kim tự tháp. Nơi đây cũng trở thành một di sản khảo cổ của thế giới và thu hút du khách không kém gì quần thể kim tự tháp Giza.

"Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất mới, mà là một cách nhìn mới” như nhà văn Henry Miller đã viết. Ai Cập không chỉ có một tặng phẩm tự nhiên là sông Nile mà còn là những ngọn núi, dãy núi khắp đất nước. Kim tự tháp bắt đầu từ quan niệm vĩnh cửu của linh hồn, được xây dựng bằng trí lực tuyệt vời và sự sức lực vĩ đại của người Ai Cập cổ đại, và tất nhiên, không thể thiếu nguồn tài lực vô cùng quan trọng từ những ngọn núi đá và dòng chảy sông Nile. Đó là những gì tôi đã nhận được và trải nghiệm trong hành trình ngắn ngủi ở nơi đây.

Nguyễn Thị Hậu 

Sài Gòn 23.3.2023. Hình ánh: tác giả 


Đại Nhân sư và Kim tự tháp Giza



Tác giả bên bức tường Kim tự tháp Kheops

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...