(NGHE) TRONG QUÁN CÀ PHÊ

@ Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?
Đấy là câu nói tình cờ tôi nghe được trong một quán cà phê, từ góc bàn bên cạnh, nơi có hai anh chị tuổi trung niên đang ngồi.
Người đàn ông dáng người cao lớn, vẻ mặt nhìn qua rất khó đoán cảm xúc. Người phụ nữ dáng mảnh dẻ, nếu không có đôi mắt mỏi mệt như bị mất ngủ thì trông chị trẻ hơn người bạn. Đôi mắt to như biết nói. Vẻ day dứt trong đôi mắt còn biểu cảm hơn câu nói trên của chị.
Sau đó cả hai cùng im lặng. Người đàn ông cầm ly trà uống cạn và nhìn quanh như e ngại điều gì. Còn người phụ nữ, chị lơ đãng nhìn ly cà phê còn nguyên.
Tôi chọn một chiếc bàn ở góc khác, không muốn mình vô tình tò mò chuyện của hai người. Nhưng câu hỏi tình cờ nghe được “chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?” cứ quanh quẩn trong trí nhớ của tôi rất lâu.
Đã bao giờ ta nghĩ vậy khi chia tay một người bạn, một người yêu – chia tay về khoảng cách địa lý hoặc để chấm dứt một quan hệ. Ừ, ta sẽ nói gì nhỉ khi gặp lại người ấy?
Nếu chỉ chia xa về địa lý thì đâu khó gì chuyện hàng ngày có thể trò chuyện với nhau, chỉ là muốn hay không mà thôi. Điện thoại, FB, skype, viber… bao nhiêu cách để người ta không chỉ nghe mà còn nhìn thấy nhau. Khoảng cách không gian gần như bị xóa nhòa, chỉ có múi giờ lệch nhau nhắc người ta nhớ rằng đang ở xa nhau.
Nếu chia tay nhau “đường ai nấy đi” thì có lẽ ngay lúc đó chưa ai nghĩ tới ngày gặp lại dù có thể vẫn còn yêu. Sự tổn thương làm người ta sợ những vô tình làm vết thương bật máu… Và nếu tình cờ gặp lại có lẽ cũng không còn gì để nói, không muốn nói thêm gì nữa.
Nếu chia tay nhau chỉ vì phải chia xa… Ừ, vậy thì ai cũng mong ngày gặp lại, nhưng có lẽ không ai phải nghĩ đến chuyện “nói gì khi gặp lại nhau”, vì lúc đó sẽ có bao nhiêu chuyện muốn nói.
“Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?”. Đó không phải là một câu hỏi để được nghe câu trả lời, mà là một phỏng đoán, một trông chờ, một hy vọng… Hy vọng còn gặp lại, còn nhận thấy đó vẫn là người thân yêu, còn có gì để nói với nhau. Cuộc chia tay này chứa đầy dấu hiệu của sự bất an đối với người bật ra câu hỏi đó.
Nói gì khi gặp lại nhau tùy thuộc vào việc chúng ta sẽ sống thế nào, làm gì khi xa nhau, bởi hơn ai hết ta biết rõ điều gì gìn giữ tình yêu và điều gì phá hủy nó, làm tổn thương người ta yêu.
Tôi thầm nghĩ, giá mà người đàn ông, sau những phút im lặng, sẽ nói với người phụ nữ “anh sẽ cố gắng không làm điều gì để khi gặp lại em, chúng ta vẫn có thể trò chuyện với nhau”.
Nhưng trong sâu thẳm, tôi không mong họ gặp lại nhau!
----
@ "- Muốn đi với chân dài hả? Thì đi với con ở nhà ấy. Có hẳn 4 chân dài tới nách đấy!"
Ở bàn bên chị nói với anh giọng cứ nhẹ như gió mùa thu.
Quán cà phê vẫn dịu dàng nhạc trữ tình. Có một người cắm mặt vô Ipad mà cười không ra tiếng vì tưởng tượng đến 2 con chó ở nhà. Quả nhiên, "chân dài tới nách" mà lông nách cũng dài tới chân.
----
@ Trái tim đàn bà dễ bị tổn thương lắm, người ta vốn không nương nhẹ nó đâu, kể cả người đàn ông mà con yêu và yêu con, nếu trái tim ấy không như người ta mong muốn.
Trái tim đàn bà, vừa đa cảm lại vừa phải tỉnh táo, vì đàn bà chỉ có thể dựa vào chính mình, tin vào linh cảm của chính mình, khi hữu sự, con gái ạ!
--- @ Khỏang riêng
Giữa hai người rất - thân - yêu liệu có một tồn tại một khỏang riêng nào không?
Có chứ, thậm chí khỏang riêng ấy luôn hiện hữu một cách rất… riêng là khác.
Nó tạo ra sự cách biệt nhất định để mỗi người giữ được bản ngã, không bị tình yêu “đồng hóa” trở thành người khác – chứ không phải là - trở - thành - nhau.
Nếu không có khoảng riêng ấy đến một lúc nào đó mỗi người sẽ cảm thấy tình yêu như một bầu trời nặng đầy mây xám và gió lạnh, không còn là bầu trời xanh với mây trắng bình yên niềm vui dịu ngọt nhẹ nhàng.
Khỏang riêng ấy có thể gây ra cảm giác giữa hai người là một khỏang cách. Nhưng mỗi lần vượt qua được cảm giác ấy họ sẽ đến gần nhau hơn.
Khoảng riêng ấy có khi làm tình trạng “vụng chèo” xảy ra . Nhưng cũng khỏang riêng ấy mang lại sự bình tĩnh để “khéo chống” cho tình yêu vượt qua những điều thái quá.
Trong cuộc đời trong tình yêu ai mà chẳng có lúc “vụng chèo”, nhưng “khéo chống” để vượt qua khoảng cách thì hình như không phải ai cũng biết 😞
Hình ảnh chính chủ: Tuổi 17 ở HN và tuổi ngoài 60 ở SG :)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...