Tôi vừa có
10 ngày tìm hiểu các di sản nổi tiếng ở Ai Cập. Ai Cập là một trong những đất nước có nền văn minh cổ đại sớm nhất và rực
rỡ nhất, đã để lại hệ thống di sản không lồ về quy mô và giá trị lịch sử - văn
hóa. Có thể nhận thấy di sản văn hóa cùng với dầu mỏ và kênh đào Suez là ba nguồn
tài nguyên quan trọng nhất ở Ai Cập. Vì vậy chính phủ tập trung đầu tư hạ tầng
giao thông và dịch vụ để phục vụ du lịch di sản và coi đây là nguồn “tài nguyên” lớn cho đất nước này có thể “tiêu xài bền
vững”.
Nhưng để
có nguồn “tiêu xài” thì phải đầu tư và biết đầu tư. Chuyến đi đã giúp tôi rút
ra nhiều bài học mà Việt Nam có thể lấy đó làm kinh nghiệm khi phát triển du lịch
trên hệ thống di sản quý giá của chúng ta.
Đầu tiên
là giao thông. Là một đất nước
địa hình trải dài từ bắc xuống nam nên hệ thống giao thông là yếu tố đầu tiên
và rất quan trọng phục vụ cho du lịch Ai Cập phát triển. Đường bộ từ
Cairo đi đến các thành phố luôn được sửa chữa mở rộng, bên cạnh đó là tuyến đường
sắt cao tốc mới đang khẩn trương xây dựng, đường thủy trên sông Nile đã được
khai thác từng đoạn bằng du thuyền rất có hiệu quả. Các tour du lịch có thể di
chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như máy bay nội địa, xe hơi, xe lửa, du
thuyền, xe jeep trên sa mạc… mang lại sự thuận lợi và trải nghiệm đa dạng cho du
khách.
Thứ hai là
tại các khu vực di sản không có các công trình hiện đại xâm lấn. Nơi
bán vé, đón khách, khu vệ sinh, quán cà phê đều có quy mô nhỏ, hình thức và màu
sắc kiến trúc hòa hợp với di tích và cảnh quan. Du khách phải tự lên xuống hầm
mộ, đi bộ trong khu vực từ di tích này đến di tích khác… Điều đó giúp bảo tồn cảnh
quan di tích, đồng thời du khách có trải nghiệm thực tế để cảm nhận giá trị di
sản tốt hơn. Nơi bán hàng lưu niệm đều được bố trí riêng bên ngoài, các gian
hàng trật tự, sạch sẽ, việc bán hàng sôi nổi nhưng ít có hiện tượng chèo kéo
khách, ăn xin hay móc túi trộm cắp, do quy định nghiêm ngặt và sự quản lý tuần
tra thường xuyên của “cảnh sát du lịch”.
Hai vấn đề
trên thật ra không thể có được ngay nếu không được đầu tư đồng bộ và từ sớm. Muốn
phát triển du lịch được như Ai Cập hay ở nhiều nước thì bên cạnh cảnh quan và di
sản, cần phải xác định đó là một ngành kinh tế mạnh và có chính sách đầu tư
nhiều cấp, nhiều ngành, chuẩn bị nhiều năm.
Đất nước ta cũng có nguồn tài nguyên quý giá là di sản văn hóa,
tuy không thể coi là vô tận như Ai Cập nhưng cũng đang được phát huy giá trị,
khai thác mang lại nguồn lợi kinh tế. Hiện nay nhiều địa
phương có những cách thức để “tiêu xài” nguồn tài nguyên này một cách dễ
dàng như nhiều nước đã làm, nhưng việc
quản lý và bảo vệ vốn văn hóa thì chưa xứng với di sản sẵn có. Phổ biến nhất là việc cảnh quan,
phạm vi di tích, di sản thiên nhiên bị xâm hại bằng những công trình hiện đại,
lấy lý do “đáp ứng nhu cầu tâm linh, tạo sự thuận lợi cho du khách” nhưng thực
tế mục đích là thu tiền qua các dịch vụ. Từ mô hình của Ai Cập, có thể nhận thấy hệ thống giao thông vào các điểm du lịch của chúng
ta còn rất sơ khai. Vùng đồng bằng Nam bộ chưa thể phát triển du lịch xứng với
tiềm năng do hạn chế lớn nhất là hệ thống giao thông.
Hàng ngàn, hàng trăm năm trước nhiều di tích đã chìm vào quên lãng
do thời gian và sự thay đổi xã hội, nhưng ngày nay cùng với việc nhận diện các
giá trị và mang lại “sự sống” cho di sản, đồng thời con người cũng tạo ra nguy
cơ làm tổn hại và hủy hoại di sản vì lợi ích trước mắt. Bởi vì không di sản nào
có thể tồn tại mãi, không di sản nào có thể trở thành “tài nguyên” vô tận nếu
con người không biết gìn giữ và tôn tạo mà chỉ biết khai thác và sử dụng, nghĩa là chỉ biết “tiêu xài” cho riêng thế hệ mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét