Đường đến Siem Reap – Angkor



Tản mạn dọc đường

Khi nghe tôi háo hức khoe Tuần sau em đi Siem Reap – Angkor, anh bạn đồng nghiệp ngạc nhiên Chưa đi Siem Reap à, làm khảo cổ mà…kém thế! Bây giờ mới  biết Angkor thì quá muộn dấy! Tôi đành tự bào chữa theo kiểu rất AQ Kệ, muộn còn hơn không bao giờ… Mà chẳng cứ việc tôi bây giờ mới đến Angkor, ở đời những gì  đến sau bao giờ cũng làm cho ta có cảm giác tiếc nuối, rằng mình biết điều đó là quá muộn màng!

Qua cửa khẩu Mộc Bài khoảng 10 giờ sáng, trước mắt tôi là cửa khẩu Ba Vét –  tuy chỉ là một tòa nhà trệt nhưng cấu trúc ngôi nhà hiện rõ nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống Campuchia. Đoàn chúng tôi được công ty du lịch ViệtMark đăng ký trước nên hải quan Ba Vét đã làm sẵn những hồ sơ cần thiết, nhờ đó thủ tục nhập cảnh tại đây nhanh chóng hơn thủ tục xuất cảnh bên cửa khẩu Mộc Bài (điểm đầu tiên gây được cảm tình đối với du khách!). Theo quốc lộ mới được nâng cấp chúng tôi đi qua tỉnh Svayriêng, một phần các tỉnh Kongpong Cham và Kongpong Thom khoảng đường dài hơn 400km để đến Siem Reap – trung tâm du lịch lớn nhất Campuchia. Gần một ngày rong ruổi trên đường với quang cảnh nửa quen nửa lạ. Thỉnh thoảng trong xe có người thốt lên Giống in miệt Trà Vinh, Sóc Trăng bên mình ha khi nhìn thấy thấp thoáng phía sau hàng cây thốt nốt vài ngôi nhà trệt lợp lá dừa, cây rơm lớn trong sân, hàng rào  bông giấy đỏ rực, nhất là những ngôi chùa màu vàng rực rỡ, bậc thềm tam cấp cao với mái ngói cong vút duyên dáng luôn hiện ra dọc hai bên đường. 
Với hơn 95% dân số theo đạo Phật Tiểu thừa, ngôi chùa là công trình kiến trúc phổ biến nhất và có một vị thế vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần và văn hóa của người dân Campuchia. Hai bên đường nhà cửa khá thưa thớt, ít có nơi nơi nào nhà dân ngoi ra kín mặt tiền đường lộ như ở nước ta. Nhà cửa ở đây đặc trưng là kiểu nhà sàn cột nhỏ và sàn khá cao, cách mặt đất đến 3 – 4m, cầu thang gỗ dốc đứng bên ngoài ngôi nhà. Một vài nhà sàn xây bằng vật liệu kiên cố (cột bê tông, tường gạch) thì cầu thang có thêm bậc “chiếu nghỉ” để giảm độ dốc. Một vài ngôi nhà tuy mới dựng bộ khung nhưng bên trên mái ngói đã lợp xong. Hỏi ra mới biết trình tự làm nhà ở đây bắt đầu từ dựng cột, dựng khung, lợp mái, lát sàn, dừng vách và làm cầu thang sau cùng. Với sàn nhà cao như vậy, ngôi nhà là sự thích nghi một cách “tối ưu” với điều kiện tự nhiên: mùa nắng thì  tránh được hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đất nứt nẻ, đồng thời đón gió mát cho cả trên nhà dưới sàn, mùa nước ngập thì nhà luôn cao vượt mặt nước nên không phải “chạy lũ”, lại còn tránh được hơi ẩm, chuột bọ, rắn rít. Dưới sàn nhà vẫn là không gian có thể sinh hoạt và để đồ đạc (ghe xuồng, nông cụ, có khi là bộ ván hay bộ bàn ghế, chiếc võng mắc toòng teng…). Khi cần thiết có thể dừng vách là tầng dưới trở thành ngôi nhà một trệt một lầu ngon lành!   Hầu hết những ngôi chùa, ngôi nhà đều được lợp mái ngói đỏ sẫm. Chúng tôi được biết việc lợp ngói gần như là một quy định bắt buộc đối với nhà ở, đền chùa, công sở, khách sạn… trên khắp đất nước, để thể hiện và duy trì kiến trúc truyền thống ở Campuchia. Rất ít nhà cao quá 3,4 lầu và hầu như không thấy kiểu nhà mặt tiền ốp kính xanh kính đen (đang là mode ở nhiều thành phố nước ta). Hai loại công trình dễ nhận biết nhất là những ngôi chùa (nhiều nơi cổng chùa cũng là cổng làng) và ngôi nhà làm trụ sở chính quyền xã vì về hình thức mỗi loại khá thống nhất.

Mùa khô ở Campuchia kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5, nắng gay gắt và nhiệt độ có thể đến 40 oC. Thời gian này ruộng đất ở đây hầu như bỏ hoang, trơ trụi những gốc rạ. Vài bàu nước cạn lác đác những bông hoa súng đỏ tiá… Dọc đường chỉ thấy những đàn bò lông trắng đang lang thang gặm cỏ. Anh hướng dẫn viên của công ty Carnavan Tourist cho biết, phần lớn đất đai ở Campuchia chỉ trồng một vụ lúa vào mùa mưa, tuy năng xuất không cao lắm nhưng người nông dân cũng đủ ăn. Mùa nắng cũng là mùa du lịch, nông dân có thêm một nghề là bẫy dế và bắt bọ cạp mang bán, đây là những “đặc sản” mới phổ biến ở Campuchia. Trong vài ngôi chợ nhỏ ven đường những người bán đội trên đầu một mâm đầy dế, bò cạp chiên giòn, con nào con nấy…đen thui (thấy ớn). Vậy mà nhiều ông khách du lịch cả Tây lẫn ta vẫn mua… ăn thử và còn khen ngon quá!

Đường quốc lộ khá rộng, không có bảng báo hiệu tốc độ cũng chẳng thấy bóng dáng công an giao thông nhưng xe khách “nội địa” rất thưa thớt và vẫn chạy với tốc độ từ tốn.  Những chiếc xe khá cũ kỹ, lại chở rất nhiều khách chưa kể hàng hóa, theo kiểu “ngồi được thì chở được”. Nhiều thanh niên nằm, ngồi trên mui xe, đầu trần:  ngồi trên đây vừa mát lại vừa rẻ tiền, mà không có rớt xuống đường đâu! Một điều lạ là hai bên đường không thấy những cột điện và dây điện chăng ngang dọc, thì ra ở Campuchia chưa có lưới điện quốc gia, mỗi nơi vẫn dùng máy phát điện chạy bằng xăng dầu, giá xăng dầu thì đắt gấp 2 lần Việt Nam do hoàn toàn phải nhập khẩu và vận chuyển bằng đường thủy. Vì vậy giá điện rất đắt (gấp 4 lần nước ta) kéo theo đó là giá nước (giếng nước khoan và bơm) và các dịch vụ liên quan. Vì vậy, đèn điện và Tivi, tủ lạnh là những đồ dùng “xa xỉ” đối với phần lớn dân chúng.

Chúng tôi tới Siem Reap vào lúc hoàng hôn nhưng thành phố không có đèn đường, chỉ có ánh sáng hắt ra từ những khách sạn, cửa hàng, nhà hàng lớn . Khu phố Tây với khách sạn nhà hàng là những ngôi nhà còn lưu lại kiến trúc thời thuộc địa, trông khá quen thuộc như những con phố nhỏ ở Hà Nội hay Sài Gòn. Một số khách sạn 4 – 5 sao mới xây dựng cũng không lớn lắm, chỉ cao 3,4 lầu nhưng nằm trong khuôn viên rất rộng và tràn ngập màu xanh của cây cỏ, điểm thêm màu sắc rực rỡ của những khóm hoa. Những khu vực trong thành phố mà tôi có dịp đi qua thể hiện rõ một “bàn tay” quy hoạch và điều hành khá bài bản, tạo nên vẻ đẹp của sự hài hòa, giản đơn mà sang trọng. Ngoài chợ trung tâm và khu phố Tây có khi sáng đèn đến khuya, phần còn lại của thành phố sớm chìm vào màn đêm và giấc ngủ, để rồi chỉ khoảng 3 – 4 giờ sáng, tiếng xe hơi, xe máy, tiếng người nói đã xôn xao… Siem Reap thức dậy để cùng du khách bắt đầu cuộc hành trình đến với quần thể di tích Angkor.

Thời gian ở Angkor

Quần thể di tích Angkor nằm giữa vùng rừng già nguyên sinh cách Siem Reap 7km về phía Bắc. Nơi đây từng là trung tâm của đế chế Khmer hùng mạnh vào thời hoàng kim từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII, khi vương quốc Kampuja – khởi nguồn tên gọi Campuchia ngày nay – cai quản vùng Angkor rộng lớn phía Tây Nam đất nước. Vị vua đầu tiên là Yasovarman I đã quyết định dời chuyển kinh đô cũ mà ông đã từng ngự trị trong 27 năm. Kinh đô mới  tại  khu vực Angkor được  xác định bằng việc ông cho xây dựng ngôi đền trên núi Phnom Bakheng. Đồng thời ông còn cho xây dựng hồ chứa nước Baray khổng lồ dài rộng 2km và tới 7km, vừa tăng cường khả năng phòng thũ cho kinh đô, vừa là công trình thủy lợi cho nông dân canh tác trong mùa khô.

 Angkor là một quần thể kiến trúc đô thị và đền tháp gồm hơn 100 ngôi đền bằng đá, diện tích toàn khu vực khoảng 40km2, được các vị vua trị vì vương quốc Khmer cổ xây dựng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII. Từ khoảng thế kỷ XIV Angkor vĩ đại  dần bị lãng quên, rồi hàng trăm năm sau bị bao phủ bởi đại ngàn rừng nguyên sinh. Mãi đến năm 1860 một nhà thám hiểm Pháp là Hessi Mouhot đã tình cờ phát hiện công trình này. Từ đó đến nay hàng trăm nhà khảo cổ học trên thế giới đã đến với Angkor để tiếp tục tìm hiểu và khám phá những bí ẩn vô tận của nó. Năm 1992 UNESSCO đã công nhận quần thể di tích Angkor là Di sản văn hóa thế giới. Hàng triệu lượt du khách tham quan, chiêm ngưỡng và không ít người đã nhiều lần quay lại Angkor.

Trên một Webside về Angkor tôi đọc được thông tin một cách ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về lịch sử và giá trị của quần thể di tích này bằng vài dòng tóm tắt như trên. Theo chương trình của nhiều công ty du lịch, ngày đầu tiên du khách sẽ tham quan khu đền Angkor Vat từ sáng sớm để được chiêm ngưỡng một cảnh tượng thơ mộng và đầy vẻ uy nghi: Bình minh trên Angkor Vat.

Angkor Vat là một kiến trúc kiểu đền núi duy nhất trong quần thể kiến trúc Angkor, và cũng duy nhất ở Campuchia, có lối vào là hướng chính Tây – hướng mặt trời lặn. Vì vậy, vào mỗi buổi sớm mai đứng từ phía cổng chính ta sẽ được chứng kiến cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ và tuyệt đẹp khi mặt trời dần nhô lên từ phía sau năm ngọn tháp của ngôi đền đồ sộ này. Khoảng gần 5 giờ sáng chúng tôi đến đây nhưng khó mà tìm được một chỗ trống trên những bậc thềm bằng đá bao quanh đền cổng và hàng lan can dọc con đường dẫn vào đền chính, bởi vì hàng ngàn du khách có mặt ở đây sớm hơn đã ngồi kín mít…Trong khuôn viên chu vi rộng đến 5,6km bao quanh khu đền những nhóm du khách đứng ngồi rải rác trên thảm cỏ còn đẫm sương đêm. Rì rầm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Hàn… dường như ai cũng sợ chỉ một tiếng nói lớn thôi cũng làm phá vỡ sự tĩnh lặng thiêng liêng của khoảnh khắc mặt trời  xuất hiện… Trong màn sương mù thâm u của hàng ngàn năm đền đài và rừng thẳm, năm ngọn tháp in bóng  trên nền trời màu xám đang hửng lên, những tia sáng đầu tiên xuất hiện như những ngón tay mảnh mai vắt một dải lụa phớt hồng lên ngọn cây thốt nốt cao vút… Và mặt trời từ từ hiện ra, trang nghiêm một màu đỏ cam, huyền bí và tinh khiết… Trong phút chốc dường như gương mặt những con người hiện diện nơi đây, bất kể quốc tịch, tôn giáo, ngôn ngữ nào bỗng trở nên hướng thiện và trong sạch lạ lùng…

Vượt qua cây cầu đá dài bắc qua đường hào bao quanh, chúng tôi đi vào khu đền còn khá nguyên vẹn. Được xây dựng từ thế kỷ XII đền Angkor Vat mô tả cuộc sống thế giới bên kia theo sử thi An Độ Ramayana và là lăng vua Suriavarma II. Ngọn tháp chính cao 64m tượng trưng cho nơi ngự trị của Thần Visnu và năm tháp phụ cao 42m đều có 3 tầng tượng trưng cho thế giới trần tục, tâm linh và thần linh theo quan niệm An Độ giáo. Tại đây đền đài với hàng ngàn tấm phù điêu chạm khắc thành một pho sử bằng đá đồ sộ nhưng vô cùng giản dị và thanh thoát, hoành tráng trên tổng thể lại vô cùng mềm mại, gợi cảm trong từng chi tiết. Theo những bậc thang nhỏ hẹp, dốc đứng tôi leo lên tầng đỉnh tháp. Bầu trời xanh trong vắt bỗng gần hơn, nắng bỗng vàng lung linh trên những pho tượng cổ, và gió dường như đang thầm thì kể về những huyền thoại xa xưa…Từ trên cao nhìn toàn cảnh Angkor Vat, phóng tầm mắt ra khắp khu di tích  với những ngôi đền còn khá nguyên vẹn hay chỉ là phế tích, vượt lên mọi cảm giác là sự choáng ngợp tưởng như thời gian hiện tại đang ngừng lại, phút chốc ta trở thành nhân chứng của một thời cực thịnh rồi suy vong của những vương triều đã khuất.

Kinh thành Angkor Thom cách đền Angkor Vat khoảng 1km. Đây là kinh đô của vua Jayavarman được xây dựng vào thế kỷ XII theo phong cách nghệ thuật Phật Giáo. Angkor Thom có nghĩa là Thành phố Vĩ đại. Kinh thành có 5 cổng vào ở chính bốn hướng và một cổng Khải hoàn dẫn thẳng đến cung điện chính giữa kinh thành. Trên đỉnh của mỗi tháp cổng (gopuras) là 4 khuôn mặt nhìn ra bốn hướng, được tạc vào đá với đôi mắt khép hờ trên khuôn mặt gợi nhiều bí ẩn. Riêng cổng phía Nam, một con đường lớn dài đến khoảng 200m nằm giữa rừng cây xanh dẫn vào gopuras, với hai hàng tượng đá mỗi bên 54 vị thần cùng trong tư thế nắm giữ thân rắn thần Nagar, những đầu rắn vươn cao xòe rộng hình nan quạt ở phía đầu con đường. Hàng tượng thần và rắn thần Nagar diễn tả sự tích “khuấy biển sữa” hình thành nên vũ trụ. Kinh thành Angkor Thom xây dựng trong khuôn viên hình vuông chu vi khoảng 12km, bao quanh là các bức tường cao, ngoài có hào sâu, chính giữa là ngôi đền Bayon, xung quanh có những công trình đền tháp và cung điện khác. Quy hoạch Angkor Thom thể hiện triết lý tôn giáo An Độ: Vũ trụ hình vuông được bao bọc bởi những ngọn núi thiêng xung quanh, bên ngoài là đại dương mênh mông. Trung tâm vũ trụ là ngọn núi Meru linh thiêng nhất – nơi ngự trị của các vị thần linh, con đường dài dẫn đến mỗi Gopuras tượng trưng cho dải cầu vồng dẫn dắt con người đến với thế giới của thần thánh.

Ngôi đền Bayon là một trong những công trình kiến trúc kỳ vĩ nhất của toàn bộ khu di tích Angkor. Ngôi đền có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 80m x 57m, chính giữa là điện thờ hình tròn có 12 gian tỏa ra xung quanh, nối liền với 54 ngôi tháp khác kích thước lớn nhỏ khác nhau. Trên mỗi ngôi tháp là 4 khuôn mặt thần Lokesvara với đôi mắt và nụ cười Bayon nổi tiếng. Tổng cộng 216 khuôn mặt có những nét riêng nhưng đều dịu dàng trầm mặc, đầy vẻ an nhiên thoát tục. Trên khuôn mặt của những vị thần Bayon – mà nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng chính là hình ảnh của nhà vua Jayavarman VII –  sự bao dung thông tuệ của thần linh, sự thông minh quyết đoán của nhà vua như hiển hiện trong từng nụ cười bí ẩn, nhẹ nhàng và có gì đó như là một nỗi u uẩn mơ hồ. Vẻ đẹp hùng vĩ, thanh thoát và vô cùng lãng mạn của kiến trúc và điêu khắc khu đền Bayon dường như vượt qua mọi biến cố thời gian, tiếc thay lại là những tác phẩm vĩ đại cuối cùng của nền nghệ thuật Angkor.
Ngôi đền Ta Prohm chỉ còn là một phế tích giữa rừng già vì hầu như đã đổ nát gần hết. Trước đây ngôi đền có ít người vào  thăm viếng bên trong mà chỉ đứng bên ngoài chiêm ngưỡng một cảnh tượng độc đáo: hàng chục cây cổ thụ và những loài cây tầm gửi mọc ngay trên những bức tường của đền tháp, bộ rễ khổng lồ bao phủ khắp nơi như những con trăn, con rắn ngoằn nghèo bò dọc hàng trăm hành lang mờ tối, xuyên qua mái vòm, vắt vẻo trên các đền tháp… Cuộc chiến hàng trăm năm giữa cây và đá bất phân thắng bại, để lại cho con người một kỳ quan hoang dã, thâm u và vô cùng kỳ lạ. Đền Ta Prohm do vua Jayavarman xây dựng vào cuối thế kỷ 12 để tưởng niệm người mẹ đáng kính của mình hóa thân trong bức tượng Quan Am Bồ Tát hiện còn thờ trong đền. Thời kỳ đó đền Ta Prohm còn là một trung tâm Phật giáo với hàng ngàn tăng sư tu hành nơi đây.

Banteay Srei là một ngôi đền nhỏ được xây dựng vào thế kỷ X, quy mô thật khiêm nhường nhưng đây là ngôi đền duy nhất trong quần thể di tích Angkor xây dựng bằng vật liệu đá ong và sa thạch hồng. Sự kết hợp giữa hai loại chất liệu khá khác biệt về tính chất (đá ong rất cứng rắn, hầu như không thể chạm khắc được và sa thạch hồng khá mềm, phù hợp cho điêu khắc trang trí) đã tạo nên cho ngôi đền nhỏ này một vẻ đẹp của sự tương phản: trên nền đá ong thô ráp, vững chãi là những hàng cột, bức tường, mi cửa…bằng sa thạch hồng phủ kín những bức phù điêu lộng lẫy về các nhân vật trong thần thoại, sử thi, những hoa văn trang trí tinh xảo, sắc nét và vô cùng mềm mại như bức tranh với hàng ngàn chi tiết được thêu bằng tay vừa mới hoàn thành, dù đã hơn ngàn năm trôi qua. Ngôi đền Banteay Srei dành riêng cho đội nữ binh thời đó, vì vậy kiến trúc và trang trí của nó cũng mang dáng dấp uyển chuyển và dịu dàng như một người phụ nữ đẹp khoác trên mình bộ trang phục được may thêu tỉ mỉ kỹ lưỡng đến từng đường kim mũi chỉ. Trong ánh nắng mặt trời nhiệt đới màu hồng của sa thạch toát lên cảm giác ấm áp và gần gũi, khác hẳn vẻ đồ sộ oai nghiêm của những ngôi đền tháp khác xây bằng sa thạch xám phủ đầy rêu phong.

Buổi chiều cuối cùng ở Siem Reap, chúng tôi đến ngôi đền Phnom Bakheng trên một ngọn đồi  ở độ cao khoảng 1300m so với mực nước biển. Đền Bakheng xây trên ngọn đồi nằm giữa Angkor Vat và Angkor Thom. Được xây dựng từ cuối thế kỷ IX theo quan niệm Hindu giáo, đền Bakheng tượng trưng cho đỉnh núi thiêng Meru ở trung tâm vũ trụ, đứng ở trên đền này có thể nhìn toàn cảnh Angkor về bốn hướng. Đền tháp ở đây đã sập đổ hết, những phiến đá ngổn ngang trên mỗi tầng tháp như chứng thực cho ghi chép trong sử sách: nơi đây từng có một ngôi đền vĩ đại 7 tầng tháp tượng trưng 7 tầng vũ trụ, tầng dưới có 44 ngọn tháp, 5 tầng giữa có 12 tháp mỗi tầng và tầng trên cùng có 4 ngọn tháp. Tổng cộng 108 ngọn tháp biểu thị  4 chu kỳ mặt trăng với 27 ngày mỗi chu kỳ.

Đến Phnom Bakheng vào buổi chiều tà để được chứng kiến cảnh mặt trời lặn sau đường chân trời. Trời quang mây, từ sân đền này tôi đã có một khoảng khắc tuyệt vời: khi tôi để ngửa bàn tay ngang vai, khối cầu đỏ rực ấy đậu xuống lòng bàn tay tôi như một viên hồng ngọc khổng lồ do thần linh ban tặng… Mặt trời khuất dần. Những đền tháp và phế tích ngả bóng trên nền trời tím sẫm… Hoàng hôn đang phủ xuống Angkor.

Mỗi ngày ở Angkor là một ngày đầy ắp những cảm xúc mới mẻ và mãnh liệt… Hàng trăm năm lịch sử cường thịnh nay chỉ còn lại những đền đài hoang vắng và phế tích cổ kính mà ta có thể chiêm ngưỡng trong vài ngày hạn hẹp. Lòng chợt thấy ngậm ngùi. Thời gian là vĩnh cửu nhưng cũng là hữu hạn với từng đời người, từng thời đại. Thời gian mãi mãi trôi đi và xóa nhòa tất cả. Những con người, những sự kiện, những công trình sẽ chỉ  còn lại với đời sau những giá trị Văn hóa  đích thực  mà thôi. Và đó cũng chính là Lịch sử!

9.2008 - Mười năm trước!


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

NƯỚC MỸ, THÁNG NĂM...

Gặp bạn nơi xa

Khi đi làm visa du lịch Mỹ tôi đã lường trước tình huống “nếu bà không được chấp nhận cấp visa thì sao”–“Thì coi như tôi chưa có duyên được gặp nước Mỹ”. Nhưng rồi mọi việc thuận tiện và nhanh chóng không ngờ. Một chuyến đi không chờ đợi, thậm chí không tính trước, nhưng may mắn đã thành hiện thực.
Máy bay hạ cánh ở phi trường LAX lúc 15.30 nhưng xong các thủ tục đã hơn 17g, băn khoăn vì hẹn bạn đón nên chắc bạn phải chờ khá lâu. Lúc ra đến sảnh chờ còn đang ngơ ngác tìm thì bạn đến gần: chị Hậu phải không? A, chào G. Hai chị em thân thiết nắm tay nhau, tôi và G. mới biết nhau và đây là lần đầu tiên gặp mặt. G. lái xe đưa tôi về nhà Thúy Hà, một người bạn – của – bạn tôi và cũng là bạn trên mạng yahoo.360 từ lâu. Quãng đường dài vào giờ cao điểm đã kịp đông nghẹt nhưng nhờ tất cả các loại xe chạy đúng làn đường nên tốc độ chậm mà không tắc đường.

Ngay sáng hôm sau đã có một buổi café welcome, các bạn gần như có mặt đông đủ nơi quán Gypsy ở Little Sài Gòn. Bước tới không gian này tưởng như đang ở một tiệm nước nào đó ở SG khoảng những năm 1975 – 1980. Có gì đó như ngưng đọng ở đây: những gương mặt, trang phục, giọng nói, ngôn từ… không xa lạ nhưng lâu rồi ít gặp ở Sài Gòn. Một vài ánh mắt như không mấy thiện cảm khi nghe thấy cái giọng Bắc kỳ 75 của tôi cũng gợi nhớ lúc mới về Sài Gòn sau ngày 30/4.
Bạn bè lần đầu gặp mặt nhau nhưng đã thấy thật gần gũi.

Thời tiết cũng như chiều lòng người. Mới mấy bữa trước còn lạnh, mưa gió sụt sùi, ngày tôi tới Cali chỉ hơi se lạnh trong nắng ấm. Câu chuyện giữa những người bạn – trên - mạng  giờ đây là bạn – ngoài – đời cũng ấm áp như thế. Tôi đi qua đây chỉ mang có một valy nhưng trong đó một nửa là sách tặng bạn. Sách của mình, sách của vài tác giả nổi tiếng mà bạn thích. Rất vui là các bạn thích món quà nho nhỏ này. Vui hơn là nhiều bạn đọc còn nhắn qua facebook mời café và… để ký tặng sách các bạn đã có (nhờ mua từ Việt Nam). Với một người viết nghiệp dư như tôi có lẽ đây là niềm vui lớn. Điều bất nữa là cuốn “Truyện 100 chữđược nhiều người bên này biết đến vì đã đọc trên blog của tôi và được một vài tờ báo tại đây trích đăng lại. Viết ngắn có lợi đấy chứ, khi mà những cái mẩu ngăn ngắn của mình có thể len lỏi vào bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào, vào bất kỳ khoảng không gian nhỏ bé nào trong tâm trí người đọc, ở lại đó và cùng chia sẻ với nhau ý tưởng, câu chuyện cũng như cảm xúc khi mình viết ra.

Còn chuyện gì mà không nói đến trong những buổi café như vậy? Chuyện cũ quê nhà, chuyện bạn bè chung, chuyện làm ăn, gia đình của bạn nơi đây, những sinh hoạt văn hóa, những câu chuyện văn chương… Thấp thoáng sau tất cả là nỗi lòng của những người nặng tình với đất nước, dù bây giờ tạm coi là “bên này hay bên kia” hay không là bên nào cả. Có lẽ vì vậy mà nói chuyện với nhau rất chân tình, thoải mái và thẳng thắn.  Gặp nhau ở ý tưởng nào cũng quý, mà chưa gần nhau, thậm chí khác nhau về suy nghĩ cũng vẫn tôn trọng nhau, bởi mỗi người một hoàn cảnh một quá khứ… Hình dung giống nhau về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước mình, đó mới là điều quan trọng.
Nhưng có một điều mà bạn bè “chúng khẩu đồng từ” nói với tôi “chị trẻ hơn nhiều so với những tấm hình trên facebook”. A, với một phụ nữ ở tuổi này thì điều đó hơn mọi liều thuốc bổ,  nhờ vậy tôi (sẽ) đủ sức rong chơi (và “đấu khẩu”) trong những ngày sắp tới trên đất cờ hoa.
Một tuần ở quận Cam đầy ắp niềm vui nhưng trong đầu vẫn lãng đãng giai điệu “Để quên con tim”. Tôi từ biệt Cali với một lời nhắn da diết “ngày rời Cali có người đã để lại chút nâu giòn ấm áp…”

Nước Mỹ, xa và gần

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày mình đến nước Mỹ chỉ để rong chơi, với tôi đó là một mơ ước xa xỉ. Vậy mà, như người xưa đã nói, có duyên thì sẽ gặp, và tôi đã gặp nước Mỹ lần đầu vào những ngày tháng Năm. 
Ba tuần ở nước Mỹ trôi qua thật nhanh, tôi đã kịp đi đến một số thành phố lớn nhờ sự sắp xếp đón tiếp chu đáo của bạn bè. Thật ra mục đích chuyến đi này chưa và không phải là tham quan mà là “thăm dân” – gặp gỡ những người bạn facebook thân quen đã lâu nhưng tôi chưa có dịp offline. Và tôi đã đạt được mục đích thậm chí vượt cả mong đợi vì gặp được thêm nhiều người khác, trong đó có những người đã luôn tâm đắc chia sẻ với những trang viết của tôi.

Từ biệt nước Mỹ sau ba tuần “chạy sô” từ Tây sang Đông rồi lại “khứ hồi” về Tây, chưa kể tạt lên Bắc xuống Nam vài giờ xe chạy. Tôi sẽ nhớ mãi Quận Cam ấm áp thân tình của những người bạn mới mà như thân quen tự thời thơ ấu, nhớ mãi Boston bình yên một nỗi buồn dịu dàng sau sự cố đánh bom một tháng trước, nhớ NewYork hiện đại và sôi động đến choáng ngợp,  nhớ nỗi cô đơn sợ hãi thoáng qua khi một mình trong đêm trên chuyến xe bus đến Philadelphia, nhớ mãi những khoảnh khắc ngắn ngủi đầy yêu thương ở Washington DC, nhớ mãi San Francisco với chuyến rong chơi vui vẻ như không muốn dừng lại, và không thể quên sự cố nhỏ ngày về để hiểu ra rằng mình rất may mắn khi có những người bạn quý mến mình đến thế…

Từ biệt nước Mỹ, từ biệt những ngày trời đẹp như ưu đãi người lần đầu đến đây, từ biệt những con đường vun vút xe chạy, xa ngát xanh thẳm  đưa tôi đến những nơi cần đến. Từ biệt những người bạn, chúc các bạn của tôi luôn bình an và hạnh phúc ở nơi mà họ đã tin tưởng lựa chọn là quê hương thứ hai.
Tháng Năm đã qua…Tôi biết, một ngày gặp lại còn xa lắm…

Khoảng cách
Những ngày ở Mỹ, bất giác tôi hay tự hỏi: nước Mỹ, thật ra, rộng hay hẹp? Một câu hỏi ngớ ngẩn, phải không?
Có lần tôi đã chiêm nghiệm về tình cảm giữa những con người, nó có thể mang người ta đến gần nhau hay làm người ta xa nhau hơn, bất chấp mọi khoảng cách của không – thời gian vật lý. Đó là “chiều thứ 3 của khoảng cách”. Khi đến nước Mỹ điều này lại càng rõ ràng. Bạn hỏi: qua đây được bao lâu? – Ba tuần. - Ít vậy, làm sao đi chơi hết được? – Nước Mỹ rộng thế, các bạn ở đây cả đời còn chưa đi hết nữa là mình. Mấy tuần ở đó tôi đã đi nhiều. Từ thành phố này đến thành phố khác là vượt qua vài múi giờ, gọi điện thoại cho nhau phải nhớ xem tiểu bang đó bây giờ là đêm hay ngày… mới thấy nước Mỹ thật rộng lớn. Nhờ những cuộc gọi, tin nhắn, lịch trình những lần gặp gỡ với bạn bè đã làm cho tôi thấy nước Mỹ     thật gần gũi, ấm áp. Nửa vòng trái đất đến với nước Mỹ đâu có gì là     quá xa xôi?
Nhưng vào cái ngày từ biệt nước Mỹ, tôi bỗng nhận ra giữa tôi và nước Mỹ còn có những khoảng cách rất hẹp đến nỗi không thể len vào dù chỉ là một ý nghĩ. Khoảng hẹp này khiến có lúc trái tim nghẹn lại… Mọi giấc mơ dù đẹp đến đâu rồi cũng có lúc tan biến… Tôi từ biệt nước Mỹ như  từ biệt một ảo mộng. Nước Mỹ rộng hay hẹp với tôi giờ không còn quan trọng nữa.
Chuyến bay về dài theo những câu thơ buồn của Olga Bergol “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng…”

Ngôi nhà có hàng rào sơn trắng

Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thấp sơn màu trắng.
Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn. 

Những ngôi nhà có hàng rào sơn trắng, với tôi, luôn mang lại cảm giác bình yên mà bất cứ gia đình nào cũng muốn có. Hàng rào thấp sơn trắng như một ranh giới mong manh, ở trong là những gì thân thuộc ấm áp, bên ngoài là xa lạ lạnh lùng… Hàng rào có cổng, cũng thấp thôi, khép hờ hoặc gài tạm, mỗi ngày được mở rộng cho người nhà ra vào, đón tiễn những người khách.
Một ngày nào đó, cổng rào luôn đóng im ỉm “nội bất xuất ngoại bất nhập”, một ngày nào đó người trong nhà ra vào bằng cách vượt qua đạp đổ hàng rào, khách đến nhà cũng bằng cách ấy… Một ngày nào đó cánh cổng luôn mở toang, chểnh mảng, người ra vào thờ ơ không buồn khép lại… Có lẽ ngày ấy sự bình yên của ngôi nhà bắt đầu ra đi…

Có lần, trong giấc mơ tôi thấy mình ngập ngừng đứng bên cạnh cổng rào, không dám đẩy cổng dù nó chỉ được gài chốt sơ sài, cũng không dám bấm chuông, sợ rằng tiếng chuông sẽ làm mình chợt tỉnh… Hình như phía sau tấm rèm lay nhẹ kia có ánh mắt ai đó tò mò nhìn người khách lạ đứng tần ngần bên rào nhà mình. Rồi nhận ra người khách chỉ là kẻ qua đường tình cờ dừng chân chốc lát, ánh mắt kia yên tâm rời khỏi cổng rào quay về với những gì thân quen với nó. Và tôi, không thể dừng chân lâu hơn, đành bước đi, để lại cảm giác hạnh phúc mình – đã – mơ - ước - từ - lâu ở lại phía sau, bên kia hàng rào thấp sơn màu trắng.
Kiếp sau, hay nếu may mắn được lên Thiên đàng, nhất định tôi sẽ xây một ngôi nhà nhỏ có hàng rào sơn màu trắng bình yên…



Sài Gòn, tháng 5/2013


Những điều bình thường ở nước Mỹ


Bạn hỏi: sao đi Mỹ về im lặng thế, không thấy viết gì?

Tôi đi Mỹ trong một tâm trạng nhạy cảm đến mức gần như căng thẳng. Nhờ vậy, tất cả những gì mắt thấy tai nghe tim cảm nhận đã làm rung lên trong tôi những cung bậc cảm xúc không dễ gì phai nhạt, tuy chỉ là những điều rất đỗi bình thường.

Có lẽ những gì tôi muốn kể về nước Mỹ chính là những điều bình thường!
Nước Mỹ đến với tôi đầu tiên từ những sân bay. Rộng lớn hiện đại an ninh chặt chẽ, nhưng vẫn mang lại cảm giác thân thiện, nghiêm ngắn và sự yên tâm. Chuyến bay quốc tế hay quốc nội thì thủ tục cũng như nhau, nhanh nhẹn và chu đáo; các nhân viên kiên nhẫn giải thích giải đáp những câu hỏi thắc mắc khiếu nại của hành khách với thái độ nhã nhặn và nghiêm túc mà không cần phải có “nụ cười thường trực trên môi” như phong trào văn minh công sở ở nước ta (Người Việt mình thích cười, ngay trong giao tiếp quan hệ làm việc cũng phải cười với nhau… Hình như trong giờ làm việc không thể có gương mặt bình thường nghiêm túc nhã nhặn được, khi không cười thì chỉ có sự cáu kỉnh lạnh nhạt khó ưa?). Trong chuyến bay từ DC về SF một vali hành lý của tôi bị kiểm tra mà tôi không hề biết. Hai ngày sau cần đến mới mở ra thì thấy khóa bị cắt, bên trong đồ đạc có dấu xáo trộn nhưng không mất gì cả (trong vali có iPad mini mua cho con gái, đồng hồ mua cho ông xã và một số mỹ phẩm làm quà cho bạn). Ngay trên đồ đạc là một tờ giấy in sẵn thông báo về việc kiểm tra hành lý, và cuối cùng xin lỗi đã làm phiền hành khách. Thật ra nếu bay nội địa thì chẳng ai khóa vali hành lý gửi cả, nhưng vì tôi bay về VN qua một chặng chuyển tiếp nên phải lấy của bạn một cái khóa khác để khóa vali.

Ra khỏi sân bay nước Mỹ đến với tôi bằng những con đường cao tốc 8 làn xe chạy vun vút. Quanh những thành phố bao giờ cũng có làn đường dành cho xe chở 2 hoặc 3 người, khuyến khích đi chung xe, đỡ tắc đường giảm ô nhiễm môi trường. Vậy nhưng làn đường này ngay cả giờ cao điểm cũng không nhiều xe chạy. Người Mỹ thích độc lập tự do ngay cả trong việc sử dụng phương tiện giao thông, mặc dù ở nhiều thành phố có hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo.

Ðường tốt, xe nào chạy làn đường đó, giờ cao điểm chịu khó nhích từng chút. Có mệt mỏi thì nhìn ra hai bên đường: cây xanh, thảm cỏ, bụi hoa… đều là loại hoang dại nhưng được chăm chút cẩn thận mà trông vẫn tự nhiên. Những con đường bê tông dài hàng trăm ngàn cây số khắp nơi tôi qua gần như đều song hành với màu xanh của cây cỏ. Kể cả trên hoang mạc Nevada cũng dày đặc những bụi xương rồng trổ bông nhiều màu sắc, trên những ngọn đồi bát úp chồng lên nhau suốt vùng California đã phủ lớp cỏ đầu xuân mới nhú. Ðất đai rộng lớn, thiên nhiên hiện diện khắp nơi càng cho ta cảm giác mênh mông của trời của đất. Tầm mắt hun hút theo con đường, tầm mắt ngút ngàn hoang mạc, bờ biển, bình nguyên, trung du… Tự do phóng tầm mắt khắp nơi thấy mình to lớn hơn, tự do hơn, và tự chủ hơn.

Các thành phố Mỹ tôi đến mang lại ấn tượng về quy hoạch đô thị thật khoa học, chính vì vậy mà nó đẹp, cái đẹp của sự giản dị và hợp lý. Những con đường trong thành phố đều có bảng tên đường, bảng hướng dẫn làn đường treo ở độ cao phù hợp cho người ngồi trên xe hơi nhìn thấy, đủ lớn để từ xa đã đọc được, đủ khoảng cách để hướng dẫn xe quẹo phải trái hay quay đầu xe, ở các giao lộ đều có làn đường cho xe quẹo phải. Ðèn giao thông vẫn còn nhiều cái cổ lỗ, cột điện vẫn bằng gỗ với hàng dây điện đen chăng dọc suốt đường (ngay ở Mỹ cũng đâu đã “ngầm hóa” hết được đường điện).

Nhưng tất cả sạch sẽ gọn gàng, dù cũ kỹ nhưng vẫn được chăm nom bảo quản. Lòng đường sạch sẽ, lề đường và những bức tường phủ kín hoa lá, cây xanh, cứ vài con đường lại thấy một công viên nhỏ hay vườn hoa, bãi cỏ, ngày nắng ấm luôn có những bà mẹ đẩy xe đưa con đến chơi, trẻ em ở trường học gần đấy mỗi khi tan học cũng được bố mẹ cho ra đây chạy nhảy vui chơi trước khi về nhà. Bộ mặt đô thị mang lại cảm giác cuộc sống nơi đây quá đỗi bình yên.

Có lẽ tôi thích nhất là những ngôi nhà trong thành phố. Ngoài New York là với vô vàn tòa nhà kính nhiều màu cao chọc trời, Las Vegas cả ngày lẫn đêm rực rỡ ánh đèn và sắc màu của những trò chơi đen đỏ… Các thành phố tôi qua dường như có một quy định ngầm: Ở mỗi khu vực kiến trúc nhà cửa thường cùng một kiểu: giống nhau cả hình dáng, chất liệu xây dựng và bố trí mặt tiền. Mới nhìn cảnh quan khu phố có vẻ đơn điệu vì hầu hết các kiểu nhà hình thức và quy mô trông khiêm tốn, một trệt một lầu hoặc có thêm tầng lửng. Nhà nào cũng có vườn trồng hoa, vài cây cao, đặt ghế xích đu hoặc trồng cột chơi bóng rổ cho trẻ em. Không nhà nào bề ngoài trông nổi bật hơn so với xung quanh, dù có thể nội thất sang trọng. Nhìn những ngôi nhà này đã thấy sự bình đẳng trong cộng đồng và tôn trọng con người. 
Trong những ngôi nhà tôi có dịp đến, khác với cấu trúc nhà ở Việt Nam, nhà Mỹ thường nhỏ so với diện tích đất, trong nhà phòng khách lớn nhất vì còn là nơi sinh hoạt của gia đình, kế đến bếp đồng thời là phòng ăn, các phòng ngủ nhỏ, nhà vệ sinh cũng nhỏ vừa đủ dùng. Tính thực tế của người Mỹ khá rõ, không phô trương ở những nơi không cần thiết. Mỗi ngôi nhà tính theo số phòng ngủ để biết lớn hay nhỏ, có thể định giá trị ngôi nhà. Tất nhiên, những khu nhà của các triệu phú tỷ phú Mỹ thì khác, rất khác. Khác thế nào thì tôi… không thể nói được, vì chưa tận mắt nhìn thấy chưa bước vào, ngoài việc nhìn thấy trên phim ảnh, như nhiều người khác.

Boston là thành phố tôi thích nhất. Cảnh quan như một thành phố Tây Âu thời cận đại, những khối nhà vuông vắn gạch đỏ đằm thắm, những ngôi nhà 1, 2 lầu với bậc tam cấp bên cạnh những khung cửa sổ sơn trắng êm đềm. Hoa mùa xuân nở khắp nơi, sắc hồng thắm trắng tinh khôi giữa xanh ngát lá. Boston còn là một thành phố trẻ bởi hàng trăm ngàn sinh viên của nhiều quốc gia đang học ở đây. Bước chân ra đường là cảm nhận được sức sống mới mỗi ngày từ những bước chân sinh viên nối nhau trên đường, trên xe bus, trong metro… Ngày tôi đến Boston đang chuẩn bị cho dịp lễ tốt nghiệp của các trường đại học nổi tiếng ở đây. Hàng chục ngàn phụ huynh sẽ đến đây tham dự buổi lễ long trọng này.

Ở nước Mỹ có thể nhìn thấy người xếp hàng khắp nơi: đi taxi, mua hàng, lên xe bus, làm thủ tục sân bay, đi ăn trưa ăn chiều ăn tối xếp hàng chờ có chỗ trống, mua cà phê và đồ ăn nhanh“to go,” kể cả đi vệ sinh nếu quá “bức xúc” cũng đừng mong chen ngang. Ai bảo chỉ có xã hội chủ nghĩa mới Xếp Hàng Cả Ngày? Qua nước Mỹ bạn phải làm quen và “chịu đựng” việc xếp hàng trật tự thôi, vì chỉ cần bạn chen ngang là lập tức có người nhắc nhở bạn ngay. Nếu bạn không biết đọc tiếng Anh thì đã có ký hiệu chỉ dẫn rõ ràng. Bạn không tuân thủ thì ý thức bạn quá kém, và như vậy bạn không xứng đáng nhận được ánh mắt tôn trọng của mọi người. Ai cũng có công việc cần, quỹ thời gian ai cũng như ai, xếp hàng là tôn trọng mình và tôn trọng người khác, đơn giản là như vậy.

Khi tôi đến nước Mỹ vào xuân. Phía Tây đã có những ngày nắng nóng. Mọi người trút bỏ quần áo mùa đông để khoác lên mình trang phục mùa hè, giản đơn, tiện dụng. Ngoài phố các cô gái khoe chân trần vai trần phơi nắng ấm. Dép kẹp, giày thể thao là hai loại phổ biến. Trang phục đơn giản có vẻ “bụi” và thực dụng. Trong các trường đại học cũng vậy, sinh viên ăn mặc nghiêm túc có, “bụi đời” cũng có luôn. Nhưng phong thái ai cũng tự tin, thoải mái. Giống như Sài Gòn, ít ai để ý đến quần áo của bạn nhưng ngày thường đi trên phố không khéo thì mớ quần áo giày dép đắt tiền sẽ làm cho bạn mất đi sự tự tin vì sự “chỉn chu” của mình.
Các thành phố Mỹ cũng gặp vấn nạn về nơi đậu xe, tuy không quá khó khăn nhưng vào giờ cao điểm hay ở những nơi công cộng, trung tâm mua sắm vào ngày cuối tuần thì tìm được một chỗ đậu xe thật sự là một kỳ công. Nhưng không một người bình thường nào đậu xe vào chỗ dành cho người khuyết tật, dù chỗ đó để trống rất lâu, dù phải đi vòng vèo mấy tầng hầm cũng chưa tìm được chỗ. Những cách hành xử theo quy tắc chung của xã hội, của cộng đồng như vậy được duy trì như là đạo đức, vì được củng cố bằng luật pháp, quy định và xử phạt nghiêm minh. Việc bị cảnh sát phạt cũng… bình thường, không phải bình thường vì vi phạm thường xuyên mà ai cũng hiểu mình đã phạm luật thì bị phạt là đương nhiên, mất tiền, mất thời gian đi nộp phạt… để lần sau nhớ đừng tái phạm. Không thấy ai tức tối hay ấm ức vì bị phạt (Ở mình, bị phạt nhiều khi ấm ức tức tối vì sĩ diện, vì mất tiền cho người phạt, chứ không phải vì bị oan). Lại nói, ngoài đường, nơi công cộng hầu như ít thấy bóng dáng cảnh sát, nhưng có việc gì bất thường xảy ra là thấy mấy ảnh xuất hiện liền, giải quyết một cách tự tin, nhanh chóng và chuyên nghiệp. Mỗi người là một cá nhân nhưng cũng là một phần hữu cơ của xã hội. Luật pháp và những quy tắc dành cho tất cả nhưng cũng vì một con người cụ thể. Do đó mọi người đều yên tâm và tin rằng, khi cần mình sẽ nhận được giúp đỡ tận tâm của người có chức trách và sự chia sẻ của cộng đồng.

Hai tháng đã qua từ ngày tôi đặt chân xuống phi trường LAX, nước Mỹ vốn rất xa lạ với tôi trở nên gần gũi hơn chỉ sau ba tuần vội vã lướt qua. Và cái gì còn lại trong tôi nhiều nhất? Không phải là những sôi động hiện đại làm choáng ngợp của một nước Mỹ giàu có mà là cuộc sống bình yên từ tất cả những điều bình thường và giản dị. Nhưng khi đi trên đường phố Boston nơi đã xảy ra vụ đánh bom khủng khiếp một tháng trước, tôi không thể không tự hỏi, tại sao nước Mỹ vẫn xảy ra những vụ xả súng đánh bom điên cuồng vào những người vô tội?Vì sao phim Mỹ hay miêu tả những tội ác khủng khiếp, thảm họa khôn lường? Vẫn biết ở các thành phố lớn đằng sau những tòa nhà chọc trời, đằng sau sang trọng xa hoa, đằng sau cuộc sống bình thản đang diễn ra trước mắt… luôn là những khu ổ chuột, xóm“nhà lá,” những đường phố tệ nạn và tội ác diễn ra hàng ngày. Sự phân hóa xã hội như một quy luật bù trừ, khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ nằm ở hai cực cách xa nhau, chúng ta chỉ mới nhìn thấy một phần nhỏ của khoảng giữa. Còn có nhiều“cuộc sống” khác nữa của nước Mỹ mà người chỉ “đi qua”như tôi khó có thể biết hết.

Tôi không biết “khen-chê” nước Mỹ như nhiều người (lần đầu đi Mỹ về) đã viết, bởi vì ở đâu chẳng có điều tốt và cái xấu. Tất cả những gì làm tôi có cái nhìn mới hơn, khác hơn về nước Mỹ là từ những điều bình dị hàng ngày. Như những ngôi nhà có hàng rào thấp sơn trắng mà tôi đã nhìn thấy khắp nơi, như góc phố hiên nhà đầy hoa lá, như con đường chạy giữa hai hàng cây xanh phía trên là bầu trời xanh thắm, giữa ruộng nho bạt ngàn lấp lánh ánh mặt trời buổi bình minh hay giữa hoang mạc trong mặt trời đỏ ối buổi chiều tà… Cuộc sống mà tôi thấy ở nước Mỹ là gương mặt bình yên trong muôn mặt đời thường ở xứ sở mà nhiều người đã ước mơ một lần được đến, được sống, như ước mơ di trú đến chốn Thiên đường sau ngày giã từ cõi tạm.

Nhưng ngay cả Thiên đường cũng luôn có Ðịa ngục song hành; nếu không, mấy ai biết giá trị của hạnh phúc nơi Thiên đường?

Sài Gòn, hai tháng sau ngày đến nước Mỹ (7 tháng 5 – 7 tháng 7, 2013)




CÁC BÀI VỀ THỦ THIÊM (2)


NHÌN VỀ “VÙNG ĐẤT MỚI” (Thời báo kinh tế Sài Gòn 24/11/2017)

Nam bộ nói chung và vùng đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn thường được gọi là “vùng đất mới”, “vùng đất có 300 năm lịch sử”. Tâm thức “vùng đất mới” của lưu dân đối với Nam bộ ngoài sự nhận biết một khu vực địa lý địa hình khá khác biệt so với miền Bắc, miền Trung , còn bắt nguồn từ tâm thế “đi mở đất” thời các chúa Nguyễn. Người Việt vào Nam di cư tự do hay có tổ chức của chính quyền thì luôn được sự “bảo trợ”, có khi bằng quân sự nhưng chủ yếu bằng chính trị theo phương thức “dân đi trước nhà nước theo sau” thiết lập hành chính quản lý dân cư, như vào năm 1611 thành lập Phủ Phú Yên của Chúa Nguyễn Hoàng và 1698 lập Phủ Gia Định của Chúa Nguyễn Phúc Chu.

Là vùng đất khá hoang vu nhưng vẫn có một số tộc người cư trú dọc lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và trên những giồng, gò cao ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Việt, người Hoa đã có những đóng góp rất lớn để biến nơi này thành vùng đất trù phú vào bậc nhất nước ta nhưng sự “va chạm văn hóa” giữa các tộc người cũng ít xảy ra mà ngược lại là sự hòa hợp và biến đổi văn hóa lối sống cho phù hợp với “phong thổ” mới. Người đến sau đã chịu khó tìm hiểu, thích nghi và tôn trọng phong tục lối sống của người bản địa, nhờ đó mà văn hóa của các cộng đồng dân cư tuy có sự biến đổi mà vẫn giữ nhiều nét truyền thống.

Ở phạm vi nhỏ hơn về không gian và ngắn hơn về thời gian, khu vực Thủ Thiêm – TPHCM  trong quá trình “đô thị hóa” cũng là một trường hợp tương tự. Để quy hoạch và xây dựng một trung tâm mới ở đây đã phải gần như giải tỏa “trắng” ruộng vườn, xóm làng, đình chùa, nhà thờ… hiện hữu gần hai trăm năm. Thủ Thiêm của thế kỷ 21 đâu phải là vùng đất hoang vu như Nam bộ hơn 300 năm trước? Vì sao “hiện đại hóa” một vùng có lịch sử lại như việc xóa bỏ một bàn cờ để bày lại ván khác? Vì sao các nhà đầu tư lại đòi hỏi “vùng đất trống trơn” để xây dựng mà không phải là một vùng đất có lịch sử có dân cư lâu đời để tạo ra một đô thị hiện đại lưu giữ truyền thống văn hóa?
Phải chăng vì Thủ Thiêm là một “vùng đất mới” khi nhìn từ trung tâm thành phố qua bên kia sông Sài Gòn bạt ngàn dừa nước và kênh rạch chi chít? Nó khác biệt so với đô thị nhà cao phố chật bên này sông. Nó lạ lẫm nên cần xóa bỏ không thương tiếc từ những di tích quá khứ của cộng đồng dân cư Thủ Thiêm đến cả cộng đồng ấy cũng bị phân tán và di chuyển đi nơi khác. Một lớp dân cư khác sẽ đến sống ở nơi đây và chỉ biết rằng đây là “vùng đất mới”!

Khi nhà quản lý ở tâm thế “người đi chinh phục vùng đất mới” thì dễ dàng phá hủy những gì khác lạ để xây dựng những thứ quen thuộc “của mình”. Xóa bỏ sự đa dạng văn hóa nói chung và kinh tế, xã hội nói riêng chính là con đường ngắn nhất đi đến triệt tiêu một nền văn hóa.



GIỮ TU VIỆN MẾN THÁNH GIÁ THỦ THIÊM TRONG LÒNG ĐÔ THỊ MỚI LÀ VIỆC CẤP THIẾT! (Phụ nữ TPHCM ngày 7/5/2018)
Giải tỏa hay bảo tồn không gian Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước cuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là vấn đề đang tranh cãi sôi nổi giữa những người yêu thành phố.
Giữa cuộc tranh cãi này, Báo Phụ Nữ đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM) về một “phương án ba”: “Giữ nguyên trạng Nhà thờ và Tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hòa quyện giữa sức sống mới của khu đô thị mới Thủ Thiêm tương lai”.

@ Theo bà thì việc bảo tồn Tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có tuổi đời 180 năm có phải là chuyện “không tưởng” giữa cuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi việc này hoàn toàn có thể. Tôi không ủng hộ việc giải tỏa Nhà thờ và Tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Việc bảo tồn hai công trình này không những là việc có thể làm được, mà còn là một việc nhất thiết cần phải làm. Giữa khu đô thị mới, hai công trình này sẽ vừa là điểm nhấn cảnh quan, vừa là nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại với những cư dân đã và sẽ sinh sống trên mảnh đất này.

@ Tính nhất thiết của việc bảo tồn hai công trình này thể hiện ở đâu, thưa bà?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Tôi nói việc bảo tồn là nhất thiết và cấp thiết, vì đây chính là biểu tượng văn hóa - lịch sử của Thủ Thiêm. Dù phát triển đến đâu, thì điều đầu tiên ta phải làm chính là trân trọng quá khứ, bảo vệ lịch sử văn hóa.
Chưa kể, hai công trình này đều có tuổi đời trên 150 năm, ngoài giá trị về lịch sử kiến trúc, thì nó còn là nơi gắn bó với quá trình sinh hoạt cộng đồng của vùng dân cư này. Từ ngày được quy hoạch để làm trung tâm hành chính - tài chính mới, Thủ Thiêm đã phải đối diện với quá trình đền bù giải tỏa những xóm làng lâu đời, ruộng vườn, trong đó có các công trình tôn giáo tín ngưỡng.
Cư dân Thủ Thiêm do bị giải tỏa mà phải đến sinh sống ở nơi khác thì chính những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ... ở nơi chốn cũ là biểu tượng gắn kết họ với quá khứ của họ. Giữ lại nơi từng là chốn sinh hoạt văn hóa tinh thần sẽ khiến thành phố mới không xa lạ đối với những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn và cả một phần cuộc đời của họ cho sự ra đời của thành phố.
Đổi lại, việc gìn giữ một số công trình văn hóa lâu đời ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng được ký ức lịch sử của vùng đất này. Cư dân sinh sống ở đô thị mới Thủ Thiêm chưa biết sẽ là ai, nhưng họ cũng cần một nơi để thờ tự, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình.

@ Nhưng sự thật là hai công trình này vẫn đang được cân nhắc giải tỏa để nhường chỗ cho những hạng mục của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Liệu khi cân nhắc toàn bộ các tiêu chí của sự phát triển thì động lực bảo tồn có còn đủ sức thuyết phục không, thưa bà?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Tôi nghĩ, đây hoàn toàn là vấn đề nhìn nhận và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của các công trình cổ, chứ không phải là cán cân giữa những giá trị này với mục tiêu phát triển. Không một sự phát triển nào lại đi ngược và xóa bỏ những giá trị truyền thống. Bằng chứng là, rất nhiều đô thị phương Tây hiện nay đều có quá khứ là một ngôi làng cổ.
Và khi quy hoạch nó thành một đô thị, người ta luôn giữ lại ngôi làng trong cái lõi đô thị mới. Rồi từ ngôi làng được bảo tồn, đô thị sẽ được phát triển ra xung quanh. Đó là cách mà người ta tôn trọng lịch sử. Vì ai cũng hiểu, những đô thị đó không phải tự nhiên mà thành hình, được sinh ra từ ngôi làng thì cần phải giữ lại ngôi làng như minh chứng cho quá khứ của nó. Và từ đó, người có được một chỉnh thể thành phố có quá khứ, có hiện tại, có quá trình trưởng thành và cả hồn cốt đô thị.

@ Với tiến trình đó, thì câu chuyện hầu như đã rời khỏi tình huống “cái cũ nhường đất cho cái mới”.
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Tôi nghĩ lựa chọn đó không phải là một sự cân nhắc thuần túy nữa, mà nó là một hành xử tất yếu trong những nền văn hóa tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử.
Quay lại câu chuyện Thủ Thiêm, theo tôi còn có một vấn đề mà ta cần phải suy xét, đó là những ràng buộc trong việc chuyển giao quỹ đất cho một dự án - liệu địa phương có nhất thiết phải giao một vùng “đất sạch” cho chủ đầu tư hay không? “Đất sạch” tức là đất giải tỏa trắng toàn bộ và nhà đầu tư sẽ nhận một vùng đất nhẵn nhụi không đọng lại bất kỳ dấu ấn nào của vùng dân cư cũ.
Vùng dân cư cùng những di chỉ văn hóa xã hội của nó bị xóa sổ. Nếu phải giao đất sạch từ một vùng dân cư như Thủ Thiêm cho một dự án mới - dù nó là dự án gì - thì theo tôi, đó cũng là một việc tàn nhẫn. Việc xóa sổ một vùng dân cư lâu đời như thế thậm chí còn là một tội ác.

@ Vậy, với ý chí bảo tồn thì theo bà, việc bảo tồn đó cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo sự hòa quyện giữa biểu tượng xưa cũ trong không gian hiện đại?
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Về khía cạnh kiến trúc thì tôi chờ đợi những đồ án của các kiến trúc sư. Ở góc độ của mình, tôi cho rằng, để giữ được các công trình cũ trong không gian mới, trước tiên, chúng ta phải thống nhất một tinh thần trước mọi sự đổi mới, đó là “tôn trọng lịch sử”.
Việc giữ đất lại cho một vài công trình cổ của vùng dân cư cũ là hoàn toàn chính đáng, những đơn vị có thẩm quyền cần phải cân nhắc điều này khi giải quyết quỹ đất cho những công trình mới. Còn với đời sống mới ở khu dân cư theo tôi, việc có được những biểu tượng lâu đời trên vùng đất mình sinh sống luôn là điều luôn khiến một công dân tự hào, yêu quý và có cảm giác kết nối với xứ sở mới của mình.
@ Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này!

Hình ảnh có liên quan

CÁC BÀI VỀ THỦ THIÊM (1)


 TIẾC NUỐI THỦ THIÊM 

Chiều đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… A phải rồi, phà Thủ Thiêm đã ngừng hoạt động hơn nửa tháng nay. Còn nhớ một ngày đi làm về thấy hai con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi chúng cho tôi xem những bức hình chụp con phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến phía Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con  đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm.
Bây giờ nối đôi bờ sông Sài Gòn từ quận Nhất qua bán đảo Thủ Thiêm đã có đường hầm dưới lòng sông, mai mốt còn có thêm những chiếc cầu hiện đại nữa. Từ “con đò Thủ Thiêm” đến chuyến phà Thủ Thiêm, rồi đường hầm rồi cầu… thành phố lớn lên rộng ra từng ngày. Thành phố càng hiện đại ký ức quá khứ  bằng vật chất ngày càng nhạt nhòa… may chăng chỉ còn những tên gọi, địa danh gợi nhớ một thủa có những chuyến đò, chuyến phà qua sông. Những cây cầu mới qua sông Tiền sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu… ai đi qua đó mà không nhớ những bến phà nổi tiếng một thời ở miền Tây Nam bộ?

Trên sông Sài Gòn giờ đây bến phà Thủ Thiêm không còn, đường hầm thay thế cũng không mang tên “hầm Thủ Thiêm” như vẫn quen gọi từ khi khởi công đến ngày hoàn thành (1). Nhắc đến hầm Thủ Thiêm thì ai ai cũng hiểu đó là công trình kết nối khu nội thành hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, biểu tượng của  tương lai thành phố. “Thủ Thiêm” không chỉ là một địa danh mà còn có ý nghĩa như thế.
“Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”
Câu ca dao quen thuộc giờ còn ai nhớ đến khi vùng Thủ Thiêm với làng quê dọc ngang kinh rạch giờ đã giải tỏa gần hết. Bên bờ phía sài Gòn mấy ai còn nhớ đến Cột cờ Thủ Ngữ ngay gần bến phà Thủ Thiêm? Mai này thành phố sẽ có cầu qua sông Nhà Bè thay cho phà Bình Khánh, sẽ còn nhiều cây cầu thay thế những chuyến phà, những bến đò qua những con sông, rạch, tắt… Đừng xóa bỏ tên những bến đò, bến phà, tên những dòng sông con rạch mà thay bằng những tên gọi ra đời từ văn bản “hành chính”. Dấu tích vật chất có thể bị phá bỏ, làm mất đi nhưng địa danh dân gian không dễ biến mất, đơn giản vì nó đã được lưu giữ và di truyền qua nhiều thế hệ cư dân thành phố, trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống địa danh giúp ta nhận ra lịch sử, đặc trưng văn hóa một vùng đất, thể hiện tâm thức lối sống cư dân và có khi là sự ghi nhận dấu ấn một con người của vùng đất đó… Địa danh tồn tại trong ký ức của từng người dân, góp phần làm nên lịch sử văn hóa của thành phố.

Sài Gòn giờ đã mất nhiều tên chợ, tên hẻm, tên khu vực, tên bến phà cây cầu cổ xưa… Có khi nào sau này muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa qua địa danh lại phải tìm đến những người Sài Gòn xa xứ…?!


(1) Hội đồng nhân dân TP quyết định đặt tên là “Hầm qua sông Sài Gòn”
(Viet-Studies ngày 20.1.2013)


GIẢI TỎA CÁC CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO LÂU ĐỜI LÀ KHÔNG THỎA ĐÁNG 


Từ đô thị đến thôn quê, ở đâu các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu hay hội quán, nhà thờ, tu viện… đều là trung tâm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Đó còn là nơi tổ chức những hoạt động công ích như từ thiện, nuôi dưỡng người bệnh tật, người già và trẻ mồ côi… Đặc biệt trong khu vực của nhà thờ hay tu viện đều có trường học, vừa dạy theo chương trình giáo dục chung vừa giảng dạy giáo lý cho con em giáo dân. Do đó, cộng đồng dân cư ở đâu cũng gắn bó với các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Hình ảnh kiến trúc tôn giáo trở thành biểu tượng của quê hương bản quán như mái đình, tháp chuông cũng như dòng sông, bến nước… Nhiều công trình tôn giáo trở thành niềm tự hào của cộng đồng do tuổi đời lâu năm và những giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Sài Gòn là một đô thị đa dạng về văn hóa, trong đó những kiến trúc kiểu phương Tây gồm công sở, biệt thự, công trình công cộng và nhất là công trình Công giáo như nhà thờ, tu viện, trường học… đã trở thành những điểm nhấn trong cảnh quan đô thị từ khu trung tâm đến vùng ven và ngoại ô. Dù nhiều cơ sở tôn giáo được thiết kế và chỉ đạo do kiến trúc sư người phương Tây, nhưng được xây dựng từ chính công sức và tiền của của cộng đồng người Việt Nam sinh sống trong từng giáo xứ, thậm chí có công trình xây dựng và được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Riêng về công giáo, trải qua nhiều thăng trầm, đổi tên, tách ra rồi lại sáp nhập, hiện nay Tổng giáo phận Sài Gòn có 23 giáo họ đã được trên 100 năm thành lập: Chợ Quán – 1723, Chí Hòa – 1771, Thánh Gẫm (Gò Công – 1848), Xóm Chiếu – 1856, Chợ Đũi (Huyện Sĩ) và Thủ Thiêm – 1859, Tân Định – 1861, Cầu Kho và Bà Điểm – 1863, Phanxico (Cha Tam) – 1865, Chợ Cầu – 1869, Vĩnh Hội – 1875, Thủ Đức – 1879, Tân Quy và Tắc Rỗi – 1880, Bình Chánh – 1884, Thị Nghè và Gò Vấp – 1888, Long Đại – 1990 và Hạnh Thông Tây – 1910[1].  Cùng với sự hình thành các giáo xứ là những công trình kiến trúc nhà thờ, tu viện… qua hơn một thế kỷ đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản đô thị Sài Gòn – TPHCM.

Theo một số tài liệu lịch sử thì “từ những vùng lân cận các nữ tu chạy loạn tụ họp lại, thành lập cộng đồng nữ tu dòng Mến Thánh Giá tại Thủ Thiêm vào năm 1840”. Thủ Thiêm là một vùng quê  ven sông Sài Gòn. Theo người dân địa phương, ban đầu nơi này được gọi là Thổ Thêm do vùng đất bồi mỗi ngày một cao thêm nhờ sông Sài Gòn. Dần dần người ta đổi thành Thủ Thiêm, đồng âm đầu với những vùng lân cận như Thủ Dầu Một, Thủ Đức còn từ Thêm thì đọc trại ra là Thiêm. Giáo họ Thủ Thiêm ra đời vào giữa thế kỷ 19, lúc này nơi đây vẫn là một vùng hoang vu với rừng cây ngập mặn, “sấu gầm cọp um”, dân cư thưa thớt.
Sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, giáo dân ở các nơi trong vùng Gia Định, Biên Hòa… lại kéo đến Thủ Thiêm sinh sống. Làng quê hình thành, dần dần có đình, chùa, có nhà thờ… Cho đến nửa cuối thế kỷ 20 tuy chỉ cách trung tâm thành phố một “con đò Thủ Thiêm” nhưng giữa hai bên là một khoảng cách quá xa về đời sống vật chất.

Hơn mười năm nay bán đảo Thủ Thiêm được biết đến như một đô thị hiện đại tương lai của TP.HCM. Nhờ vị trí độc đáo ở đối diện và chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận Một một đoạn ngắn của sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm hành chính – tài chính mới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố 10 triệu dân cùng lượng lớn người vãng lai. Vì vậy các dự án giao thông, hạ tầng, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm văn hóa như bảo tàng, nhà hát, sân vận động và vô số dự án chung cư, khu dân cư cao cấp… đã hình thành. Đi trước các dự án này là quá trình đền bù giải tỏa những xóm làng lâu đời, ruộng vườn, trong đó có các công trình tôn giáo tín ngưỡng.

Chưa biết tổng thể dân cư mới của đô thị Thủ Thiêm có nguồn gốc từ đâu, nhưng ở bất cứ cộng đồng nào, kể cả đô thị mới thì người dân cũng cần có nơi thờ tự để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị mới việc giải tỏa các công trình tôn giáo tín ngưỡng lâu đời là không thỏa đáng, vì ngoài chức năng phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng, những công trình đó luôn chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa. Cư dân Thủ Thiêm do bị giải tỏa mà phải đến sinh sống ở nơi khác thì chính những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ… ở nơi chốn cũ là biểu tượng nối liền quá khứ và hiện tại của họ. Thành phố mới không trở nên xa lạ đối với những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn và cả một phần cuộc đời của họ cho sự ra đời của thành phố mới. Đổi lại, việc gìn giữ một số công trình văn hóa lâu đời ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng được ký ức lịch sử của vùng đất này. Đồng thời, những dấu tích cổ xưa của khu đô thị mới cũng mang lại cho cộng đồng dân cư mới cảm giác thân thiện, tạo ra sự gắn bó và thái độ quý trọng một vùng đất có lịch sử, biết ơn những người từ đây đã ra đi để xây dựng đô thị mới. Những dấu tích lịch sử - văn hóa chính là sợi dây nối liền các cộng đồng dân cư qua nhiều thời kỳ trên một vùng đất.

“Nhà thờ không phải là một công trình nghệ thuật vị nghệ thuật, được xây dựng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng, mà trước tiên là ngôi nhà của cộng đồng ở một địa phương có một lịch sử nhất định, và sự gắn bó giữa cộng đồng giáo xứ với ngôi nhà của chính mình, là cái hồn của loại kiến trúc được gọi là nhà thờ, ngôi nhà đã từng chứng kiến, ghi nhận – và còn hơn cả chứng kiến và ghi nhận, – những buồn, vui, hy vọng, trông chờ kèm theo mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, của cộng đồng và của từng tín hữu khi chào đời, lớn lên, trưởng thành và cả sau khi đã nhắm mắt xuôi tay… Nhà thờ là phần không nhỏ của ký ức nơi mỗi tín hữu Công giáo.”[2]
Chính vì vậy, chính quyền, các nhà đầu tư, nhà quy hoạch cần có sự hiểu biết và tôn trọng vấn đề này trong mọi quy hoạch kinh tế - xã hội. Các công trình như nhà thờ, dòng tu, chùa chiền cần đưa vào khu vực chỉnh trang cho phù hợp với quy hoạch chung, không nhất thiết phải giải tỏa, đặc biệt là những công trình có lịch sử lâu đời đã được ghi chép lại. Một con đường, một hàng cây, một ngôi nhà cổ… có thể không sánh bằng một trung tâm thương mại hoành tráng nhưng trung tâm thương mại không tồn tại chỗ này có thể xuất hiện chỗ khác còn ký ức thì không phải nơi đâu cũng lưu giữ được.
Để phù hợp hơn với cảnh quan đô thị mới, việc bảo tồn, trùng tu nhà thờ, đình chùa cổ xưa đã bị hư hỏng hay xuống cấp là nhu cầu chính đáng cấp thiết. Là những công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa tinh thần gắn với một vùng đất, nếu chính quyền có chính sách và phương pháp phù hợp thì cộng đồng nói chung và cộng đồng tôn giáo nói riêng sẽ chung tay góp công góp của, để mang lại cho thành phố mới vẻ đẹp từ chiều sâu lịch sử - văn hóa và nâng cao hơn giá trị kinh tế từ đó và nhờ đó.



[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2010), Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam, Nxb Phương Đông, tr. 182
[2] Trần Thái Hiệp (1991), Kiến trúc thánh đường ngày nay, Công giáo và dân tộc, số 829, tr. 15
    Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh (2006), sđd, tr. 40 

(Người đô thị ngày 1.3.2017)

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...