NƯỚC MỸ, THÁNG NĂM...

Gặp bạn nơi xa

Khi đi làm visa du lịch Mỹ tôi đã lường trước tình huống “nếu bà không được chấp nhận cấp visa thì sao”–“Thì coi như tôi chưa có duyên được gặp nước Mỹ”. Nhưng rồi mọi việc thuận tiện và nhanh chóng không ngờ. Một chuyến đi không chờ đợi, thậm chí không tính trước, nhưng may mắn đã thành hiện thực.
Máy bay hạ cánh ở phi trường LAX lúc 15.30 nhưng xong các thủ tục đã hơn 17g, băn khoăn vì hẹn bạn đón nên chắc bạn phải chờ khá lâu. Lúc ra đến sảnh chờ còn đang ngơ ngác tìm thì bạn đến gần: chị Hậu phải không? A, chào G. Hai chị em thân thiết nắm tay nhau, tôi và G. mới biết nhau và đây là lần đầu tiên gặp mặt. G. lái xe đưa tôi về nhà Thúy Hà, một người bạn – của – bạn tôi và cũng là bạn trên mạng yahoo.360 từ lâu. Quãng đường dài vào giờ cao điểm đã kịp đông nghẹt nhưng nhờ tất cả các loại xe chạy đúng làn đường nên tốc độ chậm mà không tắc đường.

Ngay sáng hôm sau đã có một buổi café welcome, các bạn gần như có mặt đông đủ nơi quán Gypsy ở Little Sài Gòn. Bước tới không gian này tưởng như đang ở một tiệm nước nào đó ở SG khoảng những năm 1975 – 1980. Có gì đó như ngưng đọng ở đây: những gương mặt, trang phục, giọng nói, ngôn từ… không xa lạ nhưng lâu rồi ít gặp ở Sài Gòn. Một vài ánh mắt như không mấy thiện cảm khi nghe thấy cái giọng Bắc kỳ 75 của tôi cũng gợi nhớ lúc mới về Sài Gòn sau ngày 30/4.
Bạn bè lần đầu gặp mặt nhau nhưng đã thấy thật gần gũi.

Thời tiết cũng như chiều lòng người. Mới mấy bữa trước còn lạnh, mưa gió sụt sùi, ngày tôi tới Cali chỉ hơi se lạnh trong nắng ấm. Câu chuyện giữa những người bạn – trên - mạng  giờ đây là bạn – ngoài – đời cũng ấm áp như thế. Tôi đi qua đây chỉ mang có một valy nhưng trong đó một nửa là sách tặng bạn. Sách của mình, sách của vài tác giả nổi tiếng mà bạn thích. Rất vui là các bạn thích món quà nho nhỏ này. Vui hơn là nhiều bạn đọc còn nhắn qua facebook mời café và… để ký tặng sách các bạn đã có (nhờ mua từ Việt Nam). Với một người viết nghiệp dư như tôi có lẽ đây là niềm vui lớn. Điều bất nữa là cuốn “Truyện 100 chữđược nhiều người bên này biết đến vì đã đọc trên blog của tôi và được một vài tờ báo tại đây trích đăng lại. Viết ngắn có lợi đấy chứ, khi mà những cái mẩu ngăn ngắn của mình có thể len lỏi vào bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào, vào bất kỳ khoảng không gian nhỏ bé nào trong tâm trí người đọc, ở lại đó và cùng chia sẻ với nhau ý tưởng, câu chuyện cũng như cảm xúc khi mình viết ra.

Còn chuyện gì mà không nói đến trong những buổi café như vậy? Chuyện cũ quê nhà, chuyện bạn bè chung, chuyện làm ăn, gia đình của bạn nơi đây, những sinh hoạt văn hóa, những câu chuyện văn chương… Thấp thoáng sau tất cả là nỗi lòng của những người nặng tình với đất nước, dù bây giờ tạm coi là “bên này hay bên kia” hay không là bên nào cả. Có lẽ vì vậy mà nói chuyện với nhau rất chân tình, thoải mái và thẳng thắn.  Gặp nhau ở ý tưởng nào cũng quý, mà chưa gần nhau, thậm chí khác nhau về suy nghĩ cũng vẫn tôn trọng nhau, bởi mỗi người một hoàn cảnh một quá khứ… Hình dung giống nhau về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước mình, đó mới là điều quan trọng.
Nhưng có một điều mà bạn bè “chúng khẩu đồng từ” nói với tôi “chị trẻ hơn nhiều so với những tấm hình trên facebook”. A, với một phụ nữ ở tuổi này thì điều đó hơn mọi liều thuốc bổ,  nhờ vậy tôi (sẽ) đủ sức rong chơi (và “đấu khẩu”) trong những ngày sắp tới trên đất cờ hoa.
Một tuần ở quận Cam đầy ắp niềm vui nhưng trong đầu vẫn lãng đãng giai điệu “Để quên con tim”. Tôi từ biệt Cali với một lời nhắn da diết “ngày rời Cali có người đã để lại chút nâu giòn ấm áp…”

Nước Mỹ, xa và gần

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày mình đến nước Mỹ chỉ để rong chơi, với tôi đó là một mơ ước xa xỉ. Vậy mà, như người xưa đã nói, có duyên thì sẽ gặp, và tôi đã gặp nước Mỹ lần đầu vào những ngày tháng Năm. 
Ba tuần ở nước Mỹ trôi qua thật nhanh, tôi đã kịp đi đến một số thành phố lớn nhờ sự sắp xếp đón tiếp chu đáo của bạn bè. Thật ra mục đích chuyến đi này chưa và không phải là tham quan mà là “thăm dân” – gặp gỡ những người bạn facebook thân quen đã lâu nhưng tôi chưa có dịp offline. Và tôi đã đạt được mục đích thậm chí vượt cả mong đợi vì gặp được thêm nhiều người khác, trong đó có những người đã luôn tâm đắc chia sẻ với những trang viết của tôi.

Từ biệt nước Mỹ sau ba tuần “chạy sô” từ Tây sang Đông rồi lại “khứ hồi” về Tây, chưa kể tạt lên Bắc xuống Nam vài giờ xe chạy. Tôi sẽ nhớ mãi Quận Cam ấm áp thân tình của những người bạn mới mà như thân quen tự thời thơ ấu, nhớ mãi Boston bình yên một nỗi buồn dịu dàng sau sự cố đánh bom một tháng trước, nhớ NewYork hiện đại và sôi động đến choáng ngợp,  nhớ nỗi cô đơn sợ hãi thoáng qua khi một mình trong đêm trên chuyến xe bus đến Philadelphia, nhớ mãi những khoảnh khắc ngắn ngủi đầy yêu thương ở Washington DC, nhớ mãi San Francisco với chuyến rong chơi vui vẻ như không muốn dừng lại, và không thể quên sự cố nhỏ ngày về để hiểu ra rằng mình rất may mắn khi có những người bạn quý mến mình đến thế…

Từ biệt nước Mỹ, từ biệt những ngày trời đẹp như ưu đãi người lần đầu đến đây, từ biệt những con đường vun vút xe chạy, xa ngát xanh thẳm  đưa tôi đến những nơi cần đến. Từ biệt những người bạn, chúc các bạn của tôi luôn bình an và hạnh phúc ở nơi mà họ đã tin tưởng lựa chọn là quê hương thứ hai.
Tháng Năm đã qua…Tôi biết, một ngày gặp lại còn xa lắm…

Khoảng cách
Những ngày ở Mỹ, bất giác tôi hay tự hỏi: nước Mỹ, thật ra, rộng hay hẹp? Một câu hỏi ngớ ngẩn, phải không?
Có lần tôi đã chiêm nghiệm về tình cảm giữa những con người, nó có thể mang người ta đến gần nhau hay làm người ta xa nhau hơn, bất chấp mọi khoảng cách của không – thời gian vật lý. Đó là “chiều thứ 3 của khoảng cách”. Khi đến nước Mỹ điều này lại càng rõ ràng. Bạn hỏi: qua đây được bao lâu? – Ba tuần. - Ít vậy, làm sao đi chơi hết được? – Nước Mỹ rộng thế, các bạn ở đây cả đời còn chưa đi hết nữa là mình. Mấy tuần ở đó tôi đã đi nhiều. Từ thành phố này đến thành phố khác là vượt qua vài múi giờ, gọi điện thoại cho nhau phải nhớ xem tiểu bang đó bây giờ là đêm hay ngày… mới thấy nước Mỹ thật rộng lớn. Nhờ những cuộc gọi, tin nhắn, lịch trình những lần gặp gỡ với bạn bè đã làm cho tôi thấy nước Mỹ     thật gần gũi, ấm áp. Nửa vòng trái đất đến với nước Mỹ đâu có gì là     quá xa xôi?
Nhưng vào cái ngày từ biệt nước Mỹ, tôi bỗng nhận ra giữa tôi và nước Mỹ còn có những khoảng cách rất hẹp đến nỗi không thể len vào dù chỉ là một ý nghĩ. Khoảng hẹp này khiến có lúc trái tim nghẹn lại… Mọi giấc mơ dù đẹp đến đâu rồi cũng có lúc tan biến… Tôi từ biệt nước Mỹ như  từ biệt một ảo mộng. Nước Mỹ rộng hay hẹp với tôi giờ không còn quan trọng nữa.
Chuyến bay về dài theo những câu thơ buồn của Olga Bergol “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng…”

Ngôi nhà có hàng rào sơn trắng

Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thấp sơn màu trắng.
Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn. 

Những ngôi nhà có hàng rào sơn trắng, với tôi, luôn mang lại cảm giác bình yên mà bất cứ gia đình nào cũng muốn có. Hàng rào thấp sơn trắng như một ranh giới mong manh, ở trong là những gì thân thuộc ấm áp, bên ngoài là xa lạ lạnh lùng… Hàng rào có cổng, cũng thấp thôi, khép hờ hoặc gài tạm, mỗi ngày được mở rộng cho người nhà ra vào, đón tiễn những người khách.
Một ngày nào đó, cổng rào luôn đóng im ỉm “nội bất xuất ngoại bất nhập”, một ngày nào đó người trong nhà ra vào bằng cách vượt qua đạp đổ hàng rào, khách đến nhà cũng bằng cách ấy… Một ngày nào đó cánh cổng luôn mở toang, chểnh mảng, người ra vào thờ ơ không buồn khép lại… Có lẽ ngày ấy sự bình yên của ngôi nhà bắt đầu ra đi…

Có lần, trong giấc mơ tôi thấy mình ngập ngừng đứng bên cạnh cổng rào, không dám đẩy cổng dù nó chỉ được gài chốt sơ sài, cũng không dám bấm chuông, sợ rằng tiếng chuông sẽ làm mình chợt tỉnh… Hình như phía sau tấm rèm lay nhẹ kia có ánh mắt ai đó tò mò nhìn người khách lạ đứng tần ngần bên rào nhà mình. Rồi nhận ra người khách chỉ là kẻ qua đường tình cờ dừng chân chốc lát, ánh mắt kia yên tâm rời khỏi cổng rào quay về với những gì thân quen với nó. Và tôi, không thể dừng chân lâu hơn, đành bước đi, để lại cảm giác hạnh phúc mình – đã – mơ - ước - từ - lâu ở lại phía sau, bên kia hàng rào thấp sơn màu trắng.
Kiếp sau, hay nếu may mắn được lên Thiên đàng, nhất định tôi sẽ xây một ngôi nhà nhỏ có hàng rào sơn màu trắng bình yên…



Sài Gòn, tháng 5/2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...