CHU MINH
7.
Khi quen với nhiều bạn rồi nó càng lang thang
nhiều hơn, dưới đồng trên bãi, ngoài sông trong đê, chỗ nào bọn trẻ nông thôn
đến thì nó cũng đi theo. Đi theo trâu trên những triền đê, ven rặng điền thanh
muồng muỗng thấp thoáng bướm vàng, chuồn chuồn kim… Đi hái rau muối trong ruộng
ngô bãi ven sông vào những buổi sáng sớm còn mù sương, lạnh giá. Rau muối nhỏ
xíu cánh lấm tấm trắng như những hạt muối tinh, phải hái sớm vậy mới ngon, nấu
canh ngọt lừ không cần mì chính. Chị Hiền nó và chị Vân – bạn thân của chị
Hiền, đi sơ tán một mình nên má nó bảo về ở chung nhà, rồi thành con cái trong
gia đình nó – vẫn nói với nhau: cái Hậu trông nhõng nhẽo thế mà gì cũng biết,
chả sợ gì cả.
Những buổi tối trời, nhất là sau trận mưa rào
nó còn trốn má đi theo các chú (làm chung cơ quan với má nó) đi bắt cóc ếch
nhái về cải thiện. Chú Hài (thương binh, đi tập tễnh) và chú Thái là hai người
bắt ếch cóc giỏi nhất, chỉ một lát là đầy cái thùng gánh nước mang theo. Hai
chú đổ vào hầm tăng – xê để ăn dần. Ban ngày mới làm thịt cóc ếch vì phải cẩn
thận: lột da, bóc sạch trứng và rút hết gân. Sau đó thịt ếch thì xào mặn ăn
dần, còn thịt cóc thì bằm nát rồi xào để nấu cháo hay nấu bánh canh. Bánh canh
làm từ bột mì, má nhồi bột, cán mỏng và xắt sợi, làm một nồi thật to, hai ba nhà ăn chung. Đến giờ nó vẫn
nhớ hương vị nồi bánh canh bột mì sợi bánh bở bở, nước dùng sền sệt nhưng ngọt
lắm. Đấy là thức ăn tươi hầu như duy nhất trong hơn hai năm sơ tán ở Chu Minh.
Có lẽ được ăn thịt cóc ếch nhiều nên hồi nhỏ nó không hay ốm vặt, người tròn
cui chắc nịch và… đen thui.
Hàng tháng má nó đạp xe về Hà Nội mua gạo mì
mắm mỡ. Chiều thứ bảy về tối chủ nhật mới lên, đi cùng chú Hài chú Thái để lỡ
dọc đường có máy bay hay việc gì bất trắc. Đạp xe ban đêm không đèn đường,
đường quốc lộ xe ô tô không đèn kín lá ngụy trang chạy rầm rập nối đuôi nhau…
Về đến Hà Nội khoảng 1,2 giờ sáng thì 4,5 giờ đã phải ra xếp hàng mua gạo mì,
mua thịt mỡ… về nhà thắng mỡ cho vào chai, rồi ba nó buộc bao gạo mì lên xe
đạp, chiều chủ nhật má lại đạp xe đi. Lần nào trở về nơi sơ tán má cũng nói:
tưởng không về được đến nơi!
Đi sơ tán nhưng nó vẫn được má và các chị cưng
chiều vì là con út. Bởi vậy nó cũng hay đành hanh cãi lại các chị. Một lần biết
má sắp về Hà Nội, đêm đó nó ôm má thủ thỉ “má, mai má đừng về Hà Nội nhé!” – Má
không về lấy gì ăn, phải về mua gạo mì chứ? – Má về, chị Hiền chị Vân bảo sẽ
tẩn cho con một trận! Trời trời, nửa đêm má lôi hai chị dậy la: sao dọa em để
nó sợ? Hai bà chị ngái ngủ càu nhàu: dọa thế cho nó sợ chứ ai đánh nó, rồi lăn
ra ngủ tiếp. Nó ôm má ngủ mà vẫn phập phồng lo cho ngày mai không có “ô dù” che
chắn.
Hai chị hay mắng nhưng yêu nó lắm, nhường nó
tất cả giấy ngà ngà trơn nhẵn, lại dùng thước với bút chì kẻ dòng cho nó tập
viết, còn các chị viết trên giấy đen thui đầy cọng rơm trên mặt giấy nhám. Chị
Hiền học rất giỏi tất cả các môn nên rèn chữ đẹp cho nó, dạy nó làm toán. Một
lần hai chị đọc vở của nó, thì thầm với nhau: cái Hậu tập làm văn hay ghê! Nó
ham chơi học không chăm nhưng được cái sáng dạ, năm nào cũng là học sinh giỏi.
Có một chuyện nó luôn biết ơn chị Hiền. Đó là
chuyện chị không cho nó nói “giọng nhà quê” vì “chửi cha không bằng pha tiếng”,
chị bảo vậy! Ở đâu chỉ vài hôm là nó nói đặc giọng ở đấy, chị nghe thấy chỉ cần
trừng mắt là nó khiếp vía… Nhờ vậy nó giữ giọng Hà Nội rất lâu. Lâu đến nỗi năm
1975 về Sài Gòn lúc 17 tuổi mà đến nay đã 40 năm ở Sài Gòn nó vẫn một giọng “Hà
Nội chuẩn”, dù nó chẳng coi là “chuẩn” và nếu có thì cái “chuẩn” ấy cũng bình
thường thôi, nó nghĩ thế!
8.
Ở Chu Minh lúc đầu nhà nó ở nhờ nhà bác Hùng
có con là cái Hoan bằng tuổi nó, nhưng nhà bác đông quá nên ít lâu sau mấy má
con nó qua ở nhà chị Rau. Nhà chị ở phía sau nhà bác Hùng, cùng chung ngõ nhỏ
chạy giữa một bên là hàng rào râm bụt thấp bên kia là cái ao nhỏ vuông vắn
thường cạn nước.
Chị Rau khoảng 30 tuổi, ở một mình, thỉnh
thoảng có bà vãi (mẹ chị) ở làng bên qua chơi vài ngày. Chồng chị là anh Trác
đi bộ đội, anh chị cưới nhau vài năm rồi nhưng không có con. Chiến tranh, anh
Trác nhập ngũ, chị ở nhà làm hợp tác. Má con nó ở nhà chị Rau gần một tháng thì
về Hà Nội ăn tết, quay lên đã thấy chị xin được một đứa con nuôi còn đỏ hỏn, đặt
tên là cái Nhàn. Con bé dễ như củ khoai, không có sữa toàn uống nước cơm, được
vài tháng thì ăn “cơm mớm”, càng lớn càng tròn quay và đen thui giống y như nó.
Ai chê nó xấu thì chị Rau đều nói “xấu mà học giỏi như cô Hiền cô Hậu”. Chị
Hiền còn dạy cái Nhàn nói câu “đen mà có duyên” khi nó bập bẹ học nói. Chị Rau
đi làm cả ngày, nó tha cái Nhàn đi khắp nơi như chó mẹ tha chó con, trong nhà
ngoài sân, ra vườn, ra cả sân kho hợp tác… Trưa nắng nóng chị Hiền chặt mấy tàu
lá chuối trải trên nền nhà, hai đứa lăn lóc trên đó cho mát. Khi cái Nhàn biết
bò rồi biết đi, nhanh như chớp đã lần ra đến bờ ao thành giếng, thế là nó liền
lấy sợi dây buộc một chân cái Nhàn vào cột nhà, hai đứa ngồi chơi với nhau, nó
cầm sách đọc như cuốc kêu còn cái Nhàn thì ê a đọc theo. Lúc đầu cái Nhàn còn
thích thú, sau đó khóc ré lên, khóc chán lăn ra ngủ ngay cạnh cây cột.
Chiều mát, nó ra giếng kéo mãi mới đầy một
chậu nước tắm. Vào nhà lấy quần áo quay ra đã thấy cái Nhàn mặt mũi người ngợm
nhem nhuốc ngồi gọn trong chậu vùng vẫy tung tóe. Nó mếu máo: bắt đền chị Rau
lấy cho em chậu nước khác đi. Chị Rau kéo nước lên tắm cho cả nó và cái Nhàn,
hai đứa tha hồ nghịch nước giếng mát lạnh đến tím môi và các ngón tay nhăn nheo
mới chịu thôi.
Lần nào bà vãi (ở vùng này gọi bà ngoại là bà
vãi) qua nhà cũng có quà cho nó. Khi là cái bánh đa khi khúc mía bắp ngô. Bà
vãi hay ra sau nhà đào lấy củ rong riềng, được cả rổ đem luộc lên. Nó thích củ
rong riềng lắm, củ màu xám trắng, thơm, ngọt, ăn mãi không chán. Bà vãi vẫn hay
mặc váy đụp, quấn khăn mỏ quạ dù bà cạo trọc đầu, bà đã già lưng còng như trông
vẫn dong dỏng, khác hẳn chị Rau người thấp đậm, mà cái Nhàn càng lớn càng giống
chị Rau, chẳng ai biết nó là con nuôi. Mùa đông bà vãi cấy rau cần ở cái áo nhỏ
cạnh nhà, khi rau ăn được thì phần mang ra chợ bán phần cho hàng xóm, phần muối
dưa ăn dần. Rau cần mới cắt đem xào tái với chút mỡ tỏi, cọng rau ngọt lừ, thêm
quả cà chua hồng vào nữa thì ăn với cơm nóng quên no. Nó rất thích lội xuống
ruộng rau cần với bà vãi, nhưng hai chị nó thì không dám, vì sợ đỉa.
Một lần chồng chị Rau được về phép, hàng ngày
anh bế cái Nhàn đi chơi khắp các nhà hàng xóm. Một buổi chiều đi làm về má nó
thấy hai cha con ngồi trước bếp lửa, cái Nhàn không mặc quần áo, lạnh tím tái.
Má nó hốt hoảng hỏi “sao anh không mặc quần áo cho con Nhàn để nó lạnh thế
kia?”, anh Trác hồn nhiên bảo: nó ị hết ra người nên vừa tắm cho nó, hơ lửa cho
khô. Đến đêm cái Nhàn cảm lạnh một trận tưởng chết, sốt cao co giật, mấy chị nó
cùng chị Rau phải thay nhau bế nó chạy lên bệnh viện huyện trên phố Lả để cấp
cứu. Một tuần sau cái Nhàn mới qua khỏi, gầy tọp. Ngày đón cái Nhàn về nó ôm
chặt cái Nhàn đòi mang theo… ngày mai nó về Hà Nội, hết phải đi sơ tán rồi. Má
nó mắt đỏ hoe, phải hứa sẽ đón em Nhàn về sau nó mới chịu. Từ đó nó không gặp
lại cái Nhàn…
Bà vãi mất sau đó vài năm. Khoảng năm 1990
nghe nói anh Trác chị Rau cũng đã mất. Cái Nhàn kém nó 6 tuổi, bây giờ cũng
ngoài 50, nếu còn ở Chu Minh chắc đã là bà nội bà ngoại rồi. Không biết nó còn
nhớ đến “cô Hậu” vẫn bế nó ngày còn bé không…
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét