BẢO TỒN NHÀ CỔ TRONG ĐÔ THỊ MỚI


Nguyễn Thị Hậu
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Nơi đây là vùng đất đa dạng về thổ nhưỡng và môi trường sinh thái: vừa giàu có về rừng cây gỗ quý nổi tiếng một thời, vừa có chất đất thuận lợi để trồng cây công nghiệp và có cả đồng bằng phù sa màu mỡ. Trên vùng đất trù phú này nhìn chung tư thời xa xưa dân cư Bình Dương có đời sống ổn định, nền nếp, phong lưu.
Theo Đại Nam Nhất Thống chí thời Tự Đức, Bình Dương xưa thuộc trấn Phiên An, giữa hai huyện Bình Dương (Tân Bình) và Phước Long, dân cư trù mật, nhà ngói, phố chợ liền lạc, là xứ phồn hoa đô hội của đất Gia Định, cả nước không đâu sánh bằng. Ngày nay dấu ấn xứ phồn hoa đô hội ở Bình Dương vẫn còn được lưu giữ qua nhiều ngôi nhà cổ, một loại hình di tích văn hóa độc đáo của vùng đất này. Thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An… có những ngôi nhà chữ đinh chữ nhị cổ xưa với dạng nhà vườn giống nhau, kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc. Đây là những ngôi nhà có tuổi khá xưa, phần lớn được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, chủ nhân thường là người giàu có. Tuy đã trải qua trùng tu nhiều lần nhưng nhờ xây dựng bằng các loại gỗ quý, thợ dựng khéo léo và kỹ lưỡng, con cháu có sự lưu tâm giữ gìn nên đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Nhà chữ đinh (丁) : là loại nhà phổ biến nhất tại Bình Dương. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ.
Nhà chữ Nhị (二) : Loại nhà này có hai căn nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau như chữ nhị Bố cục mỗi căn nhà thường là ba gian, tuy nhiên sau này người ta cất nhà dưới dài thêm một gian so với nhà trên để lấy ánh sáng. Nhà dưới là không gian cư trú, còn nhà trên chủ yếu dành làm nơi thờ tự. Nhà chữ nhị cũng thuộc loại nhà có diện tích đất tương đối lớn.
Nhà ba gian hoặc ba gian hai chái là loại nhà phổ biến trong dân chúng. Không gian của căn nhà vừa để ở, vừa có chức năng thờ tự và tiếp khách. Nhà ba gian phân bố ở vùng nông thôn và cả thành phố. Nhà năm gian hai chái được tầng lớp điền chủ, phú gia, trí thức giàu có ưa chuộng. Kiểu nhà này chiếm diện tích đất rộng, kỹ thuật xây dựng công phu, vật liệu tốn kém vì là sự kết hợp giữa kiểu nhà gỗ truyền thống với phong cách kiến trúc và vật liệu xây dựng của phương Tây, thường được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX: nền nhà cao có bậc tam cấp, tường xây gạch dày, tô hồ quét vôi. Cột nhà có khi là cột bê-tông nhưng vì kèo gỗ và lợp ngói, có trần nhà.
Sự hiện diện của những ngôi nhà cổ là một phần lịch sử quan trọng của Bình Dương, mặt khác còn phản ánh quá trình dân cư và lịch sử kiến trúc của Nam bộ. Việc bảo tồn những ngôi nhà cổ không chỉ là bảo tồn một công trình kiến trúc nghệ thuật, mà còn là bảo tồn không gian văn hóa gia đình, không gian văn hóa làng xã của vùng đất trù phú nổi tiếng một thời.
Tiến trình đô thị hóa nhanh chóng ở Bình Dương tác động khá lớn đến những di sản văn hóa nói chung và nhà cổ nói riêng. Với khuôn viên rộng rãi, thường nằm ở vị trí đắc địa, phần nhiều những ngôi nhà cổ được nhìn nhận qua giá trị của khu đất mà nó tọa lạc. Mặt khác, nhu cầu thay đổi tiện nghi và nội thất cho phù hợp sinh hoạt hiện đại cũng làm thay đổi diện mạo và cấu trúc nhà cổ, thậm chí làm nhà cổ “biến mất” như tình trạng đang diễn ra. Có thể kể ra những tác động chính như:
- Sự thay đổi về kiến trúc (một phần hay toàn bộ) do nhu cầu của chủ nhà (cũ hoặc mới)
- Sự thay đổi chủ sở hữu có thể làm cho ngôi nhà bị tháo dỡ, bán đi toàn bộ để xây dựng nơi khác, hoặc bán từng bộ phận kiến trúc cũng như trang trí.
- Khí hậu ẩm và những yếu tố khác tác động đến tuổi thọ của vật liệu xây dựng.
- Sự thay đổi cảnh quan xung quanh, từ nông thôn thành đô thị, làm cho nhà cổ trở nên “lạc lõng” trong cảnh quan hiện đại.
Giải pháp bảo tồn tổng thể những cụm, tuyến nhà cổ là giải pháp tối ưu, vì như vậy sẽ kết hợp bảo tồn cảnh quan tự nhiên và sinh hoạt, lối sống của một (nhóm) cộng đồng cư dân trong một phạm vi nhất định (như trường hợp khu vực nhà vườn ở Huế). Tuy nhiên giải pháp này ở Bình Dương không khả thi vì hiện nay nhà cổ chỉ còn rải rác. Vì vậy khi quy hoạch đô thị cần quan tâm đến việc bảo tồn hoặc cần thiết thì tạo dựng cảnh quan xung quanh phù hợp với nhà cổ. Ngay trong một đô thị hiện đại, sôi động vẫn cần những “khoảng lặng”, “chiếu nghỉ” là khuôn viên và kiến trúc nhà xưa, đình chùa cổ… vừa có thể phát triển du lịch văn hóa vừa giúp cộng đồng dân cư nuôi dưỡng ký ức về vùng “đất Thủ” nổi tiếng một thời.
Nhà cổ thường thuộc về sở hữu tư nhân nhưng hoạch định chính sách bảo tồn lại là vai trò của nhà nước. Nếu mỗi đô thị mới ở Bình Dương đều có “quy hoạch bảo tồn” dành cho nhà cổ thì sẽ hạn chế việc tháo dỡ nhà cổ bán đi nơi khác, hoặc từng bộ phận trang trí, đồ đạc nội thất… bị phân tán nhiều nơi không bao giờ có thể bảo tồn nguyên trạng. Đây cũng là hình thức bảo tồn thích ứng với phát triển, đồng thời phù hợp với xu hướng “xã hội hóa” bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
NGƯỜI ĐÔ THỊ 9/2016

Vụn vặt đời thường (123)


@ Cần "Xây dựng văn hóa khinh bỉ tham nhũng" và văn hóa Không tham nhũng ngay trong những người có khả năng và điều kiện tham nhũng.
Dân thì khinh bỉ loại ấy lâu rồi.
Giải pháp: Loại bỏ ngay những dự án mà quan "không làm thì không có ăn". Nhưng nếu làm thì quan có ăn thì dân có bịnh tật, nghèo đói và có khi hết đường sinh sống.


@ Loài hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn nhưng có loại “Hoa sen” lại hôi tanh mùi tiền. Loại này người ta kêu bằng “hoa ăn thịt người”.

@ "Qua sông" là nhạc hiệu của đài truyền hình TP.HCM (HTV). 

- Đường ngập vì mưa to, vì triều cường, vì mưa to kết hợp với triều cường. Tất cả các Hội thảo khoa học đều kết luận như thế.
- Dân mình hiền thật, hiền quá, hiền không chịu nổi, khi hàng chục hàng trăm lần kiên trì chịu đựng những cơn ngập đường ngập xe đứng chôn chân dưới trời mưa chịu trận!
- Thế nước đang lên toàn dân chìm nghỉm :(
-..... 
Đấy là vài trong số rất nhiều stt cũ của tôi về ngập lụt ở TP.HCM, post lại cũng vẫn rất thời sự! Nhân đây, một lần nữa xin các bạn nhà báo nhớ lại lịch sử dùm:
Sài Gòn đã thất thủ từ 4.1975. Bây giờ tên chính thức của nơi này là TP. HCM. Cớ sao cứ những gì không hay thì lôi tên SG ra vậy?!
Cuối cùng là một cảm giác buồn chán x n lần!

Đành post mấy tấm hình lấy lại tinh thần vậy.

Một đoạn sông Danube ở Đức (8/2016)



Sưu tập bia (Bỉ, 9/2016)


Sec, 8/2016

Vụn vặt đời thường (122)

@ Không có đồng hồ thì không sốt ruột :)
Đi cả tuần không mang theo đống hồ, điện thoại luôn trong túi xách, giờ nào việc nấy, cũng chẳng cần nhìn đến đồng hồ. Chỉ khi ngồi trên máy bay, thói quen khi nhìn xuống cổ tay thấy trống vắng... Nhưng cần gì, đằng nào tới giờ thì máy bay cũng hạ cánh, có đồng hồ trên tay thì có bay nhanh hơn chút nào đâu, thậm chí còn "chậm hơn" là khác.
Tối nay, cũng nhờ vậy mà không sốt ruột khi cơ trưởng thông báo: vì lý do nào đó ở sân bay TSN nên máy bay phải vòng lên Đà Lạt, thời gian bay thêm khoảng 35 phút.
Vậy nên cứ yên tâm đọc sách... Chuyến bay dài 2g30 phút rồi cũng kết thúc. Trời nóng, sấm chớp ầm ì đằng xa nhưng chưa mưa... Gặp đồng chí taxi nói tiếng miền Trung, không rành đường nhưng trên xe nhạc bolero réo rắt. Vầng, đã đến Sài Gòn :)
...Lặng lẽ như thế
Ra đi rồi trở về
Bỗng ước ao được một lần
bay ngược
về phía mùa thu...


CÓ MỘT BUỔI CHIỀU MƯA TRẮNG TRỜI


Đi xa, một mình, cũng là một cái thú của nhiều người hay phải đi xa.
Đi xa mà luôn có bạn bè bên cạnh thì lúc nào cũng trò chuyện vui vẻ, ăn ngủ đầy đủ vì không phải ai cũng có thể lười ăn bỏ bữa hay cà phê chè (trà) chén rồi thức khuya đọc sách viết bài lướt mạng hay cùng lắm là mở tivi xem phim suốt đêm. Nói chung là nề nếp hơn, vì có sự lôi kéo hay “kiểm soát” của ít nhất vài người xung quanh.

Đi xa một mình tất cả những gì không thể đều có thể xảy ra.
Nghe thế chắc khối người giật mình. Nhưng yên tâm đi, cái sự không thể hay có thể lại tùy thuộc từng người, cái không của người này lại là có của người khác, cái có của mình lại là cái không của bạn. Thậm chí, có có không không chẳng ai giống ai.

Nhưng có lẽ cảm giác giống nhau khi một mình: tự do và cô đơn.
Tự do, theo nghĩa mình chỉ phải/cần làm những việc của mình, chủ động sắp xếp thời gian, không bị hối thúc, kiểm tra, không bị kiểm soát theo dõi. Tự do là đi một mình ngồi một mình có thể “treo ngược” tâm hồn trái tim con mắt lên đâu đó mà không ngại ai đó nhắc hỏi “nghĩ/nhìn/mơ màng gì đấy?”. Tự do là có thể ăn ngủ tùy thích có khi vài ngày chỉ cơm nắm muối vừng mua ở gánh hàng hè phố và cà phê đá quán cóc bên đường. Có thể ngủ/ nằm trên giường đến 8g sáng không lo bị điện thoại réo giật ngược.

Cô đơn… là cô đơn thôi, nhưng không phải là cô độc.
(Nhân tiện, có một vài người thuộc loại “trăm, ngàn like”, trên FB lúc nào cũng post những stt từ chối lời mời rủ hẹn hò của bao nhiêu “quạt cuồng”, những hình ảnh người người xúm xít nâng ly chụm đầu mắt nhìn đầy ngường mộ… vẫn không thể giấu nổi một trái tim cô độc. “Khi đau đớn bạn gọi tên ai?” - không ai cả! Vì không thể gọi bất cứ ai khi mà người có thể đến thì trước đó đã bị những đòn trí mạng từ chính người lúc này đang cô độc!)

Cô đơn ở nơi xa/ lạ là một trạng thái rất thú vị. Mình được nhìn lại mình, khám phá và hiểu chính mình và thế giới xung quanh. Cô đơn còn là không gian để viết, để trải lòng, để gửi gắm để hy vọng… Bạn cứ thử một lần cô đơn mà xem. Mà hình như không phải ai cũng biết cách cô đơn :)

Đám đông và cảm giác đang ở trong đám đông sinh ra một sức ỳ. Lạ thay sức ỳ đó rất lớn nhưng cá nhân vẫn bị đám đông cuốn đi. Sức ỳ đó lớn nhưng không đủ để cá nhân tự dừng lại và thoát ra khỏi tâm lý đám đông, chuyển tâm thức của mình sang một trạng thái mới.

Ngoài kia mưa đang trắng trời ở một nơi rất ít có ngày mưa như thế. Từ trên cao khoảng 20 tầng lầu nhìn xuống dưới kia, mọi ngả đường đều là những dòng xe hơi nối nhau kiên nhẫn chờ đèn xanh trong màn mưa dày đặc. Và một nơi nào đó có những người cũng đang kiên nhẫn chờ nhau… họ sẽ gặp nhau miễn là vượt qua được khoảng thời gian đèn đỏ bất tận…

Mưa vẫn mưa bay… ai buồn biết liền… Cô đơn, buồn, lãng mạn, sến đều là trạng thái tích cực, nhất là những người đang một mình trong ngày mưa trắng trời ở một nơi xa.

20.9.2016

AI BÚN BÌ... HÔNG...

 
Hồi cuối năm 75 nhà tôi ở một con đường gần Lăng Cha Cả. Con đường nhỏ nhưng dài, hai bên là dãy nhà phố xen lẫn những biệt thự kín cổng nhưng tường không cao, thường là hàng rào bông giấy xanh mướt rợp hoa đỏ hoa tím.

Những con hẻm cụt chỉ có vài ba nhà, đất vườn rộng trồng cây ăn trái, cây kiểng… Cuối đường là một cái chợ trời bán đồ điện máy, nhiều nhất là quạt điện, máy may, xe Honda, dàn Akai nghe nhạc… Rồi bàn ghế, nồi niêu xoong chảo, chén dĩa kiểu bán cả bộ có, lẻ bộ cũng có. Đó là đồ đạc từ những ngôi nhà vắng chủ ở xung quanh, có người ăn trộm mà người ăn kẻ ở lấy bán cũng có… Thời buổi lộn xộn, người bỏ đi rồi giữ được cái nhà là may, đồ đạc còn ai dùng mà giữ! Sau vài năm cái chợ trời này cũng tự giải tán, chắc vì không còn chôm chỉa được nữa.
 
Trên con đường ấy, mỗi xế chiều khoảng 2-3 giờ lần lượt có những gánh hàng rong đi qua, tiếng rao đủ cung bậc trầm bổng. Đầu tiên là chị bán chè “Ai chè đậu xanh, đậu trắng, táo xọn, chè thưng bột báng nước dừa hông…”. Chị đi qua rồi mà tiếng rao vẫn ngân nga trong hẻm nhỏ. Kế đến là anh “bánh chưng giò tét đây” cất tiếng cụt lủn nhưng vui vẻ xen với tiếng chiếc xe đạp của anh kêu lọc xọc… Anh chưng giò tét còn vòng lại vài lần tới khuya, lúc nào cũng có bánh nóng hổi. Rồi bà bắp nấu giọng khan khan đẩy cái xe hai bánh có thùng bắp bốc hơi nghi ngút, chị đậu hũ giọng Bắc thanh thanh đi qua rồi mà nước đường thốt nốt thơm mùi gừng còn vương lại, bà bán bánh ướt chả lụa ai mới nghe tiếng rao cũng tưởng là “sách bút đả bộ” không hiểu là bán gì, vì bà gốc người Hoa nói tiếng Việt lơ lớ. Mỗi khi một tiếng rao vang lên, người trong phố có thể đoán biết là mấy giờ, kể cả khi trời mưa cũng ít khi sai lệch.
 
Chỉ có một người thất thường, khi trưa khi chiều, có khi sẩm tối…, dù vậy nhưng bao giờ bà cũng bán hết hàng nhanh chóng. Đó là bà bún bì. Giọng miền Tây cất tiếng rao nhỏ nhẹ “Ai bún bì… hông… bún bì đây…”. Người trong phố nói bà mới xuất hiện khoảng hơn nửa năm, nghe nói chồng đi lính mà mấy ngày cuối cuộc chiến không thấy về nhà, chẳng biết sống chết thế nào, đi ở ra sao, dưới quê lộn xộn không làm gì được, bà gửi bầy con cho bên ngoại rồi lên thành phố với gánh bún bì, vừa kiếm sống vừa tìm chồng.
 
Món bún bì khá mất công. Khi có người ăn, bà bán bún bì hạ đôi gánh xuống, lấy ra chiếc thớt nhỏ bằng gỗ me và dùng chiếc khăn trắng tinh lau qua, lấy mấy miếng da heo luộc chín và dùng một con dao bén ngọt bà khéo léo lạng da heo thành từng lát mỏng dính, rồi nhanh tay xắt thành sợi nhỏ. Đến miếng thịt heo khìa nước dừa ngà màu nâu rất hấp dẫn bà cũng làm như vậy. Thịt khìa phải là thịt đùi vừa mỡ vừa nạc mềm mà không khô.
 
Để thịt và bì đã xắt vào một chiếc tô, bà xúc một muỗng thính gạo thơm lừng, thêm chút tỏi bằm nhuyễn, chút muối chút đường, trộn đều lên. Lấy chiếc tô khác bà gắp vô miếng bún đủ ăn, rồi để bì đã trộn lên trên, rưới một muỗng mỡ hành, trên cùng là lớp rau sống dưa leo cũng xắt sợi cùng với giá sống. Chan một muỗng nước mắm pha tỏi ớt, vậy là đã sẵn sàng cho người ngồi đợi đang hít hà mùi thơm của tô bún bì. Sợi bún và cọng giá trắng tinh lẫn với sợi thịt sợi bì màu nâu, sợi rau màu xanh, điểm lát ớt đỏ tỏi trắng ngà hành lá xanh… hấp dẫn quá chừng. Bởi vậy bất cứ lúc nào nghe tiếng rao “bún bì hông, bì bún đây”… thì khách quen không ai bỏ qua được. Món bún bì ăn nhẹ, dễ tiêu lại kích thích khứu giác, thị giác và cả vị giác nữa.
 
Đây là món ăn dân dã miền quê Nam Bộ nhà nào cũng biết làm. Chỉ trong chốc lát, qua đôi tay người mẹ, người chị khéo léo lạng da xắt thịt thì sẽ có ngay bữa bún bì đãi khách hay lót dạ buổi xế.
Bây giờ ít ai tự luộc và xắt bì vì rất khó làm, vì ngoài chợ đã có bán bì xắt bằng máy, sợi dài thòn đều như một nhưng ăn dai mà mất đi cái vị giòn của miếng bì tự xắt ăn ngay.
 
Sài Gòn 15.9.2016.

Vụn vặt đời thường (121)

@ Có bạn nhắn hỏi: sao chị không nói gì về vụ hai chiếc xe cứu nhau?
-        Mình có phải là “ông biết tuốt” đâu mà cái gì cũng có ý kiến J
– Mình không tham góp gì vì cho rằng, mỗi người hành xử thế nào trong lúc hiểm nghèo là tùy thuộc vào hoàn cảnh lúc ấy, hãy để người ta hành xử như một người bình thường, việc gì cần làm thì phải làm. Vấn đề là tính mạng hơn ba mươi con người được bảo toàn, vậy còn muốn gì hơn nữa!
Tâm lý trông chờ, tôn sùng, đòi hỏi người khác phải là “anh hùng” thường dẫn đến sự “hy sinh” vô nghĩa, không phải tính mạng thì là danh dự! Đừng bắt người khác phải chết thay cho “chủ nghĩa anh hùng” của đám đông!

@ Nghe ở quán cà phê.
Hai cô gái nói chuyện với nhau về bồ bịch người yêu gì đấy, một cô cười cười: này, đừng tưởng rằng đàn ông thích ngắm và khen hình sexy của mày là họ yêu mày nhé. Họ ko muốn người họ yêu phơi bày cho thằng đàn ông khác ngắm và bình phẩm đâu.
Nàng kia: Vợ vừa già vừa xấu nên các lão ấy ko dám cho khoe thân!
(Ừ, vậy cứ tự tin làm hình mẫu cho các "lão" ngắm và bình loạn đi, cô gái, cho đến khi nào cô cũng làm vợ làm mẹ)

@ Khi lưỡi nhạt thì nêm nếm kiểu gì đồ ăn cũng thấy nhạt! Càng nêm càng làm hỏng món ăn. 
Tình yêu cũng vậy. Đã nhạt nhẽo thì không nên níu kéo.

@ Bây giờ "tin tặc" không phải để chỉ hacker mà để chỉ những người làm tin dối trá!
Không lẽ lại phải dùng từ này đặt tên cho một nơi?!

@ "Công dân hạng ba tuyệt đối không thể sinh ra chính phủ hạng nhất. Nhưng một chính phủ hạng ba hoàn toàn có thể có những công dân hạng nhất... Chúng ta phải bắt đầu từng chút từ bản thân mình”.

@ “Tìm người tài chứ không tìm người nhà” – câu nói của tân Thủ tướng (vừa được quốc hội khóa 14 bầu lại) rồi dây cũng sẽ được nhắc lại như câu nói của cựu Thủ tường “ráng làm người tử tế”.
Cả hai câu đều không sai, rất đúng là khác! Nhưng vì sao phải nói ra những câu đó? Vì đang thiếu những điều như thế!
Giống như nhiều câu khẩu hiệu nói về cái cần làm (tức là đang chưa có), như “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” “Tiên học lể hậu học văn”… và …
Chợt nhận ra trong thành ngữ tục ngữ ca dao của người Việt có quá nhiều câu khuyên bảo về những điều hay lẽ phải :D
 Nhưng hình như rất ít câu dạy về sự thật thà, trung thực?!

@ Bolero được người miền Nam/ Nam bộ yêu thích vì nhiều lý do, nhưng theo tôi là vì Bolero chỉ có thể đơn ca hoặc có vài bài song ca nam nữ, chứ không thể hát "tập thể" (tốp ca đồng ca) như loại nhạc khác, kể cả khi đi karaoke :)
Bolero là tâm trạng cá nhân chứ không phải tâm trạng đám đông 
:)

@ Có to bằng con trâu thì cũng không thể cày ruộng. Nhưng mà nhiều người vẫn hay làm những việc tương tự :D



CHÚNG TA ĐỪNG ĐỂ BỊ XAO LÃNG!




 Những năm gần đây cùng với sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội là sự xuất hiện của nhiều người viết trẻ và lạ. Trẻ không chỉ tuổi đời mà là thời gian họ làm quen với cộng đồng qua trang viết của mình chưa lâu, lạ vì họ nhìn nhận các vấn đề xã hội từ góc nhìn mang tâm thức một cá nhân mà nghề nghiệp và môi trường sống ghi lại dấu ấn khá rõ ràng qua từng bài viết. Với tôi, Dương Trọng Huế là một trường hợp như vậy.

Cuốn sách của Dương Trọng Huế có ba phần nội dung nhưng cùng chung chủ đề về “con người trong thời đại truyền thông”. Từ vai trò và sự hiểu biết của một người giảng dạy và làm về truyền thông, những bài viết từng đã in trên báo chí của Dương Trọng Huế được tập hợp trong tập sách này đã mang lại cho người đọc sự cảm nhận và lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội của thời đại mà truyền thông thống lĩnh và tác động vào con người mọi lúc mọi nơi. Phân tích của tác giả qua từng bài viết một lần nữa cho thấy, cuộc sống trên mạng “ảo” mà rất thật bởi nó làm bộc lộ một phần, thậm chí nhiều phần của con người, từ sâu thẳm tâm tư đến cá tính hay thói quen, từ nghề nghiệp đến “trường quan hệ xã hội”, từ quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống đến giây phút xao động thoáng qua nào đó… 

Dấu ấn rất “Huế” trong tập sách là cách viết nhẹ nhàng và nhiều khi hóm hỉnh về các vấn đề xã hội khô khan hay dễ đụng chạm, là những ký ức đầy yêu thương nhưng không ít day dứt của một người xa quê, đồng thời hòa hợp với dấu ấn của một con người thời hội nhập thông qua nghề nghiệp hiện đại và môi trường sống của mình. Vì vậy người có tuổi như tôi cũng dễ dàng đồng cảm cùng anh những góc nhìn đầy cảm xúc mà những người trẻ chắc chắn cũng dễ chia sẻ  những phân tích rạch ròi lý tính của anh. Khi chúng ta có thể đến với nhau từ sự quan tâm đến thực trạng xã hội, chia sẻ những điều tử tế bằng những bài viết trên báo chí hay trên mạng xã hội, có nghĩa là chúng ta chưa bị “thời đại truyền thông” làm cho xao lãng!

Có lẽ mang tâm thức của một người viết không chuyên - một facebooker - nên Dương Trọng Huế đã viết một cách thoải mái, những gì anh chia sẻ đều có “vấn đề” thực sự và anh chỉ chia sẻ khi hiểu biết về nó. “Gốc” có sâu thì  cây mới có thể vươn cao lên bầu trời xanh, cái gốc của người viết là tình cảm sâu sắc với quê hương và sự hiểu biết vững vàng, thái độ nhân văn hướng thiện về những gì mình viết. Dương Trọng Huế đã thể hiện được điều đó trong tập sách này.
Mà tôi nghĩ, cái gốc ấy không chỉ cần cho một người viết!

Sài Gòn 20 tháng 8 năm 2016

 

CHUYỆN PHIẾM SỬ HỌC của TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG




Tôi đọc cuốn sách mới gồm nhiều tiểu luận ngắn của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường vẫn với sự thích thú và… tò mò như mỗi lần tôi đọc các công trình của ông. Thích thú vì những góc nhìn lạ, sự lý giải bất ngờ cho những sự kiện lịch sử, tuy không phải lúc nào cũng làm người đọc có chút kiến thức phải “tâm phục khẩu phục”; tò mò vì không biết trong cuốn sách này ông sẽ “bóng gió” xa gần chuyện gì đây? “ôn cố NHI tri tân” – ôn cũ ĐỂ MÀ biết mới, chuyện mới nào ta sẽ hiểu/biết qua những câu chuyện cũ nhân vật cũ mà ông “điểm mặt”?

Những câu chuyện lịch sử qua góc nhìn của Tạ Chí Đại Trường lan man nhưng không linh tinh, mọi chuyện đều từ cứ liệu lịch sử. Vẫn từ phương pháp so sánh và liên kết các nguồn sử liệu ông “bóc trần” những sự kiện ẩn sau “chính sử”, đưa triều đình từ nơi cung cấm ra xã hội và vua quan không phải  là vị thần uy nghi mà cũng là “dân thường” qua những sinh hoạt, ứng xử đậm tính “truyền thống” hay mang đặc trưng của dòng họ, của văn hóa vùng miền.

Cuốn sách gồm sáu tiểu luận về những vấn đề xưa nay hầu như chưa được đặt ra trong chính sử như vai trò quan trọng của nó cần được như vậy. Đó là các tiểu luận SEX VÀ TRIỀU ĐẠI, “TIỀN BẠC” – VĂN CHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ; THÊM CHÚT TIỀN CHO TOÀN THƯ; THẦN TIỀN VÀ TIỀN THẦN; TÂY TIẾN, và TRẦN. Những vấn đề được bàn đến hoàn toàn không vắng bóng trong sử cũ, nhưng ghi chép rải rác, lướt qua, như là “tiện thể”… Cũng không khác được vì các bộ sử xưa ghi chép theo biên niên, tôn trọng lịch đại của sự kiện mà sự đồng đại phải “nhờ” người đọc tinh ý liên hệ xâu chuỗi lại dựng nên một bức tranh toàn cảnh.

Đọc và hiểu lịch sử từ sử liệu và ”dưới” ngôn từ ghi chép của sử liệu – đó là cách tiếp cận những sự thật khác của xã hội quá khứ, ngoài những gì được ghi chép chỉn chu trong chính sử. Tất nhiên những suy luận, suy đoán không thể vô căn cứ. Nhờ cách đọc “liên ngành, xuyên ngành” của Tạ Chí Đại Trường mà người đọc hiểu thêm những “ẩn ức” và hiện thực về tính dục và giới tính trong không gian các triều đại phong kiến mà không ít trường hợp góp phần giải mã sự kiện lịch sử hay là căn nguyên sâu xa những hành xử của một nhân vật. Nói chuyện về tiền bạc Tạ Chí Đại Trường cảnh giác người nghiên cứu về sự nhầm lẫn thậm chí sai lạc khi định niên đại của những đồng tiền quý hiếm mà không khảo về hoàn cảnh xã hội khi đồng tiền đó được đúc ra. Điểm lại quan hệ ngoại giao của Đại Việt với lân bang phía tây ông cho thấy vai trò của những thổ hào không thuộc tộc người “kinh/việt” và ảnh hưởng của họ đến các triều đại Đại Việt. Đặc biệt khảo luận về thời TRẦN từ nguồn gốc đến những giai đoạn vẻ vang của triều Trần, từ mối quan hệ phức tạp chằng chéo của dòng họ đến mối quan hệ triều chính, sự lồng ghép những quan hệ huyết thống và xã hội… cho thấy một triều đại rất đặc biệt và đặc thù của thời kỳ phong kiến Đại Việt. 

Sự giải thích, giải nghĩa hiện tượng lịch sử như trong tập sách này làm người đọc thích thú, nhờ đó có thể tự mình tìm hiểu lịch sử mà không quá phụ thuộc vào sự ghi chép của sử gia. Lịch sử là gì nếu không là sự tự nhận thức của mỗi người, nhất là từ bài học quá khứ nhận thức được về ngày hôm nay?

Sử học hiện đại luôn cung cấp cái nhìn đa chiều cho người đọc, cả về (và đặc biệt) những vấn đề của quá khứ. Tập sách này của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường là theo xu hướng ấy.

Nguyễn Thị Hậu (Thời báo kinh tế Sài Gòn 31/8/2016)
·        Nhà xuất bản Tri Thức và Công ty sách Nhã Nam, phát hành tháng 4/2016


 


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...