CHÚNG TA ĐỪNG ĐỂ BỊ XAO LÃNG!




 Những năm gần đây cùng với sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội là sự xuất hiện của nhiều người viết trẻ và lạ. Trẻ không chỉ tuổi đời mà là thời gian họ làm quen với cộng đồng qua trang viết của mình chưa lâu, lạ vì họ nhìn nhận các vấn đề xã hội từ góc nhìn mang tâm thức một cá nhân mà nghề nghiệp và môi trường sống ghi lại dấu ấn khá rõ ràng qua từng bài viết. Với tôi, Dương Trọng Huế là một trường hợp như vậy.

Cuốn sách của Dương Trọng Huế có ba phần nội dung nhưng cùng chung chủ đề về “con người trong thời đại truyền thông”. Từ vai trò và sự hiểu biết của một người giảng dạy và làm về truyền thông, những bài viết từng đã in trên báo chí của Dương Trọng Huế được tập hợp trong tập sách này đã mang lại cho người đọc sự cảm nhận và lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội của thời đại mà truyền thông thống lĩnh và tác động vào con người mọi lúc mọi nơi. Phân tích của tác giả qua từng bài viết một lần nữa cho thấy, cuộc sống trên mạng “ảo” mà rất thật bởi nó làm bộc lộ một phần, thậm chí nhiều phần của con người, từ sâu thẳm tâm tư đến cá tính hay thói quen, từ nghề nghiệp đến “trường quan hệ xã hội”, từ quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống đến giây phút xao động thoáng qua nào đó… 

Dấu ấn rất “Huế” trong tập sách là cách viết nhẹ nhàng và nhiều khi hóm hỉnh về các vấn đề xã hội khô khan hay dễ đụng chạm, là những ký ức đầy yêu thương nhưng không ít day dứt của một người xa quê, đồng thời hòa hợp với dấu ấn của một con người thời hội nhập thông qua nghề nghiệp hiện đại và môi trường sống của mình. Vì vậy người có tuổi như tôi cũng dễ dàng đồng cảm cùng anh những góc nhìn đầy cảm xúc mà những người trẻ chắc chắn cũng dễ chia sẻ  những phân tích rạch ròi lý tính của anh. Khi chúng ta có thể đến với nhau từ sự quan tâm đến thực trạng xã hội, chia sẻ những điều tử tế bằng những bài viết trên báo chí hay trên mạng xã hội, có nghĩa là chúng ta chưa bị “thời đại truyền thông” làm cho xao lãng!

Có lẽ mang tâm thức của một người viết không chuyên - một facebooker - nên Dương Trọng Huế đã viết một cách thoải mái, những gì anh chia sẻ đều có “vấn đề” thực sự và anh chỉ chia sẻ khi hiểu biết về nó. “Gốc” có sâu thì  cây mới có thể vươn cao lên bầu trời xanh, cái gốc của người viết là tình cảm sâu sắc với quê hương và sự hiểu biết vững vàng, thái độ nhân văn hướng thiện về những gì mình viết. Dương Trọng Huế đã thể hiện được điều đó trong tập sách này.
Mà tôi nghĩ, cái gốc ấy không chỉ cần cho một người viết!

Sài Gòn 20 tháng 8 năm 2016

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...